thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 10  - Tháng 3/2007

 


 

 

Đng tiền và xã hội
Việt Nam ngày nay

Trần Hữu Quang
TP Hồ Chí Minh
 

Để tìm hiểu đặc trưng ứng xử của con người trong đời sống kinh doanh nói riêng hay đời sống xã hội nói chung của một cộng đồng hay một xã hội nào đó, thì có lẽ một trong những lối tiếp cận có triển vọng là tìm hiểu xem cộng đồng hay xã hội ấy quan niệm thế nào về đồng tiền. Trong xã hội hiện nay, với tư cách một phương tiện đo lường, tích luỹ và trao đổi, đồng tiền đã thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội và các mối quan hệ giữa con người với nhau. Trong khuôn khổ bài viết này, tiền tệ và các quan hệ tiền tệ được hiểu không phải với tư cách một sự kiện kinh tế xét về mặt kinh tế học, mà một sự kiện xã hội-kinh tế-văn hóa tổng thể xét về mặt xã hội học.[1] Cái nhìn của con người về đồng tiền và về các quan hệ tiền tệ có thể biểu hiện những đặc trưng của một nhân sinh quan lẫn của cả một hệ thống xã hội. Bài này thử khảo sát quan niệm về đồng tiền của người Việt Nam, nhằm qua đó góp phần giải thích định kiến tiêu cực đối với đồng tiền, đối với kinh doanh cũng như đối với thị trường vốn có nơi xã hội Việt Nam.

Quan niệm về đồng tiền

Người Việt Nam có cái nhìn thế nào về đồng tiền? Nói chung cho đến nay người Việt Nam chúng ta có một đặc điểm dễ thấy là thường ngại nói chuyện tiền bạc. Lẽ tất nhiên không kể những lúc giao dịch làm ăn buôn bán, còn trong những quan hệ riêng tư hàng ngày, mỗi khi cần bàn đến tiền nong, người ta thường tỏ ra khá ngại ngùng, lúng túng, và luôn phải rào trước đón sau rồi mới nói chứ ít ai dám nói ngay và đề cập thẳng đến chuyện tiền. Quan hệ gia đình thân thuộc, quan hệ thầy trò, hay quan hệ bằng hữu được coi là những quan hệ tình nghĩa, và vì thế ở đó không có chỗ cho chuyện tiền bạc; đụng đến tiền bạc ở đây là điều hết sức tế nhị và đôi khi gần như cấm kỵ vì dễ chạm đến tự ái, xúc phạm đến sĩ diện, danh dự. Người ta thường e ngại nghĩ rằng một khi đã đặt vấn đề “tiền” ra với nhau thì có nguy cơ sứt mẻ tình cảm và e khó nhìn lại mặt nhau!

Khi nói ai làm điều gì đó “vì tiền” hay “chỉ biết có tiền”, người ta thường có ý nói rằng người đó chẳng còn màng gì tới nhân nghĩa. Người ta cũng hay coi thái độ “sòng phẳng” về tiền bạc là hành vi trơ trẽn, và đặc biệt là không thể chấp nhận trong những mối liên hệ thầy trò, cha con, vợ chồng hay bạn bè; nói “tiền trao cháo múc” để phê phán trong những trường hợp này. Chuyện tính toán tiền nong thường được coi là chuyện tầm thường, có cái gì đó không xứng đáng, không thanh nhã, cao thượng. Trong những mối quan hệ mang tính chất tình cảm, người ta coi thái độ “tính toán”, nhất là tính toán tiền bạc hay vật chất, là điều phải tránh. Vì thế, khi nói ông A hay bà B là người “hay tính toán” thì rõ ràng hàm ý chê bai và trách móc.

Nói tóm lại, tiền bạc thường được coi không đi đôi với tình nghĩa. Thậm chí có những trường hợp đối lập với nhân nghĩa và đạo lý, đến mức mà người ta nghĩ rằng tiền bạc có thể là căn nguyên dẫn đến tội lỗi. Chúng ta có thể tìm được không ít bằng chứng minh hoạ cho quan niệm “trọng nghĩa khinh tài” này trong các tác phẩm văn chương, thi phú, tuồng chèo… trong quá khứ cũng như trên sách vở và báo chí hiện nay, kể cả qua nhiều cuộc hội thảo và diễn văn.

Qua phản ánh trên báo chí, chúng ta thấy người ta thường gán nguyên nhân của các hành vi tham nhũng và phạm pháp là do mù quáng “chạy theo đồng tiền”, bị “mờ mắt” vì đồng tiền. Nạn chạy chọt, lo lót, vòi vĩnh, mãi lộ, cũng như nạn mua quan bán tước, phần lớn đều được coi là do mãnh lực và sự “cám dỗ” của đồng tiền “tác oai tác quái”. Người ta nói “nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Người ta nhìn đồng tiền gần như thể tự nó một sức mạnh, là một ma lực có thể làm cho nhiều cán bộ bị tha hoá, biến chất, hư hỏng, làm xói mòn và phá hoại nền tảng đạo đức và truyền thống của dân tộc…[2] Có tờ báo còn mở ra một mục diễn đàn lấy tên là “Giữa vòng xoáy đồng tiền”[3].

Điều đáng chú ý cái nhìn về đồng tiền ấy thường được đi kèm bởi định kiến về lợi nhuận[4], về chuyện kinh doanh, buôn bán cũng như định kiến về thị trường – mặc dù nhiều năm đã trôi qua kể từ khi có chính sách đổi mới và thoát ra khỏi thời kỳ quan liêu bao cấp. Người ta thường giải thích nguyên do của tình trạng tham ô hay phạm pháp hiện nay là do “mặt trái của cơ chế thị trường”, do xu hướng thực dụng “chạy theo lợi nhuận”, do xu hướng “thương mại hoá”[5]

Theo một cuộc điều tra nơi dân cư thành phố Hồ Chí Minh mà chúng tôi tiến hành vào năm 2003, có đến 51% trong mẫu điều tra đồng ý với mệnh đề cho rằng “đồng tiền là nguồn gốc sinh ra tội lỗi”, 36% đồng ý rằng “sống theo nhân nghĩa thì khó mà làm giầu được”, và 32% đồng ý rằng “người kinh doanh là người chỉ biết chạy theo đồng tiền”[6].

Từ đâu mà lại có quan niệm mang tính chất đạo đức về đồng tiền và về thị trường như vậy?

Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo

Theo tư tưởng Nho giáo phong kiến thời xưa, tam cương (bao gồm các quan hệ vua tôi, cha con, và vợ chồng) và ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) chính là giềng mối của toàn xã hội. Khổng Tử coi chữ “nhân” là quan trọng nhất, về sau Mạnh Tử đưa thêm vào đó chữ “nghĩa”. Với quan niệm nhân nghĩa này, tư tưởng Nho giáo có đặc điểm là nhấn mạnh lên hàng đầu lĩnh vực đạo đức, và xem nhẹ lĩnh vực luật pháp, coi trọng nhân trị hay đức trị hơn là pháp trị.[7]

Quan niệm đạo đức dựa trên căn bản nhân nghĩa trong Nho giáo cho rằng người quân tử không được “mưu lợi”, vì khái niệm “lợi” là một thứ đặc biệt bị tẩy chay trong hệ thống tư tưởng này. Giáo sư Cao Xuân Huy phân tích như sau: “Xã hội phong kiến Trung Quốc và Việt Nam... còn bảo lưu nhiều tàn tích thị tộc và tông pháp, do đó... càng chèn ép cá nhân, ngăn cản sự phát triển ý thức cá nhân... Quyền lợi tinh thần hay vật chất của cá nhân đều bị hạn chế gắt gao... Vì vậy nếu chữ lợi là một vật húy kỵ đối với Nho gia, thì cũng là đương nhiên mà thôi... Trong Nho giáo, ‘nhân nghĩa’ và ‘lợi’ là những phạm trù không thể lưỡng lập, mà bài trừ lẫn nhau một cách tuyệt đối”.[8]

Mạnh Tử từng nói rằng “Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân”, nghĩa là muốn giữ đức nhân thì đừng ham giàu, mà hễ làm giàu thì coi như bỏ đức nhân. Cái nhìn coi khinh đồng tiền chính là một thái độ điển hình phản ánh cái quan niệm coi khinh chữ “lợi” trong đạo đức Nho giáo.[9]

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thái độ thành kiến này không phải chỉ xuất phát từ tư tưởng Nho giáo, mà đã có sẵn mầm mống hình thành từ ngay trong lòng một xã hội nông nghiệp tự cấp tự túc cổ truyền. Đây chính là cơ sở kinh tế-xã hội sâu xa của quan niệm coi khinh tiền bạc và chữ lợi.

Căn nguyên từ cơ sở kinh tế-xã hội

Đối với những tác giả cổ điển trong lĩnh vực khoa học xã hội như Karl Marx, Max Weber hay Georg Simmel, đồng tiền được nhìn nhận như một trong những nhân tố nổi bật trong quá trình lý tính hóa và hiện đại hóa xã hội, đặc biệt là trong khuôn khổ phát triển của chủ nghĩa tư bản.

Mặc dù tiền tệ đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử, nhưng theo Karl Marx và Friedrich Engels, quyền lực của tiền tệ chỉ thực sự bắt đầu lớn mạnh kể từ khi ra đời giai cấp thương nhân trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản. Marx gọi tiền tệ là “tồn tại vật chất của của cải trừu tượng”,[10] là “cái cấu thành tiền đề cho xã hội tư sản hiện đại”.[11] Thế lực của đồng tiền giống như “cái bùa”, theo cách nói của Engels, cái bùa này có thể hóa phép thành mọi thứ mà người ta muốn, “hễ ai có cái bùa đó là chi phối được thế giới sản xuất”, và người có cái bùa đó trước tiên chính là thương nhân.[12]

Marx coi đồng tiền là sợi dây ràng buộc con người với xã hội, là “sợi dây của mọi sợi dây”, nó là “phương tiện phổ biến để chia rẽ” xã hội, nhưng đồng thời nó cũng là “phương tiện liên hợp thật sự, [nó] là lực lượng hoá học [phổ biến] của xã hội”[13] (những chỗ nhấn mạnh là do Marx). Marx cho rằng tiền có thuộc tính là “vạn năng”, nó “có thể mua được tất cả, có thể chiếm hữu mọi vật, [nó] là vật coi như là sự chiếm hữu tối cao.”[14]

Marx phân tích ý nghĩa triết học và xã hội học của đồng tiền như sau: “Cái, nhờ có tiền, mà tồn tại đối với tôi, cái mà tôi có thể trả tiền, nghĩa là cái mà tiền có thể mua được, bản thân tôi là cái ấy, tôi, người sở hữu tiền. Sức mạnh của tôi cũng lớn như sức mạnh của tiền. (…) Cho nên tôi là gì và tôi có thể làm gì, điều đó hoàn toàn không phải là do cá tính của tôi quy định. Tôi là người xấu xí, nhưng tôi có thể mua cho tôi một người vợ tuyệt đẹp. Do đó tôi không xấu, vì tác dụng của sự xấu xí, sức mạnh đáng ghê tởm của nó, đã bị tiền làm tiêu tan mất rồi. (…) Tôi là người xấu, không chân thật, không có lương tâm, ngu ngốc, nhưng tiền được tôn thờ thì người có tiền cũng được tôn thờ; (…) tôi là người không có trí tuệ, nhưng tiền là trí tuệ hiện thực của mọi sự vật, -- thế thì làm thế nào mà kẻ chiếm hữu tiền lại không có trí tuệ được? (…) Tiền biến mỗi lực lượng bản chất ấy thành một cái gì vốn không phải là lực lượng ấy, nghĩa là thành cái đối lập với nó. (…) Vì tiền, với tính cách là khái niệm đang tồn tại và đang biểu hiện của giá trị, làm lẫn lộn và trao đổi mọi sự vật, cho nên nó là sự lẫn lộn phổ biến và sự thay thế phổ biến mọi sự vật, nghĩa là thế giới lộn ngược, là sự lẫn lộn và sự thay thế tất cả những phẩm chất tự nhiên và có tính người” [những chỗ nhấn mạnh là do Marx].[15]

Mấy đoạn trích dẫn Marx trên đây là những ý tưởng có thể phần nào giải thích được nguồn gốc của quan niệm nghi kỵ đồng tiền và thương nhân trong xã hội Việt Nam. Trong bối cảnh của một xã hội nông nghiệp tự cấp tự túc phải đối diện với sự phát triển của các quan hệ tiền tệ, quan niệm coi khinh đồng tiền, theo chúng tôi, là một thứ phản ứng tự vệ của cộng đồng, nhằm chống lại những sự thay đổi, những sự đảo lộn của cái “thế giới lộn ngược” còn lạ lẫm đối với họ, trong đó đại biểu đầu tiên mà họ bắt gặp là tầng lớp thương nhân, để bảo vệ và duy trì cái thế giới làng xã cổ truyền vốn dĩ quen thuộc của họ và an toàn đối với họ. Hệ quả lô-gích của cái nhìn về đồng tiền là dẫn tới thái độ miệt thị những người làm ăn buôn bán, coi khinh doanh lợi và nghề thương buôn mà người ta thường mô tả là cái nghề “một vốn bốn lời”, nghi kỵ và căm ghét những người giầu có, “trọc phú”.[16] Vì các quan hệ tiền tệ là biểu hiện tập trung nhất của kinh tế thị trường, cho nên chính cái quan niệm kỳ thị đồng tiền và thương buôn cũng là một biểu hiện điển hình của tình trạng xung đột và trăn trở trong tâm thức của dân cư trong quá trình giải thể của nền kinh tế tiểu nông tự cấp tự túc.

Trong một công trình mà gần đây giới nghiên cứu mới khám phá trở lại mang tên là Triết học về đồng tiền (Philosophie des Geldes) (1900), nhà xã hội học người Đức Georg Simmel đã phân tích ý nghĩa xã hội học của đồng tiền và của các quan hệ tiền tệ. Ông cho rằng đồng tiền, ngoài giá trị khách quan của nó là giá trị kinh tế, còn có giá trị chủ quan xét về mặt xã hội. Theo Simmel, việc phân tích về giá trị xã hội của đồng tiền có thể giúp chúng ta hiểu được suy nghĩ của các cá nhân, ý nghĩa của các hoạt động tương tác, và hình dung ra được những nguyên tắc thống trị chi phối đời sống của một xã hội.

Simmel đặc biệt đào sâu sự phân tích về ý nghĩa của đồng tiền trong quá trình hiện đại hóa xã hội. Khi hình thức giao dịch bằng tiền tệ thay thế dần những hình thức trao đổi bằng hiện vật, thì lúc đó diễn ra nhiều sự thay đổi trong các hình thức quan hệ tương tác giữa các chủ thể trong xã hội. Vì tiền tệ là một vật có thể đo đếm được một cách chính xác và sử dụng dễ dàng trong việc trao đổi những thứ hàng hóa hết sức khác biệt nhau, nên nó trở thành một phương tiện trao đổi phi cá nhân (impersonal) mà những vật trao đổi ngang giá trước nó như cái cồng hay vỏ sò chẳng hạn không thể nào có được. Do đó, nó góp phần thúc đẩy sự tính toán (calculation) trong các hoạt động giao dịch giữa con người với nhau, và thúc đẩy quá trình lý tính hóa (rationalization) – khái niệm mà nhà xã hội học Max Weber đặc biệt nhấn mạnh khi nói tới sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và quá trình hiện đại hoá xã hội. Theo Max Weber, đồng tiền là phương tiện tính toán kinh tế hoàn hảo nhất, là phương tiện thuần lý nhất xét về mặt hình thức có chức năng hướng dẫn một hoạt động kinh tế.[17] Simmel cho rằng khi tiền tệ trở thành sợi dây liên hệ chủ yếu giữa con người với nhau, thì nó thay thế những mối quan hệ ràng buộc cá nhân vốn thường bao hàm tình cảm hay cảm xúc, bằng những mối liên hệ phi cá nhân hướng đến một mục tiêu nhất định nào đó. Hệ quả là sự tính toán trừu tượng thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực trong đời sống, kể cả lĩnh vực quan hệ gia đình thân tộc hay lĩnh vực thưởng ngoạn nghệ thuật vốn trước đó là những lĩnh vực mà người ta chỉ có thể đánh giá chủ yếu một cách định tính hơn là định lượng. Theo Simmel, chính vì tiền bạc làm cho người ta có thể giới hạn một hành vi giao dịch nào đó vào một mục tiêu nhất định, nên nó cho phép người ta có nhiều tự do cá nhân hơn và thúc đẩy quá trình phân công lao động xã hội cũng như quá trình biệt dị hóa xã hội (social differentiation). Tiền tệ đã thay thế những nhóm xã hội “tự nhiên” bằng những nhóm xã hội tự nguyện, vốn được hình thành theo những mục đích duy lý nhất định. Quan hệ tiền bạc lan tới đâu, thì nó giải thể những mối liên kết dựa trên quan hệ huyết thống, thân tộc hoặc quan hệ trung thành tới đó. Nói chung, đồng tiền là một phương tiện và là cái mốc thay đổi từ phương thức đánh giá định tính sang phương thức đánh giá định lượng trong nhận thức xã hội.

Theo Simmel, trong xã hội hiện đại, đồng tiền, ngoài các chức năng kinh tế của nó, còn là biểu tượng của óc duy lý, óc tính toán, óc trừu tượng, và tính chất phi cá nhân (impersonality). Vì thế, nó là cơ chế chủ yếu thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ một xã hội cổ truyền mang tính chất “cộng đồng” (Gemeinschaft) sang một xã hội hiện đại mang tính chất “xã hội” (Gesellschaft) theo ý nghĩa mà Ferdinand Tönnies tng đề cập.[18]

Xã hội Việt Nam truyền thống vốn dĩ mang đặc trưng là trọng nhân trị hay đức trị hơn là pháp trị, cư xử theo tình hơn là theo lý, đề cao các quan hệ tình nghĩa hơn là các quan hệ chức năng và phi cá nhân. Lối tư duy chủ yếu đặt nền tảng trên kinh nghiệm thực tiễn hơn là dựa trên cơ sở tư biện thuần lý, thuận theo đạo lý và tình cảm hơn là theo lý tính. Trong lịch sử, khi thị trường dần dà phát triển đến mức từng bước phá vỡ khuôn khổ nền kinh tế tự cấp tự túc, lúc đầu người ta khó mà thích ứng kịp thời với sự chuyển đổi của phương thức sản xuất. Vì chưa thay đổi được từ lối tư duy kinh nghiệm và cảm tính sang lối tư duy suy lý và tính toán trừu tượng, vì chưa hiểu nổi tại sao các quan hệ tiền tệ lại thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực đời sống, kể cả những lĩnh vực như đời sống gia đình hay đời sống văn hóa, cho nên người ta cảm thấy như các giá trị trong xã hội truyền thống của họ đang bị đảo lộn. Hầu hết các mối quan hệ xã hội đều không còn như trước, đều bị thay đổi bởi những quan hệ tiền tệ, ngoại trừ quan hệ gia đình và quan hệ bè bạn. Họ cảm thấy cuộc sống an toàn trước đây của họ như đang bị đe dọa tận gốc rễ.

Trong bối cảnh đó, phản ứng tâm lý tự nhiên là phải tìm cho ra một nguyên nhân hay đúng hơn là một thủ phạm để qui tội cho tình trạng xáo trộn hay đảo lộn này. “Thủ phạm” dễ thấy nhất, mà thực ra cũng là trừu tượng nhất, chính là tiền tệ. Chính vì thế mà người ta coi đồng tiền là nguồn gốc sinh ra sự hư hỏng, là biểu tượng của tội lỗi, chứ họ không thể thấy được rằng, thực ra, những quan hệ xã hội đang thay đổi đằng sau các quan hệ tiền tệ mới thực sự là điều đáng quan tâm. Và vì người ta không thể cưỡng lại các quan hệ tiền tệ đang dần dà lan tràn bằng bất cứ một biện pháp kinh tế nào, nên người ta buộc phải tìm cách bảo vệ cái thế giới truyền thống của mình bằng cách dựa vào những giá trị đạo lý để làm vũ khí đương đầu với sức mạnh của đồng tiền. Lúc này, người ta bắt gặp những trào lưu tư tưởng thích hợp và đồng cảm với họ, đặc biệt là Nho giáo với quan niệm đạo đức đề cao chữ nhân và coi khinh chữ lợi, hay trong chừng mực nào đó kể cả nơi những tư tưởng Lão giáo, Phật giáo hay Ki-tô giáo.[19]

Một khi đồng tiền đã trở thành biểu tượng của tội lỗi, thì hầu như phần lớn những gì dính dáng tới đồng tiền đều mặc nhiên ít nhiều mang tính chất phi nhân, phi nghĩa. Chính vì thế mà thành kiến đối với đồng tiền cũng luôn luôn được thể hiện thông qua thành kiến đối với lợi nhuận, đối với thương nhân cũng như đối với thị trường.

Nguyên nhân gần

Vậy đến đây, chúng ta có thể đặt câu hỏi tại sao cho đến tận bây giờ, vẫn còn tồn tại một quan niệm mang tính chất định kiến đạo đức đối với đồng tiền hay đối với “cơ chế thị trường” nơi một tỷ lệ không ít trong dân cư, mặc dù Việt Nam đã chuyển trở lại kinh tế thị trường được hơn hai thập niên, kể cả tại một thủ phủ kinh tế lớn như thành phố Hồ Chí Minh?

Ai cũng biết rằng nói chung người ta không dễ gì thay đổi những quan niệm và những thành kiến mà mình đã được tiêm nhiễm và dạy dỗ từ nhỏ và đã ăn sâu vào nhân sinh quan của mình, nhất là khi mà những quan niệm và những thành kiến này trong thực tế vẫn còn tiếp tục được nuôi dưỡng dưới hình thức này hay hình thức khác trong hệ thống giáo dục, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như trong đời sống tôn giáo nói riêng và đời sống văn hóa tinh thần nói chung. Những thay đổi trong lĩnh vực ý thức và tư tưởng, nhất những định kiến, thường diễn ra chậm hơn so với những thay đổi trong đời sống vật chất.[20]

Tuy nhiên, ngoài nhận định vừa nêu, chúng tôi cho rằng còn phải đề cập tới một nguyên do khách quan dẫn đến thành kiến nói trên đối với đồng tiền, đó là điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay.

Tuy nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, nhưng đời sống của phần lớn dân cư, nhất những người m ăn lương thiện, chưa phải đã hoàn toàn ổn định hay đã thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn. Trong khi đó, số vụ tham ô, hối lộ, mua bán quota, chiếm đoạt đất đai… ngày một gia tăng mức độ nghiêm trọng đến mức mà nạn tham nhũng được gọi quốc nạn. (Tình hình này vô hình trung càng củng cố cho quan niệm “đồng tiền là nguồn gốc sinh ra tội lỗi”.) Đồng thời, ai cũng thấy môi trường và các thể chế kinh tế cũng như pháp lý hiện thời ở Việt Nam chưa phải đã hoàn chỉnh và chưa có tác dụng khuyến khích các hoạt động m ăn kinh doanh bình thường, lành mạnh. Trong cuộc điều tra nơi cư dân thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2003 đã dẫn trên, có tới 2/3 mẫu điều tra cho rằng những người kinh doanh tư nhân hiện nay vẫn còn gặp khó khăn, và loại khó khăn mà nhiều người đề cập nhất không phải là vốn liếng, kỹ thuật hay kinh nghiệm, mà là chính sách và cách quản lý của nhà nước. Môi trường kinh tế hiện nay không thực sự thuận lợi cho những người có tài, có năng lực, mà chỉ khuyến khích những người “quan hệ” giỏi. Trong mẫu điều tra, 57% đồng ý với mệnh đề cho rằng “trong kinh doanh, quen biết rộng nhiều khi quan trọng hơn là năng lực”, và 41% đồng ý rằng “không biết nhờ vả, chạy chọt thì chẳng làm được gì hết”. Tình hình này cũng tương tự như vấn đề “guanxi” ở Trung Quốc lâu nay.

Điều không bình thường và cũng không lành mạnh là sự thành công của nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế-xã hội này đang phụ thuộc nặng nề vào khả năng nhờ vả, chạy chọt, chứ không phải vào tài năng của nhà kinh doanh và nội lực của doanh nghiệp. Xoay sở vất vả nhất đối với nhà doanh nghiệp không phải là trong quan hệ giao dịch trên thương trường, mà lại là trong quan hệ với chính các cơ quan quản lý nhà nước. Trong một bản phúc trình điều tra về các doanh nghiệp ở Việt Nam, Nobuaki Takada thuộc Viện nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) nhận định như sau: “ ‘Tính phụ thuộc vào môi trường bên ngoài’ trở thành yếu tố đầu tiên về sự nhận thức của nhà quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam, biểu hiện xu hướng gắn kết quả kinh doanh với tác động của môi trường bên ngoài hoặc từ người khác, hơn là do nỗ lực của chính mình. Đó chính là điểm yếu trong ý chí kinh doanh tại Việt Nam, do đó có nhiều khả năng cản trở sự tăng trưởng của doanh nghiệp.”[21]

Cũng chính vì môi trường khách quan còn nhiều bất trắc do chính sách không ổn định, không minh bạch, gây ra nhiều rủi ro cho hoạt động kinh doanh, nhất là kinh doanh tư nhân, nên phần lớn những người được hỏi trong cuộc điều tra nói trên vẫn còn tâm lý muốn cho con cái đi làm cho khu vực nhà nước hơn là khu vực tư nhân, và mong cho chúng đi theo những nghề lao động trí óc hơn là những nghề kinh doanh, buôn bán. (Theo thiển ý chúng tôi, quan niệm coi trọng kẻ sĩ không phải là nguồn gốc của thành kiến miệt thị kinh doanh. Lịch sử kinh tế nước ta cho thấy đã từng có những thời kỳ mà nền ngoại thương phát triển khá rực rỡ, và sở dĩ có những giai đoạn thương mại suy thoái là chủ yếu do chính sách “ức thương” của các triều đình, chứ không phải do trật tự sĩ nông công thương trong xã hội.[22]) Và cũng môi trường kinh tế không thuận lợi này là lý do chính giải thích tại sao trong ứng xử kinh tế, người dân một thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, vào năm 2003, vẫn có tỷ lệ muốn để dành tiền, và mua sắm đất đai hay đồ dùng, đông hơn là số người muốn bỏ vốn ra làm ăn, đầu tư.

Chính một môi trường kinh tế-xã hội còn nhiều bất ổn, một nền kinh tế chưa bình thường và còn nhiều dị dạng là cơ sở xã hội tiếp tục nuôi dưỡng và củng cố thành kiến của người dân đối với đồng tiền cũng như đối với kinh doanh và “cơ chế thị trường”. Vì thế, theo chúng tôi, không phải là nhận thức của người dân, mà chính là các định chế và chính sách của nhà nước mới đóng vai trò quyết định đối với ứng xử kinh tế và tinh thần khởi nghiệp của người dân, cũng như đối với công cuộc canh tân và khuếch trương kinh tế.[23]

♦ ♦ ♦

 Như vậy, để có thể hiểu được quan niệm của người dân về đồng tiền, chúng ta không thể không xem xét và đặt quan niệm này vào trong bối cảnh không gian và thời gian cũng như những quan hệ xã hội của một hệ thống xã hội nhất định. Bởi lẽ đồng tiền không phải chỉ mang chức năng “phi cá nhân hoá” (de-personalization), “lý tính hoá” (rationalization) và “khách quan hoá” (objectivation) các mối quan hệ xã hội như Georg Simmel đã nhấn mạnh, mà nó còn trải qua quá trình “chủ quan hoá” (subjectivation), được con người “chiếm hữu lại” (re-appropriation) để khoác lên nó một ý nghĩa đặc thù, gán cho nó một dấu ấn xã hội (social “marking”) trong một môi trường kinh tế-xã hội nhất định, như Viviana Zelizer đã phân tích.[24] Hiểu theo nghĩa này thì hình ảnh về đồng tiền hay quan niệm về đồng tiền của người Việt Nam là một chủ đề bổ ích cần được giới khoa học xã hội tiếp tục khảo sát, nghiên cứu vì nó có thể phản ánh những bước chuyển biến của cả xã hội.

 

TPHCM, ngày 22-3-2007
T.H.Q.


 

[1] Nhiều tác giả cũng đã nhấn mạnh tới một cách nhìn xã hội học về đồng tiền. Damien de Blic và Jeanne Lazarus chẳng hạn đã phân biệt giữa chữ “monnaie[tiền] (trong tiếng Pháp) theo nghĩa một phương tiện trao đổi, với chữ “argent[tiền] theo nghĩa mộtđịnh chế chính trị, xã hội và luân ” của cái phương tiện ấy, và cho rằng “l’argent, c’est justement la monnaie dans sa dimension sociologique” [tạm dịch: “đồng tiền, đó chính tiền bạc nhìn dưới kích thước xã hội học”] (xem Damien de Blic và Jeanne Lazarus, Sociologie de l’argent, Paris, La Découverte, Coll. Repères, 2007, trang 5).

[2] Xem chẳng hạn bài “Điều cần lý giải”, Người lao động, 2-3-2007.

[3] Xem Người lao động, các số ra vào hạ tuần tháng 9-2006.

[4] Vào thời bao cấp sau giải phóng, kinh doanh xã hội chủ nghĩa được quan niệm là phải đặt mục tiêu “phục vụ” lên hàng đầu, chứ không được “chạy theo lợi nhuận đơn thuần”. Và chủ trương công tư hợp doanh lúc đó chỉ được áp dụng chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất, chứ không áp dụng cho lĩnh vực thương nghiệp, vì thành phần tư sản thương nghiệp dứt khoát là phải xóa bỏ. Cái căn bản lô-gích của cụm từ “chạy theo lợi nhuận” cũng y hệt như của cụm từ “chạy theo đồng tiền”.

[5] Xem thêm chẳng hạn Trần Đức Nguyên, Phạm Chi Lan, “ 'Giải oan' cho thương mại hoá”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số ra ngày 1-3-2007, trang 22-23.

[6] Đây là cuộc điều tra nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu mang tên “Hoàn thiện và nêu cao hệ giá trị Việt Nam trong văn hóa kinh doanh như một lợi thế của hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế – Khảo sát tại thành phố Hồ Chí Minh” (chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Quang Vinh) do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM chủ trì. Cuộc điều tra này được tiến hành vào tháng 4 và tháng 5-2003 bằng cách chọn mẫu phân tầng tại sáu phường ba quận thuộc TPHCM, với tổng số mẫu là 469 người từ 18 tuổi trở lên. Cũng trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu này, vào tháng 5-2004, chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra khác nơi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại TPHCM, kể cả khu vực tư nhân và khu vực nhà nước, với tổng số mẫu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên 186 người: theo kết quả cuộc điều tra này, chỉ có 23% nhà lãnh đạo doanh nghiệp đồng ý với mệnh đề cho rằng “đồng tiền là nguồn gốc sinh ra tội lỗi”, và 25% cho đồng ý rằng “sống theo nhân nghĩa thì khó mà làm giầu được” – tức đây những tỷ lệ thấp hơn so với dân cư chung.

[7] Xem thêm Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội, 1980, trang 85-89.

[8] Cao Xuân Huy, “Tư tưởng Việt Nam dưới thời Tự Đức”, trong Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương Đông - Gợi những điểm nhìn tham chiếu, Hà Nội, Nxb Văn học, 1995, trang 275.

[9] Xem thêm Phan Chánh Dưỡng, “Doanh nhân và chữ lợi”, trong Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số ra ngày 3-2-2000, trang 7.

[10] Thư của Marx gửi Engels ở Manchester (1858), trong Tuyển tập Mác Ăng-ghen, tập II, Hà Nội, Nxb Sự thật, 1981, trang 690.

[11] Karl Marx, “Lời nói đầu [Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị]”, trong Tuyển tập Mác Ăng-ghen, tập II, Hà Nội, Nxb Sự thật, 1981, trang 619.

[12] Friedrich Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước, Hà Nội, Nxb Sự thật, 1972, trang 275-276.

[13] Karl Marx, Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844, trong Tuyển tập Mác Ăng-ghen, tập I, Hà Nội, Nxb Sự thật, 1980, trang 132-133.

[14] Như trên, trang 130.

[15] Như trên, trang 132-135.

[16] Trọc phú là “người giàu có mà dốt nát, ít hiểu biết” (Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội, 1996).

[17] Xem Max Weber, Economie et société, Paris, Plon, Pocket, 1995, trang 132.

[18] Xem Mathieu Deflem, “The Sociology of the Sociology of Money: Simmel and the Contemporary Battle of the Classics”, Journal of Classical Sociology, số 3(1), 2003, trang 67-96.

[19] Thực ra, ngay nơi xã hội Pháp hay nhiều nước Tây Âu hiện nay, thái độ đạo đức nghi kỵ đối với đồng tiền cũng vẫn còn tồn tại, và thường được coi là hệ quả xuất phát từ truyền thống tư tưởng đạo lý Ki-tô giáo ở châu Âu (xem thêm chẳng hạn bài phỏng vấn Damien de Blic, “Le christianisme dénonce les riches”, Libération, 18-1-2007).

[20] Chính một số viên chức nhà nước cũng đã đưa ra một nhận định tương tự khi nói đến nhu cầu thay đổi tư duy nơi các nhà hoạch định chính sách: “...Theo các quan chức này, các nhà hoạch định chính sách cần phải mất một thế hệ mới có thể thoát ra khỏi sự ràng buộc về hệ tư tưởng hiện đang trói buộc họ.” (Xem MPDF, Chuyên đề nghiên cứu kinh tế tư nhân, số 9, tài liệu đã dẫn, 7-1999, tr. 15.)

[21] Nobuaki Takada (Viện nghiên cứu Nomura, Nhật Bản), Ý chí kinh doanh tại Việt Nam, Hà Nội, Vietnam-Japan Joint Research, 12-2000, trang 15.

[22] Xem thêm Nguyễn Đình Đầu, “Thử tìm khuôn mặt doanh nhân trong lịch sử Việt Nam”, trong Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 5-7-2001, trang 30. Nguyễn Nghị, “Ngoại thương - vấn đề sống còn của chúa Nguyễn”, trong Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 29-11-2001, trang 30. Li Tana, Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 (bản dịch của Nguyễn Nghị), TPHCM, Nxb Trẻ, 1999.

[23] Xem thêm Vũ Quốc Tuấn, “Để phát triển tầng lớp doanh nhân Việt Nam”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 17-5-2001, trang 41, Vũ Quốc Tuấn, “Phát huy dân khí, khơi dậy tinh thần kinh doanh”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số ra ngày 3-2-2000, trang 5, và Lê Đăng Doanh, “Đổi mới và sự bừng nở của con người”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 27-4-2000, trang 20.

[24] Viviana Zelizer, The Social Meaning of Money, Princeton University Press, 1997. Xem bài phân tích của Thierry Rogel, “La signification sociale de l'argent de Viviane Zelizer”, trong www.ac-orleans-tours.fr/ses/pedagogie.

 

 

©  Thời Đại Mới

 

Trở về trang chủ Thời Đại Mới

 

22-3-07