Số 11 - Tháng 7/2007
♦ Phát ngôn của tôi
Phát
biểu của Tổng Bí thư Triệu Tử Dương (Zhao Zi Yang) Hội nghị trung ương (Trung ương) lần thứ 4 khóa XIII sẽ đưa ra xử lý vấn đề của tôi, tôi hoan nghênh các đồng chí phê bình tôi. Mấy năm nay, công tác của tôi có không ít khuyết điểm, sai lầm, thiếu sót và những chỗ không được việc, không xứng với kỳ vọng của đảng, nhân dân và các đồng chí già. Bây giờ tôi xin thuyết minh và tự phê bình về một số sự thực sai lầm mà tôi đã phạm phải.
I Tôi xin nói trước một số sự thực về phong trào học sinh và động loạn[1] từ khi phát sinh đến nay cũng như tình hình tư tưởng của tôi lúc đó. Từ tháng tư đến nay, học sinh tuần hành càng phát triển càng lớn, tôi và mọi người đều nghĩ là phải làm thế nào nhanh chóng dẹp yên sự việc. Tôi đã nói, chúng ta xưa nay không tán thành những học sinh không tuân theo qui định của pháp luật chưa xin phép đã xuống đường tuần hành thị uy, và càng không tán thành bãi khóa, tuyệt thực. Tôi luôn luôn kêu gọi phải giải quyết vấn đề trên quỹ đạo dân chủ và pháp luật. Tôi còn nói, cho dù theo luật pháp có thể phê chuẩn tuần hành, thì những người lãnh đạo và tổ chức đảng[2] nhà trường vẫn nên tích cực tiến hành công tác thuyết phục, ngăn cản, hết sức hướng dẫn học sinh thông qua con đường bình thường dùng phương thức khác biểu đạt ý kiến. Thái độ này của tôi là luôn luôn rất rõ ràng. Thế nhưng tôi cũng nhìn thấy hai đặc điểm rất đáng chú ý của phong trào học sinh lần này: một là học sinh đã đưa ra các khẩu hiệu như ủng hộ hiến pháp, thúc đẩy dân chủ, phản đối hủ bại v.v... Những yêu cầu này về cơ bản nhất trí với chủ trương của đảng và chính phủ, chúng ta không thể từ chối; hai là người tham gia tuần hành và người ủng hộ bọn họ nhiều vô cùng, nhân sĩ các giới đều có, Bắc Kinh trở thành biển người. Trong tình hình ấy, lúc đó tôi đã nẩy ra một cách nghĩ, tức là muốn dẹp yên sự việc thì trước tiên phải nhìn vào đa số, khẳng định chủ mưu của số đông người. Nhiệt tình của học sinh yêu cầu cải cách, phản đối hủ bại là đáng quí, là nên được khẳng dịnh đầy đủ. Đồng thời còn cần phải tiếp thu những ý kiến hợp lý của quần chúng, áp dụng những biện pháp chỉnh đốn, sửa chữa tích cực. Làm như vậy sẽ khiến cho tâm tình của số đông người dịu đi. Khiến đa số quần chúng hiểu được và ủng hộ cách làm của đảng và chính phủ, sau đó mới giải quyết tốt vấn đề của một số ít kẻ xấu. Liên hệ cách nghĩ này với đương thời, tôi cảm thấy xã luận ngày 26 tháng 4 là có vấn đề, đó là không khẳng định chủ lưu của đa số người, mà từ chỉnh thể đã đưa ra định tính có tính chất mâu thuẫn địch ta một cách chung chung mà đa số người khó chấp nhận, mặc dù khẳng định là có một số cực ít người phản đối bốn nguyên tắc cơ bản, đục nước béo cò. Thế nhưng hành vi của mấy chục vạn người, mà chỉ dùng sự thao túng của số ít người là rất khó giải thích cho thông được. Các học sinh cho rằng xã luận ngày 26 tháng 4 đã chụp cho họ một chiếc mũ, nên tâm tư đã trở nên dữ dội. Vì thế lúc đó tôi chủ trương sửa đổi xã luận đôi chút, làm nhẹ đi một tý. Cách nhìn này của tôi, chỉ nói trong Hội nghị thường vụ Trung ương, chỉ trao đổi ý kiến với một số ít đồng chí lãnh đạo Trung ương. Suy nghĩ của tôi lúc đó là, cách nghĩ đó của tôi có đúng hay không là một vấn đề; và tại hội nghị đảng có nêu ra hay không lại là vấn đề khác. Tôi cảm thấy, dù thế nào đi nữa, cách nghĩ của tôi đều có thể đưa ra trong Hội nghị Thường vụ, đề xuất ra là không nên có vấn đề nữa. Tất nhiên sau này mọi người đều ý thức được vấn đề này. Trên thực tế khẩu khí ăn nói, cách nêu, cũng từng bước thay đổi, cũng đều nói những lời khẳng định nhiệt tình yêu nước của đông đảo học sinh. Tôi cảm thấy nếu ngay từ đầu đã viết những lời nói đó vào trong xã luận ngày 26 tháng 4 mà không định tính là mâu thuẫn địch ta về chỉnh thể, thì có khả năng đa số người không bị chọc giận đến như vậy, cộng thêm các việc làm khác của chúng ta, có khả năng sự việc không đến nỗi ghê gớm như vậy. Đó là cách suy nghĩ của tôi lúc đó.
II Tôi đã suy nghĩ tỉ mỉ về những ngày có phong trào học sinh và phát sinh động loạn tới nay, tôi đã làm như thế nào, những chỗ nào làm tốt, những chỗ nào làm không tốt hoặc không thỏa đáng.
Từ những điều trên có thể thấy, trong khi xử lý phong trào học sinh và vấn đề động loạn, cách nghĩ đương thời của tôi là phải tìm cách làm dịu sự đối lập của học sinh, tranh thủ số đông trong học sinh khiến phong trào học sinh từng bước yên tĩnh dần. Tôi vô cùng lo lắng, trong tình huống mâu thuẫn với đa số người còn chưa dịu đi mà đã áp dụng thủ đoạn cứng rắn, đặc biệt là sử dụng vũ lực, sẽ khó tránh khỏi phát sinh xung đột và đổ máu. Làm như vậy sẽ làm cho sự tình càng mở rộng. Cho dù dẹp yên được phong trào học sinh cũng sẽ để lại hậu di chứng rất lớn. Bây giờ nhớ lại thấy định tính của xã luận “26-4” lỏng lẻo, và cũng không nhất định có thể làm dịu mâu thuẫn mà có khả năng làm cái nẩy xẩy cái ung, nêu ra những vấn đề khó mới, cuối cùng cũng không có cách gì loại bỏ được mâu thuẫn gay gắt thêm. Gần đây đồng chí Tiểu Bình phát biểu bài nói vô cùng quan trọng, khiến tôi được giáo dục rất nhiều. Đồng chí nói, cơn sóng gió này đến không thể dùng ý chí con người để di chuyển được, là kết quả tất yếu của sự kết hợp ảnh hưởng giữa tình hình lớn quốc tế với tình hình nhỏ trong nước. Còn nói, đến bây giờ tốt hơn so với đến chậm. Nếu như từ tầm cao đó quan sát vấn đề, một số suy nghĩ vốn có của tôi tất nhiên sẽ trở thành không cần thiết. Đúng là lúc đó tôi chưa nhận thức đến tầm cao đó và độ sâu đó, tôi nguyện kết hợp học tập bài nói của đồng chí Tiểu Bình suy nghĩ hơn nữa vấn đề này.
III Về vấn đề khuyết điểm, sai sót cũng như trách nhiệm trong công tác kinh tế, đồng chí Tiểu Bình đã nói, đồng chí Lý Bằng cũng đã nói. Thái độ của tôi là, kể từ sau khi tôi đến công tác tại Quốc Vụ viện cho đến trước Đại hội 13, những sai sót trong công tác kinh tế chủ yếu là do tôi chịu trách nhiệm. Báo cáo của đồng chí Lý Bằng trước Quốc hội năm 1989, trước khi Hội nghị Bộ Chính trị thảo luận đã gửi riêng cho tôi để trưng cầu ý kiến. Vì trong bản thảo đầu tiên khi nói đến nguyên nhân sai sót đã liên tục dùng mấy cái “nhiều năm nay”, tôi kiến nghị đối với vấn đề của mấy năm qua cần phải áp dụng thái độ phân tích. Như qui mô xây dựng cơ bản trong dự toán, sau năm 85 đã được khống chế, cái không khống chế được là bộ phận ngoài kế hoạch; nói một cách chung chung là cải cách muốn thành công gấp, cũng không phù hợp tình hình thực tế. Sau khi nghe xong đồng chí Lý Bằng nói, thế thì tập trung nói vấn đề của năm 88. Tôi nghe xong không biểu thị dị nghị. Có đồng chí phê bình tôi không để cho đồng chí Lý Bằng nói đến sai sót trong mấy năm qua, trút sai sót trong mấy năm đã qua ấy lên đầu đồng chí Lý Bằng. Tôi cần phải thuyết minh, không có chuyện đó, xưa nay tôi cũng không hề có cách suy nghĩ đó. Trước năm 1987, nói chung tình hình kinh tế nước ta là tốt, là tràn đầy sức sống. Đó là kết quả của cải cách, mở cửa. Mấy năm nay kinh tế thu được thành tích rất lớn, nhưng cũng có không ít khuyết điểm và sai sót. Với tư cách là người phụ trách chủ yếu công tác tuyến một, tôi phải chịu trách nhiệm về những sai sót đó. Năm nào cũng ép qui mô xây dựng cơ bản, nhưng năm nào cũng khống chế không nổi, cũng vẫn chưa tìm được biện pháp khống chế có hiệu quả đối với xây dựng cơ bản ngoài kế hoạch và quỹ tiêu dùng tăng trưởng quá nhanh. Các đồng chí Tiểu Bình, đồng chí Trần Vân, đồng chí Tiên Niệm, đồng chí Bành Chân v.v.. đều đã nhắc nhở tới vấn đề nông nghiệp. Thế nhưng mãi đến trước hội nghị nông nghiệp năm ngoái, trong một thời gian dài chúng tôi vẫn không áp dụng biện pháp tương đối thích hợp. Những sai sót đó, là trách nhiệm của tôi. Trước năm 1988, nước ta chưa có lạm phát rõ ràng. Tất nhiên cũng đã tích lũy một số nhân tố có thể làm gay gắt lạm phát. Nguyên nhân trực tiếp gây ra lạm phát rõ rệt năm ngoái là, do đánh giá tình hình kinh tế năm trước quá lạc quan, trong tình hình vật giá đã bắt đầu không ổn định, lại chuẩn bị tăng nhanh bước đi cải cách giá cả và công khai tuyên bố cải cách giá cả, tuyên truyền mở cửa giá cả, dẫn tới mọi người hoảng sợ, tạo ra tâm lý đề phòng dữ dội của quần chúng đối với vật giá leo thang. Phàm là các nước làm kinh tế hàng hóa đều vô cùng coi trọng vấn đề này, nhưng lúc đó chúng ta lại không hiểu lắm. Tâm lý đề phòng tăng giá của mọi người quá cao, chúng ta lại không kịp thời tăng thêm lãi suất tiết kiệm, giải quyết vấn đề bảo vệ giá trị gửi tiền tiết kiệm, vì thế đã phát sinh việc đổ xô đi mua hàng, quan trọng nhất là đã tạo thành lãi suất tiết kiệm giảm với mức độ lớn, khiến ngân hàng thiếu tiền, buộc phải phát hành nhiều tiền mặt. Chú trọng nói rõ một số việc phát sinh trong năm 1988 là để phân tích chính xác nguyên nhân xuất hiện vấn đề, chứ không hề có ý muốn đùn đẩy trách nhiệm nào. Bởi vì những sai sót lớn của năm 1988 cũng do tôi chịu trách nhiệm chủ yếu. Tiện đây nói thêm một chút, trong báo cáo của đồng chí Lý Bằng, đại biểu 4 vị Thường vụ đã phê bình tôi không phân tích, không tính tới điều kiện đã cổ vũ cơ quan Đảng, chính và đơn vị sự nghiệp tự mình “tạo nguồn thu”. Điều này không phù hợp với sự thực. Nửa đầu năm ngoái, tôi đã gọi riêng điện thoại cho đồng chí Giang Trạch Dân, yêu cầu Thượng Hải uốn nắn vấn đề cơ quan Đảng, chính thành lập công ty tạo nguồn thu. Trong báo cáo còn phê bình tôi “luôn luôn tuyên dương” hiện tượng hủ bại tại giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội là “không thể tránh khỏi”. Tôi không nhớ là đã nói câu đó ở đâu. Từ đầu năm ngoái tôi đề xuất “cơ quan Đảng, chính phải liêm khiết” ở Quảng Đông đến nay, tôi bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề ngặn chặn hủ bại, giải quyết liêm khiết. Từ thời gian đó trở đi, tôi đã nói không ít lần về vấn đề ngăn chặn hủ bại và vấn đề liêm khiết. Tôi đã nói, xem xét kinh nghiệm từ nhiều nước thấy, trong thời kỳ đầu của phát triển kinh tế hàng hóa, dễ phát sinh hiện tượng hủ bại. Nhưng chúng ta là nước xã hội chủ nghiã, nên và hơn nữa có thể hạn chế hiện tượng hủ bại ở mức thấp nhất, đề xuất “kinh tế phải phồn vinh, cơ quan Đáng, chính phải liêm khiết”. Tất nhiên, làm thế nào ngăn chặn được hủ bại, duy trì được liêm khiết là một vấn đề phức tạp, tuy vậy hội nghị Ban Bí thư đã chuyên nghiên cứu rồi và còn có một số hội nghị tọa đàm, cũng đã tổng kết kinh nghiệm của một số vùng, nhưng đến nay, trong điều kiện cải cách mở cửa vẫn chưa tìm được những biện pháp hoàn chỉnh để làm thế nào chỉnh đốn xử lý một cách có hiệu quả hiện tượng hủ bại, nhưng nếu như muốn nói đến trách nhiệm, thì cũng do tôi chịu.
IV Các đồng chí đã đề xuất nhiều ý kiến phê bình tôi về vấn đề phản đối tự do hóa của giai cấp tư sản, tôi nghĩ, nhân việc này muốn trình bầy với mọi người tình hình tư tưởng của tôi. Tử mở cửa đến nay trào lưu tư tưởng nghi ngờ tính ưu việt của chủ nghiã xã hội, ý đồ làm theo chế độ dân chủ phương Tây trong phần tử trí thức nào đó, nhất là trong một số thanh niên giáo viên, thanh niên học sinh đúng là đã có sinh sôi nẩy nở. Lần này phong trào học sinh làm lớn đến như vậy, là không tách rời khỏi ảnh hưởng của loại trào lưu tư tưởng đó. Mấy năm nay, nắm việc phản đối tự do hóa của giai cấp tư sản còn chưa đủ lực, hiệu quả không lớn, buông lỏng công tác xây dựng Đảng và chính trị tư tưởng, để tồn tại những vấn đề đó, tôi đều có trách nhiệm quan trọng. Tôi thường xuyên suy nghĩ tới vấn đề đó, cảm thấy rất không đơn giản, rốt cuộc làm thế nào mới có thể ngăn chặn và phản đối được loại trào lưu tư tưởng này? Đúng là một vấn đề, cần nghiêm túc nghiên cứu và giải quyết. Phản đối trào lưu tư tưởng tự do hóa tư sản, tăng cường giáo dục về bốn nguyên tắc cơ bản, tăng cường công tác chính trị tư tưởng là vô cùng quan trọng về mặt này, trước đây tôi vẫn thường xuyên nhấn mạnh, đặc biệt là từ năm nay, trong các mặt như tăng cường xây dựng Đảng, tăng cường công tác chính trị tư tưởng, tăng cường giáo dục tình hình, tăng cường nghiên cứu lý luận v.v.. tôi đều đã nói một số lời. Tôi còn căn cứ vào tinh thần nhiều lần nói chuyện của đồng chí Tiểu Bình, đề xuất phải kiên trì hai tay nắm, tức một tay nắm phát triển kinh tế hàng hóa có kế hoạch xã hội chủ nghĩa, một tay nắm tăng cường công tác trên lĩnh vực tư tưởng và chính trị. Tất nhiên, nói tóm lại là nắm vẫn chưa đủ, đặc biệt là rất không quán triệt. Đúng như là đồng chí Tiểu Bình đã đề xuất: một tay rắn, một tay mềm. Tôi xin chịu trách nhiệm chủ yếu đối với việc này. Trong thời gian này tôi cảm thấy một vấn đề tương đối phức tạp, đó là tiến hành công tác tư tưởng chính trị như thế nào mới có thể thu được hiệu quả tốt. Tôi thường nghe được một số phản ảnh, chỉ dùng những biện pháp vốn có tiến hành giáo dục, hiệu quả thường không rõ rệt, thậm chí dẫn tới tâm lý chống lại, về mặt này tôi suy nghĩ tương đối nhiều, thế nhưng vẫn chưa giải quyết vấn đề được thật tốt. Đồng thời tôi cũng cảm thấy chỉ dựa vào giáo dục tư tưởng không thôi là không đủ, muốn từ tư tưởng của người ta giải quyết vấn đề chủ nghĩa xã hội ưu việt hay là chủ nghĩa tư bản ưu việt, suy cho cùng vẫn phải dựa vào việc người ta từ trong thực tiễn của mình cảm thụ thiết thực được tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Điều này tất nhiên là phải làm tốt cuộc cải cách của chúng ta, phát triển một cách tốt đẹp chủ nghĩa xã hội dân chủ thích hợp với tình hình đất nước chúng ta. Từ sau tháng 4 năm 1987, đồng chí Tiểu Bình nhiều lần nói tới ý tứ như thế này: phản đối tự do hóa tư sản là một cuộc đấu tranh lâu dài, và cũng là một quá trình giáo dục lâu dài, không thể làm phong trào, phải dựa vào cải cách để làm tốt, phát triển kinh tế lên, hiển thị ra tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, dùng thực tiễn thuyết phục một số người nghi ngờ chế độ xã hội chủ nghĩa. Tôi vô cùng tán thành những quan điểm đó của đồng chí Tiểu Bình. Cải cách bao gồm cải cách thể chế kinh tế và cải cách thể chế chính trị, hai mặt này ảnh hưởng lẫn nhau. Bây giờ xem ra, ngoài việc cải cách thể chế kinh tế, phát triển kinh tế ra, chủ nghĩa xã hội cũng phải hiển thị được tính ưu việt của mình trên thể chế chính trị, trên vấn đề dân chủ. Trong thực tiễn, tôi càng ngày càng cảm thấy, cải cách thể chế chính trị vừa không được vượt trước, nhưng cũng không được lạc hậu hơn cải cách thể chế kinh tế, mà về đại thể nên tiến hành đồng bộ. Nếu như quá chậm hơn thì cải cách thể chế kinh tế sẽ khó có thể tiếp tục được, hơn nữa còn sản sinh ra các loại mâu thuẫn xã hội, chính trị. Tôi vốn từng nghĩ là, chỉ cần làm tốt cải cách thể chế kinh tế, phát triển kinh tế lên, mức sống mọi người được nâng cao, thì mọi người sẽ vừa ý, xã hội sẽ ổn định. Nhưng sau này phát hiện tình hình không hoàn toàn như vậy. Sau khi mức sống, trình độ văn hóa của nhân dân được nâng cao thì ý thức tham gia chính trị, ý thức dân chủ sẽ được tăng cường. Nếu như giáo dục tư tưởng theo không kịp, xây dựng dân chủ và pháp chế theo không kịp thì xã hội vẫn không ổn định. Tháng 12 năm ngoái, tôi đã nói tại hội nghị của quân đội, tình hình của nhiều nước đều thuyết minh, phát triển kinh tế thường thường và không thể mang lại sự thỏa mãn, vừa ý cho mọi người và sự ổn định xã hội. Tôi thấy là điều này đã nêu ra với chúng ta hai vấn đề, một là phải kiên trì nắm cả hai tay, không thể xem thường công tác trong lĩnh vực tư tưởng chính trị; hai là cải cách thể chế chính trị phải theo kịp, chủ yếu là xây dựng dân chủ và pháp chế xã hội chủ nghĩa phải theo kịp. Trong công tác thực tế, tôi còn cảm thấy sâu sắc rằng, thời đại đã khác rồi, xã hội và quan niệm tư tưởng của người ta cũng phát sinh thay đổi. Dân chủ đã trở thành trào lưu thế giới (tất nhiên trên thế giới đúng là có một dòng nước ngược chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội, bọn chúng cũng luôn luôn giương ngọn cờ dân chủ, nhân quyền, cần phải chú ý đến tình huống phức tạp trung gian này), quan niệm dân chủ của mọi người đã phổ biến tăng cường, nhiều vấn đề xã hội nếu hoàn toàn dùng biện pháp vốn có rất khó giải quyết. Ở nước ta, kiên trì sự lãnh đạo của đảng cộng sản, không làm chế độ đa đảng phương Tây, nguyên tắc cơ bản này quyết không được dao động. Thế nhưng một đảng lãnh đạo phải giải quyết được vấn đề dân chủ, giải quyết được những vấn đề tiêu cực, không lành mạnh trong nội bộ đảng và nhà nước cho đến việc giám sát đôn đốc có hiệu quả hiện tượng hủ bại nào đó thì lãnh đạo một đảng mới có thể tăng cường được sức sống. Vì vậy tôi nghĩ, đảng chúng ta phải thích ứng với thời đại mới, tình hình mới, học được cách dùng biện pháp mới như dân chủ và pháp chế v.v.. để giải quyết vấn đề mới. Ví dụ như, phải tăng cường độ minh bạch trong đời sống chính trị, phát huy đầy đủ tác dụng của Quốc hội, tăng cường và hoàn thiện chế độ hợp tác và chế độ hiệp thương nhiều đảng dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, hoàn thiện và cải tiến chế độ bầu cử, tăng cường sự giám sát đôn đốc của nhân dân quần chúng đối với đảng và chính phủ, dùng luật pháp cụ thể để bảo đảm và qui phạm tự do ngôn luận, cho phép tuần hành qua xin phép và phê chuẩn hợp pháp v.v..Tóm lại phải làm cho nhân dân thiết thân cảm thụ được rằng, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa có thể hưởng thụ được dân chủ và tự do chân chính mà thiết thực. Như vậy, chủ nghĩa xã hội mới có thể tăng cường sức hấp dẫn, sức ngưng tụ đối với nhân dân, tính ưu việt của nó mới càng hiển thị ra được. Do vậy cơ quan lãnh đạo và người lãnh đạo các cấp của chúng ta phải tiến hành công tác và sinh hoạt trong điều kiện thích ứng với dân chủ và pháp chế. Thực hiện dân chủ, ý kiến rối rắm, bề ngoài có một số “loạn”. Thế nhưng, có những “phiền phức” nhỏ, bình thường trong phạm vi dân chủ và pháp chế mới có thể tránh được loạn lớn. Quốc gia mới có thể ổn định lâu dài. Tuy vậy trung gian còn có một vấn đề tương đối phức tạp đó là phải khu biệt giữa yêu cầu dân chủ bình thường, thi hành quyền lợi dân chủ bình thường với những tự do hóa của giai cấp tư sản. Chúng ta không cho phép giương ngọn cờ dân chủ để thực hiện tự do hóa tư sản; đồng thời trong khi phản đối tự do hóa tư sản, chúng ta cũng không ngần ngại phát huy dân chủ. Điều này đòi hỏi phải từng bước vạch rõ một số giới hạn chính sách trong thực tiễn, và cuối cùng điều này cũng phải được giải quyết trên quỹ đạo pháp chế, thống nhất một cách tốt đẹp hai điều đó lại. Từ nay trở đi, mặt quan trọng của vai trò lãnh đạo của đảng phải thể hiện ở chỗ tích cực lãnh đạo nhân dân tiến hành xây dựng dâm chủ và pháp chế, làm cho nhà nước xã hội chủ nghĩa nước ta trở thành quốc gia pháp trị chân chính. Hơn nữa nếu đảng ta không giương cao ngọn cờ dân chủ, sẽ bị người khác đoạt lấy. Tôi cảm thấy, sớm hay muộn chúng ta vẫn phải đi con đường này. Đi một cách bị động, không bằng tự giác, chủ động mà đi, bởi vì tôi nhìn thấy, có nước xã hội chủ nghĩa khi mâu thuẫn xã hội tương đối gay gắt, địa vị của đảng đã suy yếu lớn mà làm cải cách chính trị, thì rất khó khống chế tình hình. Tôi nghĩ chúng ta nên chủ động xây dựng dân chủ khi địa vị lãnh đạo của đảng còn tương đối vững chắc. Như vậy dưới sự lãnh đạo của đảng ta có thể phát triển một cách có kế hoạch, có bước đi, có trật tự một loại chế độ xã hội chủ nghĩa kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản, thích hợp với tình hình đất nước ta. Đương nhiên nếu làm như vậy, trong quá trình xây dựng dân chủ và pháp chế vẫn có một số đau đớn, ma sát, thậm chí chấn động, nhưng những cái đó quyết không phải là chủ nghĩa xã hội phát sinh khủng hoảng. Sau khi đảng ta đã trải qua một cuộc tự mình điều chỉnh, tự mình hoàn thiện, càng thêm thích ứng với yêu cầu của thời đại mới, sẽ có một bộ mặt mạo mới, hăng hái phấn chấn lãnh đạo nhân dân cả nước tiến lên. Chủ quan tôi cho rằng, đó chính là sự suy nghĩ chân chính cho tiền đồ của đảng và đất nước. Nhiều năm nay, trong cải cách kinh tế chúng ta đã tích cực, mạnh bạo, nhưng trên cải cách chính trị, chúng ta luôn luôn giữ thái độ thận trọng. Tôi cũng đã từng tự xưng là “nhà cải cách về kinh tế, nhà bảo thủ về chính trị”; mấy năm gần đây, tư tưởng tôi có sự thay đổi, cảm thấy nếu không đưa được cải cách chính trị vào chương trình làm việc quan trọng hàng ngày, thì không chỉ những vấn đề khó trong cải cách kinh tế rất khó giải quyết, mà các loại mâu thuẫn xã hội, chính trị cũng sẽ ngày càng gay gắt hơn. Cách suy nghĩ đó của tôi, đã ảnh hưởng tới tôi khi quan sát và xử lý một số vấn đề cụ thể. Tôi cảm thấy, trong hội nghị đảng hôm nay, tôi nên nói rõ một số lời tự đáy lòng, tâm sự với các đồng chí. Rất có thể là loại suy nghĩ đó là sai lầm, hy vọng các đồng chí phê bình, giúp đỡ.
V Tôi không có ý kiến gì về việc trong báo cáo của mình đồng chí Lý Bằng kiến nghị tước bỏ hết mọi chức vụ lãnh đạo của tôi, nhưng đối với việc đề xuất hai chỉ trích tôi: “ủng hộ động loạn” và “chia rẽ đảng”, tôi bảo lưu ý kiến. Đối với việc xử lý như thế nào phong trào học sinh và động loạn, đúng là tôi đã căn cứ vào phạm vi cho phép của điều lệ đảng, đã nêu ra những ý kiến bất đồng của mình trong hội nghị đảng. Cho dù là những ý kiến đó có thể thực hiện được và có hiệu quả hay không, nhưng đều là những ý kiến về việc làm thế nào dẹp yên được động loạn, trước sau tôi chưa bao giờ đề xuất ý kiến ủng hộ động loạn. Xem xét lại tình hình thực tế thấy, việc phong trào học sinh và động loạn mở rộng cũng không thể nói là do tôi ủng hộ. Trên thực tế, trong đoạn thời gian từ ngày 23 tháng 4 đến cuối tháng, phong trào học sinh và động loạn mở rộng rất nhanh, nhưng thời gian đó tôi không ở trong nước. Trong báo cáo đồng chí Lý Bằng nói, bài nói của tôi tại hội nghị hàng năm của Ngân hàng châu Á đã khiến động loạn leo thang, trên thực tế, sau khi tôi nói chuyện, tình hình các trường đại học lũ lượt mở lại lớp học cho thấy sự phê bình đó không phù hợp sự thực, các báo thủ đô lúc đó đều đưa tin. Điều này chí ít có thể thuyết minh, lần nói chuyện đó của tôi không dẫn đến việc phong trào học sinh leo thang. Từ sau ngày 19 tháng 5 thực hành thiết quân luật, tôi không còn công tác, tất nhiên cũng không phát biểu thêm bài nói nào, sau đó động loạn leo thang, càng không có lý do để nói tôi là nguyên nhân. Nếu như nói vì tôi xin nghỉ ốm không thể tham gia hội nghị ngày 19 tháng 5, nên sự phát triển của tình hình sau đó chủ yếu là do nguyên nhân của tôi dẫn tới, thì giải thích như thế nào cũng đều không xuôi. Về vấn đề “chia rẽ đảng”, thế nào mới là hành động chia rẽ đảng? Trong lịch sử đảng đã có những vụ án làm ví dụ. Trong “Về một số chuẩn tắc trong sinh hoạt chính trị trong đảng” cũng đã có qui định. Xưa nay đảng ta chưa bao giờ coi việc đề xuất ý kiến bất đồng trong đảng, thậm chí bảo lưu ý kiến thì bị gọi là chia rẽ đảng. Giữa những người lãnh đạo, trong những bài nói công khai về trọng điểm có lúc có một số bất đồng, cách xử lý cũng không nhất trí lắm, người ta có thể nói thế này thế nọ trong trung gian, những sự việc như thế không ngừng xuất hiện. Không thể vì thế mà gọi là chia rẽ đảng. Như trong báo cáo của mình, đồng chí Lý Bằng chỉ trích tôi trong bài nói tại hội nghị hàng năm Ngân hàng châu Á không đề cập tới xã luận ngày 26 tháng 4, còn chỉ trích tôi trong tình hình đã xuất hiện động loạn mà trong bài nói vẫn nói “Trung Quốc sẽ không xuất hiện động loạn lớn”. Thế nhưng ngay ngày hôm sau, khi phát biểu tại hội nghị hàng năm Ngân hàng châu Á, đồng chí Lý Bằng cũng không đề cập tới bài xã luận ngày 26 tháng 4, hơn nữa còn nói Trung Quốc cần cố gắng “tránh động loạn”. Tôi cho rằng trong một số bài nói như vậy tại các trường hợp bất đồng, thời gian bất đồng mà trọng điểm lại bất đồng, thậm chí cách xử lý lại rất không nhất trí, có một số là không thích hợp, thậm chí là sai lầm nữa đều không thể dao to búa lớn nói là “chia rẽ đảng”. Càng không thể coi việc tôi xin nghỉ ốm mà không thể tham dự hội nghị ngày 19 tháng 5 là hành động “chia rẽ đảng”. Ngoài ra, nói một số đơn vị là “túi khôn”, “nhóm túi khôn” của tôi, do đó những đơn vị này có người xuống đường tuần hành diễn thuyết dường như là có quan hệ gì đó với tôi. Tôi cần thuyết minh, không tồn tại việc có “túi khôn” và “nhóm túi khôn” gì đó. Khi tôi công tác tại Quốc Vụ viện, có lúc nhân một số vấn đề lý luận kinh tế tìm người tọa đàm. Những người tham gia tọa đàm thường đến từ nhiều đơn vị, có khi cũng có người ở đơn vị này nọ. Ngoài ra tôi và các đơn vị đó không có liên hệ gì. Những đơn vị này cũng không hề do tôi trực tiếp quản, giữa họ có quan hệ lệ thuộc của mình. Nói bọn họ thành “túi khôn” của tôi vừa không đúng sự thực, và cũng không cần thiết làm cho những đơn vị này phải mang thêm ba lô. Mặc dù điều lệ đảng qui định đảng viên có quyền tiến hành biện bạch về những ý kiến xử lý mình, điều 4 chương một trong “Điều lệ đảng” qui định “khi tổ chức đảng thảo luận, quyết định xử lý kỷ luật đảng hoặc đưa ra giám định đối với đảng viên, người đó có quyền tham gia và tiến hành biện bạch,... tổ chức đảng bất kỳ cấp nào cho đến Trung ương đều không có quyền tước đoạt quyền lợi nói trên của đảng viên.” Hôm nay tôi chỉ chú trọng đưa ra biện bạch về hai chỉ trích nói trên, hy vọng được suy xét tới.
Người dịch: Dương Danh Dy
Chú thích [1] Chỉ Phong trào mồng 4 tháng 6 (1989) tại Trung Quốc kết thúc bằng vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh). [2] Đảng Cộng sản Trung quốc. [3] phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc chống đế quốc và phong kiến. Mở đầu bằng cuộc biểu tình ngày 4.5.1919 của thanh niên học sinh, sinh viên Bắc Kinh phản đối quyết định của Hội nghị Hoà bình Pari chuyển tỉnh Sơn Đông (Shandong) từ thuộc địa của Đức thành thuộc địa của Nhật.
© Thời Đại Mới
11-8-07 |