thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 1 - tháng 3/2004

 


 

 

Về thập kỷ suy thoái kinh tế ở Nhật

 

Vũ Quang Việt

 

 

Bài viết này dựa vào việc đọc sách Balance Sheet Recession, Japan’s Struggle With Uncharted Economics and Its Global Implications (Suy thoái bảng kết toán tài sản, việc Nhật đối phó với quan điểm kinh tế học chưa ai bước qua và ý nghĩa toàn cầu của nó) của Richard C. Koo, nhà xuất bản John Wiley & Sons, 2003.

 

Richard C. Koo là người Mỹ nhưng làm việc lâu năm ở Nhật, hiện nay là Kinh tế gia trưởng (Chief Economist) của Nomura Research Institute, bộ phận nghiên cứu của công ty Nomura Securities.  Trước đây ông đã làm việc cho Ngân hàng Dự trữ Liên Bang ở New York. Koo là nhà kinh tế được giới truyền thông và chính trị ở Nhật để ý, đã được nhiều thủ tướng Nhật mời gặp trao đổi quan điểm. Quan điểm của Koo về vấn đề kinh tế Nhật rất khác với quan điểm kinh tế chính thống của giới lãnh đạo Nhật, và cũng rất khác các nhà kinh tế cũng như quân sư chính sách của Mỹ. Quyển sách của Richard C. Koo do đó có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tìm hiểu vấn đề khó khăn hiện nay của kinh tế Nhật. Quyển sách nhằm lý giải tình hình khó khăn kinh tế của Nhật từ năm 1990 đến nay. Sách viết dễ hiểu, ít ra là cho những người đã học kinh tế và có hiểu biết cơ bản về bảng kết toán tài sản, có nhiều họa đồ thống kê về tình hình kinh tế, tài chính của nền kinh tế Nhật nhằm làm sáng tỏ các điểm lý thuyết kinh tế mà Koo muốn tập trung phân tích. Tuy vậy, quyển sách hình như là một tập hợp của những bài báo viết cho đại chúng nên lặp đi lặp lại cùng một vấn đề ở nhiều chương, đọc hơi mệt. Vả lại, đáng lẽ quyển sách cần có thêm hai chương để người đọc dễ theo dõi vấn đề: chương tóm gọn về phát triển của kinh tế Nhật và chương về ý nghĩa kinh tế của bảng kết toán tài sản. Koo cũng có viết về lịch sử phát triển của kinh tế Nhật nhưng rải rác trong nhiều chương và không đầy đủ.  Sách của Koo gồm 11 chương trong đó có một chương giành cho kinh tế Mỹ và một chương giành cho kinh tế các nước Á châu khác.

 

Nhiều người ngạc nhiên không hiểu vì lý do gì mà tình hình kinh tế của Nhật tiếp tục khó khăn trong 13 năm qua và chưa tìm ra lối thoát. Nhiều giải pháp được áp dụng ở Nhật hoặc được các nhà kinh tế nước ngoài đề nghị tỏ ra không có hiệu quả trong việc giải quyết tình hình trì trệ kinh tế của Nhật. Quyển sách của Richard C. Koo đưa ra một cái nhìn mới.  Đó là cái nhìn dựa vào phân tích bảng kết toán tài sản. Trước khi đi vào những vấn đề Koo đặt ra, tôi sẽ trình bày sơ lược về kinh tế Nhật và ý nghĩa của bảng kết toán tài sản vì đây là thiếu sót trong quyến sách.

 

Vài nét chính về kinh tế Nhật

 

Suốt hai thập kỷ từ 1970 đến 1990 kinh tế Nhật phát triển thần kỳ, đạt trung bình trên 4% mỗi năm. Những năm đầu của thập kỷ 80, kinh tế Nhật có tăng chậm đi vì ảnh hưởng của việc tăng giá dầu, nhưng trong những năm từ 87 đến 90, lại tăng tốc, đạt trên 5% một năm. Nhiều nhà kinh tế coi Nhật là số một, bài học cho Mỹ (xem, chẳng hạn, Ezra Vogel, Japan as Number One: Lessons for America, Harvard University Press, 1979).  Nhưng rồi từ 1991 đến nay (2004) kinh tế Nhật đi vào khủng hoảng, chỉ đạt trung bình năm 1,3%. Số liệu về tốc độ phát triển của Nhật từ 1971 đến 2001 như sau:

 

                           Nhật                Mỹ

 

1971-1980          4,5%                3,2% (2,9%*)

1981-1990          4,1%                3,1% (2,7%*)

1991-2001          1,3%                2,9%

*Nguồn: United Nations National Accounts Statistics: Main Aggregates and Detailed Tables 1992, 2002. Số liệu của Mỹ được điều chỉnh từ sau năm 2000. Số liệu cũ trong ngoặc. Số liệu mới có tính đến thay đổi chất lượng của dịch vụ, nhà ở và máy tính do đó tốc độ phát triển trung bình từ năm 1970 đến nay tăng cao hơn số liệu đã được xuất bản trước đó khoảng 0.3%, mức tăng thời gian gần đây cao hơn thời gian xa trong quá khứ. Sự so sánh do đó khập khễnh vì các nước khác chưa có khả năng tính lại như vậy. (Tác giả tự tính dựa vào số liệu của UN).

 

Sau thế chiến lần thứ hai, kinh tế Nhật đã dựa vào thương mại quốc tế để phát triển vì Nhật thiếu tài nguyên thiên nhiên. Xuất khẩu do đó là con bài chủ lực để Nhật nhập khẩu nguyên liệu nhằm phát triển trong khi bằng mọi cách bảo vệ thị trường nội địa. Hàng hoá nội địa do đó đắt so với các nước khác. Chính sách giữ đồng Yen yếu cũng là lý do bảo đảm hàng hoá Nhật xuất khẩu rẻ trên thị trường thế giới và làm cho hàng hoá nước ngoài đắt trên thị trường nội địa. Đầu những năm 70, một USD có lúc lên tới 370 Yen (năm 1975, hối suất trung bình là 305 và năm 1984 là 251 [1]).  Kinh tế Nhật phát triển mạnh, dư thừa lớn trong cán cân thương mại còn kinh tế Mỹ và Âu châu suy yếu. Trước tình hình đó, Nhật bị các nước phương Tây áp lực thay đổi chính sách, đòi hỏi mở rộng thị trường nội địa đối với cả hàng hoá và tư bản tài chính.

 

Thoả thuận Plaza (Plaza Accord) năm 1985 là điểm mốc quan trọng, lúc đó một USD là 240 Yen. Nhóm G5 [2] áp lực Nhật chấp nhận đồng thuận trên nhằm tăng giá đồng Yen và giảm giá đồng USD. Nhật chấp nhận vì không muốn các nước G5, đặc biệt là Mỹ đưa ra các biện pháp bảo vệ thị trường, ngăn chặn hàng Nhật. Năm 1995, mười năm sau Thoả thuận Plaza, đồng Yen lên giá ở đỉnh điểm là một USD bằng 80 Yen. Với giá đồng Yen cao lên, Nhật mất dần khả năng cạnh tranh nếu chỉ sản xuất ở trong nước để xuất khẩu. Hơn nữa để đối phó với dư luận chống lại hàng nhập từ Nhật, từ năm 1985, Nhật tăng tốc đầu tư trực tiếp thị trường các nước ASEAN (lúc đầu là Malaysia, rồi sau đó là Thái Lan và Indonesia) và vào thị trường Âu Mỹ. Do lý do đó, vào năm 1990 Malaysia đã trở nên nước sản xuất VCR lớn thứ hai thế giới. Trước khủng hoảng năm 1997, vài nước ở Đông Nam Á được Ngân hàng Thế giới gọi là những con rồng, con cọp châu Á, coi phát triển thần kỳ này là do chính sách nội địa và quên mất vai trò của đồng Yen cao giá đã làm các nền kinh tế này tăng tính cạnh tranh. 

 

Do kinh tế phát triển cao trong hai thập kỷ 1970-1980, giá tài sản Nhật lên như bong bóng, đặc biệt là từ năm 1985 trở đi, khi đồng Yen tăng giá, Nhật thừa tiền do việc dư thừa cán cân thương mại, đã ồ ạt mua tài sản nước ngoài, kể cả Trung tâm Rockefeller ở thành phố New York, một biểu tượng của tư bản Mỹ. Nhưng cũng từ đầu năm 1990 trở đi kinh tế Nhật gặp khó khăn khi tốc độ tăng giảm hẳn xuống, giá trị tài sản giảm. Vấn đề là tại sao. Có giải thích được thì mới có biện pháp đối phó.        

 

Giảm giá tài sản và bảng tổng kết tài sản

 

Dư luận và các nhà kinh tế thường chỉ để ý đến tốc độ phát triển của GDP và ít để ý đến vai trò của tài sản trong nền kinh tế. Tuy nhiên, muốn hiểu rõ toàn diện tình hình kinh tế của một nước ta cần hiểu về vai trò của tài sản và ảnh hưởng của nó. Bảng tổng kết tài sản thường được làm cho từng khu vực kinh tế: khu vực doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, khu vực nhà nước và khu vực hộ gia đình. 

 

GDP (có thể cho cả nền kinh tế hoặc cho từng khu vực) có thể giải thích rất đơn giản là giá trị sản lượng hàng hoá làm ra trong năm trừ đi chi phí vật chất và dịch vụ dùng trong sản xuất. Trong bảng cân đối chữ T, tổng bên phải bằng tổng bên trái. Những giá trị chữ đậm có thể tính bằng cách lấy tổng của một bên trừ đi phần đã biết ở bên kia bảng.

 

Bảng sản xuất

    Giá trị sản lượng 100
Chi phí vật chất và dich vụ trong sản xuất 50    
GDP 50    

 

GDP có thể tăng cao nếu sử dụng vật tư nhiều, do đó có thể làm giảm tài sản thiên nhiên trong tổng tích sản, hoặc làm tăng nợ nước ngoài (tiêu sản tăng). GDP và nguồn nhập trừ xuất là hàng hoá (hay nguồn thu nhập) để tiêu dùng và tích lũy. Sự khác biệt là vay mượn nước ngoài.

 

 Bảng nguồn và sử dụng thu nhập

 

 

GDP

 50

 

 

Nhập trừ xuất

-5

Tiêu dùng

30

 

 

Tích lũy

20

 

 

Vay mượn

-5

 

 

 

Tích lũy làm tăng tổng tài sản cố định trong bảng kết toán tài sản. Tùy theo mức tích lũy và tiêu dùng trong nước mà nợ trong bảng kết toán tài sản có thể tăng lên hay không. Tích lũy (20) làm tăng tổng tích sản. Vay mượn (5) làm tăng tiêu sản. Trong thí dụ trên, vay mượn làm tăng tiêu sản. Sự khác biệt giữa tổng tích sản và tiêu sản là vốn tự có hay của cải thuần của nền kinh tế hay của từng khu vực. Vấn đề phát triển là làm sao GDP tăng nhanh và vốn tự có tăng hay ít nhất là không giảm. 

 

 Bảng kết toán kết tài sản (1)

Tổng tích sản

700

Tiêu sản (nợ)

600

Tài sản cố định (nhà cửa, máy móc,...)

 

 

 

Tài sản thiên nhiên (đất, dầu mỏ, rừng, ...)

 

 

 

Tài sản tài chính (tiền, cổ phiếu, trái phiếu, ...)

 

 

 

 

 

Vốn tự có

100

  

Trường hợp của khu vực doanh nghiệp Nhật là tài sản cố định, nhất là đất đai, nhà cửa và tài sản tài chính như cổ phiếu tăng một cách vô lý, do đó vốn tự có một thời rất lớn, đẩy mạnh thêm vay mượn của doanh nghiệp. Khi bong bóng vỡ, tài sản giảm giá tiêu sản trở nên gánh nặng cho nền cho khu vực doanh nghiệp. Giả dụ tài sản giảm một nửa, bảng kết toán tài sản (1) của doanh nghiệp trên trở nên như sau:

 

Bảng kết toán tài sản (2)

Tổng tích sản

350

Tiêu sản (nợ)

600

Tài sản cố định (nhà cửa, máy móc,...)

 

 

 

Tài sản thiên nhiên (đất, dầu mỏ, rừng, ...)

 

 

 

Tài sản tài chính (tiền, cổ phiếu, trái phiếu, ...)

 

 

 

 

 

Vốn tự có

-250

 

Nếu tiêu sản là nợ vẫn không thay đổi, nhưng do tích sản giảm, vốn tự có trở nên -250. Đây là tình hình của một nền kinh tế hoặc một doanh nghiệp phá sản. Trong bảng kết toán tài sản (1), hệ số nợ (tiêu sản/vốn tự có, còn gọi bằng tiếng Mỹ là “leverage ratio”) là 6. Trong bản kết toán tài sản (2) không thể tính được hệ số này.  Điều này có nghĩa là nền kinh tế nợ quá nhiều, tài sản có trong tay không đủ để thế chấp nợ. Nếu một doanh nghiệp có bảng kết toán tài sản ở trong tình trạng trên, ngân hàng khó lòng cho vay và doanh nghiệp đó sẽ phải phá sản. Nguyên tắc cho vay của ngân hàng là tiêu sản không nên cao hơn vốn tự có. Hay nói cho dễ hiểu là nếu doanh nghiệp có vốn tự có một đồng thì có thể mượn ngân hàng một đồng để làm ăn. Hệ số nợ tốt đẹp nhất là bằng 1,0. Ngân hàng theo dõi khách hàng hoặc các nhà phân tích tình trạng sức khỏe của một doanh nghiệp là theo dõi thu nhập và khả năng tăng thu nhập hệ số nợ, và sự thay đổi của chúng. Đối với việc đánh giá một nền kinh tế cũng thế, nhà kinh tế theo dõi tăng trưởng của GDP cũng như hệ số nợ. Tuy nhiên ít nhà kinh tế cũng như người làm chính sách kinh tế tính toán và theo dõi hệ số nợ của nền kinh tế. Do vậy cho đến nay chỉ khoảng 10 nước trên thế giới là có bảng kết toán tài sản.

 

Trong trường hợp của Nhật, hệ số nợ của doanh nghiệp năm 1976 là 6 do kinh tế phát triển cao, do Nhật nghĩ có thể tiếp tục phát triển cao mãi, và cũng do hệ thống chính trị bảo vệ ngân hàng cho nên ngân hàng tha hồ cho vay nợ, vượt ngoài thông lê. Từ năm 1985, hệ số này giảm xuống 4 nhưng lúc đầu không phải vì ngân hàng Nhật muốn giảm nợ mà vì tích sản (nhà cửa, đất đai, chứng khoán) lên giá như bong bóng. Khi tích sản giảm giá vào năm 1990 trở đi, kinh tế Nhật gặp vấn đề, nợ không còn tăng như trước, vào năm 2001, hệ số này là 3, cũng còn gấp đôi hệ số ở Mỹ. Thực tế của Nhật khác với bảng kết toán tài sản (2) vì doanh nghiệp Nhật tìm mọi cách giảm nợ kể từ năm 1990. Nợ của doanh nghiệp Nhật giảm từ cao điểm 660 ngàn tỷ Yen năm 1994 xuống 520 ngàn tỷ Yen năm 2000 (coi trang 18, Koo).  Kinh tế Nhật ở trong tình trạng suy yếu khi doanh nghiệp không còn muốn vay mượn để tích lũy.   

 

Vấn đề Koo nêu ra với kinh tế Nhật

 

Quyển sách của Koo lý giải nguyên nhân của tình hình suy thoái của kinh tế Nhật để từ đó nhìn ra giải pháp.

 

Có phải là vì khu vực hộ gia đình giảm chi tiêu không? Không phải. Số liệu Koo đưa ra cho thấy để dành của hộ gia đình có giảm từ gần 10% GDP xuống dưới 5% GDP, để tăng chi tiêu. Số liệu của Liên Hợp Quốc về Nhật cho thấy chi tiêu của hộ gia đình của Nhật tăng trung bình năm như sau: 5,2% (70-79), 3,2% (80-89), 1,9% (90-99), 1,4% (2000-2001) [3]. Như vậy hộ gia đình Nhật vẫn tăng chi tiêu và do đó không thể coi đó là yếu tố làm suy thoái kinh tế Nhật.

 

Giảm chi tiêu chính là từ khu vực doanh nghiệp. Trước những năm 90, khu vực này là khu vực mượn vốn từ các khu vực khác để phát triển sản xuất, từ 1990, khu vực này giảm dần việc mượn vốn và trở thành khu vực cung ứng vốn cho thị trường thế giới. Từ 1990 đến 2001, thay đổi về nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm, bằng 14% GDP. Nếu không có việc tăng chi của nhà nước Nhật qua thiếu hụt ngân sách, nước Nhật có thể đi vào một cuộc đại khủng hoảng như những năm 1930.

 

Koo phê phán các chỉ trích của IMF và chính phủ Mỹ. Theo họ chính sách thâm hụt ngân sách của Nhật nhằm tăng chi tiêu và tích lũy của nhà nước Nhật là sai lầm vì làm mất khả năng trả nợ của Nhật trong tương lai.  Koo cho rằng nếu không có chính sách thâm hụt ngân sách, nước Nhật đã gặp phải đại hoạ khủng hoảng và thất nghiệp.

 

IMF và nhiều nhà kinh tế Mỹ cho rằng cơ cấu kinh tế Nhật lỗi thời, là một hệ thống kinh tế bè đảng (crony capitalism), và coi việc cơ cấu lại nền kinh tế là giải pháp chính nhằm vực kinh tế Nhật.  Koo phản bác, cho rằng cơ cấu kinh tế Nhật (ám chỉ hệ thống kinh tế bè đảng) có vấn đề, nhưng vấn đề này đã có từ lâu và chính nó đã là động lực phát triển kinh tế Nhật.  Vào năm 1997 Nhật theo đuổi chính sách cải tổ hệ thống, giảm thiểu các qui định, kiểm soát, lỗi thời để tăng cung nhưng không đưa lại kết quả. Nhu cầu về vốn giảm nhanh hơn là khả năng tăng cung. Kết quả là Ngân hàng Nhật dư thừa vốn nhưng không kiếm ra người vay (Koo, trang 146).  Tình hình bi đát hơn khi Ryutaro Hashimoto thực hiện thêm chính sách cân bằng ngân sách từ cuối năm 1997 đến cuối năm 1998 do bị chỉ trích và tiếp tục cải tổ hệ thống (Koo, trang 146, 155). Tốc độ tăng GDP âm (năm 1997 và 1998).  Tốc độ tăng trưởng giảm mạnh từ 4,4% xuống -1,9% làm ngân sách thâm hụt thêm vì thuế thu được ít hơn.  Keizo Obuchi thay đổi chính sách, chấp nhận thiếu hụt ngân sách, kinh tế tăng trưởng trở lại vào năm 1999 (0,1%) và năm 2000 (2,8%). Junichiro Koizumi lại trở lại cho rằng cần “chính sách táo bạo nhằm cải cách cơ cấu.” Koizumi nói đến vấn đề thành lập một quĩ giải quyết mua lại nợ như Mỹ vào năm 1989 và phá sản các ngân hàng cần phá sản đã giải quyết nợ gây ra do các ngân hàng để dành và việc phá sản của quĩ bảo hiểm các ngân hàng này. Ngân sách nhà nước Mỹ phải chi đến 160 tỷ USD. Khác biệt là các tổng dư nợ của ngân hàng để dành ở Mỹ chỉ bằng 5% của hệ thống ngân hàng Mỹ và chỉ một phần của 5% này là nợ xấu. Ngược lại 95% ngân hàng Nhật có nợ xấu và tổng tích sản mất giá đến 85%, gấp 2 lần rưỡi GDP của Nhật (Koo, trang 124-125). Koo cho rằng cần áp dụng giải pháp như đã áp dụng cho các nước châu Mỹ Latin trước đây: bảo đảm sự bình ổn của hệ thống tín dụng và từ từ giải quyết nợ xấu (Koo, trang 130).      

 

Koo phê phán giải pháp tiền tệ, nhất là các áp lực trên Ngân hàng Trung ương Nhật tạo ra lạm phát ("inflation targeting" do Paul Krugman đề nghị [4]) khi chính sách lãi suất đã trở nên vô dụng, gần bằng zero nhưng vay mượn không tăng. Nhật đã rơi vào “bẫy thanh khoản” (liquidity trap) mà Keynes đã nói tới khi bàn về khủng hoảng năm 1930. Lý luận của Krugman và các nhà kinh tế có ý tương tự là nếu kỳ vọng lạm phát tiếp tục cao lên, dân chúng hoặc doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tăng chi tiêu vì họ sẽ chỉ phải trả nợ với một giá trị thấp hơn. Ngân hàng Nhật thực hiện giải pháp này năm 1999 nhưng kết quả chẳng hơn gì trước, doanh nghiệp có tiền thì lo tăng tốc trả nợ. Koo cho rằng nhu cầu vốn không có cho nên tăng cung chỉ làm chính sách tiền tệ trở nên vô dụng thêm.  Koo điểm lại thống kê để cho thấy rằng, doanh nghiệp Nhật chỉ nhằm giảm nợ chứ không có nhu cầu đầu tư.

 

Koo cho rằng phải tăng chi tiêu của chính phủ vào tích lũy của nhà nước và các chính sách xã hội. Koo không bàn chi tiết về chính sách thiếu hụt ngân sách nhà nước. Tuy nhiên cũng cần thấy không nhất thiết nhà nước cần tăng đầu tư (khi mà nhiều người cho rằng đầu tư vào hạ tầng ở Nhật đã quá dư thừa không còn chỗ để đầu tư thêm) mà có thể tăng chi vào các chính sách xã hội và giảm thuế để khuyến khích dân chúng chi tiêu.  Tuy vậy Koo không cho rằng chính sách thâm hụt ngân sách sẽ giải quyết được vấn đề mà chỉ nhằm cấp thuốc giảm đau cho bệnh nhân. Koo cho rằng các lãnh tụ chính trị hứa hão khi áp dụng chính sách thâm hụt ngân sách do đó đã tạo ra tình trạng mất tin tưởng vào chính sách này. Đối với Koo chính sách này là đúng đắn và cần thiết. Koo không nói thẳng nhưng giải pháp cho kinh tế Nhật chính là hành động của doanh nghiệp nhằm giảm nợ. Khi nào bảng kết toán tài sản sạch sẽ trở lại thì doanh nghiệp sẽ đầu tư trở lại. Điều này đã mất 13 năm và Koo cho rằng kinh tế Nhật đã gần đi đến phục hồi chiều hướng nợ của Nhật đã trở lại thời những năm 1970. Koo có thể đã quá lạc quan. Đành rằng hệ số nợ của Nhật ngay trong quá khứ đã rất cao, cao ngay trong thời kỳ huy hoàng của Nhật vào những năm 60 và 70. Nhưng điều này xảy ra trong tình hình kinh tế Nhật đóng kín cửa với hàng nhập. Khi bị bó buộc phải mở cửa cho hàng hoá nước ngoài và dòng chảy tư bản, tình hình đã trở nên khác. Những gì có tính hiệu quả trong quá khứ không nhất thiết hiệu quả trong hiện tại. Cũng rất có thể doanh nghiệp sẽ áp dụng cách đánh giá như các nước Tây Âu khi hệ thống kinh tế đã thay đổi và không còn có thể dựa vào nhà nước như trước do đó họ cần phải đạt tới hệ số nợ khoảng gần 1 trước khi doanh nghiệp Nhật tăng tốc đầu tư. Điều này Koo lờ đi.              

 

Vấn đề Koo nêu ra với kinh tế Đông Nam Á

 

Vấn đề kinh tế Đông Nam Á là hệ quả của sự khủng hoảng kinh tế Nhật được bàn đến ở chương 9. Nhật đầu tư sang các nước này từ năm 1985 vì chính sách ép buộc của Mỹ và các nước phát triển đòi hỏi Nhật mở cửa cho tư bản tài chính và hàng hoá, và vì sự tăng giá trị đồng Yen như đã nói ở đoạn trên. Hàng năm Nhật xuất khẩu tư bản (qua cho vay, đầu tư trực tiếp và mua tài sản ở nước ngoài) lên đến 2-3% GDP.  Nhưng đến năm 1995 trở đi, đồng Yen bắt đầu xuống giá so với đồng USD. Một USD lúc cao điểm là 80 Yen, năm 1997 xuống tới mức 150. Các nước Đông Nam Á do gắn chặt đồng nội tệ vào đồng USD, nên đồng tiền của họ lên giá gần gấp đôi so với đồng Yen. Hàng hoá của họ mất khả năng cạnh tranh vào thị trường Nhật. Cán cân thương mại của các nước này từ chỗ dư thừa trở nên thiếu hụt lớn, có nước lên tới 6% GDP. Vốn Nhật và từ 1995 là vốn các nước Âu châu đổ vào Á châu như một cuộc chạy đua vì sợ mất chỗ đẩy giá tài sản, đặc biệt là nhà đất và cổ phiếu lên rất cao. Bong bóng vỡ năm 1997 do đồng ngoại tệ tháo chạy.

 

Liều thuốc mà IMF dưới áp lực của Mỹ vẫn là “đồng thuận Washington” [5] như đã áp dụng ở Nhật và các nước khác: cân bằng ngân sách, xoá bỏ bù lỗ, đổi mới cơ cấu vì họ coi nguyên nhân của khủng hoảng là chủ nghĩa tư bản bè đảng. Với liều thuốc vạn năng áp dụng cho mọi trường này, kinh tế Indonesia suy sụp và chế độ Suharto sụp đổ. Nước từ chối liều thuốc này là Malaysia vẫn đứng vững và là nước lấy lại được tình trạng phát triển nhanh chóng nhất trong các nước Đông Nam Á. Malaysia sử dụng liều thuốc ngắn hạn bằng cách tạm đình hoãn dòng chảy tư bản nhằm ngăn chặn phản ứng đàn lũ của thị trường.

 

Phân tích của Koo cũng ích lợi cho việc nhìn nhận tình hình Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian sắp tới khi tài sản tăng giá kiểu bong bóng, và đặc biệt ở Việt Nam thiếu hụt cán cân thương mại lên tới 15% GDP [6].  Tình hình hiện nay chưa đến mức nguy vì do hai nước đều gắn (hoặc bảo vệ) giá trị đồng tiền của mình vào đồng USD do đó mất giá so với đồng Nhật và Euro.

 

Vấn đề Koo nêu ra với kinh tế Mỹ

 

Chương 10 bàn đến kinh tế Mỹ. Kinh tế Mỹ trong hai năm qua cũng ở tình trạng như Nhật nhưng ở mức độ thấp hơn. Hệ số nợ của doanh nghiệp Mỹ lên đến 1,5 cao hơn 1 là mức bình thường trong lịch sử kinh tế Mỹ từ năm 1960 đến gần đây. Giá tài sản nhà đất và cổ phiếu lên như bong bóng. Sự suy sụp của giá cổ phiếu năm 2001 không đưa đến tình trạng suy sụp vì Greenspan ý thức khá rõ vấn đề nguy kịch của tình hình. Cầu về vốn của doanh nghiệp giảm mạnh để giảm nợ do hệ số nợ cao. Ông ta nhanh chóng giảm lãi suất, 12 lần liên tiếp trong một năm, lãi suất vay ngắn hạn Ngân hàng Dự trữ Liên bang giảm từ 6,5% xuống 1,75% trong thời gian ngắn hơn một năm để thúc đẩy nhu cầu mua nhà, do đó làm tăng giá nhà.  Nhà trắng áp dụng chính sách thâm hụt ngân sách, tăng chi quốc phòng, hiện nay lên tới 3% GDP. Giá trị cổ phiếu vào lúc cao điểm giảm bằng 70% GDP, nhưng ngược lại giá nhà đất lên như bong bóng, gần đủ bù vào sự mất giá của cổ phiếu. Mức độ mất giá tài sản của Nhật cao hơn nhiều, bằng 2,7 lần GDP năm 1989 và 2,3 lần năm 2001. Koo đánh giá những phản ứng quyết liệt của Greenspan là cực kỳ thông minh. Koo cũng nhắc lại là nhân định về suy thoái (vì) bảng kết toán tài sản (balance sheet recession) là bắt nguồn từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở New York vào năm 1991 (trang 217). Tuy nhiên Greenspan gặp may mắn vì giá nhà đất không suy sụp khi giá cổ phiếu suy sụp.

 

Khả năng suy sụp giá nhà đất là có, nhất là sau khi bầu cử tổng thống Mỹ.

 

Kết luận

 

Koo đưa ra một nhận định khá mới mẻ về kinh tế Nhật, và kinh tế vùng Đông Nam Á, mặc dù không phải là người đầu tiên đưa ra. Đó là suy thoái (vì) bảng kết toán tài sản. Giải quyết suy thoái kiểu này đòi hỏi thời gian dài lâu để doanh nghiệp tự giải quyết hầu làm sạch sẽ bảng kết toán.  Vai trò của nhà nước là tăng mức chi tiêu của ngân sách hầu tránh cho suy thoái loại này trở thành một cuộc đại khủng hoảng và nhằm bảo vệ việc làm và đời sống xã hội. Đồng thuận Washington là chính sách không những vô dụng trong tình hình này mà còn làm rạn vỡ xã hội và thành quả kinh tế xã hội đã đạt được.  Koo chỉ chú trọng vào nguyên nhân gần là ảnh hưởng của việc giảm phát gía trị tài sản mà không đi vào lý giải tại sao tài sản tăng giá kiểu bong bóng và tại sao chúng giảm cũng như không bàn đến các biện pháp kinh tế nhằm tránh chuyện bong bóng xảy ra.

 

New York 21/01/2004     

Vũ Quang Việt

   

               

     

 


 

[1] International Financial Statistical Yearbook, IMF, 2002. Hối suất nhắc tới ở dưới là lấy từ  sách của R. Koo. Hối suất này không  nhất thiết giống như tài liệu của IMF vì số liệu IMF là số trung bình trong năm.

[2] Nhóm G5 (gồm năm nước phát triển Mỹ, Nhật, Đức, Anh và Pháp), họp thường kỳ một năm một lần nhằm trao đổi và phối hợp chính sách kinh tế giữa các nước lớn. Nhóm G5 hiện nay đã trở thành nhóm G7, có thêm hai nước Canada và Ý. Mới đây do có sự tham gia với tư cách quan sát viên của Nga, G7 cũng được gọi là G8. 

[3] National Accounts Statistics: Analysis of Main Aggregates 2001, United Nations, 2001.

[4] Xem, chẳng hạn, Paul Krugman, 1999, “Morning in Japan?”, Slate, 12 tháng 3. 

[5] Đồng thuận Washington (Washington consensus) là từ do John Williamson tạo ra để nói về sự đồng thuận giữa nhà trắng, quốc hội Mỹ và các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và World Bank về chính sách “đúng đắn” đã được đúc kết từ kinh nghiệm, cần áp đặt trên các nước đang phát triển khi họ cần giúp đỡ tài chính. Chính sách này chủ yếu là nhằm cổ động tư hữu hoá, tư do dòng chảy tư bản và giảm vai trò của nhà nước trong nền kinh tế. Chính sách  gồm mười điểm: (1) cân bằng ngân sách nhà nước, (2) chuyển hướng tài chính công, (3) cải cách thuế, (4) tự do hoá tài chính, (5) dùng một hối suất thị trường tự do, (6) tự do hoá thương mại, (7) xoá bỏ rào cản đầu tư nước ngoài, (8) tư hữu hoá doanh nghiệp nhà nước, (9) xoá bỏ các luật lệ kiểm soát thị trường, (10) bảo vệ quyền tư hữu.  Coi J. Williamson (ed), Latin American Adjustment: How Much Has Happened [Washington, D.C. Institute for International Economics, 1990] hay “Democracy and the Washington Consensus”, World Development, Vol. 21, No. 8, 1993.      

[6] GDP năm 2003 ước là 536.099 tỷ (Tổng cục Thống kê), tương đương 34.6 tỷ USD. Nhập siêu theo Kinh Tế Sài Gòn, số 1, 2004 là 5,2 tỷ USD.

© 2004 Thời Đại Mới

Trở lại Mục Lục Thời Đại Mới