thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 11  - Tháng 7/2007

 


 

Chiến lược hải quân của Trung Quốc
và hàm ý của nó đối với khu vực Biển Đông

 

 Ngô Vĩnh Long
Đại học Maine
Orono, Maine
Hoa Kỳ

  

            Ngày 28 tháng 12 năm 2006 hầu hết các báo lớn của Trung Quốc đã trích đăng ngay trang đầu bài diễn văn của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ngày trước đó trong một cuộc họp với các sĩ quan hải quân về việc Trung Quốc phải xây dựng một hệ thống hải quân hùng mạnh có thể bảo vệ quyền lợi, quyền thế, và an ninh của Trung Quốc bất cứ lúc nào. Hồ Cẩm Đào nói rằng: “Chúng ta phải cố gắng xây dựng một lực lượng Hải quân Nhân dân hùng mạnh có thể đáp ứng được sứ mạng lịch sử trong một thế kỷ mới và một thời kỳ mới.”[1]

          Ngày 28 tháng 12 năm 2006, trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về việc Trung Quốc đã tiến hành xây dựng bia chủ quyền tại các điểm cơ sở lãnh hải, trong đó có một số điểm cơ sở trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Dũng nói:

Việt Nam một lần nữa khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý  để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này….

 Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ trương giải quyết mọi tranh chấp trên biển giữa các nước liên quan bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông năm 2002, vì mục đích tăng cường hợp tác hữu nghị, giữ gìn hòa bình và ổn định trên biển Đông.[2]

          Không biết hai sự kiện trên có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không. Nhưng vì Trung Quốc không bị một sự đe dọa nào trên trên đất liền cả (trừ các cuộc biểu tình của nông dân và sự chống đối của một thiểu số khoảng 50 nghìn người đạo Hồi ở vùng Tân Cương) trong khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng trung bình 15,36% mỗi năm từ năm 1990 đến 2005, và tăng 17,8% năm 2007,[3] hải quân Trung Quốc đã tăng cường rất nhanh trong 16 năm qua. Do đó, ý định của bài nầy là tìm hiểu xem chiến lược của hải quân Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng gì đối với khu vực biển Đông. Các vấn đề tranh chấp trong khu vực biển Đông là ngoài phạm vi của bài nầy và đã được phân tích trong các bài của Từ Đặng Minh ThuVũ Quang Việt trong số Thời Đại Mới nầy. Vì thế, ở đây tôi sẽ không đề cập đến các vấn đề ấy nữa mà chỉ mong bổ sung các bài ấy với một số thông tin về hải quân Trung Quốc và chiến lược của nó.

Trước khi đi vào chi tiết về chiến lược của hải quân Trung Quốc, tôi xin phác qua vài nét về tên gọi và cơ cấu tổ chức của nó.[4]

Hải quân Trung Quốc được gọi là “Giải phóng quân Hải quân” (Jiefangjun Haijun 军) vì nó là một bộ phận của Giải phóng quân, tức quân đội, của Trung Quốc. Các sách báo tiếng Anh thường gọi tắt là PLAN (People’s Liberation Army Navy).

Hải quân Trung Quốc gồm có 5 nhánh: binh đội tàu ngầm, binh đội tàu mặt nước, binh đội không quân, binh đội hải quân đánh bộ, và binh đội “ngạn phòng.” Ngoài ra, cũng có 10 học viện và đại học trực thuộc, nhiều viện nghiên cứu, các binh đoàn bộ đội chuyên môn, và các cục chính trị, cục hậu cần, cục kỹ thuật, và các đơn vị bảo đảm phục vụ và sửa chữa. Các binh đoàn, binh đội và đơn vị trên được phân chia thành 3 vùng gọi là: Bắc Hải Hạm Đội (Beihai jiandui 北 海 舰 队), Đông Hải Hạm Đội (Donghai jian dui 东 海 舰 队),và Nam Hải Hạm Đội (Nanhai jiandui 南 海 舰 队).

Hải quân Trung Quốc được tổ chức thành những chi đội (zhidui 支 队), đại đội (dadui 大 队) và trung đội (zhongdui 中 队). Về phương thức tổ chức thì một chi đội có quân hàm tương đương với một sư đoàn của Mỹ và vì thế thường được dịch ra là “division” hay “flotilla” (hạm đội). Hải quân Trung Quốc có 7 thứ chi đội khác nhau:

·       Tàu ngầm, gọi là “tiềm đĩnh” (qianting 潜 艇).

·       Tàu khu trục (destroyers).

·       Tàu hộ tống, gọi là “hộ vệ đĩnh” (huweiting 护 卫 艇).

·       Tàu cao tốc (speedboats).

·       “Tác chiến chi viện thuyền” (zuozhan zhiyuanjian 作 战支 援 舰).

·       Tàu đánh đuổi tàu lặn (submarine chasers).

Nhiều chi đội là chi đội tổng hợp gồm có các thứ tàu khác nhau. Ví dụ như có một số chi đội tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường, chi đội tàu khu trục, chi đội tàu hộ tống và chi đội tàu cao tốc gồm có những “đạo đạn đĩnh” (daodanting 导 弹 艇), tàu rà mìn, tàu phóng ngư lôi và tàu đánh đuổi tàu lặn. Các chi đội tàu thường có một số “tác chiến chi viện thuyền” nhất định.

 

Chiến lược chung của Hải quân Trung Quốc

          Theo định nghĩa của quân đội Trung Quốc thì chữ “chiến lược” (zhanlue  ) chỉ áp dụng cho chiến tranh (zhanzheng ). Chiến tranh có thể là chiến tranh cục bộ hay chiến tranh toàn bộ; và chiến tranh là để đạt được những mục tiêu chung của một quốc gia. Trong chiến tranh thì có chiến dịch (zhanyi  ) và “chiến dịch pháp” (zhanyifa 战 役 法) và được dùng để điều hành các chiến trận, mà họ gọi là “chiến đấu” (zhandou 战 斗), để đạt được những mục tiêu chung của một quốc gia trong chiến tranh. Mỗi mô hình “chiến đấu” có các “chiến thuật” (zhanshu ) khác nhau của nó.

          Chiến lược chung của quân đội Trung Quốc được gọi là “Cương lĩnh Quân sự Quốc gia cho Thời đại mới” và gồm có hai phần. Phần thứ nhất là phần về đổi mới và hiện đại hóa quân đội toàn bộ từ trang bị vũ khí đến cơ cấu và tổ chức. Trong đó, hai vấn đề quan trọng nhất là “chuẩn bị đánh thắng các cuộc chiến tranh cục bộ trong hoàn cảnh công nghệ cao hiện đại” và “chuyển đổi từ một quân đội dựa trên số lượng đến một quân đội dựa trên chất lượng.”[5] Từ những năm đầu của thập kỷ 2000 đến nay Trung Quốc chú trọng vào việc xây một quân đội dựa trên cơ khí hóa và tin học hóa mà họ gọi là “tin tức hóa” (xinxihua 信 息 化).[6]

          Phần thứ hai là phần các chiến lược hoạt động, tức các đường lối cơ bản cho  việc chỉ đạo chiến tranh. Phần nầy được gọi là chiến lược “tích cực phòng ngự” (Jiji fangyu 积 极 防 御) và được coi là cương lĩnh chiến lược tối cao của toàn thể quân đội Trung Quốc trong chiến tranh, hay trong việc chuẩn bị cho chiến tranh trong thời bình. Chiến lược “tích cực phòng ngự” gồm những điểm sau:[7]

·    “Nói chung, chiến lược quân sự của ta là phòng ngự. Chúng ta chỉ tấn công sau khi bị tấn công. Nhưng các chiến dịch của chúng ta là tấn công.

·   “Không gian và thời gian sẽ không hạn chế sự phản công của chúng ta.”

·   “Chúng ta sẽ không để các biên giới hạn chế các cuộc tấn công của ta.”

·   “Chúng ta sẽ chờ cho thời điểm và điều kiện thuận lợi cho các lực lượng của chúng ta trước khi chúng ta bắt đầu các cuộc tấn công.”

·   “Chúng ta sẽ tập trung vào các điểm yếu của đối phương.”

·   “Chúng ta sẽ dùng các lực lượng của chúng ta để tiêu diệt các lực lượng của đối phương.”

·   “Các chiến dịch tấn công kẻ thù và các chiến dịch phòng thủ sẽ được thi hành cùng lúc.”     

Một phần của chiến lược “tích cực phòng ngự” là khái niệm chiến lược gọi là “cận hải phòng ngự” (Jinhai fangyu 近海防御) của Hải Quân Trung Quốc. Khái niệm nầy có 3 nhiệm vụ chính:[8]

·   Kiềm chế kẻ thù từ ngoài khơi và không cho đổ bộ.

·   Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

·   Bảo vệ sự thống nhất đất nước và quyền lợi trên biển cả. 

“Cận hải” không có nghĩa là gần bờ biển. Nhưng, theo định nghĩa trong các tài liệu của Hải Quân Trung Quốc là “đến tận những nơi xa trên biển cả mà Hải Quân Trung Quốc có khả năng đưa các lực lượng đặc nhiệm đến với sự chi viện và an ninh cần thiết” (…as far as the PLA Navy’s capabilities will allow it to operate task forces out at sea with the requisite amount of support and security.)[9] [Nhấn mạnh là trong nguyên văn] Hiện nay “cận hải” được định nghĩa tối thiểu là trong phạm vi của hai chuỗi quần đảo. Chuỗi quần đảo thứ nhất thường được mô tả là một đường chạy dài từ quần đảo Kurile, qua Nhật, Philippin, và In-đô-nê-sia (từ Borneo đến Natuna Besar). Chuỗi quần đảo thứ hai là đường bắc-nam chạy dài từ quần đảo Kurile, qua Nhật, Bonins, Marianas, Carolines, và In-đô-nê-sia. Hai đường nầy bao gồm gần như toàn bộ Biển đông Trung Quốc (East China Sea) hầu hết các đường giao thương trên biển (sea lanes of communication, SLOCs) của Đông Á.

 Theo một bài viết vào khoảng cuối năm 1999 khi ông còn là tùy viên hải quân Hoa Kỳ ở Trung Quốc, thuyền trưởng (Captain) Brad Kaplan cho biết rằng mục tiêu của chiến lược “tích cực cận hải phòng ngự” (“active offshore defense”) là “để khẳng định vai trò của Trung Quốc như là một cường quốc khu vực trên biển, để bảo vệ các khu vực kinh tế duyên hải và các quyền lợi trên biển, và để tối ưu hóa các chiến dịch của Hải quân (Trung Quốc) cho quốc phòng. Bổn phận của Hải quân Trung Quốc hiện nay bao gồm việc chiếm đóng và phòng thủ các hải đảo, và bảo vệ cũng như phong tỏa các đường giao thương trên biển (sea-lanes of communication). Hơn thế nữa, Hải quân Trung Quốc càng ngày càng được lãnh đạo của Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc coi như là bộ phận không thể thiếu trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan  ̶  khi cần dùng vũ lực  ̶  và để bảo vệ “Tây sa” và “Nam sa” (tức Hoàng sa và Trường sa) ở Trung Quốc Nam Hải (tức biển Đông).”[10]

Kaplan viết tiếp: “Chiến lược đang được Hải quân Trung Quốc phát triển tuần tự đã được mô tả là gồm hai giai đoạn riêng biệt rõ ràng. Giai đoạn đầu là để cho Hải quân Trung Quốc phát triển các khả năng của một “chiến lược phòng ngự tích cực nước màu xanh lục” (“green water active defense strategy”). Chiến lược “nước màu xanh lục” nầy thường được mô tả là bao gồm trong một hình cung từ Vladivostok ở phía bắc đến eo biển Malacca ở phía nam, và ra đến “chuỗi quần đảo thứ nhất” (Aleutians, Kuriles, Ryukyus, Đài Loan, Philippin, và quần đảo Greater Sunda) ở phía đông. Các nhà phân tích đã đánh giá rằng Hải quân Trung quốc có thể đạt được khả năng nước màu xanh lục nầy trong những năm đầu của thế kỷ 21. Những tài liệu đã được công bố cũng cho biết là Hải quân Trung Quốc có ý định phát triển khả năng hoạt động ở “chuỗi quần đảo thứ hai” (Bonins, Guam, Marianas, và quần đảo Palau) vào giữa thế kỷ 21. Trong tương lai, Hải quân Trung Quốc có thể sẽ bành trướng hoạt động đến các căn cứ ở Myanmar. Các căn cứ nầy sẽ cung cấp cho Hải quân Trung Quốc phương tiện đi thẳng đến eo biển Malacca và Vịnh Bengal.”

Kaplan cho biết là đến cuối thập kỷ 90 Hải quân Trung Quốc có khoảng 268.000 sĩ quan và lính, trong đó có 25.000 người trong quân chủng hàng không hải quân và khoảng 7.000 lính thủy đánh bộ. Toàn bộ lính thủy đánh bộ là thuộc Hạm đội Nam Hải. Khối lính thủy đánh bộ (thuộc Hạm đội Nam Hải) này gồm 2 lữ đoàn, gọi là Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến số một và số 164. Dưới mỗi lữ đoàn có 3 trung đoàn bộ binh, một trung đoàn pháo, một trung đoàn thiết giáp lội nước, và các đơn vị công binh, trinh sát, phòng chống hóa chất, và giao thông. Các đơn vị nầy là những đơn vị hạng tiểu đoàn và đại đội.[11]

Lính thủy đánh bộ của Trung Quốc được huấn luyện tốt và đựợc cung cấp đầy đủ các loại vũ khí cần thiết. Theo Kaplan: “Sứ mạng chính của lính thủy đánh bộ Trung Quốc là bảo vệ các đảo mà Trung Quốc đã chiếm ở Trung Quốc Nam Hải (South China Sea) trong thời bình và chiếm đóng và phòng thủ các đảo trong khu vực Trung Quốc Nam Hải trong thời chiến…. Lính thủy đánh bộ Trung Quốc được trang bị với các xe tăng lội nước (amphibious tanks) và các xe thiết giáp chở lính (armored personnel vehicles), súng đại liên (howitzers) và nhiều thứ vũ khí phóng tên lửa khác nhau. Mặc dù Hải quân Trung Quốc có khoảng 60 xe tăng… khả năng chở lính đổ bộ chỉ khoảng 5 đến 10 nghìn người cùng một lúc.” Vì thế, theo Kaplan, từ cuối thập kỷ 90 Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu phát triển các khả năng đổ bộ như thuyền bay trên nệm hơi loại gọi là Jingsha (Jingsha-class air cushion vehicles) và các loại thuyền đẩy bằng cánh quạt gió (wing-in-ground-effect craft) bay trên mặt nước khoảng 1 mét với tốc độ khoảng hơn 120 hải lý một giờ để dùng trong việc đổ bộ lính thủy đánh bộ trong tương lai.

Trong quá khứ, các cuộc tập trận đổ bộ của lính thủy đánh bộ Trung Quốc đã được phối hợp với các cuộc dội bom bằng máy bay và nã pháo từ các chiến thuyền. Nhưng vì khả năng phối hợp này còn yếu nên gần đây Trung Quốc đã phát triển hàng nghìn các loại vũ khí hổ trợ cho việc đổ bộ của lính thủy đánh bộ. Nhưng trong bài nầy tôi không đi vào chi tiết mà chỉ xin lưu ý là mặc dầu với con số khá lớn như thế, khả năng hiện nay của Trung Quốc so với Mỹ trong khu vực nầy còn kém nhiều và vì thế chưa là mối đe dọa lớn cho các tàu lặn tối tân của Mỹ.

Hơn thế nữa, việc Trung Quốc tăng cường các loại chiến thuyển chở lính đổ bộ (amphibious warships) đã gây sự chú ý của Mỹ và phản ứng của một số nước trong khu vực Đông Á. Theo một bài nghiên cứu thì trên thực tế vấn đề chạy đua vũ trang chính trong khu vực nầy là việc phát triển các chiến thuyền có khả năng đưa lính đổ bộ đến bất cứ đâu trong khu vực.[12] Hải quân Nhật, Hàn Quốc, và Ô-xtrây-li-a mỗi nước đang mua hoặc đóng ít nhất là 2 chiến thuyền đổ bộ loại 20 ngàn tấn, lớn tương đương với loại hàng không mẫu hạm loại Invincible (bất bại) của Anh Quốc. Mỗi chiếc của 3 loại nầy trong tương lai rất gần sẽ có thể đưa vào bất cứ nơi nào trong khu vực Châu Á hai đội (squadrons) máy bay trực thăng và một số thuyền đổ bộ bay trên đệm hơi (landing craft, air cushion = LCAC). Mỗi chiếc LCAC nầy có thể chở một xe thiết giáp loại 60 tấn cùng với lính, các loại xe khác, và các loại trang thiết bị cần thiết cho các cuộc viễn chinh ở các nơi trong khu vực. Nhưng Nhật, Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a đặc biệt chú trọng đến khu vực Đông Nam Á.

 Hàn Quốc đã đưa vào hoạt động một chiến thuyền đổ bộ mới loại Dokdo và sẽ hạ thủy thêm 3 chiếc nữa trong tương lai gần. Mỗi chiếc sẽ nặng khoảng 19 ngàn tấn khi trang bị đầy đủ và sẽ có thể chở 700 lính, 15 chiếc trực thăng, 2 chiếc LCAC, vài chục chiếc xe các loại và nhiều tấn vật liệu tiếp tế cho một cuộc đổ bộ.

Theo nghiên cứu trích ở trên thì Ô-xtrây-li-a sẽ có quyết định cuối cùng vào tháng 6 năm 2007 trong việc chọn lựa giữa một kiểu chiến thuyền đổ bộ giống như kiểu Mistral của Pháp hay kiểu Strategic Projection Vessel của Tây Ban Nha. Kiểu Mistral là loại chiến thuyền được thiết kế đặc biệt cho việc đổ bộ và nó có khả năng tương đương với chiếc Dokdo của Hàn Quốc. Chiến thuyền kiểu Tây Ban Nha nặng khoảng 27 ngàn tấn và thiết kế để sử dụng các chiếc máy bay cất cánh nhanh và có thể hạ thẳng xuống (short takeoff and vertical landing = STOVL) như máy bay Harrier của Anh hay máy bay F-35B Lightening II của Mỹ. Vì thế, mặc dầu chiến thuyền đổ bộ kiểu Tây Ban Nha có thể chở hơn 900 lính, 20 chiếc trực thăng và STOVL, nó chỉ có thể chở một chiếc LCAC. Nhưng vì dưới khoang tàu là cái gầm có nước tràn vào cho nên chiếc LCAC có thể ra vào một cách hết sức nhanh chóng (so với những chiến thuyền kiểu khác phải thả các chiếc LCAC bằng các trục giây cáp xuống từ hai bên hông tàu) và có thể đưa nhiều lính và các trang thiết bị vào đất liền ngay từ ngoài khơi.

 Mặc dầu hai chiếc khu trục chở máy bay trực thăng (helicopter destroyer) mà hải quân Nhật—gọi là Lực Lượng Phòng Vệ Biển (Japan Maritime Self-Defense Force = JMSDF)—đang đóng không có cửa vào thẳng trong gầm tàu như kiểu Tây Ban Nha, mỗi chiếc (tên là 16DDH) cũng có thể chở cùng một số lượng máy bay trực thăng như các chiến thuyền đổ bộ kiểu Tây Ban Nha. Thêm vào đó là hai chiếc nầy được thiết kế để phối hợp hoạt động với 3 chiến thuyền đổ bộ kiểu Oosumi mà Nhật đã hạ thủy. Mỗi chiếc Oosumi có thể chở 2 chiếc LCAC, 2 chiếc trực thăng trở lên và 330 lính.

 Ngoài các chiến thuyền đổ bộ của Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, và Nhật trong khu vực Tây Thái Bình Dương còn có những chiếc WASP của hải quân Mỹ. Mỗi chiếc có thể chở 1870 lính, 42 chiếc trực thăng và STOVL và 3 chiếc LCAC.

 Những chiến thuyền đổ bộ kể trên, với những máy bay trực thăng và LCAC và khả năng đưa lính đổ bộ nhanh chóng cũng như khả năng cung cấp và duy trì các cuộc hành quân đó, sẽ là những phương tiện mới để gây ảnh hưởng tại Đông Á cho dù các cuộc hành quân đó không phải là chiếm đóng các vị trí quân sự quan trong mà là để giúp giữ gìn an ninh và trật tự hay để cứu giúp những nạn nhân sóng thần hay núi lửa.

 Trong những năm trước mắt, nếu có biến cố xảy ra ở In-đô-nê-sia, Phi-líp-pin, hay nơi nào đó ở Đông Nam Á thì những chiến thuyền đổ bộ của Mỹ sẽ phải phối hợp với các chiến thuyền đổ bộ có nhiều khả năng của Nhật, Hàn Quốc, và Ô-xtrây-li-a để can thiệp. Việc phối hợp nầy một đằng có nghĩa là Mỹ sẽ mất thế độc tôn trong việc can thiệp hay trợ giúp các nước trong khu vực khi có biến cố. Đằng khác, nếu bất cứ một nước nào đó muốn dùng sức mạnh hải quân để đơn phương can thiệp hay gây biến cố trong khu vực thì nước đó cũng có thể phải e dè đến sự phản ứng đa phương của hải quân các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật, Ô-xtrây-li-a, và một số nước khác.

  

Chiến lược phủ định của Trung Quốc

Như vừa cho thấy ở trên, việc tăng cường chiến thuyền đổ bộ và các phương tiện đổ bộ khác của Trung Quốc đã gây nên một cuộc chạy đua mà nói chung là càng làm cho Trung Quốc tụt hậu so với Nhật, Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a. (Một trong những lý do cho việc tụt hậu của Trung Quốc so với các nước vừa kể trên trong lãnh vực phát triển các chiến thuyền đổ bộ là vì Trung Quốc cũng đang đầu tư khá nhiều vào việc phát triển hàng không mẫu hạm.)[13] Trong khi đó thì hạm đội trên mặt nước của Trung Quốc rất yếu kém so với Mỹ. Mặc dầu Trung Quốc hiện nay có hơn 400 chiến hạm loại tấn công, chỉ có khoảng 50 chiếc là loại lớn theo tiêu chuẩn của Âu-Mỹ. Những chiếc nầy được trang bị với các hỏa tiển và đầu đạn tầm gần và tầm xa nhưng không có khả năng đương đầu với các tàu chiến lớn của Mỹ hay chống lại và tìm diệt các tàu lặn của Mỹ. Ngoài các chiến thuyền tấn công, hải quân Trung Quốc có hơn 300 chiếc chiếc “hộ vệ đỉnh” đủ loại.  Theo Kaplan, gần như toàn bộ các chiếc thuyền nầy đều trang bị với các khả năng gài những loại mìn với những hệ thống sử dụng công nghệ rất hiện đại. Ông ta cho biết là: “Nếu dùng với số lượng đầy đủ thì các loại mìn nầy sẽ gây một đe dọa rất khả quan đối với các chiến thuyền trên mặt nước và tàu lặn hoạt động dọc vùng duyên hải Trung Quốc, Hoàng Hải (Yellow Sea), Biển Nhật Bản, eo biển Đài Loan và Trung Quốc Nam Hải. (If used in sufficient numbers, this inventory poses a significant threat to surface and submarine units operating along China’s littoral, the Yellow Sea, Sea of Japan, Taiwan Strait, and South China Sea.)[14]

Nhưng vì Trung Quốc chưa thể đương đầu với các hạm đội trên mặt nước của Mỹ, chiến lược của Trung Quốc là dùng tàu lặn để tấn công và phủ định sức mạnh của các hạm đội trên mặt nước của Mỹ vì các tàu trên mặt nước, đặc biệt là hàng không mẫu hạm, rất khó phòng thủ trước các cuộc tấn công của tàu lặn bắn hàng loạt các tên lửa có đầu đạn các loại gần xa cùng một lúc.  

Nói đến tàu lặn thì bắt đầu từ thập kỷ nầy Trung Quốc có khoảng 70 chiếc và hiện nay số lượng đó vẫn như thế vì chiến lược của Trung Quốc là thay thế những tàu lặn kiểu cũ với những tàu lặn tối tân hơn như là loại chạy bằng năng lượng nguyên tử có thể phóng các tên lửa (nuclear-power ballistic-missile system, SSBN). Một ví dụ là loại 094 SSBN được trang bị với 16 ống phóng tên lửa. Từ năm 2002 đến giữa năm 2005 Trung Quốc đã đóng 14 chiếc tàu lặn loại mới. Nếu Trung Quốc tiếp tục đóng những chiếc tàu lặn tối tân với tốc độ vừa qua thì đến cuối thập kỷ nầy Trung Quốc sẽ có 40 chiếc tàu lặn tối tân. Một lần nữa trong bài nầy tôi xin không đi vào các chi tiết về các kiểu tàu lặn mới của Trung Quốc và khả năng của chúng. Tôi chỉ muốn lưu ý là phần lớn các loại tàu lặn tối tân là trong Hạm đội Nam Hải và những tàu lặn nầy đã từng đi theo các chiến thuyền của Mỹ đến tận đảo Guam để thử xem khả năng phát hiện tàu lặn của các chiến hạm của Mỹ tinh vi đến độ nào.[15]

Một nhà nghiên cứu Mỹ, tên Richard Fisher, Jr., trong một bài với tựa đề “Trouble Below: China’s submarines pose regional, strategic challenges” đăng trong Armes Forces Journal ngày 6 tháng 3 năm 2006 viết: “Thêm vào đó là, vì trọng tâm của lực lượng tấn công nguyên tử tầng thứ hai (của Trung Quốc) chuyển về phía nam, người ta có thể dự tính rằng Bắc Kinh sẽ càng ngày càng thách thức hơn đối với các lãnh thổ mà Trung Quốc cho là của Trung Quốc trong khu vực Trung Quốc Nam Hải.” (In addition, as the focus of its nuclear second-strike capability moves south, it can be expected that Beijing will become more belligerent regarding its territorial claims in the South China Sea.) Fisher cho biết rằng tàu lặn nguyên tử loại 093 SSN có thể trang bị với các đầu đạn cruise tấn công trên đất liền (land-attack cruise missiles, LACM) với tầm xa từ 1000 đến 2000 cây số sẽ càng ngày càng được dùng ở cuối thập kỷ nầy và đầu thập kỷ tới ở các nước xa Trung Quốc để ủng hộ các chính thể và các phe phái chính trị trung thành với Trung Quốc. Trong khi đó, nếu Nhật không tăng ngân sách quốc phòng một cách đáng kể thì trong tương lai Nhật chỉ có thể duy trì khoảng 15 đến 16 tàu lặn lọai thường (conventional submarines, SSKs).[16]

Trong bài với tựa đề “China’s Submarine Challenge” mà The Heritage Foundation ở Mỹ đăng ngày 1 tháng 3 năm 2006, John J. Tkacik, Jr., cho biết hiện nay Mỹ có 35 tàu lặn trong Hạm đội Thái Bình Dương, trong đó có 3 chiếc loại tấn công nguyên tử (nuclear attack submarines) đóng ở đảo Guam. Nhưng chỉ có khoảng một chục chiếc là được đưa vào hoạt động trong bất cứ một thời điểm nào. Và vì giá đóng mỗi chiếc tàu lặn là hơn 2 tỷ đô la và vì ngân sách đóng tàu lặn đang bị cắt, đến năm 2025 Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ sẽ chỉ còn có 30 chiếc. Tkacik cho biết rằng một số nghiên cứu đã ước tính là đến năm 2025 số lượng tàu lặn của Trung Quốc ở Thái Bình Dương sẽ lớn hơn gấp 5 lần số lượng tàu lặn của Mỹ và các tàu lặn nguyên tử có các đầu đạn nguyên tử của Trung Quốc sẽ đi rình mò dọc miền ven biển Tây của Mỹ để buộc ít nhất là hai chiếc tàu lặn loại tấn công (attack submarines) của Mỹ phải đi theo dõi một chiếc tàu lặn nguyên tử của Trung Quốc. Vì những lý do trên, đến năm 2025 hải quân của Trung Quốc sẽ có thể làm chủ Thái Bình Dương.[17]

 Phương pháp thứ hai trong chiến lược phủ định sức mạnh của hải quân Mỹ là làm tê liệt các phương tiện trinh sát và truyền tin của quân đội Mỹ, như giết các vệ tinh, để cho quân đội của Mỹ bị mù trong khi Trung Quốc tấn công các mục tiêu quân sự và vì thế không có thể trở tay hay tiếp ứng kịp thời. Ngày 11 tháng Giêng vừa qua Trung Quốc thử vũ khí chống vệ tinh (anti-satellite test, ASAT) bằng cách dùng phương pháp ra-đa mảng (phased array radar) để hướng dẫn một phi thuyền giết vệ tinh bằng động năng (kinetic-kill vehicle) bay theo một vệ tinh của Trung Quốc đang bay vòng quanh khoảng 475 dặm Anh trên không trung với tốc độ nhanh hơn một đầu đạn xuyên lục địa đang phóng xuống từ trên không trung và đập nát vệ tinh nầy ra thành hơn 1600 mảnh. Vũ khí chống vệ tinh nầy của Trung Quốc được tình báo Mỹ gọi là SC-19 và được phóng lên từ một dàn phóng di động. Mỹ biết trước là Trung Quốc sẽ thử vũ khí chống vệ tinh nầy nhưng làm thinh vì biết là không có cách nào cản được Trung Quốc.[18]

 Ashley Tellis, một nhà nghiên cứu tại Carnegie Endowment for International Peace, cho biết là các yếu tố kỹ thuật trong cuộc thử vũ khí chống vệ tinh nầy của Trung Quốc cũng giống như các yếu tố kỹ thuật trong việc bắn hạ các tên lửa. Cùng với việc thử vũ khí giết vệ tinh, Trung Quốc sẽ triển khai hệ thống tên lửa xuyên lục địa lưu động (road-mobile intercontinental ballistic missle) gọi là DF-31. Tellis viết thêm rằng Bắc Kinh đã đi đến quyết định là phải có một hệ thống tên lửa và khả năng tiêu diệt vệ tinh hùng mạnh để “chống lại toàn bộ khả năng quân sự của Hoa Kỳ” và để phá vở “mạng lưới phức tạp nhưng khó bảo vệ của chỉ huy, điều khiển, thông tin, và các hệ thống dựa vào máy vi tính để cung cấp tin tức trinh sát” (“complex, exposed network of command, control, communications, and computer-based systems that provide intelligence reconnaissance”) cho quân đội của Mỹ. Tellis viết là bởi vì các nhà hoạch định quốc phòng Trung Quốc thấy các nhược điểm chính của quân đội Mỹ là tính chất nối mạng thông tin nên Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ các nỗ lực xây dựng các quân lực tên lửa hùng mạnh dẫu cho Mỹ có đưa ra bất cứ những đề nghị gì để hòng ngăn chặn vấn đề vũ khí hóa không gian (weaponization of space).[19]

 Trong khi đó thì thái độ chống đối của Trung Quốc đối với việc Mỹ muốn triển khai/dàn dựng hệ thống phòng thủ tên lửa (ballistic missile defense system, BMD) ở Âu Châu và ủng hộ Nga trong việc tranh cãi với Mỹ về vấn đề nầy cho ta thấy Trung Quốc sợ nếu Mỹ thành công ở Âu Châu thì Mỹ sẽ có thể thiết lập hệ thống nầy ở vùng Châu Á Thái Bình Dương. Phản ứng của Trung Quốc càng ngày càng mạnh. Khi cuộc họp thượng đỉnh G8 vừa qua bắt đầu, Jiang Yu (người phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc) tuyên bố là “các hệ thống phòng thủ tên lửa có ảnh hưởng tiêu cực đối với cân bằng chiến lược và ổn định và (vì thế) có phương hại đến vấn đề tin tưởng lẫn nhau giữa các cường quốc và có thể sẽ tạo ra các vấn đề phổ biến vũ khí mới (Xinhua, ngày 5 tháng 6 năm 2007).

 Ngày 21 tờ Nhân Dân nhật báo (People’s Daily) đăng một bài xã luận nói rằng kế hoạch chống tên lửa của Mỹ ở Âu Châu diễn ra cùng lúc với những hoạt động hợp tác với Nhật và Ô-xtrây-li-a để phát triển một hệ thống tương tự ở Á Châu. Bài nầy nói rằng hệ thống phòng thủ tên lửa cũng có thể dùng để tấn công như là “bắn trúng các tên lửa cao tốc tấn công các máy bay đang bay hay những vệ tinh trên quỹ đạo.” Bài báo nhấn mạnh rằng những nỗ lực của Mỹ và đồng minh trong việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa là “phản ánh đầu óc của Mỹ muốn tăng cường trạng thái tâm lý Chiến Tranh Lạnh” và vì thế “sẽ chẳng có thể duy trì an ninh khu vực hay phát triển sự tin tưởng lẫn nhau hay sự hợp tác giữa các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.” Bài xã luận đi đến kết luận đáng ngại là hệ thống phòng thủ tên lửa “sẽ không những  tăng cường sự mất tin tưởng và cảm giác xa lìa giữa các quốc gia nhưng sẽ còn tạo ra những vấn đề phổ biến vũ khí.”

 Vài nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc thử vũ khí chống vệ tinh để đánh đổi việc Mỹ và các đồng minh muốn gầy dựng các hệ thống vũ khí chống tên lửa từ trên không gian (space-based antimissile weapons). Peter W. Rodman, một viên chức cao cấp của Bộ Quốc Phòng Mỹ vừa từ chức gần đây, không đồng ý với quan điểm nầy và cho biết rằng Trung Quốc đã từ lâu viết về các phương cách làm sao để đánh què một siêu cường dựa vào kỹ thuật cao như vệ tinh và đã rất kiên nhẫn trong việc phát triển các vũ khí có khả năng thực hiện việc đó cho nên, theo ông thấy, Trung Quốc không có lý do gì để trao đổi cả.[20]  Larry Wortzel, một nhà nghiên cứu chiến lược trong Bộ Quốc Phòng Mỹ và là cựu tùy viên quân sự tại Bắc Kinh đi đến kết luận (sau khi nghiên cứu các tài liệu quân sự của Trung Quốc) rằng Trung Quốc, cũng như Nga, chuẩn bị các hệ thống tên lửa để áp đảo bất cứ một hệ thống phòng tên lửa nào của Mỹ. Wortsel trích bài viết mới đây của một số sĩ quan Trung Quốc trong đó họ cho rằng “các lực lượng tên lửa hướng dẫn là những quân chủ bài để dành lấy thắng lợi trong một chiến tranh cục bộ công nghệ cao” (“guided missile forces are the trump card (sa shou jian) in achieving victory in limited high technology war”).[21]

Lô-gích vừa trích ở trên cũng có nghĩa là khả năng bảo vệ các vệ tinh và các mấu thông tin của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh là một trong những đe dọa lớn nhất đối với chiến lược quân sự của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc càng phát triển khả năng dùng tên lửa để làm cho hệ thống trinh sát của Mỹ bị mù thì Mỹ lại càng tăng cường hệ thống phòng tên lửa. Và như thế thì quả thật sẽ có thể gây ra một trình trạng giống như Chiến Tranh Lạnh trước đây. Tình trạng mới nầy làm cho nhiều nước ở Đông Nam Á đang phải vừa củng cố quốc phòng vừa tìm các biện pháp phòng hờ (hedging) đối với Trung Quốc và Mỹ.

 

Ví dụ phòng hờ và thái độ của Mỹ

          Một ví dụ phòng hờ là trường hợp của Ma-lai-xi-a. Ma-lai-xi-a là nước có quan hệ rất tốt với Trung Quốc và cả hai nước nầy đều công nhận như thế. Trên bình diện kinh tế thì mậu dịch hai chiều đã tăng từ 14,2 tỷ USD năm 2003 đến 22,5 tỷ USD năm 2005. Theo tài liệu của Quỷ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund, IMF) thì đến năm 2005 Trung Quốc là bạn hàng lớn thứ tư của Ma-lai-xi-a, sau Mỹ, Xing-ga-po và Nhật. Tuy nhiên từ năm 2000  nhập siêu của Ma-lai-xi-a đối với Trung Quốc đã tăng dần; và đến năm 2005 nhập siêu của Ma-lai-xi-a đối với Trung Quốc là 3,9 tỷ USD. Một lý do cho việc nhập siêu nầy là vì hàng chế biến của Trung Quốc quá rẻ và làm cho các doanh nhiệp Ma-lai-xi-a rất khó cạnh tranh.[22] Tuy nhiên, chính phủ Ma-lai-xi-a cũng rất lạc quan về quan hệ kinh tế với Trung Quốc và cả hai chính phủ đều đặt mục tiêu mậu dịch hai chiều sẽ tăng lên đến 50 tỷ USD năm 2010. Xuất khẩu nhiên liệu của Ma-lai-xi-a sang Trung Quốc sẽ giúp Ma-lai-xi-a giảm tỷ lệ nhập siêu vì Ma-lai-xi-a là một trong những nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (liquified natural gas, LNG) nhiều nhất trên thế giới. Tháng 11 năm 2006 hãng dầu quốc doanh (Petronas) của Ma-lai-xi-a thắng thầu cung cấp cho Thượng Hải mỗi năm 3 triệu tấn LNG trong 25 năm với giá 25 tỷ USD. Và đây là hợp đồng lớn nhất giữa hai nước.[23]

          Ma-lai-xi-a đối đãi rất tế nhị với Trung Quốc. Một ví dụ là từ năm 2000 Ma-lai-xi-a đã nới rộng các hạn chế về thị thực và để cho công nhân Trung Quốc vào ra Ma-lai-xi-a một cách dễ dàng. Kết quả là số du khách từ Trung Quốc đến càng ngày càng tăng. Năm 2003 có 350 ngàn du khách Trung Quốc đến thăm Ma-lai-xi-a và năm 2006 con số nầy đã tăng đến 439 ngàn. Thêm vào đó là Ma-lai-xi-a đã cho rất nhiều sinh viên Trung Quốc vào học tại các đại học và cao học Ma-lai-xi-a. Năm 2003 có 11 ngàn sinh viên Trung Quốc ghi tên học tại các đại học Ma-lai-xi-a, tức là khoảng 25% tổng số các sinh viên nước ngoài tại Ma-lai-xi-a. Số du khách và sinh viên to lớn kể trên đem đến cho Ma-lai-xi-a một số thu nhập đáng kể. Nhưng con số to lớn ấy cũng gây lên những quan tâm về an ninh vì có hàng vạn công dân Trung Quốc ấy không chịu về nước và một là trốn ở lại trái phép hay dùng Ma-lai-xi-a để rồi đi đến nước thứ ba.[24]

          Đối với các vấn đề khác  ̶  như Đài Loan, eo biển Malacca, và an ninh khu vực ̶  Ma-lai-xi-a cũng đã sử sự rất khôn khéo để làm cho Trung Quốc vui lòng.[25] Thủ tướng Abdullah Badawi đã thường tuyên bố là ông không coi Trung Quốc là một mối đe dọa và bộ trưởng quốc phòng Ma-lai-xi-a thường cho rằng Trung Quốc là một đồng minh của ASEAN. Tháng 4 năm 2007 bộ trưởng quốc phòng Ma-lai-xi-a tuyên bố trước quốc hội Ma-lai-xi-a là việc Trung Quốc tăng cường các lực lượng hải quân không có nghĩa là Trung Quốc có tham vọng bành trướng ở Á Châu. Các quan chức và các chính khách Ma-lai-xi-a thường lập đi lập lại luận điểm nầy và những ai nghĩ rằng Trung Quốc là mối đe dọa thì không phát biểu trước công chúng.[26]

          Một trong những vấn đề an ninh tồn tại giữa Ma-lai-xi-a và Trung Quốc là tranh chấp về quần đảo Trường Sa. Năm 1980 Ma-lai-xi-a tuyên bố chủ quyền trên 12 đảo trong quần đảo Trường Sa và từ đó đến nay đã chiếm đóng 5 đảo. Trong thập kỷ 1980 Ma-lai-xi-a đã mua nhiều chiến hạm và máy bay hiện đại để phòng giữ các đảo khu vực trong quần đảo Trường Sa mà Ma-lai-xi-a đã tuyên bố thuộc về chủ quyền của họ. Trung Quốc đã không có phản ứng gì mạnh đối với Ma-lai-xi-a một là vì sợ tổn thương quan hệ chính trị và kinh tế với Ma-lai-xi-a. Hai là những khu vực mà Ma-lai-xi-a tuyên bố chủ quyền cách Trung Quốc quá xa trong khi quân đội Ma-lai-xi-a có đủ sức phòng vệ các khu vực ấy trong khi không quân Trung Quốc chưa có đủ khả năng để trợ lực cho các cuộc đổ bộ dành lấy các đảo nầy.

Vì những lý do vừa kể trên, Trung Quốc và Ma-lai-xi-a đã cố gắng cải thiện quan hệ quân sự với nhau. Tháng 9 năm 2005 hai nước đã ký một bản “Ghi nhớ về đồng ý trên phương diện hợp tác quân sự” (Memorandum of Understanding on Defense Cooperation) để có những trao đổi trong các hoạt động quân sự. Nhưng khi Trung Quốc đề nghị bán các hệ thống vũ khí, kể cả các chiến thuyền, cho Ma-lai-xi-a thì Ma-lai-xi-a đã lễ phép từ chối. Trong khi đó thì Ma-lai-xi-a vẫn tiếp tục mua vũ khí của Mỹ, Anh và Nga vì những vũ khí nầy tốt hơn và tối tân hơn những vũ khí chế tạo tại Trung Quốc. Hơn thế nữa, Ma-lai-xi-a đã cố gắng duy trì một cách rất im lìm sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.[27]

Mặc dầu bề ngoài ra vẻ chống Mỹ, tiền nhiệm của Thủ tướng Abdullah đã bí mật ký một hiệp định với Mỹ để cho các chiến thuyền của hải quân Mỹ và các máy bay quân sự của Mỹ có thể được sửa chữa và tiếp vận tại Ma-lai-xi-a. Hiệp định nầy  ̶  gọi là “Cross Servicing and Acquisitions Agreement  ̶  được giữ trong bí mật cho đến năm 2005 khi chính quyền ông Abdullah ký gia hạn hiệp định nầy trong 10 năm. Theo một số nhận xét thì, nói chung, quan hệ quân sự của Ma-lai-xi-a với Mỹ quan trọng hơn bất cứ những quan hệ gì Ma-lai-xi-a có với Trung Quốc. Mỗi năm các chiến thuyền của Mỹ thường viếng thăm các cảng của Ma-lai-xi-a; hải quân Ma-lai-xi-a và hải quân Mỹ mỗi năm đều tập trận với nhau; các đội lặn của hải quân và bộ binh Mỹ thường tập luyện với các đội Ma-lai-xi-a; và lính huấn luyện chiến trận trong rừng Ma-lai-xi-a. Các khâu quan hệ quân sự của Ma-lai-xi-a với Mỹ  ̶  cũng như với  Anh, Ô-xtrây-li-a, Niu-di-lân qua cái hiệp định gọi là “Five Power Defense Arrangement, FPDA” ̶  chứng tỏ một cách rất rõ ràng là Ma-lai-xi-a muốn có một lực lượng đối trọng trước một Trung Quốc đang lên và đang bành trướng ảnh hưởng. Vì thế, tuy Ma-lai-xi-a cố gắng mềm dẽo và tế nhị với Trung Quốc để duy trì quan hệ tốt, Ma-lai-xi-a cũng có chính sách phòng hờ. Do đó, Ma-lai-xi-a vẫn tiếp tục cảnh giác đối với các khu vực tranh chấp ở quần đảo Trường Sa và cố gắng duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Á Châu.[28]

Nói chung thì các nước Đông Nam Á đều có các chính sách phòng hờ riêng của mình và phần lớn đều đang chạy đua vũ trang, đặc biệt là mua hay đóng tàu ngầm. Tờ Sunday Telegraph, ngày 4 tháng 2 năm 2007 cho biết rằng In-đô-nê-xia đã tuyên bố là sẽ cho đóng 12 chiếc tàu ngầm tối tân để hạ thủy khoảng năm 2024. Tờ báo cho biết là In-đô-nê-xia đã mua nhiều tầm ngầm hơn bất cứ nước nào cùng cỡ: 4 chiếc loại Kilo chạy bằng dầu diesel của Nga với giá là 200 triệu USD mỗi chiếc và hai chiếc của Hàn Quốc với giá 750 triệu USD. Xing-ga-po định có 6 chiếc tàu ngầm khoảng năm 2016. Ma-lai-xi-a đã đặt mua hai chiếc tàu ngầm Scorpene của Pháp. Và Việt Nam muốn có hai hay là 3 chiếc tàu ngầm hạng Kilo của Nga.[29] Như đã trình bày phía trên, tàu ngầm có hiệu lực lớn trong việc chống các tàu trên mặt nước. Nhưng sự chạy đua vũ trang này có nguy cơ gây ra những đụng độ vô tình mà hậu quả là không có thể lường trước được.

Do đó, thái độ của Mỹ là làm sao kéo tất cả các lực lượng hải quân trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương hợp tác để bảo vệ các dường thông thương trên biển, đặc biệt là qua eo biển Malacca và Biển Đông. Cựu Đô đốc Eric A. McVadon viết trong một bài đăng trong China Brief ngày 13 tháng 6 năm 2007 rằng Đô đốc Michael Mullen, tổng tư lệnh chiến dịch của hải quân Mỹ (U.S. Chief of Naval Operations), đã mời Trung Quốc hợp tác,  qua phó đô đốc và tư lệnh quân đoàn hải quân Trung Quốc tên Wu Shengli, với một “Hải Quân Nghìn Thuyền” (“Thousand Ship Navy”). Hải Quân Nghìn Thuyền nầy là kiểu hợp tác tự nguyện trong một mạng lưới hải quân đa quốc gia. Theo cựu Đô đốc McVadon thì lời mời của Đô đốc Michael Mullen được giới quân sự Trung Quốc chú ý và Đô đốc Wu Shengli cho biết rằng ông thích đề nghị nầy và sẽ bàn thêm với Đô đốc Mullen khi ông nầy sang thăm Trung Quốc vào trung tuần tháng 6 năm 2007. Một viên chức cao cấp của hải quân Trung Quốc có nhiều quan hệ với giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc cũng cho Đô đốc McVadon biết hồi tháng 4 năm 2007 là họ ủng hộ việc hợp tác tập trận giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc trong việc bảo vệ an ninh của các đường thông thương trên biển.[30]

Theo Đô đốc McVadon thì những đề nghị hợp tác song phương lại được Đô đốc Timothy Keating, chỉ huy trưởng hải quân Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương, lập lại trong khi ông đến thăm Bắc Kinh và gặp Đại tướng Guo Boxiong, phó chủ tịch cao nhất của Quân ủy Trung ương của Trung Quốc. Đô đốc Keating và Đại tướng Guo đều muốn có thêm trao đổi quân sự để phát triển quan hệ song phương. Một chi tiết khá quan trọng trong buổi tọa đàm với Đại tướng Guo là Đô đốc Keating nói ông ta thấy việc Trung Quốc muốn phát triển một hạm đội hàng không mẫu hạm cũng “dễ hiểu”. Ông nhấn mạnh sự khó khăn và rắc rối trong việc phát triển và điều hành một chiếc hàng không mẫu hạm và nói tiếp rằng nếu Trung Quốc muốn thì Mỹ sẽ sẵn sàng giúp đỡ trong các lãnh vực được đề cập đến. Nhưng phản ứng của một số quan chức và chuyên gia quân sự Trung Quốc là nhiều lắm thì Mỹ cũng chỉ truyền đạt suông một số kinh nghiệm điều hành thôi chứ Mỹ còn lâu mới bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc và chịu chuyển giao các công nghệ hải quân cho Trung Quốc. Theo một tờ báo Hông Kông, Trung tướng Yang Chunchang của Viện Khoa Học Quân Sự tại Bắc Kinh ông ta rất nghi ngờ về những gì Đô đốc Keating đã nói và ông ta cho rằng việc Mỹ muốn giúp đỡ là chỉ muốn nạy ra những bí mật mà thôi. Đô đốc McVadon kết luận rằng những phản ứng như trên chứng tỏ là hai bên cần phải cố gắng rất nhiều để tạo tin tưởng lẫn nhau. Nhưng ít ra Đô đốc Mullen và Đô đốc Keating cũng đã khởi đầu một quá trình và đã gây chú ý đến sự cần thiết của hợp tác. Theo Đô đốc McVadon, để có thể thành công thì bất cứ một cuộc hợp tác hải quân nào cũng cần một nền tảng quan hệ song phương được cải thiện và sự hợp tác rộng rãi hơn giữa Trung Quốc và Mỹ với các nước khác trong khu vực.

Nói tóm lại, yêu cầu chiến lược của Mỹ là duy trì an ninh trên biển Thái Bình Dương, nhất là trên các đường giao thương qua khu vực Đông Nam Á và Biển Đông. Mỹ có thể can thiệp đơn phương hay hợp tác và phối hợp với các lực lượng quân sự khác để bảo vệ an ninh chung trên biển trong khu vực trên. Nhưng điều nầy không có nghĩa là Mỹ hay các lực lượng hải quân khác sẽ can thiệp khi có đụng độ giữa các nước tranh chấp các đảo trong khu vực Biển Đông. Giải pháp quân sự không phải là giải pháp an ninh và an toàn.

 

 Chú thích

[1] Trích trong David Lague, “China airs ambitions to beef up naval power,” International Herald Tribune, ngày 28 tháng 12 năm 2006. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.iht.com/bin/print?id=4038159.

[2] Trích trong bài “Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,” đăng trên báo Công An Nhân Dân (cand.com) ngày 29/12/2006. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.cand.com.vn/vi-VN/thoisuxahoi/tintucsukien/2006/12/94420.cand.

[3] “Beijing Cashes in Prosperity in Massive Boost to Military Spending,” Agence France Press, ngày 4 tháng 3 năm 2007. Bài nầy cho biết là người phát ngôn viên của Quốc Hội Trung Quốc, ông Jiang Enzhu, cho biết rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2007 sẽ bằng 7,5% của tổng ngân sách nhà nước so với 7,4% năm 2006. Ông Jiang nói tiếp rằng số tiền chi cho quân đội Trung Quốc năm 2007 là 350,9 tỷ đồng nguyên (tương đương với 45 tỷ USD), tức là tăng gần 53 tỷ nguyên so với chi tiêu thật sự năm 2006. Các nguồn tin của chính phủ Mỹ đã ước tính là ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hàng năm là vào khoảng 80 đến 115 tỷ USD, tức là lớn nhất trên thế giới sau Mỹ và cao hơn con số chính thức được được đưa ra rất nhiều.

[4] Về những từ ngữ  và cơ cấu tổ chức của Hải quân Trung Quốc bằng tiếng Trung Quốc xin xem:  

  1. Shi Yunsheng (chủ biên), Trung Quốc Hải quân Bách khoa Toàn thư (Zhongguo Haijun Baike Quanshu; 中国海军百科全书). Bắc Kinh: Nhà Xuất Bản Haichao, tháng 12 năm 1998.
  2. Zhang Xusan (chủ biên), Hải quân Đại tự điển  (Haijun Da Cidian; 海军大词典). Thượng Hải: Nhà Xuất Bản Tự Điển Thượng Hải, tháng 10 năm 1993.
  3. Zhang Yongyi (chủ biên), Hải quân Quân sự Huấn luyện Học (Haijun Junshi Xunlian Xue; 海军军事训练学). Bắc Kinh: Viện Khoa học Quân sự, tháng 4 năm 2006.
  4. Zhou Keyu, (chủ biên), Đương đại Trung Quốc Hải quân (Dangdai Zhongguo Haijun; 当代中国海军). Bắc Kinh: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1987.

Hải quân Trung Quốc thường dùng từ hạm đĩnh (jianting ) và hạm thuyền (jianchuan ) để nói chung về các tàu chiến của họ. Chữ thuyền (chuan) có thể dùng để đề cập đến bất cứ chiến thuyền lớn nhỏ nào.

Chữ hạm chỉ dành riêng cho các tàu chiến lớn hơn 400 tấn và có quân hàm đại đội (dadui). Quân hàm đại đội của các tàu chiến hải quân Trung Quốc tương đương với quân hàm trung đoàn (regiment) hay tiểu đoàn (battalion) của Mỹ và vì thế thường được các tài liệu của Mỹ dịch ra là “squadron” (liên đội tàu). Các đại đội hải quân đánh bộ, gọi là “hải quân lục chiến binh” (haijun luzhanbing 海 军 陆 战 兵), “hải quân hàng không binh” (haijun hangkhongbing 海 军 航 空 兵), “hải quân ngạn phòng binh” ( haijun anfangbing 海 军 岸 防 兵), hậu cần và kỹ thuật, đều có quân hàm tương đương với quân hàm tiểu đoàn của Mỹ.

Chữ đĩnh thường được dùng cho những tàu chiến nhỏ hơn 400 tấn. Nhưng hiện nay nhiều chiếc đĩnh đã lớn hơn 400 tấn vì đã được thiết bị với những hệ thống vũ khí tối tân hơn và nặng hơn, nhưng cách gọi vẫn giữ nguyên như thông lệ. Đĩnh có quân hàm cao nhất là đại đội, nhưng có những chiếc chỉ có quân hàm trung đội (zhongdui), tức tương đương với quân hàm đại đội của Mỹ. Ví dụ như những chiếc “hộ vệ đĩnh” cở 125 tấn chỉ có quân hàm trung đội và những chiếc “đạo đạn đĩnh” chỉ có quân hàm phó trung đội hay tiểu đội. Trong khi đó thì những chiếc tàu đổ bộ, gọi là “đăng lục đĩnh” (dengluting 登 陆 艇), do các hạ sĩ quan ( ) chỉ huy thì không có quân hàm gì cả.

 Mặc dầu tàu ngầm được gọi là “tiềm đĩnh”, tàu ngầm hạt nhân được quân hàm phó chi đội và tàu ngầm thông thường, tùy lớn hay nhỏ, được quân hàm phó đại đội đến đại đội.

Hải quân Trung Quốc có hết tất cả 15 cấp hàm và 5 tầng lớp. Các cấp hàm từ trên xuống dưới là:

  1. “Quân Ủy Chủ Tịch” (Junwei zhuxi 军 委 主 席),tức là chủ tịch của Quân Ủy Trung Ương, và “Quân Ủy Phó Chủ Tịch” (Junwei fuzhuxi 军 委 副 主 席). Chức phó chủ tịch quân ủy  tương đương với chức đô đốc (admiral) của Mỹ.  Đô đốc của Mỹ là sĩ quan cấp 10, tức là cấp cao nhất.
  2. “Quân Ủy Ủy Viên” (Junwei weiyuan ). Chức nầy cũng tương đương với chức đô đốc của Mỹ.
  3. Tư lệnh vùng, gọi là “đại khu chính chức” (Daqu zhengzhi 大 区 正 职),cũng tương đương với chức đô đốc của Mỹ.
  4. Phó tư lệnh vùng, gọi là “đại khu phó chức” (Daqu fuzhi 大 区 副 职), tương đương với phó đô đốc (vice admiral) hay chuẩn đô đốc (rear admiral) của Mỹ. Vice admiral của Mỹ là sĩ quan cấp 9 và rear admiral là sĩ quan cấp 8.
  5. Tư lệnh quân đoàn, gọi là “chính quân” (Zhengjun 正 军), tương đương với phó đô đốc hay chuẩn đô đốc của Mỹ.
  6. Phó tư lệnh quân đoàn, gọi là “phó quân” (Fujun 副 军), tương đương với chuẩn đô đốc hay thuyền trưởng cấp cao ( senoir captain, sĩ quan cấp 7) của Mỹ.
  7. Sư đoàn trưởng, gọi là “chính soái” (Zhengshi 正师), tương đương với thuyền trưởng cấp cao hay chuẩn đô đốc của Mỹ.
  8. Sư đoàn phó hay lữ đoàn trưởng, gọi là “phó soái” (Fushi 副 师), tương đương với thuyền trưởng (captain, cấp 6) hay thuyền trưởng cấp cao của Mỹ.
  9. Trung đoàn trưởng, gọi là “chính đoàn” (Zhengtuan 正 团), tương đương với trung tá (commander, cấp 5) hay thuyền trưởng của Mỹ.
  10. Trung đoàn phó, gọi là “phó đoàn” (Futuan 副 团), tương đương vớ trung tá hay thuyền trưởng của Mỹ.
  11. Tiểu đoàn trưởng , gọi là “chính doanh” (Zhengying 正营), tương đương với thiếu tá (lieutenant commander, cấp 4) hay trung tá của Mỹ.
  12. Tiểu đoàn phó, gọi là “phó doanh” (Fuying 副 营), tương đương với đại úy (lieutenant, cấp 3) hay thiếu tá (lieutenant commander) của Mỹ.
  13. Đại đội trưởng, gọi là “chính liên” (Zhenglian 正 连), tương đương với trung úy (lieutenant junior grade, cấp 2) hay đại úy của Mỹ.
  14. Đại đội phó, gọi là “phó liên” (Fulian 副 连), tương đương với cấp trung úy hay thiếu úy (ensign, cấp 1) của Mỹ.
  15. Trung đội trưởng, gọi là “chính bài” (Zhengpai 正排), tương đương với cấp thiếu úy hay trung úy của Mỹ.

Trên phương diện cơ cấu tổ chức thì có 5 tầng lớp như sau:

  1. Bộ Tư lệnh Hải quân. Trong cơ cấu tổ chức thì Bộ Tư lệnh có cấp hàm hạng 3, tức “đại khu chính chức.” Mãi đến năm 2004 tư lệnh trưởng và chính ủy đều là sĩ quan có hàm cấp 3. Nhưng đến khoảng giữa năm 2004 tư lệnh trưởng được tăng chức thành một ủy viên Quân Ủy và vì thế có hàm cấp 2. Nhưng chính ủy, theo tổ chức là ngang hàng với tham mưu trưởng, vẫn giữ hàm cấp 3.
  2. Bộ tư lệnh của 3 vùng chiến lược: Bắc hải, Đông hải, và Nam Hải. Mỗi bộ tư lệnh có quân hàm cấp 4. Vì thế, từ những năm cuối thập kỹ 80, tư lệnh của các hạm đội trên đều có hàm “đại khu phó chức.”
  3. Mỗi hạm đội đều có các căn cứ trực thuộc và những căn cứ nầy có hàm cấp 6, tức phó tư lệnh quân đoàn. Có 3 loại căn cứ: căn cứ phục vụ, căn cứ trắc nghiệm, và căn cứ đào tạo. Căn cứ “hải quân hàng không binh” cũng có hàm cấp 6. Trong tất cả các căn cứ, 8 căn cứ phục vụ sau đây là quan trong nhất: Qingdao và Lushun (khu vực Bắc hải Hạm đội); Zhoushan, Fujian, Shanghai (khu vực Đông hải Hạm đội): Guangzhou, Yulin, Zhanjiang (Nam Hải Hạm đội).
  4. Một căn cứ phục vụ có các đơn vị trực thuộc gọi là “thủy cảnh khu” (Shuijingqu 水 警 区), tức là những căn cứ có phận sự cảnh bị và phòng vệ các khu vực duyên hải. Có tất cả 8 căn cứ gọi là “thủy cảnh khu”: Dalian và Weihai (Bắc hải Hạm đội); Xiamen (Đông hải Hạm đội); Shantou, Beihai, Xisha/Hoàng Sa (Nam Hải Hạm đội).
  5. Các chi đội tàu chiến thông thường trực thuộc một căn cứ phục vụ và các đại đội tàu chiến có thể trực thuộc một căn cứ phục vụ hay một chi đội.

[5] Trích trong China’s Navy 2007, Office of Naval Intelligence, trang 24.

[6] Như trên.

[7] Trích trong China’s Navy 2007, như trên, trang 24-25.

[8] China’s Navy 2007, trang 25.

[9] China’s Navy 2007, trang 26.

[10] Xem: Brad Kaplan, “China’s Navy Today: Storm Cloud on the Horizon …or Paper Tiger?, http://navy.league.org/seapower/chinas_navy_today.htm.

[11] China’s Navy 2007, trang 55.

[12] “Amphibious Warships: The Real East Asian Arms Race,” Stratfor.com, ngày 5 tháng 4 năm 2007. Bài nầy có thể tải về từ:  http//www.stratfor.com/products/premium/print.php?storyId=286856. Những chi tiết về những chiến thuyền đổ bộ sau đây là từ nghiên cứu nầy.

[13] Trung Quốc hiện nay đang tu trang chiếc hàng không mẫu hạm loại Kuznetsov tên là Varyag mà Trung Quốc đã mua của Nga với giá nữa tỷ USD. Chiếc Varyag được đóng khi sự hiểu biết của Liên Xô cũ về các hoạt động của các máy bay trên một chiếc hàng không mẫu hạm chưa được tinh vi lắm. Một ví dụ là sân bay trên hàng không mẫu hạm nầy nhỏ so với những hàng không mẫu hạm khác. Nhưng Trung Quốc đã nhất định đưa chiếc nầy vào hoạt động, có thể như là một hàng không mẫu hạm dùng vào việc đào tạo, vào năm 2010. Trong khi đó thì vào tháng 3 năm nay (2007) một ông đô đốc Trung Quốc đã tiết lộ trong một tờ báo Hồng Kông rằng Trung Quốc đã tiến triển rất nhanh trong việc nghiên cứu và phát triển hàng không mẫu hạm (aircraft-carrier R&D) và sẽ có thể hạ thủy một chiếc hàng không mẫu hạm vào năm 2010. (Peter Brookes, “Pacific Power Play: China’s Naval Expansionism,” The Heritage Foundation, ngày 19 tháng 3 năm 2007: http://www.heritage.org/Press/Commentary/ed032007a.cfm?RenderforPrint=1.) Vấn đề là tại sao Trung Quốc lại hạ quyết tâm phát triển hàng không mẫu hạm trong khi phát triển các chiến thuyền đổ bộ, tàu ngầm, và các hỏa tiển siêu âm lướt trên mặt nước và tự điều khiển đến mục tiêu để chống thuyền trên mặt nước (supersonic, sea-skimming anti-ship cruise missiles) là có hiệu quả hơn. Peter Brookes đưa ra một số giả thuyết (lý do). Một là, Trung Quốc cho là đã đến lúc giương ngọn cờ quốc gia và công báo cho thế giới biết Trung Quốc không chỉ còn là một đại cường khu vực nữa nhưng là một siêu cường. Nếu Trung Quốc có những hạm đội hàng không mẫu hạm mà Trung Quốc có thể gởi đi vòng quanh thế giới như Mỹ đã và đang làm thì Trung Quốc cũng có thể thị oai và chứng minh “sức mạnh mềm” của mình như Mỹ đã và đang làm. Hai là, Trung Quốc càng ngày càng phải vận chuyển nhiên liệu từ các nước Trung Đông và Châu Phi qua biển Ấn Độ, eo biển Mallaca, và Biển Đông. Những tàu chuyên chở nhiên liệu nầy hiện nay được an toàn căn bản là vì Mỹ đãm bảo việc tự do di chuyển trên biển trong các khu vực nầy. Đều nầy làm cho Trung Quốc khó chịu vì vấn đề an ninh nhiên liệu đang phải dựa vào lòng hảo tâm của Mỹ. Không có nhiên liệu nhập thì Trung Quốc không có thể tiếp tục phát kinh tế của mình với cao độ hiện nay, không có thể bành trướng ảnh hưởng, và không có thể tham chiến khi cần. Vì thế, Trung Quốc thấy việc phát triển hạm đội hàng không mẫu hạm là cần thiết để bảo vệ các đường nhập dầu và các nguồn dầu nhập. Một ví dụ là Trung Quốc đã tài trợ việc xây cất một cảng tại Gwadar ở Pakistan, gần vịnh Persian Gulf mà Trung Quốc có thể điều động một hạm đội hàng không mẫu hạm đến đó khi cần trong tương lai.

 Nhưng theo một vài phân tích thì tham vọng thiết lập một hạm đội hàng không mẫu hạm hút rất nhiều tiền và sẽ làm cho hải quân Trung Quốc càng tụt hậu so với các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật và Ô-xtrây-li-a trong những lãnh vực mà Trung Quốc còn suy kém. Hàng không mẫu hạm rất đắt tiền. Ngoài việc chiếc Varyag cần ít nhất là 500 triệu USD để tu trang, hiện nay hải quân Trung Quốc đang thương lượng mua 50 chiếc máy bay Su-33 của Nga với giá là 2 tỷ rưỡi USD, và đang phải chi rất nhiều tiền để mua hay đóng các chiến thuyền hộ tống và các thuyền hổ trợ (như “tác chiến chi viện thuyền” và tàu đánh đuổi tàu lặn) cần thiết khác. Hiện nay, mặc dầu không phải chi tiền để đóng các chiếc hàng không mẫu hạm và các chiếc tàu hộ tống cần thiết, hải quân Mỹ cũng phải chi trung bình mỗi năm là 1 tỷ USD để có thể giữ cho một hàng không mẫu hạm với các thuyền hộ tống của nó (gọi là “carrier strike group”) có thể hoạt động. Nhưng một hạm đội hàng không mẫu hạm (gọi là “carrier fleet”) phải có 3 chiếc hàng không mẫu hạm và những thuyền hộ tống của nó để có thể hoạt động có hiệu lực. Ngoài ra, một hạm đội hàng không mẫu hạm cần một hai thập niên huấn luyện mới có thể hoạt động có hiệu lực được vì vấn đề phối hợp rất phức tạp. (“China: The Deceptive Logic for a Carrier Fleet,” Stratfor.com, ngày 7 tháng 8 năm 2007.)

[14] Brad Kaplan, như trên.

[15] Theo nhiều nghiên cứu thì Hạm Đội Nam Hải là hạm đội hùng hậu nhất của Trung Quốc. Hạm Đội Nam Hải có ít nhất là 32 hạm đội (flotilla) tàu lặn, trong đó có những chiếc tàu lặn tối tân nhất; hai hạm đội chiến thuyền đổ bộ (amphibious flottita);các hạm đội khu trục (destroyer flottila); các hạm đội tàu đặt mìn (mine warfare flottila); hơn một chục hạm đội tàu cao tốc lướt trên mặt nước (speed boat flottila); và toàn bộ các lữ đoàn thủy quân lục chiến.

[18] Michael R. Gordon and David S. Cloud, “U.S. Knew of China Missle Test, but Kept Silent,” The New York Times, ngày 23 tháng 4 năm 2007 : http://www.nytimes.com/2007/04/23/washington/23satellite.html. Theo bài nầy thì chính quyền Bush mong rằng sự phản đối của Mỹ và các nước khác trên thế giới sau khi Trung Quốc đã thử vũ khí SC-19 sẽ làm cho Trung Quốc e ngại mà không tiếp tục thử thêm các vũ khí chống vệ tinh khác trong tương lai. Nhưng, theo bài báo nầy, trong cuộc viếng thăm Trung Quốc vào tháng 3 vừa qua Đại tướng Peter Pace, chủ tịch của Tổng Tham Mưu Quân Lực (chairman of the Joint Chiefs of Staff), không có thể đem chuyện vũ khí chống vệ tinh ra bàn với Trung Quốc. Chính ông ta cho biết là Trung Quốc nhất định không muốn đề cập đến chuyện đó.

[19] Ashley Tellis, “Punching the U.S. Military’s ‘Soft Ribs’: China’s Antisatellite Weapon Test in Strategic Perspective,” Carnegie Endowment for International Peace Policy Brief 51 (June 2007), trang 2.3.

[20] Michael R. Gordon and David S. Cloud, “U.S. Knew of China Missle Test, but Kept Silent,” The New York Times, ngày 23 tháng 4 năm 2007. Nguyên văn: “It is a bit of arms-control mythology that there is always a deal to be made… For years, the Chinese military has been writing about how to cripple a superpower that relies on high-tech capabilities like satellites. They have been patiently developing this capablility. I don’t see why they would trade it away.”

[21] Larry Wortzel, “China’s Nuclear Forces: Operations, Training Doctrine, Command, Control, and Campaign Planning,” Strategic Studies Institute (May 2007), trang 13.

[22] Direction of Trade Statistics Yearbook (Washington D.C.: International Monetary Fund, 2006).

[23] The Straits Times, ngày 1 tháng 11 năm 2006.

[24] Ian Storey, “Ma-lai-xi-a’s Hedging Strategy with China,” China Brief, số 14, ngày 11 tháng 7 năm 2007, trang 10. Bài nầy có thể tải về từ: http://jamestown.org/china_brief.

[25] Để biết thêm các chi tiết, xem Ian Storey, “Ma-lai-xi-a’s Hedging Strategy with China,” trang 10-11.

[26] Như trên, trang 11. Xem thêm: Bernama, ngày 27 tháng giêng năm 2007 và ngày 24 tháng 4 năm 2007.

[27] Ian Storey, “Ma-lai-xi-a’s Hedging Strategy with China,” trang 11.

[28] Như trên, trang 11; ABC Radio Australia News, ngày 9 tháng 5 năm 2005; The Straits Times, ngày 3 tháng 5 năm 2002.

[29] Tim Shipman and Chad Bouchard, “China is accused of fueling Pacific arms race,” SundayTelegraph, ngày 4 tháng 2 năm 2007: http://telegraph.co.uk.

[30] Eric A. McVadon, “U.S.-PRC Maritime Cooperation: An Idea Whose Time Has Come?” China Brief Volume VII, Issue 12,  ngày 13 tháng 6 năm 2007: http://jamestown.org/china_brief.

 

©  Thời Đại Mới

 

Trở về trang chủ Thời Đại Mới

 

11-8-07