Số 17 - Tháng 11/2009
Khủng hoảng lương thực thế giới
Đỗ Tuyết Khanh
Một sự kiện nổi bật được quan tâm và bình luận sôi nổi không kém khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu là sự khủng hoảng giá lương thực, bùng nổ năm 2007 và đạt cao điểm vào những tháng đầu năm 2008. Sau một thời gian dài tương đối ổn định, giá các ngũ cốc chính trên thị trường thế giới như gạo, bắp, lúa mì và đậu nành bỗng tăng vùn vụt từ tháng 9.2007 trở đi. Đầu tiên là giá lúa mì và sau đó giá gạo, tăng mạnh nhất, lên gấp ba chỉ trong vòng 6 tháng, từ 350 USD một tấn tháng 11.2007 lên đến hơn 1100 USD một tấn tháng 5.2008. Giá ngũ cốc bắt đầu giảm sau đó, do tình hình suy thoái kinh tế chung nhưng hiện nay vẫn còn cao hơn các năm trước: chỉ số bình quân giá lương thực trên thế giới tháng 3.2009 vẫn cao hơn gần 20% mức của năm 2006. Cơn sốt giá lương thực đầu năm 2008 đã gây chấn động tới mức được coi như một sự khủng hoảng lương thực toàn cầu với những cuộc bạo loạn xảy ra tại nhiều nước, khiến cộng đồng quốc tế đã phải phản ứng ngay qua những buổi họp của nhóm G-8 và Tổ chức Lưong Nông của Liên Hiệp Quốc (Food and Agriculture Organization - FAO). Từ cuối năm 2007 đến tháng 4.2008, giá các thực phẩm chủ yếu và giá xăng dầu đồng loạt tăng vọt trong nhiều nước đã là nguyên nhân của nhiều cuộc biểu tình, bạo động, có nơi với cả chục ngàn người xuống đường đốt xe, đập phá nhà máy hay cửa hàng, xô xát với cảnh sát, từ châu Phi (Ai Cập, Burkina Faso, Cameroon, Côte d'Ivoire, Mauritania, Morocco, Mozambique, Nam Phi, Senegal, Somalia, và Yemen) đến châu Mỹ La tinh (Bolivia, Mễ Tây Cơ), Trung Đông (Afghanistan, Uzbekistan) và châu Á (Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka). Tại Haiti, hình ảnh những người quá đói phải ăn đất sét đã làm xúc động dư luận thế giới. Sau hai tuần lễ bạo động khiến 6 người bị thiệt mạng, thủ tướng Jacques-Edouard Alexis đã bị Quốc hội Haiti cách chức tháng 4.2008. Đa số các nước nơi xảy ra các vụ biểu tình bạo động này là các nước nghèo và nhập lương thực nên tình hình căng thẳng là dễ hiểu. Dân chúng càng nghèo thì vật giá chỉ cần nhích lên một chút là đã đủ làm họ thêm lao đao, nói chi khi bánh mì đắt gấp đôi ở Ai Cập, và giá gạo, giá sữa tăng 50% ở Haiti, chẳng hạn. Song, ngay cả những nước xuất khẩu lương thực cũng cảm thấy bất an đến độ quyết định hạn chế hay ngưng xuất khẩu, khiến giá lương thực càng tăng và bầu không khí chung càng có vẻ nguy kịch. Thật ra nạn đói và những biến loạn xã hội vì đói kém không phải là điều mới lạ. Từ mấy chục năm nay, các tổ chức phi chính phủ và nhất là Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Program – WFP) vẫn thường xuyên phải cứu trợ hàng trăm ngàn người đói vì mất mùa hay phải sơ tán vì chiến tranh loạn lạc, phần lớn ở châu Phi. Điểm đặc biệt lần này là cùng một lúc trên thế giới, không chỉ các nước nghèo mới lo lắng mà cả những nước giàu nhất cũng quan tâm đến an ninh lương thực. Nước nghèo thì lo không có tiền để nhập thực phẩm, dân chúng sẽ đói và nổi loạn. Nước giàu thì e các nguồn cung ứng có thể thiếu hụt, ảnh hưởng đến nếp sống tiêu thụ thoải mái, thậm chí phung phí, cố hữu xưa nay. Cụm từ "biến động giá lương thực" nhanh chóng trở thành "khủng hoảng lương thực" trong các bài báo liên tục cảnh báo, phân tích và bình luận về một hiện tượng toàn cầu. An ninh lương thực, và do đó nông nghiệp, lại trở thành trọng tâm của dư luận cộng đồng quốc tế. Ngay từ tháng 7.2007, FAO đã lên tiếng báo động và tháng 12.2007 đề xướng Sáng kiến về giá lương thực tăng cao (Initiative on Soaring Food Prices - ISFP) để giúp các tiểu nông tăng gia sản xuất và thu nhập. Tháng 4.2008, Liên Hiệp Quốc thành lập Nhóm đặc nhiệm cấp cao về khủng hoảng lương thực toàn cầu (High Level Task Force on the Global Food Crisis), dưới sự chủ tọa của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf. Để giải quyết vấn đề một cách thống nhất, nhóm này đề nghị một chiến lược toàn cầu và khung hành động toàn diện, Comprehensive Framework for Action (CFA), đề ra những biện pháp cần áp dụng ở mức quốc gia tuỳ theo các hoàn cảnh, ưu tiên và khả năng của mỗi nước. Để củng cố về lâu dài nền nông nghiệp, CFA khuyên nên cùng lúc thực hiện các mục tiêu sau: tăng cường hệ thống an sinh, ưu tiên nâng đỡ sản xuất nhỏ, cải thiện các thị trường lương thực quốc tế, và đi đến đồng thuận trên thế giới về vấn đề nhiên liệu sinh học (biofuels). Trong suốt năm 2008 và cho tới ngày hôm nay, các nhà lãnh đạo quốc gia và tổ chức quốc tế nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của an ninh lương thực và sự quan tâm cần có đối với nông nghiệp, trong những buổi họp tiếp nối nhau: hội nghị thượng đỉnh về lương thực của FAO ở Roma đầu tháng 6.2008, hội nghị thượng đỉnh của G-8 đầu tháng 7.2008 tại Toyako (Hokkaido, Nhật), và Ngày Lương thực thế giới, từ năm 1981 vẫn được tổ chức hàng năm vào ngày 16 tháng 10 để kỷ niệm ngày thành lập FAO, năm 2008 có chủ đề "An ninh lương thực: Các thách thức của biến đổi khí hậu và năng lực sinh học". Khái niệm này cũng trở lại trong chủ đề "Thực hiện an ninh lương thực trong thời kỳ khủng hoảng" của Ngày Lương thực 2009. Vấn đề lương thực có phần nguội bớt sau mùa hè 2008 khi cơn sốt giá dịu xuống và nhất là bị lu mờ trước những biến cố của khủng hoảng tài chính và kinh tế, song theo đa số các chuyên gia, tình hình mới chỉ tạm yên, vẫn rất mong manh và có thể lại xấu đi bất cứ lúc nào. Nhận thức điều ấy, nhóm G-8 của các cường quốc, cho tới nay chỉ họp các bộ trưởng tài chánh hoặc đặc trách các vấn đề lao động và phát triển mỗi khi chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh, lần đầu tiên họp các bộ trưởng nông nghiệp từ 18 đến 20.4.2009 tại Cison di Valmarino (Ý). Sau đó, hội nghị thượng đỉnh của G-8 đầu tháng 7.2009 ở L'Aquila (Ý) cũng ra một thông cáo chung vế an ninh lương thực toàn cầu, qua đó các nước G-8 đồng ý huy động 20 tỷ USD trên ba năm trong khuôn khổ Sáng kiến về an ninh lương thực (Food Security Initiative) để hỗ trợ phát triển nông nghiệp vững bền. Theo ông Jacques Diouf, đây là tín hiệu đáng mừng của một sự chuyển hướng tích cực trong chính sách nhằm giúp người nghèo sản xuất đủ để tự nuôi nổi họ, không phải cứu đói. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế dành cho nông nghiệp một phần lớn hơn của các luồng viện trợ phát triển chính thức (official development aid - ODA) và nâng lên 17% tỉ số khiêm tốn chỉ khoảng 3,5% dành cho nông nghiệp hiện nay. Từ những chương trình đồ sộ và tuyên bố đầy ấn tượng đến kết quả thực tiễn còn rất xa và thực tế cho phép phần nào hoài nghi thiện chí và khả năng thực sự của các cường quốc trong việc thực hiện những lời hứa hẹn. Chẳng hạn, trên con số 25 tỳ USD G-8 đã hứa, tại Gleneagles tháng 7.2005, sẽ tài trợ cho Phi châu trước năm 2010, cho tới nay mới chỉ có 3,5 tỷ được giải ngân. Song một điều hiển nhiên là lương thực và nông nghiệp đã trở lại và sẽ tiếp tục là một trong những quan tâm chính của thế giới, vì những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng vừa qua vẫn tồn tại và chỉ có thể trầm trọng hơn về lâu dài.
Những nguyên nhân gần và xa của khủng hoảng lương thựcCác phân tích và bình luận tựu trung đều đồng ý về những yếu tố đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực vừa qua tuy mức độ và ảnh hưởng của mỗi yếu tố được đánh giá có phần khác nhau. Một nguyên nhân trực tiếp thường được nêu lên cho sự tăng giá các ngũ cốc là thiên tai trong một số nước cung ứng chính: mưa nhìều ở châu Âu và ngược lại hạn hán ở Ukraine và nhất là ở Úc, kéo dài từ 2006 sang 2007 làm nước này mất một nửa sản lượng thu hoạch ngũ cốc hàng năm. Giá lúa mì do đó tăng đột ngột, kéo theo giá các ngũ cốc khác. Chỉ số của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho giá lương thực trao đổi trên thế giới tăng hơn gấp đôi (130%) tháng 6.2008 so với tháng 1.2002, và hơn gấp rưỡi (56%) so với tháng 1.2007. Song cũng có một số nước bội thu, bù cho thiếu hụt ở nước khác, cho nên yếu tố thu hoạch chỉ đóng vai trò giới hạn trong cơn sốt giá. Các nguyên nhân khác thường được nêu lên là giá xăng dầu tăng khiến chi phí sản xuất cũng như phí vận chuyển cao hơn, và những biện pháp giới hạn của nhiều nước xuất khẩu như Ấn Độ, Argentina, Brazil, Kazakhstan, Nga, Pakistan, Trung Quốc, Ukraine và Việt Nam. Tháng 3.2008, Việt Nam tuyên bố cắt giảm 22% xuất khẩu gạo để chống lạm phát và bảo đảm an ninh lương thực, sau khi các tin đồn khan hiếm làm dân chúng đổ xô đi mua gạo để dự trữ. Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới tỏ ý bất bình, Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cảnh báo rằng quyết định này của Việt Nam chỉ có thể làm các nước nhập khẩu lo âu hơn và đẩy giá gạo lên cao hơn nữa trên thế giới. Thị trường gạo thế giới rất mỏng vì chỉ có 7% tổng sản lượng được xuất khẩu nên mọi quyết định tăng hay giảm xuất khẩu đều ảnh hưởng ngay lên giá quốc tế. Trong tình hình ấy, tháng 5.2008, Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đề nghị với Myanmar, Cam Bốt, Lào và Việt Nam cùng thành lập một tổ chức các nước xuất khẩu gạo (OREC) theo mô hình của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hoả OPEC. Từ năm 2001, Thái Lan đã muốn thành lập một liên hợp lũng đoạn (cartel) kiểu này để khai thác lợi thế và chi phối giá cả trên thị trường quốc tế. Cam Bốt hưởng ứng nồng nhiệt nhất, Việt Nam tỏ ý dè dặt hơn, nhưng áp lực chính khiến Thái Lan phải sau đó rút lại đề nghị này là sự phản đối mãnh liệt của các nước nhập khẩu và sự bất đồng tình của Ngân hàng phát triển châu Á (Asian Development Bank - ADB) và của chính Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan. Theo hiệp hội này, khác với dầu hoả, gạo là một sản phẩm tái tạo, có thể trồng ở nhiều nơi, thêm vào đó các nước xuất khẩu gạo không thể áp đặt giá như OPEC vì không chủ động được sản lượng do tùy thuộc vào thời tiết. Song quan trọng hơn những yếu tố trực tiếp và có tính nhất thời này là những nguyên nhân sâu xa và lâu dài, có thể định đoạt cả tương lai của ngành nông nghiệp mọi nước. Dân số gia tăngTuy tốc độ gia tăng dân số thế giới đã chậm lại từ hơn 20 năm nay nhưng sự bùng nổ dân số, từ 1,6 tỷ người năm 1900 đến khoảng 6,6 tỷ hiện nay và dự trù sẽ lên đến 9 tỷ năm 2042, vẫn là một yếu tố đe dọa. Ở châu Á, chẳng hạn, mỗi năm dân số tăng trung bình 1,5% tức thêm 50 triệu nhân khẩu, trong khi sản lượng gạo chỉ tăng trung bình 1,2% nên thiếu hụt thậm chí khan hiếm có thể xảy ra mỗi khi mất mùa. Giá gạo do đó có xu hướng lúc nào cũng cao, dẫu có thể lên xuống nhất thời. Dù đã có giảm so với năm ngoái, giá 1 tấn gạo thơm Thái Lan đầu năm 2009 vẫn cao hơn 50% so với năm 2007. Ngoài ra, thêm dân số không chỉ là thêm miệng ăn mà còn là thêm các nhu cầu nhà ở, điện nước, di chuyển, hàng tiêu thụ, chuyên chở, trường học, bệnh viện, giải trí v.v. tức là càng gia tăng đô thị hoá và ô nhiễm, hai yếu tố trực tiếp làm giảm sút diện tích đất nông nghiệp. Cùng lúc, từ nhiều năm nay, cầu ngày càng vượt quá cung, không chỉ vì gia tăng dân số mà còn do sự thay đổi chế độ ăn uống trong các nước mới nổi (emerging countries) đặc biệt ở Trung Quốc và Ấn Độ, với sự phát triển của giai cấp trung lưu, nhất là trong các đô thị, có thu nhập cao hơn và cũng tiêu thụ thịt nhiều hơn theo ảnh hưởng của nếp sống Tây phương. Trong 20 năm gần đây, lượng thịt tiêu thụ trong vùng châu Á-Thái Bình Dương đã tăng hơn gấp đôi. Song, sản xuất một ca-lo động vật (thịt, sữa) tốn gấp mấy lần đất đai, nước và đầu vào (inputs) so với một ca-lo thực vật (ngũ cốc và các cây họ đậu): gấp bốn lần cho thịt gà và thịt heo, gấp 11 lần cho thịt trừu và thịt bò. Có thể hiểu tại sao thế giới càng ăn nhiều thịt thì giá ngũ cốc và mọi lương thực khác càng tăng. Đó là không kể trong các nước công nghiệp, gia súc thường được nuôi bằng bắp và đậu nành, cạnh tranh thẳng với sản xuất ngũ cốc dành cho người. Sự chuyển hướng của chế độ ẩm thực trong các nước đang phát triển là một xu hướng dường như không đảo ngược, cần được quan tâm. Sự chênh lệch ngày càng lớn giữa cung và cầu thể hiện rõ qua vài con số sau đây.
Tiến trình của sản lượng, lượng tiêu dùng và lượng dự trữ ngũ
cốc
Nhờ các tiến bộ về kỹ thuật nông nghiệp, sản lượng ngũ cốc trên thế giới đã tăng vọt, 140% trong 46 năm, thậm chí hơn gấp ba nếu so sánh mức 1 984 triệu tấn năm 2006 với chỉ 631 triệu tấn năm 1950. Song dân số còn tăng nhanh hơn nữa, khiến các chỉ số đo lường mức an ninh lương thực hoặc tăng ít hơn (sản lượng trên đầu người và dự trữ) hoặc thậm chí giảm (số ngày tiêu thụ tương đương với dự trữ). Nói tóm lại, nông dân trên thế giới đã sản xuất nhiều gấp hai, gấp ba so với cách đây vài chục năm, nhưng số ngày tiêu thụ được đảm bảo bằng dự trữ lại giảm hơn một phần ba. Đáng lo hơn cả, từ hơn 20 năm nay, tiêu thụ vẫn cứ tăng nhanh, trong khi tốc độ tăng trưởng của sản lượng chậm hẳn lại, như thể nông nghiệp đã gần cạn tiềm năng phát triển, và đến một lúc nào đó sẽ khựng lại, nói chi theo kịp đà gia tăng của dân số. Quỹ đất hao hụtBa phần tư diện tích của địa cầu là biển, còn lại là đất. Trừ đi các đô thị, rừng núi, sông hồ, sa mạc, v.v. đất nông nghiệp chỉ vỏn vẹn là 3% diện tích của trái đất. Đã thế, chỉ trong hơn nửa thế kỷ, từ 1945 đến 2000, loài người đã đưa thêm vào canh tác gấp đôi số đất đai so với cả hai thế kỷ 18 và 19 cộng lại, và ngày nay đã đến rất gần giới hạn thực thể của trái đất. Để đưa vào canh tác những vùng chưa khai thác còn lại ở châu Phi, châu Mỹ La tinh (châu thổ sông Amazon) và châu Á, sẽ phải phá những khu rừng đóng vai trò cốt yếu trong hệ sinh thái của trái đất, với những hậu quả tai hại không thể lường. Quỹ đất nông nghiệp trên trái đất đã gần cạn, lại còn bị hao hụt thêm vì xói mòn, sa mạc hoá, mặn hoá, và ô nhiễm do công nghiệp hoá và xu hướng đô thị hoá ngày càng nhanh và không thể đảo ngược. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, lần đầu tiên trong lịch sử loài người dân số thành thị sẽ vượt dân số nông thôn năm 2010 với 50,2%, và đến năm 2050 thì đạt 69,6 %, so với chỉ 29,1%. năm 1950. Như thế, chỉ trong vòng một thế kỷ, dân số thành thị thế giới đã từ dưới một phần ba lên hai phần ba. Hiện nay, trong các nước đang phát triển, mỗi ngày có khoảng 180 000 người từ nông thôn đổ về các thành phố như Thượng Hải, Sao Paolo, Johannesburg, v.v., tương đương với cứ mỗi hai tháng lại có thêm một thành phố cỡ New York. Với đà này thì trong vòng chỉ một, hai thế hệ nữa thôi sẽ còn bao nhiêu đất nông nghiệp trên trái đất và bao nhiêu người sẽ còn cày cấy để nuôi từng ấy con người? Năng lượng sinh học Nhưng đâu phải chỉ có cái ăn. Vấn đề còn phức tạp hơn nữa vì từ nay nông nghiệp không chỉ có sứ mạng là nuôi loài người mà còn kiêm thêm nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu để phục vụ đủ mọi nhu cầu khác. Sau khi giá dầu hoả tăng vọt năm 2007, ethanol sinh học, đa số làm từ mía, bắp và hạt dầu để dùng như nhiên liệu thay thế xăng dầu, bỗng được coi như giải pháp mầu nhiệm vừa thay thế dầu hoả vừa chế ngự được hiệu ứng nhà kính do khí carbon thải vào khí quyển. Các nước sản xuất ethanol như Brazil hớn hở trước triển vọng chiếm lĩnh một thị trường mới đầy hứa hẹn. Mỹ quyết định đẩy mạnh trồng bắp và tăng lên 30% tỷ lệ chế biến bắp thành ethanol ngay từ năm 2008. Các nước giàu nghèo đua nhau sản xuất ethanol, với chiêu bài một công đôi ba việc: giải quyết vấn đề năng lượng với một nguồn cung cấp dồi dào và tái tạo, bảo vệ môi trường, tạo thêm công ăn việc làm. Song với thời gian, một số khảo sát và nghiên cứu đã cho thấy dùng ethanol không giải quyết được gì cả vì cũng tai hại không kém cho môi trường: các nông trường sản xuất đại trà và các nhà máy chế biến vẫn phải dùng đến nhiên liệu hoá thạch (fossil fuels) và thải khí cacbon. Mặt khác, chuyển sang ethanol là cách đánh lừa lương tâm, cho phép công chúng, nhất là ở Mỹ, cứ tiếp tục tiêu thụ thoải mái thay vì tự giới hạn để tiết kiệm. Do đó, ethanol không thay đổi gì cho vấn đề hiệu ứng nhà kính cũng như viễn tượng nguồn dầu hoả lúc nào đó sẽ cạn kiệt. Ethanol còn bị chống đối vì hai lý do khác. Đầu tiên, ethanol được coi như đã góp phần vào sự khủng hoảng lương thực vì làm tăng giá bắp, là nguồn lương thực chủ yếu trong nhiều nước, đặc biệt ở Mễ Tây Cơ. Theo IMF, vai trò của nhiên liệu sinh học trong sự gia tăng giá là 70% cho giá bắp và 40% cho giá đậu nành. Các tỷ lệ ấy tất nhiên bị tranh cãi, nhưng điều ai cũng công nhận là ethanol đã và sẽ còn làm tăng giá các ngũ cốc, vì làm giảm sút diện tích trồng trọt và sản lượng dành cho lương thực. Một hậu quả khác là khi phát triển trồng bắp đại trà cho ethanol, rất nhiều nông dân sống bằng canh tác tự cung tự cấp sẽ bị mất đất, trôi dạt về thành thị, làm trầm trọng hơn các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường. Và nhất là có cái gì vừa phi lý vừa phản đạo lý khi biến nguồn lương thực thành chất đốt trong khi hơn một tỷ người trên thế giới hiện nay phải chịu đói. Tuy ethanol không làm từ gạo nhưng khó mà không liên tưởng đến nạn đói lớn năm Ất Dậu (1945) tại Việt Nam và hình ảnh quân đội chiếm đóng Nhật Bản xúc lúa gạo, sản xuất dư thừa ở miền Nam, đổ vào lò đốt thay cho than trên những tàu hoả phục vụ cho họ trong khi có khoảng 2 triệu người chết đói ở miền Bắc. Cho việc sản xuất ethanol sinh học ngày nay, bài toán rất đơn giản: Để đổ đầy bình xăng một chiếc xe 4x4 với 94,5 lít ethanol, phải dùng đến 204 ký bắp, đủ để nuôi một người trong một năm. Để giải quyết cái vướng mắc về lương tâm này, phe ủng hộ nhiên liệu sinh học nêu lên các khả năng chế biến ethanol từ rơm rạ, cây jatropha và các loại thực vật không ăn được, hoặc các phế liệu như bã mía, rác từ thức ăn, v.v. Nhiên liệu sinh học được gọi là thế hệ hai này ít hoặc không phương hại đến việc cung ứng lương thực nhưng đa số hiện vẫn còn ở mức độ thử nghiệm hoặc có giá thành cao, chưa thể sản xuất đại trà, tuy đã tương đối phổ biến trong vài nước như ở Úc. Chế biến biogas từ các phế liệu là giải pháp ổn thoả nhất cho môi trường và an ninh lương thực nhưng vẫn còn hạn chế. Hiện nay Brazil, Mỹ và Trung Quốc là 3 quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và sử dụng ethanol sinh học. Tại Đông Nam Á, Thái Lan là nước đặc biệt phát triển rất nhanh việc sử dụng xăng pha cồn sản xuất từ phế phẩm của sắn, hạt và thân cây bắp, đường, bã mía. Năm 2004, Thái Lan đã sản xuất trên 280 ngàn m3 cồn, đầu tư xây dựng thêm 20 nhà máy để đến năm 2015 có thể sản xuất trên 2,5 tỷ lít cồn dùng làm nhiên liệu. Việt Nam cũng đã chọn con đường ethanol. Cuối tháng 11.2007, chính phủ đã thông qua "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học của Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025", dự trù đạt sản lượng 250 ngàn tấn nhiên liệu sinh học, kể cả ethanol, mỗi năm từ năm 2015, và tới 1,8 triệu tấn mỗi năm từ năm 2025. Trong khuôn khổ đề án này, đã có vài dự án lớn bắt đầu được thực hiện, chẳng hạn:
Ngoài ra, ethanol sinh học hiện cũng được sản xuất chủ yếu từ mía đường ở hai nhà máy đường lớn Hiệp Hoà và Lam Sơn, và nhà máy bia rượu Bình Tây, cùng với hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ khác. Trong khi nhiên liệu sinh học vẫn là đầu đề của nhiều tranh cãi trên thế giới và những luận điểm phản biện ngày càng có cơ sở và thuyết phục nhiều người hơn, ở Việt Nam, một nước còn rất nhiều người thiếu ăn, việc dùng sắn, mía để sản xuất ethanol thay vì lương thực dường như được chấp nhận một cách "vô tư", không ai thắc mắc, dư luận chỉ một chiều. Có thể là vì đề tài này còn quá mới đối với công chúng nói chung và người dân còn phải bận tâm với nhiều vấn đề khác, cấp bách và thiết thân đối với họ hơn, song điều này vẫn có gì rất lấn cấn. Đầu cơ và thâu tóm đất đai Giá lương thực tăng một phần cũng do ảnh hưởng của các hoạt động đầu cơ chứng khoán. Từ 2002 đến 2006, các giao dịch kỳ hạn (futures transactions) tại Phòng thương mại Chicago, chẳng hạn, đã tăng lên gấp bốn. Sau khi thị trường chứng khoán bất động sản thứ cấp (subprimes) đổ vỡ, kéo theo khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư quay sang các giao dịch nông sản, chắc chắn hơn và bảo đảm lợi nhuận về lâu dài. Cùng lúc, trên một thị trường toàn cầu hoá, hoạt động đầu cơ kinh doanh của các công ty mậu dịch lương thực đa quốc gia cũng tác động lên giá cả qua những giao dịch khổng lồ của họ. Đầu cơ góp phần gây ra cơn sốt giá và cũng góp phần vào một hậu quả khác của cuộc khủng hoảng lương thực vừa qua: hiện tượng một số nước giàu hoặc mới nổi đua nhau đến thuê hay mua đất nông nghiệp của các nước nghèo, để khai thác và thu lấy nông sản, đang trở thành cả một phong trào khiến nhiều người lo ngại và làm nảy sinh một cụm từ mới, "land grab", tức chiếm hữu, thâu tóm đất đai. Thậm chí có người không ngần ngại dùng những câu chữ nặng nề hơn nữa, như Tổng giám đốc FAO Jacques Diouf cảnh báo: "Việc các nước nhập lương thực ào ạt chiếm hữu đất nông nghiệp tại các nước khác để đảm bảo nguồn lương thực cho mình có nguy cơ trở thành một hình thức thực dân mới." Tầm cỡ của hiện tượng này đáng quan tâm đến mức FAO đã thành lập một nhóm nghiên cứu những vấn đề liên quan, như quyền sở hữu đất đai và việc bảo đảm an ninh lương thực cho dân chúng các nước nhượng đất. Đi thuê mua đất là các nước lo lắng về an ninh lương thực, vì thiếu đất nông nghiệp (các quốc gia dầu mỏ tại Trung Đông, Nam Hàn và Nhật Bản), hay vì có dân số khổng lồ (Trung Quốc và Ấn Độ). Tất cả các nước này là những nước nhập lương thực nên sau cuộc khủng hoảng vừa qua, việc giành đất đai để đảm bảo lương thực dài hạn được đưa lên hàng quốc sách. Nhượng bán đất là những nước nghèo, còn đất canh tác chưa khai thác, tuy rằng mỉa mai thay, một số nước này, đặc biệt ở châu Phi, vẫn không nuôi nổi dân chúng và vẫn phải nhờ cậy năm này sang năm khác vào các nguồn cứu trợ lương thực quốc tế. Việc chiếm hữu đất đai là chuyện xưa như.. . trái đất. Những cuộc chinh chiến trong lịch sử đều nhằm tranh giành đất đai, để khai thác tài nguyên, lấy lợi về cho mình, dù là dưới chiêu bài truyền bá Thiên chúa giáo hay đưa "văn minh" đến các giống dân "mọi rợ". Phong trào thâu tóm đất nông nghiệp hiện nay, tuy không (chưa?) đi kèm theo binh lính và súng đạn mà có đầy đủ hình thức của những giao dịch kinh tế bình thường, thật ra cũng chất chứa bạo lực tiềm ẩn và dựa trên một quan hệ rất bất bình đẳng giữa các đối tác. Người dân Lào, chẳng hạn, nghĩ gì khi thấy đất nước nhỏ bé của họ nhượng 700 000 ha choTrung Quốc? Sự phẫn nộ của dân chúng Madagascar trước dự án nhượng 1,3 triệu ha đất (một nửa diện tích đất canh tác của hòn đảo nghèo xác xơ và đã bị xói mòn trầm trọng này) cho công ty Nam Hàn Daewoo đã là một trong những nguyên nhân chính lật đổ tổng thống Marc Ravalomanana tháng ba năm nay, và Daewoo đã phải rút lui. Bên cạnh các chính quyền thuê mua đất trực tiếp qua các hợp đồng liên chính phủ hay gián tiếp qua các quỹ đầu tư quốc gia (sovereign wealth funds) còn có đủ loại các giới đầu tư như những quỹ hưu trí, những nhà đầu cơ, những công ty nông thực phẩm, chuyển chiến lược đầu tư từ các thị trường phái sinh (derivatives markets) sang bất động sản trước tình hình khủng hoảng tài chính. Vì thế phong trào thâu tóm đất đai rộ lên trong năm 2008 và có xu hướng ngày càng tăng. Trung Quốc chiếm khoảng 20% dân số thế giới nhưng chỉ có 9% diện tích đất canh tác của địa cầu, còn Nhật và Nam Hàn hiện đang phải nhập đến 60% số lượng lương thực cần thiết, nên ba nước này thuộc vào nhóm chiếm hữu nhiều đất đai nhất. Đất nông nghiệp hiếm hoi khiến nhiều nước Trung Đông phải nhập đến 90% lương thực, nên Saudi Arabia và United Arab Emirates cũng là hai nước đứng đầu về diện tích thâu tóm, bên cạnh Kuwait, Bahrein, Qatar, v.v. Việc mua bán đất đai giữa một nước và một tư nhân hay công ty nước ngoài không có gì mới hoặc đáng nói, nhưng cái mới và đáng nêu lên ở đây là những diện tích khổng lồ, nhiều dự án lên đến hàng trăm ngàn hécta, những con số làm chóng mặt và nhất là sự ồ ạt của một chiến lược có hệ thống. Đã có nhiều tổ chức quốc tế lo âu, thu thập tư liệu, chứng từ để báo động một hiện tượng có nguy cơ gây xáo trộn trầm trọng về nhiều mặt trên thế giới. Theo Viện nghiên cứu về chính sách lương thực (International Food Policy Research Institute – IFPRI), chỉ từ 2006 đến nay, diện tích thuê mua đất ở các nước nghèo lên đến khoảng 15 đến 20 triệu ha, hoặc hơn nữa, con số khó đánh giá chính xác vì các hợp đồng, ký kết giữa các chính phủ với nhau, đều được giữ bí mật. Không có việc "dân bàn", lại càng không có việc "dân kiểm tra". Thông tin bưng bít nên chỉ có thể tìm cách đối chiếu các chi tiết từ nhiều nguồn. Chẳng hạn, về hợp đồng ký kết giữa Qatar và Việt Nam tháng 9.2008 để thành lập một quỹ hợp tác dầu khí nông nghiệp, qua đó Qatar sẽ đầu tư 90% kinh phí 1 tỷ USD, báo chí Việt Nam chỉ thông báo vắn tắt: " Qatar dự kiến sẽ cấp kinh phí để mua hạt giống và Việt Nam phụ trách khâu canh tác trong nước, sau đó xuất khẩu nông sản sang Qatar". Mọi điều kiện khác (diện tích bao nhiêu, lấy đất của ai ở đâu, chia sẻ lợi ích giữa hai bên ra sao, hàng trăm triệu đô la này dùng thế nào, đi về đâu) chắc là thuộc vào an ninh quốc phòng. Trong nhiều nước bán đất như Sudan, Zimbabwe, là những chế độ độc tài, tham những, sự thiếu minh bạch tất nhiên không là điềm lành. Những hợp đồng dài hạn kéo dài 50 năm hay thậm chí 99 năm khiến các nước nhượng đất sẽ rất khó lấy lại sau đó. Các văn kiện công bố rất sơ sài so với tầm cỡ của cuộc giao dịch. Trong nhiều trường hợp, như dự án của Daewoo ở Madagascar, bên thuê đất không phải trả đồng nào vì bù lại, hứa hẹn đầu tư vào hạ tầng cơ sở, tạo công ăn việc làm cho dân bản xứ, bằng những điều khoản rất mơ hồ tuy những con số đầu tư đưa ra rất hoành tráng. Việc thâu tóm đất đai không chỉ ảnh hưởng lên an ninh lương thực của nước nhượng đất, mà còn có thể đe dọa an ninh xã hội: Sudan, Zimbabwe và Cam Bốt, chẳng hạn, đều phải trông cậy vào cứu trợ của Chương trình lương thực thế giới (WFP), nhưng lại nhượng hàng trăm ngàn hécta đất màu mỡ cho nước ngoài. Người dân mất đất của họ khó mà không cảm thấy chua chát khi vừa nhận cứu đói của WFP vừa nhìn toàn bộ hoặc phần lớn những lúa gạo, lương thực sản xuất ra trên đất nước mình xếp hàng lên tàu về các nước khác. Ngay cả những lời hứa hẹn tạo việc làm cho dân bản xứ có ý nghĩa gì khi Trung Quốc đã đưa hơn 1 triệu người sang châu Phi để thực hiện các dự án, một sự hiện diện bắt đầu được cảm nhận như một sự ngoại xâm và gây nhiều bất mãn trong dân chúng nhiều nước? Trong các cuộc thương lượng, bên bán đất và bên mua đất đều dư biết phản ứng của dân chúng địa phương là một vấn đề lớn. Các nước Ả Rập vùng Vịnh thuê mua đất ở Pakistan đã được cam đoan là các dự án đầu tư của họ sẽ được quân đội nước sở tại bảo vệ. Hiện tượng chiếm hữu ngày hôm nay, với hơi hướng bóc lột của một kiểu thực dân mới, có nguy cơ gây ra nhiều căng thẳng, xung đột trên thế giới trong tương lai không xa. Viễn tượng càng đáng lo khi chỉ nhìn vài con số dưới đây, liên quan đến bốn nước tích cực chiếm hữu đất nông nghiệp nhất, cũng đủ thấy tầm cỡ và mức độ trầm trọng của vấn đề:
Ngoài bốn anh "đầu sỏ" kể trên, các dự án ký kết giữa các nước chiếm và nhượng đất nhiều vô kể, vẽ lên cả một mạng lưới chằng chịt trên khắp các lục địa. Qatar thuê mua 40 000 ha ở Kenya để trồng rau, 100 000 ha ở Phi Luật Tân, mua đất ở Indonesia, đầu tư ở Việt Nam. Kuwait mua đất ở Sudan, Cam Bốt, Myanmar. Bahrein có đất ở Phi Luật Tân, Pakistan, Ai Cập, Sudan, v.v. Các công ty Mitsui (Nhật Bản) mua 100 000 ha ở Brazil để trồng đậu nành, Trigon (Đan Mạch) 100 000 ha ở Nga, Alpcot Agro (Thụy Điển) 128 000 ha ở Nga, Morgan Stanley (Mỹ) 40 000 ha ở Ukraine, Sun Biofuels (Anh Quốc) mua đất ở Tanzania, Ethiopia và Mozambique để trồng cây jatropha làm nhiên liệu, v.v. và v.v. Trong danh sách các nước chiếm đất, còn có ... Việt Nam với hai dự án của Tập đoàn cao su Việt Nam nhằm khai thác 100 000 ha ở Lào và 100 000 ha ở Cam Bốt. Hiện nay ba công ty cao su Việt-Lào, Dak Lak và Dầu Tiếng đã có 30 000 ha ở hai tỉnh Champassak và Salavane ở Nam Lào và dự tính phát triển lên 100 000 ha trong vòng 12 năm tới. Theo báo chí Tây phương, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam không còn đất đủ rộng để thành lập đồn điền cao su và hiện tranh giành đất ở Lào và Cam Bốt. Trong cuộc chạy đua thâu tóm đất đai này, Việt Nam vừa là con mồi vừa là kẻ đi săn. Cơn khát đất vẫn tiếp tục. Đầu tháng 7 vừa qua, sáu nước thành viên của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council - GCC) – Saudi Arabia, Kuwait, Bahrein, Qatar, Oman và United Arab Emirates - đã đề nghị với các nước ASEAN một hình thức hợp tác trong lãnh vực lương thực: họ cấp vốn và cung cấp dầu hoả, đổi lại các nước ASEAN sẽ để các công ty Ả Rập đến khai thác đất nông nghiệp rồi đưa thu hoạch về lại Trung Đông. Vẫn là mô hình các cuộc thuê mua đất ở chỗ khác, nhưng có vẻ không được hưởng ứng lắm. Tại buổi họp thường niên của ASEAN và FAO ở Bangkok tháng 5 vừa qua, các nước ASEAN đồng ý thành lập một chính sách lương thực cho cả khu vực, lưu tâm đến việc bảo vệ tài nguyên và đất nông nghiệp. Và nhất là tuyên bố sẽ cảnh giác trước hậu quả của những đầu tư nước ngoài vào đất đai. Còn phải đợi một thời gian nữa mới đoán được đây là tín hiệu một số nước đã bắt đầu nhận thấy nguy cơ của việc bán đất đai, hay chỉ là văn bia. Cuối cùng và quan trọng hơn cả là một hiện tượng toàn cầu trực tiếp ảnh hưởng lên nông nghiệp, là sinh hoạt của loài người gắn liền nhất với thiên nhiên và lệ thuộc nhất vào thời tiết: biến đổi khí hậu và những hệ quả nhiều mặt của nó. Biến đổi khí hậuSau nhiều năm bị phủ nhận vì áp lực của các kỹ nghệ khai thác nhiên liệu hóa thạch (than và dầu hỏa), biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề "nóng" hiện nay của thế giới, ngày càng hiện rõ tính cấp bách và được công nhận như một thực tế đe doạ sự tồn tại của loài người trên trái đất. Những công trình nghiên cứu trong suốt 20 năm của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC), thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meterological Organization – WMO), đã góp phần quan trọng làm thức tỉnh dư luận thế giới trước hiện thực và các hệ quả của vấn đề này, và do đó đã được tôn vinh với giải Nobel hoà bình trao cho IPCC năm 2007 chung với cựu phó Tổng thống Mỹ Al Gore. Mỹ và Trung Quốc là hai nước gây ô nhiễm nhiều nhất, với gần một nửa số lượng thán khí thải vào khí quyển, nhưng cũng là hai nước trốn tránh trách nhiệm nhất cho tới nay. Với sự thay đổi trong chính sách của Mỹ và một chính quyền Obama quan tâm đến môi trường hơn, viễn tượng đạt được một giải pháp toàn cầu may ra có thể gần lại hơn một chút. Gần đây, các chuyên gia của Lầu Năm Góc (Pentagon), Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã lần đầu tiên nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu về mặt chính trị và an ninh quốc gia. Khí hậu biến đổi do trái đất bị hâm nóng vì hiệu ứng nhà kính tăng quá mức quân bình tự nhiên khiến các sông băng trên các núi cao và nhất là vùng quanh năm băng giá ở Bắc và Nam Cực tan dần, làm mặt biển dâng cao hơn, tới lúc nào đó sẽ ngập chìm và xoá khỏi bản đồ những hòn đảo và những vùng đất thấp của một số nước. Ngoài ra, thời tiết cũng bị biến loạn, thiên tai xảy ra thường xuyên hơn và với cường độ cao hơn, lụt lội và hạn hán kéo dài hơn, như thực tế một số nước đã cho thấy. Do biến đổi khí hậu, đất đai còn bị huỷ hoại vì sa mạc hoá, mặn hoá, xói mòn, ngập chìm – tất cả những triệu chứng này đã bắt đầu hiện rõ – , với viễn tượng rất đáng sợ của một hiện tượng "tị nạn môi trường" và những luồng di dân khổng lồ, làm căng thẳng quan hệ giữa các nước, trong một thế giới vốn đã không thiếu loạn lạc, chiến tranh, khủng bố và thù hận. Biến đổi khí hậu và nông nghiệp là hai qui trình tác động lẫn nhau ở mức toàn cầu. Đối với nhà nông, thời tiết đóng vai trò quyết định cho thành công hay thất bại, được mùa hay mất mùa. Ngược lại, nông nghiệp cũng ảnh hưởng lên khí hậu, vì thải ra các khí làm tăng hiệu ứng nhà kính như hơi nước, khí cacbon, mê tan và ôxít nitơ. Sự phát quang, phá rừng để trồng trọt và hiện tượng hoang hoá hay sa mạc hoá đất đai vì thâm canh cũng làm thay đổi mặt vỏ trái đất, và làm mất quân bình cán cân bức xạ nhiệt. Bên cạnh những nguy cơ của mưa gió trái mùa, thiên tai tác hại mùa màng, gây đói kém, việc mặt biển dâng cao là một mối lo âu lớn, vì trong nhiều nước, những vùng ven biển bị đe doạ trực tiếp thường là nơi tập trung đông đảo dân chúng và là những vùng kinh tế, văn hoá quan trọng. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam, với bờ biển dài 3 260 kilômét và hai đồng bằng châu thổ đất thấp, là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng nhất khi mặt biển dâng cao. Dù là theo giả thuyết lạc quan nhất (mặt biển chỉ lên cao hơn 1 mét) hay bi quan nhất (biển dâng lên 5 mét), Việt Nam vẫn đứng hạng nhất hay nhì trong tất cả những nước sẽ bị tác động nặng nề nhất. Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nơi đất chỉ cao hơn mặt biển từ 1 đến 2,5 mét nên mực nước biển chỉ cần dâng cao lên thêm một mét cũng đủ làm ngập chìm 40% diện tích của cả vùng này, và trên bình diện cả nước, làm đảo lộn cuộc sống của 11% dân chúng (tỷ số cao nhất thế giới), cắt đi 10% GDP, tàn phá 13% diện tích nông nghiệp, 10 % các vùng đô thị, và 28% các vùng ngập nước. Nếu mặt biển dâng cao 5 mét, tất nhiên các con số cũng tăng vọt: 16% diện tích cả nước sẽ bị ngập chìm, 35% dân chúng sẽ phải sơ tán, GDP sẽ giảm 36%, và 24% diện tích đất nông nghiệp sẽ bị huỷ hoại. Và đáng lo hơn cả, hai vùng bị tác hại nhất, ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng, là hai vùng kinh tế quan trọng nhất của cả nước, sát cạnh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Riêng ĐBSCL chiếm 10% diện tích và 21% dân số của cả nước với 17,2 triệu người. Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc phỏng đoán mặt biển sẽ dâng cao 33 phân từ nay đến 2050 và 1 mét vào năm 2100, và e ngại là chỉ trong vòng 20 năm tới, 45% diện tích ĐBSCL sẽ bị nước mặn thâm nhập, phá huỷ mùa màng, và năm 2050 thì phần lớn vùng này sẽ bị hoàn toàn ngập nước trong nhiều tháng mỗi năm. Viễn tượng càng đáng lo khi một số hiện tượng đã hiển nhiên ngay từ bây giờ. Người dân ĐBSCL quen sống với nước lũ trong mùa mưa và nước mặn từ biển thâm nhập trong mùa nắng. Song càng ngày, nước mặn càng đi xa hơn trong đất liền, đến sớm hơn và ở lâu hơn. Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, từ tháng 3 đến tháng 4. 2009, nước mặn đã xâm nhập sâu ĐBSCL từ 50 km đến 65 km và tháng 5 vào sâu thêm tới khoảng 70 km. Như vậy, từ tháng 3 năm nay, nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền tại hầu hết các tỉnh ven biển ĐBSCL như Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, và Bạc Liêu. Đầu tháng 5, nước mặn đã vào đến tận Long Xuyên, tỉnh An Giang. Huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, vốn là vùng ngọt hóa, được bảo vệ bởi hệ thống cống thủy lợi khép kín nhưng đã xuống cấp hoặc bị hủy hoại, khiến cả vùng bị mặn hóa. Hầu hết các sông ngòi, kênh rạch đều chứa đầy nước mặn. Một người dân ở đây than thở: “Cứ đến tháng 2 trở đi là nước mặn ngấm dần vào đất ruộng, cũng may lúc này bà con vừa thu hoạch xong vụ lúa. Không con cá nào sống nổi, không thể trồng rau và cây ăn trái”. Đời sống dân địa phương vì vậy ngày càng nghèo. Nước mặn xâm nhập không những tác hại cây trồng và thủy sản, ngăn cản việc xuống giống trồng lúa theo vụ mùa mà còn gây tốn kém thêm cho người dân phải mua nước ngọt để ăn uống, sinh hoạt và sản xuất. Vấn đề càng phức tạp hơn vì sự xâm nhập của nước mặn còn do vài nguyên nhân khác như các đập thuỷ điện xây trên thượng lưu sông Cửu Long, các hệ thống đê điều, các cửa cống bảo vệ ruộng chỗ này nhưng lại đẩy giòng nước mặn sang nơi khác, như từ An Giang và Kiên Giang đẩy về Long An đến tận sông Vàm Cỏ. Những sông ngòi, kênh rạch chằng chịt trong khu vực cũng làm nước mặn toả rộng và đi xa hơn. Những hậu quả khác của biến đổi khí hậu cũng thể hiện rõ nét ở Việt Nam. Khí hậu vùng ĐBSCL những năm gần đây có nhiều biến đổi bất lợi: mưa gió thất thường, nhiều bão lớn, thủy triều dâng cao và di chuyển với tốc độ nhanh làm cho nước mặn ngày càng xâm nhập vào mạch nước ngầm và đất liền, đất đai bị xói mòn, nhiệt độ trung bình tăng cao. Trong 70 năm qua, tại Việt Nam nhiệt độ trung bình hàng năm đã tăng 0,70C và nhiệt độ trung bình của 40 năm gần đây đã cao hơn 30 năm trước. ĐBSCL trước đây rất ít bị bão nhưng chỉ trong 10 năm qua đã chịu hai cơn bão lớn, Linda năm 1997 làm thiệt mạng 4000 người, và Durion năm 2006 gây thiệt hại nặng nề về người và của. Đất đai bị bạc màu, đa dạng sinh học giảm mạnh. Diện tích đất bị nhiễm mặn, khô hạn, nhiễm phèn ngày càng tăng. Hiện nay, có khoảng 2,1 triệu ha đất bị nhiễm mặn và 1,6 triệu ha đất nhiễm phèn, khô hạn. Sâu bệnh nhiều hơn và một số dịch bệnh mới cũng hình thành. Tại miền Trung, người dân đã từ lâu phải sống với hiện tượng biển dâng cao, lấn đất liền. Suốt dọc bờ biển từ Phong Điền đến Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên – Huế) hàng trăm làng phải "chạy sóng", dắt díu nhau bỏ nhà, nhường làng lại cho biển. Có nơi người dân đã dời lui nhà cửa lại 800 mét nhưng với tốc độ xâm thực của biển (đã lấn thêm vào 200 mét sau 10 năm), cũng chỉ vài năm nữa thôi những làng tái định cư này cũng không còn. Ở Phú Diên (Thừa Thiên – Huế), năm 2001 các nhà khảo cổ đã phát hiện di tích một tháp Chăm của thế kỷ thứ 8 bị chôn vùi trong một đồi cát ven biển. Chỉ vài năm sau khi lộ diện và được coi như điểm cao nhất ở Phú Diên, tháp này đã sụt lún, chỉ còn cao hơn mặt biển 1 mét và cách mép sóng 200 m khi thuỷ triều rút. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên các di tích lịch sử cũng là điều phải quan tâm. Sự quan tâm này đã bắt đầu thể hiện trong nước. Đã có những nghiên cứu của các chuyên gia, những hội thảo chuyên đề của các cơ quan hữu trách và tổ chức quốc tế, nhưng sự nhận thức trong công chúng nói chung còn rất thấp và nhất là chính quyền chưa có chương trình cụ thể và qui mô để đối phó. Các địa phương lúng túng, không được hướng dẫn để xây dựng kế hoạch đối phó cụ thể. Việc sử dụng và chia sẻ các thông tin, dữ liệu liên quan đến khí tượng thủy văn, môi trường để dự báo tác động của biến đổi khí hậu còn nhiều thiếu sót. Hiện tượng biến đổi khí hậu phải ra ngoài vòng các chuyên gia, được báo động rộng rãi trong công chúng để trở thành vấn đề ưu tiên và cấp bách ở mức quốc gia. Đây không còn là chuyện nắng mưa của trời, chỉ liên can đến nông dân, dẫu họ là người đầu tiên phải hứng chịu mọi hậu quả, mà là sự sống còn của cả nước.
Nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu Tất cả những vấn đề đã phác hoạ ở trên – gia tăng dân số, hao hụt đất đai vì ô nhiễm, đô thị hoá và công nghiệp hoá, thâu tóm đất đai, và nhất là biến đổi khí hậu – đều liên quan đến Việt Nam và ảnh hưởng nặng nề lên nông nghiệp và nông thôn. Cạnh đó, còn có những yếu điểm đặc thù làm bức tranh tổng thể ngày càng đáng lo ngại hơn. Nông thôn Việt Nam vẫn còn rất nghèo, tuy chiếm 70% dân số và đóng góp 20% vào GDP, thu nhập của nông dân chỉ bằng một phần ba mức bình quân của cả nước, và một phần tư mức bình quân ở thành thị. Điều kiện sống còn lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo cao (18%), và chỉ được hưởng 25% các đầu tư về giáo dục và y tế của nhà nước. Ngân sách nhà nước dành cho nông nghiệp, nông thôn, từ nhiều năm nay vẫn không quá 10% tổng số vốn đầu tư. Càng ngày khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ngày càng tăng, khiến người nông dân ngày càng bị tụt hậu so với đà phát triển chung của đất nước. Sự nghèo khó của nông thôn thể hiện rất rõ, nhiều gia đình nông dân trồng lúa mà không đủ gạo ăn cho cả nhà, trong khi mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên dưới 5 triệu tấn gạo, năm 2008 chỉ riêng xuất khẩu gạo đã thu về 2,8 tỷ USD. Cả triệu thanh niên thiếu nữ phải bỏ đồng ruộng ra đô thị tìm cách mưu sinh. Sự phân hoá thành thị và nông thôn là trái bom nổ chậm, sớm muộn sẽ dẫn đến bất ổn xã hội trầm trọng, như đã xảy ra ở một số nơi ở Trung Quốc, một nước "tiên phong" đối với Việt Nam ở nhiều mặt, khiến ta có thể nhìn hiện tại của họ mà hình dung được phần nào những vấn đề sẽ đặt ra trong tương lai cho Việt Nam. Trong các khó khăn muôn mặt của nông nghiệp Việt Nam, chỉ cần nêu lên ở đây những vấn đề chính và cấp bách nhất. Ô nhiễmNhững câu "tình trạng ô nhiễm ở thành phố đã đến mức đáng báo động", "tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ngày càng trầm trọng", "chất gây ô nhiễm công nghiệp phá hoại ngành nuôi cá và môi trường canh tác nông nghiệp của hàng triệu nông dân", v.v. đã trở thành quen thuộc đến nhàm chán từ cả hơn chục năm nay. Phải chăng vì xảy ra như cơm bữa, hết nơi này đến nơi khác, vấn đề ô nhiễm ở Việt Nam đã biến thành một hiện tượng "bình thường" của cuộc sống, hậu quả tất yếu và cái giá phải trả của "công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" , một trong bao vấn nạn khác. Đáng sợ không kém những tác hại đã gây ra là một tâm lý bất lực chung: người dân cam chịu, chính quyền lúng túng hoặc dung túng, các công ty chai lì, bất chấp luật lệ và dư luận. Những sự kiện gây chấn động và căm phẫn như làng ung thư Thạch Sơn chết vì nhà máy phân bón Lâm Thao và hàng trăm lò gạch nhả khói ngày đêm, sông Thị Vải chết vì công ty bột ngọt Vedan, và bao nhiêu vụ khác, chỉ bùng lên trên báo chí một thời gian rồi lại nhường chỗ cho những tiếng kêu cứu, báo động ở nơi khác, cũng khẩn thiết và vô vọng như thế. Chính sách và luật lệ vô hiệu khi còn nhiều lỗ hổng. Các cuộc kiểm tra phải được báo trước nên nhà máy dễ dàng che dấu các vi phạm. Hơn nữa các hình thức xử phạt hành chánh và tài chánh quá thấp nên nhiều công ty chọn trả tiền phạt thay vì lắp đặt hệ thống kiểm soát ô nhiễm tốn kém. Nhưng nhất là các vi phạm không được xử lý kiên quyết và nghiêm minh, vì tham nhũng, vì phải tránh né những quyền lợi của giới quyền uy, vì phải nể nang nhau giữa cơ quan Nhà nước và xí nghiệp cũng của Nhà nước, hay vì những khiếm khuyết cố hữu trong việc thi hành luật. Như trong trường hợp công ty bột ngọt Vedan chẳng hạn, gian manh để qua mặt pháp luật, huỷ hoại sông Thị Vải ở tỉnh Đồng Nai trong suốt mười mấy năm, tội phạm đã quá rõ ràng nhưng chỉ bị phạt mà không bị đình chỉ hoạt động, vẫn tiếp tục thải nước ra sông, và khất lần khất lữa, nộp phạt nhỏ giọt. Một thí dụ khác là vụ ô nhiễm xảy ra gần đây nhất, cuối tháng 7.2009 tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Hồ chứa nước thải của Công ty San Miguel Pure Foods VN bị vỡ làm hơn 230 000 m3 nước thải chưa xử lý tràn ra nhà dân, vườn cao su, đổ ra sông Cầu Đò, làm con sông dài hơn 30 km này bị nhuộm đen, gây thiệt hại rất lớn. Cho đến cuối tháng 7 vừa qua, số cá chết bốc mùi hôi thối vẫn còn dày đặc trên con sông. Công ty này có 6 trại nuôi khoảng 68 000 con heo, mỗi ngày xả ra khoảng 3000 m3 nước thải, đã bị đưa vào danh sách đen của 25 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng ở tỉnh Bình Dương năm 2008. Câu hỏi đặt ra là: ghi vào sổ đen có tác dụng gì khi các doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động và gây ô nhiễm, và ô nhiễm "nghiêm trọng"? Tương lai còn tối tăm lắm khi theo chính các thống kê của Bộ tài nguyên môi trường, hiện có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất kinh doanh và 1450 trên tổng số 2100 làng nghề gây ô nhiễm. Trên 800.000 cơ sở sản xuất công nghiệp hiện nay, 80% sử dụng công nghệ cũ kỹ của những năm 80, thậm chí 70, 60 của thế kỷ trước, hầu hết đều gây ô nhiễm môi trường. Như ở các nước khác, đô thị hoá cũng là một nguồn ô nhiễm lớn . Năm 1990, Việt Nam có khoảng 500 đô thị lớn nhỏ, đến năm 2000 đã tăng tới 694 đô thị các loại. Dân số đô thị năm 1990 là khoảng 13 triệu người, chiếm tỷ lệ 20%. Năm 2000, tỷ lệ này đã tăng lên 25%, và theo dự báo sẽ lên đến 33% năm 2010, rồi 45% năm 2020. Áp lực rất nặng của đô thị hoá lên môi trường càng trầm trọng hơn ở Việt Nam do cung cách phát triển xô bồ, vô tổ chức và vô ý thức ở nhiều nơi. Song phải nói là nông nghiệp không chỉ là nạn nhân mà cũng có trách nhiệm ở đây. Phân bón và các thuốc trừ sâu hoá học làm biến chất lớp đất tự nhiên, ô nhiễm sông ngòi và mạch nước ngầm. Chăn nuôi cũng đặt vấn đề: trong thập niên 1990, sản lượng thịt heo và thịt gà vịt đã tăng gấp đôi ở Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Từ năm 2001, ba nước này sản xuất một nửa lượng thịt heo và một phần ba lượng thịt gà của thế giới. Những trại nuôi heo và gà vịt tập trung ở ven biển của Việt Nam và Trung Quốc là nguyên nhân chính làm vùng nam biển Đông bị ô nhiễm vì dưỡng chất. Giải quyết ô nhiễm đòi hỏi nhiều quyết tâm và cố gắng từ nhiều phía. Nhìn chung, nếu Việt Nam không có biện pháp kịp thời, đến năm 2020 ô nhiễm sẽ gia tăng gấp 4-5 lần so với hiện nay. Từ nhiều năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã cảnh báo họ rất lo lắng trước sự suy giảm ngày càng tệ hơn của môi trường sống ở Việt Nam. Có lẽ chỉ khi nào lượng đầu tư nước ngoài trực tiếp sụt hẳn vì lý do ấy, không thể đổ lỗi cho tình hình kinh tế chung, Việt Nam mới thật sự kiên quyết giải quyết ô nhiễm, nếu lúc ấy chưa quá muộn! "Thu hồi" đất đaiỞ Việt Nam, hiện tượng chiếm hữu đất đai được (phép?) nói đến nhiều nhất không phải là những dự án của nước ngoài hay của Việt Nam ở nước khác, mà là việc các chính quyền địa phương "thu hồi" đất nông nghiệp với đủ mọi lý do: xây cất hoặc mở rộng khu công nghiệp, đô thị hoá, xây dựng hạ tầng cơ sở (đường, cầu cống), và cả những mục đích khó chấp nhận hơn như xây khu giải trí, sân golf. Một điều rất phi lý là phần lớn các khu công nghiệp, dịch vụ đều nằm trên những chỗ đất tốt, những "bờ xôi ruộng mật", dù đã có lệnh từ trung ương là phải bảo vệ những vùng này. Việt Nam đất hẹp người đông, lẽ ra phải hết sức bảo vệ số vốn ít ỏi này, nhưng dân số ngày càng tăng mà đất lại ngày càng hẹp. Diện tích đất canh tác trên đầu người của Việt Nam hiện nay thuộc loại rất thấp trên thế giới, chỉ khoảng 0,12 ha so với Thái Lan (0,36 ha) hay Cam Bốt (0,48 ha), chưa nói đến các nước đất rộng người thưa như Peru (1,14 ha), Canada (1,56 ha) hay Úc, đứng đầu thế giới với 2,67 ha một đầu người. Đã vậy, đất nông nghiệp ở Việt Nam ngày càng ít đi. Chỉ trong 7 năm, từ 2001 đến 2007, tổng diện tích đất thu hồi để chuyển sang đất phi nông nghiệp đã lên nửa triệu ha, hơn 80% là đất tốt, canh tác hai vụ lúa một năm. Và theo Bộ Tài nguyên môi trường, xu hướng này sẽ tiếp tục, có khả năng từ nay đến năm 2020 từ 10 đến 15% đất nông nghiệp bị chuyển sang công nghiệp và dịch vụ. Trong quá trình phát triển của một quốc gia, tất nhiên có những nhu cầu mâu thuẫn nhau. Vấn đề ở đây không phải là bác bỏ hiện đại hoá, giữ khư khư khung cảnh nông thôn cổ truyền, tiếc nuối một bức tranh thuỷ mạc chỉ thơ mộng cho những ai không phải sống trong bùn lầy nước đọng. Như bất cứ ai, người nông dân có quyền được hưởng những tiện nghi cơ bản, nhà cửa khang trang thay cho nhà tranh vách đất, đường xá an toàn thay vì cầu khỉ chênh vênh, bệnh viện, trường học, và các dịch vụ cơ bản khác gần gũi trong tầm tay. Công nghiệp hoá là một trong những con đường để thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, tất nhiên đòi hỏi một số hy sinh, nhưng phải làm sao hy sinh ít nhất và một cách hợp lý nhất. Vấn đề là ở Việt Nam, đất nông nghiệp không những đã bị hy sinh mà còn bị mất đi trong nhiều điều kiện rất vô lý. Các chính quyền địa phương đua nhau trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, doanh nghiệp muốn chỗ nào là được chỗ nấy. Có những dự án công nghiệp được triển khai ngay trên những cánh đồng, có dự án lấy đất xong rồi bỏ khiến đất bị bạc màu, hoang hoá. Có nơi đất dành cho đô thị hoá bị các chủ đầu tư xí phần rồi quy hoạch treo, để đất hoang hoá hoặc sang nhượng dự án kiếm lời. Có nơi các dự án thi công phá vỡ hệ thống thuỷ lợi, khiến nông dân không thể canh tác được nữa. Và phi lý nhất là "phong trào" dùng đất nông nghiệp để xây sân golf. Đến tháng 6.2008, đã có 141 sân golf ở 39 tỉnh, chiếm gần 50 000 ha. Trong suốt 16 năm, chỉ có 34 dự án sân golf được chấp thuận, nhưng chỉ trong hai năm 2006-2008, có tới 104 dự án được các địa phương cấp phép, tức là cứ mỗi tuần lại có thêm một sân golf! Ngoài việc quỹ đất ít ỏi và quí giá bị hao mòn ảnh hưởng đến an ninh lương thực, các nông dân mất đất cũng mất phương tiện sinh sống. Một khi dùng cạn số tiền đền bù, thường là rẻ mạt, không thấm thía gì so với giá trị kinh tế của những mảnh đất hoa lợi, họ rơi vào cuộc sống bấp bênh của những người "ba không": không đất để cày, không nghề để sống, không nơi để đi. Như giáo sư Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hoà An, thuộc Đại học Cần Thơ, khuyến cáo: "Hệ quả là lãnh vực nông nghiệp mất dần diện tích đất sản xuất màu mỡ, mất dần nguồn lao động trẻ ở nông thôn và mất dần nguồn nhân lực chất xám." Cơ cấu và cơ chế Nông thôn Việt Nam đã trải qua nhiều chế độ chính trị khác nhau, từ phong kiến, thuộc địa tới cộng hoà và xã hội chủ nghĩa. Song, trong tất cả các giai đoạn, người nông dân lúc nào cũng khổ cũng nghèo, và những nhược điểm cố hữu vẫn tồn tại: ruộng đất manh mún khiến sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, khó cơ giới hóa, năng suất thấp, giá thành cao, công nghệ hậu thu hoạch thô sơ khiến tỷ lệ thất thoát cao, hệ thống phân phối yếu kém, v.v. Tình trạng phân tán làm nông dân thiệt thòi về nhiều mặt: các ngân hàng, tổ chức khuyến nông không thể đưa dịch vụ tới tận những làng bản xa xôi cho từng nông dân nhỏ lẻ vì chi phí quá cao. Cũng vì thế các chương trình điện hoá, cung cấp nước sạch không đến được những gia đình rải rác trong những vùng sâu và xa. Song, quan trọng hơn cả là vấn đề hiệu quả kinh tế. Sự manh mún của ruộng đất là kết quả của một quá trình lịch sử dài, nhưng ở thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu, nông nghiệp Việt Nam phải tiến đến một nền sản xuất có giá trị gia tăng, với những sản phẩm có chất lượng cao và ổn định. Qui mô nhỏ lẻ hiện nay là một cản trở lớn. Ở đây, chỉ đưa ra một thí dụ, gạo, mặt hàng chủ lực của nông nghiệp và xuất khẩu Việt Nam. Giữa nông dân và thị trường, thông qua các doanh nghiệp thu mua và chế biến, dù là cho xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước, quan hệ càng trực tiếp càng có lợi cho người sản xuất. Nhưng với tình trạng manh mún hiện nay, các doanh nghiệp không thể ký, chưa nói đến việc thực hiện, hợp đồng với hàng trăm ngàn nông dân để có đủ số lượng cần thiết. Giữa hai bên tất nhiên phải có một bộ phận trung gian là các thương lái, chỉ có họ mới có thể đến từng nhà để thu gom lúa đưa về các doanh nghiệp. Cũng vì cách thu mua này mà tuy Việt Nam mang danh là nước xuất khẩu gạo thứ nhì trên thế giới, chất lượng gạo Việt Nam luôn thấp vì gom từ nhiều nguồn, nhiều loại lúa trộn lẫn, cho nên gạo xay ra chủ yếu phẩm cấp thấp. Vì thế, giá gạo Việt Nam thấp nhất trong 6 nước xuất khẩu gạo chính. Thu hoạch thấp, lợi tức ít, người nông dân hễ gặt xong là phải bán ngay để trang trải nợ ngân hàng, các chi phí sản xuất, nên khi giá gạo tăng trên thế giới đầu năm 2008, lúa gạo đã nằm trong tay các công ty lương thực cấp tỉnh hoặc cấp trung ương, tiền lời vào tay họ và các trung gian, thương lái và công ty chế biến, và cả những người đầu cơ tích trữ, nông dân chẳng được hưởng gì. Giữa lúc giá gạo cao nhất trên thị trường thế giới, các công ty lương thực vận động ngừng xuất khẩu để giảm giá trong nước. Đến lúc Việt Nam quyết định tăng xuất khẩu trở lại thì giá thị trường thế giới đã sụt, các doanh nghiệp quay lại ép giá nông dân. Nói cách khác, nông dân không được hưởng lời khi thị trường thuận lợi và phải chịu lỗ khi nông sản bị mất giá. Nông dân và doanh nghiệp lẽ ra phải là những đối tác bình đẳng, quyền lợi phải được coi trọng ngang nhau. Song, như giáo sư Võ Tòng Xuân, cựu hiệu trưởng Đại học An Giang, đã nhận định, người nông dân Việt Nam vẫn chưa được xem là một đối tác bình đẳng trong doanh thương, và quan hệ với các doanh nghiệp vẫn mang hình thức ban ơn và nhận ơn, cho và nhận. Cách làm tự phát, thiếu định hướng, thiếu hướng dẫn hiện nay đẩy người nông dân vào thế bị ép và phải chấp nhận thua thiệt mọi bề. Sự yếu thế này có thể giải thích do hệ thống thu mua và nhất là vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Hiệp hội Lương thực Việt Nam tập hợp các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh lương thực, nhưng không phải là một hiệp hội ngành hàng (trade association) mà thực chất là cơ quan Nhà nước: được Bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại (Bộ Công Thương ngày nay) thành lập năm 1989, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ do Bộ Trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, và chịu sự quản lý của Bộ Thương mại. Vì thế hiệp hội này có những quyền hạn to lớn và các chức năng của Nhà nước: độc quyền thu mua nông sản, độc quyền xuất khẩu và ấn định giá cả, phân hạn ngạch và cấp quota xuất khẩu. Về mặt pháp lý, đây là một điều phi lý vì tạo ra xung đột lợi ích, và trong một thể chế còn "xôi đậu" như Việt Nam, biến cơ chế thành công cụ bảo vệ quyền lợi của quyền lực. Do đó, việc tập họp nông dân lại thành tổ chức là một nhu cầu bức bách và là điều các chuyên gia và nhà kinh tế đã kêu gọi từ nhiều năm, nhưng cho đến nay không thấy thay đổi bao nhiêu. Lý do phải chăng là vì nói đến "hợp tác xã", dù là kiểu mới, "tích tụ ruộng đất", "xoá bỏ cách làm ăn cá thể" vẫn còn làm liên tưởng ngay đến cải cách ruộng đất, hợp tác hoá cưỡng bức, đấu tố, "đánh tư sản, điền chủ".., những ấn tượng kinh hoàng và vết thương sâu đậm còn đọng nơi bao người Việt Nam. Nếu thế, nghịch lý thay, cách hay nhất để thuyết phục người nông dân tập hợp lại là cho họ thấy điều này không dính dáng gì đến "xã hội chủ nghĩa" cả: ở nước Thụy Sĩ rất tư bản và sống về công nghệ cao, những hợp tác xã nông dân vẫn là những tổ chức lớn mạnh, cho phép một thiểu số dân chúng đóng vai trò chính trị quan trọng và chi phối chính sách thương mại của cả nước. Song cũng có thể tự hỏi vấn đề là não trạng của người nông dân hay lực cản là từ những đối tác không muốn thay đổi cán cân lực lượng hiện rất có lợi cho họ, những công ty nhà nước trong khuôn khổ Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Một mặt, nông dân phải có một tổ chức thực sự mang tiếng nói của họ, bảo vệ quyền lợi của họ, phản ánh đích thực những nhu cầu và nguyện vọng của họ. Hội Nông dân Việt Nam không đóng vai trò này vì chủ yếu và thực chất là đại diện của quyền lực đối với nông dân, như điều 1 của Điều lệ Hội nói rất rõ: "Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam." Và nhiệm vụ đầu tiên của Hội là "Tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu biết đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết, chỉ thị của Hội, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo của nông dân." Các chức năng và nhiệm vụ khác cũng na ná như thế. Mặt khác, cần phải xem lại vai trò của Hiệp hội Lương thực và cơ cấu chức năng trong bộ máy hành chính. Ở Việt Nam, cơ quan đặc trách nông nghiệp là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tên gọi như thế đã khẳng định chính sách của nhà nước là gắn liền kinh tế và xã hội. Song, với tất cả những nghị định, văn bản, luật lệ, đề án, chương trình đã thi hành, kết quả vẫn còn rất ít ỏi. Chính sách có, kinh phí cũng có. Chẳng hạn, tháng 3.2007, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã đồng ý cho Việt Nam vay 30 triệu USD để thúc đẩy nghiên cứu nông nghiệp, các hoạt động khuyến nông và đào tạo nông dân trong các tỉnh Dak Nông, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Nam và Thanh Hoá. Dự án này nhằm bổ sung chương trình phát triển nông nghiệp đã được ADB thông qua năm 2002, trị giá 90 triệu USD. Nhưng kết quả ra sao thì còn phải đặt câu hỏi. Theo đánh giá của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp, trong 10 năm qua chỉ có 10% số gia đình nông dân được học tập, nâng cao kiến thức qua các lớp tập huấn, truyền đạt quy trình kỹ thuật (chăm sóc cây trồng, gia súc). Mặc dù các thông tin về sản xuất nông nghiệp không thiếu và được phổ biến rộng rãi qua nhiều trang web về nông nghiệp, tỷ lệ nông dân thực sự tiếp nhận được và ứng dụng có hiệu quả còn rất hạn chế. Chính Bộ trưởng nông nghiệp Cao Đức Phát cũng thừa nhận: "Hệ thống chỉ đạo cho nông nghiệp hiện khá đồ sộ ở trung ương, tỉnh, song về đến huyện thì ít dần nhưng cũng có cán bộ khuyến nông, thú y ...Về đến xã là hết, chỉ có duy nhất một người thống kê về cơ sở hạ tầng nông thôn". Một thí dụ khác: tháng 3 năm nay, ADB đã cho Việt Nam vay 95 triệu USD để thực hiện dự án nâng cao chất lượng và tính an toàn của nông sản và phát triển biogas để cung cấp năng lượng sạch cho 40 000 gia đình nông thôn trong 16 tỉnh. Sau khi hoàn tất năm 2015, dự án này sẽ tạo thêm việc làm cho 1,4 triệu lao động trong các khâu chế biến sau sản xuất. Như thế, Việt Nam có nhận thức các vấn đề, có đầu tư để giải quyết, song những số tiền khổng lồ kia đi về đâu, sử dụng ra sao và nhất là đem lại kết quả thế nào, là những câu hỏi lớn nhưng khó mà mong có được câu trả lời thoả đáng. Thất thoát, tham nhũng, buồn thay, hầu như tất nhiên, và sự chồng chéo của cơ chế càng làm cho mọi chuyện thiếu trong suốt và minh bạch, tạo cơ hội cho lạm dụng: Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhưng đất đai lại thuộc quyền quản lý của bộ Tài nguyên môi trường, tay nghề thì do bộ Lao động - thương binh - xã hội quản lý. Vậy thì thực quyền và hiệu năng của Bộ Nông nghiệp là bao nhiêu trong các dự án đồ sộ kia, hay lại chỉ được trả lời qua đùn đẩy trách nhiệm. Một thí dụ: Bị chất vấn trong phiên họp tháng 6.2009 của Quốc Hội về việc đất đai nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, Bộ trưởng nông nghiệp nói "Vấn đề này để Bộ Tài nguyên môi trường trả lời". Nhà nước có nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhưng còn thiếu những chính sách điều phối cụ thể để đảm bảo thu nhập của người nông dân. Chẳng hạn, hệ thống kho đệm (buffer stocks) trong nhiều nước cho phép điều tiết cung cầu, nhà nước mua vào khi sản xuất dư, bán ra thị trường khi sản xuất thiếu để ổn định giá cả cho cả người tiêu thụ lẫn người sản xuất. Ngoài ổn định đầu ra, người nông dân cũng cần được hỗ trợ phía đầu vào: chỉ cần Nhà nước giữ vững giá phân bón thôi, chẳng hạn, cũng giúp họ cầm cự trước lạm phát. Trong nhiều nước, nông dân và ngư dân được hỗ trợ giá xăng dầu. Ở Việt Nam, chính sách hỗ trợ diesel cho nông thôn cũng có từ lâu nhưng người dân vẫn chưa được hưởng vì những phức tạp của quản lý hành chánh. Chỉ khi nào thu nhập tương đối ổn định nông dân mới có thể nghĩ đến tương lai, đến đầu tư để phát triển hay cải thiện năng suất và sản phẩm. Chỉ khi nào có và áp dụng các chính sách điều phối về nông sản và giá cả, nông dân Việt Nam mới mong thoát khỏi cuộc sống bấp bênh, làm mùa nào biết vụ ấy, chỉ một xui xẻo nhỏ cũng có thể dẫn đến khánh kiệt. Cải tiến cơ chế, nâng cao kiến thức người nông dân để họ thực sự là một chủ thể tham gia quản lý tài nguyên, có thế mạnh hơn khi phải bảo vệ quyền lợi của mình, và khắc phục các nhược điểm của nền nông nghiệp lạc hậu cũng quan trọng không kém các biện pháp, chính sách trong các lĩnh vực khác để ổn định nền kinh tế cả nước, nhất là trong thời kỳ hội nhập toàn cầu hiện nay. Nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập Trong quá trình thương thuyết để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một trong những e ngại hay được nêu lên là ngành nông nghiệp Việt Nam liệu có đủ sức vừa chống đỡ cạnh tranh của hàng nhập sau khi thị trường nội địa mở cửa, vừa thâm nhập thị trường quốc tế. Việt Nam mới gia nhập WTO được hơn hai năm, còn hơi quá sớm để đánh giá chính xác nông nghiệp đã trực tiếp được lợi gì, bị thiệt hại gì. Trước mắt, có thể nhận xét là cho tới nay, nông thôn chỉ hưởng một phần nhỏ của các phúc lợi từ hội nhập, chẳng hạn đầu tư nước ngoài. Năm 2007, tỷ trọng FDI cho nông nghiệp vẫn rất thấp, chỉ chiếm 10,6% tổng số dự án và 6,5% tổng số vốn đăng ký. Lý do là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá nông nghiệp Việt Nam có tính rủi ro cao (thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh), sản phẩm không đem lại nhiều lợi nhuận. Những biện pháp thường được nêu lên để bảo vệ nông nghiệp khi một nước nghèo tham gia WTO và thương mại đa phương, là phát triển hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm cho mất mùa hay mất thu nhập vì nhập khẩu tăng quá nhanh hay biến động giá thị trường. Để cải thiện năng lực và sức cạnh tranh của nông nghiệp, một điều kiện tiên quyết là nâng cao trình độ và kiến thức nông dân. Trước cơn sóng hội nhập, để không bị nhận chìm mà lướt trên sóng để nó đưa đến nơi mình muốn, người nông dân phải tận dụng được những phương tiện hiện đại để đến với thế giới, không thể đứng mãi ngoài lề không gian Internet. Đối với đại đa số nông dân Việt Nam, Internet còn quá xa vời, nhưng đã có một số rất nhỏ nông dân, đa số ở miền Nam, biết lướt mạng để khai thác thông tin, kiến thức, và lập cả các trang web để chào bán sản phẩm của mình. Những nhà nông này làm ăn rất phát đạt, xuất khẩu sang nhiều nước, tận dụng được sức mạnh của Internet theo ý mình. Càng có những "nông dân @" hay "a còng" (e-farmer) này, nông nghiệp Việt Nam sẽ càng có sức bật để phát triển và nhất là khoảng cách văn hoá giữa thành thị và nông thôn sẽ giảm nhanh hơn. Người nông dân Việt Nam rất hiểu lợi ích của mình ở đâu. Như một nông dân ở An Giang kể lại, trước kia việc tiếp cận kiến thức bên ngoài của anh rất hạn chế, nhưng từ khi có Internet về câu lạc bộ nông dân xã, anh hầu như túc trực ở đấy. Anh nói: "Trước đó cứ nghĩ Internet là thứ để tụi con nít chát chít, khi hiểu rõ thấy nó hay quá. Bây giờ nông dân tụi tôi mê nó còn hơn mê rượu.". Chỉ việc nông dân bỏ rượu cũng đủ bõ công đưa Internet về làng quê! Cũng phải nói thêm là cái gì cũng tương đối. Bức tranh nông nghiệp Việt Nam có nhiều điểm làm chúng ta đau xót, nhưng nhìn từ ngoài thì cũng có người thấy nơi khác còn tội nghiệp hơn. Nếu ở Việt Nam, các doanh nghiệp phàn nàn vì hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, giết hàng nội địa, thì ở châu Phi, cá basa (Pangasius) của Việt Nam xuất khẩu ồ ạt sang Senegal, bán rẻ chỉ một nửa so với cá bơn (sole) của địa phương, cũng làm ngư dân và doanh nhân ở đấy khốn đốn. Năm 2007, Việt Nam xuất khẩu sang Pháp gấp đôi số lượng cá của Senegal bán sang Pháp, trong khi thị phần của hai nước tại nơi từng là thị trường truyền thống của Senegal ngang ngửa nhau năm 2005. Như một phóng viên Pháp nhận xét: "Trong cuộc chơi không thương xót của toàn cầu hoá, những người nghèo giết lẫn nhau".
Trả lại vị trí xứng đáng cho nông nghiệp Trong một thời gian dài, nông nghiệp, tuy vẫn đủ quan trọng, kể cả trong các nước công nghiệp phát triển, đã là lực cản chính làm bế tắc các vòng đàm phán đa phương của WTO, nhưng lại yếu thế trong các chiến lược phát triển của nhiều nước. Hiện đại hoá hầu như được xem như đồng nghĩa với công nghiệp hoá. Năm 1986, phần dành cho nông nghiệp trong ODA là 20%. Năm 2006, tỷ lệ này chưa được 3%. Phát biểu tại Ngày Lương thực Thế giới tháng 10.2008, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton nhìn nhận Mỹ và các nước cung cấp ODA khác cũng như Ngân hàng Thế giới và IMF đã sai lầm trong hàng chục năm khi coi nhẹ vai trò của nông nghiệp. Chẳng hạn, để nhận viện trợ, các nước Phi châu đã bị ép ngưng hỗ trợ phân bón, hạt giống và các nguyên liệu khác cho nông dân. Hậu quả là nhập khẩu lương thực tăng và các nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng vừa qua. Ngay cả chính sách cứu trợ các nước nghèo cũng sai lầm: Luật Mỹ bắt buộc phải chính quyền Mỹ phải mua trong nước toàn bộ số lương thực gửi sang cứu trợ các nước nghèo, thay vì dùng kinh phí để mua lương thực tại địa phương. Như thế, nông dân Mỹ là người hưởng lộc lớn nhất, trong khi sản xuất nông nghiệp ở nước nghèo trì trệ vì các khúc mắc không được giải qưyết mà còn phải cạnh tranh với hàng nhập và hàng viện trợ. Một năm trước đó, tháng 10.2007, Ngân hàng Thế giới cũng đã nhìn nhận các sai lầm này trong bản Báo cáo 2008 về phát triển, và yêu cầu các nước nghèo đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, đặt lĩnh vực này là trọng điểm của chiến lược xoá đói giảm nghèo. Vai trò quan trọng của nông nghiệp trong xoá đói giảm nghèo đã được các tổ chức như FAO, WFP và Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) khẳng định từ lâu và thường xuyên nhắc nhở. Theo Ngân hàng Thế giới, tại Trung Quốc trong khoảng gian 1981-2004, tác dụng của nông nghiệp lên hạ thấp tỷ lệ nghèo cao gấp 4 lần tác dụng của tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ. Cuộc khủng hoảng giá lương thực vừa qua tuy thế cũng có một lợi ích: vạch rõ những sự khủng hoảng trầm trọng có thể xảy ra trên nhiều phương diện khác nếu không có biện pháp cấp bách và trả lại cho nông nghiệp và người nông dân tầm quan trọng và vị trí xứng đáng của họ. Từ thuở khai thiên lập địa, nông dân là người làm ra lương thực, nuôi sống bản thân và người khác. Những tiến bộ thần kỳ của khoa học và công nghệ ngày nay dễ làm quên đi vai trò cơ bản tự ngàn năm ấy. Song chính những tiến bộ ấy cũng nhờ nông nghiệp mà có. Nền văn minh của loài người bắt đầu từ khi có trồng trọt, chăn nuôi, từ khi con người thoát khỏi sự bấp bênh của hái lượm, săn bắn, ổn định được nguồn lương thực, bảo đảm sinh tồn. Ngày nay vẫn thế, có thực mới vực được đạo: những nước tiên tiến nhất, có những thành tựu khoa học và công nghệ lẫy lừng nhất, cũng là các nước ít phải lo về an ninh lương thực nhất, miếng ăn cái mặc không còn là ưu tư của đại đa số người dân. Vai trò gốc rễ của nông nghiệp đối với mọi nền văn minh của nhân loại cũng thể hiện qua ngôn ngữ: trong agriculture, nông nghiệp trong tiếng Anh và Pháp, có culture, tức văn hoá trong tiếng Anh và cả hai nghĩa văn hoá và trồng trọt trong tiếng Pháp. Tiếng Anh và Tây Ban Nha phân biệt culture/cultura (văn hoá) và cultivation/cultivo (trồng trọt) nhưng các từ này đều cùng gốc với nhau. Và cũng như trong "quê hương" có "quê" thì country của tiếng Anh cũng có cả hai nghĩa "quốc gia" và "đồng quê". Câu nói của cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac cách đây 10 năm vẫn chí lí: "Không thể có cuộc sống nếu không có đất đai, đất đai nuôi dưỡng con người. Không thể tách rời nhân văn (culture humaine) và cày cấy (culture de la terre)". Nông dân Việt Nam là người nuôi dưỡng cả xã hội, nhưng cũng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Trong chiến tranh, nông thôn bị tàn phá gấp bao nhiêu lần so với thành thị, người nông dân chịu bom đạn vẫn chia củ khoai lon gạo nuôi cách mạng, vẫn đóng góp "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Hoà bình lập lại, công lao ấy được trả ơn bằng đói nghèo vì những chủ trương sai lầm, các biện pháp quan liêu, ngăn sông cấm chợ. Mãi cho đến cuối thập niên 1980 nông nghiệp mới được lần lần cởi trói với những hình thức sản xuất "chui", khoán, và chính sách đổi mới. Khi đất nước mở cửa, hội nhập vào kinh tế thế giới, năng lực bị kìm hãm của xã hội được giải phóng, kinh tế đi lên với những mức tăng trưởng đáng nể, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ nhì trên thế giới và mơ là con rồng mới của châu Á. Nhưng nông dân vẫn là người nghèo nhất, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị càng bị đào sâu về mọi mặt: thu nhập, hạ tầng cơ sở, và cả văn hoá. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, lượng đầu tư nước ngoài tăng vọt, nhưng phần dành cho nông nghiệp lại giảm hẳn. Nông nghiệp vẫn bị lãng quên trong thực tế mặc dù có được tôn vinh trong khẩu hiệu. Trong cái rủi có cái may. Cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới nhắc lại vai trò nền tảng của nông nghiệp đối với mọi nước, kể cả những nước công nghiệp hiện đại nhất. Ở Việt Nam, những nguy cơ của biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề của nông thôn mà còn đe doạ sự tồn tại của cả nước, nhắc nhở chúng ta phải thực sự quan tâm đến thành phần đông đảo nhất và cũng yếu thế nhất của dân tộc. Phải xoá những bất công, thiệt thòi người nông dân Việt Nam phải gánh chịu từ quá lâu, những quyền lợi cơ bản của họ phải được đảm bảo, không chỉ vì đạo lý mà còn vì lợi ích và tương lai của cả dân tộc. Chỉ mong sao các nhà lãnh đạo sớm làm tròn trách nhiệm đó.
Tháng 8.2009
Tài liệu tham khảo von Braun, Joachim and Ruth Meinzen-Dick, "Land Grabbing" by Foreign Investors in Developing Countries: Risks and Opportunities, IFPRI Policy Brief 13, April 2009 Cotula, Lorenzo, Sonja Vermeulen, Rebeca Leonard and James Keeley, Land grab or development opportunity? Agricultural investment and international land deals in Africa, FAO-IFAD-IIED, May 2009 Dasgupta, Susmita et al., The Impact of Sea Level Rise on Developing Countries: A Comparative Analysis, World Bank Policy Research Working Paper 4136, February 2007 FAO, The State of Food and Agriculture in Asia and the Pacific Region 2008, RAP publication 2008/03 FAO, Situation régionale de l'alimentation et de l'agriculture, Vingt-neuvième Conférence de la FAO pour l'Asie et le Pacifique, Bangkok (Thaïlande), 26-31 mars 2009 GRAIN, The 2008 Land Grab for Food and Financial Security, Grain Briefing, October 2008 Hacquemard, Jocelyne, Faim dans le monde et politiques agricoles et alimentaires: Bilan et perspectives, Avis et rapports du Conseil économique et social, République Française, 2008 International Food Policy Research Institute (IFPRI), High Food Prices: The What, Who and How of Proposed Policy Actions, Policy Brief, May 2008 Le Thi Viet Hoa et al., The combined impact on the flooding in Vietnam's Mekong River delta of man-made structures, sea level rise, and dams upstream in the river catchment, in Estuarine Coastal and Shelf Science, No 71, 2007 Mitchell, Donald, A Note on Rising Food Prices, World Bank Policy Research Working Paper 4682, July 2008 Piesse, Jenifer and Colin Thirtle, Three bubbles and a panic: An explanatory review of recent food commodity price events, Food Policy, 2009 Tran Manh Hung, Food Security and Sustainable Agriculture in Viet Nam, United Nations Country Team in Viet Nam, Food prices, vulnerability and food security in Viet Nam - A UN perspective, 31.10.2008 Và các bản tin của Agence France-Press, Agra Europe Weekly, Asia Pulse Pty, Báo Việt Nam, Bloomberg, Courrier international, Les Echos, The Economist, Le Figaro, The Financial Times, The Guardian, Hội Nông dân Việt Nam, International Herald Tribune, Le Monde, Newsweek, Người Lao Động, Le Nouvel Observateur, RFI online, Saigon Times, Sài Gòn Tiếp Thị, Le Temps, Tia Sáng, La Tribune, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư quốc gia (Bộ Nông nghiệp Việt Nam), Tuổi Trẻ, VNexpress, Vietnamnet, VoVNews, Wall Street Journal, WTO Reporter.
© Thời Đại Mới
13-11-09 |