thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 11  - Tháng 7/2007

 


 
Thế giới sau Bush

 

Cao Huy Thuần
Giáo sư Đại Học Picardie (Pháp)

 

            Thưa Tổng Thống tương lai của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, còn hơn một năm nữa ông Bush mới hết nhiệm kỳ, vậy mà cả thế giới đã xôn xao đặt câu hỏi về nước Mỹ sau Bush. Sao vậy? Vì uy tín của nước Mỹ bị suy giảm nhiều quá. Vì chiến tranh Iraq cứ nhắm ngỏ cụt mà chui. Vì ngoại giao của Mỹ làm mất cảm tình, luật pháp quốc tế bị nước Mỹ chà đạp. Vì khủng bố cười mũi trước bất lực của “chiến tranh chống khủng bố”. Đâu rồi nước Mỹ lãnh đạo? Thế giới chưa biết Tổng Thống tương lai là ai, ông hay bà, Cộng Hòa hay Dân chủ, nhưng ai cũng chắc một điều: nước Mỹ nếu không khiêm tốn hơn thì cũng sẽ không ngạo mạn như thế.

            Ông Bush lên cầm quyền lúc nước Mỹ đang còn nắm vị thế chúa tể, sức mạnh trên thế giới dồn cả vào một cực - thế giới nhất cực. Biến cố khủng bố ngày 11-9-2001 mở kỷ nguyên mới cho chúa tể biểu dương vũ lực và lập thuyết mới về can thiệp quân sự phòng ngừa, đơn phương, qua mặt tổ chức quốc tế, luật pháp quốc tế. Muốn đánh giá gia tài mà ông Bush để lại thì đó là cái mới nhất của ông. Cái mới thứ hai là viễn tượng một Đại Trung Đông dân chủ mà ông đã làm cho dân Mỹ tin được một thời như dân ta đã từng tin dầu cù là trị bá bệnh. Cả hai cái mới ấy đều đang chờ một lễ cầu hồn long trọng khi ông Bush rời Bạch Ốc. Vậy thì còn cái gì mới nữa mà ông ấy để lại cho Tổng Thống tương lai? Chẳng lẽ toàn cái cũ? Ván cờ cũ rích mà chúng tôi ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương đã thấy bày ra từ trước ông Bush? Chẳng lẽ cái mới là vẫn xe pháo ấy, nước cờ ấy, nhưng ông Bush đã đi chậm một nước vì ham chúi mũi vào chiến tranh trên vùng mõ dầu xa xôi kia?

            Cái gì mới, cái gì cũ sau Bush là nội dung của bài này. Có thể người đọc không tìm thấy được ở đây cái gì là thật mới trong khu vực của chúng tôi, nhưng đó không phải là lỗi của người viết; đó là vì thực tế trong khu vực nó như vậy. Dù ba đầu sáu tay, thế giới nhất cực, chúa tể Bush cũng đã không thể làm cái gì thật mới trong khu vực này. Nhưng vẫn có cái mới! Bởi vì cái cũ không thể cũ hoài nguyên vẹn. Cái mới không thực mới, cái cũ không thực cũ: ấy là tình trạng chiến lược bày ra trước mắt Tổng Thống tương lai. Tôi mạo muội viết bài này muốn gởi đến Tổng Thống, nhưng chưa biết ông (bà) là ai, nên đành gởi đến Hội Thảo Nantes của chúng tôi vậy, biết đâu đó cũng là một cánh bồ câu.

            Vậy, hãy bắt đầu với cái gì mới nhất.

 

1. Ngoại giao chuyển hoán

            Trong nhiệm kỳ thứ nhất, ông Bush quảng bá “chủ thuyết Bush” xem xây dựng dân chủ trên thế giới độc tài như phương pháp hay nhất để bảo vệ an ninh cho chính nước Mỹ. Chuyện thần tiên này, chỉ có nước Mỹ tin mà thôi. Nhưng ngoại giao Mỹ mà không có chuyện thần tiên này thì không có cả ngoại giao, bởi vì niềm tin dân chủ nằm sâu trong tiềm thức của dân tộc Mỹ và sức mạnh toàn cầu nào cũng tự gán cho mình một sứ mạng toàn cầu, nửa thực nửa ảo. Thế nhưng ông Bush bỗng khám phá ra một chuyện mới: kẻ thù của ông, khủng bố, không xây căn cứ địa trong những nước độc tài bằng trong những nước không ra nước, những nước vô chính phủ, thiếu kiểm soát. Độc tài, vô chính phủ, quốc gia du côn: phải sửa ý thức hệ của ngoại giao như thế nào để đáp ứng đúng nhu cầu chống khủng bố của nước Mỹ? Tích cũ, tuồng mới, công việc biên soạn được giao cho bà Condoleezza Rice và tác phẩm mang tên là “ngoại giao chuyển hoán” - transformational diplomacy.

            Bà ngoại trưởng giải thích: “Tôi định nghĩa mục tiêu của ngoại giao chuyển hoán như thế này: đó là làm việc với đông đảo đối tác của ta trên toàn thế giới để xây dựng và ủng hộ những quốc gia dân chủ, được cai trị tốt, làm thỏa mãn được nhu cầu của dân chúng và cư xử một cách có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế”.[1]

            Nghe ra dường như không có gì mới. Nhưng mới đấy. Mấy chữ “cư xử một cách có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế” áp dụng cho các nước thiếu cai trị cũng được, cho các nước du côn cũng được, mà cho ông Trung Quốc cũng được nốt. Hễ bên trong được cai trị dân chủ thì bên ngoài hành động có trách nhiệm. Và hành động có trách nhiệm thì an ninh nước Mỹ được bảo đảm.

            Nhưng cái mới không phải chỉ có thế mà thôi: bà ngoại trưởng còn cải tổ hệ thống và cách làm việc trong Bộ Ngoại giao và cả tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ, với mục tiêu mở rộng và thắt chặt hơn nữa những liên hệ với chính xã hội dân sự của các nước sở tại. Viên chức ngoại giao, cũng như các nhân viên lo về viện trợ, bây giờ không phải chỉ tiếp xúc với các cơ quan Nhà nước mà thôi, mà còn có trách nhiệm phải tiếp xúc với cả các tổ chức, hội đoàn, nhân vật, nhân sĩ của xã hội bên trong Nhà nước. Thấm thấu vào trong ruột của các xã hội, thuốc dân chủ mới là thần dược. Thông minh, khôn ngoan, bà Rice đã dung hòa hai trường phái ngoại giao ở Mỹ - trường phái lý tưởng và trường phái thực tế - vuốt ve lý tưởng dân chủ của trường phái thứ nhất, xoa bóp vũ lực mà trường phái thứ hai đề cao để sẵn sàng can thiệp trần trụi.

            Trên lý tưởng cũng như trên thực tế, bà ngoại trưởng đã lập thuyết cho một sách lược ngoại giao tổng quát: ngoại giao Mỹ phải cải cách để có khả năng hành động không phải chỉ trong lĩnh vực tương quan giữa các quốc gia với mục tiêu đảm bảo trật tự giữa các nước, mà còn trên bản chất của mỗi quốc gia với mục tiêu đảm bảo trật tự trong các quốc gia, bởi vì chính từ bên trong của các quốc gia mà nhảy vọt ra những thách thức hiện nay cho an ninh nước Mỹ.[2]

            Tân Tổng Thống tương lai, dù thuộc đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa, chắc sẽ khó từ khước cái mới của bà Rice, nhất là những cải tổ trong guồng máy của Bộ Ngoại giao và trong sách lược viện trợ phát triển. Nhiều tác giả thuộc đảng Dân Chủ đã lấy lập trường tương tự, và có tác giả đã kêu trời rằng chính quyền Bush đã quay cóp ý tưởng của họ.[3] Nghĩa là: “ngoại giao chuyển hoán” có khả năng được sự đồng thuận của một khuynh hướng trong đảng Dân Chủ - khuynh hướng chuộng nắm quyền hơn là chuộng đối lập.

            Nhưng tích mới có hữu hiệu gì hơn tuồng cũ chăng? Đâu là chính quyền dân chủ ở Afghanistan? Chỉ thấy giết nhau chí choé giữa Taliban, thổ phỉ, buôn lậu thuốc phiện và sứ quân. Bin Laden thoắt hiện thoắt biến, dỡn chơi với xe tăng, trực thăng của ông Bush, thỉnh thoảng giáng một cú kinh thiên động địa như giữa thành phố Alger đầu tháng tư năm nay, báo hiệu mạng lưới khủng bố đã giăng khắp Bắc Phi Hồi giáo. Đâu là dân chủ ở Iraq? Bầu cử dưới súng đạn? Bom người nổ hàng ngày giữa thủ đô? Với Iran, thách thức còn nguyên, giật dây ở Trung Đông cũng như thậm thì thậm thụt bom nguyên tử. Với Bắc Hàn, nay hòa mai khích, hòa hôm nay về nguyên tử chưa biết kéo dài được bao lâu. Khắp nơi khác, dân chủ đi thụt lùi trước mũi ông Bush: Nga thắt chặt vòng vây chung quanh các cách mạng da cam da quýt; Nam Mỹ giương cao cờ phản đế, hảo hán Hugo Chavez không để lỡ một cơ hội nào mà không diễu cợt chàng cao bồi Texas W. Bush. “Còn có hay chăng một siêu cường?”, tờ báo Le Monde của Pháp nêu to câu hỏi.[4] Ôn tồn hơn, New York Times khuyên nhủ khiêm cung, về áp dụng sức mạnh cũng như về sách lược dân chủ: “Câu hỏi không phải là: ta phải làm gì? mà là: ta có thể làm gì? Và làm với cái gì có thể làm được buộc ta phải biết khiêm cung và đủ can đảm để dung hòa”.[5]

            Vậy “ngoại giao chuyển hoán” chỉ là ý thức hệ thôi sao? Không đâu, đáng sợ đấy. Đáng sợ cái ý mới trong đó, cái ý chí thấm thấu vào xã hôi dân sự trong các nước sở tại. Chuyện này, Việt Nam chúng tôi có nhiều kinh nghiệm lắm. Chỗ nào chúng tôi yếu, chỗ ấy các ông tấn công dữ. Tôn giáo chẳng hạn ... Cái lạ là chúng tôi đâu có yếu về mặt đó, mạnh nhất thế giới đấy. Vậy mà cứ để cho yếu, lạ lùng.

            “Ngoại giao chuyển hoán” là can thiệp vào nội bộ nước khác. Bởi vậy, nói đến sách lược đó không thể không nói đến cái chủ trương đối nghịch mà ông đại cường Trung Quốc thường đem ra đánh du kích với ông siêu cường Mỹ: chủ trương bất can thiệp. Không can thiệp vào nội bộ của người khác là nguyên tắc vạch ra từ thời Bandung mà ngày nay Bắc Kinh lãnh đạo kế thừa. Tuy bây giờ tham gia tích cực hơn vào các hợp tác đa phương trên thế giới và trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn chủ trương đa phương chủ nghĩa không bao hàm hậu quả cộng đồng có thể can thiệp vào nội bộ các nước thành viên. Trước đây, đại cường ấy áp dụng chủ thuyết này vào lĩnh vực nhân quyền và chế độ chính trị; ngày nay ông nới rộng ra thêm để lừng khừng cưỡng lại việc dùng vũ lực hoặc những biện pháp chế tài khác nhằm thi hành những quyết nghị của Hội Đồng Bảo An, rõ ràng nhất là trong hai trường hợp Iran và Bắc Hàn. Các đối tác Phi châu đang làm ăn lớn với ông, tìm thấy nơi Trung Quốc một hiệp sĩ bảo vệ kẻ yếu chống lại thói bắt nạt thuộc địa. Ngoại giao chuyển hoán hay ngoại giao bất can thiệp vào nội bộ, ai sẽ hơn ai, ai được lòng thế giới?

            Câu hỏi không phải dễ trả lời cho Việt Nam. Bởi vì người Việt Nam hơi ngán hai chữ “nội bộ” này. Với Trung Quốc, chuyện Đài Loan là nội bộ. Trên bản đồ, Biển Đông là nội bộ. Đảo lớn, đảo nhỏ là nội bộ tuốt trong tầm nhắm chiến lược của ông. Nay mai, không chừng ông bắt thế giới phải mặc nhiên thừa nhận vùng ảnh hưởng, và ai can thiệp vào vùng ảnh hưởng của ông, ông tuyên bố: bất can thiệp vào nội bộ.

            Nói vậy không có nghĩa là chống ngoại giao bất can thiệp! Cũng không có nghĩa là nhận ngoại giao chuyển hoán! Nguyên tắc chủ quyền dân tộc là thiêng liêng, cho nên không những phải chống can thiệp từ bên ngoài mà cũng phải xét lại thái độ đối với những chính quyền cư xử với dân tộc không ra gì để cho bên ngoài mượn cớ can thiệp, mượn cớ bày trò chuyển hoán. Dân tộc, nghĩa là nhân dân, là tối thượng. Khi dân tộc đó được nói lên tiếng nói đích thực, “chuyển hoán” sẽ không còn đất đứng.

 

2.  Nhật và “giá trị phổ quát”

            Bây giờ, trong quan hệ đồng minh của Mỹ, có cái gì mới chăng? Tương giao khắng khít giữa ông Koizumi và ông Bush? Khuynh hướng của Nhật trở thành một nước “bình thường”? Cái nhìn thay đổi của nước Nhật về mình? Đây là những chuyện đã được nói nhiều rồi. Chuyện ít được nói nhưng đầy ý nghĩa thầm lặng là những “giá trị phổ quát” mà Nhật bắt đầu đưa vào nội dung của những tuyên bố chung với Mỹ.

            Chẳng hạn, trong tuyên bố chung ngày 29-6-2006 giữa Bush và Koizumi, lợi ích chung giữa hai nước được xác nhận như sau:

            “Hoa Kỳ và Nhật chia sẻ những lợi ích chung trong những lĩnh vực sau đây: thắng trong chiến tranh chống khủng bố; duy trì ổn định và phồn vinh trong khu vực; thực hiện những lý tưởng và cơ chế của thị trường tự do; xúc tiến việc tôn trọng nhân quyền; bảo vệ tự do giao thông và thương mãi trên biển, kể cả những hải lộ; và thúc đẩy an ninh toàn cầu về năng lượng. Đó là những giá trị chung và lợi ích chung tạo thành cơ sở của hợp tác Mỹ- Nhật trong khu vực và trên thế giới”.[6]

            “Giá trị chung” là điệp khúc mới được thêm vào gần đây. Trước đó, các chiến lược gia Nhật ưa nhấn mạnh trên những khác biệt về giá trị giữa Nhật và Mỹ, kể cả những khác biệt về  chủ nghĩa tư bản. Nhật cũng có thái độ khác Mỹ về chính thể độc tài quân đội ở Miến Điện, biện minh rằng không nên nặng tay trừng phạt vì làm như vậy là cô lập hóa chế độ đó, chứ không phải là thay đổi. Sách tán dương những giá trị dân tộc của Nhật kiểu Koka no Kinkaku, hoặc chỉ trích sự xâm nhập của văn hóa Mỹ rất phổ biến trong quần chúng. Không phải tình cờ mà “giá trị chung” lọt vào một tuyên bố chính thức. “Giá trị” đã trở thành một trong những vấn đề trọng tâm của bản sắc Nhật. Và “giá trị chung” cùng chia sẻ với nhau giữa Nhật và Mỹ thắt chặt về phẩm một gắn bó đồng minh chưa từng thấy mươi năm trước đây.

            Cho đến 2000, thật đấy, Nhật vẫn chưa dám nói gì trái với những “giá trị Á châu” kiểu Lý Quang Diệu. Trong văn bản “Sáng kiến về phát triển kinh tế” đề nghị ký với các nước ASEAN, Nhật hãy còn nhấn mạnh trên “chính quyền hữu hiệu” (good governance), “Nhà nước pháp quyền”, “minh bạch kinh tế”. Thế thôi. Đến tháng 4-2005, giữa hội nghị thượng đỉnh Á Phi họp tại Bandung, cũng như trong nhiều hội nghị khác, Koizumi và cộng sự của ông, dù có Mỹ hiện diện hay không, cũng kêu gọi các nước khác hợp tác với Nhật để “truyền bá những giá trị phổ quát như Nhà nước pháp quyền, tự do và dân chủ”. Năm 2006, bàn tròn về hợp tác kinh tế hải ngoại do văn phòng thủ tướng tổ chức ghi trong báo cáo:“lần đầu tiên có thể quy tụ vào trọng tâm của quan hệ quốc tế một số quốc gia cùng san sẻ những giá trị và lý tưởng chung”. Căn cứ trên những nghị quyết của bàn tròn, một cơ quan được thành lập để theo dõi chiến thuật phát triển kinh tế hải ngoại phù hợp với “dân chủ, tự do và Nhà nước pháp quyền”.[7] Ngay cả trên lập trường đối với Miến Điện, thường được xem là biểu hiện ý muốn độc lập của Nhật đối với Mỹ tại Á châu, bộ trưởng ngoại giao Taro Aso và bà Condoleezza Rice đồng ý rằng cộng đồng quốc tế phải làm áp lực mạnh hơn nữa trên các ông tướng tá để thúc đẩy dân chủ.

            Với thủ tướng mới Abe, “giá trị phổ quát” được nâng lên hàng “giá trị chung” mà ông mang qua tận Bruxelles, thủ phủ của NATO và của Cộng Đồng Âu Châu, đầu năm nay, để long trọng xác nhận quyết tâm của nước ông. Không những nước Nhật bày tỏ ý định thắt chặt hợp tác với NATO, không những nước Nhật sẽ “không còn tránh né những hành động bao hàm việc sử dụng lực lượng vũ trang để bảo vệ lợi ích của cộng đồng quốc tế, ông Abe còn vận dụng ngôn từ chưa bao giờ rắn rỏi như thế để cổ võ cho vai trò mới của nước ông: cương quyết bảo vệ những giá trị chung của dân chủ và nhân quyền.[8]

            Quan tâm chung với Mỹ về những giá trị phổ quát không phải chỉ đánh dấu quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Nhật và Mỹ mà còn như muốn gián tiếp phô ra trước mắt thế giới sự khác biệt lồ lộ giữa Nhật và Trung Quốc: một bên là dân chủ, một bên là độc tài. Là dân chủ, tôi phải được các ông ủng hộ tích cực để vào Hội Đồng Bảo An. Là độc tài, tay kia xứng đáng bị cấm vận, các ông hãy tiếp tục cấm vận như đã làm từ sau Thiên An Môn. Đó là chiến dịch ngoại giao của ông Abe mở ra ở Âu châu hồi đầu năm nay. Trung Quốc dùng lịch sử để bôi lên mặt Nhật cái vết lọ tội phạm chiến tranh; Nhật rửa mặt với xà phòng dân chủ. Trung Quốc dữ dằn, trấn áp; Nhật khôi ngô, cởi mở, với dung nhan hiện đại. Khổ thay, tay kia tố cáo đích danh, rang rảng; tay này chỉ tơ lơ mơ ám chỉ thôi. Trong trận du kích chiến về truyền thông này, Nhật cũng không nắm được thế công: lớn tiếng dân chủ thì bị mang tội là về hùa với Mỹ, mà không nói gì về giá trị cả thì hóa ra văn minh nước Nhật chẳng có gì ngoài Toyota với đồng yen sao? Tương lai của điệp khúc dân chủ lồng âm bằng tiếng Nhật là tùy ở sự lên giọng hay xuống giọng của bản gốc bằng tiếng Mỹ: tùy tân Tổng Thống tương lai tiếp diễn thế nào kịch bản phát triển dân chủ của ông Bush, Nhật sẽ to tiếng hay nhỏ tiếng tương ứng về giá trị tổng quát. Bởi vì Nhật không chủ động mà chỉ chạy theo. Có quan sát viên đã gọi đó là ngoại giao karaôkê: nhạc đã có sẵn, chỉ cần hát theo. Ca sĩ hát theo làm sao hát hay bằng ca sĩ thứ thiệt?

            Đó là chính sách ngoại giao mà ông Abe gọi là ngoại giao hướng về giá trị (value-oriented diplomacy) và bộ trưởng Taro Aso diễn dịch như một vòng cung của tự do và phồn thịnh” mà nước Nhật muốn dựng lên “chung quanh bờ lục địa Á Âu” bằng cách thắt chặt quan hệ với những quốc gia dân chủ măng non trong vùng đó và tích cực hỗ trợ phát triển dân chủ cùng kinh tế của họ. Hân hạnh thay, trong vòng cung đó, ông nói, “điều mà tôi nghĩ cụ thể trong đầu là Campuchia, Lào và Việt Nam, chẳng hạn”.[9] Cụ thể hơn nữa, Nhật từ bỏ chính sách “hợp tác xây dựng” với Miến Điện và biểu quyết tại Hội Đồng Bảo An hồi tháng 9-2006 kết án nước này đàn áp đối lập trong khi Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống.

            Đó là cái mới thứ hai. Cái mới thứ ba có thể tìm thấy trong lĩnh vực an ninh, chỗ yếu của Nhật, chỗ mạnh của Mỹ.   

 

3.  Chiến lược an ninh của Nhật

            Có lẽ đây là chỗ dễ thấy nhất. Nguyên tử của Bắc Hàn, sức mạnh của Trung Quốc, biến chuyển trong khu vực buộc các chiến lược gia Nhật phải thường xuyên thích ứng nhu cầu an ninh mới với sách lược cũ. Sách lược cũ, vạch ra từ sau 1945, dựa trên hai trụ cột: liên minh với Mỹ và cam kết không tái vũ trang. Điều 9 của Hiến pháp cấm nước Nhật không được có một quân đội thực sự, nghĩa là, trên thực tế, không có quyền sử dụng vũ lực để giải quyết những tranh chấp quốc tế. Cho đến gần đây, đa số dân chúng ủng hộ khuynh hướng chuộng hòa bình của Hiến pháp và đường lối phòng thủ tự vệ của an ninh quốc gia. Nhưng nước Nhật ngày nay không phải là nước Nhật bại trận ngày trước. Ông khổng lồ về kinh tế không thể tự mãi giam mình trong cái rọ quân sự và chính trị dành cho kẻ chiến bại. Vị thế quốc tế mà ông chiếm lĩnh, nhu cầu bảo vệ an ninh thương mãi và năng lượng buộc ông phải bành trướng thế lực vũ trang. Huống hồ thăng bằng lực lượng với đại cường Trung Quốc vù vù lớn mạnh khiến Mỹ ép ông phải tăng cường quân sự trong liên minh và đe dọa nguyên tử của chú láng giềng Bắc Hàn khiến chính ông phải đặt lại vấn đề vũ trang nguyên tử. Ngân sách quốc phòng của ông, hơn 41 tỷ đô la trong năm 2006, là một trong năm ngân sách lớn nhất của thế giới. Lực lượng gọi là phòng thủ tự vệ của ông, từ nhiều năm gần đây, được gởi đi tham gia nhiều chiến dịch bảo vệ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Năm 1996, trong một tuyên bố chung với Mỹ, được biểu quyết thành luật năm 1999, ông thỏa thuận nới rộng nhiệm vụ bảo vệ an ninh của ông từ đất mẹ qua “những vùng bao quanh nước Nhật”. Sau biến cố 11-9-2001, ông theo chân chiến dịch “hợp tác ý chí” của ông Bush, gởi lính qua Ấn Độ Dương và Iraq. Từng bước, ông đã công khai nhận vai trò tham gia bảo vệ an ninh thế giới. Các lãnh tụ của đảng cầm quyền công khai đề nghị thành lập hệ thống bảo vệ an ninh tập thể và tăng cường hơn nữa khả năng vũ trang từ thế thủ qua thế công. Trên thực tế, ông vừa có tên lửa tự vệ vừa có khả năng phóng lực lượng tấn công. Quả đấm của ông còn nhẹ so với sức nặng quốc tế của ông hiện nay, nhưng ông chuẩn bị thường xuyên để khi cần đấm mạnh thì quả đấm vừa mạnh vừa nhanh.

            Tất nhiên, tăng cường quân sự là một hành động khiêu khích đối với lân bang. Không những Trung Quốc sẽ trả đũa mà đối tác của Nhật trong khu vực cũng nghi ngại. Với quá khứ quân phiệt, không cần Trung Quốc la làng, láng giềng của Nhật cũng không ưa. Cho nên ai cũng theo dõi từng tranh luận trong nội bộ nước Nhật để xem cái mới lần mò bước như thế nào trong đường lối an ninh của Nhật hiện nay. Ai cũng nói: ông Abe, cũng như ông Koizumi trước đây, đều thuộc khuynh hướng xét lại - nghĩa là xét lại đường lối phòng thủ cố hữu. Khuynh hướng xét lại đó đi song song với ý muốn của Mỹ thúc Nhật mở rộng tầm tham gia bảo vệ an ninh thế giới và ép Nhật đóng góp tiền bạc nhiều hơn cho hầu bao của liên minh. Cuối tháng 4-2006, thứ trưởng ngoại giao Richard Lawless tuyên bố Nhật chịu trả 26 tỷ đô la cho chi phí của lực lượng quân sự Mỹ đóng ở Nhật.[10] Con số làm khiếp vía cả ông Abe lúc đó chưa làm thủ tướng, nhưng nói lên được sự chuyển biến của liên minh so với thuở ban đầu: ngày trước Mỹ hào hiệp, bất cần tương xứng trong đóng góp, ngày nay Nhật phải sòng phẳng tiền nong để đối máu, tiếp sức cho Mỹ trên chiến lược hoàn cầu. Thường xuyên, dư luận được hâm nóng trên tranh luận về điều 9, trên khả năng thay đổi Hiến pháp để nước Nhật có một quân đội thực sự, đảm nhận những vai trò mới, nhiệm vụ mới tương xứng, kể cả việc sử dụng vũ lực trong bảo vệ an ninh cộng đồng. Hiến pháp hiện tại, ông Abe huỵch toẹt tuyên bố, đã già 60 tuổi, “không đáp ứng được nữa những biến chuyển quan trọng xảy ra trong ngoại giao và quốc phòng”.[11]

            Cái mới chỉ mới đi từng bước, thận trọng, tránh giật gân, nhưng đầy ý nghĩa: gởi quân đội tham gia chiến tranh Iraq, thỏa thuận tham gia vào phòng thủ chống tên lửa liên lục địa, giảm hạn chế về xuất khẩu khí giới, nhập vũ khí mới có tầm tiêu diệt xa, biểu quyết tại Hạ Viện tháng 4-2007, rồi tại Thượng Viện tháng 5 tiếp theo về điều luật cho phép tổ chức trưng cầu dân ý để sửa đổi Hiến pháp, chừng đó đủ cho phép quan sát viên luận bàn trên cái mới. Một quan sát viên tóm tắt: “Nhật đã trở thành vừa tích cực hơn về mặt chiến sự vừa được chuẩn bị chu đáo hơn về mặt pháp lý” để hành động trong việc bảo vệ an ninh cho chính mình hơn bất cứ bao giờ hết từ khi liên minh được thành lập.[12]

            Như trái cây dần dần chín, Nhật từ từ canh tân quân đội, đổi mới tư duy chiến lược. Chắc chắn khuynh hướng đó sẽ tiếp tục, tuy rằng tranh luận diễn ra vẫn gay gắt, không phải chỉ giữa phe tả và phe hữu mà còn ngay trong lòng đảng cầm quyền về cái giá phải trả cho liên minh, về khả năng trở thành một nước “bình thường” không mặc cảm, về con đường phải chọn, làm sao vừa đi với Mỹ lại cũng vừa song hành với các nước Á châu, làm sao dung hòa ham muốn đóng vai trò quan trọng hơn trong việc “bảo vệ an ninh thế giới” với cam kết tôn trọng truyền thống hòa bình cụ thể hóa trong Hiến pháp. Đây là giai đoạn mà có tác giả đã gọi là “điểm xoay” trong lực lượng tự vệ Nhật.[13]

            Cái mới đang diễn ra đó sẽ đưa nưóc Nhật đến đâu là còn tùy ở ba yếu tố ảnh hưởng trên môi trường chiến lược của Nhật.

            Thứ nhất là vị thế đang suy thoái của Mỹ. Không ai nghĩ rằng nước Mỹ sẽ đánh mất vai trò siêu cường lãnh đạo trong hai ba chục năm nữa, nhưng ai cũng thấy nước Mỹ kém hữu hiệu về ngoại giao, mất uy tín về đạo đức, sút năng động về kinh tế. Mỹ phải san sẻ vai trò lãnh đạo của mình với Bắc Kinh trong những thương thuyết 6 nước. Mỹ không ép nổi Trung Quốc và Nga hợp tác để bắt Iran phải nhả cái thèm nguyên tử ra khỏi họng. Mỹ không gạ nổi các nước châu Mỹ la tinh đồng lòng ký kết thỏa thuận về tự do thương mãi. Nhận thức về một nước Mỹ suy yếu có khả năng khiến Nhật xét lại vấn đề cùng đi và cùng chấp nhận sống chết với Mỹ đến mức nào. Trước một Trung Quốc hùng hổ như thế, ai dám chắc Mỹ sẽ găng hay nhượng? Găng, Nhật sẽ dấn thân đến đâu? Nhượng, đồng minh của Mỹ có cơ nguy bị bỏ rơi thế nào?

            Thứ hai, chẳng lẽ cứ để quan tâm về quân sự chiếm lĩnh ưu tiên trong sách lược an ninh mà quên vai trò quan trọng của kinh tế, vốn là mũi nhọn của Nhật, trong quan hệ Trung-Nhật? Quên rằng Nhật đã vượt Mỹ trong trao đổi thương mãi với Trung Quốc? Quên rằng Trung Quốc đã thay thế Mỹ như một thị trường và như một đất đầu tư? Với một đối tác kinh tế khổng lồ như thế, Trung Quốc là một đe dọa hay một cơ may? Tại sao hai đối tác kinh tế cỡ ấy không cùng nhau tiến tới một khối kinh tế khu vực? Luận điệu đó là của giới kinh tế, kỹ nghệ,  làm ăn, nghĩa là giới có thế lực không thua ai.

            Thứ ba, như đã nói, mọi tham vọng của Nhật trở thành cường quốc quân sự sẽ gặp phản ứng chống đối của láng giềng trong khu vực. Hơn 60 năm sau chiến tranh, Nhật vẫn chưa trả xong nợ của lịch sử.

            Vậy thì làm sao Nhật vừa trở nên mạnh vừa không đe dọa? Có chiến lược gia trả lời: phải làm thế nào để Nhật đừng quá gần mà cũng đừng quá xa người bảo vệ mình là Mỹ. Chiến lược lý tưởng là phải “tránh cái xấu nhất và đồng thời xây dựng cái tốt nhất”. Để tránh cái xấu nhất, phải liên minh với Mỹ và phải tiếp tục đóng vai trò tích cực hơn nữa trong quan hệ quốc tế. Để xây dựng cái tốt nhất, phải tiến tới một Cộng Đồng Đông Á  kiểu Cộng Đồng Âu châu trong đó Nhật làm đầu tàu kinh tế và cả lý tưởng dân chủ, tự do.[14] Chừng nào Nhật chưa thực hiện được lý tưởng này, chừng đó Nhật vẫn còn loay hoay với định nghĩa mình là ai.

 

4.  Năng lượng

            Trong chiến lược an ninh, năng lượng đang nhảy lên hàng đầu. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng cứ như mới vì nóng hổi thời sự. Từ giữa những năm 90, Trung Quốc đã biết không thể trông cậy được nữa vào nguồn năng lượng trong nước. Giàu về than, Trung Quốc không đủ trữ lượng về dầu và khí đốt, phải nhập từ ngoài. Vấn đề là: một, trữ lượng về dầu và khí đốt trên thế giới không phải là vô tận, do đó các nước kỹ nghệ sẽ phải giành nhau để giữ chân trên đất hứa Trung Đông với những cơ nguy mà ai cũng biết; hai, một phần lớn dầu - và trong tương lai, khí đốt - nhập vào Trung Quốc sẽ xuyên đường biển, quyến rũ cướp biển, khủng bố, sự cố đủ loại. Bảo vệ an toàn năng lượng chống lại mọi đe dọa từ bên ngoài là một phần trong sách lược bảo vệ an ninh. Mà “đe dọa từ bên ngoài”, đối với Trung Quốc, chính yếu là Mỹ. Hạm đội Mỹ kiểm soát đường biển trên khắp thế giới, kể cả những tuyến mà Trung Quốc cho là thiết yếu, kể cả những tuyến sát nách Trung Quốc thường xuyên làm Trung Quốc nhột: đường biển trong vùng Đông và Nam Á. Nếu Mỹ muốn chơi trò cấm vận, chỗ này dễ chơi. Bởi vậy, để phòng ngừa trước, Trung Quốc chơi khôn trong Hội Đồng Bảo An, không biểu quyết cấm vận hay trừng phạt ai cả bằng vũ lực.

            Đã đành, ống dẫn dầu cũng xuyên qua đất liền, từ Nga, từ Trung Á; ta chỉ nói đường biển vì biển liên quan đến ta. Để bảo vệ đường dầu băng qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca, Trung Quốc thực hiện ba chính sách. Một là tham gia vào việc xây những cảng nước sâu mới hoặc giành quyền sử dụng những cảng cũ tại Nam và Đông Nam Á. Đây là chuyện quan trọng hàng đầu nằm trong chiến lược triển khai sợi “dây chuyền ngọc” trong những nước đó để đẩy lùi hiểm họa cắt đứt lưu lượng nhiên liệu từ bên ngoài, kể cả từ hạm đội Mỹ. Hai là bành trướng dần dần khả năng “nước xanh” của hải quân với sự trợ giúp của Nga. Ba là xem thử có tham dự hay không vào những đề xuất trong khu vực liên quan đến việc bảo vệ an ninh trên “Nam Hải”.

            Chính sách đối ngoại của Trung Quốc ăn khớp với chính sách an ninh về năng lượng, khơi lên trên thế giới nhiều quan tâm có tính chính trị hoặc chiến lược. Chính trị, vì Trung Quốc bất cần để ý đến chế độ của nước đối tác, dù nước đó nằm trong sổ đen sổ đỏ của Hoa Kỳ: Iran, Sudan, Miến Điện, Turkmenistan, Uzbekistan, Vénézuella, chưa kể Trung Phi, Tây Phi. Chiến lược, vì các nước sản xuất năng lượng, kể cả Nga, được cơ hội chơi lá bài Trung Quốc chống lại Tây phương. Tất nhiên, nước chơi này cũng có giới hạn: một, vì nước sản xuất cũng có nhu cầu an ninh về cầu, giống như các nước tiêu thụ có nhu cầu an ninh về cung; hai, vì bao giờ cũng có những tay cung khác sẵn sàng xông vào. Còn một quan tâm thứ ba nữa cũng cần nhấn mạnh: Trung Quốc phóng uế vào môi trường sống bẩn thỉu hơn ai hết. Với cái đà tiêu thụ năng lượng này của Trung Quốc, môi trường sống của khu vực và của cả thế giới sẽ bị ô nhiễm không lường được. Giả dụ Trung Quốc giải quyết vấn đề bằng cách thay thế kỹ nghệ năng lượng hạt nhân, thế giới cũng chẳng an tâm gì hơn  vì ngoài cái lo về môi trường bẩn còn thêm cái lo về an toàn và về phóng nhiễm khí giới nguyên tử.

            Nhật nhìn Trung Quốc xài năng lượng mà lo ngay ngáy. Tôi là nước kỹ nghệ, vậy mà mức xài của tôi trong vài chục năm trước mắt không thay đổi, còn ông, ông xài đến chóng mặt. Khác với tôi, dân số có khuynh hướng giảm, dân số ông cứ tăng, cơ sở hạ tầng tăng, giai cấp trung lưu tăng, 200 triệu chiếc ô tô sẽ hút xăng vào khoảng 2020, ông sẽ vắt năng lượng của trái đất đến kiệt vú. Khoảng 2030, mức cầu ở ông sẽ tăng 150%, từ 5,3 đến 13,3 triệu thùng mỗi ngày. Năm 2004, tỷ số lệ thuộc về dầu nơi ông là 40%, trong vòng 20 năm sắp đến con số đó là 80%. Khiếp! Còn tôi, chính sách của tôi là nhằm giảm lượng dầu nhập từ Trung Đông, bây giờ là 87%, tăng sản xuất năng lượng nguyên tử thế nào để đến năm 2010, 40% tổng số cung về nhiệt điện sẽ đến từ các lò nguyên tử.[15] Về khí đốt, tôi nhập 75% từ các nước trong khu vực, như vậy có nghĩa rằng tôi sẽ lệ thuộc vùng này nhiều về khí đốt và do đó chắc chắn tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông sẽ gay gắt.

            Hơn nữa, vì tôi lệ thuộc Mỹ về an ninh, cũng chắc chắn an ninh về năng lượng trong vùng châu Á-Thái Bình Dương sẽ là quan tâm hàng đầu của Mỹ, cũng như Mỹ phải quan tâm về tiền mua dầu của ông ở Trung Đông vì tiền ấy nhét đầy túi của Iran mà Mỹ muốn trị. Cả ông và tôi đều biết: chính sách của Mỹ là muốn có một vùng châu Á-Thái Bình Dương ổn định, bởi vậy tuy là liên minh với tôi và đối thủ của ông, Mỹ phải đóng vai trò lãnh đạo bằng cách cầm cân nẩy mực, làm ôn hòa tranh chấp lực lượng đang găng thêm giữa hai bên, tuy thường xuyên vẫn phải bộc lộ mặn nồng trước những lo lắng của tôi. Thế giới đặt câu hỏi cho ông và tôi: làm thế nào tạo thế ổn định quân bình giữa hai nước lớn cùng có vấn đề an ninh giống nhau về nguồn năng lượng nhập từ bên ngoài?

            Giải pháp mà nhiều người nghĩ đến là thúc đẩy việc thiết lập những hợp tác vùng về năng lượng. Hợp tác tay ba Mỹ-Trung-Nhật; hợp tác tay sáu theo kiểu thương thuyết về Bắc Hàn; hợp tác với ASEAN; hay dựng lên một tổ chức vùng mới đặc biệt chuyên trách về lĩnh vực này. Công việc trước hết là thành lập một dự trữ dầu cần thiết để ổn định thị trường năng lượng trong trường hợp khẩn cấp. Công việc thứ hai là giải quyết những tranh chấp về quyền lợi trong Biển Đông. Năm 2008, Tòa án quốc tế sẽ họp để đưa ra giải pháp về việc phân định ranh giới thềm lục địa trong biển đó. Từ đây đến đó, ngoại giao là đường lối cố hữu để làm hạ tranh chấp. Trung Quốc và Nhật sẽ có lợi nếu hợp tác với các nước ASEAN để bảo vệ an ninh trên eo biển Malacca. Hợp tác sẽ tạo ra tin tưởng lẫn nhau và tinh thần làm việc chung. Hợp tác còn giúp Nhật đánh bóng hình ảnh của mình đối với các nước Đông Nam Á. Đây là những vấn đề đặc biệt liên quan đến Mỹ vì một khủng hoảng năng lượng giữa Nhật và Trung Quốc sẽ đe dọa quyền lợi của chính Mỹ trong khu vực và trên thế giới.

 

5.  Trật tự bất trắc

            Tất cả những chuyện mới mà không mới đó diễn ra trong trật tự an ninh cũ rích, trật tự đã an bài từ sau khi Liên Xô tan rã. Trật tự đó dựa trên những yếu tố cũ, và bởi vì những yếu tố này toàn là bất trắc cả, cho nên bản chất của trật tự đó là bất trắc, không ai đoán trước được tương lai sẽ như thế nào.

            - Yếu tố thứ nhất là vai trò siêu cường của Mỹ. Dù suy yếu, Mỹ vẫn là siêu cường, nghĩa là có sức mạnh trải ra khắp toàn cầu, vượt xa các nước lớn khác, dù là sức mạnh quân sự, kinh tế, văn hóa hay chính trị. Sức mạnh của siêu cường là tổng số sức mạnh trong tất cả mọi lĩnh vực: chỉ một mình Mỹ hội đủ điều kiện đó mà thôi. Sự hiện diện của siêu cường đó trong khu vực là cần thiết, bởi vì môi trường chiến lược của khu vực chứa đầy hiềm khích, thù nghịch. Tất cả các nước, dù lớn dù nhỏ, đều đang thấy có lợi để tiếp tục duy trì tình trạng ổn định có tính đế quốc này. Không nước nào trong vùng châu Á-Thái Bình Dương, ngay cả đại cường Trung Quốc, muốn Mỹ rút chân ra khỏi vùng lúc này; Mỹ rút ra là chiến tranh ập vào. Thế nhưng đại cường nuôi mộng làm anh Hai trong khu vực và không ai biết chắc trong vài chục năm nữa ai sẽ là bá chủ vùng, siêu cường hay đại cường. Nghĩ đến, phát rùng mình.

            - Yếu tố thứ hai chính là hậu quả của yếu tố thứ nhất. Dù gọi nước Mỹ là đế quốc, vương quyền hay chúa tể hay gì gì nữa, trật tự trong vùng không phải do một mình Mỹ quyết định mà là do tương quan lực lượng tạo tác trên nhau giữa các nước lớn. Vậy mà quan hệ giữa các nước, dù lớn dù nhỏ trong vùng, rất bất trắc. Bất trắc, vì không tay nào đoán trước được tay kia đang làm gì, sẽ làm gì. Bắc Hàn có bom nguyên tử chưa? Bắc Kinh có dám tấn công Đài Loan? Có thật hay chăng Hàn Quốc sẽ độc lập hơn, trung lập hơn, quân bình lực lượng hơn, như chính sách tân ngoại giao nhấn mạnh? Nhật sẽ thân Mỹ hơn như khuynh hướng hiện nay, hay cũng sẽ muốn độc lập hơn? Cái tình trạng bất trắc này đi ngược lại với ngón nghề gia truyền của các nhà địa-chính trị gia. Nghề của họ là tính trước. Môi trường chiến lược ở Đông Á là không tính trước được. Vì không tính trước được nên chính sách của các tay chơi lớn là ỡm ờ. Mỹ ỡm ờ với Trung Quốc về vận mệnh của Đài Loan: đố ai biết Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu Trung Quốc tấn công, có thể chính Mỹ cũng không biết. Mỹ ỡm ờ với hai đồng minh then chốt, Nhật và Hàn Quốc, với chính sách “co giãn chiến lược” (strategic flexibility). Đố Nhật biết Mỹ sẽ đi xa đến đâu khi phải đọ sức với Trung Quốc. Keo sơn với Mỹ đến đâu đi nữa, Nhật cũng đủ khôn để canh chừng rút chân ra khỏi bẩy trong trường hợp tranh chấp xảy ra giữa siêu và đại. Như vậy “co giãn chiến lược” của Mỹ là để áp dụng đối với bất trắc từ phía địch thủ Trung Quốc hay để áp dụng đối với bất trắc từ phía hai đồng minh?

            - Yếu tố thứ ba là những quan hệ song phương. Không có liên minh nào vững chắc như liên minh giữa Mỹ với Nhật. Căn bản là thế, nhưng bất trắc không phải thiếu vắng. Nếu liên minh đó chặt quá, Nhật sẽ mất tự do ứng xử với lân bang trong khu vực; nếu liên minh đó lỏng quá, Nhật sẽ phải tức khắc xét lại an ninh của chính mình trong một khu vực đầy nguy hiểm, nhất là vấn đề khí giới nguyên tử. Giới chính trị và đại học thường xuyên tranh luận trên đề tài này. Nếu Bắc Hàn có bom nguyên tử, khó mà nghĩ rằng Nhật cứ cúi đầu nấp hoài dưới cái dù nguyên tử của Mỹ. Nhưng Nhật trở thành nguyên tử thì Trung Quốc phản ứng thế nào? Mà Trung Quốc phản ứng thế nào chỉ mới là một vế, vế kia là Mỹ phản ứng thế nào trước Trung Quốc? Đố Nhật biết. Cứ mỗi lần gặp nhau, dù giữa Koizumi với Bush ở Crawford hay trong chuyên đi Mỹ của Abe trước khi nhậm chức thủ tướng, hai đồng minh đều hết lời khen tặng lẫn nhau về liên minh tuyệt hảo, nhưng thỉnh thoảng bất trắc vẫn lộ ra từ phía Mỹ về vai trò của Nhật trong quan hệ Mỹ-Trung. Người Nhật không thích hình ảnh đàn em nơi mắt Mỹ, nhưng người Nhật lại cũng không ưa chính khách Mỹ qua viếng Á châu mà ít ghé Tokyo. Mỹ ngăn đê hay Mỹ hợp tác với Trung Quốc? Thế nào là “tay chơi có trách nhiệm” (responsible stakeholder) trong ngôn ngữ của thứ trưởng ngoại giao Robert Zoellick? Chính sách ỡm ờ đó của Mỹ không phải dễ nuốt đối với Nhật.

            Vậy mà Mỹ không có chính sách nào khác. Ngăn đê như Nhật muốn? Ngăn sao nổi! Cho nên ngôn từ chính thức là: không ngăn chận sự lớn mạnh của Trung Quốc mà chỉ gây ảnh hưởng trên sự lớn mạnh đó để hướng vào cái thế có lợi cho nước Mỹ. Đó là lối nói nửa nạc nửa mỡ nhắm dung hòa hai cách nhìn về Trung Quốc đối nghịch nhau trong nội bộ, Quốc Hội và dư luận Mỹ, một phe xem Trung Quốc trước sau gì cũng sẽ là thù nghịch, một phe thấy có lợi để tiếp tục làm ăn. Hai phe không ai thắng hẳn ai, cho nên nước Mỹ không phải có một chính sách đối với Trung Quốc mà có nhiều chính sách đồng thời, có khi khá rõ và áp dụng khá dài, có khi vụt mưa vụt nắng, tùy ở còi trọng tài của tổng thống đương nhiệm .[16] Tuy vậy, lối nói nửa nạc nửa mỡ lại diễn tả được một thực chất khá mạch lạc trong ngoại giao của Mỹ đối với Trung Quốc. Lắm khi một ông tổng thống sắp lên nắm quyền tuyên bố sẽ thay đổi chính sách đối với Trung Quốc, thế rồi chẳng bao lâu sau khi an vị lại tiếp tục nguyên si đường lối của người đi trước. Reagan chống Carter đã thân thiện với Bắc Kinh, quả quyết sẽ tái lập bang giao với Đài Loan, Đài Loan đừng tưởng bở! Chính Reagan này thỏa thuận với Bắc Kinh hạ mức bán khí giới cho Đài Loan. Clinton chỉ trích Bush-bố thiếu cứng rắn với Trung Quốc trong vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989, Bush-bố chớ giận! Chính Clinton kia đã dần dần dẹp bớt những biện pháp trừng phạt Trung Quốc sau đó chứ ai đâu. Bush-con chỉ vào mặt Trung Quốc kêu đích danh “kình địch chiến lược”, Trung Quốc đừng lo! Chính ông ấy kề vai với Trung Quốc sau vụ 11-9 để mở “chiến tranh chống khủng bố”. Bây giờ, ví thử Barack Obama thắng cử. Cấp tiến nhất trong đảng Dân Chủ, triệt để nhất trên lập trường chống chiến tranh ở Iraq, ông ấy sẽ chống lại việc can thiệp bằng vũ lực chăng? Chưa chắc! “Khi Obama chứng kiến hành động mà ông cho là đơn phương và ngạo mạn, ông ấy kêu gọi khiêm tốn; khi ông ấy chứng kiến thái độ mà ông cho là thụ động, nhu nhược, ông ấy đòi phải cứng rắn thúc đẩy dân chủ đúng như tinh thần của Kennedy”. Không có gì để nghi ngờ, Obama, dưới mắt của tác giả bảo thủ lừng danh Robert Kagan, là “người can thiệp”.[17]

            Bởi vậy, dù cho mỗi ứng cử viên tổng thống có ý định hay lập trường gì đó đối với Trung Quốc, thực tế khi ông lên nắm quyền là Mỹ cần một Trung Quốc hợp tác, hợp tác là bắt buộc. Nhưng cũng không ông tổng thống nào dại gì mà chểnh mảng trong việc phòng xa Trung Quốc, kể cả việc phòng thủ Đài Loan. Vừa hợp tác vừa cảnh giác là mạch lạc trong chính sách ỡm ờ của Mỹ. Chiến lược an ninh quốc gia công bố năm 2006 viết: “Chiến lược của ta là khuyến khích Trung Quốc lựa chọn đường lối đúng đắn cho nhân dân của họ và đồng thời ngăn đê các khả năng khác”.[18] Lối nói khá trịch thượng về hợp tác. Báo cáo tứ niên về tình hình quốc phòng (“Quadriennal Defense Review Report“) cùng năm định nghĩa Trung Quốc như cường quốc có tiềm năng lớn nhất để cạnh tranh quân sự với Hoa Kỳ” và đề nghị “lấy một thái độ quân bình, tìm hợp tác nhưng thiết lập những hàng rào thận trọng để chống lại khả năng mà thái độ hợp tác tự nó có thể không ngăn cản được tranh chấp tương lai” . [19] Nói cách khác, tôi là gì, sẽ thế nào là tùy ông. Ông đã trở thành cường quốc, ông xứng đáng có một vị thế đặc biệt trên trường quốc tế, nhưng chính vì vậy mà từ nay ông phải trở thành tay chơi có trách nhiệm.[20] Thế nào là tay chơi có trách nhiệm? Là cư xử một cách có trách nhiệm trong những vấn đề có tầm cỡ quốc tế: năng lượng, phóng nhiễm nguyên tử, bảo vệ mậu dịch, giao thiệp với các nước côn đồ Bắc Hàn, Sudan, Iran. Chưa hết: Trung Quốc còn phải tiến đến dân chủ và pháp quyền, đặc biệt trước mắt là chấm dứt phát hành lậu văn hóa phẩm. Hợp tác kiểu đó không phải dễ, nay nắng mai mưa là chuyện phải chờ đợi.

            So với Mỹ vừa hợp tác vừa xây hàng rào, Trung Quốc cũng vừa xây hàng rào vừa hợp tác, tuy ở mức thấp hơn, mức nội bộ và khu vực. Quan tâm chiến lược của Trung Quốc chủ yếu nhắm vào nội bộ và khu vực, thế mới khổ cho ai ở đưới nách. Ông đại cường này thu cái bóng của ông bé lại khi động đến những vấn đề toàn cầu, nhưng lại trải cái bóng của ông dài ra khi mặt trời soi trên cái vùng của ông. Ông rất giận Nhật đã nới rộng, trên thực tế, liên minh với Mỹ ra thành “liên minh Mỹ-Nhật-Đài Loan”. Ông muốn Mỹ phải nhận ông có một quyền đặc biệt trên vùng đó  Ngay cả Trung Á cũng là ngoại vi của trung tâm. Mỹ trấn quân ở đó, ông đòi rút. Ông rất bực Mỹ đã nhúng tay vào những “cách mạng da cam” trên Trung Á. Ở bên kia hàng rào khu vực, ông tố cáo Mỹ vây ông khi kết thân với Ấn Độ. Ông thắt chặt quan hệ với Nga, thao diễn quân sự với Putin, bao gồm cả một kịch bản Đài Loan. Ông đề nghị tổ chức một hợp tác đa phương ở châu Á không có Mỹ, nghe khó lọt tai bởi vì ông thừa biết 4 chữ SAVI tóm tắt lợi ích của Mỹ ở Đông Á: Stability, Access, Values, Influence. Ổn định, Mở cửa, Giá trị, Ảnh hưởng. Đánh Đài Loan, sao gọi là ổn định? Tống Mỹ ra thì ai nghe được?

            Trong tình trạng cả hai ông lớn đều giống nhau trên chính sách vừa đấm vừa vuốt (dual tracking) như thế, dù khó nghĩ hai ông sẽ quật nhau, cũng khó nói chuyện ấy sẽ không bao giờ xảy ra.    

            - Ngoài ba yếu tố cũ đó, chắc chắn năng lượng sẽ gây thêm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vì cả hai đều lệ thuộc vào nguồn nhập từ bên ngoài. Có thể có người phản bác: từ lâu, Nhật cũng đã ở trong tình trạng lệ thuộc như vậy mà có làm phiền gì Mỹ đâu? Vậy phải chăng làm phiền Mỹ hay không trong cuộc chạy đua vào nguồn năng lượng là tùy ở quan tâm chính trị, tùy người cùng chạy đua là địch thủ hay đồng minh? Thì chính vì vậy! Chính vì Mỹ không lường chắc được Trung Quốc là “đối tác chiến lược” hay “kình địch chiến lược” cho nên ngay cả trong quan hệ về năng lượng, thái độ cũng chỉ có thể là ỡm ờ. Một mặt thì căng thẳng như đã nói, một mặt hai bên chấp nhận một đối thoại để nhìn nhau với đôi mắt hợp tác hơn.[21] Bởi vì cả hai đều có lợi để cùng nhau đè giá dầu xuống trên thị trường. Cả hai lại cũng phải sống chết để bảo vệ an ninh đường dầu, Trung Quốc cần Mỹ để dầu chảy êm thấm qua eo Malacca. Và dù Trung Quốc nhắm tít hai mắt ngáy khò khò trên gối bông của các chế độ độc tài đối tác, đôi lúc người quân tử cũng có thể giật mình choàng dậy để cùng với Mỹ ngăn cản một khủng hoảng năng lượng xảy ra tiếp theo một khủng hoảng chính trị. Trong cái thế kèn cựa nhau với Mỹ để cùng ăn, cùng sống, cùng làm với mọi chủ dầu trên thế giới, bất kể thân hay thù với Mỹ, các tác giả Trung Quốc không chút ngại ngần múa bút kêu gọi thế giới, nghĩa là Mỹ, hãy giúp Trung Quốc thực hiện an ninh năng lượng của mình bởi vì đó là góp phần vào việc thực hiện an ninh chung. Uống nước nhớ nguồn, uống dầu nhớ nhau.

            Giữa Mỹ và Trung Quốc, hợp tác ít bất trắc nhất là cái bắt tay trên trái bom nguyên tử thai nghén của Bắc Hàn. Cả hai cùng san sẻ với nhau một mục tiêu: không có mùi nguyên tử phảng phất trên bán đảo Triều Tiên.Về phía Mỹ, một Bắc Hàn có bom nguyên tử là một đe dọa nghiêm trọng, dù là để tấn công hay để trói tay hai đồng minh Nhật và Hàn Quốc. Chưa kể cái nước du côn ấy còn có thể bán kỹ thuật nguyên tử cho bọn khủng bố. Về phía Trung Quốc, Bắc Hàn có bom thì Nhật sẽ có duyên cớ chính đáng để cũng có bom, và Nhật có bom thì tại sao Hàn Quốc không có, và nếu ai cũng đẻ ra bom được thì tại sao Đài Loan không đẻ?

            Quan tâm chung đưa đến hợp tác thật. Mỹ muốn đa phương hóa vấn đề Bắc Hàn? Thì Trung Quốc dựng lên Thương Thuyết Sáu Phe. Trung Quốc là thợ cả trong việc soạn thảo và ký kết thỏa hiệp 2005 nhằm chấm dứt chương trình nguyên tử của Bắc Hàn đổi lấy cam kết của Mỹ tôn trọng an ninh và trợ giúp nước này xây lò nguyên tử. Thỏa hiệp thất bại, đưa đến thí nghiệm nguyên tử ở Bắc Hàn ngày 9-10-2006 và cuối cùng quyết nghị của Hội Đồng Bảo An buộc Bắc Hàn trở lại bàn hội nghị Thương Thuyết Sáu Nước. Đây là lần đầu Trung Quốc biểu quyết đồng tình với Mỹ biện pháp chế tài chống đồng minh của mình, tuy chế tài không bao hàm việc sử dụng vũ lực.

 

6.  Kết luận: văn hóa, chính trị, an ninh cộng đồng

            Thưa Tổng Thống tương lai, tôi sẽ kết luận gì sau khi rút ra cái mới, cái cũ trong môi trường chiến lược châu Á-Thái Bình Dương?

            1. Trước hết, dù tôi biết tổng thống nào cũng sẽ tiếp tục truyền thống này thôi, tôi vẫn nói và nói mãi: nước Mỹ đừng bắt thế giới phải hiểu những khái niệm “dân chủ”, “tự do”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo” như nước Mỹ hiểu. Đó là lý tưởng phải nhắm đến, nhưng mỗi nước có một đường đi riêng, không ai giống ai hoàn toàn. Nước Mỹ cũng đừng đứng sau lưng tôn giáo để kéo thượng đế xuống đất làm chính trị. Trò chơi này tối nguy.

            2. Bởi vậy, nếu Nhật theo chân Mỹ quảng bá dân chủ y hệt Mỹ thì đừng hòng có một “sức mạnh mềm” văn hóa đối đầu với Trung Quốc trong khu vực. Trước đây, người Nhật nói: chủ nghĩa tư bản Mỹ không giống chủ nghĩa tư bản Nhật. Cũng vậy, dân chủ Nhật không giống dân chủ Mỹ, khác xa, nếu hiểu dân chủ là một thứ tôn giáo như người Mỹ hiểu. Vậy, hãy nói với lân bang: dân chủ không phải là “giá trị châu Á” như ông Lý Quang Diệu phát ngôn, nhưng cũng hãy nói: dân chủ không phải như Mỹ muốn. Là gì? Đó chính là chỗ Nhật phải suy nghĩ để trở về lại với Á châu như mong muốn. Là gì? Một mặt là không thể bắt chước mẫu mực chính trị Trung Quốc để phát triển lên hiện đại, bởi vì không nước nào có cái kích thước của Trung Quốc để may áo giống kích thước đó. Một mặt là khuyến khích, thúc đẩy, hợp tác với các nước trong vùng để cùng nhau suy nghĩ về hiện đại, dân chủ và phát triển. Vâng, là thế, là làm cái việc mà Mỹ làm, nhưng làm với một tinh thần khác và mục tiêu khác: thúc đẩy việc hợp tác với xã hội dân sự trong các nước đối tác để cùng nhau suy nghĩ về một mô hình chính trị, văn hóa hiện đại thích hợp. Là nói dân chủ với một ngôn ngữ khác và chiến lược khác.

            Từ gần hai chục năm rồi, Nhật loay hoay định nghĩa mình mãi không xong vì ông không biết phải đi hướng nào, hướng Tây phương với Mỹ như là một nước kỹ nghệ tân tiến, hiện đại, hay là trở về lại với khu vực của ông, nơi ông bắt buộc phải đối đầu với Trung Quốc, một khối khổng lồ không những quân sự, kinh tế, mà còn chính trị, văn hóa. Thăng bằng lực lượng mà ông phải thực hiện trong vùng không phải chỉ tính toán trên số mũ sắt và tên lửa, mà còn là quan niệm về chính trị, văn hóa khác với ông đại cường ấy, khác với ông siêu cường kia, dựa trên sáng tạo để đi lên hiện đại, không từ chối những giá trị phổ quát nhưng cũng không xem nhẹ những giá trị đặc thù. Là thế nào, là gì, ấy là chức năng sáng tạo của ông, bởi vì văn hóa trước hết là sáng tạo. Cho đến nay, thế giới vẫn gọi ông là ông khổng lồ kinh tế và chú lùn chính trị vì ông chỉ là người phát ngôn của Mỹ. Xứ sở của ông là một đất thiền, vậy mà ông đã làm được gì với những nước Phật giáo chung quanh? Ông cũng theo đuôi Trung Quốc hâm nóng hừng hực dân tộc chủ nghĩa, quên mất rằng đi vào đường đó thì ông chỉ thua, vì khu vực không quên ông đã từng là kẻ chinh phục. Kẻ mạnh ngày hôm nay là kẻ chiếm được ảnh hưởng. Mà ảnh hưởng thì không thể chiếm được bằng sức mạnh cứng.

            Ông hãy so sánh mình với Trung Quốc; họ đang làm gì? Súng, tiền và tư tưởng là ba yếu tố chính của sức mạnh. Sau súng của ông Mao, tiền của ông Đặng, bây giờ ông Hồ (Cẩm) đang phơi bày bộ mặt thứ ba: văn hóa. Ảnh hưởng bung ra rần rần. Trước đây, thiên hạ chỉ biết TOEFL là trắc nghiệm tiếng Anh, dạy tiếng Anh như ngoại ngữ; bây giờ trắc nghiệm HSK của Trung Quốc tăng mỗi năm 40-50%, tốc độ tên bay giống như TOEFL của Mỹ trong mười năm đầu. Tiếng Hoa được học khắp thế giới. Với ngân sách hàng năm 200 triệu Mỹ kim, Văn Phòng Quốc Gia Chuyên Trách Dạy Tiếng Hoa Như Ngoại Ngữ mở một mạng lưới chiêu hàng nhằm tăng số học viên lên bốn lần - 100 triệu vào 2010. Cuối 2005, 32 Viện Khổng Tử được thành lập trên 23 nước, phổ biến không những tiếng Hoa mà còn hình ảnh hòa hiếu, nhân hậu của Trung Quốc. Số sinh viên ngoại quốc đến học trong các trường đại học Trung Quốc tăng như nấm: trong vòng 10 năm tăng vọt 3 lần, 110.844 sĩ tử. 75% trong số đó là sinh viên Á châu, nhất là Đại Hàn và ... Nhật. Vinh dự vẫn thuộc Việt Nam: trong 6 năm qua, sinh viên ta tăng lên những 6 lần. Khác văn hóa Nhật hướng về bên trong, lãnh đạo Bắc Kinh tuyên ngôn văn hóa Trung Quốc là văn hóa thế giới: “văn hóa Trung Quốc không phải thuộc về Trung Quốc mà thuộc về cả thế giới”, nguyên văn câu nói của ông Hồ.[22] Lễ hội văn hóa , phét-ti-van rầm rộ chiêng trống khắp nơi, Pháp Mỹ đều hể hả. Xu hào rủng rỉnh, dân con trời đâm ra sính du lịch, qua mặt dân Nhật. Đến nỗi mô hình phát triển Trung Quốc cũng làm ngẩn ngơ các lý thuyết gia dân chủ Tây phương. Tiếng tăm như Robert Kaplan mà cũng bật miệng: lạ nhỉ, “đôi khi độc tài thai nghén tự do”.[23] Các bàn tay sắt trên khắp thế giới, từ khu vực Xô Viết cũ đến Phi châu, Trung Đông, Vùng Vịnh, Á châu dĩ nhiên, mở cờ trong bụng, ngạo nghễ thách thức tân tư tưởng kinh tế của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế: đường nào dẫn đến vinh quang? Một tác giả tiếng tăm về ngoại giao của Anh phải kêu trời: “đây là đe dọa ý thức hệ lớn nhất mà Tây phương đang cảm nhận từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt”.[24] Cũng vậy, một tác giả Mỹ sáng suốt cảnh báo: “Nếu nhà cầm quyền Mỹ tiếp tục xem Trung Quốc chính yếu như một sức mạnh cưỡng bức trong khi Trung Quốc đang bành trướng nhanh nhất trong lĩnh vực kinh tế và trí thức, họ sẽ chơi một trò chơi nhầm, trên một sân chơi nhầm, với một đội tuyển nhầm”.[25]

            Nhìn Trung Quốc như vậy, khó mà không nghĩ về Nhật như một chú lùn chính trị và một hột mít văn hóa. Hột mít ấy oang oang quảng bá dân chủ Mỹ! Hãy chơi trò chơi khác với lân bang.

            3. Cũng vậy, hãy chơi chung với lân bang và làm khác với Trung Quốc trong an ninh cộng đồng. Chỉ có thế, ông mới vừa mạnh vừa không làm ai sợ. Trung Quốc làm an ninh đa phương giả; ông hãy làm thật.

            Trung Quốc làm giả như thế nào? Đại cường đã gia nhập tất cả những tổ chức khu vực, rộng hay hẹp, có hình thức hay không hình thức: APEC, ARF, CSCAP.[26] Đại cường đã đẻ ra những đối thoại hoặc tổ chức đa phương con ruột, ví dụ Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (SCO).[27] Đại cường sáng chế ra Diễn Đàn Boao về Á châu (Boao Forum for Asia), phỏng theo Diễn Đàn Kinh tế Thế Giới (World Economic Forum), bên này họp ở Davos, Thụy sĩ, bên kia họp ở Boao, Hải Nam, quy tụ các giới lãnh đạo Á châu về chính trị, kinh doanh, thương mãi, chuyên viên, học giả nữa, thực chất là để tán gẫu. Đại cường tham gia Diễn Đàn Hợp Tác Đông Bắc Á (North-East Asia Cooperation Forum), sáng tác của cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung. Đại cường chủ biên Thương Thuyết Sáu Phe như đã biết. Như vậy chẳng phải là Trung Quốc đã cải đạo theo đa phương chủ nghĩa rồi sao?

            Còn lâu! Đàng sau những mặt nạ đa phương đó là bộ mặt thực song phương chủ nghĩa với rất nhiều đối thoại chiến lược và quân sự, nhiều cuộc viếng thăm của chiến hạm, nhiều tập trận chung, nào với Ấn Độ (tháng 11-2003), nào với Nga trên biển và cả trên đất (tháng 7-2005), nào nhỏ to đề nghị thao diễn với láng giếng để bảo vệ an ninh trên eo Malacca ... An ninh chung? Liệu hồn ARF, liệu hồn tất cả các hội nghị đa phương về an ninh, hễ có Đài Loan tham dự, hoặc hễ nhắc đến cái chuyện Đài Loan là đại diện Trung Quốc sùng sùng bước ra khỏi cửa. Ngoại giao phòng ngừa? Biện pháp cụ thể đưa đến tin tưởng lẫn nhau? Từ 1996, CSCAP tưởng đã đạt được vài kết quả, rốt cục chẳng tiến triển gì thêm, thất bại được hóa trang dưới son phấn đồng thuận về chống khủng bố và tội phạm xuyên biên giới.[28]

            Nếu ARF chỉ là cái “quán đấu láo” (“talk shop”), vậy Trung Quốc có đưa ra được những mẫu mực khác về hợp tác an ninh đa phương hay không? Ba tổ chức thường được nhắc đến là: Thương Thuyết Sáu Phe, Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải và, khiêm tốn hơn, Diễn Đàn Boao về Á châu. Rõ ràng nhất là tổ chức thứ ba này. Trên giấy tờ, Boao quy tụ rất đông thành phần tham dự; trên thực tế, hình thức là chính, nội dung là phụ, diễn văn rất nhiều, đối thoại không có. Trên giấy tờ, đây là diễn đàn của Á châu thuần túy, kỳ thực đại diện thương mãi, lợi ích thương mãi khắp nơi đổ về Boao với tài trợ của nhiều xí nghiệp lớn trên thế giới.

            Thương Thuyết Sáu Phe là công lao đáng kể của Trung Quốc. Nhưng họp là sân khấu, cái gì quan trọng là đàng sau hậu trường, giữa Trung Quốc và đàn em Bắc Hàn. Bởi vậy, cũng không thể nói Thương Thuyết Sáu Phe là mẫu mực của quan hệ quốc tế tại Đông Bắc Á châu.

            Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải coi bộ xôm tụ hơn như một tổ chức quốc tế với một Văn phòng thư ký trụ ở Bắc Kinh và đông đảo quốc gia tham dự hoặc có thể tham dự. Thế nhưng mục đích là gì, kết quả thế nào? Có quan sát viên đếm thông cáo chung công bố sau buổi họp thượng đỉnh vào tháng 6-2006: trong 1533 từ, từ “khủng bố” và “bọn khủng bố” được nhắc đến 11 lần, phản ánh quan tâm khởi thủy của tổ chức là chống lại phá rối trị an; Thông cáo chung có nói đến “tình hình mới trên thế giới” nhưng gián tiếp và sơ lược, chứng tỏ các nước tham dự không có hành động cụ thể gì đáng kể. Đáng kể là kinh tế và thương mãi,  mục tiêu chính trong quan hệ càng ngày càng thắt chặt giữa Trung Quốc và Trung Á. Đáng kể là dầu Trung Á róc rách chảy vào Trung Quốc xuyên qua Iran, biển Caspien, Kazakhstan và Nga. Đó là tầm nhắm của tổ chức, tuy rằng thương thuyết trong lĩnh vực này vẫn thực hiện tay đôi giữa Trung Quốc và từng đối tác.

            Tóm lại, Trung Quốc tham gia và đóng góp nhiều vào hợp tác đa phương, nhưng ngài thích chơi đa phương trong những lĩnh vực không phải là súng đạn. Ngài không thích bị đàn em xúm lại trói hỏa tiển và tàu chiến của ngài dù là bằng sợi tơ. Ngài chơi trên; ngài không thích chơi chung. Hơn cả siêu cường trên thế giới, ngài chỉ thích đơn cực trong vùng thôi.

            Trước một Trung Quốc muốn chơi trên như vậy, ai mà không hoan nghênh mọi cố gắng để xây dựng đa cực, xuất phát từ một quốc gia hay một tập hợp quốc gia? Dù Nhật thiếu sức mạnh mềm và không đủ điều kiện của một sức mạnh cứng, đó cũng là một cực đầy tiềm năng, cực duy nhất có thực lực để chơi trò thăng bằng lực lượng. Nhưng thăng bằng lực lượng đa cực là trò chơi đầy hiểm nguy trong một môi trường thù nghịch, hiềm khích, đặc trưng của khu vực. Bởi vậy, chức năng của Nhật và tương lai chiến lược của Nhật không phải là cạnh tranh để chơi trên với Trung Quốc mà để chơi chung với các nước trong vùng, không phải đa cực để thách đố nhau làm bá chủ.

            “Nhật, nước không có bạn” là cái tít lớn của tờ Newsweek năm 2006.[29] Cho đến bây giờ, Nhật chỉ có kinh tế để chơi chung một cách có lợi với tất cả. Nhưng kinh tế không còn là độc quyền phồn vinh của Nhật nữa: tất cả các nước trong vùng đều đã nhảy lên con tàu tốc hành của Trung Quốc để cùng chia, cùng phất. Kinh tế cũng không phải là yếu tố tự nó có thể đem lại hòa dịu, hợp tác và tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia, chưa kể kiện cáo đã xảy ra giữa siêu và đại trước WTO, chưa kể căng thẳng thường bùng lên vì những biện pháp bảo vệ mậu dịch. Chơi chung với nhau, chính là chơi chung trong lĩnh vực an ninh. Nhật đã từng hăng hái và cũng đã từng thất vọng với ARF cũng như với các tổ chức có liên quan đến an ninh. “Khó mà các nước trong ARF có ý muốn thiết lập hệ thống ngoại giao phòng ngừa và những cơ chế để giải quyết tranh chấp trừ khi có một biến cố trọng đại xảy ra làm rung chuyển môi trường an ninh của khu vực”.[30] Ai mà không bi quan như thế trước tình trạng thiếu ý chí dựng lên an ninh chung? Có nước nào không ngán cái trợn mắt của Trung Quốc trong mưu đồ chơi chung này? Ai cũng biết: Á châu không phải là Âu châu, cho nên khó có thể mơ ước một Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác theo mẫu mực CSCE của Âu châu.[31] Thế nhưng đó là lý tưởng phải nhắm tới. Và nếu Nhật không tự thúc đẩy mình và thúc đẩy Mỹ đi vào con đường đó thì còn ai? Chẳng lẽ chui vào vỏ ốc, thu mình lại, chứng minh cho câu nói của Newsweek là chí lý?

            Thưa Tổng Thống tương lai của nước Hoa Kỳ, đó là lý do tại sao tôi làm bộ vu vơ gởi thư này đến Hộị Thảo Nantes. Nếu ông không tích cực thúc đẩy an ninh cộng đồng trong khu vực thì ai? Thì ai?

 

 

Chú thích

 

[1] Diễn văn của bộ trưởng ngoại giao Condoleezza Rice Tại Georgetown University, Washington DC, ngày 18-1-2006, trong: Justin Vaïsse, Etats-Unis: le temps de la diplomatie transformationnelle, Cahier de Chaillot, n° 95, Dec. 2006, trang 7.

[2] Xem phần phụ lục kèm theo tài liệu số (1) ở trên. Trong diễn văn đọc trước Economic Club of New York tối 7-6-2007, bà Rice sáng tác ra hai từ mới để biện minh cho quan điểm của mình mà bà cho là trung thành với quan điểm truyền thống của lịch sử ngoại giao Mỹ: “American realism” (“thực tế chủ nghĩa Mỹ”). Xem: Glenn Kessler, Foreign Policy in Two Words, Washington Post, 8-6-2007.

[3]Ví dụ Ronald D. Asmus và Kenneth M. Pollack, The New Transatlantic Project, Policy Review, 115, Oct. 2002.

[4]André Fontaine, Y a t-il encore un Supergrand? Le Monde 23-2-2007.

[5]Rory Stewart, What Americans can do? Le Monde-New York Times, 7-4-2007.

[6] Ministry of Foreign Affairs of Japan, Japan-US Summit Meeting: The Japan-US Alliance of the New Century, Washington DC, June 29-2006. Có thể đọc trên mạng: http://www.mofa.go.jp/region/n-america/us/summit0606.html.

[7]Michael J. Green, US-Japanese Relations after Koizumi: Convergence or Cooling? The Washington Quarterly, Autumn 2006.

[8] Công du của thủ tướng Abe tại Berlin, Londres, Bruxelles, Paris tháng 1-2007, Le Monde 14  và 15-1-2007, bài “Tokyo se rapproche de l'OTAN”.

[9] Hisane Masaki, Japan Revs Up its Indochina Diplomacy, Asia Times Online 22-5-2007. Có thể đọc trên mạng: http://www.atimes.com/atimes/japan/IE22Dh01.html

[10] Theo Richard J. Samuels, Japan's Goldilocks Strategy, The Washington Quarterly, Autumn 2006.

[11] Tuyên bố trong dịp Thượng Viện biểu quyết luật cho phép tổ chức trưng cầu dân ý về việc sửa đổi Hiến pháp, Le Monde 16-5-2007.

[12] Samuels, bài đã dẫn ở (10). Xem chi tiết về tăng cường quân sự của Nhật trong Richard Katz & Peter Ennis, How Able is Abe? Foreign Affaris, March/April 2007, vol 86, n°2.

[13] Nicholas Szechenyi, A Turning Point for Japan's Self Defence Policy, The Washington Quarterly, Autumn 2006.

[14] Bài đã dẫn ở (10) và (12).

[15] Philip Andrews-Speed, China's Energy Policy and its Contributions to International Stability, Chaillot Paper, n° 94, Dec 2006.

[16] Hubert Védrine (cựu bộ trưởng ngoại giao Pháp), L'émergence de la Chine vue de France, Politique Etrangère, n° 3, 2006.

[17] Robert Kagan, Obama the Interventionist, Washington Post, April 29-2007.

[18]The National Security Strategy of the United States of America, The White House, 16 March 2006, trang 42. Có thể đọc trên mạng: http://whitehouse.gov/nsc/nss/2006/

[19] Quadrennial Defense Review Report, Department of Defense, United States of America, 2 February 2006, trang 29-30.

[20] Politique Internationale, Jan. 2007.

[21] Ví dụ: Memorandum of Understanding regarding energy policy dialogue, ký giữa Mỹ và Trung Quốc hồi tháng 5-2004. Năng lượng cũng là một vấn đề chính được thảo luận tại Sino-US high-level Strategic Dialogue tháng 8-2005. Xem Jimian Yang et al, New Missions for China and US: Strategy Making and Policy Options, Shanghai Institute for International Affairs, Feb. 2006, trang 43.

[22] Bates Gill & Yanzhong Huang, Sources and Limits of Chinese “Soft Power”, Survival, vol 48, n° 2, Summer 2006.

[23] như trên.

[24] Mark Leonard, The Road Obscured: New Left or “Neo-Comm”? Financial Times, 9 July 2005.

[25] David M. Lampson, The Faces of Chinese Power, Foreign Affairs, Jan/Feb 2007, vol 86, n°1.

[26] CSCAP là Council for Security Cooperation in the Asia-Pacific, một tổ chức “track II” với rất nhiều tham dự viên quan chức.

[27] Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (SCO) gồm Trung Quốc, Nga và 4 nước Trung Á, rồi nới rộng ra Afghanistan, Ấn Độ, Iran, Mông Cổ và Pakistan tham dự như quan sát viên, rồi lại mời các đại biểu ASEAN tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh tháng 6-2006.

[28] Hồi 1996, CSCAP đã vạch ra một chương trình nhằm chuyển từ những biện pháp xây dựng tin tưởng (confidence-building measures) qua ngoại giao phòng ngừa để đến an ninh hợp tác. Tranh luận bị khóa chốt ngay ở mức biện pháp xây dựng tin tưởng. Những vấn đề “mới” như khủng bố và tội phạm xuyên biên giới được đem ra bàn luận để tạo ra một nhất trí ngoài mặt. Tình trạng đó không dấu diếm được sự thiếu tiến triển trong bất cứ vấn đề gì liên quan đến thăng bằng lực lượng ở châu Á-Thái Bình Dương, ngoại giao phòng ngừa trong khu vực, hoặc việc Trung Quốc leo thang chi phí quân sự.

[29] Dưới cái tít đó, Newsweek nói đến khuynh hướng rút lui vào vỏ ốc của Nhật sau những thất vọng về ngoại giao và an ninh cộng đồng. Khuynh hướng đó biểu lộ trong việc cắt bớt ngân khoản viện trợ từ 10 năm trở lại đây, nay mới xét lại. Xem Bernard de Montferrand, Japon: renouveau et tensions, Politique Etrangère, n° 1, 2007.

[30] Takeshi Yuzawa, Japan's Changing Conception of the ASEAN Regional Forum, The Pacific Review, vol 18, n° 4, Dec 2005.

[31] CSCE là Conference on Security and Cooperation in Europe, Hội Nghị về An Ninh và Hợp Tác ở Âu Châu, tổ chức năm 1975, gồm tất cả các nước Âu châu (trừ Albanie lúc đó) và Bắc Mỹ.                           

   

©  Thời Đại Mới

 

Trở về trang chủ Thời Đại Mới

 

7-8-07