thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 6  - Tháng 11/2005

 


 

Góp vài suy nghĩ để cùng

tư duy tiếp tục về đổi mới*
(và vài điều bàn thêm)

 

Phan Đình Diệu

Đại học Quốc gia (Hà Nội)

 

  

1. Khoa học về phức tạp và đổi mới tư duy

 

 Đổi mới tư duy là một hoạt động thường xuyên và liên tục của con người, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, khi mà thế giới và những vấn đề từ thế giới đặt ra cho cuộc sống con người luôn nẩy sinh hàng ngày, đổi thay từng ngày, luôn đòi hỏi con người phải có cách nhìn mới, cách nghĩ mới, và từ đó, các cách xử lý mới, thích hợp, để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển. Từ nhiều thế kỷ nay, theo một “khung mẫu” chung của “tư duy cơ giới” mà các yếu tố chủ yếu là quan điểm phân tích, giả thuyết về tính tất định trong các quan hệ nhân-quả giữa các hiện tượng, với việc sử dụng rộng rãi các phương pháp toán học trên các mô hình tuyến tính và các phép suy luận duy lý của lôgích hình thức, v.v..., nhiều “lý thuyết khoa học” không những trong các lĩnh vực của vật lý và tự nhiên, mà cả trong các lĩnh vực của kinh tế, xã hội đã lần lượt ra đời và được phát triển mạnh mẽ, cung cấp cho con người những kiến thức phong phú để phát triển sản xuất và công nghệ, cải thiện liên tục các cách thức tổ chức và quản lý kinh tế, xã hội, đưa nền kinh tế và xã hội toàn cầu đến bước phát triển và chuyển biến hiện nay. Tuy nhiên, khung mẫu tư duy cơ giới đã quy giản cách nhìn, cách hiểu của con người về thực tế vào những mô hình tất định tuyến tính và quan điểm phân tích, kiểu tư duy đó đã càng ngày càng được chứng tỏ là không còn thích hợp khi nhận thức của con người chuyển sang một giai đoạn mới với những yêu cầu hiểu biết về thực tế vốn rất phức tạp một cách đầy đủ và sâu sắc hơn. Và để đáp ứng những yêu cầu nhận thức đó, khoa học cần phải vượt qua những giới hạn của tư duy cơ giới để tìm kiếm một “khung mẫu” mới cho mình. Quá trình tìm kiếm và thay đổi đó được đánh dấu bởi những sự kiện quan trọng như sự ra đời của thuyết tương đối và cơ học lượng tử trong các thập niên đầu của thế kỷ 20, sự phát minh các định lý Gödel về tính không đầy đủ của các hệ toán học hình thức vào thập niên 1930, sự ra đời của các lý thuyết về hệ thống, về thông tin, về điều khiển học vào cuối thập niên 1940, sự phát hiện hiện tượng “hỗn độn tất định” và do đó sự ra đời lý thuyết hỗn độn vào thập niên 1970, và sau đó sự hình thành hướng nghiên cứu về “phức tạp” và các “hệ thống thích nghi phức tạp” vào giữa những năm 1980; đó là chưa kể nhiều biến chuyển và đổi thay trong các lý thuyết về sinh học, sinh thái học, kinh tế học, v.v… Những đổi thay đó mang nhiều nét đặc thù thuộc riêng từng chuyên ngành, nhưng cũng đã bắt đầu cùng góp phần tạo nên những nét chung của một “khung mẫu tư duy” mới mà ngày nay nhiều tác giả đã quen gọi là “tư duy hệ thống”.

 

Trong một bài viết trước đây,[1] tôi đã trình bày một số suy nghĩ về tư duy hệ thống và đổi mới tư duy nói chung. Trong bài này tôi xin tự hạn chế vào một vài hiểu biết về các quan điểm tư duy được rút ra từ các nghiên cứu gần đây về các đối tượng phức tạp để tiếp tục đóng góp vào việc đổi mới tư duy. Phức tạp là nội dung chủ yếu của khoa học hệ thống hiện đại; các hệ thống thực tế trong tự nhiên, vũ trụ, trong cuộc sống, trong kinh tế, trong xã hội loài người, về bản chất đều là những hệ thống phức tạp, vượt ra ngoài khả năng nhận thức của tư duy cơ giới; vì vậy, khoa học về phức tạp tuy đang trong giai đoạn hình thành cũng đã được các nhà khoa học đặt nhiều kỳ vọng, xem đó sẽ là khoa học của thế kỷ 21

 

Đối tượng của khoa học này là các hệ thống phức tạp, theo nghĩa là các hệ thống bao gồm rất nhiều thành phần vận động và tương tác với nhau và với môi trường theo nhiều kiểu quan hệ, chủ yếu là các quan hệ phi tuyến; vì các hệ thống như vậy không thể được nhận thức bằng tư duy phân tích nên chúng cần được nghiên cứu từ quan điểm toàn thể của tư duy hệ thống, lấy các thuộc tính hợp trội của toàn thể, chứ không phải các thuộc tính riêng lẻ của các thành phần, làm đối tượng nghiên cứu chính. Từ mấy thế kỷ nay, tuân theo hình mẫu Newton về vũ trụ, bằng con đường phân tích ta đã tìm hiểu được khá sâu về thuộc tính của các thành phần như của một hạt cơ bản, một nguyên tử, một phân tử, một tế bào, một nơ-ron,…; nhưng nay đã đến lúc ta không phải chỉ muốn hiểu một vật, một phân tử, một hạt cơ bản, một tế bào, một nơ-ron,…làm gì, mà là cần hiểu hàng nghìn hàng triệu vật như vậy cùng làm gì. Từ nhiều nghiên cứu và khảo sát ở các lĩnh vực khác nhau người ta nhận thấy rằng các thuộc tính hợp trội của các hệ thống trong toàn thể thường được hình thành qua quá trình hoạt động liên kết và tương tác giữa các  thành phần, và thực chất của các hoạt động đó là làm tăng năng lực thích nghi của các thành phần của hệ thống cũng như của hệ thống với môi trường, nên trong thời gian gần đây, một loại mô hình có tên là “các hệ thống thích nghi phức tạp” (complex adaptive systems) đã được đề xuất và được sử dụng rộng rãi như là mô hình chung của các hệ thống phức tạp của khoa học về phức tạp hiện nay. Các hệ thống thích nghi phức tạp đã được nghiên cứu có thể là các hệ được mô hình hoá từ thực tế, hoặc cũng có thể là các hệ hình thức, nhân tạo như các ôtômat mạng lưới, các mạng nơ-ron hình thức, v.v… Sự liên kết giữa các thành phần trong các hệ thống này thường được quy ước là giữa các thành phần lân cận nhau, các tương tác địa phương được xét có thể là đơn giản nhưng chủ yếu phải là phi tuyến. Mặc dầu với những giả thiết đơn giản hoá đó, các hệ thống thích nghi phức tạp đã được nghiên cứu cũng đã có những hành vi khác xa với những hệ thống động lực tuyến tính mà ta quen nghiên cứu trong các lý thuyết cổ điển theo khung mẫu của tư duy cơ giới. Ở đây, phương pháp nghiên cứu cũng không thể hạn chế trong phạm vi của các phương pháp phân tích định lượng và suy luận theo lô gích hình thức, mà phải được bổ sung thêm, thậm chí  phải sử dụng chủ yếu các phương pháp mô phỏng (bằng máy tính) và các suy luận, phán đoán một cách định tính, kể cả các cảm nhận trực giác. 

 

Những kết quả nghiên cứu thu được của khoa học về phức tạp trong vài ba thập niên gần đây tuy chưa đầy đủ, nhưng cũng đã rất phong phú, có thể cung cấp cho chúng ta nhiều căn cứ để có những tư duy đổi mới, sau đây là một vài điều cốt yếu:

 

 • Cái quan trọng nhất ở một hệ thống là các thuộc tính hợp trội của nó. Các thuộc tính hợp trội được tạo nên do sự liên kết và tương tác của các thành phần. Các mối liên kết và tương tác đó hình thành nên mạng lưới các dòng vào, dòng ra của sự trao đổi vật chất, năng lượng và thông tin bên trong hệ thống và giữa hệ thống với môi trường. Các thuộc tính hợp trội làm nên các đặc tính của trật tự và tổ chức của từng hệ thống. 

 

 • Các dòng vào, ra của sự trao đổi nói trên hình thành nên nhiều vòng liên hệ phản hồi của hệ thống. Một vòng liên hệ phản hồi đi từ một đầu ra đến một đầu vào, được gọi là âm nếu nó làm giảm bớt tác động của đầu vào, và là dương nếu nó làm tăng thêm tác động đó. Các vòng phản hồi âm có tác dụng duy trì tính cân bằng và ổn định của hệ thống, và ngược lại, các vòng phản hồi dương thường có tác dụng phá vỡ tính cân bằng và ổn định của hệ thống. Các hệ động lực tuyến tính thường có trạng thái cân bằng và có khả năng được điều khiển về trạng thái cân bằng đó một cách ổn định, còn đối với các hệ phức tạp có nhiều tương tác phi tuyến tạo nên các dòng phản hồi dương thì thường không có các trạng thái cân bằng để nó hướng tới một cách ổn định. Lý thuyết hỗn độn cho ta biết rằng các hệ động lực phi tuyến thường có các “tập hút hỗn độn”, tức là các tập hút không phải là những điểm cân bằng cũng không phải là các tập hữu hạn điểm mà hệ thống bị hút tới một cách tuần hoàn. Tính “hỗn độn” của các hệ động lực phi tuyến được đặc trưng bởi tính “phụ thuộc nhậy cảm vào điều kiện ban đầu” và tính “không dự đoán được”, là các tính chất mà các hệ tuyến tính không có.

 

 •  Các hệ thống phức tạp thường chứa trong nó cả những thành phần tuân theo các luật động lực tuyến tính và những thành phần tuân theo các luật động lực phi tuyến, do đó có cả những dòng phản hồi âm và dương, tạo nên những hành vi địa phương rất đa dạng và khác nhau rồi tương tác với nhau để làm nên hành vi phức tạp của toàn hệ thống. Có thể có nhiều dạng hành vi toàn thể phức tạp rất khác nhau của hệ thống, trong đó có ba dạng đáng chú ý nhất là: (1) dạng cân bằng, ổn định, có thể dự đoán được, đó là trường hợp khi hệ là tuyến tính, có tập hút là một điểm cân bằng; (2) dạng có nhiều tập hút lạ, hỗn độn ở mức cục bộ, nhưng đồng thời vẫn có những yếu tố cân bằng và ổn định ở mức toàn thể; và (3) dạng hành vi ở trong trạng thái “hỗn độn sâu” hay khủng hoảng, không còn có khả năng giữ được một sự cân bằng ổn định nào nữa. Dạng thứ nhất là dạng quy giản về mô hình các hệ thống tuyến tính đã được nghiên cứu nhiều trong phạm vi tư duy cơ giới, khó có thể thích hợp cho việc nghiên cứu các hệ thống phức tạp trong thực tế hiện nay. Ở một cực đoan khác, dạng thứ ba là dành cho các hệ thống khi rơi vào hỗn độn và khủng hoảng, chỉ còn có ngẫu nhiên và hỗn loạn thống trị, khi trật tự cũ đã tan rã nhưng chưa hình thành được một trật tự mới thay thế; tuy nhiên đối với các hệ thích nghi phức tạp thì rơi vào dạng hành vi đó cũng có nghĩa là rơi vào một giai đoạn chuyển tiếp để cho mầm non của một trật tự mới chớm nở và phát sinh từ trong tan vỡ của trật tự cũ. Dạng hành vi thứ hai là dạng phổ biến nhất đối với các hệ thích nghi phức tạp, khi trật tự cũ chưa mất, nhưng hệ đã có nhiều yếu tố gây nên hỗn độn, đòi thay đổi trật tự cũ và cạnh tranh nhau, làm cho hệ trở nên bất định, không chắc chắn, khó mà tiên đoán được xu thế phát triển; trạng thái đó thường được gọi là ở bên bờ hỗn độn (at the edge of chaos); đó cũng là môi trường làm nẩy nở các hoạt động tích cực của những yếu tố sáng tạo, đổi mới, những khả năng thích nghi, để góp phần làm nên những hợp trội tạo thành trật tự mới của hệ thống. 

 

 • Đối với các hệ thống thích nghi phức tạp, không có các trạng thái cân bằng ổn định, không có trật tự nào là ổn định lâu dài, do đó trạng thái gần như thường xuyên của hệ thống là ở bên bờ hỗn độn, tại đó các thành phần của hệ thống tương tác với nhau, có cạnh tranh, có hiệp tác, vận dụng các năng lực thích nghi,… để rồi tạo nên trật tự mới, đặc trưng bởi những thuộc tính mới, hệ thống chuyển sang một giai đoạn ổn định tạm thời trong trật tự mới, rồi tiếp tục các hoạt động tương tác mới, và sẽ lại dẫn đến một trạng thái “ở bên bờ hỗn độn” mới, v.v… Toàn bộ quá trình đó ta gọi chung là quá trình tiến hoá của hệ thống. Ta hy vọng rằng, từng là nguồn gốc tạo nên các loài theo học thuyết tiến hoá Darwin, tiến hoá với cơ chế thích nghi cũng là nguồn gốc tạo nên các trật tự mới, các trình độ tổ chức mới của các hệ phức tạp trong tự nhiên cũng như trong kinh tế, xã hội. 

 

• Tuy nhiên, nếu trong học thuyết tiến hoá sinh học, cơ chế thích nghi chủ yếu được thể hiện bằng các hình thức cạnh tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên, qua chọn lọc tự nhiên mà giữ lại những gì có khả năng thích nghi nhất và loại bỏ những gì không có khả năng đó, thì theo khoa học về phức tạp hiện nay, cơ chế thích nghi được hiểu rộng hơn theo nghĩa là tăng cường khả năng học để nâng cao năng lực sáng tạo và đổi mới và thực sự tìm kiếm được cho mình giải pháp thích nghi với những đòi hỏi của tình hình để tiếp tục tồn tại và phát triển trong xu thế trật tự mới của hệ thống. Thích nghi là học, bởi vì không có một thực thể sống, một tổ chức nào trong thế giới, trong vũ trụ chúng ta chịu đứng yên để cho bất kỳ một luật cạnh tranh và chọn lọc nào đó loại bỏ và huỷ diệt, mà luôn học để tìm cách thích ứng, tồn tại và phát triển. Học là tích luỹ thêm hiểu biết, kinh nghiệm, học từ những từng trải của bản thân mình, học từ giao tiếp với đối tác, v.v…, và như vậy, học là để nâng cao thêm chất lượng của tính tổ chức và trật tự trong bản thân mình, và do đó góp phần cùng nâng cao phẩm chất của tính trật tự và tổ chức của toàn hệ thống. Và vì vậy, tiến hoá không chỉ là một quá trình chắt lọc cái này và loại  bỏ  cái  kia (và cũng là làm nghèo đi cái phong phú chung của toàn thể), mà tiến hoá về thực chất là đồng tiến hoá, trình độ trật tự và tổ chức của cái toàn thể tăng lên trong sự tăng lên của tính đa dạng và chất lượng tổ chức của các thành phần. Ngày nay, trong nhiều lĩnh vực ta thường nghe nói đến việc tìm các chiến lược “thắng/thắng” hay các bên cùng thắng thay cho chiến lược “ai thắng ai”, chính là theo tinh thần đó của tiến hoá.

 

• Tiến hoá là một quá trình liên tục làm tăng thêm độ phức tạp toàn thể của hệ thống, bằng việc làm nẩy sinh thêm nhiều yếu tố mới, nhiều mối tương tác mới, tạo thêm khả năng xuất hiện nhiều thuộc tính hợp trội mới; tuy nhiên nếu đối với các hệ tuyến tính, đích đến có thể là một trạng thái cân bằng ổn định, ta có thể nói đến việc dự đoán và điều khiển hệ thống tiến đến mục đích đó, thì nói chung đối với các hệ thích nghi phức tạp (phi tuyến), mục tiêu là bất định theo nghĩa không xác định được trước một cách chắc chắn, không dự đoán được, mọi thành phần của hệ thống luôn luôn ở trong tình trạng đứng trước một miền đất chưa khai phá, chưa có sẵn bản đồ, do đó luôn cần có một tầm nhìn và những năng lực thích nghi, sáng tạo, tự vạch đường mà đi, tự bươn chải trong môi trường của những khả năng cạnh tranh và hiệp tác, v.v…, để rồi cùng nhau sáng tạo nên những chất lượng mới của những thuộc tính hợp trội mới, của trật tự mới. Trật tự mới, tổ chức mới là do các thành phần liên kết, tương tác với nhau mà cùng tạo thành, chứ không phải được lập nên do một mệnh lệnh nào từ bên ngoài, ở bên trên quyết định. Như vậy, các trật tự do hợp trội mà thành, các thuộc tính do hợp trội mà có, trước hết là sản phẩm của bottom-up, từ dưới lên, chứ không phải là do top-down, từ trên xuống.  Bottom-up là thực chất của dân chủ, là việc tôn trọng quyền của bên dưới, của các thành viên, được tự do suy nghĩ và hành động, tự do lựa chọn tương lai riêng cho mình, và tự do lựa chọn cả những giải pháp liên kết, cạnh tranh và hiệp tác, tự do sáng tạo và thích nghi,…; và trật tự tạo thành sẽ là kết quả hợp trội của tổng thể các ý chí và hành động của tất cả các thành viên của hệ thống. 

 

Trên đây là trình bày sơ lược một vài đặc điểm của các hệ thống thích nghi phức tạp. Đó là các kết quả được rút ra từ những khảo sát trên các hệ thống thực tế, hoặc từ những quan sát thực nghiệm trên các mô hình của các hệ thống nhân tạo được mô phỏng bằng máy tính, v.v… kết hợp với những suy luận định tính và những cảm nhận trực giác của người nghiên cứu; có thể trên đường đi đến những kết luận đó có sử dụng đây đó những suy luận định lượng và những lập luận phân tích của khoa học truyền thống nhưng không là cơ bản, do vậy nói chung các kết luận đó không có các chứng minh chặt chẽ như đối với các định lý toán học. Nhưng ta nhớ rằng khi đã xem là cần thiết phải vượt ra ngoài khuôn khổ của khung mẫu tư duy cơ giới thì cũng có nghĩa là ta đã chấp nhận con người khó có thể đạt được các “chân lý khách quan” và khoa học; đối với chúng ta, không nhằm tìm kiếm các “chân lý khách quan” xa vời đó, mà là tìm kiếm các lời giải cho những bài toán mà ta cần giải quyết trong cuộc sống của mình. Và, với cách hiểu đó thì ta hy vọng rằng những kết quả nghiên cứu về các hệ thống thích nghi phức tạp nói chung và những điều trình bày trên đây nói riêng có thể giúp ta có thêm căn cứ để đổi mới tư duy của chúng ta về những vấn đề thực tế mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống.

 

 

2.  Tiếp tục đổi mới tư duy về phát triển kinh tế

 

Kinh tế là lĩnh vực hoạt động sôi động nhất, có nhiều biến chuyển nhất của xã hội loài người trong thời đại chúng ta. Tiếp sau những nghiên cứu khởi đầu đặt nền móng cho các lý thuyết kinh tế vào thế kỷ 19, thế kỷ 20 đã thực sự là một thế kỷ phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu rực rỡ của các lý thuyết “khoa học” về kinh tế, từ các lý thuyết về kinh tế thị trường, kinh tế kế hoạch hoá, đến các lý thuyết về tổ chức và quản lý kinh tế. Với niềm tin rằng “có những luật tự nhiên thống trị xã hội loài người tương tự như đã thống trị thế giới vật lý”, các nhà khoa học trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội đã hăng hái đi theo cách mà Newton xây dựng khoa học vật lý để phát triển các lý thuyết khoa học về kinh tế và xã hội. Và trong xu thế đó, khoa học kinh tế đã đạt được một trình độ “toán học hoá” sâu sắc trong mọi địa hạt nghiên cứu của mình.  Các lý thuyết khoa học về kinh tế đã có nhiều cống hiến quan trọng trong việc lý giải các hiện tượng trong đời sống kinh tế, góp phần đề xuất nhiều chính sách và biện pháp tổ chức hoạt động kinh tế, và đặc biệt đã phát triển nhiều lý thuyết toán học và phương pháp tính toán nhằm giải quyết các bài toán làm quyết định trong điều hành và quản lý kinh tế. 

 

Trong thế kỷ 20, các nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới đã đi theo hai hướng tổ chức chính: một là hướng phổ biến của kinh tế thị trường, và hai là hướng phát triển kinh tế kế hoạch hoá tập trung theo mô hình xã  hội chủ nghĩa ở Nga và các nước “xã hội chủ nghĩa”. Hai hệ thống này là đối lập nhau, tuy nhiên ở một số giai đoạn phát triển nhất định và về cấu trúc nội tại của nền kinh tế, cũng có nhiều bài toán cần được giải quyết giống nhau. Các tư tưởng kinh tế được phát sinh và phát triển mạnh nhất từ trong khối các nước có kinh tế thị trường, và đây cũng là nơi phát triển các mô hình và phương pháp giải các bài toán quy hoạch và kế hoạch hoá trong kinh tế nói chung. Chịu ảnh hưởng của tư duy cơ giới Newton và tất định luận Laplace, người ta đã xây dựng hàng loạt các mô hình toán học trong các lý thuyết kinh tế để mô tả các quan hệ giữa các đại lượng kinh tế như tổng cung, tổng cầu và giá cả của một loại hàng hoá trên thị trường; quan hệ giữa thu nhập quốc dân, chi phí tiêu dùng và đầu tư; giữa lạm phát và thất nghiệp, quan hệ đầu vào-đầu ra của các ngành trong một nền kinh tế, quan hệ giữa các yếu tố trong một mô hình tăng trưởng, v.v… bằng các (hệ thống) phương trình đại số tuyến tính đối với các mô hình tĩnh, và bằng các (hệ thống) phương trình vi phân hoặc sai phân tuyến tính đối với các mô hình động lực. Việc thu được các mô hình tuyến tính trong các lý thuyết khoa học về kinh tế trước hết là do sự quy giản nhận thức của ta về các quan hệ thực trong đời sống kinh tế, thí dụ như việc chấp nhận tính phổ biến của luật về tỷ suất lợi nhuận biên giảm dần (law of diminishing returns) trong sản xuất hàng hoá; mặt khác với sự quy giản đó thì việc sử dụng các phương pháp phân tích và tính toán định lượng mới dễ được thực hiện. Có lẽ các tác giả của những mô hình tuyến tính quy giản cũng biết rằng các mô hình đó không mô tả chính xác thực tế, nhưng dầu sao cũng là những mô hình gần đúng có thể chấp nhận được, và niềm tin đó trong một thời gian dài đã được củng cố bởi những thành tựu tuyệt vời thu được qua ứng dụng, đặc biệt là qua việc chứng minh sự tồn tại của những trạng thái cân bằng và ổn định của các hệ thống kinh tế. Việc nghiên cứu tính cân bằng ổn định, và cùng với nó là tính dự đoán được, tính điều khiển được,… trong một thời gian dài đã là trung tâm của nhiều lý thuyết về phân tích động lực học của các hệ thống kinh tế. Các mô hình tất định tuyến tính chỉ tạo ra được các hành vi cực kỳ đơn giản, không phù hợp với thực tế, vì vậy, đôi khi người ta thêm vào cho mô hình một đại lượng nhiễu ngẫu nhiên, nhưng do yếu tố nhiễu đó là đưa từ ngoài vào cho nên “hành vi ngẫu nhiên” của hệ thống mà ta quan sát được trên các mô hình đó cũng không phản ánh được cái bản chất phức tạp từ bên trong.

 

Nếu thế kỷ 20 đã là thế kỷ của sự phát triển bùng nổ của các lý thuyết khoa học về kinh tế, thì đó cũng là thế kỷ của các cuộc cách mạng trong tư duy khoa học, và những cuộc cách mạng tư duy này cũng đã có những ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển các lý thuyết kinh tế. Một trong những đặc điểm chủ yếu của các cuộc cách mạng tư duy này là phủ định vai trò độc tôn của tư duy cơ giới với các giả thuyết về tất định và tuyến tính,… trong khoa học như đã được trình bày trong một phần trên. Trong lĩnh vực kinh tế, yêu cầu “đổi mới tư duy” này cũng xuất hiện trước hết do sự bất lực của các mô hình tuyến tính trong việc mô tả và nhận thức thực tế phát triển kinh tế. Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 20, nền kinh tế thị trường thế giới đã liên tục có nhiều biến chuyển. Các nhân tố đổi mới công nghệ và cải tiến quản lý đã có ảnh hưởng ngày càng lớn đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, các nền kinh tế trên thế giới phát triển mạnh trong xu thế có ít cân bằng và ổn định hơn, và rồi đến những năm kết thúc thế kỷ 20, xu thế chuyển biến đến một nền kinh tế tri thức và một thị trường toàn cầu hoá đã chi phối sự phát triển của kinh tế thế giới trong thế kỷ mới mà ta đang sống.

 

Đặc điểm của các nền kinh tế trong thời đại ngày nay là những hệ thống cực kỳ phức tạp, bao gồm một số rất lớn thành phần vận động không theo các luật tuyến tính, và tương tác với nhau trong một toàn thể khó có thể nhận thức được qua con đường phân tích. Nhiều yếu tố mới được phát hiện trong họat động thực tế của các nền kinh tế hiện đại, như việc sản xuất hàng hóa tuân theo luật tỷ suất lợi nhuận biên tăng dần (law of increasing returns),[2] các hệ có cơ chế tự tăng cường, phụ thuộc nhạy cảm vào lịch sử, có khả năng khóa chặt thị trường vào một công nghệ chiếm được ưu thế cạnh tranh, những biến động thất thường của các thị trường tài chính, của các ngành sản xuất với công nghệ cao, v.v…Trong những trường hợp đó, hành vi của hệ thống không còn tuân theo các luật tuyến tính, hệ có những vòng liên hệ phản hồi dương, không hướng tới những điểm cân bằng một cách ổn định mà có thể hoặc có nhiều điểm cân bằng địa phương tạm thời hoặc có tập hút hỗn độn, hành vi của hệ thống là hoàn toàn không chắc chắn, không dự đoán được, một sai khác nhỏ ban đầu có thể được khuếch đại nhanh chóng thành những khác biệt rất lớn trong tương lai. Như vậy là, các hệ thống kinh tế trong thực tế vốn đã có nhiều phức tạp chưa được nhận thức đầy đủ từ trước lại có thêm nhiều tính chất phức tạp mới trong điều kiện hiện đại, càng đòi hỏi phải được tư duy và nhận thức theo cách mới thích hợp hơn. Tư duy hệ thống, khung mẫu tư duy về cái phức tạp, dẫu chưa hoàn thiện và đầy đủ, cũng đã được xem là một đề xuất cho sự đổi mới tư duy đó. Trong khung mẫu tư duy mới đó, trong vài thập niên gần đây, nhiều nghiên cứu mới về các hệ thống kinh tế, đặc biệt về những đặc điểm mới của thị trường, về thị trường tài chính, về kinh tế thông tin và tri thức, nhất là về vấn đề quản lý kinh tế trong môi trường mới, đã được phát triển mạnh mẽ và thu được nhiều kết quả đáng chú ý. Quản lý kinh tế trong môi trường mới dựa trên khung mẫu tư duy phi tuyến và phức tạp có những đặc điểm đáng chú ý như: khác với việc quản lý theo kế hoạch được vạch sẵn một cách tập trung, quản lý theo tư duy mới là một cách quản lý sáng tạo và đổi mới: sáng tạo trật tự mới bắt nguồn từ tình trạng vô trật tự hay “bên bờ hỗn độn” của thực tế, mục tiêu của quản lý là sáng tạo nên những luật mới, mở ra những thị trường mới từ trong môi trường của những bất định; theo tư duy mới cần chấp nhận những động thái bất thường và dễ thay đổi trong một môi trường luôn có nhiễu loạn, phải tăng cường khả năng tạo ra những vòng phản hồi phi tuyến và phản ứng linh hoạt trong trạng thái phi cân bằng; việc quản lý cần dựa vào khả năng học, của cá nhân, của tập thể, của tổ chức, học để thêm năng lực tự tổ chức, tăng khả năng hợp tác và đối thoại, thích nghi với môi trường, học những điều mới nẩy sinh từ yêu cầu của “văn hóa phi tuyến” có ảnh hưởng đến việc làm quyết định; việc quản lý không chỉ căn cứ vào các kết quả phân tích trên các mô hình định lượng mà còn cần tìm kiếm các mô hình định tính có thể chỉ cho ta những hiểu biết khái lược về toàn thể nhưng có thể mang đến cho trực cảm của ta những điều cần thiết để có những quyết định kịp thời; và sau rốt một điều quan trọng cần chú ý là việc quản lý phải linh hoạt, tránh mọi chuyên quyền và áp đặt từ trên, mọi trật tự mới được sáng tạo nên đều chủ yếu là do bottom-up, nói cách khác là phải tôn trọng nguyên tắc dân chủ trong quản lý. 

 

Đối với sự phát triển kinh tế của nước ta, trong nhiều bản tham luận của các anh chị nghiên cứu kinh tế[3] đã có những phân tích và góp ý sâu sắc và xác đáng. Nền kinh tế nước ta đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, hiện đang đứng trước nhiều đòi hỏi gay gắt của việc hoàn chỉnh cơ chế thị trường, của sự hội nhập vào xu thế toàn cầu hóa và cả vào xu thế phát triển chung của kinh tế thế giới trong thế kỷ mới. Đáp ứng các đòi hỏi đó cũng đang được xác định là những nhiệm vụ cấp bách của sự tiếp tục công cuộc cải cách và đổi mới kinh tế của nước ta. Vận dụng những quan điểm của khung mẫu tư duy mới về phức tạp vào những vấn đề của nền kinh tế nước ta hiện nay có thể cho chúng ta nhiều hiểu biết sâu sắc mới, nhưng cũng cần có thêm nhiều nghiên cứu mới; tuy nhiên có một số vấn đề khá rõ ràng mà “tư duy mới” có thể củng cố thêm các nhận thức vốn đã có của chúng ta mà ta có thể kể đến như sau:

 

Từ đầu công cuộc đổi mới, ta đã xác định nền kinh tế nước ta sẽ là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu chuyển sang, cái vế “kinh tế thị trường” đã tạo ra một động lực to lớn cho đổi mới và phát triển, và quả thực nền kinh tế nước ta đã thu được nhiều kết quả rất ngoạn mục. Nhưng rồi đã đến lúc cái vế thứ hai “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã phát huy tác động cản trở của nó, vì định hướng xã hội chủ nghĩa là chịu sự chỉ huy tuyệt đối của Đảng và hệ thống các cơ quan Đảng, trong kinh tế có một thành phần nhà nước to lớn nắm quyền chủ đạo, được hưởng mọi ưu tiên của Nhà nước, v.v… Hệ thống kinh tế thị trường của đất nước là một hệ thống phức tạp, lẽ ra phải được phát triển trên cơ sở nguyên tắc tự do và bình đẳng của mọi chủ thể kinh doanh, mọi công dân trong xã hội, mọi trật tự tự nhiên sẽ được tạo nên từ sự hợp trội của toàn hệ thống; nhưng với “định hướng” nói trên, nguyên tắc quyết định từ dưới lên (bottom-up) đã bị lấn át một cách độc đoán bởi thế lực từ trên xuống (top-down), quá trình tiến hóa và hợp trội bị xuyên tạc méo mó làm cho cái trật tự được tạo nên không còn là cái trật tự xã hội muốn hướng tới mà là cái trật tự do quyền lực muốn sắp đặt. Dù quyền lực luôn khẳng định rằng cái mà nó muốn sắp đặt cũng trùng với cái mà xã hội mong hướng tới, nhưng trong thực tế không có gì bảo đảm cho điều đó, khi mà cái xảy ra phổ biến lại là những phân biệt đối xử với các doanh nghiệp thuộc một thành phần doanh nghiệp này và những thiên vị với một thành phần khác. Sự phân biệt đối xử và thiên vị đó càng bộc lộ rõ tác hại đối với những lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao hoặc đòi hỏi nhiều tri thức mà hiện nay ta đang đặc biệt khuyến khích, bởi vì đối với các doanh  nghiệp trong những lĩnh vực này, yêu cầu sống còn là phải nâng cao được nhanh chóng các năng lực học, sáng tạo và thích nghi để tìm được các chiến lược hiệp tác trong tiến hoá; bất kỳ một tác động nào từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến các năng lực đó của các doanh nghiệp cũng có thể làm méo mó các kết quả của hợp trội, chuyển từ khả năng hiệp tác sang tình thế cạnh tranh đối kháng, kết quả là hợp trội từ khả năng tích cực dễ biến thành tiêu cực. 

 

Từ vài thập niên gần đây ta thường thấy khẩu hiệu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” luôn đi kèm với “định hướng  xã hội chủ nghĩa”. Có phải là người ta muốn cái nội dung của “định hướng xã hội chủ nghĩa” thực sự được hiểu  như khẩu hiệu nói trên? Nếu quả vậy thì thật phúc đức cho đất nước ta, và trong tình hình mà thuật ngữ “xã hội chủ nghĩa” còn được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, nên chăng hãy mạnh dạn thay thế câu “xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” bằng câu “xây dựng nền kinh tế thị trường, hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã  hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trong câu này nghĩa của nhiều từ trong phần mục tiêu còn mơ hồ, như các từ "công bằng", "dân chủ",…; nhưng nếu ta hiểu rằng hệ thống kinh tế xã hội là một hệ thống cực kỳ phức tạp, thì việc xác định trước một mục tiêu chắc chắn là không thể được, ta chỉ có thể nói đến một hướng mục tiêu, tính mơ hồ hay không chắc chắn của nó sẽ được khắc phục dần trên các chặng đường tiến hoá của hệ thống, nội dung cụ thể của công bằng, dân chủ sẽ được xác định dần từng bước qua hoạt động tương tác của những thích nghi và hợp trội ở từng giai đoạn tiến hoá của xã hội. 

 

 

3.  Tiếp tục đổi mới tư duy về vấn đề dân chủ

 

Cùng với những đổi mới tư duy về kinh tế đã mang lại cho đất nước ta những đổi thay to lớn trong gần hai chục năm qua, chúng ta cũng đã thường nhắc đến sự cần thiết của đổi mới tư duy về chính trị, tuy nhiên điều đáng tiếc là trong lĩnh vực này ta gần như chưa xác lập được những nội dung cần thiết của tư duy đổi mới, ngoài sự khẳng định lại một cách kiên quyết việc tiếp tục duy trì vị trí thống trị độc tôn của chủ nghĩa Marx-Lenin và sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của một Đảng Cộng Sản. Mặc dù ngày nay trong xã hội ta chẳng còn mấy ai tin vào tính chân lý của chủ nghĩa Marx-Lenin, và thực tế Đảng Cộng Sản cũng không còn là thuần tuý cộng sản nữa, nhưng bản thân việc dùng quyền lực để duy trì vị trí độc tôn nói trên cũng đủ sức kéo lùi lại bánh xe tiến lên của công cuộc đổi mới. Tôi nhớ lời của một nhà chính trị, tổng thống Nga V. Putin khi ông nhận định rằng xa lộ chính của văn minh nhân loại trong thế kỷ vừa qua là “thị trường và dân chủ”, và xem rằng 70 năm của chính quyền cộng sản tại Nga đã là “70 năm chúng ta đi theo ngõ cụt, cách xa xa lộ chính của văn minh”, và ông nói thêm: “Con đường đến thị trường và dân chủ té ra không đơn giản cho các nước bước vào nó trong những năm 90”, và đối chiếu với tình hình Việt Nam, ta càng thấy rõ là đến với “thị trường” đã khó,  nhưng để đến được với “dân chủ” khó khăn còn lớn hơn nhiều.[4] Trước sự phê phán của thế giới ta thường biện bạch rằng mỗi nước có một quan niệm riêng về dân chủ, ở nước tôi cũng có dân chủ, chỉ đơn giản vì tôi cho rằng có một đảng cộng sản duy nhất lãnh đạo là dân chủ rồi, thì anh bảo sao nào? Với lý lẽ đó thì ai cũng phải chào thua! Nhưng chắc nhân dân và lịch sử sẽ không dễ chào thua như vậy. Khái niệm “dân chủ” dẫu chưa có (và có thể còn mãi chưa có) một định nghĩa chính xác, rõ ràng để có thể cân, đong, đo, đếm được, nhưng từ nhiều thế kỷ nay, nó đã là chuẩn mực cho đa số thể chế xã hội trên thế giới này, và tuy chưa có định nghĩa chính xác, nhưng đã có những phẩm chất được mọi người thừa nhận. Theo một tài liệu tổng hợp được công bố gần đây,[5] chất lượng của một nền dân chủ được xác định trên 8 tiêu chí sau đây: (1) tính pháp trị của thể chế nhà nước thể hiện ở chỗ có một hệ thống luật pháp rõ ràng, minh bạch, ổn định,…và mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; (2) tính tham gia thể hiện ở chỗ bảo đảm cho mọi công dân quyền được sử dụng các quyền hợp pháp của mình để gây ảnh hưởng đến các tiến trình làm quyết định bằng cách bỏ phiếu, hội họp, lập tổ chức, phản đối, và vận động cho lợi ích hoặc ý kiến của mình, trong đó quyền lập các đảng chính trị hoặc tổ chức xã hội dân sự là hết sức quan trọng; (3) tính cạnh tranh trong các lựa chọn xã hội, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị trong các cuộc bầu cử thường kỳ, tự do và trung thực; (4) tính chịu trách nhiệm theo chiều dọc tức là việc các nhà lãnh đạo chính trị phải trả lời các chất vấn của cử tri và quần chúng; (5) tính chịu trách nhiệm theo chiều ngang tức là có chế độ kiểm tra lẫn nhau giữa các cơ quan khác nhau cùng cấp trong hệ thống quyền lực; (6) các quyền tự do dân sự, chính trị và xã hội của công dân; (7) quyền bình đẳng trong xã hội; (8) và cuối cùng là tính phù hợp với nguyện vọng nhân dân trong các chủ trương chính sách của nhà nước. Đây chỉ là một bản tổng hợp của một nhóm nghiên cứu mà ta có thể tham khảo. Khái niệm “dân chủ” đã trải qua một quá trình tiến hoá liên tục và lâu dài, ít nhất là từ cuối thế kỷ 18 đến nay, nếu không kể nguồn gốc từ thời cổ Hy Lạp của thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, và chắc chắn sẽ còn tiếp tục con đường tiến hoá lâu dài nữa trong tương lai. Dù có theo các tiêu chí kể trên thì có thể nói cho đến nay cũng chưa có quốc gia nào có dân chủ đầy đủ cả. Nói chung, bản thân tính “dân chủ” cũng như các tiêu chí của dân chủ đều là các thuộc tính hợp trội của một hệ thống cực kỳ phức tạp là xã hội loài người. Nội dung của các thuộc tính hợp trội đó như thế nào là tuỳ thuộc vào chính quá trình vận động và tương tác giữa các thành phần của hệ thống phức tạp đó. Nếu hạn chế hoặc thủ tiêu các quan hệ trao đổi và tương tác, và do đó tước bỏ cái đa dạng tự nhiên vốn có của hệ thống, thì tất nhiên kết quả của hợp trội cũng sẽ nghèo nàn; vì vậy nếu muốn xã hội phát triển phong phú và giàu có, tức là muốn quá trình hợp trội tạo nên được những trật tự mới có chất lượng cao hơn thì phải phát huy mạnh mẽ các tính tham gia cạnh tranh, các quyền tự do dân sự và chính trị của mọi công dân; nói cách khác, dân chủ là cần thiết cho phát triển, và hạn chế dân chủ là gây tổn thất cho phát triển. Mọi trật tự có chất lượng cao đều là do hợp trội mà thành, mà hợp trội là kết quả của bottom-up, của một tiến trình tổng hợp “từ dưới lên”, chứ không thể chỉ là của top-down, của chỉ đạo từ trên xuống. Trong xã hội ta hiện nay, dân chủ là cực kỳ cần thiết cho việc giải phóng mọi năng lực trí tuệ, mọi tiềm năng của tự do suy nghĩ, sáng tạo, mọi ham muốn của tinh thần tham gia, cạnh tranh và hiệp tác, v.v… trong mọi lĩnh vực, không có bất kỳ sự hạn chế nào, để cùng tham gia tích cực vào một tiến trình hợp trội chung của toàn đất nước, đưa đất nước đến những bước phát triển mới. Tôi tin rằng trong tiến trình hợp trội rộng lớn đó, những nhân tố hiệp tác sẽ tìm được nhiều cơ hội để hợp lực với nhau, và những nhân tố cạnh tranh sẽ không tạo nên những đối kháng mà là những bổ sung lành mạnh qua các khả năng học và thích nghi, bởi vì ta có một điều may mắn lớn là ngày nay, về nguyên tắc đất nước ta đã có được một lẽ đồng thuận lớn về hướng mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để cho niềm tin vào lẽ đồng thuận đó không biến thành ảo tưởng, thì trước hết cần tôn trọng và phát huy đầy đủ mọi năng lực tham gia của xã hội. Ta thường đề cao tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc, nhưng từ trước đến nay sự đoàn kết đó đều được hiểu là đoàn kết để tập hợp thành một khối nhất trí tuân theo sự chỉ huy của một đảng, để thực hiện chủ trương, chỉ thị của một đảng, tức đoàn kết là phải biến nhiều thành một, biến muôn triệu thành một. Điều đó có thể biện minh được trong tình thế chiến tranh; nhưng trong điều kiện phát triển hiện nay, biến nhiều thành một là làm nghèo đi cả một dân tộc, là một tội lớn đối với đất nước. Hợp trội nếu bị buộc theo hướng biến nhiều thành một là một sự huỷ diệt, là sự giết chết của toàn thể hệ thống. Không thể chấp nhận một kiểu “hợp trội” như vậy, mà thực tế cũng khó có một hệ thống tự nhiên nào hợp trội theo kiểu đó. “Nhiều” phải được biến thành nhiều hơn, mỗi cái một trong hệ thống qua tự do tương tác và trao đổi, qua thích nghi, phải học được từ những cái một khác nhiều điều mới để trở thành lớn hơn chính mình, nhiều hơn chính mình, và qua hợp trội, một phải biến thành nhiều, để toàn hệ thống biến thành phong phú hơn, giàu có hơn chính mình qua mỗi chu trình tiến hoá. Ý nghĩa của dân chủ, của đoàn kết phải là như vậy. 

 

Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới vào thập niên cuối của thế kỷ 20 đã sụp đổ, là do, như lời của V. Putin, đã đi lạc vào ngõ cụt xa rời xa lộ chính của văn minh nhân loại là thị trường và dân chủ. Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa cũ, bằng cách này hay cách khác đều tìm đường quay trở lại xa lộ chính đó, có người nhanh kẻ chậm, có người đi thẳng, có kẻ đi vòng. Nước ta cũng không thể tự xem là một ngoại lệ, và trên thực tế ta cũng đã chấp nhận hội nhập vào dòng người trên xa lộ đó. Và thực tiễn cũng đã dạy ta rằng con đường hội nhập là đầy khó khăn, riêng đối với nước ta khó khăn còn ở chỗ khi quay về với xa lộ chính, điểm xuất phát của ta về nhiều mặt kinh tế, xã hội, văn hoá,… đều còn thấp. Đòi hỏi ngay lập tức kịp theo người ta là ảo tưởng, nhưng tự mình làm chậm bước đi của mình thì không chấp nhận được. Ta đã thường nói đổi mới tư duy là nhân tố hàng đầu quyết định tốc độ của đổi mới nói chung. Vì vậy, ta phải tìm kiếm trong những dòng tư duy đổi mới rất phong phú trên thế giới hiện nay những gì có thể giúp ích cho đổi mới tư duy của ta. Xin được xem một số điều trình bày trong bài này là những đóng góp nhỏ bé (và có thể còn quá sơ sài) của một công dân bình thường trong quá trình chung của sự hợp sức tìm kiếm đó.

 

Xin chân thành cảm ơn.

 

Vài điều bàn thêm

 

   Sau khi bài tham luận trên đây được phổ biến trên trang web của Hội thảo Hè Đà Nẵng 2005, tôi có hân hạnh được đọc một số bài góp ý và phê phán, trong đó có bài của tác giả Nguyễn Trung Lương[6] và của tác giả Hồng Việt[7] có những ý kiến phê phán và bàn luận trực tiếp với bài tham luận của tôi mà tôi muốn sớm có vài lời trao đổi sau đây để tránh hiểu lầm và được tiếp tục cùng nhau bàn luận.

           

Trước hết xin nói về "đổi mới tư duy" và vai trò của khoa học trong sự đổi mới đó. Chắc ai cũng đồng ý rằng nếu không có đổi mới tư duy, đặc biệt là đổi mới tư duy về kinh tế, thì khó mà có được những cải cách kinh tế như đã xảy ra ở nước ta trong hai chục năm qua. Và vì những cải cách đó tuy đã mang lại nhiều biến chuyển to lớn về phát triển kinh tế nhưng chưa đủ để tạo nên những chuyển đổi cần thiết cho sự phát triển xã hội trong xu thế hiện đại hoá và hội nhập hiện nay, nên cần tiếp tục đổi mới tư duy để có thêm những căn cứ suy nghĩ mới giúp ta tư duy tiếp tục về đổi mới, xác định được con đường cần tiếp tục cho sự nghiệp đổi mới mà chúng ta phải đi. Dựa vào đâu để tiếp tục đổi mới tư duy? Tất nhiên phải dựa vào hướng mục tiêu mà ta muốn đi đến, dựa vào sự phân tích tình trạng phát triển kinh tế xã hội của ta hiện nay, vào xu thế phát triển của thế giới, vào những hiểu biết và kinh nghiệm mà ta đã tích luỹ được, vân vân... Và trong những thứ mà ta dựa vào đó, khoa học cũng là một căn cứ mà ta cần tính đến. Khoa học vốn từ đầu đã được phát triển để nghiên cứu về tự nhiên và trong lĩnh vực đó nó đã đạt được nhiều kết quả chính xác đến mức kỳ diệu, và rồi về sau, chủ yếu từ đầu thế kỷ 20, đã được mở rộng sang các nghiên cứu về kinh tế, xã hội. Trong các lĩnh vực mới này, khoa học không đạt được những kết quả chính xác như đối với khoa học tự nhiên, vì nhiều lẽ mà quan trọng nhất là do các phương pháp khoa học truyền thống (khảo sát thực nghiệm, suy luận lôgích,...) không đủ sức vươn tới cái phong phú hết sức đa dạng, phức tạp và biến hoá khôn lường của các hệ thống thực tế trong kinh tế, xã hội. Nhưng khoa học không đứng yên một chỗ. Từ các thập niên cuối thế kỷ 20 đến nay, khoa học đang cố thoát ra khỏi cái khuôn khổ vàng son một thời của mình để hy vọng thấu hiểu được cái giàu có đầy phức tạp và đa dạng của cả tự nhiên và xã hội. Và trong xu thế đó, khoa học về phức tạp là một hướng cố gắng có nhiều triển vọng. Như vậy, ta không xem khoa học là căn cứ tuyệt đối chính xác cho đổi mới tư duy của ta, nhưng cũng nên tìm kiếm trong sự phát triển của khoa học những nguồn ý tưởng mà ta thấy là phù hợp và hữu ích cho những suy nghĩ mới của chúng ta. Ngày nay ta có cái may mắn là không phải tin vào bất kỳ một thứ chân lý tuyệt đối nào cả, kể cả cái gọi là chân lý khoa học, khoa học được phát triển không phải để ban cho con người các chân lý, mà khiêm tốn hơn, để cho con người các hiểu biết nhằm tìm kiếm các giải pháp mà con người gặp phải trong cuộc sống của mình, vậy thôi. Cũng vì hiểu như vậy về sứ mệnh của khoa học, nên tôi khá ngạc nhiên khi được tác giả Nguyễn Trung Lương gán cho quan điểm tư duy khoa học (tự nhiên) sẽ giúp ta thoát ra khỏi sự mù quáng trước thực tại phức tạp, giúp ta nhận thức và giải quyết những vấn đề nhân sinh (kinh tế, chính trị, xã hội) hoàn thiện hơn, và tác giả Hồng Việt phê phán trong phần đầu của bài đó. Cũng xin nói thêm là tôi không hề nêu lên bất kỳ luận đề nào về việc một nước có nhiều nhà khoa học lỗi lạc, một nền khoa học tiên tiến thì ắt phải có một xã hội dân chủ tiến bộ cả, như được phê phán trong bài Nguyễn Trung Lương.

 

Một vấn đề quan trọng mà tôi muốn được bàn luận thêm là về mục tiêu trước mắt của việc tiếp tục đổi mới và cách thức đi đến đó. Nói gọn theo kiểu ông Putin là thị trường và dân chủ hay theo cách nói của ta dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh thì về thực chất cũng là một thứ xã hội chủ nghĩa dân chủ, cơ bản không khác gì nhiều lắm với quan niệm của các đảng xã hội dân chủ và Quốc tế xã hội về khái niệm đó. Ở nước ta, bao lâu nay vẫn thịnh hành một cách hiểu mập mờ về các khái niệm này. Người ta nói xây dựng một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, với hướng mục tiêu là dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, mập mờ là ở cụm từ định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn (muốn) được hiểu là do một đảng cộng sản lãnh đạo, một chế độ kiểu chuyên chính vô sản, một nền kinh tế có lãnh đạo với hình thức sở hữu nhà nước là chủ đạo, v.v... Tiếp tục đổi mới tư duy trong lúc này là cần phải giải quyết những mập mờ và mâu thuẫn này để đất nước vững bước tiếp tục con đường của thị trường và dân chủ, hay con đường chủ nghĩa xã hội dân chủ là cái đích thực tế gần nhất mà công cuộc đổi mới của ta cần đi tới. Đất nước ta từ vài chục năm nay đã không hoàn toàn là một xã hội quan liêu (chữ dùng trong bài của Nguyễn Trung Lương) nữa, trong xã hội đã xuất hiện một tầng lớp doanh nhân hoạt động trong những lĩnh vực tương đối tiên tiến của nền kinh tế, kết cấu xã hội đang có những biến đổi. Dân chủ, với những thuộc tính cơ bản của nó như tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và báo chí, tự do lập hội, tự do ứng cử và bầu cử, v.v..., đang càng ngày càng trở thành đòi hỏi tự nhiên của sự phát triển xã hội.

 

Trong thực tế xã hội ta hiện nay, Đảng Cộng Sản đang nắm độc quyền lãnh đạo, một tư duy đổi mới theo hướng tạo nên một cuộc chuyển đổi trong hoà bình, hoà hợp và hoà giải dân tộc, theo tôi nghĩ và đã nhiều lần phát biểu từ cuối những năm 1980 đến nay, phải được xuất phát từ chính lực lượng đang nắm quyền lãnh đạo đó. Có thể là tôi quá lạc quan, nhưng một đảng đã thực hiện công cuộc đổi mới từ hai chục năm nay, tại sao lại không thể tiếp tục đổi mới tư duy để tiếp tục con đường đổi mới cần thiết trong những chặng đường trước mắt?  Kinh nghiệm chuyển đổi ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa cũ, của các nước theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, sự biến đổi ở nhiều đảng cộng sản trong thời gian gần đây[8] chắc chắn cũng là những kinh nghiệm quí giá đáng được học hỏi. Tôi tán thành ý kiến của anh Cao Huy Thuần trong một phỏng vấn báo chí gần đây,[9] khi anh nói ...bước đi đầu tiên hiển nhiên là ý muốn thực sự đến từ bên trên. Chừng nào tôi chưa thấy ý muốn đó, mọi bàn luận chỉ là viển vông. Chính vì với ý nghĩ (hay mong muốn) đó mà tôi cho rằng khởi đầu cho một giải pháp thực tế hiện nay là Đảng Cộng Sản Việt Nam tự chuyển đổi thành một đảng xã hội dân chủ, chấp nhận một chủ nghĩa xã hội dân chủ, đó là khởi đầu chứ không phải là "giải pháp trọn vẹn" như bị phê phán trong bài của Nguyễn Trung Lương. Tất nhiên sau cái khởi đầu đó (nếu có) thì hẳn còn nhiều chuyện phải làm, nhưng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều!

 

Trên đây là một vài ý kiến mà tôi mong được bàn thêm. Về các vấn đề khác, xin có dịp sau này sẽ được tiếp tục bàn đến.

 

8/11/2005

 

* Bản duyệt lại của bài phát biểu tại Hội Thảo Hè 2005 “Tiếp Tục Đổi Mới Kinh Tế và Xã Hội để Phát Triển”, tổ chức tại Đà Nẵng ngày 28-30/7/2005 với sự hỗ trợ của VAPEC, Vietnamese Heritage Institute và Đại học Đà Nẵng. 


 

[1] Phan Đình Diệu, 2002, Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy", Thời Đại, số 6, năm 2002, trang 87-116 [http://www.thoidai.org/TD6_PhanDinhDieu.pdf]

[2] Một trong những công trình đầu tiên nghiên cứu luật tỷ suất lợi nhuận biên tăng dần là của A. A. Young, 1928, Increasing Returns and Economic Progress”, The Economic Journal, bộ 38, tr. 527-542. Luật tỷ suất lợi nhuận tăng, các vòng liên hệ phản hồi dương trong kinh tế, v.v… đã được nhiều nhà kinh tế học quan tâm nghiên cứu trong vài thập niên gần đây. 

[3] Xem bài tham luận của Vũ Quang Việt, Võ Đại Lược, Nguyễn Xuân Thắng, v.v…trong Hội thảo. [http://hoithao.viet-studies.org/Hoithao2005.htm]

[4] Vladimir Putin. “Nước Nga trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba”. Báo Độc Lập, Nga. Bản dịch tiếng Việt của Thông tấn xã Việt Nam.

[5] Xem Larry Diamond và Leonardo Morlino, 2004, “The Quality of Democracy. An Overview”, Journal of Democracy, bộ 15, số 4, tr. 20-32.

[6] Nguyễn Trung Lương, 2005, Suy luận về “Đổi mới”. Xin bàn với ông Phan Đình Diệu, talawas ngày 22 tháng 10 [http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5607&rb=0403]

[7] Hồng Việt, 2005, Phê phán sự phê phán của bài báo Thực chất của cái gọi là khung mẫu tư duy mới, talawas ngày 13 tháng 9 [http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5342&rb=0307]

[8] Theo tài liệu của Quốc tế xã hội thì trong các năm gần đây, Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng đã tham gia các hoạt động của Quốc tế xã hội (dù chỉ mới với tư cách quan sát viên). Đảng Cộng Sản Nhật Bản, trong Tuyên ngôn gần đây của mình, đã công khai chấp nhận xây dựng một chủ nghĩa xã hội dân chủ đa đảng, có đảng đối lập và có thể có sự thay đổi chính phủ qua bầu cử tự do (tham khảo các website của Quốc tế xã hội và Đảng Cộng Sản Nhật Bản).

[9] Cao Huy Thuần, 2005, “Bổ túc một bài phỏng vấn”, Thời Đại Mới, số 6, tháng 11.

 

 

©  Thời Đại Mới

 

Trở về trang chủ Thời Đại Mới

 

12-12-05