thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 9  - Tháng 11/2006

 


 

Sử dụng trí thức Việt kiều để xây dựng
giáo dục đại học chất lượng cao
tại Việt Nam: Một đề án

Hồ Tú Bảo
Giáo sư
tin học
Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật
Bản
(Japan Advanced Institute of Science and Technology
)
Nhật Bản

Trần Nam Bình
Giáo sư kinh tế
Atax, Đại học New South Wales
Úc

Trần Hữu Dũng*
Giáo sư
kinh tế
Đại học Wright State
Dayton, Ohio
Mỹ

Trần Văn Thọ
Giáo sư kinh tế
Đại học Waseda
Tokyo
, Nhật Bản

Hà Dương Tường
Giáo sư toán
Đại học Công nghệ Compiègne
Pháp

Vũ Quang Việt*
Chuyên viên cao cấp
Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia (Chief of National Accounts Section)
Cục Thống kê L
n Hợp Quốc (United Nations Statistics Division).  

 

*Người liên lạc (thd@viet-studies.info)


Lời nói đầu

Sau cuộc Hội thảo Hè (**) ở Đà Nẵng vào tháng 7 năm 2005 trong đó vấn đề giáo dục là một đề tài thảo luận chính, một số thành viên tham dự Hội thảo đã tập hợp nhau lại để cụ thể hoá các ý tưởng thảo luận trong Hội thảo qua việc xây dựng một đề án về trường đại học chất lượng cao ở Việt Nam. Đề án này hoàn thành và gửi về Thủ tướng Chính phủ ngày 20.9.2005, tuy nhiên chưa hề được công bố trên bất kỳ một phương tiện truyền thông hay sách vở nào. Ngày 5.10.2005, báo điện tử VietnamNet đăng một bài viết nhan đề Xây dựng một trường đại học hàng đầu ở Việt Nam, Đề cương thảo luận của ông Thomas Vallely, giám đốc Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Ngày 23.11, tờ báo cũng đăng một bài phỏng vấn anh Trần Văn Thọ, một trong 6 tác giả đề án, trực tiếp đề cập tới một số nội dung của đề án, nhưng cũng chỉ giới hạn trong vài câu.

Từ đó đến nay, ở trong nước đã có nhiều cuộc thảo luận về việc xây dựng một đại học chất lượng cao, và kết quả ban đầu là quyết định của thủ tướng Phan Văn Khải thành lập một Tổ công tác nghiên cứu xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế (ĐHĐCQT), sau đó là quyết định của thủ tướng giao cho Tổ công tác trình dự án khả thi vào quí 1 năm 2007 – Mới đây, tân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định giao Tổ này cho đích thân bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phụ trách. Tuy nhiên, quyết định của thủ tướng Phan Văn Khải ngày 26 tháng  6 năm 2006 về chủ trương và định hướng vẫn còn có nhiều điểm chờ được xác định rõ ràng hơn, chẳng hạn như xây mới ĐHĐCQT hay xây dựng đại học này trên cơ sở một đại học sẵn có... Song, theo chúng tôi được biết, khâu xích cốt yếu nhất – triết lý giáo dục – vẫn chưa được đề cập tới, vì những lý do chính trị mà ông Trần Đức Nguyên, một thành viên của Ban nghiên cứu chính phủ (đã giải thể ngày 28.7.2006 theo quyết định của tân thủ tướng) đã nói thẳng trên mặt báo là “tế nhị”. Ít ra, cho tới thời điểm này (tháng 8.2006), theo những tin tức có được, đề án đang được bàn cãi của chính phủ vẫn chỉ hướng về xây dựng một đại học có tính chất thuần túy kỹ thuật (khoa học tự nhiên và công nghệ), và không bao hàm những bộ môn khoa học xã hội và nhân văn – để có thể đáp ứng một yêu cầu được nhiều người nêu lên khẩn thiết từ nhiều năm nay: trao cho các nhà khoa học nhiều “tự do” hơn về nghiên cứu, về chương trình giảng dạy v.v., mà không sợ “chệch hướng”. Nếu thế, các khái niệm về quyền tự do nghiên cứu, độc lập tư duy – những cơ sở không thể thiếu để phát triển một nền đại học đích thực – sẽ chỉ còn phần xác mà không có phần hồn, kể cả đối với những nhà khoa học “chính xác” hay công nghệ. Ví dụ kinh điển Lyssenko nhắc ta tác hại đối với ngành sinh học Liên Xô những năm 1930-1950... không phải của chủ nghĩa duy vật biện chứng mà là của sự ngự trị tuyệt đối và đầy quyền thế của chủ nghĩa đó (xem D. Lecourt, “Lyssenko, Histoire réelle d’une “science prolétarienne”, Paris 1976). “Thiết thực” hơn, những đề án phát triển công nghệ lớn (như các đề án năng lượng quốc gia) có thể nào hoàn chỉnh, hữu hiệu, nếu không có sự hợp tác giữa những nhà khoa học tự nhiên, những kỹ sư, với các nhà nghiên cứu kinh tế, xã hội học? Có cần nhấn mạnh thêm rằng những người tham gia đề án phải có khả năng và quyền tự do thảo luận, cân nhắc cả những phản biện đi ngược lại với các “định hướng” có trước về đề án, rồi nếu cần, đề nghị sửa đổi các “định hướng” ấy? Ngày nay, ngay cả những trường đại học kỹ thuật (đào tạo kỹ sư) ở các nước phương Tây, sinh viên vẫn phải dành một phần thời giờ để học những môn khoa học xã hội và nhân văn (như xã hội học, tâm lý, triết học, chưa kể kinh tế!), chính vì đã có sự đồng thuận về sự cần thiết của những kiến thức liên ngành kể cả đối với một người làm kỹ thuật. Lập luận trên cắt nghĩa tại sao đề án xây dựng một trường đại học “chất lượng cao” mà chúng tôi giới thiệu dưới đây trước tiên sẽ khẳng định sự cần thiết của một không gian tư duy hoàn toàn tự do, và không chỉ thu hẹp trong khuôn khổ một đại học thuần tuý “khoa học – công nghệ”.

Với cụm từ “chất lượng cao”, chúng tôi muốn nhấn mạnh hơn về những tiêu chuẩn cần đạt được của một đại học đích thực, thay cho cụm từ “đẳng cấp quốc tế”, bao hàm sự so sánh, sự vượt trội của đại học đó (ít ra là trong một số lĩnh vực) so với thế giới. Tất nhiên, được thiên hạ công nhận “đẳng cấp quốc tế” là một hoài bão mà chúng ta ai cũng mong có ngày thành hiện thực. Nhưng nếu một số ít những cá nhân xuất chúng vẫn có thể vươn cao từ những điều kiện không thuận lợi và mang lại ít nhiều tiếng tăm cho cộng đồng, vấn đề là làm sao để cả một nền khoa học có thể khẳng định “đẳng cấp quốc tế” của mình nếu không dựa trên những đại học đáp ứng các tiêu chuẩn đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới?  Trong tinh thần này, đề án cũng đi sâu ở một mức nhất định vào chương trình học, vấn đề quản trị đại học, tuyển sinh và tuyển giáo chức.  Đề án cũng tính toán chi phí tối thiểu, đặt cơ sở trên tính khả thi và điều kiện kinh tế hiện nay của đất nước.

Trong ý nghĩa đó, thiết nghĩ đề án này cũng hội tụ với ý tưởng xây dựng một đại học “hoa tiêu” mà nhóm nghiên cứu của giáo sư Hoàng Tuỵ đã đưa ra. Có khác chăng, từ vị trí của mình, chúng tôi muốn nhấn mạnh hơn một chút về việc “sử dụng trí thức Việt kiều” để xây dựng đại học đó, như tên gọi của đề án đã nói lên.

Giáo sư Đặng Đình Áng đã có nhiều đóng góp to lớn cho toán học và giáo dục tại Việt Nam.  Chúng tôi cũng đã gửi bản đề án này vào Kỷ Yếu mừng Giáo sư Đặng Đình Áng 80 tuổi (sẽ được xuất bản khoảng cuối năm 2006) để biểu lộ tình cảm quý mến, trân trọng của chúng tôi đối với Giáo sư.  Qua việc công bố này, chúng tôi cũng rất mong được các bậc thức giả chỉ ra những nhược điểm, bất cập của nó, và hi vọng rằng, cùng với những ý kiến quý báu ấy, đề án sẽ đóng góp được phần nào vào cuộc thảo luận cần thiết cho công cuộc cải tổ nền giáo dục đại học Việt Nam, như các mong muốn từ lâu của Giáo sư Đặng Đình Áng nói riêng và của những người ưu tư về tiền đồ dân tộc nói chung.

Chúng tôi xin cám ơn ban chủ biên Kỷ Yếu đã cho phép đăng lại toàn văn đề án này trên Thời Đại Mới.

Các tác giả 

 (**) Xem http://hoithao.viet-studies.org/Hoithao2005.htm

 


Đề án

 

Có thể nói cải tổ hệ thống giáo dục ở Việt Nam đòi hỏi một cách nhìn và giải pháp có tính toàn bộ và lâu dài, dựa trên một triết lý giáo dục được xã hội chấp nhận. Cần khẳng định rằng nền tảng của toàn bộ hệ thống giáo dục chính là giáo dục cấp cơ sở như tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên sự chuyển biến của hai cấp này lại phụ thuộc một phần quan trọng vào đội ngũ giáo viên được đào tạo ở đại học. Tiếc là, do nhiều nguyên nhân trong đó có việc mở rộng hệ thống giáo dục một cách ồ ạt trong thời gian gần đây ở nước ta, chất lượng ở các đại học hiện có, đặc biệt chất lượng đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ, đã trở thành vấn đề bức xúc cho toàn xã hội. Cải tổ đại học, vì thế, vừa là yêu cầu của bản thân nó (đại học không chỉ có nhiệm vụ đào tạo giáo viên) vừa là bước đi thiết yếu cho công cuộc cải tổ nền giáo dục nói chung. Nhưng việc cải tổ toàn bộ hệ thống giáo dục là việc lâu dài. Trong một phạm vi hẹp và cụ thể hơn, bài viết này đề xuất một đề án nhằm thiết lập ngay vài đại học chất lượng cao (ĐHCLC) ở Việt Nam; chúng có vai trò xây dựng nền tảng tri thức lâu dài cho xã hội, như cái đỉnh của hệ thống giáo dục. Đề án này cũng nhấn mạnh đến vai trò trí thức Việt kiều như một giải pháp trong các ĐHCLC này nói riêng, và trong công cuộc cải tổ giáo dục đại học và phát triển đất nước nói chung.

Lịch sử thế giới cho thấy thông qua các đóng góp khoa học của giáo sư và các sinh viên ra trường, giáo dục đại học và uy tín của nó có vị trí đặc biệt trong sự phát triển tự do tư duy độc lập, là niềm tự hào về trí tuệ con người, và trở thành trung tâm bồi đắp nền văn minh của các dân tộc. Khắp thế giới, những đại học đầu tiên và đại học hàng đầu bao giờ cũng là nơi quy tụ lao động trí óc, tư duy sáng tạo, không bị khiên cưỡng bởi một thể chế chính trị hoặc một mô hình suy nghĩ nào. Có thể nói thế giới trong khuôn viên đại học là thế giới của tư duy độc lập. Sự hiện hữu của các đại học chất lượng cao do đó có thể xem là một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ phát triển của mỗi quốc gia.

Cho nên dù hoài bão của mọi người là đại chúng hoá giáo dục đại học, chúng ta phải luôn nhớ rằng vai trò tiên phong của đại học là trung tâm của tư duy độc lập, là vườn ươm những ý tưởng sáng tạo, bồi đắp cho tri thức nhân loại. Bất cứ nước nào cũng cần những trung tâm như thế để làm tấm gương phản chiếu cho toàn xã hội. Hầu như ai cũng cảm nhận được vai trò quan trọng của đại học Việt Nam từ năm 1954 đến nay. Nơi đây đã quy tụ được những bậc thầy khả kính trong đóng góp khoa học cũng như tác phong sư phạm, thí dụ như Giáo sư Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng, ... và nhiều sinh viên xuất thân từ đó cũng trở thành những bậc thầy đáng kính như Giáo sư Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Hoàng Tụy, … ở miền Bắc, hay Ngô Gia Hy, Đặng Đình Áng, … ở miền Nam trước 1975. Những vị này được sinh viên và xã hội kính trọng không nhất thiết vì bằng cấp (nhiều người chỉ có bằng tương đương với cử nhân hiện nay) nhưng vì những công trình nghiên cứu và tác phong lao động trí tuệ của họ.

Hiển nhiên, mở rộng giáo dục đại học là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và hoài bão thăng tiến của người dân. Tuy nhiên, đại học sẽ không là đúng nghĩa của nó nếu đó chỉ là nơi huấn nghệ cao cấp, nhẹ tính hàn lâm. Bất cứ nước nào cũng cần các đại học có chất lượng cao (ở tính hàn lâm lẫn khả năng huấn nghệ) để đào tạo những lớp người chủ chốt cho sự phát triển kinh tế, khoa học, xã hội và văn hoá của nước ấy. Ta chưa có những đại học như vậy.

Một điều đáng ghi nhận nữa là hầu hết các đại học hàng đầu trên thế giới (cụ thể là khối sử dụng tiếng Anh) hiện nay đã trở về với việc đòi hỏi sinh viên dù theo ngành chuyên môn nào cũng phải qua một chương trình giáo dục cơ bản (khoảng hai năm). Chương trình này bao trùm mọi khía cạnh của nhân văn, xã hội và khoa học, từ toán, vật lý, hoá học cho đến mỹ thuật, âm nhạc, triết học, lịch sử, kinh tế, xã hội học. Nói cách khác, khả năng tư duy và phân tích sự vật từ nhiều góc cạnh khác nhau được chú trọng ngay từ những năm đầu đại học. Chương trình này được gọi là “liberal arts”, và bắt nguồn từ quan điểm về “liberal education”, tức là giáo dục khai phóng vì mục đích hiểu biết, nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức tổng quát và khả năng tư duy độc lập, chứ không chỉ nhằm mục đích huấn nghệ. Đây là một mô hình mà giáo dục đại học cấp cử nhân tại Việt Nam nên theo.

Ở một nước đang phát triển (và mong muốn bắt kịp các nước tiên tiến) như nước ta, đòi hỏi đại học phải đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế là rất cấp bách, không những từ phía người dân mà cả từ phía hệ thống chính trị. Phải khẳng định: đi học là để có việc làm xứng đáng. Đào tạo để sinh viên ra trường dễ dàng tìm được vị trí đúng khả năng của họ là quan trọng, nhưng bảo đảm tính hàn lâm của đại học cũng quan trọng không kém. Để thực hiện việc này, chúng ta cần thiết lập trong thời gian sớm nhất hai đại học công lập, chất lượng cao, ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau này, tùy khả năng và rút kinh nghiệm từ hai đại học này, ta có thể thiết lập nhiều đại học chất lượng cao ở những nơi khác, và đồng thời nâng cấp những đại học đã có hiện nay.

Mục tiêu: ĐHCLC tại Việt Nam nhằm đạt đến chất lượng đào tạo ngang hàng các đại học hàng đầu trong khu vực hoặc các đại học chất lượng cao ở các nước phát triển cho một số ngành khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên, cần cho sự phát triển của Việt Nam.

Tiêu chuẩn: Nhằm đạt mục tiêu trên, ĐHCLC cần có các tiêu chuẩn sau:

  • Là nơi tự do phát huy trí tuệ, tư duy độc lập và sáng tạo.

  • Có nội dung và phương pháp đào tạo với chất lượng của các đại học có uy tín trên thế giới.

  • Có đội ngũ giáo sư giỏi, trình độ cao, tha thiết với giảng dạy và nghiên cứu, và có đủ điều kiện để đảm bảo duy trì chất lượng đào tạo, đặc biệt là lương bổng đúng mức để không phải lo kiếm sống thêm.

  • Có sinh viên giỏi với động lực học tập cao.

  • Có các điều kiện vật chất (tuy tối thiểu) của một đại học quốc tế cho việc dạy, học và nghiên cứu.

  • Đào tạo gắn liền với nghiên cứu, và từng bước đạt được trình độ nghiên cứu quốc tế ở một số ngành. Cụ thể, mỗi khoa sẽ có một hay nhiều phòng thí nghiệm, và các phòng thí nghiệm của cả trường hoạt động liên kết với nhau.

  • Quản lý tốt, hữu hiệu và không lãng phí nguồn lực.

Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, một ĐHCLC với 2.000 sinh viên và 150 giáo sư như thế sẽ đòi hỏi đầu tư ban đầu tối thiểu là 11 triệu USD (176 tỷ đồng) và chi phí hàng năm khoảng 5 triệu USD (80 tỷ đồng), nếu như tính lương giáo sư ở mức thấp nhất là 500 USD/tháng (8 triệu đồng) và tỷ lệ giáo sư/sinh viên là 1/15. Trong tương lai không nên xa lắm, phải tiến tới tỷ lệ 1/10, tương đương với các đại học hàng đầu ở Mỹ.  Như vậy, hai trường như thế cần nhà nước đầu tư khoảng 22 triệu USD (352 tỷ đồng) và chi phí hàng năm khoảng 10 triệu (160 tỷ đồng) (xem Phụ lục 1).

Nhu cầu tài chính để thiết lập hai trường ĐHCLC này rõ ràng là không quá lớn (dù trong tình trạng nguồn lực quốc gia còn eo hẹp như hiện nay), nhất là khi hàng năm nhà nước đang chi ra một số ngoại tệ khá lớn để gửi sinh viên đi du học hoặc đáp ứng số nhu cầu chi phí cho các lưu học sinh tự túc kinh phí nhưng số trở về không đáng kể. Đất đai, trường sở, thiết bị bước đầu cần được nhà nước đầu tư. Diện tích khuôn viên phải đủ rộng (ước lượng vào khoảng 60 hecta mỗi trường) cho sự tăng trưởng lâu dài của trường. Phòng ốc, phương tiện giảng dạy phải được thiết kế, trang bị thích hợp cho từng ngành. Quá trình xây dựng, mua sắm thiết bị, xây dựng thư viện, v.v.. cần rất nhiều công sức và phải được giám sát chặt chẽ ngay từ đầu để tránh lãng phí.

Khó khăn lớn nhất để thiết lập ĐHCLC ở Việt Nam hiện nay là tuyển dụng (cho cả hai trường) được số 300 giáo sư theo đúng chuẩn mực giáo sư của các trường đại học có uy tín trên thế giới, tức là phải có bằng tiến sĩ, có công trình đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (các tạp chí mà bài nộp đăng phải thông qua một quy trình thẩm định khách quan, độc lập của các chuyên gia cùng ngành). Ít nhất một phần tư số giáo sư được bổ nhiệm chính thức phải hội đủ các điều kiện cao nhất, số còn lại là các giảng viên trẻ, có bằng tiến sĩ (trên một nửa) hoặc chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ trong năm được bổ nhiệm (phần còn lại), đã chứng tỏ khả năng nghiên cứu (xem Phụ lục 4).

Để thực hiện dự án này, hai trường ĐHCLC lúc đầu sẽ đào tạo cấp sau cử nhân và sau đó mở rộng ra cấp cử nhân. Trường có nhiệm vụ kết hợp nghiên cứu và giảng dạy, cấp bằng thạc sĩ (Masters) và tiến sĩ (Ph.D.) về những ngành nhân văn (văn học, lịch sử, triết học, chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý, v.v) và khoa học cơ bản (toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, v.v.). Ít nhất là trong giai đoạn đầu, hai trường này sẽ không có những ngành đào tạo kỹ sư (do kinh phí sẽ cao hơn rất nhiều). Hệ thống các trường Bách Khoa (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), với chương trình đào tạo “kỹ sư chất lượng cao”, được Pháp hỗ trợ, đang làm tốt một phần nhiệm vụ này.

Trong giai đoạn đầu, trường có thể tập trung vào năm khoa: văn-triết, sử-địa-chính trị, kinh tế-xã hội, toán-lý-tin học, hóa-sinh. Tuy nhiên, như ở các đại học lớn của thế giới, sinh viên mỗi khoa không bị buộc phải giới hạn theo học các môn trong khoa mình. Ngược lại, họ được khuyến khích mở rộng kiến thức bằng việc phải theo học một tỉ lệ nhất định (khoảng 15-25%) một số môn của các khoa khác.

Cụ thể, hai trường ĐHCLC này có nhiệm vụ:

  • Đào tạo các trí thức hàng đầu cho đất nước, những người có thể trở thành chuyên gia cho bộ máy hành chính, kinh tế hoặc các giáo sư giỏi trong tương lai;

  • Trở thành trung tâm nghiên cứu về khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên có uy tín trong khu vực, luôn luôn là nơi cổ vũ và đón nhận thường xuyên các tranh luận khoa học được phản ánh qua các cuộc trao đổi trên các tạp chí khoa học do trường xuất bản;

  • Thiết lập chương trình, soạn thảo, dịch thuật và xuất bản sách nghiên cứu và sách giáo khoa;

  • Thiết lập nhà xuất bản riêng về sách khoa học đại học;

  • Qua hoạt động và tổ chức, đóng vai trò cầu nối giữa giáo dục đại học trong nước và trí thức gốc Việt ở nước ngoài.

Trong đề án này, ĐHCLC sẽ có tư cách pháp nhân của một trường công, có thể thu học phí nhưng hoàn toàn phi lợi nhuận. Để gây quỹ nghiên cứu và hỗ trợ các hoạt động khác, trường sẽ tích cực vận động đóng góp của các cá nhân, các tổ chức hảo tâm trong và ngoài nước. Trường cũng được quyền ký kết hợp đồng nghiên cứu với các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, và tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, các đóng góp và hợp đồng với những đối tác bên ngoài không được phép đi ngược tinh thần tự quản, độc lập, và vô vị lợi của trường.

Chúng tôi đã nghĩ đến giải pháp biến vài trường đại học hiện nay thành ĐHCLC như phác họa trên đây, hoặc kết hợp một số viện nghiên cứu với đại học để xây dựng những khoa có uy tín.  Song các giải pháp này không khả thi vì nhiều lẽ:

  • Thứ nhất, không dễ nhanh chóng thay đổi quy chế hiện có ở những trường và viện đang đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo (GD&ĐT);

  • Thứ hai, khó được sự đồng tình của những người mà chức vụ hiện tại của họ sẽ phải xoá đi khi tái tổ chức;

  • Thứ ba, không thể giải quyết thoả đáng những giáo chức hoặc quan chức không đủ tiêu chuẩn trong hệ thống được kết hợp này;

  • Thứ tư, quy chế hiện hành không cho phép trả lương khác nhau cho giáo chức trong cùng một đại học;

  • Thứ năm, việc bổ nhiệm giáo sư hiện nay không do đại học mà do Bộ GD&ĐT, với quy chế tuyển dụng mà một người mới lấy tiến sĩ ở nước ngoài, hay một Việt kiều dù có công trình đáng kể, khó vào được với chức danh phù hợp.

Chính vì những lý do nói trên mà chúng tôi đề nghị là hai trường này được có quy chế đặc biệt: đó là tính tự quản cao. Ngân sách được cấp thẳng và Viện trưởng được Thủ tướng bổ nhiệm (hoặc bãi nhiệm) dựa trên đề nghị của Hội đồng Quản trị (Board of Trustees) của trường (xem Phụ lục 3).

Hội đồng Quản trị trường gồm những người có uy tín về giáo dục, chính trị, doanh thương trong xã hội (kể cả người nước ngoài) được Thủ tướng bổ nhiệm với nhiệm kỳ (chẳng hạn như 5 năm).

Viện trưởng phải là người có uy tín khoa học trong và ngoài nước, biết quản lý, có khả năng tiếp xúc với cộng đồng giáo dục quốc tế và đặc biệt là có khả năng gây quỹ cho trường. Viện trưởng được một Hội đồng Khoa học tham mưu và cố vấn trong các định hướng nghiên cứu và phát triển nghiên cứu. Hội đồng Khoa học bao gồm một số giáo sư trong và ngoài trường, những nhà khoa học ngoài trường (từ 30 đến 40% Hội đồng) do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bổ nhiệm, họp mỗi năm ít nhất hai lần.

Mỗi khoa có Hội đồng Khoa phụ trách điều hành công việc nghiên cứu và giảng huấn trong khoa. Thành viên của Hội đồng này được giáo chức trong khoa bầu ra trong số những giáo sư cơ hữu của trường.

Viện trưởng và Hội đồng Quản trị được giao quyền tự quản trường. Viện trưởng, từ đề nghị của Hội đồng Khoa học, quyết định bổ nhiệm giáo sư, đặt định quy trình tuyển chọn sinh viên theo các tiêu chuẩn do Hội đồng Quản trị đề ra và phù hợp với chính sách chung của nhà nước. Chương trình giảng dạy do các giáo sư đề xuất 6 tháng trước mỗi đầu niên khóa, được Hội đồng Khoa thông qua và Viện trưởng chuẩn y. 

Đội ngũ giáo sư có thể tuyển chọn từ các giáo sư hàng đầu ở các trường đại học và các viện nghiên cứu trong nước hiện nay, từ trí thức người Việt hiện đang giảng dạy hoặc làm nghiên cứu ở nước ngoài và các trí thức Việt kiều về hưu có tên tuổi (xem Phụ lục 4). Trường cũng sẽ có chương trình tích cực gửi những sinh viên vừa tốt nghiệp xuất sắc trong nước ra nước ngoài để lấy tiến sĩ, hoặc nghiên cứu hậu tiến sĩ, để bồi dưỡng cho ban giảng huấn tương lai của trường. Việc quy định thang chức giáo sư được tuyển là hoàn toàn do trường quyết định trong một phiên họp của Hội đồng Quản trị mở rộng tới các Khoa trưởng.

Thời điểm này là lúc mà nhiều người Việt ở nước ngoài đến tuổi về hưu và có lẽ họ cũng là lớp người cuối cùng giỏi tiếng Việt, gắn bó với đất nước và có thể sẵn sàng hồi hương. Chúng ta phải khai thác ngay “cửa sổ cơ hội” này trước khi nó khép lại. Hai trường ĐHCLC với quy chế tự quản như đề nghị ở đây sẽ là nơi tiếp thu những trí thức Việt kiều về hưu mà vẫn còn nhiều ý chí và khả năng đóng góp. Trường cũng là nơi phát triển liên hệ gần gũi, cụ thể với các trí thức người Việt ở nước ngoài trong việc thỉnh giảng, đỡ đầu các luận án làm nghiên cứu chung.

Vì hai ĐHCLC đề nghị ở đây phải trở thành trung tâm giảng huấn và nghiên cứu tầm cỡ, giáo sư ở trường sẽ không dạy hơn 9 giờ mỗi tuần và được cung cấp những phương tiện nghiên cứu tốt nhất (chẳng hạn như phòng làm việc riêng cho từng người, Internet băng rộng, đội ngũ nhân viên hành chính đầy đủ khả năng). Việc bổ nhiệm và thăng tiến của giáo sư vào các ngạch cao hơn và vào biên chế hoàn toàn tùy thuộc vào các công trình nghiên cứu, các hoạt động chuyên ngành, và khả năng sư phạm của đương sự. Để đảm bảo chất lượng sư phạm, các giáo sư cần có mặt ít nhất là 20-25 giờ/tuần tại nhà trường và không nhận chức vụ nơi khác (nếu chưa được Viện trưởng cho phép).

Hai ĐHCL này có thể mở rộng thêm trong tương lai nhưng không nên có hơn 10.000 sinh viên (theo kinh nghiệm các nước tiên tiến). Dù dưới hình thức nào trong tương lai, trường đại học được đề nghị ở đây phải trở thành trung tâm giáo dục và nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam và có uy tín trên thế giới. Mong rằng đề nghị này được chính phủ xem xét và sớm thực thi. Vì là ý kiến ban đầu, chúng tôi không đi vào những ý kiến quá chi tiết về tổ chức mà chỉ xin phác thảo một số nét đại cương trong các Phụ lục để dễ thảo luận và điều chỉnh.        


 

Phụ lục 1
Tài chính và tư cách pháp nhân

 

Giải trình thêm về tư cách pháp nhân của ĐHCLC

Các doanh nghiệp tự chủ kinh doanh ở nhiều nước được phân loại như sau: doanh nghiệp công và doanh nghiệp tư tùy theo sở hữu là công hay tư. Cả hai loại doanh nghiệp lại chia làm hai loại: loại vị lợi và vô vị lợi. Sự khác biệt giữa vị lợi và vô vị lợi là vấn đề phân chia cổ tức. Doanh nghiệp vị lợi chia cổ tức cho người sở hữu cổ tức (người sở hữu cổ tức có thể là chính phủ hay tư nhân). Loại vô vị lợi có thể có lợi nhuận nhưng không bị đánh thuế; chúng không có cổ tức và do đó lợi nhuận không được phân chia mà phải dùng để đầu tư phát triển. Trong các loại doanh nghiệp này, ban giám đốc doanh nghiệp được tự chủ về tuyển dụng nhân viên, về tài chính mặc dù giá cả sản phẩm làm ra có thể bị kiểm soát nếu là doanh nghiệp độc quyền hoặc doanh nghiệp vô vị lợi. Ngoài các hình thức doanh nghiệp trên là các “đơn vị sự nghiệp” thuộc nhà nước; chúng không có quyền tự chủ về tài chính, hoạt động sản xuất chỉ nhằm phục vụ lợi ích công cộng đặc biệt như chuyên chở công cộng trong thành phố và giáo dục công như trong các trường công hiện nay ở Việt Nam; công nhân viên của doanh nghiệp này là công chức nhà nước.   

ĐHCLC sẽ có tư cách pháp nhân là doanh nghiệp công vô vị lợi (thay vì là một “đơn vị sự nghiệp”). Loại doanh nghiệp này phù hợp với Nghị quyết của chính phủ số 05/2005/NQ-CP:

Chuyển các cơ sở công lập đang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp mang nặng tính hành chính bao cấp sang cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công ích không bao cấp tràn lan và không nhằm lợi nhuận (gọi tắt là cơ chế cung ứng dịch vụ): có đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức và quản lý; thực hiện đúng mục tiêu và nhiệm vụ; hạch toán đầy đủ chi phí, cân đối thu chi...; thường xuyên nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ, sản phẩm; bảo đảm quyền lợi và cơ hội tiếp cận bình đẳng của người thụ hưởng.

Đổi mới chế độ thu phí đi đôi với việc thực hiện tốt chính sách ư­u đãi các đối tượng chính sách và trợ giúp người nghèo. Mức phí quy định theo nguyên tắc đủ trang trải các chi phí cần thiết, có tích luỹ để đầu tư­ phát triển và xoá bỏ mọi khoản thu khác. Người thụ hưởng có quyền lựa chọn cơ sở cung ứng dịch vụ phù hợp với từng lĩnh vực.

ĐHCLC là loại doanh nghiệp công vô vị lợi, khác hẳn doanh nghiệp công vị lợi có tên gọi hiện nay là “doanh nghiệp quốc doanh”.  ĐHCLC do đó sẽ được nhà nước bỏ vốn, có thể tài trợ một phần chi phí thường xuyên, nhưng sẽ phải cố gắng bươn chải tự túc về chí phí thường xuyên và đi tới ngày tự chủ hoàn toàn về tài chính. 

Ước lượng sơ lược vốn ban đầu và chi phí thường xuyên tối thiểu cho một trường được tính dựa vào các giả thiết như sau:

  1. Số sinh viên: 2.000. Số giáo sư 150. Số nhân viên hành chính và công nhân: 200.

  2. Đất với diện tích 60 hecta để có một  khuôn viên đại học có khả năng mở rộng cho một trường với 10.000 sinh viên. Đất do nhà nước cấp.

  3. Chi phí xây dựng dựa trên tỷ lệ chi phí xây dựng/sinh viên của trường RMIT ở Việt Nam

  4. Giáo sư: lương tối thiểu 500 USD/tháng. Nhân viên hành chính và công nhân: lương tối thiểu 100 USD/tháng.

  5. Thư viện: tối thiểu 50.000 quyển sách.

  6. Máy tính: mỗi giáo sư một máy tính PC, hai sinh viên một máy tính, có nối mạng vào workstation và internet.

  7. Máy tính khấu hao trong vòng 3 năm.

  8. Phòng thí nghiệm khấu hao trong 5 năm

  9. Xây dựng khấu hao trong 25 năm.

  10. Chi phí sinh hoạt gồm các hoạt động tổ chức hội thảo, tham dự hội nghị và các hoạt động tương tự.

 

Vốn ban đầu

Triệu USD

Đất

Nhà nước cấp

Xây dựng

5,0

Thư viện

2,5

Máy tính

1,5

Dụng cụ phòng thí nghiệm

2,0

 

 

Tổng vốn

11,0

 

 

Chi phí thường xuyên hàng năm

 

Lương giáo sư

1,5

Lương nhân viên

0,5

Thư viện

0,5

Khấu hao

1,1

Xây dựng

0,2

Máy tính

0,5

Phòng thí nghiệm

0,4

Chi phí tổ chức, sinh hoạt

0,5

Chi phí khác (điện nước, sửa chữa)

0,5

Chi phí khó dự trù

0,5

Tổng chi hàng năm

5,1

 

Trên đây là ước lượng tối thiểu. Tổng chi hàng năm có thể tính tăng khoảng 5% một năm với dự trù lạm phát.   

 


Phụ lục 2
Chương trình tuyển sinh trong 10 năm đầu

 

Năm →

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

Giả thiết tỷ lệ bỏ học

Tuyển sinh thạc sĩ

200

180

 

200

180

 

200

180

 

200

 

 

 

200

180

 

200

180

 

200

180

 

 

 

 

 

200

180

 

200

180

 

200

180

 

Sinh viên thạc sĩ

200

380

380

380

380

380

380

380

380

380

 

Tuyển sinh tiến sĩ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lấy từ trong trường

0

0

0

0

0

30

27

24

21

18

Mỗi năm 10%

Lấy từ ngoài

30

27

24

21

18

30

27

24

21

18

 

 

0

0

0

0

0

30

27

24

21

 

 

30

27

24

21

18

30

27

24

21

 

 

 

30

27

24

21

18

30

27

24

 

 

 

30

27

24

21

18

30

27

24

 

 

 

 

30

27

24

21

 

30

27

 

 

 

 

30

27

24

21

 

30

27

 

 

 

 

 

 

30

27

24

21

18

30

 

 

 

 

 

 

30

27

24

21

18

30

 

Sinh viên tiến sĩ

30

57

111

159

201

222

240

204

240

240

 

Tổng số sinh viên sau cử nhân

230

437

491

539

581

602

620

584

620

620

 

Tuyến sinh cử nhân

 

 

350

315

315

315

350

315

315

315

10% sau năm thứ nhất

 

 

 

 

350

315

315

315

350

315

315

 

 

 

 

 

350

315

315

315

350

315

 

 

 

 

 

 

350

315

315

315

350

 

Tổng số sinh viên cử nhân

0

0

350

665

980

1.295

1.295

1.295

1.295

1.295

 

Tổng số sinh viên

230

437

841

1.204

1.561

1.897

1.915

1.879

1.915

1.915

 

Số giáo sư cần

15

29

56

80

104

126

128

125

128

128

 

Chi phí thường xuyên hàng năm (triệu USD)

0,59

1,11

2,14

3,07

3,98

4,84

4,88

4,79

4,88

4,88

 

Vốn đầu tư (triệu USD)

10

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Phụ lục 3
Sơ đồ về tổ chức Đại học

 

  • Hội đồng quản trị: Đề nghị Thủ tướng bổ nhiệm Viện trưởng. Quyết định đường hướng phát triển của trường và chính sách lương bổng. Theo dõi, xem xét các báo cáo về hoạt động của trường. Tham mưu gây quĩ cho trường.
  • Viện trưởng:  Trách nhiệm toàn bộ mọi hoạt động của trường. Bổ nhiệm Viện phó, và các Khoa trưởng (phải là GS) dựa trên đề nghị của Hội đồng Khoa. Bổ nhiệm các chức vụ giáo sư dựa trên danh sách đề nghị của Hội đồng Khoa học. 
  • Hội đồng Khoa học: Tham mưu và cố vấn trong các định hướng giảng dạy, nghiên cứu và phát triển nghiên cứu. Xét duyệt các ứng viên vào các chức vụ giáo sư và đề nghị danh sách lên Viện trưởng quyết định.
  • Hội đồng khoa: Tư vấn Khoa trưởng về định hướng giảng dạy và nghiên cứu của khoa.  Đề nghị lên Viện trưởng ứng viên Khoa trưởng.

 


Phụ lục 4
Tuyển giáo sư

 

Giáo sư là yếu tố cơ bản tạo nên chất lượng đại học do đó chương trình tuyển chọn giáo sư là điều cần được thiết kế và thực hiện bài bản với chất lượng là điều kiện hàng đầu. Dưới đây là một số ý kiến về việc tuyển chọn giáo sư.

■ Thành phần giáo sư và giảng dạy

Ban giảng huấn của trường sẽ gồm một bộ phận cơ hữu và một bộ phận khác gồm những giáo sư thỉnh giảng và các giảng viên trẻ, chưa khẳng định được chỗ đứng lâu dài trong trường.

1.   Bộ phận cơ hữu trong ban giảng huấn gồm những người có trình độ tiến sĩ hay tương đương trở lên, được Viện trưởng bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng khoa học. Hội đồng này có nhiệm vụ xét duyệt lý lịch khoa học và thực hiện các cuộc phỏng vấn các ứng viên. Chức vụ của họ gọi chung là giáo sư, tuy sẽ gồm ba ngạch “Giáo sư thực thụ” (full professor), gọi tắt là “Giáo sư” (GS), “Phó giáo sư” (PGS) (associate professor) và “Giảng sư” (assistant professor).

(a) GS và PGS đều phải có ít nhất 5 công trình khoa học sau luận án tiến sĩ được đăng trong những tạp chí khoa học có uy tín quốc tế, có kinh nghiệm giảng dạy. Cả hai được đề nghị hợp đồng kéo dài 10 năm (có thể gia hạn). Những người được tuyển vào hai chức vụ này chỉ khác nhau trong uy tín khoa học và kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy, nhưng có những trách nhiệm khác nhau rất ít. Cả hai đều có quyền và nhiệm vụ hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, và đều có thể được bầu vào Hội đồng Khoa học và các Hội đồng Khoa trong trường. Tuy nhiên, Khoa trưởng phải là một GS. 

      Một phó giáo sư trong suốt thời hạn 10 năm của hợp đồng, cuối mỗi năm có thể ứng cử vào chức vụ giáo sư nếu tự xét mình đủ khả năng. Quyết định cuối cùng thuộc về Viện trưởng, sau khi đã qua sự xét duyệt của Hội đồng Khoa học. 

(b) Giảng sư là những tiến sĩ vừa tốt nghiệp, có luận án được đánh giá cao, chứng tỏ khả năng nghiên cứu. Hợp đồng đầu tiên của họ có thời hạn 5 năm. Giảng sư có quyền và nhiệm vụ hướng dẫn luận văn tốt nghiệp thạc sĩ môn mình giảng dạy. Họ cũng có quyền tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh cấp tiến sĩ, chung với một giáo sư hay phó giáo sư. Nếu chứng tỏ khả năng xuất sắc, người giảng sư không cần đợi hết thời hạn 5 năm này để ứng cử vào một chức vụ phó giáo sư. Sau thời hạn 5 năm đầu, nếu chưa thể được bổ nhiệm làm phó giáo sư, hợp đồng giảng sư có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn là một nhiệm kỳ 3 năm.

Công việc chính của các giáo sư là giảng dạy và nghiên cứu tại trường. Số giờ lên lớp hàng tuần của các giáo sư do Hội đồng Quản trị quyết định, không dưới 6 giờ và không trên 12 giờ, bao gồm giờ giảng bài và giờ hướng dẫn các seminar nghiên cứu. Ngoài giờ lên lớp, các giáo sư phải có mặt trong phòng làm việc hay phòng thí nghiệm của mình ít nhất 20 giờ một tuần. Các giáo sư có quyền làm thêm nơi khác trong các cương vị cố vấn khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp hay của một cơ quan chính phủ, hoặc thỉnh giảng tại một đại học khác không quá 3 giờ/tuần. Những việc làm thêm này phải được Viện trưởng cho phép.

2.  Ngoài bộ phận cơ hữu nói trên, ban giảng huấn của trường còn gồm các thành phần sau đây:

(a)  Giáo sư thỉnh giảng (visiting professor): là các giáo sư, phó giáo sư, giảng sư ở một trường đại học khác, trong hay ngoài nước, được mời dạy trong một thời gian ngắn, ít nhất là 3 tháng.  

(b) Trợ tá giảng sư (teaching assistant, gọi tắt là “trợ giảng”): là nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ hay trong chương trình hậu tiến sĩ (postdoc) của trường hay của một đại học khác, được giáo sư hướng dẫn giới thiệu và được Hội đồng Khoa trong bộ môn của mình chấp nhận. Các trợ giảng có nhiệm vụ phụ tá một giáo sư trong công tác giảng dạy một giáo trình, từ 4 tới 6 giờ/tuần, song song với công tác nghiên cứu của mình. Họ được nhận hợp đồng đầu tiên là 3 năm, có thể được gia hạn tối đa là hai lần, mỗi lần một năm. 

(c) Ngoài ra, trường có thể nhận các nghiên cứu sinh cuối chương trình tiến sĩ, hoặc nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, được đánh giá cao về khả năng nghiên cứu, làm “phụ tá nghiên cứu” (research assistant) trong các phòng thí nghiệm. Hợp đồng của các phụ tá nghiên cứu tương đương với hợp đồng của các trợ giảng. 

(d) Giáo sư đặc nhiệm: Để tạo uy tín cho trường, để thu hút các giáo sư hàng đầu, và để thu hút đóng góp đặc biệt của các nhà hảo tâm (cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức quốc tế), trường có thể lập ra một hay nhiều chức vụ “giáo sư đặc nhiệm” (tương đương với các “chair professor” ở đại học Âu-Mỹ), với ngân quỹ riêng cho mỗi chức vụ này ít nhất là 200.000 USD. Số tiền này được nhà trường đầu tư và giáo sư được bổ nhiệm có thể dùng tiền từ quỹ để chi phí cho việc nghiên cứu của mình trong đó có việc thuê các phụ tá nghiên cứu.

 

■ Vấn đề tuyển dụng Việt kiều, giáo sư nước ngoài, và lưu học sinh xuất sắc

Trường cần có chương trình tích cực thu hút trí thức Việt kiều hồi hương vào thành phần giảng dạy:

·  Khuyến khích trí thức Việt kiều về hưu trở thành thành phần giáo sư cơ hữu của trường. Việc tuyển chọn dựa trên chính sách chung ở trên.

·  Khuyến khích trí thức Việt kiều về hưu hay chưa về hưu tham gia thành phần giáo sư thỉnh giảng từ 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm.

·  Khuyến khích giáo sư nước ngoài tham gia thành phần giáo sư thỉnh giảng từ 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm.

·  Khuyến khích các lưu học sinh xuất sắc sau khi bảo vệ luận án hoặc làm nghiên cứu hậu tiến sĩ về tham gia thành phần giảng sư.

·  Ký kết với đại học nước ngoài về các chương trình hợp tác, giúp đỡ về giảng dạy và nghiên cứu. Trường nước ngoài gửi giáo sư về hợp tác dưới hình thức giáo sư thỉnh giảng (giảng dạy hoặc nghiên cứu)  trong một thời gian ngắn từ 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm. Có thể vận động trường nước ngoài trả lương cho giáo sư thỉnh giảng này, và trường đại học trong nước chỉ lo ăn ở.

 

■ Làm sao tuyển mộ đủ giáo sư?

 

Một đại học chất lượng phải có đủ tỉ lệ 1/15 (tiến lên 1/10 trong tương lai) giáo sư/sinh viên như đã nói trong phần chính của đề án.

 

Điểm nổi bật của dự án này là trường phải có lực lượng giáo sư cơ hữu hùng hậu, nghĩa là những người :

 

(a)  đủ tiêu chuẩn bằng cấp (đại đa số sẽ là tiến sĩ, tuy có thể có ngoại lệ), tốt nghiệp từ những đại học có chất lượng;

(b)  có hoài bão là dạy học và nghiên cứu;

(c)  xem việc cộng tác với đại học chất lượng cao là công việc chính của họ;

(d)  không đảm nhận một chức vụ, việc làm nào nơi khác (trừ khi đuợc Viện  trưởng cho phép).

 

Tìm những người này ở đâu? Chúng tôi xin đưa vài ý:

 

Trước hết là từ các giáo sư hiện hữu trong những trường hàng đầu trong nước.  Đây là một vấn đề tế nhị, song cũng là một trong những quy luật của “cạnh tranh thị trường”. Mặt khác, có thể vì vậy mà các trường hiện hữu phải trở thành tốt hơn để giữ họ lại. Dưới góc nhìn này, có thể coi ĐHCLC như sẽ tạo một “ngoại ứng” tốt cho nền giáo dục đại học cả nuớc.

 

Song, phải nhìn nhận, phần lớn giáo sư sẽ là người Việt Nam từ nước ngoài về. Có hai vấn đề: (a) Tìm ra họ, (b) Lôi kéo được họ.

 

(a) Làm sao tìm họ? Việc đầu tiên phải làm là lập một danh sách tương đối đầy đủ những giáo sư người Việt hiện ở nước ngoài. Chúng tôi nghĩ rằng có thể bắt tay làm việc này ngay từ bây giờ, không cần đợi đề án được thông qua.

 

(b) Lôi kéo họ? Đây là một việc rất khó khăn, cần những giải pháp “sáng tạo”.  ĐHCLC cần chấp nhận trường hợp những người chỉ có thể về 3-4 tháng mỗi năm (song, ngược lại, phải yêu cầu họ cam kết mỗi năm sẽ về chừng ấy, trong 3-5 năm sắp đến, để nhà trường có thể lập chương trình dạy cho họ). Có người sẽ cần sự can thiệp trực tiếp giữa Viện trưởng trường ĐHCLC và Viện trưởng trường họ để trường họ cho phép về Việt Nam (và vẫn trả lương). ĐHCLC phải sẵn sàng đi vào những thương lượng đó.

 

Nhưng làm sao để thuyết phục họ? Ngoài tình cảm cá nhân đối với quê hương, cần nhấn mạnh tới hiệu quả của công việc mà họ sẽ tham gia đối với thế hệ các em, các cháu trong nước, và về lâu dài là công cuộc gây dựng một nền giáo dục có chất lượng cao cho ớc ta mà mọi người đều sẽ hãnh diện sau này. 

 

Vấn đề lương bổng không là hàng đầu (và nếu so về lương thì Việt Nam còn lâu mới cạnh tranh nổi với các trường ngoại quốc). Nhưng những lợi ích bên lề như nhà ở, xe cộ, trường học cho con cái, chi phí đi về, Internet, v.v. thì ĐHCLC có thể cung cấp được.

 

■ Một vài yêu cầu trong kế hoạch tuyển chọn giáo sư

  • Ngay năm đầu, trường phải tuyển ít nhất 2 người cấp giáo sư cho mỗi khoa, và bảo đảm tỉ lệ GS/PGS/Giảng sư như đã trình bày trong phần chính của dự án.

  • Lương giáo sư không nhất thiết đồng đều, lương các giáo sư hàng đầu có thể rất cao hơn trung bình.

  



Phụ lục 5
Tuyển sinh viên

 

Chất lượng sinh viên cũng là yếu tố quan trọng làm nên chất lượng của đại học và tri thức của đất nước. Dưới đây là một số ý kiến về tuyển sinh.

Điều kiện để sinh viên được tuyển chọn vào đại học: mọi sinh viên phải theo chương trình học toàn phần.

■ Chất lượng sinh viên cấp cử nhân (khi trường mở cấp cử nhân)

Sinh viên cấp cử nhân được tuyển chọn là những học sinh giỏi và có chứng tỏ khả năng lãnh đạo trong quá trình tham gia các hoạt động xã hội.

Học sinh có tư cách nộp đơn khi hội đủ điều kiện sau:

1.      Là học sinh xếp hạng trong số 5% đầu lớp trong trường trung học của họ trong hai năm cuối.

2.      Điểm TOEFL tiếng Anh đạt ít nhất 300

 

Sinh viên được tuyển  lựa dựa vào những yếu tố sau:

1.      Là học sinh đạt điểm cao về toán và văn trong kỳ thi nhập học do trường tổ chức. Hệ số 70%

2.      Là học sinh có quá trình chứng tỏ khả năng lãnh đạo trong các hoạt động xã hội. Hệ số 10%

3.      Chất lượng bài luận văn nộp chung với đơn xin học (do trường ra đề, toàn bài không quá 1500 chữ). Hệ số 10%

4.      Thư giới thiệu và đánh giá học sinh của ba giáo viên trong trường trung học. Hệ số 10%.

Chất lượng sinh viên cấp sau cử nhân

Sinh viên cấp sau cử nhân được tuyển chọn là những sinh viên tốt nghiệp cử nhân giỏi và chứng tỏ khả năng nghiên cứu.

Ứng viên phải hội đủ điều kiện sau:

1.      Tốt nghiệp cử nhân loại giỏi

2.      Điểm TOEFL tiếng Anh đạt ít nhất 400.   

Các tiêu chuẩn đánh giá khác:

3.      Những nghiên cứu được xuất bản nếu có.

4.      Chất lượng bài luận văn nộp chung với đơn xin học (do trường ra đề, toàn bài không quá 1500 chữ).

5.      Thư giới thiệu và đánh giá ứng viên của ba giáo sư đã dạy ứng viên ở cấp cử nhân.

 


 

Phụ lục 6
Hệ thống tổ chức đơn vị học

 

Vấn đề từ ngữ

Trong hệ thống đề nghị ở dưới đây, chúng tôi dùng một số từ ngữ sau:

 

Niên học

Academic year

Niên học kéo dài 9 tháng

Học kỳ

Academic term

Niên học có 2 hoặc 3 học kỳ

Quí

Quarter

Học kỳ 3 tháng, gồm 10 tuần

Học kỳ nửa năm

Semester

Học kỳ 4 tháng rưỡi, gồm 15 tuần

Tín chỉ

Credit

Một đơn vị học trình trong một kỳ học

Môn

Course

Môn học trong một kỳ học

Tiết

 

Tiết là một đơn vị giờ kéo dài 50 phút. Để cho giản dị tiết đồng nghĩa với một giờ học

Seminar

 

Lóp học cho một nhóm nhỏ (không hơn 10 sinh viên,) phân tích hoặc nghiên cứu về một vấn đề do thầy trao và trao đổi trong lớp.

 

Hệ thống tổ chức đơn vị học

Chúng tôi đề nghị:

  • Tổ chức hệ thống đơn vị học theo học kỳ nửa năm (15 tuần học và 2 tuần thi cử).

  • Các môn học được tổ chức theo hệ thống tín chỉ. Mỗi môn có giá trị từ 1 đến 4 tín chỉ. Đại đa số các môn có 3 tín chỉ.

  • Mỗi tín chỉ nghe giảng trong lớp 1 giờ một tuần, trong vòng 15 tuần, với tổng số giờ phải học là 15 giờ trong một kỳ học nửa năm. Ngoài giờ nghe giảng, những giờ thực tập hoặc làm và sửa bài tập có hướng dẫn, giờ sinh viên tự học, không tính trong bảng “chương trình điển hình” dưới đây.

  •  Sinh viên trung bình học 5 môn một kỳ, mỗi môn trung bình 3 tín chỉ.

Giải trình:

  • Tổ chức kỳ học trong niên học có thể theo quí hoặc theo học kỳ nửa năm (thực tế là 4 tháng rưỡi, vì có những ngày nghỉ lễ...). Rất nhiều trường trên thế giới hiện nay theo học kỳ nửa năm. Một số trường theo học kỳ quí. Vấn đề tổ chức theo học kỳ nửa năm đơn giản hơn.

  • Để đáp ứng với một số giáo sư chỉ có thể giảng dạy theo quí, một số môn sẽ được tổ chức theo quí, với cùng số giờ giảng dạy như trường hợp chương trình theo học kỳ nửa năm.

 

Đòi hỏi về tín chỉ

  • Mỗi sinh viên ở cấp cử nhân cần hoàn thành 120 tín chỉ.

  • Sinh viên chương trình thạc sĩ (MA, MBA, MS) phải hoàn thành 32 tín chỉ, và một luận văn tốt nghiệp được chuẩn bị từ năm thứ hai với một số yêu cầu về kết quả phải đạt được sau năm thứ nhất (sẽ quy định chi tiết cho từng ngành học).

  • Có thể được gia hạn thêm năm thứ ba để hoàn thành chương trình thạc sĩ.

 

Về bằng tiến sĩ

·  Sinh viên được nhận vào chương trình tiến sĩ phải đạt được những điều kiện sau:

(a) Có điểm cao trong các môn học của chương trình thạc sĩ, kể cả luận văn tốt nghiệp.

(b) Được một giáo sư (GS, PGS hay giảng sư) trong khoa nhận làm GS hướng dẫn, theo một đề tài (hướng nghiên cứu) do hai người thỏa thuận. Hồ sơ đăng ký của NCS phải bao gồm một giải trình ngắn (1500 tới 2000 từ), nói lên những suy nghĩ sơ khởi của mình về đề tài này.

(c) Được Hội đồng Khoa chấp nhận, qua phỏng vấn hay sát hạch. Nếu hồ sơ đăng ký của nghiên cứu sinh (NCS) chỉ có một giáo sư đứng tên, Hội đồng Khoa sẽ cử thêm một giáo sư làm đồng hướng dẫn. Ít nhất một trong hai giáo sư hướng dẫn phải là GS hay PGS.

(d) Có bảo đảm về tài chính để có thể tập trung nghiên cứu trong thời gian làm luận án: học bổng của bộ GD&ĐT, của một cơ quan nhà nước hoặc một doanh nghiệp có liên quan tới đề tài nghiên cứu. Trong trường hợp NCS không có một học bổng nói trên, người ấy phải nộp đơn xin làm trợ giảng hay trợ tá nghiên cứu trong trường, và đơn đó phải đã được chấp thuận.

     ·   Thời hạn làm luận án tiến sĩ là 3 năm sau Thạc sĩ, có thể được gia hạn một năm, hoặc hai năm nếu NCS và giáo sư hướng dẫn có giải trình được Hội đồng Khoa chấp nhận. Nếu luận án không thể được bảo vệ cuối năm thứ 5, NCS bị mất tư cách sinh viên tiến sĩ, và chỉ được ghi danh lại khi luận án hoàn thành (văn bản phải được nộp cùng ngày ghi danh để xin được bảo vệ).

·   Các Hội đồng Khoa có thể ra quy định buộc NCS trong khoa mình phải hoàn thành thêm một hay hai đơn vị học trình (15 hay 30 tín chỉ) trong một hay hai năm đầu của quá trình làm luận án.

·   Hội đồng giám khảo luận án (jury) do Viện trưởng chỉ định, theo đề nghị của Hội đồng Khoa, và phải gồm ít nhất 6, nhiều nhất 8 người, với thành phần các uỷ viên như sau:

(a)  Hai giáo sư hướng dẫn luận án;

(b)  Hai báo cáo viên từ một đại học khác (trong hay ngoài nước);

(c)  Ít nhất, hai giáo sư khác trong ngành, trong hay ngoài trường.

Tất cả các uỷ viên Hội đồng phải là những người có học vị tiến sĩ trở lên, hoặc là chuyên gia có những công trình nghiên cứu được thừa nhận có giá trị tương đương hay cao hơn tiến sĩ.

Hai báo cáo viên phải là các Giáo sư hoặc Phó Giáo sư. Các uỷ viên này phải có báo cáo viết về sự thẩm định luận án của mình, trong đó nói rõ kết luận cuối cùng là đồng ý cho luận án được bảo vệ. Các báo cáo phải nêu rõ những đóng góp của NCS, dựa trên tính học thuật và tính sáng tạo của luận án (nếu là ứng dụng một phương pháp khoa học đã có thì tính chất mở đường, đột phá của ứng dụng phải được nêu ra đồng thời với các tiêu chuẩn về học thuật của NCS), được thể hiện cụ thể bằng ít nhất một bài nói ở một hội nghị quốc tế một bài báo được chấp nhận đăng trên một tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.  

Các báo cáo này phải được gửi tới Hội đồng Khoa một tháng trước ngày bảo vệ. Nếu Hội đồng Khoa chấp thuận các báo cáo nhận được, cuộc bảo vệ sẽ được tổ chức, như một thủ tục đứng về mặt bằng cấp – coi như đã đạt được. Tuy vậy, thủ tục này có tầm quan trọng đối với NCS, thông qua báo cáo chung của Hội đồng giám khảo về chất lượng của luận án cũng như các đức tính khoa học, khả năng trình bày những kết quả khoa học của người NCS.

 

Chương trình thạc sĩ 

Năm thứ nhất

  • Kỳ học I: Tạm nhận giáo sư phụ trách. Sinh viên nộp kế hoạch học cho GS phụ trách. Cuối kỳ học I nhận giáo sư hướng dẫn.

  • Kỳ học II: Tham gia Seminar/nghiên cứu. Cuối kỳ học II hoàn thành đề cương đề tài nghiên cứu với sự đồng ý của GS hướng dẫn.

Năm thứ hai

  • Kỳ học I: sinh viên nộp kế hoạch học cho GS phụ trách. Tiến hành nghiên cứu

  • Kỳ học II: nộp luận văn vào cuối kỳ.
     

Chương trình điển hình 4 năm cử nhân

 

 

           I

  II

    III

      IV

Chương trình giáo dục tổng quát                                                                42

    

 

 

 

 

 

 

 

 

Bắt buộc            30   

 

 

 

 

Seminar về thông tin khoa học và
máy tính                                                 2

2

 

 

 

Seminar về viết luận văn                          3 

1

   2

 

 

Thưởng thức Nghệ thuật                         2      (có thể chọn Mỹ thuật hay Âm nhạc)

2

 

 

 

Lịch sử  khoa học                                   3

3

 

 

 

Văn minh nhân loại                                 3

3

 

    

 

Triết học:

 

 

 

 

Triết học đông phương                        2

2

 

 

 

Triết học tây phương                           2

2

 

 

 

Lịch sử Việt Nam                                   3

2

    1

 

 

Ngoại ngữ  (viết và đọc)                         7

3

2

2

 

Thể thao                                                3

1

1

1

 

Chương trình giáo dục tổng quát tự chọn  12

         9

    3

 

 

 

 

 

 

 

Chương trình giáo dục chuyên ngành    78

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngành chính                                       45

 

 

 

 

Bắt buộc                                              27

 

9

      12

   6

Tự chọn                                              18

 

6

6

   6

 

 

 

 

 

Ngành phụ và các bắt buộc theo ngành  24

 

6

9

   9

 

 

 

 

 

Luận văn tốt nghiệp                                9

 

 

 

   9

 

 

 

 

 

 

Chú thích:

1.      Số La mã I, II, III, IV chỉ các năm học của bậc cử nhân.

2.      Những con số ả-rập chỉ số tín chỉ.

3.      Mỗi tín chỉ là một giờ học trong tuần. Cần cộng thêm vào bảng này những giờ làm bài có hướng dẫn, giờ tự học của SV. Ví dụ môn thể thao, chỉ tính điểm cho 1 tín chỉ, nhưng SV cần có điều kiện tập thể thao nhiều hơn 1 giờ/tuần.


 

 

©  Kỷ Yếu mừng GS Đặng Đình Áng 80 tuổi

 

Trở về trang chủ Thời Đại Mới

 

1-12-2006