thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 8  - Tháng 7/2006

 


 

Cộng đồng kinh tế Đông Á nhìn từ các nước đi sau

 

Trần Văn Thọ
Đại học Waseda
Tokyo, Nhật Bản

  

Từ cuối thập niên 1990 tại Đông Á (ở đây chủ yếu gồm các nước Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN) nở rộ những tranh luận, phân tích về khả năng và nỗ lực cần thiết để xây dựng một khu vực hợp tác nhằm duy trì ổn định và đẩy mạnh phát triển. Khu vực hợp tác nầy được gọi là Cộng đồng Đông Á  (East Asian Community).

Phạm vi của tầm nhìn Cộng đồng Đông Á rất rộng, bao gồm những lãnh vực ngoài kinh tế như chính trị, văn hoá, an ninh khu vực, v.v..  Riêng lãnh vực kinh tế, như sẽ thấy dưới đây, cũng có nhiều giai đoạn từ thấp đến cao. Mặt khác, các nước trong khu vực Đông Á rất khác nhau về trình độ phát triển, về thể chế chính trị, về văn hoá, tôn giáo. Với bối cảnh như vậy, việc thực hiện một cộng đồng hoàn toàn không dễ dàng. Do đó, việc phân tích, bình luận về vấn đề nầy cần được giới hạn trong một phạm vi hẹp để có thể đào sâu và đưa ra được những ý kiến khả thi về chính sách.

Bài viết nầy chỉ bàn về kinh tế, hướng tầm nhìn vào những nước đi sau trong khu vực và nhìn vấn đề trong một tương lai không quá xa, độ 10 hoặc 15 năm. Các nước đi sau, trong đó có Việt Nam, có đặc tính là trình độ phát triển còn thấp, mới ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá, sẽ gặp vấn đề gì khi tham gia Cộng đồng kinh tế Đông Á? Quan điểm của bài viết nầy là trong một tương lai không xa, Cộng đồng kinh tế Đông Á chỉ có thể được thực hiện ở giai đoạn  thấp nhất và trong điều kiện các nước đí sau phải nỗ lực tăng năng lực cạnh tranh và các nước đi truớc phải có các chính sách hợp tác kinh tế, kỹ thuật với các nước đi sau. 

I. Cộng đồng kinh tế và nước đi sau: Vài vấn đề về phương pháp luận

Cộng đồng kinh tế hay kinh tế hợp nhất (economic integration) là những thuật ngữ chỉ một thể chế hợp tác trong đó các nước thành viên xóa bỏ các rào cản để hàng hoá, dịch vụ và các yếu tố sản xuât như lao động, tư bản tự do di động. Theo Balassa (1961), một nghiên cứu cổ điển trong lãnh vực nầy, sự hợp nhất kinh tế có năm hình thái, phân chia theo mức độ từ thấp đến cao như sau: (1) Khu mậu dịch tự do (free trade area) trong đó các thành viên bãi bỏ các hàng rào quan thuế và phi quan thuế (hạn chế số lượng hoặc cấm nhập khẩu) nhưng các nước vẫn giữ chính sách mậu dịch riêng với các nước không phải thành viên. (2) Trường hợp các nước trong khu mậu dịch tự do có cùng chính sách quan thuế đối với các nước không phải thành viên được gọi là liên minh quan thuế (customs union). (3) Thị trường chung (common market) là trường hợp không những hàng hoá và dịch vụ mà các yếu tố sản xuất cũng được tự do di chuyển giữa các nước thành viên. (4) Liên minh kinh tế (economic union) là hình thái trong đó, ngoài những đặc tính của thị trường  chung còn có sự điều hoà về các chính sách kinh tế để tránh những bất đồng xảy ra do sự khác biệt của các chính sách giữa các nước thành viên. (5) Hoàn toàn hợp nhất kinh tế (total economic integration) là hình thái cao nhất trong đó các nước thành viên có cùng chính sách tiền tệ, tài chánh, chính sách cạnh tranh, lao động v.v..

Gần đây hình thái kinh tế hợp nhất phổ biến nhất là hiệp định thương mại tự do (free trade agreement, FTA). Tính chất của FTA gần giống với khu mậu dịch tự do nói  trên nhưng tùy  theo thoả  thuận của  các bên mà nội dung của FTA có thể gồm một số yếu tố của một thị truờng chung. Ngoài ra, một hình thái tương tự là hiệp định đối tác kinh tế (economic partnership agreement, EPA) bao gồm những lãnh vực hợp tác rộng hơn FTA, kể cả hợp tác để làm thông suốt các quan hệ kinh tế, điều hoà các chính sách vả luật lệ, chế độ về kinh tế. So sánh với FTA thì EPA gần với thị truờng chung hay liên hợp kinh tế hơn.[1]

Hiện nay tại Đông Á, FTA (và EPA trong vài truờng hợp) là hình thái phổ biến nhất đã ký kết hoặc đang thương lượng, song phương hoặc đa phương, từng bước tạo thành những bộ phận làm cơ sở để tiến tới việc xây dựng cộng đồng kinh tế Đông Á. Như đã nói ở trên, trong một tương lai không xa cộng đồng kinh tế Đông Á nếu được thực hiện cũng sẽ xoay quanh những hình thái thấp nhất trong phân loại của Balassa, cụ thể là một hình thái không cao hơn FTA. Do đó phần phân tích dưới đây sẽ đặt trọng tâm trong hiệu quả của   FTA.

Vì hàng rào quan thuế và phi thuế được bãi bỏ, mậu dịch tự do được thực hiện giữa các thành viên. Sản xuất trong những ngành không có lợi thế so sánh sẽ giảm và nhập khẩu từ nước thành viên sẽ tăng. Đây là hiệu quả sáng tạo mậu dịch (trade creation). Tuy nhiên FTA tạo ra sự đối xử phân biệt giữa nước thành viên và nước bên ngoài nên có thể có nhiều truờng hợp nhập khẩu từ nước bên ngoài giảm nhường chỗ cho nhập khẩu từ các nước thành viên mặc dù sản xuất của nước bên ngoài có phí tổn thấp hơn. Đây là hiệu quả chuyển hoán mậu dịch (trade diversion). Hai hiệu quả nầy tác dụng ngược đối với lợi ích của nước thành viên, hiệu quả ròng (net effect) càng lớn nếu hiệu quả sáng tạo mậu dịch càng lớn và hiệu quả chuyển hoán càng nhỏ.

Hai điều kiện để có hiệu quả sáng tạo lớn là trước khi tham gia FTA các nước thành viên là những nước chủ yếu trong cơ cấu mậu dịch của mỗi nước  và tỉ suất thuế quan khá cao giữa các nước thành viên. Điều kiện để có hiệu quả chuyển hoán nhỏ là trong thị trường của các nước thành viên, cơ cấu xuất khẩu của nước đối tác ngoài khu vực FTA khác với cơ cấu xuất khẩu của các nước thành viên.     

Hiệu quả sáng tạo và chuyển hoán mậu dịch là hiệu quả tĩnh (static effects) vì chỉ xảy ra một lần và cấu tạo về lợi thế so sánh không thay đổi. FTA còn phát sinh các hiệu quả động (dynamic effects) ảnh hưởng tốt đến quá trình phát triển kinh tế của các nước thành viên. Có thể kể một số hiệu quả động điển hình. Thứ nhất, vì thị truờng mở rộng, tính quy mô kinh tế sẽ làm giá thành sản xuất giảm, tăng sức cạnh tranh của những ngành có lợi thế so sánh, làm tăng xuất khẩu sang cả những nước ngoài khu vực FTA. Đây là một hiệu quả sáng tạo mậu dịch mới.  Thứ hai, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tăng vì tính quy mô kinh tế do thị truờng mở rộng hấp dẫn các công ty đa quốc gia, và vì các công ty ở các nước ngoài khu vực đến đầu tư để giữ thị trường, một cách đối phó với hiệu quả chuyển hoán mậu dịch. Ngoài ra, FDI có khuynh hướng tăng vì các nước thành viên phải tiến hành các cải cách về cơ chế, chính sách với sự cam kết quốc tế làm cho môi truờng đầu tư tăng tính dự đoán và ít rủi ro.[2]  Thứ ba, trong khuôn khổ FTA, áp lực cạnh tranh giữa các nước thành viên rất mạnh làm cho các nguồn lực, các yếu tố sản xuất trong nội bộ mỗi nước di chuyển từ các ngành kém hiệu suất sang những ngành có lợi thế so sánh.

Tuy nhiên, cần lưu ý là hiệu quả động thường phát sinh không đồng đều giữa các nước thành viên. Điểm này đặc biệt quan trọng khi phân tích FTA giữa các nước đã phát triển và những nước đi sau (late comers), tức là những nước đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển.[3] Trong trường hợp nầy các nước đi sau có thể không phát huy được các hiệu quả động nói trên vì các hiệu quả nầy tuỳ thuộc nhiều yếu tố chứ không phải tự động phát sinh khi có tự do thương mại. Ba yếu tố liên quan đến hiệu quả động nói ở trên có thể không phát sinh tại các nước đi sau nếu cơ cấu các nguồn lực (factor endowments) không thay đổi (và do đó cơ cấu sản xuất và xuất khẩu không thay đổi). Thứ nhất, tính quy mô kinh tế có thể đi theo với FTA nhưng mức độ, cường độ của nó tuỳ thuộc nhiều vào chủng loại ngành công nghiệp. Chẳng hạn ngành xe hơi thì có tính quy mô kinh tế cao trong khi các ngành dệt may, giày dép thì rất thấp.  Xét cấu tạo lợi thế so sánh của các nước đi sau, ta thấy ngay là các nước nầy không có những ngành công nghiệp có tính quy mô kinh tế cao.[4] Thứ hai, mặc dù FDI có khuynh hướng tăng theo với sự hình thành của FTA nhưng để cho khả năng đó thành hiện thực, các nước đi sau phải có nhiều điều kiện khác nữa. Chẳng hạn môi truờng đầu tư phải được cải thiện, trong đó đặc biệt hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi phải được xây dựng, và đội ngũ lao động lành nghề, có kỹ năng cao phải được đào tạo. Những điều kiện nầy không phải nước đi sau nào cũng có. Thứ ba, mặc dù FTA kích thích cạnh tranh giữa những nước thành viên và do đó các nguồn lực có khuynh hướng di chuyển từ các lãnh vực kém hiệu suất sang những ngành có lợi thế so sánh, nhưng đây là lợi thế so sánh tĩnh, lợi thế dựa trên cấu tạo các nguồn lực hiện có. Mặt khác, những lãnh vực hiện nay kém hiệu suất có thể là những ngành non trẻ (infant industries) thuộc diện mà các nước đi sau cần nuôi dưỡng để tạo ra những lợi thế so sánh mới trong tương lai.  

Điểm thứ ba nầy thực ra có liên quan mật thiết với hiệu quả tĩnh (hiệu quả sáng tạo mậu dịch) của FTA. Khi FTA được thực hiện, mậu dịch có thể được sáng tạo theo hướng tăng cường lợi thế so sánh hiện tại. Như vậy, một khi cơ cấu lợi thế so sánh của nước đi sau được đẩy mạnh và dần dần cố định hoá thì khả năng chuyển hoán cơ cấu kinh tế lên những bậc cao hơn sẽ gặp khó khăn. Do đó khả năng tạo ra lợi thế so sánh mới cho mục tiêu phát triển lâu dài của nước đi sau bị giảm đi. Để tránh cái bẫy nầy, các nước đi sau phải nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trước khi FTA phát huy hiệu lực mới có thể tận dụng các cơ hội do FTA mang lại. Nói khác đi, năng lực chuyển dịch  cơ cấu là điểm mấu chốt để các nước đi sau tham gia vào sự phân công mới, năng động, do FTA mang lại. Năng lực chuyển dịch đó chỉ có thể được thực hiện với những cải cách kinh tế và xã hội để xoá bỏ những rào cản làm hạn chế sự di chuyển các nguồn lực sang những lãnh vực có tiềm năng. Khi bàn về ảnh hưởng của toàn cầu hoá đối với phát triển kinh tế, Dollar (2004) có nói một ý khá xác đáng: “(Tại các nước chậm phát triển), thuế quan đúng là những rào cản nhưng kinh nghiệm cho thấy những rào cản khác còn quan trọng hơn. Xí nghiệp có dễ dàng lập một công ty mới, dễ dàng thuê mướn lao động và có đủ điện để hoạt động sản xuất không? Dù mức thuế quan có giảm nhưng xí nghiệp có thể dễ dàng nhập khẩu những đầu vào cần thiết ở bến cảng không?...”. Nói chung cải cách hành chính, cải cách kinh tế là những tiền đề để hội nhập có hiệu quả. Nếu không có những cải cách mạnh mẽ để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì FTA sẽ làm cho cơ cấu lợi thế so sánh của các nước đi sau không thay đổi và công nghiệp hoá của các nước nầy sẽ gặp trở ngại.

Điểm nầy đưa ra nhiều gợi ý khi bàn đến hiệu quả của cộng đồng kinh tế Đông Á đối với các nước đi sau tại vùng nầy.

II. Những tiến triển của cộng đồng kinh tế Đông Á

Vấn đề Cộng đồng Đông Á lần đầu tiên được chính thức bàn đến là vào năm 2001 khi Nhóm bàn thảo về tầm nhìn Đông Á (East Asian Vision Group) được thành lập gồm các thức giả trong vùng, theo sự gợi ý của Tổng thống Hàn Quốc đương thời Kim Dae Jung. Từ đó vấn đề được bàn thảo từ nhiều góc độ, bao gồm nhiều lãnh vực, kể cả kinh tế, chính trị, an ninh khu vực, văn hoá,... Tháng 12 năm 2005, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á cũng được tổ chức tại Kuala Lumpur. Tuy nhiên ai cũng thấy tồn tại quá nhiều vấn đề căn bản mà trong một tầm nhìn không quá xa vào tương lai các vấn đề đó không thể được giải quyết. Chẳng hạn trong vấn đề an ninh khu vực, vai trò của Hoa Kỳ, một nước ở ngoài Đông Á, rất lớn. Thể chế chính trị của các nước cũng khác nhau nhiều. Ngay cả vấn đề thành viên của Cộng đồng Đông Á cũng không có sự đồng thuận.[5]  Do đó, trong một tương lai không xa, Cộng đồng Đông Á chỉ có thể được thực hiện trong lãnh vực kinh tế, và FTA là biện pháp cụ thể để đạt mục đích đó. Tuy nhiên, cho đến nay, tại Đông Á, FTA chỉ mới được triển khai giưã 2 nước, hoặc giữa ASEAN với một vài nước khác trong khu vực.

Tính đến thời điểm 22/11/2005, FTA có hiệu lực trên thế giới đã lên đến con số 142, phần lớn được ký kết sau năm 1995.[6] Ngược lại với trào lưu chung nầy, tại Đông Á, chủ nghĩa khu vực tiến triển chậm. Cho đến nay mới chỉ có vài vụ đã được ký kết. Có mấy lý do giải thích tình hình nầy. Một là, do chiến tranh lạnh kéo dài, do sự khác biệt về thể chế kinh tế và do những vấn đề lịch sử để lại, các nước có nền kinh tế lớn như Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc không tích cực tìm kiếm một định chế  hợp tác. Hai là,  do chính sách ngoại giao kinh tế  của  Nhật có  truyền thống nhấn mạnh quan hệ đa phương trên quy mô toàn cầu thông qua các định chế quốc tế như GATT (Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch) trước đây và WTO (Tổ chức thương mại thế giới) hiện nay.

Ba là, trong vài chục năm qua, dù không có những định chế thỏa thuận giữa các nước trong vùng, các nền kinh tế tại Đông Á vừa phát triển nhanh vừa ngày càng tuỳ thuộc lẫn nhau thông qua hoạt động mậu dịch và đầu tư. Trong mấy mươi năm qua, công nghiệp hoá tiến hành rất nhanh tại vùng nầy, phản ảnh trong tỉ lệ tăng nhanh của hàng công nghiệp trong tổng xuất khẩu. Các nước ở vùng nầy ngày càng cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới. Thị phần của các nước trong vùng trong tổng xuất khẩu hàng công nghiệp của thế giới tăng gấp đôi, từ 18%  năm 1980 đến 39% năm 2002. Đặc biệt là các nước mới công nghiệp hoá (NIEs), ASEAN và Trung Quốc đều tăng thị phần đáng kể.[7]  Thống kê ngoại thương cho thấy các nước Đông Á đã tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp sang các nước nội vùng với tốc độ cao hơn nhiều so với xuất khẩu ra toàn thế giới. Chẳng hạn, từ năm 1992 đến 2002, tổng xuất khẩu của vùng Đông Á (ASEAN+3) tăng 1,9 lần trong khi xuất trong nội vùng tăng 2,6 lần. Riêng Trung Quốc xuất khẩu ra thế giới tăng 4,4 lần nhưng sang các nước trong vùng Đông Á tăng 7 lần. Con số tương tự của ASEAN là 2,7 lần và 3,2 lần. Nhiều tư liệu khác cũng đã cho thấy khuynh hướng tập trung mậu dịch trong nội bộ vùng Đông Á.[8]

Như vậy, cho đến nay dù không có một định chế hợp tác, kinh tế Đông Á trên thực tế đã được kết hợp thành một khối (de facto integration) và sự kết hợp nầy được thực hiện qua cơ chế thị trường (market-led integration).

Tuy nhiên từ cuối thập niên 1990, các nước Đông Á kể cả Nhật đã tích cực trong việc xây dựng một định chế hợp tác khu vực vì 2 lý do. Thứ nhất, cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Á cho thấy cần có một định chế hợp tác khu vực để ngăn ngừa những bất ổn tương tự. Thứ hai, song song với sự bế tắc trong các vòng đàm phán do WTO chủ truơng, chủ nghĩa khu vực đã phảt triển mạnh tại nhìều nơi khác trên thế giới và xu thế ấy đã thúc đẩy các nước Đông Á chuyển hướng theo trào lưu chung nầy.

Không kể AFTA (Khu mậu dịch tự do ASEAN), thành lập năm 1992, tại Đông Á, FTA mới được bắt đầu bàn đến từ năm 1999 bằng sự kiện Nhật Bản và Hàn Quốc thoả thuận cùng nghiên cứu khả năng và hiệu quả của một FTA giữa hai nước. Hiện nay hai nước vẫn chưa đi đến một sự thoả thuận cụ thể nhưng sự kiện nầy đã châm ngòi cho những thảo luận, những đề án về FTA rất sôi nổi tại Đông Á. Theo đó, Nhật và Singapore bắt đầu thảo luận từ tháng 11/1999 và đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (Japan-Singapore Economic Partnership Agreement, JSEPA) vào tháng 1/2002. Hiệp định nầy không dừng lại ở việc tự do mậu dịch mà còn nhắm đến việc đẩy mạnh đơn giản hoá, thông thoáng hoá các thủ tục giao dịch, và cùng xúc tiến hợp tác đối với các nước đang phát triển. Tự do mậu dịch cũng không giới hạn trong hàng hoá hữu hình mà còn trong các lãnh vực dịch vụ như đầu tư, di chuyển lao động, v.v..[9]

Cũng vào thời điểm Nhật và Singapore ký kết JSEPA, Thủ tướng Nhật Koizumi Jun-ichiro đề xướng lập Quan hệ đối tác toàn diện Nhật ASEAN (Japan-ASEAN Comprehensive Economic Partnership) và tháng 11/2002 lãnh đạo mười nước ASEAN đã đồng ý sẽ bàn thảo về đề án nầy. Đặc biệt Nhật Bản tỏ ra tích cực trong hoạt động nầy sau khi Trung Quốc đưa ra đề án lập FTA với mười nước ASEAN vào tháng 11/2001. Kết cuộc, Nhật và ASEAN đã thoả thuận sẽ bắt đầu thương lượng vào tháng 4/2005 và dự định sẽ đi đến một thoả thuận sau hai năm đàm phán. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thấy có tiến triển chủ yếu vì Nhật Bản còn muốn bảo hộ thị trường gạo và ngại phải nhập khẩu nhiều lao động từ ASEAN, chủ yếu là Phi-lip-pin.[10]  Hàn Quốc và ASEAN tại Hội nghị Vientiane (tháng 11/2004) đã đồng ý sẽ bắt đầu thương lượng trong năm 2005 để trong năm 2006 có thể ký kết một thoả thuận với mục tiêu đến năm 2009 xoá bỏ hoàn toàn hàng rào quan thuế cho ít nhất 80% mặt hàng. Tuy nhiên cuộc thương lượng nầy cũng mất nhiều thời gian hơn dự tính.

Về FTA song phương, tiến triển cụ thể là các quan hệ Nhật – Phi-lip-pin, Nhật – Malaysia và Nhật –Thái. Tuy nhiên, các bên mới thoả thuận trên nguyên tắc, trên các hướng chính, còn phải đợi một thời gian điều chỉnh các lợi ích trong nội bộ các nước.

Tại Đông Bắc Á, triển vọng về việc hình thành một FTA song phương Nhật với Trung Quốc hoặc giữa Nhật với Hàn Quốc, hay giữa Trung Quốc và Hàn Quốc có lẽ còn khá xa trong tương lai. Ngoài bối cảnh phức tạp về lịch sử, những tranh chấp về lãnh thổ cũng làm quan hệ phức tạp thêm. Trung Quốc bất bình với việc Thủ tướng Koizumi đi lễ bái ở đền Yasukuni (nơi thờ cúng cả những tội nhân gây chiến tranh trong thế chiến thứ hai) nên sự giao lưu cấp nguyên thủ quốc gia bị ngưng lại từ nhiều năm nay. Giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây lại có vụ tranh chấp về chủ quyền của hòn đảo Takeshima.  Chỉ thuần về kinh tế, vấn đề FTA giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đương gặp khó khăn: Hàn Quốc ngại hàng công nghiệp của Nhật sẽ tràn vào và nhập siêu của nước nầy sẽ tăng nhanh, ngược lại Nhật lo là hàng nông phẩm của Hàn Quốc sẽ ảnh hưởng đến nông dân của họ.

Trong tình hình đó, FTA đa phương tại Đông bắc Á càng không có tính khả thi. Tuy lãnh đạo Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc đã ra tuyên ngôn chung sau buổi họp thượng đỉnh tháng 10/2003 tại Bali là sẽ hướng tới việc lập FTA gồm 3 nước Đông Bắc Á nầy nhưng cho đến nay không thấy có tiến triển gì thêm.

Về ASEAN, từ nửa sau thập kỷ 1990, khối nầy đã trực diện nhiều vấn đề mới: Ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ Á châu, sự xuất hiện mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc, và sự gia tăng nhiều thành viên mới. Các vấn đề nầy đã mở ra một cục diện mới đối với ASEAN. Khủng hoảng tiền tệ đã cho thấy hạn chế của tổ chức ASEAN trong việc gìn giữ sự ổn định kinh tế trong khu vực và đã gây ra những khó khăn nhất định đối với nền kinh tế các nước nầy. Cuộc khủng hoảng tiền tệ cũng đã làm lịch trình thực hiện AFTA của các nước thành viên bị chậm lại. Sự xuất hiện của Trung Quốc đã làm cho sức cạnh tranh của các nước ASEAN tại những thị trường chính như Mỹ, Nhật bị yếu đi và nhất là làm cho dòng chảy đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển hướng.[11]

Những ảnh hưởng trên đã làm cho khoảng cách về sức cạnh tranh và mức độ mở cửa thị trường giữa các thành viên trong khối ASEAN ngày càng lớn. Điển hình là giữa Xinh-ga-po với các nước khác. So với các thành viên khác, Xinh-ga-po vừa là một nền kinh tế mở vừa ít bị ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ nên đã không bằng lòng với tiến độ thực hiện AFTA sau khi có khủng hoảng tài chánh tại Á châu và đã tích cực ký kết hiệp định tự do mậu dịch song phương với các nước ngoài khu vực. Các nước thành viên khác của ASEAN lo lắng về hậu quả chuyển hoán mậu dịch tại những nước ký kết FTA với Xinh-ga-po nên đã có những hành động tương tự đối với những đối tác trong FTA của Xinh-ga-po nhằm ngăn ngừa hậu quả đó. Đặc biệt Thái Lan đẩy mạnh việc triển khai FTA với Nhật và các nước khác. Phi-líp-pin, Ma-lai-xia và In-đô-nê-xia cũng tỏ ra tích cực. Trong bối cảnh đó, ta có thể hiểu được ngay tại sao Phi-líp–pin và Thái Lan đặc biệt có thái độ tích cực đáp lại đề nghị của Trung Quốc, chấp nhận việc sớm tự do hoá mậu dịch đối với những mặt hàng nông sản phẩm trước khi mục tiêu chung cho các sản phẩm khác sẽ được thực hiện vào năm 2010 đối với các thành viên cũ và năm 2015 đối với các thành viên mới của ASEAN.

Nhìn chung những tiến triển về hiệp định tự do mậu dịch (FTA) tại Đông Á cho đến nay có đặc tính là xoay quanh các nước ASEAN. Đặc biệt, Nhật Bản và Trung Quốc đã tranh nhau đưa ra đề án FTA song phương giữa ASEAN với mình do đó tại vùng nầy đương từng bước hình thành các thể chế ASEAN+1 (ASEAN cộng với một trong ba nước có nền kinh tế lớn ở Đông Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc). Trong trào lưu đó, sự kiện đáng được quan tâm nhất là FTA giữa ASEAN với Trung Quốc (dưới đây gọi tắt là CAFTA). 

Trung Quốc và mười nước ASEAN qua các Hội nghị thượng đỉnh ở Brunei (2001), Phnom Penh (2002), Bali (2003) và Vientiane (2004) đã lần lượt thoả thuận các bước chuẩn bị để cuối cùng đi đến ký kết các hiệp ước liên quan đến Hiệp định mậu dịch tự do (FTA), một cơ cấu hợp tác kinh tế lôi cuốn sự quan tâm của thế giới từ bốn năm nay khi Trung Quốc đưa ra đề án và được các nước ASEAN hưởng ứng. CAFTA có hiệu lực từ tháng 1 năm 2005.

Điểm nổi bật của Hiệp định nầy là Trung Quốc đã nhượng bộ tối đa, đưa ra  một đề án với nội dung hấp dẫn để các nước ASEAN dễ chấp nhận. Ngoài kế hoạch giảm thuế nói chung, hiệp định bao gồm một chương trình gọi là Thu hoạch sớm (Early Harvest) để giảm thuế ngay (từ đầu năm 2004) những mặt hàng nông phẩm mà đa số các nước ASEAN đặc biệt quan tâm. Trong hiệp định, Trung Quốc cũng đặc biệt chiếu cố các thành viên mới của  ASEAN (Việt Nam, Lào, Myanmar và Cambodia): Trung Quốc dành sự đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) cho cả các nước chưa gia nhập WTO, trì hoãn nghĩa vụ thực hiện FTA đối với các thành viên mới, viện trợ 5 triệu USD cho chương trình phát triển lưu vực sông Mekong, phụ đảm 1/3 phí tổn xây đường cao tốc nối Côn Minh với Bangkok.

Có nhiều yếu tố giải thích thái độ tích cực của Trung Quốc: Thứ nhất, Trung Quốc sẵn vị trí chủ đạo trong quá trình hình thành cộng đồng hợp tác Đông Á trong tương lai. Cho đến cuối thập niên 1990, Trung Quốc trong việc chuẩn bị gia nhập WTO, chưa rảnh tay nghĩ về cơ chế hợp tác khu vực Đông Á. Sau khi đạt được thoả thuận tay đôi với Mỹ vào tháng 11 năm 1999, Trung Quốc xem như việc gia nhập WTO chỉ còn là vấn đề thời gian (thực tế Trung Quốc gia nhập năm 2001), Trung Quốc bắt đầu triển khai chiến lược Đông Á mà điểm đột phá được chọn là ASEAN vì ở đây Nhật và Mỹ cũng đương chú trọng, Trung Quốc thấy cần tạo ngay ảnh hưởng. Ngoài ra, quá trình hình thành cộng đồng hợp tác Đông Á sẽ phải bắt đầu từ ASEAN, không thể từ Nhật, Trung Quốc hay Hàn Quốc vì các quan hệ phức tạp về lịch sử đương tồn tại. Thứ hai, có ý kiến cho rằng Trung Quốc muốn qua FTA đẩy mạnh quan hệ với ASEAN để kiềm chế chiến lược hướng Nam của Đài Loan (thông qua đầu tư trực tiếp và mậu dịch, sự hiện diện của Đài Loan tại ASEAN ngày càng lớn).[12] Thứ ba, từ thập niên 1990, kinh tế Trung Quốc phát triển quá nhanh, cạnh tranh với ASEAN trên khắp các thị truờng lớn trên thế giới, tạo ra mối lo ngại tại các nước nầy. Để xoa dịu mối lo nầy ở ASEAN, Trung Quốc thấy cần gây ấn tượng là kinh tế Trung Quốc lớn mạnh cũng đưa lại cơ hội phát triển cho các nước ASEAN.[13] Thứ tư, Trung Quốc cần đẩy mạnh phát triển vùng Tây Nam để thu hẹp khoảng cách với vùng duyên hải, chiến lược tiếp cận ASEAN hy vọng sẽ mở rộng mậu dịch giữa các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Quảng Tây với Thái Lan và các nước thành viên mới của ASEAN. Về giao thông, các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên tiếp cận dễ dàng với Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan hơn là với vùng duyên hải của Trung Quốc. Triển vọng hợp tác tiểu vùng Mekong mà Hành lang Nam Bắc là một trong những dự án trọng điểm sẽ thúc đẩy mậu dịch giữa vùng Tây Nam Trung Quốc với các nước ASEAN.

Về phía ASEAN, như đã đề cập ở trên, từ nửa sau thập kỷ 90, khối nầy đã trực diện nhiều vấn đề mới như ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ Á châu, sự xuất hiện mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc, và sự gia tăng nhiều thành viên mới. Đặc biệt sự xuất hiện của Trung Quốc đã làm cho sức cạnh tranh của các nước ASEAN trên thị trường thế giới bị yếu đi và nhất là làm cho dòng chảy đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển hướng. Do bối cảnh nầy, từ giữa thập niên 1990, nhiều nước ASEAN  xem kinh tế Trung Quốc là mối đe doạ cho sự tăng trưởng vùng Đông Nam Á.

Tuy nhiên, từ khoảng năm 2001, nhiều nước ASEAN, đặc biệt là Malaixia và Thái Lan, dần dần xem kinh tế Trung Quốc còn là cơ hội để  các nước nầy tiếp tục tăng trưởng, vì  thấy cùng với xuất khẩu, nhập khẩu  của  Trung Quốc cũng tăng nhanh và  các nước như Nhật, Hàn Quốc, v.v.. đã xuất khẩu mạnh mẽ vào thị trường nầy. Chính các nước ASEAN cũng dần dần thấy là đối với họ, thị trường Trung Quốc ngày càng có vai trò quan trọng. Từ giữa thập niên 1990s, các nước ASEAN đã đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp ra thị trường thế giới nhưng tốc độ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng nhanh hơn các thị trường khác. Chẳng hạn Thái Lan trong giai đoạn 1992-2002 xuất khẩu hàng công nghiệp ra thế gíơi tăng 2,3 lần, nhưng sang Trung Quốc tăng tới 23,7 lần. Các con số tương ứng của Ma-lai-xia là 2,8 lần và 13,6 lần, Phi-lip-pin là 4,4 lần và 15,1 lần. Dĩ nhiên vào năm 1992 các nước ASEAN buôn bán với  Trung Quốc chưa nhiều nên dễ làm cho tốc độ tăng nhanh. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đã chiếm một vị trí quan trọng trong thị trường xuất khẩu của ASEAN và tiềm năng thâm nhập vào thị trường nầy còn rất lớn. Do đó, ASEAN tích cực hưởng ứng ký kết FTA với Trung Quốc với hy vọng khai thác tiềm năng nầy.

Nội dung chính của FTA Trung Quốc ASEAN là chương trình cắt giảm thuế quan để mở rộng mậu dịch, trong đó các nhóm mặt hàng được chia làm 2 loại, loại thông thường (normal track) và loại nhạy cảm (sensitive track). Trong loại thông thường, Trung Quốc và các nước thành viên cũ bắt đầu cắt giảm thuế từ tháng 1/2005 và bãi bỏ hoàn toàn thuế quan vào năm 2010, các nước thành viên mới thì mục tiêu bỏ hoàn toàn thuế quan vào năm 2015. Chi tiết cụ thể về loại nhạy cảm chưa được xác định, hai bên sẽ thương lượng trong thời gian tới. Chương trình Thu hoạch sớm thực hiện cắt giảm thuế từ 2004 đến 2006 đối với các thành viên cũ của ASEAN và từ 2004 đến 2008 đối với Việt Nam (Lào, Myanmar đến năm 2009 và Cambodia đến năm 2010). 

III. Các nước đi sau trong Cộng đồng kinh tế Đông Á

Như đã phân tích ở trên, trào lưu gần đây cho thấy nhiều nỗ lực nhắm tới việc hình thành các cơ chế hợp tác khu vực mà FTA là trọng tâm. Đặc điểm của các trào lưu nầy là xoay quanh ASEAN. ASEAN đang và sẽ tiến hành thành lập FTA với từng nước ở Đông Bẵc Á (tức ASEAN+1). Như đã thấy, hiện nay FTA giữa ASEAN và Trung Quốc đã được ký kết. Trong tương lai gần, ASEAN với Nhật Bản, sau đó ASEAN với Hàn Quốc cũng sẽ có những hợp tác tương tự. Cuối cùng trong một tương lai không quá xa, hình thái cao nhất mà khu vực Đông Á có vẻ thực hiện được là FTA cho toàn khu vực (ASEAN+3). Đó là nội dung của Cộng đồng kinh tế Đông Á mà ta có thể hình dung được ở thời điểm nầy. Dù hình thái nầy không cao (theo phân loại của Balassa), con đường đi đến mục tiêu nầy cũng còn nhiều khó khăn. Ngoài những khó khăn liên quan đến việc điều chỉnh lợi ích giữa các ngành, các nhóm trong mỗi nước (nên  tiến độ thương lượng, ký kết các FTA phải chậm lại như ta đa thấy), một khó khăn lớn khác là làm sao giải quyết vấn đề của các nước đi sau. Các nước đi sau ở khu vực nầy là bốn thành viên mới của khối ASEAN: Việt Nam, Lào, Cambodia và Myanmar. Dĩ nhiên giữa bốn nước nầy cũng có chênh lệch nhiều về trình độ phát triển, trong đó Việt Nam phát triển cao hơn và có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình công nghiệp hoá so với ba nước kia. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, trong sự phân công quốc tế ở vùng Đông Á, Việt Nam cũng gặp các vấn đề của những nước đi sau mà ta đã phân tích trong phần phương pháp luận ở trên.[14]

Để thấy rõ vấn đề nầy ta thử xét quan hệ mậu dịch giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, từ đó sẽ thấy ảnh hưởng của CAFTA đối với bốn nước đi sau không khác nhau nhiều.[15]

Dựa trên thống kê Liên hiệp quốc để phân tích cơ cấu mậu dịch của Trung Quốc đối với các nước ASEAN ta thấy Trung Quốc chủ yếu buôn bán vơí các nước thành viên cũ, đặc biệt riêng hai nước Xin-ga-po và Ma-lai-xia chiếm tới hơn phân nửa kim ngạch mậu dịch giữa Trung Quốc và ASEAN. Ngược lại, kim ngạch mậu dịch giữa Trung Quốc với Lào, Cambodia và  Myanmar hầu như  không đáng kể, kim ngạch buôn bán với Việt Nam cũng còn ít. Một điểm nữa là gần đây (2002), Trung Quốc nhập siêu với tất cả  sáu nước thành viên cũ của ASEAN trong khi đó xuất siêu với tất cả  bốn nước thành viên mới. Nếu tách riêng hàng công nghiệp ra để khảo sát ta cũng thấy những đặc điểm tương tự.

Về cơ cấu ngoại thương giữa Trung Quốc và mười nước ASEAN ta thấy: Một là, hàng công nghiệp chiếm tỉ trọng khá lớn trong xuất khẩu của Trung Quốc đối với hầu hết các nước ASEAN. Tỉ lệ hàng công nghiệp cũng cao trong nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước thành viên cũ. Tuy nhiên, nhập khẩu của  Trung Quốc từ Việt Nam và các nước thành viên mới thì phần lớn là hàng nông sản hoặc quặng mỏ, tỉ lệ hàng công nghiệp khá thấp. Hai là, trong cơ cấu nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước thành viên cũ của ASEAN, tỉ lệ của hàng công nghiệp đặc biệt tăng nhanh (giai đoạn 1996-2002), nhất là Phi-lip-pin, Thái Lan, In-đô-nê-xia, nói lên nỗ lực của các nước nầy trong việc chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu của họ sang  Trung Quốc. Ngược lại, sự chuyển dịch đó không đáng kể trong truờng hợp các nước thành viên mới. Tóm lại có sự phân công hàng ngang (vừa xuất và nhập hàng công nghiệp) giữa Trung Quốc với các nước thành viên cũ của ASEAN, nhưng giữa Trung Quốc với các nước thành viên mới thì có sự phân công hàng dọc Trung Quốc xuất hàng công nghiệp và nhập hàng nông lâm thuỷ sản và nguyên liệu khai từ các loại quặng mỏ).

Từ cơ cấu mậu dịch như đã phân tích, hiệu quả của CAFTA đối với ASEAN sẽ ra sao? Như đã nói, để phân tích hiệu quả cần có thông tin về thuế quan hiện nay của những mặt hàng buôn bán chủ yếu giữa ASEAN và Trung Quốc. Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi (Trần Văn Thọ và Matsumoto 2004), đối với những nước thành viên cũ của ASEAN, những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từẳnung Quốc đang có thuế suất thấp (phần lớn dưới 10%, nhiều mặt hàng 0%). Ngược lại, những mặt hàng chủ yếu mà Trung Quốc nhập khẩu từ các nước thành viên cũ của ASEAN thì thuế quan cao hơn nhiều. Do đó, hiệu quả của CAFTA sẽ lớn đối với các nước thành viên cũ như Thái Lan, Ma-lai-xia, Phi-li-pin (tăng xuất khẩu từ các nước nầy sang Trung Quốc khi thuế quan bên Trung Quốc giảm), và hiệu quả của CAFTA đối với Trung Quốc có thể thấp hơn các nước ASEAN nầy. Tuy nhiên, trong các ngành máy móc như đồ điện gia dụng, xe máy, xe hơi, máy tính cá nhân, máy in, v.v.., thuế quan của ASEAN đối với hàng nhập các bộ phận, linh kiện từ Trung Quốc còn cao, ít nhất cao hơn thuế suất áp dụng trong AFTA. Do đó, khi CAFTA thành lập, xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn hiện nay. Hiện nay, trong các ngành máy móc nói trên, Trung Quốc xuất và nhập cùng một loại mặt hàng (ngoại thương trong nội bộ từng ngành, intra-industry trade) và các nước thành viên cũ của ASEAN cũng có khuynh hướng tương tự. Giữa Trung Quốc và ASEAN cũng có hiện tượng cùng xuất và nhập những mặt hàng trong nội bộ các ngành máy móc. Các công ty đa quốc gia đã và đương xây dựng mạng lưới sản xuất tại Á châu, tuỳ theo đặc tính của mỗi linh kiện, bộ phận mà chọn địa điểm sản xuất tại từng nước. Như vậy nếu thuế quan giảm theo lộ trình của CAFTA, việc xây dựng mạng lưới sản xuất nói trên sẽ thực hiện dễ dàng hơn và ta có thể kỳ vọng ngoại thương trong nội bộ từng ngành sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn giữa Trung Quốc và ASEAN.

Còn chỗ đứng của các thành viên mới, các nước đi sau trong cộng đồng Đông Á, và hiệu quả của CAFTA đối với kinh tế các nước nầy ra sao? Ở đây ta thử khảo sát trường hợp Việt Nam, so sánh Việt Nam với Phi-li-pin và Thái Lan là những nước có cơ cấu kinh tế và trình độ phát triển tương đối gần Việt Nam. So sánh hai nước nầy với Việt Nam trong quan hệ ngoại thương với Trung Quốc, ta thấy vị trí của Việt Nam hiện nay đang bất lợi: Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang ba nước Việt Nam, Phi-li-pin và Thái Lan hầu như bằng nhau, nhưng nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam rất ít trong khi Phi-li-pin và Thái Lan đang mạnh mẽ tiến vào thị truờng to lớn nầy. Việt Nam đang nhập siêu nhiều với Trung Quốc, trong khi Thái Lan và Phi-lip-pin đều xuất siêu ở mức cao. Thứ hai, phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN là hàng công nghiệp; hai nước Phi-lip-pin và Thái Lan từ 1996 đến 2002 cũng thành công trong chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó tỉ lệ hàng công nghiệp trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam hiện nay chỉ hơn 10% (các loại khoáng sản như dầu thô, than đá chiếm độ 70% và nông sản gần 20%). Như vậy quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Trung Quốc có đặc tính là sự phân công hàng dọc[16] trong khi đó, như đã đề cập, các nước ASEAN khác triển khai phân công hàng ngang với thị truờng lớn nầy.

Về hàng công nghiệp, như đã nói ở trên, hiện nay mức thuế tại các nước thành viên cũ của ASEAN tương đối thấp, thuế ở Trung Quốc cao hơn. Với năng lực cung cấp hiện nay và kế hoạch tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để mở rộng sản xuất, các nước Thái Lan, Malaixia, Phi-lip-pin,… có triển vọng sẽ tăng xuất khẩu hàng công nghiệp sang Trung Quốc hơn nữa khi thuế suất giảm dần trong khuôn khổ FTA. Hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân công hàng ngang trong ngoại thương. Riêng truờng hợp Việt nam và các nước đi sau khác, hiện nay thuế quan của nhiều mặt hàng công nghiệp đương rất cao mà hàng Trung Quốc vẫn thâm nhập vào được nên có thể dự đoán được rằng khi thuế quan được tiến hành cắt giảm trong khuôn khổ FTA, hàng công nghiệp Trung Quốc sẽ ào ạt vào thị trường các nước nầy nếu khả năng cạnh tranh của các nước nầy không thay đổi. Như vậy quá trình công nghiệp hoá của các nước đi sau sẽ gặp khó khăn. Mặt khác, thị truờng Trung Quốc sẽ rộng mở hơn nhưng với năng lực cung cấp hiện nay, Việt Nam và các nước ASEAN mới  khó có thể tận dụng cơ hội do FTA với Trung Quốc mang lại.

Hiệu quả tĩnh của FTA đối với các nước đi sau như vậy là đáng lo. Con đường duy nhất để khắc phục hiệu quả nầy là chủ động tạo ra một sự chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu ngoại thương với Trung Quốc để làm phát sinh hiệu quả động của FTA bằng cách tận dụng cơ hội do FTA với Trung Quốc mang lại. Các nước ASEAN mới sẽ hoàn toàn bãi bỏ hàng rào quan thuế đối với hàng công nghiệp Trung Quốc từ năm 2015 nhưng trước đó đã phải giảm đáng kể mức thuế quan. Do đó, thách thức sẽ đến trong 5,6 năm tới. Thời gian không còn nhiều. các nước nầy phải tận dụng FDI, tìm mũi đột phá cho chiến lược công nghiệp hoá để đối phó có hiệu quả thánh thức nầy và tận dụng được cơ hội do thị truờng Trung Quốc mang lại trong khuôn khổ FTA.

Phân tích trên đây gợi ý cho thấy rằng nếu ASEAN ký kết một FTA với Nhật Bản hay với Hàn Quốc trong tương lai, hiệu quả đối với các nước đi sau cũng sẽ tương tự như CAFTA.

Phân tích về phương pháp luận ở Tiết I đã cho thấy các nước đi sau phải có chiến lược để thoát khỏi cái bẫy co cụm lại với lợi thế so sánh hiện tại. Chiến lược nầy phải khẩn trương vì thời gian không nhiều. Mặt khác, các nước đi trước cần có chính sách hợp tác về kinh tế, kỹ thuật để các nước đi sau có thể nhanh chóng đối phó với cái bẫy co cụm ấy. Kết cuộc, nhìn từ các nước đi sau, nội dung của quá trình thực hiện cộng đồng Đông Á trước mắt có lẽ sẽ dựa trên ba lãnh vực mà trước đây Diễn đàn kinh tế châu Á Thái bình dương (APEC) đã nhắm tới, đó là tự do hoá mậu dịch (trade liberalization), nhanh chóng hoá và dễ dàng hoá hoạt động mậu dịch (facilitation) , và hợp tác kinh tế kỹ thuật (eco-tech) đối với những nước còn ở trình độ phát triển thấp.[17]  

Vài lời kết

Vùng Đông Á đang chuyển động về cả hai mặt: một là hoạt động giao thương, đầu tư đang triển khai nhộn nhịp làm cho các nước ngày càng tuỳ thuộc vào nhau; hai là các cơ chế hợp tác mà trọng tâm là FTA cũng đang hình thành. Trong tình hình đó, nhiều người kỳ vọng một cộng đồng kinh tế sẽ ra đời tại Đông Á trong tương lai. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trước mắt, FTA mà tự do mậu dịch và các kênh hợp tác kinh tế như chuyển giao công nghệ, dễ dàng hoá, hiệu suất hoá hoạt động mậu dịch vẫn còn những nội dung chủ đạo của cộng đồng kinh tế Đông Á. Những lãnh vực ở thứ nguyên cao hơn như thiết lập đồng tiền chung Á châu, xây dựng chính sách tiền tệ tài chánh chung, v.v.. là những vấn đề của một tương lai xa hơn. 

Cộng đồng kinh tế Đông Á triển khai theo chiều hướng nói trên sẽ ảnh hưởng đến các nước đi sau trong đó có Việt Nam như thế nào? Có thể nói đây là cơ hội giao thương lớn nhất đối với các nước đi sau ở Đông Á. Nhiều nghiên cứu cho thấy FTA tại Đông Á có khuynh hướng làm tăng tốc độ phát triển kinh tế của các nước trong vùng, và những nước hiện có nền kinh tế càng nhỏ càng có lợi hơn trong thể chế hợp tác FTA. Tuy nhiên để tận dụng được các cơ hội nầy, các nước đi sau phải thực thi các cải cách xã hội và kinh tế, thu hút FDI, tạo ra một cơ cấu lợi thế so sánh mới. Nếu không, cơ cấu lợi thế so sánh hiện tại sẽ bị cố định hoá và con đường công nghiệp hoá sẽ gặp nhiều khó khăn.

  

Tư liệu có trích dẫn

Balassa, Bela (1961), The Theory of Economic Integration, Greenwood Press, Publishers.

Bowles, Paul (1997), ASEAN, AFTA and the ‘New Regionalism’, Pacific Affairs, 70(2), 1997, pp.219-233.

Dollar, David (2004), Development Topics (Globalization): Questions and Answers With David Dollar, the World Bank. (http://www1.worldbank.org/economicpolicy/globalization/dollarqa.htm)

Krumm, Kathie and Homi Kharas, eds. (2004),  East Asia Integrates: A Trade Policy Agenda for Shared Growth, World Bank and Oxford University Press.

Maie Yoichi (2004), Chugoku no FTA Seisaku (  ), Ch. 7 trong Watanabe chủ biên (2004),

Plummer, Michael G., ASEAN and the Theory of Regional Economic Integration: A Survey, ASEAN Economic Bulletin, 14(2), 1997, pp.202-214.

Schiff, Maurice và L. Alan Winters (2003), Regional Integration and Development, The World Bank.

Trần Văn Thọ (1997), Công nghiệp hoá Việt Nam trong thời đại châu Á Thái bình dương, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, Thời báo kinh tế Saigon và VAPEC.

Trần Văn Thọ (2002), Tính chất bắc-nam trong quan hệ kinh tế Việt Trung, Thời báo kinh tế Saigon, số báo Tết Bính Ngọ.

Trần Văn Thọ (2005), Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hoá Việt Nam , NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội (Nhà xuất bản Trẻ tái bản năm 2006).

Tran Van Tho and Kunichika Matsumoto (2006), ASEAN-Chugoku no FTA: Sono Imito Inpakuto no Kosatsu (FTA between China and ASEAN: Significance and Impact), Touhokugakuin Daigaku Touhokusangyoukenkyuujo kiyou, vol.25, February, pp47-67.

Watanabe, Toshio chủ biên (2004), Higashi Ajia Shijo Togo e no Michi (Con đường hợp nhất thị truờng Đông Á) , NXB Keiso-Shobo, Tokyo.

Yamazawa, Ippei, ed. (2000), Asia Pacific Economic Cooperation (APEC): Challenges and Tasks for the Twenty-first Century, Procedings of the 25th Pacific Trade and Development Conference in Osaka, June 1999, London: Routlege.

Yamazawa, Ippei (2001), Ajia Taiheiyo Keizai-nyumon (Asia-Pacific Economy and APEC), Toyo-keizai Shinposha, Tokyo.

Zheng Bijian (2005), China’s “Peaceful Rise to Great-Power Status, Foreign Affairs, September/ October,  pp. 18-24.


 

[1] Ngoài FTA và EPA, còn mt khái nim na là RTA (Regional Trading Agreement). RTA phm vi nh hơn EPA nhưng tác động li sâu hơn vì có đặc tính ca mt liên minh v quan thuế (custom union) nghĩa là các bên ký kết hip định đó có cùng mt chính sách thuế quan đối vi các nước bên ngoài hip định.  

[2] Bowles (1997) và Plummer (1997) đặc bit nhn mnh yếu t ny khi kho sát hiu qu ca FTA đối vi FDI..

[3] FTA trong trường hp ny còn được gi là Hip định t do thương mi Bc Nam (North South free trade argreement).

[4] Schiff and Winters (2003), p. 14 có cùng nhn xét ny.

[5] Nht mun n Độ tham gia và Hoa K làm quan sát viên để kim chế Trung Quc, trong khi Trung Quc ch trương Đông Á ch nên gm ASEAN và 3 nước Đông Bc Á (Nht, Hàn Quc và Trung Quc). Tho hip cui cùng là Hi ngh thượng đỉnh Đông Á (12/2005) gm c n Độ, Úc và New Zealand, nhưng không mi M làm quan sát viên..

[6] Theo WTO/FTA column (January 31, 2006) trên website ca JETRO: http:// www.jetro.go.jp/biz/world/international/column/pdf/039-revision.pdf.

[7] Trong giai đon ny th phn ca Nht gim vì đã tăng nhanh trong thi gian trước đó (t 4,2% năm 1955 tăng lên 10% năm 1975).  Xem Trn Văn Th (1997), p. 80.

[8] Xem Trn Văn Th (2005), Ch. 2 và Ch. 4..

[9] Cũng vì phm vi hp tác khá rng ny, hip định ny không gi là FTA mà là Hip định đối tác kinh tế (EPA) Nht Singapore. 

[10] Theo báo Asahi ngày 1/12/2004, trong ni b chính ph Nht có người phn đối vic định ra mt mc thi gian nht định cho vic ký kết hip định Nht-ASEAN vì s Nht phi sm chu nhng nhượng b liên quan đến nông phm nhp khu t ASEAN.

[11] Về chi tiết, xem lại Chương 3 trong Trần Văn Thọ (2005).

[12] Maie (2004) đặc bit nhn mnh đim ny..

[13] Trung Quc gn đây dùng khái nim qut khi hoà bình (phát trin mnh m trong hoà bình, bng các bin pháp hoà bình như tiếp nhn FDI, chuyn giao công ngh,... và có tác dng tt đến các nước khác) để din t ý tưởng ny. Xem, chng hn, Zheng (2005).

[14] Ti Đông Á, nếu so vi Nht và Hàn Quc thì Thái Lan và các nước khác nhiu khía cnh cũng là nhng nước đi sau. Tuy nhiên, các nước ny đã qua mt quá trình công nghip hoá khá dài và hin nay đã thành công trong vic trin khai quan h phân công hàng ngang (cùng xut và nhp hàng công nghip) vi Nht và các nước đi trước. 

[15] đây ch tóm lược các đim chính. V chi tiết xem Trn Văn Th (2005), Ch. 6.

[16] Tôi đã có dp phân tích cơ cu ngoi thương ny và gi quan h kinh tế gia Vit Nam và Trung Quc là quan h Bc Nam. Xem Trn Văn Th (2002).

[17] Xem  Trn Văn Th (1997), Ch. 10, Yamazawa (2000) và Yamazawa (2001).

   

©  Thời Đại Mới

 

Trở về trang chủ Thời Đại Mới