thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 15  - Tháng 3/2009

 


 

Đường chữ U (đứt khúc) của Trung Quốc
[Việt Nam gọi là đường lưỡi bò]
trên biển Nam Trung Hoa:
Các điểm, đường và khu vực

"The Chinese (Broken) U-shaped Line in the South China Sea:
Points, Lines, and Zones
"
Contemporary Southeast Asia, Bộ 25, Số 3 (2003), tr. 405-30

Peter Kien-Hong Yu
 

 

Lời tòa soạn Thời Đại Mới:

Bài viết này quan trọng ở chỗ nó phản ánh các quan điểm của Trung Quốc và Đài Loan là quyết không từ bỏ chủ quyền trong đường chữ U, tức là đường lưỡi bò theo cách gọi của Việt Nam, và bản thân tác giả lập luận ủng hộ các quan điểm đó. Tác giả là Giáo Sư Đại học Ming Chuan, Trường Sau Đại học về Ngoại Giao ở Đài Loan.   

Các chú thích của người dịch được để trong […] với chữ nghiêng. Các chú thích của tác giả cũng có thể có, để trong  […] nhưng với chữ thẳng đứng

Xisha, đọc là Tây Sa, Việt Nam gọi là Hoàng Sa, tức nhóm đảo Paracels. Zhongsha, đọc là Trung Sa, Việt Nam cũng gọi là Trung Sa, là nhóm bãi cát ngập nước Macclesfield Bank nằm ở phía đông của nhóm đảo Hoàng Sa.

Nansha, đọc là Nam Sa, Việt Nam gọi là Trường Sa, tức nhóm đảo Spratleys. Luật Biển hay Công ước Biển 1982 được dùng trong bài là nói về cùng một bộ luật của Liên Hợp Quốc về biển.

  

Bài báo này phân tích các tác động tích cực và tiêu cực của đường chữ U (biên giới lãnh hải) trên Biển Nam Trung Hoa (NTH) cũng như các điểm đáng quan tâm còn chưa rõ ràng. Các tác động tích cực của đường này bao gồm nhận định cho rằng đường này không phải là chủ ý của Đài Loan và Trung Quốc nhằm gộp biên giới quốc tế vào biên giới quốc gia (national framework). Các tác động tiêu cực bao gồm những gánh nặng đối với lực lượng hải quân Trung Quốc. Bài báo này cũng sẽ trả lời những câu hỏi về  bản chất mối quan hệ giữa đường chữ U và các vùng đặc quyền kinh tế của Cộng sản Trung Quốc (Communist Exclusive Economic Zones), lập luận rằng mối quan hệ phi mâu thuẫn này cần được xem như là sự bảo hiểm hai lần mà cả Đài Loan và Trung Quốc đang nỗ lực đầu tư.

 

Giới thiệu

Kể từ khi luật quốc tế liên quan đến đất, trời và biển ra đời, các khái niệm về điểm, đường và khu vực dù là thực hay không trở nên rất quan trọng. Mối quan hệ giữa các điểm, đường và khu vực tuân theo luật về hình học: hai điểm nối với nhau tạo thành một đường, cần ít nhất hai điểm để vẽ thành một đường và cần ít nhất một đường để hình thành nên một vùng.

Trong thuật ngữ của luật hàng hải, các điểm có thể được gọi là điểm cơ sở hoặc điểm tiếp giáp 3 bên (trijunction points) (bỏ qua những vấn đề khác nữa). Định nghĩa về đường khá phức tạp, từ các khái niệm chung chung như đường cơ sở, đường thẳng, đường xác định điểm tận cùng được đồng ý[1] (agreed closing lines) và đường lạch sâu (đường tưởng tượng cắt dọc theo phần sâu nhất của một luồng nước chính, ví dụ, của một con sông) cho đến các khái niệm cụ thể ví dụ như đường Xanh chia cắt vùng Đông và Tây Beirut của Lebanon, hoặc đường Mogadishu (hình thành từ đầu năm 1993) hoặc đường Attila chia cắt vùng Cypriot của Thổ Nhĩ Kỳ trên phần phía Bắc của đảo Síp khỏi vùng Nam Cypriot của Hy Lạp, hoặc là đường Giới hạn Phía Bắc (North Limit) đơn phương quyết định  giữa Bắc và Nam Triều Tiên, hay là Đường Kiểm Soát ở vùng tranh chấp Kashmir (giữa Ấn Độ và Pakistan). Các đường có thể trở thành vùng biển ở một dạng nào đó: ví dụ, Công ước Liên Hiệp Quốc Lần Thứ Ba vào tháng 4 năm 1982 về Luật biển (dưới đây gọi là Luật biển 1982) không quy định về vùng ven bờ biển (coastal zone) và điều này cho thấy Luật biển 1982 có những chỗ chưa rõ ràng và có lỗ hổng về luật pháp.

Bài báo này tập trung phân tích đường chữ U của Trung Quốc. Đây vốn là đường ranh giới biển của Trung Quốc trên biển Nam Trung Hoa (NTH), vùng nước lớn thứ 5 trên thế giới và giao diện với các vùng nước tính từ bờ bốn nước Đông Nam Á (ĐNA). Phần đầu của bài này đề cập đến các ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của đường chữ U cũng như xem xét các điểm đáng quan tâm khác còn chưa rõ ràng. Phần hai nghiên cứu về mối quan hệ giữa đường chữ U và các khái niệm hàng hải khác.

Trước tiên, điều cần nhấn mạnh là theo quan điểm của tác giả bài này, trong bối cảnh thiếu vắng một chính phủ toàn cầu hiệu quả để thực thi các luật quốc tế và trừng phạt nước vi phạm, các hình thái chính trị khác nhau sẽ chi phối vũ đài quốc tế. Chiến tranh cũng có thể xảy ra như là một hệ quả của đấu tranh chính trị. Nhiều chuyên gia về luật quốc tế đã thừa nhận rằng ý chí chính trị  là cần thiết để giải quyết các tranh chấp luật pháp trên biển, đặc biệt trong bối cảnh là không có một sự nhất quán về cách hành xử của con người trong lĩnh vực này. Vì thế, người ta lập luận rằng thay vì áp dụng luật biển, các hình thức vũ lực (chính trị và/hoặc quân sự) sẽ quyết định số phận của các điểm, đường và vùng tranh chấp trên biển; và điều này sẽ là nguyên tắc trong ít nhất vài thập kỉ tới.[2]

Một ví dụ điển hình đó là Huangyan Dao (cũng được biết tới là đảo Dân chủ hay Scarborough), là một phần của nhóm đảo Trung Sa (Macclesfiend Bank).[3] Cho đến gần đây, số phận hòn đảo này không còn quan trọng đối với hầu hết các chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài vì nhóm đảo Trung Sa đã bị chìm (theo quan sát của Chiu Hungdah) và vì thế theo luật quốc tế, cả Trung Quốc và Đài Loan không thể nói là họ sở hữu nó.[4] Tuy vậy, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với Huangyan Dao, và gộp nó vào nhóm đảo Trung Sa [Việt Nam cũng gọi là Trung Sa] vẫn bị coi là một sự gian lận. Theo quan điểm của Trung Quốc việc này cũng tương tự như trường hợp Mỹ chiếm đảo Hawaii. Tuy vậy trường hợp Huangyan Dao cần được xem xét trong sự liên quan đến vấn đề đường chữ U sẽ được đề cập chi tiết dưới đây.

 

Đường chữ U

Trước hết, tôi nói về căn nguyên của của đường chữ U, được Hu Jinjie, một người chuyên vẽ bản đồ người Trung Quốc, vẽ lần đầu tiên vào tháng 12 năm 1914, sau khi nước Cộng hòa Dân Quốc giành lại nhóm đảo Dongsha (hay Pratas) từ đế quốc Nhật vào tháng 10 năm 1909 (theo lịch âm Trung Quốc). Các bản đồ của Trung Quốc xuất bản từ giai đoạn những năm 1920 và 1930 sau đó đều dựa trên bản vẽ của Hu về vùng biển này.[6]

Đường chữ U trên biển Nam Trung Hoa (NTH) được chính thức vẽ bởi Bai Meichu, một viên chức thuộc nhà nước Cộng hòa Dân Quốc (Republic of China)[7], vào tháng 12 năm 1947. Các vùng phía bên trong đường này được coi là các vùng nước lịch sử (historic waters). Lập luận của Bai về việc vẽ đường này không thực sự rõ ràng, mặc dù có một đường tương tự xuất hiện trên New China’s Construction Atlas do ông biên tập vào giữa những năm 1930.[8] Một điều cũng chưa rõ đó là liệu Bai có đủ kiến thức về luật hàng hải quốc tế trong thời điểm ông vẽ hay không. Tuy vậy có nhiều khả năng là ông chủ yếu bị thôi thúc bởi bản năng sở hữu sơ khai (nghĩa là như người ta thường nói quan điểm là 9 phần 10 của luật pháp). Thực tế là Bai nhận rằng người Pháp đã chiếm đóng (từ tháng 7 năm 1933) sáu hòn đảo trên nhóm đảo Nansha, Nam Sa (hay Spratly) [tức là Trường Sa theo Việt Nam] trên biển Nam Trung Hoa và anh ta nói rằng hoặc có thể cho là cảm thấy chủ quyền của Trung Quốc cần phải được bảo vệ.[9] Hiệp định tháng 6 năm 1887 giữa nhà Thanh và Pháp phân chia vịnh Bắc Bộ (Beibu) (hay Tonkin;  kéo dài thêm về phía nam của vịnh Bắc Bộ để gộp thêm vào tất cả các đảo ở Biển NTH) cũng có thể đã ảnh hưởng đến ý đồ của Bai nhằm bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.[10] Tuy vậy, Bai chỉ đề cập đến nhóm đảo Nam Sa trong atlas của mình hoặc trên bản đồ của nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và không tham chiếu tới bất cứ tài nguyên động thực vật nào trong khu vực đường chữ U. Ông cũng không hề đề cập tới không phận phía trên miền biển chữ U của Trung Quốc.

Bai có thể chỉ quan tâm về chủ quyền của Trung Quốc, nhưng có thể dựa vào lịch sử và văn hóa để giải thích tính chất đường anh ta vẽ. Trung Quốc (cho đến những thập kỉ gần đây) đã có xu hướng hướng vào lục địa, tự kỷ và vì thế muốn xây dựng những “bức tường” xung quanh mình.[11] Việc xây dựng những bức tường này là một biện pháp phòng vệ nói chung để đảm bảo sự bình yên tâm trí trong bối cảnh Trung Quốc, vốn không xa lạ gì với các cuộc nội chiến, đang ngày càng trở nên thân thiện với các nước.[12] Tôi sẽ nói kĩ hơn về sự xây dựng các bức tường trong văn hóa Trung Quốc dưới đây.

Ví dụ gần gũi nhất về bức tường là ở góc độ cá nhân hay gia đình. Một trường hợp điển hình đó là siheyuan – Tứ Hòa Viên (một cái sân trong với các ngôi nhà ở xung quanh tạo thành một hình tứ giác) thời nhà Minh và nhà Tần.[13] Một ví dụ dễ thấy ở góc độ quốc gia là Vạn lý trường thành. Harry Ying Cheng Kiang mô tả Vạn lý trường thành (hay Willow Wall) như là các “mốc” biên giới của Trung Quốc.[14]  Các hình thành địa lý tự nhiên cũng tạo thành các bức tường: các sườn núi ở phía Đông bảo về vùng Trung Nguyên chiến lược (vùng đồng bằng miền trung Trung Quốc), mà trong lịch sử khi kiếm soát được vùng này sẽ đảm bảo việc kiểm soát Trung Quốc. Tương tự như vậy, vùng biển Bột Hải,[15] Hoàng Hải và Đông Hải cũng đóng vai trò là các rào chắn tự nhiên, tránh được kẻ “mọi rợ”  tiến vào vùng đất thuộc các bờ biển Đông Nam Trung Quốc đại lục. Vì thế đường chữ U có thể coi là một đường ở phía Nam tương tự với Vạn lý trường thành ở phía Bắc, trải dài bao cả đảo Zengmu Ansha (hay James Shoal, bao gồm cả các bờ biển chìm) và trở thành vùng lãnh thổ xa nhất về phía Nam của Trung Quốc. Có thể lập luận rằng sự xuất hiện muộn màng của bức tường phía Nam này là do Trung Quốc trước đó vốn không tự coi mình là một quốc gia có sức mạnh về hàng hải (a maritime power) và cũng như do chưa có những đe dọa từ phía Nam cho đến khi cách mạng công nghiệp nổ ra và người châu Âu mở rộng thuộc địa.

Điều đáng nói ở đây là việc Trung Quốc vẽ đường chữ U trên Biển NTH là một hành động đối phó đón đầu (pre-emptive act) những bất ổn trong tương lai, và hơn nữa là hành động trước khi các thực thể quốc gia khác (bao gồm cả đế chế Anh) thực sự kiên quyết đặt ra để giải quyết các vấn đề chủ quyền trên biển Nam Trung Hoa. Không có bất cứ một thực thể quốc gia hay thực thể chính trị nào phản đối bằng đường ngoại giao khi Trung Quốc vẽ đường chữ U này. Vì thế, đường chữ U có thể lập luận là nó có một vị thế tốt hơn, chứ không chỉ đơn giản là yêu sách của Trung Quốc, và trong thực tế, ngụ ý của nó bao gồm cả chủ quyền của Đài Loan và Trung Quốc đại lục.

Tuy vậy, một số nước đã bắt đầu thách thức quyền sở hữu của cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đối với vùng Biển NTH. Quyền sở hữu này được hiểu là quyền sở hữu các vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế (kể cả vùng đặc quyền khai thác đánh bắt cá) và thềm lục địa v.v. Chỉ từ khi sự việc này bắt đầu thì các học giả mới đề cập đến đường chữ U như là yêu sách của người Trung Quốc hoặc là yêu sách lãnh thổ (an areal claim).[16] Về các thách thức này, tôi sẽ mở rộng phân tích của mình về bức tường hình chữ U theo quan điểm của cả Trung Quốc và Đài Loan.

 

Các khía cạnh tích cực của đường chữ U

Có một số khía cạnh tích cực của đường chữ U góp phần làm tăng tính thuyết phục trong lập luận của Đài Loan và Trung Quốc. Thứ nhất, đường chữ U không phải là dụng ý của Trung Quốc trong việc biến biên giới quốc tế thành biên giới quốc gia.[17] Người Hoa vốn không mấy thích thú với việc trở thành bá chủ về hàng hải.[18] Trong khi sự thật là Trung Quốc đã thiết lập Lực lượng Kiểm soát Hàng hải Biển phía Nam (South Sea Marine Surveillance Force) vào tháng 5 năm 2000, mục đích của lực lượng hải quân này là bảo vệ các quyền lợi của Trung Quốc và tìm hiểu các nguồn tài nguyên biển và hải sản trên Biển NTH. Vào tháng 11 năm 2002, Trung Quốc đã kí quy tắc ứng xử với mười nước ĐNA nhằm tránh leo thang căng thẳng đối với vấn đề nhóm đảo Trung Sa trên Biển NTH. Sau đó cuối tháng 6 năm 2003, Trung Quốc đã kí Hiệp ước về quân sự và hợp tác với các nước ĐNA, một quy trình [giải quyết] tranh chấp do ASEAN đưa ra vào tháng 2 năm 1976, theo đó Trung Quốc đồng ý không “tham gia vào bất kì hành động nào tạo nên mối đe dọa về ổn định chính trị và kinh tế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của các nước tham gia kí kết. Cùng với việc đó cũng phải lưu ý rằng trước Trung Quốc, không có bất cứ một quốc gia nào khác yêu sách chủ quyền trên  một vùng rộng lớn của Biển NTH và rằng lý thuyết về biển bao bọc quốc gia (state-centric closed sea) đã xuất hiện lần đầu tiên ở châu Âu, trước khi đường chữ U được vẽ ra.

Thứ hai, đường chữ U đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ dọc eo biển Đài Loan. Như Oran R. Young đề cập “…phong trào [cổ võ] vùng bao bọc liên quan đển khu vực biển sau thời hậu chiến rõ ràng đã cho thấy rằng việc định vùng (zonal arrangement) ngày càng được nhiều nước quan tâm”.[19] Những lợi ích tiềm tàng mà một sự dàn xếp vùng phía trong (và bao gồm) đường chữ U giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ là một quân bài quan trọng trong quá trình thương lượng (hoặc là trao đổi) trên bàn đàm phán.

Ở điểm này, chúng ta cần xem xét một số nguồn khác ủng hộ vấn đề đường chữ U. Ví dụ, một số vụ kiện do Tòa án Quốc tế xử trong đầu những năm 1950 và 1990 đã ủng hộ cho sự tồn tại của các vùng nước lịch sử (mà theo Trung Quốc thì nó giống với khái niệm “đường nội thủy”).[20] Các học giả không phải người Trung Quốc như Park Choon-ho[21] và Iain Scobbie và có thể là cả Greg Austin[22] đã có cùng quan điểm đối với vấn đề đường chữ U. Một số khác, như Mark J Valencia, thì không ủng hộ cho lắm. Ví dụ Valencia đã đề xuất là thiết lập Tổ chức Công quản Trường Sa (Spratly Authority) và hi vọng là Trung Quốc và Đài Loan sẽ từ bỏ đường chữ U đổi lấy việc sở hữu 51% Tổ chức này. Tuy vậy ông ta cũng đề cập đến việc chính phủ Cộng Hòa Nhân dân Trung Quốc vào tháng 5 năm 1992 cho phép Tập đoàn Creston Energy khai thác dầu thô giữa Wanan Tan (hay bãi ngầm Vanguard), và Guangya Tan (hay bãi ngầm Price of Wales) và cho rằng các bãi ngầm này, cách bờ biển Việt Nam 160 hải lý, không thể có riêng vùng đặc quyền kinh tế, điều này cho thấy ông ngụ ý rằng đường chữ U có thể có ích.[23]

Điểm thứ ba khi nói đến những mặt tích cực của đường chữ U là về mặt tương đối không vũ trang, không giống như trường hợp đường Maginot được dựng lên, có thể coi là một ví dụ trái ngược với đường chữ U.[24] Mục đích của đường Maginot là nhằm tránh sự xâm lăng của người Đức vào vùng Alsace-Loraine của Pháp. Được xây trong phạm vi vài kilomet gần biên giới (tiền) Đức Quốc xã, đường Maginot, như Anthony Kemp nói, là “hệ thống pháo đài lớn nhất và cũng có thể là cuối cùng được xây dựng,”. Nó bao gồm các đường khởi đầu nhằm ngăn cản kẻ thù, các đường chính được che bởi các chướng ngại chống tăng và người và một đường bảo vệ cuối cùng ở phía sau.[25] Đường Maginot với khẩu hiệu “Không ai qua nổi” (None Shall Pass) trở nên nổi tiếng như là biểu tượng của ý chí Pháp (và cũng như sự thất bại ê chề của nó).[26] “Ý chí Pháp” này rõ ràng không áp dụng cho trường hợp Biển NTH. Đường chữ U làm tăng cường quyền sở hữu của Trung Quốc và Đài Loan đối với các nguồn động thực vật trong phạm vi đường này và ngụ ý rằng các nước khác phải được phép của Trung Quốc trước khi tiếp cận các nguồn lực đó; rõ ràng đây không phải là một “Vạn lý trường thành đe dọa”.[27]

 

Các khía cạnh tiêu cực của đường chữ U

Việc thiếu tính liền mạch của đường chữ U cũng là điểm yếu, đặc biệt từ quan điểm của các nước đề xuất. Về mặt địa lý, có những ”đoạn hở” (breathing spaces) hoặc là “lối vào” giữa chín phân khúc của đường này (theo bản vẽ của Trung Quốc) hoặc là nằm trên các đoạn điểm chấm (dotted line) (theo bản vẽ của Đài Loan), mà theo đó các tàu thuyền hải quân hoặc phi hải quân có thể đi lại không bị ngăn cản. Nói cách khác, đường chữ U chỉ không phải là một đường liền mạch mà cũng không phải là một bức tường chắn thật như là đường Maginot hay thậm chí như là bức tường Berlin, vốn bao gồm “bê tông, dây thép gai, đài quan sát, mìn, bẫy súng máy và đường tuần tra dành cho lính bảo vệ biên giới và chó tuần tra”.[28] Cũng có thể các quá trình địa chất (ví dụ như sự xuất hiện của đảo mới, hay là sự bồi đắp tự nhiên) cuối cùng sẽ lấp đầy các khoảng trống, nhưng trong lúc chờ đợi, việc thu hẹp các khoảng trống này cũng là một vấn đề đối với Trung Quốc. Các chiến lược khả thi bao gồm việc thiết lập các vùng đặc quyền mới (có thể là dưới dạng khu bảo vệ hàng hải) giữa các phân khúc này.[29]

Trong quá khứ Trung Quốc đã sử dụng các chiến lược bao gồm việc thiết lập các khu quân sự trên Biển NTH, và  (ngoại trừ một số vụ đụng độ nhỏ giữa các bên khác) Đài Loan là nước đầu tiên sử dụng vũ lực để đuổi các cư dân Philipine (gồm có Tomas Cloma và tùy tùng của ông) khỏi đảo Taiping (hay Itu Aba) trong đầu những năm 1960 (hoặc có thể là giữa những năm 1950).[30] Việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc là khó tránh khỏi một khi họ cho rằng một phần lớn của Biển NTH là “hồ Trung Quốc”, tương tự như “các đường nội thủy”. Đường chữ U không chỉ có mặt trên vùng biển phía Nam mà còn cả phía Đông của Trung Quốc, bởi vì như một số học giả và chuyên gia nhận định “rất khó để định nghĩa về biển một cách chính xác, trừ khi những vùng biển đó đã hoàn toàn bị chiếm đóng…”.[31] Ví dụ, Sang-Myoon Rhee và James Mac Aulay cho rằng Biển NTH “vẫn được xem như là “thuộc về” Đông Nam Á”.[32] Trong trường hợp cực đoan, sự khác biệt này có thể chấm dứt khi hai bên của eo biển Đài Loan bất ngờ tuyên bố đóng các khe hở của đường chữ U và tạo thành một đường biên giới liền mạch để xóa đi sự mù mờ.[33]

Trong thực tế bối cảnh cực đoan nhất này chưa xảy ra, mà thay vào đó là các thay đổi về mặt kĩ thuật trong quá khứ. Hình thức thay đổi này không có gì lạ, và cũng không chỉ giới hạn đối với riêng Trung Quốc. Trên vùng Biển NTH, Philipine đã tham gia vào việc vẽ lại các đường biên giới trên bản đồ.[34] Xa hơn, Liên Xô cũ cũng đã từng tranh cãi thẳng thắn với Na Uy về biển Barents, đưa ra những “trường hợp đặc biệt” liên quan đến đường biên giới là đường cắt theo kinh độ chạy từ điểm cuối cùng của đường biên giới hiện tại ở Varangerfjor đến cực Bắc, nhưng có điều chỉnh lệch về phía Đông trên biển Svalbard nhằm tránh cắt qua vùng này theo định nghĩa của Điều khoản 1 của Hiệp ước Svalbard năm 1920.[35] Gần hơn nữa, các thay đổi về kĩ thuật đối với đường biên giới biển bao gồm cả việc chia cắt về giao thông được dựng lên bởi các nước có bờ biển quanh eo Malacca.[36] Ngay cả các tổ chứ phi chính phủ như Hội đồng Hợp tác An ninh Châu Á Thái Bình Dương (Council for Security Cooperation) theo hướng thứ hai tức là trên bình diện không chính thức đã tạo ra những gợi ý hành xử (guidelines) cho việc hợp tác về hàng hải trong khu vực.

Các biện pháp mà Trung Quốc sẽ thực thi nhằm giải quyết vấn đề khe hở trên đường chữ U sẽ phụ thuộc vào các đánh giá của họ đối với những hệ quả có thể xảy ra. Trung Quốc hoàn toàn ý thức rằng Mỹ sẽ chống đối nếu như các đoàn tàu thuyền của Mỹ và máy bay của Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ bị gây trở ngại. Các chiến lược khả thi trong tương lai có thể bao gồm việc thiết lập “trạm thu phí” (toll booth) (do cả Trung Quốc và Đài Loan thực hiện) trong các vùng hổng hoặc ở mức độ ít đe dọa hơn là tạo ra những công viên trên biển hoặc sân chơi trên biển.[37] Các đảo giả hoặc trạm nghiên cứu cũng có thể được thiết lập. Các hành động nói trên có thể được giải thích như là những biện pháp cần thiết, bao gồm cả trừng phạt về tài chính, nhằm ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm do tàu thuyền gây ra như là dầu loang hoặc rò rỉ dầu trong khu vực đường chữ U.[38]

Thứ hai, đường chữ U đem đến quyền (và ưu tiên) cho Đài Loan và Trung Quốc, nhưng nhiều khả năng nó lại tạo ra gánh nặng, đặc biệt kể từ tháng 5 năm 1987 việc Trung Quốc lần đầu tiên cắm cờ trên quần đảo Nam Sa có nghĩa là Trung Quốc đại lục có trách nhiệm chính trong việc việc bảo vệ chủ quyền của toàn bộ Trung Quốc. Trách nhiệm của Trung Quốc gần đây đã tăng lên khi ( từ tháng 2 năm 2000) Lực lượng Kiểm soát Hải biên Đài Loan  (Taiwan’s Coast Guard Command) thay vì Bộ Quốc phòng chỉ trông coi đảo Taiping Dao, và trút gánh nặng bảo vệ nhóm đảo Nam Sa cho Trung Quốc. Các học giả và chuyên gia người nước ngoài cũng không giúp cho tình hình sáng sủa hơn, kể từ tháng 4 năm 1992 sau sự sụp đổ của Liên Xô cũ, khi họ đề xuất quan điểm về “mối đe đọa Trung Quốc” (China threat).[39] Các nhà quan sát đó dường như họ đã quên mất rằng Việt Nam đã xây dựng những hòn đảo nhân tạo trên bãi ngầm Wumie (Pigeon hoặc Tennet)[40] và lo ngại một Trung Quốc hung hăng và muốn bành trướng sẽ bắn những phát súng đầu tiên trên Biển NTH.[41] Thực tế là Trung Quốc đã cam kết bỏ qua những bất đồng và cam kết tham gia vào sự phát triển vì lợi ích chung của khu vực. Hơn nữa, những người giải thích cho “mối đe dọa Trung Quốc” có vẻ như đã bỏ qua những tài liệu như là Quy tắc Ứng xử kí kết giữa Trung Quốc và Philipine tháng 8 năm 1995, theo đó (Điều khoản 2) tuyên bố rằng hai bên cần thực thi những nỗ lực nhằm tránh sử dụng vũ trang hoặc là tránh đe dọa sử dụng vũ trang để giải quyết bất đồng. Khi Trung Quốc mở rộng việc xây dựng các các cấu trúc bê tông làm chỗ trú cho dân đánh cá từ tháng 10 năm 1998 đến tháng 2 năm 1999 (có thể cho phép việc đặt căn cứ hải quân và không quân), và trong tháng 2 năm 1995, khi các cột mốc được đặt trên bãi ngầm Meiji Jiao (mischief reef), một số nhà phân tích đã cáo buộc Trung Quốc đang dần dần xâm phạm về mặt quân sự, dù rằng trước đó, Phililpine đã được thông báo trước.[42] Điều này còn chưa kể đến khó khăn về hậu cần mà Giải phóng Quân Trung Quốc (PLA) sẽ gặp phải để phục vụ số quân lớn hơn trong vùng. Thí dụ như khó tin là có đủ nước lọc đã khử muối để cung cấp liên tục từ tỉnh Hải Nam tới các đảo mà PLA chiếm đóng.  Với cái gọi là “sự hung hăng Trung Quốc”, các nhà phân tích cũng phải xem xét một thực tế là Trung Quốc chưa bao giờ ngăn chặn các hoạt động diễn tập hải quân vào tháng 6 năm 1983 và vào tháng 4 năm 1999 có sự tham gia của Australia, New Zealand, Anh, Singapore và Malaysia theo Thỏa thuận Quốc phòng 5 Bên, “một thỏa thuận quân sự theo đó Australia, New Zealand và Anh sẽ cùng nhau “tham vấn” nếu như Singapore hoặc Malaysia bị tấn công và sẽ quyết định các biện pháp được thực hiện, ở mức độ hợp tác hay riêng rẽ”.[43] Xét về sức mạnh thực tế thì có thể biện luận là Trung Quốc không có khả năng hành xử quyền phủ quyết đối với các hành động quân sự này.

Yếu tố tiêu cực thứ ba của đường chữ U liên quan đến vấn đề phân chia lãnh thổ bên trong đường này giữa Đài Loan và Trung Quốc. Điều này phụ thuộc vào liệu họ có đồng ý hình thành một liên bang (với các đặc điểm Trung Quốc) như một số người cổ võ,[44] hay là đối xử theo kiểu “một chính quyền đặc biệt đối với một chính quyền” (special state to state)  (như đã thực hiện vào tháng 7 năm 1999) hay là dưới những tuyên bố như “chỉ có một quốc gia ở mỗi bên của eo biển Đài Loan” (do Đài Loan tuyên bố vào tháng 8 năm 2002). Không có bên nào ở hai bên eo biển Đài Loan tuyên bố về các tọa độ địa lý trong phần sở hữu của họ (nhiều khả năng là họ không thống nhất với nhau).

 

Các điểm quan tâm khác

Andrew J Nathan và Robert S Ross quan sát rằng “Vạn lý trường thành là biểu tượng của sự yếu thế vì nó báo hiệu nguy cơ bị xâm lăng và cũng là biểu tượng của sức mạnh vì nó thể hiện tính siêu việt trong kinh tế và văn hóa và khả năng chống đỡ sự xâm lược với một kỳ công về kỹ thuật và tính cảnh giác”.[45] Tính nước đôi này cũng áp dụng cho vấn đề đường chữ U như là các đường vẽ trên cát mang tính tâm lý, như Cossa viết “…Trong khi tất cả các bên đều hiểu rõ rằng có những “đường trên cát” là đường vạch không nên bước qua, nhưng phần lớn các đường này không được định nghĩa một cách rõ ràng. Nước đôi về chiến lược liên quan đến phản ứng có thể xảy ra đối với hành động thù địch có thể có ích, nhưng nước đôi về chiến thuật liên quan đến đánh giá cái gì có thể coi là hành động khiêu khích có thể đưa tới những kết quả chế người. Và cần tranh luận thẳng thắn hơn…”.[46] Cossa cũng nói rằng “một số chuyên gia an ninh ĐNA bày tỏ không dấu diếm  việc cần có những động thái mạnh hơn với Trung Quốc, và kể cả sẵn sàng dùng vũ lực chống vũ lực”.[47] Các học giả như Kemp, tuy vậy, lại nhắc nhở rằng luôn có tuyến cùng tồn tại: tuyến thực và tuyến tuyên truyền.[48] Vì vậy có nhiều khả năng là đường cơ sở và các đường liên quan đến đường cơ sở của Trung Quốc là tuyến thực, trong khi đường chữ U chỉ tồn tại nhằm mục đích chính là tiêu thụ nội địa ở Trung Quốc, đặc biệt là làm nguôi thành phần quá khích.

Thứ hai, không có một tọa độ địa lý cố định cho đường chữ U, trừ vĩ độ Bắc 4. Điều này đem lại cho Trung Quốc một độ tự do nhất định để thay đổi quan điểm. Họ có thể quyết định giảm diện tích vùng phía trong đường chữ U, điều này có thể xoa dịu những lo lắng của các nước cũng có yêu sách về mối đe đọa từ Trung Quốc. Mặt khác, Đài Loan và/hoặc Trung Quốc đại lục cũng chọn cách mở rộng đường chữ U, tận dụng “…sự thiếu rõ ràng và chung chung của luật quốc tế về việc phân chia ranh giới hàng hải” có nghĩa là “ luật quốc tế không mô tả một cách chính xác ranh giới này phải đặt ở đâu”.[49] Nếu điều này xảy ra, chúng ta chắc chắn một điều là các nước ĐNA sẽ trong tình trạng báo động nếu như họ không chống đối một cách thẳng thừng. Liên quan đến việc thu hẹp và mở rộng đường chữ U, điều đáng lưu ý là Trung Quốc đã bỏ đi hai đoạn trên vịnh Bắc Bộ trong  11 đoạn xác định lúc đầu của đường chữ U khi nổ ra tranh chấp.[50] Nếu như Đài Loan và/hoặc Trung Quốc mong muốn mở rộng đường này, họ sẽ chọn điểm kết thúc ở các tỉnh khác của Trung Quốc như là Triết Giang (Zhejiang) thay vì ở huyện Yilan thuộc Tỉnh Đài Loan. Tương tự như vậy, cả hai bên của eo biển Đài Loan sẽ bao gồm hoặc cắt một vài phân đoạn gần Zengmuansha khiến cho đường chữ U trông sẽ khác đi.

Thứ ba, cho đến nay, không chỉ Trung Quốc mà cả Đài Loan, vốn không có cơ hội tham gia vào việc kí kết, không thể hoàn thành mọi nghĩa vũ của họ theo luật biển 1982. Luật này (khi có hiệu lực) giảm các vùng biển cả (high seas) đi 40%,[51] tăng vùng thuộc về các nước có bờ biển, nhưng lại tạo ra những ràng buộc về hoạt động khá nặng nề cũng như các nghĩa vụ tài chính.[52] Nhiều nước đã thất bại trong việc thực thi các quy định này.  Ví dụ, cả Đài Loan và Trung Quốc đều không thể kiểm soát Biển NTH trong 24 giờ một ngày (mặc dù họ có thể sử dụng vệ tinh để kiểm soát các hoạt động trên biển).

Thứ tư, dân số các vùng nước phân định bởi đường chữ U tương đối thưa thớt. Thực tế là khi đường này xuất hiện lần đầu tiên, có thể nói rằng nó là một “pháo đài trống”. Dân số trong “pháo đài trống” này tăng rất chậm.[53] Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Hải quân Đài Loan đã đã đem lính đến đảo Taiping Dao. Nhưng mãi đến vài thập kỉ sau, tháng 8 năm 1988, lính thủy đánh bộ Trung Quốc mới xây đại bản doanh, trung tâm chỉ huy và đài quan sát hải dương trên bãi đá ngầm Yong shu Jiao (hay còn gọi là Fiery Cross hay N.W Intestigator). Đầu năm đó (tháng 5), Trung Quốc đã thiết lập các trạm quan sát, tất cả đều là ở những vùng thủy triều thấp trên bãi đá ngầm Chiqua Jiao (Johnson), Zhubi Jiao (Subi), và Meiji (cái này lớn hơn pháo đài trên bãi đá Yongshu).[54] Mặc cho những hoạt động gần đây, sự xuất hiện của Trung Quốc trên Biển NTH vẫn khá hạn chế và Trung Quốc cũng nói rõ rằng họ không sử dụng bãi đá Meiji cho mục đích quân sự.[55] Trường hợp này có thể liên hệ đến kinh nghiệm của Philipine vào những năm 1990 khi Đài Loan yêu cầu hai lạch đường tầu đi từ Philipine cho phép tàu đánh cá của Đài Loan rút ngắn chặng đường đến Biển NTH. Tuyến đường này, theo Meliton Juannico, rõ ràng là thuộc hải phận của Philipine, dù là áp dụng đường cơ sở, thuyết về quần đảo hay là luật biển 1982. Nói cách khác, Philipine cho rằng họ có toàn quyền (chứ không chỉ đơn giản là quyền tài phán) đối với hai tuyến đường này. Tuy vậy, một học giả Philipine sẽ không hiểu được tại sao nước này lại cho phép các ngư dân Đài Loan đi qua hải phận của họ.[56]

 

Mối quan hệ giữa đường chữ U và các khái niệm hàng hải khác

Phần này đề cập đến mối quan hệ giữa đường chữ U của Trung Quốc và các khái niệm hàng hải bằng cách giải thích về các điểm, đường, và khu vực. Nhìn từ trên xuống (từ không trung hay là ngoài vũ trụ), các đảo và thậm chí là quần đảo trở thành các điểm hoặc chấm. Một số nhà nghiên cứu thậm chí gọi các đảo (islands), đảo nhỏ (islets), bãi đá ngầm (reefs), đảo san hô (atolls) và bãi cát thấp (cays) trên Biển NTH là những cứt ruồi. Đường được hình thành từ hai điểm nối với nhau. Hai loại đường thường được đề cập đến là đường cơ sở và đường ranh giới hàng hải (ví dụ như đường trên vịnh Bắc Bộ). Khái niệm về vùng (phân định các vùng bên trong đường) đặc biệt liên quan đến việc phân chia biển cùng với sự tham gia của các yếu tố sau: chỉ kể một số như vùng (biên giới) quân sự hoặc là an ninh, vùng biển quốc phòng,[57] vùng có thể đặt chất nổ, vùng đánh cá, vùng trung lập, vùng bảo vệ cấm khai thác,[58] vùng thăm dò,[59] vùng xám[60] [chưa xác định rõ], vùng đệm,[61] vùng an toàn,[62] lối đi an toàn,[63] vùng bến đỗ cách ly,[64] vùng phi quân sự, vùng cấm võ khí hạt nhân, vùng hòa bình, tự do và trung lập, vùng sử dụng đặc biệt,[65] vùng hải dương chung.[66] Như đã nói ở phần trước, các đường bao quanh khu vực này (dù là vùng đặc quyền kinh tế hay vùng tiếp giáp) có thể được so sánh như là những bức tường bảo vệ khác nữa của Trung Quốc.[67]

Vào tháng 5 năm 1996, Trung Quốc đã thông qua luật biển 1982 và tuyên bố đường cơ sở thẳng trong các vùng như là nhóm đảo Tây Sa (hay Paracel)[68] [Hoàng Sa theo Việt Nam], thừa nhận rằng “…sự nhạy cảm về chính trị của một số vấn đề liên quan đến biên giới [theo Công ước biển 1982] buộc những nước tham gia trong một số trường hợp phải đánh đổi sự chắc chắn lấy tính linh hoạt”.[69] Bốn năm sau sự kiện này, Quốc hội Trung Quốc đã ban hành “Luật của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về hải phận và vùng tiếp giáp” và, hai năm sau, tháng 6 năm 1998, “Luật Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm Lục địa” được ban hành. Những hành động này đã cho thấy khả năng các đường cơ sở trên nhóm đảo Nam Sa sẽ được vẽ (lại). Vì vậy vào tháng 2 năm 1999, Đài Loan công bố đường cơ sở của mình dựa trên đảo Huangyan Dao, và họ đã kí gửi các bản đồ và tọa độ liên quan ở Liên Hiệp Quốc. Tuy vậy chúng ta sẽ thắc mắc đối với Trung Quốc đâu sẽ là lí do để họ vẽ (lại) đường cơ sở khi mà đường chữ U đã tồn tại.[70]

Một trong những lí do  chính mà Trung Quốc quan tâm đến đường cơ sở đó là tính không chắc chắn gây ra Luật Biển 1982 đã thất bại trong việc giải quyết các tranh chấp về đảo và biên giới hàng hải, quyền tự do đi lại của naval passage, cũng như ô nhiễm trên biển (among other things). Trong bối cảnh không chắc chắn này, Trung Quốc , vừa vẽ các đường cơ sở vừa như bảo vệ quan điểm về đường chữ U, đã áp dụng hình thức bảo hiểm kép (double insurance) một cách hiệu quả để giảm thiểu các mất mát (có thể có). Khái niệm bảo hiểm kép trong thực tế tồn tại trong bảo hiểm hàng hải.[71] nếu một hợp đồng bảo hiểm không đáp ứng được, thì một hợp đồng khác sẽ được sử dụng, đặc biệt là liên quan tới các “chính sách biển linh hoạt” Luật Biển 1982 đề ra.[72]

Một lí do khác mà Trung Quốc quan tâm đến đường cơ sở có lẽ được mô tả rõ nhất khi đề cập đến một đường khác. Từ tháng 2 đến tháng 7 năm 1945, đường oder-neisse (những con sông), do Franklin Roosevelt, Winston Churchill và Joseph Stalin xây dựng tại Yalta, đã xác định các lãnh thổ Đông Đức nằm dưới quyền của Ba Lan sau khi kết thúc thế chiến thứ 2. Nó cũng được mô tả là “đường an ninh tự nhiên”[73] sau thế chiến 2 và cũng là một hình thức đền bù cho Liên Xô cũ trong việc đánh đuổi Đức Quốc xã.[74] Tương tự như vậy, việc thể  chế hóa đường cơ sở cũng là một hình thức đền bù cho những  gì mà Đài Loan và Trung Quốc đại lục đã mất trong phần đường chữ U trong những thập kỉ qua. Nó cũng là một dấu hiệu cho thấy rằng Trung Quốc sẽ rất cứng rắn bảo vệ các quyền lợi quốc gia của họ trong những khu vực như là khu đặc quyền kinh tế.

Bên cạnh những lí do này, một điều cũng cần lưu ý đó là tuyên bố của Trung Quốc về vị trí của đường cơ sở trên Biển NTH không có nghĩa là Trung Quốc tạm rút lui chỉ vì họ đã không thể hoàn toàn thuyết phục các nước ĐNA khác cũng có yêu sách rằng phần phía bên trong đường chữ U thuộc về cả hai phía của eo biển Đài Loan. Trung Quốc rõ rằng nhận thức được rằng “các tranh chấp biên giới luôn đem lại lợi ích cho luật sư; thường xuyên đem lại lợi ích cho người giám định; và không bao giờ mang lại lợi ích cho người sở hữu”[75] và họ sẽ không ra tòa trừ khi điều đó là rất cần thiết. Không thể nói rằng không có sự khiêu khích ở đây. Một số nước có yêu sách đã cố ý toàn bác bỏ quyền của Trung Quốc đối với đường chữ U, họ lập luận rằng (như Prescott nói) “có thể tới 10 biên giới song phương tiềm năng xung quanh các bờ của Biển NTH nhưng chỉ có 5 trong số đó là được vẽ ra và không có cái nào hoàn chỉnh cả”.[76] Một trong số những nước có yêu sách phản đối là Việt Nam (bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào tháng 11 năm 1991). Trước khi Sài Gòn giải phóng vào tháng 4 năm 1975, Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc thí dụ đối với nhóm đảo Nam Sa. Tuy vậy, sau khi tiếp quản miền Nam Việt Nam quan điểm của họ đã thay đổi đột ngột. Vào cuối năm 1975, một bản đồ lãnh thổ mới của Việt Nam thống nhất hai miền Bắc Nam đã được xuất bản trong đó bao gồm (và lần đầu tiên) cả nhóm đảo Nam Sa và Tây Sa.[77] Các nước khác thì sử dụng Luật Biển 1982 để đòi nhượng bộ từ phía Đài Loan và Trung Quốc.[78]

Để xác định quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề đường chữ U, và phản bác những cáo buộc cho rằng Trung Quốc đang bành trướng, chúng ta cần phải xem xét một số trường hợp trong đó các thực thể chính trị hoặc quốc gia cũng có thể coi là có hành vi bành trướng. Đầu tiên là sự tranh cãi giữa lý thuyết mare clausum (closed sea, biển đóng) được John Selden ủng hộ, và lý thuyết mare liebrum (open sea, biển mở) được Hugao Grotius đưa ra. Cuối cùng khái niệm sau đã thắng thế, nhưng không phải là không có những nhượng bộ đáng kể đối với lý thuyết đầu về quyền đối với các khu vực bờ biển, như Johnston viết, vào cuối thế kỉ 18 “phần lớn các nước phương Tây, và tất cả  các thế lực đang thắng thế, đều đồng ý xem các đặc quyền và độc quyền (special or exclusive rights) đối với vùng biển gần bờ là một vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia (national entitlement), xuất phát từ khái niệm về chủ quyền và được công nhận bởi hư cấu pháp lý về lãnh thổ (legal fiction of territoriality)”.[79]

Ví dụ thứ hai liên quan đến đường cơ sở, mà phần lớn chúng không được vẽ một cách chính xác hoặc, ít nhất, là vẽ ra một cách đơn phương. Ví dụ Thái Lan đã phản đối đường cơ sở mà Việt Nam vẽ. Đây là một đường thẳng trừ phần tiếp giáp với bờ biển Campuchia và Trung Quốc.[80]

Vị trí của Mỹ trên Biển NTH cũng có thể xem là ví dụ thứ ba. Vào tháng 5 năm 1995, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắc lại tuyên bố chính thức về quần đảo Nam Sa trong đó nói rằng Washington “rất quan ngại đối với bất cứ yêu sách biển nào, hay các việc hạn chế hoạt động hàng hải nào trên Biển NTH không nhất quán với luật quốc tế, bao gồm cả Luật Biển 1982“.[81] Điều thú vị là Mỹ đề cập đến cả luật quốc tế và luật Biển 1982, vì điều này có vẻ như sẽ là yêu sách bảo hiểm kép  nhằm mục đích duy trì lợi ích quốc gia của Mỹ, đặc biệt khi mà Luật Biển 1982 không đề cập đến vấn đề chủ quyền”.[82] Như một quan chức Quốc dân Đảng ở Đài Loan nhận xét, Mỹ vẫn xem Thái Bình Dương như là “cái hồ Mỹ”.[83]

Ví dụ thứ tư liên quan đến Peta Baru (bản đồ mới) của Malaysia xuất bản vào tháng 12 năm 1979. Peta Baru không bao gồm bản vẽ khu đặc quyền kinh tế của Malaysia, một phần vì tiên đoán rằng đường cơ sở có thể được điều chỉnh lại sau Hội nghị về Luật biển 1982.[84] Tuy vậy việc Malaysia không xác nhận các tọa độ của khu vực đặc quyền kinh tế trên bản đồ nước này là một hành động cẩn trọng do cho rằng các nước khác sẽ chống lại sự xác lập các tọa độ này.[85] Việc bỏ qua các tọa độ của khu đặc quyền kinh tế rõ ràng là một hành động nhằm duy trì lợi ích quốc gia, đặc biệt khi mà trên thực tế, vào tháng 12 năm 1984, Malaysia đã thông qua luật về vùng đặc quyền kinh tế của mình theo đó (trong điều kiện không bị các nước khác phản đối) trọng tài của họ có thể sử dụng luật về khu đặc quyền kinh tế để xét xử các tàu đánh cá nước ngoài đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.[86]

Nếu như khái niệm bảo hiểm kép không tỏ ra thuyết phuc, người ta có thể dùng tới kết quả phân xử của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về sự tồn tại các đường trên biển một cách chính thức và không chính thức, hoặc trên cơ sở pháp định (de jure) hay cơ sở đương nhiên (de facto).[87] Các bên không phải là Trung Quốc có thể coi đường chữ U là không chính thức hoặc đương nhiên, và các đường cơ sở khác là chính thức hay pháp định. Như là một sự mở rộng của lập luận này, một đảo trên Biển NTH có thể được coi là nằm trong  vùng nước lịch sử của Trung Quốc nhưng không thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ. Vì vậy nếu trong quá trình thương lượng với các nước ĐNA về một hòn đảo, Đài Loan và/hoặc Trung Quốc đại lục không đề cập về thềm lục địa (ví dụ), do vì cho rằng đảo nằm trong  ở vùng nước lịch sử trong phạm vi đường chữ U.

Mối quan hệ giữa các đường cơ sở (như một ví dụ về hình thức sở hữu) và đường chữ U có thể được xem xét một cách đơn giản hơn khi xét đến tính linh hoạt của nó đối với cả hai bên của eo biển Đài Loan trong quá trình giải quyết bất đồng với các nước có yêu sách. Có thể nói rằng trong trường hợp thuận lợi, Trung Quốc sẽ thể hiện quan điểm quả quyết về đường chữ U, và khi mà nước này yếu thế về mặt chính trị và/hoặc quân sự, nó sẽ im lặng. Một ví dụ về việc sử dụng linh hoạt chính sách này là Trung Quốc đã ra lệnh cấm các ngư dân của họ không đánh bắt trên Biển NTH trong hai tháng, từ 1 tháng 6 đến 31 tháng 7 mỗi năm, bắt đầu từ năm 1999,[88] nhưng cùng lúc họ cũng từ chối chấp nhận đòi hỏi của Philipine là không xây dựng thêm các công trình xây dựng trên Biển NTH.[89] Tuy vậy cũng cần phải lưu ý rằng sự im lặng trên đường chữ U không chỉ có nghĩa là Đài Loan và Trung Quốc đã đầu hàng. (Cần nói qua cho rõ là cả Đài Loan và Trung Quốc chưa nói nhiều về biên giới trên không, vốn cũng tồn tại song song với các biên giới đất liền. Cả hai bên đều không nêu rõ ở độ cao nào không phận chấm dứt)[90]. Cũng cần phải xem xét đến sự khó khăn trong việc từ bỏ một cách chính thức đường chữ U.Về mặt luật pháp, cần có ba phần tư đại biểu trong Hội đồng quốc gia của Đài Loan biểu quyết chấp thuận từ bỏ quyền sở hữu với đường chữ U. Đối với Đài Loan ngày nay thì sự việc trở nên khó khăn hơn vì quyền lực của Quốc [dân Đại] hội [gồm đại biểu của lục địa có từ thời Tôn Trung Sơn] đã chuyển sang Lập pháp Viện (Legislative Yuan) vào tháng 5 năm 2003. Một điều chắc chắn là Viện này cũng gặp những khó khăn mà Quốc hội trước gặp phải. tức là, các đảng chính trị thân chính quyền không có nổi đa số ¾. Cũng thế, Toàn Quốc dân Đại hội Nghị Trung Quốc (NPC) [tức là Quốc hội ở lục địa] cũng sẽ phải thông qua những động thái tương tự để từ bỏ đường này.  Đảng Cộng sản có thể (như một thủ thuật chính trị) yêu cầu một số thành viên NPC đưa ra vấn đề bãi bỏ đường chữ U, mà thật không bao giờ có ý định thông qua việc bãi bỏ này.

Cuối cùng là một số ý kiến về vấn đề vùng nước lịch sử và hành động xâm lấn đang xảy ra. Đường chữ U xác định vùng của Trung Quốc và vùng nước bên trong nó thành các “vùng nước lịch sử”. Các bài báo của Trung Quốc đã cáo buộc về việc các nước khác xâm lấn vùng này. Một số tính toán sơ bộ về diện tích vùng lấn chiếm như sau; Việt Nam 1,170,000 kilomet vuông, Philippines 620,000, Malaysia 170,000, Brunei 50,000. và Indonesia 35,000.[91] Đúng là khái niệm vùng nước lịch sử không được đưa ra trong Luật Biển 1982. Tuy vậy khái niệm này có được đề cập qua trong một bản ghi nhớ của Liên Hiệp Quốc vào cuối những năm 1950. Nội dung của bản ghi nhớ đó là một nước có thể sở hữu các vùng nước lịch sử chừng nào không có nước khác phản đối.[92] Rõ ràng là không thiếu yếu tố phản đối này đối với vùng nước lịch sử của Trung Quốc trên Biển NTH. Cũng cần phải nói rằng Việt Nam và Philipine có xác nhận sở hữu vùng nước lịch sử. (Nói qua, lưu ý rằng các vùng nước lịch sử của Việt Nam trên vịnh Bắc Bộ đã được công bố vào đầu những năm 1980 thông qua Tuyên bố về Đường Cơ sở Lãnh hải của Việt Nam,[93] và bỏ qua câu hỏi là liệu những vùng nước này có được coi là “lịch sử” không). Nếu như họ bác bỏ chấp nhận vùng nước lịch sử của Trung Quốc, thì đâu là quyền để họ yêu cầu Trung Quốc thừa nhận vùng nước lịch sử của mình?. Cần bao nhiều nước phản đối để có thể hủy bỏ quyền của Trung Quốc đối với vùng nước lịch sử? Một số chuyên gia như Hasjim Djalal (Đại sứ Quốc vụ khanh về Luật Biển và Vấn đề Hàng hải của Indonesia) và B.A Hamzah (cựu tổng Giám đốc Học viện Hàng hải Malaysia) cũng phản đối quyền của Trung Quốc đối với các vùng nước lịch sử.[94]

Manila và Kuala Lumpur cũng có những tranh cãi song phương, ví dụ, Manila đặt nghi vấn cách hành xử của Kuala Lumpur đối với Hiệp ước của Philipine với Mỹ và Anh trong vấn đề biên giới giữa Philipines và Malaysia. Malaysia nói rằng đường này chỉ là giới hạn (line of demarcation) vì thế không phải là một đường biên giới. Đường này chỉ ra đảo hay vùng quặng nào của Biển NTH thuộc về Malaysia hay Philipine, nhưng điều đáng nói là nó không liên quan gì với (a) các vùng nước, (b) thềm lục địa, và (c) các lãnh thổ khác.[95] Liên quan đến Biển NTH, Bộ Ngoại giao Mỹ “không có quan điểm về phải trái trị pháp lý (legal merit) đối với những yêu sách chủ quyền tranh chấp trên các đảo, bãi ngầm, đảo san hô và các bãi cát trên Biển NTH”.[96] Và nó cũng không đề cập đến các vùng nước lịch sử của Trung Quốc. Khi Philipine tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ trong việc giải quyết tranh chấp đảo Nam Sa, Mỹ vẫn “duy trì một chính sách trung lập nói chung, với lí do là Hiệp ước Quốc phòng chung Mỹ-Philippines không đề cập đến vùng lãnh thổ tranh chấp [nhóm đảo Nam Sa] không đương nhiên bao gồm vùng tranh chấp [nhóm đảo Nam Sa vì] cho đến trước khi kí hiệp ước (tháng 8 năm 1951) Manila vẫn chưa tuyên bố yêu sách về vấn đề này” và quan trọng hơn, bởi vì Trung Quốc không trực tiếp xâm lăng Philippines.[97] Nói tóm lại, có thể lập luận rằng người Mỹ không cho rằng đường chữ U của Trung Quốc là quá đáng.[98] Liên quan đến điều này, cần nhớ lại là các phản ứng của Mỹ vào tháng 10 năm 1973 khi Cộng hòa Arab Libya đơn phương tuyên bố đường tận cùng trong vịnh sirte. Mỹ đã nhanh chóng không thừa nhận điều này (về mặt ngoại giao) và sau đó bằng hành động quân sự.[99] Điều dễ thấy đó là Mỹ (với những lợi ích đã xác lập của mình) không phản đối sự tồn tại cái “hồ Trung Quốc” (Chinese lake) này chừng nào mọi thứ vẫn diễn ra hòa bình đối với tàu bè thương mại và phi thương mại của họ.

 

Kết luận

Vào cuối những năm 1970, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã mở cửa với thương mại thế giới. Quá trình này đã được thúc đẩy sau chuyến đi của Đặng Tiểu Bình qua các tỉnh vùng nam Trung Quốc lục địa vào tháng 1 và tháng 2 năm 1992. Sang năm 1993, Trung Quốc bắt đầu trở thành một nhà nhập khẩu ròng dầu thô khi mà cầu về dầu của nước này vượt quá cung trong khi giá dầu nhập khẩu lại rẻ hơn. Trong năm 1993, Trung Quốc đã nhập 20% tổng trữ lượng dầu thô (và các sản phẩm liên quan đến dầu).[100] Có nhiều khả năng là nguồn cung ứng dầu chiến lược nhất và lớn nhất Trung Quốc là mỏ dầu Daqing cho đến hiện tại đã cạn kiện.[101] Theo đó, dự báo cho rằng đến năm 2005, tiêu thụ dầu ở châu Á sẽ vượt qua Bắc Mỹ.[102] Song song với sự tăng trưởng tiêu thụ dầu là việc tăng giá dầu, đặc biệt là các nước OPEC tiếp tục định kì cắt giảm nguồn cung toàn cầu 2 triệu thùng mỗi ngày.[103] Mặc cho khả năng này, cũng không có nhiều khả năng là ngoại thương của Trung Quốc sẽ giảm đi, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO vào năm 2001.

Để tiếp tục tăng sản xuất các sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu, Trung Quốc sẽ phải tiêu thụ dầu và nhu cầu này khiến cho Biển NTH trở nên cực kì quan trọng về mặt chiến lược. Vì thế, tháng 8 năm 2003, khi ở Philipine, một quan chức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cao cấp, Wu Bangguo (Ngô Bang Quốc), đã nói rằng Trung Quốc đại lục có thể phát triển các mỏ dầu trên quần đảo Nam Sa cùng với các quốc gia khác. Philipine có thể có khả năng là nước đầu tiên tham gia vào chiến lược hợp tác này. Thậm chí nếu như Trung Quốc thành công trong việc đảm bảo nguồn cung dầu trên Biển NTH bằng cách xua đuổi quân đội các nước khác ra khỏi vùng này, việc bảo vệ nhóm đảo Nam Sa và các dự án phát triển dầu khí của họ, chống lại sự quấy rối và/hoặc phá hoại của quân đội các nước là vô cùng khó khăn. Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà hiện nay Trung Quốc đang mắc phải, và vì thế nước này không mong đợi rằng họ sẽ đề cập nhiều đến đường chữ U trong vài thập kỉ tới.[104] Tuy vậy phải nhấn mạnh rằng, nếu có cơ hội, trường hợp East Greeenland có lợi đối với vị trí của Trung Quốc, như đã chỉ ra trong báo cáo của Scobbie. Đúng là việc loại bỏ các bức tường là có thể, giống như bức tường Berlin tháng 11 năm 1989, Trung Quốc, tuy vậy, sẽ không xóa bỏ đường chữ U, trừ khi họ bị đánh bại về mặt quân sự và bị thách thức bởi cộng đồng quốc tế. Vị trí của Đài Loan cũng tương tự như như vậy mặc dù nó muốn giữ thế tránh bị chú ý trong vấn đề này, để không gây căng thẳng với các nước ĐNA. Liên quan đến quan điểm của Trung Quốc và Đài Loan về biển Đông, Fu kuen-chen cho rằng các tọa độ địa lý được hai nước này công bố không mâu thuẫn mà cũng không phải là thiếu nhất quán với nhau.[105] Điều này chỉ ra rằng cả hai bên của eo biển Đài Loan sẽ hợp tác với nhau trên Biển NTH trong dài hạn và có nhiều khả năng hợp tác về mặt chính sách, đặc biệt là khi họ đã có một sự đồng thuận về việc duy trì mối quan hệ đặc biệt của hai bên trên bình diện trong nước cũng như quốc tế.

Tuy vậy, khi chạm đến vấn đề chủ quyền và các vùng như vùng cơ sở và đặc quyền kinh tế bị đe dọa, chúng ta có thể đoán được là Trung Quốc và Đài Loan sẽ trở nên cứng rắn. Chủ nghĩa quốc gia và tình cảm đi cùng với nó sẽ đưa đến tăng cường quân sự. Điều này không có nghĩa là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa muốn bị coi là nước côn đồ. Quả thực, như tuyên bố gần đây, vào tháng 8 năm 1990 tại Singapore, cựu Thủ tướng Li Peng (Lý Bằng) tuyên bố Trung Quốc đại lục vẫn mong muốn được coi là người chơi có tinh thần đồng đội: “Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực với các nước ĐNA để phát triển nhóm đảo Nam Sa và vào lúc này bỏ sang một bên những bất đồng”.[106] Để thúc đẩy việc này, Trung Quốc và Đài Loan đã tạm thời xác định vài lạch đường nhất định coi như hành lang trên biển khơi (high sea corridors) trong vùng chữ U. Nhật Bản, Nam Triều Tiên, và Phần Lan là một số nước chứng tỏ bằng hành động, chọn giảm lãnh thổ biển từ 12 hải lý xuống 3 hải lý nhằm tránh các vấn đề tàu thuyền qua lại.[107] Một khả năng nữa đó là bắt chước hình thức miền hải dương (maritime domain) của Peru, khi họ chấp nhận tàu thuyền và máy bay tự do đi lại. Các vùng nước không nằm trong các vùng như vùng đặc quyền kinh tế hoặc là các vùng tiếp giáp có thể thuộc miền hải dương trên Biển NTH.[108] Làm khác đi một chút, các vùng nước đó có thể tạo thành một vùng thuộc loại riêng biệt (sui generis) trong một khoảng thời gian nhất định. Các khả năng hợp tác này khá là khác với cái gọi là  tiềm năng “Tây Tạng hóa biển Đông”.[109]

Sự phát triển về tài liệu liên quan đến việc hình thành biên giới bắt đầu từ  25 năm cuối của thế kỉ 19 và bài viết này có thể xem như là góp phần vào sự phát triển chung đó.[110] Valencia, trong cuốn Malaysia và Luật Biển, đã đề tặng con cháu người Malaysia, mà ông ta cho là sẽ phải gánh chịu nếu như Malaysia không quản lý các vấn đề hàng hải một cách khôn ngoan.[111] Tôi cũng muốn dành tình tự này cho người Trung Quốc trên cả hai bên của eo biển Đài Loan. Chúng ta cần phải kiểm soát các vấn đề hàng hải một cách khôn ngoan. Khi mà các nước có yêu sách vẫn nắm chặt phần họ chiếm đóng, thì không thể tưởng tượng được là Trung Quốc và Đài Loan sẽ từ bỏ đường chữ U trong tương lai trước mắt. Ngoài vấn đề lợi ích quốc gia, hành động như thế có thể coi như mở nắp hũ mắm (Pandora’s Box) là khi mà các nước khác nhau nhảy vào chỗ trống tranh giành với yêu sách chủ quyền tài nguyên thiên nhiên.

Mất 15 năm để 119 nước kí kết Luật Biển 1982. Bất cứ một hiệp định nào về Biển NTH cũng cần ít nhất cùng một khoảng thời gian như vậy, nếu không phải là lâu hơn, để tiến hành và đưa đến một thỏa thuận mới. Luật Biển 1982 không đề cập đến đường chữ U, nhưng điều này có thể liên quan tới các lỗi thủ tục (procedures) và một số lỗi khác có liên quan, mặc dù đã có 66 “nguyên tắc về thủ tục” khác nhau được áp dụng từ tháng 7 năm 1974.[112] Thậm chí nếu có thảo luận về đường chữ U, các đại biểu Trung Quốc có khả năng cao là kiểm cách xếp xó  nó vì sợ rằng nó sẽ không được đa số phiếu ủng hộ. May mắn là cho đến hiện tại, không có một thế lực hàng hải nào buộc Trung Quốc phải từ bỏ đường chữ U.  Vì Trung Quốc đã không mất cái gì đáng kể, việc khôi phục lãnh thổ là một bước đi không cần thiết, không giống như trường hợp Argentina trong vấn đề quần đảo Malvinas/Falkland mà mãi sau 17 năm cho đến tháng 8 năm 1999 người dân trên đảo này mới có thể quay trở lại.[113] Thay vào đó có nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng phương hướng thực dụng trong khi đầu tư mạnh vào “bảo hiểm kép” (double insurance), điều này nghĩa là đường chữ U sẽ vẫn mang bản chất là sự xác quyết vô hại hơn là một pháo đài đáng lo ngại.[114]


Chú thích

[1] International Maritime Boundaries, Vol.1, Jonathan I. Charney và Lewis M. Alexander biên tập (Dordrecht: Martinus Nijhoff Publishers, 1993), trang 763

[2] Senior Minister Lee Kuan Yew có quan điểm cho rằng trong 25 năm tới, vũ trang chứ không phải luật quốc tế sẽ thống trị. Xem Strait Tímes (dưới đây gọi là ST) (Singapore), 29 tháng 3 1999, trang 3 Ralph A. Cossa chỉ ra rằng “…trước đây quân sự được sử dụng nhằm tăng cường và mở rộng các xác nhận chủ quyền quốc gia và nó có thể được áp dụng trở lại, khả năng là gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều”. Xem báo cáo của ông, Security Implications of Conflict in the South China Sea: Exploring Potential Triggers of Conflict (Hawaii: Pacific Forum CSIS, tháng 3 1998), trang V. Cũng xem Bernard H. Oxman, “Political, Strategic, and Historical Considerations”, International Maritime Boundaries, trang 5-40, đặc biệt là các trang 30-34.

[3] The Collection of Names and Materials on the South China Sea Islands, Chen Shijian biên tập (Guangzhou: Guangdong Atlas Publishing House, 1987), trang 48.

[4] Rõ ràng là Trung Quốc đang chờ cho mực nước biển hạ thấp xuống, 1000 năm sau kể từ bây giờ nó mới xảy ra. Dieter Heinzig không đưa đảo Huangyan Dao thành một phần của quần đảo Zhongsha, như trường hợp của the British Admiralty Chart số 270. Xem monograph của Heinzig, Disputed Islands in the South China Sea (Hamburg, Germany: Institute of Asian Affairs, 1976), trang 17, 47 và 57. Elizabeth Van Wie Davis cũng đề cập riêng đến quần đảo Zhongsha và Huangyua Dao. Xem sách China and the Law of the Sea Convention (New York: The Edwin Mellen Press, 1995), trang 13. Trung Quốc nói rằng họ có 6,500 hòn đảo, 70% trong số đó là trong vòng bán kính 10 kilomet vùng bờ biển và 90% trên vùng thềm lục địa. Họ cũng sở hữu 180 triệu nguồn tài nguyên thiên nhiên khác nhau, xem China Times (dưới đây gọi là CT( (Đài Bắc), 7 tháng 5 1996, trang 3.

[5] Từ này được lấy từ Wolfgang Wagner. The Genesis of the Older-Neisse Line (Germany: Brentano-Verlag Stuttgart, 1957)

[6] Zou Keynan, “Chinese Traditional Maritime Boundary Line in the South China Sea: Legal Implications for the Spratly Islands Dispute”, EAI Background Brief No. 14 (Singapore, 7 May 1998, trang 5 và 7.

[7] Huang Yi và Wei Jingfen, “The Legal Status of the South China Sea,” trong Taiwan on the Move, do Jeh-hang Laivaf Goerge T. Yu (Taiwan: National Central University, tháng 10 1998), trang 213. Bai đã được mời đến Bắc Kinh vào mùa hè 1990 để giải thích tại sao ông lại vẽ đường này. Tại thời điểm đó, ông đã hơn 80 tuổi và vì tuổi  cao, đã không thể nói hết được những lí do chính xác về việc vẽ đường này của ông. Tuy vậy, ông cũng nói rằng daoyu guishu xian (thực tế đường này chỉ ra quần đảo này thuộc về nước nào). Đối thoại với Zou Keyuan (vào khoảng nửa cuối năm 1998).

[8] Zou, sđd, trang 6. Vào tháng 1 năm 2000, Xinhuashe (New China News Agency) báo cáo rằng bản đồ do người Trung Quốc vẽ lần đầu tiên vào tháng 10 năm 1845 được phát hiện tại thành phố Shijianzhuang, tỉnh Hebei. Bản đồ thế giới này có đề cập đến quần đảo Nansha, Xisha, và Zhongsha. Mao Trạch Đông (Mao Zedong) đã từng nói rằng Trung Quốc không được bảo vệ trên biển. Điều này có nghĩa là Trung Quốc chỉ an toàn khi các thế lực bên ngoài không thực hiện chính sách “ngoại giao pháo hạm” (“gunboat diplomacy”), nhưng trong hoàn cảnh hiểm nguy, chính sách này có thể được áp dụng. Xem Jiefangjunbao (dưới đây gọi là JFJB) (Bắc Kinh), 9 tháng 4 2001, trang 7.

[9] Huang và Wei, sđd, trang 213. Đến tận Cách mạng mùng 4 tháng 5 năm 1919 giới trí thức Trung Quốc mới bắt đầu ủng hộ chủ nghĩa dân tộc (nationalism).

[10] Cossa, sđd, trang B-1. Vào tháng 5 1956, miền Nam Việt Nam xác nhận chủ quyền quần đảo Xisha và Nansha. Vào tháng 8 năm 1973, họ chiếm đóng 6 đảo trong hai quần đảo này. Vào ngày 14 tháng 3 năm 1983, hải quân Việt Nam đã nổ phát súng đầu tiên vào hai nhà khoa học Trung Quốc trên hai quần đảo này. Xem Liu Yanxun, Zongguojandai duiwaizuozhan zhongdashilu (Xizang: Xizang renmin chubanshe, tháng 5 2000), trang 211. Theo Robert Karniol, Jane’s Defense Weekly, “PLA đã nổ phát súng đầu tiên, và rất nhiều việc khác nữa, khi họ quyết định chiếm quần đảo Paracels từ miền Nam Việt Nam năm 1974. Điều đó có nghĩa là: họ tấn công khi họ cảm thấy cơ hội để giành chiến thắng nhanh chóng đã đến khi mà cả miền Nam Việt Nam và cộng đồng quốc tế đang bị phân tán bởi những vấn đề quan trọng hơn, sau đó coi như mọi sự đã rồi. Cuộc tranh chấp trên quần đảo Trường Sa (Spratly) không phải là chủ ý của cả hai bên nhằm tranh giành lãnh thổ, và nếu như đó là mục tiêu thực sự, thì tình thế sẽ rất khác”. (Karniol, email tới tác giả, 11 tháng 5 1999). Tuy vậy, theo như  bản tháng 9 1989 của tờ Chuanjianzhishi (Bắc Kinh) (trang 24) vào tháng 1 năm 1974, bốn tàu hải quân miền Nam Việt Nam đã đồng thời bắn vào tàu hải quân của PLA. Điều này cũng cho thấy Việt Nam không hề nhút nhát. Họ nói rằng tàu khu trục (destroyer) số 134 của PRC đã hai làn bắn vào tàu số 505 của Việt Nam vào ngày 19 tháng 11 1988. Ngược lại, PRC khăng khăng cho rằng tàu khu trục của họ neo trên vùng biển thuộc quần đảo Nansha. Xem Wen Hui Pao (dưới đây gọi là WWP), ngày 25 tháng 11 1988, trang 2. Cũng có một sự trùng hợp đó là cả Bắc Kinh và Hà Nội cáo buộc lẫn nhau bắn phát súng đầu tiên. Xem CT, 16 tháng 3 1988, trang 3. Số xuất bản ngày 1 tháng 4 1988 của People’s Daily (dưới đây gọi là PD) (Bắc Kinh) cũng cáo buộc Việt Nam bắn phát súng đầu tiên vào tháng 3 năm 1988 (trang 1). Các học giả và chuyên gia Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) thành lập, nước này đã dính líu đến chiến tranh 9 lần, nhưng tất cả đều trong tình trạng bị động. Xem Zhongguo Pinglun (China Review) (Hongkong) tháng 7 1998 trang 91.

[11] Bernard D. Cole, The Great Wall at Sea (Annapolis, MN: Naval Insitutue Press, 2001)

[12] Douglas M. Jonhston, The Theory and History of Ocean Boundary Making (Kingston, Canada: McGill-Queens’ University Press, 1988), trang 225. Sheee Pon Kim cho rằng “cái gọi là “sự đe dọa Trung Quốc” là khá rõ ràng…” Xem bài báo của ông, “Is China a Threat to the Asia-Pacific Region?” trong China’s Political Economy, do Wang Gungwu và John Wong biên tập (Singapore University Press và World Scientific, 1998) trang 355. Để hiểu cơ bản về Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, xem Arthur Waldron, The Great Wall of China: From History to Myth (Cambrigde, U.K,: Cambridge University Press, 1990).

[13] Để hiểu rõ hơn về siheyuan, xem Hongkong Economic Journal (dưới đây gọi là HKEJ) (Hongkong) 25 tháng 11 2000, trang 18.

[14] Harry Ying Cheng Kiang, China’s Boundaries (Lincolnwood, III.: The Institute of China Studies, 1984), trang bìa và trang 10.

[15] Zou (chú thích 6) trang 16.

[16] Mark J. Valencia, Malaysia and the Law of the Sea (Kuala Lumpur: Institute of Stategic and International Studies, 1991), trang 62. Một ranh giới là một đường và một biên giới là một khái niệm mang tính lãnh thổ. Xem Johnston (chú thích 12), trang 226. Vào tháng 5 1994 Việt Nam tuyên bố rằng nước này đã tìm thấy những di vật cổ như là đồng tiền năm 1830 ở Sơn Tử Tây. Nước này cũng xác nhận rằng người Việt đã từng sống ở Trường Sa Lớn, Nam Yết và Sơn Tử Tây kể từ thế kỉ 15. Xem CT, ngày 26 tháng 5 1994, trang 9.

[17] Quan điểm này là của William F.S Miles trong bài “Absorbing International Boundaries Within a National Framework: Pondicherry and the French Indian Experience”, Territory Briefing 5 (Durham, U.K), 1993.

[18] Van Wie Davis (chú thích 4), trang 91 và 93. Hamzah Bin Ahmad viết “Sự tăng cường khả năng chiến đấu của Hạm đội Xoviet Thái Bình Dương đã làm cho các nhà hoạch định chiến lược quốc phòng của Malaysia đau đầu”. Xem sách Malaysia’s Exclusive Economic Zone (Kuala Lumpur: Pelanduk Publications, 1988) trang 6.

[19] Oran R. Young, International Cooperation: Building Regimes for Natural Resources and the Environment (Ithaca: Cornel University Press, 1989) trang 39.

[20] Zou (chú thích 6), trang 14. Vào tháng 12 năm 1997, The International Tribunal for the Law of the Sea (ITLS), một trong những cơ chế chính để hòa giải tranh chấp được thiết lập bởi Luật Biển tháng 4 năm 1982, đã đưa ra phán quyết đầu tiên.

[21] Park mô tả sự chiếm đóng một phần của Malaysia đối với quần đảo Nansha là “sự xâm chiếm vào vùng bờ phía Nam” của SCS. Xem Choon-ho Pak “Central Pacific và East Asian Maritime Boundaries” trong Charney và Alexander (chú thích 2) trang 299.

[22] Xem Iain Scobbie “The Spratly Islands Dispute: An Alternative View”, Oil and Gas Law and Taxation Review 14 (1996), trang 173-83. Scobbie cho rằng sự xác nhận của Trung Quốc trên quần đảo Nansha “is to be preferred to that of Vietnam (and that of any other state)” . Nếu đây đúng là vấn đề, thì có khả năng là cả hai bên Trung Quốc đại lục và Đài Loan có thể hình thành, chẳng hạn, vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các đảo của quần đảo này. Các vùng đặc quyền kinh tế đó sẽ chồng lên các vùng nước lịch sử của Trung Quốc trong đường chữ U. Xem Greg Austin, China’s Ocean Frontier (St. Leonards, N.S.W: Allen $ Unwin, 1998), mặc dù ông có vẻ như có một quan điểm khác khi nêu ra trong hội nghị “Human and Regional Security Around the South China Sea” ở Oslo, Nauy từ mùng 2 đến mùng 4 tháng 6 năm 2000. Ở điểm này ông cho rằng đường chữ U là “một ví dụ điển hình về đặc điểm của chép sử Trung Quốc”. Qua việc chép sử, ông ngụ ý răng “đó là cách mô tả sự kiện” hoặc “…các phong cách, giả định và mục đích của người viết nhằm biến các thông tin có thể kiểm chứng được thành một câu chuyện” trong đó lòng ái quốc được dùng như một thứ nguyên liệu mạnh.

[23] Xem Mark J. Valencia, “Spratly Solution Still at Sea”, Pacific Review (sau đây gọi là PR) 6 số 2 (1993). Xem bản đầu tiên (chú thích 16) của ông, Annex 1. Xem Mark J. Valencia, J.M van Dyke và N.A Ludwig, Sharing the Resources of the South China Sea (Dordrecht: Martinus Nijhoff, 1997) trang 27.

[24] “Bức tường châu Âu” được đề cập đến bởi một học giả trong một bối cảnh khác, xem Ola Tunander “Post-Cold War Europe: Synthesis of a Biploar Friend-Foe Structure and a Hierarchic Cosmos-Chaos Structure?” In Ola Tunander, Pavel Baev, and Victoria L Einagel, Geopolitics in Post-Wall Europe: Security, Territory and Identity (London: Sage Publication, 1997), chương 2.

[25] Anthony Kemp, The Maginot Line: Myth and Reality (London: Frederick Warne, 1981), trang 9, trang 41-2 và trang 55-6.

[26] Xem J.E. Kaufmann và H.W Kaufmann, The Maginot Line: None Shall Pass (Westpoint, CONN: Praeger, 1997). Nước Pháp sụp đổ vào năm 1940. Đường này đã tham gia vào cuộc chiến vào tháng 8 năm 1939. Pháp tuyên bố chiến tranh với Đức quốc xã vào tháng 9, 1939.

[27] Cụm từ này là của Steven W. Mosher. Xem Hegemon: China’s Plan to Dominate Asia and the World (San Francisco, CA: Encounter Books, 2000), trang 160.

[28] ST, tháng 5 1999, trang 11. Đông Đức bắt đầu xây dựng bức tường vào tháng 8 năm 1961 xung quanh vùng phía Tây của Berlin với chiều dài 155 kilomet. Bức tường này bị phá bỏ vào tháng 11 năm 1989.

[29] Quan điểm này là từ Cossa (chú thích 2) trang vii.

[30] Lbid, trang 7. trong một bài báo khác, Cossa đề cập vào cuối những năm 1950, xem ST, ngày 30 tháng 11 1998, trang 28. Xem The South China Sea Disputes: Phillipine Perspectives, do Aileen San Pablo-Baviera biên tập (New Manila, Quezon City, Phillippine: The Phillippine-China Development Resource Center and the Phillippine Association for Chinese Studies, 1992) trang 20. Ji Guoxing cũng đề cập một sự cáo buộc khác. Xem trong chuyên khảo của ông, The Spratlys Disputes and Prospects for Settlement (Kuala Lumpur: 1992), trang 11-12.

[31] Robin Churchill và Geir Ulfstein, Marine Management in Disputed Areas (London: Routledge, 1992) trang 4.

[32] Sang-Myon Rhee và James Mac Aulay, “Ocean Boundary Issues in East Asia” trong Ocean Boundary Making, do Douglas M. Johnston và Phillip M. Saunders (London: Croom Helm, 1988) trang 74. Đảng cầm quyền của Cộng hòa Trung Hòa (Đài Loan), cách đây vài năm, đã cho rằng vùng thấp hơn của Đài Loan là thuộc về Đông Nam Á.

[33] Xem báo cáo của Cossa về việc đường này đã xuất hiện như thế nào (chú thích 2) trên trang 3. Một bản vẽ khác có thể tìm thấy trong báo cáo của Andrew J. Nathan và Robert S. Ross, The Great Wall and the Empty Fortress: China’s Search for Security (New York: W.W. Norton & Company, 1997) trang 114.

[34] Oxman (chú thích 2), trang 35. Manila cũng vẽ lại đường biên giới bản đồ của mình, xem ST, mùng 3 tháng 3 năm 1999, trang 24.

[35] Churchill và Ulfstein (chú thích 31) trang 63.

[36] Xem Peter Polomka, Ocean Politics in Southeast Asia (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1978) trang 223-8.

[37] Singapore, Indonesia và Malaysia đang nhắm vào việc xây dựng một sân chơi cho tới năm 2004, gọi là “Aseananrean” cung cấp những hoạt động như tuần tra, đánh bắt, và lặn. Xem ST, 20 tháng  1999, trang 39.

[38] Nhiều tàu buôn đã gặp khó khăn tại đảo Langhua Jiao thuộc quần đảo Xisha và Bei Jiao (bãi đá ngầm phía Bắc) Xem China Ocean News (sau đây gọi là CON) (Beijing) ngày 20 tháng 4 1999, trang 3.

[39] MURAI Tomohide giảng dạy tại Học viện Quân sự quốc gia tại Yokosuka, Nhật, vào tháng 5 1990, trong một bài báo tiếng Nhật, đã đóng góp một bài bàn về mối đe dọa Trung quốc. Ông cũng là người đầu tiên công khai nêu ra vấn đề. Xem Yazhouzoukan (sau đây gọi là YZZK) 17, số 39 (tháng 9 2003) 31. Theo Executive Intelligence Review (sau đây gọi là EIR), các nhà chiến lược ở London đã bắt đầu cuộc chơi này. Xem Vol. 6, số 9 (30 tháng 9 năm 1995) xuất bản bằng tiếng Trung, trang 17. Mặt khác, Reniminribao (People’s Daily) đề cập trong một bài báo rằng “mối đe dọa Trung Quốc” bắt đầu vào cuối năm 1992. Ban đầu, các nhà quan sát nước ngoài dự đoán là vào cuối những năm 1980. rằng Trung Quốc đại lục sẽ sụp đổ. Xem United Daily News (sau đây gọi là UDN) (Đài Bắc) 23 tháng 12 1995, trang 10.

[40] Victor Prescott, The South China Sea: Limits of National Claims (Kuala Lumpur: Maritime Institute of Malaysia, 1996) trang 40.

[41] Cossa (chú thích 2) pp v. 6 và 10. Cossa trích lời một học giả Trung Quốc đã mô tả SRV “as the most likely protagonist”. Xem trang C-4. Theo Robert Karniol (sống ở Thái Lan) của tờ Jane’s Defense Weekly, Trung Quốc là bên nổ phát súng đầu tiên trên quần đảo Xisha vào tháng 1 năm 1974 (Karniol đã email cho tác giả, tháng 10 1999). Về việc bên nào nổ súng đầu tiên, điều thú vị đó là vào tháng 8 2002, có một số báo cáo cho rằng hải quân Mỹ đã bắn phát súng đầu tiên vào tàu ngầm mini của Nhật một giờ trước cuộc tấn công của Hoàng gia Nhật vào ngày 7 tháng 12 1941. Xem www.straitstimes.com.sg/asia/story/0,1870,140802.00.html ngày 14 tháng 8 năm 2002. Vào tháng 7 2003, Bắc và Nam Triều Tiên đã nổ súng trở lại.

[42] Cossa (chú thích 2) trang vi, Lianhezaobao (sau đây gọi là LHZB) (Singapore), 20 tháng 1 1999, trang 20. United Daily News (sau đây gọi là UDN) (Đài Bắc) 10 tháng 11 1998, trang 13 và Far Eastern Economic Review (sau đây gọi là FEER) (Hongkong) , 24 tháng 12 1998, trang 18. Kuala Lumpur cũng xây những trạm trú cho dân đánh cá trên một đảo trong quần đảo, Yuyeansha (Investigator Shoal) đã được Manila xác nhận. Xem Straits Times 17 tháng 4 1998 trang 28 và ngày 6 tháng 7 1998 trang 9. Xem CT 17 tháng 2 1999 trang 5.

[43] Trích bởi Michael Nacht “Multinational Naval Cooperation in Northeast Asia”, Korean Journal of Defense Analysis (sau đây gọi là KJDA) VII số 1 (Summer 1995) 43.

[44] Xem bài báo của tôi nhận xét về sự ủng hộ của Chiu Hungdah trên CT, 26 tháng 2 1999, trang 15.

[45] Nathan và Ross (chú thích 33) trang 24.

[46] Cossa (chú thích 2) trang viii-ixvà trang C-6.  Tôi muốn cảm ơn Andrew M. Marton vì sự làm sáng tỏ khái niệm “đường trên cát”, ngày 5 tháng 4 1999. Cùng với đó, tôi trích tài liệu dưới đây từ Ellen C. Collier, Instances of Use of United States Forces Abroad, 1798-1993 (Washington DC: Congressional Research Service, Library of Congress, 7 tháng 10 1993): “1836- Mehico, tổng tư lệnh Gaines đã chiếm đóng Nacogdoches (Tex.), tranh chấp lãnh thổ từ tháng 7 đến tháng 12 trong suốt chiến tranh giành độc lập của Texas, theo chỉ thị nhằm vượt qua “đường biên giới tưởng tượng” nếu như xuất hiện nguy cơ chiến tranh của người Ấn.

[47] Cossa (chú thích 2) trang 6.

[48] Xem Kemp (chú thích 25) trang 9.

[49] Churchill và Ulfstein (chú thích 31) trang 89.

[50] Tuy nhiên, nếu như Việt Nam và Trung Quốc có thể đạt tới thỏa thuận về việc loại bỏ đường biên giới biển trên vịnh Beibu như họ đã làm vào mấy năm vừa qua, Trung Quốc có thể lấy lại hai phân khu đã mất.

[51] Li Geping “The Latest Development in the Nansha Island Group Dispute”, Inside Information on Economic Reform (sau đây gọi là IIER) (Bắc Kinh) số 4 20 tháng 2 1998, trang 28.

[52] Valencia (chú thích 16) trang 128-9.

[53] Quan điểm này lấy từ tiêu đề sách của Nathan và Ross (chú thích 33).

[54] Far Eastern Economic Review, 24 tháng 12 1998, trang 18

[55] United Daily News (sau đây gọi là UDN) (Đài Bắc) ngày 8 tháng 1 1999, trang 13.

[56] Pablo-Baviera (chú thích 30) trang 14.

[57] Các vùng này được người Nhật xây dựng lần đầu tiên trong chiến tranh Nga-Nhật và họ yêu cầu tàu thuyền nước ngoài phải tuân theo những tuyến đường biển nhằm tránh các vùng hoạt động chính của Nhật, trong vòng khoảng cách 10 hải lý tính từ bờ biển. Vấn đề này sau này được trường Chiến tranh Hải quân Mỹ coi là một tiền lệ hợp lý. Xem D.P O’s Connell, The International Law of the Sea. Vol 2 (Oxford Claredon Press, 1984) trang 1109.

[58] Vùng bảo vệ tồn tại giữa Úc và Papua New Guinea trong vùng Torres Strait. Vùng này cho phép các hoạt động đánh bắt cá truyền thống và các hoạt động truyền thống khác như là tự do đi lại giữa cư dân. Xem Oxman (chú thích 2) trang 38-9.

[59] Vùng này ám chỉ vùng được bao bởi đường trung tuyến Nhật-Hàn, đường trung tuyến Trung-Nhật, và “đường đồi” chạy dọc đầu phía bắc của vùng lõm Okinawa. Xem Rhee và MacAulay (chú thích 32) trang 97.

[60] Ví dụ điển hình nhất là vùng xám hay khu xám biển Barent. Xem David Colson “The Legal Regime of Maritime Boundary Agreements” trong Charney và Alexander (chú thích 2) trang 67-8. Cũng xem Churchill và Ulfstein (chú thích 31) trang 64 và 66.

[61] Ví dụ rõ nhất là các đường biên giới của Chile, Ecuador, và Peru bao gồm một vùng đệm 10 hải lý cho phép các ngư dân có thể vô tình đi qua.

[62] Khái niệm này được đề cập trong Công ước Geneva về Thềm Lục Địa. Tuy  vậy, một công ước tương tự cũng tuyên bố rằng “kể cả việc xây dựng hay đặt các thiết bị (ngầm) cũng như các vùng an toàn xung quanh nó đều không được phép thiết lập ở nơi mà sự can thiệp có thể dẫn đến việc sử dụng các đường quy định (sea lanes) cho việc tuần tra quốc tế”.Ross D. Eckert The Enclosure of Ocean Resources (Standford, CA: Hoover Institution Press, 1979) trang 80.

[63] Ibid. trang 81-2. Lối đi an toàn tỏ ra hiệu quả trong việc di chuyển các “lối đi” trong đó không cho phép các hoạt động khoan dầu gây ra nguy hiểm cho tàu thuyền.

[64] Vùng này được Anh sử dụng cho vùng giữa Fort San Felipe và Gibraltar’s Old Mole và mở rộng tới điểm phía Đông Bắc của San Felipe. Đường này đã bị xóa bỏ do sự chống đối của Tây Ban Nha. Xem J.G O’Reilly “Gibralta: Spanish and United Kingdom Claims”, Territory Briefing 4 (Durham, U.K:1992) trang 8.

[65] Vào tháng 4 năm 1982, Anh đã tuyên bố một đường như vậy xung quanh quần đảo Falkland/Malvinas và tuyên bố “bất cứ tàu chiến và lực lượng hỗ trợ hải quân nào của Argentina xuất hiện trong vùng này sẽ bị đối xử thô bạo và có thể bị tấn công” – trích O’Connell (chú thích 57) trang 180.

[66] Vào tháng 11 năm 1976, Mỹ, khi đang trong quá trình tranh chấp với Canada, đã công khai các tọa độ của đường chia cắt cả vùng thềm lục địa và vùng đánh bắt trên vịnh Maine. Xem Johnston (chú thích 12) tramg 180.

[67] Khái niệm “các bức tường khác” lấy từ sách của Harold H. Saunders, The Other Walls: The Arab-Israeli Peace in a Global Perspective, rev. ed.. (Princeton, N.J: Princeton University Press, 1991)

[68] Phương pháp đường cơ sở thẳng cũng được áp dụng cho việc hình thành địa lý ngầm trên quần đảo Zhongha, trừ đảo Huangyan Dao.

[69] Johnston và Saunders, mục “Introduction” trong Ocean Boundary Making (chú thích 32) trang 4.

[70] Quả thực, như một học giả Trung Quốc (một người không hề biết đến khái niệm bảo hiểm kép) đã nhận định, việc công bố các đường cơ sở trên quần đảo Xisha “cho thấy Trung Quốc không xem xét các đường truyền thống là đường biên giới biển trên biển NTH”. Ông tiếp tục “nói cách khác các đường cơ sở trên quần đảo Xisha là thừa và không cần thiết”. Xem Zou (chú thích 6) trang 2.

[71] Xem Peter Koh Soon Kwang, Marine Insurance and the New Institute Cargo Clauses (Singapore: Longman, 1989) trang 94.

[72] Valencia (chú thích 5) trang 14.

[73] Wagner (chú thích 5) trang 14.

[74] Xem Friedrich von Wilpert, The Older Neisse Problem: Towards Fair Play in Central Europe (Bonn: Edition Atlantic-Forum, 1964) chương 5.

[75] John Anstey, Boundary Disputes (London: The Royal Institute of Chartered Surveyors, 1990) trang 84.

[76] Prescott (chú thích 40) trang 22-3.

[77] Ji (chú thích 30) trang 9

[78] Ví dụ, Liên Xô cũ đã thay đổi vị trí  các hạm đội tàu chiến qua các eo biển cứ khoảng 10 năm. Đầu tiên, Matxcova sẽ thông báo trước với nước đó và được phép bởi nước vùng ven biển. Sau đó, họ thay đổi vị trí ngược lại hoàn toàn. Xem Van Wie Davis (chú thích 4) trang 86.

[79] Johnston (chú thích 12) trang 78.

[80] Rhee và MacAulay (chú thích 32) trang 88. Prescott cũng đặt câu hỏi về các đường cơ sở của Trung Quốc trên biển NTH. Xem chuyên khảo của ông (chú thích 40) trang 14-20.

[81] Xem Cossa (chú thích 2) Appendix G.

[82] ST, ngày 24 tháng 11 1998, trang 17.

[83] CT, mùng 5 tháng 4 năm 1999. trang 1. Nhiều học giả và chuyên gia đã nhăc đến biển Ấn nư là một cái hồ Ấn. Ví dụ, xem UDN ngày 13 tháng 5 1998, trang 15. Xem Zhong Guo Guo Fang Bao (Bắc Kinh) ngày 10 tháng 11 năm 1998, trang 3. Một nhà sử học Trung Quốc sống ở Mỹ đã bình luận rằng Hoàng gia Nhật đã từng muốn biến biển NTH thành cái hồ nhà. Xem Straits Review (sau đây gọi là SR) (Đài Bắc) số 111 (ngày 1 tháng 3 2000) trang 16.

[84] Valencia (chú thích 16) trang 129. B.A Hamzah cũng đặt câu hỏi về cách mà đường cơ sở của Indonesia được áp dụng cho từng cơ chế biển khác nhau. Xem sách của ông,  The Spratlies: What can be done to enhance confidence (Kuala Lumpur: Institute of Strategic and International Studies, 1990) trang 8. Điều thú vị là trong trang 14 ông viết “Hiệp ước cho phép hình thành các đường đa biên giới trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế, mặc dù một đường đơn chính giữa vẫn được khuyến nghị hơn”. Xem ibid. trang 14.

[85] R. Haller Trost, “The Spratly Inslands: A Study on the Limitations of International Law”, Centre of South-East Asian Studties Occasional Paper số 14 (University of Kent at Canterbury, tháng 10 1990) trang 1.

[86] Xem bài của tôi “Issue on the South China Sea: A Case Study”, Chinese Yearbook on the International Law and Affair, số 11 (1991-1992) trang 138-200.

[87] Oxman (chú thích 2) trang 36-7

[88] Lianhezaobao (sau đây gọi là LHZB) (Singapore) ngày 25 tháng 3 1999, trang 31.

[89] Ibid 24 tháng 3 1999, trang 29.

[90] Giới hạn thông thường là đường von Karman, độ cao khoảng 80 km nhưng thay đổi tùy theo điều kiện khi mà các máy bay khí động lực không thể bay được nữa. Xem Malcolm Anderson, Frontiers (Cambridge, U.K: Policy Press, 1996) trang 163.

[91] Chen (chú thích 3) trang 381.

[92] Ví dụ, xem Tài liệu của Liên Hợp Quốc A/CN 4./143, mùng 9 tháng 3 1962 có tên là “Juridical Regime of Historic Waters, Including Historic Bays”, Yearbook of the International Law Commission, Vol II, 1962, trang 1-26, đặc biệt là trang 6. Các học giả như Daniel P. O’Connel ủng hộ xác nhận của Tonga đối với vùng chữ nhật các đường nước ở vùng biển cao, bao gồm một số nhóm đảo thuộc quần đảo Tonga và các đường nước lịch sử kể từ cuối những năm 1880. Xem sách của ông, The International Law of the Sea, vol. 1 (Oxford: Claredon Press, 1982-1984) trang 417-18 như đã trích trong báo cáo của Huang và Wei (chú thích 6) trang 214 và Zou (chú thích 6) trang 15. Leo J Bouchez cũng đưa ra định nghĩa của ông về các đường nước lịch sử. Xem sách The Regime of Bays in International Law (Leyden; A.W Sythoff. 1964) trang 281.

[93] Zou (chú thích 6) trang 8.

[94] Huang và Wei (chú thích 7) trang 217 và Cossa (chú thích 2) trang 15-16. Huang và Wei cũng đặt câu hỏi về các đường nước lịch sử của Trung Quốc. B.A Hamzah cho rằng đường chữ U “là phù phiếm, không hợp lý và thiếu logic” và Việt Nam cũng chính thức mô tả đường chữ U là bị thổi phồng và không có căn cứ luật pháp. Xem Huynh Minh “Sovereignty of Vietnam over Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) and Peaceful Settlement of Disputes in the Bien Dong Sea (South China Sea)” trong hội thảo về “Asean in the 21th Century: Opportunities and Challenges” (Hanoi: Institute of International Relations, tháng 3 1996) trang 98-9, Zou trích dẫn (chú thích 6) trang 11, Hamzah cũng viết rằng “…thế kỉ này chứng kiến sự căng thẳng ngày càng lên cao giữa các nước nhằm mở rộng vành đai biển, nhằm biến đại dương thành các vùng đặc quyền của mình”. Xem sách của ông (chú thích 18) trang 8. Hamzah cũng tự cho rằng nghiên cứu năm 1990 của ông về quần đảo Nansha là “mới là sự lướt qua những xác nhận chủ quyền đang trang chấp”. Xem sách của ông (chú thích 84) trang 1.

[95] Pablo-Baviera (chú thích 28) trang 16-17.

[96] Cossa (chú thích 2). Appendix G. Điều này có phần nào trái ngược với tuyên bố của một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ trước các đại biểu quốc hội Mỹ về việc hình thành các lực lượng Trung Quốc trên quần đảo Nansha: “ đó không phải là một mối đe dọa an ninh lớn. đó là xu hướng và thực tế là Trung Quốc xác nhận tất cả các vùng lãnh thổ này là có vấn đề, không phải là tình hình tại chỗ. Trích Straits Times, 15 tháng 3 1999, trang 11.

[97] Cossa (chú thích 2) p C-8 và Straits Times 15 tháng 3 1999, trang 11.

[98] Khái niệm về việc xác nhận chủ quyền biển quá đáng (excessive) lấy từ sách của J Ashley Roach và Robert W Smith, United States Responses to Excessive Maritime Claims, 2nd ed. (The Hauge: Martinus Nijhoff Publisher, 1996)

[99] Xem Stephen R Langford, “Libya: The Gulf of Sirte Closing Line”, International Boundaries Research Unite Briefing, 1990, trang 4 và 8.

[101] ST 30 tháng 3 1999, trang 48. Trung Quốc nói rằng nước này sẽ có khoảng 10 triệu tấn dầu thô từ sản xuất ở nước ngoài vào đầu thế kỉ 20. Đến năm 2010, Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển sản xuất dầu hàng năm ở nước ngoài lên tới 50 triệu tấn, song song với mức cung cấp gas từ nước ngoài 50 tỉ mét khối. Xem online <.hkstandard.com/today/default.asp> 1 tháng 6 1999. Vào tháng 10 năm 1998, Trung Quốc thông báo với Nhật rằng có khả năng họ sẽ giảm lượng cung cấp dầu từ mỏ Daquing cho Nhật. Vào tháng 1 năm 1999, Trung Quốc tuyên bố không xuất dầu sang Nhật từ tháng 2 1999. Theo hợp đồng, Trung Quốc đảm bảo cung cấp cho Nhật hơn 6 triệu tấn dầu. Điều dễ hiểu là Nhật không vui gì. Xem CT 7 tháng 2 1999, trang 14.

[102] ST, 1 tháng 4 1999, trang 50. ROC Đài Loan đã mất khá nhiều tiền trong các cuộc thăm dò dầu khí suốt 30 năm qua. Xem UDN, 26 tháng 3 1999, trang 15. Vào năm 2022, tiêu thụ dầu của Trung Quốc đại lục sẽ gấp 3 lần www.news.chinatimes.com/chinatimes/news/newslist-content/0,3546,110505+112003072700057 27 tháng 7 2003.

[103] ST 19 tháng 3 1999, trang 64 và 13 tháng 4 1999 trang 46. Xem http://lw9fd.law9.hotmail.msn.com/cgi_bin/getmsg?curbbox=F00000001&a=1f033115d5 2 tháng 11 2001 và Economist, 15 tháng 12 2001, trang 15-16.

[104] Do hiệu ứng nhà kính, có khả năng là tất cả các đảo trên biển NTH sẽ nằm dưới mực nước biển. Thậm chí khi điều này xảy ra, các vấn đề như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa sẽ vẫn tồn tại.

[105] Fu Kuen-chen, “Maritime Rights of the Chinese People”, Straits Review, no. 99 (tháng 3 1999) trang 7.

[106] Trích từ Ji (chú thích 30) trang 26. Tuy vậy Trung Quốc đồng ý đồng sở hữu các đảo cùng với các nước phản đối Xem ibid. trang 28.

[107] Smith và Thomas (chú thích 31) trang 20

[108] Email từ Juan Antonio Escudero, United Nations Division for Ocean Affairs and the Law of the Sea, 23 January 1999.

[109] Barry Wain, “The “Tibetization” of the South China Sea”, Asian Wall Street Journal (sau đây gọi là AWS) (Hongkong) 12-13 tháng 2 1999, trang 10. Wain lại thúc giục Trung Quốc từ bỏ đường chữ U. Xem bài báo của ông “Beijing should Erase the U-shaped line” AWSJ 26-28 tháng 5 2000, trang 10.

[110] Johnston (chú thích 12) trang 288.

[111] Valencia (chú thích 16).

[112] Xem Eckert (chú thích 62) trang 272-89. Về một số thất bại khác của luật Biển 1982, xem Johnston và Saunders “Introduction” trong id.(chú thích 32) trang 4-8.

[113] Argentina vẫn muốn lấy lại quần đảo Malvinas/Falkland từ Anh. Xem LHZB ngày 7 tháng 4 1999, trang 2. Xem Straits Times 10 tháng 8 1999 trang 11.

[114] Tác giả rất cảm ơn Stein Tonnesson và các nhà bình luận về những đóng góp ý kiến cho bài báo này.

 

Người dịch: Hoàng Khánh Hòa và tòa soạn Thời Đại Mới

 

© Thời Đại Mới

 

Trở về trang chủ Thời Đại Mới

 

17-5-09