thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 7  - Tháng 3/2006

 


Trung Quốc sau 4 năm tham gia WTO:
Đánh giá sơ khởi vài nét chính

 

Đỗ Tuyết Khanh

 

 

Lời toà soạn : Bài này được viết cho Hội thảo hè tổ chức ngày 28-30 tháng 7.2005 tại Đà Nẵng, và chủ yếu đưa ra một đánh giá sơ khởi vào một thời điểm nhất định nên không được cập nhật hoá, tuy là từ lúc ấy đến nay tất nhiên đã có nhiều thay đổi và yếu tố mới. Mặt khác, vì tình hình kinh tế của Trung Quốc diễn biến nhanh và năng động nên những dữ liệu mới cũng đủ phong phú để được phân tích trong một bài viết riêng.

 

            Từ nhiều tháng nay, ít khi nào mở một tờ báo mà không thấy nhắc đến Trung Quốc, dù ít hay nhiều và dẫu về đề tài gì: giá dầu hỏa, đồng đô-la, thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ, kỹ nghệ xe hơi, máy tính điện tử, thị trường chứng khoán, năng lượng và môi trường, buôn bán vũ khí và nhất là các tranh chấp với Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu (LH Châu Âu) về nhập khẩu hàng may dệt. Nói cách khác, Trung Quốc hiện diện khắp nơi và là mối lo âu của đủ mọi ngành nghề. Chỉ hơn 3 năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO), Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành cường quốc thương mại lớn nhất châu Á và lớn thứ ba trên toàn thế giới, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp lên hầu hết các lĩnh vực hoạt động của kinh tế quốc tế.  Hơn nữa, những phân tích, tiên đoán đều nhấn mạnh một điểm: đây mới chỉ là bước đầu cho cả một cuộc chinh phục toàn cầu, những thành quả đầu tiên của một chiến lược trong đó việc gia nhập WTO đã được đề ra như một yếu tố cơ bản.

 

            Vài ba năm là thời gian quá ngắn để đánh giá tình hình một quốc gia, nhất là một nước như Trung Quốc, nhưng vì các diễn biến quá nhanh, quá mạnh, nên cũng tạm đủ để rút ra vài nhận định sơ khởi. Tuy khó có thể ước lượng chính xác việc tham gia WTO đã góp phần bao nhiêu vào những tiến triển kinh tế của Trung Quốc trong hơn ba năm qua, điều có thể xem xét được là Trung Quốc đã được hoặc mất những gì so với những tiên đoán ban đầu. Vì vấn đề rất mênh mông, ở đây chỉ có thể tập trung trên vài điểm chính : vị trí của Trung Quốc trong WTO và hệ thống thương mại quốc tế, sự tiến triển trong vài lĩnh vực điển hình và một số nét về chiến lược kinh tế và ngoại thương.

 

Điểm sơ lại quá trình gia nhập WTO của Trung Quốc

 

            Trung Quốc chính thức gia nhập WT0 tháng 11.2001, tại Hội nghị bộ trưởng của WTO tại Doha (Qatar), chấm dứt một quá trình thương thuyết kéo dài 15 năm, với đủ mọi căng thẳng, chuyển biến bất ngờ, thu hút sự chú ý của các nhà ngoại giao và kinh tế, và tốn khá nhiều giấy mực cho giới báo chí nhiều nước. Việc Trung Quốc vào WTO, và với những điều kiện nào, được coi như một sự kiện quốc tế quan trọng, ảnh hưởng lên rất nhiều nước, các cường quốc thương mại như Mỹ, LH Châu Âu, Nhật, Canada,  cũng như các nước đang lên như Mexico, Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc, v.v.

           

            Thật ra đầu mối quan hệ giữa Trung Quốc và WTO đã có từ rất lâu. Trung Quốc là một trong 23 quốc gia sáng lập tổ chức GATT (General Agreement on Tariffs and Trade - Hiệp ước chung về thuế quan và thương mại) năm 1948, nhằm dỡ bỏ các hàng rào thuế quan để phát triển ngoại thương và khôi phục kinh tế sau Đệ nhị Thế chiến. Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công năm 1949, chính quyền Tưởng Giới Thạch di cư về Đài Loan, và sau đó tuyên bố Trung Quốc rút ra khỏi GATT. Bắc Kinh không hề công nhận tuyên bố này nhưng vì tẩy chay hệ thống tư bản nên cũng đứng ngoài GATT trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh và bế quan toả cảng. Mãi đến năm 1986, gẩn 40 năm sau, khi chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình đã được củng cố, Trung Quốc mới tỏ ý mong muốn tái lập qui chế thành viên GATT của mình. Một uỷ ban xem xét qui chế của Trung Quốc được thành lập tháng 3. 1987, và quá trình thương thuyết gia nhập GATT của Trung Quốc bắt đầu từ đó. Sau khi tổ chức WTO ra đời tháng 1.1995, kế thừa GATT, uỷ ban này trở thành Ủy ban về việc gia nhập WTO của Trung Quốc, với phạm vi làm việc nới rộng, bao gồm thêm trao đổi dịch vụ và sở hữu tri thức, là hai lãnh vực hoạt động mới của WTO so với GATT.

 

            Như mọi nước đệ đơn gia nhập WTO, Trung Quốc đã phải vừa thương thuyết song phương với những đối tác thương mại chính như Mỹ, LH Châu Âu, Nhật, vừa làm việc trong khuôn khổ đa phương của uỷ ban, gồm những nước thành viên WTO quan tâm đến việc này. Những thăng trầm, tiến lui của quá trình này tất nhiên gắn liền với những giằng co, mâu thuẫn trong nội bộ Trung Quốc cũng như những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao hay kinh tế, chẳng hạn như khi Mỹ lỡ dội bom vào sứ quán Trung Quốc tại Beograd (Yugoslavia) tháng 5.1999, khi các nước Châu Âu lên án cuộc đàn áp biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989, hay khi Pháp bất chấp Trung Quốc nhất định bán máy bay cho Đài Loan. Song, lý do chính vẫn là những quyền lợi kinh tế của mỗi bên, có thể bị ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài. Tác động của một nước như Trung Quốc có thể  làm thay đổi cục diện nền kinh tế của cả một vùng, thậm chí của thế giới. Cuộc thương thuyết càng gay go khi bài toán đầy ẩn số. Và một trong những ẩn số lớn nhất là một khi đã vào WTO, Trung Quốc có còn tôn trọng luật chơi, có thi hành hay không các cam kết hứa hẹn.

 

Để bảo đảm điều này (và trấn an dư luận trong nước), các thành viên WTO đã buộc Trung Quốc phải chấp nhận một sự giám sát chặt chẽ : sau khi gia nhập, ngoài bổn phận thông báo các luật lệ và biện pháp của mình lên WTO như mọi thành viên khác, hàng năm Trung Quốc sẽ còn phải qua một kỳ "sát hạch" đặc biệt nhằm kiểm tra Trung Quốc có thực thi các cam kết của mình và chấp hành nghiêm chỉnh các qui tắc của WTO. Cơ chế lập ra để thực hiện sự giám sát này tên là Cơ chế xét duyệt quá độ Trung Quốc (China Transitional Review Mechanism, gọi tắt là TRM).

 

Khi các thành viên WTO đánh giá "hạnh kiểm hội viên" của Trung Quốc

 

Theo điều lệ 18 của Hiệp thư gia nhập WTO (Protocol of accession) của Trung Quốc, một năm sau ngày gia nhập, các bộ phận WTO có thẩm quyền về những vấn đề đã được Trung Quốc cam kết sẽ xét xem Trung Quốc đã thực thi ra sao Hiệp ước WTO và hiệp thư gia nhập. Trước đó, Trung Quốc sẽ phải trình bày tất cả những gì đã làm cho mục đích  này, và trả lời các câu hỏi của những thành viên khác, trong nhiều buổi họp ở các uỷ ban. Kết quả sẽ đệ trình lên Đại Hội đồng WTO, là cơ quan tối cao của tổ chức, gồm tất cả các thành viên. Việc xét duyệt sẽ tiến hành mỗi năm, trong 8 năm, lần cuối vào năm thứ 10 hay sớm hơn tuỳ theo quyết định của Đại Hội đồng.

 

Trong ngôn ngữ ngoại giao của cả hai bên, việc xét duyệt được xem như cơ hội để hiểu nhau hơn, làm sáng tỏ những yêu cầu đòi hỏi của bên này cũng như thiện chí, nỗ lực của bên kia. Nhưng đấy là dịp để chất vấn và răn đe nhau, tranh cãi những điểm bất đồng. Các thành viên thẳng thắn phê bình và trách móc, Trung Quốc đối đáp cũng chẳng vừa, cũng vặn vẹo từng câu chữ. Có thể nói việc đã phải thương thuyết rất lâu trước khi gia nhập cũng có ích: Trung Quốc đã tận dụng qui chế quan sát viên của mình trong 15 năm ấy để học hỏi cách làm việc trong WTO, hầu khai thác tối đa các qui tắc trong chiều hướng thuận lợi cho mình, và tiếp thu cả cách ăn nói để bảo vệ quan điểm và vị trí của mình. Về mặt đó, Trung Quốc đã nhanh chóng hoà nhập vào khuôn khổ WTO.

 

Nói chung, tuy ghi nhận các cố gắng và tiến bộ của Trung Quốc, các thành viên WTO vẫn trách 2 điểm chính:

 

1. Cơ sở pháp lý và bộ máy hành chính : tuy Trung Quốc đã sửa đổi hay ban bố nhiều luật lệ để phù hợp với WTO nhưng thường là những qui định, nguyên tắc chung, các văn kiện áp dụng cụ thể hoặc chưa có hoặc không được thông báo đầy đủ. Hải quan và các cơ quan kiểm soát xuất nhập khẩu vẫn làm việc một cách tuỳ tiện, bất hợp lý, các thủ tục còn rườm rà, khó hiểu. Tóm lại, môi trường kinh doanh của Trung Quốc vẫn không trong suốt và bất ổn định, không đáp ứng tiêu chuẩn của WTO.

 

2. Sở hữu tri thức. Khúc mắc lớn trong quá trình thương thuyết, vấn đề này vẫn gây căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và các thành viên lớn như Mỹ, LH Châu Âu và Nhật. Theo họ, quyền sở hữu tri thức vẫn chưa được bảo vệ vì nhiều cản trở: không có sự điều phối giữa trung ương và địa phương, giữa các bộ, các nhà chức trách; hiện tượng bao che tại địa phương và tham nhũng; thiếu thốn nhân sự cho việc kiểm soát và lùng bắt; và các vi phạm không bị xử phạt đích đáng.

 

Sở hữu tri thức, mặt phải và mặt trái của vấn đề

 

            Sở hữu tri thức là điểm đen của bản "tổng kết hạnh kiểm" hàng năm, mối hoài nghi chính của các đối tác về sự thành thật của Trung Quốc trong việc thực thi các bổn phận của mình. Quả thật là tình trạng sao chép lậu, buôn bán hàng giả mạo ở Trung Quốc phổ biến và công khai tới mức chỉ có thể có hai giải thuyết: chính quyền hoặc hoàn toàn bất lực, hoặc là chỉ giải quyết một cách lấy lệ, lâu lâu làm vài trận càn quét, mời báo chí, truyền hình đến chứng kiến tịch thu và phá huỷ hàng giả mạo, rồi đâu lại vào đấy. Trong cả hai trường hợp, vấn đề vẫn tồn tại, không những gây mâu thuẫn với các nước khác mà còn là một yếu tố làm băng hoại chính xã hội và nền kinh tế Trung Quốc vì gắn liền với tham nhũng và các hoạt động băng đảng phi pháp.

 

            Có thể nói Trung Quốc là trung tâm thế giới của hàng giả mạo: 90% hàng giả tịch thu mỗi năm ở Châu Âu đến từ Châu Á, trong đó 80% là làm tại Trung Quốc. Ngoài những áo sơ-mi Lacoste, đồng hồ Rolex, túi da Hermes, bật lửa  Zippo, còn có đủ mọi thứ loại hàng giả: băng nhạc, đĩa DVD, phim, thuốc men, phụ tùng xe hơi, phần mềm cho máy vi tính, v.v.. Theo ước tính của các nhà sản xuất phần mềm Mỹ, sự tổn thất do hiện tượng sao chép lậu lên đến 52 tỉ đô-la một năm, trong đó Trung Quốc là thủ phạm chính với 95% những chương trình vi tính sử dụng phi pháp. Một thí dụ thôi đủ cho phép đặt câu hỏi về quan niệm sở hữu tri thức kiểu Trung Quốc:  từ 5 năm nay, một trong những "thủ phủ" của hàng giả mạo, Yiwu, được phong danh hiệu "thành phố thương mại gương mẫu", những hội chợ ở đây được sự hỗ trợ chính thức và đắc lực của Bộ thương mại. Từ một thị trấn nghèo với vài ngàn dân cách đây 15 năm, Yiwu ngày nay có 1,6 triệu dân và là tỉnh thứ 17 giàu nhất nước với tham vọng leo lên hạng thứ 10 vào năm 2020. Xa lộ, phi trường, nhà cao tầng và quảng trường lộng lẫy đếu được xây dựng nhờ một mạng lưới thương mại khổng lồ, với doanh thu lên đến 28,73 tỉ nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỉ đô-la) năm 2003, trong đó phần lớn là do hàng giả mạo.

 

Nhưng bên cạnh một Yiwu, còn có vô số trung tâm khác như thế, nổi tiếng nhất là Panyu và Xingfa (Quảng Đông) và Shantou (Phúc Kiến). Theo chính thống kê của nhà nước, các trao đổi hàng giả mạo trong nước trị giá từ 19 đến 24 tỉ đô-la một năm. Và theo các ước tính khác, hàng giả chiếm từ 15 đến 30% tổng sản lượng công nghiệp của cả nước, tương đương với khoảng 30 đến 40 triệu chỗ làm và 10% của nền kinh tế quốc gia. Như thế đủ thấy đây là cả một kỹ nghệ qui mô, phồn thịnh và gắn liền với quyền lợi kinh tế của rất nhiều người, kể cả các chính quyền địa phương. Ngoài những móc ngoặc, tham nhũng ắt có, còn có yếu tố chính trị: các thành tích (và sự thăng tiến) của các cán bộ tuỳ thuộc vào mức tăng trưởng kinh tế của địa phương. Yiwu có một trong những mức tăng trưởng cao vọt nhất nước. Chính quyền ở đó, trong giả định tốt nhất, ít ra cũng làm ngơ.

 

Tuy nhiên sự nhập nhằng trong quyền lợi kinh tế không chỉ ở phía Trung Quốc. Các nhà buôn chen nhau trong 41 000 điểm bán sỉ của Yiwu đến từ đủ mọi nước châu Á, châu Phi, Trung Đông, Đông Âu, cả từ Nga, Mỹ và Tây Âu. Mỗi ngày có cả ngàn containers rời Yiwu chuyển hàng đi khắp thế giới, qua các trạm ở Dubai, Bắc Phi, Ý và Đông Âu. Những "vua" siêu thị như Carrefour và Wal-Mart cũng lấy hàng ở Yiwu. Điều này có lẽ giải thích được phần nào tại sao các bạn hàng của Trung Quốc chỉ phê phán có chừng mực mà không yêu cầu quyết liệt hơn Trung Quốc giải quyết nạn sao lậu. Và có thể hiểu được tại sao Trung Quốc vẫn bình chân như vại. Khi các quyền lợi dính chùm với nhau, trong thế giới mập mờ của hàng giả mạo được toàn cầu hoá, thì khó biết được con mèo nào hoàn toàn trắng hay hoàn toàn đen!

 

            Danh chính ngôn thuận hơn và cũng vì thế bùng nổ rõ rệt hơn là các tranh chấp khác giữa Trung Quốc và một số nước, trong đó ồn ào nhất là vấn đề hối xuất đồng nhân dân tệ (renminbi - RMB) và sự thâm nhập ồ ạt thị trường may dệt bởi hàng nhập từ Trung Quốc.

 

Đồng nhân dân tệ, đồng đô-la và sự thâm hụt của cán cân thương mại Mỹ

 

            Từ hai năm nay, một số nước, dẫn đầu là Mỹ, thường xuyên làm áp lực để ép Trung Quốc phải thay đổi chính sách ngoại hối, tự do hoá thị trường ngoại tệ và nhất là thả nổi đồng nhân dân tệ, không còn liên kết đồng RMB với đồng đô-la. Chế độ hối đoái hiện nay của đồng RMB được thành lập năm 1994, khi Trung Quốc cho phép chuyển đổi (convertibility) RMB trong các giao dịch tài khoản lưu động. Trước đó hệ thống hối đoái gồm một tỉ giá do nhà nước ấn định cho các giao dịch phi thương mại, song song với những tỉ giá gần như hối suất thị trường áp dụng cho mậu dịch. Cuộc cải cách năm 1994 thống nhất hoá thị trường tiền tệ và liên kết đồng RMB với đồng đô-la, với hối suất cố định là 1 đô-la đổi lấy 8,277 RMB, có thể xê dịch trong giới hạn 0,3% chung quanh mức này.

 

            Trước sự tăng vọt của các luồng xuất khẩu Trung Quốc và  của thâm hụt thương mại Mỹ với Trung Quốc, tháng 9. 2003, bộ trưởng tài chính Mỹ John Snow yêu cầu Trung Quốc bãi bỏ các biện pháp kiểm soát hối đoái và thả nổi đồng RMB. Từ đó tới nay, các viên chức, nhóm quyền lợi (lobbies), dân biểu Mỹ hầu như liên tục nhắc lại đòi hỏi đó, tuy rằng ngay trong nội bộ Mỹ cũng không ít người có quan điểm ngược lại.  Lập luận của ông Snow và những người đồng tình với ông là hối suất cố định của đồng RMB thấp hơn giá trị thật, do Trung Quốc dùng tiền tệ để dìm giá và tạo ưu thế cạnh tranh cho xuất khẩu. Theo Mỹ, bằng chứng là hiện tượng thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng tăng và đấy là một vấn đề cấp bách phải giải quyết bằng cách thả nổi đồng RMB để nâng giá so với đồng đô-la. Năm 2002, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 103 tỉ đô-la. Năm 2004, con số này tăng lên 162 tỉ tức hơn 25% của con số kỷ lục 617,7 tỉ đô la là tổng số thâm hụt thương mại của Mỹ với toàn thế giới.

 

Tháng 5 năm nay, Bộ tài chính Mỹ báo cáo lên Quốc Hội Mỹ là nếu tình hình không thay đổi, Trung Quốc sẽ bị ghi vào danh sách các nước thao túng hối suất, và cho Trung Quốc thời hạn là 6 tháng để làm theo những gì Mỹ yêu cầu. Trước đó, tháng 4. 2005, Thượng nghị viện Mỹ cũng đồng ý đưa vào chương trình nghị sự đề nghị của hai thượng nghị sĩ Charles Summer (đảng Dân chủ) và Lindsay Graham (đảng Cộng hoà) đánh thuế 27,5% lên tất cả các mặt hàng Trung Quốc vào Mỹ cho đến khi Trung Quốc nâng giá đồng RMB.

 

            LH Châu Âu, bạn hàng quan trọng khác của TQ, lúc đầu giữ thái độ chừng mực hơn. Ngay sau các tuyên bố của John Snow, tháng 10.2003, Ủy viên thương mại của LH Châu Âu lúc ấy, ông Pascal Lamy, tuyên bố không đồng ý với các lý lẽ của Mỹ và e rằng một sự thay đổi đột ngột có thể làm xáo trộn hệ thống ngân hàng đã bấp bênh của Trung Quốc và gây khủng hoảng trầm trọng. Ông tán thành đề nghị (từ phía Trung Quốc) liên kết đồng RMB với một rổ tiền tệ gồm đồng euro và đồng yen, thay vì chỉ dùng đồng đô-la như hiện nay. Tuy nhiên, khi đồng đô-la ngày càng tụt so đồng euro, mất tới 32% giá sau 3 năm, kéo theo đồng RMB, khiến hàng Âu châu ngày càng đắt, càng mất ưu thế cạnh tranh với hàng Trung Quốc vốn đã rẻ, thì các nước Châu Âu chia sẻ lập luận của Mỹ hơn. Từ đó, trong khuôn khổ nhóm G-7, LH Châu Âu cùng vói Mỹ và Nhật làm áp lực épTrung Quốc định lại giá đồng RMB. Trung Quốc tuy không thuộc về G-7 nhưng từ cuối năm 2003 được mời tham dự với tư cách quan sát viên các buổi họp của các bộ trưởng tài chính. Việc Trung Quốc không tham dự tháng 4 năm nay buổi họp của của các quan chức nhóm G-7 được coi như là một thái độ bất hợp tác, leo thang trong cuộc tranh chấp.

 

            Còn phản ứng của Trung Quốc, hợp tác hay leo thang chiến tranh, hoà hoãn hay cố thủ ? Trong việc này, Trung Quốc có thái độ cố hữu là nửa nạc nửa mỡ, lúc mềm lúc cứng. Khi thì tuyên bố đang tích cực nghiên cứu, chỉ mai đây sẽ thông báo biện pháp giải quyết, khi thì nói đốp chát là Mỹ hãy tự xét mình trong sự thâm hụt thương mại thay vì đổ tội cho kẻ khác, Trung Quốc chả có lý do gì thay đổi chính sách tiền tệ của mình, và đây là vấn đề nội bộ, không nước nào có quyền can thiệp vào.  Ngoài ra, Trung Quốc cũng thường xuyên nhắc lại là chính nhờ hối suất cố định của đồng RMB mà Á Châu đã không sụp đổ hoàn toàn trong lúc khủng hoảng tiền tệ năm 1998. Thật ra, Trung Quốc cũng ý thức là lúc nào đó sẽ phải định giá lại đồng RMB, nhưng phải từng bước và chỉ sau khi đã chấn chỉnh và củng cố hệ thống tiền tệ và ngân hàng. Mặt khác, Trung Quốc xem việc này là thuộc chủ quyền quốc gia, cho nên các áp lực từ bên ngoài chỉ có kết quả ngược lại là khích động tinh thần dân tộc trong nội bộ Trung Quốc khiến cho việc cải cách khó được thông qua hơn.

 

            Nhưng ồn ào hơn cả, được dư luận chú ý nhiều hơn cả là vấn đề dệt may. Việc hàng may mặc của Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới vừa dễ thấy vừa liên quan cụ thể đến đời sống hàng ngày và nhu cầu thiết yếu nhất của mọi người. Đấy là một trong những đề tài "nóng" nhất vừa qua, ngự trị trên báo chí các nước từ mấy tháng nay chẳng khác gì Trung Quốc ngự trị trên thị trường.

 

Khi cả thế giới mặc quần áo Trung Quốc

 

            Sự thâm nhập của Trung Quốc vào thị trường may dệt thế giới đã bắt đầu từ lâu, nhưng chỉ trở thành một đầu mối tranh chấp giữa Trung Quốc và rất nhiều nước, dù là nhập khẩu hay xuất khẩu, trong những năm vừa qua, khi gần đến ngày các hạn ngạch sẽ được bãi bỏ để tự do hoá thị trường thế giới sau khi Hiệp ước về dệt may (Hiệp ước ATC) của WTO chấm dứt cuối tháng 12. 2004. Càng gần đến cái mốc này, càng có nhiều cảnh báo, lo âu từ mọi phía: các nước nhập khẩu lo thị trường sẽ bị tràn ngập khiến các nhà sản xuất nội địa còn lại sẽ phá sản. Các nước xuất khẩu, nhất là khi lệ thuộc nhiều về ngành may dệt, thì lo không thể nào cạnh tranh nổi với Trung Quốc, bị loại khỏi thị trường, lâm vào vòng tụt hậu, nghèo đói. [1]

 

            Quả thật là từ năm 2002, sau khi gia nhập WTO và nhờ thế thoát khỏi một số hạn ngạch nơi các nước thành viên, sự phát triển của xuất khẩu dệt may Trung Quốc dường như không có gì cản nổi. Do đó ai cũng chờ đợi là một khi tất cả hạn ngạch đều bãi bỏ, Trung Quốc sẽ chỉ càng thống lĩnh thị trường hơn nữa. Theo dự đoán của Ngân hàng thế giới, thị phần của Trung Quốc đối với thế giới hiện khoảng 20%, sẽ tăng hơn gấp đôi để đạt khoảng 50% năm 2010. Nếu đúng thế, chỉ trong 5 năm nữa, một mình Trung Quốc sẽ cung cấp một nửa nhu cầu tiêu thụ trên toàn thế giới. Những  con số tăng trưởng trong mấy tháng đầu năm nay cho thấy viễn tượng ấy có thể thành sự thật lắm nếu cứ tiếp tục trên đà này. Để chỉ lấy một vài con số trong vô vàn thí dụ : trong quí 1 năm nay, tổng số xuất khẩu Trung Quốc vào Mỹ tăng  29% so với quí 1 năm 2004, với những tỉ lệ  quả là thần kỳ cho vài mặt hàng như 1 500% cho quần tây. Cùng thời kỳ ấy, hàng Trung Quốc nhập vào LH Châu Âu cũng tăng một cách phi thường: 183% cho các loại vớ, 186% cho áo sơ-mi, và nhất là 413% cho quần đàn ông và 534% cho áo sợi đan.

 

            Chính vì chờ đợi chuyện này sẽ xảy ra nên trong quá trình thương thuyết, các nước thành viên đã đòi hỏi được quyền áp đặt một số biện pháp ngăn ngừa, ghi thẳng trong Hiệp thư gia nhập WTO của Trung Quốc. Điều lệ 16 của Hiệp thư cho phép, cho đến tháng 12.2013, các thành viên WTO áp dụng các biện pháp phòng chống (safeguards) nhắm một hay vài mặt hàng của TQ (trong đó có dệt may) nếu thị trường bị xáo trộn. Họ cũng có thể, cho đến 31.12.2008, đơn phương tái lập các hạn ngạch cho hàng dệt may nhập từ Trung Quốc mà không cần thông báo lên WTO, "nếu các luồng nhập khẩu ấy cản trở sự phát triển bình thường của mậu dịch dệt may".

 

            Dưới sức ép của các nhà sản xuất nội địa, trong tháng 4 năm nay, cả Mỹ lẫn LH Châu Âu đã mở cuộc điều tra về tình hình nhập khẩu dệt may, bước đầu của thủ tục dẫn đến biện pháp phòng chống theo điều lệ 16. Trước đó, Mỹ cũng đã đơn phương tái lập hạn ngạch cho 7 mặt hàng có tỉ lệ tăng gia nhập khẩu từ Trung Quốc cao nhất. Ngày 10.6 vừa qua, LH Châu Âu và Trung Quốc đã thoả thuận một số biện pháp, áp dụng cho đến 2008, để giới hạn mức tăng trưởng nhập khẩu 10 loại hàng dệt may, hầu cho phép các nhà sản xuất Âu Châu có 3 năm để thích nghi. Hai nước thị trường chính của Trung Quốc như thế đã phản ứng rất nhanh, trong khi Trung Quốc lúc đầu đề nghị đợi một năm trước khi đánh giá thời kỳ hậu ATC.

 

            Những diễn tiến này của ngành dệt may tuy thế đã được dự đoán từ trước khi Trung Quốc gia nhập WTO, điều đáng ngạc nhiên, nếu có, chỉ là cường độ và vận tốc của chúng. Báo chí đua nhau dùng những từ ngữ gây ấn tượng nhất: "Chinese textile tsunami hits Europe", " la déferlante chinoise", "China avasalla el textil mundial", v.v. Ít rầm rộ hơn nhưng cũng không kém quan trọng là những thành tích khác của Trung Quốc, trong những lĩnh vực cũng đã được nhắc đến trong bài toán lợi, thiệt của việc tham gia WTO. Để so sánh với thực tế ngày hôm nay những tiên đoán lúc trước về ảnh hưởng của sự gia nhập lên các ngành kinh tế, ở đây sẽ chỉ nêu lên hai thí dụ điển hình: kỹ nghệ xe hơi và nông nghiệp.

 

Kỹ nghệ xe hơi hay ngựa về ngược

 

            Tại sao vào WTO ?  Vào thì sẽ được gì, mất gì ? Và ai, ngành nào, khu vực nào sẽ được hưởng lợi, và ai sẽ phải chịu thiệt thòi ? Bài toán cơ bản đặt ra cho mỗi nước đệ đơn xin gia nhập WTO cũng là một sự đánh cuộc. Nước ứng viên cuộc với  chính mình, hi vọng sẽ đuợc những gì mình nghĩ và không mất như mình sợ. Khi anh đánh cuộc là Trung Quốc thì thế giới say mê theo dõi, trong những năm dài thương thuyết, nhất là càng về sau, không ít bài báo phân tích, dự đoán ai ở Trung Quốc sẽ được nhờ WTO hoặc sẽ phải trả cái giá của sự hội nhập. Một trong những ngành "nạn nhân" dự báo là kỹ nghệ xe hơi: các công ti lớn sẽ ùa vào, chiếm hết thị trường, bóp chết ngành sản xuất nội địa còn non kém. Xe hơi Trung Quốc làm sao cạnh tranh nổi với những Mercedes, Volkswagen, Landrover!

 

            Thế nhưng chỉ 7 tháng sau khi vào WTO, cú sốc lại là cho các công ti ngoại quốc, bị hai công ti nhỏ, ít tên tuổi, qua mặt trong các thống kê.  Bán chạy nhất trong năm 2002 là hai xe nội địa Chery và Merrie, cạnh tranh trực tiếp với Volkswagen và Toyota. Trong 4 tháng đầu năm 2002, số xe hơi bán trong nước tăng 30%, nhưng mức tăng trưởng của Volkswagen chỉ là 16%, trong khi Chery tăng ... 305%. Dĩ nhiên là sự so sánh phần nào lệch lạc vì mức tăng trưởng của Volkswagen là từ một con số đã đáng kể, trong khi Chery mới nhảy vào thị trường, nhưng cũng cho thấy sức năng động của các nhà chế tạo xe hơi Trung Quốc. Những yếu tố đã làm nên sự thành công của kỹ nghệ điện tử Trung Quốc - công ti năng động, nhà nước hỗ trợ, sản xuất linh kiện và phụ tùng nội địa phát triển và nhất là chuyển giao công nghệ từ các đối tác ngoại quốc - đều đã có trong ngành xe hơi, khiến nhiều nhà quan sát ngày nay tiên đoán ngược lại là Trung Quốc sẽ không lâu bắt kịp Nhật và Hàn Quốc để xuất khẩu xe hơi giá rẻ đi khắp nơi. Con số 3,5 tỉ đô-la xuất khẩu xe hơi năm 2003 của Trung Quốc chắc chắn chỉ là một bước đầu khiêm tốn. Trung Quốc có tham vọng vượt qua Đức trong năm nay để chiếm hạng ba trên thế giới về sản xuất và có thể đạt được mục tiêu này lắm vì trong năm 2004, đã sản xuất 5,07 triệu chiếc xe so với 5,57 triệu chiếc ở Đức. Bên cạnh hai công ti lớn SAIC (Shanghai Automotive Industry Corporation) và FAW (First Automotive Works), đối tác chính của các công ti ngoại quốc trong các liên doanh tại Trung Quốc, còn có hơn 100 công ti khác, đa số là thầu phụ (sub-contractors).

 

            Đối với các công ti quốc tế, đây cũng là một hiện tượng "gậy ông đập lưng ông". Nếu Chery đã có thể, chỉ trong 5 năm, có đủ sức chế tạo xe và cạnh tranh với Volkswagen, một phần cũng nhờ sự phát triển của nền sản xuất phụ tùng mà Volkswagen, Citroen, Peugeot và Fiat, chẳng hạn, đã bền bỉ xây dựng ở Trung Quốc từ 1985. Các phụ tùng xe hơi, cóp theo mẫu mã ngoại quốc, hiện được chế tạo bởi hàng ngàn công ti Trung Quốc và bán tự do. Nhờ thế, chiếc Chery chẳng khác gì chiếc Jetta của Volkswagen, nhưng giá lại rẻ hơn gần một phần tư, và Merrie y hệt  Xiali, một kiểu do Daihatsu chế tạo và hiện được Toyota sản xuất.

           

            Như thế, lẽ ra các công ti ngoại quốc phải e ngại, không còn muốn chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc nữa, nhưng thực tế lại ngược lại. Không những họ vẫn tiếp tục đầu tư ồ ạt mà còn coi việc chuyển giao công nghệ sang các đối tác liên doanh và các công ti cung ứng nội địa là một ưu tiên. Lý do chính là đối với họ, thị trường Trung Quốc và mức tăng trưởng tiêu thụ hiện nay đủ hấp dẫn để họ chấp nhận rủi ro ấy. Carlos Ghosn, giám đốc công ti Nhật Nissan, tuyên bố tại hội chợ xe hơi ở Bắc Kinh năm 2002: " Trong khoảng từ 5 đến 10 năm sắp đến, Trung Quốc là sẽ là thị trường phát triển mạnh nhất của chúng tôi".

 

            Không cần đợi 5 hay 10 năm, ngay vừa qua đã có một thí dụ đáng chú ý. Đầu tháng 4 năm nay, một bản tin đến như một cú sốc cho nhiều người tại nước Anh : phân xưởng cuối cùng của MG Rover tại Longbridge sẽ đóng cửa, sau khi SAIC quyết định không mua lại 75% của MG Rover, vì thấy tình hình tài chính của công ti này quá nguy ngập. Ngay sau đó, Phoenix Venture, là công ti kiểm soát cổ phần, tuyên bố MG Rover phá sản, chấm dứt sự hiện diện không những của một công ti lâu đời, đã có từ 101 năm, mà của cả một nền kỹ nghệ tiên phong tại nước Anh. MG Rover là công ti chế tạo xe hơi cuối cùng tại Anh, sau khi những Vauxhall, Rolls-Royce, Bentley vả Jaguar lần lượt bị các công ti nước ngoài, đa số là Mỹ hay Á Châu, mua lại. Để cứu vãn công ăn việc làm của hơn 6 000 nhân viên MG Rover tại Birmingham  và 18 000 nhân viên các công ti thầu phụ trong vùng Midlands, chính quyền Tony Blair đã tích cực tham gia vào cuộc thương thuyết kéo dài cả năm với SAIC, kể cả lúc bộ trưởng tài chính Gordon Brown đến thăm Bác Kinh trong tháng 2.2005. Có ai ngờ có ngày chính phủ của Nữ Hoàng phải đi năn nỉ Bắc Kinh cứu lấy cái tên đã một thời vinh quang hiển hách, là biểu tượng cho sức mạnh kinh tế và công nghệ của Vương quốc, niềm tự hào của người Anh!

 

Trung quốc, nông trại của thế giới ?

 

            Nông nghiệp, xưa nay vẫn là một đề tài hóc búa trong các quan hệ giữa các thành viên và những vòng đàm phán đa phương của GATT/WTO, dĩ nhiên cũng đóng vai trò then chốt trong quá trình thương thuyết gia nhập của Trung Quốc. Theo một số người, nông nghiệp là lá bài yếu nhất của Trung Quốc trong công cuộc hội nhập:  các nhà nông Trung Quốc, với năng suất yếu kém, diện tích trồng trọt nhỏ, kỹ thuật thô sơ, sẽ không thể cạnh tranh được các nhà sản xuất công nghiệp của Mỹ, Úc, Canada, Brazil, và LH Châu Âu với những trang trại khổng lồ và phương tiện hiện đại. Trung Quốc vẫn còn là một nước nông nghiệp với hơn 800 triệu người, tức khoảng 60% dân số, sống về nghề nông. Với một phần tư các hộ nông dân thu nhập dưới 1 đô-la một ngày trong năm 1999, và ba phần tư người nghèo sống ở nông thôn, mọi tác động tiêu cực lên nông nghiệp đều đáng quan tâm. Mặt khác, nông dân và công nhân viên các xí nghiệp nhà nước là hai thành phần nền tảng của chế độ chính trị. Giới công nhân viên  này đã là "vật thí thân" công cuộc hội nhập với sự giải thể của các xí nghiệp nhà nước, nếu nông thôn cũng kiệt quệ vì sự cạnh tranh của nước ngoài, thì có thể gây ra bất ổn định trầm trọng trong dân chúng, lan rộng ra toàn xã hội và làm lung lay cả chế độ.           

 

            Chính quyền Trung Quốc rất ý thức điều đó nên đặt nặng vấn đề bảo vệ thu nhập của nông dân. Trong khi thương thuyết gia nhập, Trung Quốc đòi hỏi phải được qui chế nước đang phát triển để được hưởng mức tài trợ cao nhất WTO cho phép, là 10% tổng sản lượng của nông phẩm được tài trợ, thay vì mức 5% áp dụng cho các thành viên phát triển. Hai bên giằng co mãi cho đến khi đồng ý trên con số dung hoà là 8,5%. Tuy chưa tài trợ bao nhiêu cho nông dân của mình, nhất là so với các ngân sách tài trợ khổng lồ của Mỹ và LH Châu Âu, Trung Quốc vẫn muốn có một giới hạn thoải mái để có thể tuỳ nghi dùng đến biện pháp này khi cần.

 

Theo một khảo sát dựa trên 84 000 hộ của Ngân hàng Thế giới công bố tháng 2 năm nay, mức thu nhập bình quân của các hộ nông dân giảm 0,7% so với trước khi Trung Quốc gia nhập WTO, và mức sống của những hộ nghèo nhất tụt 6% vì thu nhập xuống trong khi giá hàng tiêu thụ tăng. Và theo các thống kê chính thức, con số người nghèo (được định nghĩa như có thu nhập dưới 77 đô-la một năm) đã tăng trở lại, từ 28,2 lên 29 triệu người, lần đầu tiên từ sau khi các cải cách kinh tế được ban hành cách đây 25 năm. Sự phân hoá giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị tiếp tục đào sâu với ba phần tư người nghèo cả nước ở nông thôn. Trước tình hình đó, chính quyền Trung Quốc đã có một số biện pháp: giảm các thuế nông nghiệp cho đến lúc bãi bỏ hoàn toàn năm 2006, ổn định giá ngũ cốc và các nông sản chính, tiếp tục tài trợ trực tiếp nông dân, và giữ mục tiêu là tăng thu nhập của nông dân 5% mỗi năm. Trong năm 2004, ngân sách tài trợ trực tiếp nông dân là 45,1 tỉ RMB (5,4 tỉ đô-la), và so với năm 2003, thu nhập đầu người ở nông thôn đã tăng 6,8% để đạt 2 936 RMB (tức khoảng 355 đô-la), nhưng vẫn chưa bằng một phần ba thu nhập bình quân ở thành thị.

 

Song quan trọng hơn cả là một số biện pháp dài hạn nhằm chuyển hướng cả nến kinh tế nông nghiệp, thay đổi vai trò của nông nghiệp trong kinh tế quốc gia lẫn cơ cấu mậu dịch nông phẩm.

 

            Cho tới nay, nông nghiệp Trung Quốc chủ yếu là sản xuất  ngũ cốc - gạo, lúa mì, bắp, đậu nành - để cung ứng nhu cầu trong nước. Trong hàng chục năm, nỗi ám ảnh của các nhà cầm quyền là làm sao sản xuất đủ để nuôi bấy nhiêu con người, và một thành quả không thể phủ nhận của cách mạng Trung Quốc là đã đẩy lùi được nạn đói, bảo đảm đuợc một mức lương thực tối thiểu cho cả tỉ người. Trong thời gian bế quan toả cảng, các khái niệm "tự túc lương thực", " an toàn lương thực" lại càng trở thành giáo lý, kim chỉ nam của mọi chính sách. Suy nghĩ đó vẫn tồn tại ở nhiều người và trở thành một điểm tranh cãi nội bộ giữa khuynh hướng "bảo thủ" muốn tiếp tục bảo đảm an toàn lương thực và khuynh hướng "mậu dịch" cho rằng cách hay nhất để tăng thu nhập nông dân là chuyển qua những nông sản có giá trị cao hơn, có khả năng xuất khẩu, và đó cũng là cách khai thác lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc. So với dân số, Trung Quốc tương đối ít đất canh tác, và sản xuất ngũ cốc đòi hỏi, để có năng suất cao, diện tích lớn và cơ giới hoá. Ngược lại, sản xuất rau quả, chẳng hạn, cần ít đất đai hơn và nhiều nhân công, thích hợp với điều kiện của Trung Quốc.

 

Thực tế đã có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy khuynh hướng mậu dịch thắng thế. Ngũ cốc, năm 1995 còn chiếm ba phần tư diện tích trồng trọt, nay chỉ còn chiếm hai phần ba. Sản xuất giảm nên Trung Quốc ngày càng nhập nhiều ngũ cốc. Năm 2003, Trung Quốc đã nhập hơn 21 triệu tấn hột đậu nành, so với chỉ 4 triệu tấn năm 1998. Ngược lại, sản xuất rau quả và thịt tăng nhanh. Từ nhiều năm đã là một trong những nước sản xuất lớn nhất cho các mặt hàng như thịt heo (46% sản lượng thế giới), bông sợi (24%), trà (23%) và ngũ cốc (15%), Trung Quốc đã chiếm hạng đầu cho lê (70%), táo (48%), đào (32%), cà chua (30%), tỏi, và rau quả đóng hộp. Trong năm 2003, trị giá xuất khẩu rau quả đã tăng 43% cho rau và 80% cho quả. Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về xuất khẩu rau khô và rau đông lạnh, nấm chế biến, tỏi và quả đóng hộp. Cùng lúc, sản xuất thủy hải sản tăng gấp ba trong 10 năm, đạt 45 triệu tấn năm 2002, một phần ba của sản lượng thế giới. Từ đó đến nay, Trung Quốc đứng đầu về xuất khẩu thuỷ hải sản với 4,5 tỉ đô-la. 

 

Những thành tích trên khiến nhiều người tiên đoán là Trung Quốc sẽ không chỉ là "phân xưởng của thế giới" (world's workshop) với những mặt hàng công nghiệp mà còn có tham vọng trở thành trong tương lai không xa lắm "nông trại của thế giới". Hiện nay Trung Quốc đứng hạng 8 trên thế giới về xuất khẩu nông sản và hàng đầu ở Châu Á, cung cấp 15% tất cả các nông sản nhập vào Nhật.

 

Song trước mắt Trung Quốc còn phải giải quyết nhiều vấn đế cấp bách, trong đó diện tích canh nông là một mối quan tâm lớn. Với sự phát triển của các đô thị, hệ thống vận chuyển, xây cất đường xá, phi trường, và cả các sân golf, trò chơi của giai cấp trưởng giả mới, diện tích canh nông ngày càng thu hẹp. Từ 1999 đến 2003, đã mất đi 7,6 triệu héc-ta đất nông nghiệp. Từ 1987 đến 2001, 34 triệu nông dân đã mất một phần hoặc toàn bộ đất canh tác của mình. Để phần nào chận đứng hiện tượng này, chính quyền đã cho phép những nông dân về kiếm việc ở thành thị chuyển nhượng đất đai cho người khác khai thác. Đất đai ở Trung Quốc là sở hữu của nhà nước và nông dân chỉ có quyền khai thác trong 30 năm. Nhờ qui định mới này, những nông dân được nhượng đất có diện tích canh tác lớn hơn, dần dà đạt tầm cỡ thương nghiệp, ra khỏi nông nghiệp sinh tồn.

 

Như thế, hội nhập vào kinh tế thế giới cũng đã thay đổi sự phân bổ thành phần lao động. Như trong mọi nước trên đà kỹ nghệ hoá, hiện tượng bỏ nông thôn về thành thị bắt đầu với sự phát triển của các vùng kinh tế ven biển Đông và càng ngày càng gia tăng. Hiện nay có hơn 100 triệu mingong từ các tỉnh nông nghiệp đổ về thành phố, sống và làm việc trong những điều kiện không hơn nô lệ bao nhiêu. Đây là một "trái  bom nổ chậm" cho trật tự xã hội và để giải quyết, chính quyền sẽ phải bãi bỏ một hệ thống hộ khẩu đầy bất công, giam họ trong vòng nghèo túng và bấp bênh. Một quan chức Trung Quốc đã từng nói: " Trung Quốc không thể giàu mạnh nếu nông dân không giàu". Tháng 3 năm nay, thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng cam kết trước quốc hội sẽ đưa vấn đề hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn lên ưu tiên hàng đầu. Người nông dân Trung Quốc chỉ còn mong lời nói sẽ ăn khớp với việc làm và nhất là thể hiện qua kết quả.

 

            Tham vọng trở nên một cường quốc nông nghiệp cũng giải thích tại sao Trung Quốc đặc biệt quan tâm và tích cực đối với đề tài này trong khuôn khổ WTO.

 

Vai trò của Trung Quốc trong khuôn khổ WTO

           

            Có thể nói trong hai năm đầu sau khi gia nhập, Trung Quốc giữ vị trí tương đối khiêm tốn, không tìm cách nổi bật, ồn ào trong các tranh cãi mà chủ yếu tiếp tục quan sát cuộc chơi và thực tập vai trò thành viên mới. Nông nghiệp là cơ hội cho Trung Quốc bắt đầu "lên tiếng", xuất đầu lộ diện nhiều hơn. Tháng 8. 2003, vài tuần trước khi Hội nghị bộ trưởng WTO tiến hành tại Cancún (Mexico), Trung Quốc, cùng với Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, dẫn đầu một nhóm gồm 12 nước khác đưa ra một kế hoạch để phản bác đề nghị chung của Mỹ và LH Châu Âu cho vấn đề cải cách nông nghiệp. Sự thành hình của liên minh này gây nhiều chú ý và ngay lúc đó đã được xem như một biến chuyển trong tương quan lực lượng tại WTO. Cho tới lúc đó, vấn đề nông nghiệp chủ yếu là một cuộc đọ sức giữa một bên là Mỹ, LH Châu Âu và các nước tài trợ nông nghiệp như Thụy Sĩ và Nhật Bản, và bên kia là nhóm Cairns do Úc và Canada dẫn đầu. Nhóm Cairns - qui tụ các nước xuất khẩu nông sản lớn - đòi hỏi tự do hoá hoàn toàn thị trường nông sản và bãi  bỏ mọi hình thức tài trợ nông nghiệp. Khác với nhóm Cairns, liên minh mới này, vừa đòi hỏi Mỹ và LH Châu Âu cắt tài trợ vừa muốn được quyền giữ các hàng rào thuế quan để bảo vệ nông dân của mình. Lần đầu tiên tại GATT/WTO các nước nghèo và đang phát triển liên kết lại ở thế phản công. Đại diện cho 2 phần 3 nông dân thế giới và hơn nửa sản lượng ngũ cốc trên thế giới, họ bắt đầu làm lu mờ vai trò và ảnh hưởng của nhóm Cairns.

 

            Tại Hội nghị Cancún, được tăng cuờng bởi vài nước khác, nhóm này trở thành G-20 (có lúc là G-22) và thái độ cương quyết đến cùng của họ đã là một trong những yếu tố chính dẫn đến sự thất bại của Hội nghị. Tuy không ra mặt và phát biểu nhiều bằng Ấn Độ, nhưng Trung Quốc cũng bắt đầu được chú ý đến như một nước cầm đầu. Ngay sau Cancún, có người cho rằng nhóm G-20 chỉ là một liên minh nhất thời và hỗn tạp, khó tồn tại vì gồm những nước quá khác nhau về tầm cỡ và có những quyền lợi trái ngược nhau ngoài lĩnh vực nông nghiệp. Song nhóm G-20 vẫn tiếp tục hoạt động tích cực cho đến nay và chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng tại Hội nghị bộ trưởng sẽ được triệu tập tại Hồng Kông tháng 12 năm nay. Với tư cách chủ nhà, Trung Quốc tất nhiên sẽ nổi bật hơn, kể cả ở vị trí lãnh đạo nhóm này.

 

            Những sóng gió trong ngành dệt may cũng là một thí dụ cho thấy Trung Quốc đã chuyển sang một thế cứng rắn hơn ở WTO. Tháng 12.2004, lo lắng trước viễn tượng Trung Quốc thống trị thị trường, một số nước yêu cầu Hội đồng mậu dịch hàng hoá (Council for Trade in Goods - CTG) của WTO họp bàn về vấn đề dệt may. Trung Quốc muốn dìm đề nghị này và cùng lúc tìm cách phá một số hội thảo khu vực dành cho các nước gặp khó khăn cần chấn chỉnh luồng thương mại của mình. Nhưng toan tính của Trung Quốc thất bại vì bị phản đối mãnh liệt và gây căm phẫn nơi một số thành viên. Tháng 5 năm nay, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu CTG bàn về một đề nghị của Tunisia nhằm ổn định giá thị trường lương thực và hàng dệt may, và thành lập một cơ chế kinh phí để giúp các nước nghèo lúc trước được hưởng hạn ngạch thích nghi với tình hình mới. Trung Quốc chống lại đề nghị này kịch liệt đến nỗi buổi thảo luận bế tắc và phải đình chỉ vô hạn định.

 

            Đây có phải là những phản ứng nhất thời hay là những dấu hiệu của một giai đoạn mới trong vai trò của Trung Quốc ở WTO, một thế đối kháng quyết liệt hơn. Thái độ của Trung Quốc trong các thương thuyết đa phương ngày càng căng thẳng khi gần đến hạn định của Vòng Doha. Phần nào câu trả lời cũng có thể thấy đuợc ngay từ bây giờ qua quan hệ đặc biệt, vì lý do địa lý và lịch sử, của Trung Quốc với Hồng Kông, Macao và nhất là Đài Loan.

 

   Hồng Kông, Macao

 

            Một trong những điều thoạt đầu có vẻ khó hiểu là tại sao vào WTO trước Trung Quốc lại là hai lãnh thổ không có chủ quyền quốc gia và đã sát nhập trở lại vào Trung Quốc: Hồng Kông và Macao. Lý do là, khác với Liên Hiệp Quốc, GATT, và sau này WTO, không xây dựng trên nguyên tắc chủ quyền quốc gia (sovereignty-based) mà trên thỏa ước (treaty-based). Do đó thành viên của GATT/ WTO không phải là các quốc gia mà là các chính quyền cai quản những "lãnh thổ thuế quan có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh". Hồng Kông và Macao trước đây đã nằm trong hệ thống GATT vì thuộc về hai nước thành viên của GATT là Vương quốc Anh  và Bồ Đào Nha. Trong quá trình chuẩn bị cho việc sát nhập trở lại vào Trung Quốc, năm 1986, Vương quốc Anh xác định với GATT là Hồng Kông hội đủ điều kiện tự chủ trong kinh doanh để có thể tham gia GATT theo điều lệ XXVI:5 (c) của Hiệp ước GATT, áp dụng cho việc gia nhập của các thuộc địa cũ các nước thành viên. Cùng lúc Trung Quốc và Vương quốc Anh công bố lên GATT bản tuyên cáo chung xác định là từ năm 1997, Hồng Kông sẽ thuộc về chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, với qui chế đặc khu hành chánh Trung Quốc (Special Administrative Region of China), và do đó sẽ vẫn là một lãnh thố quan thuế riêng với quyền tự chủ trong kinh doanh, và tiếp tục là thành viên của GATT. Năm 1995, khi WTO thay thế GATT, Hồng Kông đương nhiên trở thành một trong những thành viên sáng lập của WTO, với tên gọi là "Hong Kong, China"

 

            Năm 1991, Bồ Đào Nha và Trung Quốc cũng theo thủ tục trên để Macao tiếp tục là thành  viên GATT, và sau đó cũng là thành viên sáng lập của WTO, với qui chế đặc khu hành chánh và tên gọi là "Macau, China". Macao đã trở lại Trung Quốc tháng 12.1999.

 

            Vì Macao và Hồng Kông, tuy được hưởng qui chế thành viên riêng biệt ở WTO, hoàn toàn thuộc về chủ quyền quốc gia của Trung Quốc nên quan hệ với Trung Quốc ở WTO cũng không khác gì trên những phương diện khác. Vì WTO hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận (consensus) chứ không bỏ phiếu nên không đánh giá chính xác được Hồng Kông và Macao đồng thuận với Trung Quốc tới mức nào, và Trung Quốc có thật sự "một mình ngồi ba ghế" như nhìn từ ngoài có thể nghĩ thế.

 

            Đối với Trung Quốc, quan hệ với Đài Loan mới thật sự là cái rối rắm.

   Đài Loan

               

            Đài Loan là một trường hợp đặc biệt trong quan hệ của Trung Quốc với khu vực. Việc Đài Loan gia nhập WTO do đó cũng là trường hợp đặc biệt, không tách rời khỏi quá trình gia nhập của Trung Quốc.

 

            Đầu  năm 1965, Đài Loan xin và được qui chế quan sát viên tại GATT. Song, qui chế này bị rút lại năm 1971 sau khi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định công nhận Bắc Kinh là chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc. Từ mấy chục năm nay, một trong những quan tâm lớn nhất của Đài Loan là được công nhận như một quốc gia có chủ quyền, dẫu có phải "mua" quan hệ ngoại giao bằng thoả nhượng kinh tế. Và Trung Quốc dĩ nhiên làm tất cả để cản trở các nỗ lực này. Đối với Đài Loan, hiện diện trong các tổ chức quốc tế là tối cần thiết, nhất là ở GATT, vì thương mại là nền tảng cho cả nền kinh tế của nước nhỏ bé, ít tài nguyên này. Năm 1992, GATT thành lập một uỷ ban xem xét đơn xin gia nhập của "Lãnh thổ thuế quan riêng biệt Đài Loan, Bành Hổ, Kim Môn và Mã Tổ" (" Separate Customs Territory of Taiwan, Penghu, Kinmen and Matsu" gọi tắt là Chinese Taipei). Tên gọi này là một giải pháp dung hoà nguyện vọng của Đài Loan và sự chống đối của Trung Quốc. GATT ghi nhận là chỉ có một nước Trung Quốc theo như  nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, và "Đài Bắc Trung Hoa" với tư cách lãnh thổ thuế quan riêng biệt so với Trung Quốc, có thể tham gia GATT nhưng phải sau Trung Quốc. [2]

 

            Quá trình thương thuyết của Đài Loan tiến hành song song với các thương thuyết của Trung Quốc, nhưng nhanh chóng, ít phức tạp và  ít căng thẳng hơn. Thật ra chỉ sau vài năm, Đài Loan đã hội đủ mọi điều kiện để gia nhập nhưng vẫn cứ phải kiên nhẫn đứng chờ cho đến khi Trung Quốc cũng xong. Trong thời gian ấy cũng có nhiều câu hỏi đặt ra về quan hệ Trung Quốc-Đài Loan sẽ thay đổi như thế nào sau khi cả hai là thành viên WTO. Thậm chí có ý kiến lạc quan là trong khuôn khổ một tổ chức dựa trên những qui tắc đã được tất cả chấp nhận và hoạt động trên cơ sở đồng thuận giữa các thành viên bình đẳng như nhau, Trung Quốc và Đài Loan sẽ phải tôn trọng luật  chơi ấy và dần dần giải toả những xung đột có từ lâu nay.

 

            Thực tế trong mấy năm qua không được như thế. Vấn đề qui chế của Đài Loan vẫn là khúc mắc lớn giữa hai nước. Đầu năm 2003, theo báo chí Đài Loan, Trung Quốc yêu cầu WTO thay thế tên gọi chính thức của phái đoàn thường trực (Permanent Mission) của Đài Loan bên cạnh WTO thành "Văn phòng đại diện thường trực" (Office of Permanent Representative) như tên gọi dành cho Hồng Kông và Macao. Phải nói rõ hơn là trưởng phái đoàn thường trực có qui chế đại sứ, dù là mang chức đại sứ hay không, trong khi trưởng văn phòng đại diện chỉ được coi là một viên chức cao cấp. Trung Quốc do đó cho rằng dùng từ ngữ "phái đoàn thường trực" là xác nhận chủ quyền quốc gia của Đài Loan và đòi hỏi phải "xuống cấp" tên gọi này. Vì Văn phòng WTO không có quyền ấn định hoặc thay đổi tên gọi chính thức của bất cứ nước thành viên nào, từ mấy năm nay không thể cập nhật hoá và in lại sổ điện thoại của tổ chức, tuy rằng đã có nhiều thay đổi về nhân sự và danh sách các nước thành viên. Mãi đến cuối tháng 6 năm nay, WTO mới phát hành sổ điện thoại mới, trong đó phái đoàn Đài Loan vẫn giữ tên gọi là phái đoàn thường trực, nhưng trưởng đoàn là Đại diện thường trực, và có thêm một lời chú thích của Tổng giám đốc nhắc lại qui tắc cơ bản của WTO về qui chế thành viên của các lãnh thổ thuế quan, và khẳng định là các tên gọi trong sổ điện thoại dựa trên các tài liệu chính thức và không có hàm ý gì về vấn đề chủ quyền quốc gia.

 

            Chuyện có vẻ chi tiết, tủn mủn, nhưng nói lên rất nhiều về quan hệ Trung Quốc-Đài Loan, về thái độ và chính sách của Trung Quốc ở đây. Một thí dụ khác cho thấy Trung quốc không từ một cơ hội (nhỏ) nào để "dằn mặt" Đài Loan: theo qui tắc của WTO, khi bắt đầu một thủ tục chống bán phá giá (anti-dumping), nước nhập khẩu phải chính thức thông báo với chính quyền nước xuất khẩu. Tháng 9.2002, tức là gần cả năm sau khi cả hai bên đã vào WTO, Trung Quốc mở điều tra về khả năng sắt thép và hàng PVC nhập từ Đài Loan được bán phá giá, nhưng liên lạc thẳng với các công ti xuất khẩu mà không nói gì với chính quyền Đài Loan. Sau khi phái đoàn Đài Loan viết thư hai lần đến phái đoàn Trung Quốc phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấp hành đúng thủ tục của WTO, Trung Quốc trả lời nhưng không dùng một trong 3 thứ tiếng chính thức của WTO (Anh, Pháp, Tây Ban Nha) mà dùng tiếng Trung Hoa... như trong nhà với nhau, trung ương viết cho địa phương !

 

            Nghịch lý là một mặt Đài Loan rất nhạy cảm với vấn đề qui chế chính trị của mình, không ngừng khẳng định vị trí riêng biệt và độc lập đối với Trung Quốc, mặt khác nền kinh tế của Đài Loan ngày càng gắn chặt, gần như hội nhập một cách hữu cơ, với nền kinh tế Trung Quốc.  Năm 1987, sau một thời gian dài, từ 1949, hoàn toàn không có liên hệ trực tiếp mà chỉ qua trung gian của Hồng Kông,  Đài Loan quyết định cho phép dân chúng sang thăm Trung Quốc. Từ đó các quan hệ thương mại - tuy gián tiếp - giữa hai bên, và các đầu tư của Đài Loan trên lục địa phát triển rất mạnh mẽ. Từ một con số không đáng kể năm 1987, thương mại song phương đã đạt 24,5 tỉ đô-la năm 1997, trong đó hơn 80% là xuất khẩu của Đài Loan sang lục địa. Trung Quốc trở thành bạn hàng thứ nhì của Đài Loan sau Mỹ, và nguồn chính cho sự thặng dư cán cân thương mại. Từ đầu thập niên 1990, để giữ sức cạnh tranh của mình, Đài Loan đã phải chuyển dời một số hoạt động sang Trung Quốc, để lợi dụng nguồn nhân công dồi dào và rẻ ở đấy. Năm 1997, Trung Quốc là địa điểm đầu tư thứ nhì của Đài Loan sau Mỹ, với khoảng 30 tỉ đô-la.  Ngược lại, Đài Loan cũng là nguồn vốn đầu tư thứ nhì của Trung Quốc, sau Hồng Kông, không kể là một phần vốn đầu tư từ Hồng Kông cũng xuất phát từ Đài Loan.

 

            Sau khi hai nước cùng  vào WTO, quan hệ kinh tế này lại càng gắn bó thêm hơn. Một phần để tuân theo các qui tắc của WTO và chấp hành các cam kết đã thông qua trong quá trình thương thuyết xin gia nhập, một phần để thu hút đầu tư từ các nước khác muốn dùng Đài Loan làm bàn đạp hầu tấn công vào thị trường Trung Quốc và của cả khu vực, Đài Loan đã dỡ bỏ nhiều hàng rào thương mại, và năm 2002 cho phép các công ti bản xứ đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc, bãi bỏ một lệnh cấm áp dụng từ 50 năm. Sau mấy chục năm chỉ nhắm thị trường Mỹ, Đài Loan hiện nay xuất sang Trung Quốc gấp đôi trị giá xuất sang Mỹ. Trong năm 2003, Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của Đài Loan với 34,5% xuất khẩu, Mỹ xuống hạng nhì với chỉ 18%. Khi bàn đến tiếp tục phát triển kinh tế, tất cả các nhà sản xuất ở Đài Loan, dù là công ti bản xứ hay tập đoàn quốc tế, đều yêu cầu củng cố và mở rộng hơn nữa các liên hệ giao dịch và phương tiện chuyên chở với lục địa. Gần một triệu công dân Đài Loan đã sang lập nghiệp ở Trung Quốc, đa số là lao động chuyên môn và ở lứa tuổi 30-50, một dòng chảy chất xám đáng kể tới mức các công ti ở Đài Loan bắt đầu gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển người.

 

            Từ thế hỗ tương (Đài Loan có vốn, Trung Quốc có nhân công), nền kinh tế Đài Loan ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, và nhất là mất đi sức thu hút đầu tư  nước ngoài khi cả thế giới chỉ còn nhìn thấy có Trung Quốc: trong năm 2004, vốn đầu  tư nước ngoài vào Đài Loan giảm hơn một nửa so với cách đây 5 năm và chỉ bằng khoảng 6,5% số vốn đổ vào các dự án đầu tư ở Trung Quốc.  Ngoài những đòn chính trị, ngoại giao và cả quân sự thường xuyên tung ra để nhắc nhở Đài Loan (và thế giới) mục tiêu trước sau vẫn là chiếm lại lãnh thổ "phản bội" này, chiến lược của Trung Quốc cũng nhằm tăng cường sự lệ thuộc kinh tế để siết chặt Đài Loan vào mình, và khi nào giang sơn thu về một mối, áp đặt một hình thức thống nhất theo điều kiện của mình.

Một chiến luợc toàn cầu

 

Tuy một qui tắc cơ bản của WTO là nguyên tắc tối huệ quốc (most favoured nation) qua đó tất cả những quyền lợi đã thỏa thuận giữa hai thành viên trong khuôn khổ các vòng đàm phán đa phương phải được áp dụng cho tất cả các thành viên khác, không phân biệt đối xử, nhưng trong thực tế các thành viên vẫn có thể liên kết với nhau trong nội bộ WTO, khi có cùng quyền lợi và, tuỳ theo lĩnh vực và tình hình, lúc thì là đồng minh lúc thì là đối thủ của nhau. Các qui tắc của WTO cũng không cấm các thành viên ký kết với nhau những hiệp định song phương hoặc tham gia vào những tổ chức khu vực ngoài khuôn khổ WTO. Sau khi hai Hội nghị bộ trưởng Seattle và Cancún thất bại, các nước đua nhau thương lượng và ký kết những hiệp định tự do thương mại song phương (free-trade agreement -  FTA), cho đến nỗi các Tổng Giám đốc Mike Moore và Supachai Panitchpakdi phải tỏ ý lo ngại và khuyến cáo là khuynh hướng này có thể làm sói mòn hệ thống đa phương. Cũng như Mỹ, Nhật, Singapore, Trung Quốc cũng tích cực xây dựng cho mình một mạng lưới quan hệ song phương thể hiện một chiến lược toàn cầu. Thật vậy, chỉ điểm sơ qua các hiệp định FTA đã đuợc hay dự tính ký kết giữa Trung Quốc và các nước khác cũng đủ thấy điều  này.

 

   Trung Quốc và khu vực Thái Bình Dương

               

   ASEAN

 

            Sự kiện gây chú ý nhất tại Hội nghị thượng đỉnh của khối các nước Đông Nam Á ASEAN tại Vientiane (Lào Quốc) cuối tháng 11.2004 là hiệp định FTA được ký kết giữa Trung Quốc và khối này, bước đầu cho sự thành hình của một thị trường chung lớn nhất thế giới từ năm 2010 trở đi. Hiện nay, Trung Quốc và ASEAN cộng lại đã là một khối đáng kể với dân số 1,9 tỉ người và GDP lên đến 2 400 tỉ đô-la. Hiệp định  này đã đuợc Trung Quốc đề nghị với ASEAN ngay từ lúc sắp sửa vào WTO.  Từ năm 1996, Trung Quốc và ASEAN đẩy mạnh phát triển hợp tác thương mại và kinh tế. ASEAN hiện là bạn hàng quan trọng thứ 5 của Trung Quốc, luồng thương mại giữa hai bên đạt 84,61 tỉ đô-la trong 10 tháng đầu năm 2004, tăng 35,2% so với cùng thời kỳ năm trước.

 

Đối với Trung Quốc, thắt chặt quan hệ với ASEAN có nhiều cái lợi. Đầu tiên là tháng 9. 2004, ASEAN đã thừa nhận qui chế kinh tế thị trường (market-economy status, MES) cho Trung Quốc. Trong các tranh chấp về bán phá giá (dumping) nước xuất khẩu nào không có qui chế này sẽ rất thiệt thòi vì nước nhập khẩu sẽ không dựa vào các con số thực tế để ấn định biên độ bán phá giá mà  tuỳ tiện chọn một nước thứ ba, hầu đánh thuế suất cao nhất. Đối với Trung Quốc, hậu quả cụ thể là hàng trăm triệu đô-la thuế quan phải đóng mỗi năm sau các vụ kiện antidumping, chủ yếu do LH Châu Âu và Mỹ khởi tố. Do đó ưu tiên của Trung Quốc là có qui chế MES với hai bạn hàng chính này nhưng cho tới nay vẫn chưa được, và tranh thủ các nước khác cũng là một cách làm áp lực cho mục tiêu này. Khi thương thuyết gia nhập WTO, Trung Quốc buộc lòng phải chịu qui chế phi thị trường trong 15 năm, cho đến 2016, nhưng vẫn ức và chỉ ít lâu sau khi gia nhập là bắt đầu vận động để được đổi sang qui chế MES.

 

            Liên kết với ASEAN cũng cho phép Trung Quốc có đối trọng cho luồng thương mại, tuy quan trọng nhưng nhiều căng thẳng, với Mỹ, và có thế mạnh hơn nữa trong một số tranh chấp ở biển Đông, đặc biệt với Đài Loan. Vài nhà quan sát tự hỏi mục đích thật sự của Trung Quốc là tham gia vào một thị trường khu vực thống nhất hay là tăng cường ảnh hưởng chính trị bằng cách ban bố một vài đặc lợi cho nước này hay nước kia, tạo ra một mạng lưới "chư hầu" trong đó Trung Quốc vừa là trung tâm vừa giữ vai trò kiểm soát.

   Úc, Tân Tây Lan

 

Sốt sắng nhất với Trung Quốc là Tân Tây Lan, nước đầu tiên ủng hộ đơn xin gia nhập vào WTO và nước đầu tiên công nhận qui chế MES. Ngoài lý do chiến thuật - một nước nhỏ bé nên là đồng minh hơn là đối thủ của Trung Quốc, và chỉ đuợc một góc nhỏ của cái thị trường này thôi cũng đủ mãn nguyện lắm rồi - có quan hệ tốt với Trung Quốc cũng là một yếu tố tranh đua giữa Tây Tây Lan và Úc. Một trong những lý do Tân Tây Lan đưa ra để trấn an dư luận trong nước khi tuyên bố mở thương thuyết FTA với Trung Quốc, tháng 4.2004, là phải nhanh chân để đuợc ký trước Úc ! Trong quan hệ tay ba này, Trung Quốc đương nhiên khuyến khích sự cạnh tranh ấy để đòi hỏi tối đa cho mình.

 

            Đối với Úc, đây cũng là một đề tài lớn. Cuối năm 2003, Úc và Trung Quốc ký một hiệp ước khung về kinh tế và thương mại  và bắt đầu nghiên cứu khả năng tiến đến FTA. Buôn bán giữa hai nước càng phát triển mạnh sau khi Trung Quốc tham gia WTO, tăng gấp 4 so với 10 năm trước, đưa Trung Quốc lên hàng thứ ba trong các bạn hàng của Úc. Xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc, chủ yếu là nông sản, khoáng sản và năng luợng, tăng bình quân 20% mỗi năm trong 5 năm qua. Trung quốc hiện là bạn hàng lớn thứ ba của Úc sau Nhật và Mỹ, với 31,1 tỉ đô-la Úc ( 23,9 tỉ đô-la Mỹ) trong năm 2004. Cùng lúc, Trung Quốc cũng vượt Nhật để trở thành thị trường lớn nhất cho quặng sắt của Úc, với 41% kim ngạch xuất khẩu và 2,45 tỉ đô-la Úc. Giữa tháng 4 năm nay, Úc tuyên bố công nhận qui chế MES cho Trung Quốc và bắt đầu thương thuyết chính thức để tiến đến FTA. So với Tân Tây Lan, Úc có trọng lượng kinh tế  hơn nhiều và nhất là có vai trò quan trọng trong WTO.

 

   Nhật

           

Như trong trường hợp Đài Loan, quan hệ giữa Nhật và Trung Quốc vừa chặt chẽ về kinh tế vừa rất phức tạp vì các lý do địa lý và lịch sử còn tồn tại. Nhật là một trong những nước đầu tiên đầu tư vào Trung Quốc, từ thập niên 1980, ban đầu một cách tương đối dè dặt và lúc ít lúc nhiều cho đến năm 2000. Sau khi Trung Quốc vào WTO, đầu tư và quan hệ buôn bán của Nhật liên tục tăng vọt cho đến nay. Trong năm 2004, Trung Quốc là địa điểm đầu tư thứ nhì của Nhật với 5,5 tỉ đô-la và vượt qua Mỹ trở thành bạn hàng số một của Nhật, với 20,1% toàn bộ xuất nhập khẩu của Nhật, và trị giá trao đổi giữa hai bên lên đến 213 tỉ đô-la. Sự kiện này gây nhiều chú ý và có tác động tâm lý vì từ 1947 cho tới nay, Mỹ lúc nào cũng là thị trường lớn nhất của Nhật, đóng vai trò then chốt trong việc khôi phục nền kinh tế Nhật sau Đệ nhị Thế chiến. Đây không chỉ là một thay đổi thông thường trong các thống kê mà là cả một bước ngoặt, một thay đổi ngôi thứ có nhiều ý nghĩa.

 

Đầu tiên các con số này cho thấy vai trò và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc lên nền kinh tế Nhật. Theo nhiều nhà quan sát Nhật và ngoại quốc, sự phát triển của các luồng thương mại giữa Nhật và Trung Quốc đã góp phần rất lớn giúp Nhật ra khỏi tình trạng suy thoái kéo dài trước đây. Mọi thay đổi trong quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ tác động nhiều lên nền kinh tế Nhật. Một điều đáng nêu lên là hai nền kinh tế ngày càng gắn bó nhưng theo chiều hướng ngược lại cho mỗi nước. Trung Quốc ngày càng quan trọng đối với Nhật nhưng vai trò của Nhật đối với Trung Quốc thì lại có phần giảm đi: Trung Quốc thay thế Mỹ thành bạn hàng số một của Nhật, nhưng ngược lại Mỹ thay thế Nhật thành  bạn hàng chính của Trung Quốc. Tỉ suất lệ thuộc thương mại (trade dependency), dựa trên so sánh giữa các trao đổi song phương và trao đổi với toàn thế giới của mỗi nước, cho thấy rõ sự khác biệt này: tỉ suất lệ thuộc của Trung Quốc với Nhật giảm từ 20,7% năm 1996 xuống 14,5% năm 2004, trong khi tỉ suất của Nhật với Trung Quốc tăng gấp đôi, từ 8,2% năm 1996 lên 16,5% năm 2004. Cứ theo đà này, Nhật sẽ ngày càng yếu thế trong khi hai nước xưa nay vẫn kình địch nhau để chiếm vị trí lãnh đạo ở châu Á.

 

Có lẽ vì thế mà Nhật không mặn mà lắm với đề nghị  của Trung Quốc ký kết một hiệp định FTA tay ba với Hàn Quốc, tuy đồng ý tham gia vào dự án nghiên cứu tiến đến một FTA giữa ba nước và ASEAN. Trong mấy năm qua, Nhật cũng tích cực đàm phán về FTA với ASEAN và với nhiều nước châu Á, trong suy nghĩ phải nhanh chân củng cố quan hệ với các nước này,  không thể ngồi im nhìn Trung Quốc "bao sân",  kéo hết đồng minh về phía mình.

 

Nhật và Trung Quốc còn cạnh tranh nhau trên nhiều mặt khác. Cả hai đều có nhu cầu khổng lồ về nguyên liệu và năng lượng và tìm những nguồn cung cấp mới cho mình, nên mọi sự cố đều có thể trở thành tranh chấp gay gắt, từ việc các tàu nghiên cứu Trung Quốc đột nhập vùng biển gần đảo Okinotori để thăm dò mỏ dầu khí đến việc một tàu ngầm nguyên tử của Trung quốc xâm phạm hải phận của Nhật bị truy đuổi trong hai ngày. Không khí càng căng thẳng khi Nhật tuyên bố coi Trung Quốc là một đe dọa quân sự và yêu cầu LH Châu Âu khoan bãi bỏ cấm vận bán vũ khí cho Trung Quốc. Mặt khác, Nhật cùng Mỹ ra thông cáo chung về vấn đề an ninh khu vực, và bao gồm Đài Loan vào vùng phải bảo vệ (security perimeter) của Nhật khiến Trung Quốc rất tức giận.

 

Quan hệ Nhật-Trung càng rắc rối vì những hiềm khích chính trị và ngoại giao không giải quyết từ nhiều năm: Trung Quốc cản trở việc Nhật tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với tư cách thành viên thường trực, Nhật in sách giáo khoa phủ nhận trách nhiệm của mình trong các vụ chém giết dân chúng Trung Quốc trong Đệ nhị Thế chiến, thủ tướng Junichiro Koizumi tiếp tục hàng năm đến viếng đền tử sĩ Yasukuni, nơi có 14 tội phạm chiến tranh loại A, v.v. Những sự kiện này đã khiến hàng ngàn người xuống đường biểu tình, kêu gọi tẩy chay hàng Nhật và đe dọa các công ti, cửa hàng và doanh nhân Nhật ở Trung Quốc trong mấy tháng đầu năm nay. Đây không phải là lần đầu và cũng không phải là lần cuối dân chúng Trung quốc cho thấy những vết thương chiến tranh vẫn chưa lành. Tâm trạng bài Nhật trong dân chúng, thỉnh thoảng vẫn bùng lên và vẫn đuợc chính quyền lợi dụng để làm áp lực với Nhật Bản, tuy không cản trở sự phát triển luồng thương mại của hai bên cho tới nay nhưng vẫn là một yếu tố bất định cho quan hệ kinh tế giữa hai nước. Có lẽ còn lâu Trung Quốc và Nhật mới thanh toán được gia tài của quá khứ như Pháp và Đức, để xây dựng quan hệ kinh tế trên một cơ sở ôn hoà, ít cảm tính hơn.

 

Để tóm tắt quan hệ giữa Nhật và Trung Quốc, có thể mượn lời của ông Howard H.Baker Jr., cựu đại sứ Mỹ tại Tokyo trong buổi họp báo mãn nhiệm kỳ tháng 2 năm nay: " Vấn đề lớn nhất của Nhật hiện nay là thu xếp thế nào quan hệ với Trung Quốc. Nhật là một siêu cường quốc. Trung Quốc đang trên đà trở thành siêu cường quốc. Cả hai anh đều giàu có, cả hai đều có lịch sử và truyền thống trong khu vực. Và cả hai anh không mấy ưa nhau."

            Ấn Độ

           

            Với số dân xấp xỉ dân số Trung quốc (hơn 1 tỉ người), tầm vóc lớn, tham vọng kinh tế và chính trị cũng không nhỏ và vai trò ngày càng tích cực trong WTO, Ấn Độ là một đối tác quan trọng đối với Trung Quốc. Từ sau khi Trung quốc gia nhập WTO, buôn bán giữa hai nước cũng phát triển rất nhanh. Trị giá trao đổi giữa Ấn Độ và Trung Quốc tăng từ 1 tỉ đô-la năm 1994 lên 7 tỉ năm 2003 và chỉ một năm sau tăng gần gấp đôi, lên 13,6 tỉ năm 2004.  Và đây chỉ là bước đầu vì cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều muốn đẩy mạnh quan hệ thương mại hơn nữa. Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 4 năm nay, ông Ôn Gia Bảo tuyên bố dự tính đưa con số này lên 30 tỉ đô-la năm 2010. Với tốc độ hiện nay, điều đó có thể lắm vì chỉ trong 4 năm, từ 2000 đến 2004, xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ đã tăng từ 1,56 tỉ đô-la lên 5,9 tỉ (gấp gần 4 lần) và nhập khẩu từ Ấn Độ tăng từ 1,3 tỉ lên 7,6 tỉ (gấp gần 6 lần).

 

            Lịch sử quan hệ Ấn-Trung tuy không phức tạp bằng giữa Trung Quốc và Đài Loan hay Nhật Bản nhưng cũng có nhiều căng thẳng trong mấy chục năm vì tranh chấp biên giới và vấn đề Tây Tạng. Tuy hai nước đã thiết lập lại quan hệ ngoại giao năm 1976, sau 15 năm cắt đứt bang giao, phải đợi đến năm 1992 mới lại có buôn bán qua các cửa khẩu biên giới. Từ khi cùng là thành viên WTO, liên kết với Ấn Độ trên nhiều đề tài thương thuyết quan trọng ở WTO như nông nghiệp, sở hữu tri thức, và nhất là cùng với Ấn Độ và Brazil dẫn đầu nhóm G-20 tại Hội nghị Cancún, Trung Quốc sát gần lại với Ấn Độ hơn nữa. Không phải ngẫu nhiên mà tháng 6.2003, trong quá trình chuẩn bị Hội nghị Cancún, Trung quốc và Ấn Độ ký bản tuyên bố chung giải quyết một mối mâu thuẫn lâu nay giữa hai nước: Ấn Độ chính thức công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Tây Tạng và Trung Quốc công nhận vương quốc Sikkim thuộc về Ấn Độ. Tháng 10.2004, Trung Quốc tiến thêm một bước nữa và đề nghị mở vòng thương thuyết FTA với Ấn Độ.

 

            Một hiệp định FTA với Ấn Độ sẽ cho phép Trung Quốc khai thác thế hỗ tương cùa hai nước: Trung Quốc mạnh về công nghiệp nhưng còn yếu về dịch vụ, ngược lại với Ấn Độ. Diễn tiến của hai ngành này cho thấy sự đối xứng giữa hai nước.  Ở Ấn Độ, tỉ lệ dịch vụ trong GDP tăng từ 40% năm 1990 lên 50% năm 2003, nhưng công nghiệp thì chỉ quanh quẩn ở mức 27%. Ngược lại, ở Trung Quốc, tỉ lệ trên GDP của công nghiệp tăng từ 41% lên 52% trong cùng thời gian, nhưng dịch vụ thì quanh quẩn ở mức 31-33%. Một khối Trung Quốc-Ấn Độ với gần hai tỉ rưỡi người (40% dân số thế giới), nếu cùng phát triển theo đà hiện nay, sẽ nắm thị trường thế giới, một bên là hàng công nghiệp một bên là dịch vụ. So với Ấn Độ, Trung Quốc có thế mạnh là đã đi trước 15 năm (Trung Quốc phát động chiến dịch phát triển từ năm 1978, Ấn Độ mới chỉ bắt đầu sau năm 1991), rất năng động trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở và đã giải quyết đuợc cơ bản những vấn đề còn rất nhức nhối ở Ấn Độ như nạn mù chữ và nạn đói. Ấn Độ còn cần nhiều thời gian và cố gắng để bắt kịp Trung Quốc trong khi Trung quốc đã có thể học hỏi ngay kinh nghiệm về dịch vụ, nhất là các thành tựu về khoán ngoài (outsourcing) trong ngành tin học của Ấn Độ. Trong viễn tượng hai bên cùng có lợi, cái lợi của Trung Quốc vẫn to hơn.

 

            Nhưng Trung quốc không chỉ nhắm lợi ích trong khuôn khổ các FTA mà còn qua các quan hệ khác. Với phương châm "lớn không sợ, nhỏ không chê", mạng lưới của Trung Quốc toả khắp thế giới, đến tận những nước xa xôi hay bé nhỏ nhất. Ở đây chỉ có thể nêu lên vài thi dụ tiêu biểu.

   Châu Phi và châu Mỹ la tinh

               

            Trung Quốc bắt đầu có mặt ở châu Phi trong thời kỳ chiến tranh lạnh, thiết lập quan hệ ngoại giao và buôn bán với những nước ít được Mỹ hay Liên Xô để ý đến. Một hình thức đầu tư mà kết quả ngày hôm nay cho phép Trung Quốc vừa có nguồn cung ứng dầu hoả và tài nguyên, vừa có thị trường cho xuất khẩu công nghiệp. Năm 2004, trao đổi giữa Trung Quốc và các nước châu Phi vượt 20 tỉ đô-la, tăng gấp đôi so với năm 2000. Dầu hoả là mối quan tâm hàng đầu của Trung quốc, động cơ chính trong sự phát triển của luồng thương mại này. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu hoả lớn thứ nhì thế giới sau Mỹ và nhu cầu ngày càng tăng. Để bảo đảm cung cấp hầu giữ mức tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc cần đa dạng hoá các nguồn cung ứng, để bớt lệ thuộc vào vùng Trung Đông. Hơn 25% số dầu nhập vào Trung Quốc hiện nay là từ châu Phi, chủ yếu là Sudan và Angola. Sau Diễn đàn Trung Quốc - châu Phi (China-Africa Forum) đầu tiên tại Bắc Kinh năm 2000, Trung Quốc đã ký thoả thuận thương mại với 40 nước châu Phi và tiếp tục trau dồi quan hệ qua các hội nghị chuyên đề Trung-Phi. Nếu ngày trước các quan hệ xây dựng chủ yếu trên cơ sở ý thức hệ, với các nước "anh em" như Tanzania và Zambia, thì ngày nay Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Sudan, một chính quyền thường xuyên bị thế giới lên án vì chà đạp nhân quyền, để đổi lấy 40% sản lượng dầu của Sudan. Và chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi đi thăm châu Phi trong năm 2004, không ghé nước Bénin, đồng chí của Trung Quốc trong suốt 30 năm, mà đến chào Omar Bongo, ông tổng thống độc tài của xứ Gabon bé nhỏ nhưng có mỏ dầu!

 

Sau chuyến đi thăm 4 nước châu Mỹ la tinh của ông Hồ Cẩm Đào tháng 11.2004, Brazil, Chile và Argentina đều công nhận qui chế MES cho Trung Quốc (ở Cuba thì chắc vấn đề này không được đặt ra !) và Chile tuyên bố sẽ bắt đầu thương thuyết FTA với Trung Quốc vào tháng 1.2005. Những thoả thuận thương mại và đầu tư được ký kết trong chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào (cùng với một phái đoàn hùng hậu gần 200 doanh nhân) cho thấy cái gì lôi cuốn Trung Quốc ở châu này : nguyên liệu. Tại Cuba, nước có nhiều trữ lượng niken nhất thế giới, Trung Quốc sẽ đầu tư khai thác các mỏ kền ở San Felipe và xây dựng nhà máy Las Camariocas với chi phí 500 triệu đô-la để sản xuất 68 000 tấn feroniken một năm. Trung Quốc cũng đã đầu tư vào các mỏ đồng ở Chile và Pérou, mỏ dầu ở Ecuador và mỏ vàng ở Venezuela. Để phục vụ cho một chính sách phát triển dựa trên kỹ nghệ nặng và xuất khẩu hàng công nghiệp, Trung Quốc phải đáp ứng những nhu cầu nguyên vật liệu khổng lồ, và trở thành nước tiêu thụ đồng, thiếc, kẽm, platin, sắt và thép lớn nhất thế giới. Những nguyên vật liệu này lại là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhiều nước châu Mỹ la tinh. Nhập khẩu của Trung Quốc từ mấy nước này do đó bùng ra mạnh từ mấy năm nay: trong năm 2003, nhập khẩu từ Argentina tăng 125%, từ Venezuela tăng 80%, từ Colombia tăng 60%.

 

Nhưng đối tác chính của Trung Quốc ở đây là Brazil, nước lớn nhất châu Mỹ la tinh và, tuy còn phải đương đầu với nạn nghèo đói và nhiều vấn đề xã hội gay go, thuộc vào nhóm các nước đang lên (emerging countries) và rất nổi bật trong WTO. Quan hệ với Brazil đã có từ năm 1989, khi Trung Quốc đi tìm những bạn hàng "phi chính trị", không tham gia vào phong trào lên án cuộc đàn áp biểu tình tại Thiên An Môn. Từ sau khi Trung Quốc vào WTO, thương mại với châu Mỹ la tinh, đặc biệt là Brazil, tăng rất nhanh. Chỉ trong 5 năm, xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc tăng gấp 8 lần, từ 676 triệu đô-la năm 1999 lên 5,43 tỉ năm 2004. Trao đổi song phương có thể đạt 10 tỉ năm 2005, tăng hơn gấp đôi so với 4 tỉ đô-la năm 2002. Gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc là hạt đậu nành và quặng sắt, phục vụ cho các nhà máy thép và cho phép Trung Quốc chuyển hướng nông nghiệp từ sản xuất ngũ cốc sang các nông sản xuất khẩu có giá trị cao hơn, như đã thấy trong phần phân tích nông nghiệp ở trên. Sau chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc và Brazil mở rộng hợp tác: Brazil sẽ xuất phụ tùng xe hơi sang Trung Quốc và Trung Quốc sẽ bắt đầu chế tạo máy bay theo mẫu mã và dùng linh kiện của Brazil. Ngoài ra hai nước cùng thực hiện dự án chế tạo một vệ tinh quan sát trái đất, để phóng lên quỹ đạo năm 2010 và bán các hình ảnh truyền thông cho các nước khác.

 

Brazil cũng là đồng minh của Trung Quốc trong khuôn khổ WTO. Ngoài việc cùng lãnh đạo nhóm G-20, Brazil cũng đóng vai trò "thí nghiệm" cho Trung Quốc trong mấy năm đầu là thành viên mới. Áp dụng chính sách "toạ sơn quan hổ đấu" cố hữu, Trung Quốc quan sát sự năng nổ của Brazil, nhất là trong các vụ kiện lớn, sôi nổi, như tranh chấp với Mỹ về bông sợi và với Canada về máy bay, để rút kinh nghiệm trước khi thật sự "tham chiến". Về phía Brazil, liên kết với Trung Quốc cũng phù hợp với một quan điểm rất thiết thân của tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva ("Lula"): hợp tác Nam-Nam, tức là đẩy mạnh quan hệ kinh tế, chính trị giữa các nước đang phát triển để thoát khỏi lệ thuộc vào các nước giàu. Từ khi có nhóm G-20, ông còn mơ đến việc hình thành một trục Brazil-Ấn Độ-Trung Quốc để đối đầu với các nước phát triển trong các tổ chức quốc tế, giành thế chủ động và nghiêng cán cân lực lượng về phía thế giới thứ ba. Đi thăm Ấn Độ và Trung Quốc, ông không ngừng cổ vũ cho đề nghị ấy, và kêu gọi hai nước này cùng Brazil đảo ngược các quan tâm của thế giới để đưa chống nghèo đói lên ưu tiên số một thay vì chống khủng bố. Nhưng đấy chỉ là ảo tưởng vì Trung Quốc không hề chia sẻ những suy nghĩ và lập trường của phong trào chống toàn cầu hoá, dẫu là dưới hình thức ôn hoà và chừng mực của ông Lula, mà càng ngày càng cư xử như một đại cường quốc, đòi hỏi quyền lợi và vị thế tương xứng với sức mạnh của mình. Trung Quốc đâu còn nghĩ đến lãnh đạo cách mạng thế giới mà chỉ có tham vọng lãnh đạo kinh tế thế giới, đâu còn ca ngợi bần cố nông mà chỉ muốn ngồi chung mâm với vua quan! Và để tiến đến vị trí chóp bu đó, chiến lược của Trung Quốc không chỉ toàn cầu mà còn toàn diện.

 

Một chiến lược toàn diện

                               

            Câu khẩu hiệu bất hủ của Đặng Tiểu Bình năm 1979 khuyến khích dân chúng "Hãy làm giàu!" không chỉ mở đầu chính sách cải cách kinh tế, mở cửa ra bên ngoài mà còn đánh dấu một bước ngoặt, một cuộc "trường chinh" mới của Trung Quốc để trở lại vị trí thật của mình: trong tốp đầu của các nước trên thế giới. Tự hào với một nền văn minh mấy nghìn năm đã cống hiến cho nhân loại nhiều phát minh tiến bộ, người Trung Quốc không quên là cách đây gần 200 năm, vào đầu thế kỷ thứ 19, mức sống ở nước họ ngang hàng với ở Âu Châu. Năm 1820, GDP của Trung Quốc là 50% GDP của thế giới. Năm 1950, tỉ lệ này chỉ còn 10%. Năm 2000, Trung Quốc ấn định một mục tiêu đầy tham vọng: nhân GDP lên gấp 4 trong 20 năm để đạt 4 000 tỷ đô-la, tức 3 000 đô-la mỗi đầu người, năm 2020. Chưa biết được mục tiêu này có thể thực hiện được không, nhưng có thể nói là từ năm 1979, cả Trung Quốc đã ra sức làm giàu, để xoá đi gần hai thế kỷ suy thoái sau khi đã lỡ con tàu cách mạng kỹ nghệ, bị ngoại bang chiếm đóng rồi tụt hậu kinh tế trong thời Mao, xem đấy như một giai đoạn đen tối của lịch sử phải nhanh chóng đóng lại.

 

Tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc vẫn giữ ở mức 8% hay cao hơn, liên tục trong suốt 25 năm qua, ngay cả những lúc kinh tế thế giới suy thoái hay chỉ tăng một, hai phần trăm. Trong năm 2004,  mức tăng trưởng là 9,5%, và GDP đạt khoảng 1 500 tỉ đô-la, đưa Trung Quốc lên hạng 6 trên thế giới, sau Pháp và trước Ý, tuy rằng nếu chia trên số dân, thì chỉ xấp xỉ hạng 100 với hơn 1 000 đô-la một đầu người. Công cuộc tái chinh phục thế giới dựa trên tốc độ phát triển này nhưng cũng nằm trong một chiến lược toàn diện. Tham vọng của Trung Quốc là thâm nhập mọi lãnh vực, kể cả và nhất là những ngành mũi nhọn.  Hàng Trung Quốc không chỉ là quần áo vải vóc, đồ chơi, máy móc gia dụng, mà còn là máy tính, linh kiện điện tử, điện thoại di động. Sau xe hơi là các sản phấm công nghệ cao: một phần tư các máy bay Airbus hiện xử dụng trên thế giới được trang bị bằng một số linh kiện làm tại Trung Quốc. Hè năm nay sẽ đánh dấu một bước tiến mới khi chiếc máy bay đầu tiên hoàn toàn chế tạo tại Trung Quốc rời khỏi phân xưởng: công ty Embraer của Brazil, đứng hạng 4 trên thế giới, đã chuyển về Harbin khâu lắp ráp các máy bay nhỏ của mình.

Công nghệ cao, mục tiêu sắp tới

 

Trong những năm 1998-1999, Trung Quốc đứng hạng 10 trên thế giới về xuất khẩu công nghệ cao. Năm 2003, trị giá xuất khẩu này đạt 110,3 tỉ đô-la, tăng gấp 41 lần so với 1991. Trung Quốc sản xuất 39 triệu máy tính một năm,  một phần tư sản lượng thế giới, và dự trù đưa con số này lên 90 triệu đơn vị năm 2008.  Phát triển công nghệ và tấn công vào công nghệ cao là một ưu tiên của Trung Quốc nhưng thực tế ở đây cũng có nhiều mặt. Có những sự kiện gây chấn động như khi công ti Lenovo (Legend cũ), tháng 12.2004 vừa qua, bỏ ra 1,75 tỉ đô-la mua lại khâu sản xuất máy vi tính (PC) của IBM để trở thành nhà sản xuất PC lớn thứ ba trên thế giới, sau khi đã là công ti chế tạo máy tính lớn nhất châu Á. Hoặc khi công ti TCL trở thành nhà sản xuất máy truyền hình lớn nhất thế giới sau khi mua lại công ti Thompson của Pháp. Nhưng cạnh đó, trình độ kỹ thuật các công ti Trung Quốc khác nói chung còn thấp và sự cạnh tranh ráo riết giữa các nhà sản xuất nội địa và với các công ti nước ngoài dẫn đến những hiện tượng tiêu cực như bán phá giá và vi phạm sở hữu tri thức. Đầu năm 2002, một số máy đọc DVD xuất sang Âu Châu bị hải quan chặn lại vì các nhà sản xuất Trung Quốc không trả lệ phí bằng sáng chế. Sau khi bị các công ti Philips, Sony và Pioneer kiện trước Toà án châu Âu, các nhà sản xuất Trung Quốc đã phải thương lượng và đồng ý trả lệ phí. Trên con số 50 triệu máy DVD sản xuất năm 2003 chẳng hạn, số tiền phải trả không nhỏ và càng thu hẹp mức lời của các công ti Trung Quốc. Sự lệ thuộc vào công nghệ bên ngoài là một vấn đề lớn của Trung Quốc hiện nay, và một cách để khắc phục là ảnh hưởng lên các chuẩn quốc tế.

Khi chuẩn trở thành công cụ chi phối thị trường

               

            Bước vào các lĩnh vực công nghệ cao hơn cũng chỉ là một diễn tiến bình thường trong quá trình phát triển và kỹ nghệ hoá, nhưng Trung Quốc không đi theo con đường của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan trước đây mà mua thẳng kiến thức vì không có đủ đội ngũ chuyên môn. Đây là hậu quả trực tiếp của cách mạng văn hoá và những chính sách điên rồ thời Mao, đưa sinh viên về nông thôn và tiêu diệt cả một thành phần trí thức, đã gây ra một lỗ hổng trong lịch sử giáo dục khiến Trung Quốc ngày nay chưa có một lực lượng nhân tài tương xứng với số dân. Trung Quốc hiện dồn nhiều nỗ lực để khắc phục hậu quả này nhưng vì giáo dục là công cuộc lâu dài mà cuộc chạy đua công nghệ thì cấp bách nên trước mắt Trung Quốc phải có cách đối phó khác. Để bù lại thế yếu tương đối về trình độ đào tạo so với Ấn Độ và Hàn Quốc, Trung Quốc tìm cách ảnh hưởng lên các chuẩn công nghệ, rút kinh nghiệm từ hai bài học, của Mỹ : thị trường là người quyết định chuẩn, và của Âu Châu : chuẩn là vũ khí của chính sách kinh tế.

 

            Thị trường là một con bài chủ chốt của Trung Quốc. Mấy chữ mầu nhiệm "Một thị trường hơn 1 tỷ người" như thôi miên các nhà sản xuất, các lãnh đạo chính trị mọi nước, là giấc mơ (và ảo tưởng) của bao công ti, là mồi nhử hiệu nghiệm nhất của Trung Quốc mỗi khi mặc cả điều gì. Từ năm 2001, Trung Quốc đã là thị trường máy di động lớn nhất thế giới với 145 triệu người xử dụng và mạng lưới điện thoại cố định lớn thứ nhì sau Mỹ với 179 triệu đường dây. Trong năm 2004, Trung Quốc đã tiêu thụ 27% sản lượng máy PC trên thế giới và theo dự đoán, trễ nhất là năm 2010 sẽ qua mặt Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất thế giới, sau khi đã bắt kịp Nhật từ năm 2002. Trong năm 2003, Trung Quốc mua 13,7%  tổng số mạch in trên thế giới và con số này dự đoán sẽ lên 23,5% năm 2008. Với đà tăng gia như thế, đương nhiên Trung Quốc phải cố gắng bớt lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài, nhất là giảm các lệ phí xử dụng bằng sáng chế bắt buộc phải trả để tuân thủ Hiệp ước về sở hữu tri thức của WTO. Từ đó có thể hiểu một số quyết định của Trung Quốc: xây dựng một chuẩn riêng theo Linux, làm một ấn bản nhận dạng RFID riêng, cổ vũ đĩa EVD (Enhanced Versatile Disc) thay vì DVD, đề nghị quốc tế hoá hệ thống Beidou cho định vị vệ tinh (satellite positioning), v.v.

 

            Chiến lược của Trung Quốc rất đơn giản: chuẩn của Trung Quốc, áp đặt lên thị trường lớn nhất thế giới, rốt cuộc sẽ trở thành chuẩn của cả thế giới. Năm 2003, Trung Quốc hợp tác với Nhật và Hàn Quốc để lập một hệ thống phần mềm "thích hợp với nhu cầu của châu Á", và chọn Linux thay vì Microsoft để khỏi phải trả bản quyền. Kết quả là hệ thống Asianux của công ti Redflag Software, ấn bản đầu tiên của một Linux Á châu. Chế độ chuyên chế cũng có cái lợi: Trung Quốc chỉ cần bắt các công ti nhà nước và guồng máy hành chính (40% số người xử dụng) phải chuyển sang phần mềm miễn phí là một chuẩn mới ra đời, đầu tiên cho cả nước, sau đó cho châu Á rồi nơi khác. Một thí dụ khác : Internet không dây, Eldorado mới của công nghệ thông tin. Tất cả các công ti lớn đều tìm cách nắm thị trường mới này qua chuẩn của mình. Vì tất cả đều phải hoàn toàn tương thích với nhau, từ máy điện thoại di động đến máy PC và các trung tâm truyền thông, ai áp đặt đuợc chuẩn là tác động lên hết cả thị trường khổng lồ này. Tuy chưa ngã ngũ nhưng một kỹ thuật đã bắt đầu phổ biến trên thế giới, Wi-Fi, với sự cổ vũ của công ti Intel. Công ti này gần như độc quyền sản xuất những mạch (chip) cần thiết cho việc nối kết. Tuy chưa có kinh nghiệm gì ở đây, Trung Quốc đã nhanh chóng tuyên bố không muốn quá lệ thuộc vào một công nghệ bên ngoài và không muốn phải trả lệ phí trong hàng chục năm vì sự lệ thuộc ấy. Trung Quốc chê chuẩn Wi-Fi không đảm bảo an toàn và đưa ra một chuẩn riêng của mình, kỹ thuật Wapi. Trong nhiều tháng, từ 2003 sang 2004, Bắc Kinh lững lờ, không nói rõ ý đồ có quyết định áp đặt chuẩn Wapi lên cả nước hay không. Bên kia đại dương, cả thung lũng Silicon Valley nhốn nháo, Trung Quốc hiện là khách hàng số hai của Intel, và chẳng bao lâu nữa sẽ là thị trường số một của Internet. Lobby tích cực của Intel và các công ti khác ở Washington rốt cuộc cũng thành công. Hè 2004, Trung Quốc nhượng bộ và đồng ý không áp đặt chuẩn Wapi thành chuẩn duy nhất lên cả nước. Mối lo của Intel không chỉ là mất thị trường Trung Quốc mà còn là thấy các công ti cạnh tranh, một khi đã theo để cung ứng Trung quốc, rốt cuộc cũng áp dụng chuẩn Wapi cho cả thế giới.

 

            Đấy cũng là một lý do khác tại sao những Microsoft, Intel, Siemens, v.v. đầu tư ồ ạt vào các trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc. Không phải chỉ vì nhân công rẻ mà là vì trong công nghệ, chuẩn là chìa khoá mở (cho mình) và khoá (cho kẻ khác) thị trường. Nói cho cùng, chuẩn chỉ là cái gì thích hợp với đa số và vì thế được đa số áp đặt. Cho bất cứ gì, Trung Quốc cũng là đa số hay sắp sửa thành đa số trên thị trường, có đầy đủ lý lẽ để nói "Thị trường là ta". Vậy tội gì mà không lấy thịt đè người, lấy cái số dân khổng lồ để chi phối thị trường theo ý mình và nhu cầu của mình.

   Chính sách đầu tư chất xám của Trung Quốc

 

            Như đã nói ở trên, đào tạo nhân lực là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc hiện nay. Những đầu tư vào hệ thống giáo dục bắt đầu cho phép Trung Quốc lấp lỗ hổng về nhân lực: mỗi năm, có nửa triệu chuyên gia và kỹ sư tốt nghiệp đại học. Mặt khác, để đào tạo một tầng lớp chuyên môn ưu tú, Trung Quốc không ngần ngại đầu tư vào cơ sở vật chất cũng như chất lượng giảng dạy dẫu là chỉ cho một số ít. Đại học Fudan, thành lập cách đây gần một 100 năm gần Thượng Hải, có tham vọng sánh kịp các đại học Berkeley và Cambridge. Máy vi tính cho sinh viên, phòng thí nghiệm tối tân, xê-mi-na và hội thảo với giáo sư mời từ nước ngoài : 24 000 sinh viên ở Fudan có những điều kiện học tập không thua kém các nước tiên tiến. Đã qua rồi thời của những khẩu hiệu sặc mùi ý thức hệ, giáo dục không còn bị chính trị kiềm chế mà chỉ nhắm một mục tiêu duy nhất: hiện đại hoá đất nước và nâng cao trình độ kiến thức. Chính sách mở cửa cũng áp dụng cho tri thức, mạnh dạn dẹp bỏ mọi đa nghi, đón nhận trí tuệ từ bên ngoài. Giám đốc đại học Fudan là một giáo sư thiên văn đào tạo tại Austin, bang Texas của Mỹ. Giám đốc Viện nghiên cứu sinh học là một giáo sư của Đại học Cincinnati (Mỹ), ông Jin Li, chuyên gia nổi tiếng về di truyền học, đã đồng ý về lại Shanghai với mức lương 1 triệu nhân dạn tệ một năm (hơn 120 000 đô-la, gấp đôi lương trung bình một giáo sư đại học tại Pháp). Giám đốc Viện tin học cũng từ Mỹ đến và nhận mức lương tương đương. Lương các giáo sư "bản xứ" thì đã đuợc tăng gấp 10 hoặc gấp 20 lần so với cách đây 10 năm.

 

            Không chỉ đón vào mà cũng khuyến khích ra, chính quyền Trung Quốc áp dụng cả một chính sách cho phép sinh viên đến được những trường đại học hay cao đẳng nổi tiếng trên thế giới, không chỉ ở Âu Mỹ, tạo điều kiện dễ dàng cho họ ra khỏi nước và liên hệ với các trường nước ngoài. MIT đã lập một chi nhánh ở Bắc Kinh và Trường cao đẳng thương mại Pháp HEC tổ chức hàng năm ngay tại chỗ các kỳ thi tuyển cho thí sinh Trung Quốc. Kết quả là từ năm 1978 đến nay, tổng cộng số du học sinh Trung Quốc đã lên đến khoảng 580 000 người (có ước tính khác là 700 000 người ). Hiện nay có hơn 140 000 sinh viên Trung Quốc trong các đại học Mỹ, và khoảng 70 000 trong các trường Âu châu.

 

            Dĩ nhiên chính sách du học chỉ có ý nghĩa nếu không biến thành dòng chảy chất xám. Để thuyết phục các du học sinh trở về nước làm việc, Trung Quốc áp dụng một chính sách đãi ngộ thoả đáng: lương cao, ngân sách nghiên cứu dồi dào, điều kiện sống và làm việc thoải mái cả vật chất lẫn tinh thần. Theo ước tính, đã có khoảng 150 000 người trở về, một con số không nhỏ (có bao nhiêu nước, kể cả Việt Nam, đã có 25% du học sinh trở về ?) và nhất là ngày càng tăng.

 

            Trường hợp ông Jingwu Zhang là một thí dụ đáng suy nghĩ. Gốc ở Thượng Hải, ông theo học ngành y trong nước sau đó sang Bỉ, rồi sang Mỹ học tại trường Harvard Medical School trong những năm 1980. Ông là một chuyên gia nổi tiếng trên thế giới về bệnh mô xơ cứng và có thể yên ổn tiếp tục sự nghiệp ở Houston, nơi ông cư ngụ từ 1996. Nhưng một chuyến về thăm Trung Quốc năm 1999 cho ông thấy "đất nước đã bắt đầu bắt kịp sự tụt hậu trong nghiên cứu, đặc biệt trong y khoa". Được chính quyền Trung Quốc mời đón thiết tha, ông về lại Thượng Hải năm 2002 để thành lập một  trung tâm nghiên cứu, National Health Center (NHC), hiện có 130 nhân viên. Trung tâm NHC đã đăng ký 6 bằng sáng chế ngay trong năm đầu, rồi 15 bằng trong năm sau, và chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, đã lập hồ sơ đăng ký cho khoảng 30 bằng sáng chế khác.

 

Trong các kinh điển Mác Lê, yếu tố con người gần như được thần thánh hoá, vốn nhân bản đối lại với vốn tư bản, chất xám thắng chất vàng. Thực tế xã hội chủ nghĩa dĩ nhiên đã không tươi "hồng" như thế. Mấy chục năm sau khi đày đoạ trí thức, Trung Quốc dường như đã hiểu sự quan trọng của trí tuệ và của chính sách dùng người, ít ra là qua mấy trường hợp nêu lên trên đây

 

            Những trung tâm nghiên cứu như NHC mọc lên khắp nơi, một số lớn do các công ti nước ngoài thành lập. Ở Thượng Hải, Motorola có 50 người làm việc trên đề tài nhận biết ngôn ngữ, để chế tạo một loại máy điện thoại di động hiểu nhiều thứ tiếng. Trung tâm nghiên cứu của Alcatel có 1 600 nhân viên. Một nhóm nghiên cứu của Danone Biscuits, gồm toàn người Trung Quốc, có nhiệm vụ cải tiến sản phẩm cho hợp với khẩu vị dân chúng địa phương. Theo một chuyên viên của viện Stimson Center tại Washington, chỉ riêng trong lĩnh vực viễn thông và tin học, đã có 223 trung tâm nghiên cứu mới được thành lập từ 1990 đến 2002. Một điểm mạnh của Trung Quốc là áp dụng chính sách một cách không những rộng rãi và thông thoáng mà còn nhanh nhẹn và dứt khoát. Một thí dụ: trong chuyến thăm Paris tháng 12.2003, ông Hồ Cẩm Đào gợi ý có thể thành lập một viện Pasteur tại Thượng Hải. Chỉ một tháng sau, một thảo ước hợp đồng (letter of intent) đuợc ký kết giữa hai nước và hợp đồng chính thức được ký tháng 5. Cùng lúc, ở Thượng Hải công trình xây cất đã bắt đầu!

 

            Tầm cỡ, tiềm năng, ý chí, năng động: phải chăng đấy là những yếu tố cơ bản của sự thành công của Trung Quốc, bí quyết của một sự vươn lên thần kỳ làm thế giới e ngại. Trung Quốc đã to, lắm người lắm của, lại có quyết tâm làm giàu và cứ năng nổ lướt tới, ai mà không sợ. Câu hỏi cuối cùng đặt ra là: Trung Quốc có thể khựng lại? Cái gì có thể làm trật đường rầy con tàu tốc hành này?

 

Đâu là chỗ yếu của con rồng ?

               

            Hồng nào hồng chẳng có gai, rồng này có thể ngày mai lu mờ ? Đã từ lâu nhiều người tự hỏi làm sao kinh tế Trung Quốc cứ tiếp tục tăng trưởng mãi như thế được, và cái gì, bao giờ, sẽ làm Trung Quốc vấp ngã. Có thể nói ở đây có hai trường phái. Một bên, tạm gọi là trường phái "lạc quan" hồ hởi trước những kết quả thần sầu của Trung Quốc, chỉ thấy ở Trung Quốc một thị trường và tin rằng các nước khác sẽ có thể thích nghi để không những vẫn tồn tại mà còn khai thác các cơ hội mở ra bởi "hơn một tỉ người" này. Bên kia, tạm gọi là trường phái "bi quan" tin chắc rằng Trung Quốc, như bao đế quốc trước đây, tất sẽ có ngày sụp đổ vì chỉ là một anh khổng lồ có đôi chân đất. Họ nêu lên những yếu kém và mâu thuẫn nội tại của Trung Quốc, và tiên đoán Trung Quốc hoặc sẽ sụm từ trong như Liên Xô vì lý do chính trị, hoặc sẽ nổ tung vì bong bóng tài chính, hoặc sẽ bị chôn vùi trong một thảm họa môi trường. Thực tế, bao giờ cũng thế, nằm ở đâu đó giữa hai thái cực này.

 

            Ở đây chỉ có thể tóm tắt vài vấn đề chính có khả năng là trở lực trong giai đoạn sắp đến:

 

1. Vai trò của khu vực quốc doanh. Nền kinh tế còn chủ yếu nằm trong tay nhà nước, với tất cả những tệ nạn còn tồn tại từ thời bao cấp: lãng phí, tham nhũng, thói tư vị, và cán bộ bất tài. Các công ti quốc doanh đã mất một nửa số lao động từ 12 năm nay nhưng vẫn thua lỗ và hút hàng tỉ đồng của ngân sách quốc gia. Chính quyền tiếp tục hiện đại hoá và tư nhân hoá khu vực này nhưng hứa sẽ duy trì tới 2000 công ti và chỉ giải thể các công ti khác từ nay cho đến năm 2010.

 

2. Hệ thống ngân hàng yếu kém.  Các ngân hàng nhà nước có những khoản nợ xấu khổng lồ, là các số tiền đã cho các công ti quốc doanh vay mà sẽ không đòi lại đuợc, tương đương với từ 40% đến 45% tổng số tín dụng. Song nhà nước đã bỏ ra 22 tỉ đô-la để mua lại các khoản nợ này và như thế đã tái tạo vốn cho các ngân hàng. Mặt khác các hoạt động kinh tế có thể dựa vào một mức tiết kiệm rất cao trong dân chúng, cho phép đầu tư vào các xí nghiệp nhỏ và vừa.

 

3. Năng lượng. Đây là một vấn đề lớn. Cho đến năm 1993, Trung Quốc tự túc vể dầu hoả  nhưng hiện nay đã trở thành nước thứ nhì nhập dầu hỏa trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Trong năm 2004, Trung Quốc đã tiêu thụ hơn 6 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nhu cầu này vẫn tiếp tục tăng, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2004 số lượng dầu nhập đã tăng 35,7% và lên đến 30,14 triệu tấn. Trung Quốc hiện nhập hơn một phần ba số dầu tiêu thụ và theo dự đoán của tổ chức International Energy Agency (IEA), tỉ lệ này sẽ đạt 50% vào năm 2010.  Sự lệ thuộc này, nhất là trong bối cảnh tình hình căng thẳng hiện nay ở Trung Đông, đã dẫn đến một số xung đột ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước khác, không kể là góp phần giữ giá dầu cao, với tất cả các ảnh hưởng tiêu cực lên tình hình kinh tế. Đây là một yếu tố bất ổn định cho cả Trung Quốc lẫn thế giới.

 

4. Mâu thuẫn xã hội. Cuối cùng nhưng cũng rất đáng quan tâm là các vấn đề xã hội. Sự phân hoá giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng ven biển Đông và các vùng sâu vùng xa, giữa một tầng lớp thượng lưu sống xa hoa và đại đa số dân chúng còn lầm than đói kém, là mầm mống cho sự bất an. Đến lúc nào đó, sẽ không còn có thể duy trì song song một nền kinh tế tư bản cực đoan và một chính thể chuyên chế, độc tài. Dân chúng không có quyền gì khác ngoài quyền làm giàu và cho tới nay, họ cũng chỉ lo làm giàu. Nhưng với ảnh hưởng của bên ngoài và những đòi hỏi của thế hệ trẻ, vấn đề dân chủ sẽ trở nên một thách thức cho công cuộc hiện đại hóa.

 

            Mặt khác, trường phái "lạc quan" không phải là không có lý. Trung Quốc thật sự là một thị trường và không phải chỉ nhập những nguyên vật liệu cần thiết cho sản xuất. Sự cải thiện đời sống, tuy không đồng đều nhưng cũng bất đầu lan ra những vùng trong, khiến người dân cũng có nhiều nhu cầu tiêu thụ hơn. Trung Quốc đứng hạng ba cho xuất khẩu nhưng cũng ở hạng ba cho nhập khẩu, và nhập đủ loại mặt hàng tiêu dùng, không kể là một phần khá lớn các hoạt động sản xuất của công ti nước ngoài ở Trung Quốc là phục vụ thị trường nội địa. Mặt khác, với 70% GDP dựa vào thương mại, Trung Quốc là  một trong những nền kinh tế mở rộng nhất, hội nhập nhất với bên ngoài, là nước hưởng lợi nhiều nhất nhờ toàn cầu hoá nhưng cũng hoàn toàn lệ thuộc vào toàn cầu hoá. Trung Quốc có khả năng đè bẹp thế giới nhưng cũng rất cần thế giới. Do đó viễn tượng một Trung Quốc khôn ngoan và biết điều, biết để người khác sống vì bóp chết hết cả các nước khác thì còn bán hàng cho ai, không phải chỉ lạc quan mà là thực tế.

 

Thay cho lời kết

 

Nếu mục đích của Trung quốc khi gia nhập WTO là dựa vào hệ thống đa phương để phát triển thương mại và chinh phục thị trường thế giới, một mục đích chính đáng theo WTO và cũng là của tất cả mọi nước khác, thì có thể nói Trung Quốc đã thành công mỹ mãn. Câu trả lời cho bài toán "đuợc gì, mất gì khi vào WTO" rất rõ ràng: cho tới nay, chưa thấy Trung Quốc mất gì mà chỉ thấy được rất nhiều. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố tháng 2 năm nay, tham gia WTO đã cho phép Trung Quốc thu hoạch thêm 40 tỉ đô-la một năm và nhân đôi các luồng thương mại của mình. Có thể bàn cãi các con số này nhưng điều hiển nhiên là so với những dự đoán ban đầu, những ảnh hưởng tích cực đã xảy ra đúng như thế hoặc hơn nữa (thí dụ, ngành dệt may), trong khi không, hoặc ít ra là chưa, có ngành nào lâm vào khủng hoảng vì gia nhập WTO mà ngược lại (thí dụ, kỹ nghệ xe hơi, nông  nghiệp). Chắc chắn là nhờ tư cách cùng là thành viên WTO, Trung Quốc đã củng cố quan hệ thương mại với một số nước, như sự tăng trưởng rất mãnh liệt của các trao đổi song phương đã cho thấy, và nhờ thế giữ vững mức tăng trưởng mà không bị ảnh hưởng bởi các sự cố như dịch SARS hay dịch cúm gia cầm.

 

Tất nhiên không phải nước nào vào WTO cũng có đuợc những kết quả như thế. Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt, một ngoại lệ so với tất cả các ngoại lệ. Lịch sử thế giới là quá trình vươn lên của các nước, đã có nhiều nước nghèo, từng đợt, cất cánh rồi dần dà bắt kịp các nước giàu. Song không thể so sánh Trung Quốc với Singapore, Nhật Bản, Đài Loan hay Hàn Quốc. Ít nhất vì hai lý do. Thứ nhất là tầm vóc của Trung Quốc. Từ sau cách mạng kỹ nghệ, ngay cả lúc Mỹ bắt đầu kỹ nghệ hoá trong thế kỷ thứ 19, chưa bao giờ có một nước với diện tích và số dân to lớn như vậy đến gõ cửa câu lạc bộ các cường quốc. So với các nước tí hon như Singapore hay Đài Loan, một Trung Quốc vươn lên như một chục chiếc B-52 cất cánh cùng lúc, chắc chắn phải làm rung chuyển mặt đất hơn hai ba chiếc máy bay cánh quạt kia!

 

Thứ nhì là Trung Quốc cất cánh trong một bối cảnh rất khác thời điểm của các con rồng, con cọp châu Á. Thời điểm của Trung Quốc là một thế giới toàn cầu hoá, thời đại Internet và sự giao lưu ngày càng nhanh của hàng hoá, con người, và thông tin. Chưa bao giờ những tiến bộ hoặc thay đổi tiếp nối nhau nhanh như thế, và lan rộng xa như thế. Thế giới ngày nay là một mạng khổng lồ trong đó mọi sự kiện đều nối kết với nhau, gây ra những phản ứng dây chuyền có khi khó lường. Cách các nước khác phải thích nghi với sự hiện diện của Trung Quốc tất nhiên không thể giống cách nền kinh tế thế giới đã thích nghi và "tiêu hoá" sự phát triển của Nhật Bản hay Hồng Kông cách đây mấy chục năm.

 

Trung Quốc là một trường hợp ngoại hạng, với những thông số hoàn toàn khác, và vì thế đặt ra cho cả thế giới nhiều câu hỏi khó trả lời. Hậu quả của sự "đăng quang" của Trung Quốc là một bài toán khác đầy ẩn số, và ẩn số lớn nhất vẫn là hình thế của cục diện thế giới trong vài chục năm nữa, vì đây là một sự kiện không có tiền lệ trong lịch sử loài người. Điều chắc chắn duy nhất là Trung Quốc sẽ chi phối một cách sâu đậm và lâu dài diễn tiến của nền kinh tế thế giới và không nước nào thoát khỏi ảnh hưởng, dù ít hay nhiều.

 

            Tháng 7.2005

Đỗ Tuyết Khanh

 

 

Tài liệu tham khảo

 

Tilak Abeysinghe, Ding Lu, China as an economic powerhouse: Implications on its neighbors, China Economic Review, vol. 14, 2003.

 

Kym Anderson, Jikun Huang, Elena Ianchovichina, Will  China's WTO accession worsen farm household incomes ?, China Economic Review, vol. 15, 2004.

 

Cong Cao, L'industrie chinoise face au défi technologique - Les investisseurs étrangers sont les premiers pourvoyeurs de technologies, Centre d'études français sur la Chine contemporaine, http://www.cefc.hk/fr /.

 

Eric Chol, Bientôt le labo de la planète?, L'Express, 9.8.2004

 

Daniel C.K.Chow, Organized crime, local protectionism, and the trade in counterfeit goods in China, China Economic Review, vol. 14, 2003.

 

Fabrice Delaye, L'émergence technologique de la Chine passe par le contrôle des standards, Agefi, 9.12.2004.

 

Haizhou Huang, Shuilin Wang, Exchange rate regimes: China's experience and choice, China Economic Review, vol. 15, 2004.

 

Jikun Huang, Scott Rozelle, Linxiu Zhang, WTO and agriculture: radical reforms or the continuation of gradual transition, China Economic Review, vol. 11, 2000.

 

Erik Izraelewicz, Quand la Chine change le monde, Grasset, Paris, 2005.

 

Qingjiang Kong, China's WTO accession: Commitments and implications, Journal of International Economic Law, 2000.

 

Will Martin, Implications of reform and WTO accession for China's agricultural policies, in Economics of Transition, Vol. 9(3),  The European Bank for Reconstruction and Development, 2001.

 

Zhi Wang, WTO accession, the "Greater China" free-trade area, and economic integration across the Taïwan Strait, China Economic Review, vol. 14, 2003.

 

World Trade Organization,  Protocol on the accession of the People's Republic of China, WT/L/432, 23.11.2001.

 

World Trade Organization,  International Trade Statistics 2004, Geneva, 2005.

 

World Trade Organization, World Trade Report 2004, Geneva, 2005.

 

Shujie Yao, Zongyi Zhang, Lucia Hanmer, Growing inequality and poverty in China, China Economic Review, vol. 15, 2004.

 

Và các bản tin của các báo, thông tấn xã : Agefi, Bloomberg, China Daily, China View, Les Echos, efeservicios, L'Express, The Financial Times, Le Monde, The New York Times, Nikkei Weekly, El Pais, La Prensa, The South China Morning Post, The Straits Times, The Taipei Times, Le Temps, El Tribuno, The Wall Street Journal, WTO Reporter, Xinhuanet, v.v.

 

 



[1] Để biết chi tiết hơn về đề tài này, đặc biệt là các luồng thương mại dệt may, Hiệp ước ATC và khung pháp lý của tổ chức WTO cho ngành này, xin xem Đỗ Tuyết Khanh, Ngành dệt may sau 2004: viễn tượng và thử thách, Thời Đại Mới, số hai, tháng 7.2004, www.thoidai.org /.

[2] Vì "Chinese Taipei" chỉ được dùng trong phạm vi GATT/WTO, ở đây vẫn sẽ chỉ nói đến "Đài Loan" (Taïwan) là từ ngữ phổ biến nhất.