Số 6 - Tháng 11/2005
Một số vấn đề khoa học
và giáo dục:
Hoàng Tụy
Sau gần hai thập kỷ đổi mới với nhiều thành công, Việt Nam lại đang đứng trước những thử thách lớn không dễ gì vượt qua nếu không kiên định đường lối đổi mới để hội nhập và đi lên cùng thế giới. Với nhận thức đó, dưới đây xin nêu ra vài suy nghĩ về khoa học và giáo dục – hai lĩnh vực lẽ ra phải tiến nhanh hơn mới đáp ứng yêu cầu phát triển, nhưng đang tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực. 1. Khoa học và giáo dục xuống cấp(1) không chỉ do nghèo Từ khoảng mươi năm nay, theo quan điểm coi phát triển khoa học và giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, Nhà Nước đã có nhiều cố gắng liên tục tăng đầu tư cho hai lĩnh vực này, kể cả từ ngân sách quôc gia và các nguồn vốn vay hoặc viện trợ quốc tế. Mặt khác, dưới danh nghĩa xã hội hóa, sự đóng góp của người dân về giáo dục, cũng không ngừng tăng lên. Đối với một nước còn rất nghèo như Việt Nam, sự đầu tư như vậy không thể coi là ít, dù vẫn chưa đủ. Một lợi thế của Việt Nam là người dân rât thiết tha với việc học -- điều may mắn hiếm có trong một xã hội còn lạc hậu. Tuy nhiên, lợi thế ấy tự nó chưa có tác dụng gì đáng kể, nếu không có một cơ chế quản lý thích hợp để phát huy nó đúng hướng. Kinh nghiệm vừa qua đã cho thấy, mặc dù người dân thông minh và ham học, khoa học và giáo dục vẫn tụt hậu dài dài. Các quan chức thường đổ lỗi cho đầu tư chưa đủ mức, chẳng hạn, chi phí đầu người cho giáo dục của ta thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Chưa cần nói đến mức độ tin cậy của các số liệu nêu ra, chỉ nguyên cách so sánh ấy cũng cho thấy một quan điểm làm giáo dục mà chỉ biết tính giá trị tuyệt đối mức đầu tư, chứ không quan tâm đến cái quan trọng hơn là hiệu suất sử dụng. Mà nói đến hiệu suất, thì phải thấy chúng ta nghèo nhưng tiêu pha cho việc học hết sức hoang phí, trong nhiều việc còn ngông hơn cả các nước giàu. Chỉ riêng các cuộc thi cử đủ loại, ở các cấp, cũng đã vung phí hàng chục nghìn tỉ mỗi năm (thi tốt nghiệp, thi chuyển cấp, thi tuyển sinh, thi học sinh giỏi, thi giáo viên giỏi về từng môn văn, toán, lý, chủ nghĩa Mác-Lênin, ..., ở quận, thành, tỉnh, toàn quốc, thi tuyển giáo viên, thi vở sạch chữ đẹp,...) ; rồi sách giáo khoa in đi in lại thường xuyên, rồi hội thảo đủ lọai, đủ cỡ, rồi chi tiêu cho việc dạy thêm, học thêm, luyện thi, rồi thí điểm này nọ, liên miên, v.v., tất cả các họat động đó không chỉ lãng phí lớn sức người, sức của, mà còn là cơ hội phát sinh tham nhũng, gian dối tràn lan: thất thoát trong xây dựng trường sở, mua sắm thiêt bị, chạy chức, chạy dự án, chạy đề tài, mua bán bằng giả, mua bán luận án, gian lận thi cử, v.v... chẳng còn thiếu thứ gì. Cho nên, nếu cứ tiếp tục làm giáo dục theo kiểu này thì đến một lúc nào đó, có thể không còn xa, cái giá phải trả vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế, dẫn đến sự suy sụp không dễ gì gượng dậy nhanh chóng. Đó là nguy cơ lớn đang tiềm ẩn, không thể coi thường. Chỉ trừ một số quan chức có thói quen ở đâu và lúc nào cũng nhìn thấy thành tựu, luôn luôn lạc quan ngay cả bên bờ vực thất bại -- còn ngoài ra, bất cứ ai là nhà giáo, nhà khoa học, là công dân có ý thức trách nhiệm, đều không thể dửng dưng trước tình hình bất bình thường nghiêm trọng của giáo dục và khoa học kéo dài mấy thập kỷ nay. Chưa bao giờ như mấy năm qua, báo chí, truyền thanh, truyền hình, các phiên họp Quốc Hội, ... phản ảnh liên tục sự bất bình cùng những bức xúc, lo lắng của các tầng lớp nhân dân xung quanh việc học. Với tinh thần trách nhiệm và xây dựng, không ai có thể ngồi yên, cho nên một nhóm trí thức trong và ngoài nước cũng đã gửi lên trung ương và chính phủ một bản kiến nghị về chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa giáo dục. Đến nay, sau một năm nhìn lại, có thể nói, cùng với những ý kiến phát biểu qua nhiều kênh khác, bản Kiến nghị đã có tác dụng góp phần thúc đẩy một số thay đổi tích cực trong nhận thức và chủ trương đối với giáo dục. Tuy nhiên, nhìn chung sự chuyển biến còn quá chậm và sức quán tính còn quá nặng ở những khâu mà lợi ích riêng của một số người trong bộ máy quản lý dính với cơ chế xin-cho, vốn là đặc trưng chưa xóa được của kiểu quản lý bao cấp quan liêu. Trong bức tranh chung của xã hội, giáo dục và khoa học vẫn đang tiếp tục còn nhiều mảng tối đáng lo ngại.
2. Cần một kế hoạch cải cách tổng thể để hiện đại hóa giaó dục, chứ không phải những thí nghiệm liên miên như hiện nay Giáo dục là một hệ thống phức tạp, xử lý một khâu thường động đến nhiều khâu khác, cho nên nếu không nghiên cứu kỹ toàn bộ hệ thống để có cái nhìn tổng thể mà cứ gặp đâu làm đó, như Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã và đang làm lâu nay, thì dễ dẫn đến tình trạng rối ren kéo dài, ngày càng khó gỡ. Tình hình cũng tựa như một cỗ xe đang bị sa lầy, nếu cứ xô qua đẩy lại lung tung, khi bên trái, khi bên phải, mà không có xung lực đúng hướng và đủ mạnh, thì chỉ làm cho cỗ xe càng lún sâu thêm vào sa lầy chứ không thể kéo nó ra khỏi vết đổ. Trong 15 năm qua, giáo dục luôn luôn sửa đổi, mà sửa đổi tùy tiện, chắp vá, thiếu nhất quán nên sinh nhiều bị động, lúng túng, chưa kịp sửa xong đã thấy không ổn, phải sửa đi sửa lại liên miên, khiến người học và thầy dạy chạy theo rất vất vả, không còn biết đâu mà lần (chẳng hạn, ở phổ thông, chưa xong chương trình và sách giáo khoa cho các lớp dưới đã làm cho các lớp trên, phân ban thí điểm trầy trật cả chục năm rồi vẫn chưa biết lúc nào kết thúc; ở đại học, hô hào đổi mới phương pháp trong khi vẫn duy trì căn bản cách đào tạo theo niên chế và theo ngành hẹp, với kiểu thi tốt nghiệp gồm ba môn rất cổ lỗ). Nhiều thế hệ học sinh bị hy sinh, giơ lưng làm vật thí nghiệm cho những cải cách triền miên, khiến nhiều người không chịu nổi, đâm ra hoài nghi không chỉ trình độ, năng lực, mà cả tư cách đứng đắn của cơ quan quản lý. Tình hình lộn xộn đó cần phải được chấm dứt. Để lập lại trật tự, cần dừng lại tất cả các cải cách lớn nhỏ đang triển khai, đợi nghiên cứu một kế hoạch tổng thể hiện đại hóa toàn bộ hệ thống giáo dục, kèm theo một lộ trình chi tiết thực hiện cải cách, để đưa trình chính phủ và Quốc Hội thông qua. Việc soạn thảo một kế hoạch như thế không thể làm tắc trách trong vài tháng, mà cần ít ra một vài năm, và nên giao cho một tập thể chuyên gia thông thạo, tâm huyết, và có năng lực phụ trách trong khuôn khổ một hội đồng quốc gia đầy đủ uy tín. Vừa qua, lẽ ra cần một nghị quyết xác định tính cần thiết cấp bách của nhiệm vụ chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa giáo dục, thì Quốc Hội lại đã thông qua Luật Giáo Dục, tuy có sửa đổi nhưng căn bản không có gì thật sự khác trước. Việc thông qua vội vàng Luật Giáo Dục trong lúc còn nhiều vấn đề chưa được bàn thảo kỹ và phương hướng đổi mới còn rất mù mờ, đã gây ra tâm lý bi quan, thiếu tin tưởng ở quyết tâm đổi mới giáo dục của Quốc Hội. Thậm chí có ý kiến lo ngại rằng việc này có thể bị lợi dụng như một cơ sở pháp lý trì hoãn cải cách và duy trì hiện trạng trì trệ, bảo thủ, lạc hậu của Giáo Dục.
3. Nhìn thẳng thực trạng đáng buồn của đại học và khoa học Việt Nam Tuy dư luận xã hội hiện đang lo lắng nhiều về giáo dục phổ thông, nhưng thật ra khâu yếu nhất và đáng lo hơn cả là đại học, và liên quan với nó, là khoa học và công nghệ. Ở đây, từ nhiều năm, vẫn bao trùm một không khí trì trệ, bảo thủ dai dẳng, tuy một vài hội thảo thỉnh thoảng có xới lên được một số vấn đề, làm cho cấp lãnh đạo bắt đầu nhận thức rõ hơn mức độ tụt hậu của đại học và khoa học Việt Nam. Một nhà vật lý từng nhiều năm giữ một cương vị lãnh đạo tại CERN, sau một thời gian đến Việt Nam và có dịp thỉnh giảng ở một số đại học ở Hà Nội, từng nói với tôi rằng điều làm ông hết sức ngạc nhiên là “ở đây thiếu vắng hẳn bầu không khí khoa học thường thấy ở mọi đại học bên các nước khác. Có vẻ như ở Việt Nam đại học chỉ là trường phổ thông kéo dài thêm: sinh viên được phân thành lớp cố định, không được tự do lựa chọn theo học các giáo trình ở các lớp khác, các khoa khác, cứ chuông reo thì một thầy ra, một thầy vào, y như ở trung học, thầy giảng xong biến luôn, ít thấy thảo luận, giúp đỡ gì cho sinh viên, còn sinh viên thì không được độc lập tổ chức việc học của mình, nhất nhất đều phải học theo kế hoạch chung, lên lớp nghe giảng và ghi bài, hầu như không tham khảo sách báo gì, rất hiếm tham gia xêmina hay sinh họat khoa học khác, tóm lại cách học, không khí học, chẳng có vẻ gì là đại học như ở các nước khác.” Thiết nghĩ bức tranh trung thực của việc học ở các đại học lớn mà còn như thế thì trách gì không có đại học nào của Việt Nam lọt được vào số 60 đại học tốt nhất trong khu vực. Điều nghiêm trọng là tình hình tồi tệ này đã kéo dài từ lâu, ít ra từ vài chục năm nay, lâu đến nỗi đối với nhiều người nó đã thành bình thường, chẳng có cách gì thay đổi được. Còn nhớ những năm 60 thế kỷ trước, ở Đại học Tổng hợp Hà Nội từng có lúc không khí nghiên cứu khoa học vừa mới được nhen nhóm với một số thành công ban đầu thì, dưới chiêu bài “đường lối công nông”, đã có lời cảnh cáo nghiêm khắc: “trường đại học tuyệt đối không phải là cơ sở nghiên cứu khoa học” (2). Dĩ nhiên cái “đường lối công nông” sặc mùi hồng vệ binh ấy nay không còn ai bênh vực, nhưng hậu quả của nó về mặt tư tưởng thì còn dai dẳng, chỉ có điều nó đã biến tướng thành những chủ trương đại loại như: đại học phải tập trung lo việc dạy, các viện nghiên cứu phải lo việc nghiên cứu còn việc dạy thì phải dành cho các đại học (vì thế Luật Giáo Dục mới có điều khoản cấm các viện nghiên cứu không được đào tạo thạc sĩ ! ). Hoặc nữa: không phải thầy mà chương trình đào tạo mới là yếu tố quyết định chất lượng đại học. Nói cách khác, thầy kém cũng vẫn có thể xong, nếu có chương trình tốt. Mà chương trình tốt thì có thể cóp của các đại học tiên tiến ở nước ngoài. Tất cả những quan niệm kỳ quặc ấy, dù nói ra hay không, thật ra vẫn đang chi phối khá mạnh hoạt động của các đại học Việt Nam, vì thường phát ra từ các quan chức có quyền lực. Thậm chí đến bây giờ, vẫn còn nhiều vị có trách nhiệm chưa thật tin rằng muốn bảo đảm chất lượng đào tạo ở đại học nhất thiết phải kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học. Thật may là vừa qua, khi làm việc với Hội Đồng Quốc Gia Giáo Dục, Thủ Tướng đã nghiêm túc nhắc nhở: trường đại học phải là một trung tâm nghiên cứu khoa học, và trình độ, năng lực, phẩm chất thầy giáo phải là yếu tố quyết định chất lượng đại học. Đáng mừng thật, song nghĩ cũng buồn thay, chỉ có mấy điều hiển nhiên ấy mà phải mất bao nhiêu thời gian tranh cãi và có ý kiến Thủ Tướng mới kết luận được, đủ thấy công cuộc hiện đại hóa đại học và phát triển khoa học, công nghệ còn phải trải qua biết bao gian truân.(3) Một trong các biểu hiện sa sút tệ hại nhất của đại học và khoa học là sự cẩu thả và gian dối trong việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, công nhận các chức danh GS, PGS, và lựa chọn, phân bổ kinh phí cũng như nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học. Không phải vô căn cứ mà nhiều người lo ngại rằng, nếu cứ đà này, thì sẽ đến lúc tiến sĩ giấy, giáo sư dỏm, viện sĩ dỏm, nhà khoa học dỏm, tràn ngập trong xã hội, còn đâu chỗ cho khoa học chân chính. Trong nhiều năm các cơ quan quản lý khoa học và giáo dục đã áp dụng những chuẩn mực kỳ lạ, nói đúng hơn, không đặt ra chuẩn mực nào cho các công trình khoa học, đến mức những tấm giấy lộn cũng trở thành công trình khoa học có giá, những luận văn tiến sĩ sao chép vụng về có khi còn được đánh giá cao hơn cả những công trình khoa học nghiêm túc đã trải qua thẩm định chặt chẽ để công bố trên quốc tế. Kỳ lạ nhất là những quy định (đến nay vẫn còn nguyên) đỏi hỏi người muốn dự thi làm nghiên cứu sinh phải có hai “công trình khoa học” đã công bố (!), và chương trình đào tạo tiến sĩ bất cứ ngành khoa học nào cũng phải có môn bắt buộc là “phương pháp luận nghiên cứu khoa học” và môn chính trị theo nội dung căn bản chẳng có thay đổi gì lắm so với cách đây 30-40 năm. Khó hiểu hơn nữa là cách dạy những môn này. Chẳng hạn, môn phương pháp luận nghiên cứu khoa học có khi do người chưa từng làm nghiên cứu khoa học nghiêm túc bao giờ phụ trách ! Vì thế chẳng lạ gì có những vị ở trong nước được tung hô là nhà khoa học tầm cỡ quôc tế mà ở nước ngoài hoàn toàn không có chút tên tuổi. Một nền khoa học coi thường mọi chuẩn mực, tự ru ngủ với những thành tựu đáng ngờ, khuyến khích chạy theo những hư danh được rao bán khắp thế giới nhưng chỉ tiêu thụ được ở các nước kém phát triển – thử hỏi cần cho ai, và xây dựng để làm gì?(4) Nói cho đúng, may mắn cho đất nước là vẫn còn những điểm sáng, tuy không nhiều như ước muốn. Đâu đó vẫn có những ngoại lệ đáng khâm phục, vẫn còn những cơ sở khoa học, những ngành khoa học, những nhà khoa học có vị trí quốc tế khá, nơi này nơi kia vẫn có những người trẻ tài năng, tất cả họ đang âm thầm làm việc cho những mục tiêu cao cả của khoa học và của đất nước. Họ chính là vốn quý còn lại, nếu biết kịp thời nhận ra nguy kịch của tình hình trên và thay đổi cách nhìn, cách nghĩ để tạo một cơ chế quản lý tốt hơn, thông minh hơn, để cho cái vốn quý ấy phát huy tác dụng, thì vẫn còn nhiều hy vọng đất nước có thể hội nhập thành công vào thế giới đã bước sang toàn cầu hóa và kỹ thuật số.
4. Trường tư vị lợi không thể là giải pháp “khoán mười” cho giáo dục Đến lúc này ai cũng đã thấy cần đổi mới đại học. Nhưng đổi mới như thế nào ? Hiển nhiên không thể hội nhập vào thế giới với một nền đại học lạc hậu, cho nên hướng đổi mới phải là hiện đại hóa, và muốn thế phải chuẩn bị một kế hoạch cải cách toàn diện cả hệ thống giáo dục, trong đó có đại học. Trong khi chờ đợi kế hoạch ấy, có một số biện pháp cấp bách cần thực hiện ngay, một là để chấm dứt những cách quản lý quá sức lạc hậu, kéo dài và tác hại đã quá lâu, hai là để tạo điều kiện thuận lợi tiến lên hiện đại hóa dần dần cả hệ thống. Trong bản Kiến nghị, chúng tôi có nêu mấy việc như: cải cách việc thi cử trong toàn quá trình đào tạo ở đại học, chỉnh đốn các khâu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, tuyển chọn và bổ nhiệm GS, PGS, cải thiện chính sách sử dụng thầy giáo đại học và đào tạo giáo viên phổ thông. Ngoài ra, xây dựng mới một đại học đa ngành hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế, làm chỗ dựa cải cách đại học và cạnh tranh chất lượng với các đại học tiên tiến trong khu vực. Gần đây, nổi lên một vấn đề quan trọng là chủ trương phát triển các đại học tư và chấp nhận giáo dục là hàng hóa để mua bán tự do trên thị trường. Trước hết, một thực tế hiển nhiên là Nhà Nước không thể bao cấp toàn bộ dịch vụ đại học (mà hiện nay cũng đâu có bao cấp như vậy?). Mô hình đại học miễn phí như các nước Bắc Âu tuy có lẽ là hợp lý nhất cho “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng hoàn toàn không khả thi đối với Việt Nam. Vì vậy cần xã hội hóa, huy động sự đóng góp của dân để chia xẻ với Nhà Nước chi phí đào tạo đại học. Có hai cách thực hiện việc đó: một là tăng học phí ở các đại học công tới mức đủ trang trải một phần đáng kể chi phí cần thiết (giải pháp này phải đi đôi với chính sách học bổng cho người nghèo), hai là khuyến khích mạnh tư nhân đầu tư phát triển đại học tư. Cả hai giải pháp đều tốt, và thường có thể thực hiện kết hợp. Trên nguyên tắc trường tư lại có thể phi lợi nhuận hay vì lợi nhuận. Cho đến gần đây phần lớn trường tư ở Việt Nam đều gọi là dân lập (chẳng qua vì dị ứng với chữ “tư” vô tội), và đều thu lợi nhuận (một số trường hợp có lãi lớn), nhưng quy chế hoạt động không rõ ràng, nên dễ bị lợi dụng, sinh nhiều chuyện không hay, do chính quyền khi buông lỏng quá mức, khi can thiệp quá tự tiện vào việc quản lý nội bộ của họ. Trước sự phát triển của các hiện tượng mua bán tiêu cực trong giáo dục, một số người cương quyết phản đối việc cho phép kinh doanh giáo dục lấy lãi, nhưng điều này vấp phải những thỏa thuận tự do hóa giáo dục mà, theo sự gải thích của các quan chức, ta khó có thể đứng ngoài khi gia nhập WTO. Ngược hẳn lại, một số khác đòi hỏi các trường tư vị lợi phải được phát triển không hạn chế và phải được hưởng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ tích cực của Nhà Nước, coi đó chính là cốt lõi đổi mới tư duy giáo dục hiện nay và là biện pháp cởi trói có thể tạo chuyển biến đột phá của giáo dục trong những năm tới, giống như “khoán mười” đối với nông nghiệp trước đây vậy. Mặc dù không phản đối trường tư vị lợi, tôi không thấy có lý do gì chính đáng để Nhà Nước cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt các hoạt động kinh doanh giáo dục để lấy lãi, và cũng không tin rằng phát triển mạnh trường tư kiểu đó, rồi tiến đến cổ phần hóa một bộ phận đại học công nữa, như một số quan chức giáo dục đang hô hào, lại có thể là một giải pháp “khoán mười” cho giáo dục đại học. Trái lại, có lý do để lo ngại, nếu không cẩn thận, giải pháp này có thể đẩy giáo dục đại học trượt xa đến chỗ hỗn lọan nguy hiểm khó lường. Các nước trong khối nói tiếng Anh khởi xướng coi giáo dục là hàng hóa, cốt để dễ dàng cho họ xuất khẩu giáo dục, chứ trong chính nước họ thì trường tư chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, mà hầu hết trường tư của họ, ở nước họ, đều phi lợi nhuận. Họ có kinh tế thị trường phát triển từ bao đời nay mà đại học tư của họ còn như vậy, thì ta cũng chưa nên mạo hiểm. Theo tôi, khôn ngoan là hãy nên phát triển các trường tư phi lợi nhuận như họ, coi đó là phương thức xã hội hóa giáo dục đúng đắn, vừa huy động được mọi nguồn lực trong xã hội để chia xẻ với Nhà nước chi phí, công sức, vừa không từ bỏ sự cam kết của Nhà Nước đối với giáo dục. Nhà Nước cần hỗ trợ tích cực (cả đất đai, vốn và kinh phí) cho các trường tư phi lợi nhuận, còn các trường vì lợi nhuận thì cứ nên để họ tự lo, Nhà Nước không cần và không nên ưu đãi gì đặc biệt; hơn nữa, để cho công bằng, nếu lợi nhuận vượt quá một mức nào đó thì phải chịu thuế. Nhiều người hiểu nhầm phi lợi nhuận là không được làm ra lợi nhuận, và như thế sẽ thiếu động cơ kích thích vật chất. Theo tôi, quỹ hoạt động của một trường tư phi lợi nhuận có một phần do hỗ trợ của Nhà Nước, một phần khác do vốn đóng góp của tư nhân (đặc biệt các doanh nghiệp) dưới nhiều hình thức: cho hẳn (hiến tặng), hoặc cho vay với lãi suất thỏa thuận, từ mức thấp nhất là 0 đến mức có thể cao hơn lãi suất của ngân hàng đôi chút. Học phí có thể thu đủ để trang trải được chi phí (bao gồm cả trả lãi cho các vốn vay và cấp học bổng cho người nghèo), và có tích lũy để đầu tư cho phát triển. Như vậy, trường tư phi lợi nhuận tuy không có cổ phần và lợi nhuận không được chia theo cổ phần, nhưng có thể dùng lợi nhuận để trả lãi cho các vốn vay, theo lãi suất thỏa thuận trong từng trường hợp. Đổi lại, điều rất quan trọng là trường tư phi lợi nhuận phải được hưởng quy chế tự quản gần ngang như các trường tư ngoại quốc ở Việt Nam, nghĩa là được quyền tự quyết rộng về cả nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, tuyển sinh, cấp phát văn bằng, và dĩ nhiên cả tài chính và nhân sự, bao gồm chế độ trả lương thầy giáo và thù lao cho các họat động giảng dạy và nghiên cứu, cũng như liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài nứơc thực hiện các chương trình đào tạo cần thiết. Với mức độ tự quản cao, trường tư sẽ có cơ hội thực hiện nhiều sáng kiến đổi mới về quản lý, tổ chức, nội dung, phương pháp đào tạo, mà trước mắt, do quán tính lớn của bộ máy giáo dục công lập, các đại học công khó thực hiện tốt. Chẳng hạn, họ sẽ không bị bắt buộc phải dạy những kiến thức đã rõ ràng vô bổ, có khi chiếm tới 20% thời lượng học ở trường công chẳng qua vì cái quán tính đó; sẽ dễ dàng thực hiện phương pháp đào tạo theo tín chỉ, học trình, hiện còn xa lạ với hầu hết trường công; sẽ có quyền trả lương cho thầy giáo đúng với công sức để các thầy tập trung vào nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học được giao. Tóm lại, trường tư kiểu đó sẽ được tạo điều kiện hoạt động đúng với đòi hỏi của đại học theo chuẩn mực quốc tế và những trường tốt nhất sẽ đóng vai trò tiên phong trong công cuộc cải cách nền đại học để tiến lên hiện đại. Đó chính là ý tưởng ban đầu -- tiếc rằng về sau đã không thực hiện được -- của những người sáng lập TTĐH Thăng Long và có lẽ cũng không xa lắm ý tưởng của những nhà sáng lập các đại học tư ở Mỹ và các nước phát triển khác. Với quan niệm phi lợi nhuận như trên, trường tư không phải là phương tiện kinh doanh làm giàu, mà là biện pháp mềm dẻo huy động tối đa các nguồn lực xã hội (tài lực+tâm huyết+trí tuệ) để giúp thúc đẩy cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục. Còn theo quan niệm vì lợi nhuận, thì ngay những người bênh vực hăng hái nhất cho quan niệm này cũng thấy rằng mức lợi nhuận chỉ nên “vừa phải” (cao hơn lãi suất ngân hàng đôi chút ?), và nếu đúng vậy thì phần lợi nhuận được chia cho các cổ phần không cao gì hơn lãi suất trả cho các vốn vay tư nhân để góp vào quỹ hoạt động của trường phi lợi nhuận. Song, kinh nghiệm thực tế cho thấy trường tư được tổ chức như công ty cổ phần rất dễ có xu hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, khó kiểm soát trong hoàn cảnh qui chế quản lý còn rất nhiều mập mờ như hiện nay. Đó là chưa kể, khi trường tư vì lợi nhuận có thể nhận được sự hỗ trợ tài chính, đất đai của Nhà Nước, thi sẽ sinh ra thêm một cơ chế “xin-cho” dễ biến thành cơ hội làm ăn thiếu minh bạch trong xã hội ta. Cuối cùng, một khó khăn lớn không thể không tính đến là do tầm nhìn thiển cận, trong hơn hai mươi năm qua ngành giáo dục chỉ biết khai thác đến kiệt sức đội ngũ giảng dạy đại học mà không hề chú ý chăm sóc, tạo điều kiện phát triển năng lực của họ và bồi dưỡng, đào tạo thế hệ giảng dạy trẻ để bổ sung và thay thế họ. Do đó đội ngũ các thầy giáo đại học hiện có (kể cả những người có khả năng giảng dạy được), vừa thiếu hụt về số lượng, vừa già cỗi, yếu kém về năng lực. Trong tình hình ấy, muốn mở một đại học mới cũng phải hết sức chật vật mới tìm đủ thầy đạt yêu cầu. Trừ khi hợp tác được với nước ngoài (khi đó học phí phải tăng cao, nếu vẫn muốn có lãi), còn không thì phải dựa vào sự cộng tác của các thầy ở các trường công, do đó sẽ tạo thêm gánh nặng giảng dạy hiện đã quá tải của các thầy trường công (dù sự quá tải ấy được đền bù bằng sự gia tăng đáng kể thu nhập), khiến cho cái lãi của các trường tư kiểu này nhiều khi đối với xã hội chỉ là lãi giả tạo, phải mua bằng sự tiếp tục giảm sút chất lượng chung của đại học. Trong điều kiện như thế mà đặt kế hoạch sau 5 năm trường tư phải đạt tới tỉ lệ 40% tổng sô sinh viên đại học thì thật hết sức liều lĩnh, coi đại học là chỉ “học đại” như người dân vẫn thường mỉa mai. Cho nên tôi hoàn toàn chia xẻ nhận định của Vũ Quang Việt trong bài nghiên cứu:(5) giải pháp trường tư vị lợi, trong tình hình Việt Nam, sẽ dẫn đến kết cục không mấy lạc quan: hoặc chất lượng đại học tụt thêm nữa, hoặc nhiều trường tư phải đóng cửa vì lỗ,
5. Hai giải pháp đột phá cho giáo dục, khoa học và công nghệ Với tình hình đại học sa sút như hiện nay, đương nhiên khoa học cũng chẳng khả quan gì hơn. Cứ tin vào báo cáo năm 2001 của các cơ quan hữu trách khi đề nghị với Nhà Nước thành lập Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam, thì khoa học của chúng ta đã có địa vị khá vững so với các nước trong khu vực. Nhưng đó chỉ là theo những nhận định rất chủ quan của những quan chức không trực tiếp làm khoa học, còn theo các chuẩn mực quôc tế thì hoàn toàn không phải vậy. So với Thái Lan ta cũng đã lạc hậu 20-30 năm, nói gì đến Singapore hay Hàn Quốc. Một số ít ngành trước đây ta vượt một số nước thì nay họ cũng đã gần đuổi kịp ta và có triển vọng vượt ta nếu cứ đà này. Sự phát triển đại học gắn chặt với sự phát triển khoa học, cho nên để tiến tới hợp nhất hai hệ thống đại học và nghiên cứu khoa học chúng tôi đã kiến nghị nên thành lập mới một đại học đa ngành trên cơ sở lực lượng nghiên cứu của Viện Khoa Học Tự Nhiên và Công nghệ Quốc Gia và Viện Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia hiện nay. Đại học đa ngành đó, sau một số năm xây dựng, sẽ dần dần có đủ các cấp (cử nhân, thạc sĩ hay kỹ sư, tiến sĩ), theo cơ cấu như các đại học phương Tây hiện đại, nhưng không nhất thiết có ngay một lúc tất cả các ngành và các cấp, mà bắt đầu mở cấp nào, ngành nào đã thật sự bảo đảm được các chuẩn mực quôc tế về điều kiện vật chất, môi trường học tập cũng như chất lượng đào tạo. Kiến nghị này đã được các cơ quan hữu trách chấp nhận, và hy vọng chẳng bao lâu nữa sẽ được thực hiện, mặc dù chắc chắn phải vượt qua không ít khó khăn về tâm lý, và tổ chức -- bởi chúng ta đã từng thấy không ít ý tưởng tốt sau khi được lãnh đạo chấp nhận lại giao cho những tổ chức thiếu năng lực và thiếu hiểu biết thực hiện, cho nên thất bại (điển hình là Hội đồng Quốc gia Giáo dục). Điều hiển nhiên là muốn hiện đại hóa đại học và phát triển khoa học, cần phải gửi nhiều tài năng trẻ đi du học và đào tạo ở các nước tiên tiến và các trung tâm khoa học quốc tế hàng đầu. Vì vậy thật đáng mừng là mấy năm nay, số học sinh, sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học, theo nhiều nguồn tài trợ khác nhau, kể cả tự túc, ngày càng đông (hiện đã trên 40.000). Tuy nhiên, kèm theo đó có một hiện tượng đáng lo khác: rất ít người trẻ đã thành tài ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam, còn trong nước cứ người trẻ nào được đào tạo tới một trình độ khá đều tìm cách ra nước ngoài và không muốn trở về nữa. Nếu cái dòng chảy chất xám cao cấp cứ xuôi một chiều đi ra chứ ít có đi về thì làm sao giáo dục, khoa học, công nghệ Việt Nam có thể tiến lên được ? Để có phương hướng đúng đắn khắc phục dòng chảy chất xám một chiều đó cần thấy rằng sở dĩ những tài năng trẻ chỉ muốn đi chứ ít ai muốn về, không phải vì ít thiết tha với đất nước, càng không phải vì chạy theo vật chất cám dỗ. Lý do cơ bản là trong nước hiện thiếu những trung tâm khoa học trình độ cao, với những điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi cho sự phát triển tài năng, dẫu họ có về làm việc cũng chẳng giúp ích được bao nhiêu mà tài năng sẽ nhanh chóng mai một. Mặt khác, để nâng cấp các đại học hiện có, kể cả hai đại học quôc gia, thành đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế, phải mất nhiều thời gian, vượt qua một sức quán tính quá lớn, trong lúc nhu cầu cạnh tranh với các nước trong khu vực không cho phép chúng ta chờ đợi lâu hơn. Do đó, trong bản Kiến nghị chúng tôi có nhấn mạnh nhu cầu thành lập mới một hay vài đại học đa ngành hiện đại, tầm cỡ quốc tế, làm hoa tiêu hướng dẫn việc cải cách đại học, đồng thời là cửa ngõ giao lưu với các trung tâm khoa học lớn quốc tế. Một đại học như thế sẽ phải có đủ điều kiện thuận lợi, về vật chất cũng như môi trường, cho các tài năng trẻ phát triển. Do đó nó sẽ đủ sức thu hút các nhà khoa học Việt ở nước ngòai, kể cả những người ra đi từ trong nước và thành tài ở nước ngoài, đồng thời giữ chân các tài năng trẻ trong nước để xây dựng ngay trong nước những nhóm nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc. Xem ra ý tưởng này đã được chính phủ chấp nhận và bắt đầu tìm cách thực hiện trong chuyến viếng thăm Mỹ vừa qua của Thủ Tướng. Nếu thực hiện thành công, tôi tin đó sẽ là một giải pháp có tính đột phá lớn, tạo cú hích làm thay đổi bộ mặt đại học, khởi đầu một giai đọan mới của giáo dục và khoa học tiến lên chính quy, hiện đại. Giải pháp đột phá thứ hai là cải thiện cơ bản chính sách lương, đảm bảo cho nhà giáo và nhà khoa học có thể sống đàng hoàng bằng lương chính thức mà không phải xoay xở kiếm thêm thu nhập bằng những hoạt động khác ngoài trách nhiệm, để dành thì giờ và sức lực nghiên cứu khoa học, cập nhật tri thức, nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo. Có như vậy và chỉ có như vậy mới mong xây dựng được một đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học đủ trình độ, năng lực và phẩm chất đảm đương được nhiệm vụ trước mắt, đồng thời không ngừng phát triển tiềm lực, tiến lên đáp ứng yêu cầu tương lai ngày càng cao. Ông cha ta đã có câu: có thực mới vực được đạo, bài học vỡ lòng đó đến nay vẫn chưa được học thuộc đối với giáo dục và khoa học. Biết bao nhiêu lần, cuộc sống đã dạy rằng những yếu kém tiêu cực trong giáo dục và khoa học, từ mẫu giáo cho tới đại học (kể cả cấp đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ) và các viện nghiên cứu khoa học, đều bắt nguồn từ chỗ đồng lương chính thức của thầy giáo và người làm khoa học các cấp chỉ đủ bảo đảm được cho họ 1/4 mức sống hợp lý theo vị trí, chức năng của họ trong guồng máy xã hội, còn lại họ phải tự xoay xở. Nói đúng hơn, nhà trường, cơ quan giúp họ xoay xở, bằng cách bịa ra đủ loại phụ cấp để bổ sung thu nhập của họ. Trong giáo dục thì phải làm ngơ cho giáo viên, giảng viên dạy thêm, dạy xô, luyện thi, khai tăng số giờ phụ trội, v.v. Trong cơ quan khoa học thì phải làm ngơ cho các vụ “treo đầu dê bán thịt chó”, đăng ký đề tài nghiên cứu một đằng, báo cáo một nẻo, mà đề tài vẫn được nghiệm thu “xuất sắc” để rút tiền của Nhà Nước vô tội vạ. Vì quy chế sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học cho phép dùng 40% (hay hơn) kinh phi cấp cho đề tài để trả công nghiên cứu, tức là bổ sung thu nhập, cho cá nhân, cho nên kinh phí càng lớn (như đối với các nghiên cứu có nhu cầu thiết bị) thì thu nhập của người tham gia đề tài càng cao, gây ra bất công lớn và tiêu cực lớn, khuyến khích “chạy đề tài”, “lại quả kinh phí nghiên cứu” và nhiều chuyện tiêu cực từng là đề tài râm ran dai dẳng trong đời sống khoa học xứ này. Ngoài ra, đã thành lệ chung là nhiều việc trong trách nhịệm, như họp hội đồng khoa học hay ban này ban nọ, tham gia hoặc góp ý kiến các đề án này, đề án khác, hội thảo khoa học, kỷ niệm, v.v.... đều được nhận thù lao, với những phong bì nặng nhẹ khá tùy tiện. Rốt cuộc, nếu cọng tất cả các khoản ngân sách đã chi và tiền xã hội đã đóng góp, không kể những khoản rút tiền ngân sách bất hợp pháp do lợi dụng sơ hở của chế độ quản lý tài chính, thì tổng số cũng đã thừa đủ bảo đảm mức sống hợp lý cho thầy giáo hay nhà khoa học, nếu phân phối công bằng. Tình trạng “ai cũng kêu lương thấp nhưng ai cũng sống đàng hoàng” chứng tỏ chế độ lương phi lý này hoàn toàn không phải do thiếu tiền, mà chỉ do quản lý kém thông minh một cách khó hiểu, đến nỗi nhiều người nghi ngờ rằng có thể nó được duy trì chẳng qua vì là mảnh đất nuôi dưỡng tham nhũng. Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ luôn giải thích rằng do ta còn nghèo, chỉ cần tăng 10.000 đồng cho lương mỗi người thì ngân sách đã không chịu nổi. Vậy thử hỏi: số tiền bù vào thu nhập của công chức để với lương chính chỉ đủ sống 1/4 tháng mà vẫn sống đàng hoàng cả tháng, số tiền ấy ở trên trời rơi xuống hay cũng từ ngân sách, từ túi tiền người dân ? Cho nên, nếu mục tiêu cải cách tiền lương không nhằm xóa bỏ cái nghịch lý trên, mà chỉ nhằm nâng lương chính lên cho đủ mức sống, như đã làm một cách thất sách trong đề án đã được chính phủ và Quốc Hội thông qua, thì sự phá sản của đề án ngay khi chưa bắt đầu thực hiện là chuyện tất yếu mà nhiều người đã dự báo. Từ nhiều năm một sự thật đã quá rõ mà các cơ quan hữu trách vẫn cố tình làm ngơ là muốn giải quyết căn bản vấn đề lương như đã ghi trong nghị quyết của Trung Ương, trước hết phải lập lại kỷ cương, trật tự trong chế độ sử dụng công quỹ để trả những khoản thù lao, tiền thưởng, đủ mọi loại, rất tùy tiện, mà tổng số gấp nhiều lần lương chính như hiện nay, phải kiên quyết chấn chỉnh chế độ chi tiêu ngân sách, ngăn cản mọi cách phù phép để rút tiền công quỹ vô tội vạ vẫn được dung túng, thậm chí khuyến khích, và đã thành công khai, phổ biến trong nhiều cơ quan. Chẳng cần trí tuệ cao siêu gì cũng có thể thấy chỉ bằng cách đó mới có thể tăng tổng quỹ lương lên để phân phối lại cho công bằng và hợp lý, đảm bảo cho lương là nguồn thu nhập chính của mỗi công chức. Khi ấy, như trên đã nói và có thể chứng minh bằng số liệu,(6) lương chính, trong phạm vi khả năng ngân sách, hoàn toàn đủ để bảo đảm công bằng và khuyến khích năng suất từng người. Đương nhiên, từ một chế độ lương phi lý, bất công kéo dài hàng chục năm đã hình thành nhiều tập quán xấu, gian dối, ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, nên không thể đoan chắc rằng khi tiền lương chính đủ sống đàng hoàng thì sẽ chấm dứt được hết các hiện tượng tiêu cực đang làm tha hóa giáo dục và khoa học. Tuy nhiên có thể tin chắc rằng chừng nào chưa có điều kiện ấy thì không có cách nào vực giáo dục, khoa học và công nghệ lên được. Nói rộng ra, chừng nào công chức còn phải xoay xở để có thêm thu nhập cho đủ sống thì tham nhũng còn hoành hành, lãng phí còn tràn lan. Giáo dục và khoa học dù sao cũng chỉ là bộ phận của hệ thống kinh tế-xã hội, tuy là bộ phận rất nhạy cảm với những nghịch lý đời sống kiểu như trên và thích ứng nhanh nhất với các nghịch lý ấy bằng những cách “tự cứu” mà rốt cuộc xã hội phải trả bằng những giá khủng khiếp cho tương lai. Thả nổi cho thầy giáo và người làm khoa học “tự cứu”, tự bươn chải để sống, vì thế không bao giờ, về lâu dài, là một chính sách khôn ngoan.
6. Kết luận Bước vào thế kỷ 21, giáo dục và khoa học khắp nơi trên thế giới đều trải qua nhiều biến động để thích ứng với những điều kiện mới. Do đó, dù giáo dục, khoa học của ta có lắm vấn đề trầm trọng khác thường, cũng không nên lấy thế làm lạ. Điều quan trọng là chính vì đang lúc trên thế giới có nhiều thay đổi, ta cần hết sức cẩn trọng và tìm hiểu thấu đáo lý do, ý nghĩa, cơ chế tác động của từng thay đổi đó, để khỏi mất phương hướng khi hội nhập và tránh được những bước đi lầm lạc. Tụt hậu đáng lo, nhưng có lẽ lạc hướng còn đáng sợ hơn.
(1) Những từ tôi dùng ở đây : xuống cấp, thụt lùi, suy thoái, v.v. trong suốt bài này đều được hiểu theo nghĩa tương đối, tức là so sánh với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Sở dĩ cần nói rõ như vậy là vì dù muốn hay không, trong một thế giới đang tiến ai cũng bị lôi theo, không có chuyện đứng lại. Điều quan trọng không phải là ta đã lết theo đến đâu mà là ta đã tiến cách xa cái đuôi và gần cái đầu đến chừng nào. (2) Đó là một nguyên nhân lịch sử khiến một số viện khoa học được thành lập độc lập với đại học. Dù vậy, dưới thời GS Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng đại học, vẫn còn giữ được mối liên hệ khăng khít giữa trường và viện (nhiều nhà khoa học trong các viện nghiên cứu vẫn tham gia giảng dạy đều đặn ở các đại học). Sự ngăn cách giữa đại học và nghiên cứu khoa học trở nên trầm trọng sau khi Bộ trưởng TQB về hưu. (3) Năm 1995, với mong muốn chặn bớt xu thế suy thoái của khoa học, và đẩy mạnh các hoạt đông ứng dụng toán học, một số anh em trong Hội Toán học đã đứng ra xin mở một trung tâm toán học ứng dụng, với nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ ở trinh độ quốc tế, đồng thời đưa toán học ứng dụng vào các lĩnh vực kinh tế và công nghệ; tiến đến chỗ là một trung tâm trong khu vực, có thể thu hút nghiên cứu sinh từ các nước khác. Sau khi được gặp trực tiếp Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, được ông hoan nghênh và khuyến khích, chúng tôi đã làm đề án chính thức đưa lên. Không may, sau một năm trời, đề án bị từ chối chỉ vì vị quan chức được ủy quyến xử lý cho rằng học bổng cho học viên theo đề nghị của chúng tôi là quá cao (500 nghìn đồng/tháng). Không bỏ cuộc, một năm sau nữa, chúng tôi xin gặp lại Thủ Tướng và lần này được Thủ Tướng tái khẳng định sự ủng hộ của ông. Mặc dù vậy, khi đề án được đưa lên chúng tôi vẫn được báo lại là đề án bị gạt. Sau đó ít lâu, khi Phó Thủ Tướng Phan Văn Khải lên thay Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, chúng tôi lại trình đề án lên một lần nữa (vì trước đây Phó Thủ Tướng đã từng tỏ ý ủng hộ đề án). Lần này, khi đề án được gửi đi lấy ý kiến của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo thì đã xảy ra một điều kỳ lạ: Bộ Trưởng Giáo Dục và Đào Tạo có công văn trả lời chính thức cho Thủ Tướng là Bộ hoàn toàn ủng hộ, nhưng một thứ trưởng, không hiểu vì lý do gí, nhất quyết không đồng ý, còn nhân danh Bộ Giáo Dục và Đào Tạo (!) công khai phản đối, buộc đề án phải xếp lại sau gần 4 năm đeo đuổi cực nhọc. Sau này, khi vụ “đại học quốc tế Châu Á ở Hà Nội” (một đại học ma lập ra để lừa đảo) bị vỡ lỡ và ông thứ trưởng bị cách chức, chúng tôi mới được hay chính thời kỳ đó là lúc ông ta đang đi đêm với đại học quốc tế ma đó. Đủ thấy bộ máy hành chính của ta quan liêu và tiêu cực đến mức nào. Nhiều quan chức khi đương quyền đã có trách nhiệm chính trong xu hướng thương mại hóa tiêu cực nay lại thấy đứng ra hô hào thị trường hóa giáo dục, càng gây lo ngại đối với chủ trương chuyển giáo dục đại học từ sự nghệp công ích thành dich vụ cung ứng theo thị trường và lấy việc phát triển đại học tư (vị lợi) làm giải pháp đột phá cho giáo dục. (4) Trên báo chí nhan nhản những tin tức về việc mua bán luận án, ăn cắp, viết thuê luận án, kể cả về các “đường dây thi hộ tiến sĩ “ mà những vị tiến sĩ nhờ thi hộ đã leo lên được các vị trí lãnh đạo (báo Người lao động, ngày 20/5/05), tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” trong khoa học (báo Lao động, 2004), về báo cáo thành tích gian dối trong nghiên cứu (báo cáo những số liệu hoàn toàn bịa đặt, nhưng đề tài vẫn được nghiệm thu xuất sắc, v.v... ). Nhiều danh hiệu: “danh nhân thế giới”, “nhân vật thành đạt nhất thé giới trong năm”, “viện sĩ “ (thành viên những tổ chức tự gọi là Viện, hay Viện hàn lâm, nhưng chẳng có ý nghĩa gì về khoa học),v.v..., mua được (bằng tiền túi cá nhân, và cả công quĩ) hoặc “chạy” được qua các cuộc vận động cá nhân không thể gọi là vô tư, trở thành những nhãn mác “tầm cỡ thế giới” đuợc quảng cáo rùm beng như là những vinh dự quốc tế đáng tự hào của nền khoa học Việt Nam. Đáng buồn là căn bệnh hám hư danh lại phát trỉển mạnh trong giới cầm cân nảy mực của bộ máy quản lý giáo dục và khoa học. Chẳng trách kỳ thi nào, từ trung học cơ sở, tú tài hay cao học, cũng đều nhan nhản những chuyện gian lận (quay cóp, dùng phao đủ loại, thi thuê, ném đáp án vào phòng thi, đút lót giám thị, dễ dãi trong chấm thi, v.v,,,,) cứ lặp đi lặp lại như điệp khúc càng lúc càng trầm trọng. (5) Vũ Quang Việt: “Giáo dục tư hay công, nhìn tử góc độ kinh tế” (http://www.vast.ac.Việt Nam/hvGiáo Dục/) (6) Chẳng hạn, có vị đại biểu Quốc Hội đã tính rằng trong giáo dục, nếu cộng tất cả các khoản chi từ ngân sách vào thu nhập cá nhân của giáo viên và cán bộ giáo dục cả nước (kể cả lương chính, mọi thứ phụ cấp, mọi khoản thù lao khác nhau, v.v.) và lấy tổng số đó chia cho tổng biên chế của ngành thì trung bình mỗi người được khoảng 1,7 triệu đồng/tháng; cộng thêm các khoản do người dân đóng góp thì phải đến 3 triệu/tháng mỗi người. Vậy nếu phân phối hợp lý và công bằng thì giáo viên tiểu học có thể 2-3 triệu/tháng, giáo sư đại học có thể 7-8 triệu/tháng – chứ đâu đến nỗi chỉ đủ sống mươi ngày như hiện nay. Báo chí đã liên tiếp phản ảnh tình trạng bế tắc của chính sách lương mới nhưng xem ra chuyện lương liên quan chặt chẽ với tham nhũng không chỉ vì tham nhũng khiến công quỹ thiếu tiền để trả lương đường hoàng, mà sâu sắc hơn, là vì chính chế độ lương này là một trong các phương tiện dung túng tham nhũng. Theo một tin trên báo “Sàigòn Giải phóng” mới gần đây (tháng 7/2005), thu nhập của nhiều giáo viên lại tụt so với trước, chứ không tăng, trong khi vật giá tăng đều, khiến đới sống của họ không được cải thiện mà càng thêm khó khăn do chính sách lương mới gọi là “cải cách tiền lương”.
© Thời Đại Mới
29-10-05 |