Số 20 - Tháng 11/2010
Học thuyết Marx: Từ “giá trị-lao động” đến “tư bản” Lữ Phương
Nhiều người đã nói đến ba nguồn tư duy tạo thành học thuyết Marx: kinh tế Anh, triết học Đức, chủ nghĩa xã hội Pháp. Mục đích của bài viết này là làm sáng tỏ nguồn đầu tiên, tập trung vào một chủ đề cụ thể: đó là lý luận giá trị-lao động (théorie de la valeur-travail) hoặc lý luận lao động về giá trị (labour theory of value), đặc biệt qua sự diễn giải của Adam Smith và David Ricardo của trường kinh tế cổ điển mà Marx đã tiếp thu những khái niệm, những tiền đề, đồng thời phê phán, điều chỉnh để phác hoạ ra luận đề chính trị-triết học đặc trưng macxit gọi là giải phóng lao động với cuộc cách mạng vô sản của ông. Phương pháp biện luận nào đã dẫn đến sự chuyển hoá những khái niệm căn bản của trường kinh tế cổ điển thành những trung giới logic tạo nên cuộc cách mạng đó? Tư bản trong kinh tế cổ điển đã trở nên khác đi so với “tư bản” trong tư duy của Marx như thế nào? Dựa trên nền tảng giá trị nào Marx tiến hành công việc mà ông đeo đẳng suốt đời là phê phán kinh tế chính trị? Những giá trị ấy thực chất có bao hàm nội dung đi ngược lại những nguyên lý pháp quyền tư sản? Lý luận lao động của Marx có thật sự đoạn tuyệt hay chỉ là một cách giải thích về lý luận giá trị-lao động của trường kinh tế cổ điển? Tác dụng thực sự của những khái niệm “sức lao động”, “giá trị thặng dư”, “lợi nhuận” trong biện luận của Marx có ý nghĩa gì trong sự phê phán kinh tế tư sản? Những kết luận của Marx về cuộc cách mạng giải phóng lao động là sự vận động sinh thành tất yếu của những mầm móng tồn tại trong bản thân hiện thực hay chỉ là những va chạm tư biện của những khái niệm triết học? Nhiều câu hỏi như vậy đã được đặt ra trong bài viết cùng với những câu trả lời có thể gây bất ngờ, nhưng tất cả đều dựa vào chính các luận cứ mà Marx đã trình bày minh bạch qua hai bản thảo ngày càng được giới nghiên cứu cho là cực kỳ quan trọng của ông: Grundrisse (1857-1858) và Các học thuyết về giá trị thặng dư (1861-1863). Bài viết gồm có 8 phần như sau:
1 Adam Smith mở đầu cuốn The Wealth of Nations (1776) [Bản tiếng Việt: Đỗ Trọng Hợp, Của cải của các dân tộc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997 ] của mình bằng câu: “Lao động hàng năm của mỗi dân tộc là cái quỹ vốn cung cấp ban đầu cho dân tộc đó mọi thứ cần dùng và tiện nghi của đời sống mà nó tiêu thụ hàng năm, quỹ vốn ấy cốt yếu bao giờ cũng là kết quả trực tiếp của lao động đó, hoặc là các thứ mua được từ những dân tộc khác với kết quả đó”. (“Lời giới thiệu”, Bản tiếng Việt (BTV): tr 47, có sửa). Cần chú ý đến từ “quỹ vốn” được sử dụng ở đây như là sở hữu thuộc về một dân tộc với ý nghĩa khái quát của nó: sản phẩm của một quá trình tạo ra của cải cho toàn xã hội, điều mà bây giờ chúng ta gọi là sự tăng trưởng kinh tế. Vấn đề Smith đặt ra như vậy chủ yếu là tìm hiểu nguồn gốc có tính chất xã hội của của cải một cách vĩ mô, tổng thể. Để triển khai việc tìm hiểu nói trên, Smith cho rằng cần phải xác định cái nhân tố chủ thể hướng về mục tiêu đó, coi nhân tố đó như động lực thúc đẩy sự phát triển mà cũng là tiêu chuẩn đo lường mức độ của sự phát triển ấy. Với Smith, động lực ấy và thước đo ấy chính là lao động của con người – lao động nói chung, không phân biệt chi tiết – mà hiệu quả của nó là tạo ra những giá trị đại biểu cho những vật thể, có thể sờ mó, định lượng, tái tạo, nhân lên được và diễn ra thường xuyên trong không gian và thời gian một cách khách quan . Những thứ sản phẩm quá cá biệt, độc đáo, thuộc lĩnh vực thẩm mỹ, cá nhân, thuần tuý tinh thần, tuy là hiện thực nhưng không nằm trong phạm trù kinh tế gọi được là “sản xuất” và có thể “tái sản xuất”. Quan niệm lấy lao động làm thước đo sản phẩm trên đây, Smith đã thừa kế một cách tự nhiên từ rất nhiều người đi trước ông, trong đó John Locke, William Petty… là những phát ngôn minh bạch nhất. Với những tác giả này, khởi đầu, mọi thứ vật thể trên trái đất đều là quà tặng của tự nhiên, chỉ nhờ có lao động mà những thứ có nguồn gốc tự nhiên mới trở thành có giá trị với con người, do con người tạo ra làm cho con người không còn phụ thuộc vào tự nhiên nữa. Nói cách khác lao động tạo ra thế giới văn hoá cho con người, xét về mặt nhu cầu lẫn mối quan hệ xã hội. Những giá trị của những vật thể tạo ra ấy, William Petty cho đó là sự kết hợp giữa đất đai và lao động, như một câu nói thường hay được nhắc lại của ông: “Lao động là Cha, nguyên lý năng động của Của cải, cũng như Đất là Mẹ”. Khái niệm về tư bản với Petty do đó đã mang nội dung của một thứ lao động đã được vật thể hoá và thuộc về quá khứ, gọi là “lao động quá khứ” sau này được John Locke chuyển thành nội dung chính trị về quyền tư hữu cho trường kinh tế chính trị cổ điển: đất đai nguyên liệu là của trời đất, ai bỏ lao động ra khai thác được thì sẽ là chủ sở hữu một cách tự nhiên. Từ những tiền đề mặc nhiên nói trên, Smith đã đưa lý luận giá trị-lao động vào những giới thuyết cụ thể hơn, đặc biệt trong lĩnh vực trao đổi trong thời kỳ sự phân công lao động đem đến hiệu quả mở rộng cho sản xuất. Trong sự trao đổi này, Smith có nói đến khái niệm “giá trị sử dụng” để chỉ tính chất “có ích” của sản phẩm làm ra đối với người tiêu dùng, và đưa ra nghịch lý bỏ ngỏ mà về sau người ta thường nhắc lại và gọi là nghịch lý kim cương/nước [“không có gì có ích hơn nước, nhưng hầu như không thể dùng nước để mua được bất cứ cái gì khác” (tr. 83)] . Thật sự thì trong những tình huống nước trở thành khan hiếm, nhận xét này không còn đúng nữa, nhưng Smith không thảo luận thêm vì ông muốn tập trung làm sáng tỏ khái niệm đi song hành với “giá trị sử dụng” là “giá trị trao đổi”: giá trị này được ông định nghĩa một cách cô đọng ngay từ đầu để về sau luôn được nhắc lại: đó là cái “khả năng mua” một vật thể khác khi ta có sẵn trong tay một sản phẩm “có ích” mà mình muốn nhường lại. Và cũng qua cách diễn đạt này, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa tiềm ẩn của giá trị sử dụng trong mối quan hệ của nó với giá trị trao đổi: giá trị sử dụng chứa đựng trong những vật thể có ích, theo cách nói của Marx sau này, là cái giá đỡ đưa những vật thể ấy vào lĩnh vực trao đổi, để chúng có thể mang được ý nghĩa của những vật thể có giá trị trao đổi. Nôm na là: chỉ có những vật có ích thì mới có thể đem đi trao đổi. Và như chúng ta đã ta biết, với Smith, cũng như với tất cả những nhà lý luận theo trường phái kinh tế cổ điển, thước đo của những sản phẩm đem trao đổi là số lượng lao động hàm chứa trong sản phẩm ấy, số lượng lao động này chỉ có thể trao đổi lấy một sản phẩm khác cùng chứa một lượng lao động tương đương. Sự ngang giá trong trao đổi ở đây đã trở thành nguyên lý để một nền kinh tế dựa trên trao đổi có thể vận hành có lợi cho toàn xã hội: một người trong khi chỉ có thể sản xuất ra một số mặt hàng đặc biệt thì vẫn có thể hưởng được thành quả của những người sản xuất khác trên khắp thế giới, một cách sòng phẳng, công bằng. Sự bình đẳng đã trở thành tiền đề của nền kinh tế dựa trên trao đổi, điều này cũng đã trở thành nguyên lý của lý luận kinh tế trao đổi. Tuy vậy điều rất đáng chú ý qua những nguyên lý chung ấy, Smith đã mang đến cho nội dung của lao động một ý nghĩa rất đặc biệt,: đó là điều ông gọi là “cái giá” mà người lao động phải bỏ ra để hoàn tất số lượng lao động đem trao đổi ấy. Cái giá ấy phảng phất ý tứ câu trong Kinh thánh về việc Adam và Eva, vì cãi lời Chúa nên đã phải “đổ mồ hôi trán” để có thức ăn: theo lời lẽ của Smith thì đó là “sự nhọc nhằn, phiền muộn” của người lao động , là sự “hy sinh” mà họ buộc phải chấp nhận để “gác lại” mọi “sự thoải mái, tự do và hạnh phúc” khi tạo ra của cải cho xã hội. “Các đại lượng ngang nhau của lao động vào bất cứ thời nào, lúc nào, cũng được coi như có giá trị ngang nhau đối với người lao động. Trong tình trạng bình thường về sức khoẻ, thể lực và tinh thần; trong mức độ bình thường về kỹ năng và tài khéo, anh ta luôn phải gác lại (hy sinh) cái phần giống nhau của sự thoải mái, sự tự do và hạnh phúc của bản thân. Cái giá mà anh ta trả phải luôn như nhau, bất kể số lượng hàng hoá mà anh ta nhận được để bù đắp cho sự hy sinh ấy.” (Smith, Ch. V, BTV: tr. 89, có sửa) “Equal quantities of labour, at all times and places, may be said to be of equal value to the labourer. In his ordinary state of health, strength and spirits; in the ordinary degree of his skill and dexterity, he must always laydown the same portion of his ease, his liberty, and his happiness. The price which he pays must always be the same, whatever may be the quantity of goods which he receives in return for it”. Vấn đề giá trị trao đổi trong quan niệm của Smith cũng đã dựa hoàn toàn vào quan niệm “hy sinh” trên đây để triển khai thêm từ định nghĩa cô đọng nói trên về cái “khả năng mua được” những gì mình không có, khi bằng cách nào đó chúng ta chiếm hữu được những lượng lao động nói trên như những giá trị tiềm ẩn, có thể dự trữ và tích luỹ thành một thứ “quyền lực” có thể “đặt mua” [“chỉ huy”] được các hình thái lao động của người khác trên thị trường, hoặc là dưới hình thái hàng hoá vật thể hoặc là dưới hình thái lao động sống. Tính chất hai mặt trong quan niệm về lao động của Smith đã bộc lộ rõ trong khái niệm mà sau này người ta đã đặt cho cái tên là lao động đặt mua (commanded labor) toát ra từ sự trình bày của Smith – một mặt nếu lao động là nguyên nhân đem lại sự giàu sang và tiến bộ cho xã hội, thì mặt khác nó lại mang ý nghĩa của cái đi ngược lại với bản thân nó: nó là phản đề của sự “thoải mái, tự do và hạnh phúc” của con người. Phản đề này chứa đựng thật nhiều ý nghĩa hàm chứa trong quan niệm lao động nói trên: nếu sỡ hữu được loại giá trị này, chúng ta sẽ thoát khỏi được tình cảnh khổ nhọc vì lao động. Quan niệm đó về sau sẽ bị K. Marx cho là “tiêu cực” xét theo một chuẩn mực khác về triết học nhưng với Smith, đứng về sản xuất thì với cái giá của sự hy sinh vì “nhọc nhằn và phiền muộn” đó, sự công bằng cho những người lao động phải được coi như là hậu quả tất yếu của nền kinh tế lấy sự trao đổi ngang giá làm nguyên tắc. Ý tưởng này, Smith đã viết nơi dòng đầu Chương 8 của tác phẩm của mình: “Kết quả của lao động là phần thưởng tự nhiên hoặc tiền công của lao động”. Và điều này có nghĩa là : những người lao động phải được hưởng toàn bộ sản phẩm do mình làm ra như một “sự đền bù tự nhiên”, còn nếu phải nhận lãnh sự đền bù ấy dưới hình thức tiền công thì tiền công ấy phải là tiền công thực tế quy ra ngang bằng với giá trị của sản phẩm. Như vậy, lượng tương đương của lao động phải là tiêu chuẩn của trao đổi, sản phẩm lao động phải trả hết về cho người lao động, rõ ràng những mệnh đề đó phải được xem như những tiền đề trong lý luận lao động về giá trị của Smith. Tuy vậy, xét về mặt thực tế và lịch sử thì vấn đề lại không hoàn toàn đơn giản: Smith cho rằng nguyên tắc đó không lúc nào cũng áp dụng giống nhau. Ông giả định một thời kỳ sơ khai, ở đó “trước khi có tích luỹ tư bản và chiếm hữu đất đai”, đương nhiên toàn bộ sản phẩm phải là “phần thưởng” của người lao động. Nhưng Smith cho rằng tình hình không còn như cũ nữa khi trong lịch sử đã có sự hiện hữu của những chủ tư bản và ngay khi “tư bản đã tích luỹ trong tay những người cá biệt” thì “… một số những người này tự nhiên sẽ dùng vốn đó để thúc đẩy những người dân cần cù làm việc, cung cấp vật liệu và phương tiện sinh sống cho họ, mục đích kiếm lời bằng việc bán sản phẩm của họ, hoặc bằng [việc hưởng] cái phần mà lao động của họ thêm vào giá trị của những vật liệu. Khi đem trao đổi toàn bộ sản phẩm để lấy tiền, lấy lao động, hoặc những hàng hoá khác, vượt khỏi và cao hơn phần đủ để chi trả cho vật liệu, tiền công của công nhân, thì một cái gì đó phải dành ra cho lợi nhuận của người đem vốn liếng chấp nhận rủi ro trong cuộc phiêu lưu. Giá trị mà công nhân đem thêm vào vật liệu , như vậy, trong trường hợp này, giải quyết thành hai phần, một phần trả cho tiền công của công nhân, phần kia là lợi nhuận dành cho ông chủ mà toàn bộ vốn vật tư và tiền công đã ứng trước cho họ”. (Smith, Ch. VI, BTV: tr. 108, có sửa) Đoạn văn trên đây của Smith đã đặt ra nhiều vấn đề tranh cãi có liên hệ đến lý luận giá trị - lao động. Quan trọng nhất là câu hỏi sau đây: nếu cho rằng lý luận này là đúng cho trường hợp thứ nhất (thời sơ khai) thì với Smith, trong trường hợp thứ hai (thời đã có tư bản), nó có còn duy trì được không hay đã bị từ bỏ, không thể áp dụng nữa? Nói cách khác: lao động bây giờ có còn là thước đo duy nhất của giá trị hàng hoá và kết quả toàn bộ sản phẩm có còn là phần thưởng duy nhất cho người lao động? Đã có nhiều câu trả lời, nhưng trước hết chúng ta cần bám sát văn bản của Smith và thử nhớ lại hai trường hợp do Smith đặt ra. Trong trường hợp thứ nhất (không có địa tô và tư bản), hãy giả định người lao động đi săn với công cụ (được gọi là tư bản theo nghĩa vật thể) sau đó bỏ qua phần vật liệu + bảo trì, thì hiển nhiên giá trị sản phẩm thu hoạch được sẽ bằng (=) tiền công cộng với (+) “lợi nhuận”của tư bản công cụ và do lúc đó chưa xuất hiện giai cấp chủ tư bản, nên cả hai thành phần này tất nhiên đều thuộc về người lao động vốn vừa là chủ tư liệu vừa là công nhân. Bây giờ qua trường hợp thứ hai (đã có địa tô và tư bản), không tính đến vật liệu + bảo trì, chúng ta thấy kết quả sản phẩm làm ra cũng nằm trong cùng một công thức: giá trị sản phẩm bằng (=) tiền công cho lao động cộng với (+) lợi nhuận của tư bản. Chỉ có điều khác là trong trường hợp thứ hai này, toàn bộ sản phẩm của người công nhân đã bị khấu trừ – chữ của Smith – một phần để nhường cho lợi nhuận tư bản, và thứ tư bản này bây giờ thuộc về người khác, không phải công nhân, do đó thứ “tiền công” định nghĩa như phần thưởng cho lao động làm chủ của thời nguyên thuỷ trong tình thế này đã trở thành cái giá mua lao động làm thuê trong thời kinh tế tư bản tư nhân. Sự so sánh cho chúng ta thấy tuy có sự khác biệt về phân chia nhưng luận cứ của Smith về lượng lao động dùng làm thước đo giá trị hàng hoá vẫn không thay đổi, sự trao đổi công bằng giữa lao động và tư bản vẫn được duy trì; logic trước sau vẫn nhất quán : công nhân không còn là chủ tư liệu nữa nên phải san sẻ kết quả lao động của mình cho người chủ mới của nó, coi như sự trả công cho cuộc đầu tư có thể gặp bất trắc. Cũng chính vì vậy mà lý luận giá trị- lao động vẫn còn nguyên: lợi nhuận tư bản nhận được từ công nhân vẫn là cái giá của sự nhọc nhằn mà người lao động đã bỏ ra và do đó vẫn được xem như một thứ gíá trị dự trữ để chủ tư bản có thể đặt mua bất cứ hàng hoá nào, cũng như chi phối, điều khiển lao động đang tồn tại trên thị trường. Quan trọng hơn: để tích luỹ vốn, cải tiến tư liệu, mở rộng sản xuất. Vì thế sẽ hoàn toàn thuận lý khi theo quan điểm của mình, Smith căn cứ vào đó nói về “Các cấu phần hợp thành giá cả của hàng hoá” trong chương VI của tác phẩm của ông như sau: “Giá trị thực của tất cả mọi bộ phận cấu thành của giá cả, quan sát cho thấy, được đo lường bằng lượng lao động mà những thành phần ấy có thể mua hay chỉ huy. Lao động đo lường giá trị không phải chỉ cái phần giá cả chuyển cho lao động, mà còn cho phần địa tô, và cho cả phần lợi nhuận nữa”. ” (Smith, Ch. VI, BTV: tr. 111). Khái niệm lao động đặt mua, lao động chỉ huy (commanded labor) ở đây vẫn nhất quán với khái niệm lao động bao hàm, lao động hiện thân (embodied labor) chứa đựng trong sản phẩm, hợp thành các nhịp vận hành tất yếu của quá trình tạo ra của cải biểu hiện trong quỹ vốn của một dân tộc như Smith đã nói từ đầu: phần do lao động tạo ra cộng với phần lao động đặt mua của người khác. Và cũng từ nguyên tắc cấu tạo giá trị sản phẩm và sản xuất nói chung đó, theo logic của Smith, lợi nhuận tư bản nhận được từ sự chia sẻ của lao động vẫn được coi như là giá trị thu nhập được từ tư bản, cũng giống như tiền công là thu nhập của lao động, tất cả có thể cùng với địa tô hợp thành những yếu tố sản xuất trong điều kiện xuất hiện quyền tư hữu về tư liệu sản xuất. Sự khác biệt giữa lao động nói chung và tiền công của lao động cụ thể trong trường hợp này cũng là tất yếu: khái niệm lao động xét như phần thưởng, do toàn bộ sản phẩm mang lại bây giờ không còn đồng nhất với khái niệm lao động xét như tiền công trong quy trình sản xuất có tư bản (và địa tô), nhưng cả hai vẫn nằm trong phạm trù giá trị của hàng hoá dùng lượng lao động làm thước đo, sự khác nhau chỉ là những hình thức cấu tạo và phân bố trong những điều kiện khác nhau. Vấn đề rốt ráo trong sự trình bày của Smith vì vậy không phải là từ bỏ lý luận lao động về giá trị mà là sự khẳng định tác động có tính chất lịch sử của chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất đến quy trình sản xuất mới trong đó vai trò của người chủ lao động đã chuyển thành vai trò của người làm thuê cho chủ tư bản. Chính sự tồn tại thực tế của từng lớp tư hữu mới này đã trở thành tiền đề trên đó tồn tại toàn bộ cơ cấu sản xuất hiện đại. Smith coi những định chế phân chia giai cấp ấy là đương nhiên, cho nên sự phân chia thu nhập theo kiểu lợi nhuận và tiền công cũng mang ý nghĩa đương nhiên, không cần xem xét gốc gác của nó. Hơn nữa với Smith, sự phân chia đó lại chỉ là sự nhân nhượng hợp lý: nó biểu hiện tinh thần hợp tác giữa lao động và tư bản trong việc tạo ra sự giàu sang cho xã hội. Vấn đề giá trị thặng dư – về sau này được Marx đưa lên thành chủ đề số 1 trong học thuyết của mình – cũng đã được Smith đặt ra với một nguồn gốc khá minh bạch: ngoài tiền công được thuê mướn, công nhân đã phải tạo ra thêm giá trị lao động để chia cho chủ tư bản với tư cách là lợi nhuận của công cụ sản xuất. Nhưng với Smith thì điều đó cũng là chuyện đương nhiên trong một định chế tư hữu về tư liệu sản xuất được bảo vệ một cách tự nhiên về mặt pháp lý theo lý luận của John Locke, giả định được đặt trên nguyên lý ngang giá của nền kinh tế trao đổi phổ biến.
2 Lý luận giá trị của Adam Smith 41 năm sau đã được David Ricardo, trong cuốn On the Principles of Political Economy and Taxation (1817), [ bản tiếng Việt: Nguyễn Đức Thành &Nguyễn Hoàng Long: Những nguyên lý của kinh tế chính trị học và thuế khoá, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002] thừa kế có kèm theo những phê phán điều chỉnh. Sau khi cho rằng Smith đã “định nghĩa thật đúng đắn nguồn gốc ban đầu của giá trị trao đổi, và buộc phải giữ trước sau như một, rằng mọi vật sẽ trở nên có giá hay ít giá trị hơn phụ thuộc vào lượng lao động dành cho sự sản xuất ra chúng tăng lên hay giảm đi”(Ricardo, Ch. 1, Tiết 1, BTV: tr. 70, có sửa ), Ricardo đã trách Smith không nhất quán với mình khi “dựng nên” hàng loạt những tiêu chuẩn khác về đo lường giá trị sản phẩm, như một số hàng hoá khác, ngũ cốc, vàng bạc v.v… vốn là những thứ rất hay thay đổi. Chắc hẳn là Ricardo đã dựa vào câu sau đây của Smith để phê phán: “Dù lao động là thước đo thực sự của giá trị trao đổi của mọi hàng hoá, nhưng giá trị của hàng hoá lại thường không được đánh giá bằng lao động”. (Smith, Ch V, BTV: tr. 86) Tuy vậy khi theo dõi sự phát triển của câu chủ đề này của Smith, chúng ta thấy đây chỉ là sự than phiền của ông về sự không phù hợp hoàn toàn giữa nguyên lý với những gì diễn ra trong thực tế. Những thứ tiêu chuẩn mà Ricardo cho rằng Smith đã “dựng nên” chỉ là những dẫn chứng cho sự than phiền đó, và điều này đã được Smith giải thích bằng sự “trừu tượng” của khái niệm (ở đây là lượng lao động dùng làm thước đo), khái niệm này theo Smith, mặc dù có thể làm cho hiểu được nhưng lại “không phải là một điều tự nhiên và rõ ràng” (Smith, Ch.V, tr. 87). Cách lý giải này chắc hẳn không thoả đáng trước sự phê phán vì vẫn không làm rõ được tại sao có sự sai biệt giữa cái “trừu tượng” của nguyên lý với những cái cụ thể của thực tế. Nhưng dù vậy những phê phán của Ricardo vẫn chưa đủ sức nặng phá vỡ hoàn toàn cái mạch logic của Smith: sau khi than phiền về sự không phù hợp giữa nguyên lý và thực tế, cuối cùng Smith vẫn quay về nhắc lại nguyên lý đã nêu ra và bảo vệ nó đến cùng : “Vào bất kỳ thời nào và nơi nào, cái đắt thì khó đạt tới, hoặc phải trả nhiều lao động để có được; và cái rẻ thì có được dễ dàng, hoặc với rất ít lao động. Vì vậy, chỉ có lao động, do không bao giờ thay đổi giá trị riêng của nó, mới là chuẩn mực duy nhất và tối hậu căn cứ vào đó đánh giá và so sánh giá trị của mọi hàng hoá vào bất cứ nơi nào và thời nào. Lao động chính là giá cả thực sự của hàng hoá; tiền đơn thuần chỉ là giá cả danh nghĩa” (Smith, Ch. V, BTV: tr. 89, có sửa). Sự phê phán quan trọng hơn của Ricardo với Smith xoay quanh vấn đề mà chúng ta có nhắc qua, thường được những nhà nghiên cứu nêu ra để thảo luận: đó là vấn đề lao động hiện thân, lao động bao hàm (embodied labor) và lao động đặt mua, lao động chỉ huy (commanded labor). Ricardo cho rằng khi một lượt thừa nhận hai quan niệm lao động trên đây, Smith đã không giữ được sự nhất quán cho lý luận lao động về giá trị: “Khi thì ông ta coi ngũ cốc, lúc khác lao động, là thước đo tiêu chuẩn; không phải là lượng lao động dành cho việc sản xuất bất cứ một vật phẩm nào mà là lượng lao động có thể đặt mua trên thị trường; như thể đó là hai biểu hiện tương tự và cũng như thể nếu lao động của một người có thể trở nên hiệu quả gấp đôi nên anh ta có thể sản xuất gấp đôi số lượng của một hàng hoá, do đó tất yếu khi đem đi trao đổi anh ta có thể nhận được gấp đôi số lượng lao động hàm chứa trong hàng hoá đã được sản xuất trước đó. Nếu điều này là đúng thực sự, nếu phần thưởng cho người lao động luôn tương ứng với những gì anh ta đã sản xuất thì lượng lao động dành cho (hàm chứa trong) một hàng hoá và lượng lao động mà hàng hoá ấy mua được sẽ bằng nhau và cũng là thước đo chính xác cho những thay đổi của các hàng hoá khác. Nhưng những đại lượng ấy không bằng nhau…” (Ricardo , Ch. 1, Tiết 1, BTV: tr. 70-71, có sửa). Qua đoạn trình bày trên, ta thấy Ricardo muốn giữ cho sự nhất quán của lý luận giá trị lao động bằng cách cho rằng chỉ nên duy trì khái niệm đã được Smith nêu ra mà Ricardo tán thành – đó là thứ lao động đã được kết tinh trong hàng hoá để đem trao đổi với một hàng hoá chứa đựng lượng lao động tương đương trên thị trường. Ricardo cho đó mới là nội dung đích thực của khái niệm giá trị trao đổi. Đọc thêm những gì Ricardo dẫn giải về sau chúng ta nhận thấy rõ hơn nội dung ấy: giá trị của hàng hoá đem trao đổi = tư bản + tiền công lao động, trong đó tư bản qua cái logic của Ricardo chủ yếu là loại lao động đã vật hoá thành “lao động quá khứ” của Petty (sau được Smith gọi là tư bản cố định). Như vậy tính luôn vật liệu và những chi phí linh tinh thì giá trị lao động chứa đựng trong sản phẩm sẽ bằng (=) lao động quá khứ cộng (+) vật tư cộng (+) lao động hiện tại (lương trả cho công nhân quy ra lượng lao động tương đương) để tạo thành chi phí lao động của hàng hoá. Hiển nhiên dựa vào giá trị của hàng hoá đã được tạo nên bằng các yếu tố đó (trừ đi khấu hao công cụ và vật tư), đi đặt mua một lượng lao động tồn tại thực sự trên thị trường thì lượng lao động này không thể tìm thấy ở đâu ngoài lượng lao động do những người công nhân cung cấp, mà như vậy thì cũng hiển nhiên là lượng lao động đó chỉ là một bộ phận cấu thành chi phí sản xuất ra sản phẩm, giá cả không bao giờ ổn định vì tuỳ thuộc rất nhiều yếu tố thay đổi thực tế. Một thành phần thì không thể tương đương với một toàn thể. Một yếu tố hay thay đổi thì không thể tạo ra thước đo có một chuẩn mực ổn định. Cũng chính vì vậy nếu duy trì khái niệm lao động đặt mua của Smith sẽ không giữ được sự thuần nhất cho lý luận, không giữ được tính chất bất biến của lượng lao động được xem như thước đo sự thay đổi của các hàng hoá, hơn nữa lại làm lẫn lộn giữa các khái niệm lao động hiện hữu trong những tình thế khác nhau: một bên là lao động-thước đo bao hàm trong sản phẩm đem trao đổi và một bên là lao động-tiền công chi phí cho việc thuê mướn lao động để hoàn tất sản phẩm ấy. Chúng ta sẽ nói đến hậu quả của lập luận đó của Ricardo trong việc hình thành một quan niệm mới cho lý luận giá trị-lao động của trường cổ điển, nhưng bây giờ xét xem sự phê phán của Ricardo với Smith trong vấn đề này, chúng ta thấy không hoàn toàn xác đáng. Smith không hề lẫn lộn giữa lượng lao động tạo ra chi phí cho sản phẩm với lượng lao động mà công nhân được hưởng trong thực tế vì ông đã nói rõ rằng lượng lao động mà công nhân hưởng được trong điều kiện đã xuất hiện chủ tư bản là bằng (= ) giá trị cấu thành sản phẩm trừ đi (–) lượng lao động mà công nhân phải bị khấu trừ để chia cho lợi nhuận của tư bản. Smith cũng lưu ý đế tính chất bất ổn của tiền công lao động trong thực tế, xét từ quan điểm của người đi thuê lao động: “Mặc dù đối với người lao động, các lượng lao động bằng nhau luôn luôn có giá trị bằng nhau, song với đối với người thuê lao động thì các lượng lao động này hình như khi thì có giá trị lớn hơn khi thì nhỏ hơn. Người thuê lao động khi thuê bằng một số lượng hàng hoá nhiều hơn khi thì ít hơn , và đối với người này giá lao động hình như cũng thay đổi như giá của tất cả các thứ khác” [Smith, Ch. V, BTV: tr. 90-91]. Cơ sở của sự thay đổi, Smith cho rằng khi xuất hiện trên thị trường, là do lao động cũng là một hàng hoá như bao hàng hoá khác, vì thế nó cũng vừa mang hình thức giá thực và giá danh nghĩa. Hiển nhiên với tiền công được thuê mướn theo giá trên thị trường như vậy thì người công nhân không thể đặt mua được một cái gì đó vượt khỏi giá trị thực của nó, ở đó cái tổng số lao động mà anh ta làm ra đã bị khấu trừ một phần để chia cho chủ tư bản. Như chúng đã biết, Smith không hề lẫn lộn giữa chi phí lao động dành cho việc tạo ra sản phẩm với tiền công lao động thuê mướn để tạo ra sản phẩm đó. Và cũng thật là không thoả đáng khi muốn loại trừ khái niệm lao động đặt mua, lao động chỉ huy khỏi cái hệ phương pháp của Smith: chính khái niệm này đã dẫn tới sự phân biệt triệt để giữa khả năng đặt mua của người công nhân với khả năng đặt mua của người chủ tư bản. Với công nhân nếu đó là cái giá trả cho “sự nhọc nhằn, phiền toái” chỉ đủ để công nhân, với tư cách là một giai cấp, “tồn tại và duy trì nòi giống mà không gây nên bất cứ sự gia tăng hay suy giảm nào” (Ricardo, Ch. V, BTV tr. 137) thì với chủ tư bản đó lại là cái khả năng tích luỹ của cải do người khác chia cho, không cần phải lao động, nhưng lại có thể nhân lên, qua đó thu hút ngày càng nhiều giá trị thặng dư của những người sản xuất trực tiếp, để mở rộng “quyền lực” cho tư bản bành trướng sức mạnh của nó đối với toàn xã hội. Người ta có thể cho rằng sự suy luận trên đây là của K. Marx, nhưng không phải: đó chính là cái logic của Smith về lao động chỉ huy với cái hậu quả tất yếu của nó về hai phương diện liên hệ đến sự tích luỹ của tư bản và nguồn gốc giá trị thặng dư trong quá trình hình thành nên sự tích luỹ đó. Phủ nhận khái niệm lao động đặt mua và chỉ muốn duy trì khái niệm lao động bao hàm khi phê phán Smith, Ricardo chỉ căn cứ vào thực tế để chứng minh tính chất không còn tồn tại cái logic về lao động mà Smith giả định: công nhân không còn có thể một mình tạo ra toàn bộ giá trị sản phẩm rồi đem một phần chia sẻ cho tư bản, mà ngay từ đầu lao động của công nhân đã bị quy định một cách cụ thể trong quy trình sản xuất hàng hoá, với tư cách là giá trị của lao động được thuê mướn để tạo ra hàng hoá đó, dưới danh nghĩa cụ thể là tiền công. Sự tranh cãi tưởng chừng như xoay quanh chữ nghĩa ấy với Ricardo thật sự là rất quan trọng: căn cứ vào tình thế mới của sản xuất, Ricardo đã muốn đưa lý luận giá trị-lao động sang một viễn cảnh mới so với khởi nguyên của nó: lao động trực tiếp từ nay trở đi không còn là nguồn gốc tạo ra của cải nữa, nó phụ thuộc hoàn toàn vào tư bản, hơn nữa là một thành phần của phương thức sản xuất đặt nền trên tư bản, cho nên trong tình huống đó khái niệm lao động nói chung chỉ còn giữ vai trò thước đo của sản phẩm do tư bản tạo ra. Đoạn dẫn sau đây có thể tóm tắt toàn bộ lý luận của Ricardo về mối quan hệ của hai hình thái lao động kết hợp thành lượng lao động tổng thể tạo ra giá trị hàng hoá: “Tất cả các công cụ cần thiết để săn hải ly và nai có thể thuộc về một giai cấp và lao động được sử dụng cho việc săn bắt được một giai cấp khác cung cấp; dù vậy giá cả so sánh của chúng [của công cụ và lao động] sẽ phụ thuộc vào mối tương quan giữa lượng lao động thực tế dành ra để làm nên dụng cụ săn bắn và lượng lao động thực hiện việc đi săn bắn. Tuỳ theo các tình trạng dư thừa hay khan hiếm khác nhau của tư bản so với lao động, tuỳ theo sự phong phú hay hiếm hoi của thức ăn và các nhu yếu phẩm cần thiết nuôi sống con người, những kẻ cung cấp cùng một giá trị tư bản cho một công việc này hay một công việc khác sẽ nhận được một nửa, một phần tư hay một phần tám số sản phẩm đạt được, số còn lại sẽ được trả dưới dạng tiền công cho những người đã cung cấp lao động; tuy vậy sự phân chia này không ảnh hưởng đến giá trị tương đối của các hàng hoá đó [của tư bản và tiền công lao động], vì dù cho lợi nhuận của tư bản có nhiều hay ít, dù cho chúng có là 50, 20 hay 10%, hoặc dù cho tiền công của lao động có thấp hay cao thì chúng đều tác động giống nhau vào hai công việc khác nhau” (Ricardo, Ch. 1, tiết 3, BTV: tr. 81, có sửa). Trong đoạn văn này, Ricardo khi thì dùng mấy chữ “giá cả so sánh” (their comparative prices) khi thì dùng mấy chữ “giá trị tương đối” (the relative value of these commodities) nhưng tất cả đều để nói về hai loại lượng lao động khác nhau kết hợp lại thành giá trị của sản phẩm được đem ra trao đổi trên thị trường: lượng lao động dành cho việc tạo ra công cụ làm phương tiện sản xuất sản phẩm và lượng lao động bỏ ra trực tiếp để sản xuất sản phẩm ấy – sự kết hợp giữa hai lượng lao động này nếu được diễn tả như là bài toán cộng của lao động quá khứ với lao động sống hoặc của tư bản với tiền công thì nội dung cũng hoàn toàn như nhau. Vấn đề cần làm rõ ở đây là mối tương quan của hai hình thái lao động tạo nên giá trị tổng thể cho sản phẩm: để giải quyết, Ricardo đã giả định trường hợp một lượng tư bản nhất định nào đó được đầu tư thuê mướn lao động thực hiện hai công việc khác nhau và cho rằng dù tỷ phần phân chia giữa lợi nhuận cho tư bản và tiền công cho lao động trong hai trường hợp khác nhau ấy có sai biệt nhau như thế nào thì chúng vẫn chỉ giằng co với nhau trong phạm vi tổng giá trị không thay đổi của sản phẩm đã được tạo ra như trên. Với lập luận này, rõ rệt vấn đề lao động với tư cách là thước đo giá trị đã được đưa lên hàng chính diện như một tiêu chuẩn bất biến để trao đổi hàng hoá, trong khi đó vấn đề nguồn gốc lao động tạo ra giá trị tổng thể cho sản phẩm cùng với vấn đề nguồn gốc giá trị thặng dư tạo ra lợi nhuận cho tư bản mà Smith đã gợi ra đã bị bỏ qua hoàn toàn. Nội dung khái niêm lao động-thước đo từ đây trở đi trong lý luận của Ricardo cũng hoàn toàn được phân biệt rạch ròi với khái niệm lao động-tiền công (cũng thường được các nhà lý luận gọi là giá trị của lao động) – tuy vậy, sự phân biệt này không có tác dụng nào khác là tạo ra sự phụ thuộc của lao động vào tư bản khi chúng ta biết rằng trong phương thức sản xuất đặt trên tư bản, lao động-tiền công dù có thuộc về người lao động, thì đó cũng chỉ là thứ tư bản ứng trước không khác gì các thứ công cụ và vật tư được tư bản ứng trước để sản xuất. Như vậy, trong lý luận lao động của Ricardo về giá trị, vai trò của tư bản, ngược với Smith, đã trở thành chủ thể của toàn bộ quy trình sản xuất. Tư bản đã được Ricardo định nghĩa đúng như vậy khi ông viết: “Tư bản là phần của cải của một quốc gia được sử dụng trong sản xuất, bao gồm lương thực, thực phẩm, quần áo, công cụ, nguyên liệu thô, máy móc v.v… cần thiết để tạo điều kiện cho người lao động làm việc” (Ricardo, Ch 5, BTV: tr. 139). Định nghĩa đó phải được lĩnh hội là tư bản đã tạo điều kiện để lao động hoạt động, đúng hơn cũng phải hiểu thêm rằng trong điều kiện đó, lao động cũng chính là cái nguồn vốn do tư bản đầu tư để thực hiện quy trình sản xuất theo sự chỉ huy của nó. Ricardo đã giải thích rõ điều đó khi đề cập nguyên nhân quyết định sự tăng/giảm giá trị hàng hoá được sản xuất đem ra trao đổi: lao động tiền công bây giờ không còn giữ vai trò quan trọng để tạo ra sự thay đổi giá trị của sản phẩm như trong quan niệm của những người theo Smith nữa mà ngược lại chính sự tăng/ giảm của tư bản trong việc đầu tư mới tạo ra sự thay đổi đó (Ricardo, Ch. 1, tiết 3, BTV tr. 75). Việc sử dụng lao động để tăng năng suất cũng được đặt ra trên cơ sở thay đổi hiệu năng sản xuất cho tư bản cố định mà bí quyết không thể tìm thấy ở đâu ngoài việc làm giảm lượng lao động cần thiết (chủ yếu nhờ máy móc) để sản xuất ra hàng hoá, từ đó làm cho hàng hoá được sản xuất nhiều hơn, giá rẻ hơn. Nói tóm lại, sự góp phần của lao động trực tiếp trong quy trình sản xuất này do đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào tư bản: lao động không còn là chủ thể, là nhân tố tạo ra giá trị của sản phẩm như trong lý luận của Smith mà đã bị cuốn hút hoàn toàn vào guồng máy tư bản. Đây chính là điều rất mới mà Ricardo đã đưa vào lý luận lao động về giá trị, đặc biệt tập trung làm rõ vai trò của tư bản cố định đối với quy trình sản xuất: “Mọi tiến bộ máy móc, công cụ, nhà xưởng, nâng cao nguyên liệu, đều tiết kiệm lao động, cho phép chúng ta sản xuất ra hàng hoá áp dụng được dễ dàng hơn những cải tiến, và kết quả là giá trị của nó thay đổi . Như vậy, khi đánh giá nguyên nhân của những biến đổi giá trị của hàng hoá, dù cho sẽ sai lầm hoàn toàn khi bỏ qua tác động của sự tăng hay giảm do lao động gây ra, nhưng cũng sẽ không đúng khi coi tác động ấy quá quan trọng. (Ricardo, Ch.1, tiết 4, BTV: tr 94, có sửa). Vấn đề phân phối lợi nhuận của tư bản và tiền công lao động đã được giải quyết trên cơ sở không thay đổi của giá trị tương đối của sản phẩm theo nội dung của các luận cứ nói trên. “Toàn bộ giá trị của hàng hoá chỉ được chia thành hai thành phần: một phần tạo nên lợi nhuận của vốn, phần còn lại dùng để trả tiền công của lao động” (Ricardo, Ch. VI, tr. 157). Nói cách khác, tư bản và lao động sẽ chia nhau giá trị sản phẩm làm ra theo một tỷ phần tương đối giữa hai bên: “lợi nhuận cao hay thấp phụ thuộc hoàn toàn vào việc tiền công trả thấp hay cao” (tr. 84). Sự khác nhau giữa Ricardo với Smith về mối quan hệ giữa lao động với tư bản cũng rõ rệt: lợi nhuận tư bản không còn là sự san sẻ tự nguyện đến từ phía người lao động trực tiếp nữa mà lại tuỳ thuộc hoàn toàn vào mức độ căng kéo giữa lợi nhuận với tiền công.
3 Trong số rất đông các tác giả mà Marx đề cập, Adam Smith và Ricardo được ông quan tâm rất kỹ vì cho rằng đây là những tác giả tiêu biểu của trường phái kinh tế cổ điển, có nhiều đóng góp tích cực mang ý nghĩa khoa học cho công cuộc nghiên cứu khoa kinh tế chính trị, khác hẳn với một số tác giả mà ông cho là “phản động tầm thường” hoặc sùng bái “nịnh bợ một cách hèn hạ”. Trong Grundrisse (1857-58) rồi sau đó là Theories of Surplus-Value (1861-1863), Marx đã để rất nhiều trang và nhiều chương đi khá sâu vào hai tác giả này. Marx cho rằng khái niệm lao động được Smith sử dụng như tiền đề quan trọng cho lý luận giá trị-lao động, tuy bắt nguồn từ chủ nghĩa trọng nông, nhưng đã được nâng lên thành một thuộc tính trừu tượng, khái quát, cần thiết cho việc đánh giá, quan niệm và đo đạc trình độ phát triển mới của sản xuất. Tuy vậy về một mặt khác, Marx cũng cho rằng trong khi cố ý gạt sang bên giá trị sử dụng chỉ để tập trung nói đến giá trị trao đổi thì Smith lại mặc nhiên trình bày lao động như một sức mạnh xã hội tự nhiên, mang ý nghĩa một bản thể (substance) có nội dung như một giá trị sử dụng, mà không đi sâu vào phân biệt cho được những hình thái và những tính chất đặc trưng của lao động trong các phương thức sản xuất riêng rẽ, đặc biệt tính chất đặc trưng về giá trị trao đổi mà nó hàm chứa trong trong xã hội tư sản. Đối với việc này, Marx đã bày tỏ nhiều lần sự đồng ý với Ricardo, phê phán sự “lẫn lộn” [tính từ này thật ra không hoàn toàn thoả đáng như đã trình bày bên trên] của Smith giữa lao động thước đo, lao động bao hàm (đại lượng lao động cần thiết để tạo ra hàng hoá) với giá trị của lao động được thuê mướn làm ra hàng hoá đó (tức tiền công của lao động), để chỉ ra nhiều luận điểm thiếu nhất quán của Smith trong mối quan hệ giữa lao động và tư bản. Rất đáng quan tâm là khi nhắc đến cái khả năng của những người đã tích tụ được giá trị để đặt mua, chỉ huy các hình thái lao động, hoặc lao động sống hoặc lao động vật hoá, Marx cho rằng Smith cũng đã “lẫn lộn” [tính từ cũng không hoàn toàn thoả đáng] thêm giữa hai khái niệm này (trong ngôn ngữ của Smith là “lao động” và “sản phẩm của lao động”), chung quy lại cho rằng Smith đã không hiểu hết tính chất của lao động trong xã hội tư sản, với tư cách là lao động làm thuê khi sản xuất ra sản phẩm mang danh hàng hoá để những chủ tư bản đem đi trao đổi trên thị trường. “… tư bản, với ông ta, – vì, dù ông ta có định nghĩa lao động như sản xuất ra giá trị, ông quan niệm đó như là giá trị sử dụng, như sự sản xuất-vì nó, như là sức mạnh tự nhiên của con người nói chung (điều này làm cho ông ta khác với những nhà trọng nông), nhưng không phải là lao động tiền công, lao động làm thuê (wage labour/salariat), không phải trong tính chất riêng biệt của nó như hình thức đối lập với tư bản – không phải là cái chứa đựng tiền lương lao động như sự mâu thuẫn nội tại từ nguồn gốc, nhưng là trong hình thức phát sinh từ lưu thông, với tư cách là tiền, và như vậy tạo ra ở bên ngoài lưu thông, với tư cách là sự tiết kiệm. Tư bản như thế từ nguồn gốc không tự thực hiện [làm tăng] giá trị – vì sự chiếm hữu lao động của người khác không bao hàm trong khái niệm của nó. Tư bản chỉ xuất hiện sau đó, sau khi đã được giả định trước như tư bản – một vòng lẩn quẩn – với tư cách là chỉ huy đối với lao động của người khác” (Grundrisse BTA, Notebook III, Chapter on Capital; Fondements Vol I, tr.278-279). Tính chất phản logic của Smith trong lý luận về “các yếu tố sản xuất” đã được phân tích theo hướng trên. Theo Marx, Smith đã đúng khi cho rằng giá trị trao đổi của hàng hoá bao gồm một số đại lượng lao động nhất định. Giá trị của đại lượng lao động nằm trong giá trị trao đổi đó, sau khi trừ đi vật liệu, khấu hao máy móc… thì sẽ dành một phần trả cho lao động-tiền công của công nhân, một phần khác chi cho tư bản với tư cách là lợi nhuận (sẽ phân ra thêm thành địa tô và lợi tức). Nhưng khi đã xác định như vậy rồi, đáng lẽ một cách thuận lý, phải coi đại lượng giá trị lao động còn lại trong tổng giá trị trao đổi nói trên là nguồn gốc phân giải thành tiền công, địa tô, lợi nhuận thì Smith lại biến tiền công, địa tô và lợi nhuận thành những thứ giá trị riêng biệt, độc lập, sau đó đem cộng tất cả lại để tạo thành giá trị trao đổi của hàng hoá và từ đó cũng coi ba thực thể độc lập đó là ba nguồn gốc ban đầu của mọi giá trị, có thể phân bổ thành các nguồn thu nhập khác nhau dẫn xuất từ đó. Marx cho rằng làm như vậy Smith đã lộn ngược lại cái tiền đề ban đầu do ông đặt ra: thay vì coi giá trị là nguồn gốc của tiền công, lợi nhuận và địa tô thì tiền công, lợi nhuận, địa tô lại trở thành nguồn gốc tạo ra giá trị. Tuy thế điều chúng ta cần ghi nhận trong biện luận của Marx về giá trị trao đổi của hàng hoá ở đây là ông đã cố gắng bảo vệ cho được tiền đề của Smith về lao động tạo ra giá trị hàng hoá và tất cả giá trị này đều do công nhân làm ra, qua đó cũng bảo vệ ý kiến ban đầu của Smith giải thích rằng trong phương thức sản xuất đặt trên tư bản, thành quả lao động ấy công nhân không hưởng một mình mà phải san sẻ cho chủ tư bản. Chính cái đại lượng giá trị không công này được Marx ghi nhận đặc biệt để giải thích sự vận hành nội tại của phương thức sản xuất dựa trên tư bản: đó mới chính là nguồn gốc sinh ra lợi nhuận, địa tô và theo quan niệm này thì lợi nhuận và địa tô chính là giá trị thặng dư không công do công nhân làm ra chia cho nhà tư bản và chủ đất. Phương pháp nhận thức của Smith gồm hai cách trình bày không nhất quán đã được Marx nêu ra: “… trong đó một cách thì đi sâu vào mối liên hệ nội tại của hệ thống tư sản, có thể nói là đi sâu vào hiện tượng sinh lý của nó, còn một cách thì chỉ mô tả, phân loại, kể lại và đem những cái thể hiện ra bên ngoài trong quá trình của cuộc sống, dưới cái hình thái mà nó đã thể hiện ra và bộc lộ ra bên ngoài, xếp thành những định nghĩa công thức hoá của các khái niệm, – cả hai cách nhận thức ấy ở Smith không những cùng chung sống với nhau một cách rất yên tĩnh, mà lại còn quyện chặt với nhau và thường xuyên mâu thuẫn với nhau” (Theoríes of Surplus-Value, Ch. X & Bản tiếng Việt). Những khái niệm giá trị tự nhiên, chi phí sản xuất, giá trị thị trường mà Smith sử dụng trong phân tích và trình bày đã được Marx đưa ra để dẫn chứng với những vấn nạn tương tự. Nếu căn cứ cái yếu tính nội tại của tư bản để cho rằng lợi nhuận và địa tô là do giá trị lao động thặng dư của công nhân tạo ra thì, cũng như trong biện luận về “các yếu tố sản xuất”, Smith đã biến lợi nhuận, địa tô thành những giá trị biệt lập rồi đem cộng với tiền công để làm nên giá trị hàng hoá và gọi đó là giá trị tự nhiên. Marx cho rằng, ở đây Smith cũng vấp lại khuyết điểm không thống nhất được yếu tính bên trong của giá trị với biểu hiện bên ngoài của nó: cái gọi là giá trị tự nhiên đó thật sự không phải cái gì khác hơn là giá cả chi phí, kết quả của sự cạnh tranh thị trường, thứ giá trị biểu hiện trên thị trường này không thể đồng nhất hoá với giá trị của hàng hoá xuất phát từ nguyên lý lao động tạo ra giá trị do chính Smith đề xuất từ đầu. (Theoríes of Surplus-Value, Ch. X). Để hiểu được sự phê phán này của Marx đối với Smith cần nhớ lại rằng điều mà Marx đánh giá cao nhất ở Smith và cũng dựa vào đó để phê phán những bất nhất của chính Smith là luận điểm của ông ta về nguồn gốc lao động của giá trị hàng hoá và cũng là nguồn gốc lao động thặng dư của lợi nhuận và địa tô. Đó là về Smith. Còn về Ricardo, khi so sánh với Smith về vấn đề đang bàn luận, Marx cho rằng lý luận của Smith tỏ ra kém hẳn Ricardo về tính chất thực tế do lẽ vào thời kỳ của Ricardo mối quan hệ tư bản/lao động đã bộc lộ hết tính chất mâu thuẫn gay gắt của nó. Giả định của Smith về cái tình thế ở đó người lao động có thể tạo được toàn bộ giá trị cho sản phẩm rồi đem chia một phần cho tư bản gọi là lợi nhuận, giả định ấy hoàn toàn không còn cơ sở thực tế nào để thuyết minh nữa. Giá trị của lao động đã trở thành một hình thái tư bản (Marx gọi là “tư bản khả biến”) do chủ tư bản đặt mua, mệnh danh là tiền công của lao động (ta có thể nói gọn là lao động-tiền công để phân biệt với lao động-thước đo trong lý luận của Ricardo), kết cấu như một bộ phận của tư bản ứng trước, hoàn toàn bị khống chế bởi quyền lực sản xuất dựa trên tư bản. Vì thế tuy vẫn còn giữ danh nghĩa “lao động” cho lý luận về giá trị, hơn nữa vẫn được tôn vinh như thước đo trao đổi giữa các hàng hoá, nội dung khái niệm lao động trong biện luận của Ricardo hoàn toàn chỉ có ý nghĩa hình thức, thụ động. Có một số nhà nghiên cứu cho rằng khi dựa vào Ricardo để phê phán Smith và sau đó phát triển lý thuyết của mình, Marx hầu như trở thành một “môn đệ” của Ricardo. Điều này không đúng hoàn toàn vì Marx cho rằng dù Ricardo phê phán Smith một cách xác đáng (thật sự không xác đáng hoàn toàn), để sau đó đưa ra luận điểm “giá trị trao đổi của sản phẩm là kết tinh của lượng lao động ”, Ricardo vẫn vấp phải hàng loạt những mơ hồ, nhầm lẫn, mâu thuẫn trong biện luận. Việc Ricardo phê phán Smith như trên, xét cho cùng, chỉ đơn giản là sự xác nhận “ tình hình là như thế” chứ không đẩy được vấn đề đi xa hơn những biểu kiến của sự vật. Tuy không nói gì đến giá trị thặng dư, nhưng trong công thức cấu thành giá trị của sản phẩm (sau khi trừ vật liệu và linh tinh) = lợi nhuận + tiền công thì cái gọi là “lợi nhuận” ở đây không có gì khác hơn chính là giá trị thặng dư, và với nội dung đó thứ giá trị thặng dư này đã bị đồng hoá một cách tự nhiên với lợi nhuận, như vậy không thoả đáng vì lẽ, một cách chính danh, trong khi lợi nhuận phải đặt để mối quan hệ của nó với toàn bộ tư bản ứng trước (m/ c+v ) [ m: giá trị thặng dư, c: tư bản, v: tiền công) thì giá trị lao động thặng dư lại phải đặt để với giá trị lao động cần thiết (m/v), phân tích một cách có so sánh hai khái niệm này, m/c+ v (tỷ suất lợi nhuận) bao giờ cũng nhỏ hơn m/v (tỷ suất giá trị thặng dư): m/c+v<m/v. Như vậy xét về mặt này, theo Marx, Ricardo lại kém xa Smith: Ricardo đã không quan tâm một chút gì đến cái thực tế nằm ngay trong những câu chữ mà ông biện luận: đó là sự tồn tại của cái phạm trù lao động không công mà tư bản chiếm hữu được của những người lao động trực tiếp (Marx gọi là “lao động của người khác”), sự tồn tại này Smith đã nhận ra, tuy không lý giải được một cách đến nơi đế chốn, trong khi đó Ricardo, một cách không tự giác, lại che giấu nó dưới hình thức lợi nhuận, nghĩa là dưới tác động trực tiếp của tư bản. Mà với Ricardo trong khi tư bản là "lao động đã được tích lũy" không được minh định về nguồn gốc – đối diện với "lao động trực tiếp" (lao động sống của công nhân) trong vận hành – và được coi như là một cái gì chỉ có tính chất vật thể, “giản đơn chỉ là một nhân tố trong quá trình lao động”, thì cũng chính vậy mà “từ cái đó không thể nào rút ra được mối quan hệ giữa lao động và tư bản, giữa tiền công và lợi nhuận”. “Theo đúng toàn bộ tính chất của công trình nghiên cứu của mình, ông ta chỉ hạn chế trong việc chứng minh rằng giá trị biến đổi của lao động – nói tóm lại, là tiền công – không bác bỏ luận điểm cho rằng giá trị các hàng hoá, khác với bản thân lao động, được quy định bởi lượng lao động tương đối chứa đựng trong các hàng hoá đó. “Chúng không bằng nhau”, cụ thể là “lượng lao động đã chi phí để làm ra một hàng hoá nào đó, và lượng lao động mà người ta có thể mua được với hàng hoá đó”. Ricardo tự thoả mãn với việc nêu sự kiện đó. Nhưng hàng hoá - lao động khác với các hàng hoá khác như thế nào? Trong trường hợp thứ nhất, đó là lao động sống, trong trường hợp thứ hai – là lao động đã vật thể hóa. Do vậy, đó chỉ là hai hình thái khác nhau của lao động mà thôi. Nếu như sự khác nhau ở đây chỉ là hình thức mà thôi thì tại sao một quy luật có hiệu lực đối với hình thái này lại không có tác dụng đối với hình thái kia? Ricardo không giải đáp được vấn đề đó, thậm chí cũng không đặt vấn đề đó nữa”(Theories of Surplus-Value, Bản tiếng Việt, Chương XV, “Học thuyết Ricardo và giá trị thặng dư”). Từ những mâu thuẫn trên đây, Marx phê phán Ricardo về phương pháp, cho rằng về mặt này, Ricardo không khác gì bao nhiêu với Smith. Ông ta vẫn đứng trên bề mặt của các sự kiện để mô tả sự vận động của chúng, không đi sâu được vào cái cốt tuỷ của lao động trong phương thức sản xuất tư bản. Sự biện luận của Ricardo vẫn nặng về trừu tượng. Tiên quyết ông ta đưa ra một thước đo bằng lao động cho hàng hoá như là nguyên lý, sau đó đem ướm với thực tế rồi căn cứ vào đó mà phán xét xem chúng có phù hợp hay không. Coi giá trị là điểm khởi hành để đi tới nhưng ông ta bằng lòng dừng lại ở mức độ của khái niệm, chứ không nghiên cứu giá trị dưới cái hình thái cụ thể mà lao động mang lấy với tính chất là thực thể của giá trị. Một mặt khác, ông ta cũng chỉ chú tâm “nghiên cứu các đại lượng của giá trị, tức là những lượng này hay lượng kia của thứ lao động trừu tượng chung đó, và dưới hình thái đó, là những lượng này hay lượng kia của lao động xã hội, – những lượng này quyết định sự khác nhau trong các đại lượng giá trị của hàng hoá”. Cách thao tác khái niệm đó của Ricardo, theo Marx, là cách biện luận trực tiếp, không đi qua những phác đồ trung gian, vì thế trong rất nhiều trường hợp không giải thích được tính chất phức tạp trong vận động của sự vật. Mặc dù vậy, Marx vẫn coi cái tinh thần nghiên cứu khách quan của Ricardo là mẫu mực, một tinh thần nghiên cứu khoa học như vậy, dẫu có dẫn tới kết quả bất lợi cho bất cứ giai cấp xã hội nào thì cũng là đương nhiên, tất yếu. Những ý kiến của Ricardo về sự căng kéo trong việc phân chia giữa lợi nhuận và tiền công, biểu lộ mâu thuẫn công khai giữa tư bản và lao động, – “lợi nhuận cao hay thấp phụ thuộc hoàn toàn vào việc tiền công trả thấp hay cao”, như ta đã biết – còn xu hướng giảm sút lợi nhuận của tư bản bị quy về lý do địa chủ tăng tô, trong khi được Marx coi là sự phát hiện được “bản thân cái gốc rễ của cuộc đấu tranh lịch sử và quá trình phát triển lịch sử” thì lại bị một nhà nghiên cứu người Mỹ tên Carey tố cáo là luận điệu của một tổ sư … cộng sản, kẻ đi gieo rắc “bất hoà giữa các giai cấp và các dân tộc”, cẩm nang của những tên mị dân tìm kiếm quyền lực bằng chiến tranh, cải cách ruộng đất và tước đoạt ...! (Marx dẫn trong Theories of Surplus Value, Ch. X ].
4 Trước khi đi sâu hơn vào những điều chỉnh này, cần khẳng định điểm cốt yếu sau đây để tránh những tranh cãi vô ích: Marx không hề khai sinh ra lý luận giá trị-lao động, ông chỉ thông qua sự phê phán lý luận này để tiến hành sự phê phán đối với nền kinh tế chính trị tư sản thời ông. Tất cả những khái niệm như giá trị, giá trị sử dụng, giá trị trao đổi, tư bản cố định, tư bản lưu động v.v… đều dẫn xuất từ lý luận nói trên. Ngay cả khái niệm đặc trưng macxit là “giá trị thặng dư”, tuy không được các tác giả cổ điển sử dụng minh bạch, cũng đã bao hàm trong sự mô tả của Smith và cả của Ricardo. Tuy vậy để lĩnh hội vấn đề trên tổng quát thiết nghĩ chúng ta cần quan tâm đến hai tiền đề sau đây mà Marx tiếp nhận trong kinh tế cổ điển để đi sâu vào yếu tính của phương thức sản xuất tư bản, qua đó thăm dò một số khả năng chuyển hoá xuất phát từ chính bản thân cái phương thức sản xuất đó. Hai tiền đề ấy là: 1) nhất quán trước sau phải xem lao động là nguồn gốc giá trị tạo ra của cải xã hội, 2) nguyên tắc ngang giá phải được tuân thủ triệt để làm cơ sở cho việc trao đổi các loại hàng hoá khác nhau. Theo dõi sự phát triển các tiền đề trên, chúng ta thấy Marx đã đưa kinh tế cổ điển vào một số chiều hướng mới hoàn toàn và tất cả những luận cứ này đã được Marx trình bày đầy đủ trong các bản thảo Grundrisse và Theories of Surplus-Value. Về câu trả lời có liên quan đến tính chất sản xuất hay phi sản xuất của lao động Marx lấy lại hoàn toàn quan niệm của những nhà kinh tế cổ điển mà qua sự trình bày của Smith được gọi là “lao động sản xuất” những sản phẩm “làm tăng thêm giá trị cho các nguyên vật liệu mà họ sử dụng để họ gia công chế biến lao động đó, lao động đó nuôi sống họ và mang lại lợi nhuận cho người chủ thuê mướn họ. Trái lại lao động của người đầy tớ không mang lại giá trị nào cả” (Smith, Phần II, Ch. III, BTV: tr. 476). Tiêu chuẩn mà Smith đưa ra để cho rằng sản phẩm nằm được trong phạm trù “sản xuất” là nó có thể cất giữ lại để đổi lấy một lượng tương đương với lượng lao động đã làm ra mặt hàng đó. Trái lại lao động của người đầy tớ thường hoàn toàn biến mất ngay khi công việc đã hoàn thành. Smith cho rằng công việc của vua chúa , quân đội, thầy tu, bác sĩ, văn sĩ v.v…. không thể liệt vào hạng lao động “đầy tớ” nhưng xét về kinh tế thì vẫn thuộc loại “phi sản xuất”. Marx đã căn cứ vào tiêu chuẩn ấy để xác định không có sự phân biệt giữa các loại lao động mà người ta gọi là dịch vụ và sản xuất: nếu tác dụng của những hành vi lao động ấy góp phần làm tăng giá trị thặng dư cho tư bản thì chúng thuộc loại “sản xuất”, còn nếu ngược lại thì không. Marx đưa ra thí dụ công việc của người thợ may khi nhận vá áo cho chủ tư bản tại nhà riêng là không giống về bản chất với công việc cũng của người thợ may đó khi đi làm công nhân trong xưởng may cũng của người chủ tư bản đó. Marx cũng dẫn thí dụ về một nhà văn trong trường hợp tự ấn hành tác phẩm và trường hợp đưa tác phẩm cho một công ty tư bản xuất bản. Qua các thí dụ này chúng ta có thể thể lĩnh hội được ý nghĩa về “tính sản xuất” hay không của tình trạng nhiều hình thái sản xuất đan xen nhau (phong kiến, thủ công, phường hội…) trong thời kỳ kinh tế tư bản đã phát triển bao trùm lên toàn bộ xã hội mà tính chất quyết định ở đây là mối quan hệ của chúng có trực tiếp phục vụ cho tư bản thực hiện giá trị hay không chứ không phải là cái gi khác. Tính chất xã hội, tổng thể của sản xuất trong kinh tế cổ điển (Smith: “quỹ vốn cung cấp ban đầu cho một dân tộc”) cũng đã được Marx phát triển nhất quán hơn. Cái quỹ vốn đó chính là thành tích sản xuất của toàn thể một xã hội trong một tình trạng chung về trình độ phát triển, diễn ra trong một giai đoạn nào đó. Trong tình trạng ấy, tất cả mọi hình thái lao động cá biệt, riêng rẽ, chất lượng khác nhau đều được hoà tan, trung bình hoá thành một trạng thái đơn giản, đồng nhất, trừu tượng nhưng có thể đo lường được qua một vật thể trung gian, đại biểu [với Marx, đó chính là tiền, biểu hiện phổ quát của giá trị lao động hàm chứa trong hàng hoá]. Cách đặt vấn đề phổ quát mang ý nghĩa xã hội về của cải trên phạm vi quốc gia như vậy, rõ rệt đã trừu xuất mọi hiện tượng hiện thực nhưng thuộc lĩnh vực tâm lý cá nhân riêng biệt, độc đáo, khan hiếm, hoặc xuất phát từ những chọn lựa chủ quan về mặt giá trị (như của trường phái cận biên). Trong kinh tế cổ điển cách đặt vấn đề này đã được Ricardo nêu ra và giải quyết rồi; ngày nay người ta có thể nêu ra theo một chiều hướng khác để bổ sung hoặc thay thế về nội dung chứ không thể phủ nhận sự cần thiết của bản thân cách đặt vấn đề . Mối quan hệ giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi trong hàng hoá mà Smith nêu ra cũng được Marx đẩy đến tận cùng logic của nó. Trong lý luận của Smith, như chúng ta đã biết, giá trị sử dụng biểu hiện cho tính chất cụ thể, có ích của hàng hoá đối với người tiêu dùng. Marx gọi đó là cái giá đỡ mang chở giá trị trao đổi, làm cho giá trị sử dụng ấy mang ý nghĩa giá trị sử dụng cho người khác, cho rằng đây là lĩnh vực thương phẩm học chưa được nhiều người quan tâm vào thời ông. Tuy vậy trong quy trình thực hiện giá trị (làm tăng giá trị tư bản), giá trị sử dụng đã bị gạt sang một bên, bị đình chỉ, để cho giá trị trao đổi vượt lên, tự biến thành một chủ thể độc lập, theo một lộ trình riêng biệt, thoát ly mọi ràng buộc cụ thể của thực tế. Nhưng Marx cho rằng đó mới chính là mục tiêu của phương thức sản xuất đặt nền trên tư bản: phương thức sản xuất đó không bao giờ màng đến việc thực hiện giá trị sử dụng, phục vụ nhu cầu tiêu thụ cụ thể của con người mà chỉ hướng tới giá trị trao đổi như mục tiêu tối hậu và duy nhất, coi đó như lẽ sống của bản thân, xa rời là mất lý do tồn tại. Nói rằng mục đích sản xuất của tư bản chỉ vì tiền thì dễ hiểu hơn nhưng vẫn hoàn toàn phù hợp với lý luận về tiền của Marx. Nguồn gốc nguyên sơ của tiền là phương tiện trao đổi và cũng là đại biểu của giá trị trao đổi, nhưng trong sự vận hành của phương thức sản xuất tư bản, tiền đã mang một thuộc tính hình thức thuần tuý, một thứ hình thức ý niệm, vận động tự thân. Với Marx, cuộc hoá thân của giá trị trao đổi khi tách biệt khỏi cái nền đất giá trị sử dụng của nó đã diễn ra từ cái tiền đề thứ nhất là như vậy. Về tiền đề thứ hai thì Marx lại đi theo cách suy luận khác hẳn: căn cứ vào chính những nguyên lý của kinh tế cổ điển, ông đã chứng minh khi đi vào vận dụng, những nguyên lý ấy đã bị đảo ngược lại hoàn toàn. Với Smith điều này là rất rõ ràng, nó hiện ra ngay ở cái tình thế ở đó ông này cho rằng khi bước sang thời kỳ có tư hữu tài sản thì toàn bộ kết quả do người lao động làm ra phải đem san sẻ một phần cho tư bản với tư cách là lợi nhuận, nhưng bởi vì xét đến cùng lợi nhuận không dính dáng một chút gì đến lao động , dù là lao động quản lý hay chỉ huy, cho nên thực chất đó chỉ là sự chiếm hữu lao động không công của người khác nhân danh sở hữu tài sản. Nguyên lý trao đổi bình đẳng, ngang giá bị lật ngược cũng đã diễn lại với Ricardo, khi xuyên qua công thức gọi là “lượng lao động chi phí để làm ra một hàng hoá”, ông ta muốn giải quyết mối quan hệ giữa lao động vật hoá và lao động sống và đã giải quyết không thoả đáng. Theo nguyên lý thì hai thứ lao động này chỉ khác nhau về hình thức, nhưng tại sao những thứ lao động vật hoá (hàng hoá) trao đổi với nhau lại theo nguyên tắc ngang giá, trong khi đó những thứ lao động vật hoá đó khi trao đổi với lao động sống thì lại theo “nguyên tắc khác hoàn toàn” như Smith thừa nhận và được Marx nêu lại dưới hình thức một vấn nạn: “ Nếu như sự khác nhau ở đây chỉ là hình thức mà thôi thì tại sao một quy luật có hiệu lực đối với hình thái này lại không có tác dụng đối với hình thái kia?” Tại sao giá trị sản phẩm trao đổi với nhau phải lấy lượng lao động vật hoá làm tiêu chuẩn đo lường nhưng khi những sản phẩm ấy đem trao đổi với chính chủ thể lao động tạo ra sản phẩm ấy thì lại không được áp dụng đồng bộ? Từ những thực tế đó, Marx đã nói đến biện chứng của điều mà ông gọi là “sự phóng chiếu lộn ngược” (inverted projection) trong kinh tế tư sản để trả lời những nhà “xã hội chủ nghĩa”, hiển nhiên không thuộc hàng “những kẻ tán dương hèn hạ” nhưng vẫn chưa dứt khỏi giấc mơ bình đẳng tự do tư sản. Với những người “có thiện chí” này, Marx đã nói với họ như sau: “Thật là đạo đức giả cũng như đần độn khi mong mỏi rằng giá trị trao đổi sẽ không biến thành tư bản, lao động tạo ra giá trị trao đổi không biến thành lao động tiền công. Cái chia rẽ các vị ấy với những nhà tán tụng tư sản , một mặt là sự nhạy cảm của các vị ấy trước những mâu thuẫn nằm trong hệ thống; mặt khác là sự bất lực không tưởng để nắm bắt được sự khác biệt tất yếu giữa cái hình thái thực tế và lý tưởng của xã hội tư sản, điều này là nguyên nhân của sự ham muốn đảm nhận công việc thừa thãi thực hiện một lần nữa cái biểu hiện lý tưởng mà thực tế chỉ là sự phóng chiếu lộn ngược của cái hiện thực ấy” (Grundrisse BTA, Notebook II, Chương về tư bản). “Một nguyên lý khác”, bắt nguồn từ cảm hứng của Smith được Marx hình thành và được đặt cho một cái tên đặc biệt: đó là cái “biện chứng tất yếu về sự ly dị tuyệt đối của lao động với quyền tư hữu tài sản”, có cùng nội dung với “quy luật trao đổi bị trực tiếp chuyển sang cực đối lập của nó”. Ai cũng biết rằng cái quyền này rất thiêng liêng trong luật pháp tư sản, nó thể hiện ngay trên những trang viết của Smith: toàn bộ lao động kết tinh trong sản phẩm phải là phần thưởng của lao động tạo ra sản phẩm. Nhưng trong thực tế thì hoàn toàn ngược lại: khi ký hợp đồng làm thuê cho tư bản người lao động không sở hữu gì ngoài hai bàn tay trắng, và tất yếu chỉ có hai bàn tay trắng, nghĩa là không có chút sở hữu nào về tư liệu sản xuất thì mới gia nhập hàng ngũ những công nhân làm thuê. Tất nhiên người ta hoàn toàn tự do khi ký hợp đồng đó. Nhưng ngay từ đầu sự đối tác đó chỉ bình đẳng trên danh nghĩa; về thực chất nó là một cưỡng bức bị che giấu: hoàn toàn không thể gọi được là tự do khi anh chỉ được tự do đi làm thuê để khỏi phải tự do chết đói. Marx đã nói thật rõ về ý nghĩa của sự trao đổi gọi là “ngang giá” này: “Sự trao đổi của những cái ngang giá, có vẻ như quyền sở hữu sản phẩm lao động được xem là tiên quyết – như vậy có vẻ mặc nhiên thừa nhận là đồng nhất sự chiếm hữu qua lao động, quá trình kinh tế thực sự biến một cái gì đó thành cái của riêng với quyền sở hữu của lao động đã vật hoá. Điều này – xuất hiện trước đây như là một quá trình thực tế thì bây giờ được thừa nhận như là một quan hệ pháp lý, nghĩa là một điều kiện tổng quát của sản xuất và như thế được thừa nhận bởi luật pháp, đặt định như biểu hiện của ý chí chung. Nhưng trong thực tế, điều được thừa nhận đó đã bị lật ngược, tự thân bộc lộ qua cái biện chứng tất yếu như là sự ly dị tuyệt đối của lao động với tài sản, và sự chiếm hữu lao động xa lạ mà không hề có trao đổi, không hề có sự tương đương” (Grundrisse BTA, Notebook V, Chương về Tư bản &Fondements Vol I, tr. 480). Chúng ta đang được Marx dẫn đến một tình thế ở đó cái biện chứng về “sự ly dị tuyệt đối của lao động với tài sản” đã diễn ra một cách thật ly kỳ. Như thông thường, tất cả vẫn là bình đẳng và tự do về danh nghĩa nhưng trên thực tế tất cả đều ngược lại – chỉ có điều khác và mới thêm vào, đó cái biện chứng ngược đầu đó đã được thực hiện bằng một thứ thủ đoạn lén lút và phi pháp rất mực vô tư, rất mực “tự nhiên”. Trên thị trường, lao động được rao bán theo giá trị trao đổi dưới danh nghĩa sự ngang giá của một hàng hoá mệnh danh “vốn người”, một yếu tố trong những yếu tố sản xuất, không ai có thể phàn nàn. Nhưng khi đã rơi vào tay các ông chủ tư bản rồi thì Marx cho rằng lao động lại được đem ra “xài” theo cái giá trị sử dụng chứa đựng tiềm ẩn trong bản thân nó, không đúng với giá trị đã trao đổi: hoặc là bằng cách trực tiếp buộc lao động phải tăng thêm một số lượng thời gian dôi ra (“giá trị thặng dư tuyệt đối”) hoặc là dùng kỹ thuật tăng năng suất cho công cụ (tư bản cố định) làm giảm số lượng thời gian lao động cần thiết buộc lao động cố gắng tăng số lượng thặng dư nhiều hơn để tiếp tục thực hiện giá trị cho tư bản (“giá trị thặng dư tương đối”). Marx cho rằng qua việc chủ tư bản sử dụng lao động như vậy, nguyên tắc ngang giá trong trao đổi đã bị huỷ bỏ hoàn toàn: tư bản thực chất không mua lao động mà chính là mua sức lao động của người khác để khai thác giá trị vượt khỏi và cao hơn cái mà sức lao động ấy phải cung cấp theo thoả thuận. Tất cả những thứ gọi là bình đẳng, tự do trong các hợp đồng nhân danh “thuê mướn lao động” đều chỉ là bịp bợm, dối trá. Người ta không thể không nghĩ đến cuốn sách mới của Daniel Bensaid tựa là Marx, “Mode d’emploi” (Zones, France, 2009) để hình dung tư bản như một cái xưởng chế tạo giá trị thặng dư bí hiểm (không khác gì xưởng chế tạo ma tuý của các thế lực xã hội đen)! Sức lao động, đó chính là khái niệm chìa khoá mà Marx đã tìm ra để lý giải mối quan hệ giữa tư bản và lao động trong phương thức sản xuất đặt nền trên tư bản. Nó thay thế cho khái niệm lao động trống trơn và huyễn hoặc mà các tác giả cổ điển hay dùng. Và để có được khái niệm này, Marx đã không làm gì hơn là dựa vào chính những tiền đề mà các tác giả kinh tế cổ điển (như Smith và Ricardo) đã diễn giải, không làm gì hơn là nhân danh chính nội dung của những tiền đề ấy để tháo gỡ những mâu thuẫn và phục hồi sự nhất quán về logic cho lý luận về giá trị-lao động mà kinh tế cổ điển dựa vào để xây dựng cơ sở. Với thao tác lý luận đó, Marx đã làm một cuộc cách mạng cho chính trường phái kinh tế cổ điển, nhưng đồng thời cũng lại mang đến cho nó những điều chỉnh kinh hoàng về lý luận. Những luận điểm mới của Marx đã phá tan cái huyền thoại về tư bản mà người theo trường phái kinh tế ấy thường quan niệm như các thứ vốn vật thể (công cụ sản xuất, vật tư, tư bản ứng trước …) để tạo điều kiện cho công nhân “sản xuất”: tư bản không phải như vậy, với Marx đó chỉ là cái phần bộc lộ biểu kiến của yếu tính, chúng chỉ có thể tồn tại được trên cái nền xã hội đã nâng đỡ chúng, trên đó những thứ gọi là “vốn tư bản” đã được sử dụng như những miếng mồi để thu hút lao động sống; định chế xã hội ấy đã tước đoạt ngay từ đầu quyền tư hữu tài sản của người lao động, biến họ thành những kẻ vô sản trắng tay, qua đó buộc họ chấp nhận số phận làm thuê cho chủ tư bản – những người này vốn cũng không có gì trong tay như họ, nhưng được nuôi dưỡng bởi một định chế giúp họ thao túng được quyền lực chính trị, chi phối được toàn bộ của cải của quốc dân theo lợi ích của mình, nên đã nhân danh sự tăng trưởng kinh tế phổ quát, nhân danh quyền làm chủ công cụ sản xuất, nhân danh những bất trắc trong đầu tư, để khai thác sức lao động của người khác theo phương thức, không phải san sẻ, thoả hiệp (như Smith đã cho là vậy), mà là thống trị, tước đoạt. Tư bản, tồn tại trong một nền pháp quyền tư sản, trong điều kiện lao động bị đối xử như một hình thức lệ thuộc, ở đây không chỉ là vấn đề kinh tế, vấn đề làm ra của cải vật chất mà từ chiều sâu của nó, và cũng là bản chất của nó, chính là vấn đề xã hội, vấn đề quan hệ đối kháng giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân.
5 Chúng ta đã bước vào một bước ngoặt quan trọng của sự chuyển hoá lý luận đối với kinh tế cổ điển theo quan điểm macxit: từ chỗ là một vật thể quan hệ với lao động để sản xuất, tư bản bây giờ đã mang một nội dung khác hẳn: một quan hệ phi vật thể, một quan hệ xã hội về sản xuất, một quan hệ giữa người và người. Dưới nhiều hình thức Marx đã trình bày nội dung này của tư bản với cái nghĩa lịch sử cần phải truy tầm cho nó. Ông cho rằng xét về mặt kinh tế thì bất cứ hình thái sản xuất nào cũng cần “tư bản”, định nghĩa như công cụ lao động, để vận hành [ngay như khi ta dùng tay để nhặt thóc thì bàn tay ta đã là công cụ rồi]. Tư bản ở đây chính là một trong những yếu tố vật chất của toàn bộ quy trình lao động. Khi sản phẩm hoàn thành, muốn đem trao đổi với người khác thì cần thiết phải đưa nó ra thị trường đồng thời với việc sử dụng tiền tệ để tính toán, thanh toán, lưu trữ giá trị, v.v… Nói cách khác trước khi có sản xuất tư bản thì đã có nhu cầu sản xuất nói chung, và tuỳ theo từng thời kỳ mà ra đời những điều kiện sản xuất riêng biệt. Nhìn vấn đề theo quá trình phát triển của xã hội, Marx cho rằng phương thức sản xuất tư bản chỉ là một hình thái mang tính lịch sử, nếu đã dựa trên những tiền đề nào đó để ra đời thì đến lượt nó, nó cũng tạo ra cho chính nó những tiền đề dẫn tới giai đoạn chấm dứt cái vòng sinh tồn của bản thân. Những tính chất độc đáo của tư bản mà Marx tìm ta được chính là kết quả của sự suy lý biện chứng về lịch sử đó của ông. Để lĩnh hội được tính chất độc đáo này, chúng ta cần ghi nhớ rằng, đối với Marx, hình thái sản xuất dựa trên tư bản được xem là giai đoạn phát triển cao nhất có thể dẫn đến một chuyển hoá cao hơn của quá trình xã hội con người trên đường chinh phục tự nhiên để cải tạo cuộc sống của mình, về phương diện của cải vật chất lẫn phương diện văn hoá, khoa học. Phải căn cứ vào đỉnh cao của cái xã hội mà ta đang sống đó để hiểu những hình thái đã dọn đường cho nó, giống như, theo cách diễn tả nhiều lần của Marx, phải dựa vào giải phẫu học về cơ thể con người để hiểu giải phẫu học về vượn-người. Trong sản xuất, hình ảnh đó giả định một quá trình tiến hoá từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp của xã hội con người, vấn đề đặt ra là phải tìm ra những bước quá độ về phẩm mà xã hội tư sản đã tự nhào nặn, tự hoá thân để vươn tới những tính chất đặc trưng tiêu biểu của nó. Một cách khái quát, Marx đã mệnh danh cho cả cái giai đoạn quá độ ấy là giai đoạn sản xuất đơn giản mà đặc tính bao trùm là sự đứt đoạn trong cả quy trình. Một người bỏ tiền ra mua công cụ, vật liệu, tự sản xuất, cùng gia đình hoặc có thể thuê mướn một số nhân công, sau đó đem ra tiêu thụ để thu hồi lại vốn liếng và công sức, cũng có thể kiếm được một số giá trị thặng dư, tất cả dưới hình thức tiền, nhưng rồi tất cả cũng sẽ dừng nơi đó để chấm dứt một quy trình. Marx gọi cái quy trình trao đổi ấy là một quy trình trao đổi đơn giản ở đó sự sản xuất chia ra từng đoạn riêng rẽ , rời rạc. Động cơ của quy trình này cũng có cùng một tính chất: người ta sản xuất cốt yếu chỉ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng; trong những cộng đồng còn chưa phát triển, của cải làm ra còn ít ỏi, khan hiếm, cho đến những cộng đồng có trình độ cao hơn, sản phẩm dồi dào hơn nhưng nếu trong quan hệ chỉ giới hạn ở việc trao đổi những sản phẩm thừa, chưa cấp thiết dùng đến, thì vấn đề sản xuất cũng chỉ như vậy mà thôi: ở đây giá trị sử dụng trong sản phẩm được xem là đích ngắm chủ yếu. Cũng cần ghi nhận rằng trong hình thái sản xuất này, tất cả những yếu tố cấu tạo thành quy trình sản xuất tổng quát đều có đủ (phân công lao động, kiến thức, kỹ thuật sản xuất, thị trường, tiền tệ v.v….) , tất nhiên không thể không kể đến những quan hệ xã hội tổ chức và phân phối (từ công xã, gia đình, thủ công, phường hội, hợp tác…đến những hình thái tiếp giáp với tư bản hiện đại như tư bản thương mại, tư bản cho vay …), tuy vậy theo Marx có một điều quan trọng ở đây là tất cả đều không có hoặc chưa có: sự sản xuất xét trên tổng thể chủ yếu chưa hướng về việc kiếm lời, việc buôn bán không phải vì mục đích đơn thuần đuổi theo giá trị trao đổi. Có nghĩa là lúc ấy người ta chưa có nhu cầu để coi trao đổi theo nghĩa hiện đại như một thiên hướng “tự nhiên” theo cách nói của Smith. Từ phương thức sản xuất đơn giản nói trên, khi chuyển qua phương thức sản xuất tư bản theo lý giải của Marx, thiết nghĩ cần phải ghi nhận cái ý tưởng quan trọng mà Marx đã phát biểu nhiều lần: từ trong nội tại của nó, phương thức sản xuất tư bản không chứa đựng điều gì có thực chất để hiện thể ra ngoài một cách quá “hoành tráng” như những người ta thường nghĩ về nó. Với Marx, tất cả những gì mà tư bản có được đều chỉ là những cái mà nó thu nhặt, thừa hưởng, lợi dụng hoặc chiếm đoạt từ bên ngoài hoặc của người khác. Lao động thặng dư của công nhân hiển nhiên là điều được Marx nói đến nhiều nhất, chúng ta đã nói qua và chắc chắn sẽ còn phải nhắc lại. Nhưng không phải chỉ như thế mà là tất cả: từ sự hợp lý hoá sản xuất nhờ phân công lao động, những cuộc thám hiểm mở rộng không gian trao đổi, sự tăng trưởng về dân số, sự phát triển của khoa học, những phát minh công nghiệp, kỹ thuật chế tạo máy móc v.v… Marx cho rằng tất cả đều được tư bản khai thác lợi dụng không tốn một đồng xu nào. Vốn là kết quả của một sự chuyển động phát triển của lịch sử, tư bản đã thừa hưởng được tất cả những thành quả mọi mặt mà loài người tích tụ được. Không thể hiểu được ý nghĩa của nhận xét trên đây của Marx nếu không nắm rõ nội dung cái “bộ công cụ” thao tác mà tư bản đã tạo ra trong những điều kiện đó để sử dụng như bí quyết mở rộng tầm chinh phục rộng khắp của nó. Marx đã viết rất nhiều về tiền và cái mà ông gọi là tiền-tư bản (money-capital/argent-capital) như công cụ vạn năng đó. Chúng ta đều biết với Smith, tiền chỉ là biểu hiện giá trị danh nghĩa của cái gọi là giá trị thật của hàng hoá, tức là số lượng lao động tích chứa trong sản phẩm, cho phép người sở hữu nó có thể căn cứ vào đó “đặt mua” một lượng lao động tương đương bao hàm trong những hình thái lao động của người khác mà không cần phải khó nhọc làm ra. Marx cho rằng với chức năng đó, tiền chỉ là một phương tiện trao đổi trong quy trình sản xuất đơn giản: sau khi đã trao đổi xong, hàng hoá sẽ bị tiêu huỷ trong tiêu thụ, còn tiền thu được sau khi hàng hoá bán đi, sẽ trở thành công cụ lưu trữ, nằm chết một chỗ, nếu không được đưa vào quy trình sản xuất một lần nữa. Đó là chức năng của thứ tiền mà Marx gọi là tiền thông thường rất khác với tiền-tư bản với những thuộc tính mới là làm công cụ cho tư bản thực hiện giá trị. Loại tiền này không đặc biệt gì mà thật sự chỉ là sự chuyển hoá của tiền thông thường trong quá trình trao đổi đơn giản đến trao đổi tư bản. Marx cho rằng trong sản xuất đơn giản đã có sự hiện hữu của tiền cùng với giá trị trao đổi rồi và tiền chính là đại biểu cho giá trị trao đổi; và ngay trong hình thái sản xuất này, khi giá trị trao đổi đã hiện thân thành tiền thì tiền đã tách biệt khỏi hàng hoá để đi vào thế giới trừu tượng của những ý niệm, và trở thành đại biểu cho của cải tổng thể. Một vật thể riêng biệt nhưng cũng là một biểu tượng phổ quát. “Tiền như như vậy tồn tại như là giá trị trao đổi của tất cả hàng hoá đứng bên cạnh và bên ngoài hàng hoá. Đó là một vật thể phổ quát mà hàng hoá phải nhúng vào, mạ vàng, tráng bạc để trở thành độc lập với tư cách là những giá trị trao đổi. Hàng hoá chuyển dịch thành tiền, biểu hiện trong tiền. Tiền trở thành sự thống trị phổ quát của những giá trị trao đổi, của những hàng hoá với tư cách là những giá trị trao đổi” (Grundrisse BTA: Notebook 1, Chapter on Money, part II) . Việc giá trị trao đổi tách khỏi hàng hoá, rồi đến lượt nó, giá trị trao đổi chuyển thành tiền, đó chính là bước đầu giá trị trao đổi thoát ly khỏi giá trị sử dụng để đi vào một cuộc hành trình độc lập. Tách khỏi hàng hoá, tiền thực hiện trao đổi hàng hoá nhanh hơn, dễ dàng hơn, nhưng cũng vì vậy mà từ chỗ là phương tiện trao đổi, tiền trở thành mục đích tự thân trong sản xuất và cũng là “quyền lực” trong xã hội, như Smith đã nói. Tiền-thông thường bây giờ đã có điều kiện để trở thành tiền-tư bản với cái chức năng riêng biệt trong quy trình trao đổi đặc trưng tư bản là làm cho giá trị tư bản tự nhân lên, tự phình ra một cách tự động và liên tục, khác hẳn với vai trò nó từng giữ một cách đứt đoạn trong quy trình trao đổi và lưu thông trước đó. Marx đã dùng cách diễn đạt sau đây để biểu hiện hai quy trình (mà cũng là hai giai đoạn) sản xuất khác nhau: 1) H–T–H . Hàng–Tiền–Hàng trong lưu thông và quan hệ trao đổi giản đơn: hàng đổi hàng thông qua tiền (dưới nhiều hình thức); mục đích chính là tiêu thụ, tiền chỉ là phương tiện trao đổi. Trường hợp này vẫn có công cụ, có tiền, có trao đổi, có quyền tư hữu nhưng chưa có tư bản đúng nghĩa. Mọi thứ đều chấm dứt trong tiêu thụ, chấm dứt lưu thông, sau đó tái diễn một cách gián đoạn. 2) T – H… H’– T’. H (vốn ban đầu) = tiền công lao động + công cụ, vật tư. H’(sản phẩm hoàn thành) = tiền công lao động + lao động thặng dư + công cụ, vật tư. T’ > T vì trong T’ đã có giá trị thặng dư. Đây là trường hợp sự vận động của tiền diễn ra trong quy trình sản xuất tư bản: tư bản đã tăng giá trị trong quá trình sản xuất, có nghĩa là H đã trở thành H’ rồi mới chuyển lại thành tiền có giá trị T’ trong lưu thông. Marx cho rằng theo quy luật trao đổi ngang giá, xét trên phạm vi toàn bộ nền sản xuất, giữa bán và mua không thể có sai lệch về giá trị để tạo ra lợi nhuận cho tư bản. Ngoài việc làm cho tư bản tăng thêm giá trị, tiền-tư bản trong giai đoạn này còn có chức năng làm cho giá trị ấy tăng lên một cách không đứt đoạn trong một dòng lưu thông liên tục. Tính chất hai mặt của tiền ở đây đã mang ý nghĩa chức năng: từ chỗ tách rời hàng hoá để trở thành giá trị trao đổi, sau đó thành đại biểu cho của cải phổ quát, tiền vẫn biểu hiện sự tồn tại của mình như một hàng hoá riêng biệt (có thể mua qua bán lại) và chính từ sự hiện diện này, nó đã giao tiếp với lao động sống với tư cách tiền công, rồi hoà mình và nhập thân vào quy trình sản xuất, hút từ quá trình này phần giá trị thặng dư do lao động sống tạo ra, cuối cùng nhẩy ra khỏi lưu thông với tư cách là tiền đại biểu giá trị trao đổi, mang theo một đại lượng giá trị mới cao hơn giá trị ban đầu. Điều đặc biệt là với tính chất hai mặt của nó, tiền có thể lúc là mặt này lúc mặt khác, ra vào lưu thông một cách liên tục, lúc đưa giá trị thặng dư (dưới danh nghĩa lợi nhuận và thu nhập) về cho chủ tư bản để tiếp tục đầu tư, tăng cường tư bản cố định, lúc tiếp cận với lao động sống để điều chỉnh hoặc thúc đẩy sản xuất và thu hút giá trị thặng dư, làm cho các thành tố cấu tạo trong quy trình lưu thông của tư bản, luôn luôn được nhen nhúm, khởi động lại và vận hành như một chuyển động vĩnh cửu (perpetuum mobile). Khái niệm này đã được Marx sử dụng nhiều lần, có lẽ đã lấy cảm hứng từ vai trò tự động của hệ thống máy móc mà ông cho là thích hợp nhất với quy trình sản xuất dựa trên tư bản, qua đó cũng được sử dụng như một công cụ thống trị lao động. Cũng như Ricardo, Marx cho rằng tính chất quan trọng của máy móc là nó rút ngắn được thời gian lao động cần thiết, làm giảm bớt sự nhọc nhằn và đem cho công nhân thời gian rỗi rảnh hơn. Nhưng điều này chỉ đúng trong điều kiện nội dung hoạt động của máy móc đồng nghĩa với công cụ lao động, do áp dụng khoa học, kỹ thuật mà tăng thêm giá trị sử dụng áp dụng cho việc tăng sức sản xuất. Còn trong điều kiện sản xuất theo phương thức tư bản, mà mục đích duy nhất là tăng thêm giá trị trao đổi, Marx cho rằng máy móc đã được tư bản sử dụng ngược hẳn lại: nó không “thay thế lao động hoặc thực hiện những gì mà bản thân lao động không thể tự lực thực hiện được” như ý kiến của những người như Lauderdale mà chỉ nhân đó “làm tăng tỷ lệ của lao động thặng dư so với lao động cần thiết, tạo cho lao động khả năng trong một thời gian ngắn, sản xuất ra được nhiều sản phẩm cần thiết cho việc duy trì sức lao động sống hơn hẳn bằng cách tăng sức sản xuất của nó”. Nói cách khác: “tư bản chỉ sử dụng máy móc trong chừng mực máy móc tạo khả năng cho người công nhân dùng một phần thời gian của mình nhiều hơn để làm việc cho tư bản, coi phần lớn thời gian của mình là không thuộc về mình, làm việc lâu hơn cho người khác. Thật vậy, thông qua quá trình ấy, số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra một vật phẩm nào đó được rút xuống con số tối thiểu, nhưng chỉ để một lượng lao động thặng dư tối đa được thực hiện trong một lượng tối đa những vật phẩm như thế” (Fondements , Vol II, tr. 217 & Bản tiếng Việt). Với logic của sự chuyển hoá, công cụ sản xuất trở thành tư bản cố định được sử dụng như hình thức lao động vật hoá để thống trị lại lao động sống trong điều kiện công cụ sản xuất đã trở thành máy móc, việc tìm kiếm lao động thặng dư để thực hiện giá trị cho tư bản cũng mang tính chất thích hợp : sức người phải được giả định như một sức ngựa cơ giới đứng ngoài mọi quy chiếu về nhân tính để khai thác tối đa . Với thuộc tính đó, tư bản đứng lên trên các giai đoạn khác nhau của quá trình vận động, điều động mọi chuyển hoá diễn ra trong cuộc tuần hoàn sản xuất, dưới hình thức của một vòng xoáy trôn ốc phát sinh từ một vòng tròn mở rộng. “Sự phát triển tư liệu lao động thành hệ thống máy móc không phải là điều ngẫu nhiên đối với tư bản, mà là một sự cải tạo lịch sử những tư liệu lao động truyền thống được kế thừa, sự chuyển hóa của chúng thành những tư liệu lao động thích hợp với tư bản. Do vậy, sự tích lũy kiến thức và kỹ năng, sự tích lũy những lực lượng sản xuất phổ biến của khối óc xã hội được tư bản thu hút, đối lập với lao động và do đó biểu hiện ra là thuộc tính của tư bản, và biểu hiện ra một cách rõ ràng hơn nữa là thuộc tính của tư bản cố định một khi nó bước vào quá trình sản xuất với tính cách là tư liệu sản xuất thực thụ” (Fondements Vol II, tr. 213 & Bản tiếng Việt). Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy phê bình Smith, Ricardo chỉ nhắm mục đich xoá bỏ nguồn gốc lao động thặng dư tạo nên tư bản (ở đây là tư bản cố định, tư bản quá khứ) và giao cho tư bản bất biến (công cụ và vật tư) chức năng tạo ra giá trị (ngược với lý luận về lao động), biến luôn cả lao động sống thành tư bản dưới hình thức tư bản ứng trước cho tiền công, nói tóm lại chuyển hoá tư bản vốn là kết quả của lao động thành tư bản chủ thể của toàn bộ quy trình sản xuất mà mục tiêu duy nhất là thống trị và chiếm hữu lao động không công của người khác để tự mở rộng về trương độ lẫn không gian.
6 Qua những gì đã trình bày, chúng ta thấy với Marx, tư bản không phải chỉ là một quan hệ xã hội, một quá trình tự nhân lên giá trị mà còn là một quan niệm về phát triển của cải vật chất khác hẳn với những cách đã từng xảy ra: hạ vị thế con người xuống hàng vật thể để khai thác tối đa lao động thặng dư của họ với tư cách là một giá trị trừu tượng, phổ quát. Để đạt tới những kết luận ấy, như chúng ta đã biết, Marx đã kết hợp việc bảo vệ một số khái niệm và tiền đề của kinh tế cổ điển với những suy lý của riêng ông về thế giới trong đó tính lịch sử của mối quan hệ giữa điều kiện lao động và lao động là then chốt. Với Marx trong phương thức sản xuất dựa trên tư bản, tư bản chỉ là tư bản theo nghĩa thống trị lao động, còn lao động chỉ là lao động làm thuê cho tư bản. Vì thế tư bản chỉ có thể tồn tại trong vị thế đối lập với lao động và lao động chỉ là lao động đối lập với tư bản. Marx cho rằng những tác giả theo trường phái kinh tế cổ điển là những nhà “khoa học” theo nghĩa là họ đặt ra được vấn đề đó, nhưng do vẫn bị cầm tù bởi quan điểm tư sản nên cách lý giải của họ vẫn không thoát khỏi những phần huyễn hoặc, sai lầm. Cũng vì vậy khi phê phán, Marx vẫn giữ lại những đóng góp của kinh tế cổ điển, vẫn coi lý luận giá trị-lao động là nền tảng để đẩy vấn đề đi tới một lý giải thoả đáng cho mối quan hệ nói trên, trong điều kiện nền văn minh nhân loại bước vào một khúc quanh mới về chất. Những suy tưởng xa hơn của Marx về vai trò lịch sử của tư bản trong việc hình thành những viễn cảnh mới cho một hình thái kinh tế-xã hội có thể có trong tương lai đã được hình dung ra từ công việc dọn đường đó. Trước khi đi sâu hơn vào vấn đề này, chúng ta cần nhớ lại điều quan trọng mà Marx đã từng nói đến: không có sự đồng nhất giữa điều kiện sản xuất của tư bản với điều kiện sản xuất nói chung của con người qua các thời đại, và điều đó có nghĩa là ngay trong phương thức sản xuất tư bản đã có hai sức sản xuất khác nhau, có thể gặp nhau trong biểu hiện nhưng không đồng nhất với nhau về bản chất. Một là sức sản xuất xã hội do bản thân lịch sử tạo ra, có nguồn gốc từ những nỗ lực chinh phục của nhân loại trong quá khứ (Marx thường nói đến sự phân công lao động và sự phát triển của khoa học) . Hai là sức sản xuất mà tư bản đã thừa kế được từ cái đã qua để tạo ra phần riêng cho nó, phần riêng này Marx cho rằng không có thực chất mà toàn bộ chỉ là thành quả chiếm hữu của người khác. “… tư bản không tạo ra thế giới lại từ đầu, nhưng sản xuất và sản phẩm đã có sẵn trước khi tư bản bắt sản xuất và sản phẩm phải tuân theo quá trình của nó. Khi tư bản đã hoạt động rồi, khi nó xuất phát từ chính nó, thì nó thường xuyên tự đặt để dưới những hình thái khác nhau của mình với tư cách là sản phẩm tiêu dùng cá nhân, nguyên liệu và công cụ lao động, để thường xuyên tái sản xuất ra bản thân dưới các hình thức ấy” (Fondements Vol II, tr.190-191& Bản tiếng Việt). Là một quan hệ xã hội, tư bản thực sự không bao giờ đặt mục đích tạo ra giá trị sử dụng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của con người, và như nhận xét của Marx: nếu có quan hệ thì nó chỉ giả định là cái giá đỡ cho giá trị trao đổi, tức chỉ là phương tiện gián tiếp để tư bản làm tăng giá trị cho bản thân – mà tiền là biểu hiện. Máy móc được gọi là tư bản cố định nhưng thực chất chỉ là lao động vật hoá, tích tụ được từ chính lao động thặng dư “nhọc nhằn, phiền muộn” của hàng hàng lớp lớp các thế hệ công nhân. Tư bản như vậy không chỉ không liên hệ gì đến bất cứ một hành vi lao động nào để được trả công (như Smith đã khẳng định) mà còn đối lập với lao động, và trong vị thế đối lập trở thành thống trị, nó thâu tóm được tất cả thành quả lao động của người khác, để sau đó được những nhà lý luận sùng bái tư bản gây ngộ nhận về vai trò “sáng tạo ra giá trị” mà nó không hề có. Từ nhận xét trên đây, chúng ta có thể hình dung ra tính đặc trưng có một không hai của tư bản: tư bản đã đem đến cho quá trình tạo ra của cải của loài người một quan niệm về sự giàu có chưa từng có – một sự giàu có phổ biến, trừu tượng, tự động bành trướng, tự phình ra, tự nhân lên cùng nhịp với sự lạnh lùng, vô cảm của các loại máy móc thời hiện đại và như ta đã biết, thứ của cải đó chính là đồng tiền ý niệm. Và cái phương pháp được đem ra thực hiện để chiếm hữu thứ của cải ấy cũng không kém phần đặc biệt: dựa trên bề mặt của một định chế kinh tế trao đổi dưới danh nghĩa ngang giá, một nền pháp chế dân chủ và bình đẳng về hình thức, nó đã tìm được cách qua mặt mọi thứ để phá vỡ mọi quy ước và cam kết, sau đó tạo nên những tiền đề ảo để con người dựa vào đó sản xuất ra những sản phẩm thật mà hiệu quả không đưa đến đâu ngoài sự đối nghịch với bản chất của mình. Lý luận lao động tạo ra giá trị ở đây đã biến thành lao động bị tước đoạt giá trị, đẩy lao động vào tình trạng bị vong thân, điều mà Marx đã nói trong một bản thảo thời còn trẻ (1844), 14 năm sau (1857-1858 ) – hẳn là không còn “trẻ” nữa – vẫn tiếp tục nói lại để mô tả mối quan hệ giữa lao động và tư bản trong phương thức sản xuất tư bản mà cũng là mối quan hệ nội tại của con người với nhau trong một tình thế đặc biệt của lịch sử: con người đánh mất bản thân trong chính sản phẩm của mình làm ra – lao động vật hoá chống lại lao động sống. “Giới hạn của tư bản là toàn bộ sự phát triển của nó diễn ra một cách đối kháng và quá trình tạo ra lực lượng sản xuất, của cải phổ biến, của khoa học v.v. diễn ra như sự tha hoá của người lao động; người lao động xử sự với những điều kiện do chính họ tạo như đối với thứ của cải của người khác và sự nghèo túng của chính mình. Nhưng hình thức đối kháng này chỉ nhất thời và tạo ra những điều kiện thực tế để thủ tiêu chính nó” (Fondements Vol II, tr. 35). Như vậy theo cái logic của Marx về lịch sử thì tất cả những “thành tích” của phương thức sản xuất tư bản trên đây không chỉ mang ý nghĩa đơn giản ở sự biểu hiện của chúng. Trong biện chứng của Marx, tư bản muốn tồn tại vĩnh viễn như một thực tại tự nhiên, muốn mở rộng vòng hiện diện của nó đến chỗ vô giới hạn, nhưng trong khi tìm cách vượt qua những rào cản để tự thực hiện thì cũng chính ở trong công việc này nó đã tạo ra những rào cản tự chống lại mình: và cái tác nhân đối kháng đó không phải là cái gì khác hơn là cái thực thể bị nó thống trị, nhưng lại ấn định và tạo ra cho nó hình hài để tồn tại, đồng thời cũng nội tại trong nó như một tiềm thể đợi chờ ngày đập vỡ cái hiện hữu huyền thoại của nó để giành lại tính chủ thể sáng tạo ra giá trị của mình: cái tác nhân ấy chính là lao động mà trường kinh tế cổ điển đã coi là tiền đề giải thích nguồn gốc mọi nỗ lực tạo ra của cải xã hội. Marx đã nói khá nhiều về những dạng mâu thuẫn sinh tử (gián tiếp hoặc trực tiếp) do lao động tạo ra cho tư bản, chúng ta sẽ chỉ nói đến hiện tượng được xem là quan trọng gọi là “khuynh hướng giảm sút lợi nhuận của tư bản” được những người nghiên cứu Marx nói đến rất nhiều từ trước đến nay. Thật sự thì hiện tượng này là do Smith và Ricardo đưa ra, Marx chỉ lấy lại chứ không hề dựng nên. Smith cho rằng nguyên nhân là do cạnh tranh, còn Ricardo thì quy về lý do tăng lên của địa tô, nhưng dù sao tất cả đều dựa trên mối tương quan căng kéo giữa tư bản và tiền công để lập luận. Marx đã làm rõ hơn mối quan hệ này theo quan điểm toàn cục của ông đối với phương thức sản xuất tư bản, và coi đó như tất yếu trong quá trình bành trướng của nó: để đối phó với xu hướng tiền công ngày càng tăng, sự cạnh tranh ác liệt giữa các thế lực tư bản với nhau, tư bản đã áp dụng những thành tựu của khoa học, chế tạo máy móc để cải tiến công cụ làm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, lấy số lượng chiếm lĩnh thị trường để bù lại, và kết quả không tránh khỏi là làm cho cơ cấu của tư bản tổng thể bị mất cân bằng – quy mô phần tư bản tổng thể (công cụ+tiền công) vượt khỏi phần tư bản bỏ ra thuê lao động sống (tiền công). Vấn đề giảm sút tỷ suất lợi nhuận của tư bản cũng bắt nguồn từ đó. Tức là khi tư bản bành trướng đến tình trạng thích hợp nhất với nó và trở thành tư bản máy móc, giá trị thặng dư tương đối tăng lên được vật hoá ngày càng nhiều trong công cụ, còn máy móc thì ngày càng chiếm vị trí bao trùm trong quá trình sản xuất, kết quả là làm cho bộ phận lao động trực tiếp sản xuất nhỏ đi so với bộ phận lao động đã vật hoá, nghĩa là bộ phận tư bản được dùng để đổi lấy lao động sống càng nhỏ đi so với tư bản tổng thể, thì khi ấy hiện tượng tỷ suất lợi nhuận giảm sút cũng là tất yếu. Nói cách khác: mặc dù tỷ lệ giữa lao động thặng dư với lao động cần thiết giả định là không thay đổi, lợi nhuận do giá trị thặng dư tạo ra cứ ngày càng ít đi so với sự phình ra ngày càng lớn của tư bản cố định vốn là bộ phận cốt yếu tạo thành tư bản bất biến (gồm thêm vật tư). Marx cho rằng tư bản có nhiều phương cách để ngăn chận hiện tượng giảm sút tổng thể đó mà người ta có thể hình dung như tăng cường độ bóc lột, hạ tiền lương, sử dụng hoặc nhập khẩu tư bản bất biến giá rẻ, giảm bớt sự thay đổi cơ cấu tư bản, di chuyển tư bản tới các khu vực có lao động và nguyên liệu rẻ … nhưng tất cả đều chỉ là tạm thời và giới hạn. Xét từ nền tảng, xu hướng đó là trầm kha, nó phản ảnh sự mâu thuẫn không lối thoát giữa lao động vật hoá với lao động sống nằm ngay trong phương thức sản xuất dựa trên tư bản. “Vì hiện tượng sút giảm lợi nhuận tương ứng với sự sút giảm tương đối của lao động trực tiếp so với lượng lao động vật hóa do lao động trực tiếp tái sản xuất và mới tạo ra, nên tư bản tìm mọi cách ngăn trở sự giảm đi của lao động sống so với lượng tư bản tổng thể, tức cũng ngăn trở sự giảm đi của giá trị thặng dư biểu hiện dưới hình thức lợi nhuận so với tư bản có trước. Nó cũng cố giảm cái phần dành cho lao động cần thiết và tăng thêm nhiều hơn số lượng lao động thặng dư so với toàn bộ lao động được sử dụng. Vì vậy, sự phát triển đến tối đa của sức sản xuất cũng như sự trương nở tối đa của của cải hiện có sẽ trùng khớp với sự mất giá của tư bản, sự thoái hóa và sự kiệt quệ sinh lực ngày càng tăng của người công nhân” (Fondements, Vol. II, p. 277 & Bản tiếng Việt). Marx coi hiện tượng giảm sút lợi nhuận là quy luật căn bản của tư bản. Ông cho rằng những mặt tiêu cực nói trên chính là nguồn gốc của những bùng nổ, những cuộc khủng hoảng làm cho lao động tạm thời bị ngưng lại, huỷ hoại một bộ phận lớn các loại tư bản riêng biệt, tất cả sẽ kéo tư bản nói chung tuột xuống cái mức ở đó nó còn có thể tiếp tục hoạt động mà chưa đến nỗi tự sát. Marx cũng cho rằng những tai hoạ cứ tái diễn đều đặn, ngày càng với quy mô lớn hơn, có thể có tác dụng điều chỉnh sắp xếp lại để quy trình sản xuất tư bản gượng dậy và phục hồi, nhưng cuối cùng sẽ không tránh khỏi rơi vào chỗ sụp đổ dữ dội. Xét về mặt kinh tế đơn thuần, cuộc khủng hoảng cuối cùng của phương thức sản xuất tư bản do giảm sút lợi nhuận có xảy ra với kết quả dự đoán của Marx hay không là điều có thể bàn cãi hoặc phủ định khi đem đối chiếu với những diễn biến thường nghiệm. Nhưng đây không phải là chỗ để chúng ta nói về điều đó mà chỉ muốn, trong khi tìm hiểu, làm rõ hơn cái logic biện luận mà Marx đã vận dụng để giải thích hiện tượng này: đó không có gì khác hơn là cái logic của sự tác động ngược lại của lao động đối với quy trình sản xuất của tư bản. Những phần lao động bị tư bản tước đoạt bây giờ lại chuyển hoá thành những nhân tố chống lại việc tư bản thực hiện giá trị để bành trướng: giá trị sử dụng của lao động sống đã được chuyển vào lao động vật hoá, dần dà tích tụ thành sức mạnh đủ để ngăn cản tư bản với tới mục tiêu của nó là giá trị trao đổi.
7 Những tín hiệu này là tích cực và có thể được nhận ra trong cái đà suy luận của Marx: chúng bao hàm ngay trong những biểu hiện tiêu cực của tư bản mà qua sự diễn tả của Marx, tính chất hứa hẹn của chúng có thể gây ra ngạc nhiên với chúng ta: trong những mặt xấu xa nhất, tệ hại nhất của tư bản đã hàm chứa tất cả những cái ngược lại, nghĩa là tiến bộ nhất, có ý nghĩa giải phóng con người ở mức độ kỳ diệu nhất. Chúng ta hãy nói thêm về hiện tượng máy móc làm giảm thời gian lao động cần thiết so với thời gian lao động thặng dư đã đề cập ở trên để làm rõ nhận xét đó. Như chúng ta biết, vấn đề này Ricardo đã nói đến, bây giờ được Marx khai triển theo một viễn cảnh rộng lớn đụng chạm đến bản chất của tư bản: qua tất cả những chuyển hoá trung giới quanh co, rút lại sự tước đoạt của tư bản không có gì khác hơn là chiếm hữu thời gian lao động của người khác – lượng thời gian mà Smith cho biết là do công nhân thêm vào sản phẩm để chủ tư bản đem bán và thu về giá trị với tư cách là lợi nhuận của tư bản – bây giờ người ta gọi là “khoản chi trả cho tư bản” để chỉ nội dung của nó. Người chủ tư bản như vậy không thể tự định nghĩa cách nào khác hơn là đại diện nhân hoá của tư bản – ở một nơi khác Marx gọi đó là một tư bản pour-soi để đối với tư bản vật thể mà ông gọi là tư bản en-soi – , một hình thái đại diện của một vật thể chết mà sự tồn tại được bồi đắp bằng sức lao động của những sinh thể người còn sống. Và cái mà đại diện nhân hoá ấy chiếm hữu được và gọi đó là “giá trị” theo định nghĩa của Smith, chính là cái khả năng “đặt mua” được các loại hình lao động bày bán trên thị trường mà không cần đem “niềm vui, hạnh phúc và tự do” của bản thân ra trả giá. Thời gian của tư bản vì thế là thời gian phi lao động, và do đó cũng là thời gian phi sản xuất cũng theo tiêu chuẩn của Smith. Nhưng khi tư bản dùng quyền lực buộc lao động “hy sinh” cho mình rồi đem giá trị lao động thặng dư tích tụ dần dà vào tư bản cố định, tăng cường sức mạnh cho nó (ở đây là máy móc) để tiếp tục làm phương tiện bòn rút thêm giá trị thặng dư trong lao động sống thì vô tình nó đã dấn mình vào một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc: nó đã tự làm mình bị giảm giá một cách trầm trọng. Lúc trước vốn là một công cụ lao động trong quy trình sản xuất đơn giản, sau khi chuyển hoá thành tư bản cố định trong điều kiện tư bản đã thống trị được toàn bộ nền sản xuất, bây giờ, trong sự bành trướng để trở nên hùng mạnh thêm, lại là lúc nó tạo ra những điều kiện để cho cái mà nó coi là phương tiện trước đây, là giá trị sử dụng, ngoi dần lên mặt tiền sân khấu, xoay tư bản cố định về hướng hoạt động phục hồi lại chức năng công cụ ban đầu của sản xuất – là làm vơi đi sự nhọc nhằn của lao động bằng cách làm giảm thời gian cần thiết cho quá trình lao động. “Bản thân tư bản là một mâu thuẫn đang thực hiện quá trình, mâu thuẫn ấy là ở chỗ tư bản, một mặt, tìm cách giảm thời gian lao động xuống mức tối thiểu, và mặt khác, làm cho thời gian lao động trở thành thước đo duy nhất để đo của cải và trở thành nguồn của cải. Vì vậy tư bản giảm thời gian lao động dưới hình thái thời gian lao động cần thiết, để tăng thời gian lao động dưới hình thái thời gian lao động dư thừa; vì vậy tư bản ngày càng biến thời gian lao động dư thừa thành điều kiện – thành vấn đề sống còn – đối với thời gian lao động cần thiết. Một mặt, tư bản làm nảy sinh tất cả sức mạnh của khoa học và của giới tự nhiên, cũng như những sức mạnh của sự kết hợp xã hội và của sự giao tiếp xã hội, – nhằm làm cho việc tạo ra của cải trở nên độc lập (một cách tương đối) với thời gian lao động đã chi phí vào sự sáng tạo ấy. Mặt khác, tư bản muốn đo những sức mạnh xã hội to lớn đã được tạo ra theo cách đó bằng thời gian lao động và nhét những sức mạnh ấy vào những phạm vi cần thiết để duy trì giá trị đã được tạo ra với tính cách là giá trị. Lực lượng sản xuất và quan hệ xã hội – cả hai thứ đó đều là những mặt khác nhau trong sự phát triển của cá nhân xã hội – đối với tư bản chỉ là phương tiện và chỉ dùng làm phương tiện cho tư bản để tiến hành sản xuất trên cơ sở hạn hẹp của nó. Nhưng trên thực tế chúng là những điều kiện vật chất để phá đổ cơ sở ấy”. (Fondements Vol. II, tr. 222-223 & Bản tiếng Việt) Marx cho rằng tư bản máy móc, khi phát triển sức sản xuất của nó đến chỗ có hiệu quả cao nhất, sẽ mở ra ngay trong lòng phương thức sản xuất tư bản khả năng giải phóng lao động khỏi nội dung của hình thái lao động cũ, theo định nghĩa của Smith để mang ý nghĩa tích cực hơn: sự vượt qua những trở ngại bên ngoài của con người với tư cách là chủ thể để hiện thực hoá tiềm năng nội tại của mình; lao động bây giờ không còn là khổ dịch mà trở thành một hoạt động tự do của “con người toàn diện”, mang tính chất sáng tạo của một nghệ sĩ, hấp dẫn và đam mê trong căng thẳng và nghiêm túc. Tình trạng ấy chỉ có được khi lao động hoàn toàn làm chủ được máy móc, coi máy móc là giá trị sử dụng đúng nghĩa của công cụ giúp những người lao động thoát khỏi những vướng bận lam lũ vì sinh kế, có nhiều thời giờ nhàn rỗi hơn để tham gia vào đời sống văn hoá, trước đây vẫn là lĩnh vực độc quyền của những thành phần thiểu số “phi sản xuất”. Vấn đề tiết kiệm thời gian lao động vì vậy đã được Marx đặc biệt quan tâm. Kinh tế tư bản lấy thời gian của người khác làm phương thức phát triển của cải, rút đời người thành phương tiện, thành vật dụng do đó trong sự phát triển của mình đã đi vào một mâu thuẫn không lối thoát. Một mặt dùng khoa học kỹ thuật rút bớt thời gian lao động cần thiết trong sản xuất nhưng mặt khác lại tìm mọi cách tước đoạt thời gian lao động dôi ra của công nhân để tăng trưởng của cải một cách vô độ, mâu thuẫn này biểu hiện ở phương thức tổ chức sản xuất đặt nền trên một triết lý phủ định tính toàn diện của con người. Nhưng mặt khác, trong đà phát triển của nó, với việc chế tạo ra máy móc, tư bản lại mở ra một viễn cảnh mới: biến khoa học thành lực lượng sản xuất trực tiếp thay cho việc khai thác khối lượng thời gian lao động trực tiếp trong việc tạo ra của cải xã hội; và với chiều hướng đó, Marx cho rằng tư bản đang đứng trên nấc thang lịch sử cuối cùng của phương thức sản xuất tước đoạt thời gian lao động của người khác diễn ra từ lâu, nhưng cũng chính từ nấc thang đó, với tính chất riêng biệt của một mô thức chuyển tiếp, chiếm hữu được di sản của quá khứ, ngoài ý muốn của mình, nó đã nhón chân qua cái nấc thang đó với những thể nghiệm tích cực cho tương lai. “Trong sự chuyển hóa ấy, cơ sở chủ yếu của sản xuất và của của cải không phải là lao động trực tiếp do chính con người thực hiện và không phải là thời gian trong đó anh ta lao động, mà là sự chiếm hữu sức sản xuất phổ biến của chính con người, là nhận thức của con người về giới tự nhiên và sự thống trị giới tự nhiên do sự tồn tại của con người với tư cách là một cơ thể mang tính xã hội, tóm lại – đó là sự phát triển của cá nhân mang tính xã hội. Sự ăn cướp thời gian lao động của người khác – sự ăn cướp này là nền tảng mà sự giàu có ngày nay dựa trên đó – được quan niệm là cái cơ sở thảm hại so với cái cơ sở vừa mới phát triển lên cách đây không lâu, do chính nền đại công nghiệp tạo ra. Một khi lao động dưới hình thái trực tiếp của nó không còn là nguồn của cải vĩ đại nữa thì thời gian lao động không còn là và phải không còn là thước đo của cải nữa, do đó giá trị trao đổi không còn là thước đo giá trị sử dụng nữa. Lao động thặng dư của quần chúng công nhân không còn là điều kiện để phát triển của cải phổ biến, cũng giống như sự không lao động của một số ít người không còn là điều kiện cho sự phát triển những sức mạnh phổ biến của đầu óc con người nữa. Do đó, nền sản xuất dựa trên giá trị trao đổi bị sụp đổ, và hình thái sự nghèo nàn và sự đối kháng được trút bỏ khỏi chính quá trình sản xuất vật chất trực tiếp (Fondements, Vol. II, p. 222 & Bản tiếng Việt). Câu cuối của đoạn dẫn trên đây của Marx đã đưa chúng ta đến kết luận chung cuộc cho lý luận giá trị-lao động mà những nhà kinh tế cổ điển đã dựa vào để lý giải sự vận hành của tư bản: trong khi coi lao động là nguồn gốc tạo ra của cải ích dụng cho xã hội nhưng lại đẩy sang bên lề giá trị sử dụng của của cải và coi giá trị trao đổi là mục đích và phương cách duy nhất để tự bành trướng, tư bản đã đẩy mô thức phát triển dựa trên giá trị trao đổi ấy đến những kết quả tận cùng của nó với những mâu thuẫn có tác dụng tự huỷ hoại. Nhưng đây mới là điều đặc biệt đáng chú ý: đó là những mâu thuẫn huỷ hoại mang tính biện chứng đặc trưng mácxit: những mâu thuẫn tất yếu phải tạo ra huỷ hoại để làm sinh thành những giá trị mới cho xã hội mới đang tượng hình. Những giá trị tích cực này do Marx gợi ra, tuy không bất ngờ vì cách biện luận logic quen thuộc của ông, nhưng vẫn gây ra cho chúng ta nhiều bỡ ngỡ; chúng hiện hữu ngay trong bản thân khái niệm “giá trị trao đổi”, nền tảng lý luận của sự trao đổi hàng hoá trong xã hội tư sản – đại biểu phổ quát cho hàng hoá sau đó chuyển hoá thành tiền để trở thành đại biểu phổ quát cho của cải – như là sự ẩn tàng của bình minh trong đêm đen, của hy vọng trong tuyệt vọng. Giá trị trao đổi đó, sự khái quát trừu tượng tột độ về giá trị của cải vật chất được toàn bộ xã hội theo đuổi như mục đích tự thân, thay thế cho những quan hệ trực tiếp, làm cho các cá nhân xa lạ với người khác và bản thân thì ở một mặt khác nó lại có tác dụng tích cực trong sự hình thành một hình thái giá trị mới: thoát khỏi được những xiềng xích trói buộc của những thống trị cụ thể thời tiền tư bản, tự đặt để từ tiên khởi như những bản vị tự trị, độc lập, nhào nặn trong cuộc cạnh tranh sinh tử lấy tính phổ quát làm chuẩn mực để tồn tại và vươn lên, các cá nhân nhờ đó hấp thụ được những phẩm chất mới trước đây chưa hề có. Marx đã đưa ra một so sánh rất đặc biệt để trình bày quan niệm này: giá trị trao đổi trong sự biểu hiện thành tiền của nó, với tư cách là một vật thể riêng biệt nhưng đồng thời là hiện thân quyền lực cao nhất cho giá trị, có thể trao đổi với bất cứ một vật thể thứ ba nào, không cần phân biệt, Marx cho rằng cái khả năng trao đối phổ quát đặt nền trên những mục đích vật chất và vị kỷ đó đã rất giống với tình trạng ở đó sự suy đồi, tham nhũng đã phát triển đến mức phổ quát , do đó ông đã đặt cho hiện tượng ấy một cái tên cực kỳ độc đáo là “sự đánh đĩ phổ biến”, “đánh đĩ mười phương” (prostitution universelle) cùng với một nhận định cũng cực kỳ độc đáo về sự chuyển hoá giá trị: sự tiêu cực cùng cực đó chính lại là giai đoạn cần thiết để các cá nhân học được bài học về “sự phát triển tính cách xã hội, tài năng, năng lực, hoạt động mang tính cách cá nhân”, thông qua sự thử thách về “mối quan hệ phổ biến của tính hữu dụng và vị lợi”. “Khả năng có thể trao đổi với bất cứ sản phẩm nào, hành động và quan hệ với một vật thể khác mà đến lượt nó lại có thể trao đổi với bất cứ cái gì, không phân biệt bất cứ cái gì – nói cách khác là sự phát triển của các giá trị trao đổi và các mối quan hệ tiền bạc – khả năng đó tương ứng với tính hám lợi và sự đồi bại nói chung. Tình trạng đánh đĩ phổ biến – hay nói lễ phép hơn: nguyên lý thực dụng phổ biến – là một giai đoạn cần thiết cho sự phát triển xã hội của các năng khiếu, năng lực, hoạt động của con người” (Fondements, Vol I, p. 100). Hiện tượng lao động thặng dư mà tư bản dựa trên hình thức giá trị trao đổi ngang giá để chiếm đoạt sức lao động giúp nó bành trướng với những kết quả làm tha hoá con người cũng được Marx xét đến ở một số khía cạnh tích cực mà nó mang lại cho sự phát triển xã hội và cá nhân. Ông nói đến cái đặc điểm lịch sử lớn lao mà việc khai thác lao động thặng dư theo phương thức tư bản đã ảnh hưởng đến nhu cầu tạo ra của cải trong viễn cảnh sung mãn của thời kỳ sẽ đến, thời kỳ mà quan điểm đơn thuần về giá trị sử dụng hiểu theo nghĩa thuần sinh kế sẽ không còn được coi là quan trọng nữa. Việc tư bản sử dụng máy móc để khai thác giá trị thặng dư tương đối, thúc đẩy sản xuất đi về phía trước một cách vũ bão, cũng gợi ra khả năng sử dụng khoa học như một lực lượng sản xuất trực tiếp, thay cho việc tập trung khai thác thời gian lao động để giải quyết sự tăng trưởng kinh tế như đã từng xảy ra ở các thời kỳ khan hiếm mà tư bản đã đưa lên hàng đầu. Riêng đối với những người lao động trực tiếp, Marx chú ý đặc biệt đến vai trò tổ chức và quản lý của tư bản trong việc hình thành những thói quen kỷ luật khắt khe trong lao động, nhất là thói quen làm cho sự cần cù trở thành một thái độ sống phổ biến trong hoạt động, một đức tính mà Marx cho rằng sẽ “tác động vào các thế hệ kế tiếp theo như là thuộc tính phổ quát của giống loài mới” trong tương lai. “Cố gắng không ngừng của tư bản trong khi hướng về hình thái phổ quát của sự giàu sang đã thúc đẩy lao động vượt khỏi giới hạn của sự tầm thường của nó, và vì thế tạo ra những nhân tố vật chất cho sự phát triển của tính cách cá nhân phong phú, toàn diện trong sản xuất lẫn trong tiêu thụ, và lao động của nó vì thế cũng không còn như lao động mà là sự phát triển đầy đủ của bản thân hành động ở đó sự tất yếu tự nhiên trong hình thái trực tiếp của nó đã chấm dứt vì lẽ một nhu cầu tạo ra một cách lịch sử đã thay chỗ cho nhu cầu tự nhiên” (Grundrisse BTA, Notebook III, “Chapter on Money” ). Một ý quan trọng cần được ghi nhận trong đoạn văn trên đây của Marx, ý này đã được ông lặp lại nhiều lần, và phương thức sản xuất tư bản đã coi là tiền đề để phát triển của cải, bây giờ được nêu lại theo một hướng mới hoàn toàn: đó là vị trí của chủ thể sản xuất với tư cách là những cá nhân trừu tượng trong giả định của Smith và Ricardo, những cá nhân ấy trong xã hội lấy giá trị lao động thặng dư làm chuẩn mực thử thách để tồn tại, theo Marx, vẫn có khả năng nương theo cuộc cạnh tranh khắc nghiệt đó để vượt qua những thói nhỏ nhen, lợi dụng những yếu tố tích cực tồn tại trong xã hội tư sản, hình thành cho bản thân những tố chất của sự phát triển “toàn diện” và “phong phú” chuẩn bị cho một tương lai sung mãn, ở đó những cá nhân sẽ trở thành những cá nhân mang tính xã hội trong một hoàn cảnh lịch sử mới mẻ hoàn toàn: không còn là những thực thể bị đè bẹp bởi các thứ tôn ti thời tiền tư bản, cũng không còn là những Robinson tư sản độc lập với nhau một cách hư ảo, mà là những nhân cách xã hội đã cá biệt hoá trong điều kiện phát triển tổng thể với những nhân tố tích cực toàn diện về mặt vật chất lẫn văn hoá. “Mối quan hệ của sự phụ thuộc cá nhân (hoàn toàn tự phát khi khởi thuỷ) là hình thức xã hội đầu tiên ở đó khả năng sản xuất của con người chỉ phát triển ở mức vừa phải và ở những điểm biệt lập. Sự độc lập cá nhân đặt trên sự phụ thuộc vật thể khách quan là hình thái lớn thứ hai ở đó một hệ thống của sự trao đổi chất xã hội, của mối quan hệ phổ quát, của những nhu cầu về mọi mặt được hình thành lần đầu tiên. Tính chất độc đáo tự do, dựa trên sự phát triển phổ quát của những cá nhân và sự phụ thuộc của họ vào cộng đồng của mình đó là giai đoạn thứ ba. Giai đoạn thứ hai tạo điều kiện cho giai đoạn thứ ba”. (Grundrisse BTA, Notebook I, October 1857, “Chapter on Money”, Part II). Với Marx, cá nhân không hề bị hoà tan vào một cái tổng thể khách quan nào đó như người ta đã tưởng mà là những thực thể độc đáo có khả năng tự mình thoát ra khỏi những ảo tưởng về những quy định tất yếu xa lạ với tính chủ thể đích thực của con người. Kiến tạo ra những môi trường thuận lợi để cá nhân phát triển toàn diện đó chính là mục đích tối hậu của cuộc giải phóng lao động mà Marx đã nói đi nói lại rất nhiều lần: sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Phương thức sản xuất tư bản trong khi coi những chủ thể sản xuất như những cá thể tự trị ảo tưởng thì đồng thời qua hình thái đó cũng đã cung cấp cơ sở vật chất tạo ra tiềm năng để họ có thể vượt qua và trở thành đích thực. Một khi những cá nhân ý thức được tình thế hiện thực của cái xã hội đã tước bỏ tự do của mình thì khi ấy họ sẽ bắt đầu đi tìm viễn cảnh hiện thực cho một xã hội cần phải có để bảo vệ sự tự do của họ.
8 Qua tất cả những gì đã trình bày, chúng ta thấy tuy tư tưởng Marx đã được cấu tạo nên từ nhiều nguồn nhưng điểm xuất phát của nó rõ ràng là từ lý luận giá trị-lao động của trường kinh tế cổ điển. Đó là điểm xuất phát quan trọng vì tất cả cái hệ thống lý luận mà Marx xây dựng nên đều đặt trên căn bản của kinh tế cổ điển cho rằng lao động là nguồn gốc tạo ra giá trị cho sản phẩm. Luận điểm lao động bị tha hoá trong phương thức sản xuất tư bản – cơ sở để xây dựng học thuyết giải phóng lao động với cuộc cách mạng gọi là vô sản về sau – chỉ là logic phát triển từ tiền đề đó. Tuy vậy chỉ với kinh tế cổ điển không thì không đủ. Để có được luận cứ hình thành học thuyết về lao động nói trên, Marx đã vận dụng phương pháp biện chứng lịch sử để phê phán những kết quả mà ông cho rằng mâu thuẫn, sai lầm do chính các nhà kinh tế cổ điển đã suy ra từ chính cái tiền đề tạo nên học thuyết của họ. Nguồn gốc của phương pháp phê phán này xuất phát từ Hegel, Marx chỉ ám chỉ đây đó, nhưng được các nhà nghiên cứu chứng minh rõ rệt, thể hiện trong các tác phẩm của ông, đặc biệt trong Grundrisse vào thời ông không còn gọi được là “trẻ” nữa . Người ta có thể kể đến một nguồn tư duy khác trực tiếp tạo nên học thuyết Marx là tư tưởng xã hội chủ nghĩa của những nhà tư tưởng Pháp, nhưng thật sự đây chỉ là sự gọi tên cuối cùng cho một cuộc tìm kiếm mà kết quả đã được nhận ra ngay trong cuộc hành trình. Khi nhìn lại kết quả tổng hợp trong học thuyết Marx, qua sự vận động của những khái niệm, những phạm trù mà Marx sử dụng, nhiều tác giả đã có cơ sở để cho rằng quan điểm phê phán của Marx với kinh tế tư sản chỉ là sự phê phán triết học về kinh tế – có thể hình dung như một thứ biện chứng luận macxit về kinh tế – nghĩa là tìm cách khai triển ý nghĩa triết học trong các sự kiện kinh tế, và việc phê phán ấy chỉ nhắm mục đích coi kinh tế như điểm xuất phát để suy tưởng về những vấn đề khái quát thuộc lĩnh vực chính trị, những hình thái xã hội thay nhau trong lịch sử nhân loại từ khởi thuỷ cho đến ngày nay. Sự kiện hiện thực bị phóng chiếu qua lăng kính của những phạm trù triết học đã bộc lộ rất rõ trong biện chứng về mối quan hệ tư bản/lao động, đã trình bày ở các phần trên, như là sự thống nhất và đối nghịch quyện vào nhau trong quá trình đấu tranh, chinh phục, đồng hoá và triệt tiêu nhau. Tư bản thống trị lao động khi tư bản biến được lao động vật hoá trong công cụ thành tư bản cố định, lao động sống thành tư bản đầu tư vào tiền công. Lao động sẽ theo lộ trình đó mà đảo ngược lại, phục hồi tất cả, lấy lại vai trò chủ thể của sản xuất để vượt qua tư bản. – “Chỉ có một mình lao động mới sản xuất; lao động là thực thể duy nhất của các sản phẩm với tính cách là những giá trị” (Fondements Vol II, tr. 115) –. Chung cuộc thì lao động sẽ thắng vì lao động là cái tầng nền tảng của thực tại. Còn tư bản sẽ qua đi là do tư bản chỉ là cái váng của lịch sử, là cái phi lao động xuất hiện nhất thời trên đường đi của một nhân loại tự thực hiện yếu tính của mình là lao động. Bây giờ chúng ta hiểu tại sao trong khi phê phán lý luận của mọi trường phái kinh tế tư sản, Marx luôn đối lập giá trị sử dụng với giá trị trao đổi, sản phẩm với hàng hoá, công cụ lao động với tư bản cố định, lao động sống với lao động vật hoá, tiền thông thường với tiền-tư bản v.v… Tư bản như vậy không còn là tư bản tự thân nữa mà đã trở thành tư bản của một hệ tư duy. Lao động cũng vậy. Sự thao tác trừu tượng trong những phân tích đó là quá hiển nhiên: đó không phải sự mô tả về mối quan hệ hiện thực của những tập hợp người trong đời sống – ở đây là quan hệ “bóc lột” cụ thể của những chủ tư bản với những người làm thuê – mà là sự va chạm của những khái niệm trong đó con người chỉ là những hiện thể nhân cách. Thực sự thì nhiều lần Marx cũng đã xác nhận như vậy và điều đó đã tiếp sức cho những khái niệm trong văn bản của ông một cái đà vận động không hề chịu sức cản của thực tế, cũng không hề bị thuộc tính của thực tế quy định. Lao động và tư bản phải là hai thực thể sống mái cùng hiện hữu trong một khoảng thời tạm bợ: nếu lao động được gọi đúng tên của nó là lao động thì tư bản là phi lao động, nếu có dính dáng gì đến lao động – lao động vật hoá, lao động quá khứ – thì cũng chỉ là những cái đã mất bản sắc, là công cụ để tư bản thống trị, nô dịch lao động sống, lao động đích thực. Khi đã là hai thực thể có được sự tồn tại siêu hiện thực như vậy thì chúng sẽ được phép tung hoành với tốc độ tối đa để phát triển bản chất cố hữu của chúng. Tính đặc trưng của tư bản là khai thác lao động để tự động nhân lên, tự phình ra một cách vô độ cho nên nó phải dốc hết tiềm năng để bóc lột, rồi cũng vì đó mà tự đào huyệt chôn mình theo cái biện chứng của sự sinh thành: xuất hiện trong lịch sử như kết quả của một xu hướng phát triển đã có cơ sở vật chất để trở thành phổ biến nên tư bản chỉ nương theo đó mà thúc đẩy cho sự phổ biến ấy đi đến tận cùng hậu quả rồi sau đó sẽ tự tạo ra cho mình những điều kiện tự diệt bằng cách tạo ra trong bản thân những mầm móng tích cực, để cho lực lượng đối lập thay thế thừa kế tạo ra một hợp đề phát triển phổ biến hơn trong tương lai. Một số khái niệm mà Marx tìm ra được qua sự phê phán trường kinh tế cổ điển đã chứa đựng những nội dung siêu hiện thực như vậy. Chúng ta hãy lấy khái niệm sức lao động được coi là chìa khoá mở cửa vào hệ thống của Marx làm thí dụ. Trước hết đó là một khái niệm không thể kiểm chứng được một cách cụ thể trên thực tế, những cái mà Marx gọi là “những sức tự nhiên thuộc về thân thể của con người” (Tư bản, Phần 1, Quyển 1, Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 230) khi nó được quy vào cái phạm trù gọi là thời gian lao động xã hội cần thiết, kết quả tổng hợp của một tình trạng xã hội với một sức sản xuất nhất định nào đó nhưng lại khá mơ hồ, không thể tìm ra được cột mốc nào để định lượng, tính toán về phương diện kinh tế. Tính chất “trừu tượng” của khái niệm lao động khi vận dụng vào thực tế làm “thước đo”, gặp khó khăn như thế nào trong thực tế đã được Smith đề cập; Ricardo khi sử dụng lại khái niêm đó cũng không đẩy xa hơn việc xác định như một thứ bản thể nằm sâu trong sản phẩm, coi là cơ sở để tính toán giá trị nhưng hiện thể trên thị trường lại không tìm được điểm tựa ở đâu ngoài giá cả tính bằng tiền. Khi khái niệm lao động nói chung đó được Marx chuyển thành sức lao động cho rằng có thể lý giải tình trạng làm thuê trong phương thức sản xuất tư bản một cách xác thực hơn, nhưng ngoài việc duy trì tính biểu tượng nói chung cho một trường phái coi lao động là nguồn gốc duy nhất tạo ra của cải, trên thực tế, mặc dù ngược lại với tính chất tư duy lạnh lùng học được từ Ricardo, Marx đã không mang cho khái niệm ấy một ý nghĩa cụ thể nào khác hơn là một công cụ tố cáo phẩm chất đạo đức của tư bản cực kỳ gay gắt mà chúng ta đã biết nội dung: sự khai thác của tư bản đối với giá trị thặng dư của lao động vừa xảo quyệt gian dối (mua theo giá trị trao đổi nhưng xài theo giá trị sử dụng) lại vừa vô độ, phi nhân tính (coi lao động như vật thể để bóc lột bằng mọi cách). Tính chất tố cáo thật triệt để nhưng xét kỹ thì nó lại không hề đụng chạm đến những nguyên tắc căn bản của phương thức sản xuất tư bản, mà trái lại, đã nhân danh sự ngang giá và bình đẳng trong trao đổi hàng hoá, bao gồm luôn cả tính chất hình thức của pháp quyền tư sản, để chống lại sự áp dụng sai, áp dụng ngược lại những nguyên tắc mà phương thức sản xuất tư bản coi là tính chính đáng để tồn tại. Sự tố cáo bao hàm trong khái niệm “sức lao động” đó cũng giống khái niệm “lợi nhuận” mà Marx lấy lại của Smith để phơi bày tính chất ăn bám của tư bản – thực chất được ông gọi là là “giá trị thặng dư” –, coi tư bản như một thứ danh nghĩa không có thực lực nhưng biết lợi dụng và tước đoạt mọi thành quả lao động của người khác để tự nhân lên giá trị của bản thân, coi lợi nhuận là mục đích tự thân, tham lam vô độ, bất chấp tất cả. Chỉ vì đã là một cơ cấu sản xuất vô nhân tính nên những gì mà tư bản thực hiện cho nhân loại, được Marx thừa nhận và biểu dương hết mực – đặc biệt việc áp dụng khoa học vào sản xuất làm giảm thời gian lao động cần thiết, tạo thời gian nhàn rỗi cho công nhân –, có chỗ xưng tụng đến phi lý, nhưng xét đến cùng vẫn bị phủ định bằng cách coi đó chỉ là những kết quả “ngoài ý muốn” của nó, có làm gì đi nữa thì nó cũng hoàn toàn “xa lạ” với công nhân, hơn nữa chỉ để tạo điều kiện tước đoạt lao động của công nhân một cách tự động, liên tục. Với tính chất đó, tư bản giống như một cái gì đó vượt lên trên xã hội, chi phối vận mệnh con người như một thế lực siêu hình, phi vật thể như Sísmondi đã viết: “Tư bản, giá trị thường trực, tự nhân lên, không bao giờ huỷ hoại. Giá trị đó tự rứt ra khỏi hàng hoá đã tạo ra nó; như một tính chất siêu hình, phi vật thể, nó luôn khống chế cùng một anh nông dân, đội lốt cho anh này nhiều hình thức khác nhau” (Dẫn trong Grundrisse BTA, Notebook V). Một thứ tư bản được mô tả như vậy chỉ có thể hình dung như một cấu trúc phi nhân loại, máy móc, lạnh lùng, thủ đoạn biến hoá tài tình, rất đáng khâm phục nhưng cũng đáng sợ hãi, thù ghét. Chính hai khái niệm “lợi nhuận” (hoặc “giá trị thặng dư”) và “sức lao động” phối hợp tác động lẫn nhau trong lập luận của Marx đã tạo ra hiệu quả tố cáo đến mức tối đa về bộ mặt ghê gớm đó của tư bản. Ở đây tính chất ý thức hệ của sự mô tả biếm hoạ và cường điệu bộc lộ rất rõ rệt, nó làm cho sự xuất hiện của tư bản với tư cách là một hiện thực lịch sử trở thành một kết cấu khái niệm tạo nên thuần bằng logic và suy đoán, khác xa với tư bản tồn tại trong thực tế: một phương thức tổ chức sản xuất, một mô hình phát triển thời công nghiệp. Tính chất tư biện trong lập luận của Marx về mối quan hệ tư bản/lao động trong lý luận giá trị-lao động đã được nhiều tác giả phân tích như là thuộc tính đặc trưng của học thuyết Marx nhưng về sau được một số khác coi đó chỉ là sự biến thể ngược chiều từ một bản chất chung nằm sẵn trong lý luận về lao động của trường kinh tế cổ điển ra đời vào lúc xã hội tư sản và nền công nghiệp đang hình thành. Theo nhận định này thì lý luận về lao động của Marx, mặc dù dẫn tới những kết luận trái ngược với khởi nguồn của nó, nhưng vẫn là sự tiếp nối của một truyền thống lấy lao động giải thích giá trị sản phẩm, vì vậy vẫn chỉ là một sự diễn giải khác về lý luận giá trị-lao động của trường kinh tế cổ điển. Nói cách khác, tính chất tư biện trong lập luận của Marx cũng chính là tính chất tư biện trong lập luận về lao động của trường phái này. Đi sâu vào xuất xứ của lý luận lao động trước khi Adam Smith tổng kết, nhiều tác giả cho đó là một phản ứng chống học thuyết trọng thương, không chú ý đến sản xuất mà chỉ lo buôn bán với bên ngoài, và cũng do nhu cầu nội tại đó, mà lao động đã được đề cao cổ vũ cho đường lối xây dựng xã hội công nghiệp, hình thành từng lớp doanh nhân theo đuổi sự nghiệp “sản xuất” theo tiêu chuẩn của Smith (giúp cho quá trình tích tụ tư bản), cũng trên giá trị đó đả kích những thói tiêu xài xa xỉ, hoang phí của các tầng lớp “phi sản xuất”, cũng theo tiêu chuẩn của Smith. Dù vậy, từ trọng nông đến kinh tế cổ điển, mỗi trường phái đưa ra những lý lẽ khác nhau, nhưng do đều coi lao động là nhân tố quan trọng hoặc duy nhất làm ra của cải, cho nên vẫn bị coi là một thứ ý thức hệ về lao động; không ít tác giả còn đi xa hơn khi chứng minh thứ triết học về lao động đó thực chất chỉ là một “huyền thoại”. Bản thân Marx cũng đã tham gia việc phê phán này bằng cách chỉ ra một cách khá chính xác những mâu thuẫn, bất nhất trong lập luận của Smith và Ricardo khi hai tác giả này dựa vào lao động để giải thích mọi vận hành của guồng máy sản xuất tư bản. Tuy vậy đến lượt mình, do không thoát khỏi cái tiền đề của thứ lý luận mà mình đã ra công điều chỉnh, bản thân Marx đã tạo ra một huyền thoại mới về giải phóng lao động, giải phóng loài người với những kết luận huyễn hoặc. Nhận xét này trước đây thường rất khó khăn để thuyết phục nhưng ngày nay hầu như đã trở thành hiển nhiên và phổ biến: không ai nghiên cứu tư tưởng Marx đến tận nguồn gốc mà còn đơn giản coi những kết luận của ông về sự hình thành và thay nhau của những hình thái kinh tế-xã hội là “khoa học” nữa. Cũng vì vậy mà rất nhiều trường phái về sau này trong khi tìm cách làm sáng tỏ tính chất tư biện và ảo tưởng trong lý luận lao động của Marx, cũng đã tìm cách bác bỏ luôn cả lý luận nguồn gốc trong trường kinh tế cổ điển mà Marx lấy cảm hứng để đẩy xa hơn. Những cố gắng ấy mang hiệu quả đến mức nào, có khả năng tạo ra một thứ phủ định thay thế tích cực hay không, ở đây không phải là chỗ bàn luận, nhưng dù sao thì có một điều rất rõ: tất cả đều không làm gì khác hơn là đặt những phê phán của họ trên cái nền hiện thực thường nghiệm của các hoạt động kinh tế trong đời sống: ở đây của cải xã hội là kết quả tổng hợp của cả một mô hình phát triển trong đó lao động chỉ là một nhân tố trong nhiều nhân tố sản xuất, chứ không phải là duy nhất, ở đây chỉ cần nói đến giá cả để có thể tính toán trực tiếp trong việc làm ăn chứ không cần giá trị lao động để lập thuyết dài dòng về những hình thức chuyển hoá, chỉ cần bàn về chi phí sản xuất để nói chuyện lời lỗ một cách cụ thể trong kinh doanh chứ không cần đưa ra khái niệm chi phí lao động về sản xuất để tranh cãi triền miên về ý thức hệ v.v… Tuy vậy cũng nên quan tâm đầy đủ rằng trong hàng ngũ những người nghiên cứu Marx, vấn đề không hoàn toàn đơn giản. Nếu tính chất không tưởng trong viễn cảnh giải phóng macxit ngày càng hiển nhiên thì không vì thế mà có thể xoá bỏ luôn những phần phê phán tích cực của Marx đối với phương thức sản xuất tư bản, chẳng hạn về phương diện xã hội học, (một ý của Joseph A. Schumpeter trong Capitalísme, socíalísme et démocratie, Payot, Paris, 1963) qua đó tìm ra được những yếu tố thiết thực để giải quyết mối quan hệ lao động/tư bản có lợi cho giới cần lao, mà mấu chốt là vấn đề bảo vệ sự bình đẳng pháp lý cho quyền tư hữu lao động. Nếu nhớ lại những gì đã trình bày ở các phần trên, thiết nghĩ đây là điều rất đáng coi là quan trọng vì trong biện luận của mình, Marx đã nhân danh quyền tư hữu về kết quả của lao động, nhân danh nguyên lý trao đổi ngang giá, và cả quyền bình đẳng trong pháp quyền hiện đại để chống lại sự phóng chiếu lộn ngược được ông gọi là cái “biện chứng ly dị tuyệt đối của lao động với tài sản” mà ông cho rằng tư bản đã thực hiện một cách phi pháp như chúng ta đã biết. Nhận định này phải được coi là quan trọng vì, tuy không được Marx khai triển đầy đủ, mặt khác “sự phóng chiếu lộn ngược” nói trên cũng cần phải xác định lại nội dung, nhưng dù vậy ý nghĩa tích cực về mặt giá trị của nó đã là đương nhiên, tồn tại trong tầng sâu của hiện thực, dựa vào đó khi đối chiếu, so sánh, đã làm bật ra được ý nghĩa tiêu cực của tầng biểu hiện với tư cách là sự biểu hiện có nội dung phủ định, đối nghịch với cái tiền đề xuất phát của nó. Nhận ra được giá trị tích cực này trong bản thân đối tượng mà Marx phê phán, chúng ta cũng nhận ra được điểm tựa về mặt giá trị mà Marx dựa vào để thực hiện sự phê phán: sự phê phán ấy vẫn không vượt ra khỏi được cái nền giá trị hàm chứa trong đối tượng bị phê phán. Kết quả là khi được đặt trên cái nền giá trị đó sự mâu thuẫn giữa tư bản và lao động trong phương thức sản xuất tư bản (đối tượng phê phán của Marx) sẽ xuất hiện như một mâu thuẫn cục bộ nằm trong những mâu thuẫn tổng thể mang tính cơ cấu, nhiều mặt của một mô hình phát triển, không duy nhất, bao trùm, giả định rằng giải quyết được thì cũng thanh toán xong cái hình thức tồn tại của đối tượng phê phán. Khả năng giải quyết mâu thuẫn cục bộ đó do vậy cũng bao hàm khả năng giải quyết mâu thuẫn đó một cách hiện thực và tương đối, nghĩa là ở bên ngoài cái logic không rào cản về triết học dẫn tới cuộc cách mạng chung cuộc về lịch sử của Marx – và cũng do vậy tính chất hiện thực trong mối quan hệ giữa tư bản và lao động theo phương hướng này có thể được lý giải từ một hình thức lý luận nào đó vẫn còn dính dáng đến Marx nhưng đã được tẩy trừ đi rất nhiều màu tư biện: lý luận này sẽ tìm thấy tính chính đáng cho nó trong mối quan hệ pháp lý phổ quát ở đó phương thức sản xuất tư bản tồn tại, coi đó là cơ sở để ngăn chặn mọi hình thái vi phạm quyền tư hữu tài sản về lao động với tư cách là một giá trị mà loài người đã đạt được qua thời gian. Sự phân biệt các tầng ý nghĩa trong lý luận của Marx về phương thức sản xuất tư bản cũng sẽ quyết định chiến lược khác nhau về tranh đấu của các từng lớp lao động làm thuê cho chủ tư bản. Chấp nhận đưa lên hàng chính diện hình thức lý giải hiện thực (phi triêt học, phi tư biện) như đã nói ở trên, phong trào lao động sẽ mang tính chất hoàn toàn thiết thực nhưng không kém phần quyết liệt: nếu những cuộc đấu tranh trực tiếp của giai cấp công nhân đương nhiên được xem là thiết thân để bảo vệ quyền lợi của mình về mặt kinh tế thì, về phương diện ngoài kinh tế như Marx đã từng đề cập, các cuộc đấu tranh mang nội dung xã hội và chính trị của giai cấp công nhân, liên hiệp với tất cả mọi thành phần khác trong xã hội công dân để ngăn chặn mọi độc quyền và thao túng của giai cấp chủ tư bản trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống, nhất là việc chiếm đoạt nhà nước, biến nhà nước thành công cụ thống trị, những cuộc đấu tranh mang tính chất “quyền lực chống quyền lực” đó mới có ý nghĩa quan trọng thật sự để những người lao động và những đồng minh của họ thoát khỏi sự khống chế khắc nghiệt của tư bản. Định chế hiện đại về chính trị lẫn xã hội đã quy định tất cả những điều đó trên mặt pháp lý, các từng lớp đi làm thuê cho tư bản chắc hẳn phải biết khai thác để bảo vệ quyền tư hữu tài sản của mình đồng thời cũng là quyền tư hữu nhân thân của con người. “Muốn chống lại “con rắn gây ra những nỗi thống khổ của họ”, công nhân phải hợp nhất lại, và với tư cách là một giai cấp, họ buộc nhà nước phải ban hành một đạo luật để làm một chướng ngại xã hội mạnh mẽ ngăn cản ngay chính bản thân họ, thông qua một hợp đồng tự nguyện với tư bản, tự bán mình và bán nòi giống mình vào chỗ chết chóc và nô lệ” (Tư bản, Quyển I, Tập 1, Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 384). Trong khi chờ đợi cuộc cách mạng vô sản giải phóng lao động sắp đến, Marx đã khuyên chúng ta như vậy, và về phần mình, mặc dù không tin cuộc cách mạng ấy sẽ có cơ sở hiện thực để xảy ra, cũng không coi tư bản thuộc phạm trù rắn rết, chúng ta vẫn có thể nghe theo những lời khuyên rất thực tế đó của ông đứng lên tranh đấu, không nhằm cứu vớt ai mà chỉ để được sống như những người lao động mà cũng là những công dân lương thiện, bình thường. Xong ngày 5-9-2010 L.P
Tài liệu sử dụng ADAM SMITH: The Wealth of Nations (1776) http://www.econlib.org/library/Smith/smWN.html – Bản tiếng Việt: Đỗ Trọng Hợp, Của cải của các dân tộc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997 DAVID RICARDO: On The Principles of Political Economy and Taxation (1817) http://www.econlib.org/library/Ricardo/ricP.html – Bản tiếng Việt:Nguyễn Đức Thành &Nguyễn Hoàng Long: Những nguyên lý của kinh tế chính trị học và thuế khoá, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002 KARL MARX: Grundrisse , Bản tiếng Anh: Outlines of the Critique of Political Economy – http://www.marxists.org/archive/marx/works/1857/grundrisse/ ; Bản tiếng Pháp: Roger Dangeville: Fondements de la critique de l’économie politique (Ébauche de 1857-1858), I&II, Editions Anthropos, Paris, 1968, 1969; Bản tiếng Việt: Các bản thảo kinh tế những năm 1857-1858 , Phần II, “Báo diện tử Đảng Cộng sản Việt Nam” – KARL MARX: Bản tiếng Anh: Theories of Surplus-Value (TSP) – http://www.marxists.org/archive/marx/works/1863/theories-surplus-value/index.htm Bản tiếng Việt: Các học thuyết về giá trị thặng dư , Phần II, “Báo diện tử Đảng Cộng sản Việt Nam” – KARL MARX: Contribution à la critique de l'économie politique (1859) http://classiques.uqac.ca/classiques/Marx_karl/contribution_critique_eco_pol/contribution_critique.html NHIỀU TÁC GIẢ: Karl Marx’s Grundrisse– Foundations of the Critique of Political Economy 150 years later (Edited by Marcello Musto, with a special foreword by Eric Hobsbawm), Routledge, USA, 2009 NHIỀU TÁC GIẢ: A Dictionary of Marxist Thought (Edited by Tom Bottomore), Harvard University Press, Cambridge, Massachusetts, 1983 BERNARD GUERRIEN, Nguyễn Đôn Phước dịch: Từ điển phân tích kinh tế, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2007 LESZEK KOLAKOWSKI: Main Currents of Marxism [Translated from Polish (1976) by P.S. Falla (1978)], W.W. Norton & Company, New York– London, 2005 ANTONIO NEGRI: Marx au-delà de Marx – Cahíer de travail sur le “Grundrisse” (Traduit de l’italien par Rosane Silberman), Editions L’Harmattan, Paris, 1979 DANIEL BENSAID: Marx – Mode d’emploi, Zones, France, 2009 TRẦN HẢI HẠC: Relire “Le Capital” – Marx, critique de l’économie politique et objet de la critique de l’économie politique, Tome I, Cahiers libres – Éditions Pages Deux, France, 2003 HIROSHI UCHIDA: “Marx's Grundrisse and Hegel's Logic” http://www.marxists.org/subject/japan/uchida/index.htm#Preface PAUL TREJO: “Summary of Hegel's Philosophy of Mind”, 1993 http://evans-experientialism.freewebspace.com/hegel_summary_phen_of_mind.htm KEPA M. ORMAZABAL SÁNCHE: “Adam Smith on Labor and Value: Challenging the Standard Interpretation” – http://ideas.repec.org/p/ehu/ikerla/200626.html ROBERT P. MURPHY: “The Labor Theory of Value: a Critique of Carson’s Studies in Mutualist Political Economy”, https://mises.org/journals/jls/20_1/20_1_3.pdf PETER C. DOOLEY: “The Labour Theory of Value: Economics or Ethics?” http://www.compilerpress.atfreeweb.com/Anno%20Dooley%20Labour%20Theory%20of%20Value.htm#5.0%20Ricardo%20corrects%20Smith
6-11-2010
|