Số 2 - tháng 7/2004
Mỹ, một đế quốc? Trần Hữu Dũng*
Đối với nhiều người sống ngoài nước Mỹ thì câu hỏi “Mỹ có là một đế quốc?” chỉ có thể được trả lời bằng một khẳng định xác quyết, bàn cãi là thừa. Song, đối với đa số trí thức Mỹ (và thân Mỹ ở Tây phương) thì câu hỏi ấy lại không đáng trả lời vì, theo họ, nó mang tính vu khống tuyên truyền của phe tả, bẩm sinh “bài Mỹ”, hoặc xuất phát từ một quan niệm đạo đức không tưởng. Đối với những người này thì Mỹ là một nước dân chủ, tự do, yêu chuộng hoà bình, luôn tôn trọng chủ quyền và độc lập của mọi quốc gia khác. Tuy nhiên, từ khi Liên Xô tan rã, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, rồi các chiến dịch quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh, ở A Phú Hản, ở Iraq, và ảnh hưởng khắp nơi của Mỹ trong lãnh vực kinh tế lẫn văn hoá, và nói chung là tính xông xáo sử dụng sức mạnh của nước này,[1] thì vấn đề Mỹ và đế quốc đã được nhiều trí thức không chỉ phe tả, mà ngay ở phe hữu, nghiêm túc tranh luận. Thậm chí nhiều học giả tương đối có uy tín đã công khai cho rằng Mỹ nên là một đế quốc, chẳng những vì quyền lợi nước Mỹ mà còn vì lợi ích nhân loại! Bài này lược duyệt, và đánh giá, một số sách và bài báo được nhiều chú ý gần đây trong giới trí thức “chính ngạch” của Mỹ xung quanh đề tài: Mỹ có là một đế quốc, có nên là một đế quốc, và nếu là đế quốc thì liệu đế quốc Mỹ có sẽ tồn tại được lâu?[2] Tóm tắt, có thể xếp các tác phẩm này làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất cổ vũ cho một đế quốc của Mỹ, mặc dù vài tác giả có hoài nghi là Mỹ không đủ khả năng làm đế quốc (Paul Kennedy, Max Boot, Niall Ferguson, Stanley Kurtz...). Nhóm thứ hai cho rằng Mỹ thực tế đã là đế quốc, nhưng có nhiều nhược điểm và sẽ sớm tiêu tàn (Emmanuel Todd, Michael Mann, Chalmers Johnson...). Nhóm thứ ba thì cho rằng đường lối (đế quốc) của Mỹ hiện nay là sai lầm, cần thay đổi.
1. PAUL KENNEDY: “Đuối lực đế quốc” Để có một bối cảnh tư tưởng cho cuộc tranh luận về sự đang lên của “đế quốc” (tạm gọi như vậy) Mỹ hiện nay, tưởng nên nhắc rằng không đến hai thập kỉ trước đây, câu hỏi thúc bách là gần như trái ngược: liệu nước Mỹ có đang trên đường đi xuống? Nổi tiếng với luận đề này là quyển “Sự thăng trầm của các đại cường quốc” của sử gia Paul Kennedy xuất bản năm 1987. Trong tác phẩm ấy, Paul Kennedy duyệt lại lịch sử thế giới từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 20 để kết luận rằng, muốn thắng các cuộc tranh chấp quân sự, một cơ sở kinh tế vững mạnh còn là cần thiết hơn cả quân lực; và những quốc gia “căng” ("stretch") quân sự quá khả năng kinh tế sẽ phải sụp đổ. Theo Kennedy, Mỹ đang là như thế. Luận đề của Kennedy được nhiều người đánh giá cao, nhưng cũng bị nhiều phản bác. Một số cho rằng ý của ông (về đế quốc nói chung) không phải mới, trễ nhất cũng là từ Oswald Spengler [1922], và lịch sử cho thấy những báo động bi quan như thế thường là sai. Cụ thể hơn, Kennedy bị chỉ trích là lẫn lộn sự thâm hụt ngân sách giai đoạn của chính phủ Mỹ với sự cạn kiệt tài nguyên của nước Mỹ nói chung.[3] Kennedy cũng bị phê bình là đã không để ý đến tốc độ tiến bộ vũ bão của công nghệ hiện đại, và tính năng động phi thường của xã hội Mỹ. Sau những chỉ trích đó, và nhất là sau khi chứng kiến các diễn biến trong thập niên 1990, Paul Kennedy hầu như đã hoàn toàn thay đổi quan điểm. Trong những bài viết sau năm 2002, ông quay sang tán tụng Mỹ như là “siêu cường vĩ đại nhất trong lịch sữ”. Thay vì dựa vào kinh nghiệm những đế quốc cổ xưa rồi bi quan như lúc trước, Kennedy nhấn mạnh đến đặc tính cá biệt của Mỹ và lạc quan cho nước này. Chằng hạn như, từ khi những người da trắng đặt chân xuống Virgina, rồi dần lan ra miền Tây lục địa, nước Mỹ là một quốc gia đi chinh phục. Chẳng hạn như, ngày nay Mỹ có quyền đặt căn cứ quân sự trên hơn bốn mươi nước, điều động hạm đội khắp ngũ đại dương. Chưa bao giờ có một quốc gia hùng cường như thế. Cho nên, theo Kennedy, dù dân Mỹ ít khi nghĩ rằng nước họ là một đế quốc, trên thực tế thì Mỹ đã phô trương sức mạnh không khác những đế quốc (như Anh, La Mã) ngày xưa . Theo Kennedy, có ba lí do giúp Mỹ ngưng sự tuột dốc mà lúc trước ông đã “tiên đoán”, và củng cố vị thế vô địch: (1) Sự tan rã của Liên Xô, (2) sự trì trệ của kinh tế Nhật, (3) và sự năng động khác thường của doanh nhân Mỹ. Cũng phải kể là chính phủ Mỹ (nhất là trong thời Clinton) đã có những chính sách tài chính và kinh tế rất hữu hiệu. Chính vì lí do thứ ba mà, vào những năm 1990, Mỹ đã có thể gánh chịu mức độ chi phí quân sự mà trong quá khứ đã làm kiệt quệ những đế quốc khác.[4] Dù cũng bị “sốc” bởi sự cố 11/9, Kennedy vẫn cho rằng trận chiến giữa Mỹ và các nhóm khủng bố, các “quốc gia bất trị” (rogue nation) là hoàn toàn không cân xứng, nhưng cũng không cân xứng, theo Kennedy, là sự chênh lệch quyền lực giữa Mỹ và mọi nước khác. Paul Kennedy, như hầu hết các bình luận gia, cho rằng trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ có một sự chênh lệch lực lượng rộng lớn như thế. So sánh với đế quốc Anh vào thế kỉ trước chẳng hạn. Đế quốc ấy quả là hùng cường, nhưng tỉ lệ sản lượng quốc gia của Anh trong tổng sản lượng toàn cầu lúc ấy cũng chỉ bằng một phần ba của Mỹ ngày nay, và sự khác biệt về chi phí quân sự giữa Anh lúc ấy và Mỹ ngày nay lại càng lớn hơn. Nhìn cách khác, Kennedy mặc nhiên nhận rằng trước đây ông đã không lưu ý đến sự kiện là uy thế có tính quyết định của một nước là uy thế tương đối (so với nước khác) và ông không ngờ rằng tốc độ tiến triển và vai trò của công nghệ thông tin và viễn thông đã nhanh và lớn như đã xảy ra. Song, luận cứ này của Kennedy cũng đáng tồn nghi vì ông chỉ là sử gia, không chuyên về tăng trưởng kinh tế quốc tế. Ông cũng không có thành tích về dự đoán tiến bộ công nghệ. Đây là những lãnh vực gần như không thể tiên đoán, nhất là tiên đoán xa.
2. MAX BOOT: “Giặc nhỏ” Ít người biện hộ cho vai trò đế quốc của Mỹ một cách hăng hái, và tương đối có bài bản, như Max Boot. Tác giả này còn khá trẻ (sinh năm 1969) theo cha mẹ người Nga gốc Do Thái di cư sang Mỹ năm 1975. Có tư tưởng bảo thủ từ lúc còn là sinh viên ở Berkeley, khi ra trường Boot nhanh chóng được bổ nhiệm làm trưởng biên tập trang bình luận của tờ Wall Street Journal, tiếng nói của giới tư bản Mỹ.[5] Tác phầm chính của ông là quyển “Những Trận Giặc Man Rợ Của Thái Bình: Giặc Nhỏ Và Sự Nổi Lên Của Quyền Lực Mỹ” [6] mà có người xem như cương lĩnh của “chủ nghĩa đế quốc mới”. [7] Max Boot khẳng định Mỹ đang là nước mạnh nhất hoàn cầu, vậy Mỹ nên tận dụng quyền lực đó, chớ né tránh rụt rè. Đối với Boot, vấn đề không phải là Mỹ có quá nhiều, nhưng là không tận dụng, quyền lực đế quốc. Mỹ không nên ngần ngại chấp nhận vai trò đế quốc của mình.[8] Boot cho là trong suốt lịch sử, những lúc nhân loại “thái bình” nhất là những lúc có một đế quốc, và sự thật là từ lâu Mỹ đã ứng xử như một đế quốc. Theo Boot (và nhiều tác giả bảo thủ khác) thì chính sách đế quốc của Mỹ sẽ khác với các đế quốc châu Âu ngày xưa vì nó sẽ được dân bản xứ hồ hỡi chấp nhận (họ thường đem Nhật ra dẫn chứng).[9] Theo Boot, Mỹ không nên chỉ bảo vệ “quyền lợi quốc gia”, đánh bại kẻ địch về quân sự. Mỹ phải mạnh dạn hơn, đảm nhận chức năng (1) “cảnh sát đế quốc” (“imperial policing”); (2) “xây dựng quốc gia”, nghĩa là sẵn sàng chiếm đóng lâu dài các nước khác; (3) khai sáng những dân tộc “kém văn minh”, bằng vũ lực nếu cần. Người da trắng không những phải xâm chiếm các nước khác để trả đũa một tranh chấp nào đó, nhưng còn nên “nhào nắn lại thế giới” (remake the world) theo văn minh da trắng. Boot thêm rằng một chính sách như thế không cần thông qua quốc hội Mỹ, chỉ cần sự quản lí của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, không cần đa số dân chúng ủng hộ, không cần tuyên chiến, không cần nghĩ trước chiến lược rút ra. Boot khẳng định chủ trương của anh ta chính là “chủ nghĩa Wilson cứng” (hard Wilsonian) không xa lạ đối với Mỹ, và anh ta coi đó cũng có thể gọi là “chủ nghĩa đế quốc phóng khoáng” (liberal imperialisn). Boot giải thích: chính Woodrow Wilson, thường là thần tượng của những người cho là Mỹ phải khuyến khích độc lập, tự do, dân chủ mọi nơi trên thế giới, là một trong những tổng thống Mỹ “đế quốc” nhất (đánh chiếm Veracuz, Haiti, và Dominican Republic). Max Boot nhấn mạnh “Tôi muốn thẳng thắn dùng chữ Đế Quốc Mỹ, dù có người sẽ không đồng ý”. Theo Boot, Mỹ không thể tránh các "giặc nhỏ". Đó là hậu quả tất nhiên của sức mạnh của Mỹ khắp thế giới. Mỹ sẽ can dự dù trường hợp không hẳn thỏa mản những tiêu chuẩn của “chính trị thực tiển” (“realpolitik”). Hơn nữa, theo Boot, Mỹ không nên đi vào những chiến dịch như vậy với hi vọng ít bị thương vong. Câu hỏi là Mỹ có làm việc đó một cách tốt hoặc tệ. Theo Boot, sở dĩ Mỹ là nạn nhân ngày 11/9 là vì Mỹ đã không đủ “dấn thân” và thiếu tham vọng, do đó giải pháp cho Mỹ phải là có nhiều mục tiêu to lớn hơn và cương quyết hơn trong thực hiện những mục tiêu ấy. Max Boot và những người "Tân Đế Quốc" (hoặc Tân Thực Dân) như ông là những người tiên phong hô hào Mỹ đánh Iraq. Chẳng những thế, họ xem sự “thay đổi chế độ” ở Iraq chỉ là bước đầu. Dùng Iraq làm bàn đạp, Mỹ sẽ thay đổi chế độ ở Iran, ở Ả rập Xê út, đó là không nói đến bàn đạp đã có sẳn ở Balkans, ở A Phú Hản, ở Trung Á.
3. STANLEY KURTZ: Chủ nghĩa “đế quốc dân chủ” Nhiều tác giả Mỹ, bảo thủ lẫn phóng khoáng, biện hộ cho chính sách đế quốc của Mỹ không với tư tưởng thuộc địa dung tục như Max Boot (“khai sáng cho những giống dân man rợ”), nhưng có vẻ “cao thượng” hơn, phong cho Mỹ vai trò “truyền bá dân chủ”. Stanley Kurtz, một tác giả bảo thủ, là điển hình của nhóm này. Trong bài “ Dân chủ đế quốc: Một kế hoạch” (“Democratic Imperialism: A Blueprint”) [2003], Kurtz cho rằng Mỹ có trách nhiệm đem “dân chủ” gieo rắc khắp nơi (như đã ở Đức, Nhật, sau Thế Chiến II). Theo ông, điều này chẳng những tốt cho các nước đó mà còn có lợi cho Mỹ, bởi lẽ khi các nước đó trở thành “dân chủ” thì họ sẽ không đỡ đầu khủng bố và chiến tranh hạt nhân chống Mỹ. Trong quan niệm này, tư tưởng của Kurtz có hơi hướng chủ thuyết “đế quốc phóng khoáng” (liberal imperialism) của Anh vào thế kỉ 19, do các triết gia tên tuổi như Edmund Burke, John Mill, và James Stuart Mill chủ xướng. Tuy nhiên, như Kurtz nhận xét, Burke và Mill đại diện hai trường phái khác nhau về đạo đức và hành chính của đế quốc Anh. Lí thuyết thuộc địa của Burke là bảo thủ (theo nghĩa lúc ấy), “tôn trọng” những phong tục địa phương và giới ưu tú bản xứ, và cho rằng đế quốc Anh phải cai trị ở một mức độ cao hơn. Còn hai ông Mill (cha lẫn con) thì nghi ngờ, thậm chí có phần khinh bĩ, những phong tục bản địa và giới ưu tú cổ truyền, nhất quyết rằng Anh phải áp đặt một sự chuyển đổi xã hội “dân chủ”. Kurtz cho rằng Anh đã thành công ở Ấn Độ (tạo cho nước này có một truyền thống dân chủ, tinh thần quốc gia!), cũng như Mỹ đã thành công ở Nhật. (Song Kurtz nhận rằng có lẽ Iraq giống Ấn Độ hơn là giống Nhật, vì dù sao thì thể chế xã hội của Nhật cũng tương đối khá phát triển trước khi Mỹ chiếm đóng). Theo Kurtz, Mỹ có thể chống lại tinh thần quốc gia (của Iraq) bằng cách cai trị Iraq qua những người Iraq lưu vong trở về. Tương tự, Thomas Donnelly (cũng một tác giả bảo thủ) cũng cho rằng đế quốc của Mỹ có thể đem đến những nước khác “hi vọng về tự do, an ninh, và thịnh vượng.”[10] Sebastian Mallaby (người bình luận cho nhật báo Washington Post) cũng nghĩ rằng Mỹ có trách nhiệm của một “đế quốc phóng khoáng”, sửa sai những “nước thất bại” (failed state), đặc biệt là khi ông này dùng thuyết ấy để biện minh cho việc Mỹ xâm lăng Iraq.[11]
4. NIALL FERGUSON: Triển vọng của Mỹ như một đế quốc Niall Ferguson là một sử gia trẻ (sinh năm 1964) người Anh, hiện dạy ở New York (sắp đổi lên Harvard), viết hăng (gần như mỗi vài tuần là có một bài khá dài trên các tạp chí Anh Mỹ) và dễ hiểu, nên rất ăn khách. Ông chuyên về các vấn đề tài chính quốc tế và đế quốc, có xu hướng tân bảo thủ. Tháng tư vừa qua, tuần báo Time của Mỹ bình chọn Ferguson là một trong 100 nhân vật nhiều ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay (hơn cả thủ tướng Anh Tony Blair). Bố cục cuốn sách vừa xuất bản của ông (“Người khổng lồ -- Cái giá của đế quốc Mỹ” (Colossus – The Price of America’s Empire)[12]) không chặt chẽ cho lắm (vì phần lớn quyển này là gán ghép những bài báo ông đã đăng trong hai năm qua), nhiều chi tiết dư thừa, nhưng chung quy có ba luận điểm chính. Thứ nhất, Ferguson ca tụng chủ nghĩa đế quốc, nhất là đế quốc Anh. Thứ hai, ông cho là lịch sử nước Mỹ là lịch sử của một đế quốc, dù đa số dân Mỹ không nhận điều đó. Và thứ ba, vì thể chế nước Mỹ và bản tính người Mỹ, đế quốc này sẽ không tồn tại lâu. Như trong cuốn “bestseller” năm 2003 của ông về đế quốc Anh,[13] trong quyển này Ferguson hưng phấn ca tụng chủ nghĩa đế quốc nói chung và đế quốc Anh nói riêng. Ông nhấn mạnh hai điều. Một là, nhiều quốc gia sau khi được độc lập thì lại hỗn loạn, nghèo khổ hơn lúc còn là thuộc địa. Đa số rơi vào chế độ độc tài tham nhũng thối nát, nội chiến, tàn sát chủng tộc, giặc giã liên miên với lân bang. Hai là, không chỉ biện hộ cho đế quốc như một “mission civilisatrice” (dù Ferguson không dùng cụm từ này) của thực dân thế kỉ 19, ông đi xa hơn, biện hộ cho đế quốc trên căn bản “toàn cầu hoá” thời thượng ngày nay. Theo Ferguson, muốn thực hiện lợi ích của toàn cầu hoá thì ngoài tự do thương mại, tự do đầu tư xuyên quốc gia, truyền giao công nghệ... mọi quốc gia còn cần có chung một khung thể chế hoàn chỉnh, trật tự, tôn trọng luật pháp, và một bộ máy hành chính trong sạch, có khả năng. Và chính trong khâu này mà nhiều quốc gia cần nương nhờ một chế độ “đế quốc phóng khoáng” (liberal imperialism). Theo Ferguson (và nhiều tác giả khác) “đế quốc Mỹ” không phải là chưa có hoặc mới có. Ngay từ thuở lập quốc, xuyên qua thế kỉ 19 (khi Mỹ ra chiếm các đảo giữa Thái Bình Dương), cho đến ngày nay, thì Mỹ đã cư xử như một đế quốc. Ferguson gọi chính sách Mỹ là “chủ nghĩa đế quốc của chủ nghĩa chống đế quốc (“imperialism of anti-imperialism”). Niall Ferguson cho rằng Anh là một trường họp đáng xem xét, vì tương đối là đế quốc khá gần đây, chiếm một phần tư diện tích mặt đất, kiểm soát biền cả cũng như nền kinh tế thế giới. Nhưng, theo Ferguson, vào giai đoạn cuối của đế quốc Anh, phí tổn duy trì thuộc địa của nước này trội hơn lợi ích của thuộc địa (năm 1921, tổn phí hàng năm chỉ ở Iraq còn cao hơn ngân quỹ dành cho y tế cho toàn nước Anh). Hiển nhiên là những phong trào dành độc lập ở thuộc địa, và những người ủng hộ phong trào này ở Anh, đã đóng góp vào sự tan rã của đế quốc song, theo Ferguson, cơ sở của đế quốc là kinh tế, và cuối cùng thì cơ sở này sụp đổ vì chi phí Anh phải chịu trong hai Thế chiến. Ferguson khẳng định rằng có nhiều điểm khác nhau giữa đế quốc Anh ngày xưa và đế quốc Mỹ ngày nay. Nổi bật là nước Mỹ hiện nay có khả năng quân sự và kinh tế vuợt trội đế quốc Anh ngày xưa. Chẳng hạn như vào năm 1913 thì sản lượng của Anh là 8% của toàn thế giới, năm 1998, sản lượng của Mỹ là 22% của toàn thế giới. Chẳng những thế (như Joseph Nye biện luận, xem Đoạn 10 dưới đây), nước Mỹ có cả “quyền lực mềm” ở dạng văn hóa tiêu thụ tràn ngập khắp thế giới. Theo Ferguson nhận xét, trong cả hai trường hợp của Anh và Mỹ, điểm tương đồng là ưu thế quân sự và sự không ngần ngại sử dụng triệt để sức mạnh của họ. (Trong trận Omdurman năm 1898, nhờ súng Maxim,[14] quân Anh đã giết 45,000 trong đội quân 52,000 của Mahdi, mà chỉ có 48 lính Anh bị chết!) Đế quốc Anh cố ý bốc lột kinh tế, chinh phục, và thuộc địa hoá nước khác. Trong “thời đại Malthus”, thuộc địa cũng là cách tốt để giải quyết nạn nhân mãn ở mẫu quốc. Từ năm 1600 đến 1950, hai mươi triệu người Anh đã rời đảo quốc ấy. Đế quốc Anh là một đại xuất khẩu cả người lẫn vốn. Ngược lại, Mỹ là một nước nhập khẩu cả vốn lẫn người. Ferguson đặt câu hỏi: có thể nào làm một đế quốc (theo nghĩa thường dùng của chữ này) mà không thuộc địa hoá (colonization) nước khác chăng? Mỹ đã là một đế quốc song, theo Ferguson, lại không dám tự nhận. Đại đa số dân Mỹ vẫn cho rằng nước họ là hiện thân của một quốc gia thoát thai từ đấu tranh chống thực dân dành độc lập. Trong tâm tưởng dân Mỹ, “đế quốc” (hiểu là thực dân) là một nước đem quân chiếm đóng nước khác để chiếm đoạt tài nguyên. Hiểu như vậy thì, theo họ, Mỹ không phải là đế quốc/thực dân. Vì không tự nhận là một đế quốc, nước Mỹ, theo Ferguson, đã không làm tròn “trách nhiệm” chính trị và đạo đức của một đế quốc. Tóm tắt, Ferguson không chống đế quốc, và nhìn nhận Mỹ có khả năng quân sự và kinh tế để làm đế quốc, song ông nghi ngờ là Mỹ không đủ “cá tính”. Theo Ferguson, Mỹ bị ba “thâm hụt: (1) thâm hụt kinh tế (2) thâm hụt con người, (3) và thâm hụt kiên nhẫn.
Về kinh tế, Ferguson đưa ra những con số hầu như ai cũng biết: Mỹ nhập nhiều hơn xuất, về hàng hoá lẫn vốn. Song thâm hụt kinh tế đáng báo động nhất là trong khâu bảo hiểm xã hội (đặc biệt là hệ thống hưu bổng cho người lớn tuổi):[15] với tỉ số người về hưu ngày càng cao so với dân số làm việc, nhiều dự báo kinh tế có uy tín đã cho rằng chỉ trong vài thập kỉ thì quỹ hưu bổng của chính phủ Mỹ sẽ cạn kiệt. Chẳng những chính quyền Mỹ hiện không có biện pháp nào để đối phó với cuộc khủng hoảng này, những tổn phí quân sự của Mỹ càng đem lại gần hơn ngày khủng hoảng ấy.
Về nhân lực, theo Ferguson, Mỹ có một thâm hụt: ít người Mỹ muốn sống ở các nước thuộc địa. Ferguson nhận xét: (1) trái với Anh ngày xưa, số người muốn vào Mỹ là đông hơn số người muốn rời Mỹ, (2) người muốn rời Mỹ thì chỉ thích sang các nước đã phát triển, (3) trái với các đế quốc ngày xưa, Mỹ không muốn đóng quân tại thuộc địa, (4) khi dân Mỹ sang nước khác thì họ không ở lâu và không hoà nhập với dân địa phương, và (5), quan trọng nhất, đa số giới “ưu tú” (elite) của Mỹ không muốn sống ở nước khác, nhất là ở các nước kém phát triển.
Về thâm hụt kiên nhẫn, Ferguson cho rằng Mỹ không có khả năng có đế quốc (thành công) như Anh vì bản tính dân Mỹ thiếu kiên nhẫn, muốn có kết quả ngay, và hiến pháp Mỹ lại cho phép họ thay đổi tổng thống mỗi bốn năm. Không một tổng thống Mỹ nào có thể có kế hoạch lâu hơn bốn năm.
Nếu Ferguson không nói ngay từ đầu rằng ông là “fan” của đế quốc thì vài dữ kiện ông nêu ra cũng đáng làm suy nghĩ. Tiếc thay, cuốn sách của Niall Ferguson cơ bản là một bài bình luận phi khoa học, các ý kiến đề xuất là chủ quan, dựa vào những dữ kiện được chọn lựa để biện minh cho thành kiến mà tác giả đã có trước khi viết. Chẳng hạn như khi ông liệt kê những “thất bại”, những thoái hoá của một số quốc gia sau khi dành độc lập, rồi kết luận rằng làm thuộc địa là tốt cho các nước này hơn. Hoặc khi ông viết rằng đế quốc sẽ gây dựng những thể chế cần thiết cho toàn cầu hóa. Xét về mặt lý thuyết thuần túy, đây không phải là một giả thuyết không đáng chú ý (xem Dani Rodrik[16] chằng hạn). Song, khách quan, phải so sánh sức thuyết phục của giả thuyết này với những giả thuyết khác về vai trò thể chế trong toàn cầu hoá. Không thể coi một thuyết nào đó như chân lý đương nhiên, rồi dựa vào nó để biện hộ, hay bài bác, chế độ đế quốc dù của nước nào.
Là một sử gia chuyên nghiệp, Ferguson lắm lúc ngây thơ, dễ tin một cách không ngờ. Chẳng hạn ông cho rằng Mỹ đóng quân ở A-rập Xê-út chỉ là để bảo vệ nước này chống lại Iraq, như các tổng thống Mỹ “tiết lộ” qua các bài diễn văn của họ. Ferguson cũng có vẻ không biết những tranh cãi trong nội bộ chính phủ Bush, dù chỉ về vấn đề Iraq, như những tiết lộ gần đây của Richard Clarke,[17] Bob Woodward,[18] và nhất là James Mann.[19]
Trong các lí do mà Ferguson đưa ra để biện hộ cho đế quốc Mỹ, ông quên rằng chính thái độ của dân Mỹ cũng là quan trọng. Có thể ông gọi đó (cách lấy làm tiếc) là hội chứng “thâm hụt kiên nhẫn”, và cho là dân Mỹ đã không dám nhận rằng nước họ là một đế quốc. Nhưng hai điều này có liên hệ với nhau: có thể là một khi dân Mỹ phát giác nước họ là một đế quốc thì cũng chính là lúc họ kêu gọi phải chấm dứt chính sách đó.
Những người như Ferguson, nhìn chế độ đế quốc từ chỗ đứng của công dân một đế quốc (hơn nữa lại là một đế quốc trong quá khứ xa xăm), khó hiểu nổi cái vô luân tàn bạo của đế quốc đối với dân tộc bị trị. “Đế quốc” của Ferguson không có tay sai giết chóc, cướp giật, tù đày, chà đạp nhân phẩm của người bị trị. Chính trong cách Ferguson tiên đoán sự thất bại của đế quốc Mỹ cũng biểu lộ tác phong “đế quốc” của ông: Mỹ sẽ thất bại không phải vì sự chống đối, nổi dậy của các dân tộc bị trị mà tại chính dân Mỹ thiếu kiên nhẫn![20]
Cũng nên ghi thêm, khoảng gần đây (sau khi cuốn sách này đã xuất bản) thì Niall Ferguson đã viết nhiều bài bình luận nhấn mạnh đến sự cần thiết của “hợp tác quốc tế”, và tỏ vẻ lo ngại là chính sách đế quốc của Mỹ hiện nay thiếu tính “chính đáng” (legitimacy).[21] Nghĩa là, hình như ông chợt nhận ra rằng, “chủ nghĩa đế quốc”, xưa cũng như nay, rốt cuộc chỉ là sự thống trị của kẻ mạnh, và các dân tộc bị trị chắc chắn sẽ có ngày đứng lên phá vỡ nó.
5. EMMANUEL TODD: “Sau đế quốc” Emmanuel Todd viết cuốn “Sau đế quốc”(1), một quyển sách đã gây sôi nổi ở Âu Châu trong hai năm qua. Todd là một nhà xã hội học và dân số học người Pháp được nhiều người biết vì năm 1976, khi mới 25 tuổi, ông là người đầu tiên công khai tiên đoán sự tan rã của Liên Xô qua cuốn “Sự sụp đổ cuối cùng” (La chute finale) căn cứ trên những dữ kiện dân số học, và những xu hướng xã hội và kinh tế dựa vào thống kê. Vậy là sau khi đã tiên tri sự tan rã của liên bang Xô Viết, Todd quay sang tiên đoán sự sụp đổ của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ!
Todd cho rằng sự suy tàn của đế quốc Mỹ không phải sẽ xảy ra, nhưng đã bắt đầu. Ông nêu ra ba hụt hẫng của nước Mỹ “chủ tể”:
Về mặt quân sự, sau những thất bại ở Việt Nam, Lebanon, Somalia, Mỹ không còn tin tưởng ở quân lính của họ, mà chỉ trông cậy vào sức mạnh và sự khôn ngoan của vũ khí. Chẳng những thế, dù với những vũ khí không nước nào bằng, Mỹ ngày nay chỉ dám tấn công các đối thủ hạng ruồi, không có khả năng trả đũa. Nói như Todd, từ một “đế quốc nửa vời” (quasi-empire), Mỹ đã trở thành một “đế quốc tiếm danh” (pseudo-empire).
Về mặt kinh tế, Todd có hai nhận định. Thứ nhất, Mỹ là một quốc gia tiêu dùng nhiều hơn sản xuất. Mỹ thu hút hàng hóa, dịch vụ, và vốn từ các nước khác, nhưng không có gì cống hiến lại cho thế giới. Cho đến gần đây thì, phần nào, thế lực kinh tế của Mỹ là nhờ đồng đô la được nhiều nước khác dùng làm tiền dự trữ. Tuy nhiên, sự thâm hụt kinh tế của Mỹ đã hăm doạ vai trò này của đồng đô la. Thứ hai, Todd cho là “toàn cầu hóa” (theo kiểu Mỹ) chỉ là cách để Mỹ áp đặt “tự do thương mại” theo lối có lợi cho Mỹ.
Về mặt ý thức hệ, Todd cho rằng Mỹ thiếu nhất quán. Nội bộ xã hội Mỹ không bình đẳng, và người Mỹ kém hiểu biết những xã hội, những nền văn minh khác. Todd cho rằng nền dân chủ của Mỹ ngày càng bị lũng đoạn vì quyền hành ngày càng tập trung trong tay một thiểu số thống trị. Thiểu số này không ngần ngại sử dụng vũ lực đối với các nước khác. Todd khẳng định là “cái ác” mà Mỹ nhìn thấy ờ những nước khác chỉ là một ảo giác phản chiếu “cái ác” thực sự ở chính nước Mỹ: bạo lực, bất công, bất bình đẳng.
Là nhà dân số học, Todd chú trọng đến những thành tích về giảm tỉ lệ sinh sản của đa số quốc gia, và hậu quả là mức sống cao hơn của họ. Theo Todd, sản lượng thế giới (ngoài Mỹ) ngày càng lớn, trình độ học vấn ngày càng khá, trong lúc Mỹ ngày lại càng xuống. Do đó có một thay đổi ưu thế so sánh giữa Mỹ và các nước khác (đặc biệt là Nga và châu Âu)
Nói cách khác, theo Todd, về kinh tế thì Mỹ đang nương tựa các nước khác, còn về chính trị thì Mỹ cũng không có ích gì cho ai. Tình huống này đưa đến hai hậu quả. Một là, Mỹ trở thành một “kẻ săn mồi” lùng kiếm những “triều cống” kinh tế từ các quốc gia khác, mà hệ thống triều cống này ngày càng khập khểnh, mong manh. Mỹ không còn khả năng gắn liền lợi ích của mình với tiến triển kinh tế ở các quốc gia khác. Hai là, càng suy yếu thì Mỹ càng tuyệt vọng, càng sừng sộ để bảo tồn vị thế bá chủ của mình. Theo Todd, đó là lí do khiến Mỹ sinh sự với Iraq, Iran, và Bắc Triều Tiên.
Tất cả những sự kiện nói trên (can thiệp chính trị khắp nơi, hùng hổ quân sự, và nền kinh tế quá tùy thuộc các nước khác), Todd khẳng định, sẽ đưa đế quốc Mỹ vào chỗ suy tàn. Ông ta cho rằng ngày càng nhiều quốc gia lìa khỏi, hơn là đi vào, vùng ảnh hưởng của Mỹ. Mỹ muốn thiết lập cái gọi là “đế quốc phóng khoáng” nhưng sẽ thất bại, vì ngày càng nhiều quốc gia nhận ra rằng họ không cần Mỹ.
Todd có nhiều nhận xét đúng, và đúng nhất là tiền đề của ông, rằng đế quốc Mỹ đang trên đường đi xuống. Tuy nhiên, ngoài vài phân tích dựa trên các xu thế dân số, cuốn sách của Todd không có gì mới. Những luận chứng ông đưa ra thiếu sức thuyết phục, và phần lớn là manh mún. Oái oăm thay, đó là đáng tiếc, vì có những bằng chứng vững hơn cho kết luận của Todd mà ông không biết, hoặc không dùng.
(1) Về mặt kinh tế, để chứng minh là Mỹ yếu, Todd bảo là Mỹ không sản xuất được gì cho nhân loại, chỉ biết thu hút tài nguyên của các nước khác. Đây là một lý luận theo thuyết trọng thương (mercantilism) đã lỗi thời từ nhiều thế kỉ. Todd cũng biết là những lý luận này của ông là phản lại học thuyết chuẩn về thương mại quốc tế dựa trên lợi thế so sánh, nhưng ông chỉ dè bĩu mỉa mai mà không đưa một học thuyết nào để thay thế.
(2) Todd dựa vào thuyết “quá khả năng đế quốc” (imperial overstretch) mà sử gia Paul Kennedy đề xuất vào năm 1987.[22] Theo thuyết này thì Mỹ, cũng như mọi đế quốc trong lịch sử, sẽ có ngày không đủ tài nguyên để duy trì đế quốc rộng lớn của họ. Nói chung chung thì không ai có thể phủ nhận tiên đoán này (một định luật tự nhiên về sự thăng trầm của lịch sử), song cái khó khăn là xác định thời điểm mà sự suy tàn của đế quốc Mỹ sẽ bắt đầu. Ngay Paul Kennedy, đối mặt với những thành công của Mỹ sau 1987, đã quay sang tán tụng đế quốc Mỹ trong những năm gần đây. Tất nhiên, Todd có quyền cho ý kiến của Kennedy năm 1987 là đúng, nhưng nếu thế thì ông phải trả lời những phản biện đã đặt ra cho ý kiến ấy. Todd im lặng về những nghi vấn này.
Todd cho rằng với những xu hướng đang thấy về dân số, giáo dục ... nhiều nước (châu Âu, Nga, Trung Quốc, Nhật) sẽ dần dần phất lên, và chống lại Mỹ. Đây là một lý luận quá đơn giản về tương quan lực lượng, không để ý đến những liên minh và cạnh tranh chiến lược giữa những nước này với nhau, trong đó có khi Mỹ là một đồng minh.
(3) Để giải thích sự yếu kém về ý thức hệ của Mỹ, Todd viện dẫn tình trạng bất bình đẳng trong xã hội Mỹ, đặc biệt là ý niệm “giai cấp trên” (“overclass”) lấy từ Michael Lind [1996] (một khái niệm khởi thủy từ Gunnar Myrdal[1975]). Theo Lind, quyền lực của nước Mỹ ngày nay là nằm trong tay khoảng 20% người Mỹ. Đó là những người làm chính trị, những chuyên gia, những nhà quản lí có bằng cấp đại học. Những người này -- mà Lind gọi là “giai cấp trên” -- dùng mọi mánh khóe để lèo lái nền kinh tế Mỹ cho quyền lợi của họ.
Tuy nhiên, thuyết “giai cấp trên” của Lind đã bị nhiều học giả (nhất là ở Mỹ) bài bác, cho là quá đơn giản, không đúng thực tế. Dường như Todd chẳng biết những ý kiến phản bác này. Sự thiếu quen thuộc của Todd với những phân tích sâu sắc hơn về xã hội Mỹ là đáng tiếc, bởi lẽ những phân tích này có thể còn làm mạnh hơn kết luận của Todd về sự rệu rã bên trong của đế quốc Mỹ. Kevin Phillips, chẳng hạn (trong cuốn “Của Cải và Dân Chủ”[2003]) nhận định rằng sự phân hoá giàu nghèo ngày càng gay gắt ở Mỹ là một quả bom nổ chậm của nước này. John Judis và Ruy Teixeira, đằng khác (trong quyển “Xã Hội Dân Chủ Đang Lộ Diện”[2002] đã đưa ra nhiều thống kê cho thấy những người tiến bộ ở Mỹ trong tương lai sẽ là đa số. Đúng là đế quốc Mỹ sẽ có ngày tàn, và có thể là nó đang trên hướng xuống, nhưng Emmanuel Todd chưa đi đủ xa để biện chứng cho kết luận này.
6. MICHAEL MANN: “Đế quốc không mạch lạc” Có lẽ tác giả giống Emmanuel Todd nhất, nhưng có sức thuyết phục mạnh hơn Todd, là Michael Mann, một nhà xã hội học người Mỹ chuyên nghiên cứu về nguồn gốc quyền lực xã hội (social power). Trong quyển "Đế quốc không mạch lạc" ("Incoherent empire" [2003]), Mann cho rằng những người cổ vũ đế quốc Mỹ đã đánh giá quá cao thực lực của Mỹ vì họ chỉ nhìn vào mặt quân sự. Họ không thấy rằng về kinh tế thì quyền lực của Mỹ rất mong manh, và quyền lực chính trị thì càng chênh vênh hơn nữa. Ông kể: Về quân sự, tuy rằng ngân sách quân sự Mỹ là rất lớn, và đang tăng (40% ngân quỹ quân sự toàn cầu năm nay), Mỹ giỏi tàn phá hơn bình định, chiếm đóng.[23] Về chính trị, Mỹ là một quốc gia bị phân liệt (schizophrenic), lúc thì theo chính sách đơn phương, lúc thì đa phương. Trên thực tế Mỹ thiếu khả năng cai trị nước khác, thậm chí cũng không kiểm soát nổi những quốc gia “thân chủ” của họ. Về kinh tế thì Mỹ, ngoài mặt, vẫn còn là nước mạnh nhất hoàn cầu. Song cái mạnh ấy dựa trên tài chính hơn là khả năng sản xuất thật sự. Chính nhờ nguồn vốn to lớn chảy vào nước Mỹ mà chính phủ Mỹ có thể chi nhiều hơn thu. Nói cách màu mè, theo Mann, thế giới đang đưa tiền cho Mỹ để bom thế giới! Tuy nhiên, Mỹ chỉ là anh tài xế ngồi ghế sau (backseat driver) trong cổ xe kinh tế thế giới: không nắm tay lái nhưng xúi dục, chỉ chỏ, ép các nước nghèo chấp nhận một chế độ “tân tự do” (neoliberalism) phung phí và phản lòng dân. Về ý thức hệ, Mỹ chỉ là một “bóng ma” (danh từ của Mann). Một mặt thì Mỹ hứa hẹn tự do, dân chủ, thịnh vượng cho mọi quốc gia, nhưng rồi lại có những hành động quân sự hoàn toàn trái ngược. Theo Mann, cũng nên để ý: văn hoá Mỹ không là một văn hoá đế quốc. Không như trẻ em Anh ngày truớc, trẻ em Mỹ ngày nay không bị dạy dỗ để khinh miệt các giống dân khác, hoặc để trở nên “khắc khổ trong trận mạc, hi sinh khi nguy biến, vâng lời người có quyền”.
Theo Mann, sự mâu thuẫn ở Mỹ giữa một bên là sức mạnh quân sự, và một bên là sự yếu kém kinh tế và phân liệt ý thức hệ, oái oăm thay, đã khiến Mỹ trở thành một “Tân Đế Quốc” mà thực chất là tân quân phiệt. Nói khác đi, sự manh mún bất tất giữa các quyền lực (quân sự, kinh tế, chính trị và ý thức hệ) của Mỹ đã đưa quốc gia này vào chỗ hoàn toàn dựa vào ưu thế duy nhất còn lại của họ, đó là sức mạnh quân sự. Song, cũng chính vì những điều “rời rạc” ấy, khó so sánh Mỹ với các đế quốc (tương đối thành công) trong quá khứ. Mỹ là một đế quốc khập khểnh, lổm chổm, chỉ làm thế giới thêm rối rắm, Mann khẳng định.
Nói cách hoa mỹ hơn, ông kết luận rằng Mỹ đã trở nên một chàng khổng lồ một mắt (one-eyed giant), và sự chú trọng thái quá của nước này đến sức mạnh quân sự đã làm trệch méo địa vị của Mỹ trên thế giới và hăm doạ sự thịnh vượng của chính họ.
Mann cho rằng cái đế quốc mà những người tân bảo thủ Mỹ [24] bảo là đang lên, thực sự là đang xuống. Là nhà xã hội học, Mann khuyên những người này nên học thêm môn xã hội so sánh và xã hội lịch sử.
7. ANDREW BACEVICH: Mỹ đã là đế quốc từ lâu Andrew Bacevich, một cựu đại tá trong quân đội Mỹ, hiện là giáo sư đại học Boston, là tác giả quyển “Đế quốc Mỹ: Thực tế và Hậu quả của Ngoại Giao Mỹ” [2002]. Trái ngược với Michael Mann (người cho rằng Mỹ là một đế quốc không mạch lạc), Bacevich cho rằng cái phong thái đế quốc của Mỹ không phải là mới, mà là chính sách đã có lâu năm của Mỹ, qua nhiều đời tổng thống. Mỹ cũng không phải là một “siêu cuờng miễn cưỡng” (“reluctant superpower”). Liên hệ, Bacevich cũng cho rằng không phải chính sách Mỹ sau ngày Liên Xô sụp đổ là không còn nhất quán, trở nên khập khểnh, quờ quạng. Hiện nay, cũng như trước kia (mà hầu như mọi người đều đồng ý), đường lối ngoại giao Mỹ luôn có những mục tiêu rõ rệt.
Theo Bacevich, Mỹ chẳng khác gì một “La Mã mới”: cố ý củng cố, duy trì và bành trướng một đế quốc mà Mỹ đã xây dựng có bài bản. Mỹ không phải là một siêu cường bất đắc dĩ, chỉ thi thố quyền lực khi bị bắt buộc, và chỉ vì những mục tiêu cao thượng. Đó là một huyền thoại mà giới cầm quyền Mỹ tung ra để chống lại khuynh hướng cô lập của đa số dân Mỹ, cũng như nhằm biện hộ rằng họ “đáng tin cậy”.
Để chứng minh Mỹ không phải chỉ “phản ứng” một cách thụ động trước những diễn biến thế giới, Bacevich đề nghị xem lại lý thuyết (ngược với ý kiến thông thường) của hai sử gia Mỹ là Charles Beard (1874-1948) và William Appleman Williams (1921-1990). Theo hai tác giả này, chính sách ngoại giao Mỹ có liên hệ mật thiết đến những vấn đề nội bộ của Mỹ, và rằng chủ nghĩa bành trướng là một thành tố cơ bản của nước Mỹ.
Bacevich cho rằng Williams để lại bốn điểm đáng nhớ. Một là, trong suốt thế kỷ 20, vai trò của Mỹ không thể hiểu khác như một biến thể của đế quốc (variant of empire). Hai là, sự hình thành của “đế quốc” Mỹ không phải ngẩu nhiên, mà phản ảnh một thế giới quan và một chiến lược hẳn hòi, có sự ủng hộ của dân Mỹ. Ba là, theo Williams, bản chất của “chủ nghĩa quốc tế phóng khoáng” (liberal internationalism) của Mỹ là nhằm giúp công ty Mỹ xâm nhập các nước khác. Bốn là, theo Williams, trên thực tế, cách chắc nhất đề bảo đảm các nước khác mở cửa nền kinh tế của họ là bằng quyền lực khống chế của Mỹ.
Áp dụng cái nhìn này vào lịch sử ngoại giao Mỹ thế kỉ 20 (mà theo Bacevich có sự ngần ngại tham gia vào các vấn đề quốc tế), Bacevich (cho là mình) đã phát giác động cơ chính của chính sách Mỹ ở Cuba, Đông Á, và Âu châu: động cơ ấy là kinh tế, chứ không phải chủ nghĩa biệt lập, hay an ninh quốc gia, hay gì khác. Nhìn theo cách đó, chính sách Mỹ là nhất quán (không như ý kiến của nhiều tác giả khác), dù đôi lúc có những thất bại, sai lầm. Theo Bacevich, dân Mỹ ủng hộ chính sách của nước họ vì lầm tưởng rằng Mỹ là một siêu cường miễn cưỡng, chỉ hành động khi bị áp lực từ ngoài, và chỉ nhằm những mục tiêu cao thượng.
Cụ thể hơn, quyền lợi kinh tế của Mỹ đòi hỏi sự vận hành nhuần nhuyễn của kinh tế thế giới (nhất là tự do thương mại và đầu tư), và sự tuân thủ pháp luật của mọi người. Tất cả các chính phủ Mỹ, dù trong tay đảng nào, đều mặc nhiên cho là Mỹ có vai trò lãnh đạo và phải có một lực lượng quân sự khống chế hoàn cầu.[25]
Nhận xét khá nổi bật của Bacevich là với sự phát triển của thông tin và viễn thông, hiện tượng đương đại hàng đầu là toàn cầu hoá (ông dành cả một chương để nói về vấn đề này). Theo ông, giới lãnh đạo Mỹ ý thức rõ điều ấy, thế nên đã đổi chiêu bài tuyên truyền từ “dân chủ” sang “toàn cầu hoá”. Thời kỳ “hậu chiến tranh lạnh” trở thành thời kỳ “toàn cầu hoá”. Bacevich khẳng định: “toàn cầu hoá rốt cuộc là một vấn đề về quyền lực”.
Từ kinh nghiệm của chiến tranh (tranh dành thuộc địa) giữa Mỹ và Tây Ban Nha, giới lãnh đạo Mỹ đã rút ra một bài học, đó là chinh sách thuộc địa ở các vùng đất xa xôi là không thích hợp với Mỹ (tổn phí quá lớn, cũng như đi ngược truyền thống trọng độc lập, chống đế quốc của dân Mỹ). Thách thức cho các nhà lãnh đạo Mỹ là tìm chính sách “đem lại lợi ích của đế quốc mà khỏi mang gánh nặng của đế quốc” (tr. 25). Đó là chủ nghĩa đế quốc mở cửa (open door imperialism)
Theo Bacevich, hầu hết những tranh cãi giữa các đảng phái Mỹ về chính sách ngoại giao của nước này chỉ là những “màn kịch chính trị” bởi vì thật sự là cả hai chính đảng của Mỹ đều đồng thuận về căn bản của chính sách này. Cụ thể là có một sự liên tục và nhất quán từ Clinton sang Bush. Bacevich cho rằng người Mỹ không nên phủ nhận rằng nước họ là một đế quốc. Điều quan trọng là Mỹ phải cư xử khôn ngoan, có nghĩa là phải thấy xa, hành động trước sau như một, và tự biết mình.
8. IVO DAALDER và JAMES LINDSAY: “Nước Mỹ tung hoành” Ivo Daalder là một nhà nghiên cứu của Brookings Institution và James Lindsay là viên chức trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia thời Clinton. Tác phầm hai ông này (“Mỹ không bị ràng buộc” [2003]) không bàn triết lý cao siêu hoặc chiến lược toàn cầu như các quyển khác, song chuyên nhiều hơn về chính sách của Bush (con) và những người chung quanh ông này. Cách viết của hai ông thường được khen là khách quan, từ tốn.
Cũng như những tác giả khác, Daalder và Lindsay bắt đầu với nhận định là trong hơn trăm năm qua Mỹ đã là một đế quốc (theo nghĩa nước Mỹ mạnh vô cùng, và có ảnh hưởng khắp thế giới) dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Tuy nhiên, hai ông cho rằng chính phủ Bush sai lầm ở chỗ theo đuổi chủ nghĩa đơn phương. Hậu quả của chính sách này là thế giới trở nên hỗn loạn, không còn thân thiện với Mỹ.
Đóng góp khá tinh tế của Daalder và Lindsay là sự phân biệt hai nhóm trong chính phủ (và những người thân cận) Bush. Một nhóm được hai ông gọi là những người “đế quốc dân chủ” (democratic imperialists) gồm những nhân vật tân bảo thủ (neo-conservatives) như Paul Wolfowitz, Richard Perle.[26] Và nhóm kia là những người “quốc gia xác quyết’ (assertive nationalists) gồm các nhân vật như Dick Cheney, Condoleezza Rice, Donald Rumsfield. Và hai ông cho rằng nhóm sau dù gì thì cũng có chức cao hơn nhóm trước. Nói khác đi, theo hai ông thì tân bảo thủ không có ảnh hưởng nhiều đến chính sách Bush như nhiều người lầm tưởng.[27]
Căn bản khác nhau giữa hai nhóm là ý thức hệ. Tân bảo thủ (nhiều người đã từng là Trốt kít) có thế giới quan khá lý tưởng: như những người Trốt kít từng kì vọng vào “cách mạng thường trực”, những người tân bảo thủ ôm mộng nước Mỹ đem dân chủ đến những quốc gia chưa dân chủ. Còn nhóm thứ hai (“quốc gia xác quyết”) thì không có lý tưởng cao siêu mà chỉ là chính trị thực tế (“realpolitik”): chính sách của Mỹ, theo họ, chỉ có mục đích là cực đại hoá quyền lực của Mỹ. Cả hai nhóm đều không muốn Mỹ bị ràng buộc bởi những thể chế quốc tế, những hiệp ước đa phương. Cả hai đều nhất quyết Mỹ phải trả đũa khi quyền lợi bị xâm phạm.
Theo Daalder và Lindsay, tranh luận trong giới cầm quyền Mỹ hiện nay không phải xung quanh câu hỏi Mỹ có nên làm đế quốc, nhưng là làm đế quốc kiểu nào. Mỹ có nên hành động đơn phương, với vũ lực (dù mất lòng những nước khác) như những năm 1910? Hay Mỹ nên thực hiện đế quốc qua những thể chế quốc tế, đa phương (dù hơi bị kềm chế tự do hành động) kiểu những năm 1950? Daadler và Lindsay kết luận rằng cái gọi là “cách mạng” của Bush chỉ là phần nào thôi, vì nó chỉ thay đổi cách thức nước Mỹ theo đuổi chính sách ngoại giao của họ, mà mục đích tối hậu vẫn không thay đổi.
9. CHALMERS JOHNSON: “Những nỗi sầu đế quốc” Chalmers Johnson là một viên chức cao cấp trong chính quyền Reagan, chuyên gia về Đông Á (nhất là Nhật Bản). Vì ông là một người trước đây rất bảo thủ, cuốn “Những nỗi sầu đế quốc” (The Sorrows of Empire [2004]) của ông, trong đó ông chí trích khá nặng nề chính sách Mỹ hiện nay, có tiếng vang lớn ở Mỹ.
Theo Chalmers Johnson: (1) Đa số người Mỹ không nhận, hoặc không muốn nhìn nhận, nước của họ đã trở thành đế quốc và quân phiệt từ lâu. Họ hay dùng những mỹ từ như “siêu cường duy nhất”, “quốc gia không thể thiếu,” “người sê-ríp miễn cưỡng”, “can thiệp nhân đạo”, và “toàn cầu hoá” để nói về quốc gia họ. Nhưng từ khi Bush lên cầm quyền thì Mỹ không còn che giấu gì nữa. (2) Sau chiến tranh lạnh, xu hướng đế quốc và quân phiệt của Mỹ trở nên trầm trọng hơn vì Mỹ lầm tưởng rằng sức mạnh của họ là lí do khiến Liên Xô sụp đổ. Johnson cho rằng Mỹ sẽ gặp bốn “nỗi sầu”. Nỗi sầu thứ nhất là họ sẽ liên miên trong chiến tranh, người Mỹ nơi nào cũng phải đối đầu với quân khủng bố, và ngày càng nhiều nước gây dựng khả năng nguyên tử để đề phòng Mỹ. Nỗi sầu thứ hai là dân chủ và các quyền hiến định ở Mỹ sẽ bị xoi mòn. Nhà Trắng sẽ lấn át quốc hội, và ngày càng nặng tính quân phiệt. Nỗi sầu thứ ba là sự thật bị thay thế bởi tuyên truyền, thông tin dối láo, sùng bái chiến tranh và quyền lực. Nỗi sầu cuối cùng, theo Johnson, là sự phá sản của nước Mỹ: Mỹ dồn hết tài nguyên vào phiêu lưu quân sự, bỏ bê giáo dục, y tế, an ninh cho công dân họ.
Cũng như nhiều người khác, Chalmers Johnson cho rằng “đế quốc” Mỹ đã có trước thời Bush, và cụ thể hơn, Clinton là thủ lãnh đế quốc kiến hiệu hơn Bush. Clinton đã dùng cách gián tiếp để áp đặt ý muốn của Mỹ lên nước khác, không phải thô bạo như Bush. Theo Johnson (cũng như nhiều người khác), quyền uy của nước Mỹ là lớn nhất nếu nó được (che giấu) thực hiện qua các thể chế quốc tế. (Trong lúc, nhắc lại, cánh hữu của Mỹ hiện nay cho rằng các tổ chức quốc tế chỉ cột tay nước Mỹ mà thôi.)
10. JOSEPH NYE: Quyền lực cứng và quyền lực mềm Joseph Nye, giáo sư Harvard và nguyên là viên chức cao cấp trong chính phủ Clinton, cũng là một tác giả xem địa vị độc tôn của Mỹ là đương nhiên. Thực vậy, Nye nổi tiếng một phần cũng vì cầm đầu phái chống lại quan điểm bi quan của Paul Kennedy năm 1987. Trái với Paul Kennedy (lúc ấy) là người tin rằng Mỹ sẽ theo vết chân của Tây Ban Nha và Anh đi vào giai đoạn suy đồi của đế quốc (vì lẽ cán cân quyền lực sẽ nảy sinh đối thủ hạ bệ nước Mỹ), Joseph Nye tin rằng nước Mỹ vẫn là chủ tể trong thế kỉ 21. Tuy nhiên Nye lo rằng Mỹ sẽ thất bại nếu không phát triển “quyền lực mềm” cho tương xứng với “quyền lực cứng” mà Mỹ đang có.
Nye đề xuất ý niệm “quyền lực mềm” vào năm 1990 (trong quyển “Bound to lead”). Theo ông, có hai loại quyền lực: quyền lực ứng xử (behavioral power) và quyền lực tài nguyên (resource power). Quyền lực ứng xử là khả năng đạt được những kết quả mong muốn, và quyền lực tài nguyên là những tài nguyên sở hữu để đạt những kết quả mong muốn. “Quyền lực ứng xử” theo Nye, lại có thể chia làm hai loại: cứng và mềm. Quyền lực cứng là khả năng (qua đe doạ hoặc hứa thưởng, quân sự hoặc kinh tế) khiến người khác làm những gì mà họ không tự ý làm. Quyền lực mềm là khả năng đạt mục tiêu của mình bằng cách quyến rủ, thuyết phục người khác hơn là hăm doạ hoặc mua chuộc người ấy.
Quyền lực mềm dựa vào văn hoá, thể chế, lối sống, hệ thống giá trị, và chính sách. Nye giải thích: khi ta thuyết phục người khác muốn cái mà ta muốn, thì ta không cần tiêu tốn để đe doạ hoặc tưởng thưởng để người ấy làm theo ý ta.
Quyền lực quân sự, theo Nye, hiển nhiên là cần, nhưng có nhiều mặt mà quyền lực mềm sẽ hữu hiệu hơn (ví dụ như “xây dựng quốc gia” và ngăn chận sự lan tràn vũ khí hạt nhân). Nye cho rằng chính sách Mỹ dưới quyền Bush đã lơ là quyền lực mềm (nhất là ở Trung Đông) và Mỹ phải trả giá cho sự thất bại này. Nye tin là Mỹ vẫn có thể là một đế quốc trong thế kỉ 21 nếu nước này thành công trong huy động quyền lực mềm như đã thành công trong quyền lực quân sự, và biết cách phối hợp hai thứ quyền lực này để thực hiện các mục tiêu toàn cầu của Mỹ.
Thách thức cho nước Mỹ là sự bùng nổ của cách mạng thông tin và toàn cầu hoá. Theo Nye, khi chi phí truyền thông sụt giảm nhanh chóng như ngày nay, nhiều “chủ thể” có thể thâm nhập vào chính trị thế giới, bắt buộc chính sách Mỹ phải trở nên vô cùng phức tạp.
Nhìn lại, ý kiến của Nye không là mới, chỉ được cụm từ “quyền lực mềm” là mới, là “kêu”. Một điều nữa trong các tác phẩm của Nye là việc ông phủ nhận tính quyết định của sức mạnh quân sự và kinh tế. Ông nhấn mạnh rằng Mỹ nên chú ý nhiều hơn đến khả năng thuyết phục cộng đồng quốc tế (qua ngoại giao, quảng cáo hình ảnh nước Mỹ, và văn hoá).
11. IMMANUEL WALLERSTEIN: Đế quốc và hệ thống Wallerstein là một học giả phái tả (tuy rằng có nhiểu người Mác xít chê lí luận của ông về đấu tranh giai cấp là thiếu chiều sâu) và thường được biết như một tác giả chủ chốt về lý thuyết hệ thống tổng quát (general system theory). Gần đây ông cũng khai thác áp dụng “thuyết hỗn loạn” (chaos theory) vào phân tích tình hình thế giới. Ông cho rằng đúng là thế giới hiện nay đang đứng trước hai lối rẻ (bifurcation point): thế giới trong tương lai sẽ rất khác thế giới cho đến nay, nhưng khác thế nào (tốt hay xấu hơn) thì chưa biết được. Wallerstein chú ý đặc biệt đến các vấn đề văn hoá, vai trò của trí thức, và chiến lược của phe tả. Trong cuốn sách mới của ông, những câu hỏi này được phân tích trong bối cảnh suy tàn của quyền lực Mỹ
Ông nhìn nhận rằng, nếu chỉ nhìn cục diện hiện tại (Liên Xô đã tan rã, kinh tế Nhật èo uột, và Mỹ chiếm Iraq không chút khó khăn) thì khó cho rằng quyền lực Mỹ đang đi vào buổi xế chiều. Theo Wallerstein, chính Liên Xô vô tình đã chống đỡ quyền lực Mỹ trong thời kì cực thịnh của nó (1945) bằng cách (1) làm các quốc gia Tây Âu lo sợ, phải chui núp dưới bóng Mỹ, (2) cho phép Mỹ lấy cớ phải đương đầu với Liên Xô nên chẳng giúp đồng minh được nhiều, (3) “canh chừng” phe của Liên Xô và ổn định trật tự thế giới. Việt Nam là một ngoại lệ. Theo Wallerstein, tình trạng bắt đầu chấm dứt từ thập kỉ 70, nhất là sau chiến tranh Việt Nam. Ngày tàn của đế quốc Mỹ bắt đầu từ lúc ấy.
12. MICHAEL HARDT và ANTONIO NEGRI: Thể chế đế quốc Cuối cùng, tưởng cũng nên nói qua về quyển “Đế Quốc” (Empire [2000]) của Hardt và Negri, đã làm sôi nổi dư luận trong vài năm gần đây, mặc dù quyển này không nói riêng về Mỹ. Hai ông (Hardt là người Mỹ, Negri là người Ý) tổng hợp triết học, chính trị học, nhiều ý niệm về văn hoá và xã hội hoc, để mô tả hệ thống cai trị toàn cầu đang xuất hiện. Hardt và Negri cho rằng cái mà chúng ta đang thấy không phải chỉ là đế quốc Mỹ, nhưng mà là “thể chế đế quốc”, một hình thức toàn cầu tự chủ (global sovereignty). “Thể chế đế quốc” không có giới hạn lãnh thổ như đế quốc trong quá khứ, hoặc là đóng khung trong một nhà nước quốc gia (nation state), nhưng là một phương cách cai trị linh động (fluid) và phi dạng (amorphous), hiện thực qua nhiều loại cơ chế (agencies). Trung tâm của “thể chế đế quốc” ấy không là một siêu cường duy nhất nhưng là tổ hợp các ý niệm về luật pháp và công lý phổ quát. Sự bành trướng của “thể chế đế quốc”, theo hai ông, đi kèm sự rỗng ruột (“hollowed out”) của thể chế dân chủ, và được thay thế bằng những quy tắc quản lí và hành chính. Tuy nhiên, hai tác giả này cho rằng “thể chế đế quốc” ấy đã bắt đầu suy đồi.
Hardt và Negri chơi chữ: cho là nên phân biệt chính sách đế quốc (imperial) và chính sách “đế quốc chủ nghĩa” (imperialist). Họ cũng nhận xét là chủ nghĩa đế quốc ngày nay khác chủ nghĩa đế quốc ngày xưa ở chỗ ngày xưa thì căn cứ vào đất đai, vào lãnh thổ, còn ngày nay thì căn cứ vào quyền uy của một “mạng quyền lực” (họ gọi là “network power”, luôn viết trong ngoặc kép). Họ không dám nói chắc là thứ đế quốc mới này tuỳ thuộc vào sức mạnh của Mỹ đến mức độ nào. Tuy nhiên Hardt và Negri bác bỏ ý kiến cho rằng đế quốc Mỹ ngày nay chỉ là tái lập những đế quốc Tây phương đã giải thể sau Thế Chiến I, và nhấn mạnh rằng thể chế đế quốc ngày nay không phải chỉ là tiếng vọng của các chủ nghĩa đế quốc hiện đại nhưng là một hình thức cai trị khác, tự căn bản.
Hai ông này viết rất khó hiểu, và nhiều chỗ cho thấy hai ông không biết nhiều về hiện trạng thế giới ngày nay. Họ có những ý kiến rất ngây thơ về vai trò của sinh công nghệ (bioengineering) và thich quặn quẹo chơi chữ (cố phân biệt đế quốc, thể chế đế quốc, và địa vị bá chủ (hegemony) của Mỹ).[28]
13. Kết luận Từ những cuốn sách kể trong bài này, người đọc có vài kết luận.
(1) Mỗi tác giả đều có vài nhận xét đáng ghi nhận, nhưng chưa quyển nào hoàn toàn thuyết phục. Không quyển nào có triển vọng giá trị lâu bền. Không tác giả nào có cái nhìn tổng thể, dài hạn. Phán đoán thiện cảm nhất của người đọc chỉ có thể là những quyển sách này bổ túc cho nhau.
(2) Hầu hết các tác giả đều bị choá mắt ít nhiều trước sức mạnh quân sự hiện nay của Mỹ, song không ai tin rằng đế quốc Mỹ sẽ tồn tại lâu. Đa số đồng ý là Mỹ đã có tác phong đế quốc từ lâu (trước Bush). Cái khác giữa họ là đế quốc Mỹ có thể tồn tại bao lâu, có nên hành động một mình hay qua các tổ chức quốc tế. Hầu như mọi tác giả nói đến trong bài này đều khinh miệt khả năng tự trị của các nước khác (nhất là các nước Á Rập).
(3) Hầu hết đều nhận định rằng dân Mỹ không (hoặc không muốn) tin rằng Mỹ là “đế quốc”. Chính vì thế mà Bush và những người phe ông chỉ có thể thuyết phục dân Mỹ ủng hộ chiến tranh xâm lược Iraq qua chiêu bài “quốc phòng”, bảo vệ sinh mạng và tài sản dân Mỹ. Sự cố 11/9 là một cơ hội tuyên truyền hi hữu cho Bush.
Có lẽ nguy hại nhất cho nước Mỹ (như Chalmers Johnson và nhiều người khác đã chỉ rõ) là chính sách đế quốc sẽ đánh mất những giá trị tự do, dân chủ, và dân quyền mà cho đến nay đa số trên thế giới (đúng hoặc sai) vẫn gắn liền với hình ảnh Mỹ. Đối với Johnson, cái giá mà Mỹ phải trả cho chính sách đế quốc là những “khổ buồn” cho dân tộc Mỹ.
(4) Những tác giả cổ vũ đế quốc Mỹ thường so sánh trường hợp Mỹ ngày nay với đế quốc Anh thế kỉ trước.[29] Họ cho rằng đế quốc Anh thời cực thịnh là bằng chứng thành công của chính sách đế quốc không nương tay (“imperial ruthlessness”), kinh tế tư bản trưởng giả (khác tư bản quản lí) và đạo đức Victorian. Cũng theo họ, sự suy đồi của Anh xuất phát từ bên trong nước Anh, từ tác phong hậu trưởng giả (post-bourgeois), tư duy ưu tú (elitist) của nhóm trí thức Bloomsbury.[30] Do vậy, nước Anh thiếu chuẩn bị về đạo đức lẫn nguồn lực để chống phát xít chuyên chế. Đối với những người tân bảo thủ, vĩ nhân hàng đầu của thế kỉ 20 là thủ tướng Anh Winston Churchill (người bảo quản những giá trị Victorian), không phải tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt (như đánh giá của đa số sử gia Mỹ) mà họ cho là thiếu xác quyết, nhiều ảo vọng.
(5) Sự thực là, khuynh hướng đế quốc hiện nay của Mỹ là do một số nhà bình luận còn rất trẻ, chỉ biết lịch sử qua (một số) sách báo. Như Peter Brimelow (cũng là một tác giả bảo thủ dân Mỹ gốc Anh[31]) đã nói: vấn đề với những người như Max Boot là họ quá trẻ. Họ đã không sống qua thời các chiến tranh thuộc địa như Việt Nam, Algeria, không hề biết những kinh nghiệm ấy đã để lại những vết thương cho chính mẫu quốc như thế nào, và những khó khăn thực sự khi phải đến nước khác “bình định” dân bản xứ.
Đó là không nói đến vấn đề mà các tác giả này không thể nhìn chế độ đế quốc như người bị trị. Họ không nhìn nó qua con mắt của người bị chà đạp nhân phẩm, của những dân tộc bị cưỡng chiếm. Họ có nói đến sự nhục nhã ("humiliation"), song chỉ phớt qua, và không hề nghĩ đến ảnh hưởng của thuộc địa hoá đến chính những người đi chà đạp những dân tộc khác (nên xem Frantz Fanon về vấn đề này). Họ lầm tưởng rằng Mỹ sẽ bảo đảm được an ninh của mình bằng bom đạn, súng ống. Sự thật, sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ (cũng như mọi đế quốc trong quá khứ) sẽ có lúc suy tàn. Không sớm thì muộn, kẻ bị trị sẽ quật cuờng. Đó là định luật sắt của lịch sử.
THAM KHẢO
Bacevich, Andrew J., 2002, American Empire: The Realities and Consequences of US Diplomacy, Cambridge: Harvard University Press.
Boot, Max, 2002, The Savage Wars of Peace: Small Wars and the Rise of American Power, New York: Basic Books.
Cohen, Eliot, 2004, “History and the hyperpower,” Foreign Affairs, tháng 7-8
Daalder, Ivo, và James Lindsay, 2003, America Unbound: The Bush Revolution in Foreign Policy, Washington DC: Brookings Institution Press
Donnelly, Thomas, 2002, “The Past as Prologue: An Imperial Manual,” Foreign Affairs July/August. Dũng, Trần Hữu, 2003, "Tân bảo thủ và chính sách ngoại giao Mỹ hiện nay," Thời Đại Mới tháng 3/2004
Economist, 2003, “America and Empire,” số ngày14 tháng 8.
Ferguson, Niall, 2004, “A World Without Power,” Foreign Policy, tháng 7-8
Ferguson, Niall, 2003, “Hegemony or empire,” Foreign Affairs, tháng 9-10.
Ferguson, Niall, Empire: The Rise and Demise of the British World Order and the Lessons for Global Power, New York: Basic Books
Ferguson, Niall, 2004, Colossus – The Price of America’s Empire, New York: Penguin Press
Ferguson, Niall, và Laurence Kotlikoff, 2003, “Going Critical,” National Interest, số mùa thu. Hardt, Michael, và Antonio Negri, 2000, Empire, Cambridge: Harvard University Press.
Heer, Jeet, 2003, “Operation Anglosphere,” Boston Globe, 23 tháng 3
Johnson, Chalmers, 2004, The Sorrows of Empire: Militarism, Secrecy, and the End of the Republic, New York: Metropolitan Books
Judis, John, 2004, “Imperial Amnesia,” Foreign Policy, tháng 7-8.
Judis, John, và Ruy Teixeira, 2002, The Emerging Democratic Society, New York: Scribner
Kaplan, Roger, 2004, “Imperial America?”, Weekly Standard, 5 tháng 4
Kennedy, Paul, 1987, The Rise and Fall of the Great Powers: Economic Change and Military Conflict from 1500 to 2000, New York: Vintage Books
Kennedy, Paul, 2002, “The Greatest Superpower Ever,” New Perspective Quarterly, số mùa thu.
Kurtz, Stanley, 2004, "Democratic Imperialism: A Blueprint," Policy Review, tháng 4
Lind, Michael, 1996, Next American Nation, New York: Free Press
Mallaby, Sebastian, 2002, “The Reluctant Imperialist: Terrorism, Failed States, and the Case for American Empire,” Foreign Affairs số tháng 7-8. Postcript (tháng 6- 2004) Mallaby, Sebastian, 2004, “Liberal Imperialism, R.I.P.,” Foreign Affairs, tháng 7-8 Mann, Michael, 2003, Incoherent Empire, New York: Verso
Marshall, Joshua, 2004, “Power Rangers,” New Yorker, 23 tháng giêng.
Mead, Walter Russell, 2001, Special Providence: American Foreign Policy and How It Changed the World, New York: Alfred A. Knopf.
Myrdal, Gunnar, 1975, An American Dilemma: The Negro Problem and Modern Democracy, New York: Pantheon
Newhouse, John, 2004, Imperial America: The Bush Assault on World Order, New York: Alfred A. Knopf
Nye, Joseph, 2002, The Paradox of American Power: Why the World's Only Superpower Can't Go It Alone, New York: Oxford University Press Nye, Joseph, 2004, Soft Power: The Means to Success in World Politics, New York: PublicAffairs
Phillips, Kevin, 2003, Wealth and Democracy, New York: Broadway Books, 2003
Spengler, Oswald, 1922, The Decline of the West, người dịch Charles Francis Atkinson, New York: Alfred A. Knopf
Todd, Emmanuel, 2002, Après l’empire – Essai sur la décomposion du système américain, Paris: Robert Laffont
Todd, Emmanuel, 1976, La chute finale -- Essai sur la décomposition de la sphère soviétique, Paris: Gallimard
Wallerstein, Immanuel, 2003, The Decline of American Power: The U.S. in a Chaotic World, New York: Free Press CHÚ THÍCH *Department of Economics, Wright State University, Dayton, Ohio, Mỹ. Vài đoạn trong bài này đã được đăng trên các tạp chí Diễn Đàn và Tia Sáng. [1] Xem, chẳng hạn, The Economist 14 tháng 8, 2003, số đặc biệt về đế quốc. [2] Có nhiều tranh luận xung quanh vấn đề: nên gọi Mỹ là “đế quốc” (empire) hoặc “nước lãnh đạo” (hegemon)? Chữ “hegemony” có vẻ “mềm” hơn, và được nhiều tác giả (như William Kristol) thích dùng. “Imperialism” thì khá “thằng thừng”, song được những người như Max Boot cho là đúng hơn. Immanuel Wallerstein (xem dưới đây) cho rằng “hegemony” có nghĩa mạnh hơn là chỉ có quyền lãnh đạo, nhưng không hẳn là đế quốc. Theo Johannsson (xem Ferguson [2003]), nguyên thủy chữ “hegemony” được dùng để mô tả liên hệ (cổ thời) giữa Athens và các thành phố Hi Lạp khác, trong liên minh chống đế quốc Ba Tư (Persian). Trong liên hệ này, Athens tổ chức và hướng dẫn liên minh, nhưng không đòi hỏi uy quyền chính trị thường xuyên đối với các đô thị khác. [3] Điều này hiển nhiên là đúng vì chỉ sau hai nhiệm kỳ của Clinton, ngân sách liên bang Mỹ đã từ thâm hụt kỷ lục trở thành thặng dư kỷ lục. Oái oăm thay, thành tích này của Clinton bị nhiều người như Dick Cheney coi là bằng chứng cho thấy thâm hụt ngân sách không có hậu quả gì cả. [4]Chẳng những thế, tỉ số chi phí quốc phòng trong GDP của Mỹ ngày lại càng giảm! [5]Nói chung, Wall Street Journal là một nhật báo có nhiều tin tức khách quan, trung thực. Tuy nhiên, trang bình luận của báo này là cực hữu. [6]The Savage Wars of Peace: Small Wars and the Rise of American Power (2002, New York: Basic Books) [7]Để ý câu "Savage Wars of Peace" ("những chiến tranh mọi rợ của thái bình") là lấy từ bài thơ năm 1899 của Kipling, trong đó có câu nổi tiếng "gánh nặng của người da trắng" (white man's burden"). Take up the White Man's Burden- And reap his old reward: The blame of those ye better, The hate of those ye guard.'' [8] Cụ thể hơn, Max Boot, trong một bài trên tờ Financial Times vào đầu tháng 7/2003 đã kêu gọi Mỹ nên có một "Bộ Thuộc Đia". [9] Xem thêm Joshua Muravchik trên nguyệt san Commentary. [10]“New hopes of liberty, security, and prosperity” [11] Song mới đây (tháng 6/2004), sau khi chúng kiến những thất bại của Mỹ ở Iraq, Mallaby đã hối tiếc bài viết năm 2002 của ông. [12] Một chi tiết khá thú vị là cuốn này được xuất bản ở Anh với tựa “The Rise and Fall of the American Empire” (Sự thăng trầm của đế quốc Mỹ) [13]Niall Ferguson, 2003, The Rise and Demise of the British World Order and the Lessons for Global Power, NY: Basic Books. [14] Súng tự động đầu tiên thế giới, còn được gọi là “cái cọ sơn của quỷ” (“the Devil’s Paintbrush”) [15] Nói cho đúng, nhà kinh tế Lawrence Kotlikoff mới là chuyên gia báo động gánh nặng bảo hiểm xã hội ở Mỹ, Ferguson chỉ ghép những phân tích của Kotlikoff vào thuyết về đế quốc. Xem Niall Ferguson và Lawrence Kotlikoff, “Going Critical: American Power and the Consequences of Fiscal Overstretch,” National Interest¸73, mùa thu 2003, tr. 22-32 [16] Dani Rodrik, 2003, “Feasible Globalization,” bản thảo chưa xuất bản. [17] Richard Clarke, 2004, Against All Enemies: Inside America's War on Terror, NY: Free Press [18] Bob Woodward, 2004, Plan of Attack, NY: Simon & Schuster [19] James Mann, 2004, Rise of the Vulcans: The History of Bush's War Cabinet, NY: Viking Press [20] Gần đây, Ferguson có sang viếng Việt Nam và những gì ông viết về Việt Nam (trên trang bình luận của tờ Wall Street Journal, càng chứng tỏ sự ngây thơ, thậm chí tính thực dân của ông ta. [21] Robert Kagan, nòng cốt của nhóm tân bảo thủ, cũng đã bắt đầu có những lo âu tương tự. [22] Xem Đoạn 1 (về Paul Kennedy) phía trên. [23] Phảng phất ý của Ferguson [24] Xem Trần Hữu Dũng, 2004,“Tân bảo thủ và chính sách ngoại giao Mỹ hiện nay,” Thời Đại Mới số 1. [25] Về điểm này, xin xem thêm Eliot Cohen (2004) [26] Xem Trần Hữu Dũng, bài đã dẫn, hoặc “Diều hâu Mỹ: Ai là ai?” Diễn Đàn tháng 3, 2003. [27] Nhưng hai ông lầm, xem Trần Hữu Dũng trong Thời Đại Mới. [28] Hình như thói chơi chữ là căn bệnh chung của nhiều tác giả viết về đế quốc. Deepak Lal (nhà kinh tế gốc Ấn đang dạy ỏ Đại học California ở Los Angeles) là một trong những tác giả cho rằng chế đô thế giới bẩm sinh không phải là quốc gia nhưng là đế chế, định nghĩa như là một khối kết (conglomerates) đa chủng, kết hợp nhau bằng những ràng buộc liên quốc có tính chất tổ chức (organization) và văn hoá. Đế quốc thành công nhất trong lịch sử, theo Lal, chính là Trung Quốc. [29]Nhất là Ferguson và Boot. Tuy nhiên họ cũng khác nhau: Boot, căn cứ vào kinh nghiệm Anh, cho rằng Mỹ có thể làm đế quốc được, còn Ferguson thì cho rằng Mỹ khó đuợc như Anh. [30] Nhóm Bloomsbury là một nhóm trí thức người Anh chia sẻ “một thái độ với cuộc sống” (“a common attitude to life”), hay gặp nhau uống trà, tranh luận. Đa số thành viên của nhóm này biết nhau ở Trinity College (Cambridge) vào đầu thế kỉ 20. “Bloomsbury” dần trở thành đồng nghĩa với một tác phong và quan điểm cá biệt về văn chương, triết học, nghệ thuật, cũng như lý thuyết kinh tế và tâm lý học. Thành viên nhóm Bloomsbury gồm Clive Bell, John Maynard Keynes, Desmond McCarthy, Leonard Woolf và Saxon Sydney Turner. Trong các nhà văn “Bloomsbury” có những tên tuổi hàng đầu của thế kỉ 20 như E. M. Forster, Lytton Strachey, Virginia Woolf. Họa sĩ thuộc nhóm này thì có Vanessa Bell, Roger Fry và Duncan Grant. Những bức tranh của họ bị ảnh hưởng nhiều bởi trường phái Hậu Ấn tượng (Post Impressionism) và thuờng tôn vinh cái đẹp mượt mà của cảnh vật chung quanh thường ngày. [31] Dẫn trong bài của Jeet Heer [2003]
|