thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 6  - Tháng 11/2005

 


Vạn đại dung thân*

 Cao Huy Thuần
Đại Học Amiens (Pháp)

 

Các Anh Chị thân mến, từ nhiều năm nay tôi vẫn tin chắc rằng thế nào cũng có ngày Hội Thảo của chúng ta được tổ chức ở trong nước.  Điều mà tôi không ngờ là lần đầu tiên chúng ta về nước hội thảo lại là về Đà Nẵng, chứ không phải Hà Nội.  Hà Nội hay Đà Nẵng đều là quê hương cả, nhưng đặt chân lên đất Quảng Nam này, tôi không khỏi choáng ngợp với hình ảnh vó ngựa của Nguyễn Hoàng.  Được nói chuyện với nhau trên miếng đất đã mở ra Nam Tiến, ai mà không sảng khoái! Đã sảng khoái, tại sao không lấy Nam Tiến làm hứng? Bài viết của tôi có liên quan đến địa-chính trị.  Mà Hoành Sơn nhất đái là gì nếu không phải là bài học địa-chính trị vỡ lòng của Nguyễn Hoàng? 

Chúng ta học gì ở người xưa khi nhìn vị trí của Việt Nam ngày nay như một nước nhỏ ở Đông Nam Á nằm trong thế quân bình lực lượng giữa một siêu cường và một đại cường? Siêu cường mạnh nhất nhưng siêu cường đang bị thách thức.  Đại cường không mạnh bằng nhưng đại cường đang lên.  Siêu cường mạnh nhất nhưng siêu cường ở xa, ở ngoài.  Đại cường không mạnh bằng nhưng đại cường ở sít, ở trong.  Siêu cường ở xa nên phải lấy lợi thế trên biển.  Đại cường ở gần, chiếm lợi thế nhờ đất.  Học gì ở người xưa trong vị thế giữa đất và biển? Mãi mãi lệ thuộc vào  “vùng ảnh hưởng" của đất? Hay nhắm biển, Nam Tiến, để mở rộng tự do? Còn nơi nào thích hợp hơn Đà Nẵng này để nói chuyện với nhau về châu Á đất và châu Á biển?

 

Đất, biển và quân bình lực lượng

Mặc dầu môn địa-chính trị (géopolitique) mất sức thuyết phục từ sau thế chiến thứ hai, mặc dầu khoảng cách lãnh thổ chẳng còn ý nghĩa gì nữa trước sức bay của vệ tinh, hỏa tiễn và sóng truyền thông đủ loại, địa lý vẫn là yếu tố không thể xem thường trong việc tính toán chiến lược quốc tế.  Nhìn bản đồ Đông Á, phần lục địa nằm gần Trung Quốc, phần hải đảo nằm sát hạm đội Hoa Kỳ.  Trung Quốc là cường quốc đất; Hoa Kỳ là cường quốc biển. 

Làm chúa vùng đất, Trung Quốc bảo bọc Bắc Triều Tiên ở Đông Bắc Á, tranh dành ảnh hưởng với Nga ở biên giới Trung Á (Kazakhstan, Kyrgystan, Tajikistan), trấn áp lân bang ở Đông Nam Á: Thái Lan ngoảnh mặt về phương Bắc ngay từ sau 1975, Căm Pu Chia thần phục cũng từ thuở ấy, khỏi kể tên một nước thứ ba.  Ngoại lệ duy nhất là Hàn Quốc, nhưng nước này đã liên minh với Mỹ từ nửa thế kỷ rồi.  Tình trạng ở đó cũng đang thay đổi, vì ít nhất Hàn Quốc và Trung Quốc cùng san sẻ với nhau một quan tâm chung về địa-chính trị: cả hai đều canh chừng sức mạnh quân sự của Nhật. 

Làm vua vùng biển, Mỹ hưởng quyền sử dụng căn cứ hải và không quân ở Singapore, Malaysia, Indonesia và Brunei.  Không có cường quốc nào khác hưởng quyền đó ở bất cứ nước nào trong vùng, cũng không có cường quốc nào khác có hàng không mẫu hạm, có phi cảng cho phép chuyển vận quân đội tiến sâu vào vùng, chiến hạm Hoa Kỳ chế ngự vùng biển Đông Nam Á, kể cả hải lộ có tính chiến lược nối Đông Á với Trung Đông.  Tại Đông Bắc Á, tình hình phức tạp hơn giữa đất và biển, nhưng căn cứ của Mỹ ở Nhật phối hợp với khả năng cao hơn của Mỹ về phi cơ cho phép Mỹ chiếm ưu thế về hải chiến.  Dù cho Trung Quốc dồn quân chung quanh vùng biển Đông Bắc Á, máy bay Trung Quốc, chưa cải tiến, không thể đọ sức với máy bay Mỹ tại bất kỳ khu vực chiến đấu nào, kể cả trên lục địa Trung Quốc. 

Với hai vùng ảnh hưởng phân chia rõ rệt như thế, tình trạng lưỡng cực diễn tả thế quân bình lực lượng tại châu Á-Thái Bình Dương.  Châu Á lục địa nghiêng về phía Trung Quốc; châu Á hải đảo nghiêng về phía Hoa Kỳ.  Cường quốc biển ở Đông Á, Mỹ không có nhu cầu chiến lược để tranh dành ảnh hưởng trên lục địa.  Giữ nguyên trạng là tốt cho Mỹ, vì Mỹ chỉ cần bảo đảm an ninh trên hải lộ bằng cách vây quanh Trung Quốc một hàng rào căn cứ quân sự trên các đảo.  Kinh nghiệm chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam đã cho Mỹ thấy bao nhiêu khó khăn khi dùng thế mạnh ở biển để phóng phi cơ và lục quân vào đất liền trên địa bàn Đông Á, trái với tình trạng ở Trung Đông. 

Thì cũng như Mỹ cốt bảo đảm quyền lợi thiết yếu trên biển, Trung Quốc cốt bảo đảm quyền lợi thiết yếu trên đất liền.  Suốt lịch sử, chỉ một lần nước này bị đe dọa từ biển: đó là hồi thế kỷ 19.  Nhưng dù chiến hạm Anh có đánh bại nhục nhã quân đội Trung Quốc, nước Anh chẳng hề nghĩ đến việc xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc - trừ hải cảng và nhượng địa.  Đe dọa mà Trung Quốc gờm nhất đến từ nước Nga, nước Nhật, hai nước đã dùng sức mạnh trên đất để chinh phục Trung Quốc.  Nhật đã bắt chước chiến lược của Mãn Châu hồi thế kỷ 17, chiếm ngay vùng Đông Bắc của Trung Quốc để làm bàn đạp tiến vào trung nguyên.  Suốt hai ngàn năm chú tâm vào việc bảo vệ biên thùy trên đất, nếp văn hóa chiến lược cổ truyền của Trung Quốc dính chặt với đất; bởi vậy hai quan tâm ưu tiên ngày nay của Trung Quốc là xác định biên giới với lân bang trên đất liền và nới rộng biên giới từ đất liền ra biển.  Biển không phải là đất, nhưng dưới con mắt Trung Quốc, đó là đất nối dài.  Hai công việc này, Trung Quốc đã làm xong.  Chỉ còn thiếu bài phú Xích Bích đang làm.  Bây giờ thì các nhà địa-chính trị chỉ ghi nhận rằng trong vòng hai mươi năm nữa, Trung Quốc cao tay lắm là thiết lập được một hải quân tương tự như Liên Sô hồi cuối chiến tranh lạnh.  Hải quân đó có thể canh phòng bảo vệ biên giới biển, đẩy lùi chiến hạm Mỹ ra khỏi đất liền, gây khó khăn cho phi cơ Mỹ tiến sâu vào không phận Trung Quốc, nhưng nhất quyết không thách thức được ưu thế của hải quân Mỹ, lại càng không dám nổ súng đầu tiên. 

Tóm lại, Trung Quốc sẽ còn kém Mỹ về sức mạnh hải quân, và Mỹ sẽ còn kém Trung Quốc về chiến tranh trên đất liền.  Có lẽ ai cũng biết như vậy, nhưng điều đó có nghĩa gì? Có nghĩa rằng: kẻ nào tự vệ thì kẻ ấy có lợi thế.  Trên đất liền, sức phản công hùng hậu của Trung Quốc cho phép Trung Quốc thách đố Mỹ: thử đổ bộ coi chơi! Trên biển cả, khả năng trả đũa và tiêu diệt chiến hạm địch cho phép Mỹ thách đố Trung Quốc: bắn coi chơi phát đầu! Bên này có căng thẳng ngoại giao hay rần rộ tập trung quân đội, bên kia cũng không nghĩ rằng màn chiến tranh đang vén.  Khủng hoảng có thể xảy ra, nhưng tính toán lợi hại cho phép kéo dài thời gian để thương lượng, để xuống thang.  Không ai hơn ai, không ai nuôi ý định loại trừ ai lúc này, tuy cả hai cạnh tranh nhau, tìm cách bành trướng thanh thế trong vùng ảnh hưởng của nhau, thế trận lưỡng cực này thiết lập một sự ổn định tương đối vững chắc trong vùng.  Trung Quốc đang dồn sức để hiện đại hóa kinh tế, cần hòa bình.  Mỹ cần đồng minh để chống khủng bố, chống tán phát vũ khí nguyên tử, tránh một Việt Nam thứ hai trên lục địa châu Á.  Cả hai chọn dung hòa quyền lợi, thỏa hiệp hơn là gây hấn.  Về cả ba phương diện - khả năng, quyền lợi, an ninh - địa dư và cơ cấu lưỡng cực họp với nhau để tạo ra ổn định.  Tất nhiên chẳng có gì là tuyệt đối.  Chẳng ai dám bảo đảm Mỹ sẽ chăm chăm giữ vững nguyên trạng.  Chẳng ai tin Trung Quốc hạn chế tham vọng đến ngần ấy mà thôi.  Đài Loan có thể là ngòi thuốc súng chực nổ.  Hỏa tiển NMD có thể phá vỡ thế quân bình lực lượng.  Dù sao, ít nhất ngườì ta cũng có thể nói rằng địa dư và cơ cấu lưỡng cực mang đến cho các nhà cầm quyền một niềm tin vững hơn vào dự đoán ổn định và hòa bình ở Đông Á, tạo cơ sở cho hai ông anh hợp tác có lợi với nhau. 

Thế là phúc.  Phúc cho các nước đàn em được hưởng hòa bình.  Không chiến tranh,vì không ai dám chắc hơn ai: anh Cả anh Hai, hai anh đều là Anh Cả.  Đó là luận thuyết mà Robert Ross phân tích tỉ mỉ gần đây nhất[1] và được nhiều tác giả tán đồng.[2]

Nhưng không phải ai cũng cho là phúc.  Có một khuynh hướng duy thực nhìn tương quan lực lượng ở Đông Á với con mắt bi quan.  Một siêu cường can thiệp từ bên ngoài, nhiều cường quốc gờm nhau ở bên trong, nào Nga, nào Nhật, nào Ấn Độ, nào nguyên tử Bắc Hàn, nào tiểu cường Nam Hàn, chưa kể thuốc nổ Đài Loan, và trên tất cả, trên tất cả, một bá cường bay lên vùn vụt, đè bẹp tất cả với một quá khứ bá quyền lịch sử và một tương lai bá quyền tự nhiên: đâu là ổn định? Họ tiên đoán - và câu nói đã thành quen thuộc: tương lai của Á châu là quá khứ của Âu châu.  Nghĩa là tranh chấp.  Nghĩa là chiến tranh.[3]

Thế là họa chăng? Phúc hay họa, cả hai cách nhìn đều có những lý lẽ đáng nghe, cả hai đều có thể đúng.  Chính sách của Mỹ, cũng như chính sách của Trung Quốc, có hai mặt: đối kháng và hợp tác.  Chẳng ai biết mặt nào sẽ thắng mặt nào.  Chỉ biết một điều: ở thời điểm 2005 này, sức lên của Trung Quốc cứ tìm trời mà vọt, cả Âu châu cũng đảo điên, không riêng gì Mỹ.  Ở thời điểm 2005 này, những dấu hiệu căng thẳng thay thế những dấu hiệu hòa đồng của ba năm về trước.  Viễn ảnh một Trung Quốc siêu cường thứ hai vào năm 2025, 2030 trở thành thời sự phổ thông, đánh thức dậy khuynh hướng ngăn đê ngày trước.  Không có đề tài nào phân chia nước Mỹ ra thành hai phe sôi nổi như cái nhìn đối với Trung Quốc, đã phân chia, đang phân chia, sẽ phân chia: đó là điều chắc chắn duy nhất đúng, ngoài ra chỉ là xì phé và cá ngựa.

 

Mỹ: đối kháng và hợp tác

Trung Quốc là gì đối với Mỹ? Là người hợp tác? Là địch thủ? Là bạn? Là thù? Là cả hai? Bất đồng quan điểm xảy ra không phải chỉ trong giới học thuật, mà cả trong chính quyền, trong giới chính trị, giữa nhóm quyền lợi này với nhóm quyền lợi kia, trong mọi lãnh vực, văn hóa, tôn giáo, xã hội, kinh tế, doanh thương, từ khi Á châu, đặc biệt là Trung Quốc, hạ bệ Âu châu và cựu Liên Sô trong quan tâm chính trị quốc tế của Mỹ.  Nước Mỹ có hai con đường phải chọn để đối phó với  “cường quốc đang lên" kia ở Á châu: hoặc  “ngăn đê" (containment) hoặc  “đưa vào hợp tác" (engagement).  Đứng về mặt chính quyền, ông Clinton thiên về hợp tác, tuyên bố Trung Quốc là kẻ  “hợp tác chiến lược, ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO.  Với ông Bush, Mỹ thay đổi thái độ.  Tranh cử tổng thống năm 2000, ông tố cáo Trung Quốc như kẻ  “cạnh tranh chiến lược", tăng cường liên minh quân sự song phương với các nước trong vùng để ngăn đê, đặt nặng hơn nữa vai trò liên minh và chiến lược của Nhật, giảm quan hệ đa phương đến mức tối thiểu, xem như chẳng mang lợi lộc gì cụ thể cho Mỹ.  Nhưng giới kỹ nghệ, doanh thương, đầu tư lớn ở Trung Quốc không tán thành.  Đối với họ, Trung Quốc là đất hứa, từ 30 năm nay ai cũng nhất trí đưa con thuyền Trung Quốc cặp bến kinh tế thị trường. 

Đường lối ngoại giao Mỹ rẽ ra làm hai: giới kinh doanh hô hào hợp tác kinh tế, giới quân sự chủ trương ngăn đê chiến lược.  Đại diện nhiều hơn cho quan điểm dân sự, Bộ Ngoại giao đưa củ cà rốt.  Đại diện nhiều hơn cho giới quân nhân, Bộ Quốc phòng đưa cái dùi cui.  Giữa quân nhân với nhau, có khi cũng bất đồng.  Đô đốc Denis Blair, tư lệnh Thái Bình Dương lúc Bush mới lên tổng thống, đề nghị đổi chiến lược song phương qua chiến lược đa phương, thiết lập một nền an ninh vùng ở Đông Á, không phải để nhắm vào một kẻ thù chung mà để chia sẻ quan tâm chung về an ninh, trong đó Trung Quốc được khuyến khích gia nhập và đóng góp một vai trò xây dựng.  Sandy Berger, cố vấn an ninh của Clinton, đặc biệt chỉ trích tính chất ý thức hệ trong khuynh hướng đối kháng và cho rằng Trung Quốc không có khả năng gây ra bất ổn.[4]

Giới học thuật, đại học, cơ quan tư vấn, trung tâm nghiên cứu, think tank … phản ánh trung thực hai cách nhìn khác nhau.  Phe tả, cấp tiến, tự do, không ưa nổi Trung Quốc vì vấn đề nhân quyền.  Trên quyền của con người, tả và cực hữu gặp nhau.  Phe quá khích thiên chúa giáo xem mối giao hảo giữa một nước tín đồ của dân chủ và một nước tín đồ của cộng sản là vô đạo.  Hai miệng một lời song song, Nancy Pelosi, tả, lãnh tụ thiểu số Dân Chủ ở Hạ Viện, bắt loa chõ về phía Bắc Kinh cùng với Christopher Cox, Cộng Hòa, đại thủ cựu, để ủng hộ các người tranh đấu cho nhân quyền ở nước có Thiên An Môn.  Phe hữu, cả bảo thủ lẫn tân bảo thủ, không ngớt báo động về tham vọng bành trướng của Trung Quốc: Trung Quốc không bao giờ bằng lòng với trật tự hiện hữu, giống như nước Đức của Guillaume II hối cuối thế kỷ 19, nước Nhật quân phiệt của những năm 1930.  Lại cũng so sánh như thế, tờ Weekly Standard chỉ trích ông Bush thương thuyết với Bắc Kinh trong vụ máy bay EP3 bị hạ cánh trên đảo Hải Nam,  “bắt tay hòa hoãn" với ác tặc na ná như Anh Pháp đã hòa hoãn với Hitler, không biết xấu hổ trước hành động  “hạ nhục quốc thể" của địch thủ.

Giữa tả và hữu, khuynh hướng chuộng thực tế thắng thế ở trung tâm, trong nội bộ Dân Chủ cũng như trong nội bộ Cộng Hòa: phải hội nhập Trung Quốc vào hệ thống tư bản càng nhanh càng tốt và đồng thời phải ngăn chận tham vọng quá lố của chàng ở trong vùng, nhất là đối với Đài Loan.  Theo phe giữa này, phát triển kinh tế vượt mức của Trung Quốc sẽ không đưa đến canh tân quân sự để thách thức Mỹ mà trái lại còn làm Trung Quốc trở nên một nước hòa hiếu, dân chủ, một công dân tốt trên thế giới.  Vả chăng, một thị trường mênh mông như thế mà không biết nâng niu, cưng quý, đưa vào hội nhập, thì còn đâu là sức mạnh của nước Mỹ? Các chiến lược gia của Brookings Institution (David Shambaugh, Bates Gill, Richard Bush) thống thiết nhắc nhở rằng hợp tác và cạnh tranh là đồng tiền hai mặt trong ván bài sóc đĩa đánh với Trung Quốc.  Với luật chơi đó, quan hệ với Trung Quốc luôn luôn phức tạp, bởi vì Trung Quốc không bao giờ chỉ thuần là thế này hoặc thế kia, thuần  “thù địch hoặc thuần  “đối tác.[5] Zalmay Khalilzad, trước khi được bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng trong Hội Đồng An Ninh của chính quyền Bush, đã sáng tạo ra một từ mới,  “congagement", để nói lên sự cần thiết vừa phải containment vừa phải engagement trong quan hệ với Trung Quốc.[6] Gần đây hơn nữa, tân bảo thủ Fukuyama nhiệt liệt khích lệ chính quyền Bush quay trở về lại một cách tích cực với chính sách đa phương ở Đông Á, trong hợp tác kinh tế cũng như trong hợp tác an ninh, nhất là để chận đứng xu hướng dân tộc chủ nghĩa quá khích, ngòi thuốc nổ của chiến tranh.[7]

Bàn cãi về sức mạnh và tham vọng của Bắc Kinh chắc chắn sẽ còn thao thao bất tuyệt.  Ngay cả một chuyện cụ thể là canh tân khí giới, vẫn hai phe đối nghịch tranh luận nhau không ngớt trong các tạp chí danh tiếng Foreign Affairs, Survival, The National Interest.  Ai đọc Michael O‘Hanlon hoặc Bates Gill sẽ cười phì về chất lượng cà mèng của quân đội Trung Quốc, đông như kiến, nhưng trang bị với vũ khí cổ lổ sĩ, vận chuyển nhanh không được, nghèo ngân sách, thiếu tập dược.  Với quân đội thế ấy, dù khởi hấn với chiến lược bất quân bình để tránh đụng độ vũ bão với Mỹ, ví dụ chọt chọt vài mũi tên lửa vào Đài Loan để dấy lên căng thẳng thường xuyên, dọa thiên hạ đừng đầu tư vào đảo nữa, phần thắng khó lọt vào tay Bắc Kinh.[8] Ai đọc James Liley và Carl Ford sẽ dễ dàng phản đối: cái đáng sợ là khuynh hướng canh tân quân đội với ngân sách tăng vọt, với kỹ thuật tối tân dành cho vài lĩnh vực then chốt được lựa chọn kỹ (tên lửa, C4I).[9] Ấy là chưa kể tình báo tinh xảo, bụi tre ở đâu cũng có mắt, bức tường ở đâu cũng có tai. 

Nói cho đúng, chẳng ai biết thực chất quân lực Trung Quốc là thế nào.  Ngay cả giữa chuyên viên với nhau, quân đội đó có phải là con hổ giấy hay không, người nói không, người nói phải.  Bắc Kinh bảo vệ tuyệt giỏi bí mật về tình trạng guồng máy quân sự, người thì nói để che dấu sức mạnh, người thì nói để che dấu chỗ yếu.  Người thì chỉ tay vào 600 tên lửa không nguyên tử chỉa vào Đài Loan, người thì cười: ấy là dấu hiệu của nhược điểm, anh chàng không đủ phương tiện hàng hải để đổ bộ lên đảo! Người này chất vấn: hai chục tên lửa nguyên tử liên lục địa nhắm thẳng đích Hoa Kỳ, nhiều tên lửa nguyên tử với độ xa trung bình nhắm vào các nước châu Á chung quanh, thế chẳng phải là cường quốc nguyên tử đáng kính đấy sao? Người kia trả lời: nhưng Đài Loan có máy bay chiến đấu tối tân, hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương tập hợp 190 tàu chiến, dễ gì Mỹ khoanh tay bất động nếu Trung Quốc gây hấn? Người nọ lại vặn: không chuẩn bị gây hấn sao lại tăng cường chiến lược có mặt trong vịnh Bengale, trong biển Oman? Chẳng phải để bảo vệ an ninh các hải lộ của chàng sao? Một mặt thì dọa Đài Loan với tên lửa, cấm hòn đảo tuyên bố độc lập, một mặt thì tăng cường sức mạnh nguyên tử, nâng mức thiệt hại của địch lên cao để làm áp lực trên Mỹ: đâu cần chiến tranh thực sự, đến một lúc nào đó, chỉ nhìn bàn cờ, thấy thế mạnh thế yếu, tất biết ai được ai thua.  Hổ giấy hay hổ thật?[10]

Không ai tiên đoán tương lai được, cho nên cãi nhau trên lý thuyết lại càng thú vị.  Mở Foreign Affairs mới ra năm nay,[11] khách nhàn lãm bỗng chộp được một tranh luận rốt ráo giữa hai ténor trong ngành chiến lược: Brzezinski, cố vấn an ninh của Carter, và Mearsheimer, ngôi sao sáng chói trong giới duy thực.  Từ khởi thủy, Brzezinski đã nhìn Trung Quốc dưới mắt của một nhà địa-chính trị.  Trong chiến tranh lạnh, ông kết liên với Trung Quốc trong thế trận chia đôi sức mạnh của Liên Xô ở Á và ở Âu.  Ngày nay, hợp tác với Trung Quốc vẫn còn ý nghĩa địa-chính trị đó trong chừng mực nó cho phép Mỹ ngăn cản không cho bất cứ cường quốc nào chế ngự vùng Á-Âu (Eurasie) mà ông cho là trung tâm điểm của thế giới.  Từ cái nhìn địa-chính trị đó, Brzezinski bênh vực Trung Quốc như một cường quốc đang lên một cách hòa bình, chú tâm vào phát triển kinh tế, không đủ khí giới nguyên tử để chạm trán với Mỹ - 24 tên lửa liên lục địa thì có là bao! - không đủ sức mạnh hải quân để bảo vệ thương mại, để bảo vệ hải lộ dầu lửa, để tấn công Đài Loan, để tống Mỹ ra khỏi Nhật, tống Mỹ ra khỏi Đông Á.  Ít nhất là trong vòng 5 năm nữa, thiên hạ có thể yên tâm ngủ thẳng giấc với cả hai con mắt, bởi vì 2008 là Thế Vận Hội Bắc Kinh, 2010 là Triển lãm thế giới Thượng Hải, toàn bộ quan tâm dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc đều dâng hiến trọn vẹn cho thành tích phải đạt để thế giới mở mắt biết rằng ta đây xây dựng vinh quang tột bậc trên hòa bình chứ không phải chiến tranh.   “Làm tiền, không làm chiến tranh, triết lý sống với Trung Quốc thu gọn trong bốn chữ ấy: “Make money not war

Mearsheimer trả lời dứt khoát: muốn tiên đoán tương lai, phải dựa trên lý thuyết, tất nhiên lý thuyết đã được lịch sử kiểm chứng.  Vậy lịch sử nói gì? Nói rằng: các cường quốc không phải chỉ muốn trở thành cường quốc mạnh nhất mà thôi, mà, hơn thế nữa, trở thành cường quốc bá chủ thiên hạ.  Thế nhưng, trong hệ thống quốc tế ngày nay, không nước nào có thể trở thành bá chủ thực sự trên khắp thế giới, bởi vì không thể dồn sức cùng một lúc trên khắp mọi nơi.  Ngay cả Mỹ cũng chỉ là bá chủ trong vùng của mình.  Nước nào đã làm bá chủ trong vùng như thế rồi đều nhắm thêm một mục tiêu khác nữa: ngăn cấm không cho các cường quốc khác đô hộ trên các vùng địa dư khác.  Nghĩa là không muốn thấy có cường quốc nào cạnh tranh trên vùng đất kia.  Ông Bush đã nói huỵch toẹt như thế về Trung Quốc như là  “strategic competitor trong chiến lược vạch ra vào tháng 9 năm 2000.  Có ai cãi ông đâu? Trung Quốc có triển vọng muốn đô hộ Á châu như Hoa Kỳ đô hộ Bắc Mỹ.  Một Trung Quốc đang vươn lên sức mạnh đáng sợ như thế tất có triển vọng muốn tống Hoa Kỳ ra khỏi Á châu như nước Mỹ đã tống các cường quốc Âu châu ra khỏi Bắc Mỹ.  Tống Mỹ được, tất giải quyết luôn vấn đề Đài Loan.  Mỹ đã hành động như thế ở Bắc Mỹ, tại sao Trung Quốc không hành động như thế? Tại sao bắt Trung Quốc phải lịch sự hơn? Mỹ đã hành động như thế, tất phải nghĩ rằng Trung Quốc không thể làm khác mình.  Nghĩ như thế rồi, tất phải ngăn đê.  Phải làm Trung Quốc khuỵu đầu gối như đã làm nước Đức quân chủ khuỵu đầu gối trong thế chiến thứ nhất, như đã làm nước Đức nazi khuỵu đầu gối trong thế chiến thứ hai, như đã làm nước Nhật quân phiệt khuỵu đầu gối, như đã làm Liên Xô khuỵu đầu gối.  Hoa Kỳ có cả một truyền thống ngăn chận, bẻ khuỵu đầu gối, không cho kẻ cạnh tranh nào đô hộ Âu châu hay Á châu.  Trung Quốc sẽ không làm khác; Hoa Kỳ cũng sẽ không làm khác.  Bảo rằng Trung Quốc không đọ sức nổi với Mỹ? Điều này chỉ đúng hôm nay, nhưng vấn đề không phải là hôm nay mà là 2025, 2030! Trung Quốc đang mua thời gian.  Mỗi năm, ông khổng lồ này mỗi lớn thêm về kinh tế, về quân sự.  25 năm nữa ông sẽ ở trong vị thế mời nước Mỹ đi chơi chỗ khác.  Đó là bài học mà lịch sử các cường quốc đã dạy. 

Đả đảo Mearsheimer! Hoan hô Brzezinski! Tất nhiên các tác giả Trung Quốc đua nhau trải thảm đỏ cho cựu cố vấn, người đã kết thúc việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Carter.  Họ cũng trải thảm đỏ cho Kissinger, tổ sư phái duy thực, nhưng “duy thực” như một chính khách, nên cùng lấy một lập trường hợp tác như chính khách Brzezinski, cho rằng thách thức của Trung Quốc, về trung hạn, có tính cách chính trị và kinh tế hơn là quân sự.[12]  Lấy ý của Brzezinski, tác giả Laxin Xiang phản đối: đừng ví Trung Quốc với Guillaume II, Trung Quốc không phải là cường quốc muốn lập lại trật tự khác hoặc phá vỡ ổn định trong vùng; chính Mỹ, dễ bị kích động và bị ám ảnh hoài bởi ý nghĩ Trung Quốc là kẻ thù trong tương lai, đang tạo điều kiện đưa đến tình trạng nguy hiểm đó.  Dễ bị kích động, Mỹ đã phản ứng quá lố, quá khinh mạn: ném bom trên sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999; tiến hành chế tạo hỏa tiễn NMD; mở chiến dịch bài Trung Quốc ở Hoa Thịnh Đốn … Này này chị bảo cho mà biết, chốn ấy hang hùm chớ mó tay, mó vào là động cánh diều hâu ở Bắc Kinh đấy, là bật cái lò xo dân tộc chủ nghĩa trên toàn Trung Quốc đấy, và cái gì mà quý ông nói không muốn xảy ra sẽ xảy ra vì chính bàn tay táy máy của quý ông.[13]

Ở đâu mà chẳng có diều hâu với bồ câu? Bảo thủ và cấp tiến? Thận trọng và phiêu lưu? Cái khác của Trung Quốc - và chính cái đó là nét nổi bật của chính sách đối ngoại ở Bắc Kinh từ chục năm nay - là tất cả mọi khuynh hướng đều thống nhất với nhau trên cùng một định nghĩa về Trung Quốc, trên cùng một sách lược, trên cùng một cách ăn nói.  Từ đó toát ra một niềm tự tin ghê gớm nơi ông trời con mà ngay ông trời già cũng không can nỗi.  Lịch sử Trung Quốc như bước qua một trang mới với lòng tự tin đó.  Bất cứ hành động gì cũng diễn tả lòng tự tin: ngẩng đầu lên là tự tin mà cúi đầu xuống cũng là tự tin.  Đây, họ cúi đầu:

 

Khi Trung Quốc cúi đầu

Hơn chục năm trước, Trung Quốc tự định nghĩa mình như một cường quốc “đang lên”.  Đố ai đi lên mà cúi đầu.  Cho nên họ ngẩng.  Ngẩng như thế mà đi lên, đến một lúc họ thấy đủ cao để nhìn thế giới như một thế giới đa cực trong đó họ là một: cực Mỹ, cực Âu châu, cực Trung Quốc … Đó là lúc mà thuyết đa cực của Pháp được gà gô-loa gáy vang vào tận Vạn Lý Trường Thành.  Giang Trạch Dân vỗ cánh đáp lại: daguo zhanlue! Đại quốc quan hệ! Không ăn cùng mâm, ít ra ta đây cùng ngồi một chiếu với Mỹ, ngang nhau. 

Ấy là ông Giang tưởng có thể chôn sâu lời trối trăn của ông Đặng vào bảy tấc đất của lịch sử tủi nhục.  Ông Đặng dặn: taoguang yanghui! Thao quang dưỡng hối! Che giấu cái sáng đi, nuôi dưỡng cái tối! Cúi đầu xuống! Cúi đầu xuống mà mua thời gian, mà hiện đại, mà trả thù lịch sử.  Cúi đầu xuống như Câu Tiễn, như Hàn Tín, kẻ nếm cứt, người lòn trôn. 

Tháng 5 năm 1999: sứ quán Trung Quốc ở cựu Nam Tư lãnh một trái bom của Mỹ.  Cánh quân đội khích Giang: daguo zhanlue đâu, lấy ra mà xài chứ!  Cánh cải tổ sợ Giang lấy ra xài thật, đem lời ông Đặng ra khuyên.  Kết quả là cái nhìn về thế giới và về Trung Quốc thay đổi: Bắc Kinh thừa nhận thế giới có nhiều cường quốc nhưng chỉ có một siêu cường.  Từ cái nhìn đó, họ rút ra một chính sách đối ngoại mới, thân thiện với lân bang, với “chu biên”, nghĩa là ngoại vi: zhoubian waijiao, chu biên ngoại giao.  Mỹ muốn ngăn đê bao vây ta? Thì ta nhũn nhặn, hòa hiếu, cúi đầu, kéo tất cả xóm giềng, lân bang về phía ta!

Giới nghiên cứu phản ánh quan điểm đó.  Đầu năm 2000, Wang Yizhou tóm tắt trong 3 chữ, theo thứ tự ưu tiên, quốc sách ngoại giao của Trung Quốc trong thế kỷ 21: phát triển, chủ quyền, trách nhiệm.  Ưu tiên thứ nhất là phát triển kinh tế trong môi trường ổn định ở bên ngoài.  Ưu tiên này buộc Trung Quốc phải cúi đầu.  Cúi đầu với kẻ mạnh và, nếu cần, cúi đấu với cả kẻ yếu.  Bận quân phục thì khó cúi đầu, vậy để ưu tiên này cho dân sự lo.  Ưu tiên thứ hai là bảo vệ lãnh thổ và biên giới, không cho bất cứ ai xâm phạm.  Câu chuyện Biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa của ta nằm gọn lỏn trong ưu tiên này.  Ăn to nói lớn là nghề của súng, vậy để lĩnh vực này cho tướng tá lo.  Ưu tiên thứ ba là “gây ảnh hưởng tích cực và càng ngày càng trội hơn ai hết trong vùng châu Á-Thái Bình Dương và hành động để trở thành một quốc gia có ảnh hưởng trên toàn thế giới được công nhận như đóng một vai trò xây dựng”. [14]  Một cường quốc biết trách nhiệm, một cường quốc biết xây dựng, hình ảnh thánh thiện đó sẽ nâng Trung Quốc lên địa vị nhất nhì trên thế giới. 

Ba ưu tiên đó có mâu thuẫn gì với nhau không? Làm sao khỏi! Đài Loan nằm ở đâu nếu không phải là trong ưu tiên 2? Ví thử Đài Loan tuyên bố độc lập, ưu tiên đó có nhảy phóc lên hàng số 1 không? Có phá vỡ tan tành hình ảnh thánh thiện trong ưu tiên 3 không? Chính sách là lựa chọn; lựa chọn tùy thuộc ý muốn, nhưng cũng không thể hoàn toàn độc lập với hoàn cảnh.  Cũng không thể hoàn toàn độc lập với hành động và phản ứng của Mỹ.  Vậy, để đối phó với chính sách vừa ngăn đê vừa hợp tác của Mỹ, ba ưu tiên đó được thể hiện thế nào?

Đầu năm 2001, các nhà nghiên cứu Trung Quốc họp tại Bắc Kinh để phân tích tình hình mới sau khi ông Bush thắng cử.  Họ đi đến một kết luận biện chứng giữa Tào Tháo và Khổng Minh, tóm tắt trong 4 mệnh đề: “Trung Quốc và Mỹ chống nhau nhưng hợp tác với nhau, bất đồng nhưng vẫn kết hợp, đánh nhau nhưng không loại trừ, bất đồng nhưng không xung khắc”.[15] Tuyệt chiêu! Người vừa containment vừa engagement với ta, thì ta cũng vừa engagement vừa containment với người! Người ngăn đê, ta xây rào!

         Ngày 1 tháng 4 năm 2001, máy bay trinh sát EP3 của Mỹ chạm trán phi cơ Trung Quốc, phải hạ cánh xuống Hải Nam.  Bush phản ứng mạnh: Bắc Kinh muốn gì đây? Muốn thách thức sự có mặt của Mỹ? Muốn xác nhận chủ quyền trên toàn  “ Nam Hải "? Tưởng như khủng hoảng to đến nơi.  Nhưng không, ấy là đánh nhau nhưng không để ai đo ván.  Kết cuộc là gì? Là hình ảnh để lại trong đầu các nước trong vùng về một Trung Quốc biết trách nhiệm, có tinh thần xây dựng, chuộng ổn định, trước một nước Mỹ gây bất ổn.  Mà thật vậy! Sau khi để yên cho nhân dân bày tỏ phẫn nộ, báo chí bài xích  “ hiếu chiến Mỹ ", cả Giang chủ tịch lẫn Chu thủ tướng hạ lửa giận của quần chúng xuống, nhấn mạnh ưu tiên 3, đưa tất cả về ưu tiên 1.  Đầu tháng 5, Chu (Dung Cơ) và Lí (Bằng) bay đi thăm viếng Đông Nam Á, tỏ bày thiện chí của chính sách hòa hiếu lân bang; cùng lúc, bộ trưởng quốc phòng Chi Haotian hạ cánh xuống Mã Lai, bàn về trao đổi quân sự song phương với một chính quyền vốn không thích Mỹ. 

Cho đến khi biến cố 11-9 xảy ra, đưa Bush trở lại thân thiện với Bắc Kinh để chống khủng bố, chính sách của tân tổng thống là nghiêng mạnh về ngăn đê.  Chính sách đó biểu lộ qua phúc trình của cơ quan RAND công bố cũng vào tháng 5:  “Hoa Kỳ và Á châu: tiến tới một chiến lược mới và một thế đứng quân sự mới.  Cái gì cũng mới: tổng thống mới, ê kíp mới, chính sách mới.  Mới.  Và cứng.  Và mạnh.  Phúc trình đề nghị xúc tiến một nền an ninh đa phương ở Á châu thêm vào những liên minh quân sự song phương đã có sẵn với Nhật, Hàn Quốc, Úc, Phi Luật Tân … để thiết lập một vòng cung ngăn đê chung quanh Trung Quốc.  An ninh đa phương đó được xúc tiến đồng thời với một đối thoại an ninh giữa các nước Á châu, kể cả Trung Quốc, chuẩn bị xây dựng một khung an ninh đa phương trong tương lai. 

Chiến lược mà RAND đề nghị là một chiến lược nhất quán hơn về Á châu, nhằm kéo các nước trong vùng ngăn đê với Mỹ.  Nhân Dân Nhật Báo cảnh cáo: “tham gia vào bất cứ một liên minh nào nhằm chống Trung Quốc đều phải trả giá cao.[16] Nhưng đó là lời nói.  Hành động là thế nào? Là cúi đầu.  Tác giả có tiếng Wang Jisi, giám đốc cơ quan nghiên cứu về nước Mỹ, một think tank hàng đầu về chiến lược đối ngoại, ghi nhận thay đổi  “trầm trọng trong chính sách Mỹ, nhưng quả quyết Trung Quốc không để bị cuốn theo chiều gió thách thức.

Vậy Trung Quốc làm gì? Phá vòng vây! Người vây ta trong chiến lược đa phương thì ta phá vòng vây trong chính các tổ chức đa phương.  Bắt đầu từ ngày đó, Trung Quốc từ bỏ thái độ đứng ngoài vòng, tham gia năng động trong tất cả các tổ chức Á châu, đóng luôn cả vai trò lãnh tụ, nào ASEAN, nào ARF, nào ASEM, nào Diễn Đàn Thượng Hải, nào ASEAN + 3, nào ASEAN + 1, nào APEC, ở đâu cũng chơi trội, ở đâu cũng sáng chói, ở đâu cũng được kính nể.  Mỹ ngạo mạn? Trung Quốc nhũn nhặn.  Mỹ diều hâu? Trung Quốc bồ câu.  Mỹ can thiệp từ bên ngoài? Trung Quốc trách nhiệm ở bên trong.  Mỹ xuất cảng bom đạn? Trung Quốc xuất cảng thiện chí.  Chưa bao giờ ngoại giao Bắc Kinh thành công đến thế.  Heping Jueqi! Hòa bình quật khởi![17]  Báo chí, dư luận, chính khách, think tank, tất cả Âu châu, Mỹ châu đều bị thôi miên, tất cả đều chú mục vào tân chính sách ngoại giao Trung Quốc, tất cả đều bái phục kết quả vượt bực mà Bắc Kinh gặt hái được chỉ sau hai năm mà thôi.  Cường quốc lục địa, Trung Quốc giải quyết sòng phẳng và nhanh chóng vấn đề lãnh thổ, biên giới trên 20.222 cây số[18] với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Nga, Lào, và cả với … Việt Nam.  Với Ấn Độ, tranh chấp lâu năm và khó khăn như thế, mà cũng ký được những thỏa hiệp thiết lập những biện pháp tin tưởng lẫn nhau, tài giảm binh bị, tập trận thủy chiến chung, đưa đến “hợp tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ký ngày 11-4-2005 vừa qua.  “Chưa bao giờ trong lịch sử, biên giới lục địa dài dằng dặc của Trung Quốc, nơi ghi dấu bao nhiêu chiến tranh đã xảy ra, chưa bao giờ biên giới Trung Quốc được an toàn như thế.[19] Về biển, thôi thì cũng xin ghi nhận tuyên bố chung với các nước ASEAN về giải quyết bằng hòa bình những tranh chấp trên “Nam Hải”, các hiệp ước về biên giới biển ký với Việt Nam và Phi Luật Tân.  Đài Loan vẫn là lò lửa, nhưng đi đôi với áp lực quân sự, Bắc Kinh cũng nhữ miếng mồi trao đổi kinh tế càng ngày càng hấp dẫn. 

Trung Quốc không còn tự nhìn địa vị của mình trên thế giới qua lăng kính “150 năm nhục nhã” nữa.  Tự tin, Trung Quốc chuyển sức mạnh và ảnh hưởng của mình qua cái bàn - cái bàn hội nghị.  Lịch sự hơn, khôn khéo hơn, uyển chuyển hơn, nhưng không hẵn là tử tế hơn.  Với Mỹ, Trung Quốc vẫn tỏ mình vừa là cơ hội, vừa là thách thức.  Tốt với nhau thì tôi là cơ hội của anh.  Bởi vậy, từ khi cùng nhau chống khủng bố, anh với tôi chưa bao giờ giao hảo với nhau đẹp đôi đến thế suốt năm 2003.[20]  Nhưng con đường của tôi thì tôi vẫn đi, nghĩa là đi lên.  Cái mới, cái lạ, cái kỳ diệu trong quan hệ Mỹ-Trung từ sau 11-9 cho đến nay là Trung Quốc “đi lên” mà Mỹ không kịp trở tay vì quá chúi mũi chúi lái vào Trung Đông, vào việc truy lùng, bắt sống, chín hoặc tái, tên Bin Laden ở Afghanistan, vào chiến tranh “giải phóng” ở Irak, vào trường chinh tận diệt sào huyệt khủng bố trên khắp địa cầu.  Hai ba năm thấm thoắt có ra gì, ngoảnh mặt lại Bắc Kinh đã chiếm hết ảnh hưởng.  Cái mới, cái lạ, cái kỳ diệu là chỉ trong khoảnh khắc Trung Quốc đã phát triển sức mạnh mềm hiệu quả không ngờ.  Cho đến nay, thế giới chỉ nói đến soft power của Mỹ, bởi vì chỉ siêu cường mới dám tự hào rằng mình có thể chinh phục địa cầu bằng Coca Cola, bằng McDonald, bằng con chuột Mickey, bằng Valentine Day, bằng Hollywood, bằng Harvard, bằng American way of life, bằng chính quyền bởi dân và do dân.  Phút chốc, Đông Á bỗng thấy mình nằm lâng lâng trong khói thuốc phiện của một soft power made in China, làm bằng hàng hóa, bằng lưỡi ngoại giao, bằng cung cách đối xử, bằng tất cả sức mạnh vô hình, phi vật chất.  Sức mạnh mềm, đó là miếng võ thái cực quyền cực kỳ thiên biến vạn hóa của chàng tân hiệp sĩ.

 

Sức mạnh mềm

Đặc điểm nổi bật nhất của Trung Quốc, mà chỉ có Mỹ mới dám sánh, là sức thu hút.  Ngán và sợ đến bao nhiêu đi nữa, vẫn bị thu hút.  Bị thu hút ở trong thế thuận đã đành, bị thu hút cả trong thế nghịch.  Cho nên, bất cứ nước nào, dù lớn dù nhỏ, đều lâm vào tình trạng lưỡng phân trước một đại cường vừa phô mặt âm vừa phô mặt dương.  Trung Quốc là cái cổng đình, bên tay phải có ông Thiện mặt hồng, bên tay trái có ông Ác mặt đen.  Trung Quốc là Thượng Đế, vừa là Thượng Đế-tình thương vừa là Thượng Đế-thịnh nộ.  Trung Quốc là cha, vừa từ phụ vừa nghiêm phụ.  Cả âm cả dương, vận dụng biến hóa như kinh Dịch, khôn khéo tài tình như Đông Chu Liệt Quốc, ngoại giao của Trung Quốc làm sởn tóc gáy cả truyền thống cáo già Anh Pháp, thu hút nước nhỏ như cái đầu rắn trước con nhái bén.  Chỉ mỗi cái soft power đó thôi, Trung Quốc đã ngồi trên đầu thiên hạ.  “Mỹ có thể vẫn còn chế ngự trên tương quan lực lượng trong vùng, nhưng không còn chế ngự nữa trên tương quan ảnh hưởng, đó là lời một chức trách cao cấp Singapore.[21]

Đó là soft power kế thừa của thiên tử ngày xưa.  Ai không tin, xin đọc tác giả X.  Zhang của trường Đại Học Bắc Kinh.  Lấy hứng từ ý đó để vẽ ra “môi trường an ninh của Trung Quốc từ chân trời 2002 rực sáng”,[22] tác giả này cắt nghĩa: thiên tử ngày xưa ban cho chư hầu nhiều hơn là nhận, ban hậu hỷ để nhận tuân phục của kẻ dưới.  Thì ngày nay cũng thế.  Trong hầu hết những thỏa hiệp về biên giới nói trên, “Trung Quốc chỉ nhận 50% hoặc ít hơn phần lãnh thổ đang tranh chấp”; có nơi, như ở Tajikistan, “Trung Quốc chỉ nhận 1000 trên 28000 cây số vuông tranh chấp”.[23] Hào hiệp hết cỡ.  Có phải đó là vì vùng núi Pamir Mountains chăng? Cũng hào hiệp như vậy, Trung Quốc ban thưởng thặng dư thương mại cho nhiều nước ASEAN,[24] ký với Thái Lan hiệp ước rau quả đặc biệt có lợi cho Thái sau chuyến công du Bắc Kinh của thủ tướng Thaksin Shinawatra tháng 8-2003.  Với Nhật cũng thế! Kinh tế Nhật vực dậy được sau suy đồi là nhờ xuất cảng rần rộ qua Trung Quốc.  Gần nửa tổng số xuất cảng của Nhật là đổ vào Trung Quốc.   Lần đầu tiên từ tháng 3-1994, Nhật đạt một thặng dư thương mại 5,6 tỷ đô la với Trung Quốc, tính vào tháng 2-2004.   Hơn thế nữa, cũng vào tháng 2-2004, Trung Quốc chiếm 42% tổng số thặng dư thương mại của Nhật (13,25 tỷ đô la).  Năm 2003, trao đổi thương mại giữa Nhật với Trung Quốc lên đến 133,5 tỷ đô la, vượt trội trao đổi thương mại giữa Nhật và Mỹ (126,5 tỷ).  Một năm sau, 2004, thương mại giữa hai nước tăng vọt lên thêm 27%, đạt con số kỷ lục 168 tỷ đô la.[25]  Các công ty Nhật cũng không phải chỉ nhắm sản xuất tại Trung Quốc để tái xuất khẩu mà còn nhắm sản xuất tại chỗ để thỏa mãn một sức tiêu thụ tại chỗ phát triển vùn vụt. 

Quên đi các con số khô khan, chỉ cần biết rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc vượt trên Mỹ trong trao đổi thương mại với Nhật.  Nghĩa là hai nước thắt chặt nhau hơn trong quan hệ kinh tế.  Và nghĩa là Nhật tùy thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn, bị hút nhiều hơn bao giờ cả vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc.  Trao đổi là chìa khóa để bước vào hòa nhập trong vùng.  Trao đổi tăng thì hòa nhập cũng tăng, và Trung Quốc nắm chìa khóa trong tốc độ gia tăng trao đổi của cả vùng.  Cư xử như ông chủ vùng, Trung Quốc ban phát thịnh vượng cho tất cả, như thiên tử ngày xưa ban lộc. 

Hàn Quốc cũng bị sức hút không kém của Bắc Kinh.  Cũng đầu tư rần rộ vào Trung Quốc.  LQ, Hyundai, Samsung, YBS … toàn là công ty bự tranh nhau sản xuất tại chỗ.  Năm 2003, họ đầu tư 4,4 tỷ đô la, cũng vượt trên các công ty Mỹ (4,2 tỷ).  Xuất khẩu của Hàn Quốc qua Trung Quốc trong năm 2004 lên đến 47,5 tỷ đô la, lại cũng vượt Mỹ (36,7 tỷ).  Và cũng đội ơn mưa móc của Bắc Kinh vì thặng dư thương mại năm 2004 lên đến 13 tỷ đô la.  Trung Quốc là khách hàng nhập cảng sộp nhất của sản phẩm Hàn Quốc, là nơi đầu tư nhiều nhất, là chốn du lịch đông nhất.  Là cục nam châm khổng lồ.  Chiếm huy chương vàng trong quan tâm đối xử đặc biệt hiện nay của Trung Quốc chính là Hàn Quốc.  Hân hạnh thế, huy chương bạc là Việt Nam, huy chương đồng là Ấn Độ.[26]

Cũng rơi tõm vào quỹ đạo ấy, các nước Đông Nam Á hớn hở rũ nhau nhận lộc của Bắc Kinh.  Malaysia, với 25% dân số là gốc Hoa, cách đây mươi năm chỉ xuất cảng hàng hóa mỗi năm trị giá 1,2 tỷ đô la, năm 2003 con số này tăng vọt lên 6 tỷ, rồi 6,4 tỷ trong mười tháng đầu 2004.[27]  Vứt hình ảnh chúa sơn lâm ra khỏi con ngươi! Trung Quốc bây giờ là  “con voi bạn chẳng đe dọa gì ai cả trong các nước ASEAN: đó là ví von của Wen Jiabao thủ tướng khi kết thúc khóa họp của Quốc Hội tháng 3 năm 2004.  Á châu khủng hoảng tài chánh năm 1997? Trung Quốc là đại cường duy nhất tích cực chị ngả em nâng bằng cách không hạ giá đồng nhân dân tệ: ơn đó còn ghi khắc tận xương.  Vượt lên được khó khăn sau khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế trong năm 2002-2003 là nhờ ai? Ai nữa, nếu không phải là độ lượng của Trung Quốc đã nhận sản phẩm nhập cảng hàng loạt của các nước ASEAN? Từ sửa đổi chính thể bên trong đến cung cách cư xử bên ngoài, Bắc Kinh đưa ra hình ảnh một Trung Quốc từ bỏ ý thức hệ, chấp nhận thực tế chủ nghĩa, lấy ổn định làm gốc, lấy phồn vinh làm cứu cánh: có gì trái với lý tưởng, với chế độ, với hoài bão của từng nước ASEAN? Chẳng phải là cùng chung một cái nhìn, một phương hướng đó sao? So với cái nhìn của Mỹ, Thượng đế này nọ, nhân quyền này nọ, thiện ác này nọ, tự do dân chủ này nọ, ai gần ai? Và nếu chính trị là đểu cáng cả, giữa chiến tranh để xây dựng thiên đường dân chủ ở Irak và ổn định để cùng nhau hẩu xực trong vùng, ai đểu hơn ai?  Hay quá! Thiên tử ngày xưa và chư hầu cùng chia xẻ với nhau một cộng đồng văn hóa; ngày nay, Đông Nam Á có cái gì chung với nhau hay với thiên tử đâu, vậy mà tiên chỉ và hội tề cùng chén chú chén anh trên cùng một chiếu văn hóa, cùng mơ ước chung về một cái đình làng tráng lệ.  Đình làng chung: đó là cái mà các nhà quan sát hôm nay gọi là new Chinese regionalism, chủ nghĩa vùng mới của Trung Quốc.  Có khác nhau gì đâu? Cộng đồng ASEAN + 1 cùng thở vô thở ra một thứ khí công cả mà! Khẩu hiệu của Trung Quốc: ổn định, phát triển, đổi mới, chẳng phải là nền tảng văn hóa và cả ý thức hệ chung của toàn vùng đó sao?

         Đồng thời với sức hút ở mức Nhà nước, sức mạnh mềm của lực trung tâm cũng trải rộng ra trên mặt xã hội.  Cái này còn mới hơn nữa.  Và nhanh như chớp trong vòng mấy năm! Ẩm thực, thư pháp, đồ chơi, tạp hóa, điện ảnh, mỹ thuật, châm cứu, thuốc bắc, trang phục, áo quần, mốt, làn sóng văn hóa bình dân tràn vào dân gian Đông Nam Á.  Giới trẻ mê nhạc pốp, phim ảnh, phim truyện, chẳng cần biết nhãn hiệu cầu tòa ở lục địa, ở Hồng Kông hay ở Đài Loan, chỉ biết Canto-pop, Meteor Garden, Boybands, F4, 5566 là nhạc Tàu, phim Tàu, truyện Tàu.  Cũng chẳng cần biết Anh Hùng, Ngoạ Hổ Tàng Long là các phim hợp tác tài năng giữa 3 vùng: vùng nào chẳng là há cẩu, xíu mại? Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi vinh danh cho ai trên thế giới? Nhãn hiệu lục địa đã thành quá quen thuộc với dân gian Đông Nam Á: Hai‘er Group, TCL, Huawei đập vào mắt khách hàng Phi Luật Tân, Indonesia khi họ đi mua sắm một dụng cụ máy móc cho bếp núc, truyền thông cho gia đình.  Thương nhau hay không, họ vui lòng cởi ví cho nhau. 

Các cộng đồng Hoa kiều góp gió không ít vào sức mạnh mềm đó.  Không có một ngày 30 tháng 4 để mang theo thắng bại xuống tận đáy mồ, Hoa kiều giống như hoa mặt trời, quay mặt về đất mẹ, thương quá là thương một đất mẹ chưa bao giờ vinh quang đến thế.  Vẫn nắm thương mại và áp phe, Hoa kiều ở Thái Lan tăng ảnh hưởng trong giới chính trị với thủ tướng Thaksin Shinawatra và đảng Thai Rak Thai của ông, tăng ảnh hưởng trong guồng máy hành chánh và trong giới trí thức.  Sáu bảy năm trước đây, thương gia Hoa kiều hãy còn là nạn nhân ở Indonesia, bây giờ Nguyên Đán là ngày nghỉ lễ kể từ 2003; Metro TV dành một phần chương trình thời sự cho truyền hình công bằng tiếng mandarin.   Hợp tác điện ảnh Trung-Phi sản xuất nhiều phim được giải lớn tại liên hoan Metro-Manila trong hai năm liền 2003, 2004.  Ở chốn xa lơ xa lắc như chúng tôi, lắm khi mở máy vi tính bỗng thấy hiện hình quảng cáo du học tại Trung Quốc.  Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh đưa ra thống kê sau đây: trong năm học 2003, 77. 628 sinh viên ngoại quốc theo học các lớp cao (advanced degrees) trong những trường đại học Trung Quốc, trong đó gần 80% đến từ các nước Á châu.  Hàn Quốc đông nhất (35.363), Nhật thứ hai (12.765), Việt Nam chúng ta huy chương đồng đấy (3.487), trước Indonesia (2.563), Thái Lan (1.554) và Népal (1.199).[28] Không chừng mai mốt phải giật cho kỳ được tấm bằng tiến sĩ Bắc Kinh mới lên được viện sĩ.

Du học tại Bắc phương hay du học tại chỗ, tiếng Trung Hoa nghiễm nhiên trở thành tiếng phải học.  Miệng nói thì chân đi: du khách khắp Đông Nam Á đổ vào Trung Quốc, hả hê nhổ một bãi nước miếng vào mặt Tần Cối, đánh một tiếng chuông nguyệt lạc ô đề vào sương mãn thiên.  Hình như nhũng lạm cũng là một thứ văn hóa của thiên tử, nhưng thương nhau thương cả đường đi, chẳng thấy ai nhổ nước bọt. 

Chơi trội trong ngoại giao-chính tri, chơi trội trong ngoại giao-thương mại, chơi trội trong ngoại giao-văn hóa, khái niệm sức mạnh mềm không phải chỉ xuất hiện nơi các tác giả Singapore mà thôi, giới Mỹ cũng đã bắt đầu đưa nhiều vào sách báo.  Bates Gill của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế ở Hoa Thịnh Đốn lên tiếng:  “Trung Quốc đã xoay một đường bay bướm về chỗ mà sức mạnh thực sự của họ bám trụ hiện nay, chỗ đó không phải là quân sự mà là ngoại giao - phải nói họ đang sử dụng một thứ sức mạnh mềm".[29]  “Soft power” xuất hiện ít nhất ba lần trong bài viết mới đây nhất, rất hay, trên tờ The New Republic, ví ngón võ ngoại giao tuyệt diệu múa từ ba bốn năm nay như một “cách mạng văn hóa”.[30]  Trung Quốc vươn rộng đôi tay ôm cả thế giới, thách thức chính ý thức hệ hoàn vũ của Mỹ bằng ý thức hệ không kém hoàn vũ của mình về thành công vượt bực, rót mật vào môi thế giới thứ ba với một mô hình phát triển tối tân hơn, hợp với khẩu vị của nước nghèo hơn.  Gậy ông đập lưng ông, soft power của ngẫu pín đập soft power của Big Mac. 

Nhưng, trong giao du với Trung Quốc, có bao giờ ân không đi đôi với uy? Với Nhật, ân oán giang hồ chồng chất từ thời chiến tranh Trung-Nhật sẵn sàng gây căng thẳng bất cứ lúc nào.  Tháng 4 vừa qua, chỉ vài trang trong quyển sách giáo khoa phát cho học trò ở Nhật đủ để máu nóng bốc lên ngút trời ở Bắc Kinh và ở cả … Hà Nội.  Đâu là mềm đâu là cứng? Mấy chục người biểu tình ở Hà Nội cho chúng tôi ăn chewing gum hay ăn kẹo sỏi? Đâu là hình ảnh con voi hiền lành chỉ biết ăn chay?

Với Hàn Quốc, chiến tranh lịch sử cũng mở ra, y như với Việt Nam, trong vùng Biển Đông, khi Bắc Kinh tuyên bố vương quốc Koguryo đã thuộc Trung Quốc từ trước công nguyên.  Ai không tin sự thực hiển nhiên đó thì cứ tham khảo sách giáo khoa của Bắc Kinh … sẽ xuất bản.  Dân lao động Hàn Quốc cũng chột dạ - như dân châu Âu - khi thấy công ăn việc làm của mình không cánh mà cứ bay soạch soạch qua phương trời ấy, khi các công ty lớn cũng nhắm phía ấy mà dời cơ sở, dời luôn cả chất xám R&D, nghiên cứu và phát triển. 

Với các nước ASEAN, cái khó vẫn bó chặt cái khôn: tưởng lao động mình rẻ, Trung Quốc còn rẻ hơn, rẻ mạt, cạnh tranh không nổi.  Mình biến sỏi đá thành cơm, nó biến thành máy móc, vải vóc, tơ lụa.  Mình không có vốn, nó có tiền.  Mình không có khả năng kinh doanh, nó buôn bán giỏi, tổ chức giỏi, lại được chính phủ nâng niu.  Bắc Kinh nói: tương quan giữa Trung Quốc với các nước trong vùng là tương quan lưỡng lợi, win-win.  Có ai đi vào sòng bài mà không lạc quan.  Đi ra, tài pán nó đã móc hết túi.

Còn Hoa kiều … Chỉ cần Trung Quốc động đậy ngón tay út là trời đang nắng thành mưa, Hoa kiều khắp Đông Nam Á đang yên ổn làm ăn có thể dễ dàng trở thành China connection  dưới mắt dân bản xứ.  Ấy là nói chuyện mềm, nói về mặt âm trong sức mạnh của Trung Quốc.  Ngay mặt âm mà cũng đã có ân với uy, huống hồ là cái mặt kia, mặt dương, chiến lược, quân sự.  Mặt ấy thì chỉ có uy.  Khiếp!

Trung Quốc nói: chiến lược của tôi là phòng thủ, là tự vệ, là phá vòng vây của Mỹ.  Nhưng ai cũng nói, kể cả anh bạn Pháp chí thân: mục đích của Bắc Kinh là  “tái lập với bất cứ giá nào nguyên vẹn lãnh thổ của đế quốc".[31]  “Nguyên vẹn lãnh thổ" ấy là gì? Là Đài Loan, là Biển Đông, là cái bóng của Trung Quốc trải rộng ra trên cái vùng mà ai cũng nói là vùng ảnh hưởng của Trung Quốc.  Thế chẳng phải là  “công" sao? Chiến lược gia Trung Quốc nói họ không có  “công" đâu, chỉ  “thủ" thôi, chỉ là  “tự vệ tích cực" ( “défense active") thôi.  Trời đất!  “Thủ" ấy có khác gì công? Cả hai là một.  Bates Gill cắt nghĩa: Trung Quốc đã xây dựng được một sức mạnh không ai chối cãi về ngoại giao-quân sự đủ khả năng ép buộc cả vùng phải chấp nhận quyền lợi chiến lược của họ.  Chắc như đinh đóng cột, họ canh tân quân sự từ nhiều năm nay, nhất là trong lĩnh vực phóng lực lượng (projection de puissance) - máy bay, tàu thủy, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tên lửa, C4I …- với mục đích không những tạo ra một sức uy hiếp đáng kính, mà còn để nới ra thật rộng tầm mức thương thuyết về sự lãnh đạo của họ nhằm thực hiện những mục tiêu đối ngoại đã vạch ra.[32] Văn hóa chiến tranh của Trung Quốc vốn xem trọng chiến thắng mà không cần đánh, cốt đè bẹp đối phương với công tác chính trị hơn là chiến trận.[33] Đó là  “văn hóa Tôn Tử" khác với sở trường của Clausewitz.  Clausewitz, chiến lược sư của Tây phương, dạy cách chuẩn bị và thực hiện một trận đánh lớn; Tôn Tử, binh pháp gia tổ phụ của Trung Quốc, đánh đòn tâm lý nhiều hơn, nhắm làm yếu đối phương về tâm lý.  Trong việc đánh đòn tâm lý, cái lưỡi là khí giới lợi hại hàng đầu, dọa đánh có khi hiệu nghiệm hơn cả vũ khí tối tân.[34] Võ mồm ấy được sử dụng triệt để trong căng thẳng với Đài Loan, để bù lại yếu kém so với Mỹ về võ thiệt, nhất là miếng võ NMD (phòng thủ chống tên lửa) mà Mỹ đang triển khai. 

Kém hơn, Trung Quốc nhắm nâng cao thiệt hại về phía Mỹ khi xung trận để thay đổi cán cân lực lượng trong vùng.  Theo tính toán của giới quân sự Mỹ giữa năm 2005, họ sắp thực hiện được nay mai 3 mục tiêu: một lực lượng nguyên tử mạnh hơn, đủ sức đẩy lùi ý định leo thang nguyên tử của Mỹ; một quân đội được huấn luyện giỏi hơn để sử dụng vũ khí tối tân; một hạm đội và hỏa tiễn chống tàu chiến hiệu quả hơn để tác chiến trong vùng biển quanh Đài Loan. [35] Cho đến nay, Trung Quốc canh tân quân đội với khí giới và kỹ thuật của Nga.  Để tối tân hóa vũ khí hơn nữa, Trung Quốc cần Âu châu.  Viễn ảnh một thị trường khổng lồ ngốn ngấu sản phẩm của kỹ nghệ quân sự cọng thêm với mơ ước về một thế giới đa cực đã khiến Âu châu bùi tai bức rào, bỏ cấm vận thiết lập từ hồi Thiên An Môn, sẵn sàng bán khí giới tối tân mà Trung Quốc đang cần: hỏa tiễn chống máy bay, ra-đa, sonar dưới biển, vệ tinh thám thính … Đồng tiền đi trước, làng nước Hoa Kỳ đi sau.  Viễn tượng một Trung Quốc quá chênh lệch về sức mạnh, đe dọa an ninh giao thông trên biển, ra lệnh về chủ quyền trên Biển Đông, đã khiến Nhật lần đầu tiên thốt ra một câu phạm húy: ổn định ở Đài Loan là mục đích chiến lược chung với Mỹ.  Câu nói đã góp phần làm sôi gan Bắc Kinh. 

 

Giữa hai ông anh

           Mỗi lần xảy ra căng thẳng như vậy, giới quan sát lại có dịp nhấn mạnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc dễ bị biến cố đưa đẩy.  Mà biến cố thì không thiếu: Biển Đông, Đài Loan, nguyên tử Bắc Hàn, hiềm khích Trung-Nhật, và trên tất cả, trên tất cả, sức đe dọa không gì cản nỗi của một đại cường.  Vậy các nước nhỏ phải làm gì?

Có hai lý thuyết về thái độ của các nước nhỏ.  Phái duy thực, mà Mearsheimer là đại diện tài ba, quả quyết: khi căng thẳng xảy ra đến mức quyết liệt, các nước nhỏ sẽ mất khả năng lựa chọn, ai thuộc vùng ảnh hưởng nào sẽ bị bắt buộc phải ngả theo vùng đó.  Lý thuyết thứ hai kể câu chuyện thần tiên hơn: cho đến nay, các nước nhỏ không mất khả năng độc lập chiến lược, không nhất thiết phải buông xuôi theo ông anh cả của mình, vẫn có thể nghiêng bên này ngả bên kia tùy lợi ích.  Đây là đề tài được bàn cãi khá lý thú sau bài viết của Robert Ross về “Địa dư của hòa bình”.

Lấy ví dụ xảy ra sau khi máy bay Mỹ EP3 bắt bưộc hạ cánh xuống Hải Nam: đâu là thái độ của đồng minh đàn em? Nhật công khai cư xử như kẻ đứng giữa giảng hòa; Hàn Quốc dõng dạc nhảy vào làm trọng tài thứ hai với chiếc còi to hơn, huýt hòa cả làng.  Các nước ASEAN cố giữ khoảng cách bằng nhau giữa hai ông anh tuy rằng mỗi nước có thái độ riêng trong chiến lược vừa thân thiện với Trung Quốc vừa xây hàng rào cách biệt.  Đặc biệt, tất cả đều ngại cả hai bá quyền và đều muốn dựa trên những tổ chức đa phương vùng để ngăn cả hai đừng bắt đàn em phải tụ thành hai phe đối nghịch.  Phi Luật Tân và Thái Lan, đồng minh với Mỹ thế ấy, mà cũng lên giọng giảng bài hòa giải.  Nhưng vẫn thua Singapore! Trong vụ EP3, cũng như trong toàn bộ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, Singapore là nước Đông Nam Á thực hiện vai trò hòa giải một cách nghiêm túc nhất.  Nhỏ bằng hạt mít, vậy mà vừa dám cảnh cáo Mỹ đừng vây bọc Trung Quốc để đè sức lên của Trung Quốc xuống, vừa khuyến dụ Mỹ phải tích cực tham gia vào an ninh chung để làm quân bình sức lên của Trung Quốc.  Với Singapore, tất cả phải cùng lên!          .    

Cũng vẫn trên lý thuyết đó, có tác giả[36] lý giải rằng tuy các nước Đông Nam Á phải chịu ảnh hưởng của yếu tố địa dư về vùng ảnh hưởng như Ross đã chứng minh, nghĩa là phải giao hảo tốt nhất với ông anh cả trong vùng vào một lúc nào đó, các nước ấy không bắt buộc lúc nào cũng phải xếp hàng theo ông anh, ông làm gì mình phải làm theo, bảo vâng gọi dạ con ơi.  Trái lại, các nước này tìm cách lèo lái khôn ngoan nhất giữa hai con sóng để xây hàng rào chống lại bất kỳ ông anh nào được xem như muốn lập bá quyền trong vùng, nhưng họ chỉ hành động được như vậy cho đến khi nào họ nghĩ rằng quan hệ giữa hai ông anh còn cho phép họ có chút tự do chiến lược để xoay trở.  Tác giả đưa ra ba ví dụ để thuyết phục về lập luận này: phụ đính ký năm 1998 vào một thỏa ước chiến lược Mỹ-Xinh ký năm 1990; hiệp ước Mỹ-Phi ký năm 1999 cho phép hạm đội Mỹ sử dụng lại các hải cảng ở Phi và tập trận chung; hiệp ước Trung-Thái ký năm 1999 trù liệu chương trình hành động chung cho thế kỷ 21.  Cả ba đều là đồng minh lâu năm của Mỹ.  Cả ba đều muốn chơi surf giữa hai con sóng.  Khác chăng là điều kiện địa-chính trị: Xinh và Phi là đảo, cho nên dù nể nang Trung Quốc đến bao nhiêu đi nữa, và dù ghi tạc quan tâm quân bình lực lượng giữa hai ông anh vào tận tim son, cà hai đều không quên nắm dao đằng chuôi, nghĩa là nắm chân Mỹ; Thái Lan là đất, dù vẫn liên minh với Mỹ cũng không dám diễn mãi vở tuồng “ tôi trung chỉ thờ một chúa ", trung thần bất sự nhị quân. 

Lý thuyết này hấp dẫn quá, nhưng người Việt Nam chúng tôi chưa vội vàng tin vì mấy nhận xét sau đây:

Nhận xét thứ nhất là các ví dụ đưa ra không có tính thuyết phục cao.  Trong vụ EP3, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều tìm cách để gỡ rối mà không mất mặt, tất nhiên phải chịu khó nghe đàn em lên giọng giảng đạo hòa giải hòa hợp.  Trong các ví dụ khác, chẳng có gì lạ cả khi các nước nhỏ ở giữa tìm cách xoay trở để kiếm chút tư thế độc lập.  Vấn đề đặt ra là: khi một ông anh cả quát lên, quắc mắt ra lệnh, vì đó là quyền lợi mà ông gọi là sống chết của ông, đứa em phải làm gì? Vào lòn ra cúi chăng? Lấy một ví dụ đang là thời sự nóng hổi tuy không liên quan đến Á châu: Mỹ đang quát lên, bảo Liên Hiệp Âu châu không được bán khí giới cho Bắc Kinh, và nếu cứ bán thì Mỹ sẽ xét lại quan hệ liên minh Bắc Đại Tây Dương.  Vấn đề mà người Việt Nam chúng tôi muốn biết là chuyện gì sẽ xảy ra trong cái tình huống quyết liệt đó.  Là đàn em, chúng tôi sống với cái quát đó suốt mấy ngàn năm rồi. 

Nhận xét thứ hai liên quan đến yếu tố địa-chính trị của Thái Lan.  Luồn lách giữa hai thế lực là nghề của Thái.  Nhờ cái nghề đó mà Thái là nước duy nhất ở Á châu giữ được độc lập trong thời thực dân.  Nhưng nếu Thái Lan luồn lách được giữa Anh và Pháp cũng là nhờ Việt Nam: Pháp phải bước qua thây Việt Nam trước, cho nên đã quá chậm để ăn nốt thịt Thái Lan mà không gặp sức cản của Anh từ Ấn Độ, Miến Điện dồn đến.  Ngày nay cũng thế, cái thây của Việt Nam cũng phải bước qua nếu có ai đó  “mượn đường đi đánh Chiêm Thành".  Cho nên thái độ chiến lược của Thái Lan không hẵn phải là thái độ của Việt Nam dù cả hai đều gần cường quốc lục địa.  Ta khác Thái vì ta … gần quá. 

Nhận xét thứ ba cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam: đó là sự nhân nhượng lẫn nhau giữa hai cường quốc đầu đàn.  Trừ khi cả hai quyết định chiến tranh - mà ai cũng muốn tránh - cả hai đều biết giới hạn phải dừng lại trong khi căng thẳng, không nên và không được đi quá.  Giới hạn đó là chỗ mà bên này đánh giá là  “quyền lợi sống chết" của bên kia. 

Lịch sử chứng minh điều này rất rõ ràng.  Trong chiến tranh lạnh, giới hạn đó là bức màn sắt.  Foster Dulles hùng hổ đòi roll back, tràn qua Đông Âu, trăm ông tổng thống cũng chẳng dám.  Eisenhower bình chân như vại nhìn xe tăng Liên Sô dẹp tan Budapest nổi dậy năm 1956; Nixon nhắp cà phê nhìn xe tăng ấy dẫm lên  “mùa xuân Praha" trong mùa hè 1968; lính Mỹ trơ trơ nhìn người công dân Đông Đức vượt biên bị cảnh sát bắn chết, phơi thây vài thước bên kia hàng rào kẽm gai.  Toàn là hổ giấy cả! Khrouchtchev tháo giày đập đốp đốp trên bàn hội nghị Liên Hợp Quốc, ra tối hậu thư từ 1958, buộc tam cường Mỹ Âu giải quyết vấn đề Bá Linh: bốn năm sau, tối hậu thư vẫn còn nằm nguyên trong túi áo tam cường.  Ván bài tên lửa ông chơi với Kennedy ở Cuba năm 1962 làm thế giới nín thở, tưởng chừng tận thế đến nơi, rốt cục ông phải nhượng bộ.  Tại sao? Tại vì ông ý thức được rằng Cuba nằm trong vùng ảnh hưởng của Mỹ.  Về sau, trong thời perestroïka, Gorbatchev nâng sự nhân nhượng lẫn nhau cùng với ý thức về  “quyền lợi sống chết " của nhau lên thành nguyên tắc chỉ đạo giao du.  Trước đó, Liên Sô và Mỹ, trong thực tế, đã trở thành adversaire-partenaire, vừa đối nghịch vừa hợp tác.  Đối nghịch trên mọi chuyện; hợp tác khi  “quyền lợi sống chết" của nhau được đặt ra. 

Ngày nay, danh từ congagement lặp lại y chang tình trạng đó.  Vừa ngăn đê vừa hợp tác.  Bên này hành động như thế, bên kia cũng hành động như thế.  Ngả hẳn theo bên này là chết, ngả hẳn theo bên kia cũng chết.  Bởi vì cái lúc quyết liệt mà mình tưởng có thể cậy vào ông này thì hóa ra ông này đã  “ hợp tác " với ông kia vì tôn trọng  “quyền lợi sống chết" của ông kia.  Từ bao nhiêu chục năm nay, Brzezinski cứ nói mãi một điều: phải biết ngăn nhưng cũng phải biết nhượng Trung Quốc.  Xúi Mỹ và Trung Quốc đánh nhau - ông nói - là dâng cỗ cho Xít Ta Lin xơi.[37]

Cho đến ngày nay, đố ai tìm được chỗ nào nói rằng nếu có chiến tranh nổ ra trên các hòn đảo ở Biển Đông, Mỹ có thể can thiệp.  Tất cả mọi nguồn tư liệu đều ám chỉ rằng dưới mắt của Mỹ, đó là vùng ảnh hưởng của Trung Quốc.  Và Trung Quốc càng ngày càng chứng tỏ rằng thế giới phải xem đó là  “quyền lợi sống chết" của họ.  Nhưng cái chết của chúng ta không phải chỉ đến từ phía ông Trung Quốc; cái chết của chúng ta nằm chính trong thái độ của chúng ta: chúng ta vẫn tiếp tục làm thế giới nghĩ rằng trên mặt lịch sử, trên mặt văn hóa, tư tưởng, trên mặt chính trị, Việt Nam vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc.  Chẳng ai sẽ bênh vực chúng ta ở giờ phút quyết liệt, bởi vì chẳng ai dám động đến vùng ảnh hưởng của nhau,  “quyền lợi sống chết" của nhau. 

Từ đó, ta bước qua nhận xét thứ tư, nhận xét cuối cùng về địa-chính trị nói chung.  Ai cũng biết, các lý thuyết gia nổi tiếng nhất, cha đẻ của địa-chính trị ở Tây phương là các lý thuyết gia của các cường quốc đã từng là đế quốc.  Mac Kinder là người Anh, Mahan, Spykman là người Mỹ, Ratzel, Haushofer là người Đức.  Léng phéng như Nhật Bổn cũng có thuyết Đại Đông Á.  Nói gì Trung Quốc.  Chỉ hai chữ  “Trung Quốc" - đế quốc ở trung tâm - đã là tinh hoa của địa-chính trị.  Tất cả lý thuyết địa-chính trị của các cha đẻ nói trên đều gợi ý hoặc biện minh cho chính sách bành trướng đế quốc, đến nỗi sau 1945 géopolitique bị chỉ trích nặng nề, nhất là tại Pháp, nạn nhân của Đức Quốc Xã, và bị xem như thuyết minh nặng màu sắc ý thức hệ, thiếu tính khoa học.  Ngày nay, sau một thời gian lu mờ, môn học này lại được chú ý, nhưng với một tham vọng khiêm tốn hơn và với một định nghĩa rộng hơn, nhiều khi rộng quá, trong đó yếu tố địa dư vẫn quan trọng, tất nhiên, nhưng nhiều yếu tố khác cũng được xem xét, từ kinh tế, xã hội cho đến lịch sử, văn hóa, tư tưởng, tôn giáo … Rộng quá, nhiều khi hóa ra mênh mông: nói như người Pháp, ôm quá nhiều người đẹp trong tay, chẳng chăn gối được với người nào.  Nhưng chính vì vậy mà chúng ta nên quan niệm lại  “vùng ảnh hưởng", không phải chỉ chú trọng duy nhất đến yếu tố địa dư.

Tôi, kẻ được hân hạnh nói chuyện tại đất Quảng này, đã từng nghe trong nước than thở: giá như ta có thể ôm nước ta dời xa Trung Quốc một chút, chắc dễ thở hơn.  Tôi nghĩ: tại chúng ta không muốn đó thôi, chứ ai bảo không thể dời xa? Tổ tiên chúng ta chẳng làm Nam Tiến đó sao? Nam Tiến là gì nếu không phải là dời xa vùng ảnh hưởng? Nếu không phải là kéo dài lục địa để tiến về phía biển, tiến sâu vào châu Á hải đảo? Với cái đà Nam Tiến không gì cản nổi đó, nếu không có bàn tay Tây phương chận lại, Việt Nam đã nuốt trọn những nước còn lại trong cái bán đảo sau này được gọi là Đông Dương.  Nói như vậy không phải để tiếc rẻ, mà cốt để thán phục tài ba của một chế độ chính trị đủ hiệu quả để thực hiện một cuộc di dân vĩ đại, để khai khẩn một miền đất hứa mênh mông, để đồng hóa lạ kỳ những nước bị chinh phục, để tiếp tục gót chân chưa biết mỏi.  Chừng đó chẳng làm chúng ta khiếp vía sao? Một chế độ chính trị xây dựng trên một dân cư vừa cũ vừa mới vừa cứ mới thêm mãi, trên một lãnh thổ mà hôm qua hãy còn mới tinh và ngày mai còn hứa hẹn tinh khôi hơn nữa, một chế độ chính trị xây dựng trên hai ẩn số căn bản biến chuyển như thế - dân cư và lãnh thổ - chắc chắn phải có những sắc thái mới lạ mà lịch sử chưa nghiên cứu kỹ, vì chưa kịp nghiên cứu thì đã mất nước rồi.  Nhưng ít nhất chúng ta phải thấy một điều hiển nhiên: với Nguyễn Hoàng, một nửa Việt Nam là mới tinh khôi và luôn luôn mới.  Địa lý mới, dân cư mới, khí hậu mới, sông núi biển đều mới, phong hóa mới, văn hóa mới, ai dám nghĩ rằng đầu óc vẽ ra một cuộc trường chinh như thế không phải là mới?  “Vạn đại dung thân" là gì, nếu không phải là cái thấy chiến lược bừng sáng trong đầu về một chân trời mới mở rộng ra trước mắt, không phải cho một đời Nguyễn Hoàng, mà cho ngàn ngàn đời một dân tộc thường xuyên đi tìm lối thoát khỏi một vị thế địa dư trứng nằm dưới đá?

Cái đầu óc mới đó về chiến lược trường kỳ, chính là cái mà ngày hôm nay chúng ta phải tiếp thu.  Bờ cõi đã giải quyết xong, dân cư đã ổn định, Nam Tiến ngày hôm nay, đứng về mặt đia-chính trị, chính là Nam Tiến trong cái đầu.  Phải có một dãy Hoành Sơn trong cái đầu để luôn luôn nhắc nhủ rằng hãy bắt chước cách Nguyễn Hoàng lưu luyến nhà Lê để lưu luyến thành khẩn như vậy với  “vùng ảnh hưởng" đã cắt đứt trong đầu.  Lưu luyến trong khôn khéo ngoại giao; cắt đứt trong tư tưởng. 

Tiến vào nam, mở sinh lộ ra vùng biển, cụ thể có ba quan tâm: một là củng cố an ninh cộng đồng, dù khó khăn và dễ chia rẽ; hai là tăng cường liên minh với các nước cùng chia sẻ lợi ích chung về chiến lược lâu dài; ba là đặt trên nền tảng mới quan hệ với Mỹ mà dù muốn dù không ta bắt buộc phải nâng lên hàng chiến lược ưu tiên.  Ba quan tâm này, ai cũng thấy và hình như Nhà nước đang thực hiện.  Tôi chỉ kết luận ở quan tâm thứ ba.

Nếu Nguyễn Hoàng không củng cố được bên trong, chắc chắn anh hùng đó không mở mang bờ cõi ra được bên ngoài.  Ngày nay, củng cố bên trong cũng là bước đầu để đặt quan hệ mới với cường quốc biển, nếu không thì rất dễ bị bắt chẹt và rất dễ rơi vào cái thế lưỡng đầu thọ địch, cả với đất lẫn với biển.  Ta đã bị bắt chẹt như thế thường xuyên, ai có chút suy nghĩ không khỏi nóng nước mắt sỉ nhục.  Nam Tiến, chính là phải dẹp bỏ cái thế bị động thường xuyên để quan hệ ưu tiên không đưa đến thường xuyên nhượng bộ.  Không có cách nào tránh khỏi nhượng bộ nếu ta không chủ động đi trước. 

Đi trước về vấn đề tôn giáo.  Ở thời điểm 2005 này, tôi nói: tôn giáo không phải là nạn nhân của Việt Nam; Việt Nam đang là nạn nhân của tôn giáo.  Trên khắp thế giới, sức ép của các thế lực tôn giáo cực hữu chưa bao giờ hiệu quả như bây giờ, và nếu tình trạng cứ tiếp tục như ngày hôm nay, Việt Nam còn mãi thua thiệt.  Ở Việt Nam, vấn đề gọi là tôn giáo thực chất là vấn đề chính trị.  Sửa đổi chính trị, tự nhiên không còn vấn đề tôn giáo, tự nhiên ta nắm chủ động trong tay, mọi tôn giáo đều phải tuân theo pháp luật, và đó là pháp luật mà dân chúng tán đồng.  Chỉ khi nào kẻ mạnh biết rằng pháp luật của Việt Nam có dân chúng đứng làm hậu thuẫn đàng sau, chỉ khi đó mọi bắt chẹt mới trở thành kệch cỡm.  

Đi trước về vấn đề nhân quyền.  Cũng giống như với tôn giáo, khi chính trị đã sửa đổi, vấn đề gọi là nhân quyền có còn nữa không? Khi đó, nhân quyền sẽ trở thành vấn đề thực như trong bất cứ một nước văn minh nào, mà sự thực hiện ở Việt Nam tùy thuộc vào chủ động của Việt Nam, nghĩa là tùy thuộc vào quan niệm về dân chủ mà Việt Nam thực tâm đưa vào thực tế. 

Cho nên không thể nào không đi trước về vấn đề dân chủ.  Xu thế của thời đại buộc ta phải thế, cưỡng lại cũng không được.  Huống hồ xu thế đó dựa trên lòng người.  Hãy chủ động điều khiển xu thế đó thế nào cho hợp với một mô hình dân chủ mà Việt Nam có thể tự hào với thế giới.  Chỉ khi đó, và chỉ khi đó mà thôi, thế giới mới mở mắt thấy Việt Nam đã thoát ra khỏi  “ vùng ảnh hưởng " như một nhân vật trong Tây Du thoát ra khỏi vòng kim cô. 

Nam Tiến ngày nay là Nam Tiến trong đầu óc.  Trong tư duy.   

 

* Bản duyệt lại của bài phát biểu tại Hội Thảo Hè 2005 “Tiếp Tục Đổi Mới Kinh Tế và Xã Hội để Phát Triển”, tổ chức tại Đà Nẵng ngày 28-30/7/2005 với sự hỗ trợ của VAPEC, Vietnamese Heritage Institute và Đại học Đà Nẵng.


[1]Ross, Robert S., 1999, The Geography of the Peace: East Asia in the Twenty-first Century, International Security, số Mùa Xuân.

[2]Golstein, Avery, 2002, "Balance of Power Politics: Consequences for Asian Security Order," trong Mutthiah Alagappa (chủ biên): Asian Security Order: Instrumental and Normative Approaches, Stanford University Press, 2002.

[3]Friedberg, Aaron, 1998, "Europe‘s Past, Asia‘s Future?", SAIS Policy Forum Series, Report n° 3, Tháng Mười, Johns Hopkins University; bổ túc trong: "Will Europe‘s Past be Asia‘s Future?", Survival, Mùa Thu 2000.

[4]Christoffersen, Gay, 2002, "The Role of East Asia in Sino-American Relations," Asian Survey, Số 3.

[5] Nói rõ nhất trong David Shambaugh: “Sino-American Strategic Relations: From Partners to Competitors,” Survival, Spring 2000.

[6] Christoffersen, bài đã dẫn.

[7] Fukuyama, Francis, 2005, “Re-Envisioning Asia,” Foreign Affairs, Tháng 1-2. 

[8] Bates Gill và Michael O‘Hanlon, 1999, “China‘s Hollow Military,” The National Interest, Mùa Thu.

[9] James Liley và Carl Ford: “China‘s Military: A Second Opinion,” The National Interest, Autumn 1999.  C4I là: Command and Control, Communications, Computers and Intelligence.

[10] Laurent Zecchini, “Des armes pour la Chine?”, Le Monde 12-4-2005.

[11] Z.  Brzezinski và J.  Mearsheimer, Clash of Titans, Foreign Affairs, Jan-Feb 2005.  Xem thêm về quan điểm của Mearsheimer trong: Conversation with John Mearsheimer, Institute of International Studies, UC Berkeley http://globetrotter. berkeley. edu/people2/Mearsheimer-con0. html.  Tôi ghi thêm ở đây những thông tin có ích về quan điểm duy thực: J.  Mearsheimer: The Tragedy of Great Power Politics, (New York, W. W.  Norton, 2001) nhất là chương 10; Glenn H.  Snyder, Mearsheimer‘s World – Offensive Realism and the Struggle for Security: A Review Essay, International Security, n° 1, Summer 2002: Aaron L.  Friedberg: The Struggle for the Mastery of Asia, Commentary, n° 4, Nov.  2000; Aaron Friedberg: Ripe for Rivalry: Prospect for Peace in a Multipolar Asia, International Security, n° 3, Winter 1993:94.  Về quan điểm của Brzezinski, xem thêm Z.  Brzezinski: Living with China, The National Interest, Spring 2000.

[12] Kissinger, Henry A., 2005, “China: Containment Won’t Work,” Washington Post, ngày 13 tháng 6.  

[13] Xiang, Laxin, 2001, “Washington's Misguided China Policy,” Survival, Mùa Thu 2001.

[14] Câu của Wang Zizhou lấy trong Christoffersen, đã dẫn, trang 374.

[15] Cũng vậy, trang 374.

[16] Cũng vậy, trang 389

[17] Le Monde 26-4-2005.

[18] Con số 20.222 cây số là lấy trong Fu Ying: "China and Asia in the New Period," Foreign Affairs Journal, Tháng Chín  2003.

[19] Evan Medeiros và M. Taylor Frevel,  “China‘s New Diplomacy," Foreign Affairs, Nov-Dec 2003.  Bản dịch của Vũ Quang Việt, "Chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc", Thời Đại Mới tháng 2/2004 (http://www.thoidai.org/200204_VQViet_dich.htm)

[20] US-China relationship“is, on some fronts, the best it has been in years”, câu tuyên bố của James Kelly, trợ tá bộ trưởng ngoại giao, phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương sự vụ, Q&A: The Sea Change in US-China Policy, The New York Times, 16-9-2003.

[21] David Shambaugh, 2004, “China Engages Asia," International Security, số 3, Mùa Đông 2004/2005.

[22] Zhang, X., 2004, "China‘s Security Environment, lấy trong Eric Teo Chu Cheow, “La Chine, soft power régional," Politique Etrangère, số 4, 2004.  Tôi lấy nhiều chi tiết về soft power trong bài này và trong  Eric Teo Chu Cheow,  “China‘s Rising Soft Power in South East Asia," Pacific Forum PacNet, 3-5-2004.  Hai bài không khác gì nhau bao nhiêu.

[23] Con số này lấy trong Evan Medeiros và M.  Taylor Frevel đã dẫn ở trên.  Hai tác giả này thuộc khuynh hướng ôn hòa, ở giữa.  Cần nhấn mạnh chi tiết này.

[24] Cheow, Eric Teo Chu, 2004, “China‘s Rising Soft Power in South East Asia," Pacific Forum PacNet, ngày 3 tháng 5. 

[25] Riêng chi tiết 168 tỷ đô la là lấy trong Japan‘s Ties to China: Strong Trade, Shaky Politics, New York Times, 22-2-2005.

[26] David Shambaugh, 2004, “China Engages Asia," International Security, số 3, Mùa Đông  2004/2005, chú thích 4.

[27] Cody, Edward, 2005, “China‘s Quiet Rise Cats Wide Shadow,” Washington Post Foreign Service, ngày 26 tháng 2, trang A01.

[28]  Shambaugh, đã dẫn.

[29] Victor Mallet và Guy Dinmore, 2005, “Washington's Sway in Asia is Challenged by China," Financial Times, ngày 17 tháng 3.  Về soft power của Trung Quốc, xem thêm David Murphy, 2004,  “Softening at the Edges," Far Eastern Economic Review, ngày 4 tháng 11; Jane Perlez, 2004, “Chinese Move to Eclipse US Appeal in South Asia," New York Times ngày 18 tháng 11 [http://www. nytimes. com/2004/11/18international/asia/18asia. html]

[30] Kurlantzick, Joshua, 2005, “How China Is Changing Global Diplomacy, Cultural Revolution," The New Republic On Line, ngày 27 tháng 6,

[31] Marianne Péron-Doise, 2004, “La Chine, l’Europe et les Etats-Unis," Politique Etrangère, số 4. Tôi lấy nhiều chi tiết trong bài này vì người Pháp thân thiện với Trung Quốc, dễ  “trung lập", khách quan hơn.

[32] Gill, Bates, 2004, “China as a Regional Military Power," trong B. Buzan và R. Foot (chủ biên), Does China Matter? A Reassessment, London: Routledge, 2004.

[33] Xem L. Qiao và X. Wang, 2003, La guerre hors limites, Paris: Rivages.

[34] Đây là ý của Kissinger, trong bài đã dẫn ở chú thích 12.

[35] Cody, Edward, 2005, “China Builds a Smaller, Stronger Military," Washington Post,  ngày 12 tháng 4, tr. A01

[36] Tow, Shannon, 2004, “Southeast Asia in the Sino-US Strategic Balance," Contemporary Southeast Asia, số 3.

[37] Brzezinski, Z., 1977, Illusion dans l’équilibre des puissances, Paris: L’Herne, tr. 159, và The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geostrategic Imperatives, New York : Basic Books, 1997.

 

©  Thời Đại Mới

 

Trở về trang chủ Thời Đại Mới

 

23-10-05