Số 8 - Tháng 7/2006
Tính toàn vẹn của lịch sử văn học
Nguyễn Phạm Hùng
Trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam hiện nay, chúng ta đang vấp phải hàng loạt vấn đề về sự thiếu thống nhất, hay khác biệt của những quan điểm và phương pháp viết văn học sử, đặc biệt là sự thiếu thống nhất trong quan niệm về tính toàn vẹn của lịch sử văn học. Điều này đó ảnh hưởng tức thời tới việc xác định diện mạo của lịch sử văn học Việt Nam.
Diện mạo của lịch sử văn học phải được biểu hiện ra ở các biên giới không gian và thời gian của văn học, ở các loại ngôn ngữ văn học và thể loại văn học, ở các khuynh hướng tư tưởng và nghệ thuật của văn học, và ở nhiều lĩnh vực khác nữa. Chỉ khi nào chúng ta hình dung đầy đủ về diện mạo của nền văn học Việt Nam, chúng ta mới có thể có được một bộ lịch sử văn học toàn vẹn. Nhưng cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết một cách thoả đáng, cho dù công việc nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam đã được đặt ra từ những năm 40 của thế kỷ XX. Vì thế mà rất nhiều vấn đề quan trọng của lịch sử văn học Việt Nam như việc xác định thời điểm khởi đầu của lịch sử văn học viết, việc nhìn nhận văn học thời kỳ Bắc thuộc có phải là văn học của Việt Nam hay không, việc đánh giá các nền văn học viết Champa, Phù Nam, Thủy Chân Lạp, văn học viết của một số dân tộc ít người, văn học “vùng tạm chiếm” trước đây, hay “văn học hải ngoại” hiện nay… trong lịch sử văn học, hiện vẫn chưa được thống nhất. Việc chưa xác định đầy đủ diện mạo của lịch sử văn học dân tộc đã dẫn đến hệ quả tất yếu là, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có được một bộ lịch sử văn học toàn vẹn như nó vốn có. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một vài phương diện của lịch sử văn học Việt Nam có liên quan tới vấn đề đã nêu.
1. Từ việc xác định điểm mốc khởi thủy của lịch sử văn học viết Việt Nam...
Việc xác định điểm mốc khởi thủy của lịch sử văn học viết Việt Nam cho đến nay có thể được xem là tạm thời thống nhất trong học giới. Sau khi nêu lên nhiều tiêu chí, trong đó lấy tiêu chí về văn học của một nước Việt Nam độc lập làm yêu cầu số một, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng lịch sử văn học viết của Việt Nam bắt đầu được tính từ thế kỷ X. Các tiêu chí mà các nhà nghiên cứu đưa ra là: Đất nước độc lập, dân tộc tự do, cương giới xác định, văn hoá có bản sắc riêng, đội ngũ trí thức trưởng thành, nhu cầu sáng tạo và tiếp nhận của người Việt xuất hiện, ngôn ngữ và thể loại văn học đã được tiếp thu và sáng tạo có hệ thống[1]… Điều này rõ ràng là phù hợp với thời điểm thế kỷ X. Và do đó thế kỷ X được xem là điểm khởi đầu của lịch sử văn học viết của dân tộc. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu đặt ra nhiệm vụ cho ngành văn học sử là phải xác định cho được tác giả và tác phẩm mở đầu của nền văn học viết dân tộc. Thế nhưng về vấn đề này, lâu nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.
Có ý kiến cho rằng Ngô Quyền và lời tuyên bố của ông được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư[2] là tác giả và tác phẩm mở đầu cho nền văn học viết. Đây là ý kiến dựa trên quan điểm xem văn học thời cổ xưa có thể bao gồm cả những “ngữ lục”, những bài “văn nói” được ghi chép lại. Vì vậy, trong một số công trình khảo cứu, sưu tập văn học, mà tiêu biểu là cuốn Thơ văn Lý Trần,[3] các tác giả đã tuyển chọn nhiều bài văn nói có giá trị văn học, xem đó là những tác phẩm văn học, trong đó có “bài văn nói” của Ngô Quyền kể trên. Bài văn nói của Ngô Quyền xuất hiện vào năm 938 về việc chuẩn bị kế sách đánh quân xâm lược nhà Hán do Hoàng Thao cầm đầu, các tác giả sách Thơ văn Lý Trần đặt tiêu đề là Dự đại phá Hoàng Thao chi kế (Bày kế đánh tan quân Hoàng Thao). Bài văn nói này được các nhà soạn sách giáo khoa Tác phẩm văn học 10,[4] cuốn sách giáo khoa dùng trong các trường trung học phổ thông ở miền Nam trong thời kỳ “cải cách giáo dục” sau năm 1990, lấy làm tác phẩm mở đầu cho lịch sử văn học viết Việt Nam, với tên gọi Tuyên bố của Ngô Quyền. Nhưng có ý kiến cho rằng đoạn “ngữ lục” của Ngô Quyền không thể là một tác phẩm văn học viết vì nó “chưa có được tiêu chí tối thiểu của một tác phẩm văn học viết”, vì nó không phải là “thủ bút” của tác giả, nên nó không thể là tác phẩm mở đầu của nền văn học viết Việt Nam.[5] Tuy nhiên, việc xem đoạn “ngữ lục” của Ngô Quyền không phải là tác phẩm văn học viết chỉ vì nó không phải là “thủ bút” của Ngô Quyền có lẽ vẫn chưa thật đầy đủ, vì trên thực tế, có nhiều tác phẩm không hề có “thủ bút” của tác giả những vẫn thuộc về “văn học viết”, như Luận ngữ, Mạnh tử, chẳng hạn.
Có ý kiến cho rằng bài thơ Nam quốc sơn hà là tác phẩm mở đầu nền văn học viết Việt Nam.[6] Trong nhiều sách vở trước đây, nhất là các sách giáo khoa, tác phẩm được giới thiệu đầu tiên của lịch sử văn học viết thường là bài Nam quốc sơn hà. Nam quốc sơn hà được xem như là tác phẩm mở đầu của văn học viết Việt Nam, thậm chí, nó được xem như là một cái mốc lớn của lịch sử văn học dân tộc, và là “bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc”.[7] Nó gắn liền với tên tuổi của Lý Thường Kiệt, nhà chính trị, quân sự, ngoại giao kiệt xuất của thời Lý. Lý Thường Kiệt được xem như là tác giả của bài thơ, hay là người đã “hoàn chỉnh” bài thơ, và sử dụng nó vào việc phục vụ cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lược, trên sông Như Nguyệt năm 1076. Tuy nhiên, giới nghiên cứu văn học từ những thập kỷ 80 - 90 của thế kỷ trước đã chứng minh rằng, Nam quốc sơn hà là một tác phẩm khuyết danh, và Lý Thường Kiệt không phải là “tác giả” duy nhất của bài thơ này.[8] Vì thế, Nam quốc sơn hà khó có thể là tác phẩm mở đầu nền văn học viết Việt Nam.
Lại có ý kiến cho rằng Thiên đô chiếu của Lý Công Uẩn là tác phẩm mở đầu lịch sử văn học viết Việt Nam.[9] Trong một số tuyển tập văn học, sách nghiên cứu, giáo trình, giáo khoa, tác phẩm Thiên đô chiếu thường được giới thiệu đầu tiên. Những người chủ trương Thiên đô chiếu là tác phẩm mở đầu nền văn học viết đã căn cứ vào vị trí của Lý Công Uẩn, người mở ra một triều đại cực thịnh, một thời đại huy hoàng đầu tiên cho dân tộc, mà xác định vị trí người mở đầu nền văn học thời kỳ độc lập, tự chủ, chứ không phải là người đầu tiên làm văn học: “Nếu như Lý Thái Tổ chính thức mở ra trang đầu lịch sử văn học viết của nước Đại Việt bằng bài Chiếu dời đô nổi tiếng xuất hiện vào năm 1010 thì cũng không nên quên rằng trước tác phẩm này, đã có những bài thơ của các thiền sư trong đó phải kể đến bài thơ mà thiền sư Ngô Chân Lưu làm để tiễn sứ giả nhà Tống là Lý Giác (năm 981)”.[10] Tuy nhiên, đây cũng không phải là tác phẩm khởi đầu của lịch sử văn học viết Việt Nam chỉ đơn giản vì trước đó còn có những tác phẩm khác.
Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu đã đi đến thống nhất cho rằng tác phẩm khởi đầu của lịch sử văn học viết Việt Nam là bài thơ Quốc tộ của sư Đỗ Pháp Thuận (915 - 990) được viết vào khoảng năm 981 – 982 để trả lời vua Lê Đại Hành khi ông vua này hỏi về sự dài ngắn của ngôi vị đế vương, của vận nước.[11] Bài thơ Quốc tộ lần đầu tiên được chép trong một ngữ lục Thiền tông về sư Pháp Thuận, trong sách Thiền uyển tập anh ngữ lục - một cuốn sách của nhà chùa, được viết trong một khoảng thời gian dài, và được hoàn thành vào đầu thời Trần.[12] Bài thơ không có tiêu đề, nên cũng có thể gọi là thơ “vô đề”. Thực chất nó chỉ là một “Thiền ngữ” trình bày trong một cuộc vấn đáp quen thuộc của các nhà sư thời kỳ này, được người đời sau ghi chép lại. Nó là một lời đối thoại bằng thơ của sư Pháp Thuận trả lời vua Lê Đại Hành hỏi về sự dài ngắn, bền vững của “ngôi nước”, của ngôi vua, của “đế vị”, cũng tức là của “vận nước”. Nó là một bộ phận, một chi tiết trong ngữ lục Thiền tông ghi chép về cuộc đời, sự nghiệp và công đức của nhà sư, nhằm mục đích đề cao tài năng và danh vọng của sư Pháp Thuận. Nhưng cũng như nhiều bài thơ khác trong Thiền uyển tập anh ngữ lục, ngoài vai trò của một lời đối đáp trong cuộc đối thoại, khi tách ra, nó có thể trở thành một tác phẩm văn học tương đối độc lập. Tuy có thể không phải là “thủ bút” của Pháp Thuận, nhưng cũng như các bài thơ Thiền khác trong tập sách này, bài thơ của Pháp Thuận có giá trị là một tác phẩm độc lập và là sở hữu của một tác giả cụ thể.
Và như vậy, lịch sử văn học viết Việt Nam được xác định bắt đầu từ thế kỷ X, và tác phẩm mở đầu của lịch sử văn học viết Việt Nam là bài thơ Quốc tộ của sư Pháp Thuận. Lịch sử văn học được bắt đầu từ đây, và nó sẽ tiếp tục phát triển đến ngày nay, trải qua các không gian và thời gian văn học của nước Việt Nam các thời kỳ Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam…
2. Đến vấn đề “văn học của người Việt Nam trước thế kỷ X”
Tuy nhiên, việc xác định thời điểm khởi đầu của lịch sử văn học, việc xác định những tác giả và tác phẩm khởi đầu của lịch sử văn học như vậy, theo chúng tôi, vẫn có phần chưa thật sự thuyết phục. Bởi lẽ, chúng ta đã không đề cập đến những tác phẩm văn học của người Việt Nam trước thế kỷ X chỉ vì khi đó đất nước chưa được độc lập, dân tộc chưa được tự do, cương giới chưa được xác định, văn hoá chưa có bản sắc? Đội ngũ trí thức chưa trưởng thành, nhu cầu sáng tạo và tiếp nhận của người Việt chưa thật sự xuất hiện?… Theo chúng tôi, nên coi đây chỉ là việc xác định điểm khởi đầu của lịch sử văn học Việt Nam thời kỳ tự chủ chứ chưa hẳn là điểm khởi đầu của toàn bộ lịch sử văn học Việt Nam.
Phải chăng khi đất nước chưa được tự chủ thì Việt Nam không có văn học? Trên thực tế, quá trình tiếp xúc với văn hoá và ngôn ngữ Trung Hoa, với Hán học, do cưỡng bức hay tự nguyện, được bắt đầu từ thế kỷ II trước công nguyên. Cho đến cuối thế kỷ II sau công nguyên, tức là sau khoảng 400 năm, Hán học ở nước ta đã khá phát triển, thậm chí có người cho rằng nó đã “trở nên rực rỡ”,[13] bắt đầu có người Việt Nam thi đỗ và làm quan cho nhà Hán như Lý Tiến, Trương Trọng, Lý Cầm..., và bắt đầu có người Việt Nam sáng tác văn học bằng chữ Hán. Đến thế kỷ III, Khương Tăng Hội người gốc nước Khương Cư nhưng sinh ra ở Giao Chỉ, theo Nguyễn Lang, “ông giỏi cả Phạn ngữ lẫn Hán tự. Trong các tác phẩm của ông ta có Nê hoàn phạm bối là một tập thi ca về đề tài Niết Bàn tuyển dịch từ những bài thi tụng Phạn ngữ, Lục độ tập kinh của ông văn từ điển nhã, chứng tỏ Hán văn của ông không thua gì người Trung Hoa thời ấy. Cố nhiên là sinh trưởng tại Giao Chỉ ông phải nói rất thạo tiếng nước ta... Ông đã ở Trung Hoa 33 năm. Nhiều người cho rằng ông đã trước tác và dịch thuật tại đây, nhưng kỳ thực, một phần quan trọng của công việc này đã được ông làm tại Giao Chỉ”.[14] Thế kỷ V, các Thiền sư nổi tiếng người gốc Giao Chỉ cũng có trước tác kinh điển Phật giáo như Huệ Thắng, Đạo Thiền..., hay có làm thơ, như “chùm thơ trao đổi giữa hai cao tăng Thích Đạo Cao, Thích Pháp Minh ở Giao Châu và sứ quân Lý Diệu của Bắc triều”.[15] Đặc biệt đáng chú ý là bài phú chữ Hán Bạch vân chiếu xuân hải của Khương Công Phụ làm quan dưới thời nhà Đường, thế kỷ VIII, từng được giới thiệu trong một số nghiên cứu về văn học sử của Việt Nam.[16]
Trong công trình Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X , Trần Nghĩa đã giới thiệu có căn cứ đáng tin cậy về “trên 20 tác phẩm lớn nhỏ viết bằng chữ Hán của người Việt Nam từ thế kỷ 10 trở về trước”.[17] Những tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam được sưu tầm và giới thiệu trong sách này gồm có: Sáu bức thư tranh luận về đạo Phật của Đạo Cao, Pháp Minh với Lý Miễu “xuất hiện từ đời Đông Hán đến đời Lương” (khoảng từ năm 25 đến năm 543); bài văn bia Đại Tuỳ Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn ở đào trường Bảo An “do Nguyên Nhân Khí soạn vào năm Tuỳ Đại Nghiệp 14 (năm 618); bài thơ Điếu Pháp sư Đạo Hy của Đại Thừa Đăng được chép trong sách Đại Đường Tây Vực cầu pháp cao tăng truyện của sư Nghĩa Tĩnh đời Đường; bài phú Bạch vân chiếu xuân hải và bài văn sách Đối trực ngôn cực gián sách của Khương Công Phụ (thế kỷ VIII) được chép trong Toàn Đường văn; bài phán Đối Binh bộ thí xạ phán của Khương Công Phục, em ruột của khương Công Phụ (thế kỷ VIII) được chép trong Toàn Đường văn; bài văn khắc trên chuông chùa Thanh Mai (thế kỷ VIII); bài ký và thơ của Liêu Hữu Phương (đầu thế kỷ IX) chép trong Toàn Đường thi và Toàn Đường văn; bài thơ khuyết danh Tiễn Mã Thực chép trong Toàn Đường thi thoại; và bảy đoạn văn đối thoại trong giới Thiền học, sau này được chép lại trong Thiền uyển tập anh ngữ lục. Ngoài ra, cuốn sách cũng giới thiệu trong phần phụ lục một số tác phẩm Hán văn của những người xuất thân từ Trung Quốc, nhưng đã sinh sống, lập nghiệp và trước tác tại Việt Nam, như những bức thư của Triệu Đà gửi vua nhà Hán, Lý hoặc luận của Mâu Tử, thơ của Thẩm Thuyên Kỳ, Giả Đảo, Trương Tịch, Dương Cự Nguyên, Bì Nhật Hưu… Và có thể còn nhiều tác phẩm khác nữa mà chúng ta chưa sưu tầm được. Đây là công trình nghiên cứu và giới thiệu công phu, đầy đủ nhất hiện nay về văn học chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X.
Tất cả các tác phẩm văn học của người Việt Nam trước thế kỷ X, cho đến nay, không được chúng ta công nhận là văn học Việt Nam, không được chúng ta đề cập đến trong lịch sử văn học viết Việt Nam, chỉ vì chúng được sáng tác khi nước ta bị ngoại bang đô hộ. Điều đó có hợp lý hay không, có khách quan và khoa học hay không? Nếu như chúng ta đặt văn học của người Việt Nam trước thế kỷ X trong bối cảnh chung của văn hoá Việt Nam trước thế kỷ X thì câu trả lời là, điều nêu trên đây dứt khoát không hợp lý, không khách quan và khoa học. Bởi vì, chúng ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề đang đòi hỏi trả lời một cách nghiêm túc: Tại sao văn học viết của người Việt Nam trước thế kỷ X (với tư cách là một thành tố văn hoá) lại không được công nhận là văn học của Việt Nam, trong khi các lĩnh vực văn hoá khác khác như tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, kiến trúc, điêu khắc, mĩ thuật…, thậm chí ngay cả ngôn ngữ, “yếu tố thứ nhất của văn học”, hay “văn học dân gian” – người “anh em” của văn học viết, lại được công nhận là thuộc về văn hoá của Việt Nam, là những bộ phận không chia cắt về lịch sử trong quá trình phát triển của văn hoá Việt Nam từ cổ xưa đến bây giờ?
Theo chúng tôi, cần phải khôi phục lại toàn bộ văn học của người Việt Nam trước thế kỷ X và cần phải xem đây là bộ phận văn học thuộc về lịch sử văn học dân tộc, dù đó chỉ là những mầm mống ban đầu.
Nhưng ở đây có vấn đề “người Việt Nam trước thế kỷ X”. Vấn đề này đã có nhiều cách hiểu rất khác nhau, vì ngoài những người Việt “chính gốc” còn có một bộ phận đông đảo người Việt Nam thuộc nhiều dân tộc khác được hình thành trong một quá trình lâu dài tới cả nghìn năm hỗn dung nhân chủng và văn hoá với phương Bắc hay phương Nam. Nhưng thế nào là người Việt “chính gốc” của thời kỳ hỗn dung nhân chủng và văn hoá này, một điều không dễ xác định ngay cả đối với người Việt của thời kỳ tự chủ? Truyền thuyết, tình cảm người Việt và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam đã coi Thục Phán, người gốc vùng Ba Thục ở tây nam Trung Quốc, năm 257 tr. CN, đã “kiêm tính nước Văn Lang [của Hùng Vương], đổi quốc hiệu làm Âu Lạc”,[18] là người Việt Nam. Nước Âu Lạc và kinh đô Cổ Loa của Thục An Dương Vương đã trở thành huyền thoại trong lịch sử Việt Nam. Nhiều sử gia như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên… cũng đã coi Triệu Đà là ông vua của Việt Nam…
Cho đến nay chúng ta chưa tìm thấy tác phẩm văn học viết của của người Việt Nam thời Văn Lang, Âu Lạc, mà chỉ thấy tác phẩm của thời Nam Việt. Nếu như Triệu Đà (và con cái cùng các cận thần, quan lại của ông ta) sau khi “giết trưởng lại nhà Tần, giữ lấy đất Lĩnh Nam, xưng đế, đối địch với nhà Hán, hưởng nước giữ ngôi 100 năm mới mất, cũng là bậc vua anh hùng”[19] của nước Việt, như đánh giá của sử gia Ngô Sĩ Liên, hay “tự làm đế trong nước, đối ngang hàng với nhà Hán,…, là người mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta”,[20] như đánh giá của sử gia Lê Văn Hưu, rồi lấy vợ Việt, sống theo phong tục tập quán Việt (búi tó tóc, ngồi xổm…), trải qua năm đời ở đất Việt, sau bị nhà Hán tiêu diệt và “nước Việt ta đã thuộc về nhà Hán”[21] từ đấy, là người Việt Nam,[22] thì phải chăng lịch sử văn học viết của Việt Nam được bắt đầu từ đây? Hay nó chỉ có thể xuất hiện muộn hơn với những sáng tác của người Việt Nam “chính gốc” trong thời Bắc thuộc? Hay nó chỉ bắt đầu từ thời kỳ nước Việt Nam được độc lập, tự chủ, như cách hiểu phổ biến hiện nay? Theo chúng tôi, những vấn đề này cần được làm rõ, ngõ hầu mới có thể xác định được chính xác diện mạo cũng như thời điểm khởi đầu của lịch sử văn học dân tộc.
3. Và cơ sở để hình dung về diện mạo lịch sử văn học
Việc xác định thời điểm bắt đầu của lịch sử văn học, cũng như diện mạo của lịch sử văn học Việt Nam, đến nay, theo chúng tôi là không thật sự thuyết phục, bởi mấy nguyên nhân chính sau đây:
- Thứ nhất, chúng ta đã dùng những tiêu chí “ngoài văn học” để xác định văn học, như đã nêu trên: Đất nước độc lập, dân tộc tự do, cương giới xác định, văn hoá có bản sắc riêng, đội ngũ trí thức trưởng thành, nhu cầu sáng tạo và tiếp nhận của người Việt xuất hiện… Các yếu tố ngoài văn học đó là rất cần thiết giúp cho việc nhìn nhận rõ hơn văn học, nhưng chúng không thể thay thế được văn học. Trong trường hợp này, các yếu tố ngoài văn học có thể còn làm lệch lạc cách nhìn đối với diện mạo lịch sử văn học. Sự hình thành và phát triển của lịch sử văn học phải do tự thân các yếu tố của văn học quy định.
- Thứ hai, và điều này là quan trọng hơn, như đã nêu, chúng ta đã tách rời văn học Việt Nam ra khỏi chỉnh thể văn hoá Việt Nam, tách rời văn học Việt Nam ra khỏi không gian và thời gian văn hoá Việt Nam, tách rời lịch sử văn học Việt Nam ra khỏi lịch sử văn hoá Việt Nam.
Không gian văn học (cũng như văn hoá) Việt Nam cổ xưa không phải là không gian văn học Việt Nam hiện đại. Nó không phải là không gian văn học “tĩnh” của nước Việt Nam độc lập và thống nhất hiện đại “liền một dải, từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái” như hiện nay. Mà nó phải là một tổng hội của các không gian văn học khác nhau của của các vương quốc và lãnh thổ khác nhau trong quá trình hình thành một nước Việt Nam thống nhất như hiện nay. Vậy không gian của văn học Việt Nam cổ xưa là gì? Như đã nói, nó không phải là một không gian “tĩnh” mà là một không gian “động”. Nó biến động liên tục từ không gian Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt (các vùng Giao Chỉ, Cửu Chân), Bắc thuộc (các vùng Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam), Phù Nam, Thuỷ Chân Lạp (các vùng thuộc nền văn hoá Óc Eo), Champa, Đại Việt, Đại Nam, đến Việt Nam (đây chỉ là một sự liệt kê không có thứ tự chặt chẽ).[23] Nếu chúng ta có quan điểm nhìn nhận và đánh giá khách quan, khoa học và thống nhất về vấn đề này, thì chúng ta mới có thể xác định được chính xác khởi điểm của lịch sử văn học viết Việt Nam, mới có thể xác định được các tác giả và tác phẩm mở đầu nền văn học viết, mới có thể xây dựng được một bộ lịch sử văn học thống nhất và toàn vẹn, điều mà chưa có một bộ lịch sử văn học nào trước đây cũng như hiện nay làm được.
Không gian văn học của nước Việt Nam không phải là một không gian văn học chỉ của người Việt và chỉ của nước Đại Việt được kéo dài hay mở rộng như một số cách hiểu hiện nay. Nó phải là một không gian văn học gồm nhiều không gian văn học khác nhau của nhiều dân tộc khác nhau và nhiều vùng miền, lãnh thổ khác nhau thời xa xưa trước khi cùng hội nhập làm một thể thống nhất như hiện nay. Đó là không gian văn học của người Việt (của nước Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt, Bắc thuộc, Đại Việt, Đại Nam trước đây đến Việt Nam ngày nay), không gian văn học của người Chăm (của nước Champa cổ xưa), không gian văn học của người Môn, Khơme (của quốc gia Phù Nam, một phần của Thuỷ Chân Lạp cổ xưa – luôn với ý nghĩa như là một bộ phận của nền văn hoá Óc Eo), không gian văn học cổ xưa của các dân tộc ít người có chữ viết khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam…
Điều này chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều tranh cãi học thuật, cũng như rất nhiều khó khăn cho quá trình trù hoạch một lịch sử văn học đầy đủ, toàn diện và thống nhất, vì rất nhiều lý do, nhưng trước hết là lý do về sự thiếu vắng các nguồn tư liệu và sự thiếu hụt các chuyên gia nghiên cứu, nhất là đối với văn học Phù Nam, Thuỷ Chân Lạp vốn sử dụng ngôn ngữ Môn, Sanskrit, Brahmi hay Khơme.... Nhưng không vì thế mà chúng ta không giải quyết nó, mà ngược lại, càng phải giải quyết nó một cách khẩn trương trước khi những tư liệu và những chuyên gia ít ỏi không còn nữa.
Thời gian của văn học Việt Nam cổ xưa cũng là vấn đề nổi cộm chưa được nghiên cứu đầy đủ. Chúng ta cần phải có quan điểm khách quan, khoa học và thống nhất về thời gian lịch sử của văn học Việt Nam thời cổ xưa. Điều này chi phối mạnh mẽ diện mạo của nền văn học dân tộc. Thời gian văn học không tách rời khỏi không gian văn học. Có nghĩa là chúng ta sẽ phải đề cập đến và giải quyết những vấn đề về thời gian của văn học Việt Nam thời Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt, Bắc thuộc, Phù Nam, Thuỷ Chân Lạp, Champa, Đại Việt, Đại Nam tới Việt Nam… Đó tuyệt nhiên không phải chỉ là thời gian lịch sử của văn học người Việt được kéo dài hay mở rộng. Đó còn là thời gian lịch sử của văn học Champa cổ xưa,[24] của văn học Phù Nam, Thuỷ Chân Lạp cổ xưa, hay của văn học các dân tộc có chữ viết khác nữa trong thời cổ xưa đang cùng tồn tại trên mảnh đất Việt Nam hiện nay.[25]
Văn học là một thành tố (lĩnh vực) của văn hoá. Các thành tố văn hoá khác nhau tạo nên chỉnh thể văn hoá Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu các lĩnh vực văn hoá khác nhau của người Việt Nam từ thời tiền sử cho đến nay, các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá luôn đặt chúng trong những không gian và thời gian đầy biến động nhưng liên tục của chúng. Tất cả những biến động ấy đều góp phần tạo nên bản sắc và dòng chảy liên tục của lịch sử văn hoá Việt Nam. Chúng ta đã có những kết quả nghiên cứu khả quan trên nhiều lĩnh vực văn hoá như khảo cổ học, lịch sử tư tưởng, lịch sử tôn giáo, ngôn ngữ học, phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, kiến trúc, điêu khắc, mĩ thuật... Những kết quả đó đã góp phần lý giải một cách thuyết phục về đặc điểm lịch sử phát triển liên tục của nền văn hoá đa dạng và phong phú của Việt Nam. Đây không phải chỉ là lịch sử văn hoá của người Việt với những nét đứt đoạn và phiến diện, mà là lịch sử văn hoá của các dân tộc Việt Nam liền mạch, toàn diện, đa dạng nhưng thống nhất về thời gian và không gian từ cổ xưa đến ngày nay. Văn hoá Việt Nam đã hiện hình lịch sử qua các thời gian văn hoá thời kỳ tiền sử, sơ sử, thời kỳ Bắc thuộc, thời kỳ phong kiến tự chủ hay thời cận hiện đại… Văn hoá Việt Nam cũng đã hiện hình lịch sử qua các không gian văn hoá từ thời cổ xưa nhất đến Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt, Bắc thuộc, Đại Việt, Champa, Phù Nam, Thuỷ Chân Lạp, Đại Nam, Việt Nam…
Không có sự vật hiện tượng nào trong thế giới vật chất (và cả tinh thần nữa) nằm ngoài thời gian và không gian của nó, nên việc đặt văn học Việt Nam trong không gian và thời gian văn hoá Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể lý giải đầy đủ các diễn biến và quy luật phát triển của nó. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể xác định được vị trí của nó trong tiến trình phát triển của lịch sử văn hoá dân tộc, cũng như vị trí của nó trong “chỉnh thể Việt văn hoá”.
Lịch sử văn học Việt Nam phải là một bộ phận hữu cơ trong lịch sử văn hoá Việt Nam đó. Điều này có liên quan trực tiếp đến việc xác định khởi điểm của lịch sử văn học viết của Việt Nam, cũng như đến việc nhận diện toàn bộ nền văn học Việt Nam. Căn cứ vào những dấu tích xưa cũ, khi hình dung về một lịch sử văn học thống nhất của một nước Việt Nam thống nhất, chúng ta không thể không nói tới các nền văn học có chữ viết cổ xưa nhất của Việt Nam như văn học viết của người Việt, văn học viết của người Chăm, văn học viết của người Môn, Khơme, hay văn học viết của một số dân tộc ít người khác. Diện mạo của nền văn học Việt Nam, ngoài dòng “chủ lưu” là văn học (cùng các ngôn ngữ văn học, các thể loại văn học, các khuynh hướng tư tưởng và nghệ thuật của văn học…) người Việt, tất yếu phải bao gồm nhiều “chi lưu” văn học (cùng các ngôn ngữ văn học, các thể loại văn học, các khuynh hướng tư tưởng và nghệ thuật của văn học…) khác nữa, như văn học Champa, Phù Nam, Thuỷ Chân Lạp, hay văn học của những dân tộc ít người có chữ viết khác.
Một bộ tùng thư đầy đủ về lịch sử văn học viết của Việt Nam phải là tập hợp đầy đủ các bộ phận văn học viết được sáng tạo dựa trên các loại ngôn ngữ tồn tại hiện thực trong đời sống các dân tộc Việt Nam, bao gồm cả văn học của người Việt, văn học của người Tày, văn học của người Thái, văn học của người Chăm, văn học của người Khơme, và văn học của người Hoa.
Vậy thì thời điểm bắt đầu của lịch sử văn học viết Việt Nam, với ý nghĩa là lịch sử văn học của nước Việt Nam thống nhất và toàn vẹn ấy, bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ văn học của người Việt, từ văn học của người Chăm, từ văn học của người Môn, Khơme, hay từ văn học của một dân tộc nào khác? Theo chúng tôi, câu trả lời chỉ có thể có được sau khi chúng ta xác định và công nhận tính toàn vẹn tất yếu của lịch sử văn học dân tộc. Lịch sử văn học Việt Nam không phải chỉ là lịch sử văn học của người Việt. Nó là lịch sử văn học của tất cả các dân tộc Việt Nam. Quan điểm cho rằng lịch sử văn học Việt Nam như là lịch sử văn học của người Việt được kéo dài hay mở rộng trong không gian và thời gian là điều đến nay không còn thuyết phục nữa.
*
Chúng ta cần phải đặt toàn bộ lịch sử văn học dân tộc trong những không gian và thời gian của nó, phải đặt nó trong “chỉnh thể Việt văn hoá” của nó. Lịch sử văn học, tự bản thân nó là một “tồn tại khách quan”. Về bản chất, nó không chấp nhận việc loại bỏ những tác gia, những tác phẩm, những bộ phận, những khu vực, những giai đoạn, hay những khuynh hướng văn học nào đó chỉ bởi những yếu tố “ngoài văn học”, hay bởi những quan điểm phiến diện, cục bộ của “chủ nghĩa công lợi” trong nghiên cứu văn học. Chúng ta không những phải khôi phục lại diện mạo đầy đủ của các nền văn học, mà còn cần phải lý giải nó một cách khách quan và khoa học, phải chỉ ra được những quy luật vận động tất yếu và biện chứng của nó. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể có được một lịch sử văn học liên tục, thống nhất và toàn vẹn của một nước Việt Nam thống nhất ■
TS. Nguyễn Phạm Hùng. Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Địa chỉ: Số 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. E-mail: hungnp@vnu.edu.vn [1] Xem, chẳng hạn, Bùi Văn Nguyên: Lịch sử văn học Việt Nam, T. II, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1978; Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương: Văn học Việt Nam - Thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII, Nxb ĐHVTHCN, Hà Nội 1978; Nhiều tác giả: Văn học 10, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1994; Nhiều tác giả: Phân tích - bình giảng tác phẩm văn học 10, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1999; Bùi Duy Tân: Khảo và luận một số tác gia, tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1999; Nhiều tác giả: Ngữ văn 10 (Sách thí điểm), Nxb Giáo dục, Hà Nội 2003, v.v. [2] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư. T. I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1972, tr. 146. [3] Viện Văn học: Thơ văn Lý Trần, T. I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1977. [4] Tác phẩm văn học 10, T. I, Nxb Giáo dục, TP. HCM 1990. [5] Xem Bùi Duy Tân: "Nên chọn tác phẩm nào là sớm nhất của văn học trung đại Việt Nam", Tạp chí Hán Nôm, số 2 - 1993 [6] Nhiều tác giả: Giảng văn, T. I, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội 1982 [7] Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam: Lịch sử Việt Nam, T. I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1971, tr. 182. [8] Xem thêm Trần Nghĩa: "Thử xác lập văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà," Tạp chí Hán Nôm, số 1-1986; Hà Văn Tấn: "Lịch sử, sự thật và sử học," Báo Tổ quốc, số 401 - 1988; Bùi Duy Tân: Nên chọn tác phẩm nào là sớm nhất của văn học trung đại Việt Nam. Tạp chí Hán Nôm, số 2 - 1993; Bàn thêm về văn bản và tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà. Tạp chí văn học, số 10 - 1996.. [9] Nhiều tác giả: Hợp tuyển văn học Việt Nam, T. II, Nxb Văn học, Hà Nội 1976; Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương: Văn học Việt Nam - Thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII, Nxb ĐHVTHCN, Hà Nội1978… [10] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương: Văn học Việt Nam - Thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII, Nxb ĐHVTHCN, Hà Nội 1978, tr. 76. [11] Bùi Duy Tân: "Nên chọn tác phẩm nào là sớm nhất của văn học trung đại Việt Nam," Tạp chí Hán Nôm, số 2, 1993; Nhiều tác giả: Ngữ văn 10 (Sách thí điểm), Nxb Giáo dục, Hà Nội 2003; Nguyễn Phạm Hùng: "Thiền sư Đỗ Pháp Thuận, người mở đầu lịch sử văn học Việt Nam thời tự chủ," Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2, 2006. [12] Xem Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, T. I, Nxb Văn học, Hà Nội 1994; Bùi Duy Tân, Khảo và luận một số tác gia-tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1999, tr. 12; Nhiều tác giả: Ngữ văn 10, Sách giáo viên, Bộ 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội 2003, tr. 188. [13] Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận. T.I, Nxb Văn học, Hà Nội 1994, tr. 72. [14] Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận. T.I, Sđd, tr. 86. [15] Bùi Duy Tân, Khảo và luận một số tác gia-tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1999, tr. 8. [16] Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Nxb Hàn Thuyên, Hà Nội 1942. [17] Trần Nghĩa: Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X, Nxb Thế giới, Hà Nội 2000, tr. 13. [18] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 64. [19] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 71. [20] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 78. [21] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 89. [22] Quan điểm này đã bị Ngô Thì Sĩ phê phán trong Việt sử tiêu án. Các truyền thuyết về Thục An Dương Vương, về Mỵ Châu, Trọng Thủy đều bênh vực An Dương Vương mà phê phán Triệu Đà. Các bộ lịch sử Việt Nam hiện nay cũng không công nhận nhà Triệu. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn còn những ý kiến trái ngược nhau, vì các cứ liệu lịch sử và huyền sử được sử dụng chưa thật đầy đủ và thuyết phục. [23] Văn Lang là tên gọi đầu tiên của nước Việt Nam trong các thời kỳ Hồng Bàng, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương, có thể tồn tại từ 2879 tr. CN đến 258 tr. CN. Kinh đổ là Phong Châu (Phú Thọ), địa dư chủ yếu là khu vực Bắc Bộ cho đến Thanh Hoá, Nghệ An ngày nay. Âu Lạc: Năm 257 tr. CN, Thục Phán người gốc đất Ba Thục ở phía tây nam Trung Quốc tiến vào Văn Lang, tiêu diệt Hùng Vương, lập nên nước Âu Lạc, xưng làm An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa, tồn tại 50 năm, đến 208 tr. CN thì bị Triệu Đà, người nước Nam Việt tiêu diệt. Quốc gia Âu Lạc là sự kết hợp của cộng đồng người Tây Âu (hay Âu Việt) có thể ở vùng phía nam Vân Nam và Quảng Tây, với cộng đồng người Lạc Việt của nước Văn Lang, tạo nên nước Âu Lạc, địa dư bao gồm một phần phía nam Vân Nam, Quảng Tây, Bắc Bộ cho tới Thanh Hoá, Nghệ An ngày nay. Nam Việt: Năm 207 Tr. CN, sau khi Tần Thuỷ Hoàng mất (năm 210 tr. CN), Triệu Đà cai quản đất Nam Hải, miền đông nam Trung Quốc, đã giết các viên trưởng lại do nhà Tần đặt, rồi tiến vào Âu Lạc tiêu diệt Thục An Dương Vương, lập nên nước Nam Việt rộng lớn bao gồm cả vùng Lưỡng Quảng và Âu Lạc, xưng làm Triệu Vũ Đế, đóng đô ở Phiên Ngung (gần Quảng Châu), làm vua trải 5 đời, tồn tại 97 năm, sau bị nhà Tây Hán tiêu diệt. Địa dư Nam Việt, phía bắc tới Ngũ Lĩnh, phía nam tới Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay. Vấn đề Triệu Đà thôn tính Âu Lạc khi nào hiện nay còn có những ý kiến khác nhau. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, Kỷ nhà Thục, Âu Lạc bị sáp nhập vào Nam Việt ngay từ khi Triệu Đà lập nước Nam Việt, năm 207 tr. CN. Nhưng cũng theo sách này, phần Ngoại kỷ, Kỷ nhà Triệu, lại ghi: “Canh thân, năm thứ 27 [181 tr. CN]… Vua [Triệu Đà] nhân thế dùng binh uy và của cải để chiêu vỗ Mân Việt và Âu Lạc ở phía tây, họ đều theo về” (Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1972, tr. 73). Có nghĩa là Triệu Đà thôn tính và sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt vào năm 181 tr. CN, và Âu Lạc do Triệu Đà cai trị trong thời gian 68 năm chứ không phải 97 năm. Tuy nhiên, sử liệu này không cho biết gì về nước Âu Lạc trong khoảng thời gian 29 năm từ 207 tr. CN đến 181 tr. CN. Còn nếu đó vẫn là thời kỳ của Thục Phán thì phải chăng Thục Phán đã làm vua Âu Lạc không phải 50 năm như Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi, mà tới 79 năm?! Bắc thuộc: Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chỉ thời kỳ nước Việt Nam bị “nội thuộc” vào Trung Quốc dưới các triều đại Tây Hán, Đông Hán, Ngô, Nguỵ, Tấn, Lưu Tống, Tề, Lương, Tuỳ, Đường, Hậu Tấn, từ năm 111 tr. CN đến 938 (trong đó có một số thời kỳ đấu tranh khôi phục chủ quyền của người Việt như Trưng Vương (40 – 43), Bà Triệu (248), Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương (544 - 603), Khúc Thừa Dụ (905 - 937). Địa dư bao gồm Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (một phần phía nam Vân Nam, Quảng Tây, qua Bắc Bộ cho đến Quảng Ngãi ngày nay) Champa: Một quốc gia hình thành và phát triển từ thế kỷ II đến thế kỷ XVIII, trên cơ sở nền văn hoá Sa Huỳnh trải dài từ nam đèo Hải Vân cho tới miền đông Nam Bộ, có địa giới vương quốc từ Quảng Bình cho tới Đồng Nai. Trung tâm quốc gia Champa là vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, Champa suy yếu dần và từng bước bị nhà Lê rồi nhà Nguyễn thôn tính và sáp nhập vào Việt Nam. Tên nước Champa xuất hiện lần đầu tiên trong văn bia của vua Sambhuvarman Chumnik (595 – 629). Champa là tên một loài hoa ngọc lan đẹp (champaca linace). Phù Nam: Các nhà khoa học đoán định đây là một quốc gia cổ hình thành và phát triển thành một đế quốc hùng mạnh, từ thế kỷ II đến thế kỷ VII, bao gồm nhiều tiểu quốc, trải dài từ Ấn Độ, Miến Điện, Philippin, Indonesia, Malaisia, Nam Việt Nam, Campuchia, Thái Lan. Quốc gia Phù Nam trên đất Nam Việt Nam được tạo dựng trên cơ sở của nền văn hoá Óc Eo, điạ giới bao gồm toàn bộ miền đồng bằng Nam Bộ kéo dài qua Sài Gòn, tới Nam Tây Nguyên. Đến thế kỷ VII, Phù Nam bị Chân Lạp của người Khơme, vốn là một thuộc quốc của Phù Nam, nổi lên thôn tínHà Nội Tên nước Phù Nam trong các thư tịch cổ của Trung Quốc và Việt Nam có thể là phiên âm của chữ Môn cổ Bnam, Vnam, Bnơm, Pnong… chỉ một bộ tộc người Môn cổ, có nghĩa là bộ tộc Người Núi ở vùng núi Nam Đông Dương, Nam Trường Sơn, đã tiến xuống vùng biển kết hợp với các bộ tộc khác để lập nên vương quốc Phù Nam. Chân Lạp (Bhavapura): Là một thuộc quốc của Phù Nam, đến thế kỷ VII, nhân khi Phù Nam suy yếu đã nổi lên thôn tính, lập nên nước Chân Lạp của người Khơme, gồm Lục Chân Lạp và Thuỷ Chân Lạp. Chân Lạp dần suy yếu, đến thế kỷ XVII – XVIII, một phần của quốc gia Phù Nam bị Chân Lạp thôn tính trước đây hoặc là những vùng đất hoang hoá, vô chủ thuộc nền văn hoá Óc Eo kéo dài từ “lục tỉnh Nam Kỳ” đến Nam Tây Nguyên được sáp nhập vào Việt Nam. Phần chú thích trên dựa vào các bộ sử đã xuất bản, có tham khảo thêm các tài liệu: - Thuỷ kinh chú sớ. Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Dịch phúc hiệu, Nguyễn Bá Mão phiên dịch, Nxb Thuận Hoá - Trung tâm Ngôn ngữ Văn hoá Đông Tây xuất bản, 2005. - Lĩnh Nam văn hoá dữ Bách Việt dân phong. Quảng Tây Giáo dục xuất bản xã, 1992. - Lịch sử Việt Nam, Bản thảo Đề tài độc lập cấp Nhà nước, 2005, Nguyễn Quang Ngọc làm Chủ nhiệm, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì; - Ngô Văn Doanh: Văn hoá cổ Chămpa. Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội 2002; - Lương Ninh: Vương quốc Phù Nam. Lịch sử và văn hoá. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội 2005; - Lãnh thổ Việt Nam qua các thời kỳ. http://vi.wikipedia.org/wiki; - Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam, http://vietnamgiapha.com/faq/mnu; - Nguyễn Đức Hiệp: Lâm ấp, Champa và di sản. http://vietsciences.net/lichsucacnuoc/champavadisan.htm; - Thông tin Hội thảo khoa học “Văn hoá óc Eo và vương quốc Phù Nam”, http:// bulletin.vnu.edu.vn/Vietnamese; - Phù Nam trong lịch sử. http://lamdong.gov.vn/cdrom/lichsu/cattien/phunam.htm; -Văn hoá Sa Huỳnh, óc Eo và sự ra đời của nước Chămpa, Phù Nam. http://datviet.com/forums/showthread.php - Tìm về dấu tích Phù Nam xưa. http://vneconomy.com.vn/vie/article ;…
[24] Các nghiên cứu về văn học Champa gần đây có những bước tiến đáng kể, trong đó đáng chú ý nhất là các nghiên cứu của Inrasara: Văn học Chăm I – Khái luận, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội 1994; Văn học Chăm II, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội 1996, Văn hoá - xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại, Nxb Văn học, Hà Nội 2003…, hay bộ sách Văn học Chăm cũng do Inrasara chủ biên đang được soạn thảo, 10 tập, khoảng 6000 trang, dự định xuất bản từ 2005 đến 2010, bao gồm: Hành trình 17 thế kỷ văn học Chăm thời cổ xưa, Sử thi Chăm, Trường ca trữ tình Chăm, Trường ca thế sự Chăm, Gia huấn và triết lý Chăm, Đamnưy, Tục ngữ - Ca dao Chăm, Truyện cổ Chăm, Thơ ca Chăn hiện đại, Văn xuôi Chăm hiện đại. [25] Một số nghiên cứu về “văn học Đàng Trong” hiện nay, ngoài những giới thiệu về thơ văn của các nhà thơ họ Mạc người gốc Quảng Đông trong Chiêu Anh Các đến lập nghiệp ở Hà Tiên từ thế kỷ XVIII, chủ yếu cũng chỉ là những nghiên cứu về văn học của người Việt ở Đàng Trong mà thôi. Các nghiên cứu về văn học cổ xưa của Phù Nam, Thuỷ Chân Lạp hay của một số dân tộc ít người có chữ viết khác đều chưa được thực hiện hoặc không có kết quả rõ rệt.
© Thời Đại Mới
|