Số 19 - Tháng 7/2010
Giải pháp nào cho tranh chấp biển Đông? Hoàng Việt
1. Giới thiệu về biển Đông Biển Đông là một biển nửa kín và là một trong những khu vực chiến lược quan trọng bậc nhất trên thế giới. Vùng biển này trải rộng từ khoảng vĩ tuyến 3º Nam tới vĩ tuyến 23º Bắc và được bờ biển của các nước Trung Quốc (bao gồm cả đảo Đài Loan), Việt Nam, Campuchia, Thái lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines bao bọc xung quanh. Với diện tích bề mặt khoảng 1.148.500 hải lý vuông (tương đương 3.939.245 km2), biển Đông là một trong những biển lớn nhất thế giới. Hình 1: Toàn bộ khu vực biển Đông
Khu vực biển Đông bao gồm những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất của thế giới, nối khu vực Đông Bắc Á và Tây Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Trung Đông. Trung bình một năm có khoảng hơn 41.000 lượt tàu biển qua lại khu vực này.[1] Các tàu chở dầu đi qua eo biển Malacca (nằm ở cuối phía Tây Nam của biển Đông) nhiều gấp ba lần so với lượng tàu chở dầu đi qua kênh đào Suez, và nhiều gấp năm lần so với lượng tàu qua kênh đào Panama.[2] Hơn 80% lượng dầu khí nhập khẩu của Nhật từ Trung Đông, Brunei, Malaysia, Indonesia phải đi ngang vùng biển này.[3]Vùng biển này còn là khu vực cung cấp nguồn hải sản quan trọng cho các đội tàu đánh cá của Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Brunei, Singapore và Thái Lan. Ngoài việc đây là con đường hàng hải quan trọng thì biển Đông cũng là một khu vực giàu tài nguyên gồm cả nguồn hải sản và tiềm năng dầu khí. Các chuyên gia Trung Quốc ước tính là khu vực này chứa khoảng 225 tỷ barrels dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên.[4] Hiện nay cả Brunei, Malaysia và Việt Nam cùng là những quốc gia xuất khẩu dầu khí, còn Trung Quốc từ năm 1993 đã trở thành một trong những quốc gia nhập khẩu dầu khí lớn nhất trên thế giới. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Trung Quốc tiêu thụ khoảng 7,85 triệu barrels dầu mỏ.[5] Dự đoán tới năm 2010 Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 10 đến 12 triệu barrels dầu mỗi ngày, trong số đó, Trung Quốc phải nhập khẩu trên 53 %. Cho tới tháng 5 năm 2008, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nhật Bản. Hiện nay, Trung Quốc mua 46% lượng dầu nhập khẩu của họ từ Trung Đông, 32% từ châu Phi và 5% từ Đông Á. Trên 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua eo biển Mallaca.[6] Với công nghệ khai thác dầu khí như hiện nay, với những tiềm năng rất lớn về dầu khí trên các thềm lục địa (continental shelf) và các khu vực biển khác thì biển Đông sẽ thực sự là một khu vực chiến lược quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào trong khu vực và đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, một quốc gia đầy tham vọng muốn gây ảnh hưởng đến toàn thế giới. Thậm chí, nếu các yêu sách trên của Trung Quốc vùng biển này được các nước khác chấp nhận thì “quyền tài phán của Trung Quốc sẽ được kéo dài ra đại dương 1000 hải lý từ đất liền, tương đương diện tích Địa Trung Hải, và họ sẽ chế ngự được vùng biển trung tâm của khu vực Đông Nam Á”.[7] Sự hiện diện của hải quân Trung Quốc tại khu vực này sẽ đe dọa đến không chỉ Philippines hay Việt Nam, mà còn đe dọa cả Brunei, Indonesia, Malaysia nữa. Thêm nữa, kiểm soát được khu vực biển chiến lược này, còn đe dọa đến cả an ninh của Nhật Bản, Hoa Kỳ hay bất cứ cường quốc nào nếu đi qua khu vực này. Mặc dù Hải quân Trung Quốc chưa thực sự là mạnh, chưa thể thống trị biển Đông, nhưng họ không dấu giếm tham vọng đó. Hiện nay Trung Quốc vẫn chưa có tàu sân bay nào, nhưng họ đã có kế hoạch xây dựng hai tàu sân bay trong thời gian sắp tới. Tháng 2 năm 2009, Trung Quốc đã gửi một số tàu chiến tới vịnh Aden, Trung Quốc cũng đã xây dựng một căn cứ tàu ngầm hạt nhân trên đảo Hải Nam. Trung Quốc cũng công khai bộc lộ ý định triển khai theo học thuyết Mahan, với ý định biến Trung Quốc thành một cường quốc biển, từ đó có thể thống trị thế giới.[8] Và trong ý đồ đó, biển Đông có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Với tham vọng vươn ra đại dương, Trung Quốc đã hình dung ra hai chuỗi đảo chính,[9] trong đó biển Đông nằm trong chuỗi đảo số 1, như là cửa ngõ để Trung Quốc có thể vươn ra chuỗi đảo số 2, dần dần thống trị Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, từ đó có thể thỏa mãn giấc mộng siêu cường.
Theo những quy định của Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc thì biển Đông là một khu vực đặc thù, nó chứa đựng tất cả các nội dung có liên quan của Công ước 1982 như quy định về quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, nước không có biển, nước bất lợi về mặt địa lý, các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, vùng nước lịch sử, phân định biển, an toàn hàng hải v.v… Đặc biệt, với những khái niệm xuất hiện trong Công ước 1982 về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế đã khiến cho biển Đông trở thành biển được bao phủ bởi các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các nước ven biển Đông. Điều này khiến cho khoảng cách về biên giới một số quốc gia trong khu vực trước đây là xa xôi, cách trở thì nay trở thành các quốc gia cùng chia sẻ đường biên giới biển chung. Điều này cũng dẫn tới một hệ quả là biển Đông trở thành một biển chứa đựng những tranh chấp có mức độ phức tạp bậc nhất trên thế giới. 2. Yêu sách của các bên và diễn biến cuộc tranh chấp Cuộc tranh chấp tại biển Đông về mặt pháp lý chủ yếu xoay quanh những tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán với các khu vực trên biển Đông. Hiện tại, tám quốc gia và vùng lãnh thổ cùng yêu sách danh nghĩa (tuyên bố chủ quyền) đối với các quần đảo của biển Đông: Singapore và Malaysia tranh chấp chủ quyền đối với đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, vốn có một trí chiến lược trong vùng biển Malacca và eo biển Singapore. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam cùng tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Đài Loan và Trung Quốc cũng tranh chấp về chủ quyền đối với đảo Pratas và bãi Macclefield. Đối với quần đảo Trường Sa, sáu quốc gia và vùng lãnh thổ đều nhận mình có chủ quyền, bao gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam tuyên bố chủ quyền với toàn bộ quần đảo, Philippines, Malaysia và Brunei tuyên bố có chủ quyền đối với từng phần của quần đảo, trừ Brunei, các quốc gia và vùng lãnh thổ đều có sự hiện diện về mặt quân sự trên quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, còn phải kể đến những tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam về đường biên giới trên biển trong vịnh Bắc Bộ, giữa Việt Nam và Thái Lan trong việc xác định đường biên giới trong vịnh Thái Lan. Trong đó yêu sách cụ thể của các bên như sau: Brunei yêu sách về chủ quyền đối với một cấu trúc trong quần đảo Trường Sa, đó là cấu trúc tự nhiên chìm dưới mặt nước có tên gọi là bãi ngầm Louisa. Malaysia cũng yêu sách về chủ quyền đối với bãi ngầm này và trong thực tế Malaysia đã chiếm bãi ngầm này năm 1984.[10] Campuchia yêu sách về một phần vịnh Thái Lan, phần này chủ yếu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế theo nguyên tắc thềm lục địa kéo dài, được Campuchia coi là một vịnh lịch sử của họ.[11] Đài Loan yêu sách gần như toàn bộ biển Đông, yêu sách về chủ quyền của Đài Loan đối với các khu vực trên biển Đông tương tự như yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền của họ đối với các khu vực trên biển Đông.[12] Indonesia yêu sách khu vực biển Đông bị giới hạn bởi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ. Indonesia không yêu sách về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.[13] Malaysia yêu sách biển Đông bị giới hạn bởi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ. Malaysia yêu sách về chủ quyền đối với 12 đảo và vị trí trong biển Đông.[14] Malaysia cũng yêu sách về quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ đối với phần giáp Malaysia của vịnh Thái Lan.[15] Philippines yêu sách hầu hết quần đảo Trường Sa, nhưng không yêu sách chính đảo Trường Sa,[16] Philippines cũng yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ trên khu vực biển Đông.[17] Thái Lan yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ trên vịnh Thái Lan.[18] Trung Quốc yêu sách chủ quyền của họ gần như đối với toàn bộ biển Đông. Trung Quốc yêu sách về chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa) và đã có sự hiện diện về lực lượng quân sự trên nhiều đảo thuộc quần đảo này. Năm 1974, Trung Quốc lợi dụng tình trạng chiến tranh ở Việt Nam, đã phối hợp các lực lượng hải quân và không quân chiếm đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và đặt sự hiện diện về quân sự của họ tại đây. Thêm vào đó Trung Quốc còn tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Pratas.[19] Việt Nam yêu sách về chủ quyền trên toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế cũng như quyền chủ quyền đối với thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông.[20]
Cuộc tranh chấp tại biển Đông phức tạp bởi những yêu sách về chủ quyền đối với các khu vực chồng lấn, vả lại, nó không chỉ đơn thuần là tranh chấp về mặt luật pháp quốc tế về biên giới biển mà hơn thế nữa nó còn được đan xen với những lợi ích về địa – chính trị, về kiểm soát con đường vận tải biển chiến lược, và về khai thác các nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là dầu mỏ. Tranh chấp tại biển Đông đã khiến cho khu vực này nằm trong vùng bất ổn vì sự gia tăng sức mạnh quân sự giữa các bên. Trong số những tranh chấp này, đặc biệt nổi lên là cuộc tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản chất của việc tranh chấp các quần đảo này không chỉ đơn giản dừng bước ở chủ quyền mà theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc thì các quốc gia có chủ quyền với một hòn đảo[21] sẽ được phép thiết lập một vùng lãnh hải rộng 12 hải lý và một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý xung quanh hòn đảo đó. Và như vậy, lãnh thổ của quốc gia đó sẽ được mở rộng thêm rất nhiều trên biển. Trước năm 1974, tranh chấp trên biển Đông đã xảy ra nhưng không có xung đột lớn. Sau đó thì cuộc tranh chấp đã diễn ra với mâu thuẫn giữa các bên ngày càng tăng và đỉnh điểm là những xung đột về quân sự trong khu vực biển Đông. Năm 1974, khi đó Việt Nam đang trong tình trạng chiến tranh, nhóm đảo Nguyệt Thiềm thuộc quần đảo Hoàng Sa và một số đảo của Trường Sa khi đó dưới sự cai quản của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đã có sự va chạm với hải quân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và sau đó là sự tiến công ồ ạt của hải và không quân Trung Quốc, từ đó, Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Sau đó một thời gian, các cuộc va chạm quân sự đã liên tiếp nổ ra, trong một bầu không khí hết sức căng thẳng. Đầu tiên là va chạm xảy ra ngày 08/02/1987, khi các tàu chiến của Trung Quốc và Việt Nam bắn vào nhau tại khu vực quần đảo Trường Sa. Ngày 14/3, đụng độ nghiêm trọng hơn đã xảy ra ở ngoài bãi ngầm Union khiến mỗi bên mất một tàu và 120 thuỷ thủ Việt Nam hy sinh.[22] Thậm chí xung đột dữ dội đã nổ ra giữa Trung Quốc và Việt Nam vào tháng 03/1988, kết quả của cuộc xung đột này là 3 tàu Việt Nam bị chìm cùng với 74 thủy thủ. Sự kiện này đã khởi đầu cho việc tăng cường lực lượng hải quân của cả Việt Nam và Trung Quốc.[23] Xung đột tiếp tục vào tháng 04/1988, khi 49 ngư dân Philippines đã bị chính quyền Malaysia bắt giữ trong khu vực Permatang thuộc khu vực Trường Sa vì tội xâm nhập vùng biển thuộc thềm lục địa của Malaysia.[24] Ngày 08/05/1992, Chính phủ Trung Quốc cho phép công ty năng lượng Mỹ Crestone thăm dò dầu khí trên khu vực rộng 10.000 hải lý vuông trên bãi ngầm Tư Chính mà Việt Nam tuyên bố thuộc thềm lục địa của mình (Trung Quốc gọi tên bãi này là Vạn an Bắc). Lô này nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 160 hải lý và cách đảo Hải Nam – lãnh thổ gần nhất của Trung Quốc không có tranh chấp – trên 600 hải lý. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sử dụng hải quân để bảo vệ cho việc khai thác lô này.[25] Năm 1994, khi Việt Nam tiến hành thăm dò tại bãi ngầm Tư Chính, tàu chiến Trung Quốc đã giám sát chặt chẽ hoạt động thăm dò này.[26] Năm 1994 cũng là năm Việt Nam ký hợp đồng với các công ty dầu mỏ trên thế giới để khai thác lô Thanh Long, lô này nằm cách đảo Trường Sa khoảng 160 hải lý, hoàn toàn nằm ngoài lãnh hải và vùng tiếp giáp 24 hải lý theo như Pháp lệnh năm 1992 của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc lên tiếng rằng: “khu vực biển Thanh Long thuộc vùng nước tiếp giáp với quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa).[27] Tháng 9 năm 1994, lực lượng vũ trang Philippines đã bắt giữ 55 ngư dân Trung Quốc khi họ cố tình dựng nhà trên những đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines yêu sách chủ quyền. Cuối tháng 01 năm 1995 Trung Quốc đã trả đũa bằng cách bắt giữ 35 ngư dân của Philippines ngay tại khu vực mà Philippines yêu sách (khu vực mà Philippnes gọi là Kalayaan) nằm trong quần đảo Trường Sa.[28] Nhân dịp đó, tháng 01/1995, Trung Quốc chiếm đóng đảo Vành Khăn (Mishief Reef), một bãi san hô thuộc biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế mà Philippines tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.[29] Ngày 25/03/1995 hải quân Philippines đã bắt 4 tàu của Trung Quốc cùng với 62 ngư dân.[30] Cũng trong tháng 03/1995 Philippines đã dùng máy bay quân sự tấn công phá hủy một số cấu trúc đá của Trung Quốc đánh dấu trên bãi Vành Khăn.[31] Khi Philippines phá hủy thêm một số dấu mốc khác của Trung Quốc trên bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã cảnh cáo rằng nếu Philippines tiếp tục có những hành động cố chấp như vậy thì sẽ bị phản kháng một cách thích đáng.[32] Việc Trung Quốc xâm chiếm bãi Vành Khăn năm 1995 đã làm dấy lên một sự lo ngại với các nước ASEAN, và ASEAN đã đứng ra làm vai trò hòa giải và kiềm chế các bên tranh chấp. Kết quả là năm 2002, Trung Quốc và các nước tranh chấp thuộc khối ASEAN đã cùng nhau ký kết một Tuyên bố về quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC), theo đó các bên đồng ý giải quyết các tranh chấp ở vùng biển Đông một cách hòa bình.[33] Tuy nhiên, mọi việc lại diễn ra không như mong đợi, ngày 09/07/2007, Trung Quốc đã bắn chết ít nhất một ngư dân Việt Nam và nhiều ngư dân khác bị thương vì cho rằng họ đánh cá trong khu vực biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc,[34] sự kiện này đã gây sự phẫn nộ cho người dân Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước. Tháng 6 năm 2007 Trung Quốc đã làm áp lực để tập đoàn dầu khí BP của Anh quốc phải rút lui khỏi dự án thăm dò dầu khí với bên Việt Nam mà Trung Quốc cho là thực hiện tại vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.[35] Tháng 12 năm 2007 Trung Quốc cho lập thành phố hành chính Tam Sa trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà các nước khác cùng tuyên bố chủ quyền, điều này đã gây nên phản ứng mạnh mẽ từ người dân Việt Nam, đã có rất nhiều cuộc biểu tình nổ ra. Như một hiệu ứng lây lan, các báo chí Philippines sau đó đồng loạt chỉ trích chính phủ Philippines khi tham gia thỏa thuận thăm dò dầu khí với Trung Quốc và Việt Nam. Sự chỉ trích này đã dẫn đến việc Philippines rút lui khi thỏa thuận này vừa hết hiệu lực vào ngày 01/07/2008.[36] Cuối năm 2008 Trung Quốc đã nổ súng cảnh cáo,[37] và sau đó gây áp lực buộc tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon – Mobil phải rút lui khỏi dự án liên doanh với Việt Nam thăm dò dầu khí trên vùng biển này,[38] mặc dù Việt Nam khẳng định là dự án được tiến hành trên vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.[39] Ngày 8/3/2009 đã có một vụ căng thẳng giữa tàu thám hiểm hải dương Impeccable của Mỹ với 5 tàu của Trung Quốc trên vùng biển này, sau đó giữa Mỹ và Trung Quốc đã xảy ra một cuộc tranh luận gay gắt trên các phương tiện truyền thông, phía Mỹ giải thích vùng biển này là biển quốc tế, tàu Mỹ có quyền thực hiện các nghiên cứu biển trong vùng đó, còn Trung Quốc khẳng định đây là vùng biển thuộc chủ quyền của họ. Kể từ ngày 16/05/2009 cho tới nay, Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, và họ đã cho lực lượng tàu Ngư Chính (vốn được cải tạo từ các tàu quân sự) để “thực thi” lệnh cấm đánh bắt cá này. Trong khi đó, nhiều tàu cá Việt Nam đã bị bắt giữ đòi tiền chuộc hoặc bị đâm chìm. Ngày 6 tháng 5 năm 2009, Malaysia và Việt Nam trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (viết tắt là CLCS) báo cáo chung về khu vực thềm lục địa mở rộng tại phía Nam Biển Đông. Khu vực xác định hoàn toàn nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh thổ lục địa của Malaysia và Việt Nam và nằm ngoài các ranh giới đã thoả thuận với các nước hữu quan. Đây là lý do hai nước khẳng định báo cáo chung không làm tổn hại các vấn đề liên quan đến phân định ranh giới giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc tiếp giáp. Ngay sau đó, Trung Quốc đã gửi công hàm số CML/17/2009 phản đối báo cáo chung này của Việt Nam và Malaysia, đặc biệt công hàm phản đối này có kèm theo một bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” (mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ giải thích “đường lưỡi bò” này là gì) với những yêu sách: “Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận, cùng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và mặt đất dưới đáy biển”. Việt Nam đã phản đối ngay lập tức công hàm này. Ngày 23/6/2010, trên đảo Laut, cách đảo Natura của Indonesia khoảng 105 km về phía Tây Bắc, một tàu Ngư Chính của Trung Quốc, tên Yuzheng 311(Tàu ngư chính này là một tàu quân sự cũ, được chuyển đổi hồi tháng 3 năm ngoái, thành tàu ngư chính lớn nhất của Trung Quốc, hoạt động tại Biển Đông, trọng tải 4.450 tấn) khi bị tàu Hải quân Indonesia ra lệnh phải di tản khỏi khu vực – đe dọa sẽ tấn công nếu không thả chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc đã bị Indonesia bắt giữ[40] Ngày 08/07/2010, Indonesia - một quốc gia lớn của ASEAN, không có những tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cũng đã gửi công hàm No. 480 /POL-703/VII/10 lên Liên Hợp Quốc để phản đối các yêu sách trên vùng biển này của Trung Quốc. Mới đây, ngày 23/07/2010, trong Hội nghị ARF, sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton tuyên bố liên quan đến giải quyết tranh chấp biển Đông: “Hoa Kỳ hỗ trợ quá trình cộng tác ngoại giao của tất cả các bên tranh chấp để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ khác nhau mà không cần cưỡng chế. Chúng tôi phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ nước tranh chấp nào”.[41] Ngay sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc đã phản ứng gay gắt với tuyên bố này và sau đó Hải quân Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật trên khu vực biển Đông như một động tác để thị uy. Các cuộc tranh chấp và xung đột diễn ra trên biển Đông đã gây ảnh hưởng rất lớn đối với các bên liên quan và thêm nữa nó còn ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và sự hợp tác phát triển trong khu vực cũng như trên phạm vi thế giới. 3. Các giải pháp được đưa ra Các cuộc đối đầu quân sự trong khu vực hẳn là điều mà các quốc gia tranh chấp trên biển Đông đều không muốn xảy ra. Vì thế, một giải pháp để giải quyết cuộc tranh chấp này là rất cần thiết, bởi vì việc giữ nguyên trạng (status quo) là rất nguy hiểm, gây bất ổn bởi nó thúc đẩy các bên yêu sách hành động đơn phương, như vậy nó lại tạo ra cơ hội cho các cường quốc bên ngoài tham gia vào. 3.1. Giải pháp 1: Tòa án quốc tế là một lựa chọn Vậy giải pháp nào để giải quyết những vấn đề gây bất ổn khu vực nêu trên? Đã có nhiều giải pháp khác nhau được đưa ra. Phương án đầu tiên hay được nhắc tới đó là giải quyết vấn đề chủ quyền bằng cách đưa tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án quốc tế. Theo điều 287 Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 thì vấn đề tranh chấp này có thể đưa ra Tòa án Quốc tế về Luật biển (thành lập theo Phụ lục VI), Tòa án quốc tế (ICJ), Tòa án trọng tài (thành lập theo phụ lục VII) và Tòa án đặc biệt (phụ lục VIII). Tuy nhiên, những tranh chấp lãnh thổ của các quốc gia trên thế giới theo truyền thống đa phần đều được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).[42] Thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế rộng hơn rất nhiều so với thẩm quyền của Tòa án Quốc tế về Luật biển. Trong lịch sử, Tòa Án Công lý Quốc tế đã xử rất nhiều vụ việc về tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia, những phán xử của ICJ đã trở thành những án lệ kinh điển trong luật quốc tế cho việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia, đặc biệt cho các vụ tranh chấp biên giới biển, điển hình như vụ eo biển Corfu , vụ ngư trường Na uy, vụ các đảo Minquiers và Ecrehous, vụ đảo Palmas, vụ thềm lục địa biển Bắc…[43] Tuy nhiên, đối với Tòa án Công lý Quốc tế, trong một phán quyết của mình, Tòa đã nêu rõ: “Tòa không thể thực hiện thẩm quyền tài phán của mình đối với một quốc gia nếu không có sự đồng ý của quốc gia đó”.[44] Điều đó có nghĩa là Tòa chỉ có thể đưa ra phán quyết trên cơ sở sự chấp thuận đưa vụ việc ra nhờ Toà giải quyết của các quốc gia trong vụ tranh chấp. Từ năm 1932, (lúc đó Việt Nam là thuộc địa của Pháp, Pháp đại diện Việt Nam trong mọi quan hệ ngoại giao) Pháp đã đề nghị đưa tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ra Tòa án Quốc tế và Trung Quốc đã từ chối đề nghị này.[45] Năm 1947, trong cuộc thương lượng giữa Pháp và Trung Quốc được tiến hành tại Paris từ ngày 25/02 đến ngày 04/07/1947 Pháp tiếp tục nêu vấn đề đưa tranh chấp này nhờ Trọng tài quốc tế phân xử nhưng Trung Quốc tiếp tục từ chối.[46] Năm 1988 khi xung đột quân sự giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực biển Đông này dâng cao, Việt Nam đã toan tính đưa tranh chấp ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng Trung Quốc vốn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (có quyền phủ quyết) đã ngăn cản mọi sáng kiến của Hội đồng Bảo an trong tranh chấp này.[47] Năm 1994, khi bầu không khí căng thẳng tiếp tục gia tăng trong khu vực biển Đông, Việt Nam đã tỏ thái độ cho thấy họ sẵn sàng cho việc đưa vụ tranh chấp biển Đông ra nhờ Tòa án quốc tế giải quyết.[48] Philippines cũng đe dọa đưa tranh chấp này ra Hội đồng Bảo an và Tòa án quốc tế ICJ. Nhận xét về sự kiện này, nhóm Mark Valencia cho rằng: “The Philippines soon realized, however, that China is a member of the Security Council and can veto any of its proposed resolutions, and that the ICJ cannot adjudicate if China does not accept jurisdiction”. (Philippines sớm nhận thấy rằng, Trung Quốc vốn là một thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an, có thể phủ quyết bất cứ giải pháp nào mà họ đưa ra, và Tòa án quốc tế ICJ cũng không thể xét xử nếu Trung Quốc từ chối chấp nhận quyền tài phán của Tòa).[49] Tuy nhiên, việc đi tới giải pháp do Tòa án quốc tế phán xử cũng có thể được tòa chấp nhận đơn kiện đơn phương nhưng phải với điều kiện được tiến hành trên một cơ sở tự nguyện giữa các nước đã ký trước vào điều khoản bắt buộc chấp nhận thẩm quyền của Tòa án quốc tế, đó là một phương cách chung để công nhận thẩm quyền của cơ quan pháp lý của Liên Hợp Quốc, thế nhưng cả Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia đều không ký vào điều khoản đó. Năm 1972, Philippines đã thừa nhận quyền xét xử của Tòa án nhưng vẫn bảo lưu loại trừ cuộc tranh chấp này.[50] Và như thế, triển vọng về một trong số các quốc gia liên quan kiện lên Tòa án quốc tế với một yêu cầu đơn phương và hưởng thụ thẩm quyền của Tòa án này đã bị loại trừ. Chưa thể kể đến việc khi đã đưa ra Tòa án quốc tế thì phải tuân thủ nguyên tắc pacta sunt servanda (tự nguyện chấp hành các cam kết quốc tế) thì khả năng rủi ro rất cao, có thể thắng lợi được tất cả nhưng cũng có thể bị thua trắng mất tất cả (Còn nếu không, các quốc gia vẫn có thể duy trì quyền kiểm soát thực tế (de facto) đối với các đảo đã chiếm đóng). Trong trường hợp này, các bên đều chưa chuẩn bị tâm lý có thể thất bại nên cũng không mạo hiểm đặt cược vào sự phán xét của Tòa. Thêm nữa, các bên cũng tỉnh táo nhận thấy một điều rằng: kể cả khi có sự phán quyết của Tòa đi chăng nữa, thì cũng chưa hẳn là đã chấm dứt hoàn toàn cho cuộc tranh chấp, chủ nghĩa dân tộc tại các quốc gia đang ngày càng dâng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thừa nhận kết quả giải quyết của Tòa. Ví dụ cụ thể như cuộc xung đột giữa Indonesia và Malaysia trong tranh chấp lãnh hải đối với vùng biển Ambalat cạnh quần đảo Borneo, mặc dù đã có phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế từ năm 2002, nhưng nguy cơ xung đột vẫn còn nguyên đó, thậm chí còn gay gắt hơn.[51] Một vụ việc cụ thể gần đây nhất là tranh chấp giữa Thailand và Campuchia về ngôi đền cổ Preah Vihear, tranh chấp này đã được Tòa án Công lý quốc tế phán quyết thuộc về Campuchia từ năm 1962, nhưng gần đây quan hệ giữa hai nước vẫn đầy căng thẳng, thậm chí hai bên đã tăng sự hiện diện của quân đôi nước họ trên khu vực đền này, khiến cho nguy cơ xung đột quân sự trở nên trầm trọng.[52]Vả lại, tranh chấp lãnh thổ do Tòa án quốc tế giải quyết thường mất thời gian rất lâu, tranh chấp giữa Malaysia và Singapore về hòn đảo Pedra Branca/Pula Batu Puteh mà Tòa xử gần 20 năm mới xong. Còn tranh chấp về Hoàng Sa và Trường Sa gồm rất nhiều đảo lớn nhỏ và nhiều bên liên quan, nếu Tòa có giải quyết thì thời gian chắc là rất lâu. 3.2. Giải pháp 2: Hợp tác khai thác chung Thực tế cho thấy, các nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp về chủ quyền tại biển Đông đều không đưa tới kết quả nào. Hiện nay, Trung Quốc luôn đưa ra lập trường cứng rắn của họ với lập luận chủ quyền của họ về gần 80% diện tích biển Đông là không thể tranh cãi mặc dù yêu sách này không có cơ sở pháp lý nào trong luật pháp quốc tế hiện đại hay Công ước về Luật biển và bị quốc tế chỉ trích[53].[53] Thế nhưng, Trung Quốc với ưu thế quân sự và chính trị cường quốc của mình luôn bộc lộ ý định chống lại các cuộc đàm phán đa phương về quần đảo Trường Sa. Trung Quốc luôn muốn thực hiện các cuộc đàm phán song phương bởi vì Trung Quốc với sức mạnh của mình sẽ dễ dàng “bẻ gãy từng chiếc đũa” hơn là “một bó đũa”, và như vậy Trung Quốc luôn chiếm thế “thượng phong” trên bàn đàm phán. Giải pháp tiếp theo được nhắc tới, được cho là khả thi nhất đối với các bên trong cuộc tranh chấp biển Đông này là phân định biển hoặc cùng nhau khai thác nguồn tài nguyên tại biển Đông. Trong thực tế, tại khu vực biển Đông, đã có nhiều hiệp định phân định biển được ký kết, ví dụ cụ thể như Việt Nam đã tiến hành phân định biển với hầu hết các nước láng giềng có chung biên giới biển. Trong đó có thể kể tới Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hiệp định phân định biển giữa Việt Nam với Thailand trong vịnh Thailand, Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia, Hiệp định phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia, Thỏa thuận hợp tác khai thác chung Việt Nam – Malaysia về khu vực chồng lấn thềm lục địa.[54] Tuy nhiên, vấn đề phân định biển không phải ở khu vực nào cũng có thể tiến hành một cách dễ dàng được, ví dụ như vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia. Lúc đầu, hai nước dự định sẽ cùng nhau phân định vùng thềm lục địa chồng lấn nhưng sau đó hai bên đã tạm gác vấn đề phân định thềm lục địa để chuyển sang bàn về Thỏa thuận khai thác chung vùng biển này mà không ảnh hưởng đến việc phân định sau này. Phân định biển khu vực này gặp phải khó khăn ở vấn đề giải quyết chủ quyền. Vì thế, một giải pháp dễ chấp nhận hơn là các bên tranh chấp cùng hợp tác khai thác chung vùng biển này. Khai thác chung không phải là ý tưởng mới trong giải quyết các tranh chấp biển trên thế giới. Mô hình khai thác chung trên thế giới đã được thực hiện từ lâu, điển hình là Hiệp ước Svalbard ngày 19/12/1920, theo đó các bên tranh chấp công nhận chủ quyền của Na uy đối với quần đảo Svalbard, trong khi duy trì quyền tiếp cận hiện hữu của các quốc gia khác đối với quần đảo này nhằm mục đích thực hiện việc khai thác, săn bắt và các hoạt động kinh tế khác. Kể từ khi Hiệp ước này ra đời, trên thế giới đã có khoảng 20 điều ước quốc tế về mô hình hợp tác khai thác chung được ký kết, ví dụ như Thỏa thuận khai thác chung giữa Papua New Guinea và Australia năm 1978, Na uy và Anh ở biển Bắc, Arab Saudi và Sudan, Thailand và Malaysia, Australia và Indonesia, Việt Nam và Malaysia… Khai thác chung là một thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan, nhằm chia sẻ tài nguyên trên các vùng biển chồng lấn. Cơ sở của các thỏa thuận này chính là chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của quốc gia theo quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thoả thuận về khai thác chung phải được coi là giải pháp tạm thời nhằm giảm xung đột giữa các bên tranh chấp và chỉ nhằm mục đích phát triển nguồn tài nguyên mà thôi. Thỏa thuận này không được làm ảnh hưởng tới yêu sách về chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển. Có một điều cần lưu ý trong vấn đề hợp tác khai thác chung đó là trong luật pháp quốc tế về biên giới lãnh thổ có một nguyên tắc là “sự liên tục và xác định đường biên giới”. Điều này cũng được nêu ra tại điều 62 Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969, khuyến cáo sự ổn định của các đường biên giới. Trên những nguyên tắc đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “cái tạm thời của ngày hôm nay có thể trở thành vĩnh viễn sau một thời gian nào đó”. Thực tế trên thế giới thì thỏa thuận giữa Iceland và Jan Mayen tháng 10 năm 1981, thỏa thuận giữa Bahrain và Arab Saudi tháng 2 năm 1958 đã trở thành những thoả thuận vĩnh viễn. Đã có nhiều đề nghị cho phương án hợp tác khai thác chung trên vùng biển tranh chấp này. 1. Phương án “chia sẻ tài nguyên biển Đông” Năm 1997, nhóm Mark J. Valencia của đại học Hawaii đã đưa ra ý tưởng cho việc chia sẻ tài nguyên trong khu vực quần đảo Trường Sa. Nhóm học giả này cho rằng các nỗ lực giải quyết tranh chấp hiện tại đã lảng tránh 2 vấn đề quan trọng: đó là chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, các nỗ lực này gần như không có tác dụng bao nhiêu bởi vì vẫn chưa ngăn chặn được các hoạt động đơn phương của các quốc gia liên quan. Do đó, để khắc phục tình trạng này, nên đưa ra một cơ chế hợp tác đa phương tại khu vực tranh chấp với nguyên tắc: các tuyên bố về chủ quyền biển Đông đều được công nhận và giải pháp tạm thời không ảnh hưởng đến giải pháp cuối cùng, không có các hoạt động quân sự và tài nguyên thiên nhiên được khai thác và chia sẻ theo nguyên tắc bình đẳng và công bằng. Các bên trong tranh chấp sẽ thiết lập một thể chế quản lý tài nguyên biển trong khu vực để tổ chức nghiên cứu, khảo sát đánh giá về tiềm năng dầu khí. Qua đó, các bên sẽ xác định khu vực và phương thức hợp tác chung thông qua một cơ chế đa phương điều hành hoạt động khai thác chung và phân chia các nguồn lợi. Thành viên bao gồm tất cả các bên tranh chấp và không có tranh chấp; cơ chế ra quyết định là đồng thuận và nguyên tắc phân bổ tài nguyên phụ thuộc vào tuyên bố đòi hỏi của các bên có tính đến yếu tố lịch sử. Tuy nhiên, việc quyết định phân chia tài nguyên hay quyết định về nhượng quyền khai thác sẽ được các bên tranh chấp trực tiếp thông qua. Nhóm Mark J. Valencia cũng đưa ra 5 kịch bản cho việc chia sẻ trong việc khai thác tài nguyên tại biển Đông. Cụ thể là: (1) Toàn bộ biển Đông sẽ được chia dựa trên đường cách đều từ các đường cơ sở của các bên, bỏ qua sự hiện diện của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; (2) Phân chia biển Đông dựa trên đường cách đều tính từ các đường cơ sở, bỏ qua sự hiện diện của Trường Sa, nhưng trao cho Hoàng Sa toàn bộ hiệu lực như là lãnh thổ của Trung Quốc; (3) Phân chia biển Đông dựa trên “sự công bằng tương đối” và những mối quan ngại về địa chính trị. Trong đó, thực chất là sự phân chia dựa trên sức nặng của các tuyên bố chủ quyền, vị trí chiếm đóng các đảo và yêu sách về các thềm lục địa; (4) Các nước tự xác định ranh giới 200 hải lý tính từ đường cơ sở (với các đường cơ sở phải được xây dựng một cách hợp lý), ở những nơi có vùng chồng lấn thì sẽ chia theo đường cách đều các ranh giới 200 hải lý đó, bỏ qua sự hiện diện của Hoàng Sa và Trường Sa; (5) Tương tự như kịch bản (4) nhưng Hoàng Sa có đầy đủ hiệu lực và thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc.[55] Điểm chung của tất cả các kịch bản phân chia nói trên là đều bỏ qua một phần hoặc toàn bộ sự hiện diện của hai quần đảo đang bị tranh chấp và giành nhiều lợi thế cho Trung Quốc ( ví dụ kịch bản số (2) và số (5) đều coi Hoàng Sa là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc). Theo phương thức này thì các bên tranh chấp đều phải tôn trọng và công nhận yêu sách của Trung Quốc trên toàn bộ biển Đông và có thể khai thác chung các khu vực thềm lục địa của các nước khác. Đây có lẽ chính là điều khiến cho đề xuất này trở nên bất khả thi bởi lẽ không một quốc gia tranh chấp nào chấp nhận từ bỏ chủ quyền.[56] Thêm nữa, việc phân chia này cũng rất phức tạp, trên thực tế cũng chẳng khác gì việc xác định chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, việc phân chia này lại phụ thuộc vào “sức nặng” hay tính hợp lý của các yêu sách về chủ quyền. 2. Phương án “Gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc Chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc được ông Đặng Tiểu Bình đưa ra lần đầu tại Tokyo tháng 10 năm 1982. Đây là một phương án được Trung Quốc đưa ra với quan điểm cùng hợp tác khai thác chung khu vực biển Đông. Về mặt hình thức, đề nghị này của Trung Quốc dường như là hợp lý, vì nó phù hợp với thực tiễn và luật pháp quốc tế, đặc biệt là xu hướng hợp tác trên biển ở các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn nhận phương án này có những vấn đề tồn tại như sau: Về mặt pháp lý, cơ sở để Trung Quốc tham gia tranh chấp biển Đông dựa vào yêu sách về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và lập lờ sử dụng “đường lưỡi bò”, một yêu sách phi lý chiếm gần 80 % toàn bộ biển Đông (xem hình 2). Trung Quốc hiểu rằng nếu đấu tranh trên mặt trận pháp lý, Trung Quốc khó có thể giành được lợi thế trong cuộc tranh chấp biển Đông.[57] Do đó, đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc làm cho dư luận dễ bị lầm tưởng là phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Về mặt chính trị, đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác” được thực hiện, Trung Quốc sẽ đạt được nhiều mục tiêu có lợi cho họ, trong đó họ có thể duy trì được yêu sách lãnh thổ và vùng biển không phải của Trung Quốc. Quan trọng hơn, đây là một giải pháp chính trị khôn khéo của Trung Quốc nhằm trấn an dư luận, mở rộng ảnh hưởng và chia rẽ các nước trong khu vực. Về thực chất ta có thể thấy như sau: - Một mặt, Trung Quốc đề nghị khai thác chung, nhưng mặt khác Trung Quốc vẫn duy trì yêu sách “đường lưỡi bò” chiềm gần 80 % biển Đông và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. - Quan trọng hơn, phần lớn các khu vực mà Trung Quốc đề nghị khai thác chung đều nằm trên khu vực thềm lục địa hiển nhiên thuộc chủ quyền của nước khác. Thực ra, ý tưởng khai thác chung của Trung Quốc dường như là sự tham gia của các nước khác trong việc khai thác những gì họ coi là của họ, trái ngược với hình thức khai thác chung truyền thống – đó là việc cùng đóng góp các quyền đối với tài nguyên trong các vùng tranh chấp. Đánh giá về các đề xuất của Trung Quốc, nhóm Mark J. Valencia nhận xét: “Another lesson that can be gleaned from Beijing’s approach to other territorial disputes is that it may be willing to negotiate and even to participate in (bilateral) join development when it does not have full control of territory in question, e.g., the Spratlys, or the Diaoyutai Islands in the East China Sea. If, on the other hand, it is in firm control of an area, e.g., Paracels, it is unwilling to negotiate, let alone participate in any cooperrative scheme”.(Một bài học khác có thể thu được từ phương pháp của Bắc Kinh trong các tranh chấp lãnh thổ khác đó là họ có thể sẵn sàng đàm phán và thậm chí tham gia vào một thỏa thuận khai thác chung (song phương) khi họ không nắm được quyền kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ đang tranh chấp, ví dụ, quần đảo Trường Sa hay Điếu ngư, ở biển Đông Trung Hoa. Mặt khác, nếu họ nắm quyền kiểm soát chắc chắn hoàn toàn khu vực, ví dụ quần đảo Hoàng Sa, họ sẽ không muốn đàm phán, chứ đừng nói tới việc tham gia vào bất kỳ một chương trình hợp tác nào).[58] 3. Phương án “Hợp tác cùng phát triển” của Việt Nam Việt Nam cũng đưa ra một sáng kiến cho việc hợp tác khai thác chung trên biển Đông đó là đề xuất “hợp tác cùng phát triển”.[59] Đề xuất này được biết tới lần đầu tiên là do ông Đỗ Mười nêu ra chính thức trong chuyến thăm Thailand tháng 10 năm 1993 và sau đó chủ trương này đã và đang được Việt Nam triển khai trên thực tế. Khác với đề xuất “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc, chủ trương “hợp tác cùng phát triển” trong các khu vực tranh chấp bao gồm không chỉ thăm dò, khai thác tài nguyên mà còn bao gồm các lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn an toàn và an ninh hàng hải, chống cướp biển… và các lĩnh vực khác phù hợp với lợi ích của các bên liên quan. Hợp tác cùng phát triển trong khu vực biển Đông nhằm mục đích đảm bảo và phục vụ lợi ích của các bên liên quan, biến biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Các bên tranh chấp phải tuân thủ các nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi. Về phạm vi thực hiện, việc hợp tác cùng phát triển được thực hiện ở những vùng có tranh chấp thực sự. Khu vực có tranh chấp thực sự là khu vực chồng lấn bởi những đòi hỏi chủ quyền của các bên liên quan có căn cứ pháp lý và lịch sử vững chắc, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển năm 1982 và được các bên thừa nhận là vùng có tranh chấp. Theo đó, trên biển Đông các vùng đang có tranh chấp cơ bản là khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia ven biển. Ngoài ra còn có thể kể đến các vùng thềm lục địa ở phía Nam và Tây Nam Việt Nam cũng được coi là vùng chồng lấn được các bên thừa nhận những đòi hỏi chủ quyền của nhau giữa Việt Nam với Malaysia; giữa Việt Nam, Thailand và Malaysia hay tại vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia. Tại các vùng biển này, thực tế cho thấy, việc triển khai hợp tác cùng phát triển được tiến hành khá thuận lợi do đã đáp ứng được các tiêu chí về việc xác định vùng thực sự có tranh chấp. Như vậy, mọi hoạt động của bất cứ bên nào tại các vùng biển của một quốc gia mà không có sự chấp thuận của quốc gia đó sẽ được coi là hành vi vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển. Do đó, những hành vi như vậy không thể được coi là tinh thần hợp tác và cần bị loại trừ nhằm tránh gây những căng thẳng trong khu vực. Ví dụ như hành động Trung Quốc và Philipines cùng nhau ký kết một thỏa thuận thăm dò địa chấn biển chung tại một khu vực có tranh chấp nhiều bên, trong đó có Việt Nam, mà không có sự đồng thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và đi ngược lại tinh thần của DOC. Sau khi Việt Nam kiên quyết phản đối, Trung Quốc và Philippines phải huỷ bỏ thỏa thuận hai bên đó và ký kết một thỏa thuận ba bên về thăm dò địa chấn tại khu vực này. 4. Kết luận Cuộc tranh chấp biển Đông vẫn đang là một tranh chấp phức tạp, khó giải quyết, và chừng nào mà tranh chấp này vẫn còn tồn tại thì khu vực vẫn bị đe dọa bởi sự mất ổn định. Những tranh chấp trên các khu vực biển Đông, đặc biệt là khu vực hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thể hiện sự đan xen, cân nhắc thể hiện cả chính sách đối nội và đối ngoại. Các quốc gia không dễ dàng từ bỏ chủ quyền của mình đối với các khu vực này. Chủ quyền đều được mỗi quốc gia quan niệm là đặc biệt thiêng liêng. Chính vì vậy, hiện nay các giải pháp cho việc giải quyết vấn đề chủ quyền cho các bên yêu sách vẫn còn mờ mịt, chưa có lối ra. Để đi đến một giải pháp lâu dài cho cuộc tranh chấp, các quốc gia có liên quan phải sẵn sàng không quá đề cao tinh thần dân tộc, giảm bớt sự nghi kỵ lẫn nhau và chấp nhận nhân nhượng, thỏa hiệp. Điều này sẽ dẫn đến sự hợp tác, cùng có lợi. Cho đến nay, một số cuộc thương lượng nhằm đi đến thỏa thuận về việc phát triển tài nguyên tại một số vùng tranh chấp khác nhau trên thế giới đã mang lại kết quả và được coi như là những khuôn mẫu cho việc quản lý phát triển tài nguyên trong biển Đông. Cũng giống như tranh chấp biển Đông, mỗi thỏa thuận đều nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền, quyền tài phán biển, những tính toán về địa chiến lược và quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Qua các thỏa thuận này, chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều về những cách thức và biện pháp mà những thỏa thuận này đã xử lý đối với vấn đề chủ quyền hóc búa, cũng như vấn đề phạm vi và chiều hướng của các quyền, những nhiệm vụ và trách nhiệm của các bên liên quan. Đối với tranh chấp biển Đông, cũng đã có nhiều ý tưởng, đề xuất về những giải pháp tạm thời cụ thể: từ mức độ xây dựng lòng tin, đến quản lý cùng khai thác tài nguyên chung tại khu vực này. Trong khu vực biển Đông, nhiều mô hình hợp tác chung rất thành công, nhưng cũng không ít mô hình sẽ mãi mãi không thể trở thành hiện thực. Qua phân tích về những trường hợp hợp tác nói trên, những mô hình hợp tác thành công phải thỏa mãn được các điều kiện sau: 1) Đáp ứng được nhu cầu và lợi ích chung của các bên; 2) Việc khai thác chung được thực hiện trong một khu vực chồng lấn được xác định rõ ràng, tạo bởi các tuyên bố chủ quyền của các bên phù hợp với luật pháp quốc tế - đây là tiêu chí quan trọng nhất trong bất kỳ thỏa thuận khai thác chung nào. 3) Cơ chế, phương thức hợp tác khai thác chung trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tranh chấp biển Đông là một trong những tranh chấp phức tạp nhất thế giới, vì thế không có một mô hình nào hay phương thức hợp tác chung duy nhất nào có thể áp dụng thành công ở biển Đông. Trong đó, điều quan trọng là hợp tác khai thác chung phải đảm bảo phân chia lợi ích của các bên một cách bình đẳng. 4) Việc hợp tác khai thác chung không ảnh hưởng đến quá trình đàm phán cũng như yêu sách chủ quyền của mỗi bên. Cơ sở để các bên có thể đạt được một thỏa thuận về hợp tác cùng phát triển là việc hợp tác này không phương hại đến lập trường, quá trình đàm phán cũng như giải pháp cuối cùng là phân định vùng biển chồng lấn giữa các bên. Có thể nói, bối cảnh tranh chấp tại biển Đông hiện nay về mặt chính trị, các nước trong khu vực chưa có được lòng tin ở mức độ nhất định để có thể gác tranh chấp sang một bên và tiến hành hợp tác khai thác chung trong toàn bộ biển Đông. Việc hợp tác cùng khai thác chung tại khu vực biển Đông tranh chấp chỉ có thể được thực hiện thành công và thực sự góp phần biến biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và thịnh vượng khi các bên thể hiện thiện chí và quyết tâm trong việc hợp tác, qua đó xây dựng lòng tin, đẩy lùi nguy cơ xung đột, phục vụ lợi ích của mình cũng như lợi ích chung của khu vực. Có thể nói, trong tranh chấp biển Đông, mối quan tâm, lợi ích của các bên trong tranh chấp đôi khi không đồng nhất, do đó bất kỳ một đề xuất hợp tác nào chỉ tập trung vào một đối tượng duy nhất và áp dụng chung cho tất cả các bên tranh chấp biển Đông đều khó thành công. Ví dụ như lập trường chính trị của Trung Quốc nhằm đề nghị gác lại vấn đề chủ quyền, khai thác chung tài nguyên của các quần đảo này không được các bên tranh chấp chấp nhận vì Trung Quốc vẫn luôn đưa ra yêu sách của bên mạnh nhất. Trong bối cảnh như vậy, đề xuất “hợp tác cùng phát triển” với nội dung hợp tác đa dạng, đáp ứng được lợi ích và mối quan tâm của các bên là phù hợp hơn cả. Trên thực tế, tại một số khu vực tranh chấp trên thế giới ví dụ như giữa Nhật với Trung Quốc, giữa Nhật và Nga, bên cạnh việc hợp tác khai thác chung dầu khí, các bên còn thỏa thuận thành lập các vùng đánh cá chung để đáp ứng lợi ích truyền thống của nhân dân các bên liên quan. Những ví dụ về hợp tác cùng phát triển thành công trong thời gian qua đã cho thấy một điều rằng, nếu các quốc gia quyết tâm và thiện chí cũng như tuân thủ các nguyên tắc hợp tác đã định thì chắc chắn lợi ích của tất cả các nước đối với biển Đông sẽ được bảo đảm, đồng thời nguyện vọng biến biển Đông thành khu vực hòa bình, hợp tác và thịnh vượng sẽ trở thành một hiện thực không xa.
Chú thích [1] Ji Guoxing, “Rough Water in the South China Sea: Navigation Issues and Confidence – building Measure”, East-West Center, 2001. [2] Christopher C. Joyner, Toward a Spratly Resource Development Authority: Procursor Agreements and Confidence Building Measures, ed. Myron H. Norquist and John Norton Moroe, Security Flashpoints: Oil, Islands, Sea Access and Military Confrontation (1997). [3] Scott Snyder, Brad Glosserman and Ralph A. Cossa, “Confidence Building Measures in the SCS”, (2001), No.2, Issue and Insights, at 10. [4] Bruce and Jean Blanche, Oil and Regional Stability in the South China Sea, Jane’s Intelligence Review, No. 1995, at 511 – 514. [5] Annual report to congress, Military Power of the People’s Republic of China, 2009, Office of the Secretary of Defense, Department of Defence, United of States of America, p. 3 [6] Annual report to congress, Military Power of the People’s Republic of China, 2009, Office of the Secretary of Defense, Department of Defence, United of States of America, p. 4. [7] M. Leifer, Chinese economic reform: The impact on policy in the South China Sea, in G. Segal and R. H. Yang (eds) Chinese Economic Reform: The impact on Security, London: Routledge, 1996, p. 142. [8] James Holmes , Toshi Yoshihara , A Chinese turn to Mahan? In China Brief, http://www.jamestown.org/programs/chinabrief/single/?tx_ttnews%5Btt_news%5D=35172&tx_ttnews%5BbackPid%5D=414&no_cache=1 [9] Chuỗi đảo thứ nhất (first island chain): Năm 1985, Quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đề ra chiến lược phòng thủ trên biển, trong đó đề cập tới khả năng hoạt động và thống trị ngoài khơi trong khu vực “hai chuỗi đảo”: Chuỗi đảo thứ nhất được mô tả như một đường nối qua các đảo Kurile, Nhật Bản, đảo Ryukyu, Đài Loan, Philippines và Indonesia (từ Borneo tới Natuna Besar). Chuỗi đảo thứ hai chạy từ đường Bắc – Nam từ Kuriles qua Nhật Bản, các đảo Bonin, các đảo Mariana, các đảo Caroline và Indonesia. Hai chuỗi đảo này vẽ thành một khu vực biển rộng khoảng 1800 dặm biển tính từ bờ biển Trung Quốc, bao gồm phần lớn Biển Hoa Đông và các tuyến đường giao thông biển tại Đông Á. Xem thêm: http://www.globalsecurity.org/milita...e-offshore.htm [10] Christopher C. Joyner, The Spratly Islands Dispute in the South China Sea: Problem, Policies and Prospects for Diplomatic Accomodation, tr, , http://community.middlebury.edu/~scs/docs/Joyner,%20Spratly%20Islands%20Dispute.pdf [16] Mark J. Valencia, Jon M. Van Dyke, and Noel A. Ludwig, Sharing the resources of the South China Sea, University of Hawaii, 1997, 278, p33 [21] Với điều kiện đảo đó phải thỏa mãn điều 121 UNCLOS. [22] Christopher C. Joyner, The Spratly Islands Dispute in the South China Sea: Problem, Policies and Prospects for Diplomatic Accomodation, p. 71, http://community.middlebury.edu/~scs/docs/Joyner,%20Spratly%20Islands%20Dispute.pdf [23] Christopher C. Joyner, The Spratly Islands Dispute in the South China Sea: Problem, Policies and Prospects for Diplomatic Accomodation, p. 72,http://community.middlebury.edu/~scs/docs/Joyner,%20Spratly%20Islands%20Dispute.pdf [24] Christopher C. Joyner, The Spratly Islands Dispute in the South China Sea: Problem, Policies and Prospects for Diplomatic Accomodation, p.72, http://community.middlebury.edu/~scs/docs/Joyner,%20Spratly%20Islands%20Dispute.pdf [25] Brice M. Clagett, Covington & Burling, Washington, DC , "Competing Claims of Vietnam and China in the Vanguard Bank and Blue Dragon Areas of the South China Sea", Part I, Oil & Gas Law & Taxation Review (UK), no. 10 (1995) pp 375-388. [26] Brice M. Clagett, Covington & Burling, Washington, DC , "Competing Claims of Vietnam and China in the Vanguard Bank and Blue Dragon Areas of the South China Sea", Part I, Oil & Gas Law & Taxation Review (UK), no. 10 (1995) pp 375-388. [27] Brice M. Clagett, Covington & Burling, Washington, DC , "Competing Claims of Vietnam and China in the Vanguard Bank and Blue Dragon Areas of the South China Sea", Part I, Oil & Gas Law & Taxation Review (UK), no. 10 (1995) pp 375-388. [28] Mark J. Valencia, John M. Van Dyke, and Noel A. Ludwig, Sharing the resouces of the South China Sea, University of Hawaii’s Press, 1997, 278, p. 79 [29] Christopher C. Joyner, The Spratly Islands Dispute in the South China Sea: Problem, Policies and Prospects for Diplomatic Accomodation, p. 72, http://community.middlebury.edu/~scs/docs/Joyner,%20Spratly%20Islands%20Dispute.pdf [30] Daniel Dzurek, The Spatly Islands Dispute: Who’s on first?, International Boundary Reseach Unit, Maritime Brief, Volume 2, Number 1, p. 39 [32] Daniel Dzurek, The Spatly Islands Dispute: Who’s on first?, International Boundary Reseach Unit, Maritime Brief, Volume 2, Number 1, p. 40 [42] Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc thì Tòa án quốc tế ICJ là Toà thường trực của LHQ. [43] Có thể tham khảo những phán quyết của ICJ tại website: http://www.icj-cij.org/ [44] Nguyễn Hồng Thao, Tòa án Công lý Quốc tế, nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2000, tr. 60 [45] Monique Chemillier- Gendreau, Sovereignty over Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law International, 2000, p. 24 [46] Monique Chemillier- Gendreau, Sovereignty over Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law International, 2000, p. 26 [47] Monique Chemillier- Gendreau, Sovereignty over Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law International, 2000, p.139 [48] Monique Chemillier- Gendreau, Sovereignty over Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law International, 2000, p.33 [49] Mark J. Valencia, John M. Van Dyke, and Noel A. Ludwig, Sharing the resouces of the South China Sea, University of Hawaii’s Press, 1997, 278, p. 62 [50] Monique Chemillier- Gendreau, Sovereignty over Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law International, 2000, p.140 [53] Mark J. Valencia, John M. Van Dyke, and Noel A. Ludwig, Sharing the resouces of the South China Sea, University of Hawaii’s Press, 1997, 278, p. 99 [54] Bộ ngoại giao – Ban biên giới, Giới thiệu một số vấn đề cơ bản của luật biển ở Việt Nam, Chính trị quốc gia, Hà nội, 2004, 239, tr. 74, 100, 111, 117, 133, 144 [55] Mark J. Valencia, John M. Van Dyke, and Noel A. Ludwig, Sharing the resouces of the South China Sea, University of Hawaii’s Press, 1997, 278, p. 143 – 146 [56] Có thể xem thêm ý kiến của Angchenguan tại website: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/01/080123_viettrungangchenguan.shtml [58] Mark J. Valencia, John M. Van Dyke, and Noel A. Ludwig, Sharing the resouces of the South China Sea, University of Hawaii’s Press, 1997, 278, p. 87 [59] Tuyên bố 4 điểm trong chuyến thăm Thái lan của Tổng bí thư Đỗ Mười.
© Thời Đại Mới
8-8-10 |