thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 1 - tháng 3/2004

 


 
 

Châu Á sau 11/9:

Thử thách mới, cơ hội mới [1]

 

 Trần Quốc Hùng *

                                                       

 

 

I. Thay Đổi Cục Diện Chính Trị và Kinh Tế Thế Giới

 

Cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, tuy là một sự kiện đơn lẻ với những nguyên nhân đặc thù của nó, đã đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong cục diện thế giới. Trong gần hai năm qua, bốn sự kiện lớn đã ảnh hưởng sâu đậm đến bối cảnh chính trị và kinh tế thế giới, cũng như mối quan hệ giữa các cường quốc. Vì thế, bối cảnh bên ngoài cho công cuộc phát triển kinh tế của các nước châu Á trở nên phức tạp và nhiều thử thách hơn. Đồng thời nó cũng nâng cao vai trò và giá trị của việc tăng cường hợp tác trong khu vực, để đối phó với tình hình bất ổn định trên thế giới.

 

A.    Suy thoái kinh tế và vở bong bóng thị trường chứng khoán

 

Trong gần suốt thập kỷ 1990, kinh tế Mỹ, và trong chừng mực ít hơn Tây Âu, đã tăng trưởng nhanh, nhờ đầu tư rất nhiều vào công nghiệp tin học và viễn thông, làm cho thị trường chứng khoán tăng giá vượt bực. Từ đầu năm 2000 đến đầu năm 2003, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu vỡ bong bóng, giá giảm khoảng 50%. Kinh tế Mỹ và Tây Âu rơi vào suy thoái trong năm 2001, và cho đến nay vẫn còn tăng trưởng chậm. Tình trạng tăng trưởng chậm có khả năng kéo dài trong tương lai, vì nền kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn điều chỉnh, sau giai đoạn tăng trưởng, của chu kỳ đầu tư (investment cycle). Trong giai đoạn tăng trưởng, đầu tư tăng nhanh làm cho suất tăng trưởng kinh tế lên cao, cho tới khi khối tư bản cố định trở nên dư thừa so với mức cầu thì lợi nhuận tư bản và chi tiêu đầu tư giảm xuống. Nền kinh tế bị suy thoái và tăng trưởng chậm trong thời gian lâu dài để có thể triệt tiêu mức dư thừa khối tư bản cố định. Khi hết dư thừa, suất lợi nhuận sẽ được phục hồi, như thế sẽ kích thích chi tiêu đầu tư mới và làm cho kinh tế tăng trưởng nhanh hơn. Nói chung, giai đoạn tăng trưởng và suy thoái trong chu kỳ đầu tư kéo dài hơn so với các giai đoạn tương tự trong chu kỳ hàng tồn kho (inventory cycle), vẫn thường xảy ra trong nửa thế kỷ sau Thế Chiến II.

 

Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm làm suất tăng trưởng thương mại thế giới .cũng giảm xuống. Kim ngạch thương mại thế giới (sau khi trừ lạm phát) đã không tăng trong năm 2001, và chỉ tăng 2,9% trong năm 2002 so với suất trung bình 6% trong 30 năm qua. Điều này làm cho kinh tế nhiều nước Đang Phát Triển (ĐPT), vốn phụ thuộc vào ngoại thương, bị suy thoái hay ngưng trệ–góp phần vào việc gây ra khủng hoảng kinh tế ở môt số nước. Thêm vào đó, nhiều công ty lớn ở Mỹ, và một số công ty ở châu Âu, đã dính líu tới nhiều vụ xì-căng-đan, chủ yếu là dối trá trong việc khai báo lợi tức để thổi phồng giá cổ phiếu của mình. Tất cả các điều này đã gây ra khủng hoảng lòng tin trong giới đầu tư và công chúng đối với độ tin cậy và sự trong suốt của thị trường tài chánh và hệ thống kế toán, kiểm toán của Mỹ, nói riêng, và mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên thị trường tài chánh toàn cầu và tự do hoá, nói chung.[2]  Để khôi phục lại lòng tin của công chúng, Quốc Hội Mỹ đã ban hành Luật Sarbanes-Oxley (2002) đòi hỏi các công ty ở Mỹ phải tăng cường việc báo cáo tài chính, quan trọng nhất là bắt chủ tịch công ty phải chứng nhận báo cáo tài chính của công ty là chính xác--với trách nhiệm hình sự. Luật này đang tạo ra tâm lý bất ổn trong giới doanh nghiệp Mỹ, phần nào làm tăng phí tổn kinh doanh ở Mỹ và góp một phần đưa tới tình trạng công ty  đầu tư ít.   

 

Tuy nhiên, có hai điều nổi bật trong tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm như hiện nay:

 

     Tuy kinh tế Mỹ bị suy thoái trong năm 2001, và giá chứng khoán bị giảm, năng suất lao động vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn so với thời điểm tương tự trong các chu kỳ kinh tế sau Thế Chiến II. Trong năm 2002, năng suất lao động ngoài nông nghiệp tăng 4,8%–là mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1950. Thêm vào đó, hiện nay cả chính sách tài chánh (bội chi ngân sách liên bang có thể lên tới 3% GDP trong năm nay) lẫn tiền tệ (lãi suất chính sách giảm nhiều lần xuống còn 1%--là mức thấp nhất trong vòng 45 năm qua), và việc đồng đôla giảm giá so với đồng euro và yen trong năm qua, đều có tác dụng kích cầu rất lớn. Nhờ vậy, kinh tế Mỹ đã phục hồi tương đối nhanh hơn trong sáu tháng qua, và có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ hơn châu Âu và Nhật trong năm tới.

     Châu Âu có thể tăng trưởng chậm hơn nữa trong tương lai gần, vì suất tăng trưởng lực lượng lao động chậm và ngày càng giảm, trong khi năng suất lao động tính trên đầu người thấp hơn Mỹ (tuy năng suất lao động tính trên giờ làm việc cao gần bằng Mỹ). Đặc biệt, tình trạng kinh tế trì trệ ở Đức đã trở thành gánh nặng làm suy yếu sức tăng trưởng của khu vực đồng euro. Từ khi thống nhất nước Đức (1991) cho đến nay, kinh tế Đức tăng trưởng trung bình mổi năm 1,4%–chỉ hơn một tí so với suất tăng trưởng trung bình 1% của Nhật, vốn là nước đã rơi vào khủng hoảng giảm phát (deflation: liên tục giảm chỉ số lạm phát) trong nhiều năm qua. Kinh tế Đức trì trệ vì bị kìm hảm bởi các yếu tố có tính chất cơ cấu, và cùng lúc chịu các tác động tiêu cực khi áp dụng chính sách tài chính và tiền tệ cho cả khu vực đồng euro vào nước Đức. Về mặt cơ cấu, gánh nặng thuế má cao nhằm tài trợ cho các phúc lợi xã hội, và hệ thống luật lệ bảo hộ lao động cứng nhắc đã làm cho cơ cấu giá sản xuất ở Đức rất cao và mất tính cạnh tranh. Tình trạng này đã thúc đẩy các công ty Đức chuyển đầu tư sang các nước Đông Âu và các nước ĐPT khác, và hậu qủa là giảm khả năng tạo ra việc làm ở nước Đức. Từ khi khu vực đồng euro ra đời (1999), chính sách tiền tệ chung đã tỏ ra không thích hợp với hoàn cảnh cá biệt của mỗi nước. Lãi suất chính sách của khu vực đồng euro hiện nay là 2%--quá  thấp đối với các nước có suất tăng trưởng và lạm phát cao như Ireland, Tây Ban Nha hay Hy Lạp, nhưng lại quá cao đối với Đức có suất tăng trưởng và lạm phát thấp, dưới 1%. Thêm vào đó, Hiệp Định Tăng Trưởng và Ổn Định (Growth and Stability Pact–nền tảng pháp lý cho việc phối hợp chính sách tài chánh trong khu vực đồng euro, bổ túc cho Hiệp Định Maastricht về chính sách tiền tệ chung) đòi hỏi chính quyền mỗi nước thành viên phải có biện pháp tăng thu, giảm chi khi thiếu hụt ngân sách vượt quá mức 3%  GDP. Vì thiếu hụt ngân sách đã quá 3%  GDP, Đức phải áp dụng chính sách tài chánh giảm cầu, trong khi đáng lẽ phải thực hiện chính sách kích cầu để giúp nền kinh tế thoát khỏi trì trệ như hiện nay. Kết qủa là Đức đã bị suy thoái (GDP của Đức giảm 0,2% trong quý IV 2002 và I 2003); suất thất nghiệp tăng lên mức cao nhất so với các nước OECD (10,7%); tỷ lệ phá sản trong các công ty vừa và nhỏ–vốn là xương sống của kinh tế Đức–lên tới mức kỷ lục; hệ thống ngân hàng Đức bị thua lỗ trầm trọng; và thị trường chứng khoán ở Đức bị sụt giá nhiều nhất so với Mỹ, Anh hay các nước châu Âu khác. Một nền kinh tế trì trệ trong thời gian dài như thế không thể bảo đảm cho hệ thống phúc lợi xã hội hậu hĩ như Đức đang có. Trong trung hạn, khả năng tài trợ cho hệ thống phúc lợi xã hội sẽ càng yếu kém, vì tình trạng giảm suất tăng dân số và lão hoá sẽ làm cho tỷ số người hưu trí so với người lao động tăng quá cao. Hiện nay chi ngân sách để tài trợ hưu bổng công cộng đã lên tới khoảng 12% GDP ở Đức (và Pháp), so với 8% ở Nhật và khoảng 4,3% ở Mỹ và Anh. Tình hình này đòi hỏi Đức phải cải cách cơ cấu một cách mạnh mẽ để hồi phục tính năng động và sức cạnh tranh của mình trong nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế Đức có tăng trưởng mạnh thì mới có khả năng cải thiện tài chánh công để bảo đảm cho nhu cầu hưu bổng. Thế nhưng xã hội Đức nói chung bảo thủ, chống thay đổi; giới lãnh đạo chính trị Đức không có khả năng vạch ra chương trình cải cách và tạo sự đồng thuận trong xã hội để thực hiện sự cải cách. Vì vậy Đức rơi vào khủng hoảng niềm tin vào định chế chính trị và kinh tế, và sự khủng hoảng này càng làm tê liệt sức tăng trưởng kinh tế. Khả năng Đức cũng bị khủng hoảng giảm phát như Nhật có nguy cơ tăng cao.

     Vì những lý do trên, sự phồn thịnh của nền kinh tế toàn cầu ngày càng lệ thuộc vào kinh tế Mỹ,  không thể trông chờ vào sự kích thích tăng trưởng từ  kinh tế châu Âu và Nhật. Sự phụ thuộc này càng lớn hơn đối với rất nhiều nước đang phát triển (ĐPT), vốn cần tăng trưởng xuất khẩu để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này làm cho nền kinh tế toàn cầu mất cân đối và có nhiều nguy cơ mất ổn định. Kinh tế Mỹ cần tăng trưởng mạnh hơn để kích thích kinh tế toàn cầu, nhưng như thế lại tăng mức thiếu hụt trong cân thanh toán thường xuyên của Mỹ (hiện nay đã hơn $500 tỷ hay 5% GDP một năm). Sự thiếu hụt khổng lồ như thế trong cân thanh toán thường xuyêncủa Mỹ không thể tiếp tục mãi được, nhưng trước mắt chưa thấy có khả năng nào có thể giảm tình trạng mất cân đối trong cân thanh toán thế giới mà không gây ra khủng hoảng giảm phát cho toàn thế giới—nhất là khi đồng đôla Mỹ tiếp tục mất giá so với đồng euro, yen và các đồng tiền khác.

     Quan trọng hơn cả, khủng hoảng giảm phát đang phát triển ở Nhật, Hồng Kông, Đài Loan, và có khả năng xảy ra ở Đức. Khả năng khủng hoảng giảm phát lây lan ra nhiều nước khác hiện tuy còn nhỏ, nhưng có thể tăng cao hơn trong tương lai nếu kinh tế Âu Châu và Nhật vẫn không hồi phục. Khủng hoảng giảm phát toàn cầu vì vậy đã trở thành bóng đen đe dọa nền kinh tế thế giới.                                                                   

 

B.    Khủng hoảng tài chánh ở Nam Mỹ

 

Kinh tế các nước châu Mỹ La Tinh tăng trưởng tương đối nhanh trong hai thập kỷ 1960 (GDP tăng trên 5% mỗi năm) và 1970 (GDP tăng 5,9% mỗi năm) khi các nước này bắt đầu công nghiệp hoá. Tuy nhiên trong thời gian này, châu Mỹ La Tinh đã phạm hai sai lầm cơ bản là tăng cường bảo hộ mậu dịch (kể cả việc chú trọng áp dụng chính sách thay thế nhập khẩu) làm cho ngoại thương chậm phát triển, và mở rộng khu vực công (kể cả doanh nghiệp nhà nước) làm cho nó qúa cồng kềnh và lãng phí. Ngân sách nhà nước bị thiếu hụt triền miên làm cho công nợ lên quá cao, dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ ngân hàng trong thập kỷ 1980. Trong thập kỷ “bị mất” này (the lost decade) suất tăng trưởng trung bình hàng năm chỉ còn có 1,9% và suất tăng trưởng GDP trên đầu người trở thành âm (-0,1%).

 

Các nước châu Mỹ La Tinh đã hồi phục và tăng trưởng khá nhanh trong thập kỷ 1990  (GDP tăng 3,1% một năm, và GDP trên đầu người tăng 1,4%). Sự tăng trưởng này chủ yếu dựa trên lượng tư bản lớn, gồm cả đầu tư trực tiếp và công trái, đổ vào châu Mỹ La Tinh. Trong thập kỷ vừa qua, các nước này đã tiến hành cải cách và đơn giản hoá luật lệ trong nhiều lãnh vực như tài chánh ngân hàng, công nghiệp tin học và viễn thông, điện nước; tư nhân hoá một số doanh nghiệp có vốn nhà nước; và tự do hoá các giao dịch trong cân thanh toán vốn (capital account of the balance of payments). Ngoài ra, một số nước cũng gắn chặt nội tệ với đồng đôla Mỹ, như Brazil với chính sách Real (1 real=1 đôla), hay đôla hoá hoàn toàn, như Argentina, Uruguay, Ecuador nhằm giảm mức lạm phát phi mã thường xảy ra ở các nước này. Kết qủa là suất lạm phát giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử các nước này, góp phần tăng trưởng kinh tế (xuất khẩu tăng 9% một năm, nhanh nhất trong lịch sử kinh tế khu vực) và thu hút lượng đầu tư lớn như đã nói trên (lượng FDI bằng 4 lần so với 10 năm trước). Ngoài ra, năng suất lao động ở một số ngành và doanh nghiệp tiên tiến nhất cũng có tăng. Tăng trưởng kinh tế cũng giúp cho chi tiêu xã hội tăng. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả, thể chế dân chủ đã được chấp nhận và áp dụng khắp khu vực, đẩy lùi các cuộc đảo chánh và chế độ quân phiệt vào lịch sử. Tuy nhiên nhiều nước châu Mỹ La Tinh (nhất là ở Nam Mỹ) đã thất bại trong việc cải cách tài chánh công. Ngân sách nhà nước luôn luôn bị thiếu hụt, do thất thu thuế (như ở Argentina, chỉ có 13% lực lượng lao động chịu đóng thuế, những người giàu có hay trung lưu, hành nghề tự do như bác sĩ, luật sưthì trốn thuế) và chi tiêu quá lớn vào việc tái phân phối lợi tức và tài trợ tiêu thụ–những khoản chi ngân sách không góp phần tăng năng suất của nền kinh tế. Chính phủ các nước này phải phát hành công trái nội tệ ở trong nước, và công trái ngoại tệ ở cả trong nước và trên thế giới. Tỷ lệ công nợ trên GDP vì vậy lên cao. Cải cách trong lãnh vực ngoại thương tuy có nhưng yếu ớt, nên tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP vẫn còn thấp hơn một nửa so với tỷ lệ ở các nước châu Á. Khi nền kinh tế thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại, kinh tế của các nước châu Mỹ La Tinh cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là thiếu hụt ngân sách tăng cao. Giới đầu tư thế giới bắt đầu nghi ngờ khả năng trả nợ của các nước này. Luồng đầu tư tư nhân nước ngoài giảm xuống, mức đào thoát tư bản từ trong nước tăng lên, và các nước này rơi vào khủng hoảng tài chánh.

 

Khủng hoảng này có hai đặc điểm so với các cuộc khủng hoảng tài chánh trước đây.

 

     Vì có “thành tích” là không có khả năng kìm chế lạm phát, chính phủ các nước này phải gắn liền giá trị nội tệ với đồng đôla Mỹ (indexed to the US dollar) khi phát hành công trái nội tệ, để bảo đảm giá trị cho người mua. Vì thế khi giới đầu tư thế giới bắt đầu mất lòng tin, đồng nội tệ bị phá giá và làm tăng trị giá của khối công trái nội tệ. Tỷ lệ công nợ (công trái nội tệ và ngoại tệ) trên GDP vì thế tăng vọt lên, càng giảm thiểu khả năng trả nợ của chính phủ. Thị trường tài chánh mất tin tưởng, đồng nội tệ càng mất giá, và khủng hoảng càng trầm trọng thêm–theo trình tự của một vòng xoáy ốc hiểm ác (vicious cycle).

     Ngân hàng ở các nước này đã đầu tư rất nhiều vào công trái, một phần vì cho rằng công trái có chất lượng tín dụng (credit quality) tốt hơn so với con nợ doanh nghiệp tư nhân, một phần vì áp lực của nhà nước cần bán công trái để tài trợ thiếu hụt ngân sách. Khi chính phủ bị khủng hoảng nợ, phải đảo nợ (giảm gánh nặng trả nợ, vì thế giảm giá trị công trái), thì hệ thống ngân hàng bị khủng hoảng phá sản (vì giá trị bên tích sản trong bảng cân đối tài chánh bị giảm quá nhiều so với bên tiêu sản). Khủng hoảng phá sản hệ thống ngân hàng làm tê liệt nền kinh tế, khiến cho cuộc khủng hoảng càng trầm trọng và kéo dài thêm.

 

Khi bắt đầu xảy ra khủng hoảng, chính sách đối phó của chính phủ rất quan trọng trong việc hồi phục niềm tin của thị trường tài chánh thế giới hoặc làm cho khủng hoảng trầm trọng thêm. Kinh nghiệm của Argentina và Brazil đã chứng tỏ điểm này.

 

Trong quý IV 2001, thị trường tài chánh sôi động tăng áp lực đối với tỷ giá 1 peso=1 đô la (vốn là điểm cơ bản của kế hoạch chuyển đổi “convertibility plan” mà chính phủ Menem đã ban hành từ đầu thập kỷ 1990 để giảm suất lạm phát từ cả ngàn phần trăm xuống mức một con số), chính phủ Argentina tuyên bố quỵt nợ, phá giá và thả nổi đồng peso, và bắt chuyển đổi các khoản nợ và ký thác ngân hàng bằng đôla thành ra peso. Nhưng vì mục đích mị dân, chính phủ ra lệnh ngân hàng phải đổi các chương mục ký thác ngân hàng (là tiêu sản của ngân hàng) với tỷ giá 1 đôla=1,4 peso, trong khi phải đổi các món nợ ngân hàng (là tích sản của ngân hàng) theo tỷ giá 1=1. Cách đổi như thế có lợi cho người vay tiền ngân hàng và người ký thác tiền vào ngân hàng, nhưng làm cho cả hệ thống ngân hàng phá sản, vì bỗng chốc tích sản bị giảm 40% so với tiêu sản, xóa sạch số vốn tự có của hệ thống ngân hàng. Hơn thế nữa, hành động này vi phạm Hiến Pháp và luật lệ của chính Argentina, nhất là việc nhà nước xâm phạm thô bạo và hủy bỏ các giao kèo thương mại. Nền kinh tế vì vậy bị tê liệt, làm khủng hoảng thêm trầm trọng. Chính quyền các tỉnh vì thiếu hụt ngân sách nên in tiền địa phương hay trái phiếu để trả công nhân viên, làm cho tình trạng tiền tệ càng thêm rối ren, và gây ra nguy cơ lạm phát bùng nổ trở lại. Thay vì tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách, như khôi phục hệ thống ngân hàng để nó có thể tài trợ cho các hoạt động kinh tế, các ngành của chính quyền Argentina (Hành Pháp, Quốc Hội và Tối Cao Pháp Viện) đã có rất nhiều tuyên bố và hành động mị dân và mâu thuẫn nhau, làm cho tình trạng khủng hoảng càng thêm phức tạp. Những lời tuyên bố của Tổng Thống Kirchner vừa đắc cử (không do chính thức bầu cử, mà do Menem, ứng cử viên đối lập duy nhất trong vòng hai, rút lui vào giờ chót) cũng không gây được sự tin tưởng là chính quyền Argantina có thể nhanh chóng cải thiện tình hình ở nước này.

 

Kinh nghiệm của Brazil thì ngược hẳn lại. Trong quý II 2002, cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Brazil trở nên sôi động. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Argentina đang lan rộng, những lời tuyên bố tranh cử có tính chất “tả khuynh” của ông Luiz Inácio Lula da Silva (như sẽ tái cấu trúc nợ, hay không trả nợ cho người đầu tư nước ngoài v.v.) làm giới đầu tư nghi ngờ sự cam kết và khả năng chính phủ sẽ trả nợ sòng phẳng, và bắt đầu bán công trái Brazil trên thị trường thứ cấp. Lãi suất ở Brazil tăng cao, đồng real mất giá nặng nề, và Brazil bị khủng hoảng tài chánh. Nhưng sau khi ông Lula đắc cử tổng thống trong tháng 10/2002, chính phủ mới đã tuyên bố và áp dụng chính sách kinh tế xã hội có trách nhiệm. Để khôi phục lòng tin của thị trường tài chánh, chính phủ duy trì ngân sách khắc khổ, nâng tỷ lệ thặng dư ngân sách nguyên cấp (primary budget surplus–thặng dư ngân sách trước khi trả lãi nợ công từ 3,9% lên 4,25% so với GDP. Ngân hàng quốc gia Brazil cũng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và giảm kỳ vọng lạm phát (sau khi khôi phục lòng tin của thị trường, ngân hàng quốc gia đã bắt đầu giảm lãi suất từ cuối tháng Sáu). Chính phủ cũng chuẩn bị dự án luật để cải cách chế độ hưu bổng (rất hậu hĩ cho tầng lớp trung lưu và nhân viên nhà nước, nhưng là một gánh nặng to lớn, chiếm gần 50% ngân sách nhà nước) và thu thuế (để chống thất thu và làm cho hệ thống thuế công bằng hơn). Những cải cách này sẽ huy động thêm tài nguyên ngân sách để tài trợ cho các chương trình phúc lợi xã hội mà ông Lula đã hứa hẹn trong lúc tranh cử. Chính phủ cũng chuyển các khoản chi từ ngân sách quốc phòng sang ngân sách xã hội. Kết qủa là thị trường tài chính ở Brazil đã bắt đầu ổn định trở lại, đồng real tăng giá 25% so với đồng đôla trong 6 tháng qua, và lãi suất công trái ngoại tệ Brazil giảm từ 25% cao hơn lãi suất công trái Mỹ xuống còn khoảng 7,5%. Chính sách của Lula cũng đã tranh thủ đươc sự ủng hộ trong nội bộ đảng Lao Động của ông, và một số đảng đối lập, giúp cho chính phủ thiểu số của Lula hy vọng có đủ số phiếu trong Quốc Hội để thông qua các dự luật cải cách. Kinh tế Brazil dự tính sẽ tăng trưởng khoảng 3,5% trong năm nay. Trong tháng Tư vừa qua, Brazil đã thành công trong việc phát hành 1 tỷ đôla công trái toàn cầu (global bond), sau đó trong tháng Sáu đã phát hành thêm 1,25 tỷ nữa--đánh dấu sự kiện Brazil đã vượt qua khỏi khủng hoảng.

 

Khủng hoảng tài chánh ở Nam Mỹ sau một thập kỷ thực hiện một số cải cách theo khuynh hướng tự do hoá đã làm nhiều người đặt câu hỏi là liệu những cải cách này có thực sự phát triển đất nước hay không. Thập kỷ vừa qua đã cung cấp rất nhiều bài học kinh nghiệm phong phú về thực chất và trình tự hợp lý của quá trình cải cách, cũng như những nguy cơ có thể xảy ra khi mở cửa quá sớm thị trường vốn.[3] Bài học lớn nhất có lẽ là ý thức được sự phức tạp cũng như vai trò và tầm quan trọng của định chế trong quá trình phát triển kinh tế.[4] Sự khác biệt trong kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng ở Argentina và Brazil như vừa trình bày, và thành công to lớn trong quá trình cải cách ở Trung Quốc (xem phần kế tiếp) cho thấy thử thách đối với các nước ĐPT là phải cải cách và xây dựng các định chế về quản lý công quyền và kinh doanh lành mạnh và hữu hiệu để có thể hội nhập và phát triển trong nền kinh tế toàn cầu hoá.[5] Ở thời điểm này mà còn đưa ra những chính sách mị dân hay duy ý chí, hay những luận điệu đơn giản, như thời kỳ 1960-70, thì chỉ làm cho các nước chậm phát triển càng thêm suy thoái và kiệt quệ. 

 

 

C.    Kinh tế Trung Quốc (TQ) trở thành thử thách cho toàn thế giới

 

Chỉ hơn một năm sau khi gia nhập WTO, TQ đã bắt đầu trở thành cơ sở chế biến công nghiệp cho nền kinh tế toàn cầu. Một vài thí dụ cụ thể sẽ minh họa điểm này.

 

     TQ sản xuất 60% số xe đạp tiêu thụ trên toàn thế giới (80% số xe đạp bán ở Mỹ)

     TQ sản xuất hơn một nửa số giầy dép tiêu thụ trên toàn thế giới.

     Thị phần của TQ trong thị trường hàng dệt may thế giới, hiện là 20%, dự tính sẽ tăng lên 50% sau khi WTO bãi bỏ chế độ quota MFA (Multilateral Fiber Agreement) trong năm 2005. Lý do: giá thành rẻ nhất thế giới với lương công nhân 40 xu một giờ.

     TQ là nước sản xuất và sử dụng máy điện thoại di động cầm tay nhiều nhất thế giới (sản xuất 200 triệu chiếc trong năm 2002, chiếm thị phần 16% trên toàn thế giới).

     Thị phần thế giới của TQ trong một số hàng điện/điện tử khác: máy DVD (51%), máy lạnh (37%), lò viba [microwave ovens] (33%), máy tính điện tử trên bàn [desktop computers] (29%), tủ lạnh (26%), máy giặt (26%), máy VCR (26%), TV màu (25%), notebook computers (12%).

 

TQ đạt được vai trò này là nhờ liên tục áp dụng trong một thời gian dài (1/4 thế kỷ) chính sách mở cửa và hội nhập với nền kinh tế thế giới, luôn luôn cải cách để thu hút lượng đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Trong năm 2002, TQ đã vượt qua Mỹ để trở thành nước nhận lượng FDI lớn nhất–là 53 tỷ đôla. Có thể nói quá trình phát triển kinh tế của TQ là biểu hiện đặc trưng của tiến trình toàn cầu hoá kinh tế, và TQ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong tiến trình toàn cầu hoá này.

 

Cơ cấu kinh tế của TQ cũng như suất tăng trưởng ngày càng gắn chặt vào nền kinh tế thế giới. Kết hợp việc thu hút lượng FDI lớn mang theo công nghệ tiên tiến với lực lượng lao động kỹ thuật dồi dào, giá công nhân rẻ nhất thế giới và thị trường nội địa khổng lồ, TQ đã trở thành một khâu quan trọng khó có thể thiếu được trong dây chuyền sản xuất và phân phối cho toàn thế giới. Trong thời gian 1993-2002, TQ đã tăng tổng sản lượng công nghiệp hàng năm từ 480 tỷ đôla lên đến 1.300 tỷ, hay từ 2,4 % lên đến 4,7% tổng sản lượng công nghiệp toàn cầu.[6] Nhưng trong cùng thời gian đó, tổng giá trị các mặt hàng công nghiệp mà TQ mua cũng tăng từ 490 tỷ lên đến 1.250 tỷ (hay 4,6% tổng sản lượng công nghiệp toàn cầu). Như thế, TQ xuất ròng hàng công nghiệp mổi năm khoảng 50 tỷ—con số này ổn định từ 1997 cho tới nay.

 

TQ cung cấp từ linh kiện và bộ phận trung gian để được lắp ráp ra thành phẩm cao cấp tại các nước tiên tiến, đến nhiều thành phẩm mang các thương hiệu tiêu thụ phẩm nổi tiếng. Gần đây TQ cũng bắt đầu xuất khẩu nhiều thành phẩm mang thương hiệu của mình, như Haier (máy lạnh, bếp điện, lò viba—chiếm 29% thị phần TQ, 5,2% thị phần thế giới, công ty đứng hàng thứ hai trên thế giới trong lãnh vực này), Legend (hàng điện tử như PC—chiếm thị phần 30% ở TQ, 5% trên thế giới, công ty đứng hàng thứ năm trên thế giới), hay TCL Group (TV màu—chiếm 20% thị phần TQ, 7% thị phần thế giới, công ty đứng hàng thứ bảy trên thế giới). TQ cũng chuyển dần từ tập trung sản xuất để xuất khẩu sang sản xuất để cung cấp cho thị trường trong nước, với tầng lớp tiêu thụ trung lưu ngày càng đông đảo. Nền kinh tế TQ vì vậy cân đối hơn, tuy vẫn còn phụ thuộc vào việc chi ngân sách để đầu tư vào hạ tầng cơ sở (ngân sách nhà nước bằng 21% GDP, thiếu hụt ngân sách hàng năm khoảng 3% GDP). Trong vài năm qua, sự tăng trưởng mạnh của mức cầu trong nước đã giúp cho GDP TQ tăng 7%-8% một năm, trong khi kinh tế Mỹ-Âu-Nhật bị trì trệ.  

 

Ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế TQ đối với thế giới có nhiều mặt và rất phức tạp. Cùng với hàng hoá, TQ cũng xuất khẩu hiện tượng giảm phát và đẩy thế giới tới chỗ khủng hoảng sản xuất thừa. Người tiêu thụ hưởng lợi vì được cung cấp nhiều hàng hóa với giá rẻ. Người tiết kiệm và đầu tư (cá thể hay thông qua quỹ hưu bổng, quỹ đầu tư) cũng có lợi vì nhiều công ty (không chỉ công ty lớn đa quốc gia, mà nhiều công ty vừa và nhỏ) đã chuyển một phần dây chuyên sản xuất sang TQ, nên có khả năng giảm giá thành và tăng lợi nhuận. Gần đây, TQ cũng cho phép các quỹ đầu tư tương hỗ (mutual funds) mua các cổ phiếu loại A mà trước đây chỉ dành cho người trong nước. Điều này rất quan trọng, vì tỷ lệ người hưu trí so với người lao động ở các nước công nghiệp phát triển đang tăng cao, cần phải có nhiều cơ hội đầu tư tốt, gồm cả ở các nước đang phát triển để bổ sung lợi tức hưu bổng.

 

Tuy nhiên, người lao động ở các nước công nghiệp và ĐPT khác thì bị cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ. Sức cạnh tranh của hàng TQ làm cho nhiều công ty các nước giảm hoạt động hay bị phá sản. Khi các công ty đầu tư sang TQ, khả năng tạo ra công việc ở trong nước cũng bị giảm. Suất thất nghiệp cơ cấu tại nhiều nước công nghiệp vì thế đã tăng lên, như trường hợp nước Đức đã trình bày ở phần trên. Để đối phó với áp lực giảm phát từ TQ, tất cả các nước khác trên thế giới đều phải cải cách và thay đổi cơ cấu, phát triển những loại hàng và dịch vụ mà mình có lợi thế cạnh tranh để kích thích hoạt động kinh tế trong nước. Nếu không làm được điều này thì kinh tế bị trì trệ, suất thất nghiệp cơ cấu tăng cao, và quốc gia sẽ rơi vào khủng hoảng giảm phát như trường hợp của Nhật.

 

Chiến tranh ở Iraq, đe dọa khủng bố và sự bất hoà giữa các nước phương Tây

 

Cuộc chiến tranh ở Iraq đã gây ra nhiều xáo trộn lớn, làm lung lay các định chế và công pháp quốc tế làm cơ sở cho sự quan hệ giữa các quốc gia trong thời gian dài sau Thế Chiến II. Quan trọng hơn cả, hai nguyên tắc làm nền tảng cho quan hệ chính trị và an ninh thế giới đã bị phá vỡ. Đó là tính chất đơn phương của Mỹ trong quyết định gây chiến tranh với Iraq, đi ngược lại nguyên tắc trong Hiến Chương LHQ là các cuộc chiến tranh chính đáng để bảo vệ hoà bình và an ninh thế giới phải được Hội Đồng An Ninh LHQ đồng ý. Thứ hai là nguyên tắc “quyền tự vệ chính đáng” đã được thay thế bằng nguyên tắc “chiến tranh phòng ngừa” (preemptive war)–gây chiến tranh để tránh nguy cơ đe dọa an ninh của mình, nhưng trước khi có hành động thù địch cụ thể của nước đối phương. Thay thế việc quản lý quan hệ an ninh thế giới dựa trên nguyên tắc và định chế được cộng đồng thế giới đồng ý–Hiến Chương LHQ, LHQ và Hội Đồng An Ninh–bằng hành động đơn phương trong việc gây chiến tranh phòng ngừa dựa trên sự đánh giá và quyết định của siêu cường duy nhất sẽ tăng tính bất ổn định và bất trắc trong quan hệ và tình hình an ninh thế giới. Đặc biệt là khả năng xảy ra các cuộc chiến tranh phòng ngừa khác, nếu những sự đe dọa tấn công khủng bố của các tổ chức Hồi Giáo cực đoan trở thành hiện thực. Tình trạng này có thể đe dọa làm giảm lòng tin tưởng của giới tiêu thụ và đầu tư ở các nước, khiến cho nền kinh tế thế giới khó hồi phục mạnh mẽ.

 

Sự bất đồng ý kiến giữa Mỹ và một số nước Âu Châu (nhất là Pháp, Đức và Bỉ), sự bất hoà giữa 15 nước trong Liên Hiệp Âu Châu (LHÂC) và 10 nước sắp gia nhập LHÂC, về cuộc chiến tranh Iraq phản ánh tình trạng các nước phương Tây, hơn một thập kỷ sau sự sụp đổ của Liên Xô, đã khác biệt nhau nhiều trong cách tính toán về quyền lợi, vai trò và chỗ đứng của mình trong cộng đồng quốc tế. Nếu sự khác biệt này lan từ lãnh vực chính trị sang các lãnh vực kinh tế và tài chính, nó có khả năng làm suy yếu các luật lệ và định chế bảo đảm cho sự hợp tác kinh tế quốc tế, vốn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế thế giới trong hơn nửa thế kỷ vừa qua.

 

Cụ thể nhất là trong lãnh vực thương mại thế giới. Việc các nước trên thế giới mở cửa nền kinh tế, giảm thuế nhập khẩu và các hình thức bảo hộ mậu dịch khác, trong khuôn khổ và dưới sự giám sát của WTO, đã thúc đẩy thương mại thế giới phát triển nhanh chóng. Kim ngạch thương mại thế giới trung bình tăng 6% một năm trong hơn nửa thế kỷ qua. Đó là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhiều nước ĐPT đã thành công trong việc tham gia thương mại thế giới, phát triển xuất khẩu để phát triển kinh tế trong nước–TQ là một thí dụ hùng hồn nhất, như đã đề cập ở phần trên. Tuy nhiên, nền tảng cho WTO và sự phát triển ngày càng lan rộng của thương mại thế giới là mối quan hệ chặt chẽ và đồng thuận giữa Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu. Quan hệ kinh tế giữa hai khối này to lớn và năng động nhất thế giới. Nó làm đầu tàu cho sự tăng trưởng thương mại thế giới, sự tiến bộ trong tiến trình tự do hoá thương mại, và sự phát triển định chế từ GATT cho đến WTO. Thế nhưng trong những năm gần đây đã có nhiều vụ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và LHÂC, dây dưa khá lâu nhưng chưa giải quyết được. Thí dụ cụ thể là LHÂC không chịu bãi bỏ việc cấm nhập các loại thực phẩm chứa các chất đã thay đổi gien (genetically modified organism: GMO)—Mỹ sẽ đưa vấn đề này ra kiện trước WTO; và Mỹ không chịu bãi bỏ việc miễn thuế cho các công ty ngoại thương (foreign sales companies) mặc dù LHÂC đã thắng kiện trước WTO—LHÂC sẽ đánh thuế một số mặt hàng của Mỹ để bù trừ thiệt hại. Gần đây nhất, Mỹ đã bác bỏ yêu cầu của LHÂC là không bắt buộc các công ty Âu Châu phải thực hiện đầy đủ các điều khoản của Luật Sarbanes-Oxley; LHÂC thì coi đó là việc Mỹ muốn áp dụng luật pháp của mình ở ngoài phạm vi lãnh thổ (extra-territoriality). Những tranh chấp này phản ánh sự lớn mạnh của khuynh hướng bảo hộ mậu dịch ở cả hai khối. Ở Mỹ, khuynh hướng bảo hộ mậu dịch của phe tả được tăng cường bởi phe hữu bảo thủ, chống lại việc đặt chủ quyền của nước Mỹ dưới quyền tài phán của một tổ chức quốc tế như WTO. Ở Âu Châu, khuynh hướng bảo thủ chống cải cách chính sách nông nghiệp bắt tay với phong trào bảo vệ môi trường, nghi ngờ và chống đối công nghiệp thực phẩm hiện đại (vì đã sử dụng quá nhiều hoá chất và công nghệ di truyền học), và trong vài năm gần đây đã hỗ trợ cho phong trào chống toàn cầu hoá. Vốn đã có sự khác biệt trong dư luận và áp lực xã hội, sự rạn nứt về chính trị có khả năng làm cho cả hai bên trở nên cứng rắn hơn trong việc bảo vệ lập trường của mình trong các cuộc tranh chấp thương mại hiện hữu, hay sẽ xảy ra. Vòng đàm phán Doha “Vì phát triển” của WTO cũng có thể bị thất bại, vì cả Mỹ lẫn LHÂC nhất định không chịu giảm bỏ bảo hộ mậu dịch và trợ cấp trong lãnh vực nông nghiệp. Đây là yêu cầu thiết thân của các nước ĐPT, nếu không có tiến bộ về mặt này thì họ không chấp nhận các yêu cầu của các nước công nghiệp phát triển trong lãnh vực dịch vụ và sở hữu trí tuệ. Nếu vòng đàm phán Doha thất bại, hay xảy ra nhiều vụ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và LHÂC, thì tình hình kinh tế và thương mại thế giới sẽ bấp bênh và nhiều bất trắc hơn. Điều này cũng làm suy yếu sức tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

 

II. Thách thức mới cho Châu Á

 

Những thay đổi sâu sắc trong tình hình thế giới trong vài năm qua đã đặt ra ba thử thách lớn cho các nước châu Á trong việc tìm cách duy trì tăng trưởng kinh tề.

 

A.    Đối phó với khả năng kinh tế Mỹ/Âu/Nhật trì trệ trong thời gian dài

 

Như trên đã phân tích, có nhiều khả năng kinh tế Mỹ/Âu Châu/Nhật sẽ tăng trưởng chậm trong thời gian tới. Các nước châu Á, nhất là các nước vừa mới công nghiệp hoá, từ trước tới nay vẫn dựa vào việc xuất khẩu sang các nước công nghiệp tiên tiến để làm đầu tầu thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong tình hình hiện nay, chiến lược phát triển chủ yếu dựa trên xuất khẩu cần phải được bổ túc và kết hợp với việc tăng mức cầu trong nước.     

 

Tùy trình độ phát triển, các nước trong khu vực đã tìm những cách khác nhau để kích cầu. TQ đã dành một phần chi ngân sách rất lớn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là sau cuộc khủng hoảng châu Á 1997-98. Nhờ vậy TQ đã giữ suất tăng trưởng cao và đều trong các năm qua. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng các dự án đầu tư của nhà nước bị phung phí và không mang lại hiệu qủa kinh tế cao. Mặt khác, chi ngân sách nhiều dẫn đến việc thiếu hụt ngân sách, và dần dà tăng tỷ số công nợ trên GDP. Hiện nay tỷ lệ công nợ (chủ yếu là công trái) trên GDP chính thức chỉ mới 23%, nhưng tổng số công nợ và các khoản tiêu sản nhà nước (government liabilities—gồm có trách nhiệm hưu bổng công cộng, trách nhiệm thanh lý và tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước cần phải được tái cấu trúc) ở TQ đã lên tới hơn 100% GDP. Điều này sẽ hạn chế khả năng chính phủ TQ dùng việc chi ngân sách để kích cầu trong tương lai.

 

Ở Hàn Quốc, các ngân hàng rút bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng 1997-98, là đã cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn chaebol lớn, vay quá nhiều. Khi nhiều doanh nghiệp bị phá sản, thì các ngân hàng cũng bị khủng hoảng. Vì thế từ năm 1999, các ngân hàng đã chuyển hướng cho vay đối với người tiêu thụ cá nhân, qua các chương trình cho vay để tiêu thụ hay thẻ tín dụng. Lượng tín dụng ngân hàng cho lãnh vực tư nhân tăng nhanh từ 13% so với GDP lên tới 30% của GDP trong vòng 4 năm. Vì mức tiêu thụ trong nước tăng nhanh, Hàn Quốc đã hồi phục nhanh sau cuộc khủng hoảng, và đạt được suất tăng trưởng cao trong vài năm qua. Tuy nhiên, vì lượng tín dụng tư nhân tăng quá nhanh, nên việc xét duyệt chất lượng tín dụng của người đi vay không được chặt chẽ lắm. Vì vậy trong năm vừa qua, tỷ lệ người đi vay không trả nợ được tăng lên khá cao, làm cho nhiều công ty tài chánh phát hành thẻ tín dụng bị khủng hoảng. Chính phủ đã phải có biện pháp giúp các công ty tài chánh này, và nâng cao tiêu chuẩn cho vay nợ tư nhân. Suất tăng trưởng nợ tư nhân, có khả năng kích thích tiêu thụ, sẽ chậm lại trong những năm tới.

 

Hai thí dụ kể trên cho thấy việc thực hiện một chính sách kích cầu trong nước một cách lâu bền, mà không gây ra thiếu hụt ngân sách quá đáng, hay không làm tăng khối công nợ hay nợ tư nhân, không phải là đơn giản. Biện pháp lâu bền nhất là tăng sức mua của dân chúng bằng cách tăng lợi tức qua việc tăng năng suất lao động.

 

B.    Đối phó với thách thức TQ

 

Hơn một năm sau khi gia nhập WTO, TQ đã củng cố vị trí và vai trò của mình trong nền kinh tế toàn cầu, và trở thành một thách thức lớn đối với các nước trong khu vực. Để đối phó với TQ, các nước trong khu vực có hai cách: cạnh tranh hay cộng tác.

 

Cạnh tranh với TQ để thu hút vốn FDI sẽ gặp nhiều khó khăn trong tình hình hiện nay. Từ những năm gần đây, vốn đầu tư FDI vào các nước ĐPT có khuynh hướng ngày càng tập trung vào một số nước chủ yếu có vị trí chiến lược. Hơn 70% lượng đầu tư FDI trong vài năm qua đã tập trung vào TQ, Mexico, Brazil, Cộng Hoà Czech và Ba Lan. Các nước thu hút FDI nhiều đã nâng cao tính hấp dẫn của mình bằng cách kết hợp vai trò cơ sở chế biến để xuất khẩu cho thị trường thế giới, và thị trường nội địa lớn có sức mua của tầng lớp trung lưu ngày đông đảo. Các nước trong khu vực vừa mới công nghiệp hóa trước đây đã thu hút vốn FDI vào nước mình để phát triển xuất khẩu, thì nay một số công ty đa quốc gia đã dần dà chuyển các cơ sở sản xuất này sang TQ. Các nước khác như Việt Nam, thu hút vốn FDI chủ yếu nhằm phục vụ thị trường trong nước, thì nay cũng bắt đầu gặp khó khăn vì sau khi AFTA thành hình, nhiều loại hàng hoá có thể xuất sang VN từ một nơi khác với giá rẻ hơn.

 

Cạnh tranh với các mặt hàng của TQ ở thị trường thế giới cũng không dễ dàng, vì TQ kết hợp được giá nhân công rẻ, năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng và khả năng tiếp thị thế giới hữu hiệu. Thí dụ trong lãnh vực hàng dệt may, TQ có giá thành rẻ nhất và năng suất lao động cao nhất châu Á. Sau năm 2005, khi chế độ quota trong lãnh vực hàng dệt may được bãi bỏ, thì các nước trong khu vực, kể cả VN, khó cạnh tranh với hàng dệt may TQ.

 

Cộng tác với TQ cũng có 3 phương thức. Trước hết là cung cấp nguyên nhiên liệu thô để phục vụ cho tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá của TQ. TQ hiện là nước có suất tăng trưởng cao nhất thế giới trong việc nhập dầu thô và một số nguyên liệu như đồng. Các nước như Thái Lan, Mã Lai, Indonesia và Việt Nam có khả năng tăng xuất khẩu các loại hàng nguyên nhiên liệu và nông phẩm, thủy, hải sản.  Thứ hai là cung cấp hàng tiêu dùng cao cấp để phục vụ cho thành phần thị dân trung lưu ngày càng đông. Đây là thị trường mà các công ty hàng tiêu dùng nổi tiếng nhất thế giới đang nhắm vào. Thứ ba là tham gia vào dây chuyền sản xuất ở TQ, bằng cách đầu tư trục tiếp vào TQ hay xuất các linh kiện và bán thành phẩm để lắp ráp ở TQ rồi xuất sang nước thứ ba. Các nước vừa mới công nghiệp hoá ở châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đang tập trung vào phương thức thứ ba, hy vọng “ăn theo” đà tăng trưởng kinh tế nhanh của TQ. Nói chung, các nước vừa mới công nghiệp hoá có nhiều triển vọng hưởng lợi ích từ sự phát triển của TQ vì cơ cấu kinh tế các nước này bổ túc cho TQ, còn các nước khác trong khu vực sẽ bị TQ cạnh tranh trong việc phát triển các loại hàng có hàm lượng lao động cao.

 

Trong thời gian qua, ngoại thương trong khu vực châu Á tăng rất nhanh. Tỷ trọng của ngoại thương giữa các nước trong khu vực trên tổng kim ngạch ngoại thương của các nước này đã tăng từ 20% năm 1980 lên tới 40% hiện nay.[7] Gần phân nửa mức tăng trưởng này là do việc tăng xuất khẩu của các nước trong khu vực sang TQ. Trong năm 2002, kim ngạch nhập khẩu vào TQ từ các nước ASEAN đạt mức 31,2 tỷ đô la, tăng 34,4% so với năm trước. Ngược lại, xuất khẩu từ TQ sang các nước ASEAN tăng 28,3% lên tới 23,5 tỷ. Đáng kể hơn, mức tăng tỷ lệ xuất khẩu sang TQ trên tổng xuất khẩu của các nước mới công nghiệp hoá ở châu Á, từ dưới 1% trong năm 1980 lên đến gần 14% trong năm 2002. Theo Cơ Quan Tiền Tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore), khoảng phân nửa kim ngạch ngoại thương trong khu vực phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, còn một nửa là cung cấp vật tư đầu vào để phục vụ cho tiến trình lắp ráp và sản xuất hàng xuất khẩu sang các nước ngoài khu vực. Trong chừng mực này, việc tăng cường buôn bán giữa các nước trong khu vực sau cùng vẫn còn tùy thuộc vào suất tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới.

 

C.    Đối phó với tình trạng bất ổn định về an ninh trong khu vực

 

Sau 11/9 và cuộc chiến tranh Iraq, tình hình chính trị thế giới đã đặt ra nhiều thử thách mới, nhưng đồng thời cũng mở ra các cơ hội mới, cho châu Á.

 

Trước tiên, Mỹ đã đưa việc chống khủng bố và bảo vệ an ninh lãnh thổ thành mục tiêu hàng đầu trong chính sách an ninh và đối ngoại của mình. Cách Mỹ đối xử với các nước khác cũng được xem xét qua lăng kính này, cụ thể là thái độ của các nước đối với cuộc chiến tranh ở Iraq. Vì các nước châu Á ít phản chiến hơn một số nước châu Âu (Pháp, Đức, Bỉ), quan hệ giữa các nước APEC có vẻ đậm đà và cởi mở hơn quan hệ hiện nay giữa Mỹ và LHÂC.[8] Hơn nữa, vì nhiều nước thuộc APEC hiện đang có suất tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, có người đã trở lại với ý kiến cho rằng tương lai của Mỹ sẽ gắn liền với cộng đồng Thái Bình Dương trẻ trung, năng động và tăng trưởng nhanh, hơn là phụ thuộc vào liên minh Đại Tây Dương, đang bị lão hoá, trì trệ về kinh tế, bảo thủ trong cải cách, và bướng bỉnh trong chính trị.     

 

Điểm tương đồng về nhu cầu chiến lược (chống đe dọa khủng bố của chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan), và mục tiêu chiến lược của TQ là cần có hoà bình và ổn định để xây dựng, đã là cơ sở cho việc hoà hoãn và hợp tác Mỹ-Trung. [9] Tuy cũng chống chiến tranh Iraq và đe dọa dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng An Ninh LHQ, TQ không tích cực và gay gắt như Pháp hay Đức. Vì vậy quan hệ Mỹ-Trung không bị ảnh hưởng trầm trọng như các nước kia. Tuy vẫn còn nhiều khác biệt cơ bản, như vấn đề nhân quyền và Đài Loan, quan hệ Mỹ-Trung có khả năng phát triển một cách ổn định. Điểm này rất quan trọng vì nó là nền tảng cho việc phát triển thương mại và kinh tế trong khu vực. Một số nước khác như Nhật, Úc, Hàn Quốc, Phi Luật Tân và Singapore sẽ được Mỹ ưu đãi, vì sự ủng hộ của họ trong cuộc chiến tranh Iraq.

 

Thứ hai là khủng hoảng vũ khí hạt nhân ở Bắc Triều Tiên (BTT). Trong năm 1994, với nền kinh tế bị phá sản và thiên tai gây ra nạn đói (báo chí phương Tây ước lượng khoảng 1-2 triệu người bị chết trong thời gian 1994-96), chính quyền BTT đã dùng việc chế tạo bom hạt nhân và hỏa tiễn tầm xa Taepodong-1 làm công cụ để mặc cả với thế giới nhằm đổi lấy viện trợ lương thực và năng lượng để duy trì chế độ. Chính sách này đem lại kết qủa là BTT ký kết Hiệp Định Khung (Agreed Framework) với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật và Liên Hiệp Âu Châu—các nước thành viên của Korea Peninsula Energy Development Organization (KEDO). Theo thoả thuận này, BTT sẽ ngừng và “đông lạnh” (freeze) các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, cũng như các chương trình phát triển năng lượng hạt nhân có khả năng cung cấp nguyên liệu làm vũ khí hạt nhân. Để đổi lại, KEDO sẽ viện trợ dầu thô và xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân nước nhẹ (light-water nuclear reactors, không tạo ra nguyên liệu làm vũ khí)—dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2003 và 2004. Đồng thời Chương Trình Lương Thực Thế Giới (World Food Program) sẽ viện trợ lương thực.

 

Từ đó tới nay đã xảy ra nhiều sự bất đồng ý kiến về việc thực hiện Hiệp Định Khung. Mỹ cho rằng BTT không nghiêm chỉnh thực hiện cam kết và vẫn lén lút tiếp tục hay giấu diếm các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Viện trợ lương thực thì chính quyền BTT ưu tiên dành cho Đảng Cộng Sản và quân đội, chứ không dùng để cứu đói (quân đội BTT có hơn 1,1 triệu người, và ngân sách quốc phòng cao hơn 25% GDP). Vì sự tranh cãi này, viện trợ của Chương Trình Lương Thực Quốc Tế giảm từ 931.000 tấn trong năm 2001 xuống còn 373.000 tấn trong năm 2002, và có thể dưới 250.000 tấn trong năm nay.  BTT thì cho rằng chính quyền Bush không đồng ý với Clinton nên sẽ không tôn trọng HĐ Khung, tìm cách trì hoãn việc hoàn thành 2 nhà máy điện hạt nhân nước nhẹ (hiện nay hoãn lại đến 2008 và 2009 mới xong) và không chịu tiếp tục đàm phán với BTT, và khi Bush tuyên bố coi BTT thuộc “trục ác quỹ” (axis of evil) thì đối với Bình Nhưỡng, ý đồ không thân thiện của Mỹ đã hiện rõ.

 

Trong năm 2002, vì kinh tế ngày càng kiệt quệ, ngày 1/7/2002 chính quyền BTT tuyên bố thực hiện cải cách kinh tế và thành lập các Vùng Kinh Tế Đặc Biệt. Theo sự “cải cách” này, lương công nhân tăng lên gấp 18 lần, nhưng họ phải trả tiền thuê nhà và điện nước. Giá cả được phép tăng, và vì phản ánh tình trạng khan hiếm, nên giá nhiều mặt hàng cần thiết tăng rất cao. Thí dụ giá gạo tăng 250 lần từ 0,8 won/ký trước 1/7/2002 tới 190 won/ký trong tháng 3/2003. Các doanh nghiệp nhà nước không được trợ cấp nữa, và phải tự xoay sở để tìm cách trả lương công nhân viên. Thật ra đây không phải là một cuộc cải cách, mà là sự phá sản của nhà nước BTT—vì không còn đủ tài nguyên tài chánh và vật chất nên nhà nước bỏ mặc cho nhân dân tự tìm cách sinh sống. Kết qủa là khủng hoảng kinh tế, lạm phát phi mã, đồng tiền mất hết giá trị—hối suất chính thức giảm từ 2,15 won/1 U.S. đôla xuống khoảng 200 won/1 USD trong gần một năm qua. Ngân hàng có mở cửa nhưng không hoạt động, nhà máy chỉ có điện hai giờ mỗi ngày. Các Vùng Kinh Tế Đặc Biệt thất bại, chỉ thu hút được vài doanh nghiệp vào đầu tư, nhưng các doanh nghiệp này cũng đang lục tục đóng cửa. Nạn đói và chết đói xuất hiện trở lại, và số người tỵ nạn sang TQ ngày càng tăng. Theo nhận xét của một nhà kinh tế ở Hồng Kông: “Hoạt động kinh tế hầu như dừng lại hết. Chung cuộc của chế độ đang diễn ra”[10]    

 

Vì áp lực kinh tế và xã hội, BTT lại sử dụng chính sách xăng-ta hạt nhân với cộng dồng thế giới. Tháng 10/2002 BTT triễn khai chương trình hạt nhân uranium tăng cường (Highly-enriched Uraniun—HEU) để có nguyên liệu làm vũ khí hạt nhân. Tháng 12/20022, BTT khởi động lại nhà máy điện hạt nhân ở Yongbyon—nhà máy này trong quá khứ đã tích trữ khoảng 8.000 thanh nguyên liệu plutonium đã dùng trong lò phản ứng hạt nhân. Các thanh plutonium này có thể cung cấp nguyên liệu để làm ra 4 hay 5 bom hạt nhân. Cũng trong tháng 12, BTT trục xuất các thanh tra của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Thế Giới (International Atomic Energy Agency—IAEA). Tháng 1/2003, BTT rút ra khỏi Hiệp Ước Chống Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân (Nuclear Non-proliferation Treaty.) 

 

Rút kinh nghiệm bài học Iraq, BTT cũng dùng vũ khí hạt nhân để răn đe Mỹ không đơn phương tấn công BTT. Theo một số nhà nghiên cứu, khi BTT ký Hiệp Định Khung năm 1994, thì đã có 1 hay 2 bom hạt nhân rồi. Với số thanh nguyên liệu plutonium tích trữ ở Yongbyon, BTT có thể chế tạo thêm 4 hay 5 qủa bom nữa.[11] Hơn thế nữa, BTT cũng có khả năng dùng hoả tiễn gắn đầu đạn hạt nhân để tấn công Hàn Quốc, Nhật và Mỹ. BTT từ lâu đã có hoả tiễn Nodong, với tầm xa 1.300 km và có thể bắn tới khắp nới trên Hàn Quốc. Năm 1998, BTT đã bắn thử hoả tiễn Taepodong-1, có tầm xa tới10.000 km. Theo các nhà quan sát, cuộc thử nghiệm thất bại, tuy nhiên hoả tiễn đã bay qua Nhật và rơi xuống Thái Bình Dương.[12] Với tầm xa này, hoả tiễn Taepodong-1 có thể bắn tới phần lớn lãnh thổ Nhật, Alaska và Tây Bắc Canada và Mỹ. Gần đây hơn, BTT đã chế tạo hoả tiễn Taepodong-2, có tầm xa 15.000 km. Tuy nhiên chưa thấy BTT công khai bắn thử hoả tiễn này.

 

Khác với chủ trương đơn phương dùng chiến tranh để thay đổi chế độ ở Iraq, Mỹ coi BTT là vấn đề đa phương của khu vực và trên thế giới. Mỹ muốn các nước láng giềng BTT như Hàn Quốc, TQ và Nhật cùng tham gia đàm phán với Mỹ và BTT để giải quyết vấn đề. BTT thì chỉ muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ, muốn Mỹ phải đơn phương cam kết không tấn công BTT thì mới có khả năng đàm phán và giải quyết việc ngưng triển khai các chương trình hạt nhân của BTT, và thanh tra việc thực hiện. Tuy nhiên, do áp lực của TQ, BTT rồi cũng chịu khởi sự đàm phán với Mỹ và TQ tại Bắc Kinh vào cuối tháng Tư vừa qua. Sau cuộc đàm phán, BTT tuyên bố có vũ khí hạt nhân và sẵn sàng sử dụng vũ khí này khi bị đe dọa. Vào cuối tháng Bảy, BTT tuyên bố đồng ý tham gia hội nghị 6 nước (BTT, Mỹ, Nga, TQ, Nhật và Hàn Quốc) sẽ được tổ chức trong tương lai gần.

 

Thái độ cứng rắn của BTT đã làm cho Hàn Quốc trở nên mềm dẻo hơn trong việc áp dụng chính sách “ánh sáng mặt trời” (Sunshine policy) của cựu Tổng Thống Kim Dae Jung mà Tổng Thống Roh Moo Hyun tuyên bố sẽ tiếp tục. Trong cuộc viếng thăm Mỹ tháng 5 vừa qua, Tổng Thống Roh đã tuyên bố đồng ý với quan điểm của Mỹ, là tìm cách giải quyết vấn đề BTT bằng cách đàm phán, nhưng cứng rắn trong mục tiêu phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, và không tưởng thưởng các hành động khiêu khích của BTT. Phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên là mục tiêu chiến lược được các nước trên thế giới và trong khu vực đồng ý. Tuyên bố chung Nga-TQ trong tháng 12/2002 khẳng định “đánh giá là quan trọng việc duy trì tình trạng không hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và chế độ không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”. [13] TQ đã tỏ ra tích cực trong việc vận động và đăng cai tổ chức cuộc đàm phán vừa qua với BTT. Điều này cũng phản ánh sự đánh giá của TQ là quan hệ hợp tác kinh tế với Hàn Quốc quan trọng hơn quan hệ có tính cách lịch sử với BTT. [14] Sau cùng, trong cuộc viếng thăm của Tổng Thống Bush tại St. Petersbourg ngày 1/6/2003, TT Bush và Puttin đã tuyên bố “đòi hỏi một cách mạnh mẽ BTT phải tháo dỡ hết các chương trình hạt nhân một cách rõ ràng, có thể kiểm tra được và không thể đảo ngược lại”. [15] Nói chung, các nước không muốn BTT có vũ khí hạt nhân, một phần vì không tin tưởng BTT, nhưng một phần vì sợ nó sẽ dẫn đến việc Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan cũng chế tạo vũ khí hạt nhân—với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay của các nước này, việc chế tạo vũ khí hạt nhân sẽ rất dễ dàng và nhanh chóng. Nếu xảy ra, biến cố này sẽ làm thay đổi hẳn cán cân quân bình quân sự và tình trạng ổn định hiện nay trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 

Tuy nhiên, đồng ý về mục tiêu chiến lược là một chuyện, nhưng đồng ý về cách thực hiện lại là chuyện khác. Mỹ thì muốn đưa vấn đề BTT ra Hội Đồng An Ninh LHQ để có nghị quyết cấm vận và phong toả BTT, nhằm ngăn ngừa việc xuất khẩu vũ khí, hay công nghệ vũ khí, hạt nhân, nhất là cho các quốc gia côn đồ (rogue nations). [Hiện nay, thu nhập ngoại tệ chính của BTT là bán vũ khí các loại (khoảng 500 triệu đôla hàng năm), bán thuốc phiện và các loại ma túy (150-500 triệu đôla), kiều hối do kiều dân BTT ở Nhật gởi về (khoảng 500 triệu đôla) và bán tiền đôla và euro giả (khoảng 100 triệu đôla)].[16] Hàn Quốc thì sợ nếu tăng cường áp lực kinh tế bằng cách cấm vận thì chế độ BTT có thể bị sụp đổ, gây ra sự hỗn loạn kinh tế và xã hội mà Hàn Quốc phải gánh chịu, một phần nào tương tự như cái giá rất cao về tài chánh và kinh tế mà Tây Đức đã phải trả trong việc thống nhất nước Đức. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng nghĩ là BTT sẽ không dùng vũ khí hạt nhân đối với mình, vì là đồng bào.[17] TQ cũng sợ là nếu chế độ BTT sụp đổ, sẽ gây ra làn sóng người tỵ nạn tràn sang TQ, gây bất ổn định ở vùng biên giới Trung-Triều. Ngoài ra, sự sụp đổ của BTT sẽ dẫn đến việc Hàn Quốc thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới ảnh hưởng của Mỹ--đây là một sự kiện mà TQ chưa hẳn là “thích” lắm. Nhật thì lo ngại vì cảm thấy bị đe dọa nhiều nhất. Một mặt, Nhật tăng cường khả năng phòng thủ quân sự—như tham gia nghiên cứu và phát triển chương trình phòng thủ phi đạn chiến trường (theater missile defense) của Mỹ, phóng vệ tinh cảnh báo để theo dõi các hoạt động hỏa tiển và phi đạn của BTT. Gần đây nhất và có ý nghĩa nhất là việc Quốc Hội Nhật thông qua đạo luật về các trương hợp khẩn cấp—cho phép Lực Lượng Tự Vệ Nhật (Self Defense Forces) được dùng đất tư, giải tỏa các vùng bị ảnh hưởng, và ngưng áp dụng một số luật lệ địa phương để có khả năng đáp ứng với trường hợp khẩn cấp (trong 25 năm qua, từ thời chính phủ Fukuda, chính phủ Nhật vẫn muốn có đạo luật này nhưng Quốc Hội Nhật không chịu thông qua, cho mãi tới nay).[18] Mặt khác, Nhật cũng không sốt sắng lắm với đề nghị cấm vận, vì sợ sẽ khiêu khích BTT leo thang trong các hành động gây căng thẳng. Nhật cũng không tìm cách ngăn cản việc các kiều dân BTT ở Nhật gởi kiều hối về BTT. Một số nước Âu Châu, nhất là Pháp, tuy không đồng ý với chủ trương đơn phương của Mỹ ở Iraq và kêu gọi phải tôn trọng và vận dụng các định chế đa phương như LHQ, cũng không tích cực lắm trong việc đưa vấn đề BTT ra trước HĐAN LHQ, và muốn Mỹ tìm cách giải quyết với BTT. Đây là khe hở trong cộng đồng quốc tế mà BTT có thể lợi dụng để tiếp tục chế tạo và đe dọa bán vũ khí hạt nhân—và khả năng này có thể trở thành hiện thực trong cuối năm nay.[19]       

 

Nếu việc giải quyết vấn đề BTT trên cơ sở đàm phán đa phương ở khu vực mang lại kết qủa, thì đây là một bước tiến bộ rất lớn trong việc giảm bớt căng thẳng và củng cố hoà bình ở châu Á. Quan trọng hơn cả là khả năng hình thành một định chế để giải quyết các vấn đề an ninh ở châu Á giữa ba nước lớn là Mỹ, Nhật và TQ. Tình hình quan hệ giữa ba nước này là cơ sở cho sự ổn định, hay bất ổn định, trong khu vực. Ngược lại, nếu phương án ngoại giao thất bại, thì cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân sẽ lan ra khắp vùng Đông Bắc và toàn khu vực châu Á. Đó là chưa kể khả năng xảy ra chiến tranh với BTT, mà mức độ tàn phá ở Nam, Bắc TT và Nhật sẽ rất cao. Có khả năng khởi động cuộc chiến tranh này, không những chỉ là BTT (“BTT coi việc cấm vận kinh tế của cộng đồng thế giới là tuyên bố chiến tranh với BTT”) và Mỹ (chiến tranh phòng ngừa vì BTT đe dọa bán vũ khí hạt nhân cho các nước khác, và hỏa tiễn Taepodong-1 đã có khả năng bay đến Alaska và miền Tây Bắc nước Mỹ), mà còn có Nhật. Sau khi BTT thử bắn hoả tiễn ra Thái Bình Dương đầu năm nay, ông Tổng Giám Đốc Cơ Quan Tự Vệ Nhật (Self Defense Agency) đã tuyên bố là nếu BTT có triệu chứng sắp bắn hoả tiễn sang Nhật, chắc chắn Nhật sẽ tiến hành tấn công phòng ngừa. Sau khi Mỹ dùng lý luận chiến tranh phòng ngừa để tấn công Iraq, Nhật sẽ có lý do chính đáng để tấn công phòng ngừa đối với BTT. Nếu xảy ra tình huống này, luồng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Á sẽ giảm xuống, kể cả đầu tư vào TQ, và nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng chậm hoặc rơi vào suy thoái. Ngay cả khi không xảy ra chiến tranh, nhưng đàm phán kéo dài và có nhiều lời tuyên bố và hành động đe dọa và gây căng thẳng, thị trường tài chánh Á Châu cũng có thể bị mất ổn định và giảm giá.

 

III. Kết Luận--Khả Năng Đối Phó của ASEAN

 

Để đối phó với tình hình mới trên thế giới, có nhiều thử thách, bất ổn và bất trắc, nhưng cũng không phải là không có cơ hội, các nước ASEAN đã tìm cách phát triển các quan hệ hợp tác kinh tế và chính trị trên ba phương diện: trong nội bộ ASEAN, với các nước khác ở châu Á--nhất là TQ, và với Mỹ. Đối sách này rất đúng về mặt chiến lược và phù hợp với lợi ích của ASEAN, nhưng cần được triển khai một cách khẩn trương hơn để có thể đạt được tiến bộ một cách nhanh chóng hơn là trong thời gian vừa qua. Các bước tiến bộ trong tương lai cũng cần phải có thực chất, chứ không chỉ có ý nghĩa tượng trưng như từ trước tới nay. Ngoài ra, các nước trong khu vực cần phải tiếp tục cải cách và xây dựng định chế, để phát triển một nền kinh tế cân đối và lành mạnh, có khả năng tăng trưởng một cách ổn định.

 

A.    Tăng cường hợp tác trong ASEAN

 

Dự án quan trọng nhất của ASEAN—Khu Vực Tự Do Thương Mại ASEAN (AFTA: ASEAN Free Trade Area)--đang thành hình theo lịch trình đã thỏa thuận. Kể từ đầu năm 2002, sáu nước thành viên nguyên thủy của ASEAN (ASEAN-6) đã cắt giảm suất quan thuế xuống còn 0%-5% trên 99,55% các mặt hàng trong bảng bao gồm (IL: Inclusion List). Như vậy, suất thuế quan trung bình của ASEAN-6 trong Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT: Common Effective Preferential Tariff) chỉ còn có 2,39% so với thuế suất 12,76% trong năm 1993.[20] Kể từ đầu năm nay, suất thuế quan trên xe hơi và phụ tùng xe hơi cũng được giảm xuống còn 0%-5%, trừ trường hợp Mã Lai được hoãn đến 2005 mới phải thực hiện cam kết này.

 

Trong bốn nước mới gia nhập ASEAN, Việt Nam sẽ thực hiện việc giảm suất thuế quan xuống 0%-5% vào năm 2006, Lào và Myanmar vào năm 2008, và Kampuchea vào năm 2010. Mục tiêu cuối cùng là hoàn toàn hủy bỏ hàng rào quan thuế trong năm 2010 đối với các nước ASEAN-6, và trong năm 2015 đối với bốn nước còn lại.

 

Sau khủng hoảng 1997-98, kim ngạch ngoại thương của ASEAN đã hồi phục và tăng lên mức cao nhất là 408 tỷ đôla trong năm 2000, nhưng trong hơn hai năm qua thì lại giảm một ít vì kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Tỷ lệ mậu dịch giữa các nước ASEAN trên tổng kim ngạch ngoại thương của ASEAN cũng tăng rất chậm, từ 21,14% trong năm 1993—là năm khởi xướng dự án AFTA—lên 22,75% trong năm 2001.[21]

 

B.    Hợp tác với các nước trong khu vực

 

Ngay từ sau khủng hoảng tài chánh 1997-98, ASEAN đã đề ra Sáng Kiến Chiang Mai (Chiang Mai Initiative--5/2000) nhằm thúc đẩy việc hình thành một mạng lưới thỏa thuận song phương để trao đổi dự trữ ngoại tệ (bilateral FX reserves swap agreements). Đến nay, đã thành hình hệ thống trao đổi ASEAN (ASEAN Swap Agreement) tổng cộng 1,5 tỷ đôla giữa 5 nước ASEAN. Ngoài ra còn có một mạng lưới trao đổi song phương giữa Nhật, TQ, Hàn Quốc và 5 nước ASEAN tổng cộng 24 tỷ đôla.[22] Tuy mức trao đổi như thế là thấp so với lượng dự trữ ngoại tệ tại các ngân hàng trung ương châu Á--hơn 1,5 triệu tỷ đôla--và nhu cầu ngoại tệ để can thiệp vào thị trường ngoại hối cũng giảm đi vì các đồng tiền nói chung được thả nổi (trừ TQ, HK và Mã Lai), các thỏa thuận này đánh dấu sự hợp tác cụ thể trong lãnh vực tiền tệ giữa các nước trong khu vực.

 

Gần đây nhất, 11 nước trong khu vực đã đồng ý thành lập và đóng góp 1 tỷ đôla vào Qũy Trái Khoán Châu Á (Asian Bond Fund). Qũy này sẽ do Ngân Hàng Thanh Toán Thế Giới (Bank for International Settlements: BIS) quản lý, nhằm đầu tư vào trái khoán của các nước châu Á, với mục tiêu hỗ trợ cho việc phát triển thị trường trái khoán châu Á. Ấn Độ cũng đang dự định tham gia qũy này, với phần đóng góp 1 tỷ đôla. Cũng tương tự như trường hợp trên, sáng kiến này tuy không có nhiều tác dụng thiết thực trước mắt, nhưng nó thể hiện ý chí của các nước trong khu vực muốn xây dựng nhiều quan hệ hơp tác cụ thể trong lãnh vực kinh tế, tài chánh và tiền tệ.[23]

 

Quan trọng hơn cả là việc bắt đầu đàm phán để thực hiện Khu Vực Tự Do Thương Mại ASEAN-TQ—dự định sẽ hoàn tất trong năm 2010 đối với 6 nước ASEAN đầu tiên, và năm 2015 đối với 4 nước mới gia nhập (VN, Lào, Kampuchea và Myanmar). Để khuyến khích việc đàm phán, TQ tuyên bố sẽ dành ưu đãi thuế quan cho các nước chậm phát triển nhất trong ASEAN, và đề nghị chương trình cắt giảm thuế quan “thu hoạch sớm” (“early harvest” tariff cuts). Theo chương trình này, Thái Lan đã thỏa thuận với TQ bãi bỏ thuế quan trên các loại rau qủa.[24] Ngoài ra, TQ cũng đồng ý buôn bán và đầu tư dự án trên cơ sở hàng đổi hàng (counter trade) nên được các nước có ít dự trữ ngoại tệ như Indonesia hưởng ứng.[25] Trong năm 2002, kim ngạch nhập khẩu của TQ từ các nước ASEAN tăng 34,4% lên đến 31,2 tỷ đôla so với năm trước, và xuất khẩu từ TQ sang các nước ASEAN tăng 28,3% lên đến 23,5 tỷ đôla.[26] Sau khi thành hình, Khu Vực Tự Do Thương Mại ASEAN-TQ sẽ có suất thuế quan trung bình 0%-5%, và sẽ trở thành một thị trường khổng lồ với 1,7 tỷ dân và GDP khoảng 2 triệu tỷ đôla.

 

ASEAN và Nhật hiện cũng đang tiến hành đàm phán để có thể ký kết Hiến Chương Nhật-ASEAN (Japan-ASEAN Charter) trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Đặc Biệt vào ngày 11-12/12/2003. Hiến Chương này sẽ là cơ sở cho việc tăng cường hợp tác giữa hai bên.

 

Trong lãnh vực chính trị và an ninh, Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ASEAN Regional Forum: ARF) đã thu hút được nhiều nước và nhóm nước quan trọng như Mỹ, Nhật và LHÂC tham gia. ARF hiện đang thảo luận để có quyết định chấp nhận thành viên thứ 24 là Pakistan. ARF đã có một số thành tựu như tạo cơ hội gặp gỡ giữa Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ và BTT (2002) và là diễn đàn để thảo luận đề nghị của Phi Luật Tân nhằm giải quyết khủng hoảng hạt nhân ở BTT (2003). Các diễn đàn khác như Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN (4/11/2002) có mời TQ, Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ tham dự, đã mang lại kết qủa là Tuyên Bố Chung về Cách Cư Xử của các Bên trong biển Nam TQ (Joint Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea). Tuy chưa được là một Quy Chế về Cách Cư Xử (Code of Conduct) như ASEAN mong muốn, đây là lần đầu tiên TQ đồng ý ký một thoả thuận đa phuơng về các đảo ở Biển Đông—từ trước tới nay TQ coi việc tranh chấp chủ quyền trên các đảo này là vấn đề song phương. Trong Tuyên bố chung, TQ và ASEAN cam kết sẽ tuân theo luật pháp quốc tế, tránh đe dọa hay dùng vũ lực, và “ tự kiềm chế để không có những hành động làm phức tạp hoặc leo thang cuộc tranh chấp, ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định”.[27] [Tuy nhiên TQ từ chối không chịu kể quần đảo Hoàng Sa (Paracel) trong Tuyên Bố Chung này; Việt Nam thì đòi phải có cả Hoàng Sa, nhưng ASEAN bị chia rẽ trong vấn đề này vì Mã Lai chủ trương chỉ đề cập đến Trường Sa mà thôi—rốt cuộc Tuyên Bố Chung tránh nêu một cách cụ thể vị trí địa lý của các hòn đảo].[28]

 

C.    Hợp Tác với Mỹ và LHÂC

 

Singapore đã đi tiên phong ký Hiệp Định Tự Do Thương Mại (Free Trade Agreement: FTA) với Mỹ. Theo FTA này, hàng hoá xuất từ Singapore sang Mỹ không bị thuế quan, nên Singapore sẽ hấp dẫn các công ty đa quốc gia muốn xây dựng cơ sở chế xuất các loại hàng công nghệ cao cấp trong lãnh vực tin học, viễn thông và sinh học/dược phẩm. Ngược lại, các công ty dịch vụ tài chánh, bảo hiểm, quản lý tài sản, tư vấn, pháp lý, quảng cáo của Mỹ cũng có thể hoạt động tự do hơn ở Singapore, góp phần tăng cường vai trò “trung tâm tài chánh khu vực” của Singapore. Để cạnh tranh với Singapore, Thái Lan và Mã Lai hiện cũng đang tiến hành đàm phán FTA với Mỹ.

 

Ngoài lợi ích kinh tế và thương mại, ký kết các FTA với Mỹ còn có tác dụng tăng cường vai trò của Mỹ trong khu vực Đông và Đông Nam Á, để có thể đối trọng với TQ. Thủ Tướng Singapore Goh Chok Tong đã tuyên bố như sau: “ Nếu không có Mỹ, khu vực Đông Á sẽ dần dà bị khống chế bởi một cầu thủ. Điều này sẽ làm giảm không gian hô hấp cho các cầu thủ khác trong vùng.” [29]

 

ASEAN cũng tiếp tục phát triển quan hệ với LHÂC, là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của ASEAN sau Mỹ và Nhật. Kể từ 1978, đã có 14 Hội Nghị cấp Bộ Trưởng ASEAN-LHÂC (ASEAN-EU Ministerial Meeting: AEMM) để hướng dẫn và thúc đẩy việc hợp tác giữa hai bên.

  

D. Cải cách và xây dựng định chế

 

Bên cạnh việc hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, điều quan trọng nhất vẫn là tiếp tục cải cách và xây dựng các định chế công quyền và kinh doanh, để có thể thích hợp với nền kinh tế thị trường mở cửa, có sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ.   

 

Sau khủng hoảng 1997-98, các nước châu Á đã thực hiện một số cải cách như tái cấp vốn và củng cố hệ thống ngân hàng, và thanh lý một số doanh nghiệp bị vỡ nợ. Đặc biệt là Mã Lai đã có nhiều bước tiến bộ đáng kể. Hệ thống ngân hàng ở nước này đã được củng cố, 54 ngân hàng và công ty tài chánh đã được hợp nhất để hình thành 10 nhóm ngân hàng có số vốn tương đối lớn. Các công ty quản lý tài sản (của nhà nước), sau khi mua lại các món nợ khó đòi từ các ngân hàng, đã thanh lý và bán các doanh nghiệp vỡ nợ. Các luật lệ về quản lý doanh nghiệp (corporate governance) đã được nâng cấp để tiến tới cách làm tốt nhất trên thế giới (best practice)—cụ thể là công ty phải báo cáo tài chánh hàng qúy, tăng cường vai trò của Hội Đồng Quản Trị và thành viên HĐQT, bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số. Ngoài ra, Mã Lai cũng bãi bỏ biện pháp kiểm soát việc rút vốn nước ngoài (đã đặt ra trong năm 1998) và mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài có thể sở hữu 100% các công ty công nghiệp trong nước.

 

Tuy nhiên các nước châu Á, kể cả Nhật, TQ cũng như VN, đều đang lúng túng và lưỡng lự trong việc để cơ chế thị trường thật sự xử lý các doanh nghiệp và ngân hàng mắc nợ nhiều và kinh doanh thua lỗ. Tâm lý xã hội nói chung là vẫn muốn tránh việc đẩy các doanh nghiệp này vào tình trạng phá sản, vì sợ làm tăng số người thất nghiệp. Cách suy nghĩ này thật ra thiển cận, vì duy trì các doanh nghiệp yếu kém sẽ tạo ra gánh nặng kìm hãm sự tăng trưởng của cả nền kinh tế—nếu kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn thì sẽ tạo ra nhiều công việc mới, phù hợp với đòi hỏi của quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Quan trọng không kém là thái độ không tôn trọng quyền lợi chính đáng của chủ nợ hay người đầu tư. Đây là nhược điểm lớn, phản ánh sự vắng mặt của “văn hoá tín dụng” (credit culture) ở châu Á. Kinh nghiệm từ khủng hoảng châu Á và châu Mỹ La Tinh cho thấy đây là định chế rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu năng của việc sử dụng vốn và thu hút vốn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng cạnh tranh khốc liệt về mọi mặt, có lẽ đây là đòi hỏi hàng đầu trong nỗ lực cải cách hiện nay của các nước ASEAN nói riêng, và các nước ĐPT nói chung.

 

Trần Quốc Hùng

 

*

 

Tài LiệuTham Khảo

 

Jonathan Anderson, “China is a force to reckon with but not to fear”, Financial Times 25/2/2003

 

Jagdish Bhagwali, The Wind of the Hundred Days, MIT Press 2000

 

Barry Eichengreen, Capital Flows and Crisis, MIT Press 2003

 

FEER, “ China Breaks with its Wartime Past” 7/8/2003

 

C. Randall Henning, East Asian Financial Cooperation, Institute of International Economics (IIE) 2002

 

Terence Hunt, “U.S., Russia warn Iran, N. Korea on nuclear arms”, Washington Post 1/6/2003

 

IMF, World Economic Outlook: Growth and Institutions, 4/2003

 

Pedro-Pablo Kuczynski & John Williamson, After the Washington Consensus: Restarting Growth and Reform in Latin America, IIE 2003

 

James Kynge & Andrew Ward, “North Korea”, Financial Times 23/4/2003

 

James Laney & Jason Shapley, “How to Deal with North Korea”, Foreign Affairs 3/2003

 

Edward Lincoln, Arthritic Japan: The Slow Pace of Economic Reform, Brookings Institution 2001

 

Michael Mussa, Argentina and the Fund: From Triumph to Tragedy, IIE 2002

 

Marcus Noland, Avoiding the Apocalypse: The Future of the Two Koreas, IIE 2002

 

Frank Partnoy, The Infectious Greed, TIMES Books 2003

 

William Perry, “Nuclear confrontation with North Korea”, YaleGlobalOnline 28/5/2003

 

Dexter Roberts, “ China: A Warmer Wind is Blowing toward the West”, BusinessWeek Online 4/8/2003

 

Trish Saywell & Murray Hiebert, “Engaging the U.S. with Trade”, FEER 22/5/2003

 

Anthony Spaeth, “Kim’s Rackets” TIME 9/6/2003 và Jamie Tarabay, “Australia charges N. Korea’s ship crew in drug case”, Washington Post 22/4/2003

 

Joseph Stiglitz, Globalization and Its Discontents, W.W. Norton & Co. 2003

 

Michael Vatikiotis & David Murphy, “Birth of a Trading Empire”, FEER 20/3/2003

 

Barry Wain, “China and ASEAN: Taking charge”, FEER 14/11/2002

 


 

[*] Hiện là một viên chức cao cấp của một tổ chức tài chánh quốc tế.

[1] Phiên bản đầu tiên của bài này đã được đọc tại Hội Thảo Mùa Hè, Munich 24-26 tháng 7, 2003. Tác giả xin cám ơn Vũ Quang Việt và Cao Huy Thuần đã góp nhiều ý kiến hữu ích trong lần hiệu đính này. Mọi lỗi lầm, sơ sót còn lại hoàn toàn là trách nhiệm người viết.

[2] Xem Frank Portnoy, The Infectious Greed, TIMES Books 2003

[3] Xem Joseph Stiglitz, Globalization and its Discontents, W.W. Norton & Co. 2003 và Barry Eichengreen Capital Flows and Crises, MIT Press 2003

[4] Xem IMF, World Economic Outlook: Growth and Institutions, 4/2003

[5] Xem Pedro-Pablo Kuczynski và John Williamson, After the Washington Consensus: Restarting Growth and Reform in Latin America, Institute of International Economics 2003

[6] Theo Jonathan Anderson, “China is a force to reckon with but not to fear”, Financial Times 25/2/2003

[7] Nguồn: IMF

[8] Nhận xét của tác giả trong Hội Nghị ngày 24/4/2003 của United States Asia Pacific Council, tại Washington DC—qua phát biểu của Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ Colin Powell, Đại Diện Thương Mại Mỹ Robert Zoellick, các Đại Sứ, quan chức và học giả từ các nước trong APEC.

[9] Theo Dexter Roberts, “China: A Warmer Wind is Blowing toward the West”, BusinessWeek Online 4/8/2003

[10] Theo Mike Newton, trích trong James Kynge & Andrew Ward, “North Korea”, Financial Times 23/4/2003

[11] Theo James Laney & Jason Shaplen,”How to Deal With North Korea”, Foreign Affairs, 3&4/2003

[12] Theo Task Force for US Korea Policy, Center for International Policy, trích theo Economist, 17/5/2003

[13] Xem Laney & Shaplen (2003)

[14] Theo “China Breaks with its Wartime Past”, FEER 7/8/2003

[15] Theo Terence Hunt, “U.S., Russia Warn Iran, N. Korea on Nuclear Arms”, Washington Post 1/6/2003

[16] Theo Anthony Spaeth, “Kim’s Rackets”, TIME 9/6/2003 và Jamie Tarabay, “Autralia Charges N. Korean Ship’s Crew in Drug Case”, Washington Post 22/4/2003

[17] Theo William Perry, “Nuclear Confrontations with North Korea”, YaleGlobal Online 28/5/2003

[18] Theo “Japan’s security: Onwards and Upwards”, Economist  31/5/2003

[19] Theo William Perry (2003)

[20] Theo tài liệu của Ban Thư Ký ASEAN—www.aseansec.org

[21] ibid

[22] Theo C. Randall Henning , East Asian Financial Cooperation, Institute for International Economics 2002

[23] Về Thị Trường Trái Khoán Châu Á và Qũy Trái Khoán Châu Á, xem Trần Quốc Hùng, Asian Bond Markets: The Role of Securitization and Credit Guarantees, Keynote speech delivered at the Second ASEAN Central Bank Governors’ Meeting, in Bangkok, Thailand on 9/5/2003

[24] Theo Michael Vatikiotis & David Murphy, “Birth of a Trading Empire”, FEER 20/3/2003

[25] ibid

[26] ibid

[27] Theo Barry Wain, “China and ASEAN: Taking Charge”, FEER 14/11/2002

[28] ibid

[29] Theo Trish Saywell & Murray Hiebert,“Engaging the U.S. with Trade”, FEER 22/5/2003

 

© 2004 Thời Đại Mới

 

 

Trở lại Mục Lục Thời Đại Mới