Số 21 - Tháng 5/2011
Vài nhận xét về “thành phần thứ ba”
Ngô Vĩnh Long
Hàng năm, đến khoảng tháng 4, báo chí ở Việt Nam lại có một vài bài về “hòa hợp, hòa giải dân tộc” trong đó có đề cập đến vai trò của “thành phần thứ ba.” Năm nay tờ báo Đại Đoàn Kết, cơ quan trung ương của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, trong bài với tựa đề “Kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975/2011): Đóng góp của ‘thành phần thứ ba’ cho ngày chiến thắng” có viết như sau:[1] Nhắc lại sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, cũng như con đường tất yếu để đi đến hòa hợp, hòa giải dân tộc, ông Kiệt cho rằng: “Theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay ở bên ngoài. Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ .… Sự xuất hiện trở lại trên chính trường của ông Dương Văn Minh chính là kết quả hoạt động tích cực của lực lượng thứ ba, lực lượng những người đấu tranh với Mỹ - Thiệu ngay trong lòng chế độ Sài Gòn bấy giờ.” Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thẳng thắn thừa nhận: “Nhiều người ngại nói đến lực lượng thứ ba, nhưng theo tôi, lực lượng này đã có những đóng góp nhất định vào thắng lợi của nhân dân ta”. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch là một liên minh rộng lớn đại diện cho nhiều tổ chức, đoàn thể, các dân tộc, tôn giáo, các cá nhân yêu nước thuộc nhiều thành phần trong xã hội trong và ngoài nước, sĩ quan và viên chức kể cả cấp cao của chính quyền Ngô Đình Diệm. Với chính sách ngoại giao “hòa bình và trung lập”, Mặt trận đã tranh thủ được đông đảo các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới, bao gồm cả phong trào phản chiến ở Mỹ, kể cả những người khác xa về chính kiến, tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn chưa từng có, đoàn kết với cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước, châu Á, Phi, Mỹ La-tinh đã chính thức công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam về mặt chính phủ. Cách mạng miền Nam ngày càng thắng lớn, Mặt trận càng có điều kiện mở rộng, tập hợp thêm lực lượng. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, ngày 20-4-1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời do Luật sư Trịnh Đình Thảo, nhà trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam làm Chủ tịch. Thắng lợi mang tính chiến lược của cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 buộc đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, trong đó Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một bên đại diện cho cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta ở miền Nam. Với sự lớn mạnh về mọi mặt của cách mạng miền Nam, ngày 06-6-1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, kịp thời phục vụ cuộc đấu tranh về ngoại giao trên bàn đàm phán bốn bên, đưa đến việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27-01-1973. Ký Hiệp định Paris, Chính phủ Mỹ phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân ta ở miền Nam, rút quân về nước, công nhận tình hình thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội và ba lực lượng chính trị. Theo bà Nguyễn Thị Bình, trong thời gian đàm phán ký kết Hiệp định Paris 1973, nhiều cá nhân và nhóm chính trị rất đa dạng được hình thành, có người và nhóm do Mặt trận vận động tổ chức, có người và nhóm không có liên hệ gì với Mặt trận, nhưng hoạt động có xu hướng theo mục tiêu đấu tranh của Mặt trận, đó chính là lực lượng thứ ba. Bà Ngô Bá Thành, Luật sư Trần Ngọc Liểng, một số người trong nhóm tướng Dương Văn Minh... là một trong những lực lượng đó. Tại sao tít bài báo đề cập đến “thành phần thứ ba” trong ngoặc kép trong khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình lại nói đến lực lượng thứ ba không có nháy nháy? Tại sao tít lại nói đóng góp “cho ngày chiến thắng” mà không cho hòa hợp, hòa giải dân tộc? Câu bà Bình nói lực lượng thứ ba được hình thành “trong thời gian đàm phán ký kết Hiệp định Paris 1973” có nghĩa là bắt đầu từ năm 1968 hay từ hồi nào? Và tại sao bà Bình lại buộc phải nói như sau: “Nhiều người ngại nói đến lực lượng thứ ba, nhưng theo tôi, lực lượng này đã có những đóng góp nhất định vào thắng lợi của nhân dân ta”? Trong bài này tôi xin có vài nhận xét sơ khởi về những câu hỏi ở trên và về một số “đóng góp nhất định” của một vài “cá nhân và nhóm chính trị rất đa dạng” mà bà Bình nêu ở trên. Tôi sẽ đề cập đến việc tại sao trong những năm cuối thập kỷ 60 và đầu 70 của thế kỷ trước người ta chú trọng đến vai trò của lực lượng thứ ba trong việc “hòa hợp, hòa giải dân tộc.” Sau đó tôi sẽ đưa ra một vài dẫn chứng tại sao chính quyền Sài Gòn đã ra sức tấn công các cá nhân và các nhóm trong lực lượng thứ ba sau khi Hiệp Định Paris được ký kết cuối tháng Giêng năm 1973 và hậu quả là gì sau này đối với vấn đề đoàn kết dân tộc và việc xây dựng một xã hội dân chủ, hài hòa.
1. Vài lời về tên gọi
Trước hết xin nói qua về tên gọi. Cái tên gọi “lực lượng thứ ba” (tiếng Anh là “Third Force”) đã có từ những năm đầu của thập kỷ 60 và đã được sử dụng ở nước ngoài cho đến những năm đầu thập kỷ 70. Jean-Claude Pomonti, một phóng viên của báo Le Monde bên Pháp đã viết là tên gọi “lực lượng thứ ba” được dùng năm 1960 sau khi một nhóm 18 chính khách chống chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng cũng chống Cộng, họp tại khách sạn Caravelle ở Sài Gòn và đưa ra một bản tuyên ngôn đòi “giải phóng” và đòi ông Diệm chấm dứt chế độ gia đình trị.[2] André Menras, một giáo viên người Pháp có tham gia phong trào đô thị ở Sài Gòn, nói rằng một lực lượng thứ ba là “một phong trào hòa bình đã hình thành và lớn mạnh từ năm 1963 trong cuộc đấu tranh chống các chính sách của Ngô Đình Diệm.”[3] Theo một số nhân vật trong phong trào phản chiến của Mỹ thì tên gọi “lực lượng thứ ba” hay “giải pháp thứ ba” (Third Solution) đã được nhiều người trong phong trào đô thị miền Nam dùng từ năm 1965.[4] Tên gọi “thành phần thứ ba” thì theo ký giả Jacques Decornoy của báo Le Monde đã xuất hiện vào mùa thu năm 1969 với một nhóm người chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và đi theo hướng hòa giải dân tộc mà ông Dương Văn Minh được coi là đại diện. Decornoy dùng từ “troisième composante” (tức “thành phần thứ ba”).[5] Theo hồi ký của Nguyễn Hữu Thái, người đã giúp phần tác động ông Dương Văn Minh đơn phương ngừng bắn và dẫn ông Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 để ghi âm và phát lời tuyên bố đầu hàng, thì: Trong lúc này [từ cuối năm 1968] tôi tiếp xúc được với những bạn bè đối lập chính quyền và bắt đầu viết cho những tờ báo có khuynh hướng hòa bình, hòa giải dân tộc. Họ là một nhóm dân biểu Quốc hội Sài Gòn chống đối lại tướng Nguyễn Văn Thiệu, ngả theo đường lối hòa giải dân tộc của tướng Dương Văn Minh, trong số họ có người móc nối phối hợp hành động với phía Mặt trận Giải phóng. Cơ quan ngôn luận của họ là tờ báo Tin sáng, nơi quy tụ hàng chục cây bút chống đối chế độ và tôi trở thành một trong các cây bút chủ lực.[6] Nguyễn Hữu Thái không có đề cập gì đến việc nhóm trên có tự gọi mình là “thành phần thứ ba” hay không, nhưng hai trang sau đó ông viết tiếp: Năm 1971 có bầu cử Quốc hội Sài Gòn, Mặt trận Giải phóng bí mật đề nghị tôi ra tranh cử với lập trường hòa bình đứng giữa, chuẩn bị cho 'Thành phần thứ ba'. Hội nghị Paris về vấn đề Việt Nam chưa ngã ngũ nhưng đang bàn đến việc lập chính phủ 3 thành phần, trong đó có thành phần đứng giữa làm trung gian hòa giải trong chính phủ liên hiệp tương lai.[7] Tên gọi “thành phần thứ ba” được bắt đầu dùng là do đề nghị của chính phủ miền Bắc tại hòa đàm Paris về thành lập một chính phủ liên hiệp gồm ba thành phần, nhưng không phải để áp dụng cho các nhóm trong phong trào đô thị vận động cho hòa bình, hòa hợp và hòa giải. Từ năm 1968 các tập san ngoại ngữ miền Bắc và của Mặt Trận Giải Phóng nói rất nhiều đến phong trào đô thị miền Nam, nhưng không dùng tên “thành phần thứ ba” hay “lực lượng thứ ba” cho mãi đến năm 1972. Ví dụ, Vietnam Courier (một nguyệt san của Bộ Ngoại Giao) trong số tháng 12 năm 1972 viết: “Tại Sài Gòn một lực lượng thứ ba đã hình thành như là một thách thức đối với tên độc tài sừng thiếc [tức ông Nguyễn Văn Thiệu], người mà vẫn cứ phủ nhận sự tồn tại của lực lượng này.”[8] Trong suốt thời gian đàm phán, phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhất quyết không đồng ý có một chính phủ liên hiệp gồm ba thành phần như phía cách mạng đề nghị. Tuy nhiên, cuối cùng, khi “Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh Lập Lại Hòa Bình ở Việt Nam” được ký ở Paris cuối tháng Giêng năm 1973 thì điều 12 của Hiệp Định này có nói đến việc thiết lập một “Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau”: a) Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau. Hội đồng sẽ làm việc theo nguyên tắc nhất trí. Sau khi Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc nhậm chức, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương để thành lập các hội đồng cấp dưới. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ký một hiệp định về các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam càng sớm càng tốt, và sẽ làm hết sức mình để thực hiện việc này trong vòng chín mươi ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam là hòa bình, độc lập và dân chủ. b) Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc có nhiệm vụ đôn đốc hai bên miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định này, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ. Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ như đã nói trong Điều 9(b) và quy định thủ tục và thể thức của cuộc tổng tuyển cử này. Các cơ quan quyền lực mà cuộc tổng tuyển cử đó sẽ bầu ra sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam thông qua hiệp thuơng mà thỏa thuận. Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng sẽ quy định thủ tục và thể thức tuyển cử địa phuơng theo như hai bên miền Nam Việt Nam thỏa thuận. Do đó, các cá nhân và các lực lượng không thuộc chính quyền Sài Gòn hay Chính phủ Cách mạng Lâm thời được coi là “thành phần thứ ba.” Tuy rằng danh từ “thành phần” (tiếng Anh là “segment” hay “component”) được dùng trong Hiệp Định Paris và một số văn bản, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn thường gọi các thành phần không theo bên này hoặc bên kia ở miền Nam là “lực lượng thứ ba” và đề cao vai trò của chúng mãi đến đầu năm 1975 trong việc hòa giải, hòa hợp và việc thành lập một chính phủ liên hiệp. Sau đây là lời nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo nổi tiếng Pháp tên Jean Lacouture được đăng trên tập san Vietnamese Studies do Nguyễn Khắc Viện chủ biên: “Việc thành lập một chính phủ hòa hợp dân tộc ở miền Nam là chìa khóa dẫn đến hòa bình, và lực lượng thứ ba là một thành phần không thể thiếu được của giải pháp này. Vì chính trị là nghệ thuật để tạo ra cái gì có thể thực hiện được, chúng tôi đã đi đến kết luận đây là phương pháp độc nhất có thể dẫn đến hòa bình. Tôi có thể nói đây là một giải pháp cơ may. Ngoài ra không có giải pháp nào khác, chỉ có chiến tranh.”[9] Lời nói trên của ông Phạm Văn Đồng cho thấy rõ là chính phủ miền Bắc lúc đó coi trọng lực lượng thứ ba vì họ muốn có một giải pháp hòa bình theo Hiệp Định Paris và không muốn tiếp tục có chiến tranh. Nhưng, như mọi người đã biết, điều này không thành và cuối cùng giải pháp quân sự đã được dùng để giải phóng miền Nam. Hậu quả ra sao đối với lực lượng thứ ba và vấn đề hòa giải, hòa hợp sẽ được đề cập đến ở phần cuối của bài này. Dưới đây tôi sẽ trình bày sự phát triển của vài nhóm trong thành phần này cũng như một số đóng góp của các cá nhân trong đó vào giai đoạn 1968 đến 1975.
2. Một số đóng góp trong giai đoạn 1968-1972
Như báo Đại Đoàn Kết đề cập đến ở trên, năm 1968 là cái mốc lớn. Tết Mậu Thân chứng minh cho dân chúng Mỹ cũng như cho nhiều người Việt Nam trong các thành phố sự phá sản của chính sách Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trước Tết Mậu Thân các chính khách Mỹ, kể cả Tổng Thống Lyndon B. Johnson, thường lên truyền hình nói rằng họ đến Việt Nam là để giúp đỡ dân chúng Việt Nam xây dựng một đất nước dân chủ và thịnh vượng. Họ nói rằng phần lớn người Việt hiểu ý tốt của họ nên ủng hộ chính phủ Sài Gòn và vì thế “bọn Việt Cộng” chỉ có thể kiểm soát một phần dân chúng nông thôn ban đêm qua các “hoạt động khủng bố” (terrorist activities) mà thôi. Nhiều người Mỹ lúc đó tin những lời tuyên truyền như thế, một phần vì số đông theo đạo Thiên chúa và chống Cộng sản. Thêm vào đó là phần lớn người Mỹ ở trong các thành thị cho nên khó thông cảm với nông dân Việt Nam mặc áo bà ba đen hay quần xà lỏn và đi chân đất, mà các phương tiện truyền thông của Mỹ thường gọi chung là “Việt Cộng” khi họ bị giết chóc hay tàn sát. Nhưng khi quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn thả bom tàn phá hàng loạt các thành thị miền Nam trong Tết Mậu Thân thì hàng triệu người xuống đường biểu tình ở Hoa Thịnh Đốn (cũng như một số thành phố lớn khác) đòi chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Trong những người biểu tình này có sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ và cuối tháng 2 năm 1968 một số người này đã thâu thập được 16 chữ ký cho một bản tuyên bố đòi chính phủ Mỹ và các nước đồng minh phải rút hết quân đội của họ ra khỏi Việt Nam để người Việt Nam có thể quyết định tương lai của mình. Nhóm sinh viên này đã đến gặp đại sứ của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Thịnh Đốn và các quan chức tại Nhà Trắng ngày 2 tháng 3 để chuyển bản tuyên bố. Trưa hôm đó các đại diện của nhóm có cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia (the National Press Club).[10] Sau đó một số sinh viên này càng ngày càng hoạt động tích cực và đã giúp các nhóm trong phong trào chống chiến tranh của Mỹ tìm hiểu, móc nối, và kết hợp hoạt động nhiều hơn với các nhóm trong phong trào đô thị ở miền Nam. Tại Việt Nam vào tháng 2 và tháng 3 năm 1968 trong những thành phố mà Mặt Trận Giải Phóng (kết hợp với quân đội của miền Bắc ở vài nơi, như Huế) chiếm đóng, hàng loạt các tổ chức địa phương tự gọi mình là “Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình” ra đời. Riêng tại Huế, liên minh này đã trụ được đến 3 tuần.[11] Các liên minh này bắt nguồn từ những lực lượng trong phong trào đô thị trước đó chứ không phải tự phát trong một thời gian ngắn. Sau khi quân giải phóng rút khỏi các thành phố thì các tổ chức vừa thành lập nói trên nhập lại thành “Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam” trong một cuộc họp ngày 20-21 tháng 4 năm 1968 tại một địa điểm gần Sài Gòn. Những người tham dự gồm nhiều trí thức, học giả, sinh viên, nhà văn, nhà báo, thương gia, công chức, v.v., đại diện cho các thành phần xã hội, chính trị ở các thành phố miền Nam. Bốn mươi người đã được bầu vào Ủy Ban Trung Ương của Liên Minh, nhưng chỉ có tên của 10 người được công bố, vì những người kia thì hoặc là có địa vị cao trong chính quyền Sài Gòn, hoặc có những vị trí quan trọng trong các thành phố nên sự an toàn của họ cần được bảo vệ.[12] Hầu hết những người có tên được công bố là những người gia đình khá giả ở miền Nam; họ có bằng cấp cao và phần lớn đã du học ở các đại học bên Pháp. Chủ tịch Liên Minh là ông Trịnh Đình Thảo, một luật sư nổi tiếng ở Sài Gòn, xuất thân từ một gia đình địa chủ giàu có ở miền Nam. Ông đã được đi Pháp học và vợ ông là một thương gia. Ông Tôn Thất Dương Kỵ, tổng thư ký Ủy ban trung ương Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình, nguyên là giáo sư sử học tại đại học Huế và đại học Sài Gòn. Bà Dương Quỳnh Hoa, phó tổng thư ký, là một bác sĩ sản khoa được đào tạo ở Pháp. Bà này đã có liên hệ với đảng Cộng sản Pháp khi còn đi học. Nhưng không người nào trong 40 người trong ủy ban trung ương của Liên Minh là đảng viên của đảng Cộng sản (đảng Lao Động hay các nhánh khác) ở miền Nam.[13] Trái lại, theo Wilfred Burchett (một nhà báo Úc có quan hệ mật thiết với chính phủ miền Bắc và Mặt Trận Giải Phóng) và Douglas Pike (tình báo CIA chuyên về phong trào Cộng sản tại Việt Nam), các thành viên của Liên Minh luôn luôn phủ nhận là họ có quan hệ tổ chức gì với Mặt Trận Giải Phóng cả, mặc dầu họ chấp nhận những mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc của Mặt Trận.[14] Bản tuyên ngôn của Liên Minh có những mục tiêu nói chung cũng giống như của Mặt Trận, nhưng những chính sách đưa ra thì hướng về việc mở rộng ra các vấn đề có thể được đem ra thảo luận giữa Mỹ và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi có hòa đàm. Liên Minh nhấn mạnh vấn đề hòa bình và trung lập, và muốn làm cầu nối giữa các thành phần chính trị chống đối nhau để giúp Mỹ có thể liên lạc với Mặt Trận trong khi vẫn không thừa nhận Mặt Trận hay nói chuyện thẳng với Mặt Trận.[15] Có thể vì những lý do này cho nên chính phủ miền Bắc đã cho phổ biến bản tuyên ngôn của Liên Minh trên các phương tiện truyền thông của mình và thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có lời chào mừng sự ra đời của Liên Minh.[16] Sau này ông Đồng có viết rằng từ khi Liên Minh được thành lập “xu hướng cho hòa bình và trung lập đã phát triển rất nhanh trong các tầng lớp trí thức và tư sản chống chính quyền bù nhìn Sài Gòn.”[17] Wilfred Burchett báo cáo rằng Liên Minh đã liên hệ được với các tầng lớp nhân dân mà Mặt Trận khó vận động được và vì thế đã giúp làm cầu nối giữa cách mạng với các thành phần yêu nước trong chính quyền và quân đội Sài Gòn.[18] Hơn nữa, Liên Minh giúp liên kết với các thành phần nhân dân miền Nam không có quan hệ với Mặt Trận Giải Phóng nhưng muốn có một giải pháp hòa bình dựa trên việc thành lập một chính phủ liên hiệp gồm ba thành phần mà chính phủ miền Bắc lúc đó đang đề nghị tại bàn đàm phán Paris. Do đó, Liên Minh có thể trở thành một đại diện của “thành phần thứ ba”. Mùa hè năm 1968 Wilfred Burchett đã cho biết rằng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng nghĩ rằng Liên Minh có thể đóng một vai trò quan trọng cho giải pháp hòa bình trong quá trình đàm phán.[19] Các quan chức chính phủ miền Bắc tại Paris cũng cho hai đại diện của phong trào hòa bình Mỹ biết rằng Liên Minh có thể là một thành phần trọng yếu của một chính phủ liên hiệp.[20] Đúng như báo Đại Đoàn Kết viết ở trên, cuộc “tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 buộc đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.” Nhưng những đợt tấn công sau đó đã làm cho Mặt Trận bị thiệt hại nặng nề và không những bị đẩy ra khỏi nhiều vùng nông thôn miền Nam mà còn phải rút quân sang các vùng biên giới. Do đó, phong trào đô thị đã có “đóng góp nhất định” trong việc chi phối sức mạnh quân sự và chính trị của Mỹ và của chính quyền Sài Gòn, giúp cho Mặt Trận có thời gian và không gian để hồi phục.[21] Hoạt động của phong trào đô thị, trong đó có Liên Minh, đã giúp cho cách mạng phát huy vai trò chính trị của mình trong nước và trên thế giới trong khi Mặt trận đang suy yếu trên lãnh vực quân sự và trong khi chính quyền Mỹ đang đẩy mạnh “chương trình Việt Nam hóa” (Vietnamization Program) và “chương trình bình định cấp tốc” (Accelerated Pacification Program) với trung bình khoảng 300 cuộc hành binh “bình định nông thôn” mỗi ngày theo các báo cáo chính thức.[22] Việc bắt lính và tàn phá nông thôn đã gây ra hàng loạt cuộc biểu tình tại các thành phố miền Nam chống bắt lính, chống càn quét, và đòi chính phủ Sài Gòn và Mỹ phải kết thúc chiến tranh “ngay lập tức”. Những đòi hỏi này còn có phần mạnh hơn đề nghị 10 điểm mà ông Trần Bửu Kiếm, trưởng phái đoàn đàm phán của Mặt Trận Giải Phóng tại Paris, đã đưa ra vào ngày 8 tháng 5 năm 1969. Trong đề nghị này Mặt Trận có đòi Mỹ và các nước ngoài khác rút quân nhưng không bắt buộc đúng thời điểm nào. Hai vấn đề quan trọng nhất trong đề nghị 10 điểm này là có những cuộc bầu cử tự do và dân chủ để quyết định một chính thể mới cho miền Nam và việc thiết lập một chính phủ liên hiệp lâm thời trong thời gian các quân đội nước ngoài đang rút ra khỏi Việt Nam để bảo đảm việc rút quân và tuyển cử.[23] Mặc đầu đây là một đề nghị có tính chất bao quát và thỏa hiệp cao nhất đến thời điểm đó, chính quyền Nixon lập tức bác bỏ và nói đó chỉ là việc “trở lại Hiệp Định Genève” năm 1954. Thêm nữa, ngày 14 tháng 5 năm 1969 tổng thống Nixon công bố một “kế hoạch cho hòa bình” (plan for peace) trong đó có những điểm chính sau đây: tất cả các binh lính không phải từ miền Nam (all non-South Vietnamese troops) sẽ phải rút đi trong hai giai đoạn; các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức bởi “chính phủ theo hiến pháp và hợp pháp” (constitutional and legal government) của Miền Nam Việt Nam (tức chính quyền Sài Gòn); và tất cả các thành viên của Mặt Mặt Trận Giải Phóng phải lột bỏ vũ khí, từ bỏ việc dùng bạo lực, và trở về với “cộng đồng quốc gia” (national community). Như thế Nixon không những không chấp nhận Mặt Trận là một thực thể chính trị ở miền Nam mà còn cho là bất hợp pháp nên các thành viên muốn có quyền công dân trở lại thì phải đầu hàng. Để chứng minh Mặt Trận là một thực thể chính trị có sự ủng hộ rộng lớn của nhiều thành phần nhân dân miền Nam và để làm áp lực Mỹ tại bàn đám phán, Mặt Trận đã cùng Liên Minh thành lập Chính phủ Cách Mạng Lâm thời tháng 6 năm 1969 với ông Nguyễn Hữu Thọ (chủ tịch Mặt Trận) làm Chủ tịch Hội Đồng Cố vấn và ông Trịnh Đình Thảo làm phó chủ tịch. Nhiều ủy ban của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời sau đó được thành lập từ làng đến tỉnh trên khắp miền Nam trong khi nhiều chính phủ trên thế giới và nhiều cơ quan quốc tế đã nhanh chóng công nhận thực thể chính phủ này. Trong khi Chính Phủ Cách Mạng Lâm thời tạo được thêm hậu thuẫn thì chính quyền Sài Gòn lại càng bị phản đối vì chính sách hiếu chiến. Những cuộc biểu tình chống chính quyền Sài Gòn đòi hòa bình và những cuộc đình công đòi quyền sống càng ngày càng nhiều và càng lớn trong các thành phố miền Nam, tạo nên sự liên kết của nhiều thành phần trong xã hội. Một ví dụ là vào ngày 25 tháng 6 năm 1970 124 công đoàn với tổng số hơn 100 ngàn công nhân trong vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định tuyên bố sẽ tổng đình công. Những công đoàn khác, Phong trào Thương Chiến Binh, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang, Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, và một vài tổ chức khác lập tức hứa ủng hộ đình công. Trong cùng ngày Huỳnh Tấn Mẫm, một sinh viên đã bị chính quyền Thiệu-Kỳ bắt giam và tra tấn dã man, sau khi được bầu làm chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn dẫn một đoàn đại diện sinh viên đến trụ sở Tổng Liên Đòan Lao Công Việt Nam để gặp các lãnh tụ của các công đoàn đình công và cam kết sự ủng hộ hoàn toàn của toàn thể sinh viên. Trước đó, trong cùng ngày, Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn đã đưa ra một nghị quyết trong đó có những điểm như sau: (1) lập tức ngưng chiến tranh; (2) lập tức rút toàn bộ quân đội Mỹ và đồng minh; (3) lập tức trả độc lập lại cho Việt Nam; và (4) lập tức bỏ hẳn các chương trình đào tạo quân sự. Sau cuộc gặp mặt giữa các lãnh tụ sinh viên và công đoàn, hai bên ra một thông cáo chung trong đó nhiều điểm giống như công bố của sinh viên ngày 22 tháng 6 và nghị quyết ngày 25 tháng 6. Hai bên kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam cho sự tranh đấu của công nhân.[24] Theo báo New York Times ngày 17 tháng 7 năm 1970 Tổng thống Thiệu lo sợ đến nổi đã ra lịnh đàn áp tất cả các phong trào đòi hòa bình. Tờ báo trích lời tuyên bố của ông Thiệu: “Tôi sẵn sàng đập tan tất cả các phong trào đòi hòa bình với bất cứ giá nào bởi vì tôi vẫn thật sự là một chiến sĩ….Chúng tôi sẽ đánh chết những ai đòi lập tức có hòa bình” [I am ready to smash all movements calling for peace at any price because I’m still much of a soldier…. We will beat to death the people who are demanding immediate peace.] Tờ New York Times vừa trích cũng cho biết là trong cùng ngày Trung tướng Trần Văn Hai, tổng tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, đã ra lệnh cho các cảnh sát trưởng dùng “các biện pháp mạnh, kể cả lưỡi lê và đạn” [strong measures, including bayonets and bullets] để đập tan các cuộc biểu tình.[25] Trước tình hình kể trên, ngày 17 tháng 9 năm 1970 Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đưa ra đề nghị “8 điểm” trong đó có nói đến việc bầu cử để thành lập một chính phủ phản ánh các khát vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam về hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, và hòa giải, hòa hợp dân tộc. Điểm 5 đề cập đến một chính phủ liên hiệp lâm thời gồm 3 thành phần: những nhân vật của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời; những nhân vật yêu chuộng hòa bình, độc lập, trung lập và dân chủ trong chính quyền Sài Gòn; và những nhân vật của các lực lượng chính trị và tôn giáo, trong hay ngoài nước, có lập trường ủng hộ hòa bình, độc lập, trung lập và dân chủ.[26] Đề nghị “8 điểm”, mà sau này phần lớn đã được đưa vào Hiệp Định Paris năm 1973, tạo được rất nhiều dư luận ủng hộ trên thế giới và cả ở nước Mỹ nên Nixon ngày 7 tháng 10 năm 1970 buộc phải trả lời bằng cách tuyên bố trên các đài truyền hình Mỹ một “phương án hòa bình” nữa. Trong đó Nixon đòi rằng điều kiện tiên quyết cho một cuộc đàm phán là một “cuộc ngưng bắn tại chỗ” (ceasefire-in-place) và việc thả hết tất cả các tù binh của Mỹ; rằng cuộc đàm phán là phải với hết tất cả các nước Đông Dương (tức hai miền Việt Nam, Lào và Kampuchia) chứ không chỉ có với Việt Nam; rằng Mỹ và miền Bắc “rút quân cùng lúc” (mutual troop withdrawal) khỏi miền Nam; rằng một giải pháp chính trị cho miền Nam sẽ theo các thủ tục được đồng ý trong tương lai.[27] Nhiều thành phần nhân dân miền Nam lúc ấy phản đối đòi hỏi vô lý của Nixon. Sau một thời gian vận động, ngày 11 tháng 11 năm 1970 khoảng 1000 đồng bào gồm đủ các giới tham dự buổi hợp do Ủy Ban Đòi Quyền Sống Đồng Bào, Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết, Ủy Ban Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, và Nghiệp Đoàn Giáo Chức Tư Thục tổ chức tại đại học xá Minh Mạng thành lập “Mặt Trận Nhân Dân Tranh Thủ Hòa Bình” (MTNDTTHB). Tuyên ngôn cho biết là MTNDTTHB “được thành lập với mục đích kết hợp mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, xu hướng và quá khứ cùng chung một ý chí đem lại Hòa bình cho đất nước.”[28] Sự ra đời của MTNDTTHB giúp Mặt Trận Giải Phóng chứng minh rằng một giải pháp ngưng chiến tranh dựa vào giải pháp hòa đàm sẽ được sự ủng hộ của nhân dân trong nước và trên thế giới. Ngày 10 tháng 12 năm 1970 bà Nguyễn Thị Bình tuyên bố là sẽ có đình chiến giữa quân đội Giải Phóng và quân đội của Mỹ và đồng minh nếu họ hứa sẽ rút quân trước ngày 30 tháng 6 năm 1971. Bà Bình cũng nói là sẽ có ngưng bắn giữa quân đội Giải Phóng và Sài Gòn sau khi hai bên đồng ý thành lập một chính phủ lâm thời gồm 3 thành phần như đã được nêu trong đề nghị “8 điểm.” Nhưng Nixon không muốn có đình chiến, chỉ muốn leo thang chiến tranh hòng làm suy yếu phe cách mạng và củng cố chính quyền Sài Gòn vì Nixon không tin tưởng ở khả năng chính quyền này có thể tồn tại trong một giải pháp hòa bình dựa vào đấu tranh chính trị trong một chính phủ liên hiệp. Do đó, ngày 8 tháng 2 năm 1971 Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã đưa hơn 45 ngàn quân vào khu vực đường 9 nam Lào, với ý định chiếm đóng toàn khu vực đó hòng cắt đứt mọi chi viện cho Mặt Trận từ miền Bắc. Nhưng lý do mà Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird tuyên bố là để bảo vệ sinh mạng của Mỹ và để “bảo vệ chương trình Việt Nam hóa” (to protect the Vietnamization program.)[29] Mặc dầu đây là một cuộc hành quân với quy mô rất lớn, tin tức về cuộc hành quân này đã bị lộ ra nhiều ngày trước. Do đó, theo hầu hết các báo Sài Gòn đăng vào ngày 5 tháng 2 năm 1971, Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết, Ủy Ban Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, và Mặt Trận Nhân Dân Tranh Thủ Hòa Bình đã ra thông cáo chung phản đối việc Mỹ và chính quyền Thiệu mở rộng chiến tranh sang Lào. Thông cáo nói rằng đây là một cuộc leo thang chiến tranh rất nguy hiểm theo học thuyết Nixon về việc dùng người Đông Dương để giết nhau. Do đó, thông cáo nói là để chấm dứt cuộc tàn sát vô nghĩa tất cả quân đội Mỹ và đồng minh phải lập tức và hoàn toàn rút khỏi Đông Dương. Theo báo Tin Sáng, tờ báo của nhóm dân biểu Công giáo trong Quốc hội Sài Gòn và là tờ báo lớn nhất ở miền Nam lúc ấy, ngày 8 tháng 2 hơn 8000 người biểu tình chống việc đưa quân sang Lào. Đại diện của nhiều nhóm thuộc nhiều thành phần (phụ nữ, sinh viên, công nhân, chính trị, tôn giáo) đòi chồng con, anh em của họ phải được trở về với gia đình. Chính quyền Sài Gòn bắt giữ và đánh đập nhiều người biểu tình, số lớn là sinh viên. Do đó, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn buộc công bố một “tối hậu thư” đòi những sinh viên và bạn bè của họ phải được trả tự do trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Nhưng chính quyền Sài Gòn trả lời bằng cách đưa cảnh sát dã chiến và quân cảnh của Mỹ đến tấn công cư xá sinh viên Minh Mạng. Sinh viên trả thù bằng cách đốt các xe quân cảnh của Mỹ trên đường phố.[30] Ngày 14 tháng 2 năm 1971 sinh viên đốt 15 chiếc xe quân sự của Mỹ tại Sài Gòn và phát hơn 250 nghìn truyền đơn chống việc Nixon leo thang chiến tranh.[31] Ngày 15 tháng 2 năm 1971 tại Sài Gòn 14 tổ chức đã đưa ra một thông cáo chung trong đó họ đòi Mỹ phải rút quân ngay lập tức khỏi Đông Dương và ngưng mọi hoạt động trá hình nhằm mở rộng chiến tranh và cản trở việc tái lập hòa bình. Khẩn hiệu của các nhóm này đã đổi từ “chống Mỹ cứu nước”, “đuổi Mỹ cứu nước,” sang “diệt Mỹ cứu nước.” Từ đó trở đi hầu như mỗi ngày là có xe quân đội Mỹ bị đốt cháy trên đường phố Sài Gòn như các báo Sài Gòn đã đăng tin. Báo Dân Chủ Mới ngày 26 tháng 10 năm 1970 đăng một bài dài của GS Nguyễn Văn Trung, khoa trưởng Đại học Văn Khoa và là một người Công giáo, giải thích tại sao nhiều người Việt Nam đã trở thành những người thù Mỹ đến độ thấy xe Mỹ là đốt, thấy lính Mỹ là đánh. Thông tin về phong trào đô thị và hoạt động của sinh viên miền Nam trong thời gian này được phổ biến rất rộng rãi tại Mỹ một phần vì người đại diện chính thức của Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn đã thiết lập quan hệ tốt với báo chí Mỹ, với các tổ chức trong phong trào chống chiến tranh tại các đại học, và với Hiệp Hội Sinh Viên Quốc Gia Hoa Kỳ (United States National Student Association, USNSA). Một ví dụ điển hình là đại diện này đã thúc đẩy USNSA tổ chức một hội thảo quốc tế tại Georgetown University ở Hoa Thịnh Đốn ngày 13-16 tháng 10 năm 1971 gồm đại diện của hơn 30 nước trên thế giới và hơn 40 đại học tại Mỹ để chủ yếu bàn tình hình ở Nam Việt Nam và tình trạng của sinh viên Việt Nam trước sự đàn áp của chính quyền Sài Gòn.[32] Như đã thấy ở trên, thông tin về phong trào đô thị được nhiều báo và tập san viết đến, trong đó một trong những tờ báo quan trọng là tờ Tin Sáng không phải vì nó là tờ báo lớn nhứt trong khoảng 30 tờ báo ở miền Nam, nhưng vì nó là một tờ báo tiến bộ với sự cộng tác của nhiều nhân vật quan trọng trong Quốc hội và trong nhiều thành phần chính trị và tôn giáo tại miền Nam. Thêm vào đó những nhân vật này phần lớn là người Công giáo, như hai ông chủ biên Ngô Công Đức và Hồ Ngọc Nhuận, cho nên lời nói của họ được nhiều người Mỹ tin tưởng. Mặc dầu là dân biểu Quốc hội (nên được hưởng quyền bất khả xâm phạm) và là cháu của Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, Tổng thống Thiệu gọi ông Ngô Công Đức là tay sai Cộng sản và bắt giam ông Đức 5 ngày năm 1971. Văn phòng của ông Đức bị đặt bom plastic hai lần trong năm 1970 và cuối cùng bị thiêu rụi vào tháng ba năm 1971. Từ tháng 3 năm 1970 cho đến tháng hai năm 1972 tờ Tin Sáng bị tịch thu 295 lần, nhưng hầu hết các số bị tịch thu đã được ban biên tập tìm cách gởi sang cho Vietnam Resource Center qua hệ thống bưu điện quân sự của Mỹ (APO) cho nên chỉ vài ngày sau là nhận được. Các báo khác và các thông tin khác cũng phần lớn qua ngả này và sau đó được nhanh chóng dịch, phân tích, và phổ biến.[33] Ngô Công Đức cũng có quan hệ tốt với nhiều ký giả nước ngoài và nhiều lần được các tờ báo nước ngoài mời viết bài. Một ví dụ là bài “Anti-Americanism: Common Cause in Vietnam” (Chống Mỹ: Mục Đích Chung ở Việt Nam) đăng trong số tháng 2 năm 1971 của tập san The Progressive tại Mỹ. Dân biểu Lý Quí Chung trong nhóm Tin Sáng (sau khi Tin Sáng bị đóng cửa thì Lý Quí Chung sang bên Điện Tín, cùng một nhóm thành lập), thuộc khối Phật giáo trong Quốc hội và trong cánh của Tướng Dương Văn Minh, năm 1970 xuất bản với một nhà xuất bản lớn tại Mỹ một cuốn sách gồm nhiều bài dịch từ Tin Sáng.[34] Qua các hoạt động như trên, “nhiều cá nhân và nhóm chính trị rất đa dạng” (theo lời nói của bà Nguyễn Thị Bình được trích ở trên) đã giúp cho nhân dân trong nước và trên thế giới, đặc biệt là người Mỹ, thấy rõ hơn bộ mặt độc tài của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và tại sao càng ngày càng nhiều người Việt Nam chống chính sách và sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam. Để lừa quần chúng Mỹ và để có thể chứng minh rằng chính quyền Sài Gòn là một chính quyền có chính danh, Mỹ và Thiệu cho tổ chức bầu cử Quốc hội để dọn đường cho việc Thiệu chắc chắn thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3 tháng 10 năm 1971. Các cuộc bầu cử này cũng nhằm phá hoại cuộc đàm phán tại Paris và các đề nghị của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời về một chính phủ liên hiệp lâm thời, về trung lập, về đình chiến và về tự do. Cương lĩnh bầu cử tổng thống của Thiệu là chính sách “bốn không”: không có chính phủ liên hiệp dưới bất cứ một hình thức trá hình nào, không có nhượng đất đai cho Cộng sản, không có trung lập thiên Cộng, và không có chủ nghĩa Cộng sản được tự do tuyền bá và đảng Cộng sản được hoạt động ở Nam Việt Nam.[35] Ông Thiệu đã chính thức tuyên bố rằng trung lập tức là thiên Cộng. Ồng nói Cộng sản tuyên bố trung lập là không theo Mỹ hay theo Cộng sản, nhưng thật ra Cộng sản muốn miền Nam trung lập là vì họ muốn Mỹ không có cớ ở lại miền Nam.[36] Trò bầu cử này đã bị các cá nhân và nhóm trong phong trào đấu tranh đô thị lật tẩy và phá vỡ. Các báo Sài Gòn, đặc biệt là Tin Sáng, cho biết Mỹ đã ủng hộ chính phủ Thiệu trong việc dồn phiếu cho các ứng cử viên ngay trước ngày bầu cử. Các ứng cử viên đối lập bị đánh đập, bị bắt, và bị dọa là sẽ bị giết. Lính của chính quyền được gởi đến các trạm bỏ phiếu để bỏ phiếu nhiều lần cho các ứng cử viên trong danh sách phe của Thiệu. Và tại nhiều làng hơn hai phần ba lá phiếu không được đưa cho cử tri vì chính quyền nghi rằng những cử tri đó sẽ không đầu phiếu danh sách của Thiệu.[37] Tuy vậy, chính Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ cũng đã phải tuyên bố tại Sài Gòn là những vi phạm và gian lận trong cuộc bầu cử được nêu trên các báo chí thật ra chỉ bằng 25 phần trăm của những gì đã xảy ra trên khắp nước. Ông Kỳ nói tiếp là theo những gì chính bản thân ông biết thì “thật là rùng rợn một trăm phần trăm và không thể tưởng tượng nổi.”[38] Ngoài việc phơi bày những vi phạm và gian lận trong kỳ bầu cử Quốc hội cho thế giới biết, các cá nhân và nhóm trong phong trào đô thị cũng đã làm áp lực các chính khách, trong đó có Dương Văn Minh, không ra ứng cử tổng thống để Mỹ và Thiệu không thể dùng cuộc bầu cử này để biện minh cho tính chính danh của chính quyền Sài Gòn.[39] Cuối cùng Nguyễn Văn Thiệu phải “độc diễn” và chính quyền Sài Gòn thông báo là theo con số đếm chính thức ông ta được 94,3 phần trăm tổng số phiếu. Chính phủ Mỹ không những không thể dùng trò bầu cử để bịp dân chúng Mỹ cho tiếp tục ủng hộ chính quyền Sài Gòn mà còn bị dư luận thế giới, trong đó có báo chí và chính khách Mỹ, phê phán kịch liệt.[40] Để gỡ gạc, đại sứ Ellsworth Bunker tuyên bố: “You can’t expect too much from this underdeveloped country” (Không có thể đòi hỏi quá đáng từ một nước chưa phát triển như thế này). Và tổng thống Nixon nói: “It’ll take a few more generations before the Vietnamese can enjoy democracy” (Cần một vài thế hệ nữa trước khi người Việt Nam mới có thể hưởng dân chủ). Cách ăn nói này đã gây phản ứng rầm rộ trên các báo Sài Gòn. Một số người viết thư cho các báo, hay thư ngõ cho Bunker và Nixon đăng trên các báo, phản đối sự trịch thượng của hai vị này và sự tàn bạo của đế quốc Mỹ.[41] Tại Mỹ một số hạ, thượng nghị sĩ đòi cắt viện trợ quân sự cho chính quyền Thiệu. Nhưng tổng thống Nixon đã bào chữa cho việc tiếp tục viện trợ với lý do là 30 trong 91 nước trên thế giới mà Mỹ cấp viện trợ quân sự là những nước mà các nhà cầm quyền được tuyển chọn qua các tiêu chuẩn bầu cử mà đối với người Mỹ là không công bằng. Vì thế, nếu áp dụng những tiêu chuẩn mà nhiều người Mỹ muốn áp dụng ở Nam Việt Nam thì cũng phải cúp viện trợ cho hơn hai phần ba nước đang nhận viện trợ Mỹ lúc đó.[42] Được sự ủng hộ công khai của Nixon chính quyền Thiệu bắt đầu đàn áp thẳng tay những người tranh đấu đòi hòa bình, trung lập và dân chủ. Trong một bản báo cáo (đăng trong Tia Sáng ngày 2 tháng 2 năm 1972) dân biểu Hoàng Thế Phiệt cho biết có hơn 40 ngàn người ở các địa phương còn ở trong tù vì họ phản đối cuộc bầu cử tháng 10 năm 1971. Ông Phiệt viết là con số này không kể những sinh viên, học sinh đã bị bắt tại Sài Gòn và bị tra tấn không nương tay. Sau đây chỉ là một vài trường hợp lấy ra trong vài số báo từ tháng Giêng cho đến tháng 3 năm 1972 để cho độc giả thấy được một phần nào tình trạng lúc ấy đối với những người đấu tranh trong phong trào đô thị. Ngày 13 tháng Giêng năm 1972 tờ Tin Sáng Hải Ngoại cho biết là sinh viên Lê Văn Nuôi và hai bạn là Nguyễn Chiến và Trương Minh đã bị đánh què chân trong tù và một học sinh khác tên là Trương Văn Khuê đã bị hỏng mắt và sức khỏe bị đe dọa trầm trọng. Ngày 23 tháng 3 năm 1972 báo Dân Chủ Mới cho biết là vì áp lực của bạn bè trong nước và trên thế giới Lê Văn Nuôi và các bạn được đem ra tòa để xử. Hàng trăm cảnh sát đã phong tỏa tòa và nhiều cảnh sát khác đã được đưa đến Quốc hội và tòa đại sứ Mỹ để củng cố an ninh. Phiên tòa phải chấm dứt khi Lê Văn Nuôi và bạn lấy dao lam rạch tay, rạch bụng, và rạch ngực và lấy máu mình viết các khẩu hiệu chống chính quyền Thiệu trên vách tường của tòa án. Mặc dầu những sinh viên này bị thương, họ bị bắt giải về tù mà không được cứu chữa gì hết. Theo báo Điện Tín ngày 25 tháng 3 năm 1972, sau khi bị giải về tù các học sinh trên lại bị tiếp tục tra tấn. Sự tàn bạo của chính quyền đã khiến cho toàn thể sinh viên học sinh tại Sài Gòn, khoảng 100 ngàn người, phản đối bằng một cuộc nghỉ học dài không thời hạn chấm dứt. Trường hợp thứ hai là trường hợp của Huỳnh Tấn Mẫm, chủ tịch Ban chấp hành lâm thời của Tổng hội Sinh viên miền Nam. Theo báo Tin Sáng Hải Ngoại ngày 3 tháng 3 năm 1972 Mẫm đã bị bắt giam trong tù của chính quyền Sài Gòn và đã bị tra tấn cho đến nỗi máu đã chảy ra từ mắt và tai. Sau khi bị tra tấn Mẫm còn bị gởi đến trung tâm của CIA tại Bến Chương Dương để bị “hỏi cung”, và tại đây Mẫm đã bị tra tấn thêm. Báo Dân Chủ Mới ngày 23 tháng 3 năm 1972 cho biết là trong khi bị CIA giữ Mẫm đã tuyệt thực trong 14 ngày và phải bị truyền nước muối (sodium pentathol) để khỏi chết; nhưng sức khỏe của Mẫm đã bị đe dọa trầm trọng. Ngày 7 tháng 3 năm 1972 Dân Chủ Mới đăng tin Giáo Sư Ngô Kha, Chủ tịch Mặt trận Văn hoá Dân tộc miền Trung, đã bị bắt và tra tấn dưới sự điều khiển của các cố vấn Mỹ. Ngày 17 tháng 3 Dân Chủ Mới đăng tin là Ngô Thế Lý, chủ tịch Hội Sinh Viên Phật Tử ở Đà Lạt vừa bị bắt và có thể đã bị giết vì đã viết những bài phản đối chính quyền Sài Gòn. Và ngày 24 tháng 3 năm 1972 báo Điện Tín cho biết là bà Ngô Bá Thành, chủ tịch Ủy Ban Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, đã bị tra tấn trong tù.[43] Vì báo chí đăng những tin như trên gần như hằng ngày, chính quyền Thiệu cũng gần như hằng ngày tịch thu các báo. Agence France Press ngày 3 tháng 6 năm 1972 cho biết là trong tháng 4 và tháng 5 năm 1972 các báo tại Sài Gòn đã bị tịch thu 337 lần. Các chủ bút và phóng viên của các báo cũng đã bị trù dập bằng nhiều cách. Một ví dụ là trường hợp của Linh mục Chân Tín, chủ nhiệm tờ Đối Diện. Báo Điện Tín ngày 14 tháng 3 năm 1972 cho biết là ông Chân Tín đã bị kêu án 12 tháng tù và phạt một triệu đồng (khoảng 5000 USD lúc đó). Trước đó ông Chân Tín và hai phóng viên của tờ báo đã bị xử 6 tháng tù vì vài bài biết chỉ trích rất nhẹ nhàng chính phủ và các người trí thức ủng hộ chế độ. Hình như thấy những biện pháp đàn áp trên vẫn chưa đủ để triệt tiêu phong trào đô thị ngày 19 tháng 5 năm 1972 Thiệu ra lệnh thiết quân luật. Sự đàn áp gia tăng đến nỗi mà ngày 13 tháng 6 năm 1972 tờ New York Post đăng tin là chỉ trong có vài tuần sau thiết quân luật mà đã có hơn năm ngàn người bị bắt bởi chính quyền Sài Gòn và ký giả nói thêm là những người này nhất thiết là những người tù chính trị. Tuần san Far Eastern Economic Review (FEER) ngày 3 tháng 6 năm 1972 đăng một bài khá dài và chi tiết về việc bắt bớ và tra tấn sau khi lệnh thiết quân luật được tuyên bố. Ngoài việc bắt bớ và xét nhà bất cứ lúc nào, nhưng đặc biệt là trong đêm khuya, thì trong tháng 6 chính quyền Sài Gòn cho biết là sẽ bắt khoảng 42 ngàn sinh viên đi lính. Trong số này, theo tờ FEER sẽ có nhiều sinh viên Đại Học Vạn Hạnh và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn vì nhiều cuộc biểu tình đã xuất phát từ những nơi này. Ngày 5 tháng 8 năm 1972 tờ San Francisco Chronicle viết là khoảng 14 ngàn thường dân đã bị bắt giam từ tháng 4 năm ấy. Ngày 10 tháng 11 năm 1972 tờ Washington Post cho biết là từ sau Hiệp Định Paris được ký tắt chính quyền Sài Gòn đã bắt thêm 40 ngàn tù nhân chính trị. Ngày 11 tháng 11 năm 1972 chương trình truyền CBS Evening News phát một bản tin trong đó Hoàng Đức Nhã, phát ngôn viên của Thiệu và là một người cháu, khoe rằng từ sau Hiệp Định Paris được ký tắt, chính quyền Thiệu đã bắt 55 ngàn “Communist sympathizers” (người thân Cộng) và giết 5 ngàn người khác. Thông tấn xã Associated Press và chương trình truyền hình CBS Evening News cho thông tin là Tổng thống Thiệu đã đưa ra một sắc lệnh bảo nhân dân miền Nam phải diệt Cộng trước khi, trong khi, và sau khi Hiệp Định Paris được chính thức ký kết. Ngày 4 tháng 11 năm 1972 tờ San Francisco Chronicle trích lời phát biểu của Thiệu trong cùng ngày rằng tất cả ai ủng hộ một chính phủ liên hiệp đều là “trung lập thân Cộng” (pro-Communist neutralists) và vì thế ông Thiệu sẽ không để cho những người nấy sống lâu hơn 5 phút. Cuối cùng, ngày 25 tháng 11 năm 1972 Thiệu ký một sắc lệnh cấm tất cả mọi hình thức biểu tình chống đối. Sắc lệnh này nói là người nào bị nghi là có quan điểm không phù hợp với tình hình hiện thời và trong tương lai, bất cứ về chuyện đối nội hay đối ngoại, sẽ có thể bị tuyên án tử hình bởi một tòa án quân sự.[44] Những chi tiết trên cho thấy rõ ràng là chính quyền Thiệu muốn tiêu diệt phong trào đô thị để khỏi có một chính phủ liên hiệp. Chính quyền Nixon cũng muốn phá hủy Hiệp Định Paris mà họ đã buộc đã phải ký tắt bằng cách đòi thay đổi khoảng hơn 100 chỗ trong bản ký tắt đó. Khi chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ chối thì Nixon ra lệnh một cuộc oanh tạc thành phố Hà Nội và Hải Phòng với hàng trăm máy bay B-52 bắt đầu ngày 25 tháng 12 năm 1972 mà người Mỹ sau đó gọi là “cuộc oanh tạc Giáng Sinh” (Christmas Bombing). Nhưng cuộc tấn công này đã thất bại và sự chống đối của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới buộc Henry Kissinger phải trở lại bàn đàm bán và ký Hiệp Định Paris mà trong đó chỉ có vài thay đổi nhỏ so với hiệp định đã được ký tắt.
3. Vài đóng góp trong thời kỳ 1973-1975
Ngoài việc thiết lập một “Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau” như điều khoản 12 đã được trích ở trên, Hiệp Định Paris còn công nhận hai thực thể chính trị ngang nhau ở miền Nam là chính quyền Sài Gòn và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời; và hai chính thể này phải tiến đến một giải pháp chính trị trong tình trạng có đầy đủ các quyền dân chủ và không có sự can thiệp của Mỹ (các điều khoản 1. 4. 8, 9 và 11.) Điều khoản 8c nói rõ rằng tất cả các tù chính trị đều phải được thả “trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, nhằm chấm dứt thù hằn, giảm bớt đau khổ và đoàn tụ các gia đình.” Nhưng đối với chính quyền Thiệu thả tù chính trị tức là giúp cho phong trào chống đối càng có thêm nhiều người tham gia. Nguyên văn điều khoản 11 như sau: Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ: – Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia; – Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín nguỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh. Điều này có nghĩa bất cứ cá nhân hay tổ chức nào cho mình không theo chính quyền Sài Gòn hay Chính phủ Cách Lâm Thời đều có quyền đi truyền bá một chủ nghĩa trung lập. hay một chính phủ liên hiệp mà không bị đàn áp. Nhưng ba ngày trước khi ký Hiệp Định Paris Kissinger còn tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng chính sách của chính phủ Mỹ là không “áp đặt một chính phủ liên hiệp hay một chính phủ liên hiệp trá hình trên nhân dân Việt Nam” (“imposing a coalition government or a disguised coalition government on the people of South Vietnam.”)[45] Trong khi đó thì vào ngày 23 tháng Giêng năm 1973 Nixon tuyên bố trên các đài truyền thanh và truyền hình rằng Hoa Kỳ “vẫn tiếp tục công nhận chính phủ Cộng Hòa Việt Nam như là chính phủ chính danh độc nhất” (“continue to recognize the government of the Republic of Vietnam as the sole legitimate government of South Vietnam.”[46]) Được thể, Tổng thống Thiệu lập tức nhấn mạnh lại lập trường “bốn không.” Sau đó, trong một bài phỏng vấn đăng trong Vietnam Report (số 15 tháng 7 năm 1973), ông Thiệu nói rằng “bọn Việt Cộng muốn thiết lập trong vùng họ kiểm soát một chính quyền, một chính quyền thứ hai ở miền Nam” được nhiều sự ủng hộ quốc tế để dẫn đến một “chính phủ liên hiệp màu hồng.”[47] Do đó, ông Thiệu nói tiếp: “Thứ nhất, chúng ta phải ráng hết sức để Mặt Trận Giải Phóng không có thể thiết lập một quốc gia, một quốc gia thứ hai ở miền Nam.” (Nguyên văn tiếng Anh: “In the first place, we have to do our best so that the NLF cannot build itself into a state, a second state within the South.”) Và thứ hai là dùng mọi hình thức và điều kiện trong tay để ngăn cấm không cho một lực lượng thứ ba hình thành vì tất cả các nhân vật trong thành phần thứ ba đều thiên cộng và phản quốc. Cuối tháng 4 năm 1972, Hoàng Đức Nhã tuyên bố là nếu không phải quốc gia thì là Cộng sản, chứ không có thành phần thứ ba thứ tư gì hết.[48] Và Dân biểu Nguyễn Bá Cẩn, chủ tịch hạ viện của Quốc hội, nói là “không có chuyện hòa giải, hòa hợp dân tộc” với các lực lượng chính trị đối lập.[49] Để đối với “bốn không” của chính quyền Thiệu thì chính phủ miền Bắc đã đưa ra chủ trương “5 cấm” cho quân đội của họ ở miền Nam cũng như quân lính của Chính phủ Cách Mạng Lâm thời: không được tấn công địch, không được tấn công quân địch khi nó hành quân chiếm đất, không được bao vây đồn địch, không được pháo đồn địch, và không được xây ấp chiến đấu. Sau này, trong một bài viết đăng trên Tạp Chí Lịch Sử Quân Đội (số tháng 3 năm 1988), ông Lê Đức Thọ giải thích là một trong những lý do lúc đó chính phủ miền Bắc có chính sách dè dặt là vì Liên Xô đã giảm viện trợ cho Việt Nam và Trung Quốc đã cắt hết tất cả các chương trình viện trợ kinh tế. Nixon và Kissinger đã cho Thiệu biết trong cuộc viếng thăm Nhà Trắng vào tháng 3 năm 1973 là Liên Xô và Trung Quốc sẽ kiềm chế Hà Nội bằng cách giảm viện trợ.[50] Trong khi phía cách mạng gặp phải những hạn chế kể trên thì chính quyền Sài Gòn được Mỹ cung cấp viện trợ quân sự cho đến mức mà, theo lời điều trần của Trung Tướng Peter Olenchuck trước Quốc hội Mỹ, thì các quân chủng của Mỹ đã bị thiếu hụt trang bị ngay trong nước và cả ở bên Âu Châu.[51] Do đó chính quyền Thiệu đã lập tức điều hành các cuộc “hành quân tràn ngập lãnh thổ” để chiếm các vùng dưới quyền kiểm soát của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời và tha hồ dội bom và nả pháo vào các vùng đó. Một báo cáo của Thượng Viện Mỹ tháng 6 năm 1973 cho biết quân đội Sài Gòn mỗi ngày bắn pháo 105 ly vào các vùng giải phóng ở các tỉnh miền Trung với tỷ lệ nhiều hơn là tổng số các đầu đạn đó được sản xuất mỗi ngày tại Mỹ.[52] Tờ Washington Post ngày 16 tháng 2 năm 1974 trích một báo cáo của Lầu Năm Góc (Pentagon) cho biết là quân đội Sài Gòn “nhắm mắt mà bắn” (“fire blindly”) vào các vùng của phía cách mạng vì họ thừa biết là sẽ được Mỹ tái cung cấp (“knew full well they would get all the replacement supplies they needed from the United States”). Ngoài việc nả pháo và dội khoảng 15 ngàn trái bom mỗi tháng, chính quyền Sài Gòn còn khoe là mỗi tháng có hàng ngàn cuộc hành quân để tái chiếm các vùng quê miền Nam. Một báo cáo của Tỉnh Ủy Long An sau này cho biết là sau khi Hiệp Định Paris được ký mỗi ngày mỗi làng trong tỉnh dưới sự kiểm soát của cách mạng đã bị dội bom 4 đến 5 lần và bị nả pháo trung bình khoảng một ngàn quả. Từ tháng 5 cho đến tháng 8 năm 1973 phía cách mạng phải đương đầu với 3300 (ba ngàn ba trăm) cuộc hành quân của địch và nhiều cuộc hành quân này đã gồm vài sư đoàn.[53] Nói chung, các vùng giải phóng đã bị thiệt hại nặng nề trong hai năm 1973-1974. Trước tình hình nói trên, các cá nhân và các nhóm trong phong trào đô thị đã dựa vào các điều khoản được đảm bảo trong Hiệp Định Paris về các quyền tự do đã được trích ở trên cho các thành phần chính trị ở miền Nam, trong đó có “thành phần thứ ba”, để tranh đấu với chính quyền Sài Gòn trên nhiều lãnh vực. Một trong những lãnh vực đó là vấn đề trả tự do cho các người tù chính trị. Một ví dụ là “Ủy ban Vận động Cải thiện Chế độ Lao tù miền Nam Việt Nam” đã cho ra đời tờ Tin Lao Tù (bằng ronéo) và tại Mỹ bản tin này đã được Vietnam Resource Center thường xuyên dịch ra và đưa cho các báo chí Mỹ cũng như nhiều hạ, thượng nghị sĩ Mỹ. Tháng Giêng năm 1972 Ngô Công Đức, lúc đó đang ở Stockholm (Thụy Điển), tung ra một bài khá chi tiết về chế độ lao tù ở miền Nam và con số khoảng 200 ngàn tù chính trị tại các nhà tù lớn như Chí Hòa, Phú Quốc, Thủ Đức, Tân Hiệp và Côn Sơn cũng như các trại giam ở các tỉnh. Vietnam Resource Center đã dịch và chú thích tài liệu này và gởi đến cho các báo cũng như đưa cho các tổ chức tại Mỹ để họ gặp các đại diện của họ ở Quốc hội làm “lobby.” Một kết quả là giữa tháng 3 năm 1973 Jerry Tinker, một trợ lý của Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy, đã hướng dẫn một phái đoàn điều tra của Quốc hội Mỹ sang Việt Nam. Phái đoàn đã gặp “Ủy Ban Vận động Chế Độ Lao tù miền Nam Việt Nam” ngày 18 tháng 3 và hứa sẽ phổ biến tin tức về chế độ lao tù và tình trạng của các tù nhân chính trị cho nhân dân Mỹ biết. Trong một bài diễn văn tại thượng viện Thượng Nghị Sĩ Kennedy cho biết là chính quyền Sài Gòn đã thay đổi các hồ sơ tù nhân chính trị thành “thường phạm” (common criminals). Kennedy trích một báo cáo của Đại Sứ Quán Mỹ tại Sài Gòn cho ủy ban do ông làm chủ tịch rằng trước và sau Hiệp Định Paris được ký chính quyền Thiệu đã thay đổi hồ sơ của các tù chính trị thành thường phạm bằng cách nói là họ đã bị tù vì đã có vi phạm về thẻ căn cước hay vì trốn lính.[54] Thượng Nghị Sĩ Kennedy cho biết là trong khi Đại Sứ Quán của Mỹ ở Sài Gòn và Bộ Ngoại Giao của Mỹ công nhận là có tù chính trị và họ có bị tra tấn, hai cơ quan này nói chuyện tù nhân là chuyện nội bộ của Nam Việt Nam. Thương Nghị Sĩ Kennedy nói rằng ông không hiểu nổi lý luận này vì chính phủ Mỹ vẫn chi tiền cho hệ thống lao tù ở Việt Nam và vẫn đào tạo cảnh sát và các nhân viên tra tấn trong tù. Theo Kennedy, tài liệu của chương trình viện trợ cho hệ thống lao tù ở Việt Nam mà AID (Agency for International Development) nộp cho ủy ban của ông tại Thượng Viện cho biết là trong năm 1973 Mỹ đã chi tiền để thiết lập 329 trại giam (“detention centers”) và định sẽ dùng thêm 12,2 triệu USD nữa cho “Fiscal Year 1974” (“Năm Tài Chính,” bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 1973 cho đến ngày 30 tháng 6 năm 1974) cho hệ thống lao tù ở Nam Việt Nam. Kennedy lưu ý là số tiền chính phủ Hoa Kỳ thông báo cho ủy ban của ông chỉ là một số tiền rất nhỏ so với tổng số được chi tiêu cho việc đàn áp của chính quyền Sài Gòn trong hệ thống nhà tù. Kennedy nói tiếp là việc che đậy và tráo trở của chính quyền Mỹ đối với việc tiếp tục tài trợ cho hệ thống cảnh sát và lao tù tại Nam Việt Nam là việc không thể hiểu được. (Nguyên văn lời nói của Kennedy: “The administration’s cover-up and deception on continuing support of the police and prison system in South Vietnam defies understanding.”)[55] Ngoài vấn đề tù chính trị các cá nhân và nhóm trong phong trào đô thị miền Nam cũng đã dùng các quyền “tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống” được bảo đảm trong điều khoản 11 của Hiệp Định Paris để tranh đấu cho những người trong các “trại tị nạn Cộng sản” và những người tị nạn chiến tranh đang sinh sống chung quanh các thành phố được trở về quê quán. Theo một nghiên cứu của thượng viện Mỹ thì đến năm 1972 ở miền Nam đã có 10 triệu người tị nan trong tổng số dân là 18,2 triệu.[56] Năm ngày trước khi Hiệp Định Paris được ký chính quyền Thiệu đã cho đăng một số công bố ngày 22 tháng Giêng năm 1973 trên tờ Tin Sống, cơ quan ngôn luận bán chính thức của chính quyền, rằng ai xúi dục dân chúng ra khỏi vùng kiểm soát của chính quyền sẽ bị bắt và bị xử tử tại chỗ. Một vài cá nhân trong phong trào đô thị vội báo cho các ký giả nổi tiếng của các tờ báo lớn tại Mỹ về việc này và vận động họ sang Việt Nam để điều tra. Daniel Sutherland, lúc đó đang ở Hồng Công, lập tức sang miền Nam đi điền dã và sau đó đã viết trên tờ Christian Science Monitor ngày 29 tháng Giêng năm 1973 là không những chính quyền Sài Gòn cấm dân chúng trở về nông thôn mà tại nhiều nơi còn cấm họ không được làm việc ngoài đồng ruộng cách xa làng (“being prohibited from working in the outlying fields”) vì sợ là những vùng này sẽ rơi vào tay Cộng sản. Đến giữa tháng 3 năm 1973 Sutherland lại viết một bài cho biết là chính quyền Sài Gòn đã dùng mọi cách để cấm các người tị nạn chiến tranh trở về quê, kể cả việc bắt họ đứng chụp hình dưới lá cờ của Mặt Trận Giải Phóng để vu khống họ nếu họ bỏ đi.[57] Frances FitzGerald, tác giả cuốn Fire in the Lake đã được giải Pulitzer, sang Việt Nam viết một loạt bài cho tờ New York Times, đã viết trong số ngày 4 tháng 5 năm 1973 rằng chính quyền Sài Gòn đã tịch thu thẻ căn cước của những người trong các trại tị nạn và dọa sẽ bắt họ và dùng bạo lực đối với họ nếu họ bỏ đi. Cảnh sát và lính phòng biên đã bắt những người đi chợ, nói rằng họ gánh đồ cho Việt Cộng và trong những trường hợp như thế này không những hành trang của các người nông dân bị tịch thu mà họ còn bị tra khảo.[58] Ngoài việc cấm không cho dân tị nạn trở về quê, tờ New York Times ngày 22 tháng 3 năm 1973 cho biết rằng chính quyền Sài Gòn tuyên bố là họ đã chuyển 100 ngàn người tị nạn trong số 660 ngàn ở một số tỉnh miền Trung về khu vực phía bắc của thành phố Sài Gòn. Đây là chương trình di dân mà cơ quan của Mỹ gọi là “Cơ quan Điều phối Dân sự Vụ và Phát triển Nông thôn” (Civil Operations and Rural Development Support, CORDS) cùng chính quyền Sài Gòn đã thiết lập. Trong kế hoạch năm 1973 chi phí cho 600 ngàn người bị di chuyển là 14 USD một người. Nhưng như các báo Sài Gòn cho biết thì cuối cùng người dân không được hưởng gì cả vì tham nhũng. Tờ Hòa Bình số ngày 6 tháng 6 năm 1973, chẳng hạn, cho biết rằng chỉ ở một trại tị nạn ở Đà Nẵng thôi thì khoảng nửa triệu đô la đã bị lấy mất. Các báo Sài Gòn đưa tin, gần như hằng ngày, rằng một phần do tham nhũng và một phần do thiếu lương thực ở các tỉnh miền Trung nạn đói đã hoành hành dữ dội và các báo này thường có những bài rất chi tiết về hoàn cảnh bi đát của những người trong các trại tị nạn. Các báo lớn tại Mỹ cũng đã có những bài về vấn đề này, trong đó cho biết là vào tháng 9 năm 1973 đã có những cuộc biểu tình của dân tị nạn tại ba tỉnh miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam) và tỉnh Long Khánh đòi được trả tự do.[59] Qua đến đầu năm 1974 các báo Sài Gòn đã gắn việc thiếu đói ở các tỉnh với sự tham nhũng của các quan chức chính quyền Sài Gòn, trong đó có Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Xã Hội Phan Quang Đán (người mà được chính phủ Mỹ rất tin cậy và nói là không có thể bị tham nhũng được).[60] Nói chung là trong giai đoạn 1973-1975 nhiều cá nhân và nhóm tại miền Nam đã dùng Hiệp Định Paris và việc không thi hành các điều khoản trong hiệp định ấy để đấu tranh với chính quyền Sài Gòn và Mỹ trên nhiều lãnh vực. Nhiều “phong trào,” “mặt trận,” “lực lượng,” “ủy ban,” và “nhóm” đã được sáng lập với mục đích làm suy yếu chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Sau đây là tên của một vài tổ chức được sáng lập từ cuối năm 1973:
Các tổ chức này có thể là “năm cha bảy mẹ” và trong đó có một số “lực lượng không có lực lượng” (như có người đã mỉa mai), hay là “rất đa dạng” như báo Đại Đoàn Kết trích bà Nguyễn Thị Bình nói phía trên. Nhưng tất cả đều chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và các chính sách của Mỹ tại Việt Nam.[61] Những cá nhân trong các tổ chức này, như Tướng Dương Văn Minh, đã thay đổi lập trường chính trị của họ từ chống Cộng đến chống Thiệu và chống Mỹ vì hoàn cảnh bi đát của đất nước và dân tộc. Đầu tháng 10 năm 1974, trong một cuộc phỏng vấn với tuần san Far Eastern Economic Review, Tướng Minh tuyên bố: “Chiến tranh đã kéo dài quá lâu. Nhân dân đã chịu khổ đến hết mức rồi. Do đó, chiến tranh ý thức hệ đã mất hết ý nghĩa. Vấn đề khẩn cấp không còn là sự chiến thắng của lập trường chính trị này hay ý thức hệ kia mà là sự sống còn của dân tộc.”[62] Lẽ dĩ nhiên là những cá nhân và nhóm bao quanh ông Minh trong những năm 1973-1975 có lập trường chính trị khác nhau, có các cá nhân “tả khuynh” như Ngô Công Đức và Lý Quí Chung và “hữu khuynh” như Thượng nghị sĩ Vũ Văn Mẫu và Dương Minh Đức (con trai ông Dương Văn Minh.) Nhưng đây là vấn đề khá “phức tạp”. Khó có thể xác định lập trường chính trị thật sự của các cá nhân dựa trên những lời tuyên bố của họ lúc này hay lúc khác vì có thể trong thời điểm đó họ đang cần vận động dư luận về một vấn đề nào đó, hay một tổ chức chính trị đặc biệt nào đó. Ông Dương Văn Minh có lập một “văn phòng chính trị” tại Sài Gòn do Dương Minh Đức và một số nhân vật khác điều khiển. Dương Minh Đức thường chạy sang Pháp, và sau đó sang Mỹ, nói là đại diện bố để gọi là trao đổi ý kiến với một vài nhóm chính trị.[63] Tháng Giêng năm 1975 Ngô Công Đức được mời sang Mỹ để gặp các tờ báo Mỹ và các chính trị gia Mỹ để nói về chế độ lao tù ở miền Nam và để dự “The Assembly to Save the Peace Agreement” tại Hoa Thịnh Đốn. Sau cuộc họp này, mấy ngàn người đã đi đến văn phòng của các hạ, thượng nghị sĩ để đòi họ cắt viện trợ cho chính quyền Sài Gòn. Lúc đó chính quyền Sài Gòn và Nhà Trắng đòi Quốc hội Mỹ chi thêm 300 triệu USD quân viện cho Sài Gòn. Ngô Công Đức được mời đi gặp các hạ và thượng nghị sĩ và đã yêu cầu họ là không nên viện trợ cho chính quyền Sài Gòn để tiếp tục chiến tranh nữa.[64] Dương Minh Đức nhất định tháp tùng Ngô Công Đức sang Mỹ mặc dầu không được ai mời để mong kềm kẹp hoạt động của Ngô Công Đức. Nhưng trước cuộc họp ở Hoa Thịnh Đốn Ngô Công Đức quyết định mời Dương Minh Đức trở về Pháp.[65] Ông Vũ Văn Mẫu cho mình là người “quốc gia,” có lẽ vì ông là thượng nghị sĩ của chính quyền Sài Gòn hay là đại diện của nhóm Phật giáo Ấn Quang. Ông Mẫu đã có những tuyên bố “lúc này lúc kia.” Khi ông công bố “Lực lượng Hòa hợp Dân tộc” đầu tháng 9 năm 1974 thì ông nói mục đích chính tổ chức này là tạo một “bầu không khí hòa hoãn” trong nước và ngoài nước hòng để chấm dứt chiến tranh.[66] Tháng 9 năm 1974 ông tuyên bố rằng dân chúng miền Nam có thể sống trong đoàn kết và không có một lực lượng nào được khống chế lực lượng khác và tự gắn cho mình danh nghĩa đại diện cho tất cả.[67] Hai tuyên bố trên rõ ràng là tiến bộ hay “tả khuynh” hơn tuyên bố cùng tháng 9 này của ông Dương Văn Minh là muốn lãnh đạo các lực lượng thứ ba bằng cách kết hợp tất cả các lực lượng chống chính quyền Thiệu vì tự do báo chí, vì hòa bình và vì một chính quyền trong sạch.[68] Sang năm 1975 thì có vẻ ông Mẫu “hữu khuynh” và “quốc gia” hơn trong như trong hai ví dụ sau đây: Cuối tháng 3 năm 1975 Vũ Văn Mẫu đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức để cho “những lực lượng quốc gia thật sự” có thể hình thành.[69] Ngày sau đó ông Mẫu tố cáo ông Thiệu là “đã đánh mất trong dưới hai tuần nhiều đất đai và nhiều dân số hơn hai mươi năm trước đó.”[70] Nhưng vài ngày sau đó, khi gặp một phái đoàn Quốc hội Mỹ sang Sài Gòn tìm hiểu tình hình thì ông Mẫu đã yêu cầu họ cắt viện trợ cho chính quyền Thiệu.[71] Không những các cá nhân “tả khuynh” và “hữu khuynh” chung quanh Dương Văn Minh đã gặp nhau trên vấn đề Thiệu phải ra đi và Mỹ phải cắt viện trợ như trên, những nhân vật lúc trước cực kỳ chống Cộng như Linh mục Nguyễn Quang Lãm đã đi đến nhận định rằng chính quyền Sài Gòn đã thối nát đến tận xương tủy và dẫu có thêm 3000 tỷ thay vì 300 triệu Mỹ kim thì cũng không có thể cứu vãn được nữa. Linh mục Lãm viết tiếp là càng có thêm nhiều tiền càng sụp đổ mau hơn.[72] Trước tình thế trên, Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt Thiệu từ chức tối ngày 21 tháng 4 năm 1975 và mời ông Trần Văn Hương thay thế. Ông Hương là ứng cử viên phó tổng thống trong cuộc “độc diễn” của ông Thiệu năm 1971. Ông Hương yêu cầu Quốc hội bổ nhiệm ông Dương Văn Minh làm tổng thống. Lưỡng viện và các phe phái tranh nhau ghế ngồi trong chính quyền mới cho đến ngày 27 mới thông qua yêu cầu của ông Hương; và ngày 28, trong lúc 14 sư đoàn Quân đội Nhân Dân đang tiến vào Sài Gòn thì ông Dương Văn Minh mới chính thức thành tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa. Thay vì “tử thủ” như một số người kêu gọi hay chịu theo áp lực của Đại sứ Jean-Marie Mérillon của Pháp đòi thương lượng với phía cách mạng vào giờ chót để lập một chính phủ liên hiệp, ông Dương Văn Minh quyết định đầu hàng vô điều kiện. Trong khi ngồi chờ đại diện phía cách mạng đến gặp để nhận đầu hàng, ông Minh nói với một ký giả của hãng thông tấn Pháp rằng: “Sinh mạng con người, sinh mạng người Việt, sinh mạng người Pháp, phải được cứu. Bảo đại sứ Pháp là anh đã gặp tôi ở đây.”[73]
4. Thay lời kết
Mặc dầu quyết định đầu hàng của ông Dương Văn Minh đã giúp cứu được bao sinh mạng, trình bày ở trên cho thấy các thành phần trong phong trào đấu tranh đô thị đã có những “đóng góp nhất định” trong giai đoạn từ 1968-1975 như ông Võ Văn Kiệt và bà Nguyễn Thị Bình đã khẳng định. Các cá nhân và tổ chức đã giúp tranh thủ dư luận quần chúng tại Việt Nam và trên thế giới chống các chính sách chiến tranh của chính quyền Sài Gòn và chính phủ Mỹ. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và chính phủ Mỹ không muốn có một chính phủ liên hiệp gồm ba thành phần ở miền Nam vì họ sợ thua trong một cuộc đấu tranh chính trị. Họ đã sử dụng vũ lực và nhiều hình thức đàn áp khác với hy vọng triệt tiêu cách mạng và phong trào đối kháng tại đô thị. Nhưng, ngược lại, chính quyền Sài Gòn đã sụp đổ cho nên không còn điều kiện thành lập một chính phủ liên hiệp gồm “ba thành phần” như Hiệp Định Paris đã qui định và như chính phủ miền Bắc cũng như Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời đã kêu gọi. Không có một chính phủ liên hiệp thì không có “thành phần thứ ba” trong ngoặc kép như báo Đại Đoàn Kết đã đề cập đến ở đầu bài này. Và không có “thành phần thứ ba” thì không có chuyện cái thành phần không được hình thành này đóng vai trò hòa giải, hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên, trong khi chiến tranh chưa kết thúc và miền Nam có hai lực lượng quân sự và chính trị ̶ Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời và Chính quyền Sài Gòn ̶ thì người ta có thể gọi chung các tổ chức và các nhóm không thuộc hai chính phủ này là lực lượng thứ ba. Trong thời gian từ năm 1968, tức là thời gian chiến tranh cao độ dẫn đến phân cực ghê gớm, các nhóm “rất đa dạng” lúc đó đã cùng nhau chống chính quyền Sài Gòn và các chính sách của Mỹ và tranh đấu cho các quyền con người, cho hòa bình, và cho hòa hợp, hòa giải dân tộc. Các hoạt động của các cá nhân trong phong trào đô thị lúc ấy đã có những “đóng góp nhất định” cho “ngày chiến thắng” mà tít báo Đại Đoàn Kết trích đầu bài này đã viết rất đúng. Nhưng đã chiến thắng, đặc biệt qua hình thức quân sự, thì việc hòa hợp, hòa giải là của phe chiến thắng chứ không phải của các nhóm tranh đấu trong thời kỳ còn chiến tranh. Ngày 2 tháng 5 năm 1975 chính phủ mới đã ra lệnh giải tán tất cả các tổ chức chính trị được thành lập dưới chế độ cũ.[74] Các tổ chức có thể gọi là “xã hội công dân” như “Phong trào Phụ nữ Đòi Quyền Sống” tự giải thể vì, như bà Ngô Bá Thành đã tuyên bố, sau chiến tranh nó không còn lý do để tồn tại nữa.[75] Tất cả các nhóm phụ nữ khác được sát nhập vào “Hội Phụ Nữ Giải Phóng,” các tổ chức công nhân được sát nhập vào các “Ủy Ban Cách Mạng Nhân Dân,” và các tổ chức tôn giáo được sát nhập vào các tổ chức tôn giáo của Mặt Trận Giải Phóng. Việc giải tán và tự giải thể kể trên lúc đó không có một lời phản đối nào của những người trong các tổ chức đó hết cả, mặc dầu họ đã đương đầu rất gay gắt với chế độ cũ mà không hề tỏ ra sợ sệt gì cả. Vậy không rõ tại sao, như bà Nguyễn Thị Bình thừa nhận ở trên rằng, 36 năm sau ngày chiến thắng, còn “nhiều người ngại nói đến lực lượng thứ ba”? Sợ kể công họ ra là mất hào quang chiến thắng cho mình chăng? Hay sợ không còn được độc quyền chia chiến lợi phẩm? Chiến tranh càng lâu dài càng tạo phân cực ngày càng lớn trong xã hội. Do đó, muốn hàn gắn vết thương chiến tranh và tạo điều kiện cho việc hòa hợp, hòa giải dân tộc thì người chiến thắng thường nên tỏ ra hào hiệp. Ít nhất thì cũng nên mở cửa cho tương lai bằng xét lại quá khứ (chứ không phải khép kín) một cách trung thực và công bằng. Không có công bằng khó có thể có một xã hội dân chủ và hài hòa.
Chú thích [1] Bài này có thể tải về từ địa chỉ này: http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=28937. Tờ báo điện tử ChúngTa.com tại Hà Nội trong bài với tựa đề “Những trăn trở của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc” ngày 30 tháng 4 năm 2011 cũng có đăng lại nguyên văn bài phỏng vấn với Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được đăng trên tuần báo Quốc Tế (số ra ngày 31-3-2005) và TuổiTrẻ Online (17-4-2005) mà tờ Đại Đoàn Kết trích. Trong đó ông Kiệt nói rõ hơn về vai trò của lực lượng thứ ba. Xin xem: http://chungta.com/PortletBlank.aspx/E87168AED88D45648F671CE3F2B…anh Dong/Vo_Van_Kiet_doan_ket_hoa_hop_dan_toc/?print=2118950419 ; http://tuoitre.vn/PrintView.aspx?ArticleID=74587. [2] Jean-Claude Pomonti, La Rage d’Etre Vietnamien (Paris: Le Seuil, 1972), trang 242. [3] André Menras, “How America Mocked the Ceasefire: Vietnam Since the Paris Agreement,” Bulletin of Concerned Asia Scholars, tháng 11-12, 1974, trang 25. [4] Don Luce và John Sommers, Vietnam: The Unheard Voices (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1969), trang 123; Alfred Hassler, “They Call it a Third Solution,” Moral Argument and the War in Vietnam. Paul Menzel chủ biên (Nasville: Aurora Publishers, 1971), trang 202. [5] Jacques Decornoy, “’Tombeur’ de Diem et Ennemi de Thieu,” Le Monde, 27-28 tháng 4 năm 1975. [6] Nguyễn Hữu Thái, Thách thức & Lựa chọn: hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình (bản sửa năm 2010, chưa xuất bản), trang 95. [7] Như trên, trang 97. [8] Nguyên văn (trang 2): “In Saigon, a third force was coming into being as a challenge to that tinhorn dictator who persisted in denying its existence.” Bản tiếng Pháp của nguyệt san này tên là “Courrier du Vietnam” và cả hai được phát hành bởi Nhà Xuất Bản Ngoại Văn, lúc đó do bác sĩ Nguyễn Khắc Viện làm giám đốc. [9] Vietnamese Studies, số 39, năm 1974, trang 47-48. Nguyên văn tiếng Anh: “The formation of a government of national concord in the South is key to peace, and the third force is an indispensable part of this solution. As politics is the art of the possible, we have concluded that this formula is the only one that can lead to peace. I would say that it is a providential solution. And there is no other apart from this, there is only war.” Từ “providential” dịch sát nghĩa là “trời cho.” [10] Xem tờ Washington Post và tờ New York Times ngày 3 tháng 3 năm 1968. Báo Harvard Crimson của đại Học Harvard có một bài tường thuật khá dài (cả một trang lớn) ngày 13 tháng 3 năm 1968 về việc này và đăng toàn bộ bản tuyên bố, trong đó có câu: “To end the war before it is too late, we call upon the American government to heed Secretary-General U Thant’s appeal and stop all bombing of North Vietnam. We call upon the United States government, the government of South Vietnam, the government of North Vietnam and the National Liberation Front to promptly reach a peaceful settlement. A lasting peace for Vietnam should be based upon a total withdrawal of foreign troops that will allow us, Vietnamese, to shape our future free from all foreign interference.” Ngày hôm sau các đại diện của nhóm đến Liên Hiệp Quốc gặp ông U Thant trao đổi hơn một tiếng đồng hồ. Người điều phối bản tuyên bố và các cuộc gặp mặt là Ngô Vĩnh Long. [11] Gareth Porter, A Peace Denied (Bloomington: University of Indiana Press), trang 70. [12] Mười người có tên được công bố lập tức bị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên án tử hình khiếm diện vì tội “phản quốc.” Xem: Douglas Pike, War, Peace and the Viet Cong (Cambridge, Mass.: MIT Press, 1969), trang 30-31. [13] Douglas Pike, như trên, trang 19-29; Wilfred Burchett, Vietnam Will Win! (New York: Guardian Books, 1970), trang 197-206; Robert Shaplen, “Letter from Saigon,” New Yorker (ngày 29 tháng 6 năm 1968), trang 27-28; Lê Văn Hảo, “The Path of a Patriotic Intellectual,” Vietnam Courier, ngày 13, 20 và 27 tháng 3 và ngày 3 tháng 4 năm 1972. Tuy nhiên, theo nhiều người khác thì Tôn Thất Dương Kị, Dương Quỳnh Hoa, Trương Như Tảng, Hồ Văn Bửu, Tôn Thất Dương Tiềm… là những đảng viên đảng Cộng sản VN 100%… [14] Burchett, như trên, trang 206; Pike, như trên, trang 23. [15] Toàn bộ bản tuyên ngôn đã được dịch ra tiếng Anh và có thể tìm thấy ở đây: Robert Turner, Vietnamese Communism: Its Origins and Development (Stanford, California: Stanford University Press, 1975), trang 444-450. [16] Shaplen, như trên, trang 39. [17] Phạm Văn Đồng, Selected Writings (Hanoi: Foreign Languages Publishing House, 1977), trang 250. [18] Burchett, như trên, trang 206. [19] Trích bởi Edith Lenart, “A Neutral Peace?” Far Eastern Economic Review, ngày 29 tháng 6 năm 1968, trang 56. [20] Porter, như trên, trang 290. [21] Về một số thành tựu và hậu quả của Tết Mậu Thân xin xem bài sau đây. Bài này là bài rút ngắn của bài đã được trình bày tại hội thảo do Bộ Ngoại Giao và Học Viện Quân Sự tổ chức năm 1988 ở Hà Nội với các học giả Việt và Mỹ nhân dịp kỷ niệm 20 năm Tết Mậu Thân. Ngô Vĩnh Long, “The Tet Offensive and Its Aftermath” trong Jayne Werner and David Hunt, The American War in Vietnam ( Southeast Asia Program, Cornell University, Fall 1993) và “The Tet Offensive and Its Aftermath” trong Marc Jason Gilbert and William Head (eds.), The Tet Offensive (Westport, Connecticut: Praeger, 1996). Trong bài này tác giả đã có nhận định rằng trong khi Mặt Trận Giải Phóng bị suy yếu thì quân đội miền Bắc gởi vào Nam từ năm 1969 đến cuối năm 1970 không những không hoạt động được mà còn bị mất mát đến gần 90%. Chỉ sau khi Mặt Trận Giải Phóng đã hồi phục vì chính sách “bám trụ” và vì sự chia lửa của phong trào đô thị thì chi viện của miền Bắc mới có hiệu quả. Các vị tướng tham gia hội thảo trên tại Hà Nội đồng ý với nhận định này. [22] Tập san Quần Chúng, số ngày 5 tháng 9 năm 1969 có một bài dài với tựa đề “Tập thể quân nhân trong cuộc càn quét mới” của tác giả tên Trình Phổ, một cựu sĩ quan chiến tranh chính trị của quân đội Sài Gòn, nói về vấn đề càn quét và tại sao chính quyền Sài Gòn bắt thêm hàng triệu người vào các binh chủng. [23] Toàn văn tiếng Anh của 10 điểm này được xuất bản trong cuốn sách: Bases for a Settlement of the Vietnam Problem (Hanoi: Vietnam Courier, 1971), trang 28-33. [24] Xem: Tin Sáng, số ngày 26 tháng 6 năm 1970. Toàn bộ công bố của Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn phân tích tình hình chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục và xã hội được đăng trong tập san Tự Quyết, số 3, tháng 10 năm 1970. [25] Thật ra việc đàn áp và tra tấn sinh viên rất dã man đã xảy ra từ đầu năm 1970. Bắt đầu từ tháng 4 năm 1970, chẳng hạn, báo Tin Sáng có một loạt bài trong suốt hai tháng về sự tranh đấu của sinh viên và việc họ bị tra tấn dã man bởi chính quyền Sài Gòn. Trong loạt bài này có đăng những nhật ký của các sinh viên trong tù gởi ra. Tờ nguyệt san Đối Diện do Linh mục Chân Tín làm chủ nhiệm cũng đã để trọn hai số tháng 4 và tháng 5 cho đề tài này. Linh mục Nguyễn Quang Lãm (Thiên Hổ), một linh mục rất chống Cộng, đã viết một bài tả những trường hợp sinh viên bị tra tấn dã man sau khi họ bị chính quyền Sài Gòn bắt giam vì bị nghi là có liên lạc với Việt Cộng. Dân biểu Dương Văn Ba, trong một bài báo tựa đề “Đàn áp sinh viên đã đến giai đoạn mới” đăng trên Tin Sáng ngày 25 tháng 5 năm 1970 gọi đại sứ Mỹ là kẻ nói dối khi ông này nói là một tài liệu bắt được của Việt Cộng cho biết là các sinh viên đó có dính líu với Mặt Trận Giải Phóng vì khi những sinh viên thách ông đại sứ đưa tài liệu đó ra thì ông không có mà đưa. Thậm chí, theo báo Tin Sáng ngày 17 tháng 6 năm 1970, liên tiếp trong 2 ngày 14-16 tháng 6 năm 1970 Mỹ gởi quân cảnh với súng M16, lựu đạn cay, và nhiều vũ khí khác đến Đại học Nông Nghiệp tại Sài Gòn và bắn vào trường. Cũng theo báo Tin Sáng và nhiều báo Sài Gòn khác ngày 18 thì ngày 17 quân cảnh Mỹ lại trở lại, lần này với súng đại liên ráp trên các chiếc xe, và xả đạn, lựu đạn và pháo vào trường. Báo Tin Sáng cho rằng Mỹ và chính quyền Thiệu muốn triệt tiêu phong trào đấu tranh của sinh viên trước khi nó lớn mạnh thêm. [26] Toàn văn bản tiếng Anh trong Bases for a Settlement of the Vietnam Problem, trang 34-39. [27] The New York Times, ngày 8 tháng 10 năm 1970. [28] Toàn văn bản “Tuyên Ngôn của Mặt Trận Nhân Dân Tranh Thủ Hòa Bình”, “Bản Tường Trình Trước Đại Hội của Chủ tịch Chủ Tịch Đoàn Ủy Ban Vận Động Mặt Trận Nhân Dân Tranh Thủ Hòa Bình”, và “Hiệu Triệu của Mặt Trận Nhân Dân Tranh Thủ Hòa Bình” đã được đăng trong Thời Báo Gà, số tháng 12 năm 1970. Thời Báo Gà , phát hành từ tháng 3 năm 1969 đến tháng 5 năm 1975, là tờ báo hằng tháng của Vietnam Resource Center (Trung tâm tư liệu Việt Nam) ở Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ. Trung tâm được thành lập đầu năm 1969 bởi một nhóm sinh viên Việt Nam tại Mỹ và hoạt động cho đến năm 1978. Ngoài tờ báo hằng tháng Trung tâm thường xuyên cung cấp các tư liệu về Việt Nam cho các báo chí, các tổ chức, các viện nghiên cứu tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Nhiều nhà báo Mỹ, trước khi sang Việt Nam, thường đến Trung tâm gặp để được “hướng dẫn” (briefings) và giới thiệu với các cá nhân và nhóm ở Việt Nam. Trung tâm thường xuyên gởi người đi thuyết trình khắp nơi trên nước Mỹ, đi “lobby” các cơ quan chính quyền của Mỹ, và đi tường trình tại Quốc hội Mỹ. Những bản dịch của Trung tâm, cũng như những bài viết, đã được nhiều hạ, thượng nghị sĩ Mỹ đưa vào “The Congressional Records.” Giám đốc của Trung tâm, Ngô Vĩnh Long, là đại diện chính thức tại Mỹ của “Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn” từ năm 1970-1975. Tuy là đại diện chính thức, Ngô Vĩnh Long không bao giờ nhận được một “chỉ thị” nào cả của bất cứ một ai trong “Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn” trong suốt thời gian nói trên, kể cả những hoạt động công khai dưới danh nghĩa của Tổng Hội như là tổ chức những hội thảo kêu gọi các phong trào ở Mỹ và các nước khác trên thế giới ủng hộ Tổng Hội, nói riêng, và phong trào sinh viên học sinh Việt Nam, nói chung. [29] Trích trong: Wilfred Burchett, Catapult to Freedom: The Survival of the Vietnamese People (London: Quartet Books, 1978), trang 143. [30] Tin Sáng, số ngày 9 và ngày 11 tháng 2 năm 1971. [31] Tin Sáng, số ngày 15 tháng 11 năm 1971. [32] Xem: The New York Times ngày 7 tháng 10 năm 1971, trang 29, về số nước và đại học sẽ đến dự hội thảo và mục tiêu của hội thảo. Tờ Washington Star tại Hoa Thịnh Đốn ngày 13 tháng 10 năm 1971 có một bài trường thuật về hội thảo, trong đó có câu: “The primary focus of the discussion will be South Vietnam. The students say the South Vietnamese government ‘seeks to liquidate (the Saigon) student union’ because students have opposed the Thieu regime and demanded the withdrawal of U.S. troops.” Chương trình hội thảo có ghi là lúc 9 giờ đến 10 giờ ngày 14 Ngô Vĩnh Long cùng 3 người nữa thay mặt ban tổ chức đọc diễn văn đón chào (welcome) những người đến tham dự hội thảo; và trong khoảng thời gian từ 1 giờ đến 3 giờ chiều Ngô Vĩnh Long tường trình về phong trào sinh viên Việt Nam (The Vietnamese Student Movement). Hội thảo này do Ngô Vĩnh Long giúp tổ chức và không có sự can thiệp của bất kỳ nhóm sinh viên nào ở miền Nam lúc đó. [33] Báo Tin Sáng và các báo khác mà Vietnam Resource Center đã thu thập hiện nay được trữ tại thư viện Yenching của đại học Harvard, Hoa Kỳ. [34] Lý Quí Chung, Between Two Fires. New York: Praeger, 1970. [35] Theo chuyển ngữ sang tiếng Anh đăng trong tờ Vietnam Report số ngày 15 tháng 10 năm 1971, trang 6. Đây là tờ bán nguyệt chính thức của Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế (Council on Foreign Relations) của chính quyền Sài Gòn và được tòa đại Sứ Sài Gòn tại Mỹ phát hành. [36] Nguyên văn bằng tiếng Anh của lời phát biểu của ông Thiệu đăng trong số Vietnam Report ngày 15 tháng 10 năm 1970, trang 9, là: “The communists proclaim that ‘neutralism’ means non-alignment, whether with the Americans or the communists. The communists, in fact, want South Vietnam to be neutral to take away from the Americans the main rationale for their being here.” [37] Xem: Tin Sáng, số ngày 26 tháng 8, ngày1, 2, và 5 tháng 9 năm 1971. [38] Trích trong Tin Sáng, số ngày 2 tháng 9 năm 1971. [39] Dân biểu Lý Quí Chung cho một nhà báo Pháp biết là chính ông đã khuyên Dương Văn Minh không ra ứng cử. Xem: Jean-Claude Pomonti, La Rage d’Etre Vietnamien (Paris: Le Seuil, 1974), trang 126. Nhưng tác giả bài này đã nói chuyện với những người quen biết Lý Quí Chung và Dương Văn Minh như Dương Văn Ba và Hồ Ngọc Nhuận thì họ cho biết đây là việc làm của nhiều người. Pomonti sau này cũng đồng ý với tác giả trong những buổi gặp mặt riêng là không phải chỉ vì lời khuyên của một người mà vì áp lực của nhiều người trong phong trào. Theo một số tài liệu thì Ông Dương Văn Minh đã được Mỹ đưa về từ Bangkok để có thể đóng một vai trò tạo chính danh cho chính quyền Sài Gòn, nhưng việc ông từ chối không chịu ra ứng cử tổng thống đã làm Mỹ rất thất vọng. Xem: Donald Kirk, “The Thieu Presidential Campaign: Background and Consequences of the Single-Candidacy Phenomenon,” Asian Survey (tháng 7 năm 1972) trang 615. [40] Donald Kirk, như trên, trang 615; The New York Times, ngày 16 tháng 8 năm 1971; The New Yorker, ngày 13 tháng 11 năm 1971. [41] Xem Tin Sáng, số 22 và 23 tháng 10 năm 1971. [42] Toàn bài phát biểu của Nixon đã được đăng trong Weekly Compilation of President Documents, Vol. 9, no. 10, ngày 16 tháng 9 năm 1971, trang 1282-1283. [43] Ngày 10 tháng hai năm 1972 mười sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã chiếm Tổng Lãnh Sự của chính quyền Sài Gòn tại Nữu Ước đòi phải trả tự do lập tức cho bà Ngô Bá Thành, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Nguyễn Xuân Lập (Chủ tịch Liên đoàn Sinh Viên Phật giáo tại Sài Gòn), Vũ Sĩ Hùng (Chủ tịch Đoàn Sinh viên Công giáo của Đại học Sư phạm tại Sài Gòn và thành viên của Phong trào Thanh niên Lao động Công giáo -- gọi tắt là Thanh Lao Công), và khoảng 100 ngàn tủ nhân chính trị khác. Bản công bố cho báo chí của sinh viên trên cũng đã đòi hệ thống đàn áp và lao tù tại miền Nam phải lập tức được tháo bỏ và Tổng thống Thiệu, người có trách nhiệm đối với việc đàn áp, phải từ chức ngay lập tức. Hơn 600 đài truyền thanh và truyền hình Mỹ đã phóng tin về việc chiếm đóng của 10 sinh viên trên ở Mỹ cũng như đến nhiều nước trên thế giới. Các hãng thông tấn như AP, UPI, Reuter và College News Service cũng như nhiều báo chí tại Mỹ ngày 11 tháng 2 năm 1972 (trong đó có Daily News tại Nữu Ước, The New York Times, The Boston Globe, The Harvard Crimson) cũng đã đăng tin vể việc này. Sau đây là hai bài dài và có nhiều chi tiết: Ngô Vĩnh Long, “Vietnamese in America: Why We Fight Thiệu”, Boston After Dark, ngày 22 tháng hai năm 1972; Perry Link, “South Vietnamese Seize Consulate,” The Phoenix, ngày 23 tháng 2 năm 1972. Sau gần một ngày chiếm đóng, 10 sinh viên trên bị bắt đưa đến tòa không phải vì tội chính trị mà vì tội gây ồn ào và phiền nhiễu cho các văn phòng xung quanh vì có quá nhiều phóng viên và những người ủng hộ bên ngoài lãnh sự quán. Các sinh viên được thả sau khi tòa bắt họ hứa là không chiếm lãnh sự quán ở Nữu Ước nữa. Nhưng hai tháng sau đó các sinh viên này và khoảng hơn 20 lưu sinh viên khác đã chiếm lãnh sự quán tại San Francisco. Lần này họ được cựu chiến binh Mỹ giúp canh gác hết tất cả khu vực vào lãnh sự quán cho nên cành sát thành phố không dám can thiệp. Sinh viên đã tự do dùng lãnh sự quán gần một ngày để nói chuyện với các báo chí Mỹ và các hãng thông tấn và sau đó ngang nhiên đi ra. [44] Vietnam Courier, số tháng Giêng năm 1973, trang 32. [45] New York Times, 25 January 1973. [46] Gareth Porter, A Peace Denied: The United States, Vietnam, and the Paris Agreement (Indiana University Press, 1975), trang 186. [47] Nguyên văn tiếng Anh: The Viet Cong are presently trying to turn areas under their control into a state endowed with a government, which they could claim to be the second such institution in the South. They probably also hope that when this government has achieved a degree of international recognition, international opinion will force the two administrations to merge into a coalition government. If that were to happen, they would only agree to a pinkish government of coalition, which then will try to enter negotiation with Hanoi easily. [48] Chính Luận, ngày 28 tháng 4 năm 1973. [49] Điện Tín ngày 3 tháng 10 năm 1970. [50] Gareth Porter, A Peace Denied, như trên, trang 188. Về lệnh "5 cấm", xem Marilyn B. Young, The Vietnam Wars, 1945-1990 (New York: HarperPerenial, 1990), tr. 286-289: Hanoi imposed the “Five Forbids” on all the military forces from the North as well as PRG forces in the South. They were forbidden to attack the enemy; to attack enemy troops carrying out land grab operations; to surround outposts; to shell outposts; and to build combat villages. Except for rare instances of local defiance, Hanoi’s approach prevailed for almost a year after the agreements were signed. [51] Nguyên văn câu tiếng Anh của tướng Olenchuk như sau: "We shortchanged ourselves within our overall inventories. We also shortchanged the reserve units in terms of prime assets. In certain instances, we also diverted equipment that would have gone to Europe." Xem: Fiscal year 1974 Authorization for Military Procurement, Research and Development, Construction Authorization for Safeguard ABM, and Active Duty and Selected Reserve Strengths, hearings before the Committee on Armed Services, United States Senate, 93rd Congress, pt. 3, Authorizations (Washington, D. C.: U.S. Government Printing Office, 1973), trang 1383. [52] Subcommittee on US Security Agreements and Commitments Abroad, Staff Report, ngày 11 tháng 6 năm 1973, trang 33. [53] Báo Cáo Diễn Biến 21 Năm Kháng Chiến Chống Mỹ và Những Bài Học về Toàn Dân Đánh Giặc của Long An (Long An: Bản Tổng Kết Chiến Tranh Tỉnh Long An), trang 127-130. [54] Ngô Vĩnh Long, “Thieu Refuses to Discuss Prisoner Situation,” The Boston Pheonix, June 26, 1973. Nguyên văn của câu trong lá thư của tòa đại sứ Mỹ: “Before and since the ceasefire, the GVN [Government of Vietnam] has been converting detainees to common criminal status by the expedient of convicting them of ID card violations or draftdodging.” [55] Trích trong “Thieu Refuses to Discuss Prisoner Situation,” như trên. Một số tài liệu về hệ thống lao tù ở Việt Nam (như nghiên cứu của Ngô Công Đức; các lá thư gởi cho Giáo Hoàng Paul VI của các Linh Mục Chân Tín, Trương Bá Cần, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh, Bùi Thông Giao, v.v., và nhiều tù chính trị người Công giáo; các bản án của chính quyền Sài Gòn) đã được Vietnam Resource Center dịch và xuất bản chung với NARMIC (National Action/Research on the Military Industrial Complex, một chương trình của The American Friends Service Committee) tháng 6 năm 1973. Chuyên khảo này, với tựa đề “After the Signing of the Paris Agreements: Documents on South Vietnam’s Political Prisoners,” đã được gởi đến nhiều cơ quan truyền tin, nhiều nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ, và nhiều nhóm chính trị và tôn giáo ở Mỹ và một số nước khác. [56] “Relief and Rehabilitation of War Victims in Indo-China, Part IV: South Vietnam and Regional Problems.” Hearing Before the Subcommittee to Investigate Problems Connected with Refugees and Escapees of the Committee on the Judiciary, United States Senate, 93rd Congress (Washington DC: US Government Printing Office, 1973), trang 8. [57] Daniel Sutherland, “Saigon Curbs Homeward-bound Refugees,” The Christian Science Monitor, ngày 16 tháng 3 năm 1973. [58] Sau đây là hai đoạn trích nguyên văn của bài này: In many provinces officials have taken away these people’s identity cards—forcing them to check in at the police station every few days—and threatened arrest or violence against those who moved form the wartime settlements. Where refugees have disobeyed orders, the Government has carried out those threats. In many provinces it has made it a practice to bomb or shell all the newly-built houses in the PRG areas. In areas undefended by the PRG main forces, it has sent in ground troops to burn the new houses, strip the new fields, and, perhaps incidentally, to loot the farmers’ belongings. The police and territorial forces that patrol the borders of Government zones have arrested farmers going to market and charged them with “supplying the VC.” As was always the case during the war, these arrests are often followed by confiscation of the farmers’ belongings and sessions of interrogation and torture. Hai ký giả vừa trích quen thân với tác giả bài này (Ngô Vĩnh Long) hồi còn ở vùng Boston và sau đó thường liên lạc nhau. Daniel Sutherland thường dùng những tài liệu của Vietnam Resource Center. Frances FitzGerald là bạn học cùng trường (Harvard) và đã được tác giả bài này giúp tài liệu để viết cuốn sách được giải thưởng uy tín nhất (Pulitzer) của Mỹ. [59] The Washington Post, ngày 5 tháng 7 năm 1973; The New York Times, ngày 4 tháng 8 năm 1973; The Washington Post, ngày 11 tháng 9 năm 1973. [60] Xem: Đại Dân Tộc, số ngày 1 tháng 2, ngày 24 tháng 2, ngày 2 tháng 4, ngày 8 tháng 4, và ngày 18 tháng 5 năm 1974; Điện Tín, ngày 4 tháng 2, ngày 25 tháng 4, ngày 3 tháng 5, và ngày 1 tháng 7 năm 1974. [61] Tháng Giêng năm 1975 Vietnam Resource Center đã xuất bản một tập chuyên khảo về các nhóm và các thành phần chính trị tại miền Nam và qua đó phân tích những kịch bản chính trị có thể đi đến được: South Vietnam: What Futures are Possible? Vietnam Resource Center đã cùng với NARMIC phân phối tập chuyên khảo này rất rộng rãi tại Mỹ trong những tháng đầu năm 1975. [62] Far Eastern Economic Review, ngày 11 tháng 10 năm 1974, trang 14. Nguyên văn tiếng Anh: “The war has lasted too long. The people have suffered to the last limit of their endurance. And for these reasons, the ideological war has lost all meaning. The urgent problem is no longer the triumph of such and such a political or ideological tendency, but the survival of the nation’s body.” [63] Le Monde, ngày 9 tháng 4 năm 1975. [64] Xem: Jerry Elmer, Felon for Peace: The Memoir of a Vietnam-Era Draft Resister (Nashville, Tennessee: Vanderbilt University Press, 2005), trang 233-236. Sách này đã được Lady Borton dịch ra tiếng Việt và đã được Nhà Xuất Bản Ngoại Văn phát hành. Về một số hoạt động của Ngô Công Đức khi ở Mỹ xem: Indochina Chronicle, số 44, tháng 10-11, năm 1975. [65] Dương Minh Đức đã ở nhà tác giả bài này (Ngô Vĩnh Long) tại Cambridge, Massachusetts, cùng với Ngô Công Đức và Thầy Thích Thiện Châu khoảng một tuần. Tác giả bài này đã tổ chức cho Ngô Công Đức và Thầy Thích Thiện Châu nói chuyện tại các đại học vùng Cambridge/Boston như Harvard và Boston University và gặp ký giả các báo như Boston Globe và The New York Times. Sau Boston, và sau khi tách với Dương Minh Đức, Ngô Công Đức đã cùng với tác giả bài này đi Nữu Ước, Philadelphia, và nhiều thành phố khác trước khi đến Hoa Thịnh Đốn. Thầy Thích Thiện Châu được các nhóm tôn giáo ở Mỹ đưa đi riêng. Cuối cùng cả ba đã gặp lại ở Hoa Thịnh Đốn và đã thuyết trình tại cuộc họp nói trên. [66] Reuter, ngày 3 tháng 9 năm 1974. [67] Le Monde, ngày 17 tháng 9 năm 1974. [68] Le Monde, ngày 26 tháng 9 năm 1974. [69] Le Monde, ngày 25 tháng 3 năm 1975. [70] Le Monde, ngày 26 tháng 3 năm 1975. [71] Le Monde, ngày 1 tháng 4 năm 1975. [72] Đại Dân Tộc, ngày 10 tháng 2 năm 1975. Về những phát biểu tương tự khác của các chính khách Sài Gòn, xem: Điện Tín, 17 tháng Giêng năm 1975; Đông Phương, ngày 13 tháng Giêng năm 1975. [73] Le Monde, ngày 2 tháng 5 năm 1975. [74] Le Monde, ngày 3 tháng 5 năm 1975. [75] Le Monde, ngày 12 tháng 5 năm 1975
3-6-11 |