Số 8 - Tháng 7/2006
Năng lượng và sự phát triển của Việt Nam
Bùi Văn Đạo
Trong hơn bốn năm, từ 2002 cho đến 2006, giá dầu đã tăng từ 20 cho đến gần 80 USD một thùng. Việc gia tăng vượt mức này sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển đặc biệt là cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Năng lượng là một vấn đề lớn. Trong bài này tác giả xin phác họa qua một số những vấn đề sau: · Thực trạng giá dầu thô tăng trong những năm vừa qua · Khả năng sản xuất của thế giới, và của Hiệp Hội Những Nước Xuất Cảng Dầu (OPEC) · Trữ lượng dầu thế giới · Tương lai giá dầu sẽ đi về đâu · Dầu khí ở Việt Nam Tất cả các tư liệu dùng trong bài viết này đều lấy từ các nguồn công cộng, có sẵn qua mạng internet hay các tạp chí chuyên ngành. 1. Thực trạng giá dầu trong những năm vừa qua Năm 1999, giá dầu thô trung bình $10/thùng. Qua đến năm 2006, giá dầu lên đến quá $75/thùng. Tương tự, giá khí đốt tăng từ $1 lên quá $15. Hình 1a, biểu thị giá dầu và khí trong hơn 15 năm qua. Tuy nhiên, nếu kể lạm phát thì giá dầu trong thập niên 80 còn cao hơn hiện nay. Tính theo đồng USD năm 2003 thì giá dầu năm 1980 có lúc lên quá $100/thùng. Tuy nhiên nếu so sánh với giá bình quân năm hai năm cao điểm 1980-1981 ($65 tính theo giá năm 2004) thì giá dầu hiện nay là khá cao. Theo đà này khả năng $100/thùng dầu sẽ không xa và nó sẽ gây nhiều ảnh hưởng quan trọng trong kinh tế thế giới. Năng lượng hay nói cho đúng hơn là thiếu năng lượng sẽ là một trong những quan tâm hàng đầu cho các lãnh đạo các quốc gia và các chuyên gia kinh tế trong thời gian tới. Mặc dù giá cao sẽ làm giảm tiêu dùng, điều này đã thể hiện rõ ở Mỹ. Nếu tính dựa theo việc tiêu dùng dầu để tạo ra một đồng đô la cố định, thì việc dùng ở Mỹ đã giảm xuống một nửa tính từ năm 1960 đến nay và giảm mạnh nhất từ năm 1980 khi giá dầu tăng. Tuy nhiên do phát triển kinh tế, tổng lượng dầu cần cho nhu cầu vẫn tăng. So với năm 1980, hiện nay tổng lượng dầu dùng ở Mỹ tăng 17%, không đáng kể so với GDP tăng gấp đôi. Các nước khác đặc biệt là các nước là Ấn Độ và Trung Quốc, do chính sách bù lỗ trực tiếp vào tiêu dùng dầu hoặc gián tiếp qua giá điện, hoặc do tốc độ phát triển kinh tế cao, nhu cầu dầu tăng lên nhanh chóng. Trung quốc tăng lượng dùng dầu từ 6% tổng sử dụng dầu của thế giới lên 8% trong 3 năm từ năm 2001 đến 2004. Mỹ hiện nay dùng khoảng 25% tổng nhu cầu của thế giới. Đối với tình hình thế giới, từ năm 1999 cho đến 2005 số lượng tiêu thụ tăng từ 67 cho đến 84 triệu thùng mỗi ngày. Lượng tiêu dùng khí đốt cũng tăng theo tình trạng tương tự. Thế giới đang trong cơn say năng lượng. Thật ra chẳng phải chỉ dầu thô, tổng số năng lượng dùng kể cả than đá tăng trong thời gian qua. Gần 50% số lượng dầu thô là dùng vào việc chuyên chở như xe, máy bay …. 50% là dùng trong công nghiệp hóa học. Cho đến nay, cơn sốt dầu vẫn không có lối thoát. Bảng 1 cho rõ chi tiết số lượng dùng trên thế giới. Nước Mỹ, với tổng số dân chưa quá 5% tổng số của thế giới đang dùng 25% số lượng dầu thô sản xuất. Hiện tại lượng dầu nước Mỹ sản xuất chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu nội địa. Thật ra giá dầu tăng theo cái gọi là “khoảng cách thặng dư khả năng sản xuất ” (excess production capacity). Đây là sự sai biệt giữa khả năng sản xuất và số lượng tiêu thụ. Giữa thập niên 80 thì khoảng cách này khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày. Đến cuối thập niên 90 thì còn khoảng 2 triệu thùng. Khoảng cách này đến nay thì hầu như không còn nữa. Với tính cách hàng hóa của nó, giá dầu khí sẽ theo thị trường mà lên xuống.
2. Khả năng sản xuất của thế giới, của Hiệp Hội Những Nước Xuất Cảng Dầu Thô (OPEC) Năm 2005, khoảng cách thặng dư khả năng sản xuất còn dưới 2%. Thế giới hiện nay sản xuất khoảng 84 triệu thùng mỗi ngày. Thường, các chuyên gia chia lực lượng sản xuất dầu làm hai khối: các nước OPEC, các nước không OPEC. Trong các nước không thuộc OPEC lại còn có thể chia làm hai: Các nước thuộc Liên Xô Cũ (FSU – Former Soviet Union) và các nước còn lại. Đặc điểm của sự sản xuất của các nước không thuộc OPEC là không có khả năng tăng sản xuất dầu nhiều. Hiện nay sản lượng của các nước này khoảng 46 triệu thùng mỗi ngày. Đến năm 2010, mức này sẽ tăng lên 52 triệu thùng. Mức tăng trưởng dưới 1% mỗi năm. Trong thời gian tới, các nước OPEC sẽ phải tăng sản xuất chừng 2.7% mỗi năm để đáp ứng nhu cầu cho toàn thế giới. Sự tăng sản xuất này là một thử thách lớn cho các nước OPEC cũng như sức mạnh của các nước này đối với thị trường dầu hỏa nói chung. Sản xuất của OPEC nói riêng chủ yếu thuộc về năm quốc gia: Saudi Arbia, Iran, Kuwait, Iraq và United Arab Emirates. Năm nước này sản xuất 2/3 sản lượng của OPEC. Để đáp ứng với 2.5% tăng trưởng tiêu dùng của thế giới, không ai nghĩ các nước này có thể đáp ứng được với thử thách này.Trong 5 năm qua, sản lượng của các nước này nằm yên ở mức 28-30 triệu thùng mỗi ngày. Ngay sức sản xuất của Saudi Arabia cũng là một vấn đề cần được xem xét kỹ. Nước này hiện đang sản xuất độ 10.5 triệu thùng mỗi ngày trong đó có đến 90% tập trung quanh 4-5 mỏ. 80% là quanh mỏ Ghawar. Mỏ này rất trù phú, song đã khai thác hơn 50 năm nay. Đây không phải là tình trạng của riêng ở Saudi mà cũng là tình trạng chung trên thế giới. Tình hình là như sau: 20% sản luợng của thế giới tập trung ở 14 mỏ. Rộng hơn, sản lượng của 114 mỏ, tuy chỉ là 3% trong số các mỏ lớn nhưng cung cấp gần 50% tổng số. Với sức sản xuất như vậy, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng dầu hỏa sẽ là một vấn đề nan giải cho lãnh đạo của các quốc gia. Với cung không đáp ứng đươc cầu, giá dầu sẽ còn lên cao hơn nữa. Cũng vì thế, giải quyết vấn đề năng lượng hay đúng hơn bảo đảm cho quốc gia mình có đủ năng lượng để phát triển sẽ là một mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước lớn đang phải nhập khẩu dầu; cụ thể là Mỹ, Trung Quốc, Nhật …Dù có công bố hay không, chiến tranh tại Iraq cũng như chính sách của Mỹ ở Trung Đông, chính sách của Trung Quốc tại Sudan, Uzbekistan … cũng không qua khỏi mục tiêu này. Trữ lượng dầu của thế giới Trên toàn thế giới, trữ lượng dầu có thể khai thác (recoverable reserve) là độ 1200 tỷ thùng. Với mức tiêu dùng như hiện nay, trữ lượng này dùng được khoảng 40 năm. Trong thập niên 1950’s, nhà địa chất học Mỹ M. King Hubbert đưa ra quan điểm “Đỉnh Sản Xuất” (Peak Oil) của dầu. Sau khi đạt tới đỉnh sản xuất, mức sản xuất sẽ giảm dần và sẽ ngưng trong vòng 20-30 năm sau. Đỉnh Sản Xuất của Mỹ là thập niên 1970, của các nước không thuộc OPEC là 2010 và của OPEC là thập niên 2020. Đỉnh Sản Xuất là một quan điểm đang được bàn cãi rất sâu rộng. Đương nhiên lúc làm tính về nước Mỹ, Hubbert không biết gì về những mỏ dầu sẽ được khám phá ở Vùng Vịnh Mexico (Gulf of Mexico) hay North Slope ở Alaska. Tuy vậy, việc khám phá những mỏ mới này cũng chỉ cho phép kéo dài hơn mức sản xuất đang đi xuống (declining trend) của nước Mỹ. Từ thập niên 70 cho đến nay, kể tất cả các mỏ mới được khai phá, sản lượng dầu của nước Mỹ vẫn dậm chân tại mức 10 triệu thùng mỗi ngày. Nếu tính cả vùng bảo tồn sinh thái ở Bắc Cực, ANWR (Artic Natural Wildlife Reserve), mức sản xuất cũng sẽ không xê dịch bao nhiêu. Từ hơn 15 năm nay, trữ lượng của các nước OPEC vẫn chiếm khoảng 80% tổng số của thế giới. Dự đoán là trong vòng 10 năm tới, các vùng sản xuất như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Mexico, Norway, Brazil, Angola, Kazakhstan, Canada … sẽ tụt hạng thành hàng các nước sản xuất dầu thứ yếu. Chỉ còn lại các nước trong OPEC, chủ yếu là quanh vùng vịnh Ba Tư như Saudi, Iran, Iraq, UAE, Kuwait … Điều làm cho bài tính trữ lượng thêm khó khăn là dù muốn hay không, trữ lượng, tuy dựa trên nhiều dữ liệu khoa học nhưng vẫn có nhiều tính chất đoán mò. Gần đây, một xi-căng-đan lớn nổ tung trong làng dầu khí. Trữ lượng thật sự của công ty Shell bị đánh giá thấp hơn giá trị trong sổ sách. Điều này khiến cổ phần của công ty bị giảm 15% trong một ngày. Tổng Giám Đốc Điều Hành của Shell phải từ chức. Trữ lượng dầu của Saudi là 250 tỷ thùng. Các dữ kiện để đi đến kết quả trên đều nằm trong tay Saudi. Không ai biết thực hư ra sao. Liệu bao nhiêu phần của trữ lượng này chỉ có giá trị trên giấy tờ mà thôi. Trong khi đó, tuy các công ty dầu đầu tư cho công tác tìm kiếm có tăng nhưng trong 3 năm gần đây, cũng không tìm được vỉa dầu nào thật lớn. Những vỉa lớn tìm được ở Angola, Nigeria, Brazil ... trữ lượng đều dưới 1 tỷ thùng. Ngay cả vùng bảo tồn sinh thái ở Bắc Cực ANWR trên Alaska, trữ lượng tiên đoán cũng chỉ từ 6-11 tỷ thùng, nghĩa là cũng chỉ đủ cho mình nước Mỹ dùng trong vòng một hai năm tính theo độ tiêu dùng hiện thời. Mỗi năm, nhu cầu tiêu dùng dầu tăng độ 2%, cộng với số lượng tiêu dùng cũng quãng 2% của tổng số dự trữ. Để tiến đến tình trạng quân bằng cho cung và cầu, mỗi năm ngành dầu khí của thế giới phải khám phá cho ra 48 tỷ thùng dầu mới, tức là 4-8 lần số dầu tại ANWR. Đây có thể là một chuyện không tưởng.
3. Tương lai giá dầu sẽ đi về đâu Đến năm 2025, các chuyên gia tính rằng sức tiêu dung của thế giới sẽ lên đến 118 triệu thùng mỗi ngày. Đây thật sự sẽ là một cơn sóng thần (tsunami) cho cả nhân loại. Cơn sóng thần này sẽ đến làm 3 đợt. Chúng ta đang ở trên đỉnh của đợt đầu. Đây là đợt nhỏ nhất, làn sóng báo nguy. Đợt hai sẽ mạnh hơn, đến quãng năm 2009-2010. Đây là lúc các nước không thuộc OPEC đạt đến đỉnh sản xuất dầu. Sau thời điểm này, sức sản xuất của họ sẽ giảm dần. Tuy nhiên các nước này sẽ tiếp tục sản xuất trong một thời gian nữa. Sau đó nữa là đợt cuối cùng. Đây cũng là đợt mãnh liệt nhất. Lúc đó các nước OPEC sẽ đạt đến đỉnh sản xuất của chính họ. Sau năm 2020, sản lượng dầu sẽ giảm dần. Dĩ nhiên viễn cảnh thiếu dầu sẽ là một nỗi kinh hoàng đối với nhân loại. Chiến tranh, nạn đói, bệnh hoạn … sẽ lan tràn. Nhưng có lẽ đây là điều mà nhân loại khó tránh khỏi. Đứng trên bình diện vĩ mô mà nói, sức tiêu thụ dầu tương đương với sự tăng trưởng của dân số thế giới. Năm 1970, tổng dân số thế giới độ 4 tỷ người. Hiện nay độ 6 tỷ người. Trong 30 năm qua, số lượng dầu cũng tăng 50%. Chúng ta đang sống trong tuy một mà là hai thế giới. Đúng như truyện Tale of Two Cities của Charles Dickens. Một thế giới của sự giầu sang trong đó một tỷ người (17% tổng số) sử dụng 85% tổng số năng lượng sản xuất. Ba tỷ người (50%) sử dụng số 15% còn lại. Hai tỷ người vẫn còn sống như thời cổ đại. Nhưng chỉ khác là với tiến bộ của khoa học, tin học, internet, quả đất thay vì tròn quả cầu đã trở thành phẳng (flat earth). Trên sáu tỷ người, ai cũng muốn cuộc sống văn minh với đủ những tiện nghi hiện dại. Hiện nay mỗi năm bình quân, một người Mỹ dùng 30 thùng dầu. Mỗi người Trung Quốc dùng 1.7 thùng. Mỗi người Ấn Độ dùng 0.7 thùng. Cứ nhìn vào con số xe hơi mà dân Trung Quốc mua, cứ nhìn vào hội của những người lái xe Harley Davidson ở Hà Nội thì hiểu ngay. Ai cũng muốn có, chơi, giải trí những điều mà dân các nước phát triển có. Liệu chúng ta có thể sản xuất năng lượng đủ cho hơn sáu tỷ người muốn dùng 100 triệu TV, 600 triệu xe hơi, 480 triệu điện thoại di động, 350 triệu máy vi tính không. Số lượng tiêu dùng ở các nước đang phát triển tăng rất nhanh. Trong 10 năm qua, trong khi sự tiêu dùng của các nước Âu châu chỉ tăng 18%, các nước đang phát triển tăng gấp đôi. Lấy trường hợp cụ thể của Trung Quốc; trước khi hiện đại hóa, năm 1965, mỗi ngày Trung Quốc dùng 200,000 thùng dầu. Đến thập niên 80, mức tiêu dùng lên đến 10 lần hơn, 2 triệu thùng. Đến năm 2000, mức này lại tăng đến 6 triệu thùng. Năm 2025, dự tính mức này sẽ lên đến 20 triệu thùng mỗi ngày. Tình trạng tiêu thụ của các nước đang phát triển khác như Ấn Độ cũng tương tự. Ngoài cái tương phản giữa giầu và nghèo, dầu khí còn mang sự tương phản giữa mới và cũ. Nhu cầu thì mới quá, chập chững như em bé biết bò. Mỗi năm có bao nhiêu triệu người mới mua xe hơi lần đầu, mới gia nhập đẳng cấp những dân sử dụng năng lượng nhiều. Trong khi đó, những mỏ dầu thật xưa, như mỏ Ghawar ở Saudi, như chiếc xe bò già, tuy đã hơn 50 tuổi, nhưng vẫn cọc cạch sản xuất gần 20% dầu cho toàn thế giới. 95% tổng sản lượng đến từ những mỏ 25 tuổi hay già hơn. Năm 2005, trong cơn sốt dầu khí, khi giá dầu lên quá $58 một thùng, một nhà phân tích làm việc ở công ty Goldman Sachs tuyên bố là giá này sẽ lên quá $105 một thùng. Đến năm 2006, chuyện này sắp trở thành hiện thực. Nhiều nhà nghiên cứu dự đoán đến năm 2015, giá dầu sẽ lên đến $380 một thùng. Đến năm 2020, 2025 giá sẽ lên đến đâu, các bạn có thể tính hay đi xem bói. Không biết đến lúc đó còn tiền mua xăng lái xe?
3. Dầu khí ở Việt Nam Việt Nam bắt đầu sản xuất dầu từ thập niên 80. Phần lớn là khai thác ngoài khơi. Các vựa dầu chính là Sông Hồng ở miền vịnh Bắc Bộ, Phú Khánh ở vùng duyên hải miền Trung và Nam Côn Sơn, Cửu Long và Malay-Thổ Chu ở miền Nam. Mỗi ngày Việt Nam sản xuất độ 350,000 đến 400,000 thùng. Ở Đông Nam Á, Việt Nam đứng hàng thứ ba sau Indonesia and Malaysia. Bảng 2 cho thấy một số liệu về nền dầu khí ở Việt Nam. Năm 2004, Việt Nam sản xuất 130 triệu thùng dầu trong đó 80% là sản xuất ở mỏ Bạch Hổ thuộc Vietxopetro. Đây là một liên doanh giữa PetroVietnam và Zarubezhneft của Nga. Cũng năm 2004, số lượng khí đốt sản xuất là 5.6 tỷ m3. Theo PetroViet Nam, trữ lượng dầu ở Việt Nam là 6.5-8.5 tỷ thùng và khí đốt là 2.1 – 2.86 ngàn tỷ m3. Theo số liệu của Mỹ thì con số này thấp hơn, chỉ khoảng từ 600 triệu đến 1.4 tỷ thùng. Sự đánh giá trữ lượng giữa hai con số cách nhau gần 8 lần. Nếu con số của Mỹ mà đúng thì với sản xuất hiện thời, Việt Nam sẽ hết dầu trong vòng 8 năm. Dĩ nhiên đây là chưa kể những vựa dầu chưa được khám phá. Nhưng mặt khác, con số này làm bài toán quyết định những đầu tư lớn và lâu dài như dự án Dung Quất thêm phức tạp. Mỗi ngày số dầu sử dụng là 185 ngàn thùng. Như vậy, lượng bình quân mỗi năm mỗi người Việt Nam dùng hơn 0.8 thùng. Con số này khá thấp, chỉ ngang với Ân Độ và bằng một nửa Trung Quốc. Bốn tháng đầu năm 2005, xuất cảng dầu khí mang lại 1.7 tỷ USD. Như vậy. mỗi năm ngành dầu khí đóng góp hơn 6 tỷ cho quốc gia. Năm 2005, sản lượng dầu giảm 10%, phần lớn là vì mỏ Bạch Hổ. Phần lớn các mỏ dầu Việt Nam ở ngoài khơi, nhưng bề sâu tương đối cạn. Năm 2005, Việt Nam cho đấu thầu một số lô ngoài khơi Phú Khánh ở biển sâu tới 2,500 mét. Tin giờ chót cho biết, cuộc đấu thầu sẽ bị hoãn lại. Tuy không cho biết lý do nhưng theo các nguồn tin hành lang thì đây là dấu hiệu chứng tỏ thiếu các hãng tham dự đấu thầu. Cho đến nay, Việt Nam không có một cơ sở hóa dầu đáng kể. Năm 1997, Quốc Hội Việt Nam chấp thuận cho xây dựng khu công nghiệp Dung Quất. Đây là một đề tài đang được Quốc Hội Việt Nam bàn cãi sôi nổi. Dự án này bắt đầu năm 1995, khi chính phủ quyết định cần xây dựng cơ sở lọc dầu trong nước. Chi phí ban đầu dự tính là 1.3 tỷ USD. Và địa điểm chọn cho công trình này là vùng Dung Quất, một vùng nằm giữa hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Một khu công nghiệp với những cơ sở kỹ nghệ liên đới sẽ dược xây dựng để phục vụ Dung Quất. Cũng vào thời điểm này, các tỉnh ở hai miền Nam Bắc đang mở nhiều khu công nghiệp với vốn ngoại quốc trong khi miền Trung hầu như không có gì. Quyết định Dung Quất là muốn dùng khu công nghiệp như một cú hích, tạo động lực cho việc phát triển kinh tế miền Trung, tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư trong điều kiện đã có một số cơ sở hạ tầng cần thiết cho nhà máy lọc dầu như đường giao thông, điện nước, cảng phục vụ thi công …Nhà máy lọc dầu khi đi vào vận hành sẽ góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực do biến động về nguồn cung cấp và giá cả xăng dầu từ thị trường thế giới và khu vực, tạo tiền đề cho việc phát triển ngành công nghiệp hóa dầu còn mới mẻ ở Việt Nam như sản xuất chất dẻo, sản xuất vật liệu composite, vật liệu hóa chất. Nhưng ba lần nỗ lực hợp tác với nước ngoài đều không thành làm cho dự án bị đình trệ và ngân sách tăng phi mã. Nỗ lực liên doanh với các nước ngoài không thành cũng là vì lý do địa lý. Các công ty nước ngoài đều kết luận rằng địa điểm Dung Quất không kinh tế. Dầu thô phải chuyên chở gần 1000 km, từ miền Nam để lọc ở Dung Quất. Sau đó phải chuyên chở 1000 km trở lại miền Nam hay miền Bắc vì đấy là nơi khách hàng tiêu thụ. Sự vận chuyển này sẽ tăng giá thành cho sản phẩm, làm giảm hiệu năng kinh tế. Hãng Pháp Total muốn xây ở Bà Rịa mà không được nên xin rút lui. Họ viện rằng lý do địa lý sẽ làm tăng giá thành của nhà máy hơn 500 triệu USD. Sau đó một tập đoàn ngoại quốc khác gồm Mã Lai, Mỹ và Trung Quốc cũng nhảy vào. Không bao lâu họ cũng xin kiếu. Năm 1999, Việt Nam quyết định hợp tác với Zaruberznheft (công ty liên doanh trong Vietxo Petro). Đến năm 2002 thì liên doanh này cũng không thành. Nhì nhằng mãi, đến tháng năm 2005 thì Việt Nam mới quyết định làm một mình và ký giao kèo 1.56 tỷ USD với hãng Pháp Technips. Dự tính thời gian xây cất sẽ là 44 tháng. Như vậy là đến năm 2009 nhà máy sẽ đi vào sản xuất. Công suất của nhà máy sẽ là 145,000 thùng mỗi ngày. Tổng công kinh phí của dự án sẽ lên đến 2.5 tỷ USD. Đến nay 250 triệu USD đã được dùng trong các công trình cơ bản phục vụ khu công nghiêp. Vì vốn gốc (capital expenditure) cao hơn dự tính nên tỷ lệ thu hồi vốn nội tại (IRR – Internal Rate of Return – một chỉ số thường được các công ty Mỹ dùng để đo hiệu quả kinh tế của dự án trước khi quyết định thi hành) của dự án Dung Quất chỉ còn 6%. Thông thường ở Mỹ, một dự án sẽ khó được hội đồng quản trị chấp thuận nếu IRR dưới 15%. Trong nhiều lĩnh vực kỹ nghệ, con số đòi hỏi có khi lên tới 20-25%. Ở mức 6%, vốn gốc sẽ không bao giờ được trang trải. Như thế, càng làm thì càng nợ. Chỉ số IRR luôn được so sánh với chỉ số S&P và luôn luôn phải cao hơn S&P gấp bội. Một vấn đề nữa là sau khi Dung Quất bắt đầu vào hoạt động, sản lượng dầu của Việt Nam sẽ là bao nhiêu và sẽ tiếp tục cung cấp dầu thô trong bao nhiêu năm nữa. Một dự án chi tiêu lớn như Dung Quất phải dựa trên một tuổi thọ hoạt động (operating life) ít nhất là 20 năm. Nếu phải nhập dầu thô từ Indonesia hay Middle East thì hiệu năng kinh tế sẽ là ra sao? So với các nước sản xuất dầu khí trên thế giới, Việt Nam vẫn còn non trẻ. Trong năm qua, ngành dầu khí Việt Nam có một số quan chức cao cấp bị truy tố vì tham nhũng, hối lộ … Hiện tượng này cũng rất phổ biến trong các nước sản xuất dầu khí. Phần đông là những nước đang phát triển. Tham nhũng đã trở thành quốc nạn cho các nước này. Có dầu tưởng là may mắn nhưng đã trở thành lời nguyền rủa cho các quốc gia này. Tuyệt đại đa số lợi tức từ dầu đều vào túi những kẻ nắm quyền. Dân trơ thì vẫn là dân trọi. Hy vọng dầu khí sẽ không là lời nguyền cho Việt Nam.
Cảm Tạ Xin chân thành cảm tạ một số bạn hữu đã cung cấp tài liệu. Đặc biệt là với các ông Dillard Hammett, Daniel Johnston và David Johnston. Tài Liệu Tham Khảo
1. Matt Simmons & Company 2. Douglas and Westwood 3. Wood Mackenzie 4. International Monetary Fund Publications 5. World Oil Magazine 6. Offshore Maganize 7. Offshore Engineering Magazine 8. Upstream Magazine
Bảng 1: Chi Tiết Về Số Lượng Dầu Thế Giới Tiêu Thụ
Tiêu thụ dầu trên thế giới (Triệu thùng một ngày)
2002 2020 OECD Bắc Mỹ 22.6 28.7 Mỹ & Canada 20.7 25.8 Mexico 2.0 2.9 OECD Âu châu 14.5 16.3 OECD Thái Bình Dương 8.4 9.4 OECD Á châu 7.5 8.3 OECD Úc châu 0.9 1.1 Các nước OECD 45.4 54.4 Các nước kinh tế chuyển đổi 4.7 6.5 Nga 2.7 3.6 Các nước khác 2.0 3.0 Trung Quốc 5.2 10.6 Indonesia 1.2 2.1 Ấn Độ 2.5 4.5 Các nước Á châu khác 3.9 7.0 Mỹ Latin 4.5 6.8 Brazil 1.8 2.9 Các nước khác 2.7 3.9 Phi châu 2.4 4.4 Trung Đông 4.3 6.8 Các nước không thuộc nhóm OECD 28.6 48.8 Linh tinh khác 3.0 3.5 Thế giới 77.0 106.7 Khối Liên Hiệp Âu châu 13.6 15.3
Nguồn: World
Energy Outlook 2004, Organization for Economic Cooperation
and Development (OECD) Bảng 2: Chi Tiết Về Số Lượng Dấu Khí của Việt Nam
Dầu Khí
Sản lượng Thùng/ngày CIA Factbook 365,000 1.3 tỷ m3 EIA1 403,300 Tiêu dùng Thùng/ngày CIA Factbook 2 185,000 1.3 tỷ m3 EIA1 Trữ lượng CIA Factbook 1.4 tỷ thùng 192.6 tỷ m3 EIA1 600 tỷ thùng 6.8 Tcf (ngàn tỷ cf) Petro VietNam 6.5-8.5 tỷ thùng 75-100 Tcf Nhập CIA Factbook ... ... EIA1 Xuất Thùng/ngày Tỷ m3 CIA Factbook ... ... EIA1 193,300 ...
Tiềm năng dầu & khí
Các mỏ dầu Bạch Hổ Mỏ dầu lớn nhất cuả Việt Nam, thuộc liên doanh Vietsovpetro (VSP), hợp tác giữa Petro Vietnam và Zarubezhneft của Nga Rạng Đông Hồng Ngọc Đại Hùng Phát hiện vào tháng 4 năm 2003 Sư Tử Đen Sư Tử Trắng Dự kiến khai thác vào năm 2008 Sư Tử Đen Bắt đầu khai thác năm 2003
Mỏ khí Tiền Hải Khả năng: 1.76 triệu ft3 ngày Lan Tây & Lan Đỏ Các mỏ trong lưu vực Côn Sơn bắt đầu khai thác năm 2002, hơn 5 triêuft3 một ngày
Chú thích: 1. Sản lượng dầu ở mức 403,300 thùng/ngày, đưa Việt Nam lên hàng thứ ba trong các nước sản suất dầu ở Á châu. Theo báo cáo của – Phòng Thông tin về năng lượng của chính phủ Mỹ - US Energy Information Administration (EIA), sản lượng dầu dự đoán sẽ phải giảm vào năm 2005 do việc giảm sản lượng ở mỏ Bạch Hổ và Sư Tử Đen nếu như Việt Nam muốn tăng khoảng thời gian khai thác các mỏ này. 2. Tiêu dùng dầu ở Việt Nam thấp so với các nước Á châu khác.
© Thời Đại Mới
|