thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 16  - Tháng 7/2009

 


 

 

Ổn định và phát triển:

Trí thức Trung Quốc đang nghĩ gì?

Trần Hữu Dũng

 

Như Việt Nam, Trung Quốc hiện phải đương đầu với nhiều thử thách kinh tế, xã hội, môi trường, vv.. Kinh nghiệm của họ đặc biệt hữu ích vì, cũng như Việt Nam, họ là một nước “xã hội chủ nghĩa” (trên danh nghĩa) và chỉ thực sự bắt đầu cải cách khoảng ba mươi năm nay (trước Việt Nam độ 10 năm).  Đó là chưa nói đến một lý do quan tâm thiết thực nhất cho chúng ta: Trung Quốc là một quốc gia cận kề, ảnh hưởng lớn lao đến Việt Nam về văn hóa, về chính sách (và nhiều phương diện khác nữa!).  Hiển nhiên, đã có vô số văn kiện, báo cáo của nhà nước Trung Quốc về các kinh nghiệm này, và cũng đã có rất nhiều nghiên cứu của các tác giả Tây phương về Trung Quốc, song, đối với những người muốn nhìn vấn đề từ nhiều phía thì vẫn còn một điều muốn biết: thế còn những trí thức Trung Quốc ngoài chính quyền, tương đối độc lập, thì họ nghĩ sao? 

 Bài này giới thiệu một số nhận định và phân tích của các học giả Trung Quốc về những vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường... của nước họ.  (Những ý kiến về chính trị, ngoại giao và quốc phòng sẽ được dành cho một bài khác.)  Đây là những công trình được thấy trên các ấn phẩm được phép xuất bản ở Trung Quốc, nhưng không phải là trong các văn kiện chính thức của Đảng và chính phủ nước này. Theo nhiều nhà bình luận thì tác giả của những ý kiến này có thể được xếp (một cách đại thể) thành hai “phe”: một phe là nhóm trí thức thường được gọi là Tân Tả, và phe kia là nhóm thường được mệnh danh “phóng khoáng” (đôi khi cũng được gọi là Tân Hữu).  Song, phải thêm: giữa hai phe này có những người... không thuộc phe nào.  Đó cũng là cấu trúc của bài viết này.[1]

 

IPhái Tân Tả

 Nhớ lại, ngay từ những năm 1990, sau hơn một thập kỷ theo đuổi và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, chính sách cải cách theo hướng thị trường của Trung Quốc đã bị nhiều trí thức nước này chỉ trích. Tuy chuyên về nhiều ngành khác nhau (sử học, kinh tế, xã hội, môi trường, vv.. ) và theo nhiều tiếp cận khác nhau, những trí thức này có chung một số quan tâm về đất nước họ.

 Một là, họ bất bình về tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng và sự suy đồi đạo đức (theo họ) của Trung Quốc.  Dù không có ý hô hào Trung Quốc trở lại như trước thời kỳ cải cách, họ nhớ lại thời kỳ này với nhiều luyến tiếc.  

 Hai là, đa số tin rằng hầu hết những hụt hẫng sâu đậm của Trung Quốc ngày nay là bắt nguồn từ những lỗ hổng của tư bản chủ nghĩa (chính xác hơn, cơ chế thị trường) và tham nhũng.

 Ba là, phần lớn nhóm này là những học giả, những trí thức được đào tạo bài bản, tốt nghiệp từ các đại học hàng đầu và, đáng chú ý hơn, đã sống nhiều năm, thậm chí khá thành danh, ở Mỹ và Anh.  Họ quen thuộc với tư tưởng Tây phương hiện đại (với các tên tuổi như Michel Foucault, Edward Said, Paul Baran, Immanuel Wallerstein... , những lý thuyết như “tân Mác”, “hậu hiện đại”, “hậu thực dân”), nhưng họ không sùng bái các trào lưu thời thượng này như các thế hệ trước.  Họ cho rằng nhiều quan điểm về tính tân thời, về phát triển..., phát xuất từ Tây phương, là không thích hợp với Trung Quốc. Vài tác giả còn đi xa hơn nữa, cho rằng cần “vượt qua” (không nhất thiết là “dung hợp”) những phạm trù tương phản  ̶  giữa xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, giữa “cái tân thời” và “cái cổ truyền”, giữa Trung Quốc và phương Tây.  Họ muốn vạch một con đường mới trong suy nghĩ về Trung Quốc.

 Những nhân vật chủ chốt của nhóm này là nhà xã hội học Uông Huy và các nhà kinh tế Thôi Chi Nguyên, Vương Thiệu Quang, Hồ An Cương, và nhà sử học Tiễn Lí Quần.  Họ thường được biết qua danh hiệu “Tân Tả”.

 Có lẽ nhóm Tân Tả đã không để lại dấu ấn sâu đậm trong sinh họat trí thức Trung Quốc như đã thấy  – thậm chí đã không là một “nhóm”  ̶  nếu không có Độc Thư, nguyệt san được nhà ngôn ngữ Trần Nguyên sáng lập từ năm 1979.  Nguyệt san này lúc đầu chỉ là một ấn phẩm hàn lâm, ít người đọc. Tuy nhiên, từ khi Uông Huy và Hoàng Bình cùng đuợc bổ nhiệm đồng tổng biên tập năm 1996, cho đến khi Uông và Hoàng bị miễn nhiệm năm 2007, thì Độc Thư trở thành diễn đàn trụ cột của luồng tư tưởng ngoài dòng ý thức hệ chính thống đương thời.  Trên tạp chí này người ta có thể đọc những phân tích về nhiều vấn đề hệ trọng mà, cho đến nay, rất hiếm thấy trên báo chí “chính thống” Trung Quốc. Chẳng hạn, đó là những phân tích về khủng hoảng nông thôn ở Trung Quốc (nghiêng về giải thích cho rằng khủng hoảng này là hậu quả trực tiếp của chính sách “thân tư bản chủ nghĩa” của Bắc Kinh).  Độc Thư cũng đưa ra ánh sáng những yếu kém của hệ thống y tế, giáo dục, và sự xuống cấp trầm trọng của môi trường ở nước này.  Tạp chí này cũng là diễn đàn cho những tranh luận sôi nổi về nước Nga hậu-Xô viết, và các biến chuyển chính trị ở châu Á.[2]

Đáng để ý là danh hiệu “Tân Tả” chẳng những không do những người trong nhóm này tự gọi, họ cũng hơi “dị ứng” với danh hiệu ấy – ít ra là lúc đầu.[3] Uông Huy giải thích: Thứ nhất, tên “Tân Tả” là do những người thiếu thiện cảm với họ (cụ thể là phe thường được gọi là “phóng khoáng” (liberal)) gán cho họ, với ngụ ý rằng họ (“Tân Tả”) chẳng qua chỉ là hậu duệ của phe “cựu tả” thời Mao, và mơ ước khôi phục một nước Trung Quốc như dưới thời Mao.[4]  Thứ hai, danh xưng này đã được dùng ở Tây phương trong một truyền thống tư tưởng hoàn toàn khác. Theo Uông Huy, nhóm của ông không dính líu gì đến những người thường được gọi là Tân Tả ở phương Tây,[5] và ông thích được gọi là “trí thức phê phán” (critical intellectual) hơn.[6]

 Dù được xem là cùng “nhóm”, một đặc điểm (mà có người cho là nhược điểm) của Tân Tả là họ không có chung một hệ tư tưởng quy mô, chặt chẽ, và nhất quán.  Nói theo ngôn ngữ Tây phương hiện đại, họ không có chung một “lý thuyết phê phán” (critical theory) – tức là một cách nhận định và phê bình trên nền tảng khoa học xã hội và nhân văn.  Mỗi “thành viên” thường chỉ chuyên về một vấn đề cục bộ, có người (như Thôi Chi Nguyên) thì quan tâm đến vấn đề sở hữu (và liên hệ là vấn đề quản lý xí nghiệp), có người (như Vương Thiệu Quang, Hồ An Cương) thì tập trung phân tích chính sách thu chi (fiscal policy) của chính phủ, còn đối với Tiễn Lí Quần thì vấn đề giáo dục là trọng tâm.  Nếu phái Tân Tả có một mẫu số chung thì đó là sự quan tâm đặc biệt, gần như là ám ảnh, đến công bằng xã hội, đến môi trường.  Một điều nữa: nói chung, họ không phải là thành phần “chống đối” (muốn lật đổ) nhà nước Trung Quốc, hoặc chủ trương “thay đổi chế độ”.  Thực vậy, ảnh hưởng của phe Tân Tả đã có phần lên cao sau khi Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo lên cầm quyền.

  

1Uông Huy: “hiện đại tính” và “Trung Quốc tính”

 Uông Huy (sinh năm 1959, người gốc Dương Châu, tỉnh Giang Tô), được Hàn lâm viện Khoa học Xã Hội Trung Quốc cấp tiến sĩ năm 1988, hiện là giáo sư văn học Trung Quốc ở Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh).  Là một nhà xã hội học[7] có hạng (tác giả bộ sách bốn cuốn “Sự hưng khởi của tư tưởng Trung Quốc hiện đại”,[8] được đánh giá cao) Uông Huy gây dấu ấn sâu sắc cho nhóm Tân Tả từ khi ông ta, cùng với Hoàng Bình[9], được bổ nhiệm làm đồng Tổng biên tập nguyệt san Độc Thư vào năm 1996. như đã nói ở trên  

 Trước biến cố Thiên An Môn năm 1989, cũng như nhiều trí thức trẻ lúc ấy, Uông Huy cực lực ủng hộ chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, rất mực tin tưởng ở “kinh tế thị trường”.  Sau biến cố Thiên An Môn, vì là một người tham gia (dù lúc ấy ông không còn là sinh viên) Uông Huy bị “lưu xứ” đến miền sơn dã ở Tần Lĩnh, Thiên An (một vùng thuộc hàng nghèo nhất Trung Quốc). Sống với nông dân và người lao động, Uông Huy có những nhận định mới về xã hội Trung Quốc.[10]  Nói như Paul Baran, một kinh tế gia mác xít Mỹ mà Uông Huy chịu nhiều ảnh hưởng: Từ một người “trí thức cấp tiến”, Uông đã trở thành một “cấp tiến trí thức”.

Theo Uông Huy thì từ rất sớm (khoảng giữa thập niên 1980) đã có thể thấy là những cải cách theo hướng thị trường đã làm giảm đi rất nhiều những lợi ích của xã hội chủ nghĩa mà Trung Quốc đã gặt hái được từ khi giải phóng năm 1949.  Do đó, theo Uông, mục tiêu cuộc nổi dậy của một bộ phận sinh viên và lao động trong biến cố Thiên An Môn không phải là phản kháng chế độ chính trị lúc ấy, nhưng nhắm chống đối một thể chế không còn tồn tại, thể chế đã mất đi vì chính tiến trình chuyển đổi của Trung Quốc.[11]  Nói cách khác, Uông Huy cho rằng khả năng thay đổi của nhà nước đã không theo kịp kỳ vọng thay đổi của quần chúng.  Oái oăm thay, sự đàn áp (mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc cho là) cần thiết để giải tán những người biểu tình đã trở thành một công cụ để áp đặt cải cách thị trường và, qua đó, mở cửa xã hội Trung Quốc.

 Uông Huy nghi ngờ sự công bằng của một nền kinh tế thị trường hoàn toàn thả lỏng.  Theo ông, đối với hầu hết dân Trung Quốc thì trách nhiệm của nhà nước hiển nhiên là lo cho dân, và mọi người trong xã hội phải hợp tác, đùm bọc nhau.  Uông Huy cho là nhà nước phải ngăn ngừa bất bình đẳng trong xã hội.  Ông khẳng định “(sự ngăn ngừa ấy) không phải (chỉ) là một lý tưởng của xã hội chủ nghĩa” bởi vì, “ngay trong thời quân chủ, những người cai trị Trung Quốc bao giờ cũng phải giữ một sự quân bình nhất định giữa người giàu và người nghèo, qua hệ thống thuế má và chẩn tế”. 

 Quan trọng hơn, theo Uông Huy, chưa chắc là thị trường sẽ tất yếu đưa đến dân chủ.  Để dẫn chứng, Uông Huy bảo cứ nhìn vào liên minh giữa các thành phần “ưu tú” (elites) – tức là phi dân chủ  –  mà tiến trình tư nhân hóa đã tạo ra.  Uông Huy cho rằng nhà nước chỉ thật sự thay đổi khi nó bị áp lực mạnh mẽ của xã hội, đặc biệt là từ công nhân thợ thuyền và nông dân.   

 Theo Uông Huy, đa số học giả (Tây phương lẫn Trung Quốc) đã lầm khi xem cải cách như là một cách “tạ lỗi quá khứ” (“apologia for the past”).  Xã hội chủ nghĩa có thể không còn là thời thượng, Uông Huy nhấn mạnh, song chừng nào mà thế giới (và nhất là Trung Quốc) chưa thể loại trừ, ngăn chặn, những hậu quả bất công của thị trường tự do –  những bất công tiềm ẩn trong tư bản toàn cầu  ̶  thì xã hội chủ nghĩa vẫn còn lý do để tồn tại.

 Theo Uông Huy, Trung Quốc ngày nay bị kẹp giữa hai thái cực: một bên là thứ xã hội chủ nghĩa nhầm đường (misguided socialism), bên kia là thứ chủ nghĩa tư bản bồ bịch (crony capitalism).  Trung Quốc, do đó, “lãnh đủ” những gì tồi tệ nhất của hai chế độ này.  Uông Huy ủng hộ cải cách kinh tế theo hướng thị trường, tuy nhiên, theo ông, phát triển của Trung Quốc phải bình đẳng hơn, cân đối hơn.

 Uông Huy nhấn mạnh đến con đường phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa đặc thù của Trung Quốc và cho rằng tư tưởng của Mao đã xuất hiện như một lựa chọn khác (alternative) cho “tính hiện đại” của tư bản chủ nghĩa.  Mục tiêu của chủ nghĩa Mao, theo Uông, là tránh những mặt khắc nghiệt, những liên hệ có tính bóc lột ẩn chứa trong chủ nghĩa tư bản của phương Tây.  Dựa vào những lập luận khá giống lập luận của Immanuel Wallerstein (một nhà kinh tế thiên tả nổi tiếng của Mỹ), Uông Huy chỉ trích chủ nghĩa tư bản quốc tế, phê phán các quan hệ quyền lực làm chi phối những tiến trình kinh tế toàn cầu.  Ông cho rằng toàn cầu hóa cốt yếu chỉ là sự bành trướng và triển khai của các công ty đa quốc gia, cộng với sự cấu kết giữa các công ty này với những nhóm lợi ích tại địa phương và quốc gia liên hệ.  Toàn cầu hóa, như thế, chẳng những sẽ ngấm ngầm lũng đoạn dân chủ (về mặt chính trị) mà còn đe dọa tự do thị trường (về mặt kinh tế).  Uông Huy cũng thường viện dẫn những nghiên cứu của Fernand Braudel (một sử gia người Pháp nổi tiếng với cách giải thích lịch sử căn cứ trên các yếu tố kinh tế và xã hội) về thế giới trước chủ nghĩa tư bản, và thời kỳ sơ khai của chủ nghĩa này.

 Tuy không phải là nhà kinh tế nhưng Uông Huy rất tâm đắc với (những nhà kinh tế danh tiếng) John Stuart Mill, Joseph Stiglitz, Amartya Sen và George Akerlof.  Đặc biệt Uông Huy bị quyến rũ bởi lý thuyết của Akerlof (và Paul Romer) trong bài “Cướp bóc: Kinh tế xã hội đen dùng phá sản để thủ lợi” .  Trong bài ấy, Akerlof và Romer báo cáo một hiện tượng thường xảy ra ở các doanh nghiệp (lớn) nhà nước sau khi được cổ phần hóa.  Những doanh nghiệp này được các ngân hàng nhà nước ưu đãi, mà những ngân hàng ấy (vì là của nhà nuớc!) lại rất biếng lười, chểnh mảng, trong việc đòi nợ...  Hậu quả là, quản lý các doanh nghiệp (nhà nước, sau khi cổ phần hóa) có xu hướng vay thả cửa cho mục đích cá nhân của họ mà không hề có ý định trả nợ!  Khi doanh nghiệp phá sản thì các nhà quản lý này chuồn mất, hoặc trơ mặt, phủi tay, để lao động ở doanh nghiệp ấy và những cổ đông khác... lãnh đủ.  Theo Uông Huy, phát hiện này của Akerlof và Romer chứng minh sự không hoàn toàn đúng của ý kiến cho rằng tư hữu có lợi vì nó khích lệ sản xuất.  Uông Huy chê những người tán tụng tư hữu vì nó khuyến khích lao động là chỉ thấy một nửa vấn đề.  Tuy nhiên, theo người viết bài này (THD), Uông Huy xé chuyện bé ra to.  Tư hữu có thể bị phê phán trên nhiều mặt, không nhất thiết phải đơn cử Akerlof và Romer.[12]  Ngược lại, ít có nhà kinh tế nghiêm túc nào lại ngây thơ tin rằng tư hữu là liều thuốc vạn năng, không có những hiệu ứng xấu.  Tuy vậy, Uông Huy kết luận (khá đúng, theo ý người viết bài này) rằng, khi thiết lập chính sách tư hữu hóa, nhà nước không nên chỉ chú ý đơn thuần đến cơ cấu sở hữu mà còn phải chú trọng đến những khích lệ về tài chính (financial incentives) và các biện pháp điều tiết. 

 

2.  Thôi Chi Nguyên và các vấn đề về xí nghiệp

 Một nhân vật chủ chốt khác (và bạn thân của Uông Huy) trong nhóm Tân Tả là nhà kinh tế Thôi Chi Nguyên (Cui Zhiyuan).  Ông sinh năm 1963 tại Tứ Xuyên trong một gia đình trí thức (cha là một kỹ sư nguyên tử).  Thôi Chi Nguyên học ở Hồ Nam, rồi sang Mỹ du học vào năm 1987.  Sau khi lấy Ph.D. về chính trị học ở Đại học Chicago, ông được bổ nhiệm làm giáo sư ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).  Năm 2004 Thôi Chi Nguyên trở về Trung Quốc để phụng dưỡng cha mẹ già vì ông là con một.  Hiện nay ông giảng dạy môn chính sách công và quản trị (public policy and management) ở Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh). 

 Điều đáng ngạc nhiên là, dù được đào tạo trong “sào huyệt” kinh tế học tân cổ điển của Đại học Chicago và MIT, Thôi Chi Nguyên lại là một trong những học giả Trung Quốc mạnh dạn nhất, năng nổ nhất bày tỏ hoài nghi về tính thích hợp (relevance) của chủ nghĩa tự do kinh tế, và của kinh tế học tân cổ điển nói chung, cho Trung Quốc.  Ông cho rằng xã hội chủ nghĩa kiểu Mao, xuất phát từ hoàn cảnh đặc thù của Trung Quốc, là một mô hình phát triển thích hợp cho Trung Quốc hơn bất cứ mô hình nào của Tây phương. Thôi Chi Nguyên là người tích cực biện hộ cho những chính sách “Mao-ít” như Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa.  Theo ông, những thành tựu của Trung Quốc trong thập niên 1980, cũng như nền tảng tự trị địa phương và các xí nghiệp hương trấn (được xem là đã tạo những điều kiện thuận lợi cho cuộc cải cách sau này), đều là kết quả trực tiếp của chế độ công xã và của chính sách Đại Nhảy Vọt.  Còn cuộc Cách Mạng Văn Hóa, mặc dù có nhiều mặt thái quá, đã được phát động như một thử nghiệm cần thiết, và có chủ ý tốt, để chống lại những người có quyền lực trong một nền hành chính quan liêu (Thôi Chi Nguyên gọi là sự “khống chế hành chính”) luôn luôn là một tai ương trong suốt chiều dài lịch sử.

 Có lẽ “lỗi lầm” (gần như lập dị!) lớn nhất của Thôi Chi Nguyên là ông bị “ám ảnh” bởi cái gọi là “thí nghiệm Nam Nhai”.  Nam Nhai là một thị trấn khá nhỏ ở Hà Nam, xưa chỉ là một thôn trại bình thường.  Tuy nhiên, từ năm 1979 thì thị trấn này có những cải cách đặc biệt, cốt yếu là kết hợp chủ nghĩa tập thể (collectivism) và kinh tế thị trường để xây một loạt (26) nhà máy, và hiện thời là một trong những nơi sản xuất ... mì ăn liền lớn nhất Trung Quốc.

 Nam Nhai ngày nay có khoảng 13.000 dân, lượng xe hơi có thể được đếm trên đầu ngón tay. Ngoài xe đạp, phương tiện giao thông công cộng chủ yếu là xe buýt (với khẩu hiệu “Tình nguyện” và “Hi sinh” được sơn bằng chữ đỏ bên hông xe!). Không có thẩm mỹ viện, rạp hát, tiệm karaoke hay quán cà phê Internet nào ở đây.  Đập vào mắt du khách khi đến Nam Nhai không phải là các panô quảng cáo mà là chân dung của Marx, Engels, Lenin, Stalin... Ảnh và tượng Mao Trạch Đông có mặt khắp nơi, từ công viên có lính gác đến trường học, công sở, bệnh viện... Tiếng loa phát thanh các bài hát ca ngợi chế độ và chủ tịch suốt ngày vang khắp đường phố. 

Thu nhập trung bình của người dân Nam Nhai là khoảng 80-250 nhân dân tệ/tháng (tương đương 9,66-30,2 USD).  Mọi khoản tiền bệnh viện, tiền nhà, học phí từ mẫu giáo đến đại học đều được miễn, các nhu yếu phẩm (từ điện, nước, khí đốt… đến dầu ăn, trứng, thịt, sữa, bia…) đều được bao cấp. Công nhân sống trong các ký túc xá, tám người một phòng. Hàng ngày cứ mỗi sáng và đầu giờ trưa đến nhà máy họ phải xếp hàng và hát bài ca tụng Mao Trạch Đông trước khi làm việc. Tối về phải đi học các lớp chính trị. Trong khi đó, các quan chức và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sống trong các biệt thự sang trọng. Tuy nhiên người dân ở đây rất hiền hòa và hầu như chẳng mấy ai than phiền. Cuộc sống nơi đây vẫn y hệt như 20, 30 năm trước.  

Tuy rằng Nam Nhai có thể được xem là thành công theo cách mà người dân ở đó muốn, song ngay như bạn bè Tân Tả của Thôi Chi Nguyên cũng xem trường hợp này là quá cá biệt và ít ai cho rằng đó là một mô hình phát triển cho toàn Trung Quốc, như Thôi Chi Nguyên thường cổ vũ. 

Dù sao, từ những phân tích của ông, Thôi Chi Nguyên hô hào xã hội hóa vốn và cải cách quyền tài sản để người lao động có tiếng nói trong các công ty mà họ đang làm.  Ông cũng chủ trương lợi nhuận của các xí nghiệp quốc doanh phải được phân phát thẳng cho dân chúng thay vì nộp cho nhà nước hoặc những người đã giàu có.  

Một nhà kinh tế khác là Tả Đại Bồi (Zuo Dapei) cũng có nhiều phân tích về chính sách tư hữu hóa xí nghiệp của Trung Quốc. [13] Trong khối Tân Tả thì nhóm kinh tế gia như Thôi Chi Nguyên tương đối “mạnh miệng” về mặt chính trị hơn những người khác.  (Trong thời kỳ đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc năm 2007 Thôi Chi Nguyên là người hay công khai bình luận trên các phương tiện truyền thông, kề cả báo chí nước ngoài, về các diễn biến ở đại hội.)  Chính Tả Đại Bồi đã cùng với Hàn Đức Cường (Han Deqiang) và Dương Phàm (Yang Fan) viết một kháng thư phản đối những sơ hở trong tiến trình tư hữu hóa (sẽ nói thêm dưới đây, đoạn nói về Hàn Đức Cường).  Hay đi chung với Thôi Chi Nguyên là Lang Hàm Bình (Lang Xianping), cũng được đào tạo ở Mỹ.  Lang Hàm Bình thường viết cho báo ở Hồng Công, chỉ trích kịch liệt các tập đoàn doanh thương của Trung Quốc nên có lần bị kiện.

  

3.  Vương Thiệu Quang và Hồ An Cương: Nhà nước lớn hay nhỏ?

 Hồ An Cương (Hu Angang) thường được gọi là “đứa bé ngỗ nghịch” (enfant terrible) của nhóm Tân Tả  ̶  tương đối trẻ, rất giỏi, nhưng lý luận “không giống ai”, thậm chí “hơi ngông”. Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khi mà hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng “nhà nước lớn thì xấu, nhỏ thì tốt” thì Hồ An Cương và Vương Thiệu Quang (Wang Shaoguang), bạn tâm giao từ hồi ở Đại học Yale, lại có ý kiến trái ngược.  Trong một báo cáo gây nhiều ảnh hưởng vào đầu thập niên 1990,[14] Hồ và Vương khẳng định rằng quyền lực trong tay nhà nước Trung Quốc hiện nay là một thứ quyền lực sai.  Đó là thứ quyền lực chuyên chế (despotic) thay vì cai trị (governing).  Đúng là nhà nước này rất “mạnh” trong việc kiềm chế quyền tự do cá nhân của dân chúng, nhưng về phương diện quản lý quốc gia thì họ lại thuộc vào hạng bạc nhược nhất thế giới!

 Hai ông này ghi nhận sự suy giảm rõ rệt trong khả năng chính trị và quyền lực tài chính của chính phủ trung ương Trung Quốc.  Sự suy giảm này là hậu quả của một sự thoái hóa (devolution): quyền lực và quyền kiểm soát ngân sách và tài nguyên thay vì đi theo tiến trình từ địa phương đến trung ương thì ở Trung Quốc lại đi ngược lại, từ trung ương phân tán xuống địa phương.  Dùng các chỉ số gọi là “khả năng tách chiết” (extractive capabilities) dựa vào thuế má, Vương và Hồ kết luận rằng những cải cách thu chi (fiscal reforms) bắt đầu vào những năm 1980 đã làm giảm đi rất nhiều số tiền thuế mà nhà nước trung ương đáng lẽ thu được.

 Họ dẫn chứng: số thu cho ngân sách của chính phủ trung ương, tính theo phần trăm của GDP, đã liên tục giảm từ 31,2% năm 1978 xuống còn 14,2% năm 1992.  Vương và Hồ báo động rằng Bắc Kinh đang đứng trước nguy cơ “chết đói tài chính” (fiscal starvation). 

 Trong lúc ngân sách của chính phủ trung ương giảm như thế thì số thu của các địa phương lại ngày càng tăng, tạo thêm cơ hội cho các “lãnh chúa đỏ” dùng những lệ phí này một cách tùy tiện để vừa tự làm giàu, vừa tăng ngân quỹ địa phương và củng cố quyền thế của họ.  Đến cuối thập niên 1980 thì quyền lực của các “lãnh chúa đỏ” này không thua gì chính quyền trung ương.  Kết cục là, khả năng khai thác nguồn lực quốc gia của nhà nước trung ương ngày càng giảm, trong lúc những “của cải ẩn” (hidden wealth) thì bị các chính quyền địa phương và xí nghiệp quốc doanh tom góp.

 Theo ước tính của Hồ An Cương thì tổng cộng lãng phí do chạy chọt, đút lót (rent-seeking activities), trốn thuế, lệ phí địa phương tùy tiện và trộm cắp công khai của quan chức, hàng năm lên đến 15% GDP của Trung Quốc.  Ông ta cho rằng chính các quan chức địa phương, không sợ cấp dưới (dân) mà cũng chẳng ngán cấp trên (Bắc Kinh), là đầu dây mối nhợ của những tham ô lãng phí này.  Do dó, theo Hồ An Cương, Trung Quốc phải tập trung quyền thu thuế để tránh sự tràn lan của những lệ phí tùy tiện và để xây dựng những cơ chế ở trung ương hòng đối phó hiệu quả với tham nhũng.

 Phân tích của Vương Thiệu Quang và Hồ An Cương đưa phe Tân Tả đến kết luận: Hầu như tất cả khó khăn cho cải cách của Trung Quốc (tham nhũng, kinh tế quá nóng, đầu tư xấu, nợ xấu, tiêu thụ trong nước quá thấp, và bất bình đẳng ngày càng tăng) đều là hậu quả của sự quá bạc nhược của chính phủ trung ương chứ chẳng phải vì chính phủ này quá “mạnh” như nhiều người lầm tưởng.

  

4.   Hồ An Cương và “Phát triển mèo xanh”

 Nhóm Tân Tả còn một đặc điểm nữa, đó là sự quan tâm đến môi trường.  Sự quan tâm này xuất phát từ (a) lo lắng cho sự bền vững của phát triển, (b) bất ổn chính trị.

 (1)  Phát triển bền vững.  Ít người quên được câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình “Mèo trắng hay mèo đen không phải là điều quan trọng, cái quan trọng là mèo bắt được chuột” (Bạch miêu hắc miêu thuyết).  Hồ An Cương cho rằng chính vì tư duy “phát triển mèo đen” này mà môi trường Trung Quốc bị hủy hoại.  Theo Hồ An Cương và những người như ông, Trung Quốc không thể theo con đường mà Tây phương đã đi: Phát triển cái đã, còn việc “tẩy uế” môi trường thì sẽ tính sau.  Lộ trình này không khả thi cho Trung Quốc vì tốc độ và mức độ phát triển chưa từng có của Trung Quốc sẽ khiến việc “dọn dẹp” môi trường, nếu đợi phát triển xong mới bắt tay, sẽ là quá trễ.  Hồ An Cương đưa ra khái niệm “phát triển mèo xanh” – một sự phát triển “thân thiện” với môi trường – để phân biệt với “phát triển mèo đen, mèo trắng” của Đặng Tiểu Bình mà Trung Quốc đang theo, một cách phát triển tuy thực dụng, không giáo điều, nhưng tàn phá môi trường.

 Hồ An Cương dùng một phiếm dụ: Trung Quốc ngày nay quả là phát triển rất nhanh, nhưng giống như một người vừa nhảy ra từ một chiếc phi cơ đang bay, ban đầu hí hửng tưởng là mình biết bay... đến khi rơi đụng đất thì quá muộn! (Hồ kể cho Thomas Friedman – nhà bình luận của tờ New York Times nổi tiếng với ý niệm “thế giới phẳng”  ̶  nghe phiếm dụ này, Friedman rất thích và nhắc lại trong nhiều bài báo). Hồ An Cương rất may là được sự ủng hộ của Phan Nhạc (Pan Yue), phụ trách môi trường cho Trung Quốc.[15] (Phan Nhạc cũng là con rể của Đề Đốc Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing), chỉ huy hải quân Trung Quốc những năm 1982-1988, người được xem là có công hiện đại hóa hải quân này, từng là ủy viên Bộ Chính Trị.)

 (2) Thật ra, quan tâm về môi trường của lãnh đạo Trung Quốc (thúc đẩy bởi nhóm Tân Tả) cũng có lý do chính trị trong đó: họ sợ rằng hủy hoại môi trường sẽ dẫn đến bất ổn xã hội.  Theo Chu Sanh Hiền (Zhou Shangxian), viên chức cao nhất phụ trách môi trưởng Trung Quốc, cho biết thì chỉ trong năm 2005 đã có đến 51.000 vụ phản kháng của dân chúng liên quan đến môi trường, trong đó nhiều vụ thu hút hàng vạn người.

 Nhưng điều này lại rơi vào cái nhược điểm khác mà Hồ An Cương và Vương Thiệu Quang đã vạch ra: sự bạc nhược của chính quyển trung ương, bởi vì các địa phương không bao giờ hăng hái chống hủy hoại môi trường bằng trung ương.  Địa phương nào cũng muốn vùng của mình phát triển,[16] bất chấp hậu quả cho nơi khác. Thực vậy, chính vì sự phản đối của điạ phương mà ý định tính toán chỉ số “GDP xanh” của Phan Nhạc – một cách để báo động sự suy thoái của môi trường – rốt cuộc chẳng đi đến đâu cả!

  

5.  Tiễn Lí Quần và vấn đề giáo dục

 Tiễn Lí Quần (Qian Liqun) là một trí thức Tân Tả quan tâm đặc biệt đến những vấn đề giáo dục và văn hóa.  Thần tượng của Tiễn Lí Quần là nhà giáo dục nổi tiếng Thái Nguyên Bồi (Cai Yuanpei 1868-1940), một người có uy tín lớn trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc vì là sư phụ của hai sáng lập viên Đảng này là Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu. 

 Tiễn Lí Quần nhận xét rằng từ khi Trung Quốc cải cách thì trong các đại học của nước này tinh thần độc lập quả đã nở rộ.  Tuy nhiên, các đại học cũng bị áp lực vô cùng nặng nề để cung cấp những “tài năng thực tế” cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.  Áp lực này đã khiến đại học Trung Quốc đi ngược lại với những lý tưởng khai sáng của Thái Nguyên Bồi là muốn đại học (nhất là các đại học tinh hoa như Đại học Bắc Kinh) chỉ có nhiệm vụ đào tạo những nhà trí thức độc lập đứng ngoài “cơ chế nhà nước, những người luôn luôn có một tinh thần phán đoán, và luôn luôn ý thức về những ưu và khuyết điểm về tính độc lập của họ và hậu quả của sự độc lập ấy”.  Ngày nay, đại học Trung Quốc lại phải loay hoay trực diện với câu hỏi mà ngày xưa Thái Nguyên Bồi đã từng bức xúc: Đại học ấy phải như thế nào?

 Tiễn Lí Quần kêu gọi đại học Trung Quốc trở lại với mục đích rèn luyện những tài năng có tư duy phán đoán độc lập.  Đại học phải lưu tâm đến lợi ích của quốc gia và nhân loại nói chung (chứ không phải của cá nhân).  Đại học phải là nơi đào tạo những nhà tư tưởng, những nhà văn ....  Đó phải là nơi khám phá những tư tưởng mới, những tiếp cận mới không chỉ cho Trung Quốc mà còn cho cả nhân loại.

 Tiễn Lí Quần cũng than phiền sự lan tràn của chủ nghĩa thương mại và sự phai lạt ký ức về lịch sử.

 Cũng nên kể thêm một người tuy không thường được xem là thuộc nhóm Tân Tả, nhưng là một nhà báo có ảnh hưởng đặc biệt, đó là Hà Thanh Liên (He Qinglian) tác giả cuốn Cạm bẫy của hiện đại hóa (“Hiện đại hóa đích hãm tịnh”, The pitfalls of modernization).[17]

  

II. Phe Tân Hữu

 Tuy là phe Tân Tả có phần “phát” lên từ khi Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo lên nắm quyền, họ chưa phải là “một mình một chợ” trong sinh họat văn hóa Trung Quốc.   Chống lại họ là một nhóm có thể được gọi là “Tân Hữu” (cũng được gọi là “phóng khoáng” (liberal) hoặc “tân phóng khoáng” (neoliberal)).[18]  Hai phe này đã đôi co với nhau về nhiều vấn đề như: (1) cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997, (2) những hậu quả của trị trường hóa và tư hữu hóa, nhất là (a) nạn tham ô, (b) bất bình đẳng thu nhập, và (c) hủy hoại môi trường.  Cũng nên để ý rằng, như phe Tân Tả, phe Tân Hữu cũng có nhiều nhánh.  Cụ thể, phía Hữu cũng có những người biện hộ cho công bình xã hội, cho trách nhiệm đạo đức trong phát triển kinh tế.

 

1. Trương Duy Nghênh

 Người nổi tiếng nhất trong phe Tân Hữu là Trương Duy Nghênh (Zhang Weiying), hiện là giáo sư kinh tế ở Đại học Bắc Kinh. Trương Duy Nghênh lấy PhD ở Đại học Oxford dưới sự hướng dẫn của nhà kinh tế James Mirrlees.  Trương cho rằng không gì quan trọng bằng tự do hóa thị trường, và sẵn sàng “chung sống” với một chế độ chính trị chuyên chế nếu chế độ này chủ trương chính sách ấy.

 (1) Muốn hiểu Trương Duy Nghênh thì nên biết về thầy của ông ta, tức James Mirrlees, người được giải Nobel kinh tế năm 1996 (chia giải với William Vickrey).  Đóng góp lớn của Mirrlees là về lý thuyết gọi là “hệ thống thuế thu nhập tối hảo” (optimal income taxation), trong đó ông “giải” bài toán khó khăn là làm thế nào để khắc phục sự bất đối xứng thông tin (asymmetric information), và đồng thời khích lệ người chịu thuế đến mức tối ưu (theo một nghĩa nhất định).  Nói cách khác, Mirrlees cho rằng tuy thị trường có nhiều lỗ hổng (nhất là do sự thiếu thốn thông tin) nhưng vẫn có cách, qua hệ thống thuế má, để vượt qua những lỗ hổng này mà không cần một thay đổi căn bản về thể chế.

 (2) Một nhà kinh tế khác có ảnh hưởng nhiều đến Trương Duy Nghênh là Steven Cheung, “thành viên” của trường phái thị trường tự do của Đại học Chicago.  Bắt chước Cheung (1969, 1973), Trương Duy Nghênh ví nền kinh tế của một quốc gia như một con thuyền đánh cá mà chủ thuyền là một nhóm ngư dân cùng ra khơi trên chiếc thuyền ấy.  Tuy nhiên, nếu vì là “chủ” mà mỗi người trên thuyền đều có quyền chỉ huy chiếc thuyền thì sẽ không làm được gì cả.  Muốn đánh cá hữu hiệu, những người “chủ” – “sở hữu phương tiện sản xuất”  ̶  này phải thuê một thuyền trưởng để chỉ huy họ!

 Nhìn qua lý thuyết của Mirrlees cũng như của Cheung, và qua chính những bài viết của Trương Duy Nghênh thì có thể thấy là những nhà kinh tế “khuynh hữu” như ông ta, tuy ngoài mặt thì hay thích nói đến sự “thu nhỏ” của nhà nước, nhưng thật sự là họ mong muốn có một nhà nước chuyên chế (theo lối của họ) để thực thi những chính sách mà họ đề nghị.[19]

 Mới nhìn qua thì sự khác biệt giữa Tân Tả và Tân Hữu không phải là lớn lắm, nó chỉ ở mức độ quan trọng mà họ gán cho mỗi vấn đề, và thứ tự (thời gian) mà nhà nước nên theo trong việc thực thi.  Chẳng hạn, phe Tân Hữu cũng quan tâm đến môi trường, cũng ái ngại về tình trạng thu nhập bất bình đẳng, v.v, nhưng họ cho rằng ưu tiên số một phải là làm cho nền kinh tế hiệu quả hơn, và theo họ thì điều ấy chỉ có thể thực hiện được bằng cách thu nhỏ khu vực quốc doanh.  Trong mục đích chỉ trích doanh nghiệp nhà nước, họ cho rằng lao động trong các doanh nghiệp này cũng là hưởng lợi.  Nói cách khác, sự bất bình đẳng mà phái Tân Tả thường nói đến (giữa lao động và quản lý) thì, dưới cái nhìn của phái Tân Hữu, không tai hại bằng sự bất bình đẳng giữa quốc doanh và tư doanh.

 Song những người “Tân Hữu” không đi sâu vào nội bộ xí nghiệp và đặc biệt là không quan tâm đến sự khác biệt trong cách ứng xử của ban quản trị và công nhân trong những xí nghiệp ấy.  Trái lại, nội bộ xí nghiệp là vấn đề mà phe Tân Tả đặc biệt lưu ý.  Uông Huy, như đã nói ở trên, nêu nghi vấn về giả định (của kinh tế tân cổ điển mà phái Tân Hữu chấp nhận) rằng chính vì các “xí nghiệp gia” (entrepreneur) quyết liệt chạy theo lợi nhuận mà họ sẽ là đầu tàu làm cho kinh tế hiệu quả hơn.

 

2. Chu Học Cần

  Một người nữa cũng không có thiện cảm với Tân Tả là Chu Học Cần (Zhu Xueqin), sinh năm 1952, giáo sư sử học Đại Học Thượng Hải từ năm 1992.[20]  Chu Học Cần là đàn em của Cố Chuẩn (Gu Zhun, 1915-1974), nạn nhân của phong trào “phản hữu” (“phản hữu phái vận động”) do Mao phát động cuối thập niên 50, đầu 60 để thanh trừng nội bộ.[21]

 Khác với Trương Duy Nghênh, Chu Học Cần để ý nhiều đến những vấn đề ngoài kinh tế.  Ông kêu gọi Trung Quốc cải cách theo định hướng kinh tế thị trường nhanh hơn nữa, đồng thời lưu ý rằng cái “hụt hẫng hiện đại” không phải là ở kinh tế thị trường, nhưng ở sự bất bình đẳng của những quyền phi kinh tế.[22] Thực vậy, đối với Chu, một nền kinh tế hoàn toàn tự do sẽ đảm bảo những tự do khác (ngoài kinh tế). Một nền kinh tế tự do cũng không thể, chí ít là trong hình thức lý tưởng của nó, tách rờ khỏi dân chủ.

 Nhưng Chu Học Cần có một mối lo khác, đó là những tiềm năng của kinh tế thị trường sẽ bị ngăn chặn, bị làm xơ cứng, vì một thứ văn hóa tiêu dùng hạ cấp. (Về thái độ phê phán văn hóa vật chất thô lậu của Trung Quốc ngày nay, Chu Học Cần rất tâm đầu ý hợp với Vương An Ức, tác giả tiểu thuyết Trường Hận Ca)

 Nói cách khác, Chu Học Cần, cũng như đa số các trí thức “phóng khoáng” Trung Quốc ngày nay, ủng hộ cải cách theo hướng thị trường.  Tuy nhiên, họ chỉ trích nhà cầm quyền ở chỗ đã không hiện đại hóa theo con đường mà, theo họ, mới thực sự là quan trọng: đó là cho dân chúng quyền mà chính pháp luật và hiến pháp nhìn nhận (legal and constitutional rights).  Trái với những trí thức “Tân Tả”, Chu Học Cần cho rằng Trung Quốc cần nhiều cải cách thị trường hơn nữa, và khẳng định rằng việc ngày càng có nhiều bất bình đẳng và bất công là do sự can thiệp quá đáng của nhà nước vào cơ chế thị trường (không để cơ chế ấy được tự do) – cái “bàn chân hữu hình” (của nhà nước) đang dẫm lên “bàn tay vô hình” (của Adam Smith).  Quan điểm này của Chu Học Cần đã bị Uông Huy (lãnh tụ Tân tả mà ta gặp ở trên) cực lực phản bác.  Uông nói thẳng là không đồng ý với quan điểm với Chu Học Cần khi Chu cho rằng nhà nước và kinh tế thị trường phải là đối nghịch lẫn nhau.

 Sự khác biệt giữa cánh Tân Tả và Tân Hữu ở Trung Quốc có thể quy về vấn đề phân phối thu nhập (hay nói rộng hơn là sự quân bình xã hội).  Cánh tả thì cho rằng một yếu tính của xã hội chủ nghĩa phải là làm cho thu nhập được phân phối đồng đều hơn; cánh hữu, mặc dù đồng ý rằng đây là một vấn đề về công bằng và xã hội hòa đồng, nhưng lại không cho rằng đó là một điều kiện cần thiết của xã hội chủ nghĩa.  Thực vậy, Đặng Tiểu Bình cho rằng chút ít bất bình đẳng có thể là cần thiết để kích động những sinh hoạt dẫn đến tăng trưởng kinh tế, và chính tăng trưởng kinh tế (chứ không phải giảm bớt bất bình đẳng) là điều kiện cần cho sự tồn tại của xã hội chủ nghĩa.  Nói cách khác, xã hội chủ nghĩa có thể được hiện thực hóa ở nhiều mức độ thu nhập bình đẳng (hoặc bất bình đẳng) khác nhau, nhưng, họ nhìn nhận, sự “an hòa xã hội” (social peace) có thể đòi hỏi một mức độ bình đẳng lớn hơn là mức độ cần thiết để xây dựng xã hội chủ nghĩa.

 Một điều oái oăm là Chu Học Cần (và đa số các đồng minh “phóng khoáng” của ông ta) tuy đã lớn lên hoàn toàn ở Trung Quốc (không du học như các người Tân Tả), lại “mở cửa” đối với Tây phương, so với các trí thức Tân Tả mà, ta đã thấy trên đây, phần lớn là những trí thức bài bản và thành danh ở phương Tây, nhất là Mỹ.  Ngược lại, những người Tân Tả lại kêu gọi nhiều hơn vào “tinh thần quốc gia” xem đó như một nội lực.  Chu Học Cần xem đó chỉ là dụng tâm của nhóm này để tạo “tính chính đáng” cho chế độ.

  

III. Không Tân Tả, chẳng Tân Hữu

 Tần Cối (Qin Hui, sinh năm 1953), giáo sư môn Sử Kinh Tế ở Đại Học Thanh Hoa, có một vị thế đặc biệt trong sinh hoạt trí thức Trung Quốc tường thuật trên đây.[23]  Trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, vì gia đình ông bị “đày” đi Quảng Tây, ông đã phải tự học, chật vật mưu sinh, bị nhiều trù ếm.  Ông tin vào thị trường, xã hội chủ nghĩa, lẫn chủ nghĩa tự do.  Tần Cối chỉ trích thái độ mà ông cho là “sô vanh” dân tộc của Tân Tả; ông bác bỏ luận điệu của phái Tân Tả hô hào sự kiểm soát của nhà nước, mà cũng không đồng ý với cánh Tân Hữu là phải “dung thứ” sự kiểm soát này. Ông cho rằng không thể tách rời tư hữu hóa và dân chủ hóa.  Chúng phải đi đôi với nhau.  Tần Cối khẳng định: tư hữu hóa mà không dân chủ hóa, hoặc ngược lại, đều sẽ gây đại họa.  Ông mong muốn một nước Trung Quốc “nhiều tự do kinh tế (laissez-faire) hơn, mà cũng nhiều trợ giúp phúc lợi từ nhà nước hơn”.  Ông không cho mình là người “đối kháng” mà chỉ đóng góp để hoàn thiện chính sách nhà nước mà thôi.

 Trong một bài thuyết trình đọc ở Đại học Monash gần đây, Tần Cối bắt đầu như thế này: 

Mao Trạch Đông hay nói: “Chỉ xã hội chủ nghĩa mới có thể cứu Trung Quốc”.  Sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu, nhiều người nói rằng “chỉ Trung Quốc mới có thể cứu vãn xã hội chủ nghĩa”.  Nhưng điều này có vẻ ngày càng mỉa mai (ironic).  Đã hơn một thập kỷ từ năm 1992 đã cho thấy rõ ràng rằng chỉ Trung Quốc mới có thể hủy diệt xã hội chủ nghĩa”[24]

 Tần Cối có một ý kiến khá độc đáo.  Đó là, thể chế hiện nay của Trung Quốc (một loại tư bản chủ nghĩa mà nhà nước là khống chế, và một hệ thống phúc lợi “nhẹ”[25]), đã giúp Trung Quốc xuất khẩu hàng rẻ, và chính điều này làm rung rinh cả những truyền thống xã hội dân chủ của… phương Tây! Theo Tần Cối, sở dĩ Trung Quốc có những thành công kinh tế kỳ diệu là vì họ đã tước mất quyền lập hội và thương lượng của nông dân và người lao động.

 Ông gọi nhóm Tân Tả là Dân Túy (populists).  Theo Tần Cối, chủ tâm của nhóm này là phục hồi truyền thống “cộng đồng” của Trung Quốc nhằm ngăn chận sự lan truyền của tự do chủ nghĩa kiểu Tây phương. Họ xem di sản xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc như một liều thuốc giải độc (antidote) cho căn bệnh của chủ nghĩa phóng khoáng. 

 Tần Cối cũng chỉ trích phe “phóng khoáng”.  Theo ông, thực chất phe này chỉ là những người tôn sùng chế độ “hoạt đầu chính trị” (oligarchy), xem tài sản nhà nước như một thứ “chiến lợi phẩm” để chôm chia, theo nguyên tắc “ai nắm quyền lực thì được hưởng” (to each according to its power). 

  

IV.  Thay lời kết

Hi vọng bài viết này đã phác họa được một góc của sinh hoạt trí thức Trung Quốc khoảng hơn mươi năm gần đây.  Cần nhấn mạnh, một lần nữa, rằng đây chỉ là một mảng nhỏ, và phiến diện, của các luồng tư tưởng hiện đại ở Trung Quốc.  Không thể nghi ngờ là, ở quốc gia ấy, tư tưởng chính ngạch của Đảng Cộng Sản vẫn là khống chế.[26]  Một mảng khác, cũng khá lớn, mà bài này không đề cập đến là những tranh luận về chính sách ngoại giao và quốc phòng của nước này (như quan niệm “hòa bình quật khởi” của Trịnh Tất Kiên, chẳng hạn).  Song, qua lược thuật trên đây cũng đủ thấy là sinh hoạt trí thức Trung Quốc rất sống động (một cách làm ngạc nhiên nhiều nhà quan sát ở nước ngoài[27]), có những tranh luận khá thẳng thắn, không giáo điều, về những vấn đề mà nước này phải đương đầu. 

 Trong khuôn khổ “được phép”, giới trí thức Trung Quốc đã có nhiều cuộc tranh luận với chất lượng khá cao. Nhìn những trí thức “công khai” bày tỏ ý kiến này cũng thấy được một điều: đó là những ý kiến (cụ thể là trong khoảng hai thập kỷ vừa qua) mà nhà cầm quyền Trung Quốc “dung thứ”, thậm chí lắng nghe,[28] là đa chiều, đa dạng, không đơn điệu như nhiều người tưởng.

 Đáng chú ý nhất có lẽ là nhóm Tân Tả.  Sau những cực đoan “thị trường hóa” “tây phương hóa” trong cuộc cải cách của Trung Quốc, và sau những thành công cũng như nhiều mặt xấu của nó, rõ ràng là đã có nhiều phản ứng ngược lại mà tiêu biểu là nhóm Tân Tả.  Một “ưu điểm” của nhóm này (và nhờ ưu điểm này mà họ có thể “chung sống”, thậm chí có đồng minh trong cấp lãnh đạo) là họ chỉ phê bình những chính sách cụ thể của nhà nước, chứ không (công khai) thách thức tính chính đáng (legitimacy) và uy quyền của Đảng.  (Tuy nhiên, lối phê bình “cục bộ” này đôi khi cũng đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như khi họ chỉ trích một số chính sách hiện nay, cho đó là một hình thức bóc lột, thậm chí cưỡng chiếm, của cải và công sức của nông dân và người lao động… và những sự bất công khác).  Nhưng rõ ràng là nhóm Tân Tả đã tạo một đối trọng cần thiết trong việc nhắc nhở nhà nước những lý tưởng của xã hội chủ nghĩa... “May mắn” cho những người này (và cũng thể hiện phần nào sự “sáng suốt” của chính quyền Trung Quốc), họ không bị xem là “phản động”, mà đôi khi còn là cố vấn, là những nhà lý luận “quan phương” cho cấp lãnh đạo hiện nay...  Nhưng điều này có thể nhìn ngược lại: rằng họ vẫn còn bị thấy, phần nào, phải biện hộ cho sự phát triển (đúng hơn là sự tiến hóa) của Trung Quốc trong “khung tư tưởng” Tây phương. 

 Nhưng nhóm Tân Hữu (và những người chỉ trích cả hai phe Tân Tả lẫn Tân Hữu) cũng có một số ý kiến đáng ghi nhận.  Họ chú ý nhiều hơn đến Trung Quốc trong bối cảnh thực tế (không quá “triết lý” như phe Tân Tả) của những liên hệ kinh tế tài chính quốc tế (nếu không muốn dùng cụm từ “toàn cầu hóa” thời thượng) và là một phản biện cần thiết cho nhóm Tân Tả mà, trong lúc hăng say nhấn mạnh đến nét đặc thù của Trung Quốc, lập luận của họ (Tân Tả) đôi khi phảng phất một mùi “sô vanh” dân tộc nguy hiểm! Việc nhóm Tân Hữu nhìn nhận và sẵn sàng tranh luận về những chọn lựa khó khăn: giữa dân chủ và chuyên chế, giữa bình đẳng và phát triển ít ra cũng thể hiện một sự lương thiện trí thức.

 Chúng ta cũng không thể loại trừ trường hợp lý luận của phe này hoặc phe kia được dùng như những vũ khí chính trị nội bộ (và bị vứt bỏ, thậm chí trở cờ, khi tình thế xoay chiều và những hậu thuẫn trí thức không còn cần đến).[29]   Cũng phải nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn còn là một quốc gia chuyên chế, không có tự do ngôn luận.  Sự kiện Uông Huy và Hoàng Bình bị bãi nhiệm tổng biên tập Độc Thư (dù có kháng thư của trên 400 trí thức) khi tình hình trở nên “nhạy cảm” trước Đại hội Đảng năm 2007, và nhiều hạn chế khác (như việc thu hồi cuốn sách của Hà Thanh Liên), đã chứng tỏ (mà chắc không ai còn cho là cần thiết!) sự chuyên chế này. Tuy nhiên, sinh hoạt trí thức Trung Quốc như lược thuật trên đây vẫn cho thấy dù một xã hội có là chuyên chế, cũng còn một số “vùng trống”, lúc rộng, lúc hẹp, mà sinh hoạt trí thức chân chính có thể phát triển, và những phân tích học thuật cao vẫn có thể nẩy mầm.

Tháng 7, 2009

Trần Hữu Dũng

(Bài này là bản hoàn chỉnh báo cáo đọc tại Hội Thảo Hè (27-29/7/2008) tại Nha Trang)

Chú thích

[1] Gần đây, có ba bài về phái Tân Tả đã được dịch ra tiếng Việt: Leslie Hook (2007), Mark Leonard (2008), và Zhang Yongle (2008).

[2] Ngoài tờ Độc thư, những tạp chí thường đăng bài của nhóm Tân tả là: Thiên nhai (Tianya) Thế kỷ hai mươi mốt, Chiến lược và Quản Lý (Strategy and Management).  Bán nguyệt san Tài kinh (Caijing), chuyên về tin xí nghiệp và kinh doanh, cũng có nhiều tiếng nói của nhóm này.

[3] Danh hiệu này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1994 trên tờ Bắc Kinh Thanh Niên Báo, xem Mierzejewski (2009).

[4] Thậm chí, có người như Misra (2003) còn gọi nhóm này là “tân Mao-ít”

[5] Tuy rằng chính tạp chí “New Left Review” xuất bản ở Anh (của các trí thức thiên tả nổi tiếng như Perry Anderson, Robin Blackburn, Tariq Ali) là nơi đã thường đăng nhiều bài (dịch ra tiếng Anh) của Uông Huy và thân hữu, và đã đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá nhóm này cho độc giả Tây phương.

[6] Xem, chẳng hạn, Pocha (2005)

[7] Nhưng trước đó thì Uông Huy thường được coi là một chuyên gia về Tam Quốc

[8]“Hiện đại Trung Quốc tư tưởng đích hưng khởi”(2004)

[9] Hoàng Bình (Huang Ping, sinh 1958) lấy PhD về xã hội học ở Trường Kinh Tế Luân Đôn (London School of Economics), là tác giả của nhiều bài về phát triển nông thôn và sự cân bằng giữa các miền (regional balance) ở Trung Quốc.

[10] Xem, chẳng hạn, Wang Hui (1994, 2003)

[11] Về những cách diễn nghĩa khác nhau sự cố Thiên An Môn, đọc, chẳng hạn, Wang (2003)

[12] Thực ra, bài này của Akerlof và Romer hình như chỉ gây ấn tượng cho Uông Huy!  Ít có nhà kinh tế Tây phương nào biết đến nó.

[13] Cha (2009) là một bài dài về Tả Đại Bồi.

[14] Xem Wang Shaoguang và Hu Angang (2001)

[15] Chính Phan Nhạc là người tuyên bố một câu trên báo Der Spiegel (của Đức) vào cuối năm 2006, được trích khắp thế giới: "Để sản xuất hàng hóa đáng giá 10000 USD, chúng tôi [Trung Quốc] phải dùng gấp 7 lần lượng tài nguyên mà Nhật Bản dùng, gần 6 lần lượng tài nguyên mà Mỹ dùng, và – điều này là đáng đặc biệt hổ thẹn – gần 3 lần lượng tài nguyên mà Ấn Độ dùng” .  Xem Elizabeth C. Economy, The Great Leap Backward?, Foreign Affairs, Sep/Oct 2007

[16] Một biến thể của quan niệm “bi kịch của cái chung” (“tragedy of the commons”) mà nhà kinh tế Mỹ Garrett Hardin (1968) đã làm nổi tiếng.

[17] Xem thêm: Cam Dương (Gan Yang) trong Trương Húc Đông (Zhang Xudong) (2001)

[18] Misra (2003) gọi nhóm này là “tân chuyên chế” (neo-authoritanism”)

[19] Bạn đọc trong ngành kinh tế có thể để ý điều này: sự khác biệt giữa tư duy Tân Hữu và Tân Tả có thể xem như phản ảnh sự khác biệt giữa”truyền thống Oxford” (Alfred Marshall, John Hicks) và “truyền thống Cambridge” (Joan Robinson)

[20] Xem, chẳng hạn, Mishra (2006)

[21] Chu cũng là người viết lời tựa cho cuốn Cạm Bẩy của Hiện Đại Hóa (Pitfalls of modernization) của Hà Thanh Liên nói ở trên

[22] “We believe the market economy is not a sin. On the contrary, the sin comes from inequality of non-economic rights. It is this inequality of rights that distorts China's market economy, and that also leads to omnipresent corruption and peasant problems in China” (Harmony stems from democracy, Chinadaily 2-12-05)

[23] Xem, chẳng hạn, Garnault (2008). Vợ của Tần Cối, Kim Yến, bút hiệu Tô Văn, cũng là một học giả nổi tiếng.

[24] " 'Only socialism can save China', Mao Zedong used to say. After the collapse of Soviet and Eastern European communism, some said that 'only China can save socialism'. But this now seems more and more ironic. The decade and more since 1992 above all shows that only China can destroy socialism."

[25] State-dominated, welfare-lite capitalism

[26] Bài này cũng không nói đến những luồng tư tưởng “ngầm” trong xã hội Trung Quốc cũng như trong cộng đồng người Hoa ở nước ngoài. 

[27] Xem, chẳng hạn, Leonard (2008)

[28] Chẳng hạn, nhiều nhà quan sát cho rằng chính sách tích cực trợ giúp lao động nhập cư của chính phủ Ôn Gia Bảo là do đề nghị của nhóm Tân Tả.

[29] Đó là không nói đến một thực tế khá “thô lậu”: một số trí thức này hiển nhiên đã được sự bao che của nhiều “ô dù” cao cấp trong Đảng.  Chẳng hạn như đàng sau Hồ An Cương là Phan Nhạc (và Phan Nhạc là con rễ của Đề Đốc Lưu Hoa Thanh).  Tiễn Lí Quần thì dựa thế của Thái Nguyên Bồi, thầy của nhị vị khai quốc công thần Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu. Cũng dễ thấy sự gần gũi của phe Tân Hữu với nhóm Thượng Hải của Giang Trạch Dân, và của phe Tân Tả với Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo.

 

 

Tham Khảo

Akerlof, George A., và Paul M. Romer, 2003, “Looting: The Economic Underworld of Bankruptcy for Profit” Brookings Papers on Economic Activity, Bộ 1993, Số 2, tr. 1-73

Cha, Ariana Eunjung, 2009, For China's New Left, Old Values, Washington Post, 19 tháng 4

Chaohua Wang, 2003, One China, Many paths, New York: Verso

Cheung, Steven N S, 1969, The Theory of Share Tenancy, Chicago: University of Chicago Press

Cheung, Steven N S, 1973, "The Fable of the Bees: An Economic Investigation," Journal of Law and Economics, Bộ 16, Số1, tr. 11–33.

Dowd, Douglas, 2005, “The dynamics, contradictions, and dissent of today’s China”, Review of Radical Political Economics, Mùa Đông, tr. 116-125.

Garnaut, John, 2008, “China's economic power needs the party”, Sydney Morning Herald, 7 tháng 1.

Hardin, Garrett, 1968, "The Tragedy of the Commons". Science 162, tr. 1243-1248

Hook, Leslie, 2007, “The Rise of China's New Left,” Far Eastern Economic Review, 170, Số 3. tr. 12-27.  Bản dịch của Vũ Quang Việt: Sự trỗi dậy của cánh tả mới ở Trung Quốc, Thời Đại Mới số 10, tháng 3/2007

Leonard, Mark, 2008, “China’s New Intelligentsia”, Prospect, tháng 3. Bản dịch của Phạm Toàn: Giới trí thức mới của Trung Quốc, talawas, 20-3-2008

Leonard, Mark, 2008, What does China Think?,  N.Y.: Public Affairs

Mierzejewski, Dominik, 2009, ‘Not to Oppose but to Rethink’: The New Left Discourse on the Chinese Reforms, Journal of Contemporary Eastern Asia, Bộ 8, Số 1, tr. 15-29

Minqi Li, 2008, “The New Left in China,” Monthly Review, 22 tháng 8

Mishra, Pankaj, 2006, Getting Rich, London Review of Books, 30 tháng 11

Misra, Kalpana, 2003, “Neo-left and neo-right in Post-Tiananmen China,” Asian Survey, Tháng 9 - Tháng 10, tr. 717-744

Nguyễn Hải Hoành, 2009, Trung Quốc không vui, Hội Nhà Văn, 14 tháng 4

Pocha, Jehangir, 2005, China Today: Misguided Socialism Plus Crony Capitalism, New Perspectives Quarterly, Bộ 22, Số 2

Wang Hui, 1994, The Gradual Society, N.J.: Transaction Publishers

Wang Hui, 2003, China’s New Order: Society, Politics, and Economy in Transition, (Theodore Huters biên tập) Cambridge: Harvard University Press

Wang Hui, 2005, “China’s New Left,” New Perspectives Quarterly, 7 tháng 3.

Wang Shaoguang và Hu Angang, 2001, The Chinese Economiy in Crises, New York: M.E Sharpe

Zhang Xudong, 2001, Whither China?,  Durham: Duke University Press.

Zhang Yongle, 2008, “No forbidden zone in reading?”, New Left Review 49, Tháng 2 - Tháng 3.  Bản dịch của Hoài Phi: “Không có vùng cấm trong lĩnh vực đọc? “Ðộc thư” và giới trí thức Trung Quốc”, talawas, 15-9-2008

 

© Thời Đại Mới

 

Trở về trang chủ Thời Đại Mới

 

23-7-09
Sửa một số lỗi chính tả: 17-10-09