Số 20 - Tháng 11/2010
Trả lời Dương Danh Huy và Hoàng Anh Tuấn Kiệt
Vũ Quang Việt
Xin cám ơn hai tác giả Dương Danh Huy và Hoàng Anh Tuấn Kiệt đã bỏ công đọc bài viết và có những bình phẩm và phê phán. Tôi xin trả lời theo 4 vấn đề và sau đó kết luận. 1. “Chúng tôi cho rằng bài ‘Tranh chấp Biển Đông Nam Á: đi tìm giải pháp hòa bình và công lý dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế’ tập trung nhiều vào tranh chấp đảo, và như thế là không phản ảnh chính xác thực tế nói trên. Có lẽ đây là một bài viết về tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa hơn là về tranh chấp biển.” Đoạn nhận xét này hoàn toàn không phản ánh những gì được viết trong bài viết. Bài viết nói về cả biển lẫn đảo. Liên quan đến biển, trong phần I của bài viết tôi đã trình bày rõ về yêu sách đường chữ U vô lý của Trung Quốc, kể cả lịch sử ra đời của nó, vì nó chỉ là do một công chức vẽ bản đồ tự biểu lộ tình cảm cá nhân của mình khi vạch ra một đường chữ U, không dựa trên bất cứ điều lệ quốc tế nào cả. Có lẽ anh ta không ngờ là những khối óc vĩ đại của Trung Quốc lại lợi dụng thời cơ kiểu đó. Có thể nói mọi nước đều thấy yêu sách này là vô lý. Ngay chính quyền Mỹ, dù tuyên bố không có ý kiến về tranh chấp chủ quyền ở Biển ĐNA, cũng tuyên bố không chấp nhận. Do đó tôi đã viết là nó không thể dùng là cơ sở để thương thảo như sau: “Sau khi Trung Quốc bỏ yêu sách biển nằm trong đường chữ U, các nước có thể tiến hành đàm phán.” Đề nghị giải quyết tranh chấp của tôi là một đề nghị về phương thức giải quyết trên một lộ trình để tiến tới giải pháp, chứ không phải là đưa ra những giải pháp cụ thể. Trong tiến trình như thế, cả biển và đảo đều được đề cập tới. Chủ quyền hay quyền khai thác kinh tế biển theo Luật Biển LHQ phải bắt nguồn từ chủ quyền từ một vùng đất (có thể là đất liền, có thể là đảo, đá), chứ không thể nói đây là biển lịch sử của ta kiểu đường chữ U. Tôi không đi vào chi tiết, nhưng tác giả Dương Danh Huy và Hoàng Anh Tuấn Kiệt (H&K) dường như có lầm lẫn cho rằng Trung Quốc yêu sách chủ quyền đường chữ U là xuất phát từ yêu sách các đảo của họ. Trung Quốc chưa bao giờ giải thích lý do tại sao họ yêu sách đường chữ U. Chính vì thế yêu sách này lại càng vô lý. Nếu Trung Quốc đem yêu sách này vào bàn hội nghị thì hội nghị sẽ tan vỡ ngay. Và tất nhiên Trung Quốc sẽ bị lên án và bị cô lập về đòi hỏi vô lý này. Chính vì thế mà bước đầu tiên trong đề nghị giải quyết tranh chấp của tôi là xem xét tính chất của những khu đất, đá (gọi chung là cơ cấu tự nhiên) ở Trường Sa trên Biển ĐNA: phải chăng chúng là đảo hay đá. Dựa theo Luật Biển LHQ và các tiền lệ do Tòa án Quốc tế, diện tích quyền thừa hưởng biển chung quanh, có thể là lớn hay nhỏ tùy theo tính chất của đảo. Và theo sự hiểu biết của tôi, quyền thừa hưởng phái sinh (derived) những loại đá (và ngay cả nếu được coi là đảo) này sẽ rất nhỏ. Chính điều này hy vọng sẽ làm giảm mức độ cuộc tranh giành hiện nay. Còn phân chia đảo, sau khi quyết định tính chất của nó, có thể có nhiều giải pháp khác nhau: (1) hoặc ai chiếm đâu thì tiếp tục chiếm đó nhưng do tính chất của chúng đã được quyết định trước; quyền thừa hưởng biển phái sinh sẽ nhỏ; hoặc (2) quốc tế hóa tất cả các đảo này, và như thế toàn bộ tài nguyên thiên nhiên trong biển và dưới đáy biển đều có thể đem phân chia cho các nước trong vùng ĐNA dựa trên đường cơ sở do đất liền hoặc các đảo lớn tạo ra. 2. Hai tác giả trên viết: “(Tác giả [tức VQV] cho rằng) các đảo Trường Sa chưa chắc có nhiều quyền lợi từ biển, và nếu có thì cũng không thể thực hiện được trước khi giải quyết tranh chấp.” và hai tác giả phản bác “Về luận điểm thứ 5 [tức là luận điểm vừa mới nhắc lại], chúng tôi cho rằng chúng ta cần phải biết các đảo Trường Sa có là của Việt Nam hay không, bất kể các đảo này có thể có nhiều hay có ít quyền lợi, và bất kể chúng ta có thể thực hiện được quyền lợi đó hay không.” Hai tác giả hình như không theo đúng logic phê phán dùng ở điểm 1 (nói đến ở trên), tức là cho rằng bài của tôi là nói về đảo chứ không phải về biển. Hai người ở đây lại lý luận là cần biết các đảo ở Trường Sa có thuộc Việt Nam không. Đúng là phải thế! Chủ quyền biển là phái sinh từ chủ quyền đảo và đất liền. Như thế muốn giải quyết biển thì phải giải quyết đảo và đất liền. Và điều này tôi đã thể hiện trong bài. Vì có thể không hiểu rõ điểm này nên ở phần dưới, hai tác giả cho rằng “1. tồn tại tranh chấp chủ quyền đối với các đảo” và “ 2. Tồn tại tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền đối với biển và thềm lục địa” là “hai phạm trù pháp lý khác nhau”. Thế nào là “khác nhau”? Rõ ràng là chúng đâu có độc lập nhau. Phạm trù hai là phái sinh từ phạm trù một. Nếu không có đảo/đất liền cạnh biển thì không có biển. Cho nên không thể bàn riêng về biển. Lập luận của tôi là Việt Nam chưa có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để thuyết phục thế giới và các nước khu vực là tất cả đảo ở Trường Sa là thuộc Việt Nam. Nếu sự thật không là như thế, và nếu Việt Nam cứ cố tình tranh chấp tới cùng, theo kiểu Trung Quốc, cho đây là vùng “lợi ích cốt lõi” hoặc là yêu sách “không thể chối cãi” thì Việt Nam sẽ chỉ thiệt thòi khi phải đối phó với một anh khổng lồ như Trung Quốc. Giả dụ có thắng kiện nếu như vụ kiện được đưa ra xử thì phần biển Việt Nam được phân chia phái sinh từ đảo cũng không đáng kể, theo Luật Biển LHQ. Vậy thì, với căn cứ lịch sử và pháp lý không đủ để thuyết phục thế giới thì nên chăng Việt Nam có một thái độ hợp tác với các nước khu vực, tìm cách có giải pháp thỏa đáng mà mọi nước có thế chấp nhận được? Chẳng phải như thế là tốt đẹp hơn sao? Khi còn tranh chấp thì không thể khai thác, vậy thì lợi ích ở chỗ nào? Nếu không có tranh chấp thì Việt Nam đã có thể khai thác ngay phần biển rất lớn phái sinh từ đất liền của Việt Nam. Hơn nữa, lại tranh chấp với chính những nước có thể là đồng minh cốt lõi của mình để chống lại hành động đe nẹt của nước lớn như Trung Quốc thì há chăng đây là hành động khôn khéo? Tôi cho rằng nhà nước Việt Nam, học giả Việt Nam, những người tin rằng ông cha ta từ rất lâu rồi đã làm chủ Trường Sa thì hãy cứ thu thập tài liệu để biện minh với nước ngoài. Ngay cả nếu không lập luận dựa trên chứng cứ lịch sử thì hãy chứng minh trên cơ sở luật pháp là Việt Nam có quyền thừa kế tuyên bố chủ quyền của Pháp trên các đảo vô chủ ở Trường Sa. Trong phương thức giải quyết vấn đề mà tôi đề nghị, các nước trên bàn hội nghị vẫn có thể tranh cãi thương thảo về chủ quyền đảo. Vấn đề chia nhau đảo và chia như thế nào hay khai thác chung thì hội nghị thương thảo giữa các nước sẽ quyết định. 3. Hai tác giả cho rằng nguyên tắc tôi đề nghị “Sẽ là một giải pháp công bằng và hợp lý cho tất cả các bên liên quan nếu bỏ sang một bên thế kỉ của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á (ĐNA)” là “không phù hợp với luật quốc tế hay tập quán quốc tế. Không những thế mà nguyên tắc này rất có lợi cho Trung Quốc và phương hại đến Việt Nam.” Có thể thấy ngay là tôi không đưa là nguyên tắc đàm phán, mà đó là ý kiến chính trị chủ quan của tôi. Những ý kiến chính trị chủ quan như thế không phải từ trên trời rơi xuống mà dựa vào nghiên cứu khách quan lịch sử khu vực trước đây và cán cân quyền lực quân sự và kinh tế ở khu vực hiện nay mà tôi đã trình bày trong cả ba phần của bài viết. Nó dựa vào mục tiêu mà tôi đặt ra cho bài viết: (1) tìm giải pháp công lý và hòa bình không chỉ cho Việt Nam và khu vực, (2) phù hợp với lịch sử và dư luận thế giới, và (3) đoàn kết được các nước ASEAN chống lại đòi hỏi vô lý của Trung Quốc bằng cách chứng tỏ rằng Việt Nam cũng sẵn sàng xem xét mọi khía cạnh của vấn đề một cách hợp lý chứ không đòi hỏi vô lý. Các nước ở châu Á hầu như đều bị đế quốc đô hộ, cho nên đòi hỏi các nước chấp nhận một trật tự mà đế quốc Pháp để lại là điều không tưởng, trừ khi mọi người ở khu vực sẵn sang chấp nhận lập luận đó. Và rõ ràng là điều này không hiện thực. Nhưng từ đó để kết luận là: “nguyên tắc này rất có lợi cho Trung Quốc và phương hại đến Việt Nam” là một phê phán tôi nghĩ không thể chấp nhận được.
4. Hai tác giả đưa ra một số lập luận để khẳng định là Trường Sa là thuộc Việt Nam. Hai tác giả chỉ dùng lập luận về mặt luật pháp để cho rằng Việt Nam được thừa hưởng tuyên bố chủ quyền của Pháp trên các đảo ở Trường Sa vì tôi không thấy hai tác giả căn cứ vào chứng cứ lịch sử của Triều Nguyễn để lập luận. Về lập luận thì chưa rõ chỗ đứng của hai tác giả. Có lúc (ở phần đầu) hai tác giả viết: “Cụ thể, nếu Trường Sa là của Việt Nam, chúng tôi tin là như thế, …” và ở gần phần cuối lại viết “Pháp và Việt Nam không đòi hỏi làm chủ tất cả các đảo ở Biển Đông Nam Á.” Nếu dựa vào câu sau thì tôi nghĩ là các nước có thể thương thảo với nhau thay vì vận động tinh thần yêu nước của dân chúng để bảo vệ Trường Sa đến cùng. Ít nhất là có thể thương thảo giữa các nước Đông Nam Á với nhau. Như vậy thì kết luận có khác điều gì tôi nói đâu. Bất cứ một chính phủ nào cũng phải cân nhắc về sức mạnh của mình, về lợi ích dài lâu của đất nước và nhân dân để xem xét bước đi thỏa đáng. Chỉ có Trung Quốc với khuynh hướng đã và rất có thể sẽ sẵn sàng dùng bạo lực với các nước láng giềng mới có thái độ đây là chủ quyền “không thể bàn cãi,” là “lợi ích cốt lõi,” tức là coi Biển ĐNA như Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng mà họ sẽ sẵn sàng dùng bạo lực chiếm đoạt và bảo vệ. Như thế, để đối phó với Trung Quốc thì rõ ràng các nước nhỏ hơn, yếu hơn về quân sự, lại càng cần tạo nên một khối đoàn kết để tự bảo vệ và kêu gọi các nước khác ủng hộ. Điều này đòi hỏi Việt Nam có một thái độ thích hợp, “biết điều” chứ không thể hành động như một anh “tiểu bá”, thái độ không khoan nhượng như “đại bá” Trung Quốc. Chúng ta nên nhớ rằng cả một thời gian dài sau 1975, các nước khu vực cũng rất lo sợ anh “tiểu bá” Việt Nam đấy chứ. Chính việc rút khỏi Campuchia, chấp nhận giải pháp quốc tế đã cứu đất nước khỏi bị cô lập. Chính thời gian đó, Trung Quốc tiến chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam ở Trường Sa mà không ai lên tiếng. Tôi hy vọng hai tác giả chấp nhận cách nghĩ như thế chứ không phải lỡ viết ra những câu có vẻ mâu thuẫn như trên. Tôi hết sức hoan nghênh việc hai tác giả đóng góp vào hồ sơ lập luận pháp lý để tranh thủ sự chấp nhận của thế giới là các đảo ở Hoàng Sa là thuộc Việt Nam. Trong bài viết tôi chỉ đưa ra nghi ngờ về kết luận là Việt Nam đã có đủ cơ sở để bảo rằng tất cả các đảo ở Trường Sa là thuộc mình, cả về mặt chứng cứ lịch sử và pháp lý. Làm cho chứng cứ mạnh hơn là điều cần làm, tranh thủ được hơn về phần mình một cách hòa bình trên cơ sở pháp lý lại càng nên làm. Khi chúng ta cho rằng Trường Sa thuộc Việt Nam vì Việt Nam có quyền thừa kế tuyên bố chủ quyền của Pháp ở các đảo vô chủ ở Trường Sa năm 1933 thì phải giải trình không chỉ trên cơ sở pháp lý quốc tế mà có tính đến bối cảnh chính trị quốc tế lúc Pháp tuyên bố. Đây là những vấn đề mà tôi gọi là phức tạp mà hai tác giả không coi là phức tạp. Tôi chỉ lập lại sự phức tạp quan trọng nhất sau đây mà bài viết của hai tác giả không trả lời:
(i) Liệu các nước sau khi giành được độc lập phải chấp nhận một lời tuyên bố của một đế quốc về một vùng đảo mà chính đế quốc đó không biết rõ là bao nhiêu đảo (Pháp chỉ ghi 6 trong số hàng trăm đảo và đá), không thật sự kiểm soát được chúng, và thực chất việc kiểm soát ở vài đảo (chắc chỉ một hòn đảo Itu Aba) cũng chỉ kéo dài vài năm từ 1938 đến 1946? Hai tác giả lý luận là “[t]rong giai đoạn cai trị một nước như thuộc địa, nước thực dân thường chiếm hữu thêm lãnh thổ và sáp nhập vào thuộc địa của mình. Khi nước thuộc địa trở thành độc lập thì vùng lãnh thổ mới này mặc định thuộc về nước đó.” Tôi nghĩ lập luận này có thể đúng cho những nơi chưa có ý niệm về quốc gia nhưng ở Đông Nam Á thì các nước này đã từng độc lập, hoặc đã có ý thức quốc gia, bị đặt vào thế không có tiếng nói thì làm gì có cái gọi là “mặc định” đó. Họ đâu có chấp nhận như vậy. Chính các nước Phi, Mã Lai, Brunei đều yêu sách. Tôi không tìm cách lý luận họ đúng hay sai mà chỉ đưa ra một thực tế phải giải quyết. Luật quốc tế cho đến nay không đầy đủ, có thể dựa vào tiền lệ đã xử về tranh chấp đất đai, nhưng các quan tòa không thể bỏ qua bối cảnh lịch sử cụ thể để tìm tới những quyết định có tính hợp lý với mọi bên tranh chấp. Luật quốc tế cho là chủ quyền không chỉ dựa trên một vài hành động hay sở hữu cụ thể mà còn dựa trên sự triển khai liên tục về quyền lực, cũng như việc không bị các nước khác phản đối. Vậy phải xác định rõ đâu là đảo, đá mà chính phủ Pháp rồi Việt Nam liên tục hành xử chủ quyền. Và phải trả lời như thế nào nếu các nước đang tranh chấp nói là lúc đó họ không ở thế có thể trả lời.
(ii) Như vậy phải giải quyết điểm (i) tức là xác định được rằng Pháp hoàn toàn có thực sự có chủ quyền trên toàn Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế thì may ra hai tác giả mới có lý khi cho rằng: “vì khi Nhật từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa thì chủ quyền đó sẽ thuộc về nước đã tuyên bố chủ quyền trước khi Nhật chiếm Trường Sa.”
(iii) Lập luận ở điểm (ii) cũng chỉ thật sự đứng vững nếu như Pháp chính thức trao trả lại cho Việt Nam. Điều này chưa xảy ra. Thực tế là ngày 1.6.1956, khi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố Trường Sa cũng như Hoàng Sa từ lâu đã thuộc lãnh thổ Việt Nam, Pháp lên tiếng, qua Quai d’Orsay tức Bộ ngoại giao Pháp, thông báo cho đại diện Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và Philippines là Spratly thuộc chủ quyền Pháp, là tàu thuyền của Pháp vẫn thường xuyên ra hải đảo.[1] Như vậy là chính quyền Pháp vào năm 1956 đã không coi Trường Sa là một phần của Việt Nam. Họ cho rằng khi tuyên bố chủ quyền Pháp ở Trường Sa họ nhân danh nước Pháp chứ không nhân danh An Nam như trường hợp đảo Hoàng Sa, cho nên họ đã đặt nó vào Vũng Tàu, thuộc CochinChina là Thuộc địa Pháp (tức là đất Pháp) chứ không giống như Annam hay Tonkin được coi là xứ của nhà Nguyễn được Pháp bảo hộ.
(iv) Vì có sự kiện ở điểm (iii), khi các nước Phi, Mã Lai hay Brunei chiếm đóng hay tuyên bố chủ quyền trên một số đảo sau đó, họ coi đó là chiếm những vùng đất đã trở lại vô chủ, vì Pháp không giao lại cho Việt Nam và cũng không trở lại thực hiện chủ quyền và như vậy là từ bỏ chúng. Việc Việt Nam chiếm một số đảo cũng có thể coi là chiếm các vùng đất vô chủ. Trên đây cũng như trong bài viết, dưới tư cách một nhà nghiên cứu, tôi đã nêu lên những phức tạp để từ đó có thể tìm ra giải pháp hòa bình. Như tôi đã trình bày, không một tòa án quốc tế nào thật sự mong muốn giải quyết hợp lý và công bằng cho nhiều nước lại có thể dễ dàng đi đến kết luận, bỏ qua những sự kiện đã nói đến ở trên. Hai tác giả thì nghĩ ngược lại. Kết luận: tại sao tôi viết một bài như đã viết Không phải chỉ có hai bạn Dương Danh Huy và Hoàng Anh Tuấn Kiệt là phản bác bài tôi viết. Cũng có một số người khác viết với lời lẽ miệt thị và lên án dữ dội hơn nhiều. Bởi vì nó chạm đến niềm tin là Trường Sa phải thuộc Việt Nam và không thể khác được. Tôi khởi đầu nghiên cứu về Biển Đông với một tâm tư mà nhiều người chia sẻ là nhà nước Việt Nam ít ra là cho đến mới đây đã không làm đúng trách nhiệm của mình, quá tin cậy là người bạn Trung Quốc sẽ tìm đến một giải pháp với mình. Họ lầm vì trong một thời gian dài Trung Quốc lấn chiếm, có lúc đợi thời để xây dựng lực lượng quân sự, đặc biệt là hải quân, đợi ngày hành động nếu như thế giới không phản ứng. Tất nhiên nhà nước Việt Nam mới đây đã có những hành động tích cực như cùng làm việc với Mã Lai để nộp cho Liên Hợp Quốc thông báo chung về phân chia chủ quyền hai nước ở Biển ĐNA, kêu gọi đàm phán đa phương (chứ không ủng hộ đàm phán song phương như Trung Quốc trước đây), và hoan nghênh Mỹ có vai trò ở Đông Nam Á. Nhưng trước khi thấy được những hành động trên cả ở phía Việt Nam và Mỹ, một số bạn bè trong đó có GS Ngô Vĩnh Long và GS Trần Hữu Dũng đã đánh giá là đã đến lúc chúng tôi phải làm một cuộc vận động, giải thích cho dư luận Mỹ và rồi dư luận thế giới về ý đồ của Trung Quốc và những lập luận bóp méo lịch sử của họ, và kêu gọi họ có thái độ. Chúng tôi thấy không thể tiếp tục tình trạng người Việt viết cho người Việt đọc để chứng tỏ lòng yêu nước của mình. Hoạt động như vậy cũng là nhằm ảnh hưởng đến chính trị Mỹ, nêu lên sự khẩn thiết của tình hình, đòi hỏi Mỹ phải có thái độ dứt khoát về ba điểm quan trọng nhất liên quan đến hòa bình ở châu Á, đó là: tự do đi lại trên Biển ĐNA, yêu sách đường chữ U của Trung Quốc là phi lý, và nhu cầu bảo đảm an ninh và hòa bình của khu vực đòi hỏi Mỹ hợp tác chặt chẽ lại với các nước ĐNA. Nói tóm lại, nếu Mỹ không hành động thì khả năng Trung Quốc chiếm hết những hòn đảo ở Trường Sa mà Việt Nam đang nắm là rất cao. Và việc đầu tiên chúng tôi bắt tay vào làm việc là tổ chức các buổi hội thảo trong giới chuyên gia ở đại học, từ trường Yale rồi sau đó là Temple. Bài viết tất nhiên bằng tiếng Anh. Điều này là đương nhiên nhưng cách tiếp cận và trình bày vấn đề cũng phải mang tính nghiên cứu, khách quan. Bài viết không thể chỉ trương khẩu hiệu là Trường Sa là của Việt Nam và tìm mọi lý lẽ để bảo vệ nó. Đó là việc của nhà nước. Bài viết phải đưa một cái khung chung mà giới học giả quan tâm từ mọi nước có thể chấp nhận được để cùng bàn bạc về giải pháp. Bài tiếng Việt đăng trên Thời Đại Mới cơ bản chỉ là bản dịch của bài viết bằng tiếng Anh. Thời đại ngày nay không thể tiếp cận vấn đề bằng cách chỉ đưa ra cái có lợi cho mình và giấu đi cái bất lợi. Và có muốn giấu cũng không được vì những thông tin trong bài viết của tôi nếu chịu đọc kỹ thì đã được nói đến, dù là nói không kỹ, ở nhiều xuất bản phẩm khác rồi. Do đó mà các nhà nghiên cứu có nhiệm vụ tôn trọng sự thật, phân tích và đưa đến những kết luận có thể kể cả nghi vấn và dựa trên những ý kiến khác nhau như thế mà người làm chính trị hình thành quyết sách. Người ta có thể không đồng ý với những kết luận, cách phân tích sự kiện nhưng không nên lên án kiểu “anh này làm lợi cho địch”. Đó là thế giới khoa học nghiêm túc mà chúng ta có thể tìm thấy ở những nước có dân chủ và tôn trọng quyền tự do tư tưởng. Cho nên phê phán của hai tác giả Dương Danh Huy và Hoàng Anh Tuấn Kiệt là không hợp lý khi cho rằng những lập luận tôi đưa ra là “rất có lợi cho Trung Quốc và phương hại đến Việt Nam.” Câu viết này thật ra không nên có trong bài viết mà trong đó hai tác giả đã đưa ra những phân tích và kết luận riêng và nghiêm chỉnh của mình. Tôi cho rằng tất cả các bên tranh chấp liên quan đến Biển ĐNA đều tìm cách nắm vấn đề và sự kiện chứ không tìm cách ru ngủ mình. Điều lệ của Tòa án Quốc tế cho thấy mọi lập luận, chứng cớ phải được báo trước bằng văn bản, được dịch ra ngôn ngữ mà mỗi bên muốn và được tòa án giao cho bên tranh kiện và bên đối nghịch được quyền trả lời,[2] cho nên không thể có chuyện giấu tài liệu, và đợi đánh úp.
1 tháng 10, 2010
[1] Hoppenot (Saigon) à MAE, n° 1764/1766, 19.6.56, page 325, dossier 522, sous-section Chine 1956-1967, AO, MAE (Điện của Hoppenot, Đại sứ Pháp tại Sài Gòn, gửi Bộ ngoại giao Pháp, Cục lưu trữ Bộ ngoại giao Pháp). [2] International Court of Justice, Rules of Court (1978). http://www.icj-cij.org/documents/index.php?p1=4&p2=3&p3=0. Coi điều 56, 57, 58.
8-12-2010 |