thời đại mới
TẠP CHÍ
NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 6  - Tháng 11/2005

 


Bổ túc một bài phỏng vấn

Cao Huy Thuần

 

Giới thiệu của Thời Đại Mới: Báo Lao Động (ngày 11-12-2005) có đăng bài phỏng vấn giáo sư Cao Huy Thuần.  Vì khuôn khổ giới hạn của tờ báo, Lao Động đã không thể đăng đầy đủ một bài phỏng vấn dài.  Được sự đồng ý của giáo sư, Thời Đại Mới hân hạnh giới thiệu dưới đây toàn văn bài phỏng vấn đó.

- Thưa ông, khi ông viết: dân chủ là xu thế không cưỡng lại được của thời đại, ông có nghĩ dân chủ là sản phẩm của Tây phương?  Câu đó có nghĩa gì? 

- Dân chủ là xu thế không cưỡng lại được, không phải vì đó là sản phẩm đến từ Mỹ, từ Tây phương, mà vì đó là nhu cầu căn bản đến từ người dân, nghĩa là từ bên trong.  Tôi nói thêm: đây không phải là nhu cầu bức xúc của một thiểu số có học hay là trí thức: người dân nào cũng cảm thấy như vậy.  Tại sao?  Tại vì người dân ở đâu cũng có liên hệ với chính quyền, và quyền hành thì bàng bạc khắp nơi, từ thị thành đến thôn xóm, hễ có chức thì có quyền, và có quyền thì rất dễ lạm dụng quyền.  Mục đích của dân chủ không phải là để đối kháng với quyền lực: mục đích của dân chủ là để tránh lạm dụng quyền thế.  Tránh lạm dụng như vậy là vừa để giúp người dân, vừa để giúp cả chính quyền.  Bởi vì một chính quyền không lạm dụng là một chính quyền tốt.  Một chính quyền tốt thì dân thương.  Thì cá với nước!  Đừng cần đặt vấn đề dân chủ từ phương trời nào tới mà phiền toái.  Sự lạm dụng đến từ trong bản chất của quyền hành. 

- Nhưng tại sao ông nói đó là xu thế của thời đại? 

- Bởi vì ngày trước, lạm dụng không tạo ra duyên cớ chính đáng để bên ngoài xía vào can thiệp.  Bên ngoài xía vào thì thời nào cũng có, và hễ muốn xía vào thì tạo ra duyên cớ để biện minh.  Nhưng khác nhau là ở chỗ ngày nay họ tạo ra được tính chính đáng cho hành động can thiệp của họ.  Tính chính đáng đó lại càng ngày càng đi vào tập tục quốc tế, và ngay cả nước nạn nhân của can thiệp cũng không thể bác bỏ trên nguyên tắc.  Nói cách khác, xu thế của thời đại bây giờ là bên ngoài viện tính chính đáng mà ai cũng công nhận để chính đáng hóa một hành động mang tính chất thống trị và trịch thượng.  Bản chất của mọi hành động can thiệp về nhân quyền là như vậy. 

- Và xu thế đó là không cưỡng được? 

- Không có gì cưỡng được khi xu thế ở bên ngoài dựa vào xu thế tự nhiên ở bên trong.  Một bên là tấn công, một bên là chống đỡ.  Một bên có hậu thuẫn, một bên không.  Một bên xuôi gió, một bên ngược.  Vấn đề nhức nhối là: tại sao phải đặt mình vào thế ngược, thế mất, thế chống đỡ, thế thụ động?  Tại sao không quật cường lên, biến thủ thành công?  Cách duy nhất để đánh cho can thiệp cụt giò là không cho nó có đất đứng.  Cách duy nhất để không cho nó có đất đứng là tạo cơ chế tránh lạm dụng.

- Như vậy, theo ông, tính hiệu quả chưa đủ để mang lại tính chính đáng?  Nói cho rõ hơn, những chính quyền châu Á đã thành công trong việc đem lại phồn thịnh kinh tế không thể lấy kết quả tích cực đó để thay thế cho một chính thể dân chủ? 

- Câu trả lời nằm ngay trong thực tế.  Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Mã Lai, Thái Lan là những nước mà cô muốn nói.  Tất cả những nước đó đều đã đi lên, đang đi lên, hoặc có dấu hiệu đi lên với xu thế dân chủ.  Họ chủ động đi lên, cho nên đi lên có trật tự.  Bị động như Indonesia thì chỉ rước lấy hỗn loạn.  Singapore là nước có chính thể được gọi là cứng rắn.  Nhưng họ đang làm gì?  Họ luôn luôn sửa đổi, chấn chỉnh để tránh lạm dụng.  Đó là nước ít tham nhũng nhất.  Tất cả đều đã bắt đầu bằng ý thức tránh lạm dụng.  Từ ngày hạn chế được lạm dụng, kinh tế của họ lại càng đi lên. 

- Ông đã lấy câu của Nguyễn Trãi để làm kim chỉ nam cho xu thế dân chủ, nhân quyền, và ông cho rằng mọi lý thuyết của Tây phương cũng chỉ nằm gọn trong túi khôn ấy mà thôi: "việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; quân điếu phạt trước lo trừ bạo".

- Đứng trên mặt triết lý mà nói, tôi cho "nhân nghĩa" cao hơn "nhân quyền".  Đông phương có một quan niệm về nhân nghĩa rất cao, chỉ tiếc là thiếu lý thuyết gia để khai triển và áp dụng quan niệm đó vào thực tế chính trị.  Tây phương thì đã triển khai quan niệm nhân quyền từ mấy thế kỷ rồi.  Trên mặt văn hóa, ta thường bị động là vì vậy.  Nhưng Nguyễn Trãi của ta thì vừa rất cao, vừa rất thực tế.  Ông triển khai ngay và áp dụng ngay khái niệm nhân nghĩa vào đời sống chính trị, xã hội: chủ yếu của nhân nghĩa là "yên dân".  Ông đặt dân lên cao nhất, làm đối tượng của chính trị.  Và ông nhắm đúng nhu cầu của dân: yên lành, yên vui, yên ổn.  Đói, chắc chắn là không yên.  Rét, cũng không.  Trộm cướp, loạn lạc, cũng không.  Tất nhiên tham nhũng lại càng không.  Tham nhũng thì không ai "yên" cả, kể cả người tham nhũng.  Tôi đố những người tham nhũng tránh được bất an trong lòng.  "Điếu phạt" là "điếu dân phạt tội", thăm dân đánh kẻ có tội.  Cũng dân là cao nhất!  Và kẻ thù của dân là ai?  Là "bạo".  "Bạo" là hiểm nguy gần gũi nhất vây quanh người dân.  Biểu hiện của nó là gì?  Là lạm quyền!  "Trừ bạo" là trừ lạm quyền.  Tạo cơ chế trừ lạm quyền thì mới hết tham nhũng. 

- Ông viết: nhân quyền không nên và không phải là vấn đề húy kỵ nữa, vì Việt Nam là nước có chính quyền vững chắc nhất thế giới.  Như vậy là nghĩa gì?

- Việt Nam có một lợi thế văn hóa, xã hội hiếm có: không có một thế lực tôn giáo cực đoan: bản chất tôn giáo của đại đa số dân chúng là hiền hòa, không nhuốm màu sắc hay tham vọng chính trị như trong lịch sử các nước Âu châu hay trong các nước ở thế giới thứ ba hiện nay.  Không cần phải nói đến các nước Ả Rập hay các nước Hồi giáo khác, trong đó tôn giáo luôn luôn đặt ra vấn đề cho chính quyền, chỉ nhìn quanh ta cũng thấy ta là may mắn: Indonesia, Phi Luật Tân, Sri Lanka, và gần đây nhất, Thái Lan, cứ mãi hoài gian nan với hiểm họa ly khai gắn liền với tôn giáo cực đoan.  (Ta không có, nhưng coi chừng, đừng đánh mất cái may mắn đó ở Tây Nguyên!) Vừa thừa hưởng tính chính đáng lịch sử, vừa thừa hưởng một gia tài văn hóa, xã hội hòa thuận, chính quyền Việt Nam hiện tại vững như bàn thạch và xứng đáng ở vị thế lãnh đạo.  Chính vị thế vững vàng đó, lại được hỗ trợ thêm nhờ kết quả kinh tế khả quan, cho phép chính quyền Việt Nam không sợ bất cứ một âm mưu nào ngụy trang dưới hình thức đòi hỏi nhân quyền, dân chủ.  Chính quyền đủ sáng suốt và vững chắc để thấy đâu là giả đâu là thật, đâu là âm binh đâu là ruột thịt.  Và cũng đủ sáng suốt và vững chắc để thấy rằng, cũng như các nước văn minh đang đi lên chung quanh, phải chủ động nắm xu thế dân chủ để bước đi cái bước đầu tiên có tính quyết định.  Chính quyền các nước khác luôn luôn sợ mất quyền.  Ở Việt Nam, không có chuyện mất quyền!  Chỉ có một chuyện mà ai cũng nên sợ, dù ở cương vị nào: quyền hành thoái hóa.  Quyền hành thoái hóa vừa là một khía cạnh vừa là hậu quả của sự lạm dụng quyền hành.  Tất cả vấn đề chỉ nằm ở đó.  Trong lịch sử, dù là ở Pháp hay ở Nga, sự lạm dụng quyền hành đưa đến thoái hóa quyền hành, và thoái hóa quyền hành đưa đến cách mạng.  Hoặc là đưa đến cách mạng, hoặc là quyền hành thoái hóa thì tự thối rữa.  Hiểm nguy không phải đến từ bên ngoài.  Từ bên trong!

- Theo ông, đâu là bước đi đầu tiên mà ông nói là có "tính quyết định"?  Mô hình dân chủ nào phù hợp với Việt Nam?

- Khoan nói đến mô hình!  Đó là bước sau.  Cái bước đó dễ.  Cái bước đầu mới khó.  Trong lịch sử, mọi sự thay đổi chỉ có thể đến từ một trong hai phía: hoặc từ dưới lên, hoặc từ trên xuống.  Từ dưới lên là cách mạng.  Từ trên xuống là cải tổ.  Tất nhiên, ai cũng biết: có sức ép từ dưới lên thì mới có quyết định từ trên xuống.  Chưa kể sức ép từ bên ngoài.  Nhưng tôi muốn lạc quan đặt tin tưởng ở cải tổ từ trên xuống vì ý thức được sự cần thiết.  Trong giả thuyết lạc quan đó, bước đi đầu tiên hiển nhiên là ý muốn thực sự đến từ bên trên.  Chừng nào tôi chưa thấy ý muốn đó, mọi bàn luận chỉ là viển vông.  Ý muốn đó, tôi ví như Big Bang.  Chúng ta đã có một Big Bang như vậy về kinh tế hồi 1986. 

- Ví thử ý muốn đó có, và ví thử người ta hỏi ông: phải suy nghĩ trên điểm gì trước tiên, ông sẽ trả lời như thế nào? 

- Lạm quyền.  Tất cả mọi suy nghĩ phải bắt đầu từ đó, để nhìn từ bộ máy chính trị đến bộ máy hành chánh.

- Bây giờ xin hỏi ông về chuyện khác.  Trong những sách và bài viết của ông, ông viết đủ ngành: lịch sử, chính trị, luật pháp, tôn giáo, triết học, văn chương...  Ông chuyên môn về gì?  Và ông thích thú viết gì nhất?

- Thư tình.  Tất nhiên, dạy đại học thì phải có chuyên môn; không chuyên môn thì làm sao nghiên cứu, xuất bản để cạnh tranh sinh tồn?  Nhưng trong tôi có hai con người: một con người chuyên môn để bắt buộc phải thành công trong nghề nghiệp ở Pháp, và một con người chỉ biết viết thư tình từ trẻ đến già.  Tất cả những gì tôi viết bằng tiếng Việt đều là thư tình gởi cho quê hương tôi. 

- Ông có cảm tưởng bị phân thân ra làm hai, một nửa cặm cụi với môi trường này, một nửa tình tứ với môi trường kia?  

- Riết rồi hai nửa cũng quen chung sống hòa bình với nhau!  Nhưng lúc đầu, quả thật có nghĩ đến hình phạt ngựa phanh thây ngày xưa.  Mà đâu phải chỉ một mình tôi chịu cảnh này?  Cả một thế hệ, cả một lớp người, bao nhiêu bạn bè của tôi đều thế cả.  Khi chúng tôi đi, không mấy ai nghĩ sẽ làm "chuyên môn" ở nước ngoài, ai cũng nghĩ sẽ đem "chuyên môn" về cho nước mình.  Thế rồi ai cũng như anh chàng si tình kia cả, tôi chỉ có một tình yêu thứ nhất, tôi trao em cùng với một lá thư ...  Dù sao, viết thư tình và ngâm thơ tình là vui rồi!

- Đáng lẽ trí tuệ như các ông phải đóng góp nhiều hơn cho đất nước chứ!  Ông có nghĩ rằng ông bị "gạt ra rìa"?

- Không.  Tổ quốc mênh mông như bầu trời.  Đâu là "rìa"?  Ai dám nói bầu trời đã gạt mặt trăng ra rìa? 

- Công trình gần đây nhất của ông liên quan đến Việt Nam là gì?  Theo ông, bản thân ông và trí thức Việt Kiều có thể đóng góp gì cho đất nước?

- Trước hết, tôi không phải là "Việt Kiều", chưa bao giờ tôi nhận tước hiệu này.  Rất đơn giản, tôi là người Việt Nam ở nước ngoài.  Người Việt ở nước ngoài hay người Việt ở trong nước đều đóng góp giống nhau về bản chất.  Đóng góp là đóng góp.  Ngày trước, trong thời kháng chiến chống Pháp, chúng tôi nghe say mê bài hát thi đua như sau (mà lâu ngày tôi quên mất một câu):

Anh có cây súng kia /  thì tôi có bàn tay thợ
.........
Anh giết thêm thực dân / thì tôi đúc thêm súng đạn
Anh có bông lúa vàng / thì tôi có ngàn lời thơ

Đóng góp là như thế.  Ai ai cũng giống nhau.  Hễ môi trường tốt đẹp thì đóng góp hồ hởi.  Hát lên mà nghe bừng bừng khí thế.  Ai cũng muốn đem cái gì quý nhất của mình để cho.  Ai cũng muốn đưa ra, không nghĩ đến chuyện thu vào.  Bây giờ, hình như ai cũng nghĩ đến chuyện vơ cả vào cho mình, mấy ai còn nghĩ đến chuyện đem ra cho.  Đóng góp, trước khi nói đến của cải, hãy nói đến tinh thần.  Tạo ra được tinh thần đó thì không còn thấy đâu là bên ngoài, đâu là bên trong.  Tôi nghĩ lúc này là lúc không nên phân biệt gì nữa giữa trong với ngoài.  Càng không phân biệt, dân tộc Việt Nam càng lớn, lớn ra năm châu bốn biển.  Còn nếu cứ nói "đóng góp của Việt Kiều", còn phân biệt người trong nước với người ngoài nước từ trong đầu óc, từ trong chính sách, từ trong tình cảm, thì chính người đặt ra câu hỏi đã định nghĩa "dân tộc Việt Nam" với một nghĩa hẹp, rất hẹp, hẹp như cái vung. 

Bởi vậy nên tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện tôi làm như là "đóng góp của trí thức Việt Kiều".  Trí thức là trí thức, công việc giống nhau.  Tôi làm cái việc bình thường của mọi trí thức, giống hệt trí thức trong nước.  Nghĩa là dạy học, viết sách.  Công việc gần đây nhất của tôi cho Việt Nam, như cô hỏi, là dạy học, viết sách.  Bình thường!  Hè vừa qua, tôi dạy học ở Huế.  Những bài giảng của tôi đang in thành sách, nếu không có gì trở ngại.  Cũng hè vừa qua, tôi có tham dự một Hội Thảo ở Đà Nẵng mà tôi là thành viên của Ban tổ chức.  Đây là một sự kiện trí thức được dư luận đánh giá cao, nhưng nếu Hội Thảo đã thành công như thế, chính là vì biết khẳng định lĩnh vực của mình là lĩnh vực trí thức, khoa học thuần túy.  Chúng tôi không muốn báo chí tham dự, vì chuyện trí thức là chuyện bình thường, chuyện làm hàng ngày, hàng giờ, có gì chính trị mà phải phô trương?  Trí thức không có cái gì khác để "đóng góp" ngoài kiến thức và suy nghĩ. 

Nếu cô muốn nói thêm một bó hoa trí thức nho nhỏ nữa mà chúng tôi gom góp được, cũng trong hè vừa qua, thì tôi kể thêm một quyển sách: quyển "Từ Đông sang Tây" mà tôi cùng với các anh Nguyễn Tùng, Trần Hải Hạc, Vĩnh Sính chủ biên, với sự góp sức của gần ba mươi tác giả, hầu hết dạy đại học ở Pháp, Mỹ, Canada, Nhật và Việt Nam.  Quyển sách được dư luận trong nước hoan nghênh, anh Hoàng Ngọc Hiến xem như "một bó hoa" khiến tôi nghĩ công việc làm của trí thức cũng thơm!  Mùi thơm toát ra từ trái tim chúng tôi đấy.  Thư tình mà! 

Việc cô đang nói chuyện với tôi đây cũng là chuyện trí thức, nghĩa là chuyện bình thường hàng ngày của tôi và của cô.  Chúng ta đều đang "đóng góp" cả đấy!  Giá như chúng ta sống trong thời kháng chiến ngày trước thì cô và tôi có thể cùng hát với nhau hồ hởi: "Cô có câu hỏi kia / thì tôi có trả lời này".  Trong chuyện trí thức, không có chuyện lớn và chuyện nhỏ.  Làm với tinh thần trí thức như chúng ta đang làm đây, thì chuyện nhỏ nhặt như thế này cũng là chuyện lớn.  Nhỏ hay lớn, hãy làm với đầu óc suy nghĩ.  Hãy tránh lối làm và lối học theo kiểu học thuộc lòng, nhai đi nhai lại mòn răng.  Óc suy nghĩ và sáng tạo là của cải quý nhất trong thế giới tranh đua ngày nay, từ đó mới sản sinh ra của cải vật chất.  Mà óc sáng tạo thì tuyệt đối không thể nảy mầm được trong một nền giáo dục gò bó đầu óc.  Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, nếu ta không mở óc sáng tạo ra cho thế hệ đang trưởng thành, ta sẽ biến tất cả chúng ta thành kẻ nô lệ.  Trí thức, dù ở đâu, không có "đóng góp" nào khác hơn là tự mình phải biết suy nghĩ. 

- Theo ông, ý nghĩa của cuộc sống là gì?

- Là sống.  Nếu nói được, bao nhiêu người đã than thở trong quan tài: chán quá, chưa kịp sống đã chết!

- Xin cám ơn Giáo sư.

©  Thời Đại Mới

 

Trở về trang chủ Thời Đại Mới

 

12-12-05