thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 18  - Tháng 3/2010


 

 

Đại học đi về đâu?
 

Cao Huy Thuần
Giáo sư emeritus Đại Học Picardie (Pháp)

  

            Năm ngoái, tôi đã có dịp trình bày về đề tài "Đại học là hàng hóa hay công ích".[1] Tôi đã nói nhiều về chủ nghĩa tân tự do, nguồn cội của những biến chuyển hiện nay trong đại học trên thế giới. Ở đây, tôi sẽ không trở lại với lý thuyết nữa, tôi chỉ triển khai những biến chuyển đó trong cụ thể. Đại học bất cứ ở đâu đều chịu ảnh hưởng của những biến chuyển ấy và dù muốn dù không đều sẽ bị lôi cuốn theo chiều hướng ấy. Đại học Việt Nam e cũng sẽ thế mà thôi. Tuy nhiên, đại học, văn hóa của một nước, không dễ gì để đánh mất bản sắc quốc gia của mình. Văn hóa Việt Nam, nếu nói theo Khổng thì là trung dung, nếu nói theo Phật thì là trung đạo. Tôi hy vọng tinh thần đó sẽ hướng chúng ta trả lời câu hỏi chung đặt ra cho mọi đại học: đại học là gì ? Từ câu trả lời đó, ta sẽ biết đi về đâu vào thế kỷ mới.

            Với sức hiểu biết hạn hẹp của tôi, tôi chỉ có thể trình bày những biến chuyển trong đại học Mỹ và Âu châu. Đại học Mỹ, vì đó là mẫu mực của thời đại tân tự do, khuynh hướng của thế kỷ mới. Đại học Âu châu, vì ở đây, cây đang ngã theo gió nhưng lại gắng gượng không để quỵ. Tình trạng chưa cong nhưng không còn thẳng ấy đưa đến khủng hoảng chưa bao giờ thấy trong đại học Pháp từ đầu năm nay. Dù ở Mỹ hay ở Pháp, tôi lại hạn chế vấn đề vào những tranh luận diễn ra trong lòng các đại học đó. Qua các tranh luận ấy, hy vọng ta sẽ tìm được vài ý cho câu trả lời của chính ta.

I. Tri thức và tiền: đại học Mỹ           

            Từ lâu, kinh tế tư bản đã đưa thị trường vào đại học Mỹ với cốt lõi của nó là cạnh tranh. Trên lý thuyết, muốn cạnh tranh phải quản lý tốt, quản lý tốt đưa đến hiệu quả. Cạnh tranh, hiệu quả: châm ngôn đó của đại học Mỹ bây giờ đã trở thành kinh nhật tụng của mọi đại học trên thế giới. Dù đàng sau hậu trường của châm ngôn ấy là chủ thuyết tân tự do mà không phải ai cũng chấp nhận, khắp nơi trăm miệng một lời song song: phải cải thiện hiệu quả của đại học và nghiên cứu để đạt cho bằng được lý tưởng "kinh tế tri thức", "xã hội tri thức".

            Từ lâu, đại học Mỹ đã cộng tác với giới kinh doanh, với business. Trong lòng kinh tế tư bản, đây cũng là chuyện hiển nhiên. Hiển nhiên như đại học có liên hệ với Nhà nước, có liên hệ với xã hội công dân, có liên hệ với tôn giáo. Nhưng liên hệ với business là một chuyện mà tự mình làm business lại là chuyện khác, và đây chính là chuyện mới. Từ "đại học" đến "đại học công ty", đại học Mỹ đã bước một bước quá đà, đưa đến những chỉ trích gắt gao, nào "University Inc." (Jennifer Washburn), nào "University in Ruins" (Bill Readings),[2] nhiều tiếng nói không ngần ngại báo động khủng hoảng. Nghiễm nhiên, đại học Mỹ tự xem mình như những tay chơi trong một thị trường thương mãi mà động lực là tri thức. Kinh tế tri thức là business của đại học. Tri thức trong thị trường đó nghiễm nhiên trở thành trục lợi, giá trị tính theo giá trị trao đổi. Kinh tế tri thức đó dựa trên thông tin, thông tin cho phép thực hiện những kết quả đo lường được, như lời lỗ tài chánh, lợi nhuận tạo ra do nghiên cứu, lợi tức thu vào nhờ một tiếng tăm. Hiện tượng công ty hóa đại học diễn ra dưới nhiều hình thức: vai trò quan trọng của những người quản lý, sách lược đầu tư, tiếp thị, kết toán, thu dụng nhân viên giảng huấn bán thời gian để đỡ tốn tiền, bán bằng sáng chế, nghiên cứu trục lợi …

            Tiến triển đã diễn ra rất nhanh, từ cuối những năm 1970, nhưng đặc biệt nhanh từ khi đạo luật Bayh-Dole được ban hành, năm 1980, thúc các đại học chuyển đổi cấu trúc để đi đến cái mà ngày nay giới chỉ trích gọi là "chủ nghĩa tư bản đại học". Luật Bayh-Dole nói gì? Dưới sức ép của cạnh tranh với Nhật, và trong mối lo về giảm sút năng lực sản xuất tại Mỹ, Bayh-Dole là câu trả lời cho quan tâm của giới kinh doanh Mỹ và của một số lãnh đạo trong đại học: công nhận cho đại học quyền được bán bằng sáng chế trên những kết quả nghiên cứu do Nhà nước liên bang tài trợ. Trước đó, những sản phẩm nghiên cứu từ tiền Nhà nước tài trợ thuộc về tài sản công. Bây giờ đạo luật biến đổi thành quyền tư hữu. Tưởng đại học và business chỉ giao du thân mật thôi: không, bây giờ là đám cưới.

            "Kinh tế tri thức" phải hiểu theo cái nghĩa cụ thể ấy: là cái vòi của con ong business đã hút sâu vào nhụy hoa đại học. Ở xa nước Mỹ, có người nói: kinh tế tri thức là một khu vực trung tâm tích lũy mới trong lòng chủ nghĩa tư bản, thay thế cho khu vực công nghệ của thế kỷ 20. Có người lại nói: đây là một giai đoạn mới của chủ nghĩa tư bản, một biến đổi lớn lao mới đưa đến chủ nghĩa tư bản tri thức.[3] Dù hiểu cách này hay cách nọ, thông điệp gởi đến đại học thế giới qua đại học Mỹ là: chủ nghĩa tư bản đang biến đổi sâu sắc mà kết quả là đưa tri thức vào trọng tâm của tích lũy tư bản. Nói cho rõ hơn: biến đổi này đưa đến sự thành hình của một thể thức tích lũy mới mà đối tượng là tri thức, nhưng là tri thức được nâng giá trị một cách trực tiếp và được sản xuất ngoài xí nghiệp. Được nâng giá trị một cách trực tiếp, vì thể thức tích lũy này dựa trên một nhịp độ phát minh không ngừng, cái này đẻ ra cái kia. Được sản xuất không phải chỉ trong xí nghiệp, vì bây giờ đại học được vinh danh là nơi sản xuất tri thức ưu tiên. Hậu quả là gì? Là các xí nghiệp cạnh tranh nhau trên mảnh đất mới đó, tạo nên một sức đẩy chưa từng thấy để nới rộng đến tối đa lĩnh vực áp dụng quyền sở hữu cho những hoạt động sản xuất tri thức. Đầu tư như thế, xí nghiệp được miễn thuế. Và như thế, không những việc tổ chức sản xuất thay đổi sâu xa, mà cả tri thức cũng vậy, vì tri thức dần dần từ bỏ quy chế tài sản chung để biến thành hàng hóa, nghĩa là thành tài nguyên kinh tế trên đó ngự trị quyền tư hữu. Quá trình này đưa đến việc xóa bỏ biên giới giữa những sản phẩm tri thức có thể được bằng sáng chế và những tri thức khỏi hoài công nghĩ đến tấm bằng, giữa tài sản công và tài sản tư  về mặt tri thức. Tri thức trở thành một tài sản kinh tế được khai thác để tích lũy tư bản tư.

            Lẫn lộn giữa công và tư làm biến đổi cách nhìn về khoa học trong đại học: khoa học nào đưa đến ứng dụng có lợi, có tiền, thì chiếm ưu thắng, thì được biệt đãi. Đạo luật Bayh-Dole chắp thêm cánh cho quá trình đó bay nhanh hơn từ khoa học qua công nghệ, từ nghiên cứu khoa học vô tư qua nghiên cứu khoa học theo chiến lược tư bản. Con sâu làm hỏng trái cây từ trong ruột.

            Tất nhiên, lý lẽ của những người bênh vực luật Bayh-Dole không thiếu. Họ nói: luật đó nhằm khuyến khích nghiên cứu khoa học, khuyến khích chuyển đổi nhanh chóng quá trình từ một khám phá khoa học qua ứng dụng công nghệ thực tiễn. Khi sản phẩm mới được tạo ra, còn ai tài giỏi hơn giới kinh doanh để khai thác cho có lợi, lợi đó không phải chỉ riêng xí nghiệp hưởng mà cả xã hội cũng hưởng theo và trước hết là đại học. Sự thực hiển nhiên là như vậy: từ 1980, tài trợ của các xí nghiệp cho nghiên cứu trong đại học tăng lên một cách chóng mặt, ít nhất 500%.[4] Vậy thì Bayh-Dole có gì tiêu cực?

            Tiêu cực, các người chỉ trích trả lời, là thị trường đã xâm nhập vào ruột của giáo dục, khiến đại học Mỹ bây giờ ứng xử như một xí nghiệp, nghĩa là vị lợi. Mà lợi thật! Lợi to! Hai đại học, Stanford và California ở San Francisco, đã hưởng một món tiền khổng lồ khi bán một kỹ thuật then chốt về kết hợp gene. Chuyện bên lề: hai nghiên cứu viên có công trong công trình này (Stanley Cohen và Herbert Boyer) lúc đầu chỉ cặm cụi nghiên cứu, tiền bạc để ngoài tai, nhưng doanh nhân trong đại học đâu để cho yên, thuyết phục hai anh nộp đơn xin cấp môn bài. Vụ này gây khá nhiều xôn xao. Vì nhiều lẽ : một, là nhiều nhà nghiên cứu đã đóng góp vào công trình, đâu có phải chỉ hai anh kia mày mò trong tháp ngà từ đầu đến cuối; hai, phần lớn nghiên cứu đã được liên bang tài trợ; ba, khám phá có một tầm quan trọng rất lớn, có khả năng mở ra những khám phá mới, không phải chỉ là sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu thụ. Chính hai anh nghiên cứu kia cũng đâu ngờ mình được bằng sáng chế, tiền trên trời rơi xuống vào tay thì đành phải hốt thôi, có điều là Stanford và UCSF hốt hơi nhiều : 300 triệu Mỹ kim.[5]

            Luật Bayh-Dole nhắm phát huy những thành công như thế. Nhưng nếu tất cả đều như thế thì chuyện kể đều thần tiên.Trên thực tế, những phát minh lớn không nhiều mà bằng sáng chế được cấp thì đến hàng ngàn. Nghĩa là xí nghiệp và đại học đua nhau săn bằng sáng chế, đại học xông xáo không thua gì xí nghiệp, có khi bán trước cả cái mình chưa có, chỉ mới có chắc chắn trong tiềm năng, y như chiến thuật đánh phủ đầu trong quân sự. Chiến thuật ấy, doanh nhân đại học gọi là "hợp tác phủ đầu" (preemptive partnership): bán cho xí nghiệp quyền khai thác đầu tiên những phát minh trong tương lai. Kẻ nào quen nghề Tú Bà thì gọi là bán trinh cũng được.

            Ví dụ điển hình là hợp đồng giữa Đại học Berkeley và hãng bào chế dược phẩm Thụy Điển Novartis, ký năm 1998. Novartis hiến 25 triệu Mỹ kim trong 5 năm cho phân khoa vi sinh học của Berkeley - một phần ba ngân sách của phân khoa; ngược lại, Berkeley công nhận cho Novartis quyền khai thác hơn một phần ba những khám phá mới và quyền thương lượng về bằng sáng chế trên những khám phá đó.[6] Kiểu hợp đồng như vậy bây giờ không hiếm, đặc biệt từ khi nước Mỹ không thu thêm được thuế và phải cắt bớt ngân sách dành cho giáo dục.

            Lại chuyện bên lề của hợp tác Berkeley-Novartis: tiền của Novartis được chia chác cho nhân viên của một ủy ban trong đại học; một giáo chức đã từng láng cháng công kích hợp đồng này nên không được vào biên chế tuy không ai chối cãi khả năng của anh. Từa tựa như chuyện bên lề việc hợp tác với hãng Nike: Nike ngưng tài trợ cho ba trường đại học Michigan, Oregon và Brown, vì sinh viên các đại học này chỉ trích cách làm việc của Nike trong các nước nghèo, nhất là khai thác lao động của trẻ em.[7]

            Chuyện vặt chăng? Đâu phải. Sau khi giải phóng khỏi quyền uy của Nhà Thờ, quyền uy của chính trị, chẳng lẽ bây giờ đại học cúi đầu trước thế lực đồng tiền? Chẳng lẽ đại học đánh mất cả tự do nghiên cứu, tự do ăn nói trên bục? Đâu rồi cái thuở vô tư trong trắng của một Jonas Salk, người khám phá thuốc chủng polio, khi người ta hỏi ông có kiếm môn bài chăng và ông hỏi lại - ôi, nhà khoa học sao mà thi sĩ thế! "Bộ quý vị muốn môn bài cả mặt trời hả?".[8]

            Có nên kể thêm một chuyện vặt nữa chăng? Khi dư luận chất vấn về tài trợ của Nhà nước liên bang và về cái hợp đồng ấy với Novartis, Berkeley, một đại học công, trả lời: chúng tôi là "đại học được Nhà nước tài trợ". Danh hiệu "đại học công" bây giờ được thế bằng "đại học được Nhà nước tài trợ". Y chang, đại học công Michigan, đại học công Virginia nói cùng một giọng. Như nhiều đại học công khác. Tại sao? Tại vì tài trợ công không đủ để trang trải cho một đại học càng ngày càng bành trướng, càng ngày càng phải cầu viện đến tài trợ tư. Cho đến giữa những năm 1980, tiểu bang California tài trợ cho Berkeley 50% ngân sách; con số ấy trụt xuống 34% năm 1997.[9] Nói chung, 66% ngân quỹ của đại học công Mỹ là do tư nhân tài trợ.[10] Không những biên giới giữa công và tư trở nên nhập nhằng,[11] chuyện đáng nói hơn nữa là cuộc chạy đua của các đại học để săn môn bài không phải lúc nào cũng thành công. Stanford tóm được 80-90 môn bài mỗi năm, vài đại học khác thu được lợi tức khổng lồ, nhưng không hiếm đại học khai thác môn bài không lỗ là may. Jennifer Washburn tính: tất cả đại học thu được 1 tỷ Mỹ kim mỗi năm từ việc khai thác thương mại dược phẩm, phần mềm vv… nhưng 2/3 của số tiền đó đi vào tay một nhúm nhỏ 13 đại học. Mà ngay cả trong những đại học may mắn này, không phải môn bài nào cũng đem lại hào xu rủng rỉnh, có khi chỉ một hai sản phẩm hái ra tiền. Vậy mà đại học nào cũng lấy hết gân cốt chạy đua trong việc nghiên cứu để kiếm môn bài. Chuyện đáng nói ở đây không phải là thành công hay thất bại, chuyện đáng nói là đại học có cơ nguy đánh mất linh hồn, nghiên cứu khoa học căn bản có cơ nguy thiếu phương tiện phát triển, tri thức nói chung có cơ nguy mất những nghiên cứu nhằm thúc đẩy nghiên cứu trong tương lai, khoa học nói chung có cơ nguy đánh mất đạo đức. Washburn đưa ra trường hợp đại học Wisconsin: các nhà nghiên cứu ở đây lấy ra được tế bào gốc từ con khỉ, thành công đó giúp ích bao nhiêu cho giới khoa học trong việc phát triển nghiên cứu y khoa, nhưng không, Wisconsin bán đứt bằng sáng chế ngay tức khắc cho công ty Geron độc quyền khai thác. Từ nghiên cứu với tinh thần khoa học qua nghiên cứu với tinh thần của kinh tế tư bản, đại học đánh mất lúc nào không hay tư thế tự trị, vốn là giá trị nền tảng của đại học trong lịch sử. Đã đành, đại học Mỹ vẫn làm ăn như thế tự bao giờ, nhưng những biến chuyển gần đây quá sâu, quá rộng, có tầm cỡ quá lớn, tưởng như đại học đã biến đổi.[12] "Biến đổi xảy ra, như có tác giả giải thích, vì sức đòi hỏi sản phẩm mới của xí nghiệp trùng phùng với sự kiếm tìm tài trợ mỗi ngày mỗi lớn của đại học".[13] Từ đó, thị trường trở thành tiêu chuẩn đánh giá thành công của đại học. Và đại học hân hoan chấp nhận thị trường hóa.   

            Ấy là nghiên cứu. Giảng dạy thì sao? Lại cũng thị trường! Tại sao anh nghiên cứu thì có bằng sáng chế, có tiền, còn tôi giảng dạy thì không? Tôi phải kiếm cách và cách của tôi là đại học ảo. Doanh nhân trong đại học tổ chức đại học ảo cho tôi. Và tiền vào như nước! Thị trường đại học trên mạng mang lại từ 97 triệu Mỹ kim năm 1996 đến 3,9 tỷ năm 2002.[14] Ngay cả hai trường danh tiếng của Anh, Oxford và Cambridge, cũng phải tổ chức thành tổ hợp để phản công đại học ảo do Michigan, Columbia và Berkeley tổ chức, hợp tác với Công ty Time Warner và Walt Disney.[15] Anh nhà giáo xưa nay bán cháo phổi trên bục bây giờ khỏi phải mở miệng, chỉ mất cái tự do. Trở thành cộng tác viên của một bộ phận làm ra tiền, anh phải làm việc với một tinh thần khác do xí nghiệp định đoạt, kiểm soát, gò bó. Ở tầm mức nhỏ bé, anh cũng trở thành "đồng-tư bản" như đại học của anh, lấy giá trị của thị trường làm giá trị của mình - chuyện mà trước đây anh không tưởng tượng ra được.[16] Từ nhà giáo, anh trở thành nhà giáo-doanh nhân, và giáo trình trên mạng của anh, anh cũng phải viết thế nào, về hình thức lẫn nội dung, cho hợp với đòi hỏi của thị trường, qua nhận xét của chuyên viên trong bộ máy quản lý của đại học.

            Vấn đề không phải là chỉ trích một sự kiện mới: kiến thức vô vị lợi của đại học cổ truyền đã bị một quá trình thương mại hóa thay đổi tận bản chất. Vấn đề là kiến thức, và tất cả sự sản xuất kiến thức, bị uốn nắn trong cái lò kiến thức mà ta đã gọi ở trên là "tư bản đại học". Tương tự như câu nói nổi tiếng ngày xưa của Clemenceau ("chiến tranh là chuyện quá quan trọng để giao cho bọn quân sự"), "đại học ngày nay, đứng trên quan điểm của tư bản, đã trở thành quá quan trọng để giao cho các ông nhà giáo".[17]

            Ấy là giảng dạy ảo và tiền. Giảng dạy thật thì tiền đâu? Đây cũng là chuyện không mới mà mới. Ai cũng biết, học ở Mỹ không rẻ. Chuyện ấy không mới. Nhưng học phí ngày nay tăng lên khủng khiếp, đến mức báo động, đó là mới. Giữa 1986-87 và 1996-97, học phí trường công cấp dưới tăng 20%, học phí trường tư cấp dưới tăng 31%. Đó là tính theo một thống kê chính thức. Một thống kê khác, cũng của Nhà nước, làm giật mình hơn: giữa năm học 1980-81 và 1994-95, học phí tăng 234% trong khi lợi tức tăng 82% và giá hàng hóa 74%. Từ 1996-97 đến 2000-2001, nghĩa là chỉ trong khoảng 5 năm, học phí tăng thêm 18% nữa ở trường công và 27% nữa ở trường tư. Tính cùng một trị giá đô la, mức tăng học phí ở cấp 4 năm trong 15 năm qua ở trường công là 69% và ở trường tư là 82%. "Hậu quả xã hội, văn hóa và kinh tế là vô cùng to lớn, và những gì mà ta nói là quan tâm về nội dung của một nền giáo dục tự do sẽ mờ nhạt trước vấn đề giá học phí phải trả".[18] Giữa lúc mà ai cũng nói mức học thức cần thiết để kiếm việc làm đang tăng lên, hàng triệu người trẻ Mỹ, nghèo và trung lưu, bị gạt ra khỏi các trường có chất lượng.

            Còn thêm một cái mới nữa: giá trả đắt không phải vì chất lượng của giảng dạy mà vì cạnh tranh, cạnh tranh trên tiếng tăm, trên quan hệ. Đây là cạnh tranh ở cấp cao, càng leo lên nấc thang để vào được những đại học danh tiếng, giá phải trả không liên quan trực tiếp đến chất lượng của giảng dạy mà đến những hoạt động khác, nhất là nghiên cứu. Sinh viên trả học phí rất cao để được tiếng là sinh viên của một đại học nghiên cứu. Vấn đề là: đại học trở thành một thị trường xây dựng trên cạnh tranh để chiếm thương hiệu trong đó người tiêu thụ, nghĩa là sinh viên, phải trả một giá rất đắt để mua một sản phẩm mà giá trị có thể không tương xứng nếu không vì thương hiệu. Mà thương hiệu ở đây căn cứ trước hết trên nghiên cứu. Bao nhiêu thành tích. Bao nhiêu phát minh. Bao nhiêu tên tuổi. Bao nhiêu Nobel… Nhưng những tên tuổi này có dạy thực sự không? Bao nhiêu sinh viên undergraduate hưởng được lời vàng tiếng ngọc của họ? Nhưng thế đấy: đại học đầu tư vào nghiên cứu để tiếp thị tiếng tăm, tiếng tăm là sản phẩm được thặng dư giá trị. Tôi trích lời một tác giả: "Điều mà đại học và giáo sư ở cả trường công lẫn tư đã học được là rốt cuộc, đứng về mặt thị trường, chẳng có lợi ích gì thực sự dành cho những đại học nào cặm cụi dạy cho có phẩm chất đặc biệt… Trên thị trường đó, điều gì xảy ra không phải là cạnh tranh về phẩm chất mà là cạnh tranh về đặc lợi do tăm tiếng mà có".[19] Nhà xã hội học danh tiếng của Pháp, Pierre Bourdieu, đã viết nhiều sách để nói về nhu cầu xác nhận đẳng cấp này.

            Ai đánh giá tiếng tăm? Sáng giá nhất là tên nằm trên US News and World Report. Nằm trên một hàng hay nằm dưới một hàng trong bảng sắp hạng của tạp chí này là túi sẽ đầy thêm hay lưng bớt. Nằm trên thì Nhà nước cấp tiền đầu tư nhiều hơn, xí nghiệp ưu ái hơn, Mạnh Thường Quân rót tiền róc rách hơn (tiền ấy được miễn thuế). Quà ấy (endowment), vào tay Harvard, ngày nay vượt trên 25 tỷ Mỹ kim. Tính theo đầu sinh viên, Princeton còn chơi trội hơn cả Harvard. Cả hai càng ngày càng giàu. Khoảng trên dưới 20% đại học Mỹ cũng càng ngày càng giàu như thế. Điều này có nghĩa là những đại học ấy có khả năng lấy học phí cao và cấp học bổng nhiều để lấy những sinh viên nào mà họ muốn. 

            Tất nhiên, ai bênh vực cạnh tranh có đủ lý lẽ để bênh vực: cạnh tranh là chuyện đương nhiên, "ngựa có bạn cùng đua nước đua mới mạnh". Ai chống đối sẽ nói: cái nhìn ấy thiếu chiều sâu. Trước hết là bất bình đẳng. Đại học là nơi thăng tiến xã hội, vậy mà bây giờ bất bình đẳng xảy ra trầm trọng hơn bao giờ cả giữa các đại học và giữa các sinh viên. Khoảng cách giữa các đại học danh tiếng và các đại học tầm thường càng lớn thì bất bình đẳng xã hội giữa các sinh viên càng tăng. Thứ hai, thế giới đại học và thế giới sinh viên đã không đồng nhất, có ai nghĩ ra được một phương hướng gì thích hợp hơn cho tình trạng thiếu đồng nhất đó chăng? Không! Ngược lại, ai cũng rập khuôn, nghĩa là làm y hệt như người sắp hàng trước mình. Đây là hiện tượng mà các nhà xã hội học ở Stanford gọi là "isomorphism": cả thế giới rập theo những khuôn mẫu lớn đến từ Tây phương về giá trị, về nguyên tắc, về khái niệm, về cách tổ chức xã hội để "hiện đại". Họ nói "hiện đại", ta cũng nói hiện đại. Họ nói "hậu hiện đại", ta cũng nói hậu hiện đại, tuy chẳng biết hậu ở cái chỗ nào. Đại học là một ví dụ tiêu biểu của hiện tượng "isomorphism" ở Mỹ. Bắt chước. Bắt chước nhau. Bắt chước như thế, "các đại học danh tiếng cạnh tranh nhau trình bày cùng một món hàng, ăn cỏ trên cùng một cánh đồng, uống nước cùng trong một giếng".[20] Cũng vậy, các đại học cấp dưới cũng rướn mình lên bằng cách mô phỏng cấp trên, ít nhất để giống kẻ đứng ngay trước mặt. Nghĩa là gì? Là học phí cứ tăng lên, bất bình đẳng tăng theo.

            Chấp nhận quy luật của thị trường như một tiến hóa không cưỡng được, hay dù gì đi nữa cũng phải bảo vệ những giá trị không thể để mất của đại học cổ truyền: đó là vấn đề đặt ra cho đại học Âu châu, đặc biệt là đại học Pháp, nơi mà tranh luận đang diễn ra suốt cả năm nay, đưa đến khủng hoảng chưa từng thấy.

II. Mô phỏng và khủng hoảng: Đại học Âu châu

            Trong cuộc tranh đua toàn cầu, Hoa Kỳ áp đặt khuôn mẫu và Âu châu phải phản ứng nếu muốn tồn tại. Phản ứng bằng cách nào? Bắt chước. Dùng khí giới của kẻ mạnh để đánh lại nó. Kẻ mạnh đặt đại học dưới quy luật của thực dụng chủ nghĩa, ta cũng phải hướng đại học vào chủ nghĩa thực dụng. Để làm gì? Để phát triển kinh tế. Đó là cứu cánh của đại học nằm trong chương trình đồng nhất hóa tất cả các đại học trong Âu châu, gọi là "quá trình Bologne" thông qua năm 1998.[21] Quá trình đó nhắm hai mục tiêu: tranh giành sinh viên ngoại quốc với Mỹ, và thúc đẩy nghiên cứu để tranh với Mỹ về sáng chế ứng dụng. Quá trình Bologne tạo cơ hội để các nước Âu châu cải tổ đại học của mình.

            Tất cả những cải tổ đó, tuy được vạch ra trong khuôn khổ riêng của mỗi nước, đều giống nhau trên đại thể, vì đều lấy hứng từ một nguồn. Tất cả đều hô to một khẩu hiệu, một mệnh lệnh, lặp đi lặp lại từ những năm 1990: đại học là dụng cụ để thực hiện "kinh tế tri thức", "xã hội tri thức". Tất cả đều hoan nghênh "tự trị" đại học. Tất cả đều nhắm đến cái bảng vàng "xuất sắc". Nhưng tất cả đều chưa bằng lòng. Riêng nước Pháp, cải tổ đưa đến khủng hoảng.

            "Tự trị" là nguyên tắc được long trọng công nhận. Nhưng tự trị là thế nào? Để làm gì? Thực dụng chủ nghĩa trả lời: để thành công, để hiệu quả nhờ quản lý tốt, để tăng cường đẳng cấp trong nội bộ đại học. Bằng biện pháp gì? Luật cải tổ Pháp trả lời, và đây là một trong những đầu mối tranh cãi: tăng cường quyền hành của hiệu trưởng. Khái niệm "management" xuất hiện: những người có nhiệm vụ điều khiển đại học phải hoạt động như những "manager" và phải được xem như vậy. Họ không phải đội cái mũ giáo chức; họ đội cái mũ doanh nhân, làm việc như doanh nhân, đầu óc giống doanh nhân, dám liều, dám lấy sáng kiến, dám chịu chơi. Đại học nào không có những giáo chức-doanh nhân như vậy, đừng ngần ngại, cứ tuyển doanh nhân ở ngoài.

            Được tổ chức lại, chặt chẽ hơn, đại học có thể "tự trị" hơn trong quan hệ với giáo chức: thay vì Nhà nước quản lý như trước, bây giờ Nhà nước trao quyền ấy cho đại học. Hơn thế nữa, đại học có thể quản lý cả những cái "ghế", "ghế" nào dành cho khoa nào, "ghế" nào dành để bổ nhiệm ai, thường xuyên hay có định kỳ, người nước ngoài danh tiếng hay người trong nước đang chờ chực. Ôi, mấy cái chuyện tuyển chọn bổ báo này quan trọng khiếp lắm, liên hệ đến vận mạng của bao nhiêu sinh linh trong đại học, hiệu trưởng bây giờ quyền uy như ông trời con.

            Thế vẫn chưa phải là điều đáng nói nhất. Đáng nói hơn thế là tương quan giữa đại học và giáo chức. Trước, tương quan giữa ai với ai, dù là hiệu trưởng, cũng là tương quan giữa đồng nghiệp, ai cũng là ông bà giáo như ai; bây giờ tương quan mang một tinh thần khác, như giữa người thuê với người làm mướn, giữa hãng với nhân viên: dần dần, từ từ, đại học đang trở thành những thị trường lao động nội bộ.[22] Hôm qua, đại học là một không gian thở hít tự do, không cho gì nhiều nhưng cũng không đòi hỏi gì ráo về phía giáo sư: dạy xong 5 giờ là hoàn tất nhiệm vụ. 5 giờ đã là nhiều lắm rồi; cách đây ba mươi năm chỉ 3 giờ thôi. Ở Đức, sang hơn, giáo sư còn được cấp một ngân khoản và vài tiểu đồng trợ giáo để nghiên cứu và giảng dạy; nếu trời thương mà thưởng cho một Nobel thì đại học nhờ, nếu điện thoại chẳng reo từ kinh đô Thụy Điển thì cũng huề cả làng, chờ xem biết đâu. Không gian đó bây giờ khép lại rồi. Từ 2001, ông giáo sư được tuyển lần đầu ở Đức phải chịu quy luật hưởng lương theo xứng đáng, cho phép đại học "phạt" hoặc "thưởng" tùy theo hiệu quả trong công việc của ông, dở hoặc hay, và ngân khoản mà ông được hưởng lúc bổ nhiệm chẳng còn đi theo chân ông cho đến đầu bạc răng long, mà phải thương lượng lại cuối mỗi kỳ hạn. Ở Pháp, các phó giáo sư phải coi chừng: quy chế làm việc của anh chị có thể bị thay đổi nếu anh chị chỉ dạy cho xong số giờ quy định rồi xếp xó nghiên cứu qua một bên, tiêu diêu ngày tháng.

            "Xuất sắc" là phương châm thứ hai trong mọi cải tổ. So với Mỹ, các đại học Âu châu không đến nỗi thấp, nhưng vẫn chỉ mới ngang vai. Phải nâng lên! Nhưng nâng ai bỏ ai? Nâng hết thì không đủ tiền, nên nguyên tắc công bằng buộc phải diễn dịch lại: công bằng là ai giỏi thì được thưởng, ai dở thì ráng chịu thiệt. Ở Đức, tiền được đổ vào một số nhỏ trường được chọn, tha hồ cạnh tranh. Ở Pháp, tha hồ cạnh tranh để đưa ra những dự án mà chỉ một số được chọn. Hoặc tập hợp nhau lại, nâng khả năng lên, để chiếm được danh hiệu "trục nghiên cứu và giảng dạy". Cái bảng vàng cứ ám ảnh hoài trước mắt là bảng sắp hạng Thượng Hải mà Sorbonne, nhục thế, đội sổ dưới những năm mươi mấy tên!

            Trong bức tranh chung đượm màu sắc tân tự do như thế của Âu châu, đại học Pháp nổi bật năm nay với một cải cách đưa đến khủng hoảng chưa từng thấy, với xuống đường và bãi khoá, với sinh viên và giáo sư, với cả tả lẫn hữu, kéo dài đứt nguyên một nửa năm học. Cái gì đặc biệt? Có khá nhiều khúc mắc tâm lý và cá tính riêng của Pháp không nói hết được ở đây, tôi chỉ nêu vài điểm cụ thể trong luật cải cách đã gây nên sóng gió.

            Trước hết, về "tự trị". Thay vì tăng quyền chung, như nhiều đại học khác ở Âu châu, cho tất cả các chức năng lãnh đạo, trưởng khoa cũng như trưởng Viện, có nơi trưởng Viện phải dựa lên trưởng khoa mới điều khiển nổi, luật cải cách của Pháp tăng quyền cho hiệu trưởng Viện và hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị quyết định về đường lối tổng quát liên quan đến việc "quản lý nhân sự". "Quản lý nhân sự"! Gestion des ressources humaines! Đại học đã biến thành xí nghiệp? Ngôn ngữ của xí nghiệp đã nằm trên lưỡi của đại học? Đại học sẽ được "quản lý" như xí nghiệp? Thong thả. Xin đọc tiếp: Với quyền "tự trị" lớn hơn được công nhận, hiệu trưởng được tự do hơn để sắp xếp "nhân sự" trong việc tuyển chọn, thăng chức, tưởng thưởng (bằng tiền). Tất cả những vấn đề này đều đã được quy định trong quy chế đặc biệt dành cho giáo chức đại học, hiệu trưởng phải tôn trọng. Tuy vậy, giới chỉ trích thấy trước đe dọa của một quyền "hành pháp" được tăng cường: hiệu trưởng có thể sắp xếp "nhân sự" theo ý muốn.

            "Xuất sắc" là đặc điểm gay cấn thứ hai. Phương châm để đánh giá đại học theo tinh thần của Mỹ, "excellence" bây giờ cũng được đem vào áp dụng cho giáo chức. Giáo chức được đánh giá thường xuyên; công việc giao phó có thể thay đổi tùy theo thưởng phạt. Biện pháp này nhẹ hơn ở Đức (lương được trả tùy theo xứng đáng), nhẹ hơn ở Áo (các giáo sư được tuyển không phải là công chức), nhẹ hơn ở Anh (biên chế đã hủy từ 1988), nhưng tinh thần không khác: quy chế đặc biệt dành cho giáo chức dần dần mất bớt tính đặc biệt. Chưa kể quyền hạn dành cho hiệu trưởng có thể làm phát sinh hiện tượng chiêu tớ, quy tụ bề tôi dưới trướng hiệu trưởng, tuân thủ ý muốn của các vị điều hành, bây giờ là những manager chuyên nghiệp. Đào tạo một người manager dù khó, vẫn không khó bằng đào tạo một ông bà giáo sư suốt đời cặm cụi làm công việc của một nhà thông thái - nghiên cứu, giảng dạy - âm thầm. Một hình ảnh lý tưởng nhòa nhoẹt, một hình ảnh lý tưởng khác khai hoa: đâu phải chuyện nhỏ, cả tinh thần đại học thay đổi.

            Bản thân kẻ viết bài này không phải là không thấy những điểm tích cực trong việc đánh giá thường xuyên các giáo chức. Tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm với các cộng tác viên, khi tuyển thì ưu tú, sau đó, vì có quy chế đặc biệt đảm bảo, chẳng hề đẻ được một nghiên cứu gì, dù ở tuổi đang còn cường thịnh, làm tê liệt cả một cơ quan nghiên cứu. Ai đó đã nói một câu mà tôi quên ghi tác giả: người dạy đại học phải là những người trẻ và những người không già. Các cộng tác viên mà tôi vừa nói là những ông bà già tóc xanh. Âm thầm, tôi vẫn hằng mong muốn có biện pháp bắt họ làm việc. Thế nhưng, phải nhìn vấn đề một cách sâu hơn: cả một tinh thần làm việc đã sụp đổ. Quy chế đặc biệt có cái luận lý của nó, luận lý đó dựa trên tính chắc chắn. Giáo sư dại học phải được cái chắc chắn đảm bảo - như thẩm phán - để có đủ tự do làm một công việc  mà xã hội nghĩ là đặc biệt và phải cần có tự do. Luận lý đó bây giờ được một luận lý khác thay thế, biến cái chắc chắn của quy chế thành cái không chắc chắn của hợp đồng định kỳ, đưa cạnh tranh sống chết giữa đồng nghiệp với nhau lên đỉnh cao chót vót của đạo đức mới. Mất cái chắc chắn, giáo sư đại học có mất tự do không? Bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine "Chó sói và chó nhà", là câu trả lời của giới chỉ trích: Chó sói đói khát, chó nhà phè phỡn, nhưng ô kìa, nơi cổ con chó nhà có cái gì thế kia, à, cái tròng cổ ấy mà, có sao đâu![23]

            Tôi động đến một vấn đề cốt tử, có thể người bên ngoài không hiểu hết, nhưng quả thực đây là một mũi kim chích đúng vào cột xương sống của đại học Pháp, giải thích tại sao khủng hoảng kéo dài đến thế. Khuyến khích giáo chức nghiên cứu, ai chẳng muốn. Nhưng toàn bộ đạo luật cải cách của Pháp được ướp với thứ hương tân tự do mà ai cũng thấy đậm mùi. Đánh giá? Đồng ý. Nhưng đánh giá bằng cách nào? Ai đánh giá? Đánh giá trên tiêu chuẩn gì? Trên giảng văn, trên nghiên cứu, hay trên lợi ích kinh tế? Đánh giá trên tiêu chuẩn lượng sản phẩm? Nếu thế thì là cái máy đánh giá, đâu phải đồng nghiệp đánh giá nhau như trước đây?

            Vả chăng, đánh giá là biện pháp trái ngược với tinh hoa của đại học Pháp. "Đó không phải là giải pháp của nước Pháp: giải pháp của nước Pháp là xem lao động trí óc như là một hoạt động mà tự do là khí hậu phải có; giải pháp đó giao phó trọn vẹn cho lương tâm của mỗi giáo chức để người ấy đi đến tận cùng cố gắng của mình. Người giáo sư đại học tùy thuộc vào lương tâm của mình nhiều hơn là vào quyền uy của cấp trên, lấy lương tâm của mình để hoàn thành nhiệm vụ trong vòng tay bảo đảm của những quyền mà người ấy có. Dù đã là người thì ai cũng có khuyết điểm, chưa ai chứng minh được rằng giải pháp đó là dở, Ít ra, giải pháp ấy, khi giải phóng một số người ra khỏi những lệ thuộc bên ngoài, cũng đã làm cho những người đó thành những người tự do".[24]

            Tôi trích mấy câu trên từ một giáo sư luật nổi tiếng, Jean Rivero, thầy của thế hệ chúng tôi, cốt để nói rằng muốn hiểu sự chống đối trong đại học Pháp đối với "chủ nghĩa đánh giá" đượm mùi tân tự do phải hiểu quy chế tự do truyền thống dành cho giáo sư đại học. Tự trị của đại học, trước hết là tự do của giáo sư, tự do trong giảng dạy về quan điểm phát biểu, tự do trong nghiên cứu về đề tài chọn lựa, không bị một áp lực từ quyền uy nào, tôn giáo, chính trị, hay thị trường kinh tế. Việc đánh giá được thực hiện lúc tuyển chọn, do chính các giáo sư đồng nghiệp đảm nhận, trên tiêu chuẩn duy nhất khoa học. Trong cộng đồng đại học, không ai đánh giá đồng nghiệp đúng đắn hơn là do chính đồng nghiệp. Đó là sự đánh giá dựa trên tự do, khác hẳn với sự đánh giá thường xuyên từ cấp cao, từ ông hiệu trưởng và hội đồng quản trị được nâng quyền hạn, coi rẻ hội đồng khoa học đáng lẽ phải là cơ quan thích ứng. Từ một không gian tự do, trong đó không có trên dưới, chỉ có đồng nghiệp, giáo chức bị đưa vào một không gian cơ xưởng, làm việc dưới sự giám sát thường xuyên của thượng cấp, ngay ngáy chăm chăm đạt cho được một "hiệu quả" mà tiêu chuẩn tùy ở sự thẩm định của các vị giáo chức đã biến thành manager, hoặc các manager từ bên ngoài nhảy vào đại học. Đó là quá trình biến giáo chức đại học thành "nhân viên của đại học", "employés de l'Université", theo ngôn ngữ mới của đạo luật.

            Trở về lại với ngụ ngôn của La Fontaine. Con chó sói gầy lòi xương sườn, nhưng nó tự do. Nguẩy đuôi nịnh chủ không phải là nghề của nó. Bụng nó lép xẹp, nhưng cổ nó không phải đeo tròng. Giáo sư đại học cũng vậy. Lương tháng chẳng bao nhiêu. Nhưng tự do trên bục, tự do trong phòng thí nghiệm. "Và nếu có người chẳng làm gì ra hồn (về nghiên cứu), sự việc họ không bị trừng phạt chính là bằng chứng sống động cho biết rằng những người khác, đại đa số, làm việc cật lực mà chẳng cần ai thúc đẩy. Việc đánh giá không thiếu, nhưng cách thức thực hiện nhắm vào sự kính nể của đồng nghiệp mà ai cũng muốn có một cách tự nhiên, hơn là vào đầu óc tôi chúa. Hơn nữa, dù có được  chút bổng lộc gì trong việc đánh giá, chút ấy quá bé nhỏ để cho người nào chẳng bận tâm không thấy đời sống của mình có gì bị quấy rối đáng kể".[25]

            Con chó sói quay lại về rừng. Còn giáo sư đại học trong cải cách mới? Có còn giữ được tự do tư tưởng không? Hay là phải "be he với đàn cừu" dưới sự lãnh đạo anh minh của ngài hiệu trưởng?

III. Vài ý tưởng cũ cho thời đại mới

1. Về đại học   

            Tôi e rằng trên đây là hướng "đi vào thế kỷ 21" của mọi đại học trên thế giới. Nhưng không phải tất cả giáo sư đại học đều đồng ý. Cũng không phải đại học nào, kể cả Mỹ, đều lừng lững đi tới mà không cảnh giác. Đại học Mỹ đồng thời cũng biết thiên chức của giáo dục mà họ gìn giữ. Năm ngoái, tôi đã trích bài diễn văn nhậm chức của bà Drew G. Faust, hiệu trưởng trường đại học Harvard. Năm nay, tôi trích thêm một câu nữa để nhắc lại lý tưởng đó, luôn luôn sống động trong truyền thống đại học ở Mỹ, khiến họ mạnh về cả hai mặt, mặt thực dụng cũng như mặt văn hóa:

            "Đại học, về bản chất, nuôi dưỡng một văn hóa luôn luôn động, có thể nói là không có kỷ luật […] Không dễ gì thuyết phục một dân tộc hay một thế giới phải tôn trọng, nói gì hậu thuẫn, những định chế mà chức năng là thách thức những định đề căn bản của xã hội […] Tôi tin rằng Harvard sẽ duy trì được những truyền thống tự do của đại học và đức tính khoan dung đối với những gì không phải là chính thống".[26]

            Tôi không dám mơ ước một đại học như thế ở nước ta, nhưng tinh thần độc lập, tự trị của đại học là lý tưởng mà chúng ta có thể mơ ước, dù chỉ để làm phương hướng nhắm đến. Tôi cũng không mơ ước tự trị ở đâu xa, chỉ mong có "tự trị khoa học". Đại học đi về đâu cũng là tùy những người trong cộng đồng ấy có cái đầu óc gì. Dù là chỉ nghiên cứu mà thôi, không người nào có thể tự nhận mình là một người làm khoa học nếu không có trước tiên một đầu óc độc lập - độc lập với cả những chân lý mà mình đã thâu nhận. Vì tinh thần độc lập căn bản ấy, tôi xin được trở lui với nguồn gốc của đại học trong lịch sử phương Tây.

            Đại học Âu châu sinh ra rất sớm, hồi thế kỷ 12, dưới tấm áo của Nhà thờ, nhưng được hưởng một quy chế tự trị tương đối, từ đó dần dần được xác nhận thêm do chính công sức của đại học. Trong một xã hội dần dần đi vào hiện đại với sự tách biệt giữa Nhà thờ và Nhà nước rồi giữa Nhà nước và xã hội công dân, đại học là nơi thích hợp nhất, chính nhờ quy chế tự trị ấy, để suy nghĩ về một  tổng hợp văn hóa giữa truyền thống và tiến bộ khoa học, giữa những niềm tin cũ và việc "tự do đi tìm chân lý" mà kiến thức khoa học đòi hỏi. Chức năng suy tư ấy gắn liền với một ý tưởng được công nhận: có một thế giới siêu việt của tư tưởng, của khoa học, của văn hóa, và thế giới ấy cần được hiểu biết một cách thống nhất, thông suốt. Do đó, đại học ngày trước hoạt động dưới sự chỉ huy của một môn học thống soái, triết học, qua đó chức năng tổng hợp được thực hiện, và quanh đó các môn học khác được quy tụ để được hướng dẫn về tư tưởng như các hành tinh xoay quanh mặt trời. Cũng do đó, cũng từ ý tưởng có một sự thống nhất nguyên thủy giữa tất cả những kiến thức lý thuyết, nghĩa là những kiến thức liên quan đến chân lý, mà tên gọi của bằng cấp cao nhất trong đại học Mỹ là Ph.D, tiến sĩ triết học.[27]

            Song song với chức năng làm tổng hợp các kiến thức với một cái nhìn phê phán như thế, nhờ một quy chế công nhận uy thế tự trị của một thế giới trí óc siêu việt như thế, đại học cũng đảm đương chức năng cụ thể hơn là đào tạo ngành nghề, khởi thủy là luật học và y học. Dần dần, với phát triển tư bản, đại học cũng quan tâm đến kinh tế, nhưng đây là quan tâm thứ yếu, gián tiếp. Quan tâm chính là đào tạo tầng lớp ưu tú trong lĩnh vực chính trị và hành chính cho Nhà nước và xây đắp, chuyển giao một cách có hệ thống và phê phán, một nền văn hóa chung - văn hóa "tư sản" và "nhân bản" đặc biệt của thời hiện đại. Đào tạo ngành nghề được giao phó cho các trường chuyên môn riêng. Đó là nguồn gốc của sự phân biệt giữa kiến thức "thuần túy", tổng hợp, lý thuyết, và kiến thức ứng dụng, thực hành, công cụ.

            Chức năng trí óc đó, không ai nói rõ hơn Léon Bourgeois (1851-1925), một trong những nhân vật chính trị chủ chốt của Đệ Tam Cộng Hòa Pháp, nhiều lần bộ trưởng, thủ tướng, lý thuyết gia, và bộ trưởng giáo dục lúc ông trình bày dự án cải tổ đại học Pháp năm 1890. Trước ông, với kinh tế tư bản phát triển nhanh chóng, các trường ngành nghề đã được mở ra để giải quyết cấp bách việc cung cấp nhân sự, nhất là các trường kỹ sư, sư phạm mà điển hình là trường Polytechnique và Normale Supérieure. Nhưng đại học không phải chỉ thế:

"Điều làm cho đại học quan trọng đến vậy trong một quốc gia, không phải là vì đại học đào tạo luật sư, đào tạo bác sĩ, đào tạo thầm phán, đào tạo những nhà nhân bản, cũng không phải vì đại học nuôi dưỡng hay phát huy lòng yêu chuộng học thức vô vị lợi hay ham thích khoa học, cũng chẳng vì đại học nâng cao trình độ kiến thức của con người - tất nhiên đó là những lợi ích vô biên, nhưng dù sao cũng chỉ là lợi ích thứ yếu - điều làm cho đại học quan trọng đến thế, thiết yếu đến thế, là, hơn bất cứ gì khác, hơn tất cả những lý tưởng cộng lại, đại học góp phần tạo nên trí óc của giới mà ta gọi bằng một tên không đúng hẳn, là giai cấp trung lưu. Không đúng, bởi vì đó không phải là giai cấp, mà là quy tụ cùng khắp, trên cao, dưới thấp. Dù không phải là giai cấp, đó là một sức mạnh, một sức mạnh không gì phá hủy được; đó là gân cốt, là thần kinh, là vẻ đẹp lộng lẫy của một dân tộc, mà nếu chia rẽ thì các chính quyền sẽ gặp khó khăn và xã hội có khi rơi vào hiểm họa".[28]

            Đó là mấy câu ông trích từ một nhân vật khác. Đây là mấy câu của ông:

            "Đại học quan trọng, không phải vì chuẩn bị cho nghề nghiệp, mà vì ảnh hưởng dội lên trên trí óc, và chính vì ta tin rằng trong việc truyền bá những tư tưởng dần dần thành hình từ các giảng đường, chính vì ta tin rằng từ đó toát ra sức mạnh cốt tủy của toàn thể đất nước, chính vì vậy mà ta mong muốn đại học ấy phải được tổ chức toàn vẹn đến mức tối đa. Đại học, như ta hiểu, là nguồn suối của những tư tưởng tổng quát của toàn thể đất nước".[29]

Lãnh chức năng làm cái đầu suy tưởng cho cả nước, chẳng lẽ chính cái đầu đó không độc lập? Không suy tưởng một cách độc lập, nghĩa là phê phán?

            Ví thử ngày nay đại học không thực hiện được toàn vẹn chức năng đó nữa, vì bây giờ đại học không còn là của một tầng lớp ưu tú mà đã thành của quần chúng rộng rãi rồi, chức năng đó có mất đi chăng? Hãy xem đại học Mỹ: "Giữa lòng hiện đại, đại học chiếm một vị thế trung tâm trong việc đào tạo công dân cho Nhà nước, song song với việc sản xuất một ý thức hệ cắt nghĩa mối liên hệ giữa những công dân đó với Nhà nước, dân tộc".[30] Nghĩa là chức năng văn hóa, bởi vì văn hóa luôn luôn gắn liền với thực thể dân tộc, quốc gia. Và văn hóa của nước Mỹ là gì? Là dân chủ. Đại học đào tạo công dân để làm vinh danh một nước dân chủ. Mà muốn vinh danh một nước dân chủ, trước hết phải vinh danh dân chủ trong lòng đại học, vinh danh dân chủ, tự do trong chính cái đầu của mình, của người dạy học.

            Vì vẫn giữ niềm tin vững chắc rằng, tự trong thâm tâm mỗi người đi dạy, ai cũng nghĩ rằng cái đầu của mình phải độc lập, cho nên tôi mới đặt câu hỏi này cho đại học của ta: ta muốn đại học của mình là gì? Là một cấp cao hơn cấp trung học - trung học cấp bốn chẳng hạn - hay là một cấp khác, có thêm một chức năng khác, chức năng suy nghĩ?

            Một câu hỏi tiếp theo: ta muốn đại học của mình là gì, là một trường dạy nghề? Ta muốn kiến thức trong đại học ta là gì? Kiến thức cục bộ, kiến thức chuyên môn, kiến thức thực dụng? Trước khi trả lời câu hỏi này một cách cụ thể, tôi xin được lược qua chút ít lý thuyết về tri thức.

2. Về tri thức.

            "Khoa học là một", tôi lại trích Léon Bourgeois, bỗng nhiên trở thành hiện đại hơn bao giờ hết. Tôi phải trích cả một đoạn dài:

            "Khoa học là một. Giới trẻ trong học đường của ta phải ý thức như vậy. Mục đích của đại học không phải chỉ là chuẩn bị cho nghề nghiệp, dù cao quý đến đâu cũng vậy. Vai trò đó là cần thiết, và phải thực hiện một cách có ý thức, nhưng đó chỉ là phần thứ yếu của nhiệm vụ. Kiến thức tổng quát, mà sinh viên đã bắt đầu nhận lãnh từ trên ghế của trung học, không thể chấm dứt bất chợt vào lúc mà trí óc của họ đã chín để nhận những tư tưởng tổng quát, vào lúc mà đời sống sắp đặt ra cho họ tất cả những vấn đề, thách đố tất cả sức lực của trí óc và của ý chí. Bên cạnh, trên những kiến thức chuyên biệt mà họ sẽ học, họ phải luôn luôn cảm thấy hiện diện những chân lý tổng quát hơn, mà những kiến thức kia chỉ là những áp dụng đặc biệt và phụ thuộc. Họ không được quên rằng phương pháp nghiên cứu và trình bày riêng biệt của ngành khoa học hạn chế mà họ phải đào sâu không phải là phương pháp duy nhất, không được quên rằng còn có những phương pháp khác, những cách dẫn chứng khác. Nhờ đó, họ sẽ có một cái nhìn về sự vật chính xác hơn , có một trí óc đầy đủ hơn và quân bình hơn, họ sẽ không đắm say vào sự tự mãn đặc biệt mà người ta gọi là đầu óc chuyên nghiệp và tôi thì luôn luôn cho rằng đó là một trong những hình thức nguy hiểm nhất của ngu dốt".

            Phá bỏ phên dậu chia cách các kiến thức! Đại học phải đi theo hướng đó của tiến bộ khoa học. Tất cả mọi giảng dạy đều liên đới với nhau vì mọi kiến thức đều lệ thuộc hỗ tương. Một tiến bộ ở trong lĩnh vực khoa học này nhiều khi có liên hệ với những khám phá trong một lĩnh vực khác, giữa toán với vật lý, giữa vật lý với khoa học tự nhiên, giữa khoa học tự nhiên với khoa học nhân văn. "Ta không thể chấp nhận được nữa một nhà triết học không biết gì về cấu trúc của bộ não, một nhà tâm lý học dốt đặc về sinh lý, một nhà địa lý không khảo sát một cách khoa học địa chất và bầu khí quyển, một nhà sử học không biết phân tích và phê phán các đạo luật với phương pháp của một nhà luật học, một nhà luật học không biết đặt luật pháp vào thời gian và "cái thường xuyên biến đổi" mà phương pháp sử học nhắc nhở. Đầu óc của thế kỷ chúng ta đã phá đổ các rào cản phân chia những thành phần khác nhau của kiến thức. Chúng ta đã không thấy hay sao phương pháp của một nhà khoa học tự nhiên đã được áp dụng vào mọi nghiên cứu, nào bởi nhà sử học, nào bởi nhà phê bình, nào bởi nhà chính trị, chúng ta vẫn không thấy hay sao tất cả các nhà nghiên cứu đó đã tự đặt mình vào hàng ngũ môn đồ của Darwin? Chúng ta đã không thấy, chúng ta vẫn không thấy tính nhất thể của phương pháp chứng minh tính nhất thể của khoa học?"

            Bởi vậy, kiến thức khoa học của chúng ta về thế giới càng phát triển, lại càng phải có những cái nhìn tổng quát, lại càng cần thiết phải nuôi dưỡng khả năng trải rộng ra một cách tự nhiên mọi đối tượng của tri thức. Và Léon Bourgeois kêu gọi: đại học, hãy mang đến cho nghiên cứu khoa học tính nhất thể đó.[31]

            Cũng như tất cả mọi người, tôi đã từng được cha mẹ tôi khuyên bảo: nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Châm ngôn đó không sai, nhưng đừng để nó đi vào cái khuyết điểm tai hại của khuynh hướng học hỏi và nghiên cứu nhận thấy trong mấy chục năm gần đây: khuynh hướng chuyên môn thái quá, siêu chuyên môn. Có lẽ chúng ta chưa đi vào đường đó, nhưng đây là tình trạng đang bị phán xét trong cộng đồng đại học và nghiên cứu phương Tây. Siêu chuyên môn đưa đến sự phân thây kiến thức ra từng mãnh vụn, mỗi mảnh đòi một thẻ chứng minh nhân dân và một căn hộ cá nhân cửa ngõ khép kín, dây kẽm gai bao quanh. Chuyên môn là cần thiết và không thể tránh được, nhưng chia cắt kiểu nội bất xuất ngoại bất nhập thế kia tức là bóp cổ từ trong trứng tiếng kêu mời gọi vươn đến tổng hợp, đỉnh cao của kiến thức đích thực.

            Tháng 6 năm 2000, sinh viên khoa kinh tế ở Pháp chỉ trích việc đem toán học nhiều quá vào môn kinh tế, biến toán học thành "cứu cánh tự bản chất", dạy kinh tế với một thái độ tín điều, dẹp bỏ phán đoán, suy luận. Họ đưa ra một bản thỉnh nguyện yêu cầu phải cọ xát nhiều hơn với thực tại kinh tế, phải quan tâm đến nhiều quan điểm lý thuyết hơn nữa. Môn kinh tế bị toán học hóa đến nỗi Milton Friedman phải kêu lên: "kinh tế càng ngày càng trở thành một ngành bất khả nhập của toán học hơn là một ngành phân tích những vấn đề kinh tế có thực".[32]  Đó cũng là ý kiến của American Economic Association khi phán xét cách dạy về kinh tế: "Các chương trình cử nhân có cơ nguy sản xuất một thế hệ gồm quá nhiều "nhà thông thái ngu dốt" say mê những kỹ thuật kinh tế nhưng chẳng biết gì về những vấn đề kinh tế thực sự".[33] Từ hai ba chục năm nay, môn kinh tế tự hào là đã thực hiện những tiến bộ đáng kể về phân tích khoa học, nhưng có nhà kinh tế học nào thấy trước khủng hoảng hiện nay đâu? "Muốn hiểu khủng hoảng kinh tế hiện nay, ta phải xem xét đồng thời lịch sử kinh tế và lịch sử tư tưởng kinh tế. Để hiểu bằng cách nào và tại sao môn kinh tế đã đi vào hướng sai lầm, ta phải chú ý đến những công trình nghiên cứu về triết lý kinh tế cũng như về tương quan giữa kinh tế và ý thức hệ". Đó là lời kêu gọi của nhà kinh tế Geoffrey M. Hodgson.[34]

            Nghĩa là gì? Nghĩa là nghiên cứu và giảng dạy ngày nay phải chú ý đến tinh thần và phương pháp đa ngành (pluridisciplinaire). Nghĩa là phải phá vỡ phên dậu chia cách ngành này với ngành kia. Nghĩa là phải có một cái nhìn tổng thể. Ngày nay, không còn ai nghi ngờ gì nữa về sự cần thiết của "đa ngành hợp nhất". Mà giáo dục đa ngành là giáo dục tổng quát, không phải là giáo dục chạy theo nhu cầu của thị trường. Chạy theo như vậy là huyễn mộng và hụt giò bởi vì không ai đoán trước được thị trường cần gì mười năm sắp tới. Toàn cầu hóa kinh tế có cái đặc điểm là làm thị trường lao động rất phức tạp, biến đổi khôn lường, vô cùng khó để định vị và đoán trước. Vắt giò lên cổ chạy theo, thị trường chạy nhanh hơn. Trong tình trạng đó, hãy nhớ câu nói của Einstein: "Nếu một người phải học suy nghĩ và làm việc một cách độc lập, người ấy phải có thể thích nghi với những thay đổi nhiều hơn là người học một chuyên môn rõ rệt".[35] Do công nghệ phát minh càng ngày càng nhiều và càng nhanh, và do toàn cầu hóa mở thế giới ra càng ngày càng rộng, thị trường lao động càng ngày càng cần những người biết uyển chuyển thích ứng để thay đổi việc làm nhiều lần trong đời, chứ không phải những người chỉ học một nghề. Đại học ngày nay phải đào tạo một lớp trẻ sẵn sàng đối phó với một thị trường lao động trọng khả năng biết làm và biết sống hơn là khía cạnh kỹ thuật. Cũng vì vậy mà đại học phải biết mở mang việc đào tạo thường xuyên, đào tạo suốt đời, chứ không phải chỉ chăm lo đào tạo chuyên môn, cứng nhắc, dễ bị những phát minh mới vượt qua.

            Vậy thì khả năng gì là cần thiết cho người đi học ngày nay? Biết đối phó với tình thế, biết phán đoán, biết giải quyết vấn đề, biết xử lý thông tin, biết làm việc tập thể… nghĩa là những khả năng đòi hỏi phải có kiến thức đa ngành. Kỳ lạ, càng ngày càng nhiều người lên tiếng: những môn học làm phát triển khả năng ấy là những môn khoa học xã hội và nhân văn.[36] Đây là vấn đề cuối cùng tôi muốn nói.

3. Khoa học và nhân văn.

            Xin nói rõ: khoa học mà tôi muốn nói ở đây là khoa học căn bản. Dùng kiến thức khoa học để khuếch trương phát minh công nghệ dĩ nhiên là cần thiết, nhưng sự giàu mạnh của một nước không phải nằm ở mức đó: nó nằm ở nơi khoa học căn bản, nghiên cứu căn bản. Lúc nhỏ, tôi đã từng học: nước ta có rừng vàng biển bạc. Ngày nay, đào dưới đất lên để tìm vàng là thái độ của một nước cam tâm tụt hậu. Vàng, nằm ở trong đầu. Một nước hưng hay vong là tùy ở giáo dục của nước đó biết tìm vàng ở đâu, biết nâng cao đam mê khoa học nơi những đầu óc non trẻ lên lý tưởng nghiên cứu căn bản. Mà muốn làm nghiên cứu căn bản, người đi học phải nắm vững lý thuyết. "Không có gì thực tiễn hơn một lý thuyết tốt", đó là câu nói của một triết gia, Hans Albert.[37] Tại sao? Tại vì "không có lý thuyết, thực tiễn chỉ là lặp đi lặp lại, do thói quen cố định mà làm. Chỉ lý thuyết mới thúc đẩy và làm phát triển óc sáng tạo". Đó là câu nói của một nhà khoa học, Pasteur. [38]

            Tôi vừa bắc chiếc cầu giữa triết học và khoa học. Tiếp theo đây là chiếc cầu giữa khoa học và văn chương mà một nhà bác học danh tiếng, Henri Poincaré (1854-1912) đã mời các nhà giáo và các em học sinh bước qua trong một bài diễn văn nổi tiếng mà tôi rất tiếc chỉ có thể trích vài câu:

            "Ai cũng đồng ý rằng giáo dục văn chương, nếu hiểu cho đúng, nghĩa là tước bỏ đi hết cái vỏ ngoài đạo mạo và thông thái vô dụng, là thích hợp nhất để phát triển trong ta đầu óc tinh tế. Và bởi vì đầu óc tinh tế là cần thiết cho mọi người, bởi vì ai cũng phải sống, người ta kết luận rằng văn hóa, văn chương, là cần thiết cho các nhà bác học cũng như cho tất cả mọi người. Thế nhưng, thông thường người ta chỉ nghĩ rằng mọi người đều cần văn chương để trở thành người chứ không phải để trở thành nhà bác học, và chính đó là sai lầm".[39]                                   

            Văn chương không làm ra sản phẩm kinh tế, không biến chữ thành tiền trong chớp mắt; nghiên cứu khoa học căn bản cũng vậy. Nhưng có người học trò nào học khoa học, khi đã đam mê, mà không mơ ước theo đuổi khoa học với tinh thần vị khoa học? Có ông thầy nào, đam mê khoa học, mà không khuyên nhủ người học trò ấy vươn cao nhìn xa? Văn chương có lợi gì cho người học trò ấy chăng? Hãy nghe tiếp Poincaré:

            "Nhà bác học không được quyến luyến với những công trình có kết quả thực tiễn; ông ta chắc sẽ đạt được thôi, nhưng ông phải xem đó là phần phụ trội, không nhắm đến mà có. Ông không được bao giờ quên rằng đối tượng đặc biệt mà ông nghiên cứu chỉ là một phần của một toàn bộ vượt quá đối tượng kia đến vô tận vô biên, và lòng yêu thích cùng tính tò mò về cái toàn bộ ấy mới là động cơ duy nhất của công việc ông làm. Khoa học đã có những ứng dụng tuyệt vời, nhưng khoa học mà chỉ có trước mắt những ứng dụng mà thôi không phải là khoa học, chỉ là bếp núc. Không có một khoa học nào khác khoa học vô vị lợi. Phải lên cao hơn nữa, và lúc nào cũng phải lên cao hơn, để bao giờ cũng nhìn thấy xa hơn và không quyến luyến gì lâu ở dọc đường. Người leo núi chân chính bao giờ cũng xem đỉnh núi vừa mới leo tới như là chỗ gác chân dẫn đến một đỉnh núi khác cao hơn. Nhà bác học phải có bàn chân của người miền núi, và nhất là phải có trái tim của người miền núi. Đó là tinh thần phải hướng dẫn nhà bác học. Tinh thần đó, chính là tinh thần ngày xưa đã thổi trên đất Hy Lạp và đã làm nẩy sinh ra những nhà thi sĩ và những nhà tư tưởng. Trong giáo dục cổ điển của ta, tôi không biết cái gì còn phảng phất linh hồn Hy Lạp ngày xưa, tôi không biết cái gì khiến ta luôn luôn nhìn lên cao. Và cái đó thật quý báu cho nhà bác học hơn là đọc hàng trăm pho sách về hình học".[40]               

            Đó là lời của một nhà bác học ở đầu thế kỷ 20. Tôi trích thêm một câu nói khác nữa, rất ngắn, vài chữ thôi, và tôi sẽ nói là của ai: "Tưởng tượng cần thiết hơn là kiến thức". Nếu người nói câu đó không phải là Einstein thì chắc ta đọc qua rồi bỏ, cho rằng ai đó nói gàn. Nhưng tác giả đã là Einstein thì ta phải suy nghĩ. Einstein muốn nói đến ảnh hưởng của sáng tạo - creativity - trên chính cách vận dụng kiến thức. Sáng tạo, đó là khả năng thoát ra khỏi những công thức cũ, mở ra những con đường mới, để trả lời những thách thức mới, khả năng tạo ra những ý tưởng mới, khái niệm mới, hoặc nối kết những ý tưởng và những khái niệm đã có rồi nhưng chưa liên hệ được với nhau. Tại sao tưởng tượng góp phần vào sáng tạo? Tôi mượn câu trả lời từ một triết gia, Michel Serres: tại vì tưởng tượng là một trong ba năng khiếu làm nên cái đầu của con người cùng với hai năng khiếu khác là ký ức và lý trí.[41] Và cái gì làm tưởng tượng bay bổng nếu không phải là nghệ thuật, văn chương?

            Câu nói của Einstein khiến ta phải chợt nghĩ lại: những người có óc sáng tạo nhất, nghĩa là những người biết nối kết tài tình nhất giữa những ý tưởng, phải chăng chính là những nhà khoa học!

            Bây giờ tôi mượn lời của một nhà vật lý hiện đang còn làm việc, Etienne Klein. Ông nói: Không có gì khác biệt hơn giữa cách làm việc của khoa học và cách làm việc của nhân văn. Một đằng, triết học chẳng hạn, thiên về thuần suy tưởng, thuần khái niệm; một đằng, khoa học chú tâm vào lý thuyết và thực nghiệm. Vậy mà:

            "Vậy mà, dù khác nhau đến thế, cả hai kín đáo, bí mật, chuyện trò qua lại với nhau. Vài câu hỏi mà khoa học đặt ra, nhất là những câu hỏi thực sự căn bản, có điều này lôi cuốn như thôi miên: nó vượt ra ngoài khung khổ của riêng khoa học. Nó bắt buộc phải mở toang ra những cửa sổ. Và không khí mát rượi bất chợt tràn vào, hân hoan tràn vào. Nhất là không khí của triết lý. Lúc đó, toàn bộ tư tưởng được tức thời động viên".[42]                        

            Một vài tiến bộ khoa học - thuyết vật lý lượng tử , thuyết tương đối…- buộc người làm khoa học cũng như triết gia phải xét lại suy nghĩ của mình, phải mở ra những chiều hướng suy nghĩ mới, phải thay đổi mũi nhọn tấn công. Nhưng:

            "Nhưng còn phải có văn hóa; phải có văn hóa, trước là để có thể dọ dẫm tìm ra, sau là để khai triển" .[43]

            Còn văn chương?

            "Khoa học và văn chương cứ bị đem ra để đối kháng nhau: một bên, người ta bảo thế, là chính xác, là khô khan, là khách quan; một bên là tình cảm, là đời sống, là chủ quan. Thực ra, hai cách tương quan đó với thế giới không nên đối chọi nhau, mà nối kết với nhau" .[44]

            Tôi không muốn mượn những câu nói gì cao siêu từ các nhà khoa học. Nói cao siêu để chẳng thực hiện được gì trong hoàn cảnh của đất nước ta chỉ làm cái chuyện vô ích như thêu hoa trên giẻ rách. Cho nên tôi mượn thêm từ nhà vật lý này một câu nói bình dị, ai nói cũng được, bình dị như một chân lý hiển nhiên:

            "Một xã hội phải đi trên hai chân: một chân là khoa học, công nghệ, một chân là văn hóa. Và dĩ nhiên xã hội phải có khả năng vận động cả hai chân. Thật vậy, không có một xã hội hiện đại nào chỉ thuần là văn hóa: xã hội nào cũng dựa trên khoa học và công nghệ. Nhưng một xã hội chỉ dựa trên công nghệ, trên một công nghệ thiếu suy tư, cắt đứt với văn hóa, trên một công nghệ tự nó duy nhất trở thành cứu cánh của chính nó, không thể hoạt động tốt được" .[45]

            Câu nói không có gì cao siêu này, tôi xin mượn để làm kết luận bài của tôi. Tôi nghĩ đại học của ta cũng cần phải đi bằng hai chân như vậy giữa trào lưu mới khó tránh và những giá trị cũ phải giữ để đại học còn là đại học.

 

Cao Huy Thuần

Tham luận đọc tại hội thảo "Đại Học nào cho Việt Nam ở thế kỷ 21?"
Đại Học Hoa Sen, TP HCM, 2009

 

Chú thích

[1] Trách nhiệm xã hội của đại học, Thời Đại Mới số 14, tháng 7-2008.

[2] Jennifer Weshburn, University Inc.: The Corporate Corruption of Higher Education, New York, Basic Books, 2005

[3] Y.Moulier-Boutang, Le capitalisme cognitif, la nouvelle grande transformation, Editions Amsterdam, 2007.

[4] Craig Calhoun, The University in Crisis, Society, May-June 2006.

[5] Như trên.

[6] Christian Laval, Les nouvelles usines du savoir du capitalisme universitaire, Revue du Mauss, n° 33, Janvier 2009.

[7] Ibrahim Warde, L'Université américaine vampirisée par les marchands, Le Monde Diplomatique, Mars 2001.

[8] Masao Miyoshi, The University and the "Global" Economy: The Case of the United States and Japan, The South Atlantic Quarterly, Vol 99, N) 4, Fall 2000

[9] Laval, Revue du Mauss, đã dn.

[10] So với Hàn Quốc là 77% và Nhật là 55%. Xem Pierre Buhler, Université et mondialisation, Commentaire, N° 106, Eté 2004.

[11] Dù sao, phải nói cho thật rõ: đây là một đặc điểm của Mỹ. Nhà nước không phân biệt đại học công hay tư trong việc phân phối các hợp đồng nghiên cứu, chỉ quan tâm đến khả năng dự phóng. Vì vậy mà Đại Học Johns Hopkins, tư, được hưởng tài trợ công cho nghiên cứu lớn hơn xa rất nhiều các đại học khác: 992 triệu Mỹ kim năm 2001. (Pierre Buhler, xem chú thích 10).

[12] Derek Bok, University in the Market Place: The Commercialisation of Higher Education , Princeton, N.J, Priceton Univ. Press, 2003, trang 2, trích bởi Catherine Stimpson, What  Do I Really Think About the Corporate University, trong: Delbanco, Ehrenberg, Liu and Stimpson, The Idea and Ideals of the University, American Council of Learned Societies, ACLS Occasional Paper, N° 63, http://www.acls.org/op63.pdf

[13] S. Slaughter and L.L Leslie, Academic Capitalism, Baltimore, Johns Hopkins Press, 1997.

[14] Christian Laval, L'Ecole n'est pas une entreprise . Le néo-libéralisme à l'assaut de l'enseignement public, La Découverte 2003, trang 149.

[15] Masao Miyoshi, đã dẫn.

[16] Eyal Press and Jennifer Weshburn, The Kept University, The Atlantic Monthly, March 2000.

[17] Câu nói của David Noble, trích bởi Christian Laval, đã dẫn.

[18] Eric Gould, The University in a Corporate Culture, Yale University Press, New Haven & London, 2003, các trang 52 và 53.

[19] Roger Brown, Higher Education and Market, Perspective, Vol. 12, N° 3, July 2008

[20] Như trên.

[21] "Quá trình Bologne" có mục đích đồng nhất hóa văn bằng và cách tổ chức học trình giữa các nước Âu châu ký kết. Xin nói rõ rằng lĩnh vực đại học không nằm trong thẩm quyền của Liên Hiệp Âu châu mà thuộc về thẩm quyền của mỗi quốc gia. "Quá trình Bologne" là trường hợp cá biệt.

[22] Christine Musselin, European Academic Labour Market in Transition, Higher Education, N° 49, 2005, và Les réformes des universités en Europe, trong L'Université en crise. Mort ou résurrection? La Découverte-Mauss, 2009.

[23] Phillipe d'Iribarne, Le loup et le chien, trong L'Université en crise  đã dn.

[24] Jean Rivero, trích bởi Olivier Beaud, Pourquoi il faut refuser l'actuelle réforme du statut des universitaires, L'Université en crise, đã dẫn.

[25] Phillipe d'Iribarne, đã dn.

[26] Diễn văn nhậm chức hiệu trưởng Đại Học Harvard của bà Drew G. Faust, 12-10-2007.

[27] Michel Freitag, Grandeur de l'institution. Les finalités de l'Université comme institution, Revue du Mauss, La Découverte, N° 33, Janvier 2009.

[28] L'Université en crise, đã dn, trang 45.

[29] Như trên

[30] Bill Readings, The University Without Culture? New Literary History, Vol. 26, N° 3, Summer 1995.

[31] Léon Bourgeois, Pour la renaissance de l'Université, L'Université en crise, đã dn, trang 44-45.

[32] Geoffrey M. Hodgson, Les économistes se réveilleront-ils en 2009?, L'Université en crise, đã dn, trang 195.

[33] Geoffrey M. Hodgson, Les économistes se réveilleront-ils en 2009?, L'Université en crise, đã dn, trang 195.

[34] Geoffreoy M. Hodgson, Les économistes se réveilleront-ils en 2009?, L'Université en crise, đã dn, trang 195.

[35] Germana Verri, Challenges to Academe in a Time of Globalisation, Higher Education in Europe, Vol. XXVIII, N° 3, October 2003

[36] Như trên.

[37] Như trên.

[38] Như trên.

[39] Henri Poincaré, Les Sciences et les Humanités (Conférence pour la "Ligue pour la culture française". Có thể đọc trên mạng: http://www.ac-nancy-metz.fr/enseign/philo/textesph/LESSCIENCESETLESHUMANITES.pdf

[40] Như trên

[41] Maryline Baumard et Benoît Floc' h, La créativité, clé de tous les vavoirs, Le Monde 16-9-2009, Dossier, trang 5.

[42] đến [45]. Etienne Klein, Sciences et humanités: des jambes à articuler, http://www.snes.edu/IMG/pdf/etienne_klein_-_jrd_humanites.pdf

 

 

Trở về trang chủ Thời Đại Mới

 

22-3-2010