Số 11 - Tháng 7/2007
Lập trường của
Trung Quốc Đào Văn Thụy[1]
Quần đảo Hoàng Sa ở vào khoảng giữa vĩ tuyến 16° – 17° và kinh tuyến 111° – 113° đông, cách Huế khoảng 490 km và Yulin (Du Lâm), hải cảng phía nam của đảo Hải Nam khoảng 350 km. Toàn thể quần đảo Hoàng Sa có diện tích khoảng 15.000 km², gồm trên 30 đảo nhỏ và những hòn đá nhô khỏi mặt nước, chia ra làm hai nhóm chính: Nhóm Đông (Amphitrite) mà đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm (Woody Island), dài không quá 4 km, rộng khoảng 2 hay 3 km; và Nhóm Tây (Crescent) mà đảo lớn nhất mang tên Hoàng Sa (Pattle Island), diện tích khoảng 0,3 km². Đảo Phú Lâm cách đảo Hoàng Sa khoảng 87 km. Quần đảo Trường Sa ở vào khoảng vĩ tuyến 12° bắc và kinh tuyến 111° đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 400 km, cách Philippin khoảng 300 km và cách Trung Quốc khoảng 1.500 km. Toàn thể quần đảo Trường Sa có diện tích khoảng 160.000 km², gồm trên 100 đảo và những hòn đá nhô lên mặt biển, trong đó có khoảng 26 đảo hoặc đá chính. Người dân Việt Nam đã phát hiện ra các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời. Những tài liệu lịch sử để lại đã chứng minh quan hệ chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo này ít ra là từ thời Chúa Nguyễn, vào thế kỷ thứ XVII. Cho đến ngày bị Pháp đô hộ, các triều đại kế tiếp trị vì nước Việt Nam đã thực sự nắm chủ quyền trên hai quần đảo này mà không có nước nào cạnh tranh và coi các hải đảo này hoàn toàn thuộc lãnh thổ của nước ta. Mãi đến đầu thế kỷ XX, năm 1909, trước sự đe doạ của chủ nghĩa bành trướng Nhật Bản, Trung Hoa mới bắt đầu chú ý tới quần đảo Hoàng Sa và sau này, trong những năm 1928, 1932, biểu hiện ý đồ tranh giành chủ quyền với chính quyền bảo hộ Pháp - chỉ biểu hiện ý đồ chứ không có hành động chiếm hữu thực sự. Cũng cần nhấn mạnh là hồi đó, cho đến hết chiến tranh thế giới thứ nhất, đòi hỏi của Trung Quốc chỉ nhằm vào quần đảo Hoàng Sa chứ không đả động đến quần đảo Trường Sa. Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, với tư cách là quốc gia kế thừa, Pháp không hề khước từ chủ quyền trên hai quần đảo, tiếp tục khẳng định quan hệ chủ quyền và phản đối những yêu sách của Trung Quốc. Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã chiếm các hải đảo trên dãy Hoàng Sa và Trường Sa để làm căn cứ quân sự. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, lợi dụng danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật Bản, năm 1947, quân đội Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên đảo Phú Lâm (thuộc Nhóm Đông của quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (Itu Aba) của quần đảo Trường Sa, trong khi đó, quần đảo Pháp đóng ở đảo Hoàng Sa (thuộc Nhóm Tây của quần đảo Hoàng Sa) và một số đảo khác của quần đảo Trường Sa. Chính phủ Bảo Đại chính thức thay thế Pháp ở quần đảo Hoàng Sa năm 1950 và chính quyền Ngô Đình Diệm ở quần đảo Trường Sa năm 1956. Sau khi chiến thắng ở lục địa, chính quyền Bắc Kinh thay thế quân đội Quốc dân đảng Trung Hoa ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) năm 1956, trong khi đó Đài Loan vẫn tiếp tục thường xuyên có mặt ở đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa). Năm 1974, quân đội Bắc Kinh đã sử dụng vũ lực, loại quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng hoà ra khỏi quần đảo Hoàng Sa, và năm 1988, đổ bộ lên một số hòn đảo của quần đảo Trường Sa.
I. LUẬN ĐIỂM PHÁP LÝ CỦA TRUNG QUỐC Trong tranh chấp chủ quyền hải đảo với Việt Nam, phía Trung Quốc đã đưa ra những căn cứ pháp lý gì?[2] Trước tiên, cũng cần nói rõ là, lập trường của chính phủ Bắc Kinh và của chính quyền Đài Loan không khác nhau. Chính phủ Trung Quốc lặp lại những lập luận đã được chính quyền Tưởng Giới Thạch sử dụng trước kia.
1. Bằng chứng lịch sử Trong khi đòi hỏi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc luôn luôn khẳng định rằng các hải đảo này là đất đai của họ đã từ lâu đời. Nói khác đi, Trung Quốc có danh nghĩa thụ đắc chủ quyền (titre d’acquisition) trước Việt Nam. Để chứng minh, nhà cầm quyền Trung Quốc viện dẫn nhiều tác phẩm lịch sử, tài liệu địa lý, di vật khảo cổ v.v.., trong đó có những tài liệu từ đời Tam Quốc, đời nhà Tống, đời nhà Nguyên, nhà Thanh. Tuy nhiên, những tài liệu đó không những thiếu chính xác mà còn không chứng minh được quan hệ chủ quyền của nhà nước Trung Quốc đối với hai quần đảo. Qua những tường thuật của các tác giả, người ta không rõ những hải đảo được kể ra có thuộc hai quần đảo Hoàng Sa hoặc Trường Sa hay không, hay chỉ là những đảo kế cận đảo Hải Nam, bởi vì những hải đảo đó mang nhiều tên khác nhau và địa điểm so với bờ biển cũng không rõ. Những tài liệu ấy đôi khi trái ngược với nhiều nguồn tài liệu địa dư khác của chính Trung Quốc, mô tả vương vực phía nam Trung Quốc chấm dứt bởi đảo Hải Nam. Ngay cả những tài liệu nói tới một số sự kiện lịch sử tương đối rõ hơn để chứng minh một số biểu hiện chủ quyền như · Cuốn sách của Vũ Kinh Tổng Yếu về chính sách quốc phòng đời Tống, có lời đề tựa của vua Tống Nhân Tông (1023-1053) nói đến cái gọi là việc tuần binh hải quân từ Quảng Đông tới Hoàng Sa! · Việc vua nhà Nguyên (thế kỷ XIII) ra lệnh cho một nhà thiên văn nổi tiếng là Quách Tử Kính đo thiên văn ở trên lục địa Trung Quốc và cả trên bốn bể, nghĩa là hàm ý trên cả các đảo thuộc Hoàng Sa! · Cuộc viễn chinh do Sử Bật chỉ huy đi đánh Giava năm 1293 có ghi trong Nguyên sử, đặt cả vùng Hoàng Sa dưới sự tuần binh! · Việc tướng Ngô Thăng thuộc triều Thanh, chỉ huy tuần binh các vùng biển trong thời gian 1710 – 1712 được diễn dịch ra là bao gồm cả vùng Hoàng Sa v.v.! cũng chỉ xác nhận Trung Quốc biết sự hiện hữu của quần đảo Hoàng Sa thôi chứ không minh chứng được sự chiếm hữu, bởi vì những tài liệu đó quá rời rạc, lẻ tẻ, hơn nữa rất mập mờ, nếu không nói là hoàn toàn thiếu cơ sở nghiêm túc. Dẫu sao, tất cả các tài liệu do Trung Quốc đưa ra chỉ dẫn chứng sự phát hiện hải đảo. Thế nhưng, theo luật quốc tế, những phát hiện hoặc kiến thức về địa dư, kể cả sự lui tới của những dân chài lưới trên hải đảo, chưa phải là một yếu tố đủ để chứng minh quan hệ về chủ quyền trên đất đai khám phá ra. Muốn cho sự phát hiện có một hiệu quả pháp lý, nó phải được tiếp theo bằng một sự chiếm hữu thực sự (occupation effective) kèm theo một ý chí biểu hiện chủ quyền bằng những hành vi của một cơ quan quyền lực nhà nước tối cao chứ không chỉ đơn thuần là một hành động tư nhân. Trái với Trung Quốc, Việt Nam đã đưa ra nhiều chứng cớ lịch sử chứng minh một cách vững chắc rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã thuộc đất đai của mình. Ban đầu, các quần đảo có tên nôm là Bãi Cát Vàng. Theo ông Lưu Văn Lợi, tên Cát Vàng có ghi trên bản đồ của Đỗ Bá Công Đạo và tác giả người Anh Gutzlaff trong một bài đăng trên tạp chí Hội Địa dư Luân Đôn năm 1849 nhan đề Địa dư của Triều đại Nam Kỳ cũng gọi là Katvàng.[3] Những tài liệu lịch sử của Việt Nam đã ghi chép về các hải đảo này từ đời Lê Thánh Tông (cuối thế kỷ XV). Bản đồ thời Hồng Đức thế kỷ XVII cũng có ghi. Phía Việt Nam không những đưa ra các tài liệu về sự phát hiện đất đai và hiểu biết về địa lý, mà còn chứng minh rằng nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu và quản lý hành chính thực sự hai quần đảo ấy. Tài liệu đầu tiên xác nhận chủ quyền Việt Nam là tác phẩm “Tuyển tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ đồ thư” của Đỗ Bá, viết vào thế kỷ XVII.[4] Tiếp theo là tác phẩm Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn năm 1776. Trong sách này, sử gia Việt Nam có ghi rõ địa điểm của đảo Hoàng Sa (đi đường biển 3 ngày, 3 đêm), sự khai thác do nhà nước tổ chức và số lượng kim khí thu lượm được từng năm (1704, 1705, 1709, 1713, v.v.). Theo Lê Quý Đôn, Chúa Nguyễn lập ra một công ty nhà nước gọi là “Công ty Hoàng Sa” với chức năng ra các hải đảo này khai thác hải sản và thu lượm hàng hoá do các tàu ngoại quốc bị đắm bỏ lại từ đầu thế kỷ XVIII. Năm 1821, Phan Huy Chú đã dành một chương dài trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí nói về quần đảo Hoàng Sa (địa lý, tài nguyên, tổ chức Công ty Hoàng Sa…). Các bản đồ hoặc các tác phẩm địa dư xuất bản năm 1774, 1838, 1882 (Giáp Ngọ Bình Nam đồ, Đại Nam nhất thống toàn đồ, Đại Nam nhất thống chí) ghi chú các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Sự cai trị thực sự các quần đảo cũng được nói rõ trong các bộ sử như:
Đầu thế kỷ XIX, các triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức tiếp tục củng cố chủ quyền trên các hải đảo. Vua Gia Long đặc trách Công ty Hoàng Sa ra các đảo thăm dò đường hàng hải, thi hành công tác vẽ bản đồ. Năm 1833, vua Minh Mệnh cho dựng một ngôi đền, một bia và trồng cây xanh làm dấu cho các tàu bè dễ nhận ra đảo, tránh bị đắm tàu. Năm 1836, vua Minh Mệnh ra lệnh cho đô đốc hải quân đóng cột gỗ, có khắc dấu những nơi đã thanh tra: “năm thứ 17 thời Minh Mệnh, vâng lệnh nhà vua, đô đốc Phan Hữu Nhật tới Hoàng Sa để xem xét và ghi chú địa hình và đóng cột mốc để đánh dấu sự kiện”. Những tài liệu lịch sử nói trên cũng như tính xác thực của chúng đã được các tác giả nước ngoài nhìn nhận. Do đó, có thể nói rằng, liên tục từ đầu thế kỷ XVIII cho đến thời kỳ là thuộc địa của Pháp, qua hoạt động chiếm hữu của cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước mà không gặp sự phản đối của nước nào, nhất là Trung Quốc, Việt Nam đã thụ đắc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thể theo đúng những quy tắc của luật quốc tế hiện hành hồi đó. Tuy sử Việt Nam (Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, 1843-1851) khẳng định: “quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc đất đai hàng hải của nước ta và giữ một vai trò chiến lược to lớn”, sự thực chủ quyền nói ở đây bao gồm một vùng rộng hơn là vùng Hoàng Sa. Những sách địa dư Việt Nam viết thời kỳ thế kỷ XIX (nhất là Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú năm 1821 và Đại Nam nhất thống chí, 1865-1882) đưa ra con số 130 hòn đảo. Con số này dĩ nhiên không phù hợp với số đảo hiện nay thống kê ở quần đảo Hoàng Sa một cách riêng rẽ (30 đảo). Trái lại, nó đúng là tổng số đảo của cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hợp lại. Ngoài ra, các sử liệu của Việt Nam nói rõ có nhiều công ty có địa bàn hoạt động riêng biệt. Một trong những công ty lập ra vào thế kỷ XIX mang tên Bắc Hải, là tên bấy giờ của quần đảo Trường Sa, tên chung cho cả Việt Nam lẫn Trung Quốc. Giả thuyết này cũng được chứng minh bằng bản đồ do thời Minh Mệnh năm thứ 14 lập ra có ghi chú hai quần đảo riêng với tên riêng. Trung Quốc không những không đưa ra được những chứng cớ lịch sử về liên hệ chủ quyền với hai quần đảo mà còn không đưa ra được dấu vết nào chứng tỏ sự phản đối của Trung Quốc về sự thụ đắc chủ quyền của các vua chúa Việt Nam trong suốt thế kỷ XVIII và nhất là thế kỷ XIX khi các triều vua Việt Nam tổ chức việc khai thác có hệ thống các quần đảo dưới quyền tài phán của mình. Tóm lại, cho tới thời kỳ Pháp đô hộ Việt Nam, với hiệp ước bảo hộ năm 1884, ta có thể kết luận như Monique Chemillier – Gendreau: “Việt Nam đã giữ chủ quyền không có cạnh tranh trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với hệ thống pháp lý của thời ấy, suốt trong gần hai thế kỷ”[5]. Tuy nhiên, danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam bước vào một thời kỳ mới trong đó chủ quyền Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự đô hộ của chế độ thuộc địa, rồi trải qua Chiến tranh thế giới thứ hai và hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, với sự chia cắt đất nước thành hai miền, dưới hai chế độ chính trị khác nhau. Qua những thử thách ấy, trong tình hình hết sức phức tạp đó, với những sự kế thừa quốc gia trên phương diện quốc tế, danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam có thể bị sứt mẻ hay mất đi không, nói cách khác, quyền thụ đắc chủ quyền có bị thời hiệu không. Ta sẽ thấy, nếu sự thụ đắc chủ quyền không bị thời hiệu (prescription acquisitive) thì cũng bị đe doạ một cách trầm trọng, nhất là khi Việt Nam hoàn toàn bị loại ra khỏi quần đảo Hoàng Sa kể từ năm 1974.
2. Quan hệ giữa hoàng đế và vua nước chư hầu Như trên đã nói, Trung Quốc hoàn toàn không quan tâm đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt hai thế kỷ XVIII và XIX. Sau khi Pháp thiết lập sự đô hộ trên nước Việt Nam, lần đầu tiên Trung Quốc biểu hiện sự quan tâm đến quần đảo Hoàng Sa là năm 1909. Trước sự đe doạ của Nhật Bản có ý tranh giành chủ quyền trên đảo Pratas thuộc lãnh thổ Trung Quốc, ở phía đông bắc Hoàng Sa, nhà cầm quyền Lưỡng Quảng muốn đi một bước trước Nhật Bản trên đảo Hoàng Sa. Tháng 4 năm 1909, chính quyền Trung Quốc đã cho xúc tiến một cuộc thăm dò quần đảo Hoàng Sa. Báo cáo về cuộc thăm dò của sĩ quan hải quân Trung Quốc chứng tỏ cho đến lúc đó chính quyền Trung Quốc hoàn toàn không hề biết địa điểm chính xác của các hải đảo. Phái đoàn thăm dò đã cắm cờ Trung Quốc trên đảo để biểu dương sự hiện diện của Trung Quốc. Tuy nhiên, động tác tượng trưng trên không được nối tiếp bằng một sự chiếm hữu thực sự cũng như một ý chí biểu hiện chủ quyền của một quyền lực tối cao (nhà cầm quyền Lưỡng Quảng chỉ là một chính quyền địa phương), nhất là luật quốc tế sau Định ước Berlin 1885 đã quy định những điều kiện khắt khe hơn về sự thụ đắc chủ quyền trên một vùng đất đai. Mãi đến năm 1928, thấy có viễn tượng khai thác tài nguyên, Trung Quốc lại nhòm ngó quần đảo Hoàng Sa, thành lập một uỷ ban thanh tra các đảo Hoàng Sa, thảo ra một báo cáo với dự định khai thác tài nguyên trên các đảo. Và tiếp theo đó, năm 1932, dự định cho đấu thầu việc khai thác phân chim ở Hoàng Sa. Chính phủ Pháp, với tư cách đại diện triều đình Huế, đã phản đối, khẳng định liên hệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và đề nghị đưa ra trọng tài phân xử nhưng Trung Quốc từ chối đề nghị của Pháp. Có lẽ vì họ không có một cơ sở pháp lý vững chắc. Trước những chứng cớ lịch sử chính xác về văn tự chủ quyền của triều đình Huế, phía Trung Quốc đã đưa ra lập luận khác, dựa trên ý niệm chư hầu. Trong một văn thư gửi Bộ Ngoại giao Pháp ngày 29-9-1932, Trung Quốc cho rằng vua Việt Nam, với tư cách là một chư hầu đã hoạt động mệnh danh hoàng đế Trung Quốc. Những hành động ấy chỉ “xác định chủ quyền Trung Quốc trên những đảo không thuộc Việt Nam”! Chúng ta biết rằng quan hệ chư hầu giữa các triều vua Việt Nam và hoàng đế Trung Hoa là một quan hệ phức tạp, vừa có tính cách ngoại giao vừa có tính cách văn hoá, nước chư hầu nhìn nhận mình nằm trong vùng ảnh hưởng văn hoá của văn minh Trung Quốc. Nó thể hiện qua việc gửi sứ giả sang cầu cống hoàng đế Trung Hoa, kèm theo những lễ vật, đặc sản địa phương quý giá vào các thời điểm khác nhau, hoặc hàng năm hoặc khi có sự thay đổi ngôi vua hoặc vào dịp kế thừa triều đại hoặc sau một cuộc chiến tranh giành độc lập để bình thường hoá quan hệ ngoại giao, nhất là để xoa dịu thể hiện của một nước láng giềng khổng lồ mới bị bại trận. Như F. Joyaux đã nhận định “triều đình Việt cần sự thụ phong Trung Hoa để được kính nể, cũng như một quốc gia tân tiến ngày nay không thể tránh khỏi sự thừa nhận quốc tế để đứng vững. Vả lại, đứng về quan điểm Trung Hoa, ý tưởng có hai dân tộc khác nhau là không thoả đáng. Đúng ra nên thay thế nó bằng hai thế giới tiếp cận: văn minh và không văn minh. Thế giới văn minh, nghĩa là Khổng giáo, có tôn ti đối với hoàng đế (mà chúng ta gọi là hoàng đế Trung Hoa), để được tham gia vào thế giới này mà nước Đại Việt là một thành viên bởi vì sử dụng chữ viết Trung Hoa và tôn trọng những nghi lễ Trung Hoa, biểu hiện của nền văn minh, không có con đường nào khác là chịu làm chư hầu của hoàng đế. Nghĩa là sự cầu cống, thực ra bao hàm một hệ thống quan hệ hết sức phức tạp. Đối với Trung Quốc, nó phản ánh một sự phụ thuộc tối đa trong đó Trung Quốc có thể hy vọng giữ được nước Đại Việt mà không gây ra phản ứng “đế quốc” từ nước này. Đối với nước Đại Việt, ngược lại, phản ánh sự độc lập tối đa của mình mà không gây ra phản ứng đế quốc của Trung Quốc. Trong trường hợp này, cũng như trường hợp kia, bởi bản chất Khổng giáo của hai quốc gia, sự cầu cống, ít ra chứng tỏ sự chia sẻ chung một hệ thống giá trị”.[6] Nhưng nghĩa vụ kính nể của triều đình Huế đối với nhà Thanh chỉ có tính cách thuần hình thức. Đây không phải là một quan hệ lệ thuộc. Lập luận của Trung Quốc về chư hầu không có một giá trị pháp lý nào. Một án lệ quốc tế, vụ tranh chấp chủ quyền các đảo Minquires và Ecréhous trên biển Manche, có thể đem ra áp dụng ở đây. Trong vụ này, Pháp cho rằng mình có chủ quyền nguyên thuỷ bởi lẽ các công tước vùng Normandie là chư hầu của vua Pháp. Anh quốc cho rằng tước quyền của vua Pháp trên vùng Normandie chỉ đơn thuần có tính cách hình thức. Toà án Quốc tế đã bác bỏ đòi hỏi của Pháp, cho rằng nếu vua Pháp có văn tự phong kiến nguyên thuỷ trên những hòn đảo của biển Manche, văn tự đó liên quan tới một thời phong kiến xa xôi, đã chấm dứt từ năm 1024.[7] Thế mà quan hệ chư hầu của Việt Nam đối với Trung Quốc còn lỏng lẻo hơn quan hệ giữa công tước miền Normandie đối với vua nước Pháp.
3. Hiệp uớc Pháp – Thanh 26-6-1887 Trong văn thư nói trên, chính phủ Trung Hoa đưa ra một luận cứ thứ hai dựa vào Hiệp ước Pháp – Thanh ký ở Bắc Kinh ngày 26-6-1887, phân chia biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ (miền Bắc Việt Nam). Theo Điều 3 của bản Hiệp ước, những điểm tranh chấp ở vào phía đông và đông bắc của Móng Cái, ở bên kia đường biên giới do Uỷ ban phân chia biên giới ấn định, thuộc về Trung Quốc. Các hòn đảo ở phía đông kinh tuyến Paris, 105043’ kinh tuyến đông – nghĩa là con đường biên giới bắc nam đi qua mũi phía đông (la pointe orientale) của hòn đảo Trà Cổ - thuộc về Trung Quốc, và các đảo ở phía tây của kinh tuyến ấy thuộc về Việt Nam. Nói khác đi, Trung Quốc cho rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở về phía đông của ranh giới ấy thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên, mục đích của Hiệp ước 1887 là phân định biên giới giữa Bắc Kỳ (miền Bắc Việt Nam) và Trung Quốc. Hiệp ước chủ yếu liên quan đến đất liền. Nó chỉ có mục đích phụ để giải quyết những đảo nhỏ không quan trọng ở gần bờ biển nhất, mà không cần phải chỉ định rõ tên. Hiệp ước cũng chỉ định rõ điểm khởi đầu của con đường phân chia ranh giới đi qua mũi đông của đảo Trà Cổ mà không chỉ điểm cuối bởi vì bề dài của nó tuỳ sự hiện hữu của những đảo gần bờ biển. Nếu theo cách giải thích của Trung Quốc để kéo dài đường ranh giới tới giao điểm với bờ biển Trung Kỳ (miền trung Việt Nam) thì tất cả các đảo ở phía Nam của Huế đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc! Công ước Vienne ngày 29-6-1969 điển pháp hoá những quy tắc giải thích các hiệp ước quốc tế nhấn mạnh vào vai trò của thiện ý trong việc giải thích và vào sự cần thiết giải thích các văn bản theo nghĩa thông thường của các từ và dưới ánh sáng của mục đích và đối tượng của hiệp ước (Điều 31). Điều 32 cho phép xem xét những công trình sửa soạn hiệp ước và những bối cảnh mà hiệp ước đã được ký kết. Mà mối quan tâm khi ký Hiệp ước 1887 khi đó giữa Pháp và Trung Quốc là vấn đề thương mại. Lúc đó cả hai bên không ai nghĩ tới các quần đảo.
4. Cái gọi là sự “khước từ chủ quyền” của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Trung Quốc đưa ra ba sự kiện sau đây để khẳng định cái gọi là Việt Nam đã “khước từ chủ quyền” trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
Trước hết, cần để ý là công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ ghi nhận và tôn trọng bề rộng lãnh hải mới 12 hải lý của Trung Quốc thôi chứ không đả động tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dẫu sao, sau Hiệp định Genève, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ kiểm soát phần lãnh thổ trên vĩ tuyến 17, phần lãnh thổ miền Nam trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó hoàn toàn do chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Do đó, lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có hiệu quả pháp lý về chủ quyền trên các hải đảo này. Hơn nữa, các sự kiện nói trên đã xảy ra trong những bối cảnh chính trị và quân sự đặc biệt ở từng thời điểm. Trước sự biểu dương lực lượng của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ trên eo biển Đài Loan, sát gần biên giới Trung Quốc trong những năm cuối thập kỷ 50, có thể coi lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một cử chỉ hỗ trợ Trung Quốc về mặt chính trị chống lại chính sách khiêu khích của Hoa Kỳ, bởi vì việc nới rộng lãnh hải từ 3 hải lý ra 12 hải lý nhằm mục đích đẩy lùi tàu chiến Hoa Kỳ ra xa ngoài biên giới hơn.[8] Sau này, lời tuyên bố liên quan đến vùng chiến đấu cũng vậy, là lúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn khẩn trương mới, với sự can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ và Việt Nam, bằng những trận tấn công ồ ạt của không quân và thuỷ quân, bằng sự đổ bộ của hàng trăm ngàn lính Mỹ. Một cuộc chiến tranh khốc liệt bắt đầu lan rộng ra cả hai miền Nam - Bắc. Tuy nhiên, trong tình hình quốc tế giữa thập kỷ 60, Hoa Kỳ tự kiềm chế chỉ can thiệp vào giới hạn lãnh thổ Việt Nam hay Đông Dương, chứ không dám xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc.
II. MỘT
VÀI NHẬN XÉT VỀ LẬP TRƯỜNG
1. Một sự vi phạm các nguyên tắc căn bản của luật quốc tế Như đã trình bày ở trên, những lập luận của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý vững chắc, hoàn toàn trái với những quy tắc của công pháp quốc tế và những án lệ về thụ đắc chủ quyền trên đất đai. Những hành động chiếm đóng các hải đảo bằng vũ lực là một sự vi phạm rõ ràng Hiến chương Liên hợp quốc mà Điều 2 đoạn 4 cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia. Quyết nghị số 2625 ngày 24-10-1970 sau khi đã nhắc lại rằng mọi sự chiếm hữu đất đai là bất hợp pháp đã quy định: “mọi quốc gia có nghĩa vụ phải tránh sử dụng sự đe doạ hoặc sử dụng vũ lực để vi phạm biên giới quốc tế hiện hữu của một quốc gia khác, như một phương tiện để giải quyết những tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”. Cho đến nay, vì đuối lý, Trung Quốc đã nhiều lần từ chối đề nghị giải quyết tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng trọng tài hoặc trước toà án quốc tế.
2. Luận cứ của Trung Quốc đưa ra trong vụ tranh chấp hoàn toàn mâu thuẫn với chính lập trường của Trung Quốc trước kia về luật quốc tế 2.1. Về sự phát hiện đất đai vô chủ Trước kia Trung Quốc chỉ trích luật quốc tế cho rằng phương Tây đã dùng luật quốc tế như một khí cụ cho chủ nghĩa thực dân đế quốc. Những quy tắc về thụ đắc đất đai dựa trên sự phát hiện đầu tiên những đất đai vô chủ trên thế giới, nhất là ở châu Mỹ, châu Phi, châu Úc v.v. không kể đến sự hiện hữu của dân bản xứ tại đây coi là “không văn minh”. Tuy nhiên, những quy tắc nói trên là những quy tắc phát sinh từ thời kỳ đầu chủ nghĩa thuộc địa. Sau đó, những quy tắc của luật quốc tế về thụ đắc chủ quyền đã tiến hoá, quy định những điều kiện về sự chiếm hữu thực thụ và ý chí biểu hiện chủ quyền của cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước đó. Vậy mà Trung Quốc vẫn đơn thuần dựa vào sự phát hiện đất đai từ xưa, nghĩa là quy tắc lỗi thời của thời thực dân, để khẳng định quan hệ chủ quyền và coi như mình có danh nghĩa chủ quyền trước Việt Nam.
2.2. Về những hiệp ước ký kết trong thời kỳ thực dân Vì chính Trung Quốc trước kia cũng đã là nạn nhân của chính sách thực dân của các cường quốc phương Tây tới xâu xé, cắt xén đất đai của mình (những hiệp ước thiết lập đặc quyền ngoại giao theo luật quốc tế phương Tây trong thời kỳ 1842-1860) nên khi thu hồi độc lập Trung Quốc không thừa nhận những hiệp ước gọi là “hiệp ước bất bình đẳng” do các cường quốc phương Tây áp đặt cho Trung Quốc. Vậy mà Trung Quốc lại không ngần ngại lấy Hiệp ước Pháp - Thanh 1887 để làm cơ sở cho sự đòi hỏi chủ quyền của mình[9]. Hiệp ước này giống hệt những hiệp ước bất bình đẳng khác bởi vì nó được ký kết hai năm sau cuộc chiến tranh Pháp – Thanh giữa cường quốc Pháp và triều đình Trung Hoa yếu ớt thời đó. Mục đích chính của Hiệp ước là xác nhận sự thôn tính và kiểm soát Đông Dương thuộc vùng ảnh hưởng của Trung Quốc trước kia.
2.3. Về sự hỗ trợ các nước tranh đấu cho độc lập tự do trong thế giới thứ ba Trước kia Trung Quốc tự cho mình là vô địch trong việc hỗ trợ các nước trong thế giới thứ ba đấu tranh giải phóng dân tộc. Thế mà trong tranh chấp với Việt Nam, Trung Quốc vẫn không ngần ngại đưa ra lập luận quan hệ hoàng đế - chư hầu để đòi hỏi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
3. Những biểu hiện của chủ nghĩa bành trướng hàng hải[10] Ngày 25-02-1992, Trung Quốc công bố đạo luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp. Điều 2 của đạo luật này đưa ra những yêu sách của Bắc Kinh ở biển phía nam và phía đông Trung Hoa, quy định: “Lãnh hải gồm vùng nước tiếp giáp với đất đai của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Đất đai của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa gồm đất đai trên lục địa và những đảo ngoài khơi, Đài Loan và những đảo phụ cận, kể cả đảo Shenkaku, đảo Pescadores, đảo Pratas, đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và những đảo khác thuộc Cộng hoà nhân dân Trung Hoa…”.[11] Như vậy, Trung Quốc đã đặt đại bộ phận Biển Đông (khoảng 80%) dưới chủ quyền của mình, như chúng ta cũng thấy khi nhìn bản đồ. Trung Quốc cố tình dùng những từ rất mù mờ về phương diện địa dư và pháp lý để chỉ các vùng biển cũng như biên giới hàng hải của mình, không rõ đường biên giới đưa ra là liên quan đến bề rộng của lãnh hải hay là liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế. Chúng ta biết rằng vùng biển Trung Quốc nhắm ở đây mà ta gọi là Biển Đông, đóng một vai trò hết sức quan trọng về mặt chiến lược, không những về phương diện quân sự mà cả về mặt giao thông hàng hải và hàng không trên mặt nước, cũng như về mặt kinh tế với tiềm năng khai thác hải sản, nhất là dầu lửa và khí đốt ở dưới thềm lục địa. Cần biết rằng ¼ trọng lượng vận tải hàng hải quốc tế đi qua hai bên quần đảo Trường Sa. Kiểm soát vùng này là kiểm soát tất cả những tàu bè chở hàng và năng lượng đi từ eo biển Malacca để sang Hồng Kông, Thượng Hải, Đài Loan, Nhật Bản, v.v.. Cũng cần biết thêm rằng 70% cung ứng dầu lửa của Nhật Bản được chở qua Biển Đông. Tài nguyên dưới đáy biển cũng rất quan trọng, ước lượng hàng trăm tỷ tấn dầu. Nắm chủ quyền trên vùng biển này, sẽ kiểm soát cả những vùng khai thác dầu khí quan trọng như:
Về phương diện pháp lý, chúng ta biết rằng Trung Quốc đã ký và mới đây đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc 1982 về luật biển. Thế nhưng, theo Điều 121, khoản 3, nếu như Hoàng Sa và Trường Sa có thuộc chủ quyền Trung Quốc đi chăng nữa thì các quần đảo này vì chỉ gồm những hòn đảo diện tích nhỏ bé, khí hậu lại khắc nghiệt, con người không thể sinh cơ lập nghiệp ở đó, nghĩa là không có khả năng có một đời sống kinh tế tự túc, thì các đảo chỉ được nhìn nhận lãnh hải mà thôi chứ không có quyền có thềm lục địa hoặc vùng đặc quyền kinh tế riêng. Hơn nữa, các quần đảo này vì ở xa bờ biển Trung Quốc quá 24 hải lý nên không thể ảnh hưởng tới sự phân định vùng lãnh hải của lục địa Trung Quốc được. Do đó, đường biên giới hàng hải mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền hoàn toàn vi phạm những điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về luật biển. Trắng trợn hơn nữa, tháng 5 năm 1992, Bắc Kinh cho phép Công ty Crestone của Mỹ thăm dò một vùng nhượng địa 24.155 km2 ở phía tây Trường Sa, ngay bên cạnh Đại Hùng. Đây là một vùng mà Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc 21 và Việt Nam gọi là bãi đá ngầm Tư Chính, nằm trên thềm lục địa của Việt Nam, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 300 km và cách đảo Hải Nam khoảng 1.000 km. Vùng này không thể thuộc thềm lục địa của Trường Sa được (ngay cả khi được nhìn nhận có thềm lục địa đi nữa) bởi vì nó đối diện với Trường Sa và bị ngăn cách nhau bằng một rãnh sâu từ 1.800 tới 2.000m[12]. Trước sự phản đối quyết liệt của Việt Nam, tháng 7 năm 1992, Trung Quốc đã cho thuỷ quân đổ bộ, như đã xảy ra năm 1988, lên một vài hòn đảo nữa và đóng mốc chủ quyền và trấn an Công ty Crestone của Mỹ về phương diện an ninh. Những hành động của Trung Quốc vừa đề cập biểu hiện rõ ràng chủ nghĩa bành trướng hàng hải bất luận những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Cũng không thể quên rằng, trong tranh chấp với Việt Nam trên các hải đảo, Trung Quốc luôn luôn lợi dụng những thời cơ thuận lợi để thực hiện mưu đồ bành trướng, như việc thay thế phát xít Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ hai để chiếm đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa và Ba Đình ở quần đảo Trường Sa, rồi lợi dụng lúc tình hình cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang khẩn trương năm 1974 để độc chiếm quần đảo Hoàng Sa, rồi đổ bộ lên quần đảo Trường Sa năm 1988 khi Việt Nam đang bị khó khăn về kinh tế, rồi lợi dụng khoảng trống chiến lược trong vùng Đông Nam Á, với sự rút lui của hải quân Liên Xô và của Hạm đội 7 của Mỹ sau thất bại ở Việt Nam để mưu toan kiểm soát Biển Đông.
4. Những nguy hại của chính sách “sự kiện đã rồi” và sự chiếm hữu kéo dài hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng vũ lực của Trung Quốc Chính sách của Trung Quốc hiện nay là kéo dài tình hình “sự kiện đã rồi”, chống lại mọi đề nghị thương thuyết hay giải pháp giải quyết pháp lý qua trọng tài hoặc Toà án quốc tế, định những thời cơ thuận lợi để lấn tới, như Trung Quốc đã làm trong quá khứ. Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay là làm sao giành lại được hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta đã đấu tranh gần một thế kỷ để giành lại độc lập và thống nhất, nhưng phải nói rằng mục tiêu toàn vẹn lãnh thổ vẫn chưa đạt được khi nước ta còn bị mất quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa do ông cha ta để lại. Chúng ta cũng không nên quên rằng diện tích của hai quần đảo, kể cả vùng lãnh hải 12 hải lý, lớn hơn quá nửa diện tích đất đai của Việt Nam. Đây là sự mất mát lớn, mà chắc chắn là không thể lấy lại bằng vũ lực. Do đó, mặt trận ngoại giao và pháp lý rất quan trọng. Theo luật quốc tế, mặc dù nước ta có danh nghĩa chủ quyền vững chắc và mặc dù Trung Quốc đã chiếm đóng đất đai của nước ta một cách bất hợp pháp nhưng nước ta cũng vẫn phải tiếp tục củng cố quan hệ chủ quyền của mình, và nhất là phải cảnh giác phản đối, lên án bất cứ những hoạt động nào của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ấy, nếu không chủ quyền của nước ta sẽ bị thời hiệu hoá. Đó chính là điều mà Trung Quốc sẽ chờ đợi. Mấu chốt của vấn đề chính là sự tương quan lực lượng. Hiện nay, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm, mà Trung Quốc là một cường quốc đang đi lên, kinh tế phát triển mạnh, bối cảnh quốc tế thuận lợi cho họ. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta tuy đã mở cửa nhưng vẫn còn chập chững. Cũng nên nhắc rằng, ý đồ của Trung Quốc thôn tính quần đảo Hoàng Sa từ gần một thế kỷ nay và cả đối với quần đảo Trường Sa từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay là nhất quán. Trung Quốc và Đài Loan cùng một lập trường thống nhất trong tranh chấp với nước ta. Trong khi đó, trong quá khứ chúng ta cũng có nhiều sơ hở do hoàn cảnh khách quan đem lại. Việc cần làm hiện nay là xây dựng ý thức dân tộc về sự bảo vệ chủ quyền của nước ta trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng cách thông tin, giáo dục rộng rãi cho dân chúng và nhất là cho thế hệ trẻ, về vị trí chiến lược và kinh tế quan trọng của nó, về quan hệ chủ quyền của nước ta, v.v. như đã xây dựng ý thức dân tộc giành độc lập, thống nhất đất nước trước kia.
*Tham luận đọc tại Hội Thảo Hè “Vấn Đề Tranh Chấp Biển Đông” tại New York City, ngày 15-16 tháng 8, 1998. [1] Luật gia Paris. [2] Về tranh chấp Hoàng Sa – Trường Sa, xem tác phẩm của giáo sư Pháp Monique Chemillier – Gendreau: La souveraineté les archipels Paracels et Spratleys, L’Harmattan, Paris, 1996. Về lập trường của Việt Nam, xem Lưu Văn Lợi: Cuộc tranh chấp Việt – Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1995. [3] Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 27. [4] Chi tiết xin xem bài của tiến sĩ luật Từ Đặng Minh Thu – B.T. [5] Monique Chemillier – Gendreau, Sđd, tr. 78. [6] François Joyaux: La Chine et le règlement de la première guerre d’Indochine, Ed. de la Sorbonne, 1979, p. 44-45. [7] Vụ án các đảo Minquiers và Ecréhous, Toà án Quốc tế 17-11-1953. [8] Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 64. [9] Michael Bennett: Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và sự sử dụng luật quốc tế trong tranh chấp về quần đảo Trường Sa, Tạp chí luật quốc tế Standford, bộ 28, tr. 91 – 92. [10] Virginie Raisson: Quần đảo Trường Sa, trung tâm những căng thẳng ở châu Á, quái dị của cuộc tranh chấp ở Biển Đông, Le Monde Diplomatique, tháng 3-1996; Henri Labrousse: Những tham vọng hàng hải của Trung Quốc, Tạp chí Quốc phòng, tháng 2 – 1994, tr. 331 và tiếp. [11] Trong số những đảo nói trên, ngoài trường hợp Đài Loan, Hoàng Sa, Trường Sa, còn có tranh chấp chủ quyền trên các đảo Pescadores giữa Trung Quốc và Đài Loan, trên các đảo Shenkaku giữa Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Chỉ có đảo Pratas là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. [12] Xem Brice M. Clagget: Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trong Biển Đông, Tạp chí Dầu mỏ và khí đốt (Anh), số 10-11, 1995.
© Thời Đại Mới
12-8-07 |