Số 13 - Tháng 3/2008
Kết
quả cuộc khảo sát
Bài này tóm tắt một số kết quả chính từ cuộc khảo sát do chúng tôi chủ trì, được tiến hành tại năm tỉnh thành miền Nam, từ tháng 11 tới tháng 12-2007.* Mục tiêu của cuộc khảo sát này là nhận diện những vấn đề nổi bật hiện nay ở cấp độ ngân sách gia đình dành cho việc giáo dục và cấp độ thu nhập của nhà giáo, nhằm từ đó đặt ra những vấn đề liên quan tới chính sách giáo dục và ngân sách giáo dục ở các bậc học phổ thông, và đề xuất những kiến nghị nhằm góp phần vào công cuộc cải tổ nền giáo dục phổ thông. Cuộc khảo sát này do nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tài trợ. Các kỹ thuật điều tra chủ yếu được sử dụng là hai bản câu hỏi đối với giáo viên và hộ gia đình, và kỹ thuật phỏng vấn nhóm. Phương pháp chọn mẫu là phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật chọn mẫu phân tầng (chọn địa bàn điều tra) với kỹ thuật ngẫu nhiên thống kê (để chọn giáo viên và hộ gia đình). Lực lượng điều tra có tổng cộng 57 người, chia làm năm tổ điều tra tại năm tỉnh thành, bao gồm các chuyên viên xã hội học, nhân học và sử học, cùng với điều tra viên là các sinh viên đã tốt nghiệp cử nhân hoặc học năm cuối ngành xã hội học và nhân học. Các địa phương được khảo sát bao gồm ba tỉnh Nam bộ là Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, một tỉnh Tây nguyên là Dak Lak, và thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số có 43 trường phổ thông được khảo sát, với tổng số mẫu giáo viên được phỏng vấn là 1.027, và 30 xã và phường (tại 10 quận, huyện) được khảo sát, với tổng số mẫu hộ gia đình được phỏng vấn là 1.203. Có tổng cộng 12 cuộc phỏng vấn nhóm có ghi âm đã được thực hiện, trong đó sáu cuộc đối với giáo viên, và sáu cuộc đối với các phụ huynh.
1. Đồng lương của nhà giáo Kết quả cuộc khảo sát cuối năm 2007 cho biết tổng thu nhập bình quân từ nhà trường của một giáo viên (bao gồm lương chính, phụ cấp và thù lao dạy tăng tiết, phụ đạo...) xấp xỉ khoảng từ 1,8-2 triệu đồng/tháng ở An Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh, 2,2 triệu ở Dak Lak, còn ở TPHCM thì khoảng 2,48 triệu (xem Bảng 1). Bảng 1. Mức thu nhập của giáo viên từ nhà trường - dưới 1 triệu 1,5% - 1-1,5 triệu 18,8 - 1,5-2 triệu 32,8 - 2-2,5 triệu 25,2 - 2,5-3 triệu 12,9 - 3-4 triệu 5,5 - 4 triệu trở lên 3,0 So với mức sống trung bình ở địa phương, số giáo viên có mức thu nhập từ nhà trường thấp hơn mức này chiếm tỷ lệ khoảng 15% ở Trà Vinh, 25% ở Vĩnh Long, 40% ở An Giang, 39% ở Dak Lak, và 39% ở TPHCM. Số giáo viên có thu nhập từ nhà trường chỉ đáp ứng được dưới một nửa chi tiêu ở gia đình mình chiếm 31% ở Trà Vinh, 9% ở Vĩnh Long, 42% ở An Giang, 50% ở Dak Lak, và lên tới 63% ở TPHCM. Chính vì đồng lương từ nhà trường không đủ sống nên không ít người đã phải dạy thêm và làm thêm việc khác để có thêm thu nhập. Trong mẫu điều tra, có 30% giáo viên có dạy thêm và làm thêm (trong đó 13% dạy thêm và 18% làm thêm việc khác). Tỷ lệ này cao hơn hết tại TPHCM (52% có dạy thêm và làm thêm). Tỷ lệ dạy thêm ở TPHCM cũng đông nhất so với các tỉnh trong mẫu điều tra: 44% nơi giáo viên cấp tiểu học, 27% cấp trung học cơ sở (THCS), và 34% cấp trung học phổ thông (THPT) có dạy thêm ở nhà hoặc tại nơi khác (chưa kể số giáo viên dạy thêm ngay tại trường của mình). Hầu hết việc làm thêm đều là những việc không liên quan chút gì với nghề giáo: làm ruộng, trồng mía, trồng hoa màu, nuôi gà, nuôi heo, thợ may, bán bánh mì, phụ bán tạp hóa, bán hàng ở chợ, phụ bán cơm buổi sáng, chạy xe, đánh máy, photocopy, chụp hình, làm nhạc công ở quán cà phê, làm thêm ở nhà hàng vào buổi tối, dạy võ, vẽ tranh, sửa đồ điện gia dụng, v.v. Mặc dù cố gắng bươn chải để có thêm thu nhập ngoài nhà trường, nhưng tổng thu nhập hàng tháng của người giáo viên cũng không nhiều nhặn gì. Được hỏi rằng “tổng thu nhập từ tất cả các khoản của thầy/cô hiện nay có đủ cho các chi tiêu trong cuộc sống gia đình của thầy/cô ?”, 52% giáo viên trong mẫu điều tra trả lời là “thiếu thốn”, 42% nói là “vừa đủ”, và chỉ có 2% nói là “có dư để tích lũy”. Có đến hai phần ba giáo viên trong mẫu điều tra (66%) trả lời là có đi vay mượn trong năm qua. Tỷ lệ vay mượn này ở các tỉnh lên tới khoảng ¾ giáo viên, riêng ở TPHCM cũng lên tới 44%. Chỉ có 4-5% giáo viên ở Trà Vinh và Vĩnh Long có Internet ở nhà, con số này là 8% ở An Giang, 12% ở Dak Lak, 42% ở TPHCM. Số giáo viên đọc báo hàng ngày chiếm 30-36% ở Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, và 77% ở TPHCM. Khi trả lời cho câu hỏi về những nguyện vọng và tâm tư bức xúc nhất, hai phần ba giáo viên trong mẫu điều tra (66%) nêu lên kiến nghị rằng cần nhanh chóng cải tổ chế độ tiền lương – đây là ý kiến đứng hàng số một và chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các nguyện vọng mà họ nêu ra. Theo kết quả cuộc khảo sát, nguyện vọng của giáo viên về một mức tiền lương “đủ để lo cho gia đình” bình quân trong mẫu điều tra là 3,81 triệu đồng một tháng, cụ thể ở từng tỉnh thành như sau: - Trà Vinh 3,32 triệu đồng/tháng - Vĩnh Long 3,22 - An Giang 3,33 - Dak Lak 3,99 - TPHCM 5,20 Gần ba phần tư giáo viên trong mẫu điều tra (73%) nói rằng nếu đạt được mức lương kỳ vọng này, có thể loại bỏ được hiện tượng dạy thêm để tăng thu nhập, chỉ có 12% nói là không thể. Như vậy, tổng thu nhập của giáo viên từ nhà trường là không đủ sống hay chỉ đạt mức tối thiểu đối với khá đông giáo viên. Hệ thống thang bậc lương chính thức của giáo viên không mang tính công bằng, và không mang tính chất kích thích hay khuyến khích nâng cao trình độ (xem Bảng 2), mặc dù theo qui chế thì vẫn có thể tăng bậc lương 3-4 năm một lần, và mặc dù đã được hưởng một số khoản phụ cấp.
Nguồn: Kết quả cuộc điều tra tháng 11-12/2007 của chúng tôi Kết quả khảo sát cho biết chỉ có 45% giáo viên trong mẫu điều tra cho là mức thu nhập của mình từ nhà trường “tương xứng” với công sức mà mình đã bỏ ra, 49% cho là “không tương xứng”. Tỷ lệ trả lời “không tương xứng” ở TPHCM lên tới 72%, ở Dak Lak 51%, An Giang 49%, Vĩnh Long 45%, và Trà Vinh 28%. Xét về mặt nghề nghiệp chuyên môn, tình trạng buộc phải đi dạy thêm, đi làm thêm quả thực là một sự phí phạm xã hội ghê gớm, không phải chỉ lãng phí đối với năng lượng của người giáo viên, mà quan trọng hơn là sự lãng phí lớn lao đối với hiệu quả đáng lý có thể có của ngành giáo dục. Vì còn phải lo chạy vạy cho nồi cơm của gia đình từ những nguồn thu khác ngoài nhà trường, nên không ít giáo viên không còn đâu tâm sức và thời gian tập trung cho lao động chuyên môn của mình và học sinh của mình nữa. Xét về mặt luân lý xã hội, tình cảnh éo le mang tính chất vừa trói buộc vừa lẩn quẩn này là điều kiện và nguyên nhân dẫn tới nhiều hệ quả bi đát mà công luận than phiền lâu nay: nào là ép học thêm, không công bằng khi cho điểm những học sinh không học thêm, nào là nạn “phong bì”, quà cáp lễ tết, cùng đủ mọi dạng tiêu cực từ nhẹ tới nghiêm trọng như mua bằng bán điểm... Chính chế độ tiền lương bất hợp lý và không công bằng nói riêng, và chính sách tài chính trong giáo dục nói chung, đã dẫn đến những hệ quả xáo trộn trong đời sống nhà giáo (phải vất vả dạy thêm, làm thêm...), những đảo lộn trong mối quan hệ giữa nhà giáo với học sinh, với phụ huynh, cũng như dẫn đến những hệ quả rối rắm trong việc thu đủ mọi khoản lắt nhắt đối với phụ huynh. Vấn đề đặt ra hoàn toàn không phải là cần có chính sách “ưu tiên” hay “đặc ân” gì với nhà giáo, mà trước hết đây là vấn đề khôi phục sự công bằng đối với lao động của họ. Chỉ khi có chính sách lương bổng thoả đáng, xứng đáng và mang tính động viên, thì lúc ấy mới có thể nói tới khả năng thu hút những người giỏi vào ngành giáo chức. Có thầy cô giỏi thì mới có học sinh giỏi. Kinh nghiệm ở những nước như Đức, Nhật Bản hay Hàn Quốc là chính nhờ nhà nước thực sự tôn trọng ngành giáo dục và trả lương cao cho giáo chức (cao hơn cả những người làm việc cho các đại công ty) ngay từ những thời kỳ suy tàn và đói khổ sau năm 1945, mà họ mới có được những vốn liếng học vấn cũng như một tiềm lực xã hội để phát triển kinh tế mạnh mẽ sau này. Cần quan niệm rằng trả lương cho nhà giáo thực ra chính là đầu tư cho tiền đồ của đất nước.
2.
Gánh nặng chi phí
giáo dục Chuyện chi phí cho việc học hành của con cái hiện nay quả thực là một gánh nặng đối với các phụ huynh, nhất là với những gia đình nghèo, kể cả ở nông thôn lẫn thành thị. a. Chi phí cho việc học hành của con cái Theo kết quả cuộc điều tra cuối năm 2007 của chúng tôi, tổng chi phí của các hộ gia đình bình quân cho một học sinh phổ thông trong một năm ở Trà Vinh là 525 ngàn đồng/năm, An Giang 499 ngàn, Vĩnh Long 736 ngàn, Dak Lak 1,32 triệu, và ở TPHCM là 2,84 triệu. Tính chung ba tỉnh miền Tây Nam bộ (Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang), chi phí của người dân cho một học sinh tiểu học bình quân là 406 ngàn đồng/năm, trung học cơ sở 504 ngàn đồng/năm, còn ở cấp trung học phổ thông thì cao hơn hẳn, gần 1,02 triệu đồng/năm. Riêng ở TPHCM, phụ huynh chi cao hơn hẳn so với ba tỉnh Nam bộ nêu trên: cấp tiểu học là 2,72 triệu đồng/năm, THCS 2,46 triệu, còn ở cấp THPT gần 3,40 triệu. Chi phí của người dân cho việc học hành của con cái ở Việt Nam hiện nay không nặng về mặt học phí, nhưng lại bao gồm rất nhiều khoản thu khác mà phụ huynh phải chi trả trong nhà trường cũng như bên ngoài nhà trường. Riêng trong nhà trường, ở TPHCM chẳng hạn, tính đến năm 2004, Sở GD-ĐT qui định có 14 khoản thu chính thức ở nhà trường ; hay ở Huế, thậm chí có đến 45 khoản thu khác nhau (Sài Gòn Giải phóng, 12-12-2007, tr. 1). Qua cuộc khảo sát này, chúng tôi thống kê được tổng cộng 42 khoản thu, 16 loại quĩ, và 6 khoản khác nữa mà phụ huynh phải đóng tại nhà trường. Được hỏi rằng “Trong vòng một năm qua, có khi nào đến hạn đóng học phí hoặc những khoản đóng góp khác mà gia đình ông/bà không có sẵn đủ tiền để đóng hay không ?”, có 13% phụ huynh trong mẫu điều tra trả lời là thường xuyên, 5% không thường xuyên, và 36% đôi khi. Tỷ lệ ít nhiều không có sẵn tiền lên tới 57% ở Trà Vinh, 59% ở Vĩnh Long, 65% ở An Giang, 50% ở Dak Lak, và 38% ở TPHCM. Tỷ lệ này đạt mức cao nhất (73%) ở nhóm hộ gia đình nghèo nhất (tức nhóm 1, theo phương pháp phân tổ ngũ phân đối với mức chi tiêu của gia đình), 65% nơi nhóm 2, và 52% nơi nhóm 3. Có 31% phụ huynh trong mẫu điều tra trả lời là phải “đi vay mượn để đóng học phí”, 14% “xin hoãn với nhà trường”. Điều đáng chú ý là tỷ lệ phụ huynh ở TPHCM phải đi vay mượn để đóng học phí không thấp hơn bao nhiêu so với các tỉnh. Nơi hai nhóm hộ nghèo nhất (nhóm 1 và nhóm 2), tỷ lệ phải đi vay mượn là 39%, và xin hoãn với nhà trường là 20-22%. Có tới 56% phụ huynh đánh giá các khoản chi cho việc học hành của con em mình hiện nay là “nặng”, trong đó 38% cho là “tương đối nặng”, và 18% phụ huynh cho là “quá nặng”. Dựa trên các số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Tổng cục Thống kê, theo kết quả tính toán của chúng tôi, phần chi của người dân cho giáo dục vào năm 2006 chiếm 41% trong tổng chi phí xã hội cho giáo dục, còn phần chi của ngân sách nhà nước chiếm 59%. Một số liệu nghiên cứu quốc tế khác công bố vào năm 2004 cho biết mức chi phí cho giáo dục của người dân ở Việt Nam lên tới 44% trong tổng chi phí xã hội cho giáo dục, mức cao nhất ở các nước Á châu, chỉ thua Campuchia (1) (4) (xem Biều đồ 1). Theo tính toán của Vũ Quang Việt, tổng chi phí xã hội cho giáo dục (tức bao gồm cả phần chi của nhà nước và người dân) ở Việt Nam năm 2006 đạt mức 8,4% tổng sản phẩm nội địa (GDP), và năm 2007 lên tới 9,2%, một tỷ lệ rất cao so với các nước trên thế giới, kể cả Mỹ (17) (19).
b. Bất bình đẳng về điều kiện và cơ hội học tập Kết quả khảo sát cho thấy có tình trạng bất bình đẳng rõ rệt về điều kiện cũng như cơ hội giáo dục. Ngoài sự cách biệt hiển nhiên giữa nông thôn và thành thị, giữa các thành phố lớn như TPHCM với các tỉnh, thì sự bất bình đẳng trong giáo dục còn được thể hiện qua những mặt sau đây. Trước hết là sự chênh lệch về chi phí giáo dục giữa các tầng lớp dân cư. Chi phí bình quân cho một học sinh phổ thông trong một năm nơi nhóm 1 (tức nhóm hộ nghèo nhất) chỉ bằng 15% (380 ngàn đồng), và nơi nhóm 2 chỉ bằng 29% (710 ngàn) so với mức chi của một gia đình khá giả (nhóm 5: 2,45 triệu). Với một khoản tiền eo hẹp, lẽ tất nhiên con em gia đình nghèo có điều kiện học tập kém hơn, mua sắm sách vở và dụng cụ học tập ít hơn, đi học thêm ít hơn… Từ đó, kết quả học tập có nhiều khả năng thua sút so với con em nhà khá giả. Kế đến là sự chênh lệch về tỷ lệ chi cho giáo dục giữa các tầng lớp dân cư. Kết quả điều tra cho biết những nhóm hộ càng nghèo thì tỷ lệ chi cho giáo dục càng cao hơn, tính trong tổng chi tiêu của gia đình, mặc dù con số tuyệt đối chi cho giáo dục của những hộ này thấp hơn nhiều so với các hộ khá giả. Tình hình này đặc biệt rõ rệt ở ba tỉnh Nam bộ là Trà Vinh, Vĩnh Long và An Giang (xem Bảng 3). Nói cách khác, càng nghèo thì việc chi cho giáo dục càng là gánh nặng.
Nguồn: Kết quả cuộc điều tra tháng 11-12/2007 của chúng tôi Thứ ba là mức chênh lệch về chi phí giữa các cấp học. Chi phí một năm cho một học sinh THPT cao hơn hẳn so với một học sinh tiểu học hay THCS. Điều này làm cho các hộ nghèo có tỷ lệ chi cho con em học cấp 3 cao hơn nhiều so với tỷ lệ này nơi những hộ khá giả, mặc dù số tiền chi phí của hộ nghèo vẫn thấp hơn. Nói cách khác, đối với những hộ nghèo, càng học lên lớp cao thì cái gánh chi phí lại càng nặng một cách tương đối. Mặt khác, lên lớp học càng cao, thì tỷ lệ học sinh đi học nơi gia đình khá giả, so với tỷ lệ này nơi gia đình nghèo, ngày càng chênh lệch. Theo kết quả cuộc khảo sát, nơi nhóm 15-17 tuổi, tức nhóm tuổi học THPT, nơi hai nhóm hộ nghèo nhất (nhóm 1 và nhóm 2), chỉ có 54% và 67% đi học, trong khi tỷ lệ này nơi hai nhóm hộ khá giả nhất (nhóm 4 và nhóm 5) lên tới 87% và 90%. Trong khi đó, chúng ta biết rằng mức chi phí nhà nước đầu tư vào giáo dục tính trên đầu học sinh tương đối ít ở các lớp thấp (cấp tiểu học và THCS), và tương đối nhiều hơn ở các lớp cao hơn (cấp THPT). Như vậy, tình hình này có nghĩa là các hộ gia đình nghèo trong thực tế được thụ hưởng dịch vụ giáo dục ở cấp THPT ít hơn nhiều hơn so với con em gia đình khá giả ! Như vậy, trong lĩnh vực giáo dục phổ thông hiện nay, đang tồn tại một tình trạng bất bình đẳng rõ rệt về chi phí giáo dục, cũng như về điều kiện, cơ hội và mức độ thụ hưởng dịch vụ giáo dục. Và chính ngân sách công đã mặc nhiên góp phần duy trì và củng cố xu hướng phân hóa xã hội. Nền giáo dục, trong trường hợp này, thay vì là một nhân tố thúc đẩy sự công bằng và sự bình đẳng như mọi người kỳ vọng, thì lại biến thành một nhân tố góp phần vào quá trình tái sản xuất một cấu trúc xã hội bất bình đẳng. Theo phân tích của chúng tôi, chính chế độ thu học phí và đủ mọi khoản thu ở nhà trường công lập phổ thông hiện nay đã trực tiếp tạo ra tình trạng bất bình đẳng này, không chỉ ở cấp THPT mà kể cả từ cấp tiểu học. Chế độ thu phí ở nhà trường Việt Nam hiện nay đã và đang tạo ra một rào cản lớn lao đối với các gia đình người dân, nhất là đối với những tầng lớp xã hội thấp kém và thiệt thòi, và do vậy đi ngược lại với lý tưởng của một nền giáo dục cho mọi người, một nền giáo dục phổ cập mà nhà nước luôn luôn tuyên bố và đề cao trên nguyên tắc.
3. Những áp lực trong nhà trường Một trong những hiện tượng nổi cộm trong đời sống nhà trường mà cuộc khảo sát của chúng tôi vào cuối năm 2007 ghi nhận được, đó là những áp lực đối với cả giáo viên lẫn học sinh phổ thông. a. Áp lực đối với giáo viên Trước hết, xét về công việc giảng dạy, thì có thể nhận xét ngay rằng số tiết lên lớp hiện nay không phải là điều gây áp lực lên trên giáo viên. Theo kết quả điều tra tại năm tỉnh thành miền Nam, tổng số tiết đang dạy hàng tuần bình quân mỗi giáo viên là 22,6 tiết, trong đó 17,5 tiết thực dạy, 2,2 tiết dạy thêm hoặc phụ đạo tại trường, và 3,0 tiết qui đổi (chủ nhiệm lớp, phụ trách đoàn thể...). Giáo viên tiểu học có số tiết dạy hàng tuần nhiều nhất (26,6 tiết), so với giáo viên trung học cơ sở (18,5 tiết) và giáo viên trung học phổ thông (21,7 tiết). Giáo viên ở TPHCM dạy nhiều tiết nhất (25,5 tiết), so với các tỉnh Trà Vinh (19,8 tiết), Vĩnh Long (21,8 tiết), An Giang (22,3 tiết), và Dak Lak (23,3 tiết). Riêng ở TPHCM, giáo viên THPT trong mẫu điều tra dạy mỗi tuần bình quân tới 34,1 tiết, do có số giờ dạy tăng tiết cao nhất (9,5 tiết mỗi tuần). Phần lớn giáo viên (70%) nhận thấy số giờ dạy như vậy là “vừa phải”, 24% cho là “nhiều”, và chỉ có 4% cho là “ít”. Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, các giáo viên còn phải đảm đương thêm không ít nhiệm vụ khác. Trong số đó, nhiều nhất là làm giáo viên chủ nhiệm (chiếm 66% giáo viên), làm đồ dùng dạy học (49%), làm các loại sổ sách (45%), làm công tác đoàn thể (32%), thu tiền học phí hoặc các khoản thu khác (20%)… (xem Bảng 4).
Nguồn: Kết quả cuộc điều tra tháng 11-12/2007 của chúng tôi. Bảng 4 cho thấy kiêm nhiệm nhiều công việc nhất là giáo viên tiểu học, kế đó là giáo viên THCS. Giáo viên ở năm tỉnh thành trong mẫu điều tra đều có những tỷ lệ phải kiêm nhiệm những công việc này tương đương nhau. Được hỏi rằng “Để có đủ điều kiện chu toàn nhiệm vụ giảng dạy của mình, thầy/cô mong muốn nhà trường cần làm những việc gì trong số những việc sau đây ?”, có tới 48% giáo viên cho rằng cần “giảm những công việc ngoài chuyên môn (như làm sổ sách, thu tiền…)”, đứng hàng thứ ba trong số các nguyện vọng của giáo viên (xem Bảng 5). Điều đáng nói là, ngoài các loại công việc phải kiêm nhiệm như trên, người giáo viên còn phải gánh chịu nhiều áp lực ngay trong lao động chuyên môn của mình, như: chương trình quá tải, sách giáo khoa có nhiều nội dung nặng nề và không thích hợp, cách ra đề thi nhiều khi bất hợp lý, áp lực hoàn thành chỉ tiêu phổ cập giáo dục ở địa phương, áp lực của các phong trào thi đua, áp lực của các đợt thanh tra, kiểm tra và dự giờ... Khi được hỏi rằng “đâu là những vấn đề mấu chốt dẫn tới tình trạng giảm sút chất lượng dạy và học hiện nay trong nhà trường ?”, có 29% giáo viên trong mẫu điều tra trả lời là do “áp lực của chỉ tiêu thi đua”, nằm trong số năm nguyên nhân mà giáo viên cho là mấu chốt nhất. Còn khi được hỏi về nguyện vọng, có 32% giáo viên cho rằng cần “loại bỏ các chỉ tiêu thi đua trong nhà trường” (xem Bảng 5).
Phần lớn giáo viên (79%) cảm thấy “bị áp lực về chỉ tiêu, thành tích trong hoạt động giảng dạy”, trong đó 6% cảm thấy điều này “rất thường xuyên”, 19% “thường xuyên”, và 54% “thỉnh thoảng”. Bệnh thành tích, vốn luôn đi đôi với bệnh hình thức và bệnh phong trào, là một trong những áp lực nặng nề đối với giáo viên hiện nay. Chúng ta hãy xem một số ý kiến trả lời cuộc điều tra như sau. “Hiện nay ngành giáo dục đang chống bệnh thành tích, nhưng thực chất hiện tại vẫn còn xét vấn đề này trong thi đua, và là phần lớn quyết định kết quả thi đua của mỗi giáo viên. Không nên phân loại giáo viên. Hồ sơ sổ sách còn quá nặng nề” (giáo viên mã số 39). “Thành tích vẫn còn bị xem trọng trong cơ chế nhà trường” (GV 980). “Chịu nhiều áp lực nên khó giáo dục đạo đức cho học sinh. Chịu nhiều áp lực chỉ tiêu thi đua từ trên đưa xuống” (GV 354). Có nguyện vọng “không phải chạy theo chỉ tiêu, bệnh thành tích và bệnh hình thức” (GV 896). “Áp lực chỉ tiêu thi đua (học sinh lên lớp cuối năm) khiến giáo viên chưa mạnh dạn để học sinh kém kiến thức ở lại lớp. Hậu quả là không ít học sinh ‘ngồi nhầm lớp’, giáo viên giảng dạy rất vất vả. Theo tôi, nên giảm bớt chỉ tiêu học sinh lên lớp cuối năm (thành chỉ tiêu phụ), nếu cần cũng nên mạnh dạn để các học sinh yếu kém kiến thức rèn luyện lại ; giảm bớt áp lực cho giáo viên, mà học sinh cũng tránh được tâm lý ỷ lại ‘học không bao giờ có chuyện ở lại lớp’“ (GV 218). “Không nên áp đặt chỉ tiêu cho giáo viên trong việc xét thi đua. Bức xúc về vấn đề như sau: nếu giáo viên thực hiện theo 2 không và 4 nội dung thì chất lượng thấp, dẫn đến kết quả là không xét thi đua cuối năm, dẫn đến kết quả là có thể không được đứng lớp ; còn đối với giáo viên chạy theo thành tích không thực hiện theo 2 không và 4 nội dung thì cuối năm được khen thưởng và được đứng lớp tiếp. Vậy thì nên thực hiện hay không ? Thật sự vấn đề này là chuyện rất bức xúc của giáo viên” (GV 40). Tựu trung, các chỉ tiêu và phong trào đều là những chỉ đạo từ “bên trên” (ban giám hiệu, phòng, sở và bộ giáo dục) áp đặt xuống mà người gánh chịu cuối cùng là giáo viên. Chúng ta cần nói rõ rằng “chủ nghĩa thành tích” hoàn toàn không phải là bệnh của giáo viên, càng không phải của học sinh hay phụ huynh, mà cần thẳng thắn nhìn nhận rằng đây chính là bệnh của bộ máy, của quan chức, và tất nhiên không chỉ là bệnh của ngành giáo dục mà thôi (9) (11) (14). Hệ quả của căn bệnh này là làm mỏi mòn tâm huyết và lãng phí năng lượng của giáo viên, ràng buộc và trói tay người giáo viên, buộc họ phải có thái độ “cam chịu” một cách chẳng đặng đừng, không những không tạo điều kiện cho nhà giáo phát huy tính chủ động của mình trong lớp học mà còn ảnh hưởng nặng nề tới mối quan hệ sư phạm giữa nhà giáo với học trò. Các nhà quản lý hay đổ lỗi cho giáo viên, nhưng suy cho cùng, nhà giáo cũng chỉ là nạn nhân của lối tư duy quản lý máy móc dựa trên chỉ tiêu và thành tích. b. Áp lực đối với học sinh Áp lực nặng nề không phải chỉ xảy ra đối với người giáo viên, mà kể cả với người học trò, khi phải đối phó với một chương trình bất hợp lý, những bộ sách giáo khoa quá tải, và phải liên tục đi học thêm mà không còn thời gian nghỉ ngơi hay vui chơi. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã ra những qui định nhằm hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, nhưng cho đến tận hôm nay, dường như căn bệnh này không hề thuyên giảm. Kết quả cuộc khảo sát của chúng tôi cho biết có tới 48% học sinh trong mẫu điều tra ở năm tỉnh thành có đi học thêm, trong đó 22% học thêm ngay tại trường, và 26% học thêm tại nhà thầy cô. Tỷ lệ đi học thêm cao nhất là ở cấp THPT: 65%, trong khi ở cấp THCS là 51%, và tiểu học 35%. So sánh giữa các tỉnh thành trong mẫu khảo sát, TPHCM là nơi có tỷ lệ đi học thêm cao nhất: 75%, trong khi ở Trà Vinh và Vĩnh Long là 35%, An Giang 21%, và Dak Lak 66%. Một phụ huynh ở Quận 3, TPHCM, trong cuộc phỏng vấn nhóm do chúng tôi tổ chức vào ngày 19-12-2007, nhận xét: “Bây giờ, tôi thấy các cháu đến trường không yêu trường như xưa. Đấy là nó phải đến, nó phải học, nhưng mà nó rất sợ. Sợ nhiều vấn đề lắm. Sợ nhiều vấn đề khắt khe quá… Thiếu cái tình cảm giữa cô giáo, thầy giáo với các cháu như cha mẹ với con cái…” Tình hình những năm gần đây trở nên thực sự nghiêm trọng đến mức mà có phụ huynh nói một cách có phần hơi cực đoan rằng hình ảnh nhà trường giống như một thứ “nhà tù” (xem Tuổi trẻ, 26-1-2005, tr. 10), hay thậm chí một “trại lính” (Tuổi trẻ, 20-5-2005, tr. 10). Xét về mặt nào đó, những hậu quả do nền giáo dục hiện nay gây ra đối với học sinh cần được khảo sát và mổ xẻ một cách có hệ thống để xem đấy có phải là những dạng “bạo hành” đối với các lứa tuổi trẻ em hay không, có vi phạm những nguyên tắc sư phạm và những quyền lợi căn bản của trẻ em mà Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã minh định hay không.
4. Cần
cải tổ
chính sách tài chính giáo dục Dưới đây là một số kiến nghị chính rút ra từ những nhận định qua kết quả cuộc khảo sát này. a. Miễn hoàn toàn học phí và tất cả các khoản thu ở nhà trường công lập đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở Kết quả cuộc khảo sát cho biết chi phí cho việc học hành của con cái ở các bậc phổ thông hiện nay thực sự là gánh nặng đối với nhiều gia đình, nhất là những gia đình nghèo. Phần chi của ngân sách nhà nước chiếm 59% trong tổng chi phí xã hội cho giáo dục trên cả nước vào năm 2006, còn phần chi của người dân chiếm tới 41%, một trong những tỷ lệ cao nhất vùng Đông Á (4) (19). Không phải nhà nào cũng có sẵn tiền để đóng tiền trường cho con khi tới hạn. Có 31% phụ huynh trong mẫu điều tra trả lời là phải “đi vay mượn để đóng học phí”, 14% “xin hoãn với nhà trường”. Mặt khác, kết quả phân tích cũng nêu rõ một tình trạng đáng báo động, đó là sự bất bình đẳng về điều kiện cũng như về cơ hội học tập. Chính chế độ thu học phí và đủ mọi khoản thu ở nhà trường công lập phổ thông hiện nay đang tạo ra một rào cản lớn lao đối với con em vùng nông thôn và con em gia đình nghèo thành thị trong việc tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ giáo dục phổ thông mà trên nguyên tắc phải dành cho mọi trẻ em (15). Chế độ thu phí này, dựa trên quan điểm “thu đủ bù chi” hay thu “theo khả năng thu nhập”, thực chất là biểu hiện của một chính sách dựa trên lôgic kinh tế tư nhân hóa. Nếu quan niệm rằng chủ trương “xã hội hóa” chủ yếu chỉ là thu hút sự đóng góp tài chính của người dân, thì đây là một cách hiểu sai lạc và tai hại. Việc tìm cách gia tăng nguồn chi tiêu của người dân (vốn đã hết sức cao) vào nền giáo dục công lập thực chất là “một hình thức tư nhân hóa được che đậy” (1). Thực ra, chúng ta cần nhớ lại rằng chủ trương thu phí trong trường công đã ra đời trong bối cảnh khủng hoảng của thời bao cấp, kể từ khi nhà nước cho phép thu “quĩ bảo trợ nhà trường” vào năm 1981, và chính thức gọi là “học phí” từ năm 1989. Bây giờ, đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại và sửa đổi chủ trương này. Chúng tôi kiến nghị nhà nước cần sớm miễn phí hoàn toàn ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở theo đúng như tinh thần phổ cập giáo dục ghi trong Hiến pháp và Luật giáo dục. Việc miễn hoàn toàn học phí và các khoản thu trong trường công lập thực chất là nỗ lực bảo đảm nguyên tắc công bằng xã hội, và xác lập lại trách nhiệm của nhà nước đối với nền giáo dục quốc gia, chứ không hề là một yêu sách xuất phát từ “tâm lý ỷ lại của thời bao cấp” như có ý kiến đã nêu (5). Khi Hiến pháp nói công dân có quyền và nghĩa vụ học tập, thì điều này không phải chỉ vì lợi ích của cá nhân và gia đình, mà còn vì và trước hết vì lợi ích của cả quốc gia. Lợi ích của sự đầu tư giáo dục không chỉ mang tính chất nội tác, tức có lợi cho chính người đi học, mà còn mang tính chất ngoại tác, tức đem lại nhiều lợi ích khác cho cả xã hội (13). Tình trạng bỏ học hay thất học không chỉ gây ra thiệt thòi cho trẻ em và gia đình, mà chắc chắn còn ảnh hưởng tới số phận của cả quốc gia. Một nền giáo dục yếu kém hiện tại sẽ để lại những hậu quả khó lường cho tương lai kinh tế-xã hội vài chục năm sau. Chính vì thế, người ta thường coi giáo dục là một thứ lợi ích công, và sản phẩm của nó như một thứ tài sản công. Về ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, nếu quả thực ngân sách còn eo hẹp và chưa thể đảm đương nổi hết cấp trung học phổ thông (THPT), thì nhà nước cần thiết kế lại cách phân bổ ngân sách, làm sao để có thể tập trung ngân sách vào hai bậc học căn bản là tiểu học và THCS. Học sinh phải được hoàn toàn miễn phí ở hai cấp này. Và nhà giáo trường công lập phải sống được bằng đồng lương một cách xứng đáng, chứ không thể tiếp tục duy trì tình trạng lương không đủ sống và buộc phải đi dạy thêm, làm thêm như hiện nay nơi khá đông nhà giáo. Ở cấp THPT, nhất là tại một số thành phố lớn, nhà nước có thể mạnh dạn, chẳng hạn, chuyển những cơ sở mà ngân sách chưa đủ sức gánh vác thành những trường bán công hoặc tư thục. Trường THPT nào vẫn được giữ lại làm trường công, thì cũng phải miễn hoàn toàn học phí và tất cả các khoản thu. Ai muốn vào học, phải qua thi tuyển. Như vậy, con em gia đình nghèo vẫn có cơ may được vào học trường công, nếu học giỏi và thi vào đậu, chứ không phải chỉ học sinh có tiền mới được vào học. Đây là một bước lùi, quả thực là một bước lùi đau xót, nhưng cần thiết, đối với hệ thống giáo dục phổ thông công lập hiện nay, nhằm khôi phục nguyên tắc “công ra công, tư ra tư”. Bảo vệ nguyên tắc này không phải là chuyện mang tính hình thức, mà là nhằm khôi phục vị thế và tính chất đúng đắn của trường công. Đối với nguyện vọng chính đáng của những gia đình khá giả mong muốn con em mình được hưởng dịch vụ giáo dục tốt hơn, nhà nước nên khuyến khích mở những trường bán công hoặc tư thục chất lượng cao, có thu học phí cao, chứ không nên để cho trường công lập tự mình đứng ra đáp ứng nhu cầu này. Mô hình “trường công lập tự chủ tài chính” đang thử nghiệm hiện nay, theo chúng tôi, là một mô hình bất hợp lý vì thực chất đang tuân theo lôgic kinh doanh tư nhân hóa, và mâu thuẫn với bản chất công bằng của trường công. b. Cải tổ phương thức quản lý giáo dục, và khôi phục quyền tự chủ sư phạm cho nhà giáo Để những kiến nghị trên đây về học phí cũng như về tiền lương giáo viên có thể trở thành khả thi, hiển nhiên là nhà nước cần tính toán một cuộc cải tổ sâu rộng về chính sách tài chính đối với giáo dục (19). Thực ra, thu nhập của giáo viên hiện nay không phải chỉ xuất phát từ ngân sách nhà nước, mà một phần lớn còn từ học phí và các khoản thu khác tại nhà trường. Nói cách khác, thu nhập thực của giáo viên không phụ thuộc vào thang bậc lương thống nhất của nhà nước, mà phụ thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương và thậm chí từng trường. Chính chế độ tiền lương bất hợp lý nói riêng, và chính sách tài chính trong giáo dục nói chung, đã dẫn đến những hệ quả xáo trộn trong đời sống nhà giáo (phải vất vả dạy thêm, làm thêm...), những đảo lộn trong mối quan hệ giữa nhà giáo với học sinh, cũng như những hệ quả phức tạp của chế độ thu các loại phí ở nhà trường, không khác gì bao nhiêu so với tình trạng “ba lợi ích” hay “xí nghiệp đời sống” trong nền công nghiệp thời bao cấp ! Tình cảnh này không thể không ảnh hưởng tới sự an tâm của nhà giáo. Khi được hỏi rằng “thầy/cô có yên tâm công tác với mức thu nhập” tại nhà trường hay không, chỉ có 35% nói mình “yên tâm”, và có tới 60% nói là mình “không yên tâm”. Còn khi được hỏi rằng “nếu được lựa chọn lại, thầy/cô có chọn theo nghề giáo không ?”, 76% giáo viên trong mẫu điều tra trả lời “vẫn chọn”, 13% nói sẽ “không chọn”, 8% nói “không biết”. “Nếu có một công việc khác có thu nhập cao hơn, thầy/cô có chấp nhận bỏ nghề giáo không ?”, chỉ có 8% trả lời là “chấp nhận bỏ”, 67% nói “vẫn theo nghề giáo”, nhưng có tới 21% nói là “chưa biết” – tức biểu hiện một thái độ phân vân hay bất an nào đó. Nhưng nhà giáo hiện nay không chỉ bị áp lực bởi đồng lương. Theo kết quả khảo sát, phần lớn giáo viên đều ít nhiều cảm thấy bị áp lực về chỉ tiêu và thành tích trong hoạt động giảng dạy. Xu hướng chạy theo thành tích thực sự đã trở thành một căn bệnh đang làm tê liệt cả thầy lẫn trò. Chúng tôi kiến nghị nhà nước cần bãi bỏ ngay việc đề ra các chỉ tiêu buộc giáo viên phải hoàn thành, giã từ “chủ nghĩa thành tích”, và giải thể những phong trào vô bổ, hình thức, vì lối tư duy thành tích này không những làm lãng phí ghê gớm tâm sức sư phạm của nhà giáo, mà còn trực tiếp hay gián tiếp đẻ ra những căn bệnh gian dối và suy thoái về mặt đạo đức xã hội (3) (11). Đồng thời, cần mạnh dạn cải tổ phương thức quản lý giáo dục cũng như mô hình quản trị nhà trường theo một lộ trình thích hợp để thực sự trao trả lại quyền tự chủ sư phạm cho nhà giáo (10). Đối với nhiệm vụ giảng dạy của người giáo viên phổ thông, Bộ GD-ĐT chỉ cần quản lý khâu mấu chốt, đó là chương trình. Còn về cách phân phối chương trình và sách giáo khoa, cần trả lại cho quyền chủ động của nhà giáo. Cần sớm cải tổ lại nội dung chương trình giáo dục hiện hành một cách căn bản, và làm sao “cởi trói” để những giáo viên giỏi có thể tham gia biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, chấm dứt sự độc quyền của nhà nước. Quyền lựa chọn dạy theo sách giáo khoa nào phải thuộc về nhà trường và nhà giáo, chứ không phải thuộc về Bộ GD-ĐT (8) (7). Định chế giáo dục là một định chế thuộc xã hội dân sự, chứ không phải là một định chế chính trị như chính phủ, quốc hội, ủy ban nhân dân... Nhà trường không phải là một cơ quan hành chính, mà là nơi dạy học. Trường công lập hoạt động dựa trên ngân sách nhà nước, nhưng chủ thể của hoạt động giáo dục chính là nhà giáo, là nhà trường, chứ không phải nhà nước. Chính căn bệnh “nhà nước hóa” nhà trường là một nguyên nhân sâu xa dẫn tới những hiện tượng tiêu cực và đảo lộn trong đời sống giáo dục (12). Chúng tôi cho rằng có thực sự thay đổi quan điểm về triết lý giáo dục, về chính sách quản lý giáo dục cũng như tài chính giáo dục, thì may ra mới có khả năng khởi sự quá trình khôi phục lại chất lượng giảng dạy và học hành đúng đắn trong một môi trường sư phạm lành mạnh mà đất nước đang kỳ vọng.
Trần Hữu Quang * Phần lớn nội dung bài này đã được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, trong các số ra ngày 24-4-2008, 1-5-2008, 8-5-2008 và 15-5-2008.
Tài liệu tham khảo (1) Mark Bray, Counting the Full Cost. Parental and Community Financing of Education in East Asia, Washington D.C., World Bank, United Nations Children's Fund, 1996. (2) Fabien Fenouillet, “La motivation à l’école”, bài trong trang web Apprendre autrement aujourd’hui, www.cite-sciences.fr. (3) GS Hoàng Tụy và một số nhà giáo, nhà khoa học, Bản kiến nghị về việc chấn hưng, cải cách và hiện đại hóa giáo dục, Tuổi trẻ Online, 3-9-2004. (4) Raja Bentaouet Kattan, Nicholas Burnett, User Fees in Primary Education, World Bank, 7-2004. (5) Kim Dung, “Học phí mới – Bài toán đang tìm lời giải”, kỳ III, “‘Quả bóng’ học phí đại học được đẩy về Bộ”, Nhân dân, 21-12-2007, tr. 5. (6) Lưu Thủy, bài phỏng vấn GS Hoàng Tụy, “Chấn hưng giáo dục trong tình hình mới”, tạp chí Tia sáng, số 15, tháng 8-2006, tr. 30. (7) Mai Lan, “Tư duy quản lý giáo dục đang 'bó tay' người thầy”, Sài Gòn Giải phóng, 2-2-2004. (8) Nguyễn Ngọc Đào (bài phỏng vấn), “Dân sự hóa giáo dục: Bộ không nên ‘ôm’ nữa !”, Pháp luật TPHCM, 16-5-2005. (9) Trần Hữu Quang, “Cần bãi bỏ ngay các ‘chỉ tiêu’ trong giáo dục”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 6-11-2003, tr. 38-39. (10) Trần Hữu Quang, “Tính tự chủ sư phạm”, tạp chí Tia sáng, số 14, 20-10-2005, tr. 52-54. (11) Trần Hữu Quang, “Chuyện ‘thi đua’ trong giáo dục”, tạp chí Tia sáng, số 18, 20-9-2006, tr. 42-44. (12) Trần Hữu Quang, “Thử bàn về triết lý giáo dục”, Diễn đàn (Forum), 25-2-2008. (13) Trần Nam Bình, “Đổi mới giáo dục tại Việt Nam: Một vài nhận định từ quan điểm chính sách kinh tế”, tạp chí Thời đại mới, số 6, tháng 11-2005. (14) Trần Thượng Tuấn, “ ‘Tư duy’ chỉ tiêu”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 7-9-2006, tr. 22. (15) UNESCO, “The World Declaration on Education for All. Meeting Basic Learning Needs”, Jomtien, Thailand (5-9 March 1990). (16) Vụ Kế hoạch-tài chính, Bộ GD-ĐT, “Giáo dục Việt Nam: đầu tư và cơ cấu tài chính. Số liệu từ năm 2000 đến 2006”, Hà Nội, 10-2007. (17) Vũ Quang Việt, “Chi tiêu cho giáo dục: Những con số 'giật mình'!”, VietNamNet, 13-2-2006. (18) Vũ Quang Việt, “Giáo dục tư hay công nhìn từ góc độ lý thuyết kinh tế”, Seminar về cải cách giáo dục, 2005. (19) Vũ Quang Việt, “Phát triển giáo dục, vai trò của học phí, trách nhiệm và khả năng ngân sách nhà nước”, 4-2008.
© Thời Đại Mới
14-4-08
|