Số 6 - Tháng 11/2005
Vài câu hỏi về quan hệ giữa ngoại giao
Ngô Vĩnh Long
Nhiều người đã viết về ngoại giao của Việt Nam sau miền Nam Việt Nam được giải phóng. Và nhiều người cũng đã phân tích thành quả của công việc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong thập kỷ 1976-1986. Nhưng ít người đã cho biết rõ hai nhiệm vụ nầy có quan hệ mật thiết với nhau như thế nào và tương tác của nó ra sao. Trong cuốn sách về ngoại giao của Việt Nam có nhiều chi tiết nhất, ông Lưu Văn Lợi viết như sau: Nhưng ngay sau khi đã giải phóng miền Nam, chính phủ Pôn Pốt đã cho quân tiến đánh nhiều nơi ở miền Nam, đổ bộ lên đảo Phú Quốc, quần đảo Thổ Chu, báo hiệu chính sách thù địch của họ đối với nước ta. Tình hình biên giới Việt-Trung ngay càng thêm căng thẳng, báo hiệu một bước phát triển xấu của quan hệ Việt-Trung. Trong lúc đó tình hình miền Nam chưa ổn định. Hoàn cảnh lịch sử nói trên đòi hỏi toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu làm hai nhiệm vụ chiến lược: Một là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; Hai là sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hai nhiệm vụ đó có quan hệ mật thiết với nhau.[1] Nhưng ngoài việc trích một câu nói trong báo cáo của ông Lê Duẩn trước Đại Hội V của Đảng Cộng Sản Việt Nam là phải xây dựng chủ nghĩa xã hội thì mới có đủ sức bảo vệ vững chắc Tổ quốc và, ngược lại, đất nước phải luôn luôn được bảo vệ vững chắc thì mới có điều kiện xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, ông Lưu Văn Lợi không cho thêm một chi tiết nào về tương quan và tương tác của hai việc nầy trong những thập kỷ sau giải phóng. Và nếu chính sách thù địch của Pôn Pốt và quan hệ xấu với Trung Quốc đòi hỏi Việt Nam phải phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thì quan hệ đối với Mỹ có tác động ra sao? Ông Lưu Văn Lợi viết: Ta vẫn coi đế quốc Mỹ là kẻ thù cơ bản, lâu dài và nguy hiểm nhất, vẫn đề phòng Mỹ có kế hoạch hậu chiến. Ta kiên quyết đặt điều kiện về bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ là Mỹ phải thi hành thỏa thuận về đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh. Năm 1975-1976 Mỹ nói không thể bồi thường chiến tranh cho Việt Nam vì Việt Nam đã vi phạm Hiệp định Paris. Nhưng đầu năm 1977 sau khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Jimmy Carter coi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là một “biểu tượng” nhằm chấm dứt sự chia rẽ bên trong và phục hồi uy tín của Mỹ ở bên ngoài. Tháng 3 năm 1977 phái đoàn Woodcock sang Hà Nội để thăm dò khả năng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và cho rằng Việt Nam sẵn sàng bình thường hóa quan hệ không điều kiện với sự hiểu biết rằng sau khi quan hệ đã bình thường hóa thì Mỹ sẽ viện trợ. Tháng 5 rồi tháng 12 năm 1977, hai bên tiến hành đàm phán về vấn đề bình thường hóa quan hệ nhưng không đạt được sự thỏa thuận nào. Tuy vậy, Mỹ đồng ý không cản trở Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc. Nhưng từ giữa năm 1977, Quốc hội Mỹ thông qua luật cấm viện trợ cho Việt Nam. Quan hệ Việt-Mỹ ngày càng thêm trở ngại. Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm năm 1976-1980, Đại hội V đã viết: “Năng lực sản xuất của các ngành kinh tế được tăng cường một bước. Với việc phục hóa, khai hoang và tăng vụ, diện tích gieo trồng tăng thêm gần hai triệu ha, chúng ta đã cung ứng thêm cho nông nghiệp 18 nghìn máy kéo các loại, đưa tỷ lệ cơ giới hóa làm đất lên 25% diện tích gieo trồng. Sản xuất nông nghiệp phát triển rõ nhất từ năm 1979 đến nay….Tài sản cố định của Nhà nước năm 1980 tăng 10,2 tỷ đồng so với năm 1976.” [….] Trong những thành tựu rực rỡ của kế hoạch 5 năm 1976-1980, ngoại giao đã có phần đóng góp xứng đáng của mình, trong giai đoạn cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.[2] Các đoạn vừa trích ở trên làm cho người đọc không thể không đặt nhiều câu hỏi hầu được giải thích rõ ràng hơn. Trước hết, có phải chính phủ Việt Nam “vẫn coi đế quốc Mỹ là kẻ thù cơ bản, lâu dài và nguy hiểm nhất, vẫn đề phòng Mỹ có kế hoạch hậu chiến” không? Nếu thế thì Việt Nam “kiên quyết đặt điều kiện về bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ là Mỹ phải thi hành thỏa thuận về đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh” để làm gì? Để chứng tỏ rằng Mỹ đã phải công khai chịu trả giá để bình thường hóa với Việt Nam chăng? Hay là để khỏi bình thường hóa vì biết rằng một nước lớn như Mỹ không muốn bị mất mặt thêm nữa sau khi đã phải tháo chạy khỏi Việt Nam? Có phải trong những tháng đầu năm 1977 Tổng Thống Jimmy Carter cần bình thường với Việt Nam “nhằm chấm dứt sự chia rẽ bên trong và phục hồi uy tín của Mỹ ở bên ngoài” và hứa là sau khi bình thường hóa thì Mỹ sẽ viện trợ cho Việt Nam không? Nếu đây là hiểu biết của phía Việt Nam thì tại sao hai bên không đạt được sự thỏa thuận nào trong hai cuộc đàm phán tháng 5 và tháng 12 năm 1977? Có phải vì phía Việt Nam kiên quyết đặt điều kiện về viện trợ hay bồi thường chiến tranh chăng? Nếu có thì việc nầy có liên quan gì đến việc Quốc hội Mỹ thông qua luật cấm viện trợ cho Việt Nam không? Và những trở ngại trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ có liên quan ra sao đến “những thành tựu rực rỡ của kế hoạch 5 năm…trong giai đoạn cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội” mà tác giả cho là ngoại giao đã có phần đóng góp xứng đáng của mình? Có phải vì không có bình thường hóa quan hệ với Mỹ và không có viện trợ của Mỹ nên Việt Nam mới có thể đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và “bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” được chăng? Phần lớn những câu hỏi nầy sẽ được làm sáng tỏ nếu chính phủ Việt Nam công bố những hồ sơ về những quyết định và những chính sách bên trong lúc đó hay những người trong cuộc lúc đó chịu khó phân tích rõ ràng với nhiều chi tiết hơn. Trong bài nầy người viết chỉ có thể nêu lên một số sự kiện và đặt thêm một số câu hỏi mà hiện nay chưa có những câu trả lời rõ ràng hay những giải thích minh bạch. Trước hết là một số sự kiện về quan hệ Việt-Mỹ trong giai đoạn Kissinger còn làm ngoại trưởng và Gerald Ford làm Tổng Thống. Chỉ vài ngày sau khi miền Nam được giải phóng Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã gởi một thông điệp, qua trung gian Thụy Điển, cho Tổng Thống Ford nói rằng Việt Nam muốn có quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Trong thư đó Thủ Tướng Phạm Văn Đồng không hề đá động gì đến việc Mỹ phải “đóng góp hàn gắn vết thương” hay viện trợ.[3] Không những Mỹ không trả lời thư ông Phạm Văn Đồng mà ngày 14 tháng 5 năm 1975 Kissinger còn ra lịnh cho Bộ Ngoại Giao Mỹ bảo Bộ Tài Chính cấm vận miền Nam Việt Nam và Campuchia một cách ngặt nghèo nhất.[4] Ngay trong ngày 14 tháng 5 tờ Washington Star, một tờ báo bảo thủ ở Hoa Thịnh Đốn, đăng tin (trang 3) là Hà Nội muốn có quan hệ tốt với Mỹ và sẵn sàng chào đón một phái đoàn ngoại giao của Mỹ ở Sàigòn dưới một chính phủ miền Nam Việt Nam mới. Một lần nữa, không thấy tờ báo nầy đá động gì đến việc Việt Nam đòi viện trợ hay bồi thường chiến tranh. Chỉ đến ngày 22 tháng 5 năm 1975 Agence France Press mới có đưa tin rằng phía Việt Nam nói riêng (không rõ với trung gian nào) là nếu Mỹ chịu viện trợ cho Việt Nam để hàn gắn vết thương chiến tranh thì phía Việt Nam cho đó là bước đầu của việc bình thường hóa quan hệ. Và như ông Trần Quang Cơ, nguyên thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại Giao, viết trong hồi ký của ông: Vào quãng hơn một tháng sau khi giải phóng miền Nam, ta có nhờ Liên Xô chuyển cho Mỹ một thông điệp miệng: “Lãnh đạo VNDCCH tán thành có quan hệ tốt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Trên tinh thần đó, phia VN đã tự kiềm chế trong khi giải phóng, tạo cơ hội cho người Mỹ không bị cản trở trong việc tiến hành di tản nhân viên của họ. Phía Việt Nam đã cố gắng làm mọi sự cần thiết để không làm xấu đi quan hệ với Mỹ trong tương lai. Không có sự thù địch đối với Mỹ ở Việt Nam và VN cũng không muốn thấy như vậy ở phía Mỹ.”[5] Một lần nữa cũng không thấy thông điệp chuyển miệng nầy nhắc đến vấn đề viện trợ cho Việt Nam là một điều kiện để thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường. Vào ngày 4 tháng 6 năm 1975 tờ New York Times cho biết (trang 3) là ngày trước đó trong một báo cáo trước Quốc Hội Việt Nam ông Phạm Văn Đồng đã lập lại việc Việt Nam muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Nhưng lần nầy ông Đồng lại đặt điều kiện là Mỹ phải thi hành nghiêm chỉnh điều khoản 21 của Hiệp Định Paris thỏa thuận viện trợ kinh tế cho Việt Nam để hàn gắn vết thương chiến tranh. Ngày hôm sau Bộ Ngoại Giao Mỹ phản ứng một cách phẩn nộ là điều kiện ông Phạm Văn Đồng đưa ra rất mỉa mai vì Mỹ cho là phía Việt Cộng đã vi phạm Hiệp Định Paris nhiều hơn phía Mỹ trong giai đoạn 1973-1975.[6] Tuy vậy, theo ông Trần Quang Cơ, ngày 12 tháng 6 năm 1975 Mỹ vẫn gởi đến Sứ quán Việt Nam tại Paris bức thông điệp để đáp lại bức thông điệp miệng của Việt Nam do Liên Xô đã chuyển lại là: “Về nguyên tắc, Mỹ không thù hằn gì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đề nghị trên cơ sở đó tiến hành bất cứ quan hệ nào giữa hai bên (proceed on this basis in any relations between the two sides). Mỹ sẵn sàng nghe bất cứ gợi ý nào mà phía VNDCCH có thể muốn đưa ra”. Thông điệp này do Sứ quán Mỹ ở Pa-ri gửi tới Sứ quán ta, nội dung không nói rõ là của Bộ Ngoại Giao Mỹ ngay của cấp nào. Ngày 11.7.75, ta gửi thông điệp cho Mỹ, chủ yếu nhắc lại đoạn nói về Mỹ trong Báo cáo của Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh đọc trước Quốc hội ngày 4.6.75: “Việc Chính phủ Hoa Kỳ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, từ bỏ hoàn toàn sự can thiệp vào công việc nội bộ miền Nam Việt Nam, làm nghĩa vụ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng lại sau chiến tranh ở cả hai miền Việt Nam, sẽ tạo điều kiện thiết lập quan hệ bình thường giữa VNDCCH và Hoa Kỳ theo tinh thần Điều 22 Hiệp định Pa-ri về Việt Nam.”[7] Khoảng một tháng trước khi gởi thông điệp trên báo Nhân Dân có đăng một bài xã luận (và được truyền thanh rộng rãi ra nước ngoài) là nếu Mỹ không viện trợ kinh tế có cho cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam thì Việt Nam sẽ không cho Mỹ tìm kiếm những lính Mỹ mất tích ở Việt Nam.[8] Mỹ lập tức nắm lấy dịp nầy và công bố rằng phía họ sẽ không chịu bàn đến việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam nếu Việt Nam không “thực hiện một cách thỏa đáng” (satisfactory accounting) vấn đề lính Mỹ mất tích ở Việt Nam và không bãi bỏ trước điều kiện đòi hỏi viện trợ của Mỹ. Trong suốt 20 năm sau đó Mỹ kiên quyết giữ vững lập trường nầy cho đến khi Việt Nam đã làm đủ mọi cách để cho Mỹ hài lòng về vấn đề lính Mỹ mất tích ở Việt Nam và đến khi Việt Nam bằng lòng bỏ điều kiện đòi Mỹ phải viện trợ thì Mỹ mới chịu bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Nhưng đấy là chuyện sau nầy. Câu hỏi ở đây là việc gì đã xảy ra từ đầu tháng 5 cho đến đầu trung tuần tháng 7? Phía Việt Nam có thay đổi chính sách không? Nếu có thì vì những lý do gì? Có phải một trong những lý do đó là phản ứng đối với thái độ công khai của Mỹ đối với Việt Nam trong hai tháng trước đó không? Về thái độ của Mỹ thì sự kiện cấm vận chắc phải có ảnh hưởng quan trọng trong việc phản ứng của phía Việt Nam. Sau lệnh ngày 14 tháng 5 của Kissinger thì Bộ Thương Mại và Bộ Tài Chính Mỹ lập tức không cho công dân Mỹ gởi viện trợ nhân đạo cho cả hai miền Việt Nam. Chính sách cấm vận của Mỹ bây giờ còn ngặt nghèo hơn đối với miền Bắc trong thời gian chiến tranh. Công dân Mỹ xin phép gởi bút chì, phấn viết bảng, sợi len để đan áo lạnh cho trẻ em, hay dụng cụ làm chân tay giả đều bị từ chối, mặc dầu thuốc men và sữa bột thì được phép. Những người Việt di tản sang Mỹ cũng bị cấm không được gởi thư hay liên lạc với gia đình ở Việt Nam vì chính phủ Mỹ sợ họ gởi tiền về giúp gia đình. Khi Robert Miller, thứ trưởng ngoại giao, điều trần trước Quốc Hội và được hỏi là những việc cấm đoán nầy có liên hệ gì đến an ninh quốc phòng của Mỹ thì ông ta trả lời rằng: “Chúng tôi cho rằng việc đưa ra những hạn chế nầy là một hành động sáng suốt và có trật tự để theo dõi những những thái độ sắp tới của các chính quyền mới nầy đối với Mỹ và đối với công dân của họ”[9] Như thế thì việc cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng là hành động đánh phủ đầu. Hành động cấm vận phủ đầu này chưa bao giờ xảy trong lịch sử ngoại giao của Mỹ. Nhưng vì Mỹ cho là Việt Nam ngoan cố nên gần 20 năm sau Mỹ mới bãi bỏ cấm vận. Có hai điều rất quan trọng trong cuộc điều trần này. Một là, Mỹ tuyệt đối không nói gì đến vấn đề tù nhân chiến tranh và việc lính Mỹ mất tích (tiếng Mỹ viết tắt là: POW/MIA) ở Việt Nam cả vì Mỹ đã cho là vấn đề đó đã được giải quyết thỏa đáng. Hai là, việc cấm vận hoàn toàn được Kissinger chỉ đạo và không có quyết định của Tổng Thống Ford cũng như không có sự thông qua của Quốc Hội Mỹ. Luật sư của Bộ Ngoại Giao điều trần trước Quốc Hội rằng “Tổng thống không cần có quyết định” (nguyên văn: “No decision was required by the President”).[10] Ngoài việc đơn phương cấm vận Việt Nam, Mỹ còn không chịu cho các tổ chức quốc tế viện trợ Việt Nam và áp lực các đồng minh không viện trợ hay mua bán với Việt Nam.[11] Một sự kiện nữa sẽ giúp ta hiểu thêm thái độ và phản ứng của đôi bên. Sau khi miền Nam được giải phóng Việt Nam gởi hai phái đoàn quan sát viên đến Liên Hiệp Quốc, một đại diện miền Bắc và một đại diện miền Nam. Đến trung tuần tháng 7 năm 1975 hai đoàn nầy nộp đơn chính thức xin gia nhập Liên Hiệp Quốc như là đại diện của hai nhà nước khác nhau. Theo Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc lúc đó, ông Daniel Moynihan, thì Mỹ kịch liệt chống đối việc để cho “hai chính quyền mới nầy” được gia nhập Liên Hiệp Quốc vì nó sẽ biểu trưng cho sự thất bại nhục nhã của Mỹ và làm cho Mỹ mất mặt hơn. Nhưng đằng khác, Moynihan gởi một điện văn cho Nhà Trắng nói rằng nếu Mỹ phủ nhận việc xin gia nhập Liên Hiệp Quốc của hai chính phủ Việt Nam ngay thì thế giới sẽ cho rằng Mỹ có hành động thù hằn, mù quáng và sợ sệt và do đó sẽ làm cho thế giới khinh miệt Mỹ. Ông ta khuyên Nhà Trắng và Kissinger là nên đợi Hàn Quốc nộp đơn xin vào Liên Hiệp Quốc. Ông ta tin chắc rằng Hàn Quốc sẽ không đủ phiếu để đưa việc nầy lên Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc bàn cãi. Khi ấy Mỹ sẽ dựa cớ đó để phủ quyết việc hai miền Việt Nam xin vào Liên Hiệp Quốc. Đúng như dự đoán của Moynihan, ngày 29 tháng 7, hai tuần sau khi hai miền Việt Nam chính thức xin gia nhập Liên Hiệp Quốc, Hàn Quốc nộp đơn xin được là thành viên của Liên Hiệp Quốc. Ngày hôm sau Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không chịu để cho vấn đề Hàn Quốc được đưa ra để bàn, nhưng bỏ 12 phiếu thuận và một phiếu chống để cho đơn xin gia nhập của hai miền Việt Nam được cứu xét. Mỹ lập tức công bố sẽ bỏ phiếu phủ quyết đơn xin gia nhập của hai miềnViệt Nam với giải thích rằng Hoa Thịnh Đốn muốn việc gia nhập có “tính cách phổ quát” (universality) và vì thế không thể chịu đựng được tình trạng đơn xin gia nhập của Hàn Quốc bị bác bỏ trong khi đơn xin của hai chính phủ Việt Nam được chấp nhận. Moynihan giải thích là việc phủ quyết của Mỹ, không hơn không kém, là một hình thức tiếp tục chiến tranh với Việt Nam trên mặt trận ngoại giao.[12] Tháng 9 năm 1975, gần hai tháng sau khi Mỹ phủ quyết đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc của miền Bắc và miền Nam như là hai nhà nước khác nhau, Hội Nghị Trung Ương lần thứ 24 (khóa III) của Đảng Cộng Sản Việt Nam ra nghị quyết nói rằng “cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới.” Do đó, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn nầy là: “Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, miền Nam phải đồng thời tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.” Nghị quyết chỉ rõ việc trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội chủ nghĩa miền Nam “nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu” là xây dựng và củng cố hệ thống đảng và hệ thống chính quyền nhân dân.[13] Theo giải thích của ông Lê Văn Lợi “…sau ngày giải phóng, ở miền Nam chính quyền cách mạng chưa được củng cố, bộ máy cai trị của chính quyền thân Mỹ ở cấp tỉnh và cơ sở chưa bị xóa bỏ trên thực tế, hàng chục vạn nhân viên ngụy quyền và quân đội ngụy chưa được kiểm soát về hành chính. Đó là một tình hình không thể kéo dài. Cần phải thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.”[14] Câu hỏi được đặt ra ở đây là nếu từ giữa tháng 5 đến tháng cuối tháng 7 năm 1975 Mỹ đã bằng lòng đàm phán việc thiết lập quan hệ với hai miền Việt Nam như phía Việt Nam đã đề nghị, hay nếu Mỹ đã không phủ quyết việc hai miền nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc như hai nhà nước riêng biệt thì Đảng Cộng Sản Việt Nam có ra nghị quyết “hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” như nghị quyết 24 đã nói hay không? Tại sao giữa tháng 5 Việt Nam đã đề nghị là sẵn sàng tiếp đón một phái đoàn ngoại giao của Mỹ đến Sàigòn dưới một chính phủ miền Nam mới thì đến tháng 9 Việt Nam lại cho sự đe đọa lớn cho vấn đề an ninh đất nuớc là “bộ máy cai trị của chính quyền thân Mỹ ở cấp tỉnh và cơ sở chưa bị xóa bỏ trên thực tế, hàng chục vạn nhân viên ngụy quyền và quân đội ngụy chưa được kiểm soát về hành chính”? Có phải vì thái độ cứng rắn của Mỹ trong mấy tháng trước đó làm cho Việt Nam sợ là Mỹ sẽ dùng những người trong “bộ máy cai trị của chính quyền thân Mỹ” cũ để thi hành “chiến lược hậu chiến” của Mỹ chăng? Nhưng sao lại “ở cấp tỉnh và cơ sở”? Thiết tưởng sức mạnh chủ yếu của cách mạng là ở các cấp nầy suốt trong thời gian chiến tranh và vì thế mới có thể chống cự với Mỹ và các chính quyền Sàigòn một cách kiên cường để rồi đi đến toàn thắng được chứ? Lý do gì mà cơ sở cách mạng ở các cấp nầy lại có thể suy yếu nhanh chóng sau giải phóng đến nỗi trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội chủ nghĩa miền Nam “nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu” là xây dựng và củng cố hệ thống đảng và hệ thống chính quyền nhân dân? Mãi cho đến nay cũng chưa có ai trả lời cho rõ ràng các câu hỏi vừa nêu ra phía trên. Chỉ biết Nghị quyết 24 đã chủ trương là để cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội chủ nghĩa miền Nam thì phải xóa bỏ “giai cấp tư sản mại bản” và “triệt để xóa bỏ tàn dư của chế độ thực dân và phong kiến về ruộng đất.” Sau đó, theo nghiên cứu của một số chuyên gia về kinh tế Việt Nam trong các cơ quan Đảng và Nhà nước tại Hà Nội, với hàng lọat nghị quyết, quyết định và chỉ thị khác, Đảng nhấn mạnh: trong điều kiện sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp đã bước đầu phát triển và từ lâu đã gắn chặt với guồng máy thương nghiệp tư bản chủ nghĩa ở thành thị, trung nông chiếm một tỷ lệ lớn về ruộng đất và tư liệu sản xuất ở nông thôn…, phải kết hợp chặt chẽ cải tạo nông nghiệp với cải tạo công thương nghiệp tư doanh; phải trên cơ sở tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện, xây dựng huyện thành cơ cấu kinh tế nông-công nghiệp mà tiến hành hợp tác hóa (kết hợp với thủy lợi hóa và từng bước cơ giới hóa nông nghiệp). Trong bước thí điểm, mô hình hợp tác xã ở miền Bắc đã được đưa vào áp dụng ở các tỉnh phía Nam.[15] Như thế, muốn cải tạo nông nghiệp và nông thôn miền Nam thì phải cải tạo công thương nghiệp tư doanh ở thành thị để trung nông không còn có liên hệ chặt chẽ với “guồng máy thương nghiệp tư bản chủ nghĩa ở thành thị” nữa. Tại sao thế? Tại vì nếu để trung nông là người có sản xuất dư thừa nhiều nhất tiếp tục liên hệ chặt chẽ với tư bản ở thành thị thì chính phủ sẽ khó có thể thu mua lúa gạo và các nông phẩm khác để cung cấp cho nhân viên trong bộ máy Nhà nước, quân đội, và nhân dân thị thành. Đây là một trong những lý do mà “Chiến Dịch X-1” bắt đầu sáng tinh mơ ngày 11 tháng 9 năm 1975 với nhiều đơn vị của các lực lượng công an, cảnh sát, quân đội, và cán bộ địa phương ruồng bố bất ngờ các nhà cửa và cơ ngơi của “tư sản mại bản” tại Sài Gòn, Chợ Lớn và 17 tỉnh thành khác. Chiến dịch nầy kéo dài đến tháng 12 năm 1976 mới kết thúc. Báo Vietnam Courier, tập san hàng tháng của Bộ Ngoại Giao do Nhà Xuất Bản Ngoại Văn ấn hành, viết trong số tháng 11 năm 1975 (trang 10) rằng chiến dịch nầy là “một sự tiếp tục tiến hành có lô gích của chiến dịch quân sự và chính trị chống chính quyền bù nhìn mà đế quốc Mỹ đã dựng lên.”[16] Trong thời gian đầu của chiến dịch X-1, 670 chủ hộ tại khu vực Sài Gòn-Chợ lớn và 17 tỉnh thành bị cho là tư sản mại bản và tài sản của họ bị tịch thu. Vì 70% trong số nầy là người Việt gốc Hoa, Trung Quốc tố Việt Nam là kỳ thị người Hoa và vì thế gây thêm căng thẳng trong quan hệ hai nước. Sau đó chính phủ Việt Nam xét lại và thấy nhiều người bị liệt kê là tư sản mại bản chỉ là “tư sản quốc gia” nên con số 670 được điều chỉnh xuống còn 159 người, trong đó 117 người là người Hoa. Trong khi đó thì tư sản đã biết trước là sẽ có một cuộc cải tạo nên họ đã phân tán tài sản và tiền bạc của họ cho người thân và các bạn hàng của họ.[17] Còn ở nông thôn thì địa chủ đã bỏ lên thành từ lâu và đất đai của họ phần lớn đã được cách mạng đem chia cho nông dân trong suốt thời gian chống Mỹ rồi nên báo Nhân Dân kết luận trong số ngày 1 tháng 12 năm 1975 là không cần có cải cách ruộng đất ở miền Nam chỉ cần “điều chỉnh” một số ít đất đai dư thừa của tư bản nông thôn và phú nông cho nông dân nghèo không có đất trồng trọt mà thôi. Về việc nầy một số chuyên viên kinh tế của chính phủ có nhận định như sau: Cuối năm 1975, tình hình ruộng đất ở các tỉnh phía Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Gần 6 triệu nông dân phiêu tán trong chiến tranh nay đã trở về quê hương bản quán; số tá điền không ruộng đất khá nhiều. Nhu cầu ruộng đất trở nên nóng bỏng; hiện tượng tranh chấp ruộng đất trở thành một vấn đè xã hội gay gắt, đặc biệt ở Nam Bộ. Trước tình hình đó, Đảng ta đã chủ trương tiến hành điều chỉnh ruộng đất, coi đó là bước chuẩn bị để đưa nông dân phía Nam đi dần vào con đường tập thể hóa.[18] Về vấn đề tập thể hóa các tỉnh phía Nam thì trong năm 1975 chính phủ vẫn còn rất dè dặt và chỉ cổ động xây dựng tập đoàn sản xuất. Theo thống kê chính thức thì ở Nam Bộ đến cuối năm 1975 đã có 12.246 tập đoàn. Nhưng theo kết luận của các chuyên viên vừa trích ở trên: “Song, do nhiều nơi làm ồ ạt, gò ép, thiếu chuẩn bị nên các tập đoàn sản xuất không vững chắc, hoạt động ít hiệu quả: 6000 tập đoàn sau khi thành lập hoạt động cầm chừng, 4000 tập đoàn sau vụ sản xuất gặp thiên tai nặng đã lần lượt tan vỡ.”[19] Mặc dầu có những khó khăn trong việc điều chỉnh ruộng đất và xây dựng tập đoàn sản xuất kể trên, đến năm 1976 khoảng một triệu héc-ta đất đai trồng đã được phục hóa. Do đó, trong hai năm 1976 và 1977 sản xuất lương thực và thực phẩm đã tăng một cách đáng kể. Năm 1976 tổng sản lượng lương thực quy ra thóc là 7,1 triệu tấn, hay tăng 22 phần trăm so với tổng sản lượng trung bình của toàn thời kỳ sản xuất cao nhất trước chiến tranh (1961-1965). Tổng sản lượng trung bình của thời kỳ nầy là 5,2 triệu tấn mỗi năm. Năm 1977 tuy có nhiều thiên tai phá hại mùa màng, tổng sản lượng vẫn đạt được 6,8 triệu tấn, tức là tăng khoảng 17% so với sản lượng trung bình hàng năm của thời kỳ 1961-1965.[20] Tuy sản xuất lương thực, thực phẩm tăng trong hai năm 1976-1977, chính phủ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thu mua. Năm 1976 tổng số thu mua của chính phủ là 950.000 tấn và năm 1977 là 790.000 tấn. Một trong những lý do thu mua được ít là chính sách thuế lúc ấy nói rằng chính phủ không bắt nông dân đóng thuế phần lương thực mà họ giữ lại cho gia đình tiêu dùng, chỉ bắt họ đóng thuế lũy thừa trên số lương thực dư thừa mà họ bán ra thị trường mà thôi. Ví dụ như ai có lương thực dư mà bán ra thị trường thì phải đóng 8% thuế trên mỗi 200 đến 250 ký lương thực quy thóc. Phần lớn nông dân nghèo không có lương thực dư thừa để bán. Phần lớn lương thực dư thừa là do trung nông sản xuất. Nhưng vì thu thuế không đủ nên chính phủ phải mua lương thực thực phẩm với giá thị trường để bán lại cho dân chúng thành thị và nhân viên của các cơ quan chính phủ với giá bao cấp chỉ bằng 1 phần 5 của giá thị trường hay ít hơn. Vì thế, chính phủ càng ngày càng thiếu tiền để mua và để bù lỗ.[21] Khó khăn trong việc sản xuất và thu mua lương thực thực phẩm năm 1977 một phần cũng vì Campuchia tăng cường xung đột với Việt Nam và vì quan hệ Việt-Trung lại càng căng thẳng hơn. Tháng giêng năm 1977 quân của Pôn pốt tấn công qua 6 tỉnh trong 7 tỉnh dọc biên giới và giết hại rất nhiều thường dân. Tháng 4 năm đó quân Pôn pốt tiếp tục tấn công và giết hại thường dân như thế nữa. Hậu quả là nhiều dân chúng trong các tỉnh nầy bỏ ruộng làng tránh đi nơi khác và những người trong các khu kinh tế mới bỏ chạy về Thành Phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lỵ khác. Theo một nhà nghiên cứu nước ngoài, giáo sư D. R. SarDesai của Đại Học California tại thành phố San Diego, sở dĩ Campuchia dám đánh Việt Nam như thế là vì có sự ủng hộ và xúi dục của Trung Quốc. Giáo sư nầy cho biết là từ năm 1975 đến năm 1978 Trung Quốc cung cấp cho Campuchia súng đại bác, súng cối, súng bazôka, súng đại liên, súng trung liên, vũ khí khác các loại, xe cộ và xăng dầu đầy đủ để trang bị cho một đội quân hai trăm ngàn người. Trung quốc cũng viện trợ Campuchia một khoảng tiền rất lớn, nhưng không biết chính xác là bao nhiêu, ngoài một tỷ đô la mà Trung Quốc đã hứa cho khi ông Sihanouk trở về Phnom Penh năm 1975. Thêm vào đó thì Trung Quốc đã gởi khoảng mười ngàn cố vấn và chuyên gia quân sự sang Campuchia để hổ trợ và rèn luyện quân đội Pôn pốt. Ngược lại, đối với Việt Nam thì Trung Quốc cắt hết các nguồn viện trợ vì Việt Nam không chịu nghe theo đề nghị của Trung Quốc là hai nước cùng nhau lên án bá quyền của Liên Xô. Ông SarDesai viết thêm: “Trung Quốc cũng không vì những lý do nhân đạo mà có một hành động đặc biệt. Vì thế khi Việt Nam bị thiếu thực phẩm trầm trọng trong những năm 1976-1977 vì thiên tai, Trung Quốc không có gởi một hạt lương thực nào qua biên giới phía nam. Ngược lại, Liên Xô cung cấp 450.000 tấn thực phẩm trong tổng số 1,6 triệu tấn mà các cơ quan nước ngoài gởi gấp sang cho Việt Nam.”[22] Vì không có viện trợ của Trung Quốc, Nhà nước Việt Nam thiếu những hàng tiêu dùng cần thiết để trao đổi lương thực thực phẩm của nông dân, gây khó khăn thêm trong việc thu mua để cung cấp cho thành thị và cán bộ nhân viên. Trong khi tình hình trong nước và quan hệ với Trung Quốc càng ngày càng khó khăn như kể trên thì đảng Dân Chủ bên Mỹ thắng trong cuộc tranh cử tổng thống. Sau khi vào Nhà Trắng Tổng Thống Jimmy Carter muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam vì một số lý do, trong đó có việc ổn định tình hình khu vực Đông Nam Á. Sau một số thăm dò từ phía Mỹ, cuộc đàm phán Mỹ-Việt bắt đầu từ tháng 5 năm 1977. Tóm tắt sau đây của nguyên Thứ Trưởng Ngoại Giao rất sát thực với những tài liệu chính thức của Mỹ cũng như những nhận định của các nhà nghiên cứu nước ngoài: Cuộc đàm phán diễn ra khá lâu, phải qua 3 vòng đàm phán trong tháng 5, tháng 6 và tháng 12 năm 1977. Địa điểm luân phiên ở đại sứ quán ta và đại sứ quán Mỹ tại Pháp. Trong đàm phán vòng 1 (ngày 3-4/5/1977), lập trường của Mỹ là hai bên thiết lập ngoại giao đầy đủ ngay và vô điều kiện, còn những vấn đề khác giữa hai bên để lại giải quyết sau; Mỹ sẽ không cản Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc. Còn về điều 21 [của Hiệp định Pa-ri về ngưng chiến tranh ở Việt Nam], Mỹ có khó khăn về pháp luật nên không thực hiện được, hứa sẽ thực hiện khi đã có quan hệ, bỏ cấm vận buôn bán và xét viện trợ nhân đạo. Theo chỉ thị đã nhận trước khi đi, ta kiên quyết đòi phải giải quyết “cả gói” 3 vấn đề: ta và Mỹ bình thường hóa quan hệ (bao gồm cả việc bỏ cấm vận và lập quan hệ ngoại giao đầy đủ), ta giúp Mỹ giải quyết vấn đề MIA và Mỹ viện trợ 3,2 tỷ đô-la cho Việt Nam như đã hứa hẹn trước đây. Trở ngại lớn nhất cho việc bình thường hóa quan hệ là việc ta đòi Mỹ viện trợ 3,2 tỷ đô-la cho ta vì Quốc hội Mỹ khi đó dứt khoát không chấp nhận viện trợ làm điều kiện cho việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ngày 2-3/6, đàm phán vòng 2, Mỹ nêu lại các đề nghị hồi tháng 5. Ngày 19/7/1977, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Mỹ rút bỏ việc phủ quyết Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc. Sau vòng 2, anh Phan Hiền đã bay về Hà Nội báo cáo và xin chỉ thị, thực chất là đề nghị trên nên có thái độ thực tế và đối sách mềm dẽo hơn, nhưng nghe nói cả 4 vị lãnh đạo chủ chốt của ta lúc đó [các ông Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng] đều nhất trí lập trường trên. Trước đòi hỏi kiên quyết của ta, tại vòng 3 (19-20/12/1978), Mỹ đề nghị nếu chưa thỏa thuận được về thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ thì có thể lập Phòng Quyền lợi (Interest section) ở thủ đô hai nước, nhưng như vậy thì chưa bỏ cấm vận được. Sau khi có Phòng Quyền lợi thì sẽ tùy tình hình mà xét bỏ cấm vận, song ta vẫn giữ lập trường cứng nhắc đòi giải quyết “cả gói” 3 vấn đề. Rõ ràng năm 1977 chính quyền Carter thực sự muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và năm 1977 đã có khả năng thực tế để ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ nhưng ta đã bỏ qua.[23] Không thấy ông Trần Quang Cơ nói tại sao Việt Nam vẫn giữ lập trường cứng nhắc đòi giải quyết “cả gói” và vì thế đã bỏ ra cơ hội rất hiếm hoi để bình thường hóa với Mỹ kể trên. Vì “cái khó bó cái khôn” chăng? Hay vì lý do “ý thức hệ” và “kiêu ngạo của người chiến thắng” như một số nhà bình luận nước ngoài đã từng nói? Hay là vì áp lực của ai phía ngoài? Chỉ biết nhận xét sau đây của ông Trần Quang Cơ về hệ quả của chính sách đối ngoại Việt Nam trong thời điểm kể trên rất sát thực: Việc ta từ chối đề nghị “bình thường hóa quan hệ không điều kiện” của Mỹ, làm cao trước việc ASEAN ngỏ ý muốn Việt Nam tham gia tổ chức nầy [từ năm 1976 vì Việt Nam cho khối nầy phục vụ quyền lợi và mưu đồ của Mỹ], đã đưa lại những hệ quả vô cùng tai hại cho nhân dân ta và đất nước ta. Liệu Trung Quốc có dám tiếp tay cho bọn diệt chủng Polpot khiêu khích ta và có dám đánh ta năm 1979 nếu như Việt Nam sau Chiến thắng 1975 có một chiến lược “thêm bạn—bớt thù” thực sự cầu thị hơn? Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và việc gia nhập khối ASEAN mãi ngót 20 năm sau (1995) ta mới thực hiện được một cách khá chật vật.[24] Đứng trước tình trạng rất khó khăn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh kể trên, tháng 3 năm 1978 chính phủ Việt Nam khởi sự “chiến dịch X-2” để “xóa bỏ tư sản thương nghiệp.” Lý do chánh được đưa ra trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước lúc đó là để củng cố khả năng điều phối hàng hóa của chính phủ. Nhưng vì tư sản thương nghiệp đã đề phòng và đã phân tán hàng hóa, tài sản và tiền bạc của họ trước tháng 3 năm 1978, không những chính phủ không đạt được những kết quả mong muốn mà những người tư sản nầy vẫn có thể tiếp tục cạnh tranh với chính phủ trong việc thu mua lương thực thực phẩm. Thêm vào đó là vì nhiều người tư sản nông nghiệp là người Hoa, Trung Quốc lấy cớ Việt Nam ngưng hầu hết các liên hệ mua bán với Việt Nam. Như đã nói ở phía trên, những hàng tiêu dùng từ Trung Quốc (như bình thủy, xe đạp, quạt máy, sữa hộp, và vải vóc) là những thứ rất cần để dùng trao đổi với nông dân. Như vậy, để có thể thu mua, năm 1978 và 1979 chính phủ thực hiện chính sách “nghĩa vụ lương thực” và “hợp đồng hai chiều”, bắt nông dân bán cho chính phủ một số lương thực nhất định với giá chính thức và ngược lại chính phủ cũng bán cho nông dân một số mặt hàng nhất định như phân bón, thuốc trừ sâu và xăng dầu với giá bao cấp. Nhưng vì thiếu sự hợp tác của nông dân, nhất là thành phần trung nông, cuối cùng Nhà nước thu mua chỉ được có 457 ngàn tấn năm 1978 và 398 ngàn tấn năm 1979. Tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Hậu Giang thu mua của chính phủ bị giảm đến 4 lần.[25] Ngày 14 tháng 4 năm 1978 Bộ Chính Trị cũng đã ra Chỉ thị 43-CT/TW “Về việc nắm vững và đẩy mạnh công tác cải tạo nông nghiệp miền Nam.” Và theo một số chuyên gia kinh tế Thi hành chỉ thị 43 của Bộ Chính trị, tháng 5 năm 1978, Ban cải tạo nông nghiệp miền Nam đã phối hợp với Tổng cục thống kê và các ngành có liên quan, tổ chức điều tra tình hình sở hữu tư liệu sản xuất, lao động của các tầng lớp nông dân ở 12 điểm thuộc một số tỉnh Nam Bộ… Trên cơ sở đánh giá tình hình nông thôn miền Nam qua cuộc điều tra của Ban cải tạo nông nghiệp và phân tích kết quả vận động nông dân miền Nam vào con đường làm ăn tập thể, ngày 15 tháng 11 năm 1978, Bộ Chính Trị đã ra Chỉ thị 57-CT/TW “Về việc xóa bỏ các hình thức bóc lột của phú nông, tư sản nông thôn và tàn dư bóc lột phong kiến, thật sự phát huy quyền làm chủ tập thể của nông dân lao động, đẩy mạnh công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở các tỉnh miền Nam.” Từ cuối năm 1978 đến cuối năm 1980, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, theo tư tưởng chỉ đạo của Đảng, đã được đẩy mạnh ở các tỉnh phía Nam. Tính đến tháng 7 năm 1980, toàn miền đã xây dựng được 1.518 hợp tác xã, 9.350 tập đoàn sản xuất, thu hút 35,6% số hộ nông dân vào con đường làm ăn tập thể. Nét nổi bật của các hợp tác xã và các tập đoàn sản xuất các tỉnh phía Nam là tỷ lệ tập thể hóa các tư liệu sản xuất cao, chiếm 50% đến 90% diện tích đất canh tác, 60% sức kéo. Về cơ cấu thành phần xã viên, tuyệt đại bộ phận là nông dân nghèo, ít ruộng đất và công cụ sản xuất, do đó, tuy trong một hợp tác xã, tỷ lệ tập thể hóa tư liệu sản xuất rất cao, nhưng tính chung trong phạm vi một địa phương thì tỷ lệ đó còn rất thấp.[26] Nói cách khác, đoạn cuối cùng của các câu vừa trích ở trên có nghĩa là phần lớn phú nông và trung nông không gia nhập các hợp tác xã và các tập đoàn sản xuất. Trên thực tế, không những họ không gia nhập mà còn có những phản ứng tiêu cực như phá hủy máy móc, nông cụ, giết thịt trâu bò, và bỏ hoang nhiều đất trồng trọt. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng bi đát nầy là vì mô hình hợp tác xã miền Bắc đã gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn hợp tác xã tập trung, năm1966-1975. Trong giai đoạn nầy sản xuất lương thực bình quân đầu người chỉ có 252 kí một năm so với sản xuất bình quân đầu người một năm là 305 kí trong giai đoạn 1961-1965. Trong khi đó thì chi phí sản xuất tăng bình quân là 75% trong giai đoạn 1971-1975 và thu nhập bình quân đầu người giảm. Chăn nuôi giảm 10% mỗi năm. Trong giai đoạn nầy các chuyên gia kinh tế đã kết luận rằng tình trạng nông nghiệp còn bì đát hơn nữa và hậu quả xã hội đã có thể rất trầm trọng nếu chính phủ đã không có viện trợ từ nước ngoài để chi cho nông nghiệp và hỗ trợ nông dân.[27] Theo các chuyên gia kinh tế thì nhiều điều tra của các cơ quan chính phủ từ năm 1971 ở mấy ngàn hợp tác xã đã cho biết: --Diện tích gieo trồng bị giảm sút trông thấy. --Chi phí sản xuất tăng vọt, vượt quá mức thu nhập. --Sản xuất lương thực trong các hợp tác xã dẫm chân tại chỗ, bình quân lương thực tính theo đầu người giảm đi, thu nhập của xã viên ngày càng thấp. --Tệ nan tham ô, lãng phí và hiện tượng thất thoát, hư hao tiền vốn, vật tư ở hợp tác xã tăng lên đến mức nghiêm trọng.[28] Nếu những người làm chính sách miền Bắc đã biết rõ những biểu hiện yếu kém của hợp tác xã miền Bắc từ lâu thì tại sao họ lại đẩy phong trào hợp tác hóa ở miền Nam từ cuối năm 1978 trở đi? Theo các chuyên viên kinh tế thì mặc dầu trong giai đoạn 1965-1975 hợp tác xã miền Bắc đã biểu hiện yếu kém nói trên, phong trào hợp tác hóa ở đây đã giúp mở rộng hệ thống phúc lợi xã hội (nhà trẻ, trạm xá, trường học) và Nguyên tắc phân phối bình quân được đề cao, cùng với sự hỗ trợ to lớn của nhà nước về tài chính (cấp tiền cho những gia đình có người đi bộ đội, thương binh, liệt sỹ) và về lương thực thực phẩm đã tạo ra được một tình thế ổn định ở hậu phương. Trong 10 năm này, nông thôn miền Bắc đã cung cấp cho chiến trương 2 triệu lao động trẻ khỏe, đóng góp hàng triệu ngày công cho quốc phòng.[29] Nếu đây là bài học lớn rút ra từ phong trào hợp tác hóa miền Bắc thì chắc không phải là một sự ngẫu nhiên mà Bộ Chính Trị ra chỉ thị ngày 15 tháng 11 năm 1978 về hợp tác hóa miền Nam sau khi quân Campuchia đánh sang các tỉnh biên giới nhiều lần năm 1977 và tiếp tục tấn công đánh phá đến gần cuối năm 1978. Mặc dầu phía Việt Nam nhiều lần đề nghị hai bên gặp nhau để đàm phán, chính quyền Pôn pốt một mặc từ chối. Và đến ngày 31 tháng 12 năm 1977 đã đơn phương cắt đứt quan hệ với Việt Nam. Vào khoảng giữa năm 1978 Việt Nam cũng biết là Mỹ đã xếp lại việc muốn lập quan hệ với Việt Nam. Ông Trần Quang Cơ đã có nhận định rất đúng khi ông viết: Cho đến khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố “Trung Quốc là NATO của phương Đông” và “Việt Nam là Cuba của phương Đông” (19/5/1978) và Brzezinski [cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ] đi thăm Trung Quốc (20/5/78) thì chính quyền Carter đã chọn đường bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và gác sang bên việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.[30] Mặc dầu biết như thế nhưng phía Việt Nam vẫn còn có hi vọng mỏng manh là nếu Việt Nam cho Mỹ biết là mình đã chịu bỏ điều kiện viện trợ và hứa sẽ giúp Mỹ hết lòng trong việc giải quyết vấn đề MIA thì Mỹ sẽ đổi ý. Trong tháng 7 năm 1978 Việt Nam lặp đi lặp lại đề nghị nầy nhiều lần qua trung gian của nhiều nước, nhưng phía Mỹ cứ lơ đi.[31] Ngày 31 tháng 7 Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói với một đoàn Mỹ do Thượng Nghị Sĩ Kennedy dẫn đầu là Việt Nam không những bỏ điều kiện đòi viện trợ và muốn bình thường hóa với Mỹ mà muốn thật sự được làm bạn với Mỹ.[32] Sau khi về nước Thượng Nghị Sĩ Kennedy kêu gọi Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, xóa bỏ cấm vận đối với Việt Nam , và cho Việt Nam viện trợ “theo truyền thống nhân đạo của nước chúng ta” (according to the humanitarian traditions of our country).[33] Cuối cùng ngày 22 và ngày 27 tháng 9 năm 1978 Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch gặp Thứ Trưởng Richard Holbrook tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước để đàm phán việc bình thường hóa. Theo hồi ký của Zbigniew Brzezinski, ngày 28 tháng 9 Ngoại Trưởng Cyrus Vance gởi một báo cáo cho Tổng Thống Carter nói rằng sau khi bầu cử Quốc Hôị xong vào đầu tháng 11 thì Hoa Thịnh Đốn nên bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Nhưng Brzezinski chống kịch liệt và đến ngày 11 tháng 10 đã thuyết phục được Carter bỏ ý định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.[34] Brzezinski rất hãnh diện với thành tích nầy và sau đó khoe với nhà báo Nayan Chanda là: “Tôi bắn rơi đề nghị đó [đề nghị của Vance.][35] Đến cuối tháng 10 Mỹ đưa ra 3 điều kiện tiên quyết mà Mỹ biết Việt Nam không thể nào thi hành được trong hoàn cảnh lúc bấy giờ: Một là Việt Nam phải giải quyết một cách thỏa mãn tình trạng chiến tranh sắp nổ ra với Campuchia; hai là Việt Nam phải cắt hết mọi quan hệ với Liên Xô; và ba là Việt Nam phải chặn các làn sóng dân di tản tư nước mình.[36] Ngược lại, vì sợ bị đánh gọng kềm từ Trung Quốc xuống và từ Campụchia qua mà không có ai giúp đỡ, đầu tháng 11 năm 1978 Việt Nam ký hiệp ước hữu nghị và tương trợ với Liên Xô. Ngày 15 tháng 12 năm 1978 Mỹ tuyên bố lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Ngày 25 tháng 12 Việt Nam đánh vào Campuchia để giải tỏa gọng kềm và nói rằng để chống bọn diệt chủng Pôn pốt và giải cứu nhân dân Campuchia. Cuối tháng giêng năm 1979 Đặng Tiểu Bình sang thăm Mỹ và tuyên bố là sẽ “dạy Việt Nam một bài học” và muốn Mỹ “ủng hộ tinh thần” trong quyết định đó. Một lần nữa Brzezinski cho biết là ông ta sợ Ngoại Trưởng Vance khuyên tổng thống Mỹ bảo Đặng Tiểu Bình đừng dùng vũ lực nên Brzezinski cố gắng thuyết phục Carter ủng hộ quyết định của Đặng Tiểu Bình. Để che đậy việc nầy và để khỏi mang tiếng, ngày 31 tháng giêng Carter đưa cho Đặng Tiểu Bình một lá thư viết tay trong đó nói tại sao văn phòng tổng thống Mỹ không đồng ý việc Trung Quốc sắp đánh vào Việt Nam.[37] Theo nhận định của ông Trần Quang Cơ:
Trong khi cuộc chiến ở Campuchia và việc đối đầu với Trung Quốc cần thêm sức người và sức của thì phong trào hợp tác hóa lại gây thêm khó khăn kinh tế và xã hội. Theo nhận định của một số chuyên viên kinh tế: Trong giai đoạn những năm 1976-1980, trong khi ở miền Bắc, mô hình hợp tác xã nông nghiệp theo kiểu tập trung, qui mô lớn đã phát triển đến mức cao nhất và lâm vào tình trạng khủng hoảng, thì mô hình ấy đã được đem áp dụng vào các tỉnh phía Nam—môi trường kinh tế-xã hội có nhiều khác biệt với miền Bắc… Nhìn chung trên phạm vi cả nước, trong những năm 1976-1980, đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp không ngừng tăng lên, nhưng năng xuất lúa, sản lượng lương thực giảm đến mức thấp nhất. Nhà nước trong điều kiện vốn ít đã phải nhập khẩu lương thực ngày càng lớn. Đến lúc này, sự khủng hoảng không chỉ diễn ra trong các hợp tác xã nông nghiệp mà ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế quốc dân. Thực tiển khắc nghiệt đòi hỏi nông nghiệp phải tìm chọn một hướng đi mới.[39] Hướng mới là hàng loạt nghị quyết và chỉ thị từ tháng 9 năm 1979 (“Nghị quyết 6”của hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp Hành Trung Ương khó IV) đến năm 1986 nhằm từng bước cải tiến cơ chế quản lý hợp tác xã nông nghiệp nói riêng và nông nghiệp nói chung. Mặc dầu trên thực chất hợp tác xã các tỉnh phía Nam, đặc biệt là ở Nam Bộ, đã tan rã, Đảng và Nhà nước Việt Nam không dám công nhận việc đó và vẫn muốn cứu với chế độ hợp tác xã để rút sức người sức của phục vụ chiến tranh. Nhưng nhờ một số cơ chế mới, đặc biệt là “khoán mới” hay là “cơ chế khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động”, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam có một bước tiến đáng kể nữa đầu thập kỷ 80:
Nhưng cơ chế khoán sản phẩm sau một thời gian phát huy tác dụng đã bộc lộ nhưng hạn chế và nền kinh tế nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vì tác động của chiến tranh bên Campuchia và cấm vận của Mỹ. Trong bối cảnh đó, tháng 12 năm 1986 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI được triệu tập, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và tinh thần “đổi mới.” Theo nhận định của ông Trần Quang Cơ:
Cũng trong những năm 1986-1988, cuộc khủng hoảng kinh tế--xã hội nước ta lên tới đỉnh cao. Trước thúc bách của hoàn cảnh thế giới và trong nước như vậy, về đối ngoại, Đảng đã quyết định chuyển sang một giai đoạn đấu tranh mới trong cùng tồn tại hòa bình với Trung Quốc, ASEAN, Mỹ để nhanh chóng phục hồi kinh tế, phát triển trong hòa bình.[41] Quyết định trên có thể coi là cái mốc khởi đầu cho một quá trình cải cách (đổi mới) căn bản hơn trước. Ngày 5 tháng 4 năm 1988 Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng đã họp và ra nghị quyết “về quản lý kinh tế nông nghiệp” (gọi tắt là “Nghị Quyết 10”). Nghị quyết nầy có một số quan điểm mới: hợp tác xã là đơn vị kinh tế tự chủ, tự quản và hộ gia đình xã viên là đơn vị nhận khoán với hợp tác xã. Cơ chế quản lý hợp tác xã có 3 nội dung chủ yếu mới: giao khoán ruộng đất ổn định dài hạn khoảng 10-15 năm; hộ được quyền tự chủ đầu tư thâm canh phát triển sản xuất theo kế hoạch định hướng của hợp tác xã; hộ xã viên được hưởng trên dưới 40% sản lượng khoán. Theo nhận định của một số chuyên gia: Mặt trận lương thực những năm sau Nghị Quyết 10 có một bước ngoặc giàu ý nghĩa. Nếu năm 1987 cả nước đạt 17,5 triệu tấn lương thực quy thóc, thì năm 1988 đạt 19,58 triệu tấn, và đến 1989 đạt tới 20,5 triệu tấn (tăng 2 triệu tấn so với năm 1987)…. Đã có 6 tỉnh đạt sản lượng trên 1 triệu tấn năm. Từ một quốc gia thiếu lương thực triền miên, đến cuối thập kỷ 80, nước ta đã vươn lên hàng các nước xuất khẩu gạo. Kim ngạch xuất khẩu gạo chiếm vị trí đáng kể trong tổng giá trị xuất khẩu của nền kinh tế. Việc cung ứng lương thực cho toàn xã hội tương đối bình ổn và đã có dự trữ…. Việc giải phóng, phát huy vai trò hộ nông dân, đã tạo ra một phong trào nông dân tận dụng đất đai, phát triển vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng, nuôi cá, nuôi tôm, nuôi cua, nuôi ong, nuôi hươu….Xu thế xây dựng phát triển kinh tế nông trại với nhiều hình thức, quy mô, cấp độ khác nhau đang xuất hiện.[42] Nói tóm lại, trình bày phía trên trong bài nầy ta cho ta thấy những khó khăn và thất bại đối ngoại trong những năm sau của thập kỷ 70 đã có những tác động rất lớn đối với các chính sách phát triển kinh tế xã hội. Ngược lại, những đổi mới trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội cũng đã có những ảnh hưỡng rất lớn đối với chiến lược đối ngoại. Còn rất nhiều bí ẩn trong tương quan nầy chưa được ai giải thích rõ ràng. Nhưng mong muốn ở đây là những thắc mắc nêu trong bài nầy sẽ được sáng tỏ trong tương lai. [1] Lưu Văn Lợi, Ngoại Giao Việt Nam (1945-1995), (Nhà Xuất Bản Công An Nhân Dân, năm 2004), trang 384-385. [2] Như trên, trang 394-395. [3] Thông điệp này đã được Thụy Điển chuyển giao lại cho Đại Sứ Quán Mỹ ở Stockhom và Đại Sứ Quán Mỹ đã điện về cho Henry Kisinger ngày 7 tháng 5 năm 1975. Xem: National Security Adviser: Kissinger-Scowcroft West Wing Office Files: 1969-1977, Box 34, Ford Presidential Library. [4] Henry Kissinger, Years of Renewal (New York: Simon and Schuster, 1999), trang 566-575. Trong những trang hồi ký nầy Kissinger cho biết một cách rất chi tiết là tại sao ngày 14 là ngày bận nhất và căng thẳng nhất trong suốt thời gian ông tham gia chính quyền: nào là điều khiển việc giải cứu thủy thủ tàu Mayaguez do Campuchia bắt giữ và ra lịnh thả 15000 tấn bom trên đảo mà tàu đó bi giữ, nào là thương thuyết với Trung Quốc, nào là phải hợp cả ngày với Hội Đồng An Ninh, v.v. Thế mà việc cấm vận miền Nam Việt Nam và Campuchia vẫn không chờ cho đến ngày sau được. [5] Trần Quang Cơ, “Hồi ức và Suy nghĩ,” trang 8. Tập hồi ký nầy đã được lưu chuyển trong nước từ đầu năm 2003 và đã có toàn bộ trên mạng Internet năm 2005. [6] Baltimore Sun, ngày 12 tháng 6 năm 1975, trang 4. [7] Trần Quang Cơ, trang 9. [8] The New York Times, ngày 12 tháng 6 năm 1975, trang 4. [9] Nguyên văn: “We felt it was only prudent and orderly to impose these controls to monitor the evolving attitudes of these new regimes toward the United States and toward its citizens.” Xem: “United States Embargo of Trade with South Vietnam and Cambodia,” Hearing before the Subcommittee on International Trade and Commerce, House of Representatives, 94th Congress, 1st Session, ngày 4 tháng 6 năm 1975, trang 3-6. Về việc chính phủ Mỹ cấm gởi gì và cho gởi gì và hậu quả của cấm vận trong những tháng sau đó xem: “A Silly War,” Los Angles Times, ngày 13 tháng 11 năm 1975. [10] “United States Embargo of Trade with South Vietnam and Cambodia”, trang 6. [11] FarEastern Economic Review, ngày 4 tháng 7 năm 1975. [12] Daniel Patrick Moynihan, A Dangerous Place (Boston: The Atlantic Monthly Press, 1978), trang 143-145. Điện của Moynihan cho Kissinger: “Admission of Vietnam to the United Nations,” trong National Security Council Institutional Files: Selected Documents 1974-1977, hộp 24 và 57. Về phát biểu của Moynihan trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, xem: Department of State Bulletin, ngày 15 tháng 9 năm 1975, trang 421. [13] Đào Văn Tập (chủ biên), 35 năm kinh tế Việt Nam, 1945-1980 (Hà Nội: Viện Kinh Tế Học, năm 1980), trang 130-133. Lưu Văn Lợi, trang 370-371. [14] Lưu Văn Lợi, trang 370-371. [15] Chữ Văn Lâm, Nguyễn Thái Nguyên, Phùng Hữu Phú, Trần Quốc Toàn, Đặng Thọ Xương (đồng tác giả), Hợp tác hóa nông nghiệp Việt Nam: Lịch sử-Vấn đề-Triển vọng (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Sự Thật, năm 1992, trang 44-45. [16] Nguyên văn tiếng Anh: “the logical continuation of the military and political campaign against the puppet regime rigged up by US imperialism.” [17] Về kết quả và hậu quả của chiến dịch xem các báo cáo chính thức sau đây: Báo cáo tổng kết đánh tư sản mại bản ơ các tỉnh phía Nam sau ngày giải phóng (Hanoi: Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh Trung Ương, Đảng Cộng Sản Việt Nam) và Giai cấp tư sản mại bản ở Việt Nam (Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh Trung Ương, Đảng Cộng Sản Việt Nam, 1977). [18] Hợp tác hóa nông nghiệp Việt Nam: Lịch sử-Vấn đề-Triển vọng, trang 43. [19] Như trên, trang 47-48. [20] Đào Văn Tập (chủ biên), 35 năm kinh tế Việt Nam, 1945-1980, trang 132-135. [21] Một số vấn đề khoa học xã hội về Đồng Bằng Sông Cửu Long (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, năm 1984), trang 215-225. [22] D. R. SarDesai, Vietnam: The Struggle for National Identity (Boulder: Westview Press, 1992), trang 123-127. Những câu trong ngoặc là từ trang 126-127 và nguyên văn như sau: “China did not make an exception even on humanitarian grounds. Thus when Vietnam was hit by severe food shortages during 1976-1977 because of adverse weather conditions, China did not send any food grain across its southern borders. In contrast, the Soviet Union supplied 450,000 of the 1.6 million tons of food rushed to Vietnam by external agencies.” [23] Trần Quang Cơ, “Hồi ức và Suy nghĩ,” trang 15-16. [24] Như trên, trang 17. [25] Một số vấn đề khoa học xã hội về Đồng Bằng Sông Cửu Long, trang 223-225. [26] Hợp tác hóa nông nghiệp Việt Nam: Lịch sử-Vấn đề-Triển vọng, trang 45-47. [27] Đào Văn Tập (chủ biên), 45 năm kinh tế Việt Nam, 1945-1990 (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, năm 1990), trang 101-102. [28] Hợp tác hóa nông nghiệp Việt Nam: Lịch sử-Vấn đề-Triển vọng, trang 35. [29] Đào Văn Tập (chủ biên), 45 năm kinh tế Việt Nam, 1945-1990 , trang 102. [30] Trần Quang Cơ, “Hồi ức và Suy nghĩ,” trang 14. [31] Tin hãng thông tấn Kyodo từ Tokyo ngày 10 tháng 7 năm 1978; tin Agence France Presse từ Hồng Công ngày 14 tháng 7 năm 1978; điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 19 tháng 7 năm 1977 (Xem: Hearing before the Subcommitte on Asian and Pacific Affairs, Committee on International Affairs of the House of Representative, Ninety-Fifth Congress, First Session, July 19, Appendix 13, p. 56. [32] Far Eastern Economic Review, ngày 18 tháng 8 năm 1978, trang 11. [33] Congressional Record, ngày 22 tháng 8 năm 1978, trang S14007-9. [34] Zbigniew Brzezinski, Power and Principle: Memoirs of the National Security Advisor 1977-1981 (London: Weidenfeld and Nicolson, 1983), trang 228. [35] Nayan Chanda, Brother Enemy: The War after the War: A History of Indochina Since the Fall of Saigon (New York: Hartcourt Brace Javanovich, 1986), trang 287. [36] Marilyn B. Young, The Vietnam Wars 1945-1990 (New York: HarperPerenial, 1991), p. 310. [37] Zbigniew Brzezinski, trang 409. [38] Trần Quang Cơ, “Hồi ức và Suy nghĩ,” trang 17-18. [39] Hợp tác hóa nông nghiệp Việt Nam: Lịch sử-Vấn đề-Triển vọng, trang 48-49. [40] Như trên, trang 57. [41] Trần Quang Cơ, “Hồi ức và Suy nghĩ,” trang 28-29. [42] Hợp tác hóa nông nghiệp Việt Nam: Lịch sử-Vấn đề-Triển vọng, trang 63.
© Thời Đại Mới
20-11-05 |