thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 7  - Tháng 3/2006

 


Pháp chế và phát triển:
Vài nhận xét từ kinh tế lý thuyết

 Trần Hữu Dũng[1]

 

Hầu như không ai phủ nhận sự quan trọng của pháp chế cho phát triển kinh tế.  Thậm chí, có người sẽ đổ đồng phát triển với pháp trị: một trong những đặc tính của phát triển pháp trị, ngắn gọn. Từ đó, có suy luận rằng pháp luật, nhất là bộ phận luật thành văn, là một tiền đề của phát triển kinh tế, nghĩa là, muốn phát triển thì phải có những bộ luật càng chi tiết, càng đầy đủ càng tốt, phải có một bộ máy tư pháp càng hùng hậu, càng nghiêm khắc càng tốt.

Bài này giới thiệu vài nhận xét từ quan điểm kinh tế về khả năng bảo lưu những ý kiến trên đây.  Bắt đầu từ một nhận xét đơn giản:  công tác soạn luật, cũng như vận hành bộ máy thi hành luật (công an, toà án, khám đường) là những hoạt động cần tài nguyên (luật gia, công an, cai ngục) có thể được sử dụng vào việc hữu ích khác cho quốc gia.  Nói rõ hơn, thông thường, thấy một điều gì mà ta không muốn xảy ra thì phản ứng của đa số là phải ra luật cấm (và triệt để thi hành luật ấy).  Song, nhìn từ góc cạnh kinh tế thì phải hỏi: tài nguyên dùng vào những việc đó sẽ lấy từ đâu, có tương xứng với những thiệt hại (kinh tế lẫn phi kinh tế) của “tội phạm” ấy không.  Tuy những tính toán “lợi hại” như vậy có thể bị phê phán là vô tâm, thực tế không thể khác hơn.[2] 

Một nhận xét nữa: luật thành văn, dù chi tiết đến bực nào, không bao giờ là đầy đủ vì không ai có thể nghĩ đến mọi tình huống (ngay trong hiện tại, nói chi đến xã hội tương lai) có thể xảy ra.  Bù lại, pháp chế không phải là cách duy nhất để giữ gìn “kĩ cương” cho xã hội – phong tục, tập quán, tôn giáo, chuẩn mực văn hoá ứng xử, cũng đóng một vai trò thiết yếu.  Do đó, dồn “quá đáng” nguồn lực vào thiết lập bộ luật thành văn chẳng những có thể sẽ vượt mức tối hảo của nó mà còn có thể khiến bỏ quên những phương pháp khác, ít tốn kém hơn, mà tựu trung là cùng một kết quả. 

Bài này lấy hứng từ vài phát hiện gần đây của một số tiếp cận mới trong kinh tế, một số lí thuyết mới, và một số kết quả thực nghiệm mới.  Chỗ yếu của nó, xin thú nhận ngay, sẽ là thiếu một sự liên hợp.  Người viết không có tham vọng đưa ra một cái nhìn toàn cảnh, hoặc có hệ thống, về tất cả liên hệ giữa pháp chế và phát triển (một vấn đề quá to lớn).  Tuy nhiên, ở phần cuối, bài cũng thử đề xuất một ý niệm xuyên suốt cho những vấn đề bàn ở đây.  

Bài có 5 tiết.  Tiết I tường thuật ý kiến của Hernando De Soto về cái “kì bí” (mystery) là “vốn” có thể đuợc thực hiện bằng pháp chế. Tiết II nói về một đặc tính của mọi khế ước thành văn, đó là sự “không bao giờ đầy đủ”. Tiết III tường thuật những phát giác quan trọng gần đây về tương quan giữa hệ thống luật (dân sự hoặc phổ thông) và phát triển kinh tế.  Tiết IV xem xét vai trò của “tin cẩn” đối với phát triển, và sự bổ túc lẫn nhau  giữa tin cẩn và các luật thành văn. Tiết V đưa ra vài kết luận, nhất là quan hệ đến Việt Nam.

I. Pháp chế và vốn 

Đã quá rõ, không cần nói thêm, là một quốc gia muốn phát triển thì cần luật để thu hút đầu tư từ nước ngoài, luật để huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội, luật để tăng tiết kiệm (và đầu tư ..).  Một lí thuyết gần đây có liên hệ giữa vốn và pháp lí là lí thuyết của De Soto [2000], một nhà kinh tế người Pê-ru.  Theo ông này, các nước chậm tiến ngày nay không phải vì họ thiếu vốn, song vì vốn ấy không sử dụng được (ông gọi là “vốn chết”).  Muốn được sử dụng trọn vẹn, vốn phải có thể đóng vai trò của vật cầm cố (collateral), để người “có” nó có thể dùng nó để làm kinh doanh khác.  Một ví dụ: nếu anh sống trên một thửa đất, toàn quyền trồng trọt xây nhà cửa trên đất ấy, thì đúng là tốt rồi (vì nó cho anh thêm sự năng nổ lao động) nhưng nếu anh không có giấy chứng nhận sở hữu thì anh sẽ không thể dùng thửa đất ấy làm vật cầm cố (dù anh vẫn có thể sang nhượng một cách không chính thức).  De Soto nhấn mạnh rằng tuy bất động sản có thể được buôn đi bán lại (lắm khi không cần giấy tờ), nhưng đó là chưa tận dụng ích lợi của “quyền sở hữu”.  Trong kinh tế thị trường, ta cần có những khế ước dài ngày (mua ô tô trả góp chẳng hạn), và khế ước này chỉ có thể ký (giữa những người không quen biết nhau) nếu có vật cầm cố.  “Sở hữu có giấy chứng nhận” là vật cầm cố ấy. Nói cách khác, theo De Soto, pháp lí (đặc biệt là luật pháp chính thức hoá quyển tư hữu) có một chức năng đặc biệt, ngoài chức năng làm tăng nổ lực sản xuất (như các lí thuyết khác đã vạch rõ, từ lâu).  Chức năng đặc biệt ấy, theo De Soto, là tạo cơ hội cho người “có” nó một số “vốn” (thật, sống) để tham gia vào thị trường tài chính. 

Ý kiến của De Soto được nhiều người phe tả lẫn phe hữu hoan hô.  Phía tả thì thích vì đây có vẻ như phương pháp xóa đói giảm nghèo tuyệt diệu:  cho dân đen khố rách quyền tư hữu nhà, đất, mà họ đang cắm dùi.  Còn phía hữu cũng hoan nghênh vì xem đây là cách cho mọi người, giàu lẫn nghèo, trở nên thành viên của “tư bản thị trường”. 

Song De Soto cũng đã gặp một số phản biện.  Nhiều người cho là ông chỉ lí luận trong khung cảnh tiến trình đô thị hoá (urbanization), mà cũng chỉ là đô thị hoá ở Pê-ru, mà không quan sát tình trạng nông thôn là nơi mà tệ nạn nghèo khổ là trầm trọng nhất ở các nước chậm tiến ngày nay.  

Mà có thử chấp nhận quan điểm của De Soto thì vẫn còn câu hỏi: làm sao xác định ai có quyền sở hữu tài sản nào, để chính thức hoá cho họ? Một cách trả lời của những học giả tân cổ điển (như Douglass North) khẳng định rằng hệ thống tư hữu sẽ tự phát trong xã hội, phản ảnh tính toán “tổn phí và lợi ích” của những người trong xã hội ấy. Song, nhìn kỹ, giải pháp này không ổn (ngay trên lí thuyết) vì hệ thống tư hữu có tính chất của một “sản phẩm công”. Như ai cũng biết, mức độ và sự phân bố của loại sản phẩm này không thể là tối hảo cho cộng đồng nếu chúng là do quyết định của một tập thể trong đó mỗi người đeo đuổi lợi ích riêng. 

Cách trả lời nữa (mà chính De Soto có vẻ tán đồng) thì đề nghị nhà nước phải đích thân chính thức hoá quyền tư hữu.  Thế thì câu hỏi tiếp theo sẽ là: dựa trên căn bản nào? De Soto cho rằng rất dễ ("chỉ cần theo tiếng chó sũa" thì biết đất nào là của ai!), nhưng thực tế không đơn giản như thế. Chẳng hạn, phải quyết định ra sao khi người hiện sống trên mảnh đất là kẻ "đóng dùi" phi pháp, thậm chí là thủ phạm cưỡng chiếm đất trong quá khứ? 

■ Nhưng thực tế thì sao?  Nhiều nơi thì chương trình của De Soto không có công hiệu gì cả, còn nhiều nơi khác thì nó lại có vẻ tổn hại rõ ràng. 

Về những nơi vô hiệu lực:  Ở Pê-ru của De Soto chẳng hạn, chỉ có 20% số người được cấp “sổ đỏ” là có thêm vốn, mà vốn này lại hoàn toàn từ nhà nước, không một xu nào là từ khu vực tư! Trong số 200.313 hộ ở Lima được cấp bằng khoán đất trong hai năm 1998 và 1999, chỉ có khoản 24% là được nguồn tài chính nào đó (tính đến năm 2002).  Kinh nghiệm ở Thổ Nhỉ Kì, Mexico, Nam Phi, Colombia cũng vậy.  Lí do có thể là các ngân hàng tư phát giác rằng các nhà ỗ chuột không có giá trị gì cả, do đó họ thay đổi điều kiện cho vay: đòi người cho vay phải có công ăn việc làm thay vì chỉ có bằng khoán đất.  Hơn nữa, thị trường nhà đất ở những khu ỗ chuột thường khá im lìm.  Không ai bán được nhà để lấy vốn làm ăn.

Có những nơi thì “chính sách De Soto” chỉ mang hại.  Campuchia chẳng hạn.  Trước khi có bằng khoán thì giá bán đất ở trung tâm thành phố khoản 20-30 USD/thước vuông.  Gần đó, đất có bằng khoán thì giá gấp mười (chứng tỏ giá trị của vùng ấy).  Thế nên nhiều tháng trước khi chương trình cấp bằng khoán bắt đầu thì nhiều vụ hỏa họan (nguyên nhân khả nghi!) thiêu rụi các xóm ỗ chuột trong trung tâm Phnom Penh, khiến hàng vạn người đang cấm dùi ở các khu đó phải đàn đúm ra ngoại ô, trở thành thất nghiệp, đời sống khổ mạt hơn.  Trong lúc ấy thì khu bị cháy rơi ngay vào tay những “đại gia” khai thác đất đai giàu có nhất Campuchia.  Những vụ như vậy xảy ra liên miên ở Phnom Penh.  Các tên đầu cơ mua đất của dân cắm dùi (trước khi chương trình cấp bằng khoán bắt đầu) với giá tương đối rẻ, xong đợi đến lúc có bằng khoán thì bán lại với giá cao tận mây xanh! 

Té ra chuơng trình này chỉ thực có lợi cho những người đã sẵn giàu.  Đối với những người nghèo, cắm dùi, tay làm hàm nhai thì “bằng khoán” đất không có nghĩa gì cả.  Nếu những người nghèo không bị trục xuất trước khi được cấp đất thì chính họ cũng sẽ bán rẻ đất được cấp, rồi dời đến một khu ỗ chuột càng tệ hơn (xa thành phố, việc làm). (Nhiều người, như Geoffrey Payne, có đề xuất vài giải pháp cho tình trạng này, nhưng quá dài dòng cho bài này).[3] 

Tuy De Soto đã gây nhiều ấn tượng trong giới học giả cũng như các nhà làm chính sách, ông ít có ảnh hưởng trong giới kinh tế gia hàn lâm.  Ai có học kinh tế hiện đại đều biết các quan niệm tương tự (nhưng trước De Soto rất lâu) của Coase, hay Tiebout, là rất “hấp dẫn” trên lí thuyết, nhưng đem ra áp dụng thì hoàn toàn không thực tế vì không hội nhập vào phân tích “cách cư xử có chiến lược” (“strategic behavior”) của con người, hay là tính “cơ hội chủ nghĩa” (“opportunism”) mà Oliver Williamson đã trình bày rất thuyết phục từ lâu.   

II.  Về tính "không-thể-đầy-đủ" của luật pháp

Trong kinh tế học vài thập kĩ gần đây có một tiếp cận nghiên cứu có tính bức phá, khởi đi từ nhận xét rằng khế ước thành văn không bao giờ có thể đầy đủ (incomplete contract), tức là không bao giờ có thể kê rõ mọi tình huống có thể xảy ra cũng như tất cả những cách đối phó.  Nói khác hơn, soạn thảo một khế ước hay một bộ luật “đầy đủ” thì cần số lượng tài nguyên lớn vô cực, không nước nào, thậm chí thế giới nào, có đủ.  Liên hệ, một bộ máy tư pháp (quan toà cũng như công an) để áp dụng một bộ luật, thực thi những khế ước như vậy, cũng là lớn vô cực.

Tính “không-thể-đầy-đủ” đó có tương quan đến thao tác theo dõi (monitoring) trong kinh tế, và liên hệ là các vấn đề hiểm nguy đạo đức (moral hazard) và tuyển lựa ngược (adverse selection).  Như ai đã học vài lớp kinh tế đều biết, một trong những lí do đưa đến sự thất bại của thị trường là sự thiếu thốn thông tin.  Stiglitz  là người đầu đàn trong nhóm các nhà kinh tế quy sự chậm tiến vào sự thiếu thốn này (nhất là cho thị trường tài chính và thị trường lao động) nhưng ông cũng có vài bài để lại nhiều ấn tượng nhấn mạnh đến vai trò gia đình trong sự thay thế thị trường bảo hiểm.  

Tính “không-thể-đầy-đủ” của luật pháp, của khế ước, thoạt nghe thì quá hiển nhiên, ai cũng biết và cũng không làm gì được, do đó nhiều người sẽ cho là chẳng cần lưu tâm trong thực tế soạn luật.  Song, nhìn kĩ, nó rất quan trọng.  Bởi vì, nếu “hoàn toàn đầy đủ”, tuy là “tốt bậc nhất” (first best), sẽ luôn là một ảo tưởng thì, nói theo các nhà kinh tế, giải pháp “tốt bậc nhì” (second best) không chắc sẽ là làm đầy đủ hơn (xem, chẳng hạn Arrow [1974]).  Có thể giải pháp “tốt bậc nhì” ấy sẽ nằm ngoài phạm vi pháp chế.  Nói khác đi, cơ bản của một số thể chế phi luật pháp có thể là phương cách mà xã hội đối phó với tính “không-thể-đầy-đủ” của luật pháp.[4] Chính vì thế mà phong tục, tập quán, tôn giáo là có giá trị kinh tế (mặc dù cũng là không hoàn toàn, vì có những tình huống mới mà xã hội chưa từng biết). [5]

III. Về tính độc lập và tuỳ tiện của thẩm phán

Ai cũng biết sự độc lập giữa tư pháp và các ngành khác (nhất là giữa tư pháp và hành pháp) là thiết yếu.  Không thể dung túng tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, đừng nói chi đến những móc nối, thông đồng đen tối, những áp lực bên trong để làm các việc xằng bậy.  Nghĩ cho cùng thì sự độc lập ấy chính là căn bản của dân chủ, là thành quả của các cuộc cách mạng lớn, dù đó là cách mạng có đổ máu như của Pháp, hay không đổ máu (cái gọi là “Glorious Revolution” năm 1688) của Anh.  Nhưng xa hơn sự độc lập của quan toà là tính cứng nhắc của luật pháp, và ở điểm này có vài khám phá gần đây trong kinh tế khá đáng chú ý. 

Nổi bật là đóng góp của nhóm các giáo sư Rafael La Porta (Đại học Dartmouth), Florencio Lopez-de-Silanes (Đại học Yale), Andrei Shleifer (Đại học Harvard), và Robert Vishny (Đại học Chicago) – thường được gọi tắt là LLSV.   Mấy ông này chia các nước ra làm hai loại, một loại thì theo dân luật (civil law) điển hình là Pháp, còn loại kia thì theo luật phổ thông (common law) điển hình là Anh.  Rồi, dùng phương pháp phân tích hồi quy (regression analysis), họ tính toán hệ số tương quan (correlation) giữa hai loại thể chế luật pháp ấy và mức phát triển của thị trường tài chính quốc gia.  LLSV khám phá rằng thị trường tài chính thì nhuần nhuyễn ở các nước có truyền thống luật phổ thông hơn ở những nước có truyền thống luật dân sự, và nói chung là kinh tế có truyền thống luật phổ thông thì tiến bộ hơn, xã hội năng động hơn.[6] 

Giải thích sự tương quan này, LLSV lí luận như sau.  Thứ nhất, vì luật lệ luôn có những lỗ hổng (“không đầy đủ” như đã nói ở Tiết III trên đây) các nhà đầu tư, các người cho vay cảm thấy an tâm hơn trong một thể chế mà quan toà (tuy là độc lập, theo nghĩa không phải nhận lệnh của ai) có nhiều quyền phán quyết hơn.  Thứ hai, các quốc gia theo truyền thống luật dân sự thì các quan toà không được nhiều linh động phán quyết vì luật rất sát, quy định từng li từng tí.  Trái lại, các quốc gia thừa kế luật phổ thông thì quan toà tương đối nhiều quyền hơn, vì luật này không quá chi tiết như luật dân sự. 

Như vậy, nếu tin vào giả thuyết này của LLSV thì ta lại có thêm bằng chứng rằng xã hội phải có một cơ chế lấp trống những lỗ hổng của pháp luật.  Cơ chế này càng tốt thì phát triển kinh tế càng mạnh.[7] 

Tuy khó hoài nghi trình độ phân tích kinh lượng của LLSV, khi các ông này đơn cử trường hợp cụ thể thì có vài lấn cấn.  Ví dụ trong cách họ so sánh Malaysia và Indonesia.  Tại sao, tuy cùng văn hóa Hồi giáo, cùng khu vực địa lí, tài nguyên cũng gần như nhau, mà Malaysia thì “khá” hơn Indonesia? (Malaysia năng động hơn, ít tham nhũng hơn, mức thu nhập của Malaysia gấp ba Indonesia, Malaysia cũng đối phó khá hơn với khủng hoảng tài chính 1997.) Tuy đã có nhiều giả thuyết (ví dụ như vai trò của cộng đồng người Hoa ở Malaysia, hoặc là sự giành độc lập của Indonesia đổ máu rất nhiều so với Malaysia), nhưng theo LLSV thì sự khác biệt về pháp chế giữa hai quốc gia ấy là lí do chính.  Malaysia là thuộc địa cũ của Anh, luật pháp của họ là căn cứ trên luật phổ thông của Anh.  Còn Indonesia là thuộc địa cũ của Hà Lan, pháp chế của họ là dựa vào hệ thống luật dân sự của Pháp (viết ra từ thời Napoléon và bị Pháp áp đặt trên các thuộc địa mà ông này chinh phục, trong đó có Hà Lan).  Người chỉ trích vin ngay vào ví dụ này để gặng LLSV:  Tuy kém hơn Malaysia, nhưng Indonesia lại phát triển hơn Ghana hoặc Sierra Leone (là những nước theo truyền thống Anh), thế thì sao?   

Những chỉ trích khác thì nhắm vào phương pháp hồi quy mà LLSV sử dụng.  Chẳng hạn như Mark West (2002), nhạo báng LLSV bằng cách cũng dùng phương pháp ấy để “chứng minh” rằng đa số vô địch các giải bóng đá quốc tế là các nước có luật dân sự!  Nghiêm trang hơn, West cho rằng thật là quá đơn giản khi chủ quan xếp pháp chế của một nước chỉ vào một trong hai nhóm: hoặc theo luật phổ thông, hoặc theo luật dân sự.  Lấy Nhật Bản làm ví dụ: LLSV xếp nước này vào nhóm luật dân sự, nhưng cũng có nhiều người cho rằng luật của Nhật là bắt chước của Đức lẫn Anh, khó cho đó là luật dân sự hoặc luật phổ thông. 

Phải nói rõ: từ lí luận của LLSV, không thể kết luận rằng thẩm phán cần nhiều quyền tuỳ tiện, nhất là khi còn nhiều dấu hỏi về năng lực của thẩm phán, đừng nói chi về sự trong sạch và lành mạnh của nền tư pháp.  Tuy nhiên, LLSV đặt ra một vấn đề cần suy nghĩ, đó là lựa chọn giữa, một bên, sự “nâng cấp” (tư cách và khả năng) đội ngủ thẩm phán và, bên kia, sự thiết lập những luật lệ chi li hơn.  Có thể là ta phải làm cả hai, hoặc làm việc này trước, việc kia sau.  Đó là những chọn lựa cần suy nghĩ vì chúng liên hệ đến cách phân bố nguồn lực (cũng như khả năng quan tâm) rất hạn chế của quốc gia. 

Có thể rút từ LLSV một bài học nữa:  nếu sự tuỳ tiện của quan toà là phải có (nhất là khi pháp luật chưa đầy đủ) thì yêu cầu bảo đảm sự trong sạch và năng lực của các quan toà là một đòi hỏi thiết yếu của phát triển, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự vận hành của thị trường tài chính, cụ thể là mức độ đầu tư.  

IV.  Yếu tố xuyên suốt: sự tin cẩn 

Vậy cái gì trong xã hội mà có một ảnh hưởng kinh tế quan trọng, nhất là trong kinh tế thị trường, mà luật pháp phải bổ túc?  Theo tôi, đó là sự tin cẩn trong xã hội.  Xem lí thuyết của De Soto chẳng hạn, nó xuất phát từ nhận định rằng tin cẩn là một yếu tố quyết định trong các giao dịch khế ước kì hạn.  Hoặc lấy ý niệm về “khế uớc không bao giờ có thể đầy đủ”: ý niệm này ám chỉ rằng tin cẩn là cần thiết để lấp những chỗ hổng của khế ước.  Còn về đề xuất của nhóm LLSV thì rõ ràng là nó căn cứ vào nhận định là sự tin cẩn vào các quan toà là cần thiết để thị trường (tài chính) hoạt động nhuần nhuyễn. 

 Theo Eric Uslaner (2002), ta có thể phân biệt hai loại tin cẩn: tin cẩn vì quen biết nhau, có kinh nghiệm làm ăn với nhau, và tin cẩn vì chia sẻ những giá trị văn hoá và đạo đức với nhau.  Loại đầu Uslaner gọi là tin cẩn chiến luợc (strategic trust), loại sau là tin cẩn đạo đức (moral trust).[8]  Tác giả này (và nhiều người như Douglass North) nhấn mạnh đến vai trò kinh tế của tin cẩn chiến lược là giảm phí giao dịch (transaction cost) (trong đó có án phí):  Nếu tôi biết anh, đã có kinh nghiệm làm ăn với anh, thì tôi sẽ khỏi tốn nhiều thì giờ thương lượng với anh, thuê thám tử điều tra anh, hoặc cần luật sư soạn thảo hợp đồng chi tiết với anh.   

Lợi ích “giảm giá phí” này rất cụ thể, và có thể không nhỏ.  Nhưng tầm ảnh hưởng của nó tương đối hạn hẹp: số người mà mỗi chúng ta đích thân quen bíết không là bao nhiêu.  Hơn nữa, khi thị trường mở rộng (song song với phát triển kinh tế) thì tầm quan trọng tương đối (so với những yếu tố khác) của tin cẩn chiến lược trong chức năng giảm phí giao dịch sẽ là ít đi.  Nói cách khác, nếu chỉ làm ăn với người mình quen biết thì chỉ quanh quẩn trong gia đình lối xóm, không mở rộng quy mô kinh doanh được.  Tất yếu là phải yểm trợ tin-cẩn-chiến-lược trong chức năng ấy bằng những luật lệ thành văn.  Song, lại nên nhớ, bởi lẽ chính sự thiết lập luật lệ thành văn sẽ thu hút tài nguyên quốc gia, bảo tồn tin cẩn chiến lược trong chừng mực có thể, để giảm gánh nặng trên luật thành văn, cũng là thiết yếu cho phát triển.[9] 

Về tin cẩn đạo đức: tuy (cho đến nay) các nhà nghiên cứu ít nói đến chức năng giảm phí giao dịch của nó nhưng tôi cho rằng nó cũng có tác dụng ấy, phần nào.  Chẳng hạn như tôi không biết anh, nhưng nếu anh là người cùng tôn giáo với tôi, thì tôi cũng “tin” là anh sẽ tuân những điều răn trong sách đạo của tôi và anh, và không cần đem anh ra toà ký giao kèo cam kết việc gì đó.  Tuy nhiên, Uslaner (và Putnam, Rothstein, vv) lại coi loại tin cẩn này có vai trò tuyệt quan trọng trong (1) sự tham gia của người dân vào các hoạt động cộng đồng (civic engagement) và (2) liên hệ, đến mức hữu hiệu của nhà nước (xét về guồng máy hành chánh cũng như về loại chính sách được chọn lựa và thi hành), cụ thể là nó có ảnh hưởng qua lại đến một vấn đề nóng bỏng hiện nay, đó là vấn đề tham nhũng.  Một đàng, nếu một xã hội nhiều tham nhũng thì tin-cẩn-đạo-đức sẽ kém đi (nếu không ai còn tin vào sự trong sạch, công minh của quan chức thì mọi người sẽ đâm ra phó mặc, chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình và gia đình mình).  Song chiều ảnh hưởng cũng có thể ngược lại: tin-cẩn-đạo-đức kém đi thì xã hội lại nhiều tham nhũng (người cầm quyền sẽ không còn đoái hoài gì đến nhân quần xã hội).  Vậy bảo tồn tin cẩn đạo đức là cần thiết.  Nhưng làm sao?  Tăng giờ dạy đạo đức, luân lý trong trường?  

Tương tự, có sự liên hệ giữa tin cẩn và dân chủ.  Margaret Levi (1999,82) cho rằng dân chủ sẽ làm tăng tin cẩn, hay chính xác hơn, người sống trong một xã hội bị cưỡng chế (coercion) sẽ ít tin cẩn ở người khác (xem thêm, chẳng hạn, Levi [1998], Offe [1999]).  Rothstein [đang in] giải thích: nếu bạn nghĩ là các cơ quan hành pháp và tư pháp là công bằng và hữu hiệu thì bạn sẽ nghĩ là những kẻ làm bậy sẽ khó tránh bàn tay luật pháp, do đó bạn sẽ cho là ít người dám làm bậy, và vì thế bạn sẽ tin cẩn nhiều người hơn. 

Nhiều người cũng than phiền là sự gian dối trong xã hội ta ngày càng nhiều thêm.  Sự gian dối này lắm khi chỉ là sự im lặng giấu giếm thông tin, hơn là “tích cực” đưa ra các thông tin dối trá.  Cái “nhiều thêm” này hầu như trở thành một “thông tục” mới: nếu không che đậy, gian dối, thì sẽ bị nhiều người khác chê là ngu dại, ngây thơ. 

Ngoài sự xúc phạm đạo đức của nó, về tác động kinh tế thì tôi nghĩ có thể xem sự gian dối này như sự tuột dốc của tin-cẩn-chiến-luợc lẫn tin-cẩn-đạo-đức.  Nếu gian dối trở thành “chuẩn mực đối xử” thì thông tin do đối tác cung cấp sẽ bị “nhiễu”, không còn giá trị.  Ta lại phải mất tiền điều tra, thuê luật sư làm khế ước vô cùng chi tiết (mà chẳng bao giờ “đầy đủ” được!), hoặc có những biện pháp khác, mà hậu quả là phí giao dịch sẽ tăng lên.  Cũng vậy, nếu xã hội “suy đồi” đến mức những người thành thực, ngay thẳng thì lại bị chê là ngu khờ …  thì những vốn văn hoá, vốn xã hội đều sẽ suy mòn.  Nổ lực phát triển lại cần thu hút các loại vốn “thường” (vốn tài chính) hơn, nhiều nguồn lực quốc gia lại càng tiêu tốn vào các hoạt động công an, toà án, khám đường, v.v.  Rồi chính sách quốc gia dù có tốt cũng sẽ không hữu hiệu vì không ai tuân theo, kĩ cương quốc gia và xã hội sẽ càng ngày càng mục nát, tan rã…[10] 

Xin thêm một nhận xét về “tin cẩn” bàn ở Tiết này và phân tích của nhóm LLSV nói ở Tiết trước. Có thể nhìn tiếp cận LLSV như sau: trong chế độ luật phổ thông thì chi tiết của luật thành văn không cần nhiều, quan tòa sẽ dựa nhiều hơn vào những cảm tính thể chế (phong tục, tập quán) để quyết định.  Nói cách khác nó đòi hỏi một mức độ tin cẩn của dân chúng vào bộ máy nhà nước (cụ thể là ngành tư pháp).  Trái lại, trong chế độ dân luật, bộ luật thành văn có nhiều chi tiết hơn thì bộ máy tư pháp có thể cứng nhắc hơn, và sự tin cẩn của người dân vào sự anh minh của các quan tòa sẽ ít quan trọng cho sự vận hành của xã hội. Nói cách khác, có thể diễn dịch kết quả của LLSV là một nền kinh tế có nhiều tin cẩn thì sẽ họat động tốt hơn nền kinh tế quá dựa vào các luật lệ thành văn, một cách máy móc.

V.  Kết luận

Tin cẩn là cần thiết: người dân phải tin nhau, và người dân phải tin nhà nước.  Những tệ nạn như tham nhũng, bất công xã hội, sẽ làm giảm tin cẩn không những của người dân đối với chính phủ nhưng còn giữa những người trong xã hội với nhau.  Khi niềm tin đó giảm xuống thì giá phí sản xuất sẽ cao lên (với tất cả hậu quả kinh tế của nó), xã hội sẽ cần nhiều luật pháp hơn, và chính sách nhà nước ít công hiệu hơn (vì sẽ không được tuân theo).  Kiện toàn hệ thống pháp chế là cần thiết để phát triển, song đồng thời cũng cần bảo tồn những thể chế bất thành văn khác để bổ túc cho pháp chế. 

Nhìn từ quan điểm kinh tế thì soạn luật, thi hành án đều là những hoạt động tiêu tốn tài nguyên, và như thế chúng phải được nghĩ đến trong bối cảnh phân bố nguồn lực của cả nước.  Có thêm một luật sư là ít đi một người ở một ngành khác cũng có ích cho phát triển.  Tốc độ “soạn luật” – cũng như nội dung và độ chi tiết của luật soạn – phải đồng bộ với những biến chuyển khác của xã hội.  Thành viên trong một xã hội càng tin cẩn ở nhau thì xã hội càng ít cần đến pháp chế (thành văn), tức là tiết kiệm được những nguồn lực cần thiết để vận hành pháp chế.  Những nguồn lực này có thể được sử dụng cho những mục đích khác của quốc gia.   

Pháp chế là cần thiết, nhưng không thể và không nên nương tựa quá đáng vào nó: dù tốn hao bao nhiêu nguồn lực, sẽ không bao giờ có một pháp chế “đầy đủ” (về mặt mô ta cũng như khâu thực thi).  Phải vận dụng những “công cụ” khác: sắp xếp lại thể chế (kể cả thể chế chính trị) và huy động những “đức tính” của xã hội...

 

THAM KHẢO

Bài này dựa vào các lí thuyết về “khế ước không đầy đủ” (Kenneth Arrow, Joseph Stiglitz, Oliver Hart, James Moore) về “tin cẩn và vốn xã hội” (Robert Putnam, Francis Fukuyama, Eric Uslaner), về  “luật và kinh tế” (La Porta, Lopez-de-Silanes, Shleifer, Vishny), về “vốn” của Hernando de Soto, về “phí giao dịch” (Douglass North, Oliver Williamson, Ronald Coase)

De Soto, Hernando, 2000, The Mystery of Capital, New York: Basic Books.

Dũng, Trần Hữu, 2003, “Vốn xã hội và kinh tế,” Thời Đại, 8

Gintis, Herbert, 2000, Game Theory Evolving, Princeton University Press

Gravois, John, 2005, “The De Soto Delusion,” Slate, January 28.

La Porta, Rafael, et al, 1999, “The Quality of Good Government,” Journal of Law, Economics and Organization, Vol 15, No. 1, pp. 222-279

Levi, Margaret, 1999. “When Good Defenses Make Good Neighbors: A Transaction Cost Approach to Trust and Distrust.” New York: Russell Sage Foundation Working Paper #140.

Rothstein, Bo, 2000. “Trust, Social Dilemmas, and Collective Memories: On the Rise and Decline of the Swedish Model,” Journal of Theoretical Politics. 12: 477-501

Samuelson, Larry, 1999, Evolutionary games and equilibrium selection, MIT Press

Uslaner, Eric, 2002, The Moral Foundations of Trust, NY: Cambridge University Press.

West, Mark D., 2002,  "Legal Determinants of World Cup Success", Michigan Law and Economics Research Paper No. 02-009


 


Chú thích

[1] Department of Economics, Wright State University, Dayton, OH 45435, USA.  Bài này là viết lại báo cáo tại Hội Thảo Đà Nẵng (2005), và trích đăng lại một phần trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (2-9-2005).  Tác giả xin cám ơn anh Vũ Quang Việt đã góp ý cho bài này được sáng sủa hơn.  Tất nhiên, mọi sai lầm và thiếu sót đều là của người viết.

[2] Chẳng hạn: không xã hội văn minh nào dung thứ tội giết người, nhưng đâu ai khẳng định rằng khi một án mạng xảy ra thì tất cả tài nguyên trong nước phải dồn hết vào việc truy lùng hung thủ?

[3] Nhìn kỹ thì tiếp cận của De Soto, trong chừng mực nhất định, xuất phát từ một nhận xét khá giống những tác giả về "vốn xã hội" (xem Dũng [2003]) bởi lẽ, việc thiếu thốn thông tin để bảo đảm cam kết có thể được bù đắp phần nào bằng mạng lưới tin cẩn giữa các đối tác trong giao dịch liên hệ.  Nói cách khác, phân tích của De Soto (theo đó căn bản pháp lý là cần thiết để "gỡ trói" cho vốn) xây dựng trên khẳng định về sự quan yếu của một cơ sở thông tin trong việc thực hiện cam kết khế ước, cung cấp dữ kiện cho những người giao dịch.

[4] Quan niệm cho rằng một vài thể chế xuất hiện để trám những lỗ hổng của luật thành văn không phải là mới.  Tôi lấy cảm hứng cho quan niệm này qua các lí thuyết của nhà kinh tế Oliver Hart,  James Moore, Eric Maskin, John Roberts, David Kreps…  vể lí do sinh tồn của các hãng kinh doanh.

[5] Chẳng hạn như hầu như xã hội nào cũng kết án ăn cắp, nhưng từ trước đến nay nói ăn cắp là ăn cắp những vật thể: tiền bạc hoặc vật dụng.  Lấy “ý tưởng” của người khác (nhất là nếu không có lợi tài chính), như mô phỏng một tác phẩm văn học, một bản nhạc (không với mục đích thương mại) thì có phải là ăn cắp không?  Bây giờ thì ai cũng cho đó là ăn cắp (sở hữu trí tuệ) nhưng có nhiều xã hội thì lại cho đó là vinh hạnh cho những người được “bắt chước”, không phải là ăn cắp.

[6] Lưu ý rằng đây là kết quả hồi quy, có nhiều ngoại lệ.

[7] Xem thêm Lawrence Mead, 2005, “Why Anglos Lead,” National Interest, số Mùa Đông.

[8]Uslaner đề nghị một cách phân biệt nữa, giữa tin cẩn khu biệt (particularized trust) và tin cẩn quảng bác (generalized trust), nhưng cách phân biệt này khá mập mờ, và hơi thừa vì có nhiều trùng hợp với tin cẩn chiến lược và tin cẩn đạo đức.)

[9] Nhưng sự tin-cẩn-chiến-lược này, theo tôi, còn có một vai trò đặc biệt nếu nhìn nó qua thuyết trò chơi (game theory), nhất là thuyết trò chơi tiến hoá (evolutionary game theory).  Có thể chứng minh rằng hậu quả (payoffs) của một cuộc tiến hoá mà “tay chơi” không tin nhau, hoặc không ngần ngại đưa những thông tin không thật, luôn luôn sẽ là không tốt bằng (inferior) hậu quả một cuộc tiến hoá mà tay chơi “thành thực” hơn, dù là cũng vẫn cho quyển lợi của cá nhân là trên hết.

[10] Phân tích lí thuyết về ảnh hưởng của tin cẩn trong kinh tế rất sôi nổi trong tiếp cận thuyết trò chơi (game theory) gần đây.  Xem, chẳng hạn, Larry Samuelson [1997], Herbert Gintis  [2000].

 

 

©  Thời Đại Mới

 

Trở về trang chủ Thời Đại Mới

 

1-4-06